Phần lớn thời gian của những người kháng chiến là ngồi trên tàu hỏa. Thông tin không thể được trao đổi qua điện thoại, hay thư từ, điện tín. Mọi tin tức đều phải được chuyển đi. Mọi bí mật, các mối liên hệ đều đòi hỏi phải đi lại. Cả việc phân phối vũ khí, báo chí, các trạm phát tin tức, các công cụ để phá hoại địch cũng đòi hỏi phải đi lại. Đó là lý do tại sao cần thiết phải có một đội quân liên lạc viên đi vòng quanh khắp nước giống như những chú ngựa trên trường huấn luyện. Điều đó cũng giải thích tại sao nguy hiểm khủng khiếp luôn luôn rình rập họ. Cũng như chúng tôi, quân thù hiểu rất rõ rằng chúng tôi buộc phải đi lại không ngừng. Bất kỳ một chuyến công tác nào, tôi cũng phải gặp hai, ba, bốn đồng chí thuộc tổ chức của tôi hoặc một tổ chức khác. Và chính từ đó tôi cũng đoán ra được những điều mà tôi không biết. Ở góc độ này, đồng mưu làm phát triển bản năng dự đoán gần như là không hề sai lầm bao giờ. Tôi tự hỏi không biết liệu ở bọn cảnh sát có phát triển bản năng giống như vậy hay không.
* * *
Tôi tin rằng đang bị một ông già có bộ râu quai nón tỉa tót, trên ngực đeo bắc đẩu bội tinh theo dõi. Thủ đoạn tiếp cận của bọn Gestapo chăng? Tôi cử một người của chúng tôi bám sát ông già.
* * *
Le Bison gặp phải một tai nạn rất ngớ ngẩn. Anh chạy xe đạp ăn cắp được của bọn Đức quá nhanh trên đường và trượt ngã. Hôn mê. Bệnh viện. Trong người anh có hai khẩu súng lục và một con dao trên sống có khấc.
Vũ khí được giao nộp cho phòng lục sự. Cảnh sát Đức và cảnh sát Pháp đều được thông báo. Người ta khiêng Le Bison vẫn bất tỉnh nhân sự lên bàn mổ. Vỡ hộp sọ, gẫy xương hàm. Cảnh sát đến thấy anh vẫn tiếp tục trong tình trạng hôn mê nên hoãn việc hỏi cung sang ngày hôm sau. Gần sáng, Le Bison hồi tỉnh. Đầu anh hoàn toàn chìm trong mớ gạc băng. Anh thấy vô cùng đau đớn. Không có canh gác. Anh ngồi dậy, trốn khỏi bệnh viện qua cửa sổ. Anh đi loạng choạng. Có một chuyến tàu điện ra ngoại ô, nơi anh có bạn bè. Le Bison leo lên tàu. "Tôi nhìn thấy bốn cái cửa", về sau anh nói. "Nhưng may quá, tôi đã lên đúng cửa cần lên".
* * *
Vậy là đằng sau tôi có hai người đang bám theo. Ông già đeo bắc đẩu bội tinh trên ngực và một người khác đóng vai người bán vé số cho Công ty xổ số quốc gia. Phải biến nhanh. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn tôi đã đi lại quá nhiều.
* * *
Thật là khó chịu. Người phụ nữ nuôi giấu tôi tỏ ra rất sợ hãi. Một vị linh mục đã yêu cầu chị ấy cho tôi trú ngụ. Chị nhận lời vì nghĩa vụ và vì vị linh mục này đã lãnh đạo chị ấy từ nhiều năm nay. Tôi cảm thấy lúc nào chị cũng sống triền miên trong lo lắng. Hễ có tiếng chuông hay tiếng gõ cửa là chị ấy sợ đến ngừng thở, mà tôi thì không thể ngồi không và không thể gặp ai được.
* * *
Tôi nghĩ đến cải trang. Hai mắt của tôi rất sát nhau, cái mũi quá đặc biệt, bộ râu trông chẳng tự nhiên chút nào và hơn nữa, bây giờ, tất cả những người có râu quai nón đều thu hút sự chú ý của cảnh sát. Tôi lại chẳng có tí năng khiếu gì về đóng kịch cả. Chúng tôi có một đồng chí đóng người gù rất giỏi. Vẻ ngoài của anh ấy thảm hại đến nỗi mà thường xuyên trong tàu điện ngầm, bọn lính Đức đứng lên nhường chỗ ngồi cho anh ấy. Anh khúm núm, se sẽ ngồi xuống. Mọi thứ đều giấu trong cái bướu gù của anh ấy.
* * *
Một nhiệm vụ khẩn cấp buộc tội lại phải đi. Người phụ nữ giấu tôi như trút được gánh nặng, điều này lộ rõ trong đôi mắt của chị.
* * *
Đúng hôm tôi rời nhà chị S. thì cảnh sát tới. Lục soát khám xét chẳng mang lại kết quả gì. Dù sao thì chị S. cũng bị cảnh sát giải đi.
* * *
Tôi đi để hoàn thiện các bản hình đồ mà từ lâu tôi là người chịu trách nhiệm theo yêu cầu của Luân Đôn. Như thường lệ, tôi tới nhà người chủ trại thường cung cấp cho tôi mọi thông tin. Khu trại nằm rất gần đối tượng tôi nghiên cứu. Đây là một khu vực được canh gác vô cùng nghiêm ngặt. Để không bị chú ý, thường thường có ông bác sĩ trong thành phố chở tôi đến tận chỗ rừng thưa bằng ôtô. Từ đó tôi đi nấp dưới các bụi cây tiến tới khu trại. Lần này ông bác sĩ không đủ xăng. Ông chỉ chở tôi đến chỗ con đường nhỏ bị trũng rồi phải quay lại. Ở lối rẽ vào con đường này - tối hôm đó trời rất đẹp - có một tên lính Đức đang lững thững dạo chơi. Hắn không thấy tôi bước xuống xe nhưng nhìn thấy chiếc ôtô đến rồi quay đi.
Tôi ăn tối tại nhà người chủ trại, cập nhật bản hình đồ. Khi tôi vừa mới cất nó vào túi thì tên lính vừa nãy đi dạo bước vào, ra hiệu cho tôi đi theo. Có lúc tôi định nhảy lên lưng, bịt mắt hắn lại và đánh cho hắn ngất đi. Nhưng tôi sợ làm như thế thì người chủ trang trại sẽ bị xử bắn. Đấy cũng là lý do tại sao tôi không vứt những bản hình đồ trong người ra ngoài. Hắn dẫn tôi đến văn phòng của quân đội quốc gia. Tại đó, tôi gặp một viên trung úy, người này chịu trách nhiệm xem xét trường hợp của tôi. Viên trung úy này có bộ tóc nâu và tôi nhớ rất rõ rằng chính màu tóc của hắn làm lóe lên trong tôi một tia hy vọng. Tôi thích người Đức tóc nâu hơn là tóc vàng.
- "Anh làm gì tại nhà ông chủ trại đó?", viên trung úy hỏi tôi. Tôi đã chuẩn bị cho câu hỏi này. Tôi nói rằng tôi là nhân viên môi giới cho một công ty bảo hiểm nông sản.
- "Công ty nào?" - "Công ty Zurich", tôi nói. Không phải tôi tình cờ nói ra tên Zurich. Không biết có một ma lực nào đó trong tôi xui khiến, làm tôi nghĩ rằng tên một công ty bảo hiểm thể nào cũng lôi cuốn sự chú ý của viên trung úy và từ đó có thể rũ bỏ được sự nghi ngờ của hắn về tôi. Cái tên Zurich là hay nhất. Quả thật, hắn biết thành phố Zurich và tôi cũng biết thành phố này. Chúng tôi trò chuyện với nhau về vườn cây, rạp hát, viện bảo tàng của Zurich. Rồi còn chuyển sang nói chuyện về cả Thụy Sĩ nữa. Hắn thả cho tôi đi mà chẳng lục soát gì cả.
* * *
Các bản hình đồ mà tôi dựng lên phải do chính tôi chuyển đến phòng sự vụ ở Paris, trên đại lộ Opéra. Hai ngày sau, tôi đã có mặt tại đây. Tôi vừa bấm chuông thì cửa đã tự động mở ra. Một bàn tay khẽ khàng đặt lên ngực tôi và lôi tuột tôi vào trong. Trước mặt tôi là mấy tên cảnh sát Đức. Từ buổi sáng, nơi đây đã trở thành cái bẫy của bọn Đức.
- "Anh là ai? Đến đây làm gì?" Tôi bịa ra một lý do phù hợp với hoạt động bình thường của văn phòng. - "Cho tôi xem giấy tờ". Tôi đưa ra những giấy tờ tùy thân mới nhất vừa được làm từ sau khi bị ông già theo dõi. Một tên cảnh sát đi đến máy điện thoại và gọi về trụ sở của Gestapo. Tôi hiểu được tiếng Đức. Tôi theo dõi cuộc đối thoại. Đầu dây bên kia, người ta yêu cầu viên cảnh sát đọc tên trong danh sách những người bị truy lùng. Tôi nghe thấy có tên mà mới chỉ cách đây mười ngày còn là tên tôi. Viên cảnh sát quay lại, trả lại cho tôi giấy tờ và đẩy tôi ra tận ngoài cửa. Tôi cố gắng đi thật thong thả. Trong chỗ ngồi của người thường trực, tôi cảm giác có một người đàn ông đeo kính đang theo dõi. Tôi bước ra ngoài, đi thêm một đoạn và dừng lại trước một cửa hàng. Cách tôi mấy bước lại vẫn là người đàn ông đeo kính. Tôi đi vào hiệu bánh mì quen. Hiệu bánh này có hai cửa ra. Như vậy tôi sẽ có mấy phút không bị theo dõi. Tôi thấy có trạm cứu hỏa gần đó. Những người lính cứu hỏa ở đây đã nhiệt tình giúp đỡ tôi. Họ giấu tôi vào xe cứu hỏa rồi chở tôi tới nhà cậu thanh niên buôn bán đồ cũ ở bờ tả sông Xen, một trong những liên lạc viên giỏi nhất của chúng tôi. Tôi giao cho cậu ta những bản hình đồ. Ngày hôm sau, tôi rời khỏi Paris bằng cách đẩy chiếc xe ba gác nhỏ chất đầy ghế cũ.
* * *
Ba liền liên tiếp, tôi đã trốn thoát trong chân tơ kẽ tóc. Sự phối hợp kỳ diệu của các xác suất ngẫu nhiên. Người sùng đạo sẽ gọi chuỗi nguy hiểm này là một sâu những điều thần bí. Người đánh bài bacca sẽ gọi đó là một tay bốc bài đẹp.
