Tôi đi về hướng biên giới với Argentina.
(Chắc hẳn tôi đã qua vùng Sao Borja đúng vào lúc người ta mai táng tổng thống Getúlio Vargas. Tất nhiên là lúc bấy giờ tôi không biết tí gì về những chuyện như thế. Tôi chỉ biết phi nước đại mà thôi.)
Một đêm mưa, tôi trú lại trong một túp lều bỏ hoang, một nơi lụp xụp giữa một cánh đồng mênh mông. Tiếng mưa rơi và tiếng ếch nhái ộp ạp đưa tôi vào giấc ngủ, một giấc ngủ súc vật có nguyên nhân, tôi nghĩ thế, từ những bắp thịt mỏi nhừ những mối gân đau nhức. Một giấc ngủ lừa ngựa.
Sáng hôm sau...
Tôi giật mình tỉnh giấc, lòng đầy những dự cảm lạ lùng. Tôi đứng dậy và ghé mắt nhìn qua khuôn cửa sổ bé xíu của túp lều.
Trời vẫn sầm sì mặc dầu mưa đã tạnh. Mấy con cừu đang hiền lành gặm cỏ; không một bóng người. Tại sao tôi lại giật mình?
Nhưng có một cái gì đó. Tôi cảm thấy nó tận đáy lòng. Trong người tôi vang vang tiếng móng ngựa từ xa mỗi lúc một gần. Tôi nheo mắt và bắt đầu nhận ra một cái gì đó ở phía chân trời.
Một người cưỡi ngựa. Không, hai người cưỡi ngựa. Phóng thả sức, họ đang nhanh chóng đến gần.
Người đằng trước có vẻ là đàn bà... đúng là một người đàn bà có thể thấy rõ mái tóc dài tung bay tả tơi trong gió. Con ngựa trông rất lạ. Cái đầu nó ở đâu? Cái đầu con ngựa ở đâu?
Không có đầu, không phải ngựa. Người đang đuổi theo sau thì đúng là đang cưỡi ngựa, nhưng ở phía trước là một người đàn bà và ngựa nhập làm một, là nửa đàn bà, nửa ngựa, là... có thể là tôi đang nhìn thấy thế không? Đó là một con nhân mã cái.
Một nhân mã cái! (Vậy là tôi không phải chỉ có một mình, chúng tôi đông hơn, có khi đông lắm chưa biết chừng!) Nhưng mà cô ta là một cô gái trẻ, có vẻ rất đẹp, cô ta ở đâu ra mới được chứ? Có phải cũng từ quần Quatro Irmãos như tôi không? (Chao ôi, nếu cha mẹ tôi...) Hay là từ Argentina, từ Nam Cực? (Thử tưởng tượng xem giá Deborah và Mina mà biết được chuyện này!) Nhưng không có thời gian thắc mắc nữa, cô gái, con nhân mã cái, rõ ràng đang rất lo lắng; nó đang kiệt sức và hãi hùng, kẻ đuổi theo nó là một lão già, đã đến rất gần. Phải làm cái gì đó, con xin kính lạy Đức Jehovah, con phải là gì? Giá mà tôi là con ngựa có cánh...
"Dừng lại, con quỷ sứ kia! Dừng lại!" Lão già hét, rất hách dịch.
... Tôi sẽ đón lấy cô và nhấc cô lên tận những đám mây. Nhưng tôi không phải là con ngựa có cánh, tôi chỉ làm cho một con nhân mã bất lực sợ hãi, bực bội, và tôi phải làm gì đây? Ra khỏi nơi ẩn nấp, tấn công lão già ư?
"Dừng lại không tao bắn!"
Lão có một khẩu súng lục trong tay và chỉ còn cách con nhân mã cái chưa đầy một trăm bước, đang giơ súng lên ngắm, cả hai đều phóng thục mạng. Họ sẽ phi qua ngay trước cửa túp lều, ngay bây giờ, đây này.
Tôi lao thẳng vào cánh cửa ọp ẹp, xô đổ nó, phóng thẳng ra ngoài về phía lão già. Lão ghìm cương, hai mắt trợn trừng, rú lên một tiếng kêu khiếp đảm. Con ngựa chồn dựng lên đúng lúc lão bóp cò súng, và lão ngã văng xuống đất. Con ngựa lồng chạy đi.
Tôi thận trọng đến gần. Lão già đã ngã sấp mặt xuống đất và đang nằm bất động. Tôi quỳ xuống cạnh lão, lật lão lên. Tránh không nhìn vào hai con mắt trợn trừng đờ đẫn của lão, tôi đặt tay lên ngực lão. Tim lão đã ngừng đập.
"Hắn đã chết chưa?" Đó là cô gái, con nhân mã cái ở gần ngay bên tôi.
