Bốn hôm sau, Băng Nhi ghé phòng khám bệnh của bác sĩ Đường. Trời thật khuya, mưa vẫn kéo dài không dứt, vẫn chỉ có một mình Đường ngồi trong phòng làm việc, Băng Nhi đẩy cửa bước vào, nàng mặc chiếc áo dài màu tro, cổ viền màu hồng đào giống như áo ngủ nhưng thiết kế tỉ mỉ hơn. Khuôn mặt Băng Nhi không phấn không son trông đặc biệt thanh tú. Cô gái rất tự nhiên đến salon ngồi xuống, khép hai chân lên nhau, hai tay khoanh lại trên đầu gối.
– Nhìn qua thấy đèn phòng bác sĩ còn sáng, không dằn được nên tôi sang đây ngồi tán gẫu với bác sĩ cho vui.
Đường cười nhẹ. Hoan nghênh! Chàng bước tới chỗ cái bình pha cà phê tự động bấm nút rót cho Băng Nhi một ly cà phê nóng. Chiếc bình cà phê này được mua theo lời đề nghị của Chu Châu, một phần vì nhu cầu đông đảo của bệnh nhân, một phần vì nhu cầu của các cô y tá.
– Cà phê ngon quá!
Băng Nhi khen. Đường cười vui vẻ.
– Tiếc là không có sẵn một cái lẩu để mời cô.
Băng Nhi đỏ mặt tựa cằm lên gối.
– Thôi đừng nhắc nữa, lần nào cũng gây phiền cho anh.
Đường nghĩ đến chuyện xảy ra hôm trước. Thật ra thì chàng cũng không thấy phiền nhiều. Vừa về tới phòng mạch thì chàng nhận được điện thoại của A Thái cho biết Thế Sở đã nôn hết cái món canh hoa hồng rồi. Vì vậy chàng khỏi mắc công làm gì nữa. Có điều món lẩu thì thua luôn. Theo A Thái thì ngay cái lẩu đựng thức ăn cũng cháy lủng.
Đường ngồi ngắm Băng Nhi lẳng lặng cười.
– Anh cười gì đây?
– Rất ít khi thấy cô ...
Chàng đang tìm chữ thích hợp để diễn tả thì Băng Nhi tiếp lời:
– Ngồi yên thế này ư?
– Vâng, phải nói là “ngoan ngoãn”.
– Ồ, - Băng Nhi nhìn xuống mép váy thở dài.
– Sao thế?
Băng Nhi nhìn xuống yên lặng một lúc ngước lên nhìn Đường.
– Thật ra thì, trước kia tôi cũng sống yên phận lắm, trầm lặng, nhiều lúc khiến người khác có cảm giác như không có sự hiện diện của mình trên cõi đời này. Đến lúc gặp Thế Sở mới biến thành khùng khùng điên điên thế này.
Đường thật thà:
– Tôi thấy cô không có gì là khùng điên cả.
– Vậy thì nhận xét của anh về tôi ra sao?
Đường cười:
– Tôi cho rằng cô là cô gái có cá tính mạnh mẽ. Cô dám yêu, dám giận, dám làm, dám chịu. Cô nhiệt tình như một hỏa lò. Đúng ra thì không nên gọi cô là Băng Nhi mà phải gọi là cô là Diễm Hỏa. Diễm là Diễm phúc, Hỏa là lửa. Tình yêu mà bốc lửa thì còn gì sung sướng bằng.
Băng Nhi cười to:
– Đừng “nổ ông ạ!
– Tôi không nổ, lần đầu tiên tôi mới được quen một cô gái giống như cô, trước khi gặp cô, tôi cứ nghĩ là mỗi cô gái gần như chỉ là một con sống nhỏ lặng lờ uốn khúc, không có sóng gió. Cô phải biết rằng mặc dù là một bác sĩ, hằng ngày tiếp xúc với nhiều loại người nhưng cuộc sống của tôi rất bình dị. Hôm trước A Thái nói rất đúng, cuộc sống rất phức tạp, có người sống yên ả, thầm lặng nhưng cũng có người ồn ồn ào ào. Tôi thuộc hạng người thứ nhất.
– Sống như thế có vui không?
– Trước kia thì rất thoải mái.
– Bao giờ?
– Trước khi cô xuất hiện.
