Khoảng giữa tháng, lá đổi màu thật nhanh. Mới vài ngày trước đây cây còn xanh lá. Qua vài trận mưa; trời trở lạnh, cỏ cây bắt đầu nhợt nhạt như người đang kiệt sức. Lá vàng võ, ủ ê. Thoắt đi vài hôm, lá ngã sang một màu đỏ bầm, vàng ráng. Rừng phong rực rỡ như nàng vương phi trong tà áo ngũ sắc, từ tạ quân vương lần cuối cùng trước khi lui vào chốn lãnh cung. Bầy chim phản trắc, bỏ rừng đi gần hết. Những chú nai con thấp thoáng bên ven rừng. Thỉnh thoảng, có con nằm chết một mình bên lề xa lộ. Cái chết đến bất chợt ở chỗ không ngờ. Trong sân nhà ai, chiếc kén sâu tiêu điều treo lơ lửng trên cành đào khô. Những con sâu bỏ cành, tìm chỗ trú hay đã hoá thân thành đàn bướm nhỏ từ Xuân trước. Mấy chiếc xe tải chở đầy bí đỏ xăng xái vào thành phố, chuẩn bị cho ngày lễ Cô Hồn sắp đến. Vài ba sạp dựng lên sơ sài, vội vàng ở vạt đất trống nào đó bên lề đường. Những chậu cúc rực rỡ xếp hàng bên cạnh đống bí đỏ au. Người chủ sạp ngồi lấp lửng trên ụ rơm khô, thấp thỏm rao mời. Mùa Thu, hầu như nhà nào cũng có vài trái bí đỏ bóng bên thềm và những chùm bắp khô vàng nâu treo tòng teng trước cửa.
Trời lành lạnh. Càng về Thu, buổi chiều đến thật nhanh và đêm dài như bất tận. Chiều chưa tắt nắng, đêm đã tham lam tràn về. Đêm dài. Ngày ngắn. Thời tiết bốc đồng như mụ đàn bà dở hơi. Khi lạnh. Khi ấm. Khi mưa. Khi nắng. Mây che kín. Trời lúc nào cũng ui ui. Nắng hiếm hoi. Những hôm có nắng thường vào lúc cuối tháng. Huyền thoại cho rằng trong khoảng thời gian nầy, những thần linh của dân da đỏ rủ nhau về thắp ngày lên bằng những tia nắng lạ. Dân trong bộ lạc chuẩn bị làm lễ giao mùa, tạ ơn Thượng Đế đã ban cho thần dân một mùa gặt ưng ý. Tuần lễ này nắng thường đẹp nhất, rực rỡ nhất, vàng nhất! Dân trong vùng gọi mùa nắng ấy là "Indian Summer".
Những buổi tối mùa Thu cũng lạ kỳ. Mưa vẫn thường rơi lúc nửa khuya. Những cơn mưa rưới trên đám lá khô, dấy lên mùi thơm của lá mục. Tiếng mưa thì thầm, ray rức. Đêm trăn trở. Bầy côn trùng thao thức trong tiếng gọi hồn của đất. Đất ngàn năm. Đất trăm năm. Đất già nùa theo những thăng trầm của cây cỏ, nên đất chờ mong những giọt mưa thủy chung. Mưa rơi từng giọt, từng giọt. Nhẹ nhàng, câm nín như nước mắt của người cô phụ. Lá khô xào xạc. Bầy nai đi ăn đêm bên ven rừng, đứng ngơ ngác với đôi mắt mở lớn nhìn những ngọn đèn xe chói sáng bay vút qua. Tiếng dế mèn kêu ra rả. Sương như áo mỏng. Gió cất giọng cười ma quỉ trên đọt cao.
Tháng mười lạnh se sắt. Lò sưỡi được đốt lên. Mùi củi cháy thoang thoảng. Những chiếc áo len lôi ra từ dưới đáy rương, thơm mùi long não. Vài ba thằng bé con má đỏ ửng, xinh xắn như chú hài đồng gõ cửa từng nhà, xin quét lá kiếm thêm tiền mua quà. Gã cùng tử đứng co ro trong góc phố, ngơ ngác, thèm thuồng nhìn bầy chim bỏ tổ chấp cánh kéo nhau đi tìm mặt trời. Chúng hẹn nhau tụ lại từng đàn như đám biểu tình, đậu giăng mắc trên những đường dây điện thoại, chuẩn bị cho cuộc hành trình mờ mịt.
