Giấc mộng ông thợ dìu
Tô Hoài
Chuyện đoạn này chưa phải là chuyện giấc mộng.
Cách đây hơn bốn mươi năm. lần ấy tôi đi công tác ở Campuchia. Tối nào các vị chủ cũng đưa khách ra nhà hàng, chè chén xong kéo nhau xuống sàn nhẩy trên cái bè nổi bên sông Mêkông. Chẳng phải vì các ông chủ muốn làm đẹp lòng khách mà bởi lẽ khách ba chủ nhà bốn, có một khách thì cả mười ông chủ mới mượm cớ chè chén tiền chùa.
Đêm nào cũng dập dềnh trên mặt nước. Một cô gái nhảy đến ngồi vào bàn tôi. Cô mời:
- Anh ra đi với em vài pa.
Những cô gái nhảy đều là người Bắc dưới Sài Gòn lên. Ở dưới đó các sàn nhảy bị đóng của. Gái già Trần Lệ Xuân nhảy đã tả tơi cả người rồi lại hô hào chấn hưng phong tục, xúi lão Diệm cấm nhảy, thế là các ả này phải dạt lên đây kiếm cơm.
Cô gái cười cười:
- Sàn đây rung lắm, em đưa anh mấy bước mới quen được. Anh biết nhảy chứ?
Một lần ở Lêningrat, một cô gái Nga đã dạy tôi: chỉ cần cần bước không dẫm vào chân người ta thế là biết nhảy. Tôi bảo ả gái nhảy:
- Biết chứ không dẫm chân người khác...
Ả mời tôi ra sàn, thì thào:
- Không dẫm chân em đừng thúc đầu gối lên bẹn em, thế là nhảy giỏi rồi.
Rồi sau tôi có cảm tưởng tôi biết nhảy, nhảy kền là đằng khác. Nhưng cũng chỉ đến Trung Á, đến Mông Cổ, đôi khi đã lâng lâng mới dám ti toe. Có Platon người Nga đi dịch cho tôi, Platon uốn lượn dẻo như múa. Platon bằng tuổi tôi, tôi bảo Platon:
- Ở Việt Nam người ta thường hỏi tuổi để đoán người. Mày với tao tuổi khỉ, chân tay vờn nhẹ nhàng nhỉ con khỉ.
Thế là tôi chẳng cần biết bài gì điệu gì, kèn trống đàn sáo ra sao, tôi nhảy theo miếng võ không dẫm chân người ta, không thúc lên bẹn người ta!
Ô hay, chứ sao, thế giới đã chăng có nhạc sĩ nổi danh chỉ hát cho người khác ghi nhạc và chú thần đồng Trần Đăng Khoa thì đã viết ra thơ từ khi chú chưa biết làm thơ đấy sao!
***
Câu chuyện đến đây thì tỏi đã như mê ngủ, tôi nằm chiêm bao.
Thời buổi này có những chuyện chẳng đâu vào đâu mà ngon ăn. Đọc báo Công an Sài Gòn, thấy ông phóng viên gọi cái tên thợ dìu thật là hay, sáng tạo cực kỳ. Thợ dìu là cái trò dạy nhảy đầm, gọi là ông dìu dắt thì lại nghiêm mà không hẳn đúng việc, chỉ dùng một chữ dìu thì vừa, lại lắm nghĩa đen nghĩa mờ. (Dạ đánh quần vợt cũng là nghề đương đắt khách, giúp cho người ta bớt mỡ, nhưng tên gọi nghề này chưa có chữ hay nhủ thợ dìu). Tôi đương đi thơ thẩn quanh hồ Thiền Quang, lấp lánh nhà hàng, tiệm nhảy một góc sáng đèn, trưng cái bảng to tướng có chữ Ha le cờ-lớp. Trời, con cháu mình sống trong đất nước độc lập mới hơn nữa thế kỷ mà đã nhãng ca sự tích những nông nỗi đau khổ. Cái thằng thực dân đốc lý Halais ngày trước ngồi lên đầu ông bà ta ở thành phố này đã bị xoá đi đã lâu lắm rồi, lại ở Sài Gòn: ở Đà Lạt bây giờ mọc ra những tên nhà hàng Tonkin (Bắc Kỳ), Indochine (Đông Dương, Đông Pháp) - những cái tên tủi nhục thòi mất nước. Thôi, nhớ những chuyện này thì buồn, mà tôi thì hình như đang muốn vui. Cái cảm tưởng tôi đương có thể là, tôi vẫn là thợ dìu: tôi vừa trông thấy ánh đèn lóng lánh ông thợ dìu ngày xưa lại trở về ám ảnh tôi, lạ không. Phải, tôi đã từng nhảy, tôi biết nhảy.
Tôi bước vào ánh điện xanh đỏ rối mắt. Trong ấy người đông như nêm cói. Con mắt “nghề nghiệp” của tôi cũng phải thất kinh. Thế kia thì giẫm vào chân người cặp đôi, giẫm cả vào chân người xung quanh nữa.
Một cô gái váy hồng, môi tím bước ra.
- Bố ơi! Bố đi tìm cậu cả nhà bố hả?
Tôi gật gù vẻ chịu chơi:
- Tao thợ dìu đấy chứ.
Cô gái liến thoắng:
- Thế thì thôi, chín giờ sáng mai bố đến với các ông các bà tập dìu nhau. Bây giờ chỉ có chơi thôi. Bố trông người ta nhảy có loạn hơn thời các bố không?
Tôi ngồi vào cái bàn trống góc ngoài.
- Bố uống gì?
Chắc là ả này vừa làm “hối théng” vừa quản gia.
- Cho tao cốc Fanta.
Ả nói năng một cách lễ phép ỡm ờ, đã khiến tôi hoá ra ngay là cụ chuột nhắt mà nó là con mèo cái, con mèo vờn lão chuột nhắt lử lả gần chết. Lại còn nói:
- Bố vào ôn lại vài pa xem thế nào.
Thế là ả xốc ngay tôi đứng lên. Quả là dữ tợn quá. Cả một sàn người cứ hò hét thụi nhau, đạp nhau, vật nhau chẳng thấy nhảy nhót gì cả. Tôi hắt hơi, nghẹn cổ, ngạt thở. Ả lại lôi tôi ra từ lúc nào. Tôi cố mím môi cười:
- Tao sắp chết đây, biết không.
- Em phải nắm vai bố mới kéo bố ra được đấy, chứ bố mà ngã xuống, chúng nó xéo lên thì bố chết thật. Bây giờ bố chuồn thôi.
Rồi ả nói lem lém:
- Để em tính tiền đã. 50 ngàn đồng công em làm thợ dìu. 20 ngàn cốc Fanta (mà tôi chưa uống ngụm nào). Cốc bố bao em là cốc nước lã, em không tính em biếu bố. Cả thảy bảy mươi ngàn đồng.
- Tao dìu mày đấy chứ?
- Thôi thôi, trong túi bố có bao nhiêu thì bỏ ra. Đương vội đây.
Tôi vừa giơ ra tờ hai mươi ngàn đồng, ả giựt lấy lườm một cái rồi quay phắt vào.
Tôi ngước mắt. Tôi bỗng lại thấy tôi đương lững thững ngoài bờ hồ. Từ lúc ấy, tôi nghĩ mãi mà không nhớ đã có khi nào tôi đi tìm ông thợ dìu, có phải không?
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)