Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Khi Loài Sâu Biết Khóc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14806 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khi Loài Sâu Biết Khóc
Hoàng Thị Bích Ti

Chương 22

Jane vội vàng bỏ nhanh miếng cà-rốt vào miệng, đẩy cái đĩa đã sạch trơn của mình qua một bên, miệng vừa nhai nhóp nhép vừa nói lau láu:
"Con ăn xong rồi mẹ ạ."
Vừa nói hết câu nó đã chạy ùa ra trước ti vi trước đôi mắt ấm ức của em nó.  Jennifer ngồi lơ đãng, khều khều những miếng rau thịt trên đĩa của mình một hồi rồi phụng phịu bỏ nĩa xuống bàn, đôi mắt long lanh nhìn mẹ:
"Con no rồi... không ăn nữa!"
Wayne vừa nhai ngồm ngoàm vừa không ngừng dỗ con:
"Ăn đi, ăn xong rồi coi ti vi với chị Jane..."
Jennifer lắc đầu, chu môi, lì lợm:
"Con không muốn ăn..."
Wayne thở hắt, vẻ như sắp sửa đầu hàng cô con gái nhỏ.  Huệ nhìn đĩa thức ăn còn đầy ắp trước mặt con bé, cau mày, nạt lớn:
"Đồ ăn còn y nguyên mà no cái gì?"
Chờ có thế, con bé oà lên khóc như vừa bị một trận đòn oan.  Wayne buông nĩa, khoát tay:
"Thôi, thôi! Mệt quá! Không ăn nữa thì thôi."
Quay sang vợ, Wayne nói như phân trần:
"Thôi em ạ, cho nó ngưng đi.  Không đói thì đừng ép no."
Huệ bực bội:
"Cơm bưng tới miệng mà còn không chịu ăn!"
Wayne dịu giọng:
"Chắc con đang khó chịu trong người..."
Bình thường, Huệ đã bắt con bé phải ăn cho hết ít nhất là phân nửa phần ăn hoặc là phạt con không được ngó tới cái ti vi, phần linh hồn của nó.  Nhưng hôm nay, Huệ không còn hơi sức nào để đương đầu với cái bướng bỉnh của con, cô nói như gắt:
"Cho coi ti vi đúng nửa tiếng đồng hồ thôi nghe chưa!"
Vừa nói xong, cô đứng dậy vùng vằng cầm cái đĩa của con lên đổ phần thừa của con bé vào thùng rác.  Lòng áy náy không yên khi chợt nghĩ đến Lâm.  Cô vẫn thường nghĩ đến Lâm, nhất là vào những buổi cơm chiều lạnh rét như hôm nay.  Và những đêm khi mưa ầm ỉ đổ xuống và những cơn gió cứ quặn lên từng hồi thê thiết.
Chiều nay, mưa còn rơi rỉ rả.  Cơn mưa không nhiều giông bão như chiều qua nhưng cũng đủ làm cho những bụi hồng quanh nhà lao đao, vật vã.  Vài hôm trước, mưa dầm dề cả mấy ngày liên tiếp.  Những hạt mưa đầu mùa lạnh và nặng hạt như những viên nước đá nhỏ khiến cô không thể nào mang cơm đến cho Lâm.  Cách đây mấy hôm, cô dằn lòng không được nên vội vàng đến kiếm Lâm.  Vẫn căn phòng nhỏ như cái tủ quần áo tối tăm ẩm mốc ấy, nhưng Lâm đã bỏ đi đâu mất.  Đĩa thức ăn cô mang đến cho Lâm mấy hôm trước vẫn còn y nguyên trên nền xi-măng ẩm ướt.  Cái mền cũ mà cô cho Lâm để đắp cho đỡ cóng còn  nằm trên sàn bèo nhèo, ướt sũng.  Không thể làm gì hơn, Huệ cẩn thận thay dĩa cơm mới cho Lâm, hy vọng sau một ngày lang thang trên khắp các nẻo đường, Lâm sẽ về lại chỗ ngủ và có chút gì ăn cho đỡ đói.  Hôm qua trời lại mưa, Huệ không có cớ gì để ra khỏi nhà. Suốt đêm, cô nằm trằn trọc.  Mỗi lần nghe tiếng mưa đổ như xối vào cửa sổ và tiếng gió không ngừng dẫy dụa, cô lại bồn chồn thao thức.  Mỗi lần chợp mắt, tiếng kêu đói rã rời và hình ảnh co ro trên nền gạch của Lâm cứ lởn vởn quanh cô, luẩn quẩn như một oan hồn không siêu thoát.
Huệ buồn bã, quay trở lại bàn ăn, ngồi xuống.  Wayne vô tình, quay sang vợ:
"Để anh rửa chén cho, hôm nay em mệt rồi."