Thành phố hiền hoà, cổ kính. Giòng sông rộng uốn quanh con phố, nằm song song giữa con đường lớn và dãy rừng thưa, sát bên chân núi. Núi màu xanh lam. Sông màu trắng bạc. Nước trong vắt. Suốt suốt như gương. Sông uốn vật vờ. Linh động. Người da đỏ đặt cho con sông này cái tên tuyệt vọng là "Vô Bờ", tên buồn như cuộc tình không lối thoát. Bờ sông đẹp. Cỏ mềm. Xanh. Dăm ba cái ghế đá đặt rải rác bên bờ cho khách bộ hành nghỉ chân. Đây, nơi nhộn nhịp nhất trong thành phố với những buổi đua thuyền hay hội chợ vào mùa hè ấm áp. Đồng cỏ còn tươi mỡn nhưng những chùm lá phong đã nhuốm màu vàng, nâu, cam, đỏ. Lá bắt đầu rơi nhiều lắm. Dãy phong già của mép rừng bên kia bờ thi nhau trút lá xuống giòng sông. Trời gió. Đám lá bị ném ào xuống một lượt. Lúc đầu, đám lá ngơ ngác xoắn xuýt bên nhau; sau vài đợt sóng dập vùi, chúng tản mản như đám bèo vỡ. Trôi. Trôi. Trôi về những nơi không phải là cội nguồn. Mòn mỏi. Tả tơi. Dạt chìm trên bãi hoang, đem thân làm phù sa tiếp sức cho sông nuôi sống những cành non vừa mới chớm.
Mấy khu vườn nhỏ co ro, xơ xác. Trừ mấy khóm cúc, các loài hoa khác trong vườn có nét ủ rũ., phôi pha của người đàn bà mất dần những chuổi ngày xuân sắc. Giàn nho trụi lá, trơ lại những sợi dây nho khô xám, buồn rầu, quấn quýt bên nhau như mớ tóc khô. Thường, các người nội trợ khéo tay hay cắt chúng xuống, bó thành vòng tròn, thắt lên đó một cái nơ xinh xinh, đính vài trái bắp nâu, vàng, bé tí teo; đem treo trước cửa. Giản dị. Đẹp mắt.
Lũ con nít xôn xao với ngày lễ Cô Hồn sắp đến. Bầy sóc nhỏ rộn rã thu nhặt mớ hạt dẻ rơi rớt về dự trữ cho qua mùa lạnh. Những người cha hăm hở chờ đón chuyến săn nai, chim trĩ. Và các bà mẹ thì tất bật hái các thứ rau, trái trong vườn; cắt cắt, gói gói, bỏ vào tủ đá để dành. Những rỗ cà chua chín đỏ được nấu thành sốt, cho vô lọ thủy tinh, xếp hàng hàng trên thành cửa bếp, ánh lên một màu đỏ gạch, mặn mà, mời gọi dưới những tia nắng....
Khu chung cư của Ngâu nằm trong khu sầm uất nhất của thành phố. Vài năm trước có đến dăm ba gia đình Việt Nam ở. Dần dần, họ dọn đi về những vùng nắng ấm hết. Ba cô bạn cùng phòng với Ngâu từ những ngày đầu tiên cũng không chịu nỗi đời sống quạnh quẽ của thành phố cũng bỏ đi. Rốt cuộc chỉ còn lại Ngâu và Đính. Ngâu ở từng thứ bốn mươi hai, nhìn xuống cả thành phố nằm bên ven bờ của một giòng sông lớn ở bên dưới. Đính ở phòng cuối hành lang với Đông một ngưòi bạn khá lớn tuổi. Đông trầm mặc, dịu dàng. Đính hiền hoà, ít nói. Cuối năm ngoái, vợ chồng Đông được đoàn tụ. Hai vợ chồng bỏ thành phố, mua một căn nhà nhỏ ở một vùng quê cách đây mấy tiếng lái xe. Thỉnh thoảng cuối tuần, Ngâu và Đính lái xe xuống chơi.
