Ở ngôi làng Hà Lan Driel có cả ngàn năm tuổi, dân làng chăm chú lắng nghe. Ngay cả trước lúc rạng đông, những người bồn chồn không ngủ được đã thức giấc, ánh đèn bắt đầu le lói sau những khung cửa sổ đóng kín. Đầu tiên họ chỉ cảm thấy có chuyện gì đang diễn ra đâu đó rất gần. Dần dần cảm giác mơ hồ định hình rõ hơn. Từ phía xa những tiếng động rì rầm không dứt vọng lại.
Hầu như không thể nghe rõ, nhưng tiếng động vẫn từng đợt vọng tới ngôi làng. Không thể nào nhận ra được nguồn gốc những tiếng động mơ hồ, nhiều người lại nghe thấy rõ ràng có gì đó thay đổi trên dòng sông Rhine Hạ gần đó. Ở Hà Lan, một nửa lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, thuỷ tai luôn là kẻ thù thường trực, đê đập là vũ khí chủ yếu trong cuộc đấu tranh không nhừng nghỉ đã bắt đầu từ trước thế kỷ 11. Driel, nằm ở khúc quanh lớn của sông Rhine Hạ, ở tây nam Arhem, thủ phủ của vùng Gelderland, đã luôn là nhân chứng cho cuộc đấu tranh đó. Chỉ cách làng vài trăm mét về phía bắc, một con đê khổng lồ, có chỗ vươn cao lên đến hơn 20 bộ, trên đỉnh là đường, bảo vệ ngôi làng và cả vùng khỏi con sông rộng hơn 400 mét luôn trái tính trái nết. Nhưng vào buổi sáng ngày hôm đó không có gì đáng báo động về con sông. Sông Rhine chảy hiền hoà lên biển Bắc theo tốc độ thông thường hai dặm một giờ của nó. Tiếng động không dứt vang lên từ nền đá của con đê chắn là do một kẻ thù khác, còn tàn bạo hơn nhiều, gây ra.
Khi bầu trời rạng dần, mặt trời bắt đầu xoá tan màn sương mù, tiếng động mỗi lúc một rõ hơn. Từ những con đường đi từ phía đông tới dân làng Driel có thể nghe tiếng xe cộ di chuyển - tiếng di chuyển mỗi lúc một ầm hơn. Tới lúc đó sự bất an của họ đã trở thành hốt hoảng, vì giờ thì chẳng còn gì để nghi ngờ về nguồn gốc của những tiếng động đó: lúc này đã là năm thứ năm của Thế chiến thứ hai, và vào tháng thứ năm mươi mốt dưới ách chiếm đóng Nazi, tất cả mọi người đều nhận ra đó là tiếng động do các đoàn quân Đức di chuyển gây ra.
Còn đáng lo ngại hơn nữa là quy mô của cuộc di chuyển này. Sau này nhiều người đã nhớ lại rằng, trước đó mới chỉ một lần họ nghe thấy những tiếng động như vậy - vào tháng Năm 1940, khi quân Đức xâm lược Hà Lan. Vào lúc ấy, tràn qua biên giới của Đế chế Đức nằm cách Driel chừng mười đến mười lăm dặm, đội quân cơ giới hoá của Hitler đã tiến tới đường xa lộ chính và nhanh chóng tràn qua vùng này. Lúc này đây, cũng trên chính những con đường đó, một lần nữa những đoàn quân có vẻ lại hối hả tiến đi không ngừng nghỉ.
Những tiếng động lạ lùng vẳng lại từ con đường lộ gần nhất - một xa lộ hai làn xe chạy nối Arhem, trên bờ bắc của sông Rhine hạ, với thành phố Nijmegen cổ kính thành lập từ thế kỷ thứ tám, nằm bên bờ con sông lớn Waal, cách nơi này mười một dặm về hướng nam. Trên nền tiếng động trầm trầm của động cơ, dân làng có thể phân biệt rõ những âm thanh riêng biệt có vẻ thật lạ lùng với một đoàn quân xa - tiếng bánh xe ngựa, tiếng động do vô số xe đạp gây ra, và tiếng bước chân chậm chạp, hỗn độn.
Đây là đoàn quân xa kiểu gì vậy? Và, quan trọng hơn nữa, nó đi về hướng nào? Vào thời điểm này của cuộc chiến tương lai của Hà Lan có thể sẽ phụ thuộc vào câu trả lời. Hầu hết mọi người đều tin rằng những đoàn quân xa này chở lực lượng tăng viện - có thể để tăng cường cho các trại lính tại Hà Lan hay tiến về phía nam để ngăn chặn bước tiến của Đồng Minh. Quân Đồng Minh đã giải phóng bắc Pháp với tốc độ ngoạn mục. Lúc này họ đang giao chiến ở Bỉ, và người ta nói họ đã tiến sát thủ đô Brussels, nằm cách đó chưa đầy trăm dặm. Tin đồn cũng đoan chắc rằng những đơn vị thiết giáp hùng mạnh của Đồng Minh đang hướng tới biên giới Hà Lan. Nhưng không ai ở Driel có thể nói chắc chắn được các đoàn quân xa Đức đang đi về hướng nào. Khoảng cách và sự hỗn độn của tiếng động vọng lại khiến mọi dự đoán là không thể. Và do lệnh giới nghiêm ban đêm dân cư trong làng không thể ra khỏi nhà để đi xem tận mắt được.
Bị ám ảnh bởi cảm giác không chắc chắn, họ cũng chỉ đành biết đợi. Họ không thể ngờ rằng chỉ ít lâu trước khi trời sáng ba gã tân binh - toàn bộ lực lượng Đức đóng trong làng - đã bỏ chạy trên những chiếc xe đạp đánh cắp và biến mất trong màn sương mù. Thế là chẳng còn ai để kiểm soát lệnh giới nghiêm trong làng nữa.
Không hề hay biết, dân cư trong làng tiếp tục ở lại trong nhà. Nhưng những người tò mò nhất trong số họ quá sốt ruột không thể chờ lâu hơn và quyết định đánh liều sử dụng điện thoại. Từ nhà mình tại số 12 Honingveldstraat, nằm bên cạnh xưởng làm mứt của gia đinh, cô gái trẻ Cora Baltussen gọi điện cho các bạn cô sống ở Arnhem. Cô gái không thể tin nổi những gì họ đã tận mắt chứng kiến.Các đoàn quân xa không hề hướng về phía nam tới mặt trận phía tây. Vào buổi sáng mù sương đó, ngày 4/9/1944, quân Đức và tất cả những kẻ ủng hộ chúng có vẻ đều hối hả tháo chạy khỏi Hà Lan, sử dụng tất cả những phương tiện có thể.
Xa hơn năm mươi dặm về phía nam, tại các làng mạc và thành phố nằm sát biên giới Bỉ, người Hà Lan ngỡ ngàng. Họ nhìn mà không dám tin vào mắt mình trong khi đám tàn quân tan nát của Hitler từ bắc Pháp và Bỉ đổ về lũ lượt kéo qua đông nghịt trước cửa sổ nhà họ. Sự suy sụp xem ra lan rất nhanh, bên cạnh đám nhà binh, hàng ngàn thường dân Đức và Nazi Hà Lan cũng rút chạy. Và với đám đông đang tìm cách tháo thân này có vẻ mọi con đường đều dẫn về biên giới Đức.
Bởi vì cuộc rút lui đã bắt đầu một cách rất chậm rãi - với một vài đoàn xe con và xe tải vượt qua biên giới Bỉ- không mấy ai ở Hà Lan có thể nói chính xác nó đã bắt đầu lúc nào. Có người tin rằng cuộc tháo lui bắt đầu ngày 2/9, một số khác lại cho là ngày 3. Nhưng đến ngày 4, sự di chuyển của quân Đức và đồng minh của chúng đã đạt tới mức điển hình của một cuộc bỏ chạy, một cuộc tháo thân kinh hoàng mà đỉnh cao là vào ngày mồng 5, một ngày sau này được biết tới trong lịch sử Hà Lan như là Dolle Dinsdag," Ngày thứ ba điên khùng".
Sự hoảng loạn và vô tổ chức có lẽ là những từ đặc trưng nhất cho cuộc bỏ chạy này của người Đức. Tất cả các loại phương tiện di chuyển đều được tận dụng. Ních đầy những con đường từ biên giới Bỉ ngược lên phía Bắc tới Arhem là xe tải, xe buýt, xe con, xe half-track, xe bọc thép, xe ngựa kéo của các nông trại và các xe hơi dân sự chạy bằng than hay củi. Đâu đâu dọc theo đoàn lữ hành hỗn độn này cũng có từng đám lính bê bết bụi, mệt nhoài hối hả đạp xe đạp lao đi.
Thậm chí còn có những phương tiện di chuyển lạ đời hơn nữa. Ở thị trấn Valkenswaard, chỉ cách biên giới Bỉ vài dặm về phía Bắc, người ta thấy lính Đức mang vác nặng nề gò lưng ra đi trên những chiếc xe đạp dành cho trẻ con. Cách đó sáu chục dặm, ở Arhem, đám đông túm tụm lại ở Amsterdamseweg để theo dõi khi một cỗ xe tang lừng lững màu đen thếp bạc được kéo bằng một đôi ngựa cày đủng đỉnh diễu qua trước mặt. Ngồi đông nghịt trên cái giá dành để quan tài là cỡ hai chục lính Đức nhếch nhác, kiệt sức.
Chen lấn lẫn nhau trong đám loạn quân tháo chạy này là binh lính Đức thuộc vô số đơn vị. Người ta có thể bắt gặp lính Panzer trong bộ chiến phục màu đen; binh lính của Lufwaffe, chắc hẳn là tất cả những gì còn lại của các đơn vị không lực Đức đã bị tan tác ở Pháp hay Bỉ; lính lục quân thuộc chừng hai chục sư đoàn khác nhau; và lính Waffen SS, không thể lẫn vào đâu được với phù hiệu hình đầu lâu và hai khúc xương bắt chéo. Nhìn đám lính tơi tả, có vẻ không có chỉ huy này thất thểu diễu qua vô tổ chức trước mặt, cô gái trẻ Wilhelmina Coppens ở St.Oedenrode nghĩ rằng "phần lớn chúng chẳng biết mình đang ở đâu hay thậm chí đang đi về đâu." Một số binh lính, trước sự thú vị đầy căm ghét của những người Hà Lan bên đường, đã hoàn toàn lạc hướng đến mức phải hỏi thăm dân chúng đường về phía biên giới Đức.
