Tên lính Đức ngừng bước trên hành lang và ngó qua ô cửa. Chiếc mũ sắt hắn đội sụp xuống đập vào ô kính. Trong số tù nhân bị kết án tử hình, chỉ có Gerbier là chú ý tới cái khối kim loại, có thịt da, có cái nhìn bịt miệng người này. Chỉ một mình anh không chịu nghĩ rằng cuộc sống đã kết thúc. Anh không cảm nhận thấy cái chết.
Đôi mắt tên lính Đức bắt gặp đôi mắt Gerbier.
- "Hình như hắn không sợ", tên lính nghĩ.
Tử tù ngồi thành vòng tròn trên những miếng lát nhà trần (không trải thảm) và thầm thì trò chuyện.
- "Bọn này cũng vậy", tên lính nghĩ. "Tuy nhiên, đến sáng mai kia mà".
Trong giây lát, tên lính tự hỏi không biết mình sẽ hành động như thế nào nếu chỉ còn được sống có hai giờ đồng hồ nữa. Rồi hắn tự hỏi không biết những người này có thể làm những gì. Rồi hắn ta ngáp. Phiên gác dài. Tốt nhất là cứ đi dạo ở hành lang cho đến giờ phút hành quyết. Rút cục thì cũng vẫn là chiến tranh cả.
Gerbier đưa mắt nhìn đám bạn tù cũng bị cùm giống anh. Khám này là khu trại cũ của quân Pháp. Những bức tường được quét màu ghi đã xỉn màu tím nhợt. Ánh điện yếu ớt hắt lên những người tử tù, biến họ thành những hình nhân có màu tím nhợt của những bức tường.
Không kể Gerbier, thì tất cả có sáu người. Người đầu tiên lên tiếng đúng vào lúc Gerbier tỏ ra lơ đãng có giọng nói miền Breton đặc sệt. Sự trẻ trung của cậu ta chỉ có thể biểu lộ ở cách nói hãy còn rất ngây thơ. Còn khuôn mặt cậu ta đơn giản và thô kệch như thể được đẽo bằng gỗ hoàng dương, thì chẳng thể hiện dấu vết gì của tuổi trẻ cả. Nó đông cứng trong mối hoài nghi nặng nề. Đôi mắt lồi mang vẻ trì độn của một người đàn ông chịu đựng đau khổ vì những hình ảnh trong quá khứ lúc nào cũng ám ảnh trong đầu.
- "Đây là lần thứ hai tôi lĩnh án tử hình", cậu ta nói. "Lần thứ nhất, bản án không thực hiện được vì lúc ấy tôi chỉ mới mười lăm tuổi. Chuyện xảy ra tại Brest và nguyên do là những chiếc súng máy mà binh lính Pháp phải bỏ lại khi họ sang Anh. Chúng tôi không muốn để những chiếc súng máy này rơi vào tay bọn Đức, nên chôn sâu xuống đất. Chuyện lộ vì một tên bưu tá đã phản bội chúng tôi. Mười hai người bạn nhiều tuổi hơn tôi một chút đều bị hành quyết. Xét tuổi tôi, vào phút cuối cùng, bọn cảnh sát thay đổi quyết định. Chúng đày tôi sang Đức như là tù dân sự. Tôi không biết sẽ phải ở trong tù bao lâu. Tù nhân ở đó không sống mà là chết dần chết mòn, chẳng hay biết mọi chuyện đang xảy ra bên ngoài. Ba mươi tháng sau, tôi đã trốn được. Trong suốt thời gian ở tù, tôi không nhận được bất cứ một gói đồ, hay một bức thư nào. Gia đình tôi không được biết một tin tức gì của tôi cả. Vì chuyện này mà mẹ tôi đã phát điên.
"Trong nhà tù dân sự, có mọi loại người. Người Áo, người Ba Lan, người Tiệp và tất nhiên là có rất nhiều người Đức. Chúng tôi đói... Chúng tôi đói lắm!... Để làm mất cảm giác thèm ăn, tù nhân lấy rơm để hút thay thuốc lá. Rơm thì họ rút ra từ đệm, chặt nát ra rồi lấy một mẩu giấy báo gói lại. Tôi chưa từng hút thuốc bao giờ, nhưng lúc ấy cũng buộc phải làm như vậy... Tôi đói quá!"