* * *
Tôi tự giam mình trong nhà tay mổ thịt lậu ở một làng nhỏ. Hôm thì người ta chở đến một con lợn, có hôm là một con bê hoặc một chú cừu để ông ta chọc tiết, cắt thủ và xả thịt. Những khách hàng được mua thịt giá rẻ lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ ông. Ông là Thánh của chợ đen. Ông ta chỉ muốn kiếm vừa đủ ăn mà thôi. Niềm vui của ông là chơi lại bọn Đức và Vichy. Ông ta nuôi giấu tôi, cho tôi ở trọ với giá rẻ, dành cho tôi những miếng thịt ngon nhất. Thú nhất là tôi được ăn chán cả thịt. Người mổ thịt lậu này còn giấu một ông bộ trưởng cũ sắp phải sang Luân Đôn. Chúng tôi chơi thể thao cùng nhau. Thời tiết rất đẹp. Không khí ở miền núi mát ngọt. Thời gian trôi qua.
* * *
Khi người ta, giống như chúng tôi hiện nay, phải chuyển từ nơi ẩn nấp mong manh này sang nơi ẩn nấp mong manh khác, thì tất cả đều phụ thuộc vào sự tình cờ gặp được những người ủng hộ, những người có thiện ý và phụ thuộc vào sự săn lùng, bắt bớ của bọn mật thám và cảnh sát. Dần dần, khả năng bị ngạc nhiên, sửng sốt trước những điều bất ngờ bị cùn đi. Dù vậy, tới lần này, tôi vẫn hoàn toàn bị ngạc nhiên vì một nơi ẩn nấp mới.
Đó là một trang viên rất nhỏ từ thế kỷ thứ XVIII, tường lát gỗ, nền nhà và các lối đi trải thảm, treo tranh ảnh và đồ gỗ cùng thời. Xung quanh trang viên là những rừng cây to im lìm. Trước tiền sảnh có một cái ao nở đầy hoa súng. Rêu phong kín các lối đi. Tất cả dường như đang ngủ yên trong những bức tường mà đoạn cuối khuôn viên đã bị sụt lở.
Trang viên này thuộc về hai bà già, hai chị em gái không bao giờ lấy chồng. Họ sống chung ở đó từ ba phần tư thế kỷ nay. Họ đều rất tôn thờ anh trai, người đã bị giết chết vào năm 1914. Bạn bè họ dần dần cũng sang thế giới bên kia hết cả. Hai người đàn bà này chẳng còn có ai quen biết nữa. Trang viên này lại nằm xa trục đường cái nên họ chưa bao giờ nhìn thấy người Đức. Rau với sữa là những thức ăn trường kỳ, chẳng bao giờ thay đổi, do chủ nhân một trang trại gần đó cung cấp thường xuyên và đều đặn cho họ. Thế giới và cuộc sống như đã bỏ quên hai người đàn bà này.
Ông mổ thịt lậu thỉnh thoảng có gặp ông chủ trang trại. Ông đã kể với ông chủ trang trại về tôi. Ông chủ trang trại lại kể lại với hai bà chủ. Và thế là tôi đã ở đây.
Ban ngày, tôi vui vẻ đi dạo trong rừng. Trong khu rừng đó, động vật chẳng biết sợ con người. Tối đến, tôi nghe ếch hát và muộn hơn là tiếng cú kêu, những con cú rất to. Vào bữa ăn, hai người già hỏi han tôi đủ thứ về chiến tranh bằng những lời lẽ rất cao nhã. Nhưng họ không thể theo kịp những lời giải thích của tôi. Họ không thèm biết đến máy bay, xe tăng, đài truyền thanh và ngay cả điện thoại cũng không biết nốt. Khi một cuộc chiến tranh khác bùng nổ thì họ đã bắt đầu đờ đẫn đi trong một chứng ngủ lịm. Đối với hai người đàn bà này, cái chết của anh trai đã làm bước đi của vũ trụ hoàn toàn dừng lại; còn chiến tranh năm 1870 là cuộc chiến tranh duy nhất thực tế và sống động. Cha ông, chú bác họ đã tham gia cuộc chiến này. Khi họ còn ở độ tuổi thanh xuân, họ cũng từng xúc động vì những câu chuyện trên chiến trường. Nỗi căm hờn bọn Phổ của hai người đàn bà có từ thời tôi còn chưa ra đời.
Một lần, tôi đã cố gắng mô tả một vài nét về cuộc kháng chiến. Hai người đàn bà nghểnh khuôn mặt nhỏ bé nhằng nhịt những nếp nhăn nói với nhau: - "Tôi biết, tôi biết rồi", một người nói, - họ cũng giống như quân du kích ấy mà" - "Nhưng họ trung thực và có giáo dục tốt, chị ạ", người kia kêu lên.
* * *
Thời gian nặng nề trôi qua. Tôi nghĩ nhiều đến vị tổng chỉ huy. Anh ấy thì có thể sống mãi ở một nơi như thế này. Tôi rất muốn có được quyển sách của anh. Đó là quyển duy nhất anh viết. Không nhiều người biết nó nhưng vì nó mà một vài nhà bác học trên thế giới rất coi trọng anh. Cũng chính vì nó mà tôi muốn được quen với anh. Đã từ lâu, anh là người chủ tinh thần của tôi.
* * *
Thời gian trôi qua. Tôi khuây khỏa bằng cách mường tượng ra trong trí nhớ danh sách các tờ báo bí mật mà tôi biết.
Xung phong,
Nghệ thuật Pháp,
Bir Hakeim,
Trận chiến,
Trường phái Lai ích,
Liên kết phía bắc,
Sinh viên yêu nước,
Nước Pháp trên hết,
Du kích,
Người du kích Nóc măng đi, Du kích Paris,
Nhân đạo,
Khởi nghĩa,
Những bức thư Pháp,
Giải phóng,
Giải phóng và hợp liên bang, Thày thuốc Pháp,
Nhạc sĩ đương thời,
Pantagruel,
Le Père Duchesne,
Le Piston,
Quần chúng,
Kháng chiến,
Cộng sản miền Trung,
Liên Xô ngày nay,
Trường Đại học tự do,
Valmy,
Cuộc sống công nhân,
Tiếng nói miền Bắc,
Tiếng nói của Paris,
Tiếng nói quần chúng.
* * *
Cũng còn có cả tờ báo "Tiếng nói từ các trại tù binh Đức".
Đầu năm 1942, nhiều tù nhân chiến tranh người Paris đã gặp nhau tại Paris. Trong số họ, có một số người thì được thả tự do vì sức khỏe quá yếu, còn phần lớn là vượt ngục. Họ gặp nhau nói về cuộc sống trong trang trại và tất cả đều cho rằng tù nhân cần phải phối hợp với nhau để xuất bản một tờ báo nhằm đập lại những khẩu hiệu tuyên truyền về nguyên soái Pétin, nhân vật mà quân Đức đề cao hết sức.
Các đồng chí ấy quyết định lấy tên tờ báo là "Tiếng nói từ các trại tù binh Đức". Giấy in và nhà in được tìm ra không mấy khó khăn. Chính họ cũng sẽ soạn thảo các bài báo và thông tin. Nhưng phải phát hành những tờ báo dưới hình thức nào? Các thương nhân được trao nhiệm vụ cung cấp đủ lương thực để có thể đóng vừa thành các kiện và giấu báo vào trong các kiện hàng đó. Nhưng làm thế nào để cho những kiện hàng này không bị kiểm tra và làm thế nào để có những địa chỉ cần thiết để gửi chúng?
Một thành viên của hội báo đã giải quyết luôn hai vấn đề này một lúc. Anh đến tòa báo "Tôi ở khắp nơi" (tờ báo tuyên truyền cho sự hợp tác với Đức - ND) và kể với nhân viên ở đó một câu chuyện như sau:
Có một ông giám đốc trường học tổ chức học sinh thành một mạng lưới thường xuyên thu thập thông tin, số liệu và gửi quà vào tù cho tù nhân. Chính ông ấy trước kia cũng đã từng ở tù. Khi bị giam ở Đức, ông say sưa đọc các chiến dịch hợp tác đăng trên báo "Tôi ở khắp nơi" do bọn Đức phân phát cho tù nhân. Bây giờ, ông ấy cũng muốn quảng cáo tờ báo với tù nhân.
Người giám đốc trường học giả danh đã được đưa nhanh đến nhà ông tổng biên tập của tờ báo. Ông ta đưa cho ông tổng biên tập 1.200 địa chỉ tù binh trong các trại giam khác nhau của phát xít Đức. Đó là những địa chỉ lấy trên êtiquét của tờ "Tôi ở khắp nơi". Chẳng có cách ngụy trang nào tốt hơn cho tờ báo "Tiếng nói từ các trại tù binh".
* * *
Tôi thay bí danh mới, cạo râu nhưng vẫn để tóc dài. Tôi mặc bộ quần áo hành hương cũ. Bây giờ tôi là kế toán cho một nhà công nghiệp sử dụng hàng trăm công nhân. Tôi ở tại khu tập thể tại nhà máy. Tấm thẻ căn cước bình thường bây giờ không đủ đối với cảnh sát. Trong lúc tôi tạm ngừng hoạt động, bộ máy kiểm soát, càn quét của chúng đã được tăng cường cực kỳ chặt chẽ. Vì những người không chịu đi phu dịch và những người không chịu đi quân dịch mà bọn cảnh sát đòi ai cũng phải có đủ thẻ lao động, giấy chứng nhận đã được thống kê dân số và thẻ cư trú. Các cuộc vây ráp, săn lùng, sục sạo được tiến hành suốt ngày đêm. Khắp nơi, chỗ nào cũng có mặt cảnh sát, trong tàu điện, tiệm cà phê, rạp chiếu bóng. Bọn chúng thanh trừng các khu nhà chung cư, từng căn hộ một. Không bao giờ đi một đoạn đường dài khoảng một trăm kilômét bằng tàu hỏa mà lại không bị cảnh sát hỏi thăm một lần.
Công việc trở nên vô cùng khó khăn. Phụ nữ càng ngày càng phải làm nhiều việc hơn.
* * *
Thuê một nhà xưởng làm địa điểm liên lạc của chúng tôi.
Tôi đến xưởng, bề ngoài giả làm một họa sĩ đến để vẽ theo hứng hoặc tiếp đón bạn bè.
* * *
Sáng nay tôi có một cuộc hẹn gặp với Jean François, Lemasque và Félix. Tôi không gặp họ đã hàng tháng nay. Chúng tôi vạch rất nhiều kế hoạch cho các tổ chức du kích của họ. Khi đến trước xưởng vẽ, tôi thấy bà quản lý khu nhà đứng trước sân đập nhè nhẹ lên chiếc thảm chùi chân. Nhưng khi thấy tôi, bất chợt bà ta bỗng đập liên hồi kỳ trận. Bà quản lý ở đây chưa bao giờ tham gia, cũng chẳng hề biết một chút gì về hoạt động của chúng tôi cả. Tuy vậy, tôi cũng cẩn thận, không vào nhà.
