Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Con nhân mã ở trong vườn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7558 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Con nhân mã ở trong vườn
Moacyr Scliar

SAO PAULO

Ở Sao Paulo, tôi quyết định tiến hành mọi việc một cách thận trọng và từ tốn. Món tiền thừa kế đủ để khởi sự công ty và cho phép chúng tôi sống thoải mái được một thời gian, nhưng tôi muốn đề phòng bất trắc, nên chúng tôi rất cẩn thận khi phải động đến tiền.
Tôi mua một ngôi nhà tốt, nhỏ nhưng tiện nghi, ở gần mạn Ibirapuera (Tôi không muốn dây vào cuộc sống căn hộ chung cư, với những bậc thang và một bầy ong hàng xóm.) Tôi cũng sắm một chiếc ô tô, một cái Simca. Tôi đã học lái xe từ lúc còn ở Porto Alegre, và bây giờ là lúc phải cần đến xe để đi lại, rất quan trọng trong việc tiếp xúc làm ăn.
Tita đảm nhận việc trang trí ngôi nhà, và nàng làm việc đó với một thị hiếu rất hay, một điều đáng ngạc nhiên vì nàng chưa từng sống ở nơi nào khác ngoài nông trại. Chúng tôi cùng nhau đi tìm mua đồ dùng trong nhà, các đồ trang hoàng, và nàng là người lựa chọn mọi thứ.
"Em muốn ngôi nhà của chúng mình thật đẹp," nàng nói, "giống như những ngôi nhà trên các tạp chí ấy. Nó là nhà của chúng mình, Guedali à."
Nàng thấy hạnh phúc, và tinh thần phấn chấn của nàng thật dễ lây. Chúng tôi ân ái nhau rất nhiều. Có lẽ nhiều hơn hầu hết mọi người khác. Tại sao ư? Vì bản chất dữ dội của chúng tôi chăng? Vì dương vật khổng lồ và âm hộ sâu thẳm ư? Có thể lắm. Hành động ái ân khiến chúng tôi kiệt sức, hầu như có quá nhiều khoái cảm đối với hai tấm thân giờ đây đã gần như là người của chúng tôi. Nhưng thật sung sướng đến nỗi tôi thấy mỗi lần phải rời khỏi nàng thật mới khó khăn làm sao. Trong những tuần lễ đầu tiên ở Sao Paulo tôi hầu như không đi đâu ra ngoài. Tôi chỉ chạy vội vào phố làm vài việc cần thiết, tôi đang đăng ký công ty và tìm thuê một văn phòng, rồi lại về ngay nhà để gần gụi Tita. Chúng tôi sẽ nằm ôm nhau trên tấm thảm mềm trong phòng khách, đơn giản chỉ là để tận hưởng cảm giác thoả mãn được cùng nhau ở đó. Khi đêm xuống, nàng sẽ dọn bữa tối trong lúc tôi đọc báo và hút tẩu. Sau bữa tối (lúc nào cũng như tiệc; nàng nấu nướng rất giỏi) chúng tôi sẽ xem TV cho đến lúc đi ngủ. Cuộc sống ấy thật sung sướng, một cuộc sống bình yên cho những kẻ đã từng phải cùng nhau phi nước đại hàng nhiều giờ liền trên đồng cỏ giữa đêm khuya. Có vẻ như không có gì có thể quấy nhiễu cảnh bình yên ấy của chúng tôi.
Thế rồi một đêm bọn trộm đột nhập vào nhà chúng tôi.
Chỉ vì Tita sơ ý: nàng đã rất đãng trí hôm đó và quên không khoá cửa sau nhà. Khi thức dậy sáng hôm sau, chúng tôi phát hiện bọn trộm đã lấy tất cả đồng hồ, máy thu thanh, máy quay đĩa, máy chụp ảnh, và hầu hết quần áo của chúng tôi.
Tôi quyết định đi trình cảnh sát. Tôi mặc áo sơ-mi và chiếc quần độc nhất còn lại, nhưng không thể tìm thấy đôi ủng. Ủng đâu rồi? Tôi hỏi Tita. Nàng không biết. Hoảng hốt, chúng tôi lục lọi khắp phòng ngủ, rồi lật tung hết mọi thứ trong nhà, bò lê kéo càng, để cuối cùng phải chấp nhận một thực tế là bọn trộm đã lấy cả hai đôi ủng của chúng tôi.
