Làng ấy nằm bên một vịnh nhỏ, xung quanh núi tuyết cao ngất vây bọc. Khi biển và thung lũng đã phủ bóng tối thì những tia sáng cuối cùng cũng còn hắt lên bầu trời chuú phản quang màu hồng và màu vàng. Papích và Ivalú chưa bao giờ thấy một cộng đồng lớn như thế. Sau ngôi nhà tập thể, nhà tạm làm bằng tuyết, đất và xương cá voi. Ngoài ra còn hai mươi nóc nhà chóp bằng đá của các hộ gia đình. Và còn có cả một nhà làm hoàn toàn bằng gỗ.
Cả khách lẫn chủ đều tò mò. Dân làng chạy ùa ra vây quanh chiếc xe chở những người mới đến. Lúc đầu họ còn rụt rè nhưng càng về sau càng bạo dạn. Đàn ông đàn bà lục lọi đồ đạc của khách. Họ thét lên vui sướng khi vớ được những tảng thịt gấu trước ánh mắt hồ hởi của Erơnênếch. Nhưng rồi anh nếm ngay một sự hờ hững của họ trước một sự kiện khác làm lu mờ chuyện anh đến đây.
Đó là một chiếc tàu từ hướng mặt trời đang tới đây. Nó len lỏi chạy giữa các khối băng trôi. Nó vừa phun khói, vừa lừ đừ tiến vào vịnh, rồi hạ xuống đưa sáu người da trắng và một số lớn thanh gỗ, hòm xiểng vào bờ. Chiếc tàu lại phun khói và ra đi ngay tức khắc vì sợ băng giam cho đến mùa xuân năm sau. Những cái hòm thì chứa đồ dùng và những dụng cụ huyền bí, còn gỗ thì để dựng một ngôi nhà toàn gỗ từ nền cho đến mái. Trong ngôi nhà ấy những kẻ mới đến sống qua mùa đông bằng lò sưởi than, ăn đồ hộp và uống nước chai.
Asiác cam đoan rằng những người ngoại quốc đó không phải những kẻ đi thi hành pháp luật, mà là nhà thám hiểm đi nghiên cứu địa hình chứ không quan tâm tới tên tuổi của từng người dân.
Họ đợi đại dương đóng băng để tiến xa hơn nữa về phương Bắc, đến tận vùng mà ngay người Eskimo Bắc Cực cũng đang nghĩ cách vượt qua. Cuối cùng họ đã hiểu ra rằng không nên tiến hành cuộc đi như những người da trắng khác đã làm trước đây mà nên thạo cách những người địa phương. Bởi vậy họ mang ít đồ ăn dự trữ, nghỉ ngơi ở trên băng, lấy thức ăn và năng lượng của đại dương mà tiến lên phía trước.
Erơnênếch biết được tất cả điều đó là nhờ Siôrakitsốc, lão thầy lang địa phương ở ngôi nhà tuyết. Nhà ông là nơi tập trung toàn thể dân làng để biết những tin tức do gió từ lãnh thổ người chết mang tới.
Papích và Ivalú ngạc nhiên, lẫn lộn vì những tin tức xung quanh, vì những khuôn mặt xa lạ đó. Nhưng mặc dù ngạc nhiên đến mấy cô vẫn nhận ra Milắc đang ngồi ở đằng xa trong ngôi nhà đó.
Siôrakitsốc là một ông già gày gò, song dồi dào sinh lực, mắt sâu và hầu như bị che khuất bởi bóng cái trán dô. Lão bị liệt và hầu như điếc đặc. Lão nổi tiếng vì sự giao tiếp mật thiết với các thần. Lão đã rụng sạch răng từ lâu. Hai người cháu, có lẽ là chắt, là Tocngếch và Nêghê phải nhai nhỏ đồ ăn và bón cho lão.
Tocngếch, cô cháu già hơn có hai ông chồng là thợ săn đã xuống sức. Hai người thoả thuận chia nhau những chi phí vui buồn của cuộc sống vợ chồng. Trái lại, chồng của Nêghê là người đi săn giỏi, là đàn ông thực sự nuôi dưỡng gia đình. Anh Ácgô chồng chị, rất hãnh diện vì có nhiều miệng ăn lệ thuộc vào mình và vì tất cả mọi người đều ghen tị, khâm phục và coi trọng anh.