Chúng tôi nhìn nhau.
Cô ta xinh. Không xinh bằng cô gái ở khu nhà lớn, nhưng rất xinh; khuôn mặt thanh tú với đôi mắt đen mang nhiều dấu vết của huyết thống Indian.
"Chết hẳn rồi, " tôi vừa nói vừa đứng dậy.
Cô bắt đầu khóc. Cô vẫn còn sợ hãi, có thể thấy rõ điều đó. Tôi muốn an ủi cô, muốn vuốt ve cô và nói rằng không có gì phải sợ nữa, mọi chuyện đều ổn cả rồi. Và tôi đã làm đúng như thế: tôi vuốt ve mái tóc nàng, tôi nói có chuyện gì đâu, mọi thứ đều tốt đẹp cả rồi. Tôi nhận nàng là đồng loại; nàng cũng nhận tôi là đòng loại. Chúng tôi đều cùng một chủng, thâm chí da nàng còn hơi giống da tôi, đều có màu hạt dẻ.
(Đã có lần, lúc một mình ngắm nghĩa chính mình, tôi đã cay đắng nghĩ rằng chẳng những đã phải mang thân phận nhân mã, tôi lại còn phải mang bộ da màu hạt dẻ của ngựa điển hình nữa! Nhưng bây giờ, bây giờ thì toi hạnh phúc vì đã có bộ da hạt dẻ này. Nó thêm được một thứ chung nhau giữa đôi chúng tôi.)
Nàng lau nước mắt bằng cánh tay của bộ áo choàng bó sát người màu trắng và nhìn tôi. Chỉ lúc này, khi nỗi hoảng sợ đã qua rồi, nàng mới có vẻ như nhận ra rằng tôi cũng có móng ngựa, rằng tôi cũng một nửa là ngựa như nàng. Kinh ngạc lộ rõ trên mặt nàng, kinh ngạc và sợ hãi.
Tên tôi là Guedali, tôi nói để trấn an nàng. Nàng không hiểu. Cái gì cơ? Nàng hỏi, chau mày với một vẻ gần như khôi hài. Guedali, tôi nhắc lại. À, nàng nói, mọi người gọi tôi là Tita.
Đột nhiên tôi nhớ ra rằng cả hai chúng tôi đều đang ở giữa chốn đồng không mông quạnh, hoàn toàn lộ liễu. Tôi giấu xác lão già vào chỗ mấy bụi cây, cầm tay nàng dắt vào bên trong lều, rồi ép nàng ngồi xuống cạnh tôi. Giọng nức nở, nàng kể cho tôi nghe câu chuyện của lão già đã chết, người chủ trại gia súc có cái tên Zeca Fagundes.
Zeca Fagundes là người sở hữu tất cả đất đai xung quanh vùng này. Lão đã chuyển sang nghề nuôi cừu đúng vào lúc giá len trên thị trường quốc tế đang lên đến đỉnh điểm, và trở nên giàu có.
Lão sống với vợ, Dona Cotinha, trong một ngôi nhà khổng lồ, phiên bản của một toà lâu đài trung cổ, với hào nước và cầu rút, tường bao, tháp canh, đủ thứ. Hành lang dẫn vào phòng ngủ và những sảnh rộng thênh thang được trang hoàng với những bộ giáp trụ trung cổ nguyên bản, mua cuả một nhà chuyên sưu tầm và buôn bán có danh tiếng ở mãi tận Pelotas. SÀn nhà toàn bằng đá; những cửa sổ nhỏ đều có chấn song sắt rất lớn bảo vệ. Trong nhà thắp sáng bằng đuốc. Dưới tầng hầm có một ngục tối và phòng tra tấn có treo lòng thòng từ trên trần xuống một cái cũi sắt trong có một bộ xương người không có đầu lâu. đó là hình phạt dành cho những nông dân nào ương bướng, Zeca Fegundas nói vậy, nhưng mọi người đều biết đấy chỉ là nói đùa; bộ xương ấy là của một người tiều phu, một gia nhân đã qua đời khi đã trọn tuổi đời.