* * *
Người phụ nữ này đã cố ý cứu sống tôi. Thảm họa xảy ra do một loạt những bất cẩn nhỏ.
Khi rời địa bàn hoạt động, Jean François giao toàn quyền chỉ huy cho một sĩ quan cũ, người rất có uy quyền nhưng lại quá lạc quan và không hề ý thức đến mưu phản. Anh này cần chuyển một thông tin cho Jean François nên đã giao nhiệm vụ này cho liên lạc viên. Anh ta chọn một cậu thanh niên quá non trẻ, chưa hề có kinh nghiệm. Nhẽ ra là phải chỉ định anh ta đưa tin cho trung gian để người này truyền tiếp tin đến Jean François, thì anh ta lại đưa luôn cho cậu thanh niên này cả tên phố lẫn số nhà của xưởng vẽ. Khi ngồi chờ tàu, cậu thanh niên này thiu thiu ngủ. Cho đến khi tại đó xảy ra càn quét, cậu ta mới tỉnh dậy. Cảnh sát khám thấy địa chỉ của tôi, nhưng cậu ta lại không biết bịa ra cách giải thích hợp lý, thế là tất cả đã mắc bẫy. Lemasque, Félix, Jean François bị bắt. Sau đó, bà quản lý ngôi nhà đã nghĩ ra cách báo động cho tôi bằng: tấm thảm chùi chân.
* * *
Tin tức của Jean François.
Trong phòng làm việc của sở mật thám, tất cả những giấy tờ tìm thấy trong người Jean François được đặt trên bàn. Tên cẩm đang ra sức hỏi cung Jean François, Félix và Lemasque. Jean François trả lời linh tinh. Bất chợt, anh cắn vào tay viên cẩm, mạnh đến nỗi làm đứt hẳn một miếng thịt. Anh cướp tài liệu trên bàn, dựng ngược hai viên thanh tra lên, rồi chồng tên này lên tên kia và chạy xuống cầu thang như một trận cuồng phong. Anh trao cho tôi các báo cáo và trở về khu du kích của mình với các chỉ thị của tôi.
* * *
Félix ghi trên mẩu giấy pơluya nhỏ địa chỉ của một căn hộ phòng khi cần thiết. Căn hộ này được thuê dưới tên của một cô gái trẻ. Thỉnh thoảng tôi cũng có ghé qua đó dưới danh nghĩa là vệ sĩ. Địa chỉ này do Félix tự tay viết thành mật mã theo qui ước riêng của anh. Khi bị hỏi cung, anh dịch những ký hiệu này thành cuộc hẹn gặp vào ngày nọ giờ kia, tại một địa điểm công cộng với lãnh đạo quan trọng của kháng chiến. Anh cố tình vừa nói, vừa tỏ ra do dự như còn muốn giấu giếm, vòng vèo để cho bọn cẩm tin là anh đang khai báo. Rồi anh cũng giả vờ như miễn cưỡng chấp nhận dẫn hai viên cảnh sát đến nơi hẹn gặp tưởng tượng ấy.
Khi đến địa điểm, Félix đi trước bọn cảnh sát vài bước. Lúc đó, có chuyến tàu điện chạy qua. Félix nhảy lên, đi xuyên qua và nhảy xuống phía bên kia rồi lẫn vào những người qua đường.
Vừa thoát khỏi cảnh sát, anh liền báo cho tôi biết rồi tìm đến địa chỉ đã ghi. Nhưng trong khi đó, cô gái thuê căn nhà lại đi đến xưởng vẽ của tôi. Cảnh sát rình ở đó tóm được cô ấy và cô ấy đã phải khai tất cả. Félix lại bị bắt.
Félix và Lemasque cùng bị giam ở Vichy, trong hầm của khách sạn Bellevue bị quân Gestapo trưng dụng.
* * *
Tại nhà máy nơi tôi đang làm, tôi gặp một công nhân đã từng bị giam tám tháng không có lý do trong khu lính Đức của nhà tù Fresnes. Anh bị gẫy hai xương sườn và đi khập khiễng.
Theo anh ta, điều khủng khiếp nhất mà anh không thể chịu được là cái mùi nồng nặc của mủ người bắn lên trên tường nhà tù.
- "Mùi của những người đồng chí bị tra tấn", anh ta nói.
Tôi nghĩ đến Lemasque. Tôi nghĩ đến người bạn thân chí cốt Félix.
* * *
Tin tức của Lemasque.
Lemasque bị giam cùng hầm với Félix. Cả tay và chân đều bị cùm. Félix bị coi là nhân vật nguy hiểm nhất. Cảnh sát rất tức tối vì anh đã lừa được cả Gestapo. Cho nên, ngay hôm đầu tiên, cảnh sát hỏi cung và tra tấn anh vô cùng dã man. Rồi không thấy anh trở về hầm giam. Đêm khuya, nhờ có ánh sáng của mấy bóng điện nhỏ trên trần nhà, Lemasque nhìn thấy bọn cảnh sát buộc dây vào cổ Félix rồi kéo lê xác của anh trên hành lang.
Félix đã mất cả đôi mắt, Félix mất cả hàm răng dưới. Lemasque nhận ra Félix chủ yếu là nhờ vào chỗ hói của anh ở trên đỉnh đầu... Félix La Tonsure.
Lemasque rất sợ cũng phải chịu nhục hình giống như Félix, đến nỗi bất chợt anh thấy nhất quyết phải trốn đi.
Lemasque phá được khóa cùm chân (anh ấy không nói làm thế nào mà lại phá được). Đêm đến, với đôi bàn tay bị xích, anh nhổ những thanh sắt hàn lỏng lẻo ở cửa tầng hầm. Anh cho chân lên trước, rồi trượt người ra ngoài. Thế là anh đã ở trên đường phố Vichy, tay vẫn bị xích. Người duy nhất mà anh biết ở Vichy này là nhân viên văn phòng bộ, ở thuê tại khách sạn. Lemasque gặp anh ta có đúng duy nhất một lần để nhận lệnh. Trên đường phố lúc nào cũng có hàng tốp lính cơ động và rất nhiều quân Gestapo đang lùng sục. Lemasque, với xích trên tay, bắt đầu tìm khách sạn nơi có người bạn ở trọ. Anh phải tìm ra nó trước lúc bình minh, nếu không sẽ là chấm hết. Nhiều giờ đồng hồ trôi qua, Lemasque đi bộ hết cả Vichy. Cuối cùng, anh cũng cho rằng đã thấy đúng khách sạn cần tìm. Anh thâm nhập vào tòa nhà đang chìm trong giấc ngủ. Một sự nỗ lực cuối cùng, một sự nỗ lực vô vọng của trí nhớ để xác định chính xác số tầng và vị trí của căn phòng. Cuối cùng, Lemasque đã xác định được.
Anh gõ cửa. Cửa mở. Đúng chính xác một thành viên của chúng tôi.
Tối đến, một người công nhân, cũng tham gia tổ chức, mang kéo cắt sắt tới để giải phóng cho đôi tay Lemasque. Câu chuyện này do chính nhân viên văn phòng bộ và anh công nhân kể lại. Nếu không được nghe kể lại thì chắc là lúc nào tôi cũng tự hỏi mình không biết có phải vì khiếp sợ bọn Gestapo mà Lemasque sáng tác ra câu chuyện vượt ngục này để tuyên truyền sức mạnh cho bọn chúng hay không.
* * *
Cuộc kháng chiến quyết liệt gồm những phá hoại ngầm, tấn công và giết người với số lượng không thể tính xuể. Tổ chức chống giặc nào cũng đều có các nhóm chiến đấu. Quân du kích của họ tạo thành những đội quân thực sự. Đến thời điểm hiện nay, quân Đức bị chết nhiều đến nỗi chúng phải bãi bỏ hệ thống con tin. Bọn chúng không thể tiếp tục duy trì tỷ lệ 100 xác chết người Pháp đổi lấy một xác chết người Đức được nữa. Với tỷ lệ này thì chúng phải tiêu diệt toàn bộ nước Pháp. Bọn chúng chính thức công khai thừa nhận rằng tình hình đất nước còn khủng khiếp hơn cả khủng bố.
* * *
Tôi phải đón một nhóm người nhảy dù. Ở vị trí của tôi, tôi không phải làm những công việc chi tiết, nhưng chúng tôi đã hy sinh quá nhiều. Trong tổ chức của tôi, không còn ai có thể đảm đương nhiệm vụ này. Mathilde cũng đến, cô ấy sẽ phải học cách. Nhóm chúng tôi gồm người chủ xe taxi, vợ của anh ta và một người thợ rèn. Đó là những thành viên trong tổ chức của Louis H. được cử sang giúp chúng. Tôi không quen biết họ.
Đêm đầu tiên trôi qua không đạt kết quả gì.
Suốt một tiếng đồng hồ, máy bay lượn trên đầu chúng tôi trong bóng tối. Nhưng lúc đó trời đầy mây mù. Chắc phi công không nhìn thấy được tín hiệu. Khi bình minh lên, chúng tôi phải rút vào lều vải bạt. Cái lều này là của người thợ rèn, đồng thời làm nghề đánh cá trái phép. Anh ta đã dựng nó lên trong khu rừng ngay cạnh khu vực hoạt động của chúng tôi. Chiếc taxi đỗ dưới tán cây to. Trong xe giấu điện đài bí mật được ngụy trang. Chúng tôi trao đổi tin tức với Luân Đôn. Máy bay sẽ quay lại vào đêm hôm sau.
Trời mưa tầm tã đến tận tối. Chúng tôi chẳng có gì mà ăn, chẳng có gì mà uống. Chỉ có rất ít thuốc lá. Tôi bèn khơi chuyện cho cả nhóm tán gẫu.
Người có chiếc taxi trước kia từng là thợ sửa máy bay. Ngay từ khi liên lạc được với kháng chiến, anh đã tặng chiếc xe cho kháng chiến và cả con người anh nữa, cũng hoàn toàn phục vụ cho kháng chiến. Anh làm việc rất nhiều. Anh vẫn chưa có một sơ xuất nào cả. Chuyến mạo hiểm duy nhất của anh cũng khá đặc biệt.
