Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> NƯỚC MỸ… NGỦ ĐƯỜNG

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9555 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NƯỚC MỸ… NGỦ ĐƯỜNG
Hà Đình Huy

NGHỆ THUẬT CHỬI CỦA NGƯỜI VIỆT

 Với lối chửi bóng gió, đầy tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu về hình thức, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác,ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “ nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được (?)

(Trần Ngọc Thêm & Tuyết Mai ) 

“ Chỉ vì mất một con gà
Rêu rao bà chửi suốt ba ngày liền
Chỉ sang từ phía láng giềng
Réo từ nội ngoại tổ tiên muôn đời”


(không nhớ tên tác giả)

Hơn 10 năm sống trên đất Hoa Kỳ, vài lần tôi bắt gặp người Việt chửi nhau bằng mồm.( hai người đứng chửi qua lại) Sở dĩ thời gian dài như thế kia mà tôi chỉ hiếm hoi thấy có vài lần. Có lẽ vì tôi ít thường ra chỗ đông người và ít tiếp xúc với đồng hương nên không “ bắt gặp” chăng? Chứ còn chửi nhau trên báo chí tôi thấy hoài. Cũng không lâu lắm, có dạo một số tờ báo ở San Jose chửi nhau như cơm bữa. Tôi không biết lý do tại sao cùng nghề nghiệp mà họ chửi nhau. Có lẽ là họ không ưa nhau về quan điểm (chính trị?)  Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tôi không đề cập đến việc chửi nhau của báo chí, mà chỉ nói đến việc chửi của người đời. Thực ra thì dân tộc nào cũng có chửi, thậm chí có từ lâu đời, chửi tục cũng có và chửi thanh cũng có. Cuộc sống phức tạp vốn nhiều quan hệ nên hay có va chạm, xung đột. Mà đã có xung đột thì cần phải giải quyết. Người ta có thể hòa giải bằng “đối thoại”, song cũng không ít người sử dụng “ đối đầu”. Mà đối đầu “ hiền lành” nhất là “ đấu võ mồm” tức như ông bà ta xưa thường nói là chửi nhau.

Nói đến chửi người Việt Nam nào cũng nghĩ ngay đến hiện tượng vô văn hóa, những câu chửi tục tĩu …; như chỉ bộ phận sinh dục, bài tiết, quan hệ tình dục…. Họ gán cho đối phương là “ họ hàng” của loài vật mà theo họ có những đặc tính xấu, bị xã hội chỉ trích như : bò, chó , heo, rắn rết, giòi bọ, dê ( xồm) …..Một số người ôn tính hơn, họ chỉ hạ thấp đối phương một cách tương đối. Họ hạn chế ở mức độ ví đối phương với những thứ giả người như : bất nhân, ngợm, quỉ quái, yêu tinh…; nêu những khuyết điểm hoặc gán ghép cho đối phương những khuyết điểm vật chất tinh thần xã hội, ví dụ: ( đồ, con, quân, lũ , bọn) què, mù ( đui) …; ngu, ngốc, điên, khùng…; đểu  cáng,  ác  độc,  vô  luân,  bất  hiếu…;  phản  động,  lừa  đảo,  ăn cắp….  Các cách chửi theo lối này hầu hết các dân tộc đều sử dụng và phổ biến trong dân gian. (fuck you, bitch, damn …người Mỹ thường hay xài) Nhưng riêng dân tộc Việt Nam ngoài những “kiểu chửi” phổ thông như vậy, người Việt còn có đặc tính chửi dài, chửi dai như giẻ rách, chửi có bài bản, văn vẻ, vần điệu…. Đôi khi người chửi  mạ  lỵ,  mạt  sát,  đay  nghiến…,  sau  câu  chửi  là  muốn  đối phương “ chết” ngay theo ý của mình.

Thông thường người ta tức lúc nào chửi lúc đó. Người Việt thì không vậy, họ chờ khi thật đông người mới chửi và khi chửi lại cố tình đệm thêm “ới làng trên, xóm dưới” hoặc “ trời cao, đất dày ơi” như kêu gọi mọi người đến nghe hay “ bà con cô bác coi đó….” có tính cách phân chứng.