Dona Cotinha, một người đàn bà nhỏ bé, gày gò và im lặng, luôn luôn vận đồ đen, không bao giờ bước ra khỏi nhà. Bà hiến mình cho nghệ thuật dệt thảm. Bà làm việc với những khung cửi cổ xưa đã từng là sở hữu của bà nội bà, cũng là vợ một trại chủ, bà dệt những sợi len xe từ lông cừu chồng bà nuôi thành những tấm tranh thảm có những hình vẽ đẹp: những biểu tượng gia huy của các dòng họ, những thú vật sống quanh vùng (lúc nào cũng thấy có đà điểu) hoặc những con vật huyền thoại như ngựa một sừng, sư tử đầu chim. Còn có cả những nhân vật trong các truyền thuyết ở vùng nam Brazil, như Salamanca do Jarau. Những bức tranh thảm ấy được treo trên tường đá, cách mặt tường ẩm ướt nhờ những cái móc sắt; chúng là niềm vui của Dona Cotinha, một người đàn bà u sầu cô quạnh. Người con trai duy nhất của bà không hợp với ông bố, anh ta sống ở Porto Alegre và học luật ở đó, anh ta học đã nhiều năm, chẳng bao giờ tốt nghiệp. Thỉnh thoảng họ lại nhận được những bức thư nặc danh nói những chuyện khủng khiếp về anh chàng trai trẻ này, tố cáo anh ta là một kẻ nghiện rượu và đồi bại, càng làm cho bà mẹ thêm sầu não.
Zeca Fagundas, một con người rất dễ nổi nóng, rất ghét những con cừu của mình mặc dù chúng đã làm cho lão giàu có, coi lũ cừu là những con vật ngu xuẩn và hèn nhát. Lão cũng căm ghét những người nông dân làm việc trong trại của mình. Chúng bay tưởng tao không biết là chúng bay đi tơ cả với lũ cừu của tao chăng? Lão thường nói, giọng vừa nhẹ nhàng vừa giễu cợt, vừa thông cảm vừa cáu bẳn. Sao vậy ngài Zeca! Đám nông dân đáp, với cả lũ cừu ư! Ai mà nghe chuyện ấy bao giờ!
Cái mà lão Zeca Fagundas thực sự ưa thích là những con ngựa của lão. Lão có không nhiều, hành xóm lão có nhiều hơn lão đến hàng tá, nhưng chúng được lão lựa chọn cẩn thận: những con thuần chủng, những con chạy nhanh. Zeca Fagundes rất âu yếm chúng, và không cho phép một nông dân nào được bén mảng gần chuồng ngựa của lão. Lão tự cho ngựa ăn và chải chuốt cho chúng, từng con một.
Sultan, con ngựa lang có bộ lông hạt dẻ và những đốm trắng, được lão yêu nhất. Zeca Fagundas cưỡi nó phi qua những cánh đồng, phanh ngực áo đón gió, mái tóc trắng tung bay. Hễ thấy một bầy cừu là lão sẽ thúc ngựa xua đuổi chúng. Lão xua lũ cừu mới khiếp làm sao! Lão sung sướng thấy lũ cừu chạy bán sống bán chết, kêu rống lên vì sợ hãi.
Ngựa. Ngựa và đàn bà. Không phải Dona Cotinha xấu xí tẻ nhạt, cho dù là một người bạn đời trung thành, mà là đàn bà khác kia. Lão thường đem họ từ Bage và Alegrete về nhà: những cô gái bán hàng nhỏ nhắn sáng sủa, các bà các cô đã bỏ chồng, và cả gái điếm. Lão có cách thu xếp công việc cho họ trong trại nhà, người thì nấu nướng, kẻ dọn dẹp nhà cửa, người khác chuyên trả lời thư từ hoặc giữa sổ sách kế toán. Tất cả họ sống chung trong một gian phòng rộng có mái vòm dưới tầng hầm của toà lâu đài. Lão sẽ vào đó, bất kể giờ nào, ngày hay đêm, chỉ tay vào một người: Lại đây, thị kia! Rồi đem cô ta vào một căn phòng bí mật, một phòng ngủ mà chỉ một mình lão có chìa khoá, nằm biệt lập bên trong một toàn tháp của khu nhà.
Đám đàn bà không phải tù nhân. Họ có thể đi nếu họ muốn. Nhưng họ không dám. Họ biết Zeca Fagundes sẽ tìm ra họ, cho dù có ẩn náu ở đâu, và sự trừng phạt sẽ rất ghê gớm, cái ngục tối ở ngay đó, cạnh nơi họ ở, trong đó có một phòng tra tấn (mọi người đều thậm thụt nói về những cái roi và than hồng ở trong ấy, chưa kể bộ xương trong cái cũi.) Họ thà ở lại. Ngoài ra, họ được ăn ngon, mặc đẹp, son phấn thơm tho, vì Zeca Fagundes không tiếc tiền cho những thứ ấy chút nào. Ta muốn thấy đám ngựa cái của ta xinh đẹp và thơm tho, lão thường nói vậy. Và trên giường thì lão luôn làm cho họ thoả mãn, dù tuổi tác.
