I
Jean François rảo bước dọc theo con phố Promenade des Anglais, mặc dù lúc đó còn quá sớm để đến tụ tập với đám bạn bè ở quán rượu. Không có ngày nào là họ không gặp nhau một lần tại chính quán rượu đó. Giống như anh, đám người ấy cũng bỏ Paris đi lánh nạn, cũng ăn không ngồi rồi. Jean François sải những bước dài nhanh nhẹn vì nắng, vì biển đang sục sôi đập sóng ầm ầm vào đá cuội, vì sức trẻ đang cuồn cuộn trong từng thớ thịt trên cơ thể. Trước khi đến quảng trường Massena, Jean François dừng lại bên cửa hàng áo sơ mi cao cấp. Trong đó có một tủ kính bày những chiếc áo choàng mặc ở nhà bằng vải xoa rất đẹp và lại có thể mua mà không cần phiếu. Jean François không hề có nhu cầu mua áo mặc ở nhà. Tuy nhiên, anh vẫn bước vào bên trong. Anh phải làm một cái gì đó. Người bán hàng mỉm cười với anh bởi vì cũng giống như tất cả mọi người khác, ai cũng mỉm cười với anh, một thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh và giản dị với đôi mắt xanh trong không có cái nhìn ẩn ý. Và bởi vì người bán hàng mỉm cười nên anh đã mua liền hai chiếc áo ngủ. Anh bước ra khỏi cửa hàng, tự thấy sao mình lại dại dột đến thế rồi mỉm cười một mình. Lúc đó, anh thoáng nhìn thấy một người đàn ông trong chiếc áo choàng bằng da, vóc người nhỏ nhắn, có chiếc cổ khỏe mạnh, đang cắm cúi bước. Đôi vai của anh ta đảo đi đảo lại rất dữ dội theo nhịp chân.
- Félix, Jean François gọi to hết sức. Félix La Tonsure.
Người đàn ông giật mình quay lại, nhận ra Jean François và chỉ lúc ấy mới mỉm cười. Hồi còn chiến tranh, họ đã chiến đấu trong cùng một sư đoàn.
- Cậu chẳng thay đổi tẹo nào, cậu bé ơi, Félix nói, lúc nào cũng trẻ và đẹp.
- Còn anh, để ngắm xem... Jean François nói. Anh định nhấc chiếc mũ ra để cười khoái trá cái khoanh hói trên đầu Félix La Tonsure, nó rất xứng đáng với tên họ của anh (La Tonsure có nghĩa là khoanh hói trên đỉnh đầu). Félix liền ngăn lại.
- Tôi sợ gió, anh nói ngắn gọn.
- Làm sao anh lại có mặt giữa thành phố Nice này? Thế còn xưởng sửa chữa ôtô Levallois để cho ai trông coi? Jean François hỏi.
- Bọn Đức muốn biến xưởng của tôi thành xưởng sửa xe cho chúng. Thế là, cậu có biết không, tôi đã cho xe chúng ăn đinh! Félix nói.
Khuôn mặt Félix đầy đặn và sống động. Khi nói, nét mặt anh vẫn háo hức y hệt như khi phục kích hay hành quân ngày xưa mà Jean François đã từng chứng kiến. Félix là người đàn ông dũng cảm, tròn trĩnh, tất cả thể hiện hết ra bên ngoài. Jean François thường hay quý mến những con người như vậy.
- Đi uống cái gì đi, Jean François nói. Félix gạt đi. Chúng ta sẽ uống sau. Phải trò chuyện cho thỏa thuê trước đã.
Họ đi vào một con phố yên tĩnh hơn. - Bây giờ, giải ngũ về làm dân thường rồi, cậu làm gì? Félix hỏi.
- Chẳng làm gì cả, Jean François trả lời. - Vẫn chống lại bọn Đức chứ?
- Nhưng... cũng không, Jean François nói, chậm chạp hơn.
- Tại sao? - Em biết ít lắm... Jean François nói. Làm gì được? Khi chỉ có một mình, chả ai làm được trò trống gì sất... Em lại chả quen ai...
- Thế thì được, mình có việc cho cậu đây, thằng lười ạ, Félix nói. Việc này hợp với cậu còn hơn cả thơ với hoa tươi nữa đấy. Nào là tài liệu mật cần phải chuyển đi, rồi phải cất giấu vũ khí, phải dạy nhóm thiếu niên sáng dạ học hành, phải chơi lại bọn cớm và bọn Gestapo. Nhiệm vụ đặc biệt của lính đặc công đấy. Cuộc sống ấy tươi đẹp vô cùng.
- Cuộc sống tươi đẹp, Jean François nhắc lại. Cuộc sống hiện nay của anh bỗng trở thành không thể chịu đựng nổi.
- Cậu phải thức dậy đúng giờ, Félix nói, có khi phải đi trên đường nhiều đêm mà không được tìm hiểu lý do.
- Em thích hoạt động vì phong trào chứ không phải là người tò mò, anh biết rồi còn gì, Jean François nói.
Félix La Tonsure nhìn đôi vai như vai của vận động viên thể thao một lúc lâu rồi lại nhìn khuôn mặt kiên quyết và trong sáng của Jean François.
- Thanh niên xung phong như cậu bây giờ đang rất cần, Félix nói, quả là tôi đã không lãng phí ngày hôm nay.
Họ bước đi vài bước trong im lặng, hài lòng về nhau. Rồi Félix lại tiếp lời:
- Ngày mai đến gặp mình tại Marseille nhé. Ở đó, mình có một xưởng xe đạp. Nhờ nó mà mình kiếm đủ ăn cho bọn trẻ con đấy. Mình sẽ đưa cho cậu địa chỉ.
Jean François lục tìm cuốn sổ tay trong túi. - Không cần đâu, cậu bé của tôi, không cần! Félix kêu lên, không viết gì hết, không bao giờ được viết gì cả. Tất cả đều phải học thuộc, phải ghi vào bộ nhớ ấy.
Félix nhìn Jean François chằm chằm và nói tiếp: - Cậu không được lộ ra nửa lời đâu đấy nhé. Không được tiết lộ cho bất kỳ ai. Hiểu không?
- Em có điên đâu, Jean François nói. - Anh nào cũng nói như vậy cả, Félix nhận xét. Rồi sau đó mới thấy rằng bên cạnh mình còn có vợ...
Jean François nhún vai. - Hoặc là cha mẹ, những người mà anh ta chả bao giờ giấu điều gì, Félix nói tiếp.
- Cha mẹ em mất cả rồi. Em chỉ có anh trai, anh ấy không muốn bỏ Paris, Jean François nói.
Bỗng nhiên cậu cười và nói thêm: - Em rất quý anh ấy. Nếu có kể cho anh ấy nghe vài chuyện thì cũng chẳng nguy hiểm gì đâu. Anh ấy giống hệt trẻ con.
Félix nhìn thẳng vào khuôn mặt tươi trẻ của Jean François. Anh cũng thấy bật cười.
- Cậu là người hiểu biết, Félix nói. Anh đưa địa chỉ của mình cho Jean François rồi bước vào quán cà phê đầu tiên mà họ nhìn thấy. Chưa bao giờ hai người lại uống rượu thỏa thuê như hôm đó, thật Cuộc sống này thực sự dành cho Jean François. Cuộc sống ấy mang lại cho Jean François mọi thứ làm cậu hài lòng: sự tập luyện cật lực, sự nguy hiểm và niềm vui sướng khi vượt qua hàng rào dây thép gai; tình bạn bè, đồng đội, được vâng lời người phụ trách nhóm mà cậu rất yêu quý. Những người khác còn phải suy nghĩ và ra lệnh. Còn Jean François thì chỉ có mỗi một việc là vui chơi. Cậu được thả sức phóng xe đạp trên những con đường vô cùng thơ mộng; đi tàu hỏa đến Toulouse, Lyon, hay Savoie; xuyên qua vùng cấm, bất chấp sự canh chừng cẩn mật của hải quan Đức và lũ chó gớm ghiếc của chúng. Cậu chuyển những bức thư mã hóa, chất nổ, vũ khí và điện đài. Cậu dạy cho những con người đơn giản, nghiêm túc và tràn đầy lòng say mê cách sử dụng súng tiểu liên Anh tại các kho thóc bỏ hoang, các khu rừng trống, hay trong những căn hầm. Cậu tự giới thiệu dưới tên giả, và cũng chẳng biết họ thực là ai. Tuy nhiên, mọi người vẫn yêu quý nhau bằng tình cảm đằm thắm và tin tưởng vô song. Một buổi sáng, chỉ với kính bơi mà cậu đã bơi nhiều kilômét dưới biển để tìm một gói hàng do con tàu bí mật nào đó thả xuống. Rồi vào đêm là một ngày may mắn.
trăng, cậu đón những đoàn người nhảy dù từ bầu trời cao ngút ngát.