Buổi sáng, chiếc xe búyt màu vàng chui ra khỏi hai hàng phong, uể oải bò lên đầu dốc như con tằm no dâu. Đám trẻ con đeo cặp vở nhốn nháo cả lên. Cánh cửa xe mở xịch. Những bàn tay vẫy vẫy. Những cái hôn kêu chùn chụt. Một bà mẹ gọi với theo con., dặn dò gì đó. Huệ hôn lên má con, đứng lùi lại nhìn Kennifer theo chị Jane của nó và đám bạn leo lên xe. Xe lăn nhẹ trên con đường ướt. Huệ cho hai tay vào túi áo len rộng, lửng thửng quay về nhà. Già Paul đang nhặt tờ nhật trình trước cửa, ngước mắt nhìn Huệ ơ hờ. Lão ta chưa bao giờ thân thiện với Huệ, dù dăm ba lần Huệ vui vẻ chào lão. Mặt ông già bao giờ cũng khó đăm đăm. Gặp già Paul là bực bội cả buổi. Sáng nào đưa các con đi học, Huệ vẫn thấy già Paul quần áo chỉnh tề, cẩn trọng kéo ngọn cờ ba màu xanh-trắng-đỏ trước nhà lên cao. Và mỗi buổi tối, lão hạ lá cờ xuống cuốn, gói, đem vào nhà cẩn thận. Lão Paul làm cái công việc ấy năm này sang năm khác, bất kể những ngày mưa bão hay giông tuyết. Con gái lão, một người đàn bà goá chồng cũng chẳng vồn vã với cuộc đời cho lắm. Bà không giao du với ai. Thỉnh thoảng, Huệ vẫn gặp bà đưa già Paul đi lễ ngày chủ nhật.
Có lẽ lần duy nhất Huệ nhìn thấy họ cười là hôm lão Paul có mặt trong đoàn diễn hành ngày Cựu Chiến Binh vừa rồi. Hôm đó, thiên hạ đổ dồn bên bờ sông vừa ăn picnic, vừa đón đoàn diễn hành đi qua. Gayle, con gái lão Paul và hai đứa con trai của bà đã hãnh diện biết bao nhiêu khi nhìn thấy ông trong bộ quân phục của thời đệ nhị thế chiến. Ông rạng rỡ cười khi thấy họ tay cầm cờ xí reo hò, cổ võ. Gayle vừa cười vừa hoan hô bố. Nhưng nụ cưòi của bà vụt biến nhanh chóng khi nhìn thấy vợ chồng Huệ đi trờ tới. Không phải tất cả hàng xóm của Huệ đều như thế. Cặp vợ chồng ông Frank đối diện Huệ bao giờ cũng vồn vã. Bà Anne, một người Mỹ gốc Đức lúc nào cũng dịu dàng cởi mở với Huệ. Linda, người hàng xóm kế bên, vẫn thường lân la qua chơi, khoe với Huệ từng củ hoa Uất Kim Hương hiếm hoi mà bà mới mua được, hay tỉ mỉ hỏi Huệ những công dụng của các loài rau húng Huệ trồng. Và Lâm, người con trai tị nạn, sống một mình ở tuốt cuối con dốc mà cô bạn nhỏ tên Ngâu của Huệ thường ai hoài, lo lắng vì con người nửa mê, nửa tỉnh không thích nghi với cuộc đổi đời quá tàn khốc của anh. Dần dần, anh bị đời sống bỏ quên hay ngay chính Lâm chọn quên luôn đời sống. Quên, liều thuốc đắng hay nhất để tồn tại trong những tai ương khắc nghiệt của kiếp người....
Buổi trưa Ngâu ghé qua, Huệ đang lui cui bên góc vườn rau thơm của cô. Chung quanh Huệ lủ khủ mớ thau chậu. Cả người Huệ lấm lem. Cô bò ra đất, cẩn trọng bứng từng gốc rau trồng vô chậu, nâng niu từng tí. Những cánh hoa khổ qua vàng lay lay sau lưng cô, mỏng mảnh như đàn bướm nhỏ. Thấy Ngâu, cô nhoẻn miệng cười tươi. Những giọt mồ hôi lấm tấm như tơ rịn ra trên lớp da nâu nâu. Lúc này, cô có vẻ nhu mì mộc mạc của người đàn bà miền Nam. Cô dùng cườm tay hất những sợi tóc vắt ngang mày:
"Úi chà! Đi đâu đây?"
Ngâu cười hiền lành:
"Hôm nay mới rảnh rỗi, ghé thăm chị!"
Huệ trề môi, cười thành tiếng:
"Dữ hôn!"
"Mấy nhỏ đâu chị?"
