Con Suối Dưới Chân Đồi
Nguyenthitehat
Sài Gòn bây giờ trông lạ. Người thật đông, từng giòng xe cộ chạy nườm nượp nối đuôi nhau như những đám lục bình len lỏi tuôn chạy về phía trước. Nhà cửa xây chen chúc nhưng thỉnh thoảng cũng thấy những căn nhà lụp xụp, hoen ố nước sơn nằm xen kẽ bên cạnh những tòa nhà cao trong thành phố. Người ta trông có vẻ vội vã trên đường như đang dành dật với thời gian. Những người lái xe loại động cơ hai bánh bắt buộc đội mũ an toàn để những cô gái không có cơ hội thả những mái tóc dài tung bay thổi ngược về đằng sau. Những chiếc khăn che mặt từ sống mũi trở xuống đã che kín khuôn mặt xinh đẹp, che đi cái không khí bụi bặm, khói xe, che đi cái nắng gắt cháy da cháy thịt của Sài Gòn.
Mải lan man với người và cảnh, tôi chợt kêu lên:
- Kim, đi đâu vậy? Không phải về nhà Kim hay sao?
Kim nhìn tôi cười:
- Thì về nhà Kim chứ về đâu? Kim không còn ở Tân Định nữa. Kim bây giờ đang ở Giang Điền.
Nghe hai chữ Giang Điền, tôi giật mình ngồi nhỏm lên nhìn Kim rồi lại nhìn hai bên đường thảng thốt:
- Cái gì? Giang Điền? Ở hồi nào sao không nghe mày nói?
Thỉnh thoảng chúng tôi lại quên mất cái lịch sự của nhau nên cứ mày tao như thuở còn đi học:
- Ủa, chứ chưa nói với mày hả? Vậy mà cứ tưởng mày đã biết rồi chứ, xin lỗi nghe em, dạo này đầu óc tao lung tung quá chẳng nhớ được gì... mày về kỳ này là phải, tha hồ cho tụi mình tâm sự.
Xe từ từ đi về huớng Giang Điền. Tôi ngồi yên nhìn hai bên đường với nỗi bồi hồi xúc động đang cuồn cuộn trong lòng. Con đường đi vào Giang Điền không còn thưa thớt những mái nhà tranh vách lá mà toàn là những ngôi nhà ngói xây như biệt thự trông đẹp mắt. Tôi bỡ ngỡ với sự đổi mới của Giang Điền, nếu Kim không nói thì tôi cũng không thể nhận diện được nơi tôi đã ở ngày xưa. Xe ngừng lại trước cổng cao có giàn hoa ti-gôn leo đầy trên hai cánh cổng che khuất cảnh vật bên trong. Kim vỗ lên tay tôi nói:
- Đến rồi Thục.
Xách valise bước theo Kim, cảnh vật bên trong cây cối nhiều làm dịu mát cái oi ả bên ngoài cánh cổng. Tôi thấy có nhiều loại cây, loại hoa tôi thích, có cả cây bông sứ màu vàng nằm một bên lối đi vào nhà, những cánh hoa rụng đầy dưới gốc, tôi vừa chợt thấy ở giữa khu vườn có một tảng đá thật to trông quen thuộc cách đó không xa, nghe như có tiếng nước róc rách đâu đây làm tôi ngỡ ngàng, tim đập nhanh, tôi gọi với Kim đang xách valise đi phía truớc:
- Kim, có tiếng nước róc rách đâu đây phải không?
Kim quay lại nói:
- Ừ, sau nhà có một con suối nhỏ dễ thương lắm, ngày mai tụi mình xuống đó xem.
Tôi bàng hoàng đến ngẩn nguời, có nằm mơ tôi cũng không dám tin tôi đang đứng trên mảnh đất của tôi ngày nào. Mảnh đất mà chúng tôi ưa thích vì trông như một ngọn đồi nho nhỏ, có tảng đá thật to nằm lưng chừng trên triền dốc như muốn lăn xuống con suối nhỏ phía duới. Tảng đá mà tôi vẫn thường ngồi một mình vào những chiều tắt nắng để buồn, để nhớ, để bâng quơ một mình khi nhìn xuống con suối duới chân đồi.
- Ô kìa Thục, Thục sao vậy? Trông xanh quá.
Tôi giật mình nói nhanh:
- Không, không có gì, chỉ thấy hơi chóng mặt thôi, có lẽ tại đường bay dài quá...