Huệ gật đầu, với tay lấy những đĩa thức ăn trên bàn gói ghém lại thành một đĩa đầy ắp, đứng lên lấy giấy bọc lại gọn gàng, bảo chồng:
"Anh ở nhà với con nghen, em đem thức ăn đến cho ông Lâm.  Mấy hôm nay, chắc ổng đói lắm rồi."
Giọng Wayne có chút gì bực dọc:
"Trời đang mưa kìa em."
Huệ nhìn ra cửa, nói trấn an chồng:
"Không sao đâu, chắc sắp tạnh rồi."
Wayne dịu giọng:
"Để anh đi cho!"
Huệ lắc đầu:
"Anh không kiếm ra chỗ đó đâu.  Hơn nữa, ổng không nhận ra anh..."
Rồi Huệ cương quyết:
"Chút xíu em về ngay! Không đi, em không chịu nỗi.  Không biết ổng đã chết đường chết sá ở đầu rồi."
Wayne không nói thêm tiếng nào, anh thừa hiểu tính tình của vợ, nghĩ gì nói cái ấy, muốn làm gì làm nấy, không ai lay chuyển nỗi.  Wayne đứng lên, lặng lẽ thu dọn chén bát trong khi Huệ tất tả bỏ lên lầu.  Chưa đầy vài phút cô đã trở xuống, ôm cái mền trong tay.  Vừa thoáng nhìn thấy, Wayne đã kêu lên:
"Cái mền nầy là cái thứ mấy rồi vậy cưng?"
Huệ chắc lưỡi:
"Cái mền ổng đang đắp không hiểu sao bị ướt sũng hết rồi.  Trời lạnh như vậy phải có cái mền, da thịt nào chịu nỗi cái lạnh như vầy."
Wayne lắc đầu, chịu thua:
"Đi mau rồi về, không có em tụi nhỏ sẽ không chịu đi ngủ đúng giờ."
Huệ gật đầu, khoát vội chiếc áo mưa lên người, ồn ào dặn con rồi lách mình ra cửa.  Wayne đứng trong nhà nhìn theo Huệ chạy lúp xúp ra xe mà dạt dào thương vợ ....
****
Những cơn mưa đầu mùa thưa dần.  Sau mấy ngày nắng liên tiếp, cây bắt đầu ra lá non.  Những chiếc lá nhọn của mấy khóm uất kim hưong bắt đầu lú lên khỏi mặt đất lạnh giá.  Trên những cành khô sần sùi, đen xám, lộc non trồi lên nhu nhú.  Màu lá xanh non.  Lá chưa ra nhiều.  Nhưng hoa đã nở khắp nẻo đường.  Trời vừa đủ ấm, những hàng anh đào và forsythia nở bung.  Hoa chi chít.  Trắng. Vàng. Hồng. Tía .  Hoa đào nở từng chùm hồng, trắng.  Hoặc từng cánh nhỏ bám sát cành, màu tia tía.  Mảnh mai.  Anh đào chỉ nở được vài ngày, có năm kéo dài được lâu hơn nếu không có mưa và gió.  Năm nay mưa nhiều, gió lớn; hoa anh đào rụng tan tác.  Trời ấm, qua vài trận mưa; chồi non lớn nhanh, hoa thưa dần.  Trên sông, lớp băng mỏng còn sót lại của mùa Đông đã không còn là sự chướng ngại nữa.  Nước lửng lờ.  Trong suốt.  Lạnh cóng.  Dọc theo bờ, hoa rụng tơi bời. Xác hoa trắng hồng cả lối đi, dập dềnh trên sóng nước.  Tả tơi như xác pháo. Gió xô. Nước đẩy. Hoa trôi.  Hoa trôi.
Dưới pho tượng đá, người đàn ông da đen đang say sưa chơi một bản nhạc vui.  Cây kèn đồng phai hết lớp mạ, đong đưa theo dòng nhạc.  Thân hình người đàn ông chơi vơi.  Những đường gân trên cổ rung lên như mấy sợi dây đàn.  Mái tóc nhớp nhúa.  Vạt áo phất phơ.  Hai ống quần sờn rách.  Đôi giày dơ, cũ.  Chiếc hộp da vá đùm đụp bằng dăm miếng băng keo nham nhở, mở rộng ngay dưới chân.  Thỉnh thoảng, vài khách bộ hành hứng thú thẩy vào đấy mấy đồng bạc kẽm.  Người nhạc sĩ bụi đời nghiêng người tỏ vẻ cám ơn.  Những dòng nhạc lại tuôn chảy không ngừng nghỉ.  Êm ái.  Thắm thiết.  Cuối tháng ba, mùa Xuân đã về!