"Nhưng tại sao chứ?" Tita hét lên, tuyệt vọng. "Chúng lấy ủng của mình làm cái gì mới được chứ! Có ai đi được ủng đó đâu cơ chứ! Chúng làm gì có móng ngựa hả Guedali! Không ai có móng ngựa như chúng ta hết!"
Nàng ngã vật xuống giường, khóc nức nở. Tôi ôm lấy nàng, cố trấn an nàng. "Tại sao chúng mình phải chịu đựng mãi thế, Guedali?" Nàng hỏi. "Tại sao Thượng Đế không thương đến chúng ta?"
"Bình tĩnh lại đã, Tita à," tôi nói. "Chúng ta sẽ tìm ra giải pháp, đừng có bé xé ra to quá như thế." Nhưng quả tình cái khó thật là to. Không có những đôi ủng đặc biệt ấy, chúng tôi thành bất lực, yếu ớt như hai đứa hài nhi. Tita khóc nức nở trong khi tôi tuyệt vọng cố tìm một giải pháp. Không thể thế được, tôi nói đi nói lại với chính mình, mọi việc không thể bỗng dưng tan tành như thế được khi cuộc đời chúng tôi vừa mới đang yên lành là vậy.
Rồi thình lình tôi nảy ra một ý tưởng.
Tôi vớ lấy điện thoại và xin gọi đường dài sang Morocco, đến bệnh viện. Tôi may mắn chính ông bác sĩ nhấc máy trả lời. Tôi cho ông hay chuyện vừa xảy ra, và khẩn khoản xin ông cho gửi ủng mới ngay lập tức sang cho chúng tôi. Tôi sẽ lo mọi chuyện, ông ta nói, và cho tôi biết rằng vì đặt hàng gấp như vạy nên phí tổn sẽ rất cao. Không sao hết, tôi kêu ầm lên, tôi sẽ trả bất kì giá nào. Ôkê, ông nói, khi nào xong tôi sẽ gửi máy bay sang ngay cho anh chị.
Ba ngày liền chúng tôi ở tịt trong nhà, gần như lúc nào cũng ngồi hoặc nằm, muốn đi phải bám vào những đồ đạc hoặc vịn vào tường. Ăn uống thì tôi gọi đặt một cửa hàng đưa đến tận nhà; lúc người giao hàng đến tôi chỉ hé cửa đón lấy cái khay thức ăn, không để họ nhìn vào trong nhà.
Đến ngày thứ ba thì Tita đột nhiên thấy người như ốm nặng, kêu đau đầu, đau dữ dội đến mức khiến nàng phát điên. Anh phải làm cái gì chứ, nàng rên rỉ, đi gọi bác sĩ cho em.
Bác sĩ ư? Không thể được. Chỉ có thể nghĩ đến chuyện mời bác sĩ một khi chúng tôi đã có thể tìm được một người thật tin cậy, một bác sĩ mà chúng tôi có thể nói thật về tình trạng của mình. Đi gọi bác sĩ ư, không thể được.
Tôi nghĩ ra một giải pháp. Tôi tháo cái giường, lấy những thanh dát giường làm thành một đôi nạng, đơn giản thôi nhưng chắc chắn. Sau đó tôi lấy băng gạc quấn vào hai bộ móng ngựa của mình, hết cuộn này đến cuộn khác, sao cho cuối cùng trông giống như hai bàn chân người, nhỏ thôi, nhưng là hình bàn chân người.
Quãng mười giờ đêm hôm đó, tôi chống nạng ra đường, đến cửa hàng dược phẩm gần nhất. Tôi mô tả tình trạng đau đầu của Tita. Cứ yên tâm, ông ta nói, tôi có một thứ rất hiệu nghiệm để trị chứng đau đầu ấy.
"Chân anh làm sao vậy?" Ông ta hỏi khi đang gói thuốc cho tôi.
Tai nạn tí thôi, tôi đáp. Tôi định ngâm chân nước nóng, nhưng vô ý không pha cho vừa độ nên nhúng vào là bỏng hết cả. Ngâm chân nước nóng à, ông ta nói, bây giờ không ai ngâm chân nước nóng làm gì nữa. Thì bây giờ tôi mới biết, tôi nói, và hai chúng tôi cùng cười phá lên. Chúng tôi cứ thế cười. Ngâm chân nước nóng, ông ta nói, chỉ tay vào tôi, và cứ ôm bụng cười. Ngâm chân nước nóng, tôi cũng nói, và cũng không nhịn được cười. Cuối cùng, vừa lau mắt, tôi vừa chào ông ta và khập khiễng chống nạng ra về. Tita uống thuốc, thấy đỡ, và đi ngủ.