Gerbier chìa bao thuốc lá đã vơi đi mất một nửa cho những người tử tù cùng cảnh ngộ. Mỗi người cầm lấy một điếu và đều châm lửa. Trừ một người già nhất chưa hút. Đó là một người nông dân đầy lông cứng và có màu xám như lông lợn lòi. Ông dắt điếu thuốc vào sau vành tai và nói: "Tôi để dành đến chốc nữa". Mọi người hiểu rằng ông muốn nói tới giờ hành quyết. Tên lính Đức ngửi thấy mùi của thuốc lá trong hành lang nhưng không nói gì cả. Chính hắn bán cho Gerbier gói thuốc này.
- "Vì hút cọng rơm mà chúng tôi, mỗi người được ăn hai mươi lăm gậy", cậu thanh niên Breton có đôi mắt lồi nói tiếp: "Nhưng vì tù nhân luôn luôn bị trừng phạt vô cớ, rất vô lý nên ai cũng thế: đằng nào mà chẳng bị đánh, thêm một ít, bớt một ít và chúng tôi vẫn cứ hút.
"Bọn cai ngục ra ra lệnh cho chúng tôi cởi trần, rồi sai một toán tù nhân khác cứ nhằm thẳng lưng chúng tôi mà đập. Cai ngục chỉ đứng quan sát và đếm các cú đập. Nếu đám tù nhân đánh không mạnh, sẽ đến lượt họ bị bọn cai ngục đánh. Đối với tử tù - số này đông lắm... bọn chúng cũng chơi trò tương tự như vậy. Chúng chọn ra những người bạn, những người thân thiết của tử tù treo cổ họ. Nhưng không bao giờ chúng cho treo cổ ngay. Tử tù phải sống nhiều ngày, có khi tới hàng tuần lễ với bản án lơ lửng trên đầu cùng người thân sẽ treo cổ họ... Họ không biết gì hết, xin nói với mọi người như vậy. Giá treo cổ kê sẵn trong sân, tất cả đều sẵn sàng... Tử tù, bị đánh dấu bằng chữ thập lớn màu đen ở lưng và hai đầu gối, vẫn cứ tiếp tục lao động... Thế rồi một buổi sáng đẹp trời, chúng xếp tù nhân đứng thành hàng xung quanh giá treo cổ. Bốn người bạn trở thành bốn tên đao phủ kết thúc cuộc đời của một con người xấu số. Những tử tù khác lại được đánh dấu chữ thập đen trên người, tiếp tục chờ đến lượt mình bị hành quyết mà không biết chính xác là khi nào. Phải nhìn vào mắt họ thì mới hiểu được...
"Một lần, có một người Hà Lan bị treo cổ. Bốn người bạn của anh ta, cũng là người Hà Lan, trước khi quấn dây thừng vào cổ anh ấy đã quỳ xuống trước mặt anh ấy xin thứ lỗi. Anh ấy làm dấu cho từng người, rồi họ ôm hôn nhau. Phải nhìn thấy họ mới có thể hiểu hết được...
"Chúng quẳng tất cả các xác chết chung vào một cái hố to, rồi vứt rạ tươi lên trên. Việc này cũng là do tù nhân chúng tôi làm. Chúng tôi không chỉ phải chôn những người bị xử tử, mà còn phải chôn cả những tù nhân chết vì đói, chết vì bệnh tật... Rồi còn có cả những tù nhân nổi dậy. Họ chống lại lính gác. Bọn chúng không thể dẹp được họ nên đã nổ súng".
Cậu Breton trẻ tuổi có khuôn mặt gỗ hoàng dương xịt mũi nhưng không có khăn mùi xoa.
- "Đối với tôi, cái kinh khủng nhất không phải là cái chết", cậu nói tiếp. "Một buổi tối, chúng bắt tôi chuyển sang khám khác. Chung khám với tôi là ông già râu tóc bạc phơ, nom rất khốn khổ. Khi nhìn thấy tôi, ông ta co rúm người lại, lùi vào xó và lấy tay che mặt như thể sợ bị tôi đánh vậy. Mới đầu, tôi nghĩ ông ta bị điên... Tại có rất nhiều người phát điên trong tù... Nhưng không, ông già lập luận rõ ràng. Chỉ có điều ông ta là người Do Thái. Cho nên người Đức... tôi muốn nói tù nhân người Đức chứ không nói gì đến bọn lính gác cả, họ đánh ông già, đập cái đầu già nua tóc đã bạc trắng vào tường. Một lũ tù đánh lại một người tù... Ông già thật bất hạnh...".