Félix La Tonsure (đến tận bây giờ, Jean François chỉ biết có Félix trong khuôn khổ của tổ chức) chưa bao giờ giao cho cậu - người đồng đội cũ trong đội đặc công - một nhiệm vụ nào nặng nhọc hay nguy hiểm.
- Với cái đầu như trẻ con của cậu, chúng ta giải quyết được mọi việc, Félix nói.
Đúng là như vậy. Jean François cũng cảm thấy rõ điều đó. Chính sự đồng cảm, tình bạn bè thân thiết trong tổ chức làm tăng gấp đôi sức mạnh, lòng gan dạ và niềm vui của anh.
Công việc bí mật giống như một loại keo dính. Nó luôn luôn có khuynh hướng dính kết mọi thứ với nhau. Người ta càng làm thì lại càng thấy có nhiều việc để làm. Nhu cầu thì vô cùng. Nhưng những con người kiên quyết, không bị ràng buộc bởi thời gian và tiền bạc thì lại không nhiều. Jean François không bao giờ được ngủ hai đêm liên tục dưới một mái nhà. Cậu sống giữa hiểm nguy nên tự nhiên trở thành người phiêu lưu, mạo hiểm. Bản thân cậu có khả năng chịu đựng, khôn khéo và gan dạ, nhưng Jean François không bao giờ dựa vào đó để tìm hiểu những bí mật của tổ chức. Jean François - một thanh niên dũng cảm, gan dạ, lì lợm chỉ biết có một người chỉ huy duy nhất là Félix La Tonsure. Félix lại chỉ biết nhận lệnh từ một người chỉ huy cấp trên anh. Còn trên người đó nữa thì hoàn toàn là bóng tối. Nhưng sự bí ẩn không hề chọc tức, không kích thích trí tò mò, thậm chí cũng chẳng hấp dẫn gì Jean François. Đối với cậu, sự bí ẩn không gây ra sức ép hay ngược lại, một điều gì thi vị. Cậu sinh ra là để hoạt động, để vui chơi. Jean François cống hiến cả cuộc sống của mình cho những con người vô danh, những người không biết đến Jean François. Những người đó lại không ngừng cung cấp cho cậu những hoạt động và sự vui chơi mà cậu ưa thích. Càng được giao nhiều nhiệm vụ, Jean François càng cảm thấy mãn nguyện.
III
Jean François có nhiệm vụ phải đi Paris. Chuyến công tác đã cho Jean François hiểu rõ anh được tôi luyện và góp sức đến mức nào trong cuộc sống bí mật.
Jean François xuống ga Lyon, tay xách vali trong đó đựng đài phát của Anh và chiếc dù thả xuống trước đó mấy ngày. Người nào mang những đồ như vậy mà bị cảnh sát phát hiện thì chắc chắn sẽ bị tra tấn cho đến chết.
Thế mà chính buổi sáng hôm ấy, lính của đội quân Gestapo và Sở sen đầm tổ chức kiểm tra tất cả mọi túi hành lý mang ra khỏi nhà ga.
Jean François không kịp suy nghĩ. Gần anh có một đứa trẻ, đầu gối sưng tướng, bắp chân teo tóp đang thất thểu lết sau một phụ nữ luống tuổi. Jean François bế đứa trẻ lên và cùng lúc đó đưa chiếc vali cho một tên lính Đức đi tay không kế bên nhờ xách hộ.
- Cầm giúp cái này, ông bạn, Jean François cười nói. Tôi chưa muốn vứt nó đi đâu.
Tên lính Đức nhìn Jean François và cũng mỉm cười, cầm lấy chiếc vali, đi qua cửa ga mà không bị kiểm tra. Vài giây sau, Jean François đã ngồi trên tàu điện ngầm, vali đặt trên đùi.
Nhưng chuyện rắc rối sáng hôm đó chưa hết. Tại ga cuối cùng, Jean François lại bị cảnh sát Pháp chặn lại. Lần này anh phải mở vali.
- Trong vali của anh có gì? Viên cảnh sát hỏi.
- Anh cứ xem đi, thưa hạ sĩ, Jean François nói đơn giản, chỉ có một chiếc đài thôi.
- Thôi được, qua đi, viên cảnh sát nói.
Đến tận lúc giao đài phát cho người bán đồ gỗ ở bên bờ cánh tả sông Xen, Jean François vẫn còn chưa hết vui sướng vì hai chiến thắng vừa rồi. Người bán đồ gỗ đon đả mời anh ăn trưa. Thế mà hôm trước, anh chỉ đổi cho ông ta có mỗi một cái bàn gỗ nhỏ kê đầu giường ngủ để lấy khúc dồi hun khói và ít bơ. Lúc đó, anh ước ao được chia xẻ bữa ăn đạm bạc ấy với bất kỳ một người đồng đội nào của mình.
- Lại đây thử ngửi xem, người bán hàng nói. Ông ta dẫn Jean François ra phía sau cửa hàng. Trên ngọn lửa cháy lim rim, những váng mỡ bao quanh một miếng dồi đang tan dần trong chiếc chảo to tướng. Mùi thơm lừng của miếng dồi rán làm hai lỗ mũi của Jean François bị kích thích đến tột độ. Nhưng anh từ chối lời mời của ông già tốt bụng. Sáng nay, anh còn phải làm thêm một điều bất ngờ nữa.
Chiếc vali của Jean François bây giờ đã nhẹ bỗng. Còn anh, mặc dù sau một đêm đi đường mệt nhọc, vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng lao vào công việc với tâm lý hoàn toàn thoải mái. Anh đi bộ xuyên qua một nửa thành phố Paris. Phố xá im lặng, buồn bã đến nặng nề. Khắp nơi nhung nhúc lính Đức vận đồng phục đi lại. Nhưng quang cảnh chướng mắt này không ngăn nổi vẻ vui tươi rực rỡ hiện ra trên gương mặt Jean François. Sáng nay, chính là anh là người chiến thắng.
Vung vẩy chiếc vali, vừa huýt sáo theo điệu diễu hành mà anh thường tập khi còn là lính đặc công, Jean François đi vào đại lộ Muette, dừng lại trước tòa biệt thự nhỏ có vẻ đẹp quyến rũ, được xây vào cuối thế kỷ trước và thuộc quyền sở hữu của anh trai Jean François. Trong biệt thự, có rất nhiều những bức tranh tuyệt tác, vô số sách giá trị và một vài nhạc cụ quí giá. Trước thời quân Đức chiếm đóng ở Paris, tại đây còn có một phụ nữ ít nói và rất tinh tế với một thằng bé con thích gây gổ, có đôi mắt giống y hệt đôi mắt của Jean François. Khi quân Đức tràn tới, bà mẹ và đứa nhỏ chạy về quê và vĩnh viễn chẳng bao giờ quay trở lại. Anh trai của Jean François không chịu rời bỏ ngôi biệt thự cũng chỉ vì những bức tranh, những quyển sách và nhạc cụ quý giá.