Ácgô không chỉ có khẩu súng nhiều chiến tích mà nhà anh là ngôi nhà duy nhất có lò sưởi tuy cổ lỗ nhưng vẫn hoạt động tốt khi cho đầy xăng dầu. Trước đây cái lò sưởi này chỉ dùng để làm tan tuyết để cho người da trắng biết có cái gì không những thức ăn nấu ấy. Người Eskimo "phương Nam" là chỉ nhóm nhỏ người Bắc Cực sống ở phía nam. Nhưng đối với họ tất cả người lạ đều là người phương Nam, còn đối với người da trắng thì cái làng này là thành trì cuối cùng của phương Bắc có người sống. Hơn nữa dân chúng làng này trước đây chưa bao giờ thấy người da trắng, trừ Milắc là một người hay đi xa và lão Siôrakitsốc nhìn thấu tất cả, kể cả Thần mặt trăng.
Một chiếc nồi đá lớn đầy tuyết và mẩu thịt gấu của Erơnênếch được đặt lên chiếc bếp dầu vì người da trắng nhượng cho họ một ít dầu hoả.
Một cái chậu lớn đựng nước tiểu để ở góc nhà cho mọi người kể cả khách đi tiểu. Nước đái được dùng để thuộc da, thuộc quần áo hay gội đầu. Đa số đàn ông đàn bà đều hút thuốc bằng tẩu. Mùi thuốc lá toả ra không khí quyện với mùi dầu hoả, mùi thịt luộc, nhất là mùi nước tiểu làm khổ cái mũi nhạy cảm của người phương Bắc. Người phương Bắc bao giờ cũng bỏ nước tiểu ra ngoài nhà. Họ có thói quen đó là một biểu hiện tiến bộ so với những thứ tập tục bẩn thỉu đáng khinh của người phương Nam.
Nhưng trong khi Asiác nhăn mũi và hai anh em Papích hoảng sợ thấy phong tục kỳ lạ đó thì Erơnênếch trái lại, mặt mày rạng rỡ vì có bạn mới.
- Vì sao những người da trắng này muốn đi về phương Bắc? - Anh thét lần thứ ba vào cái tai lớn nhưng mất thính giác của Siôrakitsốc.
- Họ muốn xem ở nơi ấy có gì - Lão thầy lang già lẩm cẩm cười đáp, phô cái miệng móm mém.
- Có người muốn kể cho họ nghe về phương Bắc. Ở đó có băng, những núi băng lớn, và cả đất nữa, nhưng đất bị phủ một lớp băng vĩnh cửu. Và trên băng có gió, đôi khi có gấu. Dưới băng có cá và hải báo.
Sau mỗi câu nói anh lại cười vang.
- Ông nói với người da trắng rằng đừng mất thời giờ vô ích - Anh tiếp - Họ sẽ chẳng tìm thấy cái gì khác nữa đâu.
- Chắc họ muốn nhìn tận mắt. Họ không tin lời kẻ khác.
- Vì sao?
- Có lẽ họ không thạo nhiều tiếng ta. Họ nói họ muốn thu hình tất cả những gì nhìn thấy. Họ muốn đo lạnh và cân gió - Siôrakitsốc nghiêng người về phía trước, từ hố miệng đen ngòm trên khuôn mặt phủ đầy vết nhăn của lão phát ra tiếng cười. Mọi người cũng cười theo, mặc dù một số người cũng không hiểu được vì sao mà cười.
- Họ hứa cho mỗi người dẫn đường một khẩu súng, một con dao thép và một túi đồ dự trữ, làm cho trẻ con, người già ai cũng muốn đi. Nhưng rất khó thuyết phục họ là cần phải mang theo đàn bà: họ tin có thể đi mà không cần đến đàn bà!
Tiếng cười lại rộ lên.
- Sao họ ngu ngốc thế! - Siôrakitsốc tiếp, vì điếc nên lão không biết câu chuyện của mình thường bị tiếng cười làm ngắt quãng. Chuỗi lời nói của lão cứ tuôn ra liên tục - Vậy ai thắp đèn khi đàn ông đi bằng xe trượt? Ai chuẩn bị nước chè khi họ đi săn?
