Cuối Đường
Nguyenthitehat
Hôm nay, trời sắp sửa vào thu, bầu trời không còn nắng gắt. Đêm hôm qua gió lạnh lùa vào cửa sổ, tấm chăn mỏng không đủ ấm làm trằn trọc suốt đêm, biết thế nhưng vẫn lười biếng trở dậy để đóng cửa sổ... một đêm mất ngủ, thêm một đêm thao thức để tất cả trong một khoảng thời gian nào đó chợt đi về trong ký ức, mang theo những khuôn mặt ngây thơ, nhỏ bé ngày nào, những khuôn mặt đã in đậm trong tâm khảm tôi như một cái mốc của thời gian nơi xứ người.
Mùa tựu trường đã bắt đầu, các học sinh đã bắt đầu trở lại trường học. sáng nay trên đuòng đi làm, hình bóng em trở về trong tâm trí tôi, tôi chợt nhớ em, nhớ đến đôi mắt trong xanh như một vùng biển lặng đã từng làm lòng tôi chao vì xúc động.
Em chỉ là một trong những học trò bé nhỏ của tôi trong lớp học, nhưng ở em tôi thấy em khác hẳn, em cô đơn, em lạc lõng trong cái thế giới cô độc của em, trong giờ ra chơi em thu mình trong một góc nhỏ của sân trường, em đứng, em ngồi lặng câm như một cái bóng cho đến khi vô tình tôi tìm thấy em, tôi kéo em ra khỏi cái góc cạnh của riêng em, tôi đưa em ra khỏi vỏ ốc mặc cảm, sợ hãi của em, em nương theo cánh tay tôi bước nhẹ ra ngoài với đôi mắt sợ sệt, ngơ ngác, để sau đó tôi thấy nụ cười trên môi em, nụ cười hiền lành dễ mến mà nhiều lúc đã làm tôi mềm lòng không nỡ phạt khi em lầm lỗi. Em bé nhỏ quá, nhưng bất công đã đổ ập lên em, sự miệt khinh đã bao trùm lấy em làm lòng tôi đau, làm tôi phẫn nộ khi thấy nước mắt em ẩm ướt trên khuôn mặt xịu buồn vì sự bất công, ích kỷ đã khóa đôi môi xinh của em, không cho em một lời giải thích, phân bày... Nhưng em biết không? tôi chỉ là một cô phụ giáo nên cánh tay tôi không đủ dài để bao phủ em, để giúp em đương đầu với những bất công chung quanh, cũng chỉ tại em nghèo, cái nghèo đã tiêu diệt em, đã hủy hoại tuổi thơ em để tôi đứng đó nhìn em với sự bất lực, xót xa trong lòng, cho dù Tôi, Em, không cùng một màu da, không cùng một ngôn ngữ, cho dù tôi đã phải mượn ngôn ngữ của em để hòa đồng với mọi người chung quanh, để cảm thông nỗi đau khổ của em, để cảm thông cái nghèo nàn tội nghiệp của em và cũng chính cái đau, cái cô đơn của em đã đưa em đến gần tôi để có lúc tôi phải quay đi vội che dấu những giọt lệ sắp sửa rơi xuống má.
Ở đâu cũng có những bất công, cho dù cả nơi học đường. Tôi biết em không có quần áo đẹp để khoe với chúng bạn, em không có tiền để tham dự những sinh hoạt của trường, mẹ em không mang đến trường những chiếc bánh to, những gói kẹo đủ màu nên em mãi mãi lạc lõng trong đám đông bạn bè, để em không bình thường trước những đôi mắt của người lớn, để em phải thèm khát nhìn những viên kẹo ngọt lịm, những cái bánh ngon trên bàn của bạn học chung lớp. Tôi đau lòng khi thấy người ta hất hủi em, người ta tránh né em như một cặn bã của xã hội. Tôi không đành lòng nhìn em đau khổ với nỗi đau khổ không do em tạo nên. Nỗi đau khổ mà trời không hiểu vô tình hay cố ý đà đặt để trên vai em. Tôi kín đáo bỏ tiền vào túi quần em, chỉ có tôi và em biết như một trò chơi bí mật mà những người chung quanh không biết đến, để em được tham gia những chuyến du ngoạn với bạn bè, với những sinh hoạt trong lớp học. Ánh mắt em sáng lên khi em bỏ tay vào túi quần và thấy những đồng tiền trong ấy... Em đến gần tôi hơn, giờ ra chơi em quấn quýt tôi hơn, trên bàn tôi em lén để những tờ giấy nhỏ em vẽ hình trái tim có một mũi tên xuyên ngang với những hàng chữ ngây thơ như :
"Rose is Red, Violet is pupple and I love U"
Những tấm giấy nhỏ em gởi cho tôi mà em đã xé từ cuốn vở với những mảnh giấy không đều nhau vẫn còn nằm trong chồng sách của tôi cho dù đã bao nhiêu năm dài qua đi, vẫn còn đó.