"Mới đi học về, coi ti-vi trong kia!"
Ngâu chỉ những thứ lỉnh kỉnh dưới chân:
"Làm gì thế này?"
Huệ chỉ đám rau, giọng tiếc nuối:
"Định bứng mấy gốc đem vô nhà trồng tiếp trong mùa Đông. Uổng quá! Mùa hè năm nay ngắn thiệt. Trời lạnh, đám rau này sẽ chết hết!"
"Đem vô nhà có sống không ?"
"Miễn đủ nắng thì chắc hổng sao! Chỉ bực là thằng Wayne nó càu nhàu, chê chật nhà. Đồ mắc dịch! Vậy mà khi ăn thì nó ăn nhiều hơn ai hết!"
Quá quen với lối gọi chồng bằng "Thằng", hay "Nó" của Huệ , nên Ngâu không thấy khó chịu nữa. Ngâu cười cười:
"Ổng biết ăn rau thơm hả chị?"
Huệ trề môi:
"Khỏi chê! Cái gì cũng làm láng hết!"
Huệ đứng lên chống tay sau lưng, ưỡn người kêu mỏi quá. Cô vất cái xuổng con xuống đất, cúi người bưng hai chậu rau lên. Ngâu mau mắn giúp Huệ một tay. Hai người vừa lễ mễ bưng cây vào nhà, vừa trò chuyện. Huệ hỏi:
"Lúc này có gặp ông Lâm không Ngâu?"
"Không, dạo này lu bu quá! Chị có gặp anh ấy sao?"
Người đàn bà chắc lưỡi:
"Lâu nay ổng biến đâu mất tiêu. Người gì như ma, đến giờ thiêng mới hiện."
"Chắc cũng loanh quanh đâu đó thôi!"
"Ừ! ...Ngâu còn làm cho nhà thờ gì đó không ?"
"Vẫn kiếm chưa ra việc khác đành phải làmthôi"
"Làm đâu cũng vậy, miễn họ trả lương khá được rồi!"
Ngâu nhăn mặt:
"Tối ngày đọc mấy cái thư đó muốn phát khùng luôn!"
"Công việc nhàn thấy mồ, sao lại khùng?"
Ngâu lắc đầu, kể cho Huệ nghe về những bao bố đầy nghẹt thư gửi đến nhà thờ từ khắp nơi mà cô và mấy chục bạn đồng nghiệp khác phải đọc mỗi ngày trong suốt tám giờ đồng hồ. Mỗi lá thư là một câu chuyện đau lòng, là tiếng kêu tuyệt vọng gửi đến người mục sư khả kính của họ, sứ thần của Thượng Đế. Thường, những lá thư kèm theo ngân phiếu. Thư gửi đến cả chục bao bố. Ông mục sư chỉ đích thân đọc những lá thư gửi thẳng đến ông từ những tín đồ "lớn". Những người nầy thường là những bà già chết chồng, giàu sụ, không con cái, gần đất xa trời, có nhà, có đất. Mỗi nhân viên có tiêu chuẩn phải đọc, ít nhất là hai trăm lá thư. Như các thiên thần giàu lòng bác ái, bọn Ngâu phải biết người trong thư muốn xin gì, cúng bao nhiêu tiền cho nhà thờ. Có những lá thư dài dòng viết bằng nước mắt. Có những lá thư tỉnh bơ mặc cả:"Lạy Chúa, xin Chúa cho con chiếc xe mới! Con đón xe buýt đi làm mỗi bốn giờ sáng, lạnh lẽo quá Chúa ơi! Hôm tuần trước con bị xui xẻo, suýt chút nữa thì bỏ mạng vì một tên cướp giựt mất hai đồng bạc tiền xe của con! Nếu Chúa cho con chiếc xe mới con sẽ biết ơn Chúa biết bao nhiêu. Khi đi lễ Chủ Nhật, con cũng sẽ bỏ tiền vào rổ. Con sẽ không yêu ai nhiều hơn yêu Chúa! Chúa là số một! Con sẽ vinh danh công lao Chúa vói tất cả bạn bè, nhiều người sẽ biết đến Chúa! Cám ơn Chúa! Tái bút: Con thích xe màu đỏ, hiệu Cadillac Chúa nhé!" Biết người gửi muốn gì, bọn Ngâu liền ghi số mật mã "X" của "Xe" xuống. Cuối ngày, những lá thư này được đưa xuống phòng điện toán. Khoảng tuần lễ sau, con chiên đó nhận được lá thư hồi âm đại khái như:
"Bạn cứ vững lòng tin và hãy tiếp tục cầu nguyện. Và nhất là hãy siêng năng cần mẫn để xứng đáng là con yêu của Chúa. Lời cầu xin của bạn sẽ ứng nghiệm trong một ngày rất gần. Chúc bạn nhiều may mắn và thịnh vượng."