Năm ngoái, trong rạp chiếu bóng trung tâm ở thành phố nhỏ nơi anh ở, có ba tên lính Đức đã bị ăn lựu đạn mà chết. Đáp lại, La Kommandantur cho biết sẽ xử bắn con tin. Một viên cẩm Pháp, không thuộc tổ chức nào hết, chỉ đơn giản là một người dũng cảm, đã tìm gặp viên tư lệnh Đức và phản đối rằng sự cố xảy ra ở rạp chiếu bóng không phải vụ mưu sát của kháng chiến, mà là do những tên lính Nga bất bình với những người Nga khác không phải đến đây tham chiến, nên nóng giận mà gây nên. Viên sĩ quan Đức chăm chú nghe viên cẩm nói rồi đưa ra cho người này một giao kèo:
- "Tôi cho anh ba ngày để chứng minh những giả thuyết vừa rồi. Nếu anh không làm được, tôi sẽ xử bắn anh và cùng một người dân trong thành phố muốn bảo lãnh cho anh".
Viên cẩm chấp nhận. Anh ta kể chuyện này với người chủ chiếc taxi mà hoàn toàn không hay biết rằng người chủ chiếc xe là thành viên của đảng bí mật. Người chủ chiếc xe taxi nhận bảo lãnh. Hai ngày tiếp theo trôi qua. Đến ngày thứ ba thì viên cẩm đã tập hợp được tất cả các bằng chứng không thể chối cãi được.
- "Rất có thể là nhờ việc này mà từ đó trở đi, tôi không gặp rắc rối gì với bọn Gestapo cả", người chủ xe taxi nói với tôi. "Nó cung cấp cho tôi một bằng chứng ngoại phạm số một. Anh hiểu không. Bọn Đức nghĩ rằng không bao giờ một người yêu nước bí mật lại đi chấp nhận rủi ro vì những chuyện vớ vẩn như thế. Biết đâu được trong vòng bốn tám tiếng đồng hồ đó, tôi đã sợ vãi cứt, thề với anh đấy".
* * *
Vợ của người lái taxi khoảng ba mươi tuổi. Cô tươi tắn, được việc và rất thùy mị. Cô ấy căm thù bọn Đức với sự ngây thơ như hoa cỏ. Cô vui mừng vì bom dội xuống đầu trẻ con Rhénamie (5). Chỉ có một hạng người Đức tốt", cô nói dịu dàng, "đó là người Đức đã chết".
Một buổi tối trong khi thực hiện nhiệm vụ sát khu trại Đức, vợ của người có xe taxi bị dây thép gai cào rách cả đầu gối. Cô dùng khăn mùi xoa quấn quanh vết thương đầm đìa máu rồi chạy đến nhà ga xe lửa gần đó. Trên tàu, ngồi cạnh cô là một tên lính Đức. Hắn là tay có trái tim dễ xúc cảm. Nhìn thấy chiếc khăn mùi xoa ướt đẫm máu, hắn rất muốn được thay chiếc khăn mùi xoa bằng bông băng chiến dịch mà hắn được phát. "Khi hắn băng bó vết thương cho tôi, tôi nhìn thấy gáy của hắn", vợ người lái xe nói với tôi. "Thật là đáng tiếc nếu phải thọc dao vào cái gáy đẹp đến như thế! Dù sao cũng phải làm hại hắn cái gì đó. Thế là tôi đánh cắp luôn đèn pin. Đây này. Chính là đèn phát tín hiệu ấy đấy".
* * *
Người thợ rèn, đồng thời đánh cá trái phép tên là - không biết có phải tên thật của anh ta hay không? - Joseph Pioche. Khuôn mặt anh ta màu đất nung. Đôi mắt nhỏ và như luôn cười. Cái miệng của loại đàn ông hay yêu quý người giúp việc và các cô gái. Nếu chỉ căn cứ bề ngoài mà đoán thì người này thuộc loại đàn ông dễ xúc cảm nhất, nhưng kiên quyết nhất Anh ta không thích nói về chuyện riêng của mình. Nhưng bạn bè lại không ai là không biết những câu chuyện đó. Chính vì thế, người lái xe taxi buộc phải kể một chuyện của anh ta.
Joseph Pioche là nhân viên rất nổi tiếng ở đài truyền tin. Anh đã đặt điện đài trong một ngôi nhà nhỏ thuê trong khu trang trại. Trong khoảng thời gian ngắn, tình hình khu vực này trở nên rất tồi tệ. Những chiếc ôtô đi định vị của cảnh sát lúc nào cũng lượn lờ trên đường. Đến lúc cần phải thay đổi nơi đặt điện đài. Nhưng đúng hôm cuối cùng, Joseph Pioche cần gửi hai mươi hai bức điện cực kỳ quan trọng. Khi cuộc lùng sục đang thít chặt xung quanh thì việc chuyển hai mươi hai bức điện dường như trở nên lâu vô cùng. Trong nhà, Pioche cùng hai con trai được trang bị vũ khí cẩn thận bắt đầu tiến hành công việc. Họ có nhiệm vụ gửi hai mươi hai bức điện đó bằng bất kỳ giá nào. Joseph Pioche đã hoàn tất công việc mà không có một tai họa nào xảy ra.
Không lâu sau đó, anh gặp rủi ro tại Paris. Khi xuống ga Lyon để mang những con dấu giả đến cho một người trong tổ chức thì anh bị quân của Doriot bắt. Chúng là tay sai của bọn Đức. Chúng bắt anh lên ôtô rồi chở đến Fresnes. Pioche châm tẩu hút thuốc. - "Đây chính là điếu cuối cùng của mày đấy", một trong những tên chó ấy nói. Pioche hút rất nhanh và rất nhiều. Cứ mỗi lần anh thò tay vào túi lấy thuốc, anh lại rút ra một con dấu và thùi nó vào trong gối tựa lưng của ghế ngồi. Sau đó, anh nói: - "Nếu sắp phải chết, thì được ăn miếng thịt gà trong túi dết này thật là giá trị". Nói rồi, anh cắn vào đùi gà, cắn vào cánh gà. Trong khi đó, các ngón tay anh khéo léo lục lọi toàn bộ mình gà chứa đầy các con dấu và vứt ra ngoài cửa sổ cùng với xương. Khi tới Fresnes, chẳng còn thứ gì nguy hiểm trên người anh nữa. Dù vậy, bọn chúng vẫn giải anh đến trước cột xử bắn ba lần hòng làm anh phải sợ mà thú nhận. Anh giả vờ khóc rống lên một cách ngây thơ. Cuối cùng thì bọn chúng thả anh ra. Cái làm cho Joseph Pioche thấy buồn cười nhất trong chuyện này là tại Fresnes anh đã gặp lại chủ nhân lâu đài từng tố cáo anh câu trộm cá trên đất của ông ta làm anh phải vào tù. Hai người trở thành bạn rất thân của nhau. Chủ nhân lâu đài bị bọn chúng kết án tử hình.
* * *
Những câu chuyện này giúp chúng tôi đỡ cảm thấy chán ngán khi ngồi đợi trời tối. Tối đến, chúng tôi lại ra khu đất trống. Lần này, máy bay đã nhận ra tín hiệu và hạ cánh đúng chỗ. Phi công Anh được lái máy bay để thực hiện những nhiệm vụ như thế này là những phi công hạng nhất. Nhưng máy bay quá nặng nên khu đất bị nhão ra.
Máy bay sa vào vũng bùn. Tất cả mọi người phải hợp sức lại, kể cả hành khách lẫn người của chúng tôi, cũng không thể bứt chiếc máy bay lên khỏi mặt đất được. Một phi công khẳng định chắc chắn:
- "Phải sang nhờ người làng bên đến giúp chúng ta".
- "Đi gặp xã trưởng với tôi", Joseph Pioche nói với anh phi công, "vì nếu chỉ có một mình tôi thì có thể ông xã trưởng sẽ không tin đâu".
Họ cùng nhau đi đánh thức ông xã trưởng dậy và quay trở lại cùng với tất cả nam giới trong làng.
* * *
Sau khi vượt trại, Lemasque nghỉ ngơi một tuần lễ rồi lại quay trở lại với công việc. Bọn cảnh sát lại vừa bắt được anh. May là hiện nay anh vẫn còn nằm trong tay cảnh sát Pháp. Mathilde hứa với tôi, chị sẽ giải thoát cho Lemasque khỏi nhà tù. Tuy nhiên, vì Lemasque biết địa chỉ của tôi, nên tôi thay đổi chỗ ở.
* * *
Tôi ở tại ngôi nhà nhỏ của một công chức về hưu ở bìa làng. Ngôi nhà này được X. bạn cũ của tôi thuê. Anh ấy cũng đang trốn cảnh sát dưới tên giả.
Vợ của anh ấy đã bị đưa sang trại giam ở Đức. Con trai của họ, bé trai mười tuổi, sống với anh. Buổi tối, trong bữa ăn, tự nhiên tôi gọi anh bằng tên X..., tên thật của anh, và anh ấy trả lời rất tự nhiên. Cậu con trai nhỏ huých khuỷu tay vào người bố, thầm thì: "Duval, bố, họ nhà ta là Duval".
* * *
Mathilde cài lá móng lên tóc, độn gối vào trong váy, đóng giả làm vợ Lemasque đang mang bầu. Cảnh sát cho phép chị vào thăm. Việc vượt ngục của Lemasque sẽ khá dễ dàng nhờ có tay trong. Tuy nhiên, phải thanh toán một nhân vật đáng ngờ nằm cùng khám với Lemasque. Để giải quyết việc này, Mathilde đưa cho Lemasque một lọ thuỷ tinh. Nhưng Lemasque không chịu đầu độc người này vì rất có thể anh ta là gián điệp.
* * *
Mathilde đưa cho Lemasque một lọ chloroforme(6). Nhưng anh không dùng vì sợ tăng liều. Thời gian nặng nề đến nghẹt thở. Rồi thể nào quân Gestapo cũng cho đòi Lemasque. Tôi nghĩ hẳn anh ấy đang rất nhớ hình ảnh của Paul Dounat.
* * *
Sáng nay, sáng chủ nhật, tôi bị một phen hú vía. Một chiếc xe quân đội Đức đỗ đối diện với ngôi nhà của tôi. Tên chỉ huy bước xuống. Tôi đang đứng bên cửa sổ. (Tôi đã đứng ở đấy cả buổi vì không thể đi ra ngoài được). Dù được riđô che khuất, tôi vẫn bất giác lùi lại. Cậu bé con của X. chơi trong phòng ngó ra ngoài đường. "Không có gì đâu", cậu bé nói với tôi. "Sáng chủ nhật nào viên tư lệnh ở vùng này cũng đến quán rượu đó. Hắn thấy rượu ở đó ngon nhất nước. Nếu bác nhìn thêm một lúc nữa thì bác sẽ phải cười vỡ bụng đấy. Hai bác cháu mình cùng nhau rình hắn nhé". Đôi mắt đứa trẻ đầy vẻ bí ẩn. Khoảng một giờ sau, tôi thấy viên tư lệnh đi ra từ trong sân của quán rượu, mình mẩy dính đầy phân. "Hắn không phải người Đức đâu", cậu bé nói với tôi đầy vẻ hoan hỉ. "Chuyện là, viên tư lệnh uống rượu. Khi đã say bí tỉ thì hắn nằng nặc đòi đổi bộ quân phục lấy bộ quần áo của chủ quán bằng bất kỳ giá nào. Thế là ông chủ quán chán ngán muối cả bộ đồng phục Đức của hắn trong phân". Cậu bé cười không ra tiếng và mới đầu tôi cũng vậy. Nhưng sau đó, tôi nghĩ, suy cho cùng thì viên tư lệnh không căm thù gì bộ quân phục của mình. Khi không còn là nô lệ của rượu nữa, hắn sẽ không để cho người khác nhúng bộ quân phục vào cứt đái đâu.
