Từ ngày bà giáo mất, ông Chữ hay nhắc Sen: "Hai chị yên bề gia thất rồi. Bố chỉ còn lo cho con...". Sen nũng nịu: "Thì bố cứ để con kén...". "Bố nhà cô! Kén, rồi cả đời hầu bố à !". Cả hai bố con đều biết rõ, ở cái làng hoa này chưa có người con gái nào lấy chồng muộn hơn Sen...
Ông Chữ suốt ngày lúi húi ngoài vườn với đám cây cảnh. Ông cắt cành, tỉa lá, uốn dáng cho những cây kim ngân; nhổ chỗ này cấy xuống chỗ kia những cây hồng, cây mào gà... Chiều, ông ra bến sông câu cá giải khuây...
Cô giáo Sen hay rủ bạn về chơi. Hầu hết là các bạn trai. Anh nhà thơ có hai bài thơ về hoa sen trên báo Đảng. Anh ngoại thương đã đi Nam về Bắc nhiều lần, thành thạo việc mua lúa gạo, khoai sắn... Và anh giáo dạy toán giỏi nổi tiếng trường xã, đã từng có một học sinh suýt nữa được tuyển vào học ở trường chuyên toán huyện.
Có một người hàng xóm, cô Sen chẳng muốn anh ta đến nhà, là anh cu Mích. Lũ trẻ con gọi là Mích Mười Tám. Tên nghe như tàu bay. Thực ra cái tên gợêi mơ ước thầm kín của cha mẹ mong anh khi lớn, Mích lái máy bay chiến đấu, tung hoành trên bầu trời gìn giữ đất làng hoa... Khổ nỗi, khi Mích lớn lại đã hoà bình. Người ta chỉ tuyển những người học hết cấp ba mà Mích mới học đến lớp mười một. Anh đi bộ đội ba năm và trở về làng hoa với quân hàm trung sĩ. Trung sĩ Mích nổi tiếng uốn cây si.
Không biết anh ta học ở đâu cách trồng tỉa, cách hãm cây cảnh, đâm rễ,uốn thế... mà vườn cảnh của nhà anh toàn một loại si. Cây si Mẫu Tử và cây si Đất Nước, tết năm ngoái Mích bán được một triệu. Đúng là hai chỉ vàng. Cũng nhờ cái khéo léo của bàn tay vàng biết chăm lo vun tỉa cây mà thôi.
Ông Chữ đã từng đứng lặng hàng giờ trước vườn cảnh của đứa học trò dốt năm xưa. Bây giờ, Mích đáng được gọi là bậc thầy về si cảnh ... Cũng là trời ban cho cái mà các ông thầy trường làng không có để mà cho trò. Ông ngỏ ý Mích truyền nghề. Mích cười hề hề, thưa: "Có gì đâu mà giấu, thầy. Dễ như mở bàn tay ấy thầy ạ. Chỉ việc làm thế này... thế này...". Cứ như thế này, thế này mà Mích nói hết cả buổi sáng; anh hẹn thầy chiều ăn cơm xong sẽ nói tiếp. Tối lại hẹn mai... Nghĩa là có thể viết ra một cuốn sách.
Mấy ngày liền, thấy ông Chữ có vẻ sốt ruột, Mích sực nhớ và bảo: "Khổ quá. Con nói cứ lằng nhằng như rau muống luộc. Chi bằng...". Ơờ nhỉ, ương một vườn si cảnh bên nhà thầy, ngày ngày trò đến hướng dẫn... Tiện quá! Tiện quá ! Đỡ mang tiếng trò dạy khôn thầy...
Thế là nhà ông giáo Chữ có một vườn si. Anh nhà thơ bảo thế và ứng khẩu đọc một bài thơ rối hơn cả rễ si đang loà xòa, đâm chéo vào nhau. Anh ngoại thương dịch bài thơ ra tiếng anh tiếng em gì đấy, xì xồ đọc; tiếng gì mà lắm âm "sần" ở cuối, nghe sần sùi như gốc si mốc. Anh dạy toán ước tính tác phẩm có 2000 từ , vị chi mỗi từ một hào, bài thơ cũng đáng hai chục ngàn. Ơ, tính thế là thế nào nhỉ? Aà, giống như rễ si móc vào cây đa đầu làng... Cô Sen được một bữa đỏ chín cả mặt...