Tại thành phố công nghiệp Eindhoven, quê hương của người khổng lồ đồ điện Philips, dân cư đã nghe thấy tiếng đại bác ầm ầm vọng lại từ phía Bỉ nhiều ngày nay. Đến lúc này, nhìn thấy phần sót lại của đạo quân Đức bại trận hối hả tháo lui, người ta chờ đợi quân Đồng Minh xuất hiện từng giờ từng phút. Cả quân Đức cũng vậy. Frans Kortie, một nhân viên hai mươi tư tuổi làm tại văn phòng tài chính thành phố, nhận ra đám quân rút lui không hề có ý định dừng lại. Từ những sân bay gần đấy vẳng lại những tiếng nổ lớn trong khi bọn công binh phá huỷ đường băng, kho vũ khí, kho xăng và các nhà để máy bay; và qua làn khói đang bay dọc thành phố, Kortie nhìn thấy từng đám lính đang hối hả tháo dỡ những khẩu pháo phòng không nặng nề khỏi nóc các toà nhà của hãng Philips.
Trong khắp vùng, từ Eindhoven ngược lên phía bắc tới Nijmegen, công binh Đức làm việc không ngơi nghỉ. Trên kênh đào Zuid Willemsvaart nằm cạnh thị trấn Veghel, Cornelis de Visser, một giáo viên tiểu học, nhìn thấy một chiếc sà lan chất nặng nổ tung, hất văng ra xung quanh một trận mưa các mảnh động cơ máy bay, không khác gì một trận mưa đạn ghém chết người. Cách đó không xa, ở làng Uden, Johanne de Groot, một người đóng thùng xe bốn mươi lăm tuổi, đang cùng gia đình theo dõi cuộc rút lui của quân Đức khi chúng đốt một trại lính Hà Lan cũ chỉ cách nhà ông chừng 300 mét. Vài phút sau những quả bom hạng nặng cất trong toà nhà nổ tung, giết chết bốn trong số những người con của Groot, từ năm đến mười tám tuổi.
Tại những nơi như Eindhoven, nơi các trường học bị đốt, lính cứu hoả đã bị cấm không được can thiệp và các toà nhà bị cháy trụi, đổ sụp. Ngược lại với đám tàn quân hỗn độn đang rút chạy trên đường, đám công binh có vẻ vẫn hành động theo những kế hoạch được vạch sẵn.
Trong đám người chạy trốn, hỗn độn và hoảng hốt nhất là đám thường dân, người Đức và bọn Nazi Hà Lan, Bỉ và Pháp. Đám này cũng chẳng được người Hà Lan dành cho chút thiện cảm nào. Theo người nông dân Johannes Hulsen ở St Oedenrode, đám này" co rúm lại vì sợ"; và chúng có lý do để lo sợ, anh này hài lòng nghĩ, với quân Đồng Minh đang đuổi theo bén gót, đám phản bội này biết rõ ngày đền tội đã đến gần.
Cơn hoảng loạn tháo chạy của đám Nazi Hà Lan và người Đức đã được châm ngòi bởi viên bác sĩ nổi danh Arthur Seys-Inquart, cao uỷ của Đế chế tại Hà Lan và tên thủ lĩnh tàn bạo và đầy tham vọng của đảng Nazi Hà Lan, Anton Mussert. Lo lắng quan sát số phận của quân Đức ở Pháp và Bỉ, Seys-Inquart vào ngày 1/9 đã ra lệnh sơ tán toàn bộ thường dân Đức về phía đông Hà Lan, gần biên giới đế chế. Còn gã Mussert năm mươi tuổi thì báo động cho đồng đảng của y. Seys-Inquart và Mussert cũng nằm trong số những kẻ bỏ chạy đầu tiên: cả hai đã rời khỏi Hague chạy về phía đông tới Apeldoorn, cách Arnhem mười lăm dặm về phía bắc.Mussert còn đưa gia đình hắn tới gần lãnh thổ đế chế hơn, tới tận vùng giáp biên Twente, tại tỉnh Overijssel. Lúc đầu đám thường dân Đức và Hà Lan di tản khá từ tốn. Rồi sau đó một chuỗi sự kiện làm bùng lên sự hỗn độn. Ngày 3/9, quân Anh chiếm Brussels. Đến hôm sau Antwerpt thất thủ. Lúc này, binh lính và xe tăng Anh chỉ còn cách biên giới Hà Lan vài dặm. Seys-Inquart phát hoảng. Tại Apeldoorn, y chạy tới tổng hành dinh ngầm dưới đất của mình - một bunker khổng lồ bằng bê tông và gạch được xây với giá trên 250 000 đô la - bao gồm phòng họp, phương tiện liên lạc và các khu phòng nghỉ cá nhân. Tất cả hiện vẫn còn tồn tại.. Phía bên ngoài, ngay sát cửa vào, con số "6 1/4", biệt danh của gã cao ủy bị căm ghét, được vạch trên bê tông. Người Hà Lan không thể đừng được sự so sánh; trong tiếng Hà Lan, Seyss-Inquart và "6 1/4" (zes en een kwart) phát âm gần giống nhau.
Trước những thắng lợi chóng vách, vị nữ hoàng già nua của Hà Lan, Wilhemina, phát biểu với đồng bào của mình từ đài London rằng ngày giải phóng đã gần kề. Bà cũng tuyên bố rằng con rể bà, hoàng thân Bernhard, đã được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh lực lượng Hà Lan và cũng đảm nhiệm luôn nhiệm vụ chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm. Những nhóm này, bao gồm ba tổ chức riêng rẽ theo khuynh hướng chính trị từ tả đến cực hữu, sẽ được thống nhất lại và chính thức được biết đến dưới tên Lực lượng nội địa. Hoàng thân 33 tuổi Bernhard, chồng của công chúa Juliana, người thừa kế ngai vàng, cũng phát biểu sau nữ hoàng. Ông yêu cầu lực lượng kháng chiến ngầm chuẩn bị sẵn sàng băng tay có ghi rõ chữ Orange, nhưng không được sử dụng đến "khi chưa có lệnh". Ông cảnh báo họ "kiềm chế không hành động thiếu suy xét và bột phát trong lúc hăng hái, vì như vậy sẽ làm hại bản thân các bạn cũng như các chiến dịch quân sự sắp tới."
Sau đó, đài phát thanh phát đi thông điệp của tướng Dwight D.Eisenhower, tổng tư lệnh lực lượng Đồng Minh, xác nhận rằng tự do đã gần kề. "Giờ phút được giải phóng mà nhân dân Hà Lan mong đợi bấy lâu nay đã rất gần," ông cam đoan. Và trong một vài giờ sau buổi phát thanh này, đến lượt thông điệp lạc quan nhất từ thủ tướng chính phủ lưu vong Hà Lan, Pieter S.Gerbrandy. Ông nói với thính giả của mình, "Lúc này, lực lượng Đồng Minh, với sức tiến công không gì cản nổi, đã vượt qua biên giới Hà Lan... Tôi kêu gọi tất cả quý vị hãy dành cho đồng minh của chúng ta sự đón tiếp nồng hậu trên đất nước ta."..
Dân chúng Hà Lan hân hoan mừng rỡ, còn đám Nazi Hà Lan gấp gáp bỏ chạy tháo thân. Anton Mussert từ lâu vẫn huênh hoang đảng của y có tới hơn 50000 tên Nazi. Nếu đúng thế, người dân Hà Lan có cảm giác tất cả bọn chúng đều cùng đổ xô ra đường một lúc. Tại hàng chục làng và thành phố trên khắp Hà Lan, các thị trưởng và quan chức do bọn Nazi dựng lên đều đồng loạt từ nhiệm - nhưng không sớm hơn sau khi đã đề nghị truy lĩnh tiền lương. Thị trưởng Eindhoven và một số công chức của y khăng khăng đòi truy lĩnh tiền lương. Người phụ trách kho bạc thành phố, Geradus Legius, mặc dù thấy yêu sách của đám này có vẻ lố bịch, nhưng cũng chẳng cảm thấy bực khi phải trả tiền cho chúng. Nhìn đám người này hấp tấp chạy khỏi thành phố "trên bất cứ thứ gì có bánh" ông tự hỏi: "Liệu bọn chúng bỏ chạy được bao xa? Và chạy đi đâu?" Cả các ngân hàng cũng đầy ắp người. Khi Nicolaas van de Weerd, một thủ quỹ hai tư tuổi đến nơi làm việc ở thị trấn Wageningen vào ngày thứ hai, 4/9, anh thấy một hàng dài Nazi Hà Lan đứng chầu chực bên ngoài nhà băng. Cửa vừa mở là cả đám ào ào xông vào và khoắng sạch số tiền có trong két.
Các ga đường sắt cũng bị tràn ngập bởi đám thường dân hoảng loạn. Các chuyến tàu đi tới Đức đều chật ních. Xuống tàu tại ga Arnhem, cậu thanh niên Frans Wiessing bị xô dạt ra bởi một biển người chen lấn đấm đá nhau để tranh chỗ lên tàu. Cuộc loạn đả hỗn độn lớn đến mức khi tàu chuyển bánh, Wiessing nhìn thấy hàng núi hành lý bị vứt lại chỏng chơ trên sân ga. Ở làng Zetten, phía tây Nijmegen, anh sinh viên Paul van Wely quan sát đám Nazi Hà Lan đứng chen lấn trên sân ga suốt cả ngày để chờ một chuyến tàu tới Đức, nhưng chẳng có chuyến tàu nào tới.
Ở tất cả các thành phố những sự kiện tương tự cũng xảy ra. Những người Hà Lan cộng tác với quân Đức bỏ trốn trên tất cả những gì có thể di chuyển được. Kiến trúc sư trưởng Willem Tiermans, từ trên cửa sổ văn phòng của ông ở gần cây cầu lớn Arnhem, theo dõi cảnh đám Nazi Hà Lan " chen lấn như những gã điên " để len lên được một chiếc phà ngược sông Rhine về hướng Đức.