* * *
Tính đa tình của người Đức thỉnh thoảng gây ra những chuyện rắc rối rất buồn cười.
Tôi quen một nữ y tá trẻ đang phải chăm sóc vết thương cho một viên đội trưởng lính Đức quốc xã. Hắn tán tỉnh cô gái làm cô gái rất tức giận. "Anh thích nhìn thấy em tức giận", tên lính quốc xã nói, "em tức lên còn xinh hơn cả bình thường".
- "Không khó gì cả", nữ y tá trả lời, "cứ nhìn thấy một thằng Đức thôi là tôi đã phát tức lên rồi". Tên đội trưởng rất khoái chí. Hắn thường nói rằng:
- Anh rất muốn trở thành nhà thuyết giáo nói ra những lời không ai cưỡng lại nổi. Rồi tất cả người Pháp sẽ quỳ dưới chân anh. Và cả em nữa, em sẽ ôm hôn đầu gối của anh".
* * *
Lemasque bị chuyển sang nhà tù khác. Tại đó, anh gặp một người phe ta vừa ốm vừa bị thương rất nặng vì những cuộc hỏi cung dã man của cảnh sát. Mathilde phải sử dụng nhiều người mới tổ chức được cuộc vượt ngục cho Lemasque đúng vào ngày người ta chuyển anh từ khám giam đến chỗ ông thẩm phán lần cuối cùng. Khi tất cả sẵn sàng, người của chúng ta đánh tín hiệu. Nhưng lúc đó Lemasque đang dìu người bạn tù ốm yếu và trọng thương trong tay. Khi thấy tín hiệu, anh lắc đầu với Mathilde và tiếp tục đỡ người kia bước đi một cách khó khăn. Khi ra khỏi Tòa án thì cả hai đều bị giao cho quân Gestapo. Lúc đó, tôi rất tức giận Lemasque. Nhưng có thể anh đã gặp Legrain của anh ấy chăng?
* * *
Vợ Félix xin được làm việc cho chúng tôi. Cô ấy hoàn toàn không biết tí gì về các hoạt động của Félix. Nhưng mật phái viên của chúng tôi đã cho cô biết số phận Félix. Mật phái viên của chúng tôi có trách nhiệm trợ giúp, nhưng dứt khoát không được cung cấp bất kỳ chi tiết nào về tổ chức, không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào liên quan hay một kẽ hở nào mà từ đó vợ Félix có thể đoán ra tổ chức của chúng tôi. Vợ Félix không chịu nhận tiền trợ giúp và òa khóc nức nở nhưng vẫn luôn miệng nhắc đi nhắc lại: "Chồng khốn khổ của tôi. Giá tôi biết được, giá tôi biết được". Cô không thể tự tha thứ cho mình vì đã hay trách cứ Félix khi anh thường xuyên vắng nhà, rồi lại còn mắng anh là lười biếng!
Tôi không biết làm thế nào cô tìm ra được một người của chúng tôi. Qua đầu mối này đến đầu mối khác, nguyện vọng của cô đã tới được Mathilde, người duy nhất biết chỗ ở của tôi và chị nói lại nguyện vọng của cô cho tôi nghe. Vợ Félix sẽ làm liên lạc viên. Đây là việc nguy hiểm nhất nhưng thực tế cho thấy vợ góa của những đồng đội đã hy sinh bao giờ cũng hoàn thành nhiệm vụ này xuất sắc hơn bất kỳ người nào.
Chúng tôi nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con đang bị ho gà của vợ chồng Félix.
Nuôi trẻ con là vấn đề rất nặng nề. Có đến hàng trăm và rất có thể là hàng nghìn những đứa trẻ không còn có bố và cũng chẳng có mẹ. Bố mẹ chúng bị xử bắn, bỏ tù, hoặc bị trục xuất ra nước ngoài. Tôi biết nhiều trường hợp trẻ con theo bố mẹ đến tận cửa nhà tù rồi bị bọn gác ngục đuổi ra ngoài. Tôi còn biết những trường hợp trẻ còn lại có một mình, bơ vơ trong khu chung cư mà trước đó chúng đã sống cùng với bố mẹ. Còn có những trường hợp trẻ suốt ngày lảng vảng trước nhà để báo hiệu cho bạn bè của bố mẹ chúng rằng ngôi nhà đã trở thành nơi giăng bẫy của kẻ thù.
Tôi có quen một phụ nữ chuyên đưa binh lính và phi công Anh qua biên giới giữa Pháp với Tây Ban Nha. Họ được chị đưa đi lần lượt từng người một. Chị ngụy trang cho họ thành người ốm, rồi đóng giả là vợ. Chị trình giấy tờ của họ đúng như kịch bản để tránh mọi sự cố có thể xảy ra. Lần nào chị cũng bắt đứa con trai bảy tuổi của mình đi cùng để màn kịch gia đình thêm hoàn hảo. Cứ thế, chị đã thành công được năm mươi bốn lần thì mẹo này bị phát hiện. Chị bị xử bắn. Số phận của đứa trẻ không biết như thế nào.
* * *
Lemasque bị đưa đến căn phòng số 87. Sau nửa giờ đồng hồ tra khảo, anh ngất đi. Rồi tỉnh lại. Anh nuốt chửng một viên cyanure(7).
* * *
Tôi cử Mathilde, rồi Jean François, lần lượt đi thăm các cơ sở truyền tin. Hay nói đúng hơn là tới thăm những người trạm truyền tin còn lại của chúng tôi.
Chúng tôi gặp một loạt sự biến không tốt lành. Vào những ngày đầu kháng chiến, chúng tôi đánh "mổ cò" các tin tức gửi đi Luân Đôn mà không có nguy hiểm gì lắm. Quân Đức chưa đông để kiểm tra tất cả các cú truyền tin và chúng cũng chỉ có rất ít các công cụ phát hiện việc này. Nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi còn rất ít trạm phát, thiếu người sử dụng có kinh nghiệm, thiếu những liên lạc liên tục với nước Anh. Công việc được thực hiện theo cách thức khá lộn xộn và manh mún. Bây giờ, chúng tôi được trang bị hoàn hảo và nhân viên cũng được đào tạo rất tốt. Chỉ có duy nhất một điều là, giống như mọi cuộc chiến khác, kẻ thù tập hợp lực lượng rất nhanh chóng. Chúng tập hợp được một đội ngũ thợ kỹ thuật hạng nhất, hàng đoàn ôtô thám thính, hoặc các xe tải nhỏ, các toán quân, hay những chiếc xe của hội chữ thập đỏ lúc nào cũng đi tuần tra, lảng vảng rình rập, theo dõi đông nhung nhúc như kiến trên toàn đất nước.
Có lần tôi được quan sát một chiếc xe ôtô loại này đang tiến đến gần mục tiêu của nó. Nó bò đi rất chậm, giống như người đi bộ. Trước nhà ai nó cũng dừng lại một vài giây rồi lại tiếp tục rón rén bò đi không một tiếng động. Bên trong mỗi ngôi nhà, người ta có cảm tưởng như có một cơ chế không thể lay chuyển nổi đang từng mét từng mét một khép chặt bán kính vòng vây, nó giống như một con quái vật đang sờ mó hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác và thò bộ xúc tu của nó vào trong nhà qua các bức tường.
Không cần tốn nhiều hơn nửa tiếng đồng hồ kể từ khi bắt được tín hiệu phát sóng đầu tiên đến khi một chiếc ôtô như vậy xác định đúng chính xác nơi chúng tôi đang phát tin. Mà nửa tiếng đồng hồ là một thời gian quá ngắn ngủi để liên lạc được với Luân Đôn rồi truyền tin. Vì vậy, chúng tôi phải có biện pháp. Trong khi người vận hành máy phát làm việc thì phải có một người đứng ở cửa sổ, một người khác đứng ngoài phố. Ngay khi người đứng ngoài phố nhận ra con vật đánh hơi và thăm dò, thì phát tín hiệu đã thỏa thuận với người đứng ở cửa sổ. Người đứng ở cửa sổ báo cho người vận hành máy biết. Đó là một trò đua tốc độ và thử vận may. Tuần lễ vừa rồi, tình hình của chúng tôi không được thuận lợi.
Ajax hoàn toàn bị bất ngờ. Những người canh chừng cho anh ấy vẫn rình ở trước ngôi nhà. Nhưng quân Gestapo lại đến từ con phố nhỏ ở phía sau. Lần này, máy dò sóng của chúng được giấu trong ôtô cứu hỏa. Bọn cảnh sát Đức dùng thang của lính cứu hỏa mà vào nhà qua lối cửa sổ. Ajax hết sức chống cự lại. Anh hỏi người giúp việc: "Thế cái quả bom nổ chậm này dùng để làm gì?" Mấy tên cẩm của Gestapo nghe vậy rất sợ hãi. Lợi dụng lúc đó, Ajax hủy luôn bảng kế hoạch phát sóng.
Còn về việc Diamant bị bắt, chúng tôi không có một tin tức nào cả. Chúng tôi chỉ biết rằng ở giữa đoạn tin mà anh đang chuyển đi Luân Đôn bất chợt có mấy chữ: "Cảnh sát... cảnh sát... cảnh sát...", rồi mất tín hiệu.
* * *
Achille là người tôi quý mến nhất. Trước chiến tranh, anh phục vụ trong quán ăn bình dân mà tôi cũng có đến ăn một vài bận. Anh tương đối đứng tuổi, tóc màu hung và rất dịu dàng. Anh là người cẩn thận, khéo léo và truyền tin rất thành thạo. Chưa có lần nào anh không hoàn thành nhiệm vụ cả. Thậm chí, ngay cả khi được báo hiệu có ôtô của bọn đi dò sóng, anh vẫn tiếp tục gõ mổ cò. Anh biết chính xác lúc nào thì phải dừng công việc. Dường như anh cảm nhận được từng giây thời gian. Có thể bởi vì anh từng là người pha cà phê ở tiệm cà phê. Anh cũng nhầm lẫn một lần. Bọn chúng xử bắn anh ngay hôm sau ngày anh bị chúng phát hiện.