Hôm sau, còn rất sớm đã thấy có ai gõ cửa. Tôi linh cảm là ủng đã tới và vội vàng chống nạng lò dò ra mở cửa. Đúng là thế, một cậu bé với một cái thùng bưu phẩm to tướng. Tita lập tức rạch thùng. Chúng tôi nhận được mỗi người ba đôi ủng. Tạ ơn Chúa, Tita hổn hển. Tạ ơn Chúa.
 
Những đôi ủng ấy. Chúng có phần trên làm rất cao, không đến nỗi cao như kiểu ủng của nông dân đi làm đồng, nhưng đủ để che hết phần khuỷu trên móng ngựa của chúng tôi. Da ủng mềm, nhưng không quá mềm như giày của người; chúng tôi cần chỗ dựa vững chắc chứ không chỉ mềm mại. Màu da trung tính, một thứ màu nâu vàng kín đáo. Gót ủng làm nhỏ, trông rất lịch sự, nhưng không quá cao để đỡ có những sự cố mất thăng bằng. (Gót ủng của Tita thì cao hơn một chút, người thợ giày vẫn chiếu cố đến cái phù hoa của phụ nữ.) Mũi ủng nhọn có nhồi đầy cao su xốp. Ai có cố tình giẫm lên chân chúng tôi chắc sẽ phải ngạc nhiên: họ sẽ chỉ cảm thấy cái gì mềm mềm và sẽ chẳng thấy chúng tôi kêu đau hoặc phàn nàn gì hết.
Nhìn bề ngoài, những chiếc ủng của chúng tôi hoàn toàn bình thường. Nhưng bên trong thì khác hẳn! Bên trong, chúng quả là cả một chiến tích sáng tạo độc đáo: những bộ phận chống đỡ bằng kim loại, những lò xo, những cái kẹp nhỏ bằng thép điều chỉnh được lực kẹp nhờ những cái vít nhỏ tí xíu, tóm lại là một công trình có thể sánh với một cây cầu treo hoặc một khoang tàu vũ trụ về mức độ hoàn hảo trong công nghệ chế tạo. Tất cả đã được bình thường nhờ tài của một người thợ thủ công Morocco.
Với những chiếc ủng ấy, tôi đã sẵn sàng đối mặt với đường phố đô thị. Với những chiếc ủng ấy, tôi đã sẵn sàng chiến đấu cho cuộc đời mình.
Một bầu không khí lạc quan phấn khởi chung đang ngự trị thế giới thương mại và công nghệ ở Sao Paulo khi tôi bắt đầu lập nghiệp. Nền kinh tế đang trong tình trạng gần như là siêu tích cực; cũng phải công nhận rằng lạm phát có gia tăng như phi nước đại, tôi không thể cưỡng lại được hình ảnh này, nhưng đó lại không phải là một vấn đề đối với những ai có móng ngựa như tôi.
Tôi mở một văn phòng trong nội thành, trên một cao ốc kiểu truyền thống, nhưng không đến nỗi cổ giả. Hơi xấu một tí, song rất chắc chắn. Cũng bị thiếu một số tiện nghi nhất định, ví dụ như nó không có một bàn tiếp tân ở sảnh vào. Thang máy trông giống như những cái lồng to sù, và chạy quá chậm đối với những ai đang nóng lòng ngoi lên như tôi. Nhưng các hãng có mặt trong cao ốc đó đều có uy tín và tiếng tăm tốt trong giới của mình. Quả thực vẫn còn một vài văn phòng trống... trong những góc tối... và không khí sặc mùi ẩm mốc. Và có lần tôi còn phải dùng gót ủng dẫm nát bét một con chuột kếch xù. Gì thì gì, để bắt đầu công việc, cao ốc ấy vẫn có vẻ rất tốt đối với tôi. Văn phòng tôi nhỏ, nhưng có điện thoại. Mà thực ra, tôi đâu có định ở tịt suốt ngày trong đó để đợi khách hàng. Tôi đã tính phải tìm kiếm thân chủ ở ngoài phố, ở trên đường phố và trong những văn phòng tốt hơn hoặc tồi hơn văn phòng của tôi. Rồi trong quán cafe, trong các câu lạc bộ. Bất kỳ nơi nào đám doanh nhân lui tới là tôi phải đến, tiếp xúc, chào hàng.