Khi còn ở Việt Nam ông bạn tôi, Hai Đầu Tém đã kể lại một vụ chửi nhau giữa hai người đàn bà về việc hai đứa trẻ con đánh nhau: “Bà Lan Vồ nắm tay thằng Tí Lù kéo lê sang trước cửa nhà mụ Minh Đốp Chát kêu ơi ới.

-Bà Minh Đốp Chát ơi ra đây mà coi…Thằng con “giời đánh thánh đâm” của bà nó đánh thằng Tí Lù nhà tôi u đầu, vỡ trán bà ra đây đền cho con tôi.

-Cái gì đó; thằng nào con nào “ réo” bà vậy? ( Bà Minh Đốp Chát từ trong nhà bước ra) Thấy bà Minh Đốp chát bà Lan Vồ nhảy lên đong đỏng.

-Bà đền “cơm thuốc “ cho thằng Tí Lù nhà tôi ngay kẻo tôi đi thưa cảnh sát cả nhà bà tù mọt gông đấy.

Bà Minh Đốp Chát đến sờ đầu thằng Tí Lù.

- Có một chút xíu như thế “lày”….mà nhà bà tính nằm vạ hả? Bà chấp đó giỏi đi thưa đi!

- Bà nói cái gì? Con nhà bà đánh con người ta mà còn lên giọng. Thứ đồ xấc xược…đồ mường mán.

- Ê chửi bà đó hả? Hãy cút xéo đi nhé nếu không bà cho một trận nên thân bây giờ.

( Bà Minh Đốp Chát bỏ vào nhà)

- Bà ngon hả, cái thứ nạ dòng, thứ Hà Bá… đeo…. đéo….mầy.”

Không chịu về nhà, bà Lan Vồ đứng trước cửa nhà bà Minh Đốp Chát chửi mãi.Vì chỗ quen biết với chồng bà lúc còn trong quân ngũ, bạn tôi (Hai Đầu Tém)   khuyên bà về nhà đừng chửi nữa tránh xô xát sau này, nhưng Lan Vồ không nghe còn quay lại mắng cho ông ta một mách:

“Ông binh bà ấy hả, giời ơi con mụ đó nó vừa gì mà ông binh nó, hay là ông đã... “ quất” nó rồi. Ờ mụ ấy nó góa chồng đó, nó còn ngựa lắm đó. Tôi biết mà! Thảo nào ông cứ rề rà xách con “ chim mồi “ của ông đi tới đi lui khu vực gần nhà con mẽ hoài”.

Định phân bua nhưng thấy vô ích đối với con người đàn bà đang hăng tiết vịt, ăn nói hồ đồ, ông bạn tôi không thèm trả lời. Bình thường người ta khiêm tốn trong cách xưng hô, nhưng ở đây người chửi cố tình làm ngược lại. Truyện Phao của Đỗ Phồn đã tả lại cái cách xưng hô không theo lẽ thông thường như sau:

“Cha bố tiên sư thằng Cò! Cha bố tiên nhân thằng Cốc! Cha họ nội  ngoại  họ  gần  xa,  họ  năm  đời  giở  lên,  họ  ba  đời  giở  xuống thằng Cò, thằng Cốc! Cha tam đại, tứ đại, ngũ đại mày thằng chủ thằng Cò, thằng Cốc! Cha đứa già đứa trẻ, đứa nhớn đứa bé, đứa mẹ đứa con, đứa đỏ như son, đứa vàng như nghệ, nhà thằng Cò, thằng Cốc, bảo nhau định vỡ nợ của bà.”

Chửi như trong truyện trên không thấy có lời nào tục tĩu, nhưng chúng ta vẫn nhận ngay ra lời chửi. Người chửi đã tự tôn mình lên mức ngang hàng với cha của bố những người đứng đầu trong dòng họ đối phương.

