Cho dù lo lắng trước việc lực lượng của mình bị phân tán trên một không gian rộng, Gavin vẫn hài lòng với bản kể hoạch. Có một điều khiến ông áy náy, cũng như nó đã từng làm Taylor bận tâm. Sư đoàn của ông sẽ chỉ thực sự hoàn chỉnh khi các đơn vị trợ chiến tới nơi vào ngày N+1 và N+2, và ông tự hỏi không biết người của ông - vẫn chưa biết gì về Market Garden - sẽ phản ứng ra sao. Tuy thế, trong sư đoàn 82 kỳ cựu, tinh thần vẫn luôn rất cao; rất nhiều binh lính của ông đã nhảy tác chiến tới ba lần. “Jumping Jim” Gavin, 37 tuổi, là chuẩn tướng trẻ nhất của quân đội Mỹ, không hề nghi ngờ rằng binh lính của ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Phần việc khó khăn và nguy hiểm nhất của chiến dịch đã được trao cho một viên tướng có sự nghiệp còn khá khiêm tốn, thiếu tướng Robert “Roy” Urquhart, viên sư trưởng 42 tuổi của sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1 cùng lữ đoàn dù Ba Lan phối thuộc.
Không giống như tướng Browing hay các đồng cấp Mỹ của mình, Urquhart, một người lính chuyên nghiệp đã chiến đấu nổi bật tại Bắc Phi, Sicily và Italy, không có kinh nghiệm gì về tác chiến đổ bộ đường không. Đây sẽ là lần đầu tiên ông chỉ huy một sư đoàn đổ bộ trong tác chiến thực sự. Browning đã chọn viên tướng này vì ông “vẫn còn nóng hổi hơi chiến trường”, nhưng Urquhart đã rất ngạc nhiên về sự bổ nhiệm. Ông vẫn nghĩ các đơn vị đổ bộ “được tổ chức riêng rẽ như kiểu các doanh nghiệp gia đình và biệt lập với bên ngoài”. Thế nhưng Urquhart vẫn tự tin vào khả năng chỉ huy đơn vị tinh nhuệ này của mình. Một khi đã chạm đất thì những nguyên tắc tác chiến cơ bản vẫn không có gì thay đổi, và ông nhìn nhận sư đoàn đổ bộ của mình như “một đơn vị bộ binh được huấn luyện rất chu đáo”.
Bất chấp kinh nghiệm chiến đấu lâu năm, Urquhart vẫn băn khoăn về một việc: ông chưa bao giờ nhảy dù hay ngồi trên một chiếc tàu lượn. “Thậm chí tôi còn có xu hướng say máy bay”, sau này ông nhớ lại. Khi nhậm chức vào tháng 1/1944, chín tháng trước đó, Urquhart đã gợi ý với Browning rằng có lẽ với tư cách là sư trưởng mới, ông cần học qua một khoá huấn luyện nhảy dù. Browning, ấn tượng với vẻ bề ngoài của Urquhart, đã trả lời rằng công việc của Urquhart là chuẩn bị sẵn sàng sư đoàn của mình cho cuộc đổ bộ lên lục địa. Nhìn viên tướng người Scotland cao sáu bộ nặng 200 cân Anh này, Browning nói thêm, “Để việc nhảy dù cho đám thanh niên.”
Trong suốt những tháng dài huấn luyện, Urquhart “thường cảm thấy như một kẻ lạc lõng”. Ông biết mình “bị quan sát chặt chẽ; không phải với sự thù địch, cho dù một số sĩ quan nhảy dù vẫn giữ thái độ hoài nghi và nhiều người còn chẳng buồn dấu diếm ý nghĩ của mình. Tôi đang bị thử thách; mọi hành động của tôi đều bị đánh giá. Đó là một vị thế chẳng dễ chịu gì, nhưng tôi chấp nhận nó”. Dần dần, sự tự tin và chắc chắn của Urquhart trong việc chỉ huy sư đoàn đã lấy được niềm tin của các sĩ quan. Và trong binh lính, Urquhart còn được vì nể hơn ông ngờ tới. Binh nhì James W.Smith, thuộc lữ đoàn nhảy dù số 1, nhớ lại “sự tự tin và bình tĩnh của sư trưởng”. Thượng sĩ John Rate, ở sở chỉ huy sư đoàn, có cảm giác “Urquhart không nề hà làm bất cứ việc gì. Ông ta không bắt ai làm thay mình. Tư lệnh không hề tỏ ra quan cách”. Hiệu thính viên John Pearce gọi tư lệnh của mình “là một gã to vâm thật cừ. Ông ta gọi chúng tôi là “con trai” hay dùng tên riêng nếu ông biết”. Và từ thượng sĩ Roy Ernest Hatch, thuộc trung đoàn lái tàu lượn, Urquhart nhận được lời tán dương nhiệt tình nhất. “Ông ấy,” Hatch nhận xét, “ là một ông tướng bình dân sẵn sàng làm những việc của một anh chàng thượng sĩ”.