Tôi phải đi bộ nhiều, nhưng đi bộ qua các phố của Sao Paulo thì có là cái gì đối với một người đã từng phi nước đại qua những đồng cỏ mênh mông của cả vùng Rio Grande bát ngát? Có là gì với một người mà ngoài tham vọng thành công lớn lao ra còn có cả một cái ô tô và một cái điện thoại để giúp tăng cường các cơ hội của mình? Tuy nhiên, chẳng mấy chốc tôi đã phát hiện ra rằng kiếm tiền không giống như phi nước đại nhảy qua hàng rào. Tôi vấp phải những trở ngại chưa hề biết đến: thái độ thiếu cảm tình của người làm công, tính gian lận của đám chủ sự, tính cách ngạo mạn của bọn chủ hãng trẻ tuổi - những hố bùn và đầm lầy làm chậm bước tiến và gây khó khăn cho công việc hàng ngày. Tôi cứng đầu và chưa thuần trong môi trường đó. Mỗi khi phải đối phó với thói quan liêu giấy tờ tôi vẫn thường mất bình tĩnh, cho đến khi, lấy một hình ảnh ngựa để minh hoạ, tôi học được cách làm dịu hàm thiếc bằng một chút đường ngọt. Tôi chỉ lo tiến cho nhanh. Tôi cần phải bù lại những thời gian đã mất, những thời gian trong một nông trại nhỏ ở Quatro Irmaos, trong một gánh xiếc, tại một trại gia súc gần biên giới phía Nam, trong một bệnh viện ở Morocco; tất cả chúng đều là những kinh nghiệm có ích, nhưng chẳng có can hệ trực tiếp gì đến cái mà giờ đây tôi đang muốn làm.
Bất thình lình, giữa những xuôi ngược hàng ngày của mình, tôi gặp một nguy hiểm không lường trước được.
Đêm đó tôi đi taxi về nhà. Tôi nói địa chỉ cho lái xe, ngả người ra sau ghế, và đọc lướt qua những tiêu đề lớn trên tờ báo trong tay.
Một lúc sau, tôi cảm thấy một cái gì rất lạ. Tôi nhìn bộ mặt của người lái xe trên tấm gương chiếu hậu; nó có vẻ quen quen. Cái vẻ mặt ấy, rất khó chịu; cái cười mỉm ấy, thật thô lỗ. Còn gì nữa, chính là Pedro Bento! Chính là hắn! Sao hắn lại lái taxi ở đất Sao Paulo này? Sao hắn có thể sống xa con ngựa đực Pasha và đồng cỏ Rio Grande do Sul? Khó khăn lắm tôi mới giấu nổi sự hoảng hốt của mình. Che mặt sau tờ báo, tôi tự hỏi nếu hắn nhận ra tôi thì sẽ ra sao? Hắn sẽ không bao giờ để tôi yên. Hắn sẽ tống tiền tôi, sẽ hăm doạ tiết lộ câu chuyện của tôi cho báo chí. Hắn sẽ biến cuộc sống của tôi thành địa ngục.
Nhìn gáy hắn nhô lên khỏi cái cổ áo cáu bẩn, tôi bỗng có ý định phải giết hắn. Tôi có vũ khí trong ca-táp: một cái kéo dài rất sắc mà Tita nhờ tôi mua hôm đó. Cơ hội đây rồi: chúng tôi đang đi qua một quãng phố tối om vắng ngắt. Chỉ một nhát đâm vào cái gáy ấy...
"Anh có thể cho tôi xuống đây," tôi nói, giọng đều đều như không phải của mình.
"Nhưng thưa ngài," hắn nói, có vẻ ngơ ngác, "đây chưa phai là địa chỉ ngài muốn đến."
Tôi mặc kệ, cứ trả tiền hắn và bước ra khỏi xe. Tôi lẩn ngay vào một ngõ nhỏ và đứng dựa vào một bức tường, trong lòng cay đắng khôn nguôi. Hỡi Thượng Đế, Người hành hạ con còn chưa đủ hay sao? Còn có gì sẽ đến với con nữa đây?
