Ðược đạo bùa linh nghiệm đó, tôi hả dạ không cùng. Sáng luyện, trưa luyện, nửa đêm luyện, mong cho mau thành đặng có làm cho “hả gan hả ruột” một phen.
Khi lúa đã chín vàng, tôi cũng học bùa vừa thành thuộc.
- Cha! Thầy mình khen nó quá mà không biết nó sẽ linh hiệu thế nào! Mà thế nào đi nữa, mình cũng phải thử trước chớ, không. Tổ trác, làm “leo cây” không kịp.
Tôi đinh bụng và lăm le, nhưng chưa có một dịp nào thử bùa.
Chiều một bữa cuối năm. Thầy tôi nhắn qua rằng: Vắng tôi nên thằng Út nhớ lắm.
Tôi tắm gội sạch sẽ, ăn mặc bảnh bao, định rảo sơ một vòng qua xóm rồi sẽ đến nhà thầy tôi không muộn.
Nói là rảo sơ chớ bụng tôi đã quyết tìm cơ hội thử bùa: mà phải thử con gái trước…
Nhưng khốn nạn quá, mấy bữa trước các cô đi kiếm củi bơi xuồng về lênh nghênh đầy rạch, hôm nay rủ nhau trốn đâu mất hết. Mọi ngày các cô đi câu lội đầy đồng, nay cũng vắng tanh chẳng có một bóng ma nào!
Ði khắp xóm, đến đâu người ta cũng niềm nở, mời mọc, hăm vật gà đãi rượu, nhưng tới đâu tôi cũng vẫn lạnh lùng:
- Thôi thôi, cho hẹn bữa khác, hộm nay trong mình tôi khó ở.
Buồn ý, tôi thả rểu ra ruộng, rồi nặng nề đi thẳng lại nhà thầy tôi.
Lúa chín đầy đồng. Trời hôm ấy đẹp quá. Gió chiều hiu hiu từng ngọn. Ðàn cò lũ lượt vổ cánh lưng chừng không.
Lòng tôi bỗng nhiên khoan khoái lại. Có đạo bùa bỏ túi, tôi cảm thấy mình có một địa vị tối cao.
Thiên hạ cùng phục tài “anh Sáu đờn kìm” bao nhiêu, giờ lại cang kính nễ thêm bấy nhiêu.
Mà rồi đây, họ sẽ kêu mình là “Cậu Sáu” hay “Thầy Sáu” cũng không biết chừng!
Ừ, có vậy mới được chớ, lẽ nào tài cán bực nầy mà lại chịu cho họ kêu “Thằng Sáu kia, thằng Sáu nọ”?
Cái buổi vinh quang đã đến. Cái ngày “nợ nần” cũng sắp trả xong. Nghĩ đến đó, tôi sung sướng quá, quên cả mệt mỏi, rảo bước không mấy hồi là đến nhà thầy tôi mà tôi không hay.
Chừng trục thấy bụi chuối phất phơ ngọn lá bên đường, tôi mới đứng khựng lại.
Trời đã sập tối. Ba con chó trong nhà túa ra sủa hai ba tiếng, rồi đánh hơi được, xung xăng ngoắt đuôi mừng.
Tôi lại vỗ cửa:
- Thầy ơi, thầy!
- Ai đó, anh Sáu hả?
- Phải, tôi đây, Thầy Thím đâu rồi cô hai?
Cô Yến rút then cửa:
- Ở nha một mình ban đêm ghê quá! Thằng Út độc địa, mới chập tối đã vô mùng ngáy khò khò. Ba má em hồi chiều có dặn: Nếu anh lại chơi, kêu anh ngồi chờ một chút.
- Thầy, Thím đi đâu cô?
- Qua bên cậu mười em. Mợ mười em khi không “lên xuống” sao đó, nên ở bển qua rước.
- Rủi quá, thôi để tôi đi về…
- Tội nghiệp, về làm gì anh. Ðây ba má em về nói tại em không cầm anh, rầy em oan lắm. Anh ngồi chơi, chờ một chút, em đi nấu chè anh ăn.
- Thôi, tôi không hảo ngọt, mất công cô lắm.
- Công cán gì anh. Ngồi không cũng buồn. Em nấu chè anh ăn, anh đờn nghe chơi cho ấm nhà. Anh coi, có một mình, sau trước vắng tranh, em sợ cái bàn Tổ quá. Chong đèn gì là leo lét như ma trơi!
- Con “nhà tướng” mà sợ bàn Tổ nổi gì?
- Sao không sợ anh! Nhà ở biệt lập giữa đồng như vầy, ban đêm, gió đưa mấy tàu chuối oặt oà, rột rạt, ghê hồn. Hồi nãy chó sủa, em đã thất sắc, chừng nghe tiếng anh, em mới vững bụng.
- Cô nhát quá!
- Không nhát sao được anh, con gài mà ở một mình rủi…
- Bây giờ cô hết sợ chưa?
Cô Yến bẻn lẻn:
- Hết…! Mà anh phải ăn chè nghe?
- Ừ, ăn thì ăn.
Cô lui cui bưng đèn xuống bếp còn quay lại dặn vói:
- Nằm trên ván đó anh Sáu. Nằm một chút cho khoẻ rồi đờn nghe chơi anh.
- Ðược, để đó tôi, cô!
Nhà vắng vẻ thật. Cây đèn trên bàn Tổ leo lét trông bắt lạnh mình. Gió rung tàu chuối nghe ào ào. Mấy con chim ăn đêm ngoài bờ tre lâu lâu kêu lên một tiếng rợn người.
- Oải! Anh Sáu ơi! Anh Sáu, anh Sáu!…
Tôi phóng xuống đất một cái rộp.