* * *
Nhận được báo cáo về một gia đình người Pháp trung lưu. Cậu con trai cả, là một người chủ sở hữu rất hoạt bát, đồng thời là cố vấn cấp tiến của thành phố, chịu trách nhiệm về hoạt động của một hệ thống cung cấp thông tin. Anh đã tay không mà tiêu diệt được rất nhiều quân Đức. Anh bị bọn cảnh sát truy lùng và chúng treo giải cao cho ai bắt được anh. Vợ anh phải trốn vào rừng. Hai em trai của anh ấy đều là chỉ huy du kích. Ông bố, nhờ có những công việc quan trọng liên quan đến bọn Đức ở Paris, nên lợi dụng quan hệ của mình để chuyển vũ khí, bưu kiện, điện đài, và thu nhập thông tin quý giá cho kháng chiến. Người mẹ biết tất cả các hoạt động này và rất đồng tình.
* * *
Khi một người tham gia kháng chiến bị bắt chỉ vì một sự nghi ngờ nào đó, thì có thể anh ta vẫn còn hy vọng chưa bị xử bắn. Nhưng nếu đó là người Do Thái, thì chắc chắn anh ta sẽ bị đối xử theo cách dã man nhất. Mặc dù vậy, trong các tổ chức chống quân Đức vẫn có rất là nhiều người Do Thái.
* * *
Mathilde đã kiểm tra kỹ lại trang trại của Augustine, nơi năm ngoái tôi tập trung để cùng xuống thuyền đi Gibraltar.
Điện đài viên tại trang trại của Augustine là một thanh niên rất trẻ, đã làm một điều ngu ngốc. Vợ sắp cưới của cậu ta có việc lưu lại vài tiếng ở thủ phủ. Cậu ta đáp tàu đến đó để gặp cô, rồi không thấy quay trở lại. Chắc chắn là cậu ta đã bị rơi vào một vụ càn. Thế rồi căn cứ vào tuổi mà cảnh sát đã cho cậu lên tàu sang Đức.
Mathilde và Jean François nhận được thông tin do các liên lạc viên mang đến đã chất thành chồng, trong số đó có rất nhiều tin khẩn phải chuyển đi. Cả hai bắt tay vào nghiên cứu sơ đồ phát tin. Cuối cùng thì Jean François, người rất thành thạo với các loại máy móc, cũng bắt đầu mổ cò đánh tin.
Trạm liên lạc được đặt dưới khu nhà phụ. Từ đó người bên trong có thể quan sát được một đoạn đường dài. Mathilde và Augustine đứng ở cửa sổ. Một chiếc xe tải xuất hiện. Nó đi chậm chạp, dừng lại giây lát trước chuồng cừu bỏ không. "Cứ tiếp tục đi", Mathilde nói với Jean François, "nhưng cẩn thận". Chiếc xe tải bắt đầu đi lên, dừng lại trước kho thóc rỗng. "Tiếp tục đi", Mathilde nói. Chiếc xe tải bắt đầu hiện ra to dần. Jean François đánh máy rất nhanh. Chiếc xe tải đi vào phạm vi khu trại. "Cần một giây nữa thôi là tôi gửi xong một bức điện", Jean François nói. "Cứ tiếp tục", Mathilde nói. Chiếc xe tải đã đi đến nơi. "Ôm cả máy chạy vào rừng", Mathilde nói. Jean François do dự, anh không muốn để hai người phụ nữ lại một mình. Quân của Gestapo nhảy xuống khỏi xe tải. "Mệnh lệnh đấy, chạy đi", Mathilde nói. Khi bọn cảnh sát Đức vào trong trang trại, chúng chỉ thấy hai người phụ nữ mặc quần áo màu đen, im lặng đan len. Sau khi lục soát kỹ càng, bọn chúng xin lỗi rồi bỏ đi.
* * *
Con gái của Augustine, mười bảy tuổi, xin nhập vào hàng ngũ của chúng tôi. Cô gái muốn làm điều này từ lâu rồi, nên tranh thủ sự có mặt và thẩm quyền của Mathilde để buộc mẹ mình phải bằng lòng. Madeline sẽ cùng làm việc với vợ Félix. Họ sẽ tạo thành một cặp liên lạc viên. Vợ Félix đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ này.
* * *
Khi hỏi một người không thuộc một tổ chức nào cả, chỉ đơn giản giúp đỡ chúng tôi các việc như giấu vũ khí, đón nhận đồng đội, chúng tôi có thể giúp lại họ việc gì để đền ơn họ, thì thường nhận được câu trả lời rằng: "nói với đài BBC phát thanh một câu về chúng tôi". Đó có vẻ là một phần thưởng tuyệt vời nhất đối với họ.
* * *
Chúng tôi có một mối liên lạc trung gian rất tin tưởng tại trạm xăng V. được cải dụng từ sau khi có lệnh ngừng bắn. Trạm do một ông già nhỏ bé bị chứng chảy nước mắt trông nom. Đây là nơi có thể lấy làm tấm gương về sự trung thành và giữ bí mật. Chúng tôi nhiều khi phải lạm dụng sự giúp đỡ của ông. Không thể tuyệt đối cẩn trọng được. Có nhiều hy sinh, mất mát đến nỗi chúng tôi buộc phải giao quá nhiều nhiệm vụ cho những người còn chưa bị lộ.
Hai viên cẩm của Gestapo đến chỗ ông già bé nhỏ. Ông bình tĩnh đón tiếp chúng. Khi chúng cho phép bỏ tay xuống, ông liền lấy khẩu súng lục giấu dưới đống giẻ rách và bắn chết cả hai. Rồi ông chạy ra ngoài, kêu cứu với tên tài xế. Khi hắn đánh xe lại, ông cho hắn một phát đạn vào cổ rồi lái chiếc xe của hai viên cẩm chạy trốn.
* * *
Madeleine và vợ của Félix bị bắt. Có một tay du kích tố giác họ. Mathilde nhận xử tội anh ta.
* * *
Một liên lạc viên của chúng tôi đã chạm trán bốn tên lính Đức trong vùng tuyệt đối cấm người Pháp. Ngay lập tức anh nổ súng và bắn rất chính xác. Anh ấy giết cả bốn tên rồi tự sát. Anh ấy hoàn toàn có thể trốn thoát vì lúc đó không có ai đi trên đoạn đường ấy cả. Về sau, hai tên lính Đức sống sót đã cung cấp thông tin này cho chúng tôi. Nhưng liên lạc viên của chúng tôi quá sợ hãi khi nghĩ đến việc có thể bị bắt, bị tra tấn và phải khai. Viên đạn cuối cùng này từ lâu anh để dành cho chính mình. Anh tự động tuân theo nguyên tắc đã đặt ra như vậy.
* * *
Đối với nhiều người, sợ không chịu được tra tấn khi bị hỏi cung, phải khai, là sự ám ảnh gần như bệnh tật. Người của chúng tôi sợ sự yếu đuối của chính họ hơn là sợ đau đớn và nhục hình. Chẳng ai biết mình có thể chịu đựng được những gì. Họ run sợ với ý nghĩ sẽ phải sống - dù trong một thời gian ngắn thôi - với mặc cảm đã đẩy đồng đội của mình vào chỗ chết, đã phá hoại một hệ thống, làm hỏng một công việc mà họ gắn bó còn hơn cả gắn bó với cuộc sống. Đối với một số người, sự e sợ này trở thành một ý định chắc chắn. Lúc ngủ cũng như lúc thức, bao giờ ý định này cũng ngự trị trong đầu óc họ. Ngày nào cũng có đến cả trăm lần họ lần sờ lọ thuốc độc luôn mang sẵn trong người. Họ sẽ tự sát trước khi mất đi cơ may cuối cùng. Bởi vì cơ may sống chỉ đến với họ khi họ chịu mở miệng khai ra tất cả.
* * *
Mathilde và Le Bison xử bắn tên du kích vì tội tố giác vợ của Félix và cô gái nhỏ Madeleine.
* * *
Bức ảnh chân dung của tôi được bọn Gestapo truyền đến tất cả các sở cảnh sát, các tỉnh, nhà ga, sở sen đầm, các cơ quan an ninh. Tin này do một viên cảnh sát là người của chúng tôi cung cấp. Anh khuyên tôi nên trú ngụ tại nhà anh. Đây là nơi trú ẩn chắc chắn nhất trong thời điểm hiện tại.
* * *
Viên cảnh sát giúp đỡ tôi, chúng tôi gọi anh là Leroux, đến với kháng chiến vì một cú sốc, vì một phát giác. Cách đây khoảng một năm, anh được cảnh sát Pháp đề cử tham gia giúp Gestapo thực hiện một công vụ của chúng. Hai chiếc xe ôtô chở những viên chức cả của Đức và của Pháp tới một trung tâm liên lạc của chúng tôi. Tại đó, chúng tôi có trạm phát, kho vũ khí và hàng chục người của tổ chức kháng chiến. Các viên chức Gestapo chỉ huy và giám sát việc lục soát. Các viên chức Pháp im lặng thực hiện mệnh lệnh. Người cảnh sát mà ngày hôm nay đang nuôi giấu tôi mở bao tải, trong đó có một phụ nữ trẻ. Chị quẳng bao tải vào mặt Leroux đồng thời kêu lên: "Lợn Đức, tên lợn Đức bẩn thỉu". Khuôn mặt nhỏ nhắn của người phụ nữ có vẻ đẹp rất thanh cao, không hề tỏ ra một chút sợ hãi. "Tôi không phải là người Đức" dù bị ném cái túi vào mặt nhưng Leroux vẫn nói. - "Vậy còn tệ hại hơn", người phụ nữ nói. - "Tự nhiên tôi cảm thấy có cái gì đó vừa sụp đổ trong tôi", Leroux kể lại, "nước mắt tôi trào ra, bỏng rát".
Đó chính là lúc anh ấy nhìn thấy rõ những điều xảy ra xung quanh. Bọn chúng cùm tay một viên sĩ quan, trên ngực áo anh ta còn đeo đầy những huân chương vẻ vang nhất của cuộc chiến trước. Chúng liên tục đập không thương tiếc những cú dùi cui vào cậu bé điện đài viên, mặt mũi méo xệch vì cố nuốt chửng mấy tờ giấy. Chúng vặn sái tay một cô gái trẻ hòng làm cho cô ta phải thú tội.