Và cứ như thế, họ tiếp tục cầu nguyện và chờ đợi, chịu khó đón xe buýt thêm một thời gian rồi ngày nào đó cái xe sẽ hiện đến ...
Huệ chắc lưỡi:
"Như vậy thì ông ta giàu ghê lắm phải không Ngâu?"
Ngâu im lặng không trả lời, ánh mắt đăm chiêu. Huệ đẩy nhẹ vai Ngâu:
"Nghĩ gì mà sững ra vậy? Biết hôn? Ông Lâm cũng hay như vậy đó! Nhiều lúc, ổng cứ như người mất hồn!"
Ngâu giật mình, ngơ ngác:
"Vậy à?"
Huệ chớp mắt:
"Không biết nữa! Lúc trước lâu lâu ổng cũng tới đây; đứng xớ rớ một hồi rồi biến mất tiêu!"
.... .....
"Người gì đâu mà kỳ cục! Lầm lầm lì lì! Hiền như cục đất!"
Ngâu cười thành tiếng, nhái giọng Nam của Huệ :
"Kỳ dzậy! Hiền mà cũng bị quở nữa sao?"
"Không phải! Ổng cứ như người chết rồi! Tối ngày chỉ biết có cà-phê! Hết uống cà-phê thì ngủ, hết ngủ lại uống cà phê. Lúc này ổng còn bày đặt nuôi mấy con thằn lằn, thấy mà ghê!"
"... .....
"Ổng vừa tàng tàng...dại dại, vừa bất cần làm sao!"
Đôi mắt long lanh lo lắng và giọng nói nao nao của Huệ khiến Ngâu ái ngại, cô nói nhỏ:
"Chắc ảnh buồn! Ở đây quạnh quẽ quá, ngày tháng cứ dài ra! Đôi khi sự cô đơn cũng làm người ta khật khừ! Có rảnh, chị nên trò chuyện với anh ấy!...."
Không nhìn Ngâu, Huệ se sẽ gật đầu. Hai đứa con Huệ chạy ùa đến khi trông thấy Ngâu. Jennifer cuống quít cười trơ cả nướu trong khi Jane tíu tít không ngừng. Chúng giống Wayne nhiều hơn. Tóc quăn tít. Hai cái mông nhỏ xíu, cong vòng. Vành môi dày. Da đen bóng. Bốn bàn tay nhỏ xíu xoắn xuýt quanh Ngâu. Chờ cho Ngâu rửa tay xong, hai cô bé lập tức lôi kéo Ngâu ra phòng khách. Jane nũng nịu:
"Cô ơi! Đêm lễ Cô Hồn, cô dắt cháu với Jennifer đi xin kẹo nhé!"
Ngâu cười, vỗ nhẹ lên tay con bé:
"Ừ, để cô xem! Thế mấy đứa sẽ hoá trang là ai nào?"
Jane mau mắn:
"Ồ! Mẹ may áo cho cháu đẹp...lắm! Cháu là con ong vàng thiệt là vàng, còn Jennifer thì làm con chuột nhắt".
Jennifer cười tít mắt khi nghe nhắc đến tên mình. Ngâu kéo Jennifer vào lòng, mặt giả vờ nghiêm trọng:
"À.., cô biết rồi! Con ong có cái vòi để chích vô ...đít con chuột hay ăn vụng đó phải không ?"