Tôi về đến nhà trong tâm trạng sầu não bực bội, tôi không thể ăn uống gì, và đi nằm luôn. Tita lo lắng, hỏi tôi có chuyện gì. Chẳng có gì, tôi đáp, chẳng có gì xảy ra hết, mọi chuyện đều ổn ca.
Sáng hôm sau tôi cam thấy không muốn đi đâu. Tuy nhiên, trong nhiều ngày sau đó, tôi dần dần tiêu hoá hết sự kiện ấy. Thậm chí tôi còn thấy tự nghi ngờ mình: Liệu có đúng là tôi đã thấy Pedro Bento hay không? Rất có thể là không phải hắn, tôi kết luận. Rồi tôi quên hẳn chuyện đó. Chủ yếu là vì tôi có nhiều vấn đề khác, nhưng chính xác là vì mãi chẳng có tiền vào gì cả. Lúc đầu, tôi có nhiều thân chủ quan tâm đến những hợp đồng nhập khẩu. Nhưng chẳng có gì cụ thể hơn thế, và tôi ngày càng nản. Đến cuối ngày, tôi thấy mệt rũ người, mồm miệng đắng ngắt. Bộ móng dưới chân, vốn dĩ rất nhậy cảm, bấy giờ thành đau đớn khủng khiếp. Từ tận bên trong, tận cốt tuỷ, cái lõi trong cùng của chúng, có một nỗi đau đớn sâu thẳm lục bục phát ra, như thể những gì bên trong không còn vừa với bộ vỏ móng bên ngoài nữa, mà bộ vỏ ngoài ấy lại bị kềm toả bởi những gá đỡ kìm kẹp bằng kim loại của đôi ủng. Tôi bắt đầu thấy đau đầu dữ dội, hệt như Tita đã bị. Tôi có cảm giác như tiếng trống xa châu Phi đang đổ dồn từng hồi trong đầu mình. Cùng với cả những hồi trống của các bộ tộc Charrua, Tape và Tapuira người Indian.
Chính vào khoảng thời gian ấy, tôi bán được chuyến hàng đầu tiên: một tàu nhỏ chở đầy phân phốt-phát của Morocco. Người đại lý đã mua lô hàng ấy là một người Đức rất thận trọng; ông ta nhận hàng và thanh toán cho tôi bằng tiền mặt.
Đó chính là niềm khích lệ tôi đang cần lúc bấy giờ! Tôi thấy như mình sống lại. Tôi sướng đến nỗi cho đóng khung một tờ giấy bạc nhận được của ông người Đức kia, và mời Tita đi ăn tiệm. Đó là lần chúng tôi phát hiện cái quán ăn Tunisia, quán Lạc Viên. Vẫn chưa phải Morocco, Tita nói, nhưng cũng gần đó rồi.
Quán đó nằm tại một nơi hẻo lánh, trang trí theo lối văn minh da đen Bắc Phi, có một chỗ ăn ngoài hiên, những cây cọ, và một đài phun nước, một địa điểm hoàn hảo. Người hầu bàn, mặc áo choàng có trùm đầu kiểu Ả rập, dẫn chúng tôi tới một bàn để ngoài trời và đem thực đơn tới. Chúng tôi chọn món ăn, cười với nhau vì những cái tên lạ lẫm trong thực đơn, và khi người hầu bàn đã đi, tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn và mảnh dẻ của Tita bằng cả hai bàn tay mình rồi nhẹ nhàng hỏi nàng có đồng ý lấy tôi không. Nàng mỉm cười: Thôi nào, Guedali, tất cả những thứ này là cái gì vậy? Thế rồi tôi lấy chiếc nhẫn vừa mua chiều hôm đó ra lồng vào ngón tay nàng. Mắt nàng rưng lệ.
"Không cần phải thế, Guedali," nàng thì thầm, "điều quan trọng là chúng mình được ở bên nhau."
Nhưng cử chỉ của tôi đã làm nàng hạnh phúc. Nàng không rời mắt khỏi chiếc nhẫn. Nàng nhớ đến Dona Cotinha: em ước gì bà ấy có mặt ở đây với chúng ta, nàng nói. Và cả những cô gái trong trại, mẹ em...