Khi đất nước thay đổi, người ta ào ạt tìm đường đi, họ đi bằng đường bộ len lỏi trong rừng sâu để vuợt qua biên giới sang các nước bên cạnh. Người ta đi bằng đường biển bất chấp hiểm nguy để mong có một cuộc sống bình an, một tương lai sáng sủa hơn. Gia đinh tôi bị kẹt lại như bao gia đinh khác nên phải tìm những nơi gần Sài Gòn nhất để bám víu hầu tránh những chương trình giãn dân trong thành phố mà chính phủ muốn đưa dân đến những vùng kinh tế mới. Giang Điền là nơi gần Sài Gòn nhất nên ba mẹ tôi đã cùng bạn bè rủ nhau xuống đây mua đất. Các em trai tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng biết giúp gia đinh, theo ba tôi vào trong rừng để khiêng những cây tre, ôm những đống lá về để làm nhà cùng với sự tiếp tay của những người cùng cảnh ngộ. Ba mẹ tôi đã hoàn thành một túp lều tranh nho nhỏ và tôi tình nguyện ở lại cùng với một cậu em để trông nom. Chính nơi đây đã chứng kiến sự đổi thay, đã che dấu những giọt nước mắt tủi thân, che dấu trái tim đơn độc của tôi bên bếp khói bụi tro mà sự đổi đời đã đem đến cho tôi nhiều hụt hẫng, giữa một nơi trước đó chỉ là đồng không mông quạnh, lác đác vài mái nhà tranh của những người dân cư ngụ nơi đây sống bằng nghề làm rẫy.
Cầm ly nước cam Kim vừa đưa, tôi ngắm cách trang trí trong nhà buột miệng khen:
- Nhà Kim đẹp quá, Kim mua lâu chưa?
Kim hãnh diện nhìn theo huớng nhìn của tôi khoe:
- Nhà này anh ấy mua đã lâu, mua trước khi tụi này quen nhau, nhưng nghe nói đã sửa sang lại nhiều lắm, mình nghĩ chủ cũ có về chắc cũng khó mà nhận ra được nhà của mình ngày xưa.
Tôi lặng nguời nghe Kim nói mà thấy nhói trong tim, không hiểu sao tôi lại không nói cho Kim biết tôi chính là chủ nhân khu đất này ngày xưa... tôi im lặng và Kim vẫn tiếp với giọng đều đều:
- Nhưng ở đây buồn lắm Thục ơi, đêm nào mất ngủ nghe tiếng róc rách ở dưới vọng lên, tiếng dế, tiếng côn trùng rên rỉ nghe thê lương đến não ruột. Hôm nào mà mưa nữa thì khỏi nói. Kim dụ anh ấy bán đi để về Sài Gòn nhưng anh ấy không chịu.
Nghe Kim nói tôi thấy buồn, thấy tiếc nuối một cái gì đó thật vô vọng. Trong nhà trang trí phần nhiều bằng lan tươi và những loại cây hình như chỉ có ở Đà Lạt. Lan được trồng trong những khúc cây hay trong giỏ, những cánh hoa rơi lơi xuống nổi bật trên tuờng màu rêu đậm. Một bức ảnh chụp bãi biển có hàng dừa cao trông quen quen dường như tôi đã một lần đặt chân đến.
Kim xách valise đưa tôi lên gác, vừa đi vừa nói:
- Phòng trên này dành cho Thục, bình minh hay hoàng hôn đứng từ ban công nhìn ra trông rất đẹp, mình nghĩ Thục sẽ thích.
Kim mở cửa phòng bên trái cầu thang, căn phòng rộng và trang trí cũng gần giống như ở dưới nhà trông rất thanh nhã. Bỏ valise xuống cạnh bàn, Kim mở tung các cửa sổ cho thoáng khí, gió chiều lùa vào làm bay phất phới các màn cửa như xua đi cái nóng bức giam hãm trong phòng từ lâu.
Kim nhìn tôi hỏi:
- Thục thấy đỡ chưa? Thục nằm nghỉ một tý cho khoẻ rồi hãy tắm. Phòng tắm ở phía duới bên phải cầu thang. Kim xuống nhà làm cơm, tý nữa hai đứa vừa ăn vừa nói chuyện nha?
Tôi ngạc nhiên cắt ngang:
- Sao lại chỉ có hai đứa? Thế ông xã của Kim không dùng cơm vói tụi mình sao?
- Anh ấy đi Đà Nẵng đến cuối tuần mới về.
Nói xong Kim hỏi tôi có cần gì không rồi quay lưng buớc ra. Tôi đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, dãy núi đằng xa trông như một nguời đàn bà đang nằm nghiêng. Sương chiều như một làn khói mỏng đang từ từ phủ xuống dáng nằm của nguời đàn bà trên triền núi. Tì tay vào cửa sổ nhìn xuống con đường trước nhà, hàng chuối nằm dọc theo con đường ngày nào đã biến mất, nhường chỗ cho hàng cây tùng được cắt tỉa khéo léo nằm sát vào nhau như một hàng rào ngăn cách với thế giới bên ngoài.