Dòng người rút chạy đông lên từng giờ, và thậm chí không hề ngưng nghỉ trong suốt buổi đêm. Đám người Đức quá hốt hoảng tìm cách tháo thân đến mức vào tối 3 và 4/9, làm ngơ nguy cơ bị không quân Đồng Minh tấn công, binh lính thắp đèn sáng trưng ở nhiều ngã ba ngã tư, hàng đoàn xe chất quá tải ì ạch nhích lên phía trước, đèn bật sáng choang. Các sĩ quan Đức có vẻ đã không còn kiểm soát được tình hình. Bác sĩ Anton Laterveer, một bác sĩ đa khoa ở Arnhem, nhìn thấy nhiều binh sĩ vứt cả súng đi, một số thậm chí còn tìm cách bán súng cho người Hà Lan. Joop Muselaar, một cậu thanh niên trẻ, nhìn thấy một viên trung uý định vẫy một chiếc xe quân sự có vẻ vẫn còn trống, nhưng tay lái xe, phớt lờ mệnh lệnh, vẫn tiếp tục dông thẳng. Bực tức, tay trung uý lên cơn khùng rút súng bắn trút giận xuống mấy viên đá lát đường.
Khắp nơi binh lính tìm cách đào ngũ. Tại làng Eerde, Adrianus Marinus, một cậu thư ký mười tám tuổi, thấy một gã lính nhảy từ trên xe tải xuống. Hắn ta chạy vào một trang trại và biến mất. Sau đó Marinus được biết đó là một tù binh Nga đã bị ép đầu quân cho quân đội Đức. Cách Nijmegen hai dặm, tại làng Lent trên bờ bắc sông Waal, bác sĩ Frans Huygen, trong khi đi thăm bệnh trong làng, nhìn thấy bọn lính xin quần áo dân sự, nhưng dân làng từ chối. Ở Nijmegen đám lính đào ngũ không hiền lành như vậy. Trong nhiều trường hợp chúng chĩa súng vào dân cư để đòi đồ dân sự. Mục sư Wilhemus Peterse, một tu sĩ Carmelite bốn mươi tuổi, nhìn thấy lính Đức hối hả trút bỏ quân phục, thay đồ thường dân rồi cuốc bộ về phía Đức. " Bọn Đức đã ngán chiến tranh đến tận cổ", Garrit Memelink, viên trưởng thanh tra kiểm lâm ở Arnhem nhớ lại. "Chúng sẵn sàng làm tất cả những việc đáng hổ thẹn nhất để thoát khỏi đám quân cảnh."
Khi các sĩ quan đã mất khả năng kiểm soát, kỷ luật cũng không tồn tại nữa. Những đám tàn quân không chỉ huy cướp ngựa, xe ngựa, xe hơi, xe đạp. Một số chĩa súng vào những người nông dân để bắt họ chở chúng tới Đức. Khắp nơi dọc đoàn quân tháo chạy người Hà Lan trông thấy xe tải, xe ngựa, xe kéo - thậm chí cả xe cút kít do đám tàn binh đẩy đi - chất đầy có ngọn đủ thứ đồ ăn cướp được ở Pháp, Bỉ và Luxemburg. Những chiến lợi phẩm thượng vàng hạ cám này bao gồm đủ thể loại từ tượng, đồ gỗ cho đến đồ lót phụ nữ. Ở Nijmegen đám lính cố bán đi nào máy khâu, máy chữ, nào vải vóc, tranh ảnh - có một gã thậm chí còn rao bán một con vẹt nhốt trong một chiếc lồng to.
Trong đám tàn quân Đức đang tháo chạy cũng chẳng thiếu gì rượu. Chỉ cách biên giới Đức năm dặm, ở thị trấn Groesbeek, cha Herman Hoek trông thấy những chiếc xe ngựa chất đầy ắp vang và rượu nặng. Tại Arnhem, mục sư Reinhold Dijker cũng thấy một đám lính lục quân trên xe tải đang ngất ngư uống lấy uống để từ một thùng rượu vang to mà chúng chắc đã khuân đi từ Pháp. Cô bé mười sáu tuổi Agatha Schulte, con gái người dược sĩ trưởng tại bệnh viện Arnhem, tin rằng hầu hết bọn lính cô nhìn thấy đều say khướt. Chúng vung từng nắm tiền xu Pháp và Bỉ cho đám trẻ con và tìm cách bán những chai vang, champagne và cognac cho người lớn. Mẹ cô bé, bà Hendrina Schulte, vẫn nhớ như in đã nhìn thấy một chiếc xe tải Đức chở một thứ chiến lợi phẩm khác. Đó là một chiếc giường đôi to kềnh - trên giường có một người đàn bà nằm. "Người ta đã được chứng kiến những cảnh mà không ai cho là có thể xảy ra với quân đội Đức," Walter Goerlitz, một sử gia Đức, đã viết như vậy trong cuốn "Lịch sử Bộ tổng tham mưu Đức" của ông ta. " Lính hải quân đi ngược lên phía bắc, không vũ khí, bán sạch quân phục dự trữ... Họ nói với dân chúng chiến tranh đã kết thúc và họ đang trở về nhà. Từng đoàn xe tải chất đầy sĩ quan, đám tình nhân của họ, cùng với một lượng lớn champagne và brandi đã chuồn xa tới tận Rhineland, và đã phải thiết lập toà án binh để xử những trường hợp như vậy."
Bên cạnh những đoàn người lũ lượt kéo từ phía nam lên, binh lính và thường dân Đức cũng ùn ùn bỏ chạy từ phía tây Hà Lan và vùng ven biển. Tại vùng ngoại ô trù phú Oosterbeek của Arnhem, Jan Voskuil, một kỹ sư cơ khí 39 tuổi, đang trốn trong nhà bố vợ. Biết được mình có tên trong một danh sách con tin Hà Lan sẽ bị quân Đức bắt, anh này đã chạy khỏi nhà ở thị trấn Geldermalsen, cách đó hai mươi dặm, mang theo người vợ Bertha và đứa con trai lên chín. Anh ta đến Oosterbeek vừa đúng lúc để chứng kiến cuộc tháo chạy. Bố vợ của Jan nói với anh "không phải lo gì về bọn Đức nữa; bây giờ anh sẽ không cần phải "lặn"". Nhìn xuống con đường chính của Oosterbeek, Voskuil trông thấy "sự hỗn loạn hoàn toàn". Hàng tá xe tải đầy ắp lính Đức, đi nối đuôi nhau, " tất cả đều chất quá tải đến mức nguy hiểm." Anh trông thấy bọn lính "trên xe đạp, đạp xe đi như quá dại, với vali và balô đặt trên tay lái". Volkuil tin chắc chiến tranh sẽ kết thúc chỉ sau vài ngày nữa.
Tại chính Arnhem, Jan Mijnhart, người gác cửa Groten Kerk - ngôi nhà thờ đồ sộ xây từ thế kỷ 15 của thánh Eusebius với ngọn tháp nổi tiếng cao 305 bộ - nhìn thấy "đám Moffen" (tên mỉa mai người Hà Lan đặt cho lính Đức, tương đương với "Jerry" trong tiếng Anh) rồng rắn đi qua thành phố "theo hàng tư về hướng nước Đức". Một số trông già sọm, ốm yếu. Bên cạnh ngôi làng Ede một lính Đức gìa van xin cậu thanh niên Rudolph van der Aa hãy báo với gia đình ông ta ở Đức là họ đã gặp nhau. " Tôi bị bệnh tim," tên lính nói thêm, " và chắc sẽ không sống được bao lâu nữa." Lucianus Vroemen, một cậu bé vị thành niên ở Arnhem, nhận thấy lính Đức đều kiệt sức và " không còn chút tin thần chiến đấu hay danh dự nào". Cậu đã trông thấy đám sĩ quan, cố gắng thiết lập trật tự trong đám lính rã hàng, nhưng hầu như vô hiệu. Thậm chí đám lính còn chẳng buồn phản ứng lại dân Hà Lan, những người đang hô lớn, "Cút về nhà đi! Người Mỹ và người Anh sẽ đến đây trong vài giờ nữa."
Theo dõi quân Đức rút qua Arnhem về phía đông, bác sĩ ngoại khoa Pieter de Graaff 44 tuổi, tin chắc rằng lúc đó ông đang theo dõi " ngày tận thế, sự suy sụp hoàn toàn của quân đội Đức." Và Suze van Zweden, giáo viên toán trung học, có một lý do đặc biệt để nhớ đến ngày hôm đó. Chồng cô, Johan, một nhà điêu khắc có tên tuổi và đáng kính, đã bị bắt đến trại tập trung Dachau từ năm 1942 do che dấu người Do Thái. Lúc này ông có lẽ sẽ sớm được tự do, vì hiển nhiên chiến tranh đã gần kết thúc. Suze quyết định phải tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này - sự bỏ chạy của quân Đức và sự xuất hiện của quân giải phóng Đồng Minh. Đứa con trai Robert của cô còn quá nhỏ để hiểu những gì đang xảy ra nhưng cô đã quyết định mang theo đứa con gái Sonja chín tuổi vào thành phố. Trong khi mặc quần áo cho Sonja, Suze nói, "Đây là một thứ con cần phải chứng kiến. Mẹ muốn con cố gắng và nhớ nó suốt đời."
Khắp nơi người Hà Lan hân hoan. Quốc kỳ Hà Lan xuất hiện. Các cửa hàng bán cúc áo màu da cam và ruy băng cho đám đông hồ hởi. Tại làng Renkum xưởng may của làng chạy hết công suất, người chủ xưởng Johannes Snoek bán những dải ruy băng da cam cũng nhanh như xưởng của ông có khả năng sản xuất kịp. Trước sự kinh ngạc của ông này, dân làng kết chúng thành những chiếc nơ rồi hào hứng đính khắp nơi. Johannes, một thành viên của lực lượng kháng chiến, nghĩ " mọi việc có vẻ đi hơi quá xa". Để bảo vệ dân chúng khỏi chính cơn bồng bột của họ, ông ngừng việc bán ruy băng lại. Maria, em gái ông, bị cuốn vào cơn cuồng nhiệt chung, vui vẻ ghi vào nhật ký của mình rằng "không khí trên đường phố không khác gì ngày sinh nhật nữ hoàng." Đám đông hào hứng đứng trên hè đường hô lớn," Nữ hoàng muôn năm!". Mọi người hát vang bài "Wilhemus" (Quốc ca Hà Lan) và "Oranje boven!" (Orange trên hết). Áo choàng bay tung, các xơ Antonia Stranzky và Christine van Dijk từ bệnh viện St Elizabeth tại Arnhem đạp xe xuống quảng trường chính Velperplein, ra nhập vào đám đông tại các quán cà phê đang uống cà phê, ăn bánh khoai tây, trong lúc bọn Đức và đám Nazi Hà Lan chạy qua.
