Bề ngoài cô gần như không thay đổi, chỉ hình như trở nên lặng lẽ và mềm dịu hơn. Và với sự nhẫn nại, dịu dàng tận tụy đến kinh ngạc, cô đảm nhiệm việc chăm nom người bạn gái bỗng dưng bắt đầu dần gầy mòn, suy kiệt, chẳng muốn điều gì cho bản thân, trừ khi vấp phải những thử thách mới hoặc lúc công việc khó khăn đòi hỏi phải cống hiến hết sức lực tinh thần và thể chất...
Điều lạ là cô không mất thói quen cười đùa, cũng không thu mình, nhưng có cái gì đó quan trọng, sinh động và mang bản tính con người đã biến mất trong mắt, trong giọng nói của cô, nên khi trò chuyện, mỗi phút tôi lại cảm thấy thêm khó xử, sợ sệt và thật xấu hổ, như gã phàm ăn vô độ cứ tọng đầy họng trước mắt một con người tự nguyện đày đọa bản thân chịu chết đói đang thản nhiên nhìn gã không mảy may ghen tị hay chê trách. Và luôn luôn, mỗi khi tiềm thức của tôi sợ sệt bắt được những rung động và các tia phát ra từ cái vũ trụ khó hiểu của cô, cảm giác như bằng luồng không khí man mác, nhẹ bỗng đang lướt xuyên qua tôi ý thức về cái gì đó khiến tôi không dám chống lại, nó hủy hoại tôi một cách nhẫn tâm...
Cô gái Amazon vẫn nói, không hề quan tâm lời nói có thể được hiểu hay biện minh không, còn tôi bỗng nóng bừng toàn thân vì nhớ rằng đêm trước ngày thứ hai lễ hội Hyacinthia tôi đã thấy đúng giấc mơ hệt như câu chuyện người đối thoại của tôi lúc này đang kể. Để không đi quá xa hoặc tránh đưa ra những kết luận, tôi buộc giới hạn mình với ý nghĩ Heraclitus có thể đã nhầm lẫn ở đâu đó khi khẳng định: “Những người mất ngủ có một thế giới chung; để ngủ được bất kỳ ai cũng phải lui về thế giới riêng tư của mình”.
Cô gái Amazon tiếp tục nói rành rẽ, có lẽ đã không thể bảo rằng cô bình thản và tin chắc đã chọn đúng cách, hoặc vì nỗi buồn cùng cực cô đã hoàn toàn dửng dưng trước mọi chuyện xảy ra với mình. Cô nói, hoàn toàn quên mất tôi, rồi bỗng ngẩng mặt lên trời, rên rỉ: “Người có nghe thấy tôi không? Hãy lấy đi hơi thở ở mũi tôi! Hãy lấy máu trong tim tôi! Tôi cầu xin người, hãy lấy đi...”. Không rõ những lời khẩn nài đó cô dành cho ai - nữ thần Hecate hay nữ kỵ sĩ nhỏ bất hạnh?!
Tôi cũng chẳng biết bề ngoài hoàn toàn không thay đổi ấy của cô có thực tốt hay không?!
Chuyện buồn của cô gái Amazon dũng cảm có lẽ cũng chỉ khơi gợi nỗi đau và những cay đắng ghê gớm, nếu tôi không được biết đến tận cùng sự thật là ngay sau cái chết của bạn gái cô đã lập tức trở về gặp mẹ, rồi đến thăm người bạn trai cũ thời đại học nay làm việc tại phòng thí nghiệm phiên bản để nhờ bảo quản toàn bộ chất liệu gene di truyền mới mang về. Còn nếu để ý sẽ thấy sau đó cô trở nên đặc biệt quan tâm tới tiến trình các thí nghiệm nhân bản vô tính, và tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi biết, vào một ngày đẹp trời cô đã sinh ra một bé gái da nâu, tóc xoăn, giống nữ kỵ sĩ nhỏ như giọt nước. Điều này tại sao lại không thể kia chứ?! Aphrodite vậy là đã giành lại người tình từ vương quốc bóng tối. Còn ngày ngày, với giọng nói vô cảm đứng trên bục giảng đường trường đại học đã giang tay đón cô trở lại, cô khiến lũ sinh viên bị kích động khao khát vuốt ve tấm thân mạnh mẽ và cân đối của mình bằng những cái nhìn thiêu đốt. Bao quanh cô là một quãng trống hệt bức tường làm tắt lặng mọi thanh âm và ngăn trở hoàn toàn ánh sáng. Nhưng người ta kể với tôi rằng dù vậy không phải bao giờ cô gái Amazon cũng hoàn toàn lãnh đạm. Có Trời biết tại sao chàng Adonis ẻo lả, béo mỡ lại làm cô ác cảm đến không thể không phát lộ ra bên ngoài, nó đánh thức trong lòng cô một nỗi bực tức ngấm ngầm, nhỏ nhen. Có thể cậu gợi nhắc trong cô nỗi đau lòng về em, về cái kẻ đã cướp người yêu dấu quý giá của cô, hoặc có thể cậu tận hưởng quá công khai điều mà cô đã quyết định vĩnh viễn chối bỏ. Nhưng dù vậy hay không, cứ có mặt Adonis là cô tức đỏ mặt tía tai, và những câu đùa của cô trở nên độc địa một cách hết sức bất nhã.