Băng Nhi giật mình.
– Tại sao lại có liên hệ đến tôi nữa.
– Có chứ - Đường cười nói – Cô phải biết rằng nếu ta không biết trên đời này có kem thì chỉ cần một ly đá lạnh là đủ, hay nếu cô không biết trên đời này có sự thèm muốn loại áo vải syt bóng thì ta chỉ cần mặc áo vải katê là đủ. Con người vì biết quá nhiều nên sự thèm muốn mới nảy sinh. Cô thấy đó, các thổ dân Châu Phi, họ ăn lông ở lỗ vẫn sống vui vẻ, săn được một con thú nào là họ nổi trống lên ca hát suốt ngày đêm, niềm vui của họ có được là nhờ chẳng biết gì hết. Băng Nhi chăm chú nghe và nói:
– Tôi chưa hiểu rõ điều anh muốn nói?
– Được rồi! Vậy thì tôi nói toạc ra nhé. Trước ngày xuất hiện của tôi đã nghĩ rằng tình cảm trai gái là một chuyện bình thường. Quen biết, yêu nhau, lấy nhau, sinh con đẻ cái, tất cả tuần tự theo nhu cầu của tự nhiên. Riêng về chuyện yêu nhau theo kiểu long trời đất lở, chết đi sống lại là chỉ có trong tiểu thuyết chứ thực tế ở đời này không bao giờ có.
– Ờ.
– Nhưng sau khi có sự xuất hiện của cô thì tôi như mở mắt ra. Tôi mới giác ngộ được rằng, thực tế trên đời này vẫn có những mối tình sôi nổi, bốc lửa. Từ đó quan điểm tôi cũng đã đổi khác.
– Băng Nhi cười, đôi mắt mở to.
– Thôi tôi hiểu rồi có nghĩa là anh đã đánh mất đi sự mãn nguyện lúc đầu chứ gì?
– Vâng.
– Nhưng mà – Băng Nhi ngập ngừng – Cuộc sống của tôi không có gì đáng nói. Bộ anh tưởng là tôi sống hạnh phúc lắm ư?
– Không, tôi biết là cô sống rất mệt mỏi, đau khổ nhưng nó rất sôi nổi, cháy bỏng.
Băng Nhi giật mình nhìn thẳng vào Đường.
– Bác sĩ dễ sợ thật.
– Tại sao?
– Bác sĩ chuyên môn về nội và nhi khoa nhưng với tôi thì bác sĩ chuyên về tâm lý hơn.
– Tôi cũng có nghiên cứu về tâm lý nhưng chỉ sau khi có sự xuất hiện của cô.
Tôi nghiên cứu cô, nói đúng ra thì tôi tự phân tích chính mình. Vâng, tôi biết là cuộc sống của cô không đáng ngưỡng mộ lắm nhưng những tình cảm mãnh liệt kia cũng đủ làm tôi bàng hoàng – Đường nhìn thẳng Băng Nhi – Làm sao cô phải khổ tâm như vậy chỉ vì một người đàn ông?
Băng Nhi ngần ngừ một chút rồi nói:
– Nhưng anh phải lấy là anh ấy rất đáng để tôi phải khổ chứ?
– Đáng hay không đáng là hoàn toàn do sự chủ động của ta. Cô thấy việc đó đáng thì nó sẽ trở thành đúng. Hình như trong giọng nói của cô có chút nghi ngờ phải không?
– Thế à?
– Vâng.
– Tôi mong là ...- Đột nhiên Băng Nhi nói – Anh không cố tình quấy rầy tình cảm của tôi chứ?
Đường ngồi thẳng lưng.
– Tại sao tôi phải quấy rầy tình cảm của cô, điều đó có ích lợi gì cho tôi?
– Cái đó còn phải hỏi lại tiềm thức của anh.
Đường ngạc nhiên:
– Tại sao lại phải hỏi lại tiềm thức?
Băng Nhi cười lớn.
– Theo cách phân tích của anh thì mỗi người đều có tiềm thức riêng. Khi chúng ta biết trên đời này không có kem thì rất yên tâm uống đá lạnh nhưng khi ta phát hiện ra là có kem mà ta lại không được ăn thì ta cũng muốn người khác không được ăn như ta – Băng Nhi ngồi thẳng lưng, vươn vai – Nhưng nếu anh có cái tâm trạng như vậy thì cũng là điều tự nhiên thôi. Đời là vậy, anh đừng khó chịu hoặc giận dữ vì cảm giác đó.
