Anh bạn Hà Đình Huy muốn tôi đặt lời tựa cho cuốn sách "Nước Mỹ… ngủ đường" của anh. Tôi tự thấy làm việc ấy trên sức tôi, nên tôi có đề nghị với anh là nên tìm một vài cây bút đã thâm niên, dày dạn kinh nghiệm trong nghề viết phóng sự viết cho anh. Theo thiển kiến của tôi mấy người ấy mới đủ thẩm quyền viết tựa cho cuốn phóng sự "Nước Mỹ… ngủ đường" vì họ là những người chuyên nghiệp, tất nhiên phải biết nhiều về cách viết phóng sự mà nói đến nó. Nhưng, anh bạn Hà Đình Huy không cho ý kiến của tôi là đúng. Anh nói: "Cuốn sách này tuy chỉ nó là phóng sự xã hội, nhưng những gì liên hệ đến cách hành văn hay những cấu trúc, bố cục câu chuyện tôi đã cân nhắc lắm rồi. Hơn nữa, anh chỉ muốn cuốn sách như là một món quà "giải trí" cho độc giả, vì thế anh không muốn một bài tựa sách đi quá sâu vào các chi tiết xem ra như là cuốn sách có giá trị về mặt văn học, không khéo sẽ làm nhàm tai người đọc".Tôi đã hiểu ý anh.
Nếu có những khối óc hoài nghi cắc cớ hỏi: "Tác giả cuốn sách này vốn là một nhà Giáo, và là con nhà Luật, viết phóng sự cộng đồng chưa, mà dám viết phóng sự xã hội?" Để trả lời với những khối óc hoài nghi ấy, tôi nhận thấy cần phải viết vài hàng sau đây vì tình đồng nghiệp giữa tôi và tác giả.
Hà Đình Huy: Tức là ký giả Duy Văn, cây bút này bắt đầu ra mắt bạn đọc với nhiều loạt bài phóng sự và sinh hoạt cộng đồng trên các tờ báo: Saigon USA do Luật sư Nguyễn Tâm làm chủ nhiệm, kế đến là Tuần Báo Đời do nhà báo Thanh Thương Hoàng làm chủ nhiệm, tờ Nhật Báo Thời Luận do nhà văn Đỗ Tiến Đức làm chủ nhiệm, Đời Mới Magazine do tôi (Hùng Tâm) làm chủ nhiệm từ năm 2003, và các báo khác.
Trải qua hơn 14 năm làm báo, Hà Đình Huy là một ký giả tận tuỵ với nghề nghiệp của mình. Vào làng báo, với nhiệm vụ ghi nhận và tường thuật các tin tức sinh hoạt cộng đồng và viết các bài phiếm luận ngắn. Hà Đình Huy đã biết yêu nghề và trọng nghề ngay từ lúc mới bước chân vào nghề.
Xem bao nhiêu đó, bạn đọc hẳn đã vững bụng tin rằng với hơn 14 năm làm báo tác giả Hà Đình Huy là người tạm đủ có tư cách để viết phóng sự xã hội nói riêng và nói chung trong nghề viết lách. Tôi đã đọc thẳng một hơi 12 chuyện trong cuốn sách "Nước Mỹ Ngủ Đường" đầy hứng thú. Tôi tin rằng bạn đọc sẽ không buồn chán khi đọc sách này. Và cũng như tôi, bạn có cảm tưởng như vừa được xem một cuốn phim xã hội diễn ra trước mắt. Bạn sẽ làm quen với các địa danh, và các tên tuổi, sự sinh hoạt của những người vô gia cư, mà thương cho cuộc đời của họ. Những oái ăm, của con người, cũng như những bi kịch thảm sầu mà giới đồng luyến ái (cả nam lẫn nữ) phải trả giá và gánh chịu. Những bề trái của sự nhảy đầm trong giới tuổi tóc đã pha sương…
Tôi nghĩ với 20 Mỹ kim các bạn đã đổi lấy một cuốn phóng sự đặc sắc, không phải là một lảng phí trong lối tiêu xài, mà là sự chi tiêu có giá trị tinh thần, trước hết là giải trí, sau giúp cho tác giả có điều kiện xây dựng văn hoá.