Có một hôm trong giờ ra chơi, em cứ mân mê những ngón tay của tôi nửa như muốn nói, nửa như e-ngại. Một lúc sau như không thể giữ được sự im lặng lâu hơn nên em đã thỏ thẻ:
- Cô ơi! em có cái này đặc biệt và vui lắm.
Tôi ngạc nhiên:
- Ồ vậy hả? Vậy thì Billy nói cho cô nghe đi !
Em dụi đầu vào cánh tay tôi, giọng em cao hơn, vui như chim, em kể:
- Cô biết không? Hôm qua mẹ em cho em cái áo lạnh mới, đẹp lắm.
Tôi tròn mắt:
- Ủa, mẹ có tiền mua cho em hả?
Em ngây thơ kể:
- Dạ không, mẹ lượm được trong thùng rác, còn mới lắm, chỉ rách ở tay một chút xíu thôi.
Tôi nhìn em cố mỉm cười mà lòng tôi đau, bởi tôi biết làm gì có một cái áo đẹp mà lại mới trong thùng rác... tội nghiệp em bé bỏng ngây thơ, tội nghiệp cái nghèo thiếu thốn của em, cho dù tôi biết cái nghèo của em vẫn còn hơn cái nghèo của những em bé VN quê hương tôi nhiều. Em còn may mắn đến trường học, em may mắn còn có một người mẹ để lo cho em, cho dù mẹ em phải đi bươi tìm sự sống qua những thùng rác, nơi những hôi hám mà người đời phế thải... Trong khi các em bé ở quê hương tôi, không có cái ăn, cái mặc, không gia đình, không nơi nương tựa, sống lang thang ở khắp hang cùng ngõ hẻm, đầu đường xó chợ, dùng đất làm giường, lấy bầu trời đêm làm màn... sống nhờ những đống rác hôi thối mà người đi ngang vội vàng bước nhanh đưa tay bịt mũi, tránh né. Những em bé của tôi không có niềm vui, không có cơ hội đến trường như em... Những em bé nghèo nàn của quê hương tôi đã đến tận cùng của sự nghèo khó, cho dù tôi biết cái đau khổ nào, cái miệt khinh nào cũng giống nhau, nhưng cái nghèo khó vẫn khác nhau cho dù khác trên cả những đống rác mà loài người phế thải. Bởi những đống rác mà mẹ em bươi tìm vẫn an lành hơn những đống rác của các em bé VN quê hương tôi, những đống rác đó đôi khi đã vô tình mang theo sự sống bất hạnh khi những trái nổ đã tàn nhãn thản nhiên nằm chờ trong đó.
Ở đây, cuối đường nghèo khó em còn có một mái nhà tạm dừng chân đó là mái nhà Jesus house, em còn có những bữa ăn tạm giúp em qua ngày khốn khổ, nhưng những em bé VN của tôi khi đến cuối đường chỉ là một tấm chiếu rách cuốn tròn mà người ta đã bố thí để rồi sau đó không còn thấy hiện diện ở đâu, cho dù cả những nơi tanh hôi rác rưới.
Hôm nay trên đường lái xe đi làm, không hiểu sao hình ảnh em, hình ảnh lớp học năm nào lại cứ đi về trong tâm trí tôi xen lẫn hình ảnh tội nghiệp của các em bé VN quê tôi... Giòng đời cứ trôi đi không ngừng nghĩ, không biết bây giờ em ra sao? em sống thế nào? Giòng đời có vùi dập xô đẩy em đến cuối đường hay biết đâu em chẳng là một sinh viên thông minh của một trường đại học nào đó, hay là... cái nghèo lại hủy hoại em, đã nhận chìm em xuống tận cùng bùn đen của xã hội?
Đây là lần đầu tiên tôi trải tình cảm của tôi về em, cho dù tôi biết không bao giờ em đọc được, không bao giờ em biết đến... tôi chợt tự hỏi... có bao giờ? có một lần nào em chạnh nghĩ đến tôi? một cô giáo yếu đuối đã đến từ một nước chiến tranh xa xôi nào đó như một ấm áp trong tim?... Tuy tôi - em chúng ta không cùng một chủng tộc, màu da, ngôn ngữ nhưng tình cảm giữa tôi và em đã gặp nhau ở một điểm "tình người" bởi tôi biết trái tim tôi màu đỏ, máu huyết tôi màu đỏ cũng như màu đỏ trái tim em... giòng đời vẫn cứ trôi... tôi và em vẫn cứ phải lăn theo giòng đời... nhưng cho dù em đang ở đâu, tôi vẫn mong cho em, tương lai em sáng hơn ở một nơi nào đó, mà không phải là chỗ dừng chân cuối chặng đường nghèo khó dưới mái nhà Jesus house. Cũng như tôi vẫn nguyện xin cho các em bé nghèo khó quê hương tôi luôn tìm thấy ấm no, tìm thấy niềm vui, nụ cười cho dù cuộc đời luôn là những bất công... là nước mắt.
Nguyenthitehat
(viết cho Billy)