Tại bệnh viện St Canisius ở Nijmegen, xơ M.Dosithee Symons trông thấy các y tá nhảy múa vì mừng rỡ trong các hành lang. Mọi người lấy những chiếc radio vẫn cất dấu lâu nay ra, và trong lúc xem dòng người tháo chạy, công khai nghe bản tin Hà Lan đặc biệt, Radio Orange, từ đài BBC London lần đầu tiên sau nhiều tháng dài. Johannes Hurkx, một người trồng cây ăn quả ở St Oedenrode, đã mải nghe các bản tin đến mức không nhận ra có một đám người Đức lẩn vào sau nhà ăn cắp những chiếc xe đạp của gia đình ông.
Tại hàng chục địa điểm trường học đóng cửa và mọi công việc đều ngừng trệ. Công nhân các xưởng thuốc lá ở Valkenswaard đồng loạt bỏ máy lao ra đầy đường. Tại Hague, nơi chính phủ đóng, xe cộ trên đường ngừng chạy. Tại thủ đô Amsterdam, không khí thật sôi động và không thể tưởng tượng nổi. Công sở đóng cửa, giao dịch trên thị trường chứng khoán đình trệ. Các toán lính tuần tra biến mất, còn nhà ga trung tâm chật ních bọn Đức và Nazi Hà Lan. Tại ngoại ô Amsterdam, Rotterdam và Hague, đám đông vẫy cờ và hoa đứng dọc các con đường chính dẫn về các thành phố - hy vọng được là những người đầu tiên được trông thấy xe tăng Anh từ phía Nam tiến lại.
Tin đồn rộ lên từng giờ. Nhiều người ở Amsterdam tin rằng quân Anh đã giải phóng Hague, nằm sát bờ biển cách đó chừng ba mươi dặm về phía tây nam. Tại Hague dân chúng lại tin rằng cảng lớn Rotterdam, nằm cách nơi này mười lăm dặm, đã được giải phóng. Những người di chuyển trên tàu hoả cứ mỗi lần tàu dừng lại được nghe kể một câu chuyện khác nhau. Một trong số họ, Henri Penijnenburg, một chỉ huy kháng chiến hai mươi lăm tuổi, đi từ Hague về nhà mình ở Nijmegen, cách nhau chưa đến tám mươi dặm, đã được nghe vào đầu buổi sáng rằng người Anh đã tiến vào thành phố cổ Maastricht ở biên giới. Tại Utrecht người ta cam đoan với anh là quân Anh đã chiếm Venlo, chỉ cách biên giới Đức vài dặm. "Khi cuối cùng tôi về tới nhà," anh nhớ lại," tôi đã hy vọng nhìn thấy quân Đồng Minh trên đường phố, nhưng tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là bọn Đức đang tháo chạy." Peijnenburg cảm thấy bất an và bối rối.
Nhiều người khác cũng chia sẻ sự băn khoăn của anh - nhất là bộ chỉ huy lực lượng kháng chiến đang bí mật họp ở Hague. Với họ, theo biến chuyển hiện tại, Hà Lan có vẻ sắp được giải phóng. Xe tăng Đồng Minh có thể dễ dàng thọc sâu xuyên qua nước này từ biên giới Bỉ tới Zuider Zee. Những người kháng chiến chắc chắn rằng "cửa mở" - qua Hà Lan, vượt qua sông Rhine vào nước Đức - đã mở toang.
Các chỉ huy kháng chiến biết quân Đức không còn lực lượng chiến đấu nào có khả năng chặn đứng một cuộc tấn công kiên quyết của Đồng Minh. Họ gần như coi khinh cái sư đoàn yếu đuối thiếu hụt quân số tập hợp toàn người già đang làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển ( đám này đã ngồi trong bunker bê tông suốt từ năm 1940 mà chưa bắn lấy một phát súng), và vài đơn vị ô hợp khác mà khả năng chiến đấu cũng rất đáng ngờ vực, gồm đám SS Hà Lan, các trại lính đồn trú lẻ, đám thương binh đang hồi phục và những người về mặt y tế không đủ khả năng chiến đấu - đám này được gom vào các đơn vị được gọi một cách rất đích đáng là các tiểu đoàn "dạ dày" và "tai", bởi hầu hết đám lính này không bị loét dạ dày thì cũng nặng tai.
Với người Hà Lan việc quân Đồng Minh sắp hành động ra sao là hoàn toàn hiển nhiên, cuộc tấn công đã gần kề. Nhưng thành công của nó sẽ phụ thuộc vào tốc độ tấn công của lực lượng Anh từ phía nam, mà về điểm này tất cả chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm đều mơ hồ: họ không thể ước lượng chính xác lực lượng Đồng Minh đã tiến tới đâu.
Kiểm tra tính xác thực của lời tuyên bố của thủ tướng Gerbrandy rằng quân Đồng Minh đã vượt qua biên giới chẳng phải là chuyện dễ dàng. Hà Lan là một quốc gia nhỏ - chỉ lớn bằng khoảng hai phần ba Ireland - nhưng có mật độ dân cư cao với hơn chín triệu người, và kết quả là bọn Đức không thể kiểm soát được hoạt động chống đối ngầm. Tất cả các thị trấn và làng đều có các tổ kháng chiến. Tuy thế, truyền tin đi vẫn là chuyện nguy hiểm. Cách chủ yếu, và nguy hiểm nhất, là điện thoại. Trong những trường hợp khẩn cấp, bằng những biện pháp phức tạp, các đường dây mật, các thông tin mã hoá, các chỉ huy khắng chiến có thể gọi điện thoại đến mọi nơi trong nước. Cũng như vậy, trong trường hợp này, những người chỉ huy lực lượng ngầm được biết sau vài phút rằng tuyên bố của Gerbrandy quá nóng vội: quân Anh vẫn chưa vượt qua biên giới.
Những bản tin khác của Radio Orange càng làm sự bối rối tăng lên. Hai lần trong vòng hơn mười hai giờ đồng hồ (vào lúc 11giờ 45 ngày 4/9 và một lần nữa vào sáng mồng 5) bản tin Hà Lan của BBC tuyên bố rằng thành phố Breda, cách biên giới Bỉ - Hà Lan bảy dặm đã được giải phóng. Tin tức lan rộng nhanh chóng. Các bản tin bất hợp pháp in bí mật đồng loạt chuẩn bị ra số mới loan tin "Breda thất thủ". Nhưng Pieter Kruyff, 38 tuổi, chỉ huy lực lượng kháng chiến ở vùng Arnhem, một trong những nhóm có kỷ luật và khả năng chiến đấu cao nhất, thực sự nghi ngờ bản tin của Radio Orange. Ông ra lệnh cho chuyên gia phụ trách liên lạc của nhóm, Johannes Steinford, một người sản xuất thiết bị điện thoại trẻ, kiểm tra lại bản tin này. Nhanh chóng liên lạc bằng đường dây bí mật với nhóm kháng chiến ngầm ở Breda, Steinford là người đầu tiên biết được sự thật cay đắng: thành phố vẫn nằm trong tay quân Đức. Chưa ai thấy quân Đồng Minh, cho dù là Anh hay Mỹ.
Vì những tin đồn mâu thuẫn, nhiều nhóm kháng chiến đã gấp rút gặp nhau để thảo luận cách hành động. Cho dù hoàng thân Bernard và SHAEF (Tổng hành dinh lực lượng của Đồng Minh ở lục địa) đã khuyến cáo chống lại một cuộc tổng khởi nghĩa, nhiều nhóm hoạt động ngầm đã mất hết kiên nhẫn. Họ tin rằng đã đến lúc công khai chống lại kẻ thù và bằng cách đó giúp đỡ cuộc tấn công của Đồng Minh. Có vẻ hiển nhiên là bọn Đức e sợ một cuộc tổng khởi nghĩa. Nhiều thành viên kháng chiến ngầm nhận thấy, trong các đội quân đang rút chạy, lính cảnh vệ được bố trí trên các xe, súng trường và súng máy sẵn sàng nhả đạn. Không hề dao động, nhiều kháng chiến quân vẫn sẵn sàng chiến đấu.
Tại làng Ede, nằm cách Oosterbeek vài dặm về phía bắc, anh thanh niên 25 tuổi Menno "Tony" de Nooy cố gắng thuyết phục chỉ huy nhóm của anh, Bill Wildeboer, ra lệnh tấn công. Tony lập luận rằng theo kế hoạch đã vạch ra từ lâu, nhóm của họ cần chiếm Ede khi quân Đồng Minh tấn công. Trại lính ở Ede, trước đây được dùng huấn luyện lính thuỷ Đức, lúc này hoàn toàn bị bỏ trống. De Nooy muốn chiếm lĩnh các toà nhà. Wildeboer, cựu thượng sĩ trong quân đội Hà Lan, một người lớn tuổi hơn, không tán thành. "Tôi không tin vào tình hình hiện nay," ông nói với đồng đội. "Thời điểm hành động vẫn chưa tới. Chúng ta cần đợi."
Nhưng không phải tất cả hành động của lực lượng kháng chiến đều được hãm lại. Ở Rotterdam, lực lượng ngầm chiếm trụ sở một công ty cấp nước. Tại làng Axel ngay cạnh biên giới Bỉ - Hà Lan, toà thị chính bao quanh bởi một bức tường thành cổ bị đánh chiếm, và hàng trăm lính Đức đầu hàng các thường dân vũ trang. Ở nhiều thành phố, đám quan chức Nazi Hà Lan bị bắt giữ trong khi tìm cách bỏ chạy. Tại phía tây Arnhem, ở làng Wolfheze, được biết đến chủ yếu do có bệnh viện tâm thần đặt tại đây, viên chánh cảnh sát địa phương bị bắt giữ ngay trong xe của y. Tay này bị nhốt tạm ở ngôi nhà gần nhất, nhà thương điên, để trao lại cho người Anh "khi họ tới".