Jean François không để cho người giúp việc già thông báo việc anh quay trở về. Anh mở cửa bước vào phòng thư viện không một tiếng động. Lún sâu giữa chiếc ghế phô tơi, anh trai Jean François đang đọc một cuốn sách dày cộp. Khuôn mặt của anh bị che gần hết vì chiếc áo măng tô quá rộng, cổ được dựng lên và mũ len kéo sụp xuống tận mắt. Cảnh tượng làm Jean François suýt bật cười thành tiếng. Nhưng quả thực, ngôi nhà như đang đóng băng vì giá rét. Vẫn còn nóng do vừa phải đi bộ một chặng đường dài nên Jean François không nhận ra điều đó.
- Xin chào Saint Luc, Jean François reo to.
Anh trai của Jean François tên thật là Luc. Nhưng vì tính dĩ hòa, ưa chuộng cuộc sống tinh thần, lại hết lòng quan tâm những người xung quanh nên bạn học gọi anh là Saint - Luc (1), sau thành quen trở thành tên gọi thường ngày của anh.
- Cậu bé Jean, cậu bé Jean, Luc nói và ngẩng đầu lên chạm vào bờ vai của Jean François.
Hai anh em ôm chầm lấy nhau... Giữa họ có một khoảng chênh lệch khá lớn về tuổi tác. Nhưng đối với Jean François khoảng cách này không có ý nghĩa gì cả. Anh tự cảm thấy mình cũng vô cùng linh lợi, khỏe mạnh và hoạt bát không kém anh trai.
- Tất cả sách đều còn đây, vẫn chiếc đàn clavơxanh, cả chiếc ôboa nữa, Jean François nói. Vậy thì, cuộc đời vẫn đẹp sao.
- Luôn luôn, luôn là như vậy, Luc dịu dàng nói.
Sau đó anh hỏi:
- Nhưng em sao rồi, cậu bé Jean? Chắc em đã có ausweis (2) chứ?
- Ô! Ô! Saint Luc không còn bồng bềnh giữa những đám mây hồng nữa. Thậm chí Saint Luc còn biết đến cả giấy phép thông hành của bọn Đức, Jean François kêu to.
Anh phá lên cười và Luc cũng vậy. Jean François cười rất to còn Luc thì cười gần như không ra tiếng.
Nhưng hai kiểu cười rất khác nhau này đều chung một niềm vui ngang bằng.
- Vâng, em đã có ausweis, Saint Luc ạ, Jean François nói tiếp và thậm chí. .. thậm chí...
Jean François ngừng lại một lúc, vì suýt nữa thì anh nói rằng giấy phép thông hành của anh là giấy giả nhưng cực kỳ giống thật. Anh nói tiếp:
- Thậm chí em sắp chết đói đây. - Chúng ta sẽ ăn trưa ngay bây giờ, Luc nói.
Anh gọi người giúp việc già lên hỏi: - Hôm nay, có gì ăn ngon không hở cô?
- Chỉ có củ cải nghệ giống như hôm qua thôi, thưa ông Luc, người giúp việc nói.
- A! A! Có còn gì nữa không?
- Có pho mát không phiếu (3), người giúp việc nói. - A! A! Luc ấp úng.
Anh nhìn Jean François với ánh mắt như có tội. - Còn ít bơ mà Bà gửi dưới quê lên từ tuần trước, người giúp việc nói. Nhưng chúng ta lại không có bánh mì để phết bơ.
- Tôi có cả đống phiếu mua bánh mì đây, Jean François kêu lên. Và thậm chí...
Anh lại ngừng lại. Những tấm phiếu này do một người làm công ở tòa thị chính đánh cắp cho tổ chức. Suýt nữa thì Jean François đã buột miệng kể ra.
- Và thậm chí tôi có thể cho cô luôn đấy, Jean François nói thêm.
Người giúp việc miễn cưỡng cầm lấy quyển sổ và chạy ra cửa hàng bánh mì.
- Anh chẳng biết thu xếp gì cả, Jean François cao giọng. Anh là người thích ăn lắm cơ mà.
- Đúng thế, Luc thở dài, nhưng mà anh cũng chẳng biết làm thế nào...
- Ra chợ đen, phải xoay xở cách này cách khác chứ? Jean François nói.
- Cô Marion sợ cảnh sát lắm, Luc nói, còn anh thì...
- Còn anh thì cũng vậy, Saint Luc ạ, Jean François nói, giọng rất âu yếm và tỏ vẻ hơi coi thường anh trai.
Hai anh em ăn cơm trong bếp vì đó là phòng duy nhất trong nhà còn lửa. Luc vẫn mặc áo choàng và đội mũ.
- Anh đang tích nhiệt đấy, Luc nói.
- Còn em thì phải nhảy vào lửa hai lần và suýt nữa thì toi mạng trong một buổi sáng ngày hôm nay, Jean François kêu lên.
Anh lại dừng lại một lúc rồi giải thích:
- Tàu hỏa và tàu điện ngầm bây giờ đầy ắp người, hành khách phải chen chúc nhau. Em suýt chết vì nghẹt thở.
Jean François nhớ lại lời mời của người bán đồ gỗ và lấy làm tiếc là đã từ chối. Sau đó anh lại cảm thấy xấu hổ. Anh thích được ăn miếng dồi chiên hơn là ngồi ăn cùng với anh trai của mình, người anh không gặp mặt đã hai năm nay. Nhưng vì Luc cứ hỏi cặn kẽ về chuyến đi nên Jean François mới hiểu thực ra anh không thấy tiếc khi không nhận lời mời của người bán đồ gỗ không phải vì lý do như vậy. Phía trong quầy hàng của người bán đồ gỗ, anh có thể thoải mái nói về những chiếc thẻ ausweis giả, làm cho mọi người phải thán phục trình độ giả mạo cực kỳ tinh vi; có thể kể về nguồn gốc của những tấm phiếu mua bánh mì; nhất là có thể thuật lại thật chi tiết hai lần mạo hiểm của anh sáng nay và còn nhiều những lần khác nữa rồi cùng nhau cười vào mũi bọn cảnh sát Đức và Pháp. Chính cửa hàng của người buôn đồ gỗ cũng đã biến thành kho chứa vũ khí, điện đài và là hòm thư liên lạc của tổ chức. Chắc chắn tại đó cũng có hàng trăm câu chuyện đáng thán phục nữa.
Jean François cảm thấy gần gũi với cậu bé buôn đồ cũ cho dù anh không thể hiểu rõ cậu ta hơn là anh trai của chính mình tuy rằng lúc nào Jean François cũng rất quý và mãi mãi yêu quý anh ấy. Với anh trai, Jean François không hề có một điều gì chung ngoài những kỷ niệm. Nhưng cuộc sống, cuộc sống thực sự, cuộc sống với tất cả sự ấm nóng của nó, trong sự sâu sắc, sự phong phú và mạnh mẽ của hai từ này, Jean François chỉ có thể chia xẻ với những người như Félix, như Le Bison hay với người công nhân bị ho lao mà anh đã nuôi giấu trong hai ngày trời, hay với người lái tàu hỏa có đôi mắt trong sáng mà lấm lem đầy than đã giúp đỡ anh vượt qua súng đạn.
Khi sống cùng đồng đội trong đội quân đặc nhiệm thời kỳ còn chiến tranh, Jean François cũng có tình cảm tương tự như vậy. Ở bất kỳ nơi nào trên nước Pháp, anh cũng có thể nói chuyện về họ, hay nói với họ về cuộc sống của chính anh. Hiện tại, anh phải giấu tất cả trừ bạn bè trong cuộc chiến bí mật. Chính điều này làm anh cảm thấy thích họ - những người kháng chiến mới là đồng bào thực sự của anh.
Félix cho phép Jean François nghỉ ngơi tại Paris ba ngày. Còn Félix đáp tàu hỏa đến vùng Midi luôn đêm đó.
IV
Trong khi Jean François đang ăn trưa với anh trai trên đại lộ Muette, thì tại Lyon, Gerbier đón Félix từ Paris quay về. Họ đang bàn bạc công việc với nhau ở trong rạp hát. Ông giám đốc rạp hát cho Gerbier mượn một phòng làm việc của ông làm chỗ ẩn nấp cho tất cả những người kháng chiến với đủ nguồn gốc khác biệt. Đây là địa điểm không ai để ý tới.