Chủ nhật.  Cơn mưa bắt đầu trước khi mặt trời mọc.  Mưa vẫn còn đang lất phất.  Những hạt mưa rất nhỏ.  Dịu dàng.  Tươi mát. Bên cạnh những ly chén của bữa ăn sáng chưa thu vén, hai đứa bé đang châu đầu vô chiếc ti vi nhỏ trong góc phòng ăn.  Miệng cười khúc khích.  Trên màn ảnh chú mèo Tom đang vờn chú chuột Jerry bằng tất cả mọi thủ đoạn nhỏ nhen nhất.  Trong phòng khách;  Hoành chống tay lên cằm, điếu thuốc trên tay toả những sợi khói chờn vờn trên gương mặt đầy căng thẳng.  Cả thân hình Hoành như rút lại, tuột hẳn vô trong chiếc ghế bành.  Thu ngồi bên cạnh chồng, chân xếp tréo, chiếc dép đong đưa trên mấy ngón chân.  Hai bàn tay trắng nuốt đan vào nhau, đặt khoan thai trên đầu gối.  Người cha ngồi đối diện.  Ông cụ có vẻ mặt ngơ ngác, bối rối của một can phạm trước vành móng ngựa.  Giọng Thu cất lên ngọt sắc như dao:
"Từ lúc ba nghỉ việc đến nay; anh Hoành phải đi làm để trả bills, còn con thì đi học cả ngày.  Tụi con nhờ ba coi chừng hai đứa nhỏ.  Buổi sáng, con đưa tụi nó đi học.  Buổi trưa, nhờ ba đón tụi nó về.  Vậy mà coi bộ cũng ... khó khăn quá! Hôm trước, hai đứa nó phải đi bộ một mình từ trạm xe buýt vê; chẳng thấy ông nội đâu hết! Tụi con nhờ ba, ba làm không được thì nói con một tiếng, con sẽ nhờ hàng xóm.  Chứ để hai đứa nhỏ đi loạng quạng như vậy thì nguy hiểm quá! Ba phải thông cảm cho tụi con, làm sao con yên tâm học hành gì được nữa!"
Người cha cười gượng:
"Ba ra trễ có mấy phút thôi con à! Thay vì quẹo trái, ba lại lẩm cẩm qụẹo phải.  Bây giờ thì ba biết đường rồi"
"Tuy ba là ba của anh Hoành, nhưng tụi con có những điều này muốn nói ra.  Chẳng thà mất lòng trước, được lòng sau."
Người cha gật gù, khoát tay:
"Được rồi, vợ chồng con cứ nói đi! Ba nghe đây!"
Giọng Thu vẫn dịu dàng, êm ái:
"Ba ở đây không phụ giúp tiền bạc gì cho tụi con hết! Tụi con còn hai đứa nhỏ ..."
Hoành ngồi im, lắng nghe không sót một chữ.  Nét mặt làm ra vẻ điềm nhiên.  Người cha ngắt lời:
"Ba đưa tiền nhưng hai đứa không chịu lấy! Ba biết làm sao bây giờ.  Chỉ có cách là mỗi tuần ba đi chợ thôi!"
"Nói là đi chợ, nhưng ba biết con thiếu máu, từ lúc sinh con Cẩm Hằng, con đã không còn khoẻ như trước nữa! Vậy mà ba chỉ mua ba cái thịt heo, thịt gà rẻ tiền thôi! Làm sao con ăn được? Khắc nghiệt như vậy, ai mà chịu nỗi.  Ba mà đâu có biết thương con dâu!"
Người cha đau đớn phân trần:
"Con nói sao vậy? Ba má thương thằng Hoành thì đương nhiên phải thương con rồi."
Thu ngắt lời, giọng chua thé:
"Từ lúc về nhà nầy, con dư biết ba má đâu coi con ra gì? Ba ỷ con trai ba đi làm nhiều tiền, còn con chưa làm ra đồng nào nên ba coi thường con chứ gì? Của chồng công vợ, tiền lương của chồng con đem về, con cũng xót chú!"
Người đàn ông tái mặt.  Lòng tràn trề chua xót.
Ông nhìn thẳng vô mắt con dâu, giọng bình tĩnh:
"Đừng bao giờ nói đến má!...Người đã chết rồi, ...con trách má con là trách làm sao? Mỗi lần con sinh nở cũng do một tay của má chăm sóc.  Phận làm con, nhưng con có bao giờ bưng cho má được một tách trà nào chưa?"
Thu ngúng nguẩy, mỉa mai:
"Ba muốn con phải cơm bưng trà rót thì mới xứng đáng là dâu của ba chứ gì?"
Người đàn ông nhìn con trai đang thản nhiên ngồi dấu mặt sau làn khói thuốc, ông chán nản thở hắt:
"Từ hồi nào đến giờ, ba không mong đợi bất cứ một điều gì ở các con.  Ba già rồi, không còn thiết gì nữa rồi.  Ba không cần gì hết.  Con không tôn trọng cha mẹ chồng cũng chẳng sao.  Nếu con thật sự thương chồng con, thì hãy tôn trọng nó.  Và nhất là hãy tôn trọng lấy chính mình.  Còn những người khác, ngay cả ba, con không cần quan tâm đến.  Từ thuở ấu thơ cho đến lúc tuổi già, ba không hề biết đến cục đường hay hủ muối trong bếp; từ nay trở đi con cứ đi chợ dùm ba đi!"