Hai cô bé khoái chí cười nghiêng ngữa. Huệ bưng đến cho Ngâu một lát bánh táo còn nóng hổi, thơm phức. Cô lẳng lặng ngồi kế bên, lắng nghe Ngâu nói chuyện với hai đứa con của mình. Thỉnh thoảng cô dấu cơn xúc cảm của mình bằng cách gắt con:" Thôi! Để cho cô ăn bánh đi, đừng phá cô nữa!"; hay chốc chốc lại càu nhàu:"Có bộ đồ mà cứ khoe hoài!". Ngâu chưa bao giờ thấy Huệ buồn quá năm phút. Huệ sống như cây cỏ. Mưa bên này thì nghiêng bên kia. Y hệt như cuộc đời của Huệ . Lớn lên, bị ném vào đời bằng những cú đau đớn. Bao nhiêu năm nay, cô vẫn lướt qua hết nỗi nhục nhằn. Mười ngón chân bấu lấy cuộc đời. Gót chân dẫm xuống. Lời khen, tiếng chê nằm dưới gan bàn chân. Bước tới. Trườn tới. Bò tới. Như con rắn cố trườn mình qua đám cỏ khô. Và khi nào quá trầy trụa, đau đớn thì lặng lẽ tìm một hốc đá ẩn mình, liếm láp hết tủi hờn, và tiếp tục đi hết đoạn đời trước mặt. Khi bị xô chúi nhủi, cô lồm cồm bò dậy, không cần biết lý do tại sao bị ném. Không cần biết ai ném. Cô chập chững lê từng bước đến với cuộc đời, mê muội như người đi theo gánh xiếc. Như con bê con đeo theo vú mẹ. Cô trôi theo thời gian, theo cuộc đời và tiếp tục chấp nhận sự bất công của đời sống bằng một cái nhìn ngu ngơ, hiển nhiên. Và nỗi ngu ngơ, mê muội của cô vẫn bộc phát được sự can đảm và lòng ham sống mãnh liệt trong vô thức mà ngay chính Huệ cũng không hình dung được .
Huệ lớn hơn Ngâu đến năm, sáu tuổi. Hai người quen nhau vào mùa hè khi cùng làm việc cho một tiệm quần áo rất sang dưới phố. Huệ tỉ tê với Ngâu đủ thứ chuyện. Từ chuyện hai đứa con của cô bị lên đậu nên cô phải thức suốt đêm, chuyện cô cặm cụi chiên hằng trăm cuốn chả giò cho gia đình chồng cho đến chuyện hoa trôi bèo rữa của đời con gái. Chuyện nào Huệ cũng kể bằng một giọng điệu giống nhau. Ngôn ngữ của Huệ là thứ ngôn ngữ "trống không" như con người của Huệ. Cô thường bắt đầu bằng những câu:"Biết hôn? hôm qua...biết hôn? hồi đó...Hồi đó nhà mình nghèo lắm. Cơm hổng có mà ăn. Bà già nuôi hổng nỗi mới giao cho người bà con nuôi dùm. Nuôi dùm, cái búa! Ở đợ không công thì có! Vậy mà tối ngày cứ bị thằng con của bà chủ hăm he đánh hoài! Hôm nào nó khảo không ra tiền của mẹ nó là nó kiếm chuyện! Biết hôn? Có bữa bị nó đánh chảy máu đầu, máu ra lênh láng. Bà già sợ có ngày ông quí tử đi tù nên đưa mình đi ở cho người khác. Mấy người này giàu ghê lắm Ngâu ơi! ...Họ có phòng cho Mỹ thuê. Tưởng được yên thân rồi, vậy mà ...Biết hôn? Bữa đó đang đi làm bị thằng Mỹ già nó hãm. Hãm xong nó cho mấy đồng bạc rồi đuổi về. Hồi đó sao mà ngu ghê Ngâu ơi! Hổng biết gì hết trơn hết trọi. Đâu biết mất trinh là cái gì đâu, cứ tưởng là có tháng! Rồi cũng xong! Sống lây lất một thời gian thì gặp thằng Wayne, nó đem về Mỹ luôn. Đẻ cho nó hai đứa con. Lúc đó tưởng đất Mỹ là cái gì ghê gớm lắm! Vậy mà cũng sống với nó cũng cả chục năm trời!... Biết hôn, hồi đó mới qua Mỹ, mình mê cây táo trồng ở nhà bà già chồng. Chời ơi! Năm nào nó cũng sai trái ghê lắm! Đỏ hết một góc vườn. Trái chĩu đầy cành. Cả nhà ăn không hết. Chim chóc ăn không hết. Trái rụng đầy hết góc sân. Mỗi lần tới nhà mẹ chồng là thêm một lần thấy bơ vơ , lạc lõng. Chỉ có cây táo đỏ vô tri là gần gũi nhất. Nói chuyện với gốc cây sướng hơn nói chuyện với bả. Mùi táo thơm dịu dàng. Dễ thở. Có lần đang lui cui dưới gốc táo thì bà già ra hạch hoẹ:"Tôi tưởng ở Việt Nam cô mới đói chứ, qua đây mà còn đói sao?" Đúng là bà già giết giặc! Bà già cà chua, cà chớn! Làm sao giải thích cho bả hiểu là mình không nỡ để cho mấy trái táo đó vữa đi vì cứ nghĩ đến có những đứa nhỏ ở quê mình cả đời không cắn được một miếng táo rơi như vậy. Vậy mà sau nầy bã thương mình lắm!"