Những người hiểu rõ Gerbier và Félix nhất cũng không thể biết được mối quan hệ giữa họ không còn thoải mái như trước. Kể từ khi hành hình Paul Dounat, họ không còn cảm thấy hoàn toàn tự nhiên khi chỉ có hai người với nhau. Bởi vì, giọng nói của hai người trở nên căng thẳng và họ nói nhanh hơn thường lệ. Từ trước đến nay, họ chưa bao giờ nói với nhau với giọng như vậy.
- Tôi hẹn anh đến đây vì một việc khẩn cấp, Gerbier nói. Bọn chúng đã khám nhà ông bác sĩ, người phụ trách khu vực phía đông bắc của ta. Toàn bộ ngôi nhà bị lục tung. Nhưng may mắn làm sao, ngày hôm đó ông ấy không giấu ai cả. Chúng rút lui nhưng đã đốt ngôi nhà.
- Tôi biết, tôi biết rồi, Félix nói.
- Anh phải đưa bao nhiêu người đến Gibratal? Gerbier hỏi.
- Có hai người lính Canađa trong đội đặc công ở Dieppe(4) mà anh cũng biết rồi đấy, cộng thêm với hai thanh niên mới của lực lượng không quân Hoàng gia(5) vừa nhảy dù xuống và hai người Bỉ bị quân Đức kết án tử hình.
- Cộng thêm một nhân viên điện đài ở chỗ tôi đi thực tập tại Anh và một nữ thanh niên nữa, Gerbier nói. Tổng cộng là thành tám người. Họ sẽ phải tập trung chờ tàu ngầm ở đâu?
- Lạy Chúa! Félix nói, được ở nhà ông bác sĩ thì hết ý. Quanh đây tay chân của Doriot(6) vẫn lùng sục, dò xét để tố giác. Tôi sẽ...
Félix nắm chặt bàn tay thành nắm đấm, nhưng lại buông ra. Cái nhìn của anh bắt gặp cái nhìn của Gerbier. Họ lại nhớ đến Dounat.
- Vấn đề bây giờ không phải là ở đấy, Gerbier nói nhanh. Chúng ta phải giấu họ ở đâu?
- Không thể cho họ nấp trong các lùm cây hay bụi rậm được sao? Félix hỏi.
- Không, Gerbier nói. Họ làm nhiều điều dại dột rồi đấy. Anh thiếu úy người Canađa vào quán cà phê. Anh ta cứ tưởng mình nói tiếng Pháp chuẩn lắm kia. Nhưng nghe qua là ai cũng biết ngay tiếng Pháp của anh ta thuộc vùng nào rồi. Dân trong làng thì không thể nhầm được, kể cả bọn cảnh sát cũng vậy. Mà chỉ cần một người lắm mồm là xong chuyện.
- Hay một kẻ say rượu nào đó, Félix nói. - Khi tàu ngầm tới, chúng ta chỉ được báo trước một ngày. Cho nên, nhất thiết phải tập trung tất cả mọi người gần chỗ tàu dừng.
Félix xoa xoa chỗ hói trên đỉnh đầu đến nỗi đám hói ấy đỏ ửng lên.
- Tôi tìm rồi, nhưng trừ chỗ ông bác sĩ ra thì ta không quen ai ở phía bờ này cả, Félix nói.
- Vậy thì trong vòng bốn tám tiếng đồng hồ phải thiết lập ngay quan hệ với một nhà dân nào đó hoặc tìm cho ra nhà cho thuê hay quán trọ, hoặc nhà máy nào đó có thể nhận người của chúng ta, Gerbier nói.
- Thật là may rủi, chẳng biết thế nào, Félix nói. - Tôi biết, Gerbier nói.
Gerbier nghĩ đến những bức điện tín tỏ ra trách móc về những chậm trễ và bất cẩn của tổ chức mà thỉnh thoảng anh vẫn nhận được từ Luân Đôn, rồi nói thêm, giọng chát chúa:
- Chúng ta đâu phải là một công ty bảo hiểm toàn bộ.
- Điều kiện của chúng ta thế này thì phải nói ngược lại mới đúng. Thật lắm rủi ro, Félix nói.
- Tất cả phụ thuộc vào người ta chọn giao nhiệm vụ này, Gerbier nói tiếp. Không cần thiết phải là người có óc tổ chức hay cực kỳ thông minh. Chỉ cần có tính kiên quyết nhất là có cái nhìn nhanh và chính xác; phải biết trước ai là người đáng tin cậy. Đây là một vấn đề về linh tính bản năng.
- Có, có, Félix nói... tôi có một thanh niên có thể đáp ứng được yêu cầu này. Cậu ta là bạn tôi từ hồi còn trong đội đặc công với nhau. Anh chưa gặp cậu ta lần nào nhưng anh biết tôi đang nói tới ai. Cậu ấy có một con chó săn rất thính. Ngặt nỗi cậu ta lại đang ở Paris để giao đài phát mới cho Dubois sáng nay.
- Thì cậu ta sẽ quay về ngay chứ, Gerbier hỏi. - Ba ngày nữa, Félix nói.
- Tại sao lại là ba ngày?
- Cậu ta còn muốn thăm anh trai không gặp mặt từ hồi còn chiến tranh... Tôi không lường được là chúng ta lại cần đến cậu ấy ngay, Félix nói.
- Ôi! Những câu chuyện gia đình... Gerbier nói giữa hai hàm răng.
- Cậu chỉ trích tôi đấy à? Félix hỏi.
Giọng nói của Félix nén lại, đầy hung dữ đến nỗi Gerbier không dám đáp lại. Đôi mắt Félix thiếu ngủ trầm trọng, mí đỏ mọng và da mặt trông thật đáng sợ.
"Anh ấy thiếu ngủ, thần kinh suy nhược", Gerbier nghĩ. "Nhưng chẳng ai trong tổ chức được ngủ cho đủ cả".
Félix thấy Gerbier nín lặng, nên hỏi lại, giọng vẫn giận dữ như lúc nãy:
- Nếu chỉ trích tôi thì anh đã quá lời rồi.
Gerbier không hiểu. Nhưng rồi, anh sực nhớ ra và hỏi:
- Con trai cậu thế nào rồi, có khỏe không?
- Không khỏe lắm, Félix nói. Bác sĩ khám thấy trong phổi nó có dịch...
- Phải gửi nó về quê thôi, Gerbier nói.
- Bằng cách nào? Félix hỏi. Anh thừa biết lúc nào tôi cũng phải lăn ra trên đường hoặc bận trăm nghìn công việc, chẳng còn một phút nào rảnh ra để mà kiếm tiền nữa. Đủ bỏ miệng ăn là may nhờ vợ tôi biết thu vén đấy. Vợ tôi cũng có niềm tự hào riêng. Cô ấy gọi tôi là thằng bất lực, là thằng lười biếng. Tôi còn có thể nói gì với cô ấy đây? Thằng bé thì suốt ngày bò lê bò toài một mình trong cái xưởng ẩm ướt.
- Cậu chẳng bao giờ nói với tôi về điều này, Gerbier nói. Chúng ta có quỹ mà...
- Ôi, tôi xin ông, Gerbier, Félix nói. Cậu xem tôi có phải là thằng có thể vác mồm đi ăn xin hay không?
Gerbier lấy móng tay lơ đễnh khía lên mặt bàn. Lúc này, Félix, ông chủ xưởng sửa chữa ôtô làm anh nhớ lại Roger Legrain, cậu thanh niên thợ điện bị ho gà trong khu trại tập trung L... Hai người có cùng phẩm hạnh... cùng quan niệm về danh dự... Sự im lặng của Gerbier bây giờ làm cho Félix cảm thấy rất phiền lòng.
