Lúc ông Thanh đến thì mọi người đã có mặt đông đủ. Những người đàn ông đang quây quần nơi phòng khách. Khói thuốc quyện với mùi xào nấu trong bếp toả ra ngầy ngật. Vợ chồng người chủ nhà niềm nở tiếp đón. Những người đàn bà nhìn ông soi mói. Tuấn, anh chàng họa sĩ chưa bao giờ có tác phẩm đang ngồi ôm cây đàn guitar trong lòng đánh tưng tưng. Người con gái chăm chú lật từng trang tập nhạc tìm bài hát. Gương mặt gẫy gập. Đôi môi màu bạc bóng nhẫy. Diêm dúa. Màu son bạc thếch khiến cho hàng răng hơi ố của cô trông không được sạch sẽ cho lắm. Cô khe khẽ hát vài câu trong một bài nào đó. Giọng hát sượng sần cất lên, chưa dứt hết một hơi đã vội vàng tắt ngủm. Như con diều bay là đà trên bãi cỏ rồi xiểng niểng té nhào, không một lời trăn trối. Nhưng cô vẫn thản nhiên cười trừ, và bàn tay lại lật túa xua qua vài trang kế tiếp. Chiếc váy dài xuống tận đôi giày cao gót cao lêu nghêu. Người đàn bà khác ngồi trong một góc ghế ồn ào xem cuốn album trong khi Thu, người chủ nhà, không ngừng nói về những nhân vật trong ảnh. Hoàng hăm hở giới thiệu ông với từng người. Những cái bắt tay đầy máy móc. Những nụ cười đóng trong khuôn sáo. Ông Thanh vừa ngồi xuống ghế, Hoàng đã vồn vã:
"Anh uống gì nào? Làm một ly cho ấm nhé?"
Ông Thanh cười gượng:
"Anh em uống gì thì cho tôi cái ấy!"
Hoành xun xoe. Những ngón tay mở ra:
"Nhà có Budweiser, Heineken, rượu chát và có nước mắm! Nước mắm nhé?"
Không đợi ông Thanh trả lời, Hoàng với tay lấy chai cognac trên bàn, đổ vào cái ly thủy tinh đặt sẵn trước mặt khách. Những giọt rượu vàng óng, lấp lánh. Xong, hắn tíu tít chuyển cho ông Thanh một tạp chí mỏng, in vụng về:
"Đây anh xem, đẹp không? Tạp chí "Thân Hữu" số 3 đấy! Bìa bốn màu nhé! Tranh của họa sĩ Tuấn nhé!"
Ông Thanh cười cười, đón lấy xấp giấy. Ông lật từng tờ xem có vẻ chăm chú trong khi một thanh niên khác nói bô bô:
"Ông chủ bút nhà mình nhất rồi! Cả thành phố chỉ có tờ báo này thôi đấy! Chị Hoành có bài thơ hay lắm cơ! Anh Đạt còn ..."chuyển ngữ" ra một bài thơ trứ danh của Tagore. Anh Tuấn ngoài vẽ bìa ra còn cống hiến một bài về Chagall nữa ấy! Số sau mình sẽ đi luôn một bài về đại văn hào Dostoievski."
Ông Thanh cười gượng gạo:
"Ai viết vậy anh?"
Tuấn ngừng tay đàn, chắc lưỡi, chỉ ngay một người nhỏ thó ngồi bên ly rượu với gương mặt đỏ kè:
"Thì bác sĩ Đạt sẽ..."chuyển ngữ" ra chứ còn ai trồng khoai đất này!"
Ông Thanh ngơ ngác, lờ mờ tự phân tích cái động từ mới lạ kia. Cả căn nhà ùa vỡ trong tiếng cười. Chờ cho mọi người lắng xuống, Hoành mới đằng hắng, trịnh trọng lên tiếng:
"Hôm nay anh em "Thân Hữu" tới hội họp đông đủ thật là vui! Ngoài chuyện vui chơi với nhau, anh thủ quỷ của "Thân Hữu", anh Khuê, xin có vài lời thưa chuyện với các anh chị, trong tinh thần "Thân Hữu". Vâng, xin mời anh Khuê..."
Người đàn ông tên Khuê nãy giờ vẫn ngồi im với thái độ nghiêm trang, nôn nóng chồm dậy tới gần hơn. Hai tay đan vào nhau. Mắt nhìn xuống bàn. Giọng trầm trầm:
"Dạ vâng, thưa các anh chị! Hôm nay thì nhóm Thân Hữu của chúng ta đã có ba số báo rồi! Về hình thức tuy còn đơn sơ, nhưng phí tổn không phải là không có! Lâu nay, tất cả anh chị em không ít thì nhiều cũng góp tay vô việc in ấn. Nhưng sức người có hạn! Ngoài việc tờ báo ra, chúng ta phải có một tiến trình xa hơn, duy trì sự tồn tại của "Thân Hữu". Lâu nay, vài người trong anh em chúng tôi có kế hoạch viết một cái dự án nho nhỏ và tiến hành việc xin quỹ của tiểu bang...Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta cần phải hoạt động tích cực hơn... Chẳng hạn như bước thêm vào lãnh vực cộng đồng tị nạn, hướng dẫn những người thiếu nhu cầu như xin việc làm, thông dịch, xin trợ cấp v.v.."
Ông Thanh từ tốn ngắt lời:
"Ngân quỹ dành cho người Việt Nam tị nạn lâu nay đã bị cắt gần hết! Hơn nữa, những năm gần đây không còn bao nhiêu người Việt Nam ở cái thành phố nhỏ bé này nữa! Ở đây đâu còn lại bao nhiêu người."