Ngâu thương xót cái "trống không" đó của Huệ. Thương bằng thứ tình thương của một con người với một con người. Xót như xót một người tàn tật. Tình thương đó làm phai mờ hết những ranh giới dị biệt của hai người đến nỗi có lần Đính phải hỏi:"Nhỏ quen với cô Huệ đó trong trường hợp nào? Cô ấy lấy chồng Mỹ đen phải không ?" Và ông Thanh có lần buột miệng:"Trong cái cộng đồng nhỏ bé này, con phải cẩn thận trong chuyện bạn bè!"
Nhưng Ngâu thản nhiên như không . Cô vẫn nhởn nhơ đi với mẹ con Huệ đến những nơi có những con mắt nhìn họ như những cọng cỏ hoang trong một khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo. Đôi khi, những con mắt ấy thấp lè tè đến nỗi người bị nhìn bỗng cảm thấy mình nhỏ bé như hạt cát. Những con mắt sắc đến độ đau lòng...Ôi! Những con mắt trần gian, vừa hẹp, vừa nông và cực kỳ độc ác...
"Úi cha! Rồi, rồi..., đến giờ thiêng rồi! Cái..ông Lâm kia sao lại đến đây?"
Huệ vừa chỉ tay ra sau vườn, vừa nói tía lia.
Ngâu theo dõi ánh mắt của Huệ và nhìn thấy Lâm đứng ngơ ngẩn bên vườn rau . Hình như anh đứng đó đã lâu. Anh nghiêng người xuống bụi tía tô xanh, tía. Một tay hết rờ từng chiếc lá tía tô tím thẩm, hay nâng nịu từng chùm ớt chín. Tay kia đang nắm chặc. Thỉnh thoảng anh ngước nhìn giàn khổ qua trên đầu. Mơ màng. Hoang dại. Đôi môi hé mở. Nét mặt hiền như trẻ thơ. Những giọt nắng xuyên qua kẽ lá làm mắt anh nhíu lại. Đôi lông mày cong xoắn. Lâm chưa ngoài ba mươi nhưng cằn cỗi, héo hắt. Mắt chưa nhăn nhưng vầng trán đã có nếp tàn phá của những sự xung đột dữ dội của nội tâm. Huệ tất tả bước ra. Ngâu cũng vội vàng theo sau. Đến bên thềm cửa, Huệ lớn tiếng gọi:
"Anh Lâm, làm gì đó?"
Huệ gọi đến hai ba lần người thanh niên mới quay lại cười. Hàng răng thật trắng. Ngâu bước sát đến bên Huệ, ngập ngừng; chừng như e ngại sự có mặt của mọi người sẽ làm Lâm chao động trong một giấc chiêm bao nào đó. Ngâu cười, dịu dàng:
"Anh vẫn khoẻ chứ, anh Lâm?"
Nụ cười vẫn còn thoáng hiện trên môi Lâm nhưng chỉ trong một tíc tắc ánh mắt của anh đã chìm trong một cõi khác và tâm hồn như tản mản trôi về trăm phương hướng, giả như có những xiềng xích vô hình nào đó đang trói siết, hoàn toàn cô lập anh trong những thế giới rách nát riêng tư đầy những cơn mộng dữ. Như không nhìn thấy ai và không nghe gì hết, anh đưa mắt nhìn xuống luống rau, nói một mình:
"Rau...đẹp! Mẹ tôi cũng có một vườn rau như thế. Bà cụ yêu qúi nó lắm! Ngày nào cũng ra bắt sâu, tưới nước. Những con sâu của mẹ tôi lúc nào cũng được bà đối xử rất tử tế...Mẹ tôi khéo tay lắm! Đất khô cằn thế ấy mà bà trồng cây nào cũng lên. Đủ thứ rau, có cả cà nữa đấy"....
".... ...."