Cô nói, nếu mẹ cậu ta muốn có con trai, bà ta cần uống ba lần mỗi ngày thứ nước ép cây cúc bọ chét chữa kiết lỵ, hoặc nước ép cây cúc gai, hoặc ăn tinh hoàn, dạ con hay dạ dày thỏ, hoặc thịt bê non trộn lá cỏ aristolochia bỏ lò, hoặc ít ra cũng là tinh hoàn gà trống, còn treo bùa phallic trên cổ đứa trẻ sơ sinh là hoàn toàn vô ích, bởi vì đứa trẻ của bà ta bất luận thế nào cũng sẽ không bao giờ thành đàn ông được. Hoặc cô khuyên ông bá tước không nhai cây brya ở gần cái chậu tiểu đêm của Adonis, bởi vì các pháp sư cam đoan hỗn hợp tro đốt loại cây này trộn nước tiểu bọn quan hoạn có thể dẫn đến chứng liệt dương. Cô bảo tốt nhất nên mang nước tiểu của cậu bán cho các bà bất hạnh làm thuốc công hiệu trăm phần trăm chữa chứng vô sinh.
Còn sau khi tình cờ nghe cậu bé lỡ miệng thốt lên âu yếm “Gullibursti”, cô phá lên cười ha hả, rồi nhại giọng, gọi luôn Adonis đang đỏ mặt tía tai là “Poston”, như dân Hy Lạp nựng nịu trẻ con bằng lối nói giảm có tên gọi nhạt nhẽo trong tiếng Latin là membrum virile vậy.
Để trả thù, tự thân không thấy được nỗi đau nào cô gây cho mình, cũng chẳng rõ cớ làm sao, hay có thể chỉ bởi cái ánh lửa lấp lánh từ mái tóc cô, Adonis đã gọi cô Amazon là cruenta, dịch ra có nghĩa là “tóe máu”, hoặc chửi cô là con linh cẩu vằn, vì dân trong vùng đồn cô này mỗi năm thay đổi giới tính một lần, và cam đoan cậu sẽ thích hơn nhiều nếu cô là đàn ông.
Cô Amazon lập tức điên tiết, quên mất đã rủa Adonis là hoạn quan, đe sẽ dúi thằng ghẻ lở vào đống phân chuột cho bớt cái thói dâm dật.
Cô cũng rủa cậu là đồ vô tri vô giác, chẳng khác gì cái thây ma. Còn cậu chàng tức khắc đáp trả thà là thây ma còn hơn thành mụ bà cô già.
Điều thú vị là giá cô biết chỉ một năm sau cuộc cãi vã này Adonis đột nhiên lăn ra chết, và lá bùa nằm trên bộ ngực mềm và ấm nóng của cậu, - chính là cái lá bùa cô không tiếc lời rủa xả đó, - lại hóa ra bất lực không thể bảo vệ chủ nhân của nó khỏi cái chết lạ lùng, như sét đánh ngang tai gây sửng sốt cho hết thảy ai quen biết cậu.
*
Ngày bi thảm đó - tràn ngập ánh nắng, tĩnh lặng và trong suốt lạ lùng như chỉ có thể có ở trên các ngọn núi và chỉ vào lúc chớm thu -, cậu bé-người quá tuổi của chúng ta, một phút trước đã leo lên đỉnh núi có cái tên Monte Ceceri êm ái nhói cả tim, nhìn rõ lâu và trầm ngâm lên bầu trời xanh thẳm, bỗng rạng rỡ nở nụ cười kinh ngạc, rồi nhanh nhẹn khỏa thân, xếp gọn cẩn thận áo quần trên miệng vực và nhẹ nhàng lao mình xuống. Chỉ giây lát, gió mát lạnh đã cuộn xoáy trong mớ tóc mềm lượn sóng của cậu, trái tim lần đầu tiên sau bao năm nghẹn tắc hoan hỉ, và chàng Robertino trẻ tuổi cất lên thanh âm vút cao nhất, trong trẻo, nhói rung mà chàng Adonis chưa bao giờ nghe thấy. Cậu buông rơi chiếc máy hát, mê mẩn giang rộng đôi tay. Cậu bay, bằng bộ ngực trần chém rạch vào bầu không chắc nịch, thân thể vốn được gìn giữ tránh nắng kỹ lưỡng sáng trắng lên, cậu tham lam cố lấp đầy tâm trí hình dáng của từng viên đá, từng khe nứt trên những đá tảng, từng ngọn cỏ, còn cái bóng trượt trên mặt đất của cậu trông giống bóng một con chim lớn thanh thản và tự do bay liệng... Nhưng chỉ tích tắc sau, lúc cậu bé và cái bóng của con chim chạm vào nhau và nhập làm một, chiếc máy hát cũ kỹ đang vút lên giọng hát của Robertino rơi xuống mặt đất, làm bắn văng tung tóe đến mấy mét xung quanh những mảnh plastic và kim loại sáng lóe.