Năm vừa qua, khi đi phân phối Giai phẩm Xuân Quí Mùi báo Saigon USA cho các thân chủ quảng cáo, ký giả Kiến Nâu (1) được xem một vụ chửi nhau té lửa giữa hai vợ chồng trên màn ảnh truyền hình của một trung tâm băng nhạc Việt Nam tại khu thương mại Grand Century Mall thành phố  San Jose.

“Vợ, một người đàn bà miền Bắc gốc Hà Đông có thân hình nhỏ nhắn, lưng ong, ngực nở. Anh chồng là một người đàn ông quê Rạch Giá tính chơn chất, thật thà. Bắt đầu câu chuyện chửi nhau: số là gần Tết người vợ đòi về thăm cha mẹ ruột của mình. Anh chồng đồng ý cho đi, nhưng đã ba ngày không thấy vợ trở về bèn điện thoại sang gia đình bên vợ nhưng không nghe ai trả lời cả.

Sáng   ngày thứ tư, sau khi đi làm về, anh chồng chạy u đến nhà  bố  mẹ  vơ,  nhà  đã  đóng  cửa  không  một  ai  trong  nhà.  Anh chồng bỏ ra về.

Trên đường về nhà chợt thấy vợ mình đứng cạnh và nói chuyện với một vài người đàn ông khác trong một nhà hàng trên đường Tully. Anh chồng đến trước mặt vợ có vẻ bực dọc hỏi:

- Em đi đâu mà mấy bữa nay không về nhà ?

- Thì đi qua nhà ba mẹ chứ đi đâu!

- Đi qua ba mẹ mà sao không có trong nhà ba mẹ, anh điện sang nhiều lần không một ai trả lời?

- Ừ, thì không có ai ở nhà làm sao mà trả lời.

- Thôi được rồi ! Tôi hiểu hết rồi.

- Anh hiểu cái gì? Mấy ngày nay em đi du hí, du thực với mấy thằng quỉ này chứ gì?

- Ê anh nói bậy tôi không nhịn à nghen! Tôi không quen với mấy người đó nghen.

- Anh chồng trở nên khó chịu trở giọng:

- Mầy không quen sao tao thấy mầy nói chuyện với bọn nó?

- Ừ, thì người ta hỏi, tôi trả lời chứ câm hay sao. Tôi không muốn anh ghen bóng, ghen gió nghe chưa!

- Bây giờ mầy có về nhà không?

- Tôi không về, tôi phải ở nhà mẹ tôi vài hôm nữa để …

- Không có để có đùn gì hết. Về ngay.

- Ê ra lệnh hả, muốn làm nhục tôi hả? Thôi nghe chưa!  Tôi nói là tôi không về bây giờ được.

- Tao biết mầy ngon. Thật ông bà xưa nói không sai:” Đàn bà con mắt có khoai, Liếc chồng thì ít, liếc trai thì nhiều”

- Ối giời đất ơi! Làng nước xuống đây mà nghe này. Tự nhiên cái thằng chồng mắm thối của tôi nó xổ thơ ra. Thối quá, thối quá…

- Đúng rồi tao cho mầy thúi luôn, mầy ngộp thở luôn, té xỉu luôn.“Đàn bà má đỏ hồng hồng,thấy trai thì lấp, thấy chồng thì lơ”.Tao biết rồi, mầy là người đàn bà trắc nết, lẳng lơ….