Quay sang một cửa sổ khác, đối diện với cửa sổ vừa đứng. Từ cửa sổ ấy nhìn xuống phía sau nhà, khu đất thoai thoải trồng đậu xanh, đậu đen nay đã đuợc thay thế bằng cả một vườn hoa hồng đủ loại, đủ màu, có những chậu kiểng uốn nắn thành hình những con hạc giang rộng đôi cánh như muốn bay, những sợi hoa tóc tiên màu đỏ điểm tô trên hình những con hạc. Hoa Tóc Tiên một loại hoa mà tôi chỉ biết đến khi Lan, em gái út của Nghĩa tặng tôi trong ngày sinh nhật với hàng chữ nắn nón bằng mực tím "Tặng chị tóc tiên của em", được kèm trong chậu hoa làm cả hai chúng tôi cuời xòa. Lúc đó và cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cô bé lại gọi tôi là "Chị Tóc Tiên" cái tên thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Hình ảnh anh em Nghĩa chợt lần lượt hiện ra trong đầu... không biết sau ngày Nghĩa mất, các em Nghĩa thế nào tôi hoàn toàn mù tịt, không cách nào liên lạc đuợc với họ. Anh em Nghĩa mồ côi cha mẹ khi chúng tôi chưa quen nhau, tình cảnh thiếu thốn tình thương cha mẹ của các em Nghĩa làm tôi xót xa trong khi Nghĩa vẫn tiếp tục có mặt ở các trận địa trên những vùng giới tuyến. Nghĩ đến Nghĩa, đến các em Nghĩa lòng tôi lại thấy buồn rười rượi, thấy bồi hồi muốn khóc, thấy cô đơn như đang bủa vây lúc này, tự dưng thấy lạnh, tôi đưa hai tay cố vươn dài ra để ôm kín lấy vai mình. Nuớc mắt rưng rưng như muốn òa vỡ xuống má, tôi phải ngửa đầu về đằng sau cho nước mắt chảy ngược vào trong.
Tôi bỗng thấy có một hòn non bộ được xây ở góc vuờn trông như một ngọn núi thu nhỏ lại đặt ở giữa hồ với những lối đi quanh co dẫn đến ngôi chùa trên đỉnh núi, lác đác vài cây bonsai như những cây cổ thụ đã có ngàn năm. Đặc biệt tôi lại thấy có một ngôi mộ nằm đơn độc dưới gốc cây cổ thụ trông thật hiu quạnh. Tôi lặng nguời đứng ngắm và thắc mắc không hiểu tại sao lại có ngôi mộ ấy. Ngôi mộ ấy có ý nghĩa gì? Tôi bỗng thấy hiếu kỳ, nhất định sẽ hỏi Kim mới đuợc. Chồng của bạn tôi phải nói là người giàu tình cảm, có một tâm hồn phong phú nên mới có thể biến mảnh đất hoang vu nghèo nàn của tôi ngày xưa thành một ngọn đồi nho nhỏ nên thơ như vậy, để tôi không tài nào nhận diện được đúng như lời Kim nói.
Đưa mắt nhìn xa hơn, tôi thấy con suối vẫn thế, nước vẫn chảy và hai hàng chuối vẫn nặng triu những buồng chuối xanh như muốn oằn mình vào lòng suối. Chống tay nghiêng người ra ngoài, nhìn về phía trái đàng xa, cây cầu tre ngày nào bắc ngang con suối mà hai ông say ruợu cứ nhừa nhựa suốt đêm đòi đưa nhau về làm không ai ngủ đuợc. Cây cầu tre bây giờ cũng đã được thay thế bằng một cây cầu khác có lối kiến trúc mới mẻ hơn. Tôi nhìn trở lại con suối dưới chân đồi đang róc rách mà quên cả hiện tại. Bỗng con chim bồ câu từ đâu bay đến định đậu trên cửa sổ, bất chợt trông thấy người hoảng sợ vỗ cánh vụt bay làm tôi giật mình.
Ăn xong, trời bắt đầu tối, tôi phụ Kim mang khay bánh và bình trà lên gác. Ánh sáng của những bóng đèn màu mà Kim vừa bật lên được dấu trong những giò lan treo lơ lửng bên trên đang đẩy đưa theo gió. Khoảng trống giữa hai phòng ngủ được kê bộ bàn ghế bằng mây, vài chậu cây cũng được trang trí thêm vào cho người ngồi có cảm tuởng như đang ngồi ở một quán cafe trữ tình nào đó. Tiếng nhạc nhẹ dưới nhà vọng lên cho đêm thêm huyền ảo. Ngả người trên ghế nhìn Kim rót trà ra ly, tôi nói như nói với chính mình:
- Ở đây cuộc sống êm đềm, thong thả quá.
Kim ngừng tay, quay sang tôi mỉm cuời:
- Vậy thì ở đây đi, đừng trở lại Mỹ nữa. Nếu Thục muốn mình sẽ nói anh ấy để lại nơi này cho Thục. Còn không thì cứ ở đây với tụi này, tụi này lúc nào cũng hoan nghênh Thục cả. Trên này có hai phòng trống đâu có ai ở.
Tôi bật cuời:
- Thật không? Chỉ sợ có người lúc đó hối hận thôi. Nhưng nói là nói vậy chứ sức mấy mà ông xã Kim chịu bán, còn ở đây với Kim hả? Không dám đâu, ở để nhìn cái tổ uyên ương của hai nguời rồi phải khóc thầm sao? Tủi thân lắm.
Kim hứ một tiếng rồi ngồi xuống ghế. Tôi nhìn Kim mỉm cuời:
- Kể ra Kim mà chịu ở cái nơi vắng lặng, yên tĩnh này kể cũng lạ, chẳng giống Kim ngày xưa tý nào.