- Không phải tôi nói tất cả điều này ra để phàn nàn với anh, Félix thầm thì. Tôi không hiểu mình thế nào nữa... Nhưng lúc nãy, khi anh nói về chuyện gia đình, tôi nghĩ anh có mỗi một mình, anh không bị lệ thuộc vào bất kỳ ai. Trong điều kiện công việc của chúng ta hiện nay, như vậy lại là may mắn lắm đấy.
Gerbier tiếp tục dùng móng tay gạch gạch lên trên mặt bàn. Anh chẳng thuộc về ai cả... Đó là sự thực. Suýt nữa thì anh đã gắn bó với Legrain. Nhưng Legrain lại muốn bỏ trốn... Đó là một điều may...
- Vậy chúng ta làm thế nào đây? Đột nhiên Gerbier hỏi.
- Chính tôi sẽ trực tiếp lo liệu, Félix nói. Gerbier nhìn cặp mí mắt đỏ như lửa, màu da tái xám trên má Félix.
- Anh cần ngủ một đêm thật ngon giấc, Gerbier nói. - Không cần thiết, Félix nói. Tôi đã hứa ngày mai chủ nhật sẽ đưa cả nhà vợ và cu con đi rạp xem chiếu bóng.
Félix đã thực hiện lời hứa này. Anh gặp lại Jean François trên chuyến tàu cao tốc Paris - Nice.
V
Trang trại nằm trên đoạn đường nhỏ nối giữa đường quốc lộ rộng lớn và bãi biển. Khu nhà phụ bên rìa trang trại khá rộng rãi, xây độc lập với khu chính và bao bọc toàn bộ khu ở chính theo hình móng ngựa. Xa xa, phía sát bãi biển, tít tận chỗ ngoặt, là bãi đất ruộng đã cày, cánh đồng nho, và rất nhiều bụi cây lớn. Khu trại được bảo vệ cẩn thận bằng những bức tường thấp. Jean François đặt chiếc xe đạp nằm ệp xuống vệ cỏ, rồi ngồi bệt xuống bên cạnh mà ngắm nhìn. Trong tất cả những nơi mà cả ngày hôm nay anh đã xem xét, anh tin chắc rằng đây sẽ là nơi thích hợp nhất. Jean François dựng lại xe và nhảy lên yên.
Trong sân, đàn gà đang thơ thẩn kiếm ăn và trên bậc thềm, một ông già đang mải mê bẻ những mẩu gỗ vụn.
- Xin cho hỏi chủ nhà? Jean François hỏi ông già.
Ông già đứng thẳng dậy một cách khó nhọc, lập cập lấy ống tay áo vá chùi khuôn mặt vô cảm đầm đìa mồ hôi, rồi khum khum bàn tay tạo thành hình cái loa đặt phía sau vành tai.
- Ai hỏi gì thế? ông ta hỏi.
- Ông bà chủ, Jean François kêu to.
Cửa vào nhà mở ra. Một người phụ nữ mặc váy đen, khăn choàng vai cũng màu đen xuất hiện. Chị đã luống tuổi, dáng người nhỏ nhắn.
- Ông chủ không có nhà, ông ấy vào thành phố rồi, chị nói giọng địa phương đặc sệt.
Jean François mỉm cười với người phụ nữ có vẻ mặt ảm đạm, nghiêm nghị và cân đối.
- Chẳng có hề gì, anh nói. Tôi nghĩ chủ nhà thực sự lại chính là chị kia.
Jean François mặc áo xăngđay rộng, cổ lọ, quần cộc cũ, đi đôi giày thể thao cũ và dắt một chiếc xe đạp thấp. Đầu anh rối tung, những sợi tóc màu vàng xoắn lại với nhau, xõa xuống trước trán. Nhưng căn cứ vào đôi bàn tay, cách cư xử và giọng nói của anh mà nữ chủ trại chắc rằng anh xuất thân từ tầng lớp khá giả.
- Nếu cậu muốn đến mua đồ chỉ tổ mất công toi. Chúng tôi chẳng có gì thừa để bán cả.
- Chị làm ơn cho xin cốc nước uống thì tốt quá. Tôi khát đến cháy cả cổ họng rồi.
Bụi bám trắng cả lông mày và thái dương chàng trai. Ở vùng này, mùa đông không lạnh lắm. Đường xá thì khô khan.
- Vào nhà đi, người phụ nữ nói.
Trong phòng lớn, có một lò sưởi cao đang cháy. Khi tắt ánh nắng mặt trời, dân ở đây thường phải lấy dần những đồ gỗ cũ đánh bóng theo kiểu nông thôn ra để đốt lò. Từ bên ngoài vọng vào tiếng chặt gỗ khô khốc và tiếng cục tác của đàn gà. Người phụ nữ đặt lên trên bàn một cái cốc và một cái chai.
- Chỉ cần nước trắng thôi ạ, Jean François nói.
- Đã vào nhà của Augustine Viellat, thì khách qua đường bao giờ cũng được mời rượu, thậm chí cả trong cái thời kỳ khốn khổ này, người phụ nữ cao giọng nói.
Jean François chậm rãi nhấp từng ngụm rượu. Sau mỗi một ngụm, thì niềm sung sướng lại tăng dần lên, lộ rõ trên khuôn mặt sáng sủa của anh.
- Một cốc nữa nhé? Augustine Viellat hỏi. - Xin rất sẵn lòng, Jean François nói. Rượu ngon quá.
- Rượu chúng tôi cất lấy đấy, chủ trại nói. Chị nhìn Jean François uống và thở dài. Chị không có con trai. Chị rất muốn có một đứa giống như chàng trai trẻ này, có vẻ đẹp rắn rỏi và giản dị.
- Trước kia cậu có tham gia chiến tranh không? Chị hỏi.
- Tham gia từ đầu đến cuối, Jean François nói, ở trong đội đặc công.
- Đội đặc công, Augustine Viellat nói tiếp, người ta nói lính đặc công giỏi lắm.
- Người ta nói, Jean François nhắc lại và cười. Cậu đứng dậy, bật đài kê trên chiếc hòm gỗ và chỉnh kim sóng đến tần số của các buổi phát thanh từ Luân Đôn.
- Chưa đến giờ đâu, chủ trại nói.
Chị đứng bên bàn uống nước. Jean François quay trở lại, ngồi xuống cạnh góc bàn, bên người phụ nữ.
- Tôi đang phải tìm một chỗ có thể giấu mấy người bạn, anh nói.
Người chủ trại không thay đổi nét mặt, hạ thấp giọng xuống hỏi:
- Tù vượt ngục à? - Họ là người Anh, Jean François nói. - Người Anh? Augustine Viellat kêu lên. Sự ngạc nhiên làm chị cao giọng. Theo bản năng, chị lo lắng nhìn ra ngoài cửa sổ, chỉ thấy người giúp việc già bị điếc.
- Có người của công vụ Dieppe, có cả phi công bị kiệt sức nữa, Jean François nói.
- Lạy Đức mẹ đồng trinh! Augustine Viellat thì thào. Đức mẹ đồng trinh... lính Anh đến tận chỗ chúng ta... Tôi cứ ngỡ rằng người Anh chỉ đến miền Bắc nước ta là cùng.
- Miền Bắc chỉ là nơi ẩn náu đầu tiên của họ, Jean François nói. Dân ở đó đối xử với họ rất tốt.
- Tôi cũng chỉ mong như vậy thôi, người chủ trại nói. Những người Pháp tốt bụng bao giờ cũng đối xử với lính Anh như những người ruột thịt.
Augustine Viellat bắt chéo lại chiếc khăn chuàng quanh ngực. Chiếc khăn choàng hơi phập phồng.
- Thế, liệu tôi có thể dẫn họ đến đây? Jean François hỏi.
- Thì tôi sẽ mang ơn cậu lắm, chủ trại nói.
- Tôi xin báo trước cho chị hay, không phải là không có nguy hiểm đâu, Jean François nói. Cùng đi với họ còn có...
- Cậu bé của tôi, tôi thấy cậu thực sự còn hơi trẻ để lên lời khuyên bảo trong nhà của tôi, Augustine Viellat ngắt lời.
- Thế ở đây có an toàn hay không? Jean François hỏi.