Thu lắc đầu, mặt lạnh như tiền:
"Con không có thì giờ! Vừa đi học full time, vừa lo cho hai đứa nhỏ; bây giờ còn giao cho con đi chợ nữa thì làm sao con học bài! Con còn một năm nữa là xong cái bằng kỹ sư điện rồi.  Bài vở càng lúc càng khó hơn so với hai năm đầu.  Anh Hoành còn phải giúp con coi sóc việc nhà nữa ba không thấy sao?"
Người đàn ông như mất hết kiên nhẫn, giọng hơi gằn mạnh:
"Chuyện chợ búa với bếp núc là chuyện của đàn bà..."
Nghe giọng nói có vẻ bất bình của cha, Hoành vội vàng lên tiếng.  Cặp lông mày nhíu lại, mặt xụ xuống, giọng nói yếu xìu:
"Con cưới vợ về không phải để làm đầy tớ! Nếu con muốn cưới vợ về làm đầy tớ thì con đã cưới một con sen rồi!"
Thu nghiêng đầu, kín đáo dấu một nụ cười đắc ý.  Người cha lặng người, không nói.  Thu tiếp tục tra vấn:
"Bạn bè của tụi con đến hơi ba cũng chẳng lịch sự với họ chút nào! Lúc nào ba cũng muốn dạy dỗ họ hết trơn! Đó ba thấy không? Mấy tuần nay, đâu có ai thèm đặt chân tới nhà này nữa!"
Người đàn ông cố giữ bình tĩnh:
"Sao lại không lịch sự? Lần trước, ban ngày thằng Hoành đi làm không có ở nhà, thằng Khuê nó tới làm gì? Nhà có đàn bà, nếu nó là bạn tốt thì nó phải biết giữ gìn tai tiếng cho vợ bạn chứ! Ba thấy cái tâm địa không đàng hoàng của nó, nhưng ba có nói gì nó đâu!"
Thu nói trống không:
"Mặt hầm hầm, thiếu điều muốn đuổi người ta ra khỏi nhà.  Cần gì nói!"
Hoành tiếp lời vợ:
"Bạn của tụi con đều là những người trí thức.  Thời buổi này, một người đàn bà có chồng không có thể tiếp bạn trai trong nhà sao? Con hiểu vợ con và con tin bạn con.  Thu không hề dấu con một chuyện gì! Ba khỏi lo cho con."
Thu nhẹ nói lảng sang chuyện khác:
"Ba để bàn thờ má trong phòng, con yêu cầu ba đừng đốt nhang, con chịu không nổi caí mùi nặng nề ấy.  Ba cũng không thèm để ý! Ba đốt nhang làm cháy nám cả cái trần nhà.  Nhà này là nhà của con với anh Hoành!"
Người cha buồn rầu, cay đắng:
"Năm thì mười hoạ ba mới đốt một cây.  Má nó nuôi nó thiếu sống, thiếu chết.  Bây giờ, đủ chân đủ tay, là ông này ông nọ, có cái bàn thờ mà má nò cũng không có phần à?"
Thu ngắt nhanh:
"Ba muốn nói chồng con không có hiếu với ba má à?  Ơn sanh thì ảnh đã trả rồi, không có ảnh thiì làm sao ba má qua được tới Mỹ.  Đậu tú tài xong là ảnh đi lính, ba má đâu có nuôi dưỡng gì bao nhiêu."
Ông Phong run lẩy bẩy, quay sang nhìn Hoàng đang ngó lơ ra sân.  Ông đau đớn:
"Bây giờ con nói cho ba biết đi! Cái công đưa cha mẹ của mày lên tàu đi tị nạn đáng giá mấy cây vàng? Mày nói mau đi! Trời ơi! Ăn học như chúng mày mà có thể nói được những câu như thế ư?"
Lòng tràn đầy chua chát trong câu nói sau cùng của mình, ông Phong dựa lưng vào ghế, mặt tái đi.  Thu cười khẩy, toan mở miệng thì ông Phong hổn hển gằn giọng:
"Cô không cần nói nữa! Tôi sẽ rời khỏi nơi đây.  Lâu nay vì đứa con ngổ nghịch kia nên tôi đã chịu đựng cô nhiều rồi.  Khổ nỗi, tôi thương nó nhưng mà nó không biết thương nó."
Thu bình tĩnh quay sang Hoành háy dài:
"Trong lòng của ba má chỉ coi "bà" đó là dâu thôi! Đó anh thấy chưa? Em đã nói trước mà! Không nói ra thì ba không hiểu! Nói ra, ba cũng ...không hiểu luôn; còn giận lẩy, đòi đi nữa! Rồi đây anh sẽ mang tiếng là bất hiếu, còn em thì bị dèm pha là thứ đàn bà đoản, là một nàng dâu không tốt.  Bạn bè sẽ cười cho thúi đầu! Mặt mũi nào mà ngó ai nữa!"