Người ngồi cạnh Gerbier bỗng rùng mình. Vóc người anh ta nhỏ nhắn, tóc nâu, đôi mắt linh hoạt nhưng thiểu não.
"Một người Do Thái", Gerbier nghĩ.
Gerbier không biết hết những người này. Bọn cảnh sát mới vừa tập trung họ tại đây ngày hôm trước mà thôi.
- "Vậy mà khi trốn khỏi Đức, mấy tháng đầu, cảnh sát định gửi tôi sang Đức làm việc. Tôi lấy dao ra để tự vệ", cậu thanh niên nói, giọng không thay đổi. Bây giờ, cậu ta đã mười tám tuổi rồi. "Còn lần này thì không trượt nữa rồi... Tôi đã đủ tuổi..."
Người nông dân ban nãy dắt điếu thuốc lên vành tai hỏi:
- "Lúc đó, con có bị chảy nhiều máu không, con trai?"
- "Con không kịp", cậu thanh niên Breton nói.
- "Còn tôi, tôi cũng có một câu chuyện, người nông dân nói. Quanh môi ông mọc lởm chởm những sợi râu cứng màu xám vểnh ngược. Không phải là ông cười ra tiếng, cũng không phải là mỉm cười, mà chỉ hơi nhếch mép. Cử động ấy làm bộ râu của ông nom rất giống bộ ria mép của những con chó săn khi tỏ vẻ mừng rỡ. Hàm răng ông đen và chắc chắn.
"Nếu xưng tội", ông nói, "tôi phải thú nhận rằng hành động của tôi không phải chỉ xuất phát từ ý nghĩ, mà nó còn nhờ vào tình cờ nữa. Sự tình cờ luôn là kẻ thông đồng tốt với tôi". Ông nháy mắt và xoa xoa hai bàn tay vào nhau cứ như thể đang nói về một món buôn bán có hời lắm.
"Điền sản của tôi nằm cạnh đường cái. Xung quanh đều có những khu vực do quân Đức chiếm đóng. Chúng thường xuyên vào nhà tôi hỏi mua rượu. Bao giờ tôi cũng bán cho chúng với giá cắt cổ... Chỉ từng tên một đến thôi vì chúng bị cấm uống rượu, mà bọn Đức lại rất hay nghi kỵ lẫn nhau. Thế rồi, một tối, có viên hạ sĩ say xỉn, không nhìn thấy cánh cửa trượt của nhà hầm đang mở nên ngã nhào xuống đó. Hầm nhà tôi rất sâu... Tôi xuống xem thì thấy tên Đức này bị gẫy cổ mà chết. Không muốn có chuyện ầm ĩ nên tôi chôn nó luôn ở đấy... Có thể chính xác chết này làm cho đầu óc tôi linh động hẳn lên... Tôi không thể nói gì chắc chắn về chuyện này, nhưng kể từ đó cửa hầm nhà tôi cứ tiếp tục rộng mở, cho đến khi lại có một tên Đức nữa đến. Thằng này cũng uống thừa một cốc rượu và cũng ngã... Chỉ có điều, chuyến này tôi phải giúp nó chút ít. Rồi tôi cũng chôn nó cạnh thằng thứ nhất... Sau đó, lại đến lượt một thằng khác... rồi thêm thằng khác nữa... Tôi có đếm. Con số lên tới mười chín... Nhưng tôi hành động quá nhanh... tôi không thể tự kiềm chế được... Cái bẫy này làm tôi bị lộ. Mỗi tháng có một tên lính Đức biến mất thì còn có thể được. Nhưng, mỗi tuần có tận hai hay ba tên biến mất thì không thể hiểu nổi nữa. La Kommandantur tiến hành điều tra để làm rõ chuyện này. Cuối cùng, chúng cũng lần đến cái hầm của tôi. Cái đáy của nó, cái đáy hầm tự nhiên nhô cao lên một cách không bình thường... Thế là tôi vào đây... Tôi đã hoàn thành phần việc của mình".
Người nông dân lại nhếch mép như lúc nãy, nó làm người ta nhớ đến vẻ mừng rỡ của những con chó săn.
Gerbier nghĩ: "Phải kết nạp ông già vào tổ chức". Rồi ngay lúc đó, anh lại nghĩ: "Nhưng chỉ mấy phút nữa, ông ấy sẽ bị bắn chết". Gần như đồng thời, có một giọng nói nào đó trong Gerbier thầm thì: "Và mình cũng thế..." Gerbier không nhận ra giọng nói này. Nó không phải là giọng nói của anh. Anh không thể tin được vào câu nói đó.