Kim đưa ly trà lên môi hớp một ngụm, gật đầu khẽ nói:
- Ừ, Kim cũng thấy Kim đã thay đổi rất nhiều, đôi khi không muốn cũng không được. Cũng như Thục... có bao giờ Thục nghĩ mình lại sống một nơi quá xa như thế không? Không ngờ cuộc đời của mọi người đều bị đảo lộn... chẳng ai học được chữ ngờ phải không? Còn Thục nữa, bên ấy sống ra sao? Chẳng nghe Thục nói đến, mọi chuyện vẫn bình thuờng chứ?
Nghe câu hỏi của Kim làm tôi buồn cuời, tôi nhìn sang Kim hỏi lại:
- Bình thuờng là sao?
Kim khúc khích:
- Là một tấm chồng, một đàn con...
- Rồi gì nữa?
- Chỉ có vậy thôi.
- Chỉ có vậy thôi mà gọi là bình thuờng à?
Mân mê ly trà nóng trong tay, tôi kể cho Kim nghe chuyện từ ngày tôi ra đi, Kim kể tôi nghe những chuyện lận đận của một thiếu phụ sau khi chồng chết phải một mình nuôi con giữa cuộc sống nhiễu nhương, đen tối... chúng tôi kể cho nhau nghe mọi chuyện của chúng tôi, của bạn bè, nhưng không hiểu sao tôi lại không kể cho Kim nghe chuyện tình yêu một thời của tôi sau khi Kim đi lấy chồng, về mảnh đất này mà tôi đã từng làm chủ. Tôi sợ phải nhắc lại những gì đã làm tôi quá đau, nhưng hình như vết thương đã quá sâu đậm đến không thể vá lại cho liền đuợc nữa. Tôi truờn nguời nằm dài trên ghế như lười biếng mệt mỏi, quay sang hỏi Kim:
- Hai vợ chồng Nhu bây giờ thế nào? Bà cụ có khoẻ không?
- Vợ chồng Nhu được hai đứa con trai, làm ăn khá lắm, có nhà hàng hải sản ở quận Phú Nhuận. Bà cụ bây giờ cũng hơi lẩn thẩn, mấy hôm trước bị ngã trong phòng tắm, tuởng gẫy chân nhưng không sao, bà đang ở Đà Lạt với gia đinh ông Khanh, mày còn nhớ ông Khanh anh con Nhu không?
Tôi cười:
- Nhớ chứ sao không, ông ấy thế nào?
- Con Nhu nói ông ấy hay nhắc đến mày, nghe tin mày sắp về, ông ấy cứ theo hỏi hoài.
Tôi ngượng ngùng chống chế:
- Tụi mày lộn xộn, nguời ta đã có gia đinh rồi mà còn đùa, bộ muốn đốt nhà ông ấy hả?
Kim bật cuời:
- Đốt gì, Bà Khanh cũng biết ngày xưa ông ấy trồng cây si mày chứ bộ, ông ấy mà gặp lại mày chắc chắn nhận ra ngay, không rung động truớc nàng, chị đi đầu xuống đất.
Tôi đá chân Kim nhăn mặt:
- Con khỉ, nói bậy vừa thôi... còn ông Trung của mày thì sao? Mất lúc nào? Lúc đó mày đang ở đâu?
Kim khựng lại giây lát, mắt buồn xa vắng, giọng nói trũng buồn nghe như những lời than van, kể lể:
- Anh Trung mất khi Phú Bổn bị tấn công, lúc đó tao đang có mang đuợc sáu tháng. Sau khi lo hậu sự cho anh ấy, gia đinh đưa tao về Nha Trang. Lúc bé Uyên đuợc ba tuổi, tao đưa con vào ở hẳn Sài Gòn từ đó đến nay, cuộc sống hai mẹ con vào những năm đầu khốn khổ vô cùng, có nhiều lúc tao tuởng tao không thể tiếp tục được nữa, chỉ muốn buông xuôi...
Giọng Kim nghẹn ngào, trong bóng tối chắc chắn có những giọt lệ lặng lẽ rơi xuống má mà tôi không thể nhìn thấy. Nghe bạn kể mà lòng tôi xót xa, thấy thương Kim vô cùng, tôi khẽ an ủi:
- Mỗi nguời một số, không ai giống ai cả... bé Uyên ra trường bây giờ làm ở đâu?
- Con bé đang làm cho một hãng ngoại quốc ở Quận 7.
- Rồi sao mày với con Nhu gặp được nhau? Tao ở bên đó hỏi thăm tìm kiếm tụi mày mà chẳng biết làm sao tìm đuợc.
- Hôm ấy đi dự lễ ra trường con một người bạn, ai ngờ gặp được vợ chồng Nhu cũng dự lễ ra truờng của thằng con, hai đứa bất ngờ gặp nhau mừng vô cùng. Sài Gòn vậy mà đâu có dễ tìm đuợc nhau hả Thục? Sau đó 2 đứa mới biết Thục còn một cô em gái lấy chồng ở Gò Vấp, vì thế tụi này mới có địa chỉ của Thục để liên lạc đó chứ.