- Thôi nhé nãy giờ tôi nhịn nhiều rồi nhé. Giữa đám đông không tôn trọng tôi gọi tôi bằng “ mầy” thì tôi cũng chẳng sợ gì gọi anh bằng”thằng”. Ê cái thằng béo, mặt thịt mắt lờ đờ máu bò điên há mõm ra mà nghe bà dạy đây nầy. Nghe chưa! Nghe chưa! Tao bảo mầy câm mầy mà há mõm ra mầy chết liền. Nghe chưa nãy giờ mầy nói nhiều rồi. Mầy không còn tiêu chuẩn nào để mầy nói nữa, giờ để bà nói. Mầy đứng im đó nhé. Nếu có mõi chân thì ngồi xuống mà ngồi xuống không được ngồi trên xe nhé, phải lựa thềm xi măng mà ngồi. Bà dặn như thế bởi vì sáu bẩy lần mầy đã ngồi vào trong bãi “ cức chó” rồi. Mầy nghe bà nói rồi nhớ mà nuốt những lời bà vào trong bụng để nhớ đây này. Bà cho mầy biết nghe chưa,” cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, tự nhiên mầy xổ thơ mầy chửi bà, trong khi mầy đụng ngay đúng cái lò “thơ tiên sư bố” của bà để bà nổi giận đùng đùng lên, có nghĩa là mầy chọc tức bà. Mầy lỡ mầy mở cái lò thơ của bà thì ráng lắng tai mà nghe nghen!  Mầy nói mầy học cha, học mẹ mầy lấy tao, tao cũng học cha, học mẹ tao phải lấy mầy thằng khốn nạn kia!  “Thầy u khéo đẻ con ra, Đặt vào hũ muối xót xa cả người,”như thế này. (khóc kể lể)  Ới cái thằng khốn nạn! Bố mẹ tao thì ham nhà mầy cao, cửa rộng trên núi trên non nên xúi lấy mầy, tưởng rằng bến sạch nước trong ai dè bến lỡ bùn lầy thối um. Mầy coi cái mặt mầy đi nhé, đầu toàn là đá sỏi, người mầy thì mít đặc. Ôi giời làng nước ơi ra đây mà xem nè! “Chồng người ăn gạo thì khôn, Chồng  tôi  ăn  cám  ngu  hơn  con  lừa”.  Con  lừa,  con  lừa…Thằng lừa…

- Mầy nói gì, tao con Lừa hả? Còn mầy …mầy là con Bò cái.

- Mầy nói cái gì con bò cái; mầy gán tao con bò cái hả? Tao con bò cái còn đỡ. Còn cái thứ cao như voi mà tối ngủ còn đái dầm. Làng nước ơi chồng tôi tối ngủ còn đái dầm.

Mầy im mầy định la lên để làng nước biết tao đái dầm hả?

Tại sao hồi tao - mầy mới cưới nhau mầy bảo đái đi, đái đi cho thơm mền thơm chiếu. Ừ, lần đầu ngửi thấy thơm, lần thứ nhì ngửi thấy khai, còn lần thứ ba đái người ta thấy thối, thối, thối…quá. Tao cho mầy biết cở đái dầm như mầy thì chỉ xứng với mấy con mắm ở vệ đường thôi. Bà cốc cần cái thứ như mầy. Bà đi về nhà mẹ bà đây bà không về nhà mầy nữa.

-  Đứng  lại.  Con  bò  cái  đứng  lại.  Tao  sẽ  bóp  cổ,  bóp……“cái….của mầy.”

- Làng nước ơi ra coi nó đòi vặn họng vợ nó đây này. Bớ làng nước ơi thằng Tỏn nó giết tôi.”

Câu chuyện trên màn ảnh truyền hình vẫn tiếp tục, nhưng vì phải giao báo kịp thời cho quí độc giả và thân chủ quảng cáo, ký giả Kiến Nâu phải bỏ ngang việc theo dõi câu chuyện chửi nhau trên màn hình để làm nhiệm vụ của mình mà lòng không muốn chút nào.

Theo truyền thống thì người Việt không ai có thể chịu được khi bị kẻ khác lôi tên ông bà, cha mẹ ra mình ra chửi. Cho nên người ta cũng không lạ khi thấy trong cuộc sống, trẻ em giấu tên cha mẹ vì sợ các bạn lôi ra chửi.

Hồi còn là Tổng Thư Ký trường Việt Ngữ ở San Francisco, ký giả Kiến Nâu đã bắt gặp một học sinh gái đang ngồi khóc ở một góc sân chơi. Hỏi ra em cho biết, vừa bị một bạn học cùng lớp chửi tên cha mẹ em vì em va chạm vào người bạn ấy trong khi đang chơi trò đuổi bắt với một bạn khác. Nhân dịp này, nhà trường đã có giúp đỡ hai em hòa lại và giải thích cho các em hiểu về việc kêu tên các bậc sanh thành ra chửi là một điều không tốt.