- Vậy họ quyết định thế nào? - Erơnênếch sốt ruột.
Siôrakitsốc không nghe thấy câu hỏi, cứ thản nhiên tiếp tục:
- Ai hong khô quần áo khi họ ăn, khâu vá và đập mềm quần áo khi họ ngủ? Bởi thế một thầy lang bình thường khuyên họ nên mang theo ít ra là vài người đàn bà không có mang. Cuối cùng người da trắng đã nghe ra.
- Hãy tha thứ cho một người đàn bà lắm mồm dám nói trước những người đàn ông quan trọng - Asiác nói - Có người nghĩ rằng lời khuyên của ông rất thông minh, sáng suốt.
Nhận xét này Siôrakitsốc nghe rất rõ và lão gật đầu tán đồng. À ở đây có một người đàn bà thực sự thông minh và láu lỉnh!
- Có người muốn nhập vào cuộc hành trình của người da trắng - Erơnênếch nói.
Asiác bỗng nhiên ngẩng đầu, nhưng không nói gì. Còn Ivalú thì ngượng nghịu thốt:
- Người da trắng sẽ không biết làm gì với một người hỏng lưng đâu! Bố đến đây là để chữa lưng chứ không phải để thám hiểm.
Erơnênếch tức giận giậm chân quát:
- Làm sao mày dám nói với bố mày như thế hở đứa con gái đần độn còn chưa cười được với đàn ông kia! Thế giới đảo lộn rồi à?
Sau đó, anh nói với Siôrakitsốc:
- Có người nghe nói ông có thể đuổi được con ma làm đau đớn. Ông có muốn chữa cái lưng bị ma trêu quỷ ám để có người có thể đi theo người da trắng được không?
Siôrakitsốc lại như điếc đặc. Erơnênếch phải lại gần hơn và cả Ácgô nữa, hai người gào thét vào hai lỗ tai nhiều lần điều anh nói.
Cuối cùng Siôrakitsốc ra hiệu mình đã hiểu.
- Trông những người da trắng có một thầy lang biết làm những chuyện lạ kỳ như đâm chiếc kim nhỏ vào tay làm ta mất cảm giác, hay cắt sâu vào thịt mà không gây chảy máu. Vì sao anh không thử chữa thầy lang da trắng trước? So với ông ta, tôi chỉ là một kẻ lừa dối đáng thương thôi.
- Hãy thử xem người da trắng có tôn trọng chúng ta và thích các món ăn của chúng ta không - Ácgô nói - Chúng ta nấu thịt gấu ho họ mà chưa bao giờ thấy họ đụng đến.
Khi sáu người ngoại quốc bước vào nhà, tất cả đều im lặng. Papích và Ivalú hoảng sợ. Chúng còn quá nhỏ khi có một người da trắng sống qua mùa đông trong ngôi nhà nấm bằng băng của chúng, và giờ đây chúng không nhớ lại được nữa. Những người này đi ủng nên không ai nhìn thấy bàn chân. Tất cả đều còn trẻ, khỏe mạnh và nhiều râu. Một người trong bọn họ nói tiếng Eskimo rất sõi. Anh ta giải thích laàviên chỉ huy người da trắng đồng ý tiếp nhận Erơnênếch vào đoàn và sẵn sàng chữa lưng cho anh.
Cuộc khám bệnh quá ngắn ngủi. Erơnênếch cởi áo quần. Viên thầy thuốc da trắng, sau khi dùng cùi tay lách đám đông tò mò vây quanh, đến bên Erơnênếch dùng tay sờ nắn cái lưng vạm vỡ của anh và làm anh buồn cười vì nhột. Cuối cùng, thầy thuốc đứng dậy phán: "Không sao cả."
Mọi người quay về phía Siôrakitsốc thích thú chờ đợi. Bây giờ đến lượt thầy lang.
- Một thầy lang ngốc nghếch sẽ cho một ít máu ở lưng chảy ra để con ma quấy rầy sẽ cùng máu ra theo. Tocngếch, hãy mang dụng cụ ra đây!