Hoành nói dỗi:
"Ba muốn đi thì em cứ để cho ba đi!"
Người cha ngồi chết lịm trong ghế.  Những mạch máu chạy rần rần trong đầu như sắp bứt ra từng trăm khúc nhỏ.  Ông lảo đảo đứng lên, bỏ ra mái hiên.  Cái se sắt của buổi sáng chớm Xuân khiến ông rùng mình.  Mưa vẫn không ngừng rơi.  Những giọt mưa nhẹ nhàng bay lên da mặt già nua.  Ông thèm được khóc.  Vậy mà chẳng mấy khi nào ông khóc, dù cuộc đời đã trải qua nhiều tủi cực.  Lần cuối cùng ông nhỏ lệ là ngày được tin con trai lớn vừa tử trận.  Cái chết của Nhã để lại cho ông một nỗi ân hận không cách gì lấp được.  Điều ân hận nhất là ông không còn cơ hội để nói với con trai một lời xin lỗi.
Vợ ông hay bảo ông trời thật có mắt.  Quả báo ... Ngày xưa, ông đã từng đoạn tuyệt với con trai.  Bởi vì Nhã, một chàng sĩ quan Thủ Đức đẹp trai, nho nhã đã lấy một cô gái bán bar về làm vợ.  Đứa con của hai người không được ông nhìn nhận.  Thằng bé không những giống cha như đúc, tai bên phải của nó cũng có một trái thịt thừa nhỏ bằng hạt đậu, tòng teng như tai ông nội.  Ông ngoại của nó làm nghề đạp xích lô.  Thật là môn đăng hộ đối!  Ông sui là môt kẻ cùng đinh.  Con dâu là một ả bán bar. Còn sự nhục nhã nào lớn hơn? Một người đầy bằng cấp như ông phải làm sui với một phu xích lô? Câu châm ngôn mỗi ngày của ông là:"Học và học không ngừng." Ông bước tới vinh quanh bằng sức học của mình.  Đem bằng cấp làm sự kiêu ngạo.  Vậy mà Nhã không thèm nghĩ gì đến sỉ diện của cha, đem lòng yêu một người con gái xuất thân hèn hạ.  Giận con, ông không tiếc lời nhục mạ.  Ông già đạp xích lô gàn dở ấy dọn nhà, đem con gái bỏ Sài Gòn đi mất.  Nhã đổi ra Bồng Sơn, Quảng Ngãi rồi chết. Ngày đám tang Nhã, người đàn bà ấy bồng con đến nhìn mặt chồng lần cuối rồi sau đó trôi dạt, không chút tin tức; dù ông Phong đã cố công tìm kiếm.  Sự ận hận đã khiến ông hoàn toàn trở thành một người cha bất lực.  Thương con, đời lính tráng chết nay sống mai, ông dung túng cho Hoành hết tất cả.  Ngay cả việc ngó lơ để cho Hoành bỏ vợ, một người đàn bà đẹp, đôn hậu và tháo vát để cưới Thu một cô gái quê mồ côi, học đòi, hỗn láo.  Hai đứa con trai, hai lần ân hận.  Cho đến những ngày gần lìa bỏ cuộc đời, vợ ông vẫn còn trách ông là một người độc ác.  Rốt cuộc, "người độc ác" cũng bị quả báo.
Trong nhà, Thu đã vùng vằng bỏ vô phòng để mặc cho Hoành ngồi lầm lì bên mấy đứa con. Chuông điện thoại reng lên.  Giọng Hoành oang oang, vui vẻ rất nhanh chóng:
"Allo, Thành hả? Làm gì ấy hả? Toa đã kiếm ra anh chàng Lâm đó hả? Chiều nay toa với các anh em tới nhà moa đi! Có gì bàn sau. Sáu giờ, nhớ sáu giờ nhé! Nhà có rượu rồi, đừng mang gì nữa nhé!"
Trong phòng riêng, người cha lặng lẽ thu xếp đồ đạc vào valise. Nét mặt dàu dàu.  Ngoài bếp, vợ chồng Hoành lăng xăng sửa soạn cho một buổi tối rình rang. Văn chương, văn nghệ, chính trị, tôn giáo, đạo đức, chữ nghĩa, con người và nhân bản sẽ được đưa lên salon để mổ xẻ.  Cắt ngang, xẻ dọc nhiều lần như miếng thịt bò bầm.  Rốt cuộc sau những buổi tiệc tàn, chỉ còn lại nhũng chai rượu trống không, rỗng tuếc chờ được đem vất vào sọt rác ....