- Chồng và con gái tôi hoàn toàn nghe theo tôi, còn người giúp việc già ngoài kia đã ở đây từ thời ông bố chồng tôi còn sống, Augustine Viellat nôn nóng nói.
- Chúng tôi có khoảng bảy hoặc tám người, Jean François nói.
- Nhà tôi rất rộng. - Thế còn lương thực? Jean François hỏi. - Ơn Chúa, ngay cả trong thời kỳ bất hạnh này tại nhà của Augustine Viellat, còn lâu chúng tôi mới đến nỗi phải chết đói, chủ trại nói.
VI
Họ chia thành từng nhóm nhỏ đến khu trại trong hai đêm liền. Những người Canađa trong đội đặc công Dieppe rút về đây đã từng được nuôi giấu ở hàng chục nơi như: lều trại của ngư dân, các lâu đài của quý tộc nông thôn, nhà tranh vách đất ở vùng núi, những nhà trọ dọc dường. Hai lính phi công của lực lượng không quân Hoàng gia Anh bị thương đã được một thày thuốc ở quê chăm sóc liền mấy tuần tại chính nhà ông. Lính du kích Bỉ từng làm tiều phu đi đốn củi. Cuối cùng, Félix dẫn tới một người Bồ Đào Nha ít nói. Trước khi trốn thoát khỏi tù, anh đã bị bọn Đức chặt cụt cả năm ngón tay phải.
Augustine Viellat kê tất cả đệm ra, mở tủ lấy những tấm khăn trải giường đẹp nhất cho những người mới đến làm nơi ngủ. Chị nuôi họ bằng giăm bông sống hun khói với rau, trứng ngỗng muối, trứng của bầy gà vịt trong sân, bơ, mật ong và mứt tự làm bằng đường trắng. Những vị khách này không hề biết rằng chị đã hy sinh tất cả thực phẩm tích cóp được phòng cho cái đói sắp đến vào mùa đông, dành cho họ toàn bộ khẩu phần bánh mì của gia đình. Nữ chủ nhân có vẻ kiêu kỳ với tính cách độc đoán này đã hết lòng ân cần chăm sóc họ như những vị thượng khách. Chị đặc biệt biệt đãi người Anh và Canađa. Với chị, họ là những con người phi thường. Họ đến từ những nơi xa xôi như thế trong khi đất nước của họ vẫn còn đang tranh đấu.
- Thôi, không nói nữa, Augustine Viellat gạt đi mỗi khi họ muốn cám ơn chị. Nếu không có các anh thì chúng tôi sẽ phải làm thế nào đây?
Khắp nơi trên đất Pháp, đi tới đâu họ cũng được tiếp đón ân cần như vậy. Họ mỉm cười ngượng nghịu vì cảm thấy làm phiền người khác.
Jules Viellat, phục viên năm 1914 và 1939 với một cái chân vẹo, lúc nào cũng lẩm bẩm một mình rằng: "Bây giờ mình lại được tham gia một chút vào chiến tranh cơ đấy". Thỉnh thoảng ông cũng có nói ra điều này, nhưng chỉ dám nói với cô con gái Madeleine mà thôi. Với vợ thì có thách cả gan trời ông cũng không dám. Madeleine có đôi mắt đen, có làn da Tây Ban Nha giống như Augustine. Cô không thể xác định được mình yêu ai hơn, anh thiếu úy Canađa cao lớn và lịch lãm hay là anh phi công nhỏ nhắn, có gương mặt ngây thơ như trẻ con. Những người Bỉ làm cho cô cười chảy cả nước mắt bởi giọng nói và những câu chuyện sống động của họ. Ông già giúp việc, xuất thân từ một vùng quê gần biên giới, nên cứ nghĩ rằng ông bà chủ đang nuôi giấu những kẻ buôn lậu. Mọi người cứ mặc cho ông già tin như vậy.
Đêm xuống, sau khi cửa ra vào và cửa lưới đã được đóng khóa cẩn thận, tất cả mọi người lại tụ tập nghe đài phát thanh từ Luân Đôn trong căn phòng lớn nhất. Augustine Viellat ngắm nghía những gương mặt lạ lẫm nổi bật lên trên những bức tường cũ kỹ, giữa những thứ đồ gỗ cũng cũ kỹ mà chỉ những người nông dân giản dị và khiêm tốn mới sắm sanh để bày biện trong nhà, mà lắc lắc cái đầu kiêu kỳ với một vẻ hoài nghi. Chị biết rằng những người khách trọ tại trang trại sẽ sớm được một chiếc tàu ngầm đến đón và đưa đi (chính họ đã nói với chị như vậy - họ cảm thấy yên tâm và tin cậy chủ nhà đến nhường nào!) Tuy nhiên, Augustine vẫn cứ hình dung rằng, mai kia, khi chị kể lại câu chuyện này với những đứa cháu - con của Madeleine sau này, thì bọn trẻ thể nào cũng cho rằng đây chỉ là một câu chuyện hoang đường mà thôi.
Một tuần lễ đã trôi qua. Một buổi tối, Jean François quay trở lại. Anh thông báo cho mọi người chuẩn bị khởi hành vào đêm hôm sau. Augustine Viellat bắt chéo lại chiếc khăn choàng trước ngực để giấu đôi bàn tay đang run run vì xúc động. Khi ai đã đi về giường của người ấy, Augustine tiến lại phía Jean François:
- Thỉnh thoảng nếu có dịp, cậu lại dẫn những người khác đến chỗ chị nữa nhé, chị nói với cậu bằng giọng thân thiết.
Yêu cầu của chị không hề làm Jean François ngạc nhiên chút nào. Ai cũng vậy, nếu có may mắn một lần phục vụ kháng chiến, họ đều rất vui mừng và muốn được tiếp tục.
Phải chăng vì lòng căm thù kẻ địch hay vì tình đoàn kết, hay là thích được mạo hiểm mà họ cảm thấy thỏa mãn khi góp được một phần của mình cho kháng chiến? Jean François không thuộc loại người thích quan tâm đến vấn đề này. Nhưng anh chắc chắn rằng cứ cái đà như vậy thì trên khắp đất nước sẽ sinh sôi nảy nở đến vô cùng những cơ sở quý báu, những sự tiếp tay, ủng hộ của dân chúng đối với kháng chiến.
- Khách trọ thì chẳng thiếu, Jean François vừa nói vừa mỉm cười với Augustine.
Đôi mắt xanh của anh dừng lại giây lát trên chiếc đài phát thanh.
- Nếu có thể, Jean François nói, chúng tôi sẽ đặt một trạm điện đài tại nhà anh chị.
- Cậu nói cái gì, tôi không hiểu? Nữ chủ trại hỏi. - Từ đây chúng ta có thể nói chuyện với Luân Đôn, Jean François nói.
- Lạy Đức mẹ đồng trinh! Nữ chủ trại kêu lên. Nói chuyện với Luân Đôn! Từ nhà chúng tôi! Từ nhà tôi! Anh có nghe thấy không, Jules! Con có nghe thấy không, Madeleine?
- Cẩn thận, Jean François nói, lãnh án tử hình như chơi đấy.
Trong căn phòng lớn mái bám đầy bồ hóng, Jean François nghe thấy rõ từng tiếng thở của mỗi thành viên trong gia đình Veillat.
- Anh nghĩ thế nào, Jules, chị hỏi. - Em muốn thế nào thì anh muốn thế ấy, Jules Viellat nói.
Augustine nghe thấy tiếng dậm chân nhẹ của những người Canađa, Bỉ, Anh, Bồ Đào Nha đang sửa soạn giường chiếu để ngủ trên tầng gác xép. Chị nói:
- Được đấy, cậu Jean François ạ. - Ngày mai tôi sẽ nói lại chuyện này với xếp của tôi, Jean François nói.
Gerbier đến trang trại từ lúc trời mới tờ mờ sáng. Đi theo anh còn có một điện đài viên đã có tuổi, rậm râu và một phụ nữ có gương mặt lạnh như băng.
