Lúc này, khi đoàn lữ hành trên không dài dằng dặc tuần tự vượt qua eo biển Anh và đất liền đã khuất sau lưng, một tâm trạng mới xâm nhập vào đoàn quân. Cảm giác về “cuộc dạo chơi ngày chủ nhật” nhanh chóng mất đi. Trong lúc một đội hình Mỹ đang bay qua bở biền ở Margate, binh nhất Melvin Iseneken thuộc sư đoàn 101 nhìn thấy những vách đá trắng của vùng Dover ở phía bên phải. Trông từ xa, chúng thật giống những sườn đồi trơ trụi vì gió thổi ở quê anh vùng thượng du tiểu bang New York. Hạ sĩ D.Thomas thuộc sư đoàn đổ bộ Anh số 1, nhìn chăm chú qua ô cửa số máy bay cho tới khi bờ biển tổ quốc mình khuất hẳn, cảm thấy hai măt anh ướt đẫm.
Từ các điểm tập kết tại March và Hatfield, các đội hình máy bay đã được dẫn đường bởi nhiều hệ thống định vị khác nhau: các trạm rađa, các trạm phát sáng đặc biệtvà các tín hiệu radio định vị. Từ lúc này, các thiết bị rađa đặt tại các tàu trên biển Bắc sẽ bắt đầu dẫn đường cho các máy bay. Thêm nữa, những dải phân luồng – 17 theo trục phía bắc, 10 theo trục phía nam - được căng ra nổi trên mặt nước. Với thượng sĩ phi công William Tompson, đang cầm lái một máy bay kéo theo sau một chiếc tàu lượn Horsa nặng 4 tấn , “chẳng còn nhiều việc phải làm. Những vạch chỉ hướng phía dưới chúng tôi được rải ra như những hòn cuội đánh dấu đường đặt suốt dọc eo biển”. Nhưng những chiếc tàu hải quân cao tốc không chỉ đóng vai dẫn đường. Chúng còn là một phần của hoạt động cứu hộ trên biển khổng lồ, và chúng cũng đã bắt đầu có việc để làm.
Trong chuyến hành trình dài 30 phút qua biển Bắc, người ta nhìn thấy một số tàu lượn dập dềnh trên mặt nước xám xịt trong khi các thuỷ phi cơ bay lượn phía trên ở độ cao thấp để đánh dấu vị trí của chúng cho đến khi tàu cứu hộ kịp tới nơi. Trung uý Neville Hay, thuộc đơn vị liên lạc Phantom, đã nhìn thấy “cùng toàn phân đội hai chiếc tàu lượn rơi xuống và một chiếc phải đáp bụng.” Anh này vỗ vai người hạ sĩ cạnh mình. “Hãy nhìn xuống dưới kia kìa, Hobkirk, “Hay kêu lên. Người hạ sĩ nhìn xuống, và như Hay nhớ, “ tôi gần như thấy anh ta xanh mặt lại”. Hay vội trấn an anh này. “Không có gì phải lo đâu. Hãy nhìn những chiếc tàu đã bắt đầu vớt họ lên rồi”.
Thượng sĩ Joseph Kitchener, đang cầm lái một chiếc tàu lượn, cũng rất ấn tượng trước tốc độ cứu hộ tới bên cạnh chiếc tàu lượn đang nổi trên mặt nước mà anh trông thấy. “Họ cứu mọi người nhanh đến mức tôi nghĩ thậm chí những anh chàng nọ còn không kịp bị ướt chân”, anh nhớ lại. Những người đi trên chiếc tàu lượn của thượng sĩ Cyril Line kém may mắn hơn – nhưng dù sao vẫn còn sống sót. Trong cả đoàn dài tàu lượn Horsa sơn màu đen, Line quan sát thấy một cặp máy bay kéo và tàu lượn lệch dần khỏi đội hình. Ngỡ ngàng, anh ta nhìn theo chiếc Horsa cắt dây kéo và hạ độ cao gần như thong thả xuống biển. Một vệt nước trắng lan ra khi chiếc tàu lượn chạm mặt biển. Anh này tự hỏi “không biết những tay đen đủi đó là ai.” Đúng lúc ấy, động cơ ở một bên cánh chiếc Stirling đang kéo chiếc tàu lượn của anh quay chậm dần rồi dừng hẳn. Khi tốc độ chiếc máy bay giảm xuống Line nhận thấy mình đang ở vào vị trí thật trớ trêu “ khi chiếc tàu lượn chuẩn bị lao vượt lên trên cả máy bay kéo nó”. Anh lập tức cắt dây kéo và người phụ lái hô lớn, “Chuẩn bị đáp khẩn cấp”. Từ khoang phía sau, họ có thể nghe thấy tiếng những khẩu súng trường va vào vách gỗ của thân tàu lượn khi đám hành khách phát hoảng cố tìm đường thoát. Nhanh chóng bị mất độ cao, Line ngoái lại nhìn và kinh hãi khi thấy đám lính đang hoảng loạn “đã đục thủng nóc chiếc tàu lượn và vách cũng chuẩn bị bung ra”. Line hét lên, “Dừng lại ngay! Ngồi yên!” Thế rồi, với một cú va đập mạnh, chiếc tàu lượn chạm nước. Khi Line ngoi được lên mặt nước, anh thấy chiếc tàu lượn nổi bập bềnh cách đó chừng 30 bộ. Không nhìn thấy gì trong cabin, nhưng tất cả những người có mặt trên chiếc tàu lượn của anh đều đủ mặt. Chỉ sau vài phút, tất cả đã được vớt lên.