****
Buổi chiều, Huệ đến nhà Hoành theo lời hẹn.  Huệ rà xe vô đậu sát lề đường, ngoái cổ lại nhìn căn nhà nằm xéo bên góc đường.  Tiếng cười nói từ trong nhà vọng ra và khoảng sân rộng chật cứng chín, mười chiếc xe khiến cho cô hơi lo lắng.  Từ ngày lấy Wayne, cô không quen đến những chỗ đông người Việt, không biết từ bao giờ họ chẳng còn đối xử với cô như một người đồng hương.  Huệ tắt máy xe, đưa tay vuốt lại mái tóc.  Lâm ngồi im, mắt lơ đãng dõi theo đôi chim sẻ nâu đang rỉa cánh cho nhau dưới tàng cây láng mướt.  Huệ chúm chím cười vui nhìn Lâm gọn gàng sạch sẽ trong bộ quần áo Wayne mớ mua cho Lâm...Mấy hôm trước vợ chồng Wayne đem Lâm về nhà, chuẩn bị cho buổi gặp gỡ chiều nay.  Việc đầu tiên Wayne làm là bắt Lâm ra sau vườn để nguyên quần áo, tự tay Wayne cầm vòi nước xịt cho Lâm gội đầu, tắm rửa.  Mái tóc bù rối, bện từng nùi được Huệ gọn gàng cắt tỉa chu đáo.  Hai đứa con nhỏ của Huệ lấm lét đứng coi, đứa này khúc khích bảo đứa kia:
"Bố tắm cho ông kẹ đó giống như ông hàng xóm tắm cho con chó của ổng quá hén!"
Nhưng rồi Huệ lại xụ mặt xuống ngay khi nhận ra vẻ dửng dưng thờ thẩn, không có chút bận tâm về một vấn đề gì khác của Lâm; Huệ vùng vàng, khẽ gắt:
"Tới rồi! Mình vào đi..."
Lâm ngoan ngoãn mở cửa xe, bước xuống đứng bên lề cỏ.  Con đường ướt đẫm.  Mưa vẫn còn rơi rưng rức.  Cơn mưa vừa đủ để làm xanh cây cỏ.  Huệ bước xuống xe, kéo nhẹ vạt áo len.  Cô băng qua khoảng sân đẹp.  Bụi hồng vươn cao dưới mái hiên.  Trên những cành khô, mọc đầy gai góc, những nụ hoa đỏ thắm nở ra.  Cánh hé ra vừa đủ để để khoe một màu nhung đỏ mướt bên những chùm lá xanh màu cỏ non.  Những hạt mưa bám lên đó, long lanh như lệ.  Hai chiếc xe đạp nhỏ ngã chồng lên nhau, nằm sóng soãi trên thảm cỏ.  Huệ dừng lại trước cửa, đưa tay lên bấm chuông.  Tiếng cười nói trong nhà xôn xáo.  Cô hồi hộp chờ đợi. Cánh cửa gỗ hé mở.  Hoành ló mặt ra, tươi cười, niềm nở:
"Chị là chị Huệ?"
"Dạ, anh là...."
"Tôi là Hoành.  Tôi ... có nói chuyện với chị trên điện thoại về vấn đề của anh Lâm."
Huệ gượng cười:
"Dạ"
Hoành cười xoà:
"Mời chị vào nhà, anh Lâm đâu chị?"
Huệ quay lại sau lưng tìm kiếm.  Không thấy Lâm, cô biến sắc.  Vừa lúc ấy Lâm cũng lững thững vô tới.  Cô mừng rỡ, reo lên:
"Kia kìa!"
Hoành cười lịch sự, Huệ đưa tay ngoắc Lâm đền gần, sắc mặt nghiêm nghị:
"Anh Lâm, đây là ông Hoành; người mà tui đã nói với anh.  Ông Hoành với những người trong hội "Thân Hữu" của ông ấy muốn gặp anh để tìm cách giúp đỡ anh."
Lâm đứng im, cười gừ gừ trong cổ họng.  Huệ gắt nhỏ:
"Chào... người ta đi..."
Trong khi Lâm còn lớ ngớ, đứng im; Hoành đã cười cởi mở; khoát tay, đẩy rộng cánh cửa:
"Anh Lâm và chị vào nhà đi! Tất cả mọi người đang chờ."
Huệ đưa mắt nhìn Lâm, lẳng lặng theo sau Hoàng.  Tiếng lào xào cười, nói ngừng hẳn.  Căn phòng chìm trong sự ngột ngạt. Không ít thì nhiều, ai ai cũng nhìn về phía hai người khách mới đến bằng cặp mắt đầy phán xét.  Huệ ngỡ ngàng gật đầu chào.  Tất cả mọi người hiện diện đều rất xa lạ.  Những người đàn bà nhìn Huệ bằng mấy con mắt cạn xèo.  Nụ cười cường điệu.  Bộ tịch màu mè.
Mỗi người là một diễn viên.  Hài hoà.  Mỗi nhân vật hoàn tất vai trò của mình một cách rất ăn khớp.  Cảm xúc vay mượn.  Họ hoàn toàn không giống cô từ ánh mắt, nụ cười, cho đến lời ăn tiếng nói.  Bề ngoài, họ rất đồng điệu, giống nhau.