Trên đây chỉ là vài ngoại lệ. Nhìn chung, các nhóm kháng chiến ngầm vẫn nằm im. Tuy vậy, ở khắp nơi, họ tận dụng tình hình hỗn loạn để chuẩn bị đón quân Đồng Minh tới. Ở Arnhem, Charles Labouchere, 42 tuổi, hậu duệ của một gia đình Pháp lâu đời và hoạt động trong một nhóm tình báo, đang quá bận rộn để có thời gian để ý đến các tin đồn. Ông ngồi hết giờ này đến giờ khác bên cửa sổ một văn phòng nằm gần cầu Arnhem, cùng với một số trợ thủ, quan sát các đơn vị Đức hướng về phía đông và đông bắc dọc theo các con đường Zevenaar và Zutphen đi về phía Đức. Labouchere có nhiệm vụ ước lượng quân số và, nếu có thể, xác định phiên hiệu các đơn vị. Những thông tin quan trọng được ông ghi lại và gửi tới Amsterdam theo đường bưu điện rồi được chuyển về London theo đường dây mật.
Ở ngoại ô Oosterbeek, cậu thanh niên Jan Eijkelhoff, kín đáo lách qua đám đông, đạp xe khắp vùng, trao những phiếu lương thực giả mạo cho những người Hà Lan phải ẩn trốn bọn Đức. Và người chỉ huy một nhóm ở Arnhem, Johannus Penseel, 57 tuổi, thường được gọi là "Ông Già", phản ứng trước tình thế một cách khéo léo, một tính cách khiến ông trở thành huyền thoại trong những người đồng đội. Ông quyết định rằng đã đến lúc di chuyển kho vũ khí của mình. Một cách công khai, giữa lúc lính Đức lúc nhúc khắp nơi, ông cùng vài người phụ tá bình thản lái một chiếc xe tải nhỏ tới bệnh viện thành phố, nơi vũ khí được cất dấu. Nhanh chóng gói gém súng đạn vào giấy dầu, họ chuyển toàn bộ số vũ khí về nhà Penseel, có cửa sổ tầng trệt nhìn ra quảng trường trung tâm. Penseel và người đồng chỉ huy của nhóm, Toon van Daalen, tin rằng đây là một vị trí lý tường để bắn vào bọn Đức khi thời cơ đến.
Khắp nơi đàn ông và phụ nữ trong đội quân ngầm rộng lớn sẵn sàng xung trận; ở các thành phố và các làng phía nam, dân chúng tin rằng một phần Hà Lan đã tự do đã đổ ra đường để chờ đón những người giải phóng. Không khí cuồng nhiệt gần như điên rồ, mục sư Carmelite Tiburtius Noordermeer thầm nghĩ khi ông quan sát đám đông đang hồ hởi tại làng Oss, đông nam Nijmegen. Ông thấy dân chúng vỗ vào lưng nhau chúc mừng. So sánh đám người Đức rệu rã trên đường với đám khán giả Hà Lan đang mở hội, ông nhận thấy "sự kinh hoàng ở một phía và sự vui sướng không bờ bến ở phía kia." "Không ai," ông mục sư nhớ lại, "hành động một cách bình thường".
Thời gian trôi qua, nhiều người trở nên lo lắng. Tại hiệu thuốc trên con phố chính của Oosterbeek, Karel de Wit bồn chồn không yên. Ông nói với vợ mình và cũng là dược sĩ chính, Johanna, rằng ông không hiểu được tại sao máy bay Đồng Minh không tấn công các đoàn quân Đức. Frans Schulte, một thiếu tá Hà Lan về hưu, nghĩ rằng sự vui mừng của đám đông là quá sớm. Cho dù em trai và em dâu ông đang hồ hởi trước cảnh tượng có vẻ là sự cuốn gói của bọn Đức, Schulte vẫn không bị thuyết phục. "Tình hình có thể xấu đi," ông cảnh cáo. "Bọn Đức còn xa mới bị đánh bại. Nếu quân Đồng Minh định vượt sông Rhine, tin tôi đi, chúng ta rất có thể sẽ thấy một trận đánh lớn."
Những biện pháp khẩn cấp của Hitler đã bắt đầu được thực hiện. Vào ngày 4/9, tại bản doanh của Fuhrer nằm sâu trong rừng ở Gorlitz, Rastenburg ở Đông Phổ, viên thống chế 69 tuổi Gerd von Runstedt chuẩn bị lên đường tới mặt trận phía tây. Ông ta không trông đợi sẽ nhận một chức chỉ huy mới.
Được triệu tập gấp gáp từ cảnh hưu trí bắt buộc, von Runstedt đã được lệnh tới Rastenburg bốn ngày trước đó. Vào ngày 2/7, hai tháng trước, Hitler đã cách chức ông khỏi vị trí Tổng chỉ huy phía Tây (hay, gọi theo thuật ngữ quân sự Đức, OB West - Oberbefehlshaber West) trong khi von Runstedt, người chưa bao giờ bại trận, đang cố gắng đối phó với hậu quả của tai hoạ lớn nhất với người Đức trong chiến tranh, cuộc đổ bộ của Đồng Minh lên Normandy.
Fuhrer và người lính danh tiếng nhất của nước Đức chưa bao giờ đồng ý với nhau về cách thức đối phó với mối đe doạ này. Trước cuộc đổ bộ, trong khi yêu cầu tiếp viện, von Runstedt đã thẳng thắn thống báo với tổng hành dinh của Hitler (OKW - Oberkommando der Wehrmacht) rằng lực lượng Đồng Minh, áp đảo về quân số, trang bị và không quân, có thể "đổ bộ ở bất cứ đâu họ muốn". Không phải vậy, Hitler tuyên bố. Bức tường Đại Tây Dương, tuyến phòng thủ bở biển kiên cố vẫn chưa hoàn tất mà, như Hitler huyênh hoang, chạy dài gần ba ngàn dặm từ Kirkenes (trên biên giới Nauy - Phần Lan) tới Pyrenees (trên biên giới Pháp - Tây Ban Nha) sẽ khiến "mặt trận này trở nên bất khả xâm phạm trước bất cứ kẻ thù nào." Von Runstedt thừa biết rằng những pháo đài này chỉ nhằm mục đích tuyên truyền hơn là thực tiễn. Ông ta đánh giá bức tường Đại Tây Dương bằng một từ ngắn gọn:"bịp bợm".
Viên thống chế huyền thoại Erwin Rommel, nổi tiếng vì những chiến thắng trên sa mạc Bắc Phi trong những năm đầu cuộc chiến và được Hitler điều tới chỉ huy cụm quân B dưới quyền von Runstedt, cũng ngán ngẩm trước sự tự tin của Fuhrer. Với Rommel, dải phòng thủ bờ biển chỉ là một giấc mộng hão huyền của Hitler. Có lẽ đây là lần đầu tiên von Runsted, một quý tộc cổ điển, và Rommel, một người trẻ hơn và đầy tham vọng, đồng ý với nhau. Thế nhưng hai viên thống chế lại mâu thuẫn ở một điểm khác. Luôn nhớ trong đầu thất bại thảm hại của Afrikan Korps do ông ta chỉ huy trước quân Anh của Montgomery tại El Alamein năm 1942, và hoàn toàn ý thức được cuộc đổ bộ của Đồng Minh sẽ diễn ra như thế nào, Rommel tin rằng những kẻ đổ bộ cần bị chặn đứng ngay trên các bãi biển. Von Runstedt lạnh lùng bất đồng với cấp dưới của mình - người mà ông ta thường mỉa mai gọi là "Marschall Bubi" ("Thống chế trẻ ranh"); quân Đồng Minh cần bị quét sạch sau khi chúng đã đặt chân lên đất liền, ông lý luận. Hitler ủng hộ Rommel. Vào D Day, bất chấp sự trù liệu sáng suốt của Rommel, quân Đồng Minh phá tan hoang bức tường "bất khả xâm phạm" trong vài giờ.
Trong những ngày khủng khiếp tiếp sau đó, bị quân Đồng Minh, với ưu thế không quân hầu như hoàn toàn trên chiến trường Normady, chiếm thế áp đảo, và bị bó chân bó tay bởi mệnh lệnh "Không rút lui" của Hitler ("Tất cả mọi người sẽ chiến đấu và ngã xuống ở vị trí của mình"), chiến tuyến bị căng ra của von Runstedt đổ vỡ khắp nơi. Viên thống chế cố gắng một cách tuyệt vọng để lấp kín các chỗ hổng, nhưng bất chấp việc binh lính của ông ta chiến đấu và phản kích ngoan cường, kết quả cuối cùng không làm ai nghi ngờ. Von Runstedt đã không thể "hất quân xâm lược xuống biển" cũng chẳng thể "huỷ diệt chúng" (theo lời Hitler).
Vào đêm 1/7, trong lúc trận Normandy lên đến đỉnh điểm, tham mưu trưởng của Hitler, thống chế Wilhem Keitel, triệu von Runstedt tới và hỏi, "Chúng ta sẽ làm gì đây?" Thẳng tính, von Runstedt vặc lại, "Chấm dứt chiến tranh, đồ ngốc. Chúng ta còn có thể làm gì khác đây?" Nhận xét của Hitler khi nghe nói tới câu này khá bình thản. " Ông già này đã mất hết ý chí và không thể khống chế được tình hình nữa. Ông ta cần phải ra đi."Hai mươi tư giờ sau, với một lá thư viết tay lịch sự, Hitler thông báo cho von Runstedt rằng, " cân nhắc tình hình sức khoẻ của ngài và sự leo thang chiến sự dự kiến trong tương lại gần," ông ta bị thải hồi khỏi chức chỉ huy.