Bà K người cùng khu phố của ký giả Kiến Nâu thường hay gây sự và chửi bới mọi người xung quanh, ai cũng đều ớn lạnh khi nói đến tên bà. Kiến Nâu nghĩ rằng mọi người tránh né đụng chạm với bà không chắc người ta sợ bà vì người ta ghê tởm không thèm “ điếm xỉa” đến mà thôi. (xin nhắc một tí theo lời bác sĩ bà là người bình thường không tâm thần)

Thế rồi “ được đàng chân, lân đàng đầu”. Một ngày nọ không còn người hàng xóm nào để bà gây sự bà bèn lôi đứa cháu nội mới 10 tuổi của bà ra chửi cho đã miệng (vì nín chửi đã lâu) bởi lỗi thằng Đực Cu làm bể bình rượu thuốc của bà. Với giọng Huế đanh đảnh, trầm trầm như đưa câu móc ruột người.

Bà K rủa xả:

- Cái thằng chết dầm, mắt mi đã đui hay sao mà mi không thấy đồ quí của bà. Bình rượu của bà đã cất 18 năm nay, bà ngâm mọi “ của quí “ vào đấy, nở nào mi “té nổ lọt tròng” làm vỡ của bà. Thứ đồ chết tiệt. Mi vào đây, hốt lên cho bà, mi mà hốt không được bà sẽ bắt thằng cha, con mẹ của mi đền vào đấy.

Thằng Đực Cu khóc lớn lên khi bà K lôi cổ nó đánh mấy roi. Tiếng khóc mỗi ngày càng lớn vang trong trưa hè vốn có tập quán im lặng trong khu phố lao động nằm sát nghĩa trang Gò Vấp làm mọi người chú ý. Ông Năm Xích Lô Đạp nhà sát vách chịu không nổi tiếng khóc như cầu cứu của thằng Đực Cu nên “liều” bước sang can thiệp.

- Ô làm răng mà thằng Đực Cu nó khóc thế? Bà K không trả lời ngay câu hỏi của ông Năm, nhưng mắt lườm lườm ngó thẳng vào người ông Năm rồi hỏi gắt.

- Mi qua đây kiếm chuyện hả, mắc mớ gì tới mi mà mi hỏi đon hỏi ren.  Bà đánh thằng Cu nhà bà chứ có đánh Cu mi đâu mà đau? Mi vô duyên quá! Về nhà ngủ trưa để lấy sức mà “đạp” nuôi con mụ nhà đi nhé.

- Cái phố này có tí xíu, o đánh cháu khóc như “tru” ai làm răng ngủ được.

- Mi ngủ không được mặc kệ mi chứ mắc mớ gì tới bà.

- Ê, o đừng có nói ngang nghe chưa! Mích lòng đấy! Từ trước đến nay Năm Xích Lô này nhịn o nhiều lắm rồi nghen.

- Giờ thì mi làm răng bà? Cái đồ chuột thúi, rút cống rãnh nhà bà. Đàn ông gì mà tài lai chuyện nhà người ta mà hóa nhà mình. Đồ cú vọ. Tiên sư tổ cha nhà mi.

- Thôi nghen! O chửi ông Năm thì ông Năm phải bẻ răng O thôi. Ông Năm Xích Lô xấn tới định vả vào cái mỏ nhọn quắc của bà K, nhưng vợ ông bà Tám Ú chạy qua can thiệp lôi ông về, đồng lúc có khách gọi xích lô đi Trung Chánh nên chỉ còn bà K đứng chửi lớ ngớ một mình.

Chuyện mất một con gà không phải là chuyện lớn, nhưng nếu tiếp tục mất thì không thể chấp nhận được. Bởi vậy mà phải ra tay để cho kẻ có tính xấu kia từ nay đừng có động đến gia đình “bà” và cách tốt nhất là phải làm đối phương xấu hổ “ đau” trước xóm giềng.