Tổng cộng, có tám tàu lượn đáp bụng an toàn xuống biển trong đợt đổ quân đầu tiên; ngay khi chúng chạm mặt nước, lực lượng cứu hộ trên không và trên biển, với hoạt động ngoạn mục, đã cứu được hầu như toàn bộ các phi hành đoàn và binh lính. Thế nhưng một lần nữa, lực lượng của Urquhart lại chịu tổn thất lớn nhất. Trong 8 chiếc tàu lượn phải bỏ cuộc, có tới 5 chiếc hướng tới Arnhem.
Trừ một vài loạt đạn tầm xa làm hỏng một tàu lượn, không có chống trả nào quyết liệt của kẻ địch trong thời gian vượt qua eo biển. Sư đoàn 101, đi theo lộ trình phía nam đi qua lãnh thổ nước Bỉ hiện đã do Đồng Minh kiểm soát, đã có chuyến đi êm ả nhất. Nhưng khi bờ biển Hà Lan gần lại, sư đoàn 82 và lực lượng Anh đi theo lộ trình phía bắc bắt đầu nhìn thấy những cụm khói xám và đen của pháo phòng không Đức. Trong lúc họ tiếp tục cuộc hành trình, chỉ ở độ cao có 1500 bộ, có thể nhận ra súng của quân địch bắn lên từ các hòn đảo Hà Lan Walcheren, Bắc Beveland và Schowen, cũng như từ những chiếc tàu phòng không và phà nằm quanh cửa Schelde.
Các máy bay tiêm kích hộ tống bắt đầu tách khỏi đội hình, tấn công các vị trí phòng không. Trên máy bay binh lính có thể nghe thấy tiếng mảnh đạn ghém chạm vào thành kim loại của những chiếc C47. Binh nhì Leo Hart thuộc sư đoàn 82, một lính dù kỳ cựu nghe một tay lính mới ngu ngơ hỏi, “ những cái băng ghế này có chống đạn không?” Hart chỉ nhìn trừng trừng vào anh ta; cái băng ghế mỏng mảnh này thậm chí còn chẳng đủ để che chắn cho họ khỏi một hòn đá được ném mạnh tay. Binh nhì Harold Brockley, đi trên một chiếc C47 khác, nhớ lại rằng một lính dự bị đã băn khoăn hỏi anh, “Này, những đám xám xám đen đen nho nhỏ ở dưới kia là cái gì thế?” Trước khi có ai kịp trả lời, một mảnh đạn ghém đã xuyên qua sàn khoang và cắm vào một hộp thức ăn, không làm ai xây xát.
Những người lính cựu che dấu sự sợ hãi của mình bằng nhiều cách. Khi thượng sĩ Paul Nunan trông thấy “những vệt đạn đỏ lừ lao tới phía chúng tôi” anh ta làm ra vẻ đang ngủ. Luồng đạn chỉ chút nữa là trúng chiếc máy bay của binh nhì Kenneth Truax. “Chẳng ai nói gì cả,” anh này nhớ lại. “Chỉ có một hay hai người gượng mỉm cười”. Thượng sĩ Bill Tucker, người đã từng bay qua làn đạn phòng không ở Normandy, bị ám ảnh bởi nỗi sợ “bị bắn trúng từ phía dưới lên”. Anh ta cảm thấy “đỡ trơ trụi hơn” nếu được ngồi lên trên ba chiếc áo chống mảnh đạn của không quân. Và binh nhì Rudolph Kos nhớ lại anh đã cảm thấy “muốn ngồi lên trên cái mũ sắt của mình, nhưng tôi biết tôi sẽ cần nó trên đầu mình”.