Trước sự thất vọng của Urquhart, sư đoàn của ông không được chọn cho chiến dịch Normandy, và “mùa hè trôi qua thật nặng nề, hểt kế hoạch này đến kế hoạch khác được chuẩn bị chỉ để rồi bị bãi bỏ.” Lúc này, đám “Quỷ đỏ” của ông “đang nóng lòng muốn được xung trận”. Họ gần như đã tuyệt vọng. “Chúng tôi tự gọi mình là “sư đoàn chết lưu”, thiếu ta George S.Powell của lữ đoàn dù số 4 nhớ lại. “Chúng tôi bảo nhau có lẽ chúng tôi bị giữ lại dùng cho lễ duyệt binh mừng chiến thắng”. Như Urquhart nhận định, “có một tâm trạng rất nguy hiểm pha trộn cả chán chường lẫn bức bối thâm nhập vào cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi đã được huấn luyện đến mức hoàn thiện nhất và tôi biết nếu không nhập cuộc nhanh, chúng tôi sẽ mất nó. Chúng tôi đã sẵn sàng và chấp nhận bất cứ nhiệm vụ nào, với tất cả những từ “nếu””.
Mục tiêu chính của Urquhart- tâm điểm của chiến dịch Market Garden – là cây cầu bằng sắt và bê tông bắc qua sông Rhine hạ tại Arnhem. Thêm vào đó, người của Urquhart còn có thêm hai mục tiêu thứ yếu nữa: một cây cầu phao gần đó và một cây cầu xe lửa hai làn nằm ở phía thượng lưu, cách thành phố hai dặm rưỡi về phía tây.
Nhiệm vụ của Urquhart đặt ra một loạt khó khăn. Hai trong số đó đặc biệt đau đầu. Những thông báo về mật độ hoả lực phòng không dày đặc trong khu vực cho thấy nhiều đơn vị địch đang tập trung ở lân cận cầu Arnhem. Và Urquhart cảm thấy lo lắng về thời gian 3 ngày cần thiết để đưa toàn bộ lực lượng Anh và Ba Lan tới mục tiêu. Cả hai khó khăn này đều có ảnh hưởng trực tiếp tới sự lựa chọn khu đổ quân của Urquhart. Không giống như các sư đoàn 82 và 101, ông không thể chọn được khu đổ quân ở đúng địa điểm hay gần mục tiêu chính. Lý tưởng ra, ông cần đổ bộ lực lượng của mình gần cầu Arnhem ở cả hai bên bờ sông, nhưng địa hình ở đây lại không hề lý tưởng cho việc này.
Ở ngay đầu cầu phía bắc là khu trung tâm đông dân cư của Arnhem. Gần đầu cầu phía nam, các bãi đất thấp, theo những thông tin có được, đều quá lầy cho đổ quân hay đáp tàu lượn.