Gerbier thấy rằng ai cũng nghe chuyện của bạn tù với một thái độ lơ đãng, nghe chỉ là vì lịch sự mà thôi. Người nào cũng chỉ có một nguyện vọng cần được thực hiện gấp: "thể hiện cái cốt yếu nhất của bản thân trước khi chết".
- "Tôi cũng đã có đóng góp, tuy tôi chưa đủ hai mươi tuổi", người thứ ba đã đến lượt lên tiếng. Ở cậu, sự trẻ trung lộ ra mạnh mẽ từ trong giọng nói hừng hực như có lửa, trên khuôn mặt, và cả ở bộ râu quai nón lơ thơ màu nâu nhạt và mềm mại mới mọc lên trong thời gian ở tù. Vừng trán khum khum, đôi vai rắn chắc. Tất cả làm cậu trông có vẻ của một con bò bị thiến non.
- "Tôi là người Lorrain ở vùng Lorraine bị thôn tính (nay thuộc về Pháp). Tôi đang học ở trường Đại học thì bọn Đức đến thông báo rằng sáu tháng nữa, lớp chúng tôi sẽ bị huy động vào quân đội Đức. Tôi không phải cân nhắc một giây, mọi người có thể tưởng tượng rõ điều này. Tôi có đủ thời gian để đón Nôel tại gia đình rồi trốn đi. Bữa ăn nửa đêm đón Nôel lần đó đầy hạnh phúc. Không hiểu làm thế nào mà mẹ tôi kiếm được một chú ngỗng về thịt. Bố tôi mang ra uống những chai rượu ngon nhất từ lâu vẫn để dành. Tôi cảm thấy hơi buồn vì phải bỏ lại tất cả để ra đi mà không báo trước. Xong bữa, bố ôm hôn tôi và dẫn tôi ra tận ngoài cửa. Ông mở cửa và nói: "Bố mẹ đã biết việc của con". Mẹ đưa cho tôi một chiếc vali đã chuẩn bị từ trước, cả tiền nữa. Sáng hôm sau, tôi đã vượt qua biên giới nước Pháp. Lúc đó, tôi nghĩ rằng: - "Thằng tôi ơi, có được cha mẹ tốt như vậy thì mày không thể sống bình lặng chờ đợi người khác đem vinh quang đến cho mày được". Đến Paris, tôi tìm cách để làm người có ích. Tôi quen được một nhóm thanh niên quả cảm. Tôi làm việc cho một tờ báo có tư tưởng tự do. Phải nói cho mọi người biết là tôi muốn đi theo sự nghiệp văn chương để trở thành nhà văn. Và tuyệt, tôi đã là nhà văn... là nhà văn trong một thời kỳ chưa từng có trong lịch sử. Một trăm năm nữa, một nghìn năm nữa, người ta sẽ còn đọc lại những tờ báo này, rồi các vị sẽ thấy..."
Gerbier ngắm nhìn giây lát đôi má đỏ ửng vì những tia máu nóng chảy mạnh mẽ, còn mạnh hơn cả thứ ánh sáng đang tỏa ra trên những bức tường xám nhạt.
- "Quả là một thanh niên có nhiệt huyết", Gerbier nghĩ. "Chắc hẳn cậu phải viết cho những tờ như Sinh viên yêu nước hoặc tờ Những bức thư gửi từ Pháp".
Đến lượt tử tù khác bắt đầu nói. Đó là người đàn ông dáng mảnh, đường nét thanh tú. Mặc dù anh ta đang ngồi theo kiểu Thổ Nhĩ Kì nhưng nửa người trên thẳng tưng. Anh có đôi mắt sáng và giọng nói rành mạch từng âm tiết một.
"Không phải vì hành động có cân nhắc kỹ càng mà tôi có mặt ở đây cùng mọi người", người này nói. Dù có thể có cảm tình nhưng không bao giờ tôi dám tham gia vào một đảng phái nào chống lại vị thống chế. Tôi không chắc lắm vào trí thông minh của mình. Tôi luôn hành động theo lời khuyên của cha rửa tội. Người khuyên tôi nên chờ một thời gian, cho đến khi nào tôi nhìn nhận sự việc thật rõ ràng thì hãy quyết định. Tôi có một lâu đài nhỏ và ít ruộng đất. Tôi có bốn đứa con và sống vì chúng. Không, tôi chẳng hành động gì cả, nhưng tôi không thể từ chối những người bị truy hại khi họ đến xin tôi cho trú ngụ. Trong nhà tôi có người Anh, tù vượt ngục, người yêu nước phải lẩn trốn, trẻ con Do Thái.