Trong khi người cháu vâng lời đi lấy đồ nghê, Siôrakitsốc vừa dùng tay đấm lưng Erơnênếch, vừa không ngớt phát ra tiếng kêu của diệc, chó, chó sói và gấu. Khi thấy lưng mềm lão lấy một con dao nhọn bằng đá silich làm dùi và dùng một tảng đá khác làm búa khoan vào đốt xương sống thứ năm. Khi rút con dao, máu từ chỗ mổ phun ra, Siôrakitsốc cúi mình, áp môi vào vết thương và phồng miệng hút máu.
- Bây giờ mang cho tôi một chiếc đèn - Lão hạ lệnh, rời miệng khỏi vết thương và liếm mép. Lão lấy bấc đèn đang cháy áp vào vết thương rồi thổi bùng lửa.
Erơnênếch ngồi im.
Khi bấc đèn cháy hết, Siôrakitsốc thét:
- Bây giờ tất cả hãy trùm đầu, tắt đèn và mở lỗ thông hơi trên trần nhà để con ma chạy ra!
Lỗ thông hơi trên trần nhà được mở, đèn tắt và mỗi người dùng áo trùm đầu. Ma quỷ, những thực thể rất nhạy cảm, sẽ xấu hổ khi người ta thấy nó trốn. Trong bóng tối những người ngồi xung quanh cùng Siôrakitsốc bắt chước tiếng thú. Họ gõ mạnh để đuổi ma đi nhanh. Trong khi đó Siôrakitsốc lại châm vào lưng Erơnênếch để cơn đau này làm quên cơn đau trước.
Cuộc lễ kéo dài một khoảng thời gian mà người bệnh thấy rất lâu. Cuối cùng lão thầy lang với giọng khàn khàn cho phép tất cả mọi người thôi trùm đầu và thắp đèn. Lão mệt mỏi hạ lệnh đưa cho mình một tấm da chuột chũi vẫn thường dùng làm giẻ lau, thấm nước bọt vào đó rồi bịt vào vết thương đã bị bấc đèn cháy đốt hỏng. Erơnênếch kéo quần lên thấy có phần dễ chịu.
- Anh có thể cúi được chứ?
- Không - Erơnênếch đáp.
- Điều đó có nghĩa là trong người anh vẫn còn con ma - Siôrakitsốc trách - Một hai ngày nữa sẽ làm lại.
Sau đó mọi người vui vẻ trở về ngồi chỗ của mình. Đàn ông ngồi thành vòng tròn, đàn bà ngồi sau lưng họ và sẵn sàng phục vụ, cười đùa với chồng.
Bấy giờ tất cả mọi người đều đói mềm. Họ liền bày ra tất cả các món ăn ngon: dạ dày bò biển đầy rong rêu, vịt con để mềm hai năm trong bụng đầy mỡ, ruột chim chất đầy da diệc, gan ruột tuần lộc, các mầu mút đường của người da trắng trộn với mỡ và cứt hươu làm cho món ăn càng ngon.
Chiếc nồi đặt trên bếp dầu cũng bắt đầu sôi, mùi thịt gấu thơm thơm toả ra làm điếc mũi người xung quanh. Những tiếng cười rộ, la hét vui sướng vang khắp phòng.
- Bất cứ người nào cũng thấy mình may mắn có mặt ở đây với nhiều phụ nữ - Siôrakitsốc tìm cách an ủi Erơnênếch đang ngồi với gương mặt ỉu xìu tối sầm hơn cả mùa đông.
- Nhưng không làm được gì với cái lưng thẳng đơ - Ácgô nói. Nhận xét của anh làm mọi người cười ồ lên.
- Thế thì chắc phải nguy hiểm lắm cho một người đàn bà? - Một người chồng của Tocngếch nói với Asiác. Chị bật cười và lẩn tránh câu trả lời.
- Một người đàn ông không nguy hiểm cho gấu thì cũng không thể nguy hiểm đối với đàn bà - Ácgô nói - Có phải thế không?
Nếu lúc khác thì Erơnênếch đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc được sống giữa đám đông người vui nhộn như vậy, nhưng ngày hôm nay thì không. Chưa bao giờ lại có chuyện người ta loại anh ra khỏi những công việc mạo hiểm, mà lại chính những người phương Nam này. Chuyện đó có vứt bỏ hết những nếp nhăn trong dạ dày cũng không thể xoá được cay đắng trong lòng anh.