Von Runstedt, viên thống chế cao niên và đáng tin cậy nhất của Wehrmacht, sững sờ. Trong năm năm chiến tranh tài năng quân sự của ông ta đã phục vụ đắc lực cho đế chế. Năm 1939, khi Hitler lạnh lùng tấn công Ba Lan, châm ngòi cho cuộc chiến sau đó đã bao trùm cả thế giới, von Runstedt đã chỉ ra rõ ràng công thức thắng trận của người Đức - Britzkrieg ("chiến tranh chớp nhoáng")- khi các đơn vị Panzer mũi nhọn của ông tiến tới ngoại ô Warsaw sau chưa tới một tuần lễ. Một năm sau, khi Hitler quay về phía tây và nhận chìm phần lớn tây Âu với tốc độ chóng mặt, von Runstedt đã chỉ huy cả một đạo quân Panzer. Và năm 1941, ông ta lại có mặt ở tuyến đầu khi Hitler tấn công nước Nga. Lúc này, phẫn nộ trước mối đe doạ cho sự nghiệp và danh tiếng của mình, von Runstedt đã nói với tham mưu trưởng của ông, thiếu tướng Gunther Blumentritt, rằng ông ta đã bị " cách chức một cách nhục nhã bởi một chiến lược gia nghiệp dư." Rằng "cái gã cai người Bohem đó," ông ta bực tức, đã "dùng tuổi tác và sức khỏe xấu của tôi như cái cớ để cách chức tôi hòng có một kẻ giơ đầu chịu báng." Nếu được toàn quyền hành động, von Runstedt đã trù tính một cuộc rút lui từ từ về phía biên giới Đức, trong đó, như ông phác hoạ kế hoạch của mình với Blumetritt, ông đã có thể "khiến đối phương trả giá đắt cho từng tấc đất chiếm được." Nhưng, như ông ta đã nói nhiều lần với ban tham mưu của mình, vì "những lời giáo huấn liên tu bất tận từ trên xuống", quyền duy nhất mà ông có ở OB West là quyền" thay lính gác ở cổng". "Von Runstedt đã bị tổn thương bởi sự ám chỉ trong lá thư của Hitler rằng ông đã "yêu cầu" được giải nhiệm," tướng Blumetritt đã quá cố kể lại với tôi (tác giả) trong một cuộc phỏng vấn. "Vài người trong chúng tôi ở ban tham mưu đã thực sự cho rằng ông đã làm thế, nhưng thực ra không phải vậy. Von Runstedt phủ nhận rằng ông đã từng xin được từ chức - hay ông đã từng nghĩ đến chuyện này. Ông ấy đã rất tức giận - đến mức ông đã thề sẽ không bao giờ nhận một chức chỉ huy từ Hitler. Tôi biết ông không hề nghĩ như vậy vì với von Runstedt, tuân lệnh trong quân sự là hoàn toàn và vô điều kiện. "
Từ thời điểm ông được triệu tập và có mặt tại Rastenburg Wolfsschanze ("Ổ sói"), như Hitler đặt tên, vào cuối tháng Tám, von Runstedt, theo lời mời của Fuhrer, tham gia vào các cuộc giao ban hàng ngày. Hitler, theo tướng Walter Warlimont, Phó phòng tác chiến, đã chào đón viên thống chế già một cách hồ hởi, cư xử với ông với “sự tôn trọng và nể vì không thường gặp.” Warlimont cũng nhận xét rằng trong suốt những cuộc họp dài von Runstedt chỉ “ngồi yên bất động và ít nói”.
Báo cáo tình hình chỉ ra rõ ràng rằng ở phía đông Hồng quân lúc này đã chiếm lĩnh một mặt trận dài hơn 1400 dặm, từ Phần Lan ở phía bắc xuống sông Vistula ở Ba Lan, và từ đây tới dãy Carpathe ở Rumani và Nam Tư. Trên thực tế, lực lượng thiết giáp Nga đã tiến tới biên giới Đông Phổ, chỉ cách tổng hành dinh của Fuhrer chừng một trăm dặm.
Ở phía tây, von Runstedt nhận thấy những dự cảm xấu nhất của ông đã trở thành hiện thực. Hết sư đoàn này đến sư đoàn khác bị tiêu diệt, toàn bộ chiến tuyến Đức bị đẩy lùi không sao cưỡng lại được. Các đơn vị hậu quân, cho dù bị bao vây và chia cắt, vẫn cố bám trụ lấy các cảng quan trọng như Dunkirk, Calais, Boulogne, Le Havre, Brest, Lorient và St Nazaire, buộc quân Đồng Minh phải tiếp tục tiếp tế nhờ vào những bãi đổ bộ ở xa mặt trận. Thế nhưng lúc này, với việc Antwerp, một trong những cảng nước sâu lớn nhất châu Âu, bị đánh chiếm một cách thần tốc và bất ngờ, rất có thể Đồng Minh đã giải quyết được khó khăn về hậu cần của họ. Von Runstedt cũng nhận thấy rằng chiến thuật Britzkrieg, được ông ta và những người khác hoàn thiện, giờ đây đang được các đội quân của Eisenhower áp dụng với hiệu quả khủng khiếp. Và viên thống chế 54 tuổi Walter Model, tân tổng tư lệnh phía Tây (ông ta nhậm chức hôm 17/8), rõ ràng là không thể ổn định được tình hình hỗn loạn. Chiến tuyến của ông ta đã bị phá vỡ từng mảng, bị tan rã ở phía bắc trước xe tăng của đạo quân Anh thứ hai và đạo quân Mỹ thứ nhất đang tiến qua Bỉ về phía Hà Lan; và ở phía nam Ardennes, các đơn vị thiết giáp của đạo quân Mỹ số ba dưới quyền tướng George S.Patton đang tiến về phía Metz và Saar. Với von Runstedt tình hình không còn là đáng lo ngại nữa mà đã trở thành thảm hoạ.
Ông ta có thời gian để nghiền ngầm kết cục tất yếu. Gần bốn ngày trôi qua trước khi Hitler cho phép von Runstedt hội kiến riêng. Trong khi chờ đợi viên thống chế ở trong một quán trọ cũ dành cho sĩ quan cao cấp nằm ở giữa khu bản doanh rộng lớn- một khu vực có rào thép gai bao quanh, gồm nhiều ngôi nhà bằng gỗ và bunker bê tông xây trên một mạng lưới hầm ngầm chằng chịt. Von Runstedt bày tỏ sự sốt ruột của mình với Keitel, tổng tham mưu trưởng. “Tôi được triệu tới đây làm gì?” ông ta hỏi. “Trò chơi gì đang diễn ra vậy?” Keitel cũng không thể trả lời ông. Hitler đã không cho Keitel biết lý do cụ thể nào, ngoài một ám chỉ tới sức khỏe viên thống chế. Hitler xem ra đã tự thuyết phục mình về màn kịch xin từ chức của von Runstedt vì “lý do sức khoẻ” do chính ông ta dàn dựng hồi tháng Bảy. Với Keitel, Hitler chỉ nói,” tôi muốn biết liệu sức khoẻ của ông ta đã khá lên chưa.”
Hai lần Keitel nhắc nhở Fuhrer rằng viên thống chế đang đợi. Cuối cùng, vào chiều ngày 4/9, von Runstedt được triệu tới gặp Hitler, và, trái với lệ thường, Fuhrer đi thẳng vào việc. “Tôi muốn uỷ thác cho ngài lần nữa mặt trận phía tây.”
Đứng nghiêm cứng người, cả hai tay cầm chiếc gậy thống chế, von Runstedt chỉ khẽ gật đầu. Bất chấp kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân, bất chấp sự khó chịu dành cho Hitler và đám Nazi, von Runstedt, một người mà truyền thống quân sự Phổ về sự toàn tâm toàn ý cho trách nhiệm đã ngấm vào máu, đã không từ chối sự bổ nhiệm. Như sau này ông nhớ lại,”hơn nữa có chối từ cũng chẳng được.”
Gần như tới từng chi tiết, Hitler phác hoạ nhiệm vụ của von Runstedt. Thêm một lần nữa Hitler lại tỏ ra bồng bột. Trước D Day ông ta đã từng khăng khăng rằng bức tường Đại Tây Dương là bất khả xâm phạm. Lúc này, trong sự lo ngại của von Runstedt, Fuhrer lại nhấn mạnh đến sự bất khả xâm phạm của “bức tường phía tây” - tuyến phòng thủ biên giới kiên cố đã từ lâu bị bỏ bẵng không phòng thủ nhưng vẫn khá đáng gờm mà Đồng Minh thường biết tới dưới tên phòng tuyến Siegfried.
Von Runstedt, Hitler ra lệnh, không những phải chặn đứng quân Đồng Minh càng xa càng tốt về phía tây, mà cần phải phản công vì, như quan sát của Fuhrer, mối đe doạ nguy hiểm nhất của Đồng Minh chỉ là những “mũi đột kích thiết giáp”. Tuy vậy , hiển nhiên là Hitler bị chấn động trước việc Ăntwerp thất thủ. Cần ngăn chặn Đồng Minh sử dụng bến cảng sống còn này bằng mọi giá. Như vậy, vì những cảng khác vẫn nằm trong tay quân Đức, Hitler nói, ông ta trông đợi cuộc tấn công của Đồng Minh bị dừng lại do các tuyến vận tải kéo quá dài. Ông ta tin tưởng rằng mặt trận phía tây có thể được ổn định, và cùng với việc mùa đông tới, thế chủ động có thể được dành lại. Hitler cam đoan với von Runstedt rằng ông ta “không quá lo ngại về tình hình ở phía tây.”
Đó chỉ là một bản mới của bài ca cũ mà von Runstedt đã nghe không biết bao nhiêu lần trong quá khứ.Bức tường phía tây, theo Hitler, giờ đây đã trở thành một ý tưởng bất di bất dịch, và một lần nữa von Runstedt lại được lệnh “không lùi một tấc”, và “chống giữ dưới mọi điều kiện.”
Bằng việc lệnh cho von Runstedt thay thế thống chế Model, Hitler đã bổ nhiệm viên tư lệnh thứ ba của OB West trong vòng hai tháng - từ von Runstedt qua thống chế Gunther von Kluge, tới Model, và bây giờ lại là von Runstedt. Model, giữ chức trong có đúng 18 ngày, sẽ chỉ huy cụm quân B dưới quyền von Runstedt, Hitler thông báo. Von Runstedt đã từ lâu nhìn nhận Model với ít thiện cảm. Ông ta cảm thấy Model đã không đạt được cấp bậc của mình một cách khó khăn vất vả; anh chàng này đã được Hitler cất nhắc lên hàng thống chế một cách quá chóng vánh. Von Runstedt cho rằng anh ta thích hợp hơn với công việc của một viên thượng sĩ mẫn cán. Tuy vậy, viên thống chế cảm thấy vị trí của Model cũng không gây ra thay đổi gì lớn. Tình hình có thể nói là tuyệt vọng, thất bại là không thể tránh khỏi. Vào chiều ngày 4/9, khi ông lên đường tới sở chỉ huy của mình ở gần Koblenz, von Runstedt thấy không gì có thể ngăn cản được Đồng Minh tấn công nước Đức, vượt qua sông Rhine và chấm dứt chiến tranh chỉ trong vài tuần.