Đến lượt Đường giận mình.
– Tôi giận dữ? Tôi khó chịu à?
– Vâng.
Đường nhìn thẳng vào cô gái rồi đột nhiên cả hai cười to.
Băng Nhi nhảy xuống ghế.
– Thôi khuya rồi, anh đi nghỉ đi!
Cô bước ra cửa, đến cửa còn quay đầu lại.
– Anh biết không? Được tán dóc với anh là lý thú lắm đó. Vì ngoài nghề thuốc ra anh là một người đàn ông có chiều sâu đáng yêu nữa.
Băng Nhi mở cửa, nói thêm một câu:
– Tạm biệt nhé! – Và biến mất ngoài cửa.
Đường đưa tay lên như muốn chặn lại. Cuộc nói chuyện vừa rồi tràn ngập không khí lãng mạn.
Chàng muốn kéo dài, kéo dài thêm ...Nhưng cô gái đã đi rồi, bất chợt đến rồi cũng bất chợt biến đi.
Lần kế tiếp Băng Nhi cũng đến thật khuya. Có điều lần này, Băng Nhi không đến một mình mà cùng đi còn có A Thái và Thế Sở. Ba người có vẻ hỉ hả. Vừa bước vào cửa, Băng Nhi đã chạy ngay đến nắm tay Đường.
– Sao ông mê việc thế? Lúc nào đi ngang qua phòng khám là cũng thấy ông khám bệnh. Khám bệnh! Trước kia tôi ái mộ nghề thuốc lắm, bây giờ mới thấy làm bác sĩ cực khổ quá! Thôi đóng cửa đi, chúng ta cùng đi ăn tối nhé!
Thế Sở cũng nhiệt tình, nụ cười rổn rảng, anh ta vỗ mạnh vai Đường, lớn tiếng:
– Vâng, chúng tôi còn nợ món lẩu! Hôm truớc lỗi ở tôi cả - Thế Sở đưa tay lên “cốc” đầu mình một cái tiếp – Hôm nay tôi “được phạt” mời khách, đi nào!
Bác sĩ muốn dùng món gì, tôi không biết ăn thịt rắn. Nếu muốn ăn rắn, tôi xin đứng ngoài cửa tiệm đợi quý vị. Trời đất gì kẻ hèn này đều không sợ cả. Nhưng không biết sao thấy rắn là nổi da gà.
A Thái cười hì hì.
– Không biết khu quà vặt đường Hoa Tây có món gì hoa hồng chưng, hoa hồng nướng, hoa hồng chiên ...không?
Thế Sở kêu lên:
– Này, này A Thái ...kẻ quân tử không nên moi chỗ yếu của người nhé!
A Thái ôm bụng:
– Tôi nào có phải là quân tử đâu? Tôi là hạng người mà Khổng Tử ghét nhất đấy.
Băng Nhi hỏi:
– Khổng Tử ghét hạng người nào?
A Thái đọc:
– “Dung nữ tử nữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã” – (ND:
chỉ có đàn bà con gái cùng kẻ tiểu nhân là khó dùng).
Cả phòng tràn ngập tiếng cười. Không khí vui vẻ đẩy xa bóng tối. Băng Nhi nắm tay Đường.
– Đi nào, chúng ta cùng đi! Dẹp hết bông gòn, cồn, oxy già. Chúng ta hưởng thụ cuộc sống một chút chứ? Nếu không anh tuy ngày ngày cứu người nhưng rồi sẽ không hiểu mình sống để làm gì.
Thế là Đường đóng cửa phòng mạch lại, tất cả kéo về phía đường Hoa Tây.
Lâu quá không đến đây. Thật khuya mà con đường vẫn sáng choang ánh đèn.
Cửa hiệu tiếp nối cửa hiệu, ăn có, mặc có, hàng tiêu dùng giải trí ...gì cũng có ...Băng Nhi đề nghị đầu tiên:
– Chúng ta ăn khô mực nướng đi!
Họ ăn khô mực, Băng Nhi đề nghị tiếp:
– Ăn cá nướng.
