Buổi phổ biến kế hoạch gây ra những tâm trạng khác nhau. Viên hạ sĩ 19 tuổi Jack Bommer nghĩ "chỉ sáu hay tám tuần nữa chúng tôi sẽ có mặt ở nhà và sau đó người ta sẽ gửi chúng tôi tới Thái Bình Dương". Binh nhì Leo Hart, 21 tuổi, không tin rằng họ sẽ xung trận. Anh này đã hóng được - rất có thể từ kết quả tin đồn của binh nhì Nadler - rằng có chừng 4000 lính SS có mặt tại khu đổ quân chính.
Thiếu tá Edwin Bedell, 38 tuổi, nhớ lại rằng sự bận tâm duy nhất của một binh nhì là sự an toàn của một con thỏ mà anh ta thắng cuộc tại một hội thi ở một làng trong vùng. Anh binh nhì này rất lo cho con vật của mình, đã luôn đi theo anh ta đi mọi nơi, sẽ không thể sống sót được cuộc nhảy dù, mà nếu có thoát được cũng sẽ rất có nguy cơ kết thúc trong một cái nồi nào đó.
Gần sân bay Spanhoe ở vùng Grantham, trung uý “Pat” Glover thuộc lữ đoàn dù số 4 sư đoàn đổ bộ số 1 của Anh cũng lo lắng cho Myrtle, một cô gà lông nâu đỏ đã là con vật cưng của Glover từ đầu mùa hè. Với chiếc dù buộc vào một băng chun quanh cổ, Myrtle « cô gà từ trên trời rơi xuống » đã tập nhảy dù 6 lần. Đầu tiên cô gà này được cho vào một túi bạt buộc vào vai trái của Glover. Sau đó, anh này thả cô gà ra ở độ cao 50 bộ. Giờ thì Myrthe đã là một cựu binh, và Glover có thể thả nó ra ở độ cao 300 bộ. Vừa vỗ cánh phành phạch vừa kêu ầm ĩ, Myrthe chuệnh choạng hạ cánh. Sau khi chạm đất, Glover nhớ lại, « con vật khá hiền lành này ngoan ngoãn chờ trên mặt đất cho tới khi tôi xuống tới nơi và đến lượm nó ». Myrthe cô gà bay sẽ tới Arnhem. Đó là lần nhảy tác chiến đầu tiên của cô gà mái. Nhưng Glover không có ý định thử may rủi. Anh dự định sẽ để yên Myrthe trong túi cho tới khi anh đã đặt chân xuống đất Hà Lan.
Hạ sĩ Sydney Nunn, 23 tuổi, thuộc lữ đoàn đổ bộ số 1, đóng quân gần Keevil, cảm thấy khoan khoái được lên đường. Anh này cho rằng doanh trại quả là « cơn ác mộng ». Nunn sẵn sàng tới Arnhem hay bất cứ đâu cũng được, miễn là đủ xa để thoát khỏi đám rệp cứ luôn rúc sâu vào đệm của anh.
Với binh lính của sư đoàn đổ bộ Anh số 1, lúc này đang đợi lệnh trong các căn cứ nằm rải từ Midland xuống phía nam tới tận Dorsetshire, tâm trạng chung là cảm giác nhẹ nhõm vì cuối cùng họ cũng sắp được ra trận. Bên cạnh đó, các sĩ quan phổ biến kế hoạch nhấn mạnh rằng Market Garden có thể giúp rút ngắn chiến tranh. Với người Anh, chiến đấu liên tục từ năm 1939, tin này thật có ý nghĩa. Thượng sĩ Ron Kent, thuộc đại đội dù độc lập số 21, nghe nói rằng « thành công của chiến dịch có thể khiến chúng ta chiếm được Berlin » và lực lượng mặt đất của đối phương tại Arnhem « chủ yếu là đám Thanh niên Hitler trẻ ranh và những người già đi xe đạp ». Thượng sĩ Walter Inglis, thuộc lữ đoàn dù số 1, cũng đầy tin tưởng như vậy. Anh này nghĩ rằng cuộc tấn công sẽ « rất ngon lành ». Tất cả những gì đám Quỷ Đỏ phải làm là « bám lấy cây cầu Arnhem trong 48 giờ cho đến khi xe tăng của quân đoàn 30 tới ; sau đó chiến tranh coi như kết thúc ». Inglis hy vọng sẽ được về nhà ở Anh sau một tuần. Hạ sĩ Gordon Spicer, cũng thuộc lữ đoàn dù số 1, tự tin coi chiến dịch « là một cuộc chơi khá dễ dàng với một đám quân Đức rệu rã đang khiếp sợ thụt lùi khi thấy chúng tôi xuất hiện » ; trong khi đó Percy Parkes, thuộc lữ đoàn đổ bộ số 1, sau cuộc phổ biến kế hoạch, cảm thấy « tất cả những gì chúng tôi phải đối đầu tại Arnhem là một đám đầu bếp và chân cạo giấy người Đức ». Sự có mặt của thiết giáp đối phương, Parkes thuật lại, chỉ « được nói thoáng qua, và chúng tôi được bảo rằng yểm trợ không quân sẽ mạnh đến mức làm tối đen cả bầu trời trên đầu chúng tôi ». Y tá Geoffrey Stanners cũng tự tin tới mức chỉ chờ đợi « một hai tiểu đoàn lính thu dung » và hiệu thính viên Victor Read thì « chờ đợi sẽ gặp đám WAAF của Đức », anh nghĩ, « sẽ là những kẻ duy nhất phòng thủ Arnhem ».