Lần này đến phiên Hoành hấp tấp nói nhanh:
"Anh nói vậy chứ, cũng có người vẫn còn chưa hội nhập với đời sống mới. Như tuần vừa rồi chúng tôi phải nhờ chị Hoa đưa dùm gia đình kia đi bác sĩ, và vài người khác đi xin việc làm. Bởi vì mình chưa thật sự có một tổ chức nào đứng ra làm việc này nên họ không có ai để nhờ vã."
Ông Thanh trầm ngâm, nói bằng giọng điệu mệt mỏi:
"Thật ra cũng có người cần đấy chứ không phải là không ...Qúi vị có biết hiện giờ có một người thanh niên Việt Nam nửa điên, nửa tỉnh đang lang thang khắp vỉa hè; cơm không có ăn, áo không có mặc không? Trời lạnh như vậy, không hiểu anh ta sống bằng cách nào?"
Người con gái ngồi bên Tuấn reo lên:
"A, có phải cái anh chàng lang thang dưới phố không ạ?"
Ông Thanh làm thinh không trả lời. Mấy người đàn bà thì thào:
"Hình như anh ta tên Lâm thì phải."
Vừa lúc đó, cánh cửa xịch mở. Một bóng người ngỡ ngàng bước vào nhà. Đôi giày bám đầy tuyết. Mọi người quay lại. Vài ba tiếng chào cất lên trong đám khách:"Thưa bác!". Người đàn ông đưa tay chào, môi nở một nụ cười. Thu khẽ nhắc:
"Ba, ba coi chừng tuyết vấy vào thảm kìa!"
Người đàn ông lớn tuổi luống cuống đặt tờ báo đang cầm trên tay xuống nền gạch, líu quíu tháo giầy. Miệng bối rối trả lời con dâu:
"Ừ, ừ...Ba biết rồi!"
Vài người đứng dậy chào. Mắt nhìn ông chăm chú. Hoàng vừa rót rượu vừa ngó cha, nói nhỏ với mọi người:
"Ông cụ tôi..."
Người đàn bà lớn tuổi có vẻ thân thiết với Thu tấm tắc khen:
"Ông cụ có phước nhỉ ? Qua đến Mỹ mà còn có dâu với con trai như vậy."
Hai người đàn bà kín đáo trao cho nhau một cái nhìn khó hiểu. Tuấn lớn tiếng hỏi:
"Bác mới về ạ!"
Người đàn ông đưa tay vuốt mái tóc bạc đã gần hết, vui vẻ trả lời:
"Vâng, anh"
"Bác vẫn khoẻ, thưa bác?"
Ông cười:
"Cám ơn! Tôi vẫn khoẻ.."
Và ông vội vàng nói nhanh:
"Các anh ngồi chơi, tôi xin phép nhé!"
Tuấn lễ phép dạ vâng, rồi thì thầm với mấy người bên cạnh:
"Ông cụ chăm lắm! Lúc trước, vừa đi làm vừa đi học. Bọn sinh viên ở đây nhiều khi phải kiếm cụ nhờ viết bài dùm nữa đấy!"
Nhìn người đàn ông suýt soát tuổi mình, vai vế khác nhau, ông Thanh ngượng ngập không biết phải xưng hô như thế nào. Ông lặng lẽ ngồi im, không nói năng gì hết. Người cha chào hỏi mọi người xong rồi lủi thủi bỏ vào phòng, ở miết trong ấy. Bên ngoài phòng khách, Hoành vẫn ồn ào tiếp khách. Trên bàn ăn, chén đũa bắt đầu khua rổn rảng. Mọi người đã vào bàn nhưng Hoành không nhắc nhở gì đến cha. Ông Thanh ngại ngùng cất tiếng:
"Ông cụ đâu? Mời ông cụ ra dùng bữa chứ!"
Tuấn nói nhỏ:
"Anh Hoành, mời bác ra ăn cơm đi chứ!"
Hoành quay qua nhìn vợ thật nhanh.
Thu uể oải đứng dậy đi vào trong. Khi mọi người đã ồn ào ăn uống, người đàn ông mới bước ra bàn. Quần áo chỉnh tề. Ông ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh ông Thanh. Câu chuyện xoay vần hết đề tài này đến đề tài kia. Người cha âm thầm lắng nghe trong chịu đựng, thỉnh thoảng mím môi cười một mình. Nhũng mẩu chuyện trong bàn tiệc xoay vần về Lâm, một người đồng hương đáng thương. Họ dự trù sẽ kiếm Lâm. Vì tình đồng hương, vì lòng từ thiện. Sau bữa cơm, hai người đàn ông lớn tuối ngồi lại bên lò sưởi hồng ấm áp và bình trà nóng, nhắc lại từng con đường, từng địa danh của thành phố đã mất tên. Những người khác đã kéo ra phòng khách, vây quanh anh chàng nhạc sĩ. Cuộc chơi bắt đầu. giọng hát nhão nhoẹt của người con gái đang cố đuổi theo tiếng đàn của chàng hoạ sĩ. Đàn đi một đường, giọng hát đi một nẻo. Xập xình. Xập xình.
Bên ngoài; trời căm căm, rét mướt. Gió hung hăng, xới tung những lớp tuyết nhẹ như bông vừa vun từng lớp trên mặt đất. Trên bộ salon diêm dúa, có người nào còn nghĩ đến Lâm? Đêm nay, như nhiều đềm sẽ đi qua, người con trai Việt Nam kia đang kiệt sức vì đói cơm, rét áo. Không một đốm lửa hồng. Không một tấm chăn êm. Khi trời uống zero độ, anh có thể sẽ chết co quắp. Nỗi đau khổ sẽ tan đi. Không còn đau khổ, không còn bất hạnh thì không còn những nhà từ thiện. Và giấc mơ hoà bình đối với anh sẽ vĩnh viễn không còn cần thiết nữa!....