Tôi vẫn giữ thế nửa nằm nửa ngồi trên ghế, gác chân lên bàn quay sang Kim:
- Còn ông Khanh? Ông ấy lập gia đinh với ai vậy?
Kim duỗi chân trên bàn như tôi nói:
- Ông Khanh lấy bà Nhàn chắc Thục không biết đâu, hai ông bà đuợc một cô con gái... nhắc đến ông Khanh mà tức cuời, hồi đó ổng làm khổ bà già thấy bắt khiếp, đúng là ông trời con, muốn gì được nấy, bay buớm không ai bằng, vậy mà từ khi có gia đinh thấy ngoan hẳn ra, ai cũng ngạc nhiên. Hồi đó ông Khanh theo Thục mà Thục cứ lơ, bà cụ lúc đó chỉ muốn Thục cho ông Khanh thôi, Thục biết chứ bộ.
Tôi cuời:
-Biết chứ, nhưng Kim nghĩ xem, ông ấy bán trời như vậy ai mà dám? Vả lại bạn với con Nhu, ai lại đi cặp với anh nó, kỳ lắm. Thế còn Kim, Kim với ông xã Kim quen nhau lúc nào? Có biết nhau ngày truớc không?
Kim trả lời nghe giọng tíu tít thấy vui hơn:
- Đâu có, hai đứa quen nhau ở nhà con Nhu, anh ấy là bạn làm chung sở với ông xã nó trước khi tụi nó mở nhà hàng. Hai đứa qua lại một thời gian cũng khá lâu, tụi này chỉ mới quyết định ở với nhau khoảng hơn nửa năm nay thôi, có đám cưới gì đâu Thục, hai đứa sáp lại cho có bạn vậy mà. Được cái là anh chàng chưa bao giờ có vợ thành ra mình chẳng phải bận tâm. Tuy nhiên hai đứa tôn trọng đời sống của nhau, chẳng thắc mắc tò mò gì cả, tụi mình quan niệm quá khứ là quá khứ, bận tâm làm gì cho mệt, cho nhức đầu... à nè, nghe con Nhu nói sau khi mình đi lấy chồng, Thục cũng quen anh chàng nào ra riết lắm phải không? Hai nguời quen nhau thế nào mà con Nhu cũng chẳng biết đuợc chuyện của Thục? Hai nguời sau này thế nào?
Tôi lặng người thoáng giây rồi mới lên tiếng:
- Không thế nào cả, anh ấy mất rồi...
Kim ngồi bật dậy tròn mắt nhìn tôi:
- Mất? Mất hồi nào? Tại sao?
Tôi truờn nguời với ly trà trên bàn đưa lên môi hớp nhẹ, lặng im thoáng giây, bên ngoài màn tối bao trùm cảnh vật đến không thấy cả dãy núi đằng xa, chỉ thấy lác đác vài ánh đèn le lói. Tôi kể sơ cho Kim nghe sự liên hệ của tôi và Nghĩa, kể mà nghe giọng minh run run muốn khóc, tôi vội đưa ly trà lên môi để che dấu sự bối rối đang cuồn cuộn trong lòng... tất cả chìm vào khoảng trống, đêm tĩnh mịch chỉ nghe có tiếng côn trùng, tiếng róc rách của con suối dưới chân đồi.
Thấy tôi xúc động, Kim lảng sang chuyện khác:
-Thục về Sài Gòn kỳ này, khí hậu tương đối đẹp, dễ chịu chứ không nóng bức như mọi năm nhờ có những cơn mưa nửa đêm... ngày mai vợ chồng Nhu về đến Sài Gòn thế nào cũng xuống gặp tụi mình, nghe Thục về nó nôn nao lắm cứ mong từng ngày. Không những nó mà ông anh của nó cũng thế, ông Khanh nhắn nếu Thục về bằng mọi giá phải đưa Thục lên Đà Lạt chơi với gia đinh ông ấy.
Tôi mỉm cười không nói, đặt lại ly trà trên bàn, Kim cũng im lìm nhìn ra xa, hai đứa như đang đuổi theo ý nghĩ của riêng mình. Tiếng nước róc rách sau nhà vọng lên nghe nhịp nhàng đều đặn như một điệp khúc quen thuộc tạo cho đêm thêm tĩnh mịch, cho tôi nghe đuợc nỗi buồn của Kim, của tôi lúc này. Tiếng đồng hồ ngân nga báo giờ làm Kim giật mình đứng lên:
- Chết, đã hơn 3g sáng, nói chuyện mà quên cả giờ giấc, Thục đi ngủ đi kẻo mệt.
Tôi vẫn giữ thế nằm, ngước lên nhìn Kim:
-Kim ngủ trước đi, giờ giấc trái ngược với bên kia nên mình vẫn chưa thấy buồn ngủ, Kim đi ngủ đi, sáng mai gặp. Ngủ ngon nhé!
- Nếu vậy tao thức với mày.