Cũng vào ngày hôm đó ở Wannsee, Berlin, đại tướng Kurt Student, 54 tuổi, cha đẻ của lực lượng đổ bộ đường không Đức, xuất hiện trở lại sau khi đã lui vào hậu trường trong ba năm dài. Với ông ta, chiến tranh đã bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Lực lượng dù của ông ta, Student nghĩ, đã góp công chính vào việc chiếm Hà Lan năm 1940, khi khoảng 4000 lính dù được thả xuống các cầu ở Rotterdam, Dordecht, và Moerdijk, giữ các trục giao thông thông suốt cho lực lượng xâm lược chính của Đức. Tổn thất của Student thấp đến khó tin - chỉ 180 người. Nhưng tình hình hoàn toàn khác hẳn trong cuộc tấn công đổ bộ đường không ở Crete năm 1941. Lần này, tổn thất quá lớn – hơn một phần ba của lực lượng gồm 22000 người - khiến Hitler cấm chỉ mọi cuộc tấn công đổ bộ đường không từ đó trở đi. “Thời của lính dù đã qua rồi,” Fuhrer nói, và tương lai trở nên mờ mịt với Student. Từ dạo đó, viên sĩ quan đầy tham vọng đã bị trói chặt vào công việc bàn giấy với chức chỉ huy một trung tâm huấn luyện lính dù, trong lúc đám lính tinh nhuệ của ông ta bị sử dụng hoàn toàn như bộ binh thường. Cũng đột ngột như vậy, vào đúng 3 giờ chiều ngày 4/9 đáng nhớ này, Student lại xuất hiện trở lại trên sân khấu một lần nữa. Một cú điện thoại ngắn, đại tướng Alfred Jodl, phụ trách tác chiến của Hitler, ra lệnh cho ông ta lập tức tổ chức một đạo quân, mà Fuhrer đã đặt tên là “Đạo quân dù thứ nhất”. Trong lúc Student đang ngỡ ngàng lắng nghe, ông ta chợt nghĩ “đó là một cái tên quá kêu cho một lực lượng thậm chí còn chưa tồn tại.”
Đám lính của Student được nhặt nhạnh từ khắp nước Đức, và trừ một vài đơn vị đúng quy cách được trang bị đầy đủ, hầu hết họ là tân binh chỉ được vũ trang bằng vũ khí cũ kỹ dùng huấn luyện. Đội quân của ông ta gồm chừng mười ngàn người, hầu như không có phương tiện vận chuyển, thiết giáp hay pháo binh. Student thậm chí còn không có cả ban tham mưu.
Tuy vậy, lực lượng của Student, Jodl giải thích, đang được cần đến một cách khẩn cấp ở phía tây. Họ cần “lấp đầy một chỗ hổng khổng lồ” giữa Arnhem và khu vực Liege – Maastricht bằng việc “chiếm lĩnh một tuyến dọc theo kênh Albert.”
Với tốc độ nhanh nhất có thể, Student được lệnh đưa lực lượng của mình tới Bỉ và Hà Lan. Vũ khí quân trang sẽ được cung cấp tại điểm đến. Bên cạnh đám lính dù cũ, hai sư đoàn đã được bổ sung cho “đạo quân” mới của ông ta. Student nhanh chóng nhận ra rằng một trong hai sư đoàn này, sư 719, “gồm toàn người già đóng dọc bờ biển Hà Lan và chưa từng bao giờ bắn lấy một phát súng.” Sư đoàn thứ hai, sư 176, thậm chí còn tệ hơn. Nó được tổ chức từ “những người bán thương tật và những thương binh đang phục hồi, mà để dễ quản lý, đã được gom lại thành các tiểu đoàn riêng rẽ tuỳ theo nhóm thương tật.” Đám này thậm chí còn có cả những nhà bếp “kiêng” dành riêng cho những người đau dạ dày. Bên cạnh các đơn vị này, ông ta còn được chia phần thêm một đám lính hổ lốn tập hợp lại từ các quân chủng khác từ khắp Hà Lan và Bỉ - lính không quân, thuỷ thủ, lính phòng không – và 25 xe tăng. Với Student, một chuyên gia về tác chiến nhảy dù và chỉ huy các đơn vị đổ bộ đường không huấn luyện kỹ càng dành cho tấn công chớp nhoáng, đạo quân chắp vá của ông ta quả là một “sự xoay xở được chăng hay chớ ở quy mô lớn.” Dù sao đi nữa, ông ta cũng quay trở lại với cuộc chiến.
Suốt buổi chiều, bằng điện thoại và điện tín, Student ra lệnh hành quân tới các đơn vị. Ông ta dự tính sẽ mất chừng ít nhất bốn ngày để đưa người của mình tới mặt trận. Nhưng những đơn vị thiện chíên nhất của ông, được đưa lên những chuyến tàu đặc biệt hướng tới Hà Lan, sẽ có mặt ở vị trí bên kênh đào Albert, như một phần cụm quân B của Model, trong vòng 24 giờ.
Cú điện thoại của Jodl và những thông tin mà chính ông ta thu lượm được tới lúc đó khiến Student phát hoảng. Xem ra rõ ràng rằng lực lượng tốt nhất của ông – trung đoàn dù số 6 cùng với một tiểu đoàn nữa, tổng cộng chừng ba ngàn người – có vẻ là lực lượng dự trữ duy nhất trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của cả quân đội Đức. Ông thấy tình hình thật nguy ngập.
Một cách luống cuống, thống chế Walter Model, tư lệnh lực lượng phía tây, cố bịt lại lỗ hổng đang há hoác ra ở phía đông Antwerp và chặn lại cuộc rút lui hỗn độn từ Bỉ về Hà Lan. Lúc này vẫn chưa có tin gì về việc bổ nhiệm von Runstedt thay thế ông ta. Lực lượng của viên thống chế đã bị phân tán, trở nên vô tổ chức đến mức Model đã gần như mất hoàn toàn khả năng kiểm soát tình hình. Ông ta không còn liên lạc được với nửa thứ hai của lực lượng dưới quyền, cụm quân G ở phía nam. Liệu tướng Johannes Blaskowitz, chỉ huy của nó, có kịp rút lui khỏi Pháp không?
Model không rõ. Và để làm khổ viên thống chế số phận của cụm quân G chỉ là thứ yếu. Tai hoạ rõ ràng đang diễn ra ở phía bắc.
Một cách dữ dội, các cụm quân thiết giáp Anh và Mỹ đã chặt cụm quân B ra làm đôi. Trong số hai đạo quân cấu thành cụm quân B, đạo quân số 15 bị vây tròn, lưng quay ra biển Bắc trong một dải nằm giữa Calais tới một điểm ở tây bắc Antwerp. Đạo quân số 7 gần như bị huỷ diệt, và bị đánh bật về phía Maastricht và Aachen. Giữa hai đạo quân này là một khoảng trống rộng 75 dặm và người Anh đã tiến thẳng qua đó vào Antwerp. Cũng chạy dọc theo con đường đó là chính lực lượng của Model đang tháo lui, tinh thần rệu rã.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm chặn cuộc tháo chạy, Model đã ra một lời kêu gọi khá cảm động tới binh lính của mình
“...Với sự tấn công của quân thù và sự rút lui của chiến tuyến ta, hàng trăm ngàn binh lính đã quay lui - bộ binh, không quân, và các đơn vị thiết giáp - những binh lính cần được tổ chức lại theo kế hoạch và chiếm giữ những điểm hay tuyến trọng yếu mới.
Trong dòng người này có lực lượng còn lại của những đơn vị đã tan vỡ mà, trong lúc này không có mục tiêu cụ thể nào và thậm chí không ở vào vị trí để có thể nhận được mệnh lệnh rõ ràng. Trong khi những đơn vị có tổ chức đã dừng lại để củng cố, dòng người vô tổ chức vẫn tiếp tục tháo chạy. Cùng với đoàn xe của họ là những lời xì xào, tin đồn, hỗn độn, vô tổ chức không ngừng và sự ích kỷ nhỏ nhen. Bầu không khí này đang bị đưa về tuyến sau, làm ảnh hưởng tới các đơn vị và trong thời điểm cực kỳ căng thẳng hiện nay nó cần được ngăn ngừa bằng những biện pháp kiên quyết nhất.”
Tôi kêu gọi tới danh dự của các bạn với tư cách là những người lính. Chúng ta đã thua một trận đánh, nhưng tôi cam đoan với các bạn điều này: chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này! Tôi không thể nói nhiều hơn với các bạn vào lúc này, cho dù tôi biết các bạn có những câu hỏi đang nóng bỏng trên môi. Cho dù điều gì đã xảy ra, đừng bao giờ để mất niềm tin của các bạn vào tương lai của nước Đức. Đồng thời các bạn cần phải ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Thời điểm hiện nay cần phải và sẽ cách ly con người với sự yếu đuối. Lúc này mọi người lính điều có chung trách nhiệm. Khi người chỉ huy của mình ngã xuống, anh ta cần sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm và tiếp tục chiến đấu...”
Theo sau là một loạt dài các chỉ thị trong đó Model yêu cầu một cách bắt buộc rằng binh lính đang rút lui cần lập tức “thông báo tới sở chỉ huy gần nhất,” lập lại trong những người khác “sự tự tin, kiềm chế, độc lập, lạc quan”, và xua đuổi “những tin đồn ngu ngốc, những thông báo vô trách nhiệm.” Kẻ thù, ông ta nói, “không thể cùng lúc có mặt ở khắp mọi nơi” và, quả thực, “nếu tất cả số xe tăng được những kẻ phao tin đồn nhảm nói tới đều được đếm lại, thì có thể có tới một trăm ngàn chiếc.” Viên thống chế kêu gọi binh lính dưới quyền không từ bỏ các vị trí quan trọng hay phá huỷ quân trang, vũ khí hay các cơ sở hạ tầng “trước khi cần thiết”. Tài liệu đáng kinh ngạc này chấm dứt bằng việc nhấn mạnh rằng mọi việc sẽ phụ thuộc vào “tranh thủ thời gian, mà Fuhrer cần để đưa vũ khí và lực lượng mới vào trận.”