Nàng lại im lặng. Tôi biết rằng nhắc đến mẹ sẽ làm nàng đau đớn. Mẹ ư? Cái con người vô tình tàn bạo ấy mà Dona Cotinha đã nói với tôi, lẽ nào lại có thể là hình ảnh của một người mẹ? Nhưng thế đấy, Tita vẫn thường ú ớ gọi "Mẹ" trong những giấc mơ của nàng. Có những lần nàng còn gọi cả "Cha ơi!" Phải, nhưng ai có thể là cha nàng? Zeca Fagundes chăng? Hoặc người đốc công chăng? Hoặc cái người tá điền to khoẻ và lầm lì vẫn thường lởn vởn quanh nhà trại kia chăng?
Nàng lau nước mắt và gượng nở một nụ cười can đảm. Càng ngày em càng đẹp ra, tôi nói, và đó là sự thật. Nàng đã mất cái vẻ trẻ con con gái và đã biến thành một người đàn bà, một người đàn bà đáng yêu có một sắc đẹp hiếm lạ. Về mặt thể chất, chúng tôi rất khác nhau.
 
Nàng sửa lại một chút tư thế ngồi, và mũi ủng nàng động vào đầu gối tôi. Đó giống như một thông điệp, một lời cảnh báo của cặp chân và bộ móng ngựa: chớ có quên chúng tôi, chúng tôi bị che đậy, bị nguỵ trang, nhưng chúng tôi vẫn ở đây.
Trên bàn, Guedali và Tita đang ăn tối tại một quán ăn đáng yêu; họ chuyện trò, được người hầu bàn phục vụ tận tình. Nhưng gầm bàn là thuộc quyền của những bộ móng ngựa, những bộ móng bồn chồn, thèm khát được phi nước đại, thậm chí ngay trong hiên quán Lạc Viên ấy, nhưng phải kìm mình nằm yên trong một thước vuông chặt hẹp dành cho chúng lúc đó.
Trên đường về chúng tôi bàn chuyện đám cưới. Nghi lễ dân sự thì chẳng có vấn đề gì. Tất nhiên, chúng tôi sẽ kiếm cho nàng giấy tờ tuỳ thân; của tôi thì đã làm rồi vì tôi phải dùng chúng để thành lập công ty. Tita vẫn chỉ có cái hộ chiếu giả mà ông bác sĩ Morocco đã kiếm cho nàng để ra khỏi biên giới.
Nhưng còn nghi lễ tôn giáo, tôi nói (thận trọng từng lời) thì sẽ khó khăn hơn một chút đấy, vì em sẽ phải cải đạo. Nàng phản đối, nói nàng không muốn thành người Do Thái, rằng nàng chẳng theo đạo nào bao giờ, thậm chí đã quên sạch những bài kinh cầu nguyện mà Dona Cotinha đã dạy nàng. Nhưng tôi lý luận rằng cha mẹ tôi sẽ chỉ thực sự chấp nhận nàng nếu nàng nhập đạo Do Thái. Việc đó sẽ làm đơn giản tất cả mọi chuyện, tôi nói. Hơn nữa, nó có khó gì đâu.
Thôi được, nàng nói lúc đang cởi quần áo. Thế em phải làm gì? Tôi bắt đầu giải thích quá trình cải đạo cho nàng nghe, nhưng lại ngừng bặt. Tôi đã sắp nói đến buổi tắm nghi lễ thì nhìn thấy nàng khoả thân và lập tức nghĩ đến chuyện làm cách nào để nàng thụ buổi lễ tắm rửa này mà không để cho đám phụ nữ có mặt ở đó nhìn thấy. Làm cách nào để nàng vào tắm mà họ không thấy cặp móng ngựa của nàng?
Cứ để anh lo việc ấy, tôi nói, thể nào anh cũng có cách giải quyết việc này.
Và tôi làm được: tôi nói chuyện với một thầy cả đang sắp rời Brazil sau khi li khai với cộng đồng Do Thái. Ông ta dạy Tita một vài bài, lấy rất nhiều tiền, và trước khi đi, ông ta cấp cho nàng một cái giấy chứng chỉ cải đạo.