Xong cá nướng.
– Đậu đỏ bột lọc đi.
Tuy là mùa mưa, đường Hoa Tây vẫn có món đậu đỏ nước đá. Ăn xong một món các vị đàn ông lại tranh nhau trả tiền. Thế Sở lúc nào cũng thắng. Bàn tay to lớn của anh ta đè chặt lên tay Đường, thành thật.
– Không được, không được! Anh phải biết là tôi ân hận biết chừng nào khi phá cuộc vui lần trước của các bạn, tối nay tất cả phí tổn phải là của tôi.
Băng Nhi cũng cười nói:
– Bác sĩ Đường này, hãy để cho anh ấy. Dù sao thì ăn vặt thế này tốn cũng ít, lần sau đến lượt bác sĩ, chúng tôi sẽ chọn nhà hàng hẳn hoi.
Thế Sở tiếp lời:
– Tôi cũng định như vậy. Băng Nhi, em thông minh quá, ruột gan trong bụng tôi em biết hết, biết hết. Thành thử tôi không thể giấu một điều gì với em cả!
Băng Nhi liếc về phía Thế Sở.
– Ông này từ bữa dùng món “lời ngon mật ngọt” tới nay biết cách nói chuyện quá!
Mọi người cười ồ lên.
Suốt tối hôm ấy là một buổi tối đáng yêu, ấm cúng, ngọt ngào, và đẹp. Sau khi tất cả ăn xong món đá đậu ra thì gió đêm lồng lộng.
Đường quên hẳn vai trò bác sĩ của mình, chàng không biết dạ dày của mọi người còn có thể chứa được nữa không. Anh đề nghị:
– Chúng ta đi uống một chút rượu đi!
Thế Sở la lớn:
– Ồ, đúng tủ tôi rồi, đi ngay. Tối nay không say không về nhà.
Đường hỏi:
– Còn hai cô này? Có thể uống rượu được không?
Băng Nhi đáp:
– Ai không biết uống rượu là chó con đấy!
A Thái cười:
– Tửu lượng của cô không bằng con chó con mà cũng ham khoác lác.
– Tửu lượng tuy không có, nhưng dám uống thì cũng không đến nỗi nào.
Thế Sở quay sang kêu:
– Thôi đừng dóc nữa, lần trước ai đã uống say rồi khóc kêu mẹ um sùm đấy?
Băng Nhi trợn trừng mắt.
– Đừng có xuyên tạc! Bác sĩ Đường đừng nghe lời kẻ muốn phá hoại danh dự người. Chúng ta đi tìm một cái quán nào đi!
Tất cả đi đến một quán rượu. Kêu một chai Ngũ Gia Bì rót đầy ly thứ nhất rồi ly thứ hai rót đầy. Bác sĩ Đường nhìn ba người một chập rồi bắt đầu nói:
– Các bạn có biết không, cái mà người ta nói “Sống như đang sống” là các bạn đấy. Từ khi biết quí vị, cuộc đời tôi như mở một cánh cửa rộng, những sự hỉ nộ ái ố trên đời đều mang sự mãnh liệt. Sự hưởng ứng cuộc đời thật kỳ diệu, thế giới phong phú quá. Thì ra ...Tất cả các bạn đều rất đáng yêu.
– Vậy thì cạn ly nào.
Băng Nhi nói lớn rồi ực thêm một ly. Ngay từ ly đầu tiên cô bé có vẻ say.
Thế Sở tiếp theo:
– Cạn ly.
Thứ hai, thứ ba rồi ly thứ tư. Tối hôm đó bốn người đã uống cạn một chai rượu. Rượu đã khuấy động không khí, đưa khoảng cách giữa người với người lại gần nhau hơn. Đường chỉ nhớ rằng mình hôm đó bỗng nhiên nói quá nhiều!
Cười cũng nhiều. Còn Băng Nhi hết ly này đến ly khác một cách hào phóng như một đứa con trai, chỉ mấy ly là cô quay sang A Thái thách:
– Nào chúng ta oẳn tù tì nào! Ai thua phải uống.
Thế là cuộc đua bắt đầu. Đường chưa hề thấy cảnh hai cô gái đua nhau uống rượu. Chàng mở mắt ngạc nhiên nhìn hai khuôn mặt đỏ gấc:
uống, uống, uống ...