Một người lo ngại những mối nguy hiểm phía trong hơn phía ngoài. Phụ lái thượng sĩ Bill Oakes, vừa đánh vật để giữ cho chiếc tàu lượn Horsa của mình thăng bằng trên không vừa ngoái cổ lại xem đám hành khách của mình đang làm gì. Và anh này phát hoảng khi thấy ba chàng lính đang thản nhiên ngồi trên sàn khoang đun một ấm trà trên một chiếc bếp nhỏ. Năm anh chàng khác đang cầm ca đứng xung quanh đợi đến lượt mình. Oakes vội vàng hành động. Anh này đưa tay lái cho phi công rồi lao xuống khoang, sợ rằng ván sàn bằng gỗ có thể bắt lửa bất cứ lúc nào. “Hoặc tệ hơn nữa, những quả đạn cối chúng tôi mang theo có thể nổ. Hơi nóng phả ra từ cái bếp dã chiến đó thật khủng khiếp”. Anh bực đến tái mặt. “Bọn này chỉ muốn đun ít nước thôi mà,” một người lính tỉnh bơ nói với
anh. Oakes vội vàng quay lại khoang lái báo cáo tình hình với phi công, thượng sĩ nhất Bert Watkins. Viên phi công mỉm cười. “Bảo bọn họ lúc nào trà được thì đừng có quên cánh ta,” anh ta nói. Oakes ngồi phịch xuống ghế, đưa hai tay lên ôm lấy đầu.
Cho dù các máy bay chiến đấu hộ tống đã làm câm lặng phần lớn các vị trí phòng không ven bỉên, một số máy bay đã bị thương và một máy bay kéo cùng chiếc tàu lượn của nó, cũng như một chiếc C47 chở quân đã bị bắn rơi trên không phận đảo Schouwen. Chiếc máy bay kéo bị đâm xuống đất, phi hành đoàn hy sinh. Chiếc tàu lượn, một chiếc Waco của sư đoàn 82, bị vỡ tung trên không và rất có thể thiếu tá Dennis Munford, bay trong một đội hình Anh gần đó, đã trông thấy nó. Ông này lặng người khi thấy chiếc Waco vỡ tung và “người cũng như khí tài rơi tung toé ra không trung như đồ chơi rơi ra từ túi của ông già Nôen vậy”. Một số người khác trông thấy chiếc máy bay chở lính dù bị bắn hạ. Những kiện khí tài trong khoang bụng chiếc C47 đã bắt lửa do trúng đạn phòng không. “Những lưỡi lửa vàng chói loé lên từ cuộn khói đen kịt,” đại uý Arthur Ferguson, đang ở trên một máy bay bay ngay gần đó, nhớ lại. Chỉ vài phút sau chiếc C47 đã cháy ngùn ngụt. Thượng uý Virgil Carmichael, đứng bên cửa sổ chiếc máy bay của mình, nhìn thấy những người lính dù nhảy khỏi chiếc máy bay trúng đạn. “Vì chúng tôi đều sử dụng dù nguỵ trang, tôi có thể đếm được từng người khi họ rời máy bay và thấy rằng tất cả đều nhảy ra an toàn”. Người phi công, cho dù chiếc máy bay đã ngập trong lửa, vẫn giữ được máy bay thăng bằng cho đến khi tất cả lính dù đã thoát ra. Sau đó Carmichael thấy có thêm một người nữa nhảy ra. “Vì bên không quân dùng dù trắng nên tôi nhận ra đó hẳn là trưởng phi hành đoàn”. Đó là người cuối cùng rời máy bay. Gần như ngay sau đó chiếc máy bay cháy đùng đùng lao cắm đầu xuống, đâm thẳng xuống một vùng ngập nước của đảo Schou wen phía dưới. Với thượng uý James Magellas cảnh tượng chiếc C47 bị rơi có hậu quả “thật kinh khủng”. Là người chỉ huy nhảy trên máy bay của mình, anh trước đó đã nói với thuộc cấp là sẽ ra lệnh “đứng dậy gắn móc dù 5 phút trước khi tới bãi đổ quân”. Giờ đây anh lập tức ra lệnh. Trên nhiều máy bay khác, những người chỉ huy nhảy cũng hành động tương tự như Magellas. Với họ, trận đánh đã bắt đầu – và quả thực khu đổ quân cũng chỉ còn cách lực lượng đổ bộ chừng 30 đến 40 phút bay nữa.
Thật khó tin, bất chấp những cuộc oanh tạc cấp tập, rồi những cuộc không kích lúc này vào Arnhem, Nijmegen và Eindhoven, quân Đức vẫn không phán đoán được chuyện gì đang xảy ra. Trong cả hệ thống chỉ huy, tất cả sự quan tâm đều dồn về một mối đe doạ duy nhất: việc đạo quân Anh số 2 nối lại cuộc tấn công từ đầu cầu của họ qua kênh Meuse-Escaut.
“Binh lính và chỉ huy dưới quyền tôi, đặc biệt là bản thân tôi và ban tham mưu, đã bị quá tải và nằm dưới những khó khăn to lớn nên chúng tôi chỉ có thể chú ý đến những cuộc tấn công mặt đất”, đại tướng Kurt Student nhớ lại. Viên chỉ huy nhảy dù lão luyện của Đức lúc đó đang có mặt tại sở chỉ huy của mình đặt trong một ngôi nhà nhỏ gần Vught, cách Eindhoven chừng 21 dặm về phía tây bắc, đang làm việc “với một núi giấy tờ mà ngay cả khi ra trận vẫn bám lấy tôi”. Student bước ra ban công, nhìn theo những chiếc máy bay ném bom một lát, rồi dửng dưng quay lại với đám giấy tờ của mình.
Trung tá Walter Harzer, tư lệnh sư đoàn Panzer SS số 9 Hohenstaufen, lúc này đã chuyển một lượng khí tài đúng như ông ta định cho đối thủ của mình, tướng Heinz Harmel của sư đoàn Panzer SS số 10 Frunsberg. Harmel, theo lệnh Bittrich mà Model cũng không hề biết, lúc này đang ở Berlin. Những toa tàu cuối cùng chở những chiếc xe thiết giáp “hỏng hóc” của Harzer đã sẵn sàng về Đức trên chuyến tàu lúc 2 giờ chiều. Đã liên tục bị oanh kích từ Normandy, Harzer “chẳng để ý nhiều đến đám máy bay trên đầu”. Ông ta chẳng thấy gì bất thường từ những không đoàn máy bay ném bom khổng lồ trên bầu trời Hà Lan. Ông ta và những lính tăng kỳ cựu của mình biết “việc thấy máy bay ném bom bay về phía đông tới Đức rồi quay trở lại vài lần trong ngày là chuyện bình thường. Tôi và người của tôi đã trơ lỳ với những cuộc pháo kích và ném bom”. Cùng với thiếu tá Egon Skalka, phụ trách quân y sư đoàn Panzer SS số 9, Harzer rời sở chỉ huy tại Beekbergen tới trại lính Hoenderloo, cách Arnhem khoảng 8 dặm về phía bắc. Trong một buổi lễ trước tiểu đoàn trinh sát gồm 600 người của sư đoàn, ông ta sẽ trao huân chương chữ thập hiệp sĩ cho tiểu đoàn trưởng, đại uý Paul Grabner. Sau đó sẽ là champagne và một bữa trưa đặc biệt.
Tại sở chỉ huy quân đoàn Panzer SS số 2 tại Doetinchem, trung tướng Wilhelm Bittrich cũng dửng dưng không kém với những cuộc oanh kích. Với ông ta, “đó là chuyện thường nhật”. Thống chế Walter Model, trong sở chỉ huy của mình tại khách sạn Tafelberg ở Oosterbeek, đã đứng quan sát hồi lâu các phi đội máy bay ném bom. Nhìn từ sở chỉ huy, cảnh tượng vẫn luôn vậy: những phi đội Pháo đài bay quay trở về sau phi vụ ném bom đêm ở Đức, và như thường lệ, những đoàn Pháo đài bay khác, trong những phi vụ ném bom liên tục, lại đang hướng tới mục tiêu ở Đức. Còn về những cuộc oanh tạc tại chỗ, nhiều khi những chiếc máy bay ném bom quăng nốt những quả bom chưa ném hết xuống Ruhr, và kết quả là xuống chính Hà Lan. Model cùng tham mưu trưởng của mình, trung tướng Hans Krebs, tin rằng những cuộc không kích và tấn công tầm thấp là những chiến dịch tiêu hao đối phương – màn khởi động cho cuộc tấn công mặt đất của quân Anh.
Có một sĩ quan đã chú ý tới việc ra tăng hoạt động không quân trên không phận Hà Lan. Tại sở chỉ huy của OB West ở Aremberg gần Koblenz, cách đó chừng 120 dặm, thống chế Gerd von Runstedt – cho dù ông vẫn tin rằng lực lượng đổ bổ sẽ chỉ được dùng cho cuộc tấn công vào Ruhr - vẫn muốn có nhiều thông tin hơn. Trong phụ lục 2227 của bản báo cáo sáng 17/9, phụ trách tác chiến của ông ghi nhận rằng Von Runstedt đã yêu cầu Model điều tra khả năng một cuộc tấn công hỗn hợp đường biển và đường không đang được tiến hành nhằm vào bắc Hà Lan. Ghi chú này viết, “ Tình hình chung và nhất là sự gia tăng hoạt động trinh sát của địch ... đã buộc tổng tư lệnh phía Tây phải xem xét lại khả năng tấn công đường biển và đổ bộ đường không... Kết quả điều tra sẽ được trình lên OKW (Hitler)”.
Bức điện đến sở chỉ huy của Model vào lúc những phi đội đầu tiên của lực lượng đổ bộ đường không bay qua bờ biển.
Tại Arnhem lúc 11h30 những cột khói đen bao phủ bầu trời khi những đám cháy xảy ra khắp nơi trong thành phố sau 3 giờ bị ném bom dữ dội hầu như không dứt. Tại Wolfheze, Oosterbeek, Nijmegen và Eindhoven, nhiều toà nhà bị san phẳng, đường phố tan hoang đầy mảnh kính và các mảnh vỡ, số nạn nhân tăng lên từng giờ. Ngay khi đó, máy bay phóng pháo tầm thấp tấn công dữ dội các vị trí đặt súng máy và súng phòng không trên khắp khu vực. Tâm trạng của người dân Hà Lan, chen chúc trong các nhà thờ, hầm trú ẩn hay táo tợn chạy quanh trên các đường phố, chuyền qua các nóc nhà, thay đổi từ kinh hoàng đến phấn khích. Không ai biết nên tin vào cái gì hay chuyện gì sắp xảy ra. Về phía nam, cách Nijmegen 83 dặm, Maastricht, thành phố Hà Lan đầu tiên được giải phóng, đã nằm trong tay đạo quân Mỹ số 1 từ hôm 14/9. Nhiều người Hà Lan trông đợi bộ binh Mỹ tới giải phóng cho làng hay thành phố của họ bất cứ lúc nào. Radio Orange, phát đi từ London, nuôi dưỡng niềm tin này bằng một loạt bản tin: “Thời khắc đã tới. Điều chúng ta mong đợi cuối cùng đã diễn ra... Nhờ bước tiến nhanh chóng của quân đội Đồng Minh... Rất có thể nhiều người lính sẽ chưa có tiền Hà Lan. Nếu Đồng Minh của chúng ta đưa tiền Pháp hay Bỉ ... hãy hợp tác và chấp nhận thanh toán... Nông dân nên trao thu hoạch của minh....” Hoàng thân Bernhard, trong một thông điệp trên đài phát thanh, kêu gọi người Hà Lan “không biểu lộ niềm vui bằng cách tặng hoa hay quả khi lực lượng Đồng Minh giải phóng lãnh thổ Hà Lan ... trước đây kẻ thù đã từng giấu chất nổ vào những quà tặng lực lượng giải phóng.”
Phần lớn người Hà Lan đều tin rằng những cuộc ném bom dữ dội này là màn khởi đầu cho cuộc tấn công của Đồng Minh - sự mở màn cho cuộc tấn công trên bộ. Giống như những kẻ chiếm đóng Đức, người dân Hà Lan cũng chẳng hề ngờ chút nào về một cuộc tấn công đổ bộ đường không.
Jan và Bertha Voskuil, ẩn trốn trong nhà bố vợ của Voskuil tại Oosterbeek, nghĩ rằng các máy bay ném bom xuống đó đang nhằm vào sở chỉ huy của Model tại khách sạn Tafelberg. Ngày hôm đó đẹp trời, Voskuil nhớ lại, “rất lý tưởng cho máy bay ném bom hoạt động”. Thế nhưng anh cảm thấy thật khó “chấp nhận rằng chiến tranh đang tiếp diễn trong mùi rơm và cảnh hàng trăm bông hoa hướng dương đang cúi gập xuống dưới sức nặng của chính mình. Thật khó tin rằng người đang chết, nhà cửa đang bị tàn phá”. Voskuil cảm thấy bình yên lạ lùng. Từ hiên nhà bố vợ mình, anh theo dõi những chiếc máy bay chiến đấu lao vụt qua trên đầu và tin chác chúng sẽ tấn công khách sạn. Bất thần, một lính Đức xuất hiện ngoài vườn không súng không mũ và chỉ mặc sơ mi. Gã lịch sự hỏi Voskuil, “Tôi có thể trú ẩn ở đây được không?” Voskuil nhìn gã chằm chằm. “Tại sao?” anh hỏi. “Anh đã có công sự của các anh rồi.” Gã người Đức mỉm cười. “Tôi biết,” hắn trả lời, “nhưng chúng đầy cả rồi”. Gã lính đi vào hiên. “Cuộc oanh kích rất dữ dội,” gã nói với Voskuil, “ nhưng tôi không nghĩ mục tiêu là Oosterbeek. Chúng có vẻ tập trung nhiều hơn về phía đông và phía tây ngôi làng”.
Từ bên trong nhà, Voskuil nghe có tiếng người nói. Một người bạn của gia đình vừa từ Wolfheze tới. Nơi đó đã bị tàn phá nặng nề, cô này kể với họ, nhiều người đã chết. “Tôi sợ,” cô ta nói, người run rẩy, “đây là lúc tận số của chúng ta rồi”. Voskuil liếc nhìn gã người Đức. “Có thể bọn họ ném bom Tafelberg vì Model,” anh nói nhẹ nhàng. Khuôn mặt gã Đức vẫn dửng dưng. “Không,” gã trả lời, “tôi không nghĩ vậy. Chẳng có quả bom nào rơi xuống đó cả”. Sau đó, khi gã lính đã bỏ đi, Voskuil ra ngoài quan sát thiệt hại. Tin đồn khắp nơi. Anh này nghe kể Arnhem đã bị phá huỷ nặng nề và Wolfheze gần như bị san phẳng. Anh nghĩ hiển nhiên lúc này Đồng Minh đã tấn công và có thể sẽ tới chỉ sau vài giờ nữa. Anh vừa vui vừa buồn. Anh nhớ lại Caen ở Normandy đã bị biến thành đống đổ nát trong cuộc tấn công. Và anh tin chắc Oosterbeek, nơi anh và gia đình ẩn náu, rất có thể cũng sẽ trở thành bình địa.
Quanh Wolfheze, các kho đạn của quân Đức nổ tung, và nhà thương điên cũng đã bị trúng bom. Bốn khu nhà xung quanh toà nhà hành chính bị san phẳng, 45 bệnh nhân chết (con số này sau đó còn tăng lên đến 80), số người bị thương nhiều vô kể. Sáu mươi bệnh nhân nội trú bị lên cơn, phần lớn là phụ nữ, lang thang trong các khu rừng lân cận. Điện và điện thoại đã bị cắt đứt, và bác sĩ Marius van der Beek, quản lý, đã không thể gọi người tới giúp. Ông nóng lòng trông đợi các bác sĩ từ Oosterbeek và Arnhem tới, tin rằng những người này hẳn sẽ biết tin và tới giúp. Ông cần thiết lập hai phòng mổ với hai đội phẫu thuật càng nhanh càng tốt.
Một trong những “bệnh nhân nội trú”, Hendrik Wijburg, trên thực tế là người của lực lượng kháng chiến ngầm ẩn trốn trong nhà thương điên. “Bọn Đức,” anh nhớ lại, “lúc đó không có mặt bên trong trại điên, mặc dù đúng là chúng có các vị trí đóng quân gần đó, cùng lực lượng pháo binh và đạn giấu trong rừng”.