Không khí chung quanh khiến cô chùng chân, bối rối.  Cô gượng gạo, cố giữ nụ cười trên môi.  Lòng có chút gì nhẹ nhõm khi nhận ra ông Thanh, đang âm thầm quan sát từng cử động của mọi người trong một góc phòng.  Ông nhẹ gật đầu khi chạm phải ánh mắt của cô.  Người đàn ông tên Thành rời bàn rượu, bước tới bên Huệ, ân cần:
"Chị vào trong này đi!"
Quay sang Lâm đang đứng tần ngần sau lưng  Huệ, Thành chỉ chiếc ghế kê sát tường:
"Ngồi đó đi anh Lâm! Anh vẫn khoẻ chứ? ...Lúc nầy trông anh khá hơn mấy tháng trước! Anh có nhận ra tôi không?"
Huệ vui mừng, ngạc nhiên:
"Anh quen với anh Lâm à?"
Thành lắc đầu, hoà nhã:
"Không chị, có một lần tôi gặp anh ấy dưới phố! Lúc ấy trông anh ta tiều tụy lắm! Không được tỉnh táo như bây giờ."
Huệ cười nhẹ:
"Dạ, ảnh bây giờ cũng không còn nhớ gì lắm đâu!"
Chờ cho Huệ ngồi xuống ghế, Hoành dịu dàng hỏi:
"Lâu nay anh ta sống ra sao hở chị?"
Huệ chớp mắt:
"Như tất cả mọi người đã biết, ảnh như người nửa điên nửa tỉnh.  Sau khi bị đuổi nhà, ảnh sống lây lất trên vỉa hè.  Ai cho gì thì ăn nấy! Bữa no, bữa đói! Từ ngày gặp lại tui, mỗi ngày tui đem cơm đến cho ảnh ăn, đem chăn mền cho ảnh đắp.  Tui ... cũng không thể làm gì thêm hơn! Thật ra, ảnh bệnh nặng lắm! Đầu óc như người điên.  Với tình trạng bây giờ, ảnh không thể nào tự sinh sống được."
Hoành liếc nhanh về phía Lâm, gã thanh niên đang lơ đãng xem ti vi với hai đứa con của mình.  Hai đứa nhỏ thỉnh thoảng len lét nhìn người thanh niên sợ hãi.  Quanh một đám người lố nhố, trông Lâm thảm hại và lạc lõng như một người tiền sử còn sót lại.  Da mặt răn rúm, tái xanh như ông già.  Thân hình tiều tụy.  Nụ cười sần sùi đến tang thương.  Hàm răng chỏng chơ như sắp rụng... Lâm đã già đi trước tuổi một cách khủng khiếp! Hoành chồm ra khỏi ghế ngồi, nghiêm chỉnh nhìn mọi người, cất giọng trầm trầm:
"Vấn đề cần nhất bây giờ là kiếm cho anh ta một chỗ ở, rồi mới xin trợ cấp để anh ta có thể đi khám bệnh và tạm sống. Nếu không có địa chỉ cư ngụ, anh ta sẽ không có trợ cấp.  Mấy anh chị có ý kiến gì thì xin cứ nói!"
Tuấn khoanh tay trước ngực, ôn tồn:
"Tạm thời, anh em trong nhóm mình mỗi người đóng góp một ít để thuê căn phòng cho anh ấy.  Chờ khi giấy tờ hợp lệ rồi tính sau."
Ông Thanh nhẹ đằng hắng:
"Chuyện thuê phòng không dễ gì có được trong năm, mười ngày.  Hơn nữa, giấy tờ rất rắc rối. Hợp đồng phải ký đủ một năm."
Hoành gật gù, ngắt lời:
"Đúng vậy! Cách tốt nhất là cho anh ta ở tạm với một anh em nào đó."
Mọi người đều im lặng, không ai nhìn ai.  Một chập lâu, Thành dè dặt lên tiếng:
"Tôi độc thân thì cũng dễ dàng, không có gì phiền hà.  Khổ nỗi, chủ phố của tôi rất khó khăn.  Nếu không, anh Lâm có thể ở với tôi trong tháng đầu."
Lập tức, vài ba người khác cùng đồng thanh phụ hoạ.  Người viện lẽ này, kẻ đưa lý khác.  Hoành thở hắt, ngước mắt nhìn vợ dịu dàng hỏi:
"Em nghĩ sao nếu anh Lâm ở tạm trong nhà chứa xe của mình một thời gian."
Chưa ai kịp có phản ứng gì; Tuấn đã vỗ tay, nói nhanh:
"Được vậy thì hay quá!"
Thu cười kiểu cách, giọng lấp lửng:
"Anh muốn sao thì muốn!"