– “Kéo” này! “kéo” này.
– “Búa” này!
– “Bao” này!
Đường không nhịn được cười to. Thế Sở nâng ly lên.
– Bác sĩ ...
– Gọi tôi là Lý Mộ Đường. Anh xem kìa ...Tôi có tên mà.
Thế Sở nghe theo:
– Vâng! Lý Mộ Đường. Anh xem kìa ...giữa hai cô gái. Anh nói thật nhé. A Thái đẹp hay Băng Nhi đẹp?
– Nói thật cả hai đều giống nhau.
Thế Sở lắc đầu.
– Không giống, hai người ở chung nên ý thích có thể giống nhau, nhưng về phương diện cá tính thì họ không giống nhau. Băng Nhi sôi nồi, A Thái dễ dịu dàng. Băng Nhi nổi bật, còn A Thái dễ gần gũi. Băng Nhi giống như lửa, còn A Thái giống như nước. – Thế Sở rót thêm một chung rượu tiếp – Nếu anh sống với họ một thời gian anh thấy là họ rất đáng yêu. Nếu tôi có thể bằng một mũi tên bắn trúng đôi chim thì tuyệt.
Đường nói:
– Anh đã say rồi.
Thế Sở lắc đầu.
– Không, tôi chưa say. Với tôi tư tưởng của xã hội cũ đều đáng bôi bác. Chỉ có chế độ đang thê là tuyệt, nhất là sau khi xem xong bức tranh “ chín mỹ nữ”.
của Đường Bá Hổ Băng Nhi lại thua, cô rót đầy một ly rượu, quay sang nâng cao đổ lên đầu Thế Sở hét lớn:
– Đệ nhất Mỹ Nương xin chuốc rượu chàng!
A Thái bắt chước theo, cũng rót đầy một ly rượu, đổ từ đầu Thế Sở xuống, lớn tiếng – Đệ nhất Mỹ Nương xin chuốc rượu chàng!
Băng Nhi rót tiếp ly rượu thứ ba, Thế Sở biết là gặp phải chuyện chẳng lành.
Hai tay ôm lấy đầu chịu thua. Những giọt rượu chảy từ đầu xuống thấm ướt cả mặt và áo. Anh bước qua, tay mặt ấn Băng Nhi tay trái ấn A Thái.
Mấy cô có biết thi sĩ Lý Bạch không? Tôi thích nhất là hai câu thơ sau đây của Lý Bạch:
“Cựu hoài dật hưng trán tư phi, dục thương thanh thiên lão nhật nguyệt”. Thi sĩ này có dã tâm rất lớn. Ông ta muốn lên trời, tay trái ôm lấy mặt trời, tay phải giữ lấy mặt trăng. Thế Sở tôi khoái nhất ông ta ở đó. Bây giờ thì mặt trăng và mặt trời đều ở hai bên tôi.
Thế Sở cười lớn, lắc mạnh đều khiến những giọt rượu bay lên người A Thái và Băng Nhi.
Các cô có bao giờ nghe nói là mặt trăng và mặt trời cũng bị mưa không?
Băng Nhi và A Thái nhìn nhau cười to. Đường thở phào, nói thật lúc đầu chàng hơi lo, chàng tưởng chừng như ngòi nổ của cuộc chiến lại bắt đầu, chàng chỉ sợ là buổi uống rượu vui vẻ này lại bị đổ vỡ. Nhưng hình như nguy cơ đã bay đi. Sung sướng, Đường nâng cao ly rượu lớn:
Nào, mời tất cả cạn ly nào!
Cạn ly!
Kết quả tất cả đều say, say một cách khủng khiếp. Đường không nhớ nổi tối hôm ấy chàng đã làm thế nào trở về được phòng mạch. Hình ảnh cuối cùng mà chàng nhớ được là bốn người đã tựa vào nhau loạng choạng trên phố, riêng Băng Nhi vừa đi vừa hát, điệp khúc lặp lại mãi bốn câu.
“Và thế này, em đã cùng anh đi đến góc trời Dẫm nát vạn núi cao, cùng anh ta xây nhà Và cứ thế em cùng anh đi khắp chân trời Dẫm nát đi ngày với tháng, để tóc đen thành đầu tóc bạc”.