Đứng sừng sững dưới mái nhà bằng tuyết, xà nhà bằng xương cá voi, trong ánh sáng vàng đục mùa thu do băng hắt vào và qua cửa sổ che bằng da bóng đái tuần lộc, Erơnênếch là một nhân vật nổi bật trong bộ quần áo bằng da gấu. Anh không cao, nhưng vạm vỡ, chắc nịch ăn đứt tất cả mọi người có mặt ở đây. Anh có bộ răng tuyệt vời. Tóc mọc rất rậm. Tiếng nói anh vang động khắp nhà.
Anh nhổ mạnh nước bọt, với giọng nói kiên quyết anh thét to để chính Siôrakitsốc cũng nghe được.
- Thật xấu hổ cho cái nhóm người phương Nam bất hạnh này, phải dùng hàng trăm con chó để săn gấu, và chỉ thích săn hải báo hơn vì ít nguy hiểm, lại dám lên mặt trước người chỉ một mình đã giết chết nhiều gấu hơn hải báo. Các anh đã ai dám đánh nhau với gấu sau khi bị nó bẻ gãy giáo và dùng dao phanh bụng nó chưa? Các anh có người nào đã nhiều lần xách hải cẩu lên khỏi nước, tóm lấy mõm nó rồi dùng tay không đập vỡ đầu nó rồi chứ?
Sau mỗi câu nói của anh, mọi người lại cười rộ lên như sau mỗi lời pha trò. Điều đó càng làm anh tức sôi máu. Không phải là không có người nào tin lời anh nói, nhưng đây là lần đầu tiên họ nghe một người huênh hoang trước đám đông. Asiác hiểu rõ cách cư xử của Erơnênếch trong xã hội còn có nhiều cái vụng về, thô thiển, và chị rất bối rối. Nhưng Papích và Ivalú thì nổi giận vì người ta cười cợt bố mình. Chúng cho rằng sự có mặt của Erơnênếch trong bất kỳ đám đông nào cũng phải được coi như là một sự trang điểm và vinh dự. Papích mặt đỏ bừng bật dậy thét:
- Bố tôi nói đúng đấy!
Và Ivalú hằm hằm nói thêm:
- Nếu các người không biết Erơnênếch thuộc loại người nào, chứng tỏ người phương Nam không biết gì hết!
Để cho mọi người biết anh thuộc loại người nào, Erơnênếch nâng chiếc chảo nặng đựng chè và đập tan xuống đất.
Tiếng chân Erơnênếch lạo xạo bước trên lớp băng mỏng mùa hè phủ lên những quả đồi dọc bờ biển. Anh hơi mệt do đi nhiều. Chóngặmt vì mất máu, còn lưng thì đau ê ẩm, nhức nhối lan đến tận chân. Nhưng chịu đựng đau đớn còn dễ hơn là ý định chứng minh cho bọn người phương Nam bất lực này biết khả năng của một con người thực sự.
Anh rời bỏ cuộc vui ở nhà Siôrakitsốc. Trời lặng gió và mát mẻ. Những tiếng rì rầm trong làng vọng tới tai Erơnênếch. Khi trời ấm, có tuyết rơi, tiếng động không đi xa, nhưng khi trời lạnh có thể nghe được tiếng người nói cách xa một ngày đường. Anh nghe thấy tiếng một con chó sủa, tiếng trẻ con nô đùa dùng da hải báo ngồi trượt dốc. Sau cùng là tiếng vo ve của hàng nghìn con muỗi nhỏ dập dờn bay trước mũi mình. Một vài con mắc vào họng, vào mũi toả ra vị chua ngọt.
Đến chân băng hà, anh dán mắt xuống đất cho đến khi bắt gặp vết chân gấu. Đó là một con gấu đói vì vết chân của nó rất chụm, móng vuốt quặp vào trong, điều chỉ thấy ở một con gấu gầy.