Từ lúc đó, Leroux làm việc như một cái máy trong cả buổi lục soát, không còn ý thức được mình đang làm gì nữa. Khi xong việc, anh đi lang thang khắp thành phố, vô định. Một người cảnh sát bạn của anh trước kia đã làm việc cho Gestapo, thức tỉnh anh khỏi cơn mê muội. Người bạn ngăn cản, không cho Leroux tự sát. - "Nhẽ ra tôi đã tự sát", Leroux nói với tôi, "chắc chắn là tôi tự sát. Khi nhớ lại những việc tôi làm hàng ngày mà không suy nghĩ gì trong hai năm nay, khi gặp lại những con người dũng cảm, những phụ nữ nhân hậu mà tôi đã từng dò xét để tố giác, bắt bớ rồi giao nộp cho bọn Đức, tôi cảm thấy như mình mắc bệnh hủi... Tất cả những điều đó cắn rứt lương tâm tôi!"
Anh than thở tất cả những điều này với người bạn cảnh sát. Anh này nói với Leroux: "Chẳng có ích gì khi tự hủy hoại bản thân mình như vậy. Ai cũng có thể cố gắng chuộc lỗi".
Rồi qua tù nhân, Leroux và bạn mình tìm đến được với hai tổ chức kháng chiến khác nhau. Ngay lập tức, họ mang hết sức ra phục vụ kháng chiến, thách thức với mọi hiểm nguy. Người bạn của Leroux, sau khi hoàn thành một công việc vẻ vang, đã bị lộ. Anh ấy phải trốn sang Anh cùng với những người chỉ huy của kháng chiến mà anh ta đã giúp vượt ngục. Còn Leroux vẫn tiếp tục hoạt động cho tổ chức của chúng tôi.
* * *
Một ý nghĩ luôn giày vò Leroux. Đó là những cảnh sát Pháp mà sự miệt mài làm việc của họ có thể sánh ngang với sự miệt mài của cảnh sát Đức. - "Tất nhiên tôi buộc phải thứ lỗi cho họ", Leroux nói, "thứ lỗi cho những viên thanh tra làm nghĩa vụ nghề nghiệp như tôi đã từng làm theo lệnh, không chống lại nhưng cũng không nhiệt tâm. Họ tuân lệnh Vichy, tuân lệnh viên thống đốc. Họ không chịu học cách suy nghĩ. Nhưng còn những người khác, cái bọn người làm điều ấy, bọn người mang hết sức, hết tâm huyết chống lại những người yêu nước. Bọn người đó... mẹ kiếp, hạng người..."
Leroux kể với tôi về viên thanh tra trưởng của thành phố Lyon. Hắn mài sắc lưỡi xẻng như lưỡi dao, rồi giơ hờ hững lên phía trên bàn chân trần của những tù nhân không chịu mở miệng khai. Leroux còn kể cho tôi nghe về những đoàn "khủng bố" của Paris thành lập ra để săn lùng cộng sản. Các viên chức của những đoàn này tưởng tượng ra những ngón đòn tra tấn còn phong phú và dã man hơn cả những trò do quân Gestapo nghĩ ra.
Leroux không phải chỉ đơn giản hành động do lòng yêu nước và lòng nhân đạo. Anh hành động còn bởi xấu hổ và giận dữ khi đồng nghiệp của mình trở thành tay sai cho giặc.
Hôm qua anh mang đến cho tôi một số báo bất hợp pháp của du kích và đảng viên của đảng "Nước Pháp trên hết" bị cảnh sát tịch thu. Anh đọc cho tôi nghe một thông tin như sau:
- "Tại Beuvry, trong trụ sở Pas de Calais, viên cẩm và nhiều kẻ dưới quyền đã bắt và tra tấn nhiều đồng bào rồi huênh hoang rằng sẽ giết tại chỗ những người FTP (8).
"Bọn chúng đã bị trừng phạt thích đáng. Ngày 23 tháng 3, thị trưởng thành phố Beuvry, là bạn của viên cẩm Théry, bị buộc phải dùng ôtô của mình để chở một nhóm nhỏ những người FTP đột nhập vào sở cảnh sát. Những viên chức tại đó kháng cự lại đều bị tiêu diệt. Chỉ có viên thư ký là thoát thân. Không cần phải điện thoại mới gọi được viên đội cẩm đến. Chỉ khoảng nửa giờ sau, hắn đã tập hợp được hai hàng gồm các viên chức ở sở cảnh sát và đội sen đầm tiến về phía trụ sở cảnh sát. Những người FTP đã ở vị trí sẵn sàng chiến đấu. Một cuộc đấu súng nổ ra. Viên đội cẩm bắn bị thương một người yêu nước. Lúc đó, nòng súng trung liên của những người FTP từ bên trong nhả ra một loạt đạn trúng viên đội cẩm. Một loạt đạn tiếp theo găm gọn vào viên giám quản sở sen đầm Sirven. Năm ngoái, chính tên giết người này đã giết chết một người yêu nước.
"Chỉ huy của chúng bị hạ. Khoảng mười lăm viên cảnh sát và sen đầm hoảng loạn, nháo nhác trốn chạy. Nhóm FTP nhỏ bé rút lui mang theo chín khẩu súng lục và những giấy tờ quan trọng khác tìm thấy ở đó.
"Hỡi những viên cảnh sát bán mình cho quân Đức, bắt và tra tấn những người yêu nước, hãy nhìn vào tấm gương của Beuvry".
Tôi nghĩ khi đọc những tóm lược này, một người lính du kích hoặc một người theo đảng phái nào đó chắc cũng không thể xúc động hơn viên thanh tra cảnh sát Leroux.
* * *
Leroux còn có một nỗi day dứt nữa là không thể giúp được tất cả những người kháng chiến mà anh phải tiếp xúc trong công việc. Cô gái theo chủ nghĩa Đờ Gôn lẫn lộn trong số những gái điếm bẩn thỉu nhất, những tên trộm cắp, những kẻ giết người; những người yêu nước chân chính, những người lính tinh hoa lẫn lộn với đám tù khổ sai và chịu đối xử tàn tệ giống như họ; trai tráng khỏe mạnh và dũng cảm bị cái đói và bệnh tật biến thành kẻ thân tàn ma dại, còn nhà tù làm họ trở nên điên loạn... Chỉ cần một tờ giấy đơn giản của quân Đức là có người bị lưu đày, bị nhục hình hay bị xử bắn. Tất cả những người này đều nhìn Leroux với ánh mắt nghi ngờ và khinh ghét. Còn anh phải chờ chỉ thị của chúng tôi. Anh chỉ được giải thoát cho một trong số hàng trăm người bị bắt giam, đồng thời phải giả vờ anh làm như vậy là theo đúng như công việc phải làm. Anh là nhân viên của Gestapo. Chúng tôi cần có anh ở vị trí ấy.
* * *
Thỉnh thoảng Leroux cũng được bọn Đức cho đi học tập. Như mới đây, anh vừa nghe một bài giảng của chúng trong vòng hai giờ đồng hồ về cách thức lần ra dấu vết và ngăn cản các cuộc thả dù. Thế mà, đêm nay, anh có nhiệm vụ đi đón một chuyến thả dù của chúng tôi. Anh sẽ dùng xe cảnh sát để chở những kiện hàng từ Anh gửi tới.
* * *
Vợ của Félix và cô gái Madeleine bị đưa đến phòng số 87. Họ bị lột trần truồng. Một người đàn ông và một phụ nữ (chắc chúng là vợ chồng) dùng mũi kìm nung đỏ dí vào bụng và các móng tay của họ. Sau đó, chúng lấy cái khoan răng của nha sĩ thọc sâu vào tận trong xương quai hàm của hai người. Họ vẫn không khai một lời. Giữa các cuộc nhục hình họ vẫn ca vang bài Marseillaise. Cảnh tượng này được ghi lại trong một báo cáo chính thức của quân Đức. Leroux đã chụp lại cho tôi một bản. Anh ấy cũng cho tôi biết hai người phụ nữ quả quyết sẽ không khai một lời nào.
* * *
Chuyện Madeleine lúc nào cũng dày vò Mathilde ghê gớm. Khuôn mặt chị giờ đây đen xạm cả lại. Chị cứ nhắc đi nhắc lại rằng: "Nếu tôi không thể giải thoát được Madeleine ra khỏi nơi đó, Thượng đế sẽ không bao giờ thứ lỗi cho tôi". Cứ nghĩ đến việc đã quyết định để cho Augustine cho phép con gái của chị ấy tham gia kháng chiến, là Mathilde lại cảm thấy tâm can bị vò xé. Chị không nghĩ đến vợ của Félix. Chỉ có hình ảnh của cô gái lúc nào cũng ám ảnh. Madeleine cùng tuổi với con gái cả của Mathilde. Tôi đã thấy con gái chị qua một tấm ảnh mà chị luôn mang theo người, một cô gái với những đường nét hài hòa và dịu dàng, đầy nữ tính.
* * *
Một người của chúng tôi phải sang Luân Đôn. Bọn lính Đức đã đến nhà anh để điều tra về sự vắng mặt này. Chúng bắt đứa con trai mười một tuổi của anh, lấy cớ ở trường học cậu bé tham gia tuyên truyền cho chủ nghĩa Đờ Gôn. Chúng dẫn cậu bé đến phòng hỏi cung, cho đứng trước một bức tường trắng và dùng máy phát điện cực mạnh chiếu thẳng vào mắt cậu. Suốt đêm chúng căn vặn về bố của cậu bé. Suốt đêm, đứa trẻ nhắc đi nhắc lại chính một câu chuyện tự bịa ra. Bố của cậu bé có quan hệ với một người phụ nữ. Cho nên bố mẹ cậu đã cãi nhau rất to. Rồi mẹ cậu đuổi bố cậu ra khỏi nhà. "Những cuộc cãi cọ của bố mẹ làm cháu trở nên hư đốn và nói những điều không hay ở trường học", cậu bé quay mặt vào tường và nói như vậy.
* * *
Mathilde đã làm một hành động táo bạo. Ngay giữa phố, cô lấy hết sức lực nhấc bổng Madeleine lên để trốn chạy. Lúc đó, họ đang trên đường từ nhà tù quay trở lại phòng hỏi cung số 87. Cùng đi có Le Bison, Jean François và ba người đàn ông khác trong nhóm chiến đấu. Tất cả số họ luôn luôn tôn sùng Mathilde. Họ suýt nữa thì thành công, nhưng cuộc phục kích của nhóm lính Đức quốc xã chặn họ lại. Ẩn nấp, rượt đuổi trên đường phố. Người của chúng tôi trèo lên mái nhà. Cả khu bị bao vây kín. Đạn nhả như mưa lên các ống khói. Nhiều tên lính Đức đã trèo xuống khỏi mái nhà. Nhưng hai người của chúng tôi đã chết. Một người khác bị thương và bị bắt. Mathilde và Jean François trốn thoát. Mathilde chỉ làm cho Madeleine bị tra tấn dã man thêm. Sau này, chỉ do một liên lạc viên mà cô ấy đã hủy hoại cả nhóm chiến đấu.