"Mà nầy, sao không trồng cà nhỉ?"
Huệ chỉ vào mấy bụi cà đang oằn những trái đỏ chín:
"Sao không? Cả đống kìa anh không thấy hả?"
Người thanh niên nhìn trân trân phía mấy bụi cà, giọng xa vắng như một người đang kể một chuyện rất xưa:
"Có một cô bé có hai bàn tay đẹp như tay tiên. Cầm cái gì cũng rơi, cũng rớt. Yếu đuối lắm. Dịu dàng lắm. Mỗi lần cô vô bếp đều bị bỏng hay đứt tay. Việc nhà vào tay cô thì hỏng bét. Cô bé của tôi hay bị mẹ rầy la nên mắt lúc nào cũng buồn như sắp khóc. Tôi thường lén mẹ hái cà trong vườn rau cho cô tỉa hoa. Lần nào cô cũng mừng rở lắm...Mắt long lanh như hai vì sao. Hình như ấy là mỗi công việc khiến cô say mê nhất. Tôi thích nhìn thấy cô vui. Khi cô vui, trời đất cũng vui theo.... Những lúc cô ngồi tỉa cà đẹp như cô tiên đang làm phép. Bàn tay dịu dàng. Thoăn thoắt. Không mấy chốc, những trái cà tầm thường của tôi đã biến thành những đoá hồng xinh xắn. Màu đỏ của cà thắm lên trên bàn tay cô mịn màng. Dưới ánh sáng phơn phớt, màu cà ửng lên đôi má hây hây. Lúc ấy, cô bé không hề biết tôi đang nhìn ngây ngất, và tự hứa mai kia sẽ trồng cả một vườn cà để cô bé của tôi làm một việc duy nhất là tỉa hoa"
Hai người phụ nữ lặng lẽ nhìn nhau. Jennifer và Jane lấm lét núp sau lưng mẹ. Bốn con mắt ngó Lâm lom lom. Lâm bất chợt thở hắt; như một người vừa tỉnh mộng, anh quay nhìn hai đứa bé:
"Con chị ấy hả?"
Huệ xẳng giọng:
"Ừ, con tui!"
"Nó tên gì?"
"Jennifer."
"Còn con bé kia?"
"Jane."
Lâm đưa bàn tay đang nắm chặc đến sát gương mặt bầu bĩnh của Jennifer. Những ngón tay mở ra. Chú sâu xanh tròn uốn cong người trên những đường chỉ tay rối rắm. Cô bé giật bắn người vì bất ngờ. Lâm nhếch môi:
"Cho nè!"
Huệ hét toáng lên:
"Chơi gì kỳ cục! Sâu bọ mà cho con nít".
Lâm nhìn chăm chăm vào đứa bé đang đứng im thin thít, với đôi mắt hiếu kỳ đang mở tròn xoe:
"Sợ à? Nó không sợ mình thôi chứ sao lại sợ nó? Chỉ là một con sâu thôi!"
Lập tức, Jennifer liền dấu mặt sau lưng mẹ. Huệ tiếp tục càu nhàu. Lâm nghiêng người xuống luống rau. Bàn tay mở ra, thả con sâu xanh xuống chiếc lá tía tô già nua. Mắt dõi theo nó từng hồi lâu, rồi bất chợt anh xoay người bước lửng thửng về phía cổng rào. Huệ tròn mắt, hỏi với theo:
"Về hả?"
Lâm cười nhỏ, không trả lời. Anh đưa tay chào Ngâu:
"Tôi về nghe cô...ấy!"
Huệ bực bội lắc đầu nhìn theo người thanh niên:
"Ấy, ấy cái gì? Thiệt là khùng điên! Chắc ổng bị ma nhập rồi đó! Ai đời gặp hai đứa nhỏ hà rầm mà lần nào cũng hỏi con ai! Nhiều khi chính ổng còn không biết ổng là ai, tên gì nữa chứ đừng nói!"
Ngâu quay đi khi bóng Lâm đã khuất sau bụi trà hoa nữ. Không ai bảo ai, cả hai người phụ nữ cùng nhìn về phía bụi cà. Gió lùa cành rất nhẹ. Những cánh hoa vàng trên đọt cà xanh non lay lay. Nhẹ nhàng. Mong manh. Ẻo lả như vạt áo. Những trái cà hồng ửng nằm trong đám lá trông yêu kiều như làn da con gái.