Erơnênếch đi theo vết chân gấu đến tận bên kia bờ băng hà, nhưng đến chỗ toàn đá khi phát hiện ra phân gấu đằng xa, anh tìm lại được dấu chân của nó ở một hẻm đá. Nền đất được phủ một lớp tuyết mới nhưng sườn núi thì nhẵn trơn. Vì cố sức leo lên núi, anh càng đau lưng và đau cả thận nữa. Anh phải chống giáo để đi. Anh không mang theo cung tên, cho dễ bề hoạt động nhưng có giắt trong giày một con dao rất sắc.
Phía sau một tảng đá, một chú gấu con lông ngắn đang gậm chân đùa nghịch. Đôi mắt nhỏ ngạc nhiên ngắm nhìn cái thế giới còn chưa cho nó nếm mùi nguy hiểm.
Erơnênếch bị ngã sấp, rên lên vì đau đớn. Chú gấu con quan sát hình thù kỳ lạ nằm trên tuyết mà nó tưởng là đó cũng là một con gấu. Sau đó gấu con đến bên Erơnênếch, dùng chiếc mõm nhỏ bóng loáng hít hít đánh hơi, không phải vì thận trọng mà vì tò mò.
Mùi người không báo cho nó một điều gì.
Cụoc gặp gỡ đầu tiên của nó với người thật bất ngờ và bất hạnh. Đột nhiên Erơnênếch dùng tay tóm chặt lấy cái cổ mềm mại âm ấm của con gấu. Erơnênếch vừa thốt lên đau đớn vì quá cố sức, vừa đứng thẳng dậy dựa lưng vào vách đá trong khi gấu kêu chít chít thè chiêế lưỡi xanh và hàm răng trắng muốt không ngừng lắc lư. Khi con vật đã yếu sức Erơnênếch dùng giáo đâm vào chiếc bụng đỏ và béo tròn của nó, con gấu con lại kêu lên.
Cùng lúc ấy gấu mẹ xuất hiện.
Erơnênếch nghe tiếng gấu mẹ thở nặng nề ở vách đá trên đầu anh. Anh dựa lưng vào vách đá chuẩn bị chiến đấu.
Gấu mẹ di chuyển nhanh nhẹn trên những tảng đá hiểm trở, gầm gừ đe doạ, rồi lao thẳng vào người Erơnênếch. Anh phải dùng xác gấu con để làm lá chắn để giảm sức tấn công của gấu mẹ và tranh thủ thời gian nắm lấy giáo.
Khi gấu mẹ đứng thẳng dậy thì chiếc giáo bất ngờ đâm thẳng vào chiếc mõm mở toang hoác của nó và cắm vào cuống họng. Con thú dùng chân trước gỡ và bẻ gãy chiếc giáo làm cho vết thương càng thêm rộng. Hầu như gấu mẹ không kêu lên được một tiếng nào, chỉ thấy một dòng máu sủi bọt chảy mạnh ra ngoài không khí lạnh và sau đó là tiếng ồng ộc. Cuối cùng gấu mẹ gục xuống trong khi gấu con hồi sức lại, kêu lên và bỏ chạy. Erơnênếch nhìn xung quanh để xem gấu đực đã đến chưa.
Và quả thực gấu đực đang đi đến.
Nhưng con gấu này có lẽ kém mắt nên chưa phát hiện ra kẻ thù và con gấu cái đang hấp hối. Nó đi vòng quanh tai vểnh lên nghe ngóng, mũi đánh hơi mùi gió.
Nếu là lúc khác thì Erơnênếch đã nhấm ướt môi trên để xác định hướng gió nhưng giờ đây da anh đã không còn cái cảm giác tinh nhạy ấy nữa. Anh bèn thử bằng cách lấy một nhóm lông áo và quẳng ra không khí. Anh biết chắc con gấu đang ở đầu gió. Biết là không có cách nào rút được chiếc giáo còn mắc trong họng con gấu cái đang chết cách đấy vài bước mà không để gấu đực nhận ra, vì người và gấu chỉ cách nhau có một vách đá. Erơnênếch quyết định đứng im đợi.
Anh lắng nghe hơi thở của gấu đực và thỉnh thoảng anh cảm thấy như con thú cũng ngừng thở nghe ngóng. Con gấu bỏ đi xa dần. Lúc này Erơnênếch đã có thể lấy được cây giáo. Anh sẽ cho gấu nhảy múa. Anh cười và nghĩ tới sự thán phục của dân làng khi nhìn thấy chiến lợi phẩm và nghe anh kể chuyện. Đúng vậy, anh vẫn còn có khả năng chiến thắng cả một nhóm người.