« Một số sĩ quan dưới quyền tôi, » Urquhart nhớ lại, « sẵn sàng đổ bộ xuống đầu cầu phía nam, cho dù đó là vùng đầm lầy. Thậm chí, một số còn chấp nhận mạo hiểm nhảy dù xuống đầu cầu phía bắc – vào chính thành phố. »
Vào tuần trước đó, các phi hành đoàn máy bay ném bom khi trở về đã báo cáo rằng mật độ hoả lực phòng không đã tăng 30% ở gần cầu Arnhem và từ sân bay Deelen nằm cách đó 7 dặm về phía bắc. Kết quả là các chỉ huy của RAF theo kế hoạch sẽ kéo các tàu lượn chở lính của Urquhart đã kịch liệt phản đối lại việc đổ bộ xuống các vùng gần cầu Arnhem. Nếu bãi đổ bộ được chọn ở đầu cầu phía nam, máy bay kéo tàu lượn ngoặt lên phía bắc sau khi thả tàu lượn sẽ rơi vào khu vực hoả lực phòng không dày đặc trên không phận sân bay. Ngoặt xuống phía nam cũng tệ chẳng kém ; các máy bay này có nguy cơ sẽ đâm phải máy bay thả sư đoàn 82 xuống gần Nijmegen, cách đó 11 dặm. Urquhart phải đối mặt với một lựa chọn : hoặc kiên quyết yêu cầu RAF thả quân của ông xuống gần cầu, hoặc chọn bãi đổ bộ xa hơn, ở phía ngoài Arnhem, cùng với tất cả những nguy cơ đi cùng sự lựa chọn này - chậm trễ, mất yếu tố bất ngờ, khả năng bị quân Đức kháng cự mạnh. Nguy hiểm càng lớn hơn vì vào ngày N, Urquhart sẽ chỉ có một phần sư đoàn của mình trong tay. « Khó khăn của tôi là làm sao mang được đủ người trong đợt đổ bộ đầu tiên », Urquhart nhớ lại, « không chỉ để chiếm cây cầu chính trong thành phố, mà còn để kiểm soát và bảo vệ các bãi đổ bộ và bãi nhảy dù cho các đợt đổ quân tiếp theo. Để chiếm cây cầu chính trong ngày đầu, lực lượng tôi có bị rút xuống chỉ còn vẻn vẹn một lữ đoàn dù ».
Đối mặt với những hạn chế này, Urquhart yêu cầu Browning cho thêm máy bay. Theo viên sư đoàn trưởng, ông đã nói với tư lệnh quân đoàn, « rằng người Mỹ có tất cả những gì họ cần ». Browning không đồng ý. Sự phân phối máy bay, ông cam đoan với Urquhart, « hoàn toàn dựa trên mức độ ưu tiên của nhiệm vụ và không phải do bất cứ sức ép nào từ phía Mỹ ». Ông này giải thích, toàn bộ chiến dịch được thực hiện từ nam lên bắc, « từ đáy lên đến đỉnh » ; các mục tiêu tại khu vực phía nam và trung tâm hành lang cần « được chiếm trước tiên để có đường tiến cho lực lượng mặt đất. Nếu không, sư đoàn 1 sẽ bị xoá sổ ».
Trong xe chỉ huy của quân đoàn trưởng được Browning dùng làm sở chỉ huy tại sân golf Moor Park, Urquhart cúi người xuống nhìn những tấm bản đổ và cân nhắc tình hình. Có một số khu vực trống trải ở phía bắc Arnhem trong một khu vườn quốc gia, nhưng những khu này quá nhỏ và địa thế lại không phù hợp. Cố lắm, những địa điểm này có thể dùng cho một lực lượng dù nhỏ đổ quân, nhưng không thể tiếp nhận tàu lượn được. Khả năng thay thế duy nhất là đổ quân xuống vùng đồng cỏ nằm bên rìa rừng thông và những dải đất trống rộng nằm cao hơn mực nước biển 250 bộ, nằm ở phía tây và tây bắc Arnhem. Các dải đất trống này phẳng và không lầy lún, lý tưởng cho quân nhảy dù và tàu lượn. Các khu này hoàn hảo về mọi mặt trừ một điều : chúng nằm cách cầu Arnhem từ 6 đến 8 dặm. Vấp phải sự phản đối liên tục từ phía RAF không chấp nhận thực hiện đổ quân xuống gần cầu, Urquhart miễn cưỡng quyết định chọn các bãi đổ bộ ở xa. « Chẳng thể làm gì hơn, » ông nhớ lại, « ngoài việc chấp nhận rủi ro và lập kế hoạch khắc phục chúng. Tôi không có sự lựa chọn nào khác ».