Chúng tôi cưới ở Porto Alegre. Chỉ có người trong nhà và một vài bạn bè của cha mẹ tôi có mặt, nhưng thực sự là một ngày hội. Tita thật đẹp, mặc bộ đồ cô dâu của Deborah trước đây, dài lướt thướt quét đất và che hết được cả đôi ủng. Mẹ tôi và hai chị tôi muốn giúp nàng mặc áo và trang điểm, nhưng nàng ngượng nghịu từ chối. Nàng không muốn ai thấy cặp móng ngựa của mình. Ở quê nhà con, nàng nói, tục lệ là cô dâu phải tự mặc áo một mình. Mẹ tôi lắc đầu vẻ không bằng lòng, nhưng rồi cũng bảo thôi được rồi, con cứ làm theo ý con, và họ để nàng được tự ý. Tuy nhiên, sau đám cưới, mẹ tôi đã ôm nàng, hôn nàng, và thú thực rằng ngày trước bà đã từng không thích cho Tita cặp đôi với con trai bà.
"Nhưng bây giờ mọi việc ổn cả rồi," bà nói. "Mẹ tin rằng các con sẽ hạnh phúc."
Trở lại Sao Paulo, tôi tiếp tục việc làm ăn, và có tiến triển rất tốt đẹp. Còn Tita, nàng ở nhà cả ngày. Nàng lo liệu mọi việc trong nhà. Chúng tôi không muốn có người giúp việc thọc mạch khắp nơi trong nhà, nhưng Tita vẫn có rất nhiều thì giờ rảnh rỗi. Nàng xem TV, ngồi trong ghế bành, gác hai chân ủng lên một cái ghế đẩu, bên cạnh có một hộp bánh kẹo (kết quả là nàng bắt đầu béo ra.) Nàng khó ngủ; ban đêm nàng thường đi đi lại lại, không quần áo gì trừ đôi ủng trên người. Tôi không thích thấy nàng như thế; cặp chân ngựa với vết sẹo mổ khổng lồ. "Có chuyện gì thế, Guedali?" Nàng sẽ hỏi, giọng đầy cay đắng và giễu cợt. "Anh đã quên rằng mình đã từng là nhân mã hay sao? Chỉ vừa mới đây, mình còn thường phi nước đại bên nhau."
Nàng sẽ ngồi xuống, thở dài. "Chao ôi, Guedali, em nhớ khu trại biết bao. Ở đó, ít nhất thì chúng ta cũng có chỗ để chạy và vui với những tấm thảm tranh của Dona Cotinha."
Tôi thuê một thầy giáo cho nàng. Nàng chưa biết đọc biết viết, và tôi muốn nàng có chút ít giáo dục; biết đâu sau này chúng tôi lại chẳng cùng vào một trường đại học với nhau. Hơn nữa, tôi đã phải buộc lòng từ chối nhiều cuộc rượu và ăn tối vì Tita chẳng biết nói chuyện gì với ai: nói thẳng ra thì nàng vẫn chỉ là một cô gái quê thô thiển. Thô thiển, nhưng thông minh. Nàng tiến bộ rõ rệt trong học tập. Thầy giáo của nàng, một mệnh phụ kín đáo ít lời, đã phải ngạc nhiên. Vợ ông rất có khả năng, thưa ông Guedali.
Chúng tôi bắt đầu đến nhà hát và hộp đêm, bấy giờ chúng tôi đã có bạn: những doanh nhân trẻ và vợ họ, phần lớn là Do Thái. Đúng như tôi nghĩ, họ chấp nhận chúng tôi không khó khăn gì. Có thể họ cũng lấy làm lạ thấy chúng tôi không bao giờ ra bãi biển hoặc đến bể bơi, thấy Tita lúc nào cũng mặc quần dài. Nhưng trong nhóm bạn ấy có một kĩ sư người Argentina hay viết những bài thơ quái dị và một giám đốc từ Rio tới sống chung với hai người đàn bà cùng một lúc. Như vậy rõ ràng là chúng tôi không phải là lạ lùng nhất.

Nhưng Tita vẫn không thấy hạnh phúc, tôi có thể thấy điều đó. Có lẽ em nên tham vấn một bác sĩ tâm lý, tôi gợi ý. Nhưng ý tưởng ấy chỉ làm nàng nổi cáu: Một bác sĩ tâm lý! Bác sĩ tâm lý nào có thể hiểu nổi câu chuyện của chúng ta? Đừng có khó chịu thế, Guedali! Tôi ngồi im và lẳng lặng đọc báo.  

 

<< MOROCCO | SAO PAULO ( Tiếp theo) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 420

Return to top