Lời chửi của mụ đàn bà trong tác phẩm “ Bước Đường Cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan và sau này do hai nghệ sĩ Hồng Vân và Lê Vũ Cầu biểu diễn qua vỡ kịch “ Mất Gà” cho thấy tính “ chửi dai, chửi dài”, “có vần có điệu” cuả phụ nữ miền Bắc Việt Nam  có “nghệ thuật” như thế nào rồi!

“ Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước , bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không tôi chửi cho đới!

Chém cha đứa bắt gà nhà bà ! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, mà bây giờ nó bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mầy ra, bà khai quật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.

Ơi cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra…”

Tuy là rủa xả như vậy nhưng đối phương không thể chửi lại hoặc ra “ võ tay chân” với người chửi vì lời chửi chỉ là những lời cạnh khóe, bóng gió, chả ai dại gì mà ra mặt. Việc chửi tuy không nêu đích danh nhưng nhờ một số chi tiết ám chỉ nên vẫn đạt được mục đích là làm cho đối phương mất mặt trước mọi người và hả cơn giận trong lòng.

Theo kinh nghiệm của các vị trưởng lão 3 miền ( Bắc , Trung, Nam) thì người Việt sống phía Bắc Việt Nam thường khi chửi có nhiều đặc tính : dài,  dai, văn vẻ, vần điệu mang đầy tính ám thị và quyết liệt. Người Việt sống khúc giữa dãi hình cong chữ S cũng thế, lối chửi không khác gì mấy đối với các đồng bào miền Bắc đôi khi còn có tính cách “ đay nghiến”, chua chát. Riêng người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ít hay có lối chửi ám thị. Họ chơn chất nói điều gì là nói thẳng “toạc móng heo”,nên khi tức giận “chửi” họ vẫn còn mang âm hưởng thật thà.

Thứ Bảy ngày 18- 06-2003,tại một bãi đậu xe trên đường Senter ký giả Kiến Nâu chứng kiến hai người đàn bà “đấu võ mồm” với nhau. Một người độ tuổi trung niên hơi mập đi chiếc xe Lexus màu trắng; bà còn lại gầy hơn có vẻ son phấn đi chiếc Mercedes màu đen. Kiến Nâu không biết nguyên nhân vụ chửi nhau, nhưng thấy bà “mập” la lớn và hùng hổ.

- Tôi cho chị biết, chị mà không nhìn nhận việc làm trầy chiếc xe của tôi, tôi sẽ gọi cảnh sát. Người đàn bà gầy:

- Chị nói ai làm trầy xe của chị? Chị vu oan giá họa cho tôi, chị kêu cảnh sát thì cứ kêu đi. Thứ đồ cà chớn.

- Chị nói ai cà chớn?

Tôi nói chị đó. Thưở đời nay, xe bị ai làm trầy trụa lại đi đổ thừa cho tôi.

- Người ta thấy chị…

- Thấy làm sao? Cái thứ ba trợn ba trạo, ĐM lãi nhãi một hồi nữa tao cho mấy thằng em tao nó “ lắp chim” bây giờ.

-  Được rồi tao không tranh cãi với mầy nữa, tao đi một vòng trở lại mầy sẽ biết tay tao. Đồ như cây tăm, xương xẩu lòi ra cả chó cũng không gặm xác mà còn làm tàng.

Không chắc là người miền Nam không có những tính văn vẻ và dai dẳng trong khi chửi, nhưng thấy một điều là khi “lâm chiến chửi” người miền Nam có tính hùng hổ cộc lốc, ngắn ngủn và rồi dễ chấp nhận những gì cảm thấy sai trái khi hiểu ra.

Nhà nghiên cứu văn học trẻ Trần Ngọc Thêm và Tuyết Mai cho rằng :

“ Với lối chửi bóng gió, đầy tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu về hình thức, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “ nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được.”

 

Chú thích:

(1) Ký giả Kiến Nâu tức ký giả Duy Văn Chủ Bút Tuần Báo Đời Mới Magazine San Jose Bắc California.
 

 

<< OÁI OĂM CÁI "SỰ ĐỜI | TÌNH YÊU BI KỊCH LỚN CỦA NHỮNG KẺ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 757

Return to top