Vào ngày 12/9, Urquhart đã hoàn tất kế hoạch của mình. Được khoanh ra trên bản đồ là năm khu đổ quân và đáp tàu lượn rải dọc tuyến đường sắt Arnhem – Amsterdam ở lân cận Wolfheze, cách Arnhem khoảng 4 dặm về phía tây bắc. Ba khu nằm về phía bắc Wolfheze và hai về phía nam, các khu phía nam tạo thành một hình tứ giác lệch rộng chừng 1 dặm vuông. Tất cả đều nằm cách cầu Arnhem ít nhất 6 dặm ; khu xa nhất, ở phía tây bắc Wolfheze, cách đến 8 dặm.
Vào ngày N 2 lữ đoàn sẽ đổ quân - lữ đoàn đổ bộ số 1 của thượng tá Philip « Pip » Hick, theo kế hoạch có nhiệm vụ bảo vệ các khu đổ quân, và lữ đoàn dù số 1 của thượng tá Gerald Lathbury, đơn vị này sẽ đột kích tới Arnhem và chiếm xa lộ, đường sắt và cầu phao. Đi đầu sẽ là một phân đội trinh sát cơ giới được trang bị xe jeep và mô tô. Urquhart trông cậy vào lực lượng tinh nhuệ của thiếu tá C.F.H. « Freddie » Gough gồm 275 người – đơn vị duy nhất kiểu này trong toàn quân đội Anh - để tiến tới cây cầu đường bộ và giữ lấy nó cho tới khi phần còn lại của lữ đoàn tới nơi.
Ngày hôm sau, N+1, lữ đoàn dù số 4 của thượng tá John « Shan »Hackett dự kiến sẽ tới nơi, cùng với phần còn lại của lữ đoàn đổ bộ ; và vào ngày thứ ba, lữ đoàn dù Ba Lan số 1 của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski sẽ đổ quân. Urquhart đã đánh dấu một bãi đổ bộ thứ 6 cho lực lượng Ba Lan. Vì kế hoạch dự kiến rằng, vào ngày N+2, cầu đã được chiếm giữ và các khẩu đội phòng không bị vô hiệu hoá, lực lượng Ba Lan dự kiến sẽ được thả xuống bờ nam sông Rhine hạ gần làng Elden cách cây cầu Arnhem khoảng 1 dặm về phía nam.
Bất chấp những rủi ro phải chấp nhận, Urquhart cảm thấy tự tin. Ông tin rằng ông có « một chiến dịch khả thi và một kế hoạch tốt ». Tổn thất, ông nghĩ, sẽ « vào khoảng 30% » ; tính đến ý nghĩa quan trọng của cuộc tấn công, ông không cho rằng cái giá này là quá cao. Vào sẩm tối ngày 12/9, ông phổ biển cho các chỉ huy dưới quyền về chiến dịch và, Urquhart nhớ lại,«mọi người đều có vẻ hài lòng với kế hoạch ».
Tuy vậy, cũng có một sĩ quan tỏ ra nghi ngờ. Thiếu tướng Stanislaw Sosabowski, viên tư lệnh 52 tuổi từng trải của lữ đoàn dù Ba Lan số 1, tin rằng « chúng ta sẽ có một trận đánh ác liệt ». Người cựu giảng viên của học viện quân sự Ba Lan trước chiến tranh đã từng bày tỏ quan điểm của mình với Urquhart và Browning khi ông lần đầu tiên nghe tới chiến dịch Comet. Vào lúc ấy ông đã yêu cầu Urquhart ra lệnh viết cho ông để « tôi không phải chịu trách nhiệm về thảm hoạ ». Cùng Urquhart ông đã tới gặp Browning và nói với ông này rằng «nhiệm vụ này không thể thực hiện thành công được ». Browning hỏi vì sao. Như Sosabowski nhớ lại, « tôi đã nói với ông ta rằng cố thử thực hiện điều đó với lực lượng chúng tôi có sẽ chẳng khác gì tự sát và Browning đã trả lời, « Nhưng, ngài Sosabowski thân mến, những con quỷ đỏ và các chàng trai Ba Lan kiêu hùng có thể làm bất cứ điều gì ».