- Thôi đừng, cứ ngủ trước đi, mình ngồi đây một tý rồi vào phòng ngay...
Kim chần chừ rồi gật đầu bước xuống cầu thang. Nhìn theo bóng Kim khuất dần phía duới, tôi bỗng thấy thương Kim, thấy lòng mình trống vắng và cô đơn lạ lùng.
Tiếng gà gáy từ đâu vọng lại làm tôi giật mình tỉnh giấc. Ánh nắng chiếu vào chỗ nằm qua khung cửa sổ, tiếng chim hót líu lo trên những cành cây cao nhưng phía duới lặng im không nghe một tiếng động. Nhìn đồng hồ trên tủ đã quá 10g sáng, tôi vội vàng thay quần áo xuống nhà nhưng không thấy Kim đâu, một mảnh giấy ghi vội dằn duới bình cafe, Kim nói phải đi chợ nhưng thấy tôi ngủ say nên không muốn đánh thức. Cầm ly cafe buớc ra ngoài, gió mát ban mai thoang thoảng mùi hoa hồng làm tôi dễ chịu, tâm hồn sảng khoái hơn. Đến bên tảng đá to, đưa tay sờ lên mặt phẳng của tảng đá mà thấy lòng nao nao, ngồi trên tảng đá một lúc với những buồn vui lẫn lộn làm tôi ngây ngất. Tôi cẩn thận buớc lần xuống con suối nhỏ đang róc rách. Đứng dựa lưng vào cây chuối bên mé suối, nhìn giòng nước trong vắt trôi từ từ trên những hòn đá lởm chởm trong lòng suối mà thấy lòng buồn man mác, chợt có tiếng gọi từ trên cao:
- Kim! Kim!
Tôi quay lại, ngước lên thấy nguời đản ông đang đứng trên tảng đá tôi vừa ngồi lúc nãy, vội trả lời:
- Dạ Kim không có nhà...
Người đàn ông bất chợt trông thấy tôi sững sờ giây lát rồi kêu lên:
- Thục! Ô kìa Thục, phải Thục không?
Tôi nhíu mày nhìn nguời đàn ông đang phóng nhanh xuống chỗ tôi đứng rối rít:
- Trời ơi Thục, đúng là Thục, em về từ bao giờ?
Thấy tôi vẫn đứng yên với vẻ ngỡ ngàng, người đàn ông lay vai tôi mừng rỡ:
- Anh đây, không nhận ra anh sao?
Nhìn nguời đàn ông trước mặt, tôi bỗng nhận ra, ly cafe đang cầm rơi xuống tảng đá dưới chân vỡ tan tành. Tôi tròn mắt nhìn nguời đàn ông, hình ảnh lung linh, nhạt nhòa, tôi không còn thấy rõ nét mặt người đối diện. Nước mắt từng giọt từng giọt rơi xuống má, tôi lắp bắp:
- Có phải em đang mơ không?
Nguời đàn ông mừng vui đến cuống quýt:
- Đúng là Thục của anh, em trốn ở đâu mà anh tìm không ra? Em có biết là anh đã tìm em khắp nơi không?
Tôi vẫn chưa hết sửng sốt:
- Sao anh biết em ở đây mà đến?
Nguời đàn ông như chợt nhớ ra điều gì, giật mình vội buông tôi ra, đứng lui lại hốt hoảng:
- Em! Em là bạn của Kim?
Tôi gật đầu lia lịa:
- Dạ vâng, em là bạn của Kim, em mới về hôm qua, nhưng sao anh biết em ở đây mà đến?
Nguời đàn ông kêu lên:
- Em! Em là bạn của Kim sao anh không biết? Tại sao em lại là bạn của Kim?
Tôi ngơ ngác:
- Em với Kim là bạn học ngày xưa, tụi em mới liên lạc được với nhau, còn anh? Sao anh biết em ở đây?
Người đàn ông buông thỏng hai tay đứng chết lặng, khẽ nói:
- Thế Kim không nói gì với em về anh hết sao?
Tôi trố mắt nhìn nguời đàn ông trước mặt kêu lên:
- Cái gì? Anh, anh nói cái gì? Anh quen Kim hồi nào mà Kim lại biết về anh?
Nghĩa khổ sở ôm đầu thảm não nói như rên rỉ:
- Anh với Kim mới sống chung với nhau hơn nửa năm nay...
Tôi tái mặt, tim tôi nhói như vừa bị ai đâm. Lỗ tai tôi lùng bùng, toàn thân tôi lạnh buốt, tay chân bủn rủn, choáng váng như không đứng vững, tôi không nghe được gì ngoài những âm thanh hỗn độn và tiếng nước róc rách đang chảy duới chân. Có thật sự là Nghĩa đang đứng trước mặt tôi đây không? Có thật Nghĩa đang là chồng của bạn tôi không? Nguời đàn ông mà tôi đã yêu đã nhớ ngày đêm trong vô vọng, người đàn ông mà tôi cứ tuởng đã chết, đã ra khỏi cái thế giới tôi đang sống?