Đến lúc uốn thế, ông Chữ yêu cầu Mích làm cây si Ông Cháu. Ông Chữ làm mẫu ông, cháu thì đã có một đứa học trò gần nhà cô Sen giúp. Mỗi buổi chiều, ông cháu bên nhau cho Mích ngắm và sửa cây. Cầu kỳ và nhọc công quá.
Lúc ông Chữ đã nản, tác phẩm vẫn chưa xong thì Tết đã đến. Làng hoa tràn ngập khách buôn. Người ta đòi mua cây si Ông Cháu. Mích nói với ông giáo chớ có bán.
Giáp Tết, hôm ông Táo về giời, ông giáo sang nhà Mích ăn cỗ. Sen ở nhà trông nhà. Khách vào nườm nượp. Cô sốt cả ruột. Rồi cô buột miệng bảo một ông to béo đi ô tô, đỗ xe ở ngõ, cứ ngẩn ra hàng giờ trước cây si: "Một triệu... Cháu không bớt một xu. Chịu thì bác mang đi". Ông ta chỉ chờ có thế , sai người đưa tiền mang cây ra xe.
Đếm lại tiền, Sen thấy dư ra mười ngàn ... Và chỉ đến lúc nghe Mích oà khóc khi biết cô đã bán cây Ông Cháu, Sen mới biết mình hớ...
Cô an ủi mãi, Mích vẫn hự hự trong ngực , nhìn trách móc. "Thôi thì ra Tết, em sẽ làm mẫu để anh làm cây Thiếu Nữ...". Mích đỏ mặt, bỏ về.
Tết, anh lánh mặt cô. Anh đến thăm ông giáo vào lúc cô đi vắng. Cô nhắn mấy lần, Mích mới sang. Trông lạnh lùng thấy ghét ! Anh lặng lẽ uốn tỉa cây, thi thoảng mới liếc nhìn cô đang chải tóc... Tối, anh chào cô rồi về. Dửng dưng. Xa lạ... "Chắc anh ta giận. Thôi thì mình cố làm mẫu để bù nỗi ngu ngơ... Cho bố già khỏi buồn". Nghĩ thế nên Sen kiên trì ngồi làm mẫu. Đôi khi cô cười như xin lỗi...
Sen như quên cả chuyện anh ngoại thương đã vào Sài Gòn; anh nhà thơ đã đi làm báo xa; và anh giáo dạy toán đã chuyển lên trường huyện. Quên cũng phải. Vì họ có nhớ cô đâu. Đến một cái thư cũng không có...
Một hôm, cô gợi được chuyện Mích. Anh thủ thỉ nói: "Trồng cây si đẹp giống như làm thơ. Để cho nó đẹp phải tính như toán. Dĩ nhiên vẻ đẹp sẽ tạo ra tiền như... để xuất khẩu ấy...". "Ôi anh Mích... Thế ra anh bằng cả ba người cộng lại...". Mích ngừng tay uốn, bứt một lá si. "Không, tôi không phải là ba người. Tôi chỉ là một người có đôi mắt lá si... Tôi là người trồng si...".
Sen tinh nghịch: "Hình như em nghe anh Mích nói ngọng..."
Mích không giận.Anh đã nhìn vào mắt Sen. Và, trả lời khiến cô giáo phải sửng sốt:
-Tôi nói tôi là người trồng si cảnh. Và em biết đấy, anh đến đây và muốn ở lại làm một người chồng si thật sự. Em thấy thế nào?
Sửng sốt là nói xong, Mích vụt chạy... Anh chạy ra bến sông nơi ông giáo Chữ đang câu cá để thưa chuyện.
Cuối năm ấy, trời rét ngọt. Đám cưới được tổ chức. Tiệc bầy trong vườn si cảnh. Người ta không thấy cây si Thiếu Nữ đẹp như thế nào; vì vườn si này là vườn cảnh của nhà anh Mích. Đám cưới chỉ vắng anh bạn làm thơ. Tiếcthay! Nếu không, chắc hẳn chúng ta sẽ được đọc thêmmộtbài thơ ở cuối truyện này.