Giờ đây, một tuần sau, trong khi ông nghe Urquhart nói, Sosabowski nghĩ, « người Anh không chỉ đánh giá thấp sức mạnh của bọn Đức ở vùng Arnhem một cách rất chủ quan, mà thậm chí có vẻ họ còn chẳng hiểu nổi Arnhem quan trọng đến thế nào với đế chế ». Sosabowski tin rằng với quân Đức Arnhem chính là « cửa ngõ vào nước Đức, và tôi không trông đợi bọn Đức sẽ bỏ ngỏ nơi này ». Ông cũng không tin rẳng « những đơn vị đóng trong khu vực là những đơn vị kém cỏi, với chỉ vài chiếc xe tăng cũ kỹ làm cảnh ». Ông thực sự phát hoảng khi Urquhart nói với các tư lệnh lữ đoàn rằng sư đoàn 1 sẽ đổ quân « xuống cách mục tiêu ít nhất 6 dặm ». Để tới được cây cầu lực lượng chủ yếu sẽ phải « mất năm giờ hành quân bộ ; nếu thế thì làm sao có thể đảm bảo yếu tố bất ngờ ? Bất cứ gã Đức ngu ngốc nào cũng có thể đoán ra lập tức kế hoạch của chúng ta ».
Có một phần nữa trong bản kế hoạch Sosabowski cũng không đồng ý. Khí tài nặng và đạn dành cho lữ đoàn của ông theo kế hoạch sẽ được chở bằng tàu lượn trong một đợt đổ quân sớm hơn. Như vậy, dự trữ của lữ đoàn ông sẽ nằm ở khu đổ bộ phía bắc trong khi binh lính của ông lại đổ quân xuống bờ nam. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khi lực lượng Ba Lan tới cầu vẫn chưa chiếm được ? Trong lúc Urquhart phổ biến kế hoạch, Sosabowski kinh ngạc vỡ lẽ rằng, nếu lúc đó cầu vẫn bị quân Đức chiếm, lực lượng Ba Lan của ông sẽ có trách nhiệm phải chiếm lấy nó.
Bất chấp sự lo ngại của mình, trong buổi họp ngày 12/9 ông vẫn im lặng. « Tôi nhớ Urquhart hỏi xem có ai có câu hỏi nào không, và chẳng ai hỏi gì cả, » ông nhớ lại. « Tất cả ngồi bắt chéo chân uể oải, có vẻ chán. Tôi những muốn nói gì đó về cái kế hoạch bất khả thi này, nhưng chỉ đơn giản là tôi không thể. Tôi vốn đã sẵn không được lòng mọi người, và hơn nữa liệu có ai nghe không ? »
Sau đó, khi toàn bộ kế hoạch đổ bộ được đưa ra duyệt lại trước tất cả các tư lệnh tại sở chỉ huy của Browning, nhiều người khác đã rất lo ngại về phần kế hoạch của người Anh nhưng cả họ cũng giữ im lặng. Chuẩn tướng James M.Gavin, tư lệnh sư đoàn 82 của Mỹ, đã ngạc nhiên khi nghe sự lựa chọn bãi đổ bộ của Urquhart đến mức ông đã nói với phụ trách tác chiến của mình, trung tá John Norton, « Chúa ơi, ông ta không đùa đấy chứ ». Norton cũng kinh ngạc không kém. « Không đâu, » ông này đáp, « nhưng tôi sẽ chẳng muốn thử nó ». Theo Gavin, thà rằng chịu chấp nhận 10% tổn thất ngay khi đổ quân để đổ bộ xuống gần hay đúng cầu còn hơn chấp nhận những nguy cơ khi đổ quân xa mục tiêu như vậy ». Ông thấy ngạc nhiên khi tướng Browning không hề hỏi gì về kế hoạch của Urquhart ». Nhưng Gavin vẫn không nói gì « vì tôi tự nhủ rằng người Anh, với kinh nghiệm tác chiến dày dạn của mình, hiểu rõ họ đang làm gì ».
Thiếu tá Sepp Kraff không có ý định di chuyển lần nữa nếu có thể tránh được. Trong vài tuần vừa qua tiểu đoàn dự bị và huấn luyện lính tùng thiết SS đã hao hụt của anh ta đã bị điều ngang điều dọc như đèn cù khắp Hà Lan. Lúc này, sau chỉ 5 ngày, đơn vị lại bị ra lệnh phải rời khỏi làng Oosterbeek- và lại không phải bởi một thượng cấp của Kraff, mà bởi một tay thiếu tá Wehrmacht.