Tôi thấy mình nhẹ tênh, toàn thân mền nhũn, tôi lao chao quỵ xuống, Nghĩa vội đưa tay chụp lấy, ôm chặt tôi trong tay, nước mắt Nghĩa từng giọt rơi trên mặt, trên tóc tôi. Tôi miên man đau đớn, miệng lắp bắp không ngừng:
- Anh! Tại sao anh lấy Kim? Tại sao anh lại lấy bạn em? Anh không còn thương em nữa sao? Anh quên em rồi sao? Trời ơi, tại sao anh lại lấy bạn em?
Vừa nói vừa khóc, đầu óc tôi như muốn vỡ tung ra, Nghĩa không nói gì chỉ biết ôm chặt lấy tôi, nước mắt cũng nhạt nhòa, chàng vùi mặt mình vào tóc tôi nghẹn ngào năn nỉ, dỗ dành:
- Anh xin lỗi em, anh xin lỗi em, anh không ngờ Kim là bạn của em, cũng tại anh, anh không bao giờ hé môi cho ai biết chuyện của anh, và Kim cũng chẳng bao giờ hỏi... lỗi tại anh, lỗi tại anh tất cả, nhưng mình đã gặp được nhau, mình sẽ không xa nhau nữa, em tin anh đi, anh sẽ không để em xa anh nữa đâu... nhưng tại sao em không tìm cách liên lạc với anh? Đi tìm anh? Tại sao?
Tôi rấm rức kể lể:
- Em tuởng anh đã chết, bạn bè của anh nói anh đã chết khi bị tấn công. Mọi nguời đều tin anh đã chết, lúc ấy em không tin sao được trong khi sau cuộc chiến ai cũng trở về với gia đình, còn anh thì biệt tăm. Sau khi đất nước thay đổi được vài tháng em có trở ra Quy Nhơn tim đến nơi gia đinh anh ở khi xưa, nhưng các em của anh đã dọn đi nơi khác, em hoàn toàn mất liên lạc với họ. Em trở lại Sài Gòn, sau đó nghe tin chính phủ sẽ đưa dân đi kinh tế mới nên gia đình em đã xuống đây mua đất, vì nghĩ ở đây gần Sài Gòn hơn các nơi khác. Cuộc sống lúc đó đã đảo ngược tất cả, gia đinh em mất hết của cải trên đường chạy loạn. Em lại mất anh, mọi nguời đều thất chí chán nản, em buồn không còn thiết tha gì với cuộc sống lúc đó, gia đinh thấy vậy mới lo cho em đi, một năm sau gia đình cũng tìm cách đi luôn. Còn anh, tại sao các bạn của anh nói anh đã chết? Vậy anh đã đi đâu mà không về nhà? Không đến tìm em?
Nghĩa nâng khuôn mặt ràn rụa nước mắt của tôi, đưa tay vén những sợi tóc uớt, khẽ nói:
- Anh bị bắt làm tù binh, mấy năm sau mới được thả ra, lúc được ra anh đến tìm em ngay, tìm em khắp nơi, tìm xuống đây mới biết là gia đinh em vừa đi hơn 1 tháng, một chủ khác chiếm ngụ sau khi gia đinh em bỏ đi. Tìm em không được, anh tìm cách mua lại khu đất này, hy vọng một ngày nào đó em sẽ trở về thăm lại nơi em ở ngày xưa, không ngờ anh chờ đã hai mươi mấy năm mà em vẫn không trở về...anh mua khu đất này trước khi gặp Kim, chính Kim cũng biết anh mua khu đất hoang này là vì ai, chỉ có điều Kim không biết người đàn bà anh yêu là ai thôi...
Tôi gục đầu vào ngực Nghĩa khóc nức, nước mắt thấm ướt cả áo Nghĩa. Nghĩa ôm tôi trong tay, dìu tôi đi trở lên, khi đi ngang vườn hoa, nơi có hòn non bộ. Nghĩa chỉ cho tôi xem ngôi mộ mà chàng đã đặt dưới gốc cây cổ thụ, Nghĩa nói:
- Em có biết tại sao anh đặt ngôi mộ trong này không? Đó là ngôi mộ của em, anh lập nên truớc khi quyết định chung sống với Kim, vì anh tưởng sẽ không bao giờ gặp được em nữa...
Nghe Nghĩa nói, tôi lại càng thấy nhói đau trong tim, tôi lại càng tức tửi, nước mắt tôi như đã tích lũy nhiều năm nên cứ tuôn rơi không ngừng. Vừa vào đến cửa đã nghe tiếng điện thoại reo vang làm cả hai giật mình, tôi mở to mắt nhìn điện thoại rồi lại nhìn Nghĩa hoảng hốt. Nghĩa áp 2 bàn tay tôi trong tay chàng trấn an:
- Em bình tĩnh, mọi chuyện có anh lo, em cứ yên tâm.
Nói xong Nghĩa đến cầm điện thoại:
- Ừ, anh đây… anh đã gặp Thục... em có sao không?… Không sao là được rồi … Ừ, em cứ ở đó anh đến ngay...