Tất cả dường như đã kết thúc, nhưng ở tít trên cao, trong xanh thẳm mát lạnh, nơi Adonis khỏa thân vừa đứng, có ngọn cỏ mảnh dẻ vàng úa thoát ra từ dưới chiếc đồng hồ vẫn ấm hơi tay cậu, nó vươn thẳng, lắc lư mạnh trong vòng dây đeo bằng vàng, còn trong sân một ngôi nhà nông dân Romania xa xôi, có con ngựa mắt lòa già nua cứ bồn chồn nghếch mõm, dỏng tai mãi lắng nghe tiếng ngân leng keng xa xôi mơ hồ từ đó. Nó đứng lặng trầm ngâm, rồi như thể chợt nhớ ra thời gian đã trôi qua không lấy lại được, lại run rẩy khập khiễng giậm quanh. Chỉ đến chiều tối các chủ nhân bối rối và thất vọng mới dỗ được con vật bất hạnh dừng cái kỳ tích vô nghĩa lý của mình. Con ngựa cái cúi gục đầu, lê bước về ngăn chuồng, và ngôi sao Hesperus sáng rực chiếu xuyên con mắt thủy ngân lạnh lẽo xoáy vào cái vòng tròn vành vạnh đường kính 13 mét vạch nên trong đám bụi mù những móng ngựa hất tung lên, cứ như thể là cái đích đánh dấu sẵn khoảnh sân nhỏ vốn chả có gì phân biệt với những mảnh sân khác ấy.
Linh hồn tôi tràn ngập ánh sáng xa
với nỗi kinh hãi không thể nào tưởng nổi!..
Hãy nói tôi hay
em có ngắm chăng đôi khi rất lâu, rất lâu,
lên bầu trời giữa canh khuya vắng?
Có phải chăng,
không gì đáng sợ hơn những vì sao rực rỡ?
Chẳng phải đó là lời Edmond - người nhầm lẫn cho mình là kẻ chết đã nói về ngôi sao này sao?!
...Người ta bàn tán nhiều chuyện sau cái chết của Adonis - hình như là cậu quyết định kết liễu cuộc đời khi biết mình mắc một căn bệnh hết sức kinh khủng bởi lối sống và đã bị liệt dương; hình như bỗng chợt thấp thoáng nhận ra những dấu hiệu đầu tiên sự già nua mà cậu kinh sợ hơn cả cái chết. Còn tôi thì nghĩ rằng đã bất ngờ thức tỉnh và sau khi thức tỉnh đã xâm chiếm hoàn toàn con người cậu nỗi đam mê không kiềm chế nổi là được bay, chính là cái nỗi đam mê khiến lũ ngỗng nhà và vịt béo mẫm phải kêu quang quác, nhảy lên, vươn cổ, vỗ cánh phành phạch và buồn bã giương những con mắt tròn xoe tiễn biệt các bạn đồng loài hoang dã của mình bay hun hút trên bầu trời mùa thu.
Lạy Chúa tôi, cái thế giới thượng đẳng của các thế giới này được sắp đặt mới kỳ quặc làm sao! Còn có cái gì khó tin và lố lăng không xảy ra trong đó kia cơ chứ! Người ta biến đổi như có phép lạ, còn các sự kiện hoán đổi nhau như các sắc màu liên tục, lóng lánh bất an trên bộ lông óng ả của con chim huyền thoại Junx Torquila. Vậy đấy, y như trong câu chuyện cổ tích xa xưa, cô kỵ sĩ nhỏ đã trở thành tiếng vọng âm vang, dội đi dội lại làm xao xuyến tâm hồn; và có hàng trăm cuộc đời nhỏ, mong manh mà chàng thủ thư-chim chích hiền dịu, như một bà mẹ vĩ đại, đã nuôi dưỡng và ban tặng cho thế giới; còn bá tước - người khổng lồ mặt thịt trở thành bậc chúa tể tài trí, chắc chắn dễ được nhiều người thiện cảm, nhưng chưa hẳn đã không bị ai đó nghi ngờ về sự sở hữu tài năng; và trong phòng thí nghiệm trường đại học tổng hợp, cô Amazon táo bạo đã giấu tình yêu của mình an toàn trước cái chết; và đã bình thản rời chân khỏi Đỉnh Thiên Nga, chàng Adonis tuyệt đẹp bay như con chim trắng tới những miền huyền bí; ông bác sĩ già vui tính như người trên mây bằng trái tim thơ trẻ của mình đã tiếp nhận những chòm sao tình yêu trọn vẹn của các kẻ khác; và tôi, sau khi mô tả cái đường vòng chóng mặt trong thời gian và không gian, nay mai sẽ khép nó lại, rồi có thể ngày mai sẽ mãi mãi được bên em, như đã từng vậy.