Hoàn toàn không có liên lạc trực tiếp, phụ thuộc phần lớn vào radio, Model chỉ có thể hy vọng rằng bản nhật lệnh của ông ta tới được binh lính thuộc hạ. Trong lúc hỗn loạn ông ta thậm chí còn không chắc chắn về vị trí mới nhất của các đơn vị đã tơi tả và tan rã của mình; và cũng không thể biết chính xác xe tăng và quân lính Đồng Minh đã tiến xa tới đâu. Và cuộc đột kích chính của Đồng Minh diễn ra tại đâu - với lực lượng Anh -Mỹ ở phía bắc hướng tới phòng tuyến Siegfried và sau đó vượt sông Rhine tiến vào vùng Ruhr? Hay là với đạo quân Mỹ số 3 hùng hậu của Patton đang tiến tới Saar, phòng tuyến Siegfried và qua sông Rhine vào Frankfurt?
Cơn ác mộng của Model là hậu quả của tình hình xảy ra gần hai tháng trước, vào thời điểm von Runstedt bị cách chức, và Hitler vội vã bổ nhiệm von Kluge làm người kế nhiệm viên thống chế già. Đang nghỉ phép để dưỡng bệnh từ nhiều tháng trước đó sau khi rời khỏi chức chỉ huy ở Nga, von Kluge tình cờ lại gọi điện thăm hỏi xã giao Fuhrer đúng vào lúc Hitler quyết định cách chức von Runstedt. Chẳng hề có dự tính cụ thể nào, và cũng có thể vì von Kluge tình cờ lại là sĩ quan cao cấp duy nhất sẵn có, Hitler đã bổ nhiệm von Kluge đang bàng hoàng làm tổng chỉ huy mặt trận phía tây.
Von Kluge, một chỉ huy mặt trận kỳ cựu, nhậm chức hôm 4/7. Ông ta tại nhiệm 44 ngày. Đúng như von Runstedt đã tiên đoán, cuộc đột phá của Đồng minh diễn ra. “Toàn bộ mặt trận phía tây bị chọc thủng,” von Kluge thông báo cho Hitler. Bị áp đảo bởi lực lượng Đồng minh tràn qua nước Pháp, von Kluge, cũng giống như von Runstedt trước đây, nhận ra mình bị trói chân trói tay hoàn toàn bởi những mệnh lệnh khăng khăng “không rút lui” của Hitler. Các đạo quân Đức ở Pháp bị bao vây và gần như bị huỷ diệt. Đúng vào thời kỳ này một đòn nặng nữa giáng vào Đế chế thứ ba - một vụ ám sát Hitler không thành.
Tại một trong những cuộc họp liên miên tại tổng hành dinh của Fuhrer, một quả bom hẹn giờ dấu trong một cặp tài liệu do đại tá Claus Graf von Stauffenberg đặt dưới gầm một chiếc bàn gần Hitler, phát nổ, giết chết và làm bị thương nhiều người trong phòng. Fuhrer thoát hiểm với vài vết thương nhẹ. Mặc dù chỉ có một nhóm sĩ quan cao cấp dính dáng vào vụ mưu sát, sự trả thù của Hitler thật tàn bạo. Bất cứ ai liên hệ với những kẻ dự mưu, hay với gia đình họ, đều bị bắt; rất nhiều người, bất chấp có tội hay không, đã bị hành quyết. Chừng năm ngàn người bỏ mạng. Von Kluge gián tiếp có liên quan, và Hitler cũng nghi ngờ ông này định thương lượng đầu hàng kẻ thù. Von Kluge bị thay thế bằng Model và được lệnh lập tức đến trình diện Fuhrer. Trước khi rời sở chỉ huy, von Kluge đã viết cho Hitler một lá thư tuyệt mệnh*.
*“Khi ngài nhận được những dòng này, tôi sẽ không còn nữa (ông ta viết cho Fuhrer)...Tôi đã làm tất cả trong khả năng của mình để đối phó với tình hình ... Cả Rommel và tôi, và có lẽ tất cả các chỉ huy khác ở phía tây với kinh nghiệm chiến đấu chống lại quân Anh - Mỹ, với sự dồi dào về trang bị của chúng, đều đã lường trước những diễn biến hiện tại. Chúng tôi đã không được nghe theo. Kiến nghị của chúng tôi không được thảo ra do bi quan, mà từ hiểu biết tỉnh táo về thực tiễn. Tôi không rõ liệu thống chế Model, người đã được chứng minh về mọi khía cạnh, có thể làm chủ được tình hình hay không. Từ trái tim mình tôi hy vọng là vậy. Tuy nhiên, nếu điều này không xảy ra, và các vũ khí mới của ngài ... không thành công, trong trường hợp đó, thưa Fuhrer, hãy quyết định chấm dứt chiến tranh. Đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho sự kinh hoàng này. Tôi luôn ngưỡng mộ sự vĩ đại của ngài ... và ý chí gang thép của ngài... Giờ đây hãy chứng tỏ ngài cũng đủ vĩ đại để chấm dứt cuộc chiến vô vọng này....”
Sau đó, trên đường về Đức, ông ta uống thuốc độc tự sát. Hitler lại một lần nữa tận dụng viên chỉ huy cao niên nhất của mình, von Runstedt, bằng cách chỉ định ông làm chánh án Toà án danh dự xét xử các sĩ quan bị nghi vấn. Von Runstedt lặng lẽ làm theo mệnh lệnh của Fuhrer. “Nếu tôi không làm,” sau này ông ta giải thích, “rất có thể cả tôi cũng đã bị coi là kẻ phản bội.” Lời giải thích của von Runstedt không bao giờ thoả mãn nhiều sĩ quan đồng ngũ, những người này kín đáo chỉ trích ông ta vì đã làm theo yêu cầu của Hitler.
Hitler không hề có ý định nhường chiến thắng cho Đồng minh, cho dù Đế chế thứ ba mà ông ta tuyên bố sẽ tồn tại một ngàn năm lúc này đã kiệt quệ và suy sụp. Trên tất cả các mặt trận ông ta đều cố cứu vãn thất bại. Thế nhưng những quyết định của Fuhrer có vẻ ngày càng tuyệt vọng hơn.
Việc chỉ định Model ở OB West đã chẳng giúp được gì. Không giống như von Runstedt hay, như von Kluge trong thời gian ngắn, Model đã không được một chiến tướng tài năng như Rommel hỗ trợ. Sau khi Rommel bị trọng thương do máy bay Đồng minh hôm 17/7, không ai được cử tới để thay thế ông.*
*Rommel, người cũng bị Hitler nghi ngờ dính dáng tới vụ mưu sát, đã chết ba tháng sau đó. Trong khi dưỡng bệnh tại nhà, Hitler đã cho ông ta lựa chọn: hoặc ra toà vì phản bội hoặc tự sát. Ngày 14/10, Rommel uống cyanua, và Hitler tuyên bố rằng viên thống chế nổi tiếng nhất của Đế chế đã “hy sinh vì những vết thương gây ra trên chiến trường”.
Lúc đầu Model có vẻ không cảm thấy sự cần thiết. Tự tin rằng mình có thể xoay chuyển được tình thế, ông ta tự nắm lấy chức chỉ huy trước đây của Rommel, và trở thành không chỉ OB West mà cả tư lệnh cụm quân B. Bất chấp năng lực của Model, tình hình đã trở nên quá tệ hại cho bất cứ viên tư lệnh nào.
Lúc này cụm quân B đang chiến đấu vì sự sống còn của mình trên một chiến tuyến nằm giữa bờ biển Bỉ và biên giới Pháp – Luxemburg. Từ đây, về phía nam tới Thuỵ Sĩ, lực lượng còn lại dưới quyền Model - cụm quân G của tướng Blaskowitz – đã bị quét sạch. Theo sau cuộc đổ bộ thứ hai của Đồng minh ngày 15/8 bởi lực lượng Pháp và Mỹ lên vùng Marseille, cụm quân của Blaskowitz đã vội vã cuốn gói khỏi miền nam Pháp. Dưới sức ép liên tục, họ đang trong lúc này rút lui hỗn loạn về biên giới Đức.
Dọc chiến tuyến đứt đoạn của Model ở phía bắc, nơi thiết giáp đồng minh đã phá thủng một khoảng dài 75 dặm, con đường từ Bỉ tới Hà Lan và từ đây vượt qua biên giới phía tây bắc nước Đức hoàn toàn rộng mở không ai bảo vệ. Lực lượng Đồng minh tiến vào Hà Lan có thể đánh tạt sườn phòng tuyến Siegfried nơi một vành đai dày đặc công sự kiên cố chạy dọc biên giới Đức từ Thuỵ Sĩ kết thúc ở Kleve trên biên giới Hà Lan - Đức. Bằng cách vòng qua mép phía bắc của bức tường phía tây của Hitler, quân Đồng minh có thể tràn vào vùng Ruhr, trái tim công nghiệp của Đế chế. Một động thái như vậy có thể dẫn tới sự suy sụp hoàn toàn của nước Đức.
Hai lần trong 72 giờ Model tuyệt vọng gọi điện cho Hitler xin tăng viện. Tình hình lực lượng của ông ta trong khoảng trống không được phòng vệ này thật hỗn loạn. Trật tự cần được lập lại và khoảng vỡ được trám kín. Báo cáo cuối cùng của Model, được ông ta gửi Hitler sáng sớm ngày 4/9, cảnh báo rằng sự khủng hoảng đang tới gần, và trừ khi ông ta nhận được ít nhất “hai mươi lăm sư đoàn sung sức và một lực lượng thiết giáp dự trữ gồm năm đến sáu sư đoàn Panzer,” toàn bộ mặt trận có thể sụp đổ, và như thế sẽ để ngỏ “cửa ngõ vào tây bắc nước Đức.”