Jean François gọi Gerbier ra riêng một chỗ và nói: - Người đánh cá sẽ đợi chúng ta vào mười giờ đêm nay. Ông ta có một con tàu lớn. Tất cả mọi người có thể đi cùng một chuyến. Như vậy, ta khỏi phải đi lại nhiều lần. Cô Madeleine, con gái chủ nhà sẽ dẫn anh đến đó tắt qua cánh đồng để tránh đường vòng.
- Cậu tính toán thật là khéo, Gerbier nói. - Em về được rồi chứ ạ? Jean François hỏi. - Chưa, Gerbier nói.
Anh châm một điếu thuốc lá rồi nói tiếp: - Tôi có một nhiệm vụ cho cậu, Jean François. Một nhiệm vụ lớn đặc biệt quan trọng. (Giọng nói của anh rất dịu dàng và ấm áp). Cậu sẽ đưa xếp của tất cả chúng ta ra tàu ngầm. Cậu có nghe thấy không, xếp của tất cả chúng ta, nghĩa là người chỉ huy cấp cao nhất đấy. Anh ấy cũng cùng đi trên chuyến tàu này. Nhưng tôi không muốn anh ấy xuất phát cùng với tất cả mọi người trong đoàn. Như thế rất nguy hiểm vì đoàn của chúng ta quá đông. Cậu sẽ chở anh ấy ra chỗ tàu ngầm bằng xuồng nhỏ. Le Bison sẽ đưa anh ấy đến chỗ cậu. Chú ý đến tín hiệu của tôi ở trên bờ. Ba điểm xanh và một tia sáng.
- Rõ. Tôi sẵn sàng đối phó với tất cả, Jean François nói.
Jean François rất phấn khởi vì anh vô cùng thích môn bơi xuồng.
Augustine Viellat bước xuống dọn bữa sáng cho ba người khách mới.
- Thưa bà, tối nay chúng tôi phải ra đi gấp, vậy xin bà làm ơn cho biết ngay bây giờ số tiền tôi nợ, Gerbier nói với Augustine Viellat.
- Ô! Augustine nói nhỏ... Ô! Làm thế nào mà ông lại.
- Thế nhưng mà... tám người trọ cả một tuần liền... trong thời buổi khó khăn như thế này, Gerbier nằn nì.
- Thế còn ông, ông có được trả tiền công từng ngày vì tất cả những gì ông đang làm hay không? Augustine hỏi với giọng cứng rắn. Không chứ gì! Vậy thì, xin nói cho ông biết, tất cả những gia đình nông dân giống như gia đình nhà Viellat chúng tôi, chúng tôi cũng có lòng tự hào giống như ông vậy.
Gerbier nghĩ đến Legrain, nghĩ đến Félix rồi đi vào bếp dùng cơm. Øn xong, Gerbier nói với Augustine Viellat mà cho đến tận lúc này vẫn chưa thèm ngó ngàng đến anh:
- Xin bà cho phép tôi mang đến cho bà cái gì đó làm quà khi từ Luân Đôn quay trở về.
- Ông... ông sẽ quay trở lại à? Augustine lập bập và hơi quay đầu lại. Có chuyện đó ư?
- Thỉnh thoảng, Gerbier nói.
- Lại bắt tay vào công việc sau khi được sống trên một đất nước tự do thì thật là đáng sợ.
- Tôi không biết... tôi đi lần này là lần đầu, Gerbier nói. Tôi muốn mang về cho chị một món quà lưu niệm.
Augustine hít vào thật sâu rồi thì thào:
- Vũ khí, mang vũ khí về cho tôi. Nó sẽ có ích cho cả làng này khi cần.
VII
Bóng tối đen đặc. Nhưng những sườn đá dốc đứng xung quanh bờ vịnh nhỏ vẫn lờ mờ nổi lên như khắc vào nền trời đêm. Một cái hang đá chật chội biến những vết khắc dữ dằn thành hình những mũi tên có khía nhỏ. Tại những chỗ đó, biển ăn sâu vào đất liền, tạo thành hàng trăm đường lượn vòng.
Jean François nằm trên cát, nơi tận cùng của bờ vịnh, gần biển đến nỗi những con sóng dài nhất có thể liếm ướt đôi chân trần. Anh mặc một chiếc quần vải, xắn lên đến tận đầu gối với áo xăngđay cũ bằng len. Anh cảm thấy vô cùng thoải mái trong bộ quần áo nhẹ và rộng rãi. Anh nhắm mắt lại để lắng nghe cho rõ hơn âm thanh của những điều đang xảy ra trong bóng tối và để khi mở mắt ra nhìn cho rõ hơn. Anh cứ ngắt quãng, nhắm mắt rồi lại mở mắt ra một cách đều đặn như vậy. Jean François học được điều này từ hồi còn ở trong đội đặc công. Hồi đó, anh còn học được cách xua đuổi những hoang tưởng trong bóng tối. Chính nó tạo ra cho người yếu bóng vía những kẻ thù và những nỗi sợ hãi vô căn cứ.
Một cơn gió bất thần quất mạnh vào bãi cát rồi giảm nhẹ dần. Jean François cảm thấy hài lòng. Anh không sợ gì sóng lừng ở biển cả. Trong cả những môn thể thao đã chơi, anh tỏ ra có năng khiếu đặc biệt đối với những trò thể thao trên biển. Anh biết rất rõ sức mạnh và sự khéo léo của mình. Thậm chí ngay cả khi thời tiết xấu, anh cũng dám chắc có thể chèo một chiếc thuyền tồi tàn về đến tận khu căn cứ của hải quân Anh. Nhưng Jean François vẫn thích biển bình lặng hơn khi anh chèo thuyền chở vị khách này. Rất có thể vị khách quá giang của anh không phải là người thiện nước.
Jean François nhắm mắt lại, anh chỉ dùng thính giác để nắm bắt thông tin với bên ngoài. Xung quanh, tất cả đều im lìm, ngoại trừ tiếng ì oạp của những đợt sóng biển. Bỗng nhiên, dường như có tiếng động cơ rì rào yếu ớt vọng lại từ cao và rất xa phía đất liền, trên tận con đường hình chữ chi nổi lên từng đoạn nhấp nhô. Có khả năng đó là tiếng động cơ ôtô của Le Bison. Jean François nhổm người dậy. Thật là kỳ lạ khi nghĩ rằng vị chỉ huy cao nhất sắp có mặt trên chuyến đò. Anh ta cũng có vóc dáng, trọng lượng giống như tất cả mọi người. Tiểu đội của Félix và ngay cả Félix nữa cũng chưa bao giờ được giáp mặt vị chỉ huy này. Đó là một người không có tên, không có hình dạng, nhưng bằng những mệnh lệnh của mình, người đó có thể cho người này vào tù, bắt người kia phải bị tra tấn hay phải chết. Người ấy có tài làm cho vũ khí từ trên trời rơi xuống, từ sóng điện đài mà lấy ra được đạn dược quân nhu. Cuộc sống của người ấy được bao phủ giữa những lớp mây thần thánh. Người ấy thoắt ở thoắt đi nhanh như có phép màu kỳ diệu. Không hiểu người ấy từ đâu tới đây mà chốc lát nữa sẽ đi vào lòng biển cả.
Và thế là Jean François, người không bao giờ nghĩ điều gì cho nghiêm túc, lại là người dẫn đường cho vị tổng chỉ huy, người dự kiến, tổ chức và ra lệnh cho tất cả. Jean François không cảm thấy kiêu hãnh, chỉ thấy vui. "Đỉnh và chân của một ngọn tháp lại gặp được nhau", Jean François nghĩ. "Một điều hoàn toàn lạ lùng. Sau chiến tranh mình phải kể lại chuyện này với Saint Luc mới được". Jean François mỉm cười trong bóng đêm. Khổ thân cho Saint Luc với cái mũ len xùm xụp trên đầu, với món củ cải nghệ của anh ấy và nỗi sợ cảnh sát. Trong khi mà cuộc đời vô cùng đẹp, vô cùng mênh mông và rộng lớn, vô cùng...