Người ngồi cạnh Gerbier lúc lắc cái đầu có vẻ sốt ruột.
- "Thế là tôi bị bắt. Trong thời kỳ thẩm cứu, tôi vẫn có thể được gặp gia đình. Mới đầu bọn trẻ không nhận ra tôi. Người ngợm tôi bẩn thỉu, râu mọc tua tủa vì cả tuần không cạo. Quần áo tôi mặc lúc ấy giống như của kẻ cướp vậy. Khi tôi ôm hôn chúng, chúng sợ lắm. Chúng đưa mắt nhìn mẹ cầu cứu. Mãi sau, đứa con gái đầu lòng bảy tuổi, nó đang theo học ở lớp các bé gái, hỏi tôi: "Bố ơi, không phải là bố đã hành động xấu chống lại vị thống chế chứ?" Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi không biết cách trả lời con gái thế nào. Ở lớp, người ta dạy nó phải hết lòng yêu quý vị thống chế. Trong khi đó thì vị thống chế đã bắt nhốt tôi trong hai năm tại vùng tự do cũ. Đến khi bọn Đức đến chiếm đóng vùng này, thì vị thống chế lại bắt tôi nộp cho chúng. Tôi tha thứ cho tất cả những kẻ đã hại tôi. Nhưng tỏ ra là một con chiên ngoan đạo đối với vị Thống chế thật là khó khăn.
Người đàn ông có đôi mắt linh động và thiểu não ngồi cạnh Gerbier hấp tấp kể chuyện mình. Anh nói nhanh đến líu cả lưỡi. Gerbier tự hỏi không hiểu là vì sốt ruột hay chỉ đơn giản là vì thời gian còn lại rất ít.
- "Tôi là một giáo trưởng Do Thái", người ngồi cạnh Gerbier nói. "Giáo trưởng ở thành phố lớn. Vì vậy, người Đức bổ dụng tôi vào ủy ban tìm người Do Thái không chịu khai báo. Các vị nghe tôi chứ?... Cái ủy ban này có năm người, hai người Đức, hai người Pháp theo đạo Thiên Chúa và một người Pháp Do Thái. Người đó chính là tôi. Các vị nghe đấy chứ?... Tuần nào, bọn quan chức của chính quyền cũng dẫn đến chỗ tôi rất nhiều người bị tình nghi là người Do Thái. Chúng tôi phải xác định rõ là đúng hay là sai. Một người Do Thái và nhất là một giáo trưởng Do Thái như tôi dễ tìm ra giáo hữu của mình hơn ai hết. Các vị nghe đấy chứ?... Bọn Đức ý thức rõ điều này. Chúng nói thẳng với tôi như thế. Chúng giao hẹn hễ chúng chứng minh được một người là người Do Thái, trong khi tôi lại nói là không thì chúng sẽ bắn tôi ngay lập tức. Các vị nghe đấy chứ?... Thế nhưng, nếu tôi nói: đúng là người Do Thái, thì người đó sẽ bị đi đày ở Hà Lan cho đến chết. Thật là một tình thế đẹp đối với một vị giáo trưởng..."
Anh ta nói rồi cúi mặt xuống nhìn những tấm lát nhà với một thái độ ngao ngán và pha vẻ gì đó như là mặc cảm tội lỗi. Anh thở dài:
- "Lúc nào tôi cũng nói là không phải... Thế là, tôi ở đây..."
Người tử tù thứ sáu vẫn tiếp tục chống tay lên nửa mặt trái. Anh ấy bị hỏng một con mắt và phần thịt ở đó như bị dội nước sôi.