Tôi đã được dành cho một cơ hội hiếm hoi nhất, và làm sao tôi lại không thể khóc bây giờ, nếu điều đó đã xảy ra lần đầu tiên, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi, trong suốt cả cuộc đời tôi?! Giá số mệnh cho phép tôi được quay trở lại quá khứ, trở lại và bắt đầu tất cả từ đầu. Chính là vào cái ngày, khi trên thành phố của tôi bất chợt đổ xuống một cơn mưa rào kỳ diệu, khi trên các hè phố cuộn réo cả dòng sông nước làm tất cả mọi chuyển động bị tê liệt khá lâu ở những vùng phụ cận, một cơn say nắng đã bất chợt chộp lấy tôi, làm tôi choáng váng, quẳng tôi tới chốn mông lung chỉ bằng phép màu của chiếc phong bì màu vàng dày dặn gửi đến qua đường bưu điện mà những ngón tay tôi rất lâu không thể nào mở ra được vì cơn run rẩy không rõ tại đâu, rồi trên mặt bàn rơi xuống hai chiếc lá cỏ chẻ ba ba chẽ và bốn chẽ mỏng mảnh như những cánh bướm khô.
Trái tim đập dữ dội mách bảo với tôi ai là tác giả món bưu phẩm lạ lùng này, nhưng để giải mã ý nghĩa của nó, tôi đã mất đến mấy giờ liền vắt óc suy nghĩ căng thẳng. Vì ngài Gesman hóa ra không thể giúp ích gì cho những tìm kiếm của tôi, tôi buộc phải kiếm vận may bằng cách khác là đặc biệt trông cậy ở linh cảm của chính mình. Vậy là sau một ngày lăn lộn mệt nhoài với hàng đống sách, - những cuốn sách cổ và những cuốn sách vẫn còn sực mùi mực in, mỏng và dày nặng như đá phiến, những cuốn sách thông thái và hoàn toàn giản dị -, tôi cảm thấy hình như đã hiểu được với bức thư của mình em muốn nói điều gì.
Nó được gửi đi từ London, còn con tem dán không phẳng trên phong bì được tô điểm bằng hình ảnh một đền thờ nào đó theo phong cách kiến trúc Gothic. Vì nét chữ bị con dấu đè lên, tôi đã phải mất không ít công sức, nhờ đến cuốn bách khoa thư các công trình văn hóa và sách hướng dẫn du lịch, mới nhận ra công trình kiến trúc Saint-Patrick nổi tiếng.
Và khi đó tôi mới thấy sáng ra. Thì tất nhiên là vậy! Saint-Patrick - lá cỏ chẻ ba ba chẽ - Ireland - Dublin!
Tôi sẽ khởi hành đến Dublin, không phút nào ngờ nhánh cỏ chẻ ba bốn chẽ nghĩa là lời gọi quay trở lại với em, một hẹn ước hạnh phúc.
Tôi sẽ tìm thấy em! Tôi sẽ chờ em, ngước nhìn ngôi đền Saint-Patrick từ cửa sổ quán cà phê gần nhất. Nếu cần tôi sẽ ở lì suốt ngày trong từng quán một trong số đó, chẳng biết là có bao nhiêu, hàng chục hay hàng trăm những quán cà phê và quán ăn Dublin nữa.
Đã quyết định! Tôi sửa soạn vật dụng và đến Dublin.
Tại sao em lại gọi chính tôi? Có phải em đã yêu tôi hơn những người khác? Tôi không biết... Có lẽ không phải vậy. Em có cần hay không tình yêu và lòng trung thành của tôi? Có gì khác đâu, nếu tôi đã không còn có thể dâng hiến chúng cho em nữa?! Tôi đang sống và sẽ sống chỉ bởi em, thậm chí nếu bên chiếc bàn trong một quán cà phê Dublin tôi sẽ gặp không phải là em, mà là ai đó khác, chỉ thoáng giống em. Thậm chí nếu em đã già và chết trong một làng miền núi Alps hẻo lánh chẳng ai trong số những người quen em biết đến. Thậm chí nếu em chưa bao giờ từng tồn tại.