- Cái gì, cái gì?
Tôi đâm đầu chạy xuống bếp. Cô Yến la thất thanh, đã quăng cây đèn tắt phụp tự hồi nào rồi.
Tôi chạy thế nào mà nghe tiếng gió sát cạnh tủ, thân mình cạ vô vách buồng rào rào, tôi quên rằng trong đêm tối, các cây cột, bàn ghế sẽ va vào đầu tôi không thương hại.
Nhưng… cô yến đã thẳng trớn chạy lên, lủi vô mình tôi dữ dội. Ðụng nhau mạnh quá đến hai đứa té lăn cù dưới đất… mà cô nằm gọn lỏn trong hai cánh tay tôi.
- Gì đó, gì đó cô?
- Ma! Anh ơi… ma.
- … Ôm mà xơ rốp, mà ha xơ rốp… bầm buôl, tầm đốp… xốp rốp…
Tôi đọc thần chú lung tung beng, loạn xà bần, trống ngực đánh đụi, đụi… đụi.
Cô Yến thở hào hển:
- Ma ở… sau bếp anh à. Em vừa bưng đèn xuống… hai con mắt xanh… hai con mắt xanh… lè, chờn vờn…
- Không sao, không sao, có tôi, đừng sợ!
Tôi rán đỡ cô Yến ngồi dậy, đưa hai cánh tay run run, dìu cái thân hình dịu nhiễu cũng run run, dắt ra trước, đặt cô ngồi xuống ván.
- Cô làm tôihồn vía lên mây!
- Em sớ quá, anh sợ không?
- Sợ gì cô? Nam nhơn chi chí mà!
Tôi làm gan đứng lên, ra mặt bảnh, sửa soạn xuống bếp.
Cô yến bấu chặt tôi kéo lại, năn nỉ:
- Ðừng đi anh. ở lại với em một chút mà!
Như cái máy, tôi buông rơi mình xuống ván.
Không biết chúng tôi ngồi trong bóng tối như vậy bao lâu mà… chừng cô Yến, sực tỉnh, thẹn thuồng gỡ tay tôi ra, tôi mới hoàn hồn.
- Anh làm ơn xuống kiếm giùm cây đèn cho em, kẻo mất, ba má em về rầy chết.
Tôi cũng bối rối.
- Ừ, ừ để tôi đi kiếm, để tôi đi kiếm!
Tôi đốt đèn lớn bưng ra nhà sau. Cây đèn cô yến quăng lúc nãy nằm lăn bên đống củi, ống khói bể nát.
Tôi vói tay lượm lên, mắt láo liên dòm.
Trong lúc đó tôi mới sực nhớ là mình có đạo phù thần mạnh mẽ. Tay bùa chú mà nghe có ma đã run sợ, là một chuyện quái gỡ vô cùng. Tự nhiên tôi thấy “gan” lên, tay bắt ấn, miệng le lưởi thổi dọn đường, rồi dạn dĩ bước thẳng xuống bếp, đưa đèn rọi.
Con mèo mun nằm trong lò, đưa cặp mắt xanh nhìn trân trân, rồi như muốn lại mơn trớn tôi, nó vùng kêu “meo meo”, thẳng lưng phóng xuống đất.
- Cô Hai, cô hai, xuống mà con con ma của cô đây nè!
Thấy mèo, cô yến cười. Rồi cô lăn xăn đi nhúm lửa.
Tôi hỏi giỡn:
- Ủa, còn chè cháo nữa sao?
Cô liếc xèo tôi một cái như dao phớt:
- Chớ sao!…
Ngồi đợi nồi chè chín, lòng tôi bâng khuâng khó tả.
Cô Yến ngồi bên cạnh chõng, lâu lâu quạt vào mùng thằng Út một cái, chăm chỉ đợi nghe tôi ca.
Nhưng tôi, tâm trí đang rối mù, không còn nhóo câu nào là câu nào, đờn nghe lỏn chỏn chết đời.
Ðầu óc tôi gần bể rạn ra bởi những cuộc “cãi lộn” lung tung:
- Hay là thừa lúc nầy mình thử bùa?… Ậy, bậy nà! Con của Thầy mình! Thầy thì Thầy chớ, “thử” chớ phải “thiệt” sao?… Cha, rủi Thầy mình biế?… biết là sao được, chỉ có hai đứa ở nhà… Rủi Thầy mình về bất tử?
Tôi phập phồng hỏi:
- Cô hai ơi, thầy thím sao chưa về?
- Em cũng không biết nữa. Hồi đinói về sớm, mà tới bây giờ…
Tôi nhóng:
- Thôi thì tôi về vậy, khuya rồi!
- Ý!… ở lại với em một chút nữa, anh Sáu à!
Trong giọng nói có một chút gì như van lơn quyến luyến.
Bốn bề lặng lẽ như tờ. Phía sau, lửa cháy lách tách. Tôi quả quyết, cắn môi: Thây kệ, thủu càn…
Toàn thân tôi bỗng run lên, trống ngực tôi đánh rầm rầm. Hai hàm răng tôi cắn khít lại, rồi “Ôm mà xơ rốp…”
- Cô hai ơi, lại tôi chỉ cái nầy!
Thì lạ lùng thay, linh nghiệm thay, tôi gọi vừa dứt lời, cô yến vươn mình bước xuống đất ngoan ngoãn như con mèo sau bếp…
Thình lình, có tiếng cho sủa, rồi chó mừng. Tôi giựt mình đứng dậy.
- Ba má về…!
Ðang đi lại tôi, cô yến trở mình “cái vụt” mừng reo, chạy ồ ra mở cửa.