Không khí mỗi lúc một nhiều muỗi hơn do mùi máu thu hút chúng lại. Erơnênếch hít sâu và thở ra một cụm khói. Một chú muỗi chui vào cuốn họng làm anh ngứa và ho.
Từ lúc đó các sự diễn biến rất nhanh.
Erơnênếch lại gần con gấu cái. Anh nằm xuống đất và rút mẩu giáo ra khỏi họng nó, mắt vẫn trông chừng vách đá phía sau. Một nỗi lo lắng mơ hồ làm trí não anh co thắt lại, nhưng trong một góc sâu thẳm nào đó vẫn lung linh một niềm vui sướng là câu chuyện chiến công của anh sẽ làm người nghe há hốc miệng.
Con gấu đực lại gần. Nó lắc lư đi xuống vách đá nghiêng, thận trọng, chậm chạp, tính toán hơn con cái. Con gấu này rất gầy và cao. Erơnênếch nghe tiếng móng chân nó cạo vào vách đá.
Khi Erơnênếch hầu như vừa lấy lại được ngọn giáo và dựa vào vách đá đứng dậy thì con gấu tiến đến sát người anh. Từ cổ họng nó phát ra tiếng gầm gừ. Con gấu chồm vào người anh hai chân trước giơ cao. Erơnênếch bất giác sững lại ngơ ngác do đó anh không đủ thời gian để né tránh cái miệng phì khói của nó. Cái giáo đẫm máu lại cắm phập vào miệng con vật xuyên ra ngoài. Giờ đây Erơnênếch phải chịu ngã ngửa, nhưng anh còn kịp rút được con dao giắt trong giày ra.
Erơnênếch để mình ngã ngửa... và anh nằm như thế.
Cả khối thịt bảy trăm cân giận dữ đè xuống người anh và ép anh xuống đất. Anh vừa đủ thời gian luồn cánh tay cầm dao vào giữa háng con vật, thì hơi thở nóng hổi của nó đã đốt cháy mặt anh. Sức nặng của con gấu buộc anh phải nằm bất động.
Con gấu ngoạm cánh tay anh, nhưng Erơnênếch vẫn kiên cường chịu đựng. Anh đã biết cách khai thác niềm vui từ nỗi đau thân thể để chịu đựng tốt hơn. Anh quay cổ tay, rút tay ra khỏi bao da tìm cái bụng nhẵn đã bị đâm của kẻ thù và dùng hết sức lực còn lại kéo ruột ra.
Một viên đạn bắn vào giữa tim cũng không gây tác động ngay lập tức như vậy. Con gấu gầm lên, thả lỏng con mồi và lưỡng lự đứng lên, hai chân trước đè lên bẹn nó. Nhưng làm như thế cũng không cầm được máu. Nó ngã gục. Con gấu thở gấp và bắt đầu quay sườn quệt đá và làm đỏ cả tuyết ở xung quanh.
Erơnênếch định hướng đứng dậy, cánh tay giờ đây mới thấy đau vì nhiệt tình chiến đấu đã qua. Anh nằm ngửa, lưng áp sát vào đất. Tuy vậy anh cũng đứng lên được. Mồ hôi nhỏ giọt trên khuôn mặt chứng tỏ anh đau đớn và cố gắng lắm. Nhưng nếu chết thì phải chết đứng.
Máu từ động mạch cánh tay bị dập phun thành tia bắn xa hàng mét theo nhịp đập. Erơnênếch quan sát nhịp tim ngày càng yếu dần. Với chút sức tàn còn lại anh chỉ ép được khuỷu tay cho khỏi đau và chứng kiến sự sống đang lìa khỏi thân mình.
Từng đàn muỗi vo ve trên mặt, một con quạ bay liệng, một con chồn có bộ lông trắng muốt đang rình con mồi vô hình, một đàn hạc tung cánh lên bầu trời trong sáng trước khi bay về miền khí hậu ấm áp.
Như thế là chết ư? Rõ ràng thế ư? Đơn giản thế ư? Và bất ngờ thế ư?