Một số người có thể danh chính ngôn thuận ở lại nhà cũng hăng hái muốn ra trận. Thượng sĩ Alfred Roullier, thuộc lữ đoàn pháo đổ bộ số 1, là một trong số đó. Người lính 31 tuổi này phát hiện ra anh không được tham gia chiến dịch Arnhem. Cho dù Roullier được huấn luyện làm pháo thủ, nhưng lúc này anh đang làm cấp dưỡng tại sở chỉ huy tiểu đoàn. Vì tài nấu nướng của mình, xem ra rất có thể anh sẽ phải làm việc đó cho đến hết chiến tranh. Đã hai lần, Alf Roullier yêu cầu thượng sĩ nhất John Siely được tham gia vào cuộc tấn công, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Đến lần thứ 3, Alf nhấn mạnh trường hợp của mình. « Tôi biết chiến dịch này có thể rút ngắn chiến tranh, » anh nói với Siely. « Tôi có một vợ và hai con, nhưng nếu cuộc tấn công này có thể giúp tôi chóng trở về nhà hơn và đảm bảo cho họ một tương lai tốt đẹp hơn, thì tôi muốn được ra trận ». Siely sử dụng một số quan hệ của mình. Tên của Alf Roullier được thêm vào danh sách những người sẽ đổ bộ xuống Arnhem – nơi mà trong tuần tiếp theo, viên thượng sĩ cấp dưỡng sẽ trở thành một huyền thoại.
Trong bầu không khí phấn khích trước giờ khai hoả của Market Garden, cũng có những nghi ngờ trong một số sĩ quan và binh lính tham chiến. Họ băn khoăn vì nhiều lý do khác nhau, cho dù hầu hết đều thận trọng không để lộ cảm giác của mình. Hạ sĩ Daniel Morgans, thuộc lữ đoàn dù số 1, coi « Market Garden là một chiến dịch tự sát». Việc « đổ bộ cách mục tiêu đến 6 -7 dặm rồi lại phải đánh xuyên qua cả một thành phố để tới được nó, đúng là mua dây buộc mình ». Thượng sĩ nhất J.C.Lord, người đã trải qua cả cuộc đời trong quân ngũ, cũng nghĩ như vậy. « Kế hoạch có vẻ trông chờ quá nhiều vào may rủi, » anh linh cảm. Và Lord cũng không mấy tin tưởng câu chuyện về một kẻ thù đã kiệt sức và yếu đuối. Anh biết « người Đức không phải là đổ ngốc và là những chiến binh tuyệt vời ». Tuy thế, J.C.Lord, người mà tư cách khiến cả đám cựu binh cũng phải vì nể (gần như vô thức, một số người đã gọi anh này sau lưng là « Jesus Christ »), đã không để lộ sự áy náy của mình, vì « làm thế sẽ là thật tai hại cho tinh thần mọi người ».
Đại uý Eric Mackay, chỉ huy đơn vị công binh mà một trong những nhiệm vụ được giao là tiếp cận nhanh cây cầu chính ở Arnhem và tháo gỡ thuốc nổ của quân Đức gài nếu có, nghi ngờ cả chiến dịch. Anh này nghĩ sư đoàn của mình «nếu đổ xuống cách mục tiêu 8 dặm thì cũng chẳng khác gì đổ xuống cách đó 100 dặm ». Lợi thế bất ngờ và « một cú đánh mạnh chớp nhoáng » hiển nhiên sẽ bị mất. Mackay âm thầm yêu cầu người của mình phải tăng gấp đôi cơ số đạn và lựu đạn mang theo, đồng thời đích thân hướng dẫn từng người lính dưới quyền các kỹ thuật thoát hiểm.
Thiếu tá Anthony Deane-Drummond, 27 tuổi, chỉ huy phó thông tin của sư đoàn đổ bộ số 1, đặc biệt lo lắng về phương tiện liên lạc của mình. Bên cạnh các máy chỉ huy chính, anh rất lo về những máy phát nhỏ cỡ « 22 » dự kiến sẽ được dùng giữa Urquhart và các lữ đoàn trong quá trình tấn công Arnhem. Những máy « 22 » hoạt động thu phát tốt nhất trong đường kính 3 đến 5 dặm. Với các khu đổ bộ cách mục tiếu 7 đến 8 dặm, hoạt động có thể sẽ trục trặc. Tệ hơn nữa, những máy này cũng cần liên lạc được với sở chỉ huy quân đoàn của tướng Browning, dự định đặt ở Nijmegen, cách các khu đổ quân chừng 15 dặm về phía nam. Thêm vào những trở ngại này còn có địa hình. Giữa cây cầu chính ở Arnhem và khu đổ bộ là cả thành phố, rồi những khu có rừng rậm bao phủ, và những khu ngoại ô đông dân cư.