* * *
Leroux cho tôi xem một tờ báo phạm pháp. Tôi không biết tờ báo này. Đó là báo cáo của các con tin trong trại V. với tên là "Người yêu nước khu trại V.".
Giấy báo rất tồi, bài được viết tay và đã ra được bốn số. Mỗi số được viết bằng một nét chữ. Vì nó mà bọn cai ngục đã bắn chết nhiều tù nhân trong trại.
Số báo Leroux đưa cho tôi xem có hai bài thơ, do một cậu thanh niên mới mười chín tuổi viết. Cậu ấy là công nhân. Sau khi thơ được đăng thì cậu bị giết chết.
Bài thứ nhất như thế này:
"Vĩnh biệt C., bạn thân của tôi,
Những kẻ sát nhân chẳng biết thương xót, Chúng đã giết bạn giữa tuổi xuân,
Vào tuổi mười bảy đầy hăng say,
Bạn - người đồng chí của tôi không sợ thần chết, Bạn ngã xuống anh dũng,
Tiếng hô "Nước Pháp muôn năm!"
Là tiếng nói cuối cùng của bạn.
Nụ cười đẹp của bạn đã tắt
Còn chúng tôi đang sống trong nhà tù Chúng tôi sẽ ra khỏi đây để trả thù cho bạn Vĩnh biệt, bạn thân của tôi!"
Bài thơ thứ hai là thế này:
Tất cả chúng ta đều là cộng sản
Những người cộng sản bất khuất,
Nên tên của chúng ta được ghi trong một danh sách thảm hại Của những người bị dựa cột để chịu xử bắn
Hỡi những người bạn đang được tự do, Hỡi những người bạn - là anh em của chúng tôi trong trận đánh, Chúng tôi luôn luôn bên cạnh các bạn, Không một người nào trong số chúng tôi
sẽ chịu đầu hàng.
Đối với chúng tôi, giờ chết đang đến gần, Cái chết đã dang tay ra đón chúng tôi, Nhưng chúng tôi sẽ được báo thù, Nhiệm vụ này thuộc về các bạn..."
* * *
Trích từ bản báo cáo của người chỉ huy một đội quân du kích và những người theo đảng phái FTP:
"Cứ đều đặn, tối nào cũng có một chuyến tàu chở các quân nhân Đức nghỉ phép khởi hành từ X. Sau nhiều lần cân nhắc kỹ lưỡng, kế hoạch hành động đã hoàn thành. Bảy người của chúng tôi đã có mặt tại Bois Mesnil vào lúc 20 giờ.
Sau khi giao xong nhiệm vụ, người cầm đèn đi trước rồi tiếp theo, cứ hai người một, chúng tôi tiến lên. Chúng tôi ra được tới đường tàu và tất cả vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Đặt khẩu trung liên trên một ụ đất mà chúng tôi đã đắp lên từ trước, rồi đợi cho đội tuần tra đi qua.
Tiếp theo, tôi cử hai người đứng từ xa quan sát tình hình. Hai người đó cầm một đầu dây, chúng tôi cầm đầu kia, và cho dây chạy dọc trên đá balát. Nếu có nguy hiểm, họ sẽ giật dây báo động cho chúng tôi mà không làm phát ra một âm thanh nào. 21 giờ! Tôi cùng với ba người đàn ông nữa bắt đầu mở đinh vít đường ray và chỉ để lại bốn cái chờ đoàn tàu đi đến.
Chúng tôi nằm rạp cả xuống ngay khi con tàu xuất hiện trong tầm mắt. Khoảng sáu phút trước khi nó đi qua, chúng tôi tháo bốn đinh vít cuối cùng, đẩy đường ray ra phía ngoài rồi gài lại ba đinh vít để cho hai bên đường ray tách rời nhau. Chúng tôi vừa đủ thời gian quay trở về ụ đất đối diện với đoạn đường chúng tôi phá hoại ngầm thì đoàn tàu đi tới.
Vào 21 giờ 35 phút, đoàn tàu Đức đang lao đi với dáng vẻ rất kiêu hãnh đã trượt khỏi đường ray theo đúng kế hoạch. Nó không bị hỏng nặng lắm. Chúng tôi nhanh chóng nổ súng liên tiếp vào bọn Đức đang hoảng hốt chạy ra cửa tàu. Chúng tôi rút quân theo từng nhóm hai người như đã sắp đặt.
Chúng tôi không chạm trán một ai. Nhân viên trực đường ray không hề biết chuyện gì vừa xảy ra.
Có đến sáu mươi người bị chết và hàng trăm người khác bị thương. Tất cả chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng người mang mật danh 7308 bị quở trách nhẹ vì đã châm thuốc lá hút trong lúc chờ đoàn tàu đi tới.
* * *
Chỉ huy của các tổ chức kháng chiến liên hệ với nhau và quyết định tụ họp. Tổng chỉ huy cho gọi tôi đến. Leroux khuyên tôi không nên đi xa như vậy. Anh ấy cho biết lệnh truy nã tôi dán khắp nơi và tôi nằm trong danh sách những người đầu tiên bị truy tìm. Điều này quá nguy hiểm. Tôi là người có số năm tham gia kháng chiến cao nhất trong tổ chức.
* * *
Le Bison chấp nhận dẫn bọn Gestapo đến một trạm truyền tin của kháng chiến với điều kiện chúng phải đến đó bằng xe hơi và đi vào ban đêm. Bọn chúng chấp nhận. Thực ra, anh chỉ giả vờ như vậy để dẫn chúng tới đoạn đường mà chúng tôi đã chuẩn bị trước. Tại một đoạn đường hẹp, người của chúng tôi căng dây xích ngang đường, hai đầu buộc vào hai cây to. Đèn pha "phòng thủ - thụ động" của ôtô không phát hiện kịp thời vật cản. Chiếc xe đang chạy hết tốc lực bị ngoắc vào sợi dây xích. Mathilde và Jean François dùng súng tiểu liên quét gọn bọn Đức. Le Bison bị gãy một cánh tay nhưng ít lâu sau thì hoàn toàn bình phục.
* * *
Tôi đi dự cuộc họp của những người lãnh đạo kháng chiến. Leroux dùng ôtô chở tôi cùng với tờ lệnh giải đi của cảnh sát. Tôi là tù nhân của Leroux. Một sự thông hành lý tưởng.
* * *
Trên đường, chúng tôi gặp những đoàn thanh niên trốn quân dịch đang bị đưa đi đày ở trại tập trung nước ngoài. Họ đều bị cạo trọc đầu, tay và chân đều bị còng. Một số người giơ đôi tay bị còng lên hét to: "Kiên quyết!... Kiên quyết!...". Một số người khác ca vang bài Marseillaise và lúc lắc dây xích còng chân để đánh nhịp.
* * *
Cuộc họp kéo dài rất lâu. Khi kết thúc, tổng chỉ huy nói với tôi:
- "Tại đây chúng ta có tất cả mười bốn người. Mọi người chấp nhận tới đây nghĩa là chấp nhận một nguy hiểm chết người. Tôi không dám chắc kết quả thực tế thu được có xứng đáng với sự mạo hiểm này hay không. Một nước Pháp ngầm cuối cùng đã tổ chức được cuộc hội nghị giám mục bất chấp khủng bố. Đó là điều thật đáng làm".
Saint Luc (lúc ngoài công việc, tôi thích gọi anh bằng cái tên này), còn nói với tôi:
- "Chúng ta chỉ có mười bốn người thôi, nhưng có bao nhiêu là điều khác nhau. Hãy nhìn M. và nét mặt đầy thần cảm của anh ta. Mặt anh ta đầy vết nhăn và có thoáng chút bí ẩn giống trong bức vẽ của Vinci. Hãy nhìn chiếc cổ khỏe mạnh và đôi mắt đầy say mê của anh ta. Nhìn vẻ bướng bỉnh trong cách J. hút tẩu thuốc. Hãy nhìn đôi tay rắn chắc, đôi tay gân guốc gớm ghiếc của R. Hãy nhìn A. bẽn lẽn lau đôi mắt kính dày cộp. Cậu đã nghe tất cả những vấn đề mà cuộc họp đề cập đến. Đối với một số người, vấn đề duy nhất đặt ra là đánh lại bọn Đức. Một số khác đã nghĩ tới các tầng lớp xã hội, về vấn đề chính trị sau chiến tranh. Một số khác đề cập tới cả châu Âu và ước mơ bốn bể đều là anh em. Nhưng tất cả đều được nói lên bằng tình bạn. Điều đó thật đáng làm".
Saint Luc nói thêm rằng: - "Chúng ta chỉ có mười bốn người, nhưng chúng ta có hàng nghìn, hàng triệu người ủng hộ. Nhiều nhóm chiến đấu đang canh chừng tất cả mọi ngả dẫn đến địa điểm này để bảo vệ chúng ta. Họ quyết tử trước khi bọn giặc có thể vào được tới đây. Thế nhưng không có ai trong chúng ta tỏ ra kiêu ngạo hay dương dương tỏ ra có quyền lực. Chúng ta biết, binh lính của chúng ta phải thay tên đổi họ đến hàng trăm lần. Họ không có được chỗ ở cũng như khuôn mặt của riêng cho cá nhân mình. Họ mang những đôi giày chẳng ra hình thù gì, đi trên những con đường không có ánh sáng mặt trời, không có vinh quang. Chúng ta biết rằng đội quân của chúng ta là đội quân đói khát nhưng trong sạch. Đó là đội quân những chiếc bóng. Đội quân thần diệu chiến đấu vì tình yêu và vì nỗi bất hạnh. Chính tại đây tôi mới ý thức được rằng chúng ta chỉ là những chiếc bóng của những chiếc bóng. Chúng ta là sự phản chiếu của tình yêu và nỗi bất hạnh. Điều này đặc biệt giá trị đấy, Gerbier ạ".
* * *
Quay trở về nhà Leroux. Tôi báo trước cho những người muốn ra nhập tổ chức rằng sau khi tham gia kháng chiến, họ không thể hy vọng có hơn ba tháng được tự do, tức là được sống. Tất nhiên, điều này không ngăn cản được gì nhưng như vậy thì trung thực hơn.
---------------
(1) Tên một thành phố ở Ảrập Xaodít, thủ đô của những người theo đạo Hồi. Trong đời của một người theo đạo Hồi, phải có một lần hành hương về thành phố này. (ND).
(2) Ôi, tôi xin lỗi.
(3) Giày chỉ dùng để đi trong nhà (ND).
(4) Ra ngoài đi, đồ con lợn.
(5) Là một vùng của Đức, có sông Rhin chảy qua.
(6) Thuốc thời đó được dùng để làm mất cảm giác đau tạm thời (ND).
(7) Một loại thuốc độc rất mạnh.
(8) Francs Tireurs et Partisans: lính du kích và những người hoạt động vì đảng phái (ND).