Jean François hơi nhỏm người tì lên khuỷu tay. Trong anh, mọi suy nghĩ đột ngột dừng lại. Anh chắc chắn đã nghe thấy có tiếng người động đậy ở mỏm đá che khuất một phần cái vịnh nhỏ. Người đó phải rất thông thuộc địa hình ở đây. Tiếng động của hắn gây ra không to hơn tiếng vỗ của nước làm lăn theo một hòn đá nhỏ. Bây giờ yên lặng lại bao trùm cả không gian. Vị tổng chỉ huy có thể đến bất kỳ giây phút nào. Và bất kỳ giây phút nào tín hiệu cũng có thể sáng lên trong bóng đêm. Kẻ rình rập này không thể được nhìn thấy tất cả sự việc đó. Jean François bắt đầu trườn đi dọc theo bờ biển. Tay anh cầm một cái dùi cui bằng cao su. Nhẹ và trơn như một con rắn nước, Jean François như lẫn vào với cát ướt, trườn khắp một vòng quanh vịnh. Bỗng anh thoáng nhìn thấy ở giữa hai tảng đá lớn, có một khối im lìm, cũng bất động nhưng bóng của nó lại sậm hơn. Đó là một người đàn ông.
Jean François nắm thật chặt cán dùi cui trong lòng bàn tay. Một cái đập vào đầu không làm hắn chết nhưng sẽ làm hắn ngủ say cho đến tận sáng.
Jean François tiến lên thêm vài xăng ti mét nữa. Bây giờ hắn đã ở trong tầm tay của anh, anh căng cơ lên lấy sức. Nhưng người đàn ông đã biến mất sau tảng đá. Jean François nghe thấy giọng nói bé tí.
- Đừng làm trò dại dột. Tôi có súng.
Hai con sóng nhỏ nối tiếp nhau, lần lượt va vào và vỡ ra trên mỏm đá. Giọng nói ban nãy lại hỏi (Jean François cảm thấy đó là giọng nói của người có thói quen ra lệnh):
- Anh làm gì ở đây vào giờ này? - Thế còn anh? Jean François đáp lại, vừa như chực nhảy lên trên mỏm đá.
- Tôi là anh rể của Augustine Veillat, người này đáp lại trong bóng tối.
Jean François thả lỏng cơ ra và thì thầm: - Chị chủ trại nơi chúng tôi trọ?
Người đàn ông bước ra khỏi chỗ nấp. - Tôi đi quan sát một vòng xem tình hình có ổn không.
- Thấy thế nào? Jean François hỏi. - Tốt, tốt, người đàn ông trả lời. Đội tuần tra của cảnh sát đã đi xa rồi. Bọn Đức ở đây còn ít, lại không thuộc địa hình. Chúng phó thác cả cho hải quan.
- Thế còn hải quan? Jean François hỏi.
- Hải quan à? Người đàn ông nói. Cực ổn! Hải quan... chính là tôi đây. Tôi quản lý mọi lĩnh vực.
- Vậy thì thực sự ổn rồi, Jean François nói.
Anh cất cái dùi cui vào túi.
VIII
Có những tia sáng xanh quét trên mặt nước, run rẩy rồi biến mất. Jean François nhìn thấy những tín hiệu và ngay lập tức đứng bật dậy. Gần như đồng thời, trên đoạn đường dẫn từ đường quốc lộ đến cái vịnh nhỏ, có tiếng bước chân lập cập và nặng nề. Yên tĩnh đến nỗi Jean François có cảm tưởng mỗi một tiếng bước chân này đang vang ra toàn nước Pháp. Jean François nắm chặt lấy cán dùi cui đồng thời chốt khóa khẩu súng ngắn trong túi. Mệnh lệnh truyền cho anh là phải đảm bảo việc ra đi bằng bất cứ giá nào.
Vài giây sau, có hai cái bóng xuất hiện trên mặt cát.
- Đưa xuống tàu, một trong hai thầm thì.
Jean François nhận ra giọng nói của Le Bison.
Anh nhanh nhẹn đẩy chiếc thuyền trên biển đến chỗ ngoặt rồi cố gắng giữ cho nó không tròng trành.
Dù anh rất cố gắng, nhưng vì người khách không quen đi thuyền nên hành động luống cuống làm chiếc thuyền suýt nữa thì bị lật.
"Người này không được rèn luyện trong đội đặc công", Jean François sốt ruột nghĩ. Anh giữ cho chiếc thuyền thăng bằng lại rồi bắt đầu chèo.
- Chúc may mắn, thưa tổng chỉ huy, Le Bison thầm thì.
Chỉ lúc đó, Jean François mới sực nhớ ra ai là người khách quá giang vụng về đến thế. Những hành động thiếu kinh nghiệm khi bước lên thuyền của vị tổng chỉ huy làm anh vô cùng xúc động và kính trọng.
"Nếu người này mà cũng giống như mình thì hẳn sẽ không phải là tổng chỉ huy", Jean François tự nhủ.
Bây giờ toàn bộ tâm trí anh dồn hết vào việc điều khiển con thuyền đi thật nhanh và thật êm. Người khách quá giang ngồi phía sau thuyền.
Tín hiệu lại sáng lên một lần nữa. Khoảng cách cần phải vượt qua để đến chỗ những ánh sáng đó còn khá xa. Đôi tay Jean François nhịp nhàng chèo như những thanh chèo được bôi mỡ trơn tru. Cuối cùng, một hình thù gì không rõ mờ mờ hiện ra ở cuối đường chân trời, rất gần. Jean François đưa nhẹ mái chèo cuối cùng. Thuyền của anh đã đụng vào vỏ một chiếc tàu ngầm gần như nổi hẳn lên trên mặt nước.
Có người nào đó đang đứng lom khom trên tàu. Một chùm tia sáng như một bó đuốc lớn chiếu sáng toàn bộ chiếc thuyền trong khoảnh khắc. Đây là lần đầu tiên, hai người trên thuyền nhìn thấy rõ mặt nhau trong đêm tối. Người khách đứng lên một cách khó khăn nói với giọng ngàn ngạt:
- Ôi Chúa ơi, cậu bé Jean... lẽ nào lại thế? Và Jean cũng nhận ra anh trai của mình. - Tổng chỉ huy, anh lập bập. Xem kìa... thế nào mà...
Bó đuốc đã tắt. Đêm tối đen như mực, tối hơn cả lúc trước, tối như bịt lấy mắt người ta. Jean François bước đại lên một bước. Anh chạm vào người anh trai, anh ấy liền nhấc bổng Jean François lên. Chiếc tàu ngầm chuyển động, xa dần rồi cuối cùng chìm xuống nước.
Theo phản xạ, Jean François mạnh tay chèo theo hướng chiếc tàu ngầm đang mang anh trai của mình đi xa. Bất chợt, trong anh như không còn một chút sức lực nào, anh buông mái chèo. Con thuyền từ từ chệch hướng... Jean François không nhận thức được phải mất bao nhiêu lâu sau anh mới hiểu và tin vào tất cả những gì vừa xảy ra. Anh thì thào một mình:
- Saint Luc linh thiêng... Ôi gia đình của ta... Anh mỉm cười, rồi vừa hát vừa chèo con thuyền quay trở lại chỗ ngoặt trong bóng đêm trên biển.
---------
(1) Saint có nghĩa là Thánh.
(2) Cuộc đối thoại này xảy ra trong thời kỳ mà nước Pháp bị chia làm đôi bởi một đường ranh giới nội địa và lúc đó để đi từ vùng này sang vùng khác cần phải có một cái giấy gọi là giấy phép thông hành của bọn Đức.
(3) Có nghĩa đấy là thứ thức ăn kém chất lượng, không có chút ít dinh dưỡng nào.
(4) Tên một quận cảng ở miền Bắc nước Pháp (ND).
(5) Của Anh (ND).
(6) Jacques DORIOT, là một nhân vật chính trị, tuyên truyền cho sự cộng tác với quân chiếm đóng (Pháp với Đức). (ND).