Thành cười ha hả:
"Đấy, đấy! Chị ấy đã bằng lòng rồi đấy! Nhất chị Thu rồi! Gớm, anh Hoành nhà mình tốt số ghê nhỉ? Đúng là thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn."
Mọi người cười ồ. Hoành vui vẻ, quay sang Huệ nói lớn:
"Vợ tôi đã đồng ý cho anh Lâm ở tạm nhà chúng tôi một thời gian rồi đấy! Anh Lâm có đồ đạc gì không hở chị?""
Huệ mừng rỡ, lắc đầu:
"Chỉ có dzậy thôi anh! May quá, cám ơn anh chị nhiều lắm! Từ nay, tôi đỡ lo...!"
Hoành cười:
"Vấn đề còn lại là làm sao cho anh ấy hội nhập với đời sống."
Huệ cười tươi, nói với sang Lâm:
"Anh Lâm, từ nay anh có thể ở tạm nhà anh chị Hoành, không còn phải lang thang nữa!"
Lâm cười gừ gừ, ánh mắt láo liên.  Hoành đứng dậy, kêu:
"Anh Lâm, anh đi theo tôi! Chỗ ngủ của anh bên này!"
Lâm uể oải đứng lên sau tiếng kêu thúc giục của Huệ.  Hoành đi về phía cánh cửa cuối phòng khách, đẩy nhẹ.  Huệ cũng vội đi theo hai người.  Tuy là nhà chứa xe, nhưng hình như chủ nhân chỉ dùng vào việc trữ đồ.  Bên trong, đồ đạc ngổn ngang.  Đồ chơi trẻ con bày la liệt, đủ màu xanh, đỏ trên nền xi-măng lạnh ngắt... Đồ phụ tùng xe vất khắp nơi.  Dăm miếng giẻ vấy đầy dầu nhớt, vắt veo.  Trong góc phòng, đống củi khô nằm chất đống.  Hoành cười:
"Tạm thời anh ở lại đây.  Dọn dẹp sạch sẽ là có thể ở được rồi! Tôi sẽ kiếm cho anh một tấm nệm."
Tuấn và vài người khác đã đứng sau lưng Huệ từ bao giờ. Tuấn chắc lưỡi:
"Tốt quá! Trông thế nhưng mà là chỗ yên tĩnh nhất trong nhà đấy!"
Huệ nhìn Hoành với ánh mắt biết ơn.  Cô nói nhỏ:
"Được một chỗ che mưa tránh nắng như vầy là quá tốt rồi! Mọi chuyện nhờ anh chị..."
Hoành ngắt lời:
"Anh em trong nhóm của chúng tôi sẽ cố gắng! Thôi, mình vào nhập tiệc đi là vừa.  Mọi người chắc đã đói lắm rồi!"
Trong nhà, chén bát khua rổn rảng.  Bữa tiệc bắt đầu.  Mọi người ồn ào cười nói.  Tuấn vừa vô tới phòng ăn đã cất giọng oang oang:
"Ối giời ơi! Hôm nay chị Thu nấu món gì mà thơm thế nhỉ?"
Mấy người đàn bà nhìn nhau cười khúc khích.  Một cô lườm Tuấn với con mắt có đuôi:
"Sao...đánh hơi tài thế?"
Thành nhanh nhẩu xen vào:
"Đương nhiên rồi! Ai mà không biết thưởng thức tài nấu ăn của chị Thu chứ?"
Hoành đon đả:
"Mời quý vị ngồi xuống đi! Ông Thanh, mời ông ngồi bên này.  Chị Huệ, mời chị!"
Thấy Huệ ngó quanh quất kiếm Lâm, Hoành cười:
"Anh Lâm ngồi đó chắc tự nhiên hơn.  Để tôi đi lấy thức ăn cho anh ta."
Huệ gật đầu lí nhí nói cám ơn.  Ông Thanh dè dặt hỏi:
"Ông cụ không có nhà sao anh Hoành?"
Hoành nói nhỏ:
"Ba tôi không được khoẻ nên đang nghỉ trong phòng."
"Vậy à ... Ông cụ không sao chứ?"
Thu liếc nhanh về phía Hoành rồi quay đi vội vã trong khi Hoành lí nhí trả lời:
"Không sao, ba tôi chỉ hơi mệt."
Ông Thanh giả lả:
"Ồ! Trời này dễ cảm mạo lắm! Thời tiết thế này, không khéo ông cụ bị cảm mất rồi."
"Vâng!"
Hoành vừa trả lời, vừa lấy đồ ăn đem đến cho Lâm.  Chờ cho Hoành trở về chỗ ngồi, mọi người mới ồn ào cầm đũa. Trong một góc phòng, khuất mất ánh sáng của những ngọn đèn pha lê toả chiếu cả phòng ăn; Lâm thờ ơ xúc từng muỗng cơm, chậm rãi đưa lên miệng. Bình thản, vô tâm như không còn có ai quanh mình...

<< Chương 21 | Chương 23 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 920

Return to top