Nghĩa bỏ điện thoại xuống nhìn tôi đang run rẩy. Chàng đỡ tôi ngồi xuống ghế, dỗ dành:
- Em nghe anh nói, em yên tâm, không gì có thể chia cách em và anh. Chuyện xảy ra ngoài ý muốn của mọi nguời, anh tin Kim sẽ hiểu cho mình... Kim vừa gọi điện thoại nói xe bị đụng nhưng không sao, chỉ có xe bị hư thôi. Em ở nhà chờ anh, anh đi đón Kim và sẽ nói với Kim về chuyện của mình.
Nghĩa ngừng nói, hôn lên môi lên mắt tôi rồi tiếp giọng thật trìu mến:
- Anh yêu em vô cùng, trong bao nhiêu năm qua, anh không ngừng yêu em, anh nghĩ anh yêu em cho đến lúc anh nhắm mắt... hôm nay gặp được em, mình sẽ không mất nhau nữa phải không? Em ở nhà đợi anh, anh sẽ về ngay.
Nói xong Nghĩa quay lưng, tôi bỗng thấy sợ hãi, vội vàng níu tay áo Nghĩa:
- Anh, anh đừng nói với Kim chuyện của mình nghen anh?
Nghĩa ngạc nhiên:
- Tại sao? Đằng nào Kim cũng biết, anh không muốn dấu Kim.
Tôi giữ chặt tay Nghĩa năn nỉ:
- Em biết, nhưng Kim là bạn em, anh khoan nói với Kim, anh nhớ đừng nói gì hết. Anh hứa là anh không nói gì khi gặp Kim đi, anh hứa cho em yên tâm. Đầu óc em lung tung, mù mịt quá, hãy để em nói với Kim, em năn nỉ anh, em xin anh, anh hứa đi?
Nghĩa nhìn tôi giây lát rồi gật đầu:
- Được, anh hứa với em.
Tôi từ từ buông tay áo Nghĩa ra, Nghĩa mỉm cười đưa tay vuốt nhẹ má tôi rồi quay lưng, tôi chợt hốt hoảng kêu lên:
- Anh!...
Nghĩa quay lại chờ đợi, tôi vội lắc đầu nói nhanh:
- Ồ không, không có gì, anh đi đi, đi nhanh kẻo Kim đợi.
Nghĩa nhìn tôi âu yếm rồi gật đầu dắt xe ra cổng.
Bóng dáng Nghĩa đã khuất sau rặng tùng từ lâu vậy mà tôi vẫn cứ đứng yên một chỗ nhìn về phía trước như một tượng đá, chân như không nhấc khỏi chỗ đứng, tất cả xảy ra quá đột ngột, quá nhanh, nhanh như một khúc phim mà tôi vừa xem, đầu óc tôi rỗng tuyếch, trống trơn như một căn phòng không bàn ghế, không giường chiếu, nhưng nước mắt tôi vẫn cứ rơi, tim tôi vẫn thấy đau, tôi nghe vị đắng trong cổ họng, trên đầu luỡi, trên cả bờ môi, tôi lững thững bước những bước vô hồn lên gác, bước đi ngả nghiêng như muốn ngã, tôi thấy ngực mình nặng nề như hai lá phổi bị dồn nén không đủ dưỡng khí cho tôi thở... một lần nữa tôi lại thấy mình hụt hẫng, cái hụt hẫng của tôi ngày xưa khi nghe tin Nghĩa mất sao không giống cái hụt hẫng tôi đang có hôm nay. Tôi như chơi vơi giữa đại dương không thấy đâu bến bờ, không thấy đâu một điểm tựa, một cái phao để níu lấy... bao nhiêu năm qua, ấp ủ thương nhớ một bóng hình, trong chốc lát, bóng hình hiện ra rồi lại biến mất... tôi thẫn thờ đứng bên cửa sổ đưa mắt nhìn xuống khu vuờn bên dưới, mắt tôi lại thấy ngôi mộ đang nằm cô quạnh trong hòn non bộ. Tôi thấy ngôi mộ tôi vẫn còn đó, ngôi mộ tôi không thể nào xóa đi, bởi nó đã có từ lâu lắm, từ lúc tôi chưa trở về, nó sẽ ngàn năm yên nghỉ dưới gốc cây cổ thụ già nơi đây... tôi thầm thì với Nghĩa... thôi, quên em đi anh, cứ coi như em đã chết, cứ coi như nấm mộ trong hòn non bộ kia mà anh đã đặt để trong đó thật sự là nấm mộ của em... hãy coi sự hiện diện của em vừa qua chỉ là một hồn ma quá khứ mà anh vừa bắt gặp... hãy coi như em chưa từng trở về bao giờ...
Tôi vội vã bỏ đi, cánh cổng khép lại sau lưng che khuất tảng đá thật to đang nằm lưng chừng trên triền dốc, ngăn cách cả âm thanh róc rách của con suối duới chân đồi và che khuất cả ngọn đồi nhỏ hiu quạnh có nấm mộ tôi trong đó!...
Nguyễn Thị Tê Hát