(Một lần, một cô gái không biết quê quán ở đâu xuất hiện tại trại. Cô còn trẻ, xinh đẹp, và tóc vàng, một của hiếm ở vùng này, với giọng nói mang thổ âm Sao Paolo. Cô ta tự nhận là người rất ham thích ngựa và đến chỉ để mong được tham quan tàu ngựa của Zeca Fagundes. Lão vừa tiếp cô ta vừa thấy sờ sợ; cô ta khiến cho lão thấy nghi ngờ, cái con đàn bà mặc bộ váy hở hang phấn son đậm và đầy người trang sức ấy. Trong câu chuyện, cô ta nói đã li thân với chồng và hoàn toàn thất vọng với đám đàn ông thành phố, đám người mà cô ta cho là rặt một phường oặt ẹo.
Zeca Fagundes im lặng quan sắt cô ta trong vài giây, rồi mời cô lên căn phòng ngủ trong toà tháp. Cô đi liền. Trên giường thì cô ta cũng không có gì đặc biệt, nhưng lão vẫn đề nghị cô ở lại trại, có lẽ vè cô ta rất khác với đám đàn bà của lão. Cô nhận lời ở lại, "nhưng chỉ chốc nhát thôi", theo đúng lời cô nói, song Zeca Fagundes lạnh lùng bảo rằng trong cái trại này lão mới là người quyết định lịch trình và ngày giờ của mọi người.
Lập tức mọi người thấy cô gái này không giống các cô gái khác, cái cô tóc vàng ấy. Cô ta không chịu ở trong gian phòng lớn dưới tầng hầm, mà đi khắp các nơi trong nhà, chõ vào đủ mọi việc, hỏi những câu hỏi khó chịu, lại còn ghi chép vào một cuốn sổ. Và cô ta định thuyết phục đám đàn bà nổi loạn chống lại Zeca Fagundes: Các bạn là nô lệ rồi, cô ta hét toáng lên, người đàn ông này thống trị tất cả các bạn! Trong một lần đến thăm bất ngờ, lão bắt gặp cô đang ghi chép. Lão tịch thu cuốn sổ tay, và khi cô định chống lại: Trả lại ta ngay, lão già bẩn thỉu kia! Lão đánh cô ngã gục ngay tại chỗ. Những điều ghi trong cuốn sổ còn làm lão phát khùng hơn nữa: đây là báo chí đây mà! Báo chí! Con này là nhà báo, đồ đĩ!
Để trừng phạt, lão lột trần truồng cô gái, trói cô vào một cái cột trong buồng tra tấn, và lấy roi quất cô trước mặt cả đám đàn bà. Rồi lão ném cô lên lưng một con ngựa và đuổi cô về thành phố. "Chớ có quay lại đây nữa!", lão hét, "Mày có thể giữ lấy con ngựa ấy, đồ đĩ!")
Con nhân mã cái nhỏ bé ra đời trong toà lâu đài của Zeca Fagundes. Mẹ nàng là Chica, một người đàn bà Indian âm thầm và không được lão ưa chuộng tí nào. Sự có mặt của bà trong hậu cung của lão là cả một sự bí ẩn. Không ai biết lão thấy gì trong người đàn bà ấy.
Người đàn bà Indian có mang và không nói cho ai biết. Hoặc giả bà che giấu rất khéo tình trạng của mình, hoặc vì chẳng có ai thực sự chú ý đến bà, nên đến ngày bà sinh nở cũng chẳng ai biết bà bụng to.
Nửa đêm, bà đi vào phòng tắm. Ở đó, ngồi xổm trong tư thế cổ truyền của đàn bà Indian khi sinh nở, bà rên rỉ rặn. Một người đàn bà khác nghe thấy tiếng động, phát hiện ra bà, và tất cả họ bắt đầu nháo nhào rồi kêu la ầm ĩ. Cuối cùng thì đứa bé cũng bắt đầu chui ra, mọi người xúm lại cố hết sức nâng đỡ bà; và rồi một cái chân ngựa thò ra, những tiếng rú hãi hùng, đến cái chân nữa, cái nữa, rồi cái nữa, và con nhân mã cái ra đời, mấy người đàn bà kêy rú lên, những người khác ngất lịm đi, còn bản thân người mẹ Indian thì hình như không còn biết chuyện gì đã xảy ra.
Khi đã trấn tĩnh được một chút, đám đàn bà xem xét con vật đang ngọ nguậy và ư ử trên một tấm khăn trải giường. Sao lại có thể có một thứ lạ lùng đến thế được? Họ hỏi nhau, và có người chợt nhớ rằng Chica rất say mê những con ngựa của ông chủ. Chị định làm cái trò quái quỉ gì thế hả? Họ xúm vào hỏi bà. Người đàn bà Indian nằm phủ phục, hai mắt nhắm nghiền, không trả lời. Bà cứ nằm yên như thế cho đến lúc lên cơn sốt dữ dội, rõ ràng đấy là