- "Tôi theo cộng sản và cũng vì thế mà nằm trong đội ngũ tù vượt ngục. Anh nói. Khi trở về nhà, tôi chẳng lấy vợ, không thấy chị cũng không thấy bọn trẻ con đâu. Tôi đi hỏi khắp mà chả ai biết gì hết. Chuyện xảy ra là như thế này: chị tôi đi lấy một đại biểu của đảng. Anh ấy bị bắt. Chị tôi đứng ra quyên góp tiền của bạn bè mua đồ gửi vào tù cho anh ấy. Một ngày đẹp trời, chị ấy biết tin có một phụ nữ cũng là vợ một đại biểu của đảng đã bị bắt vì làm như vậy. Chị gái tôi, vốn dĩ thần kinh không được cứng cáp, cuống cuồng cả lên nên không còn tỉnh táo nữa. Nỗi hoảng loạn của chị ấy lan truyền sang cả vợ tôi. Cả hai sợ hãi bỏ đi trốn. Nhưng họ không tìm thấy chỗ nào tin cậy cả. Ai họ cũng sợ. Họ lại không muốn làm ảnh hưởng đến ai. Cuối cùng, họ quyết định sống trong một cái lán bỏ hoang ngoài đồng. Họ chỉ đi ra ngoài vào ban đêm để tìm táo rụng. Rồi khi hết táo, họ ăn cả rễ cây. Họ cứ ở như vậy mấy tháng trời, không bánh mì, không lửa đốt, không quần áo thay, không xà phòng. Bọn trẻ cũng chịu chung hoàn cảnh ấy, hai đứa con tôi và một đứa con chị gái tôi. Cho đến khi tôi tìm ra họ, nhờ đôi tay tôi mà bây giờ thì tốt đẹp rồi, xin thề với quý vị... Bây giờ họ khỏe mạnh, yên ổn sống cùng những người bạn".
Anh ta bỗng nhiên nghiến chặt răng và gầm gừ: "Con mắt khốn kiếp... Nó làm tôi phải chịu đau đớn như thế nào..."
Anh hít thở thật sâu và tiếp tục bằng một giọng đều đều, không ngữ điệu:
"Còn tôi, chả ai biết tôi làm gì. Bọn Gestapo không tài nào xác minh được tôi là ai. Tôi sẽ bị xử bắn với tên giả".
Anh ta bất giác quay mặt về phía Gerbier và những người khác cũng bắt chước theo. Gerbier quyết định giữ nguyên im lặng. Anh cảm thấy không thể thú nhận với tất cả mọi người ở đây bí mật của mình được. Anh không có gì để tâm sự cả. Họ cũng chẳng tò mò gì về những bí mật của anh.
Họ nhìn anh với đôi mắt dò hỏi chỉ đơn giản là vì lịch sự mà thôi. Tuy nhiên, Gerbier cũng nhìn người cuối cùng vừa kể chuyện và nói:
"Chốc nữa, tôi hoàn toàn không muốn chạy", anh nói.
Chẳng ai hiểu gì cả. Gerbier sực nhớ ra những tử tù này đều là người kháng chiến nhưng hoạt động tách biệt nhau hoặc không phải là người thành phố này.
- "Tại đây", Gerbier nói, "bọn chúng dùng súng máy bắn tử tù. Tôi nghĩ, đây là cơ hội để chúng luyện tập môn bắn súng... vì chắc đây cũng không phải là một trò tiêu khiển... Chúng thả chúng ta ra, để cho chúng ta lấy đà, rồi chạy khoảng hai mươi mét hay ba mươi mét. Lúc ấy chúng mới bắn... Đây là dịp thực hành tốt cho bài học bắn vào mục tiêu di động. Tôi không muốn để chúng được khoái trí vì vậy".
Gerbier lấy bao thuốc lá ra, đưa cho ba người còn lại, mỗi người nửa điếu.
- "Sẽ không có một ai chạy cả", cậu sinh viên nói. - "Chạy làm gì vô ích", người nông dân nói.
- "Thế thì thật là mất mặt quá", người chủ lâu đài nói.
Cái đống gồm mũ cối, thịt và ánh nhìn đứng bịt lấy ô cửa. Tên lính Đức gào lên vài từ nào đó với Gerbier: "Hắn yêu cầu mọi người phải hút thuốc nhanh lên", Gerbier dịch. "một lát nữa sẽ có người đến giải chúng ta ra pháp trường. Hắn không muốn có chuyện rắc rối".
- "Người ta có chuyện mà người ta phải có", người cộng sản nhún vai nói.
Cậu sinh viên trở nên tái nhợt nhạt, xanh xám. Người chủ lâu đài làm dấu thánh. Vị giáo trưởng Do Thái lẩm bẩm những câu kinh Do Thái cũ.
- "Lần này thì không trật nữa rồi", cậu thanh niên Breton mười tám tuổi nói.
Gerbier mỉm cười. Người nông dân chậm rãi rút điếu thuốc lá mà ông giắt ở trên vành tai ban nãy...