Kraff nóng nảy phản đối. Phần lớn trong số 3 đại đội của anh ta đang đóng trong làng, phần còn lại ở Arnhem, và còn 1000 lính SS mới mộ dự kiến sẽ tới bất cứ lúc nào để huấn luyện. Tay thiếu tá Wehrmacht phớt lờ. « Tôi không quan tâm đến những điều đó, » tay này nói với Kraff, « ông phải rời khỏi đây ». Kraff phản đối. Viên sĩ quan 37 tuổi đầy tham vọng chỉ chấp hành mệnh lệnh từ cấp trên SS của mình. « Tôi từ chối », anh ta nói. Tay sĩ quan Wehrmacht không hề nao núng. « Để tôi nói cho ông rõ, » tay này đáp, « ông phải rời khỏi đây vì sở chỉ huy của Model sẽ tới đây ».
Kraff chịu nhũn liền. Anh ta chẳng có hứng chọc tức thống chế Walter Model. Tuy thế, cái lệnh thật bực mình. Kraff dọn đi, nhưng cũng chẳng xa. Anh ta quyết định đóng quân của mình trong rừng và các trang trại ở phía tây bắc Oosterbeek, không xa làng Wolfheze là mấy. Địa điểm anh ta chọn tình cờ lại nằm dọc đường Wolfheze, gần như nằm giữa những khu đánh dấu trên bản đồ tại Anh cho lực lượng của sư đoàn đổ bộ đường không số 1, đồng thời cũng án ngữ đường tới Arnhem.
Henry Knap, chỉ huy tình báo của lực lượng kháng chiến ngầm tại Arnhem, cảm thấy an toàn trong vai mới của mình. Để tránh cho vợ và hai đứa con gái khỏi bị liên luỵ vì hoạt động của mình, anh đã rời khỏi nhà 4 tháng trước và dọn tới cách nhà vài phố. Địa chỉ hoạt động của anh lúc này là phòng mạch của một bác sĩ đa khoa, ông Leo C.Breebaart. Knap giờ đây là « phụ tá » của ông bác sĩ, và một số « bệnh nhân » là các liên lạc viên và điệp viên thuộc lưới tình báo của anh : 40 người cả nam lẫn nữ cùng một số thanh niên trẻ vị thành niên.
Công việc của Knap rất tốn thời gian và tỉ mỉ. Anh phải đánh giá các thông tin nhận được, sau đó chuyển đi bằng điện thoại. Chỉ huy kháng chiến tại Arnhem, Pieter Kruyff, đã đưa cho Knap 3 số điện thoại, mỗi số có 12 đến 15 chữ số, và dặn anh học thuộc lòng. Knap không bao giờ biết anh liên lạc đi đâu và với ai. Chỉ dẫn dành cho anh là quay từng số điện thoại cho tới khi thiết lập được liên lạc.
Thu thập thông tin tình báo thậm chí còn phức tạp hơn. Yêu cầu của Knap được chuyển xuống mạng lưới, và anh không bao giờ biết điệp viên nào sẽ thu thập thông tin. Nếu một thông tin nào đó có vẻ đáng ngờ, Knap sẽ tự kiểm tra lại. Vào lúc này anh đang cảm thấy bối rối trước một số thông báo về hoạt động của quân địch tại Oosterbeek.
Một sĩ quan Đức mang phù hiệu bộ tham mưu, thiếu tá Horst Smockel, đã tới một số cửa hàng tại Renkum, Oosterbeek, và Arnhem và yêu cầu chuyển một số nhu yếu phẩm tới khách sạn Tafelberg ở Oosterbeek. Cái mà Knap thấy tò mò là những yêu cầu này ; trong số chúng có những đồ ăn khó kiếm và những thứ hàng đặc biệt mà dân chúng Hà Lan hầu như không còn trông thấy nữa, như rượu gin Genever.
Thêm vào đó, lính thông tin Đức cũng đang gấp rút mắc điện thoại vào một số khách sạn ngoại ô, trong đó có Tafelberg. Knap linh cảm rằng câu trả lời đã hiển nhiên : một sở chỉ huy cao cấp đang chuyển tới Oosterbeek. Nhưng sở chỉ huy nào vậy ? Viên chỉ huy này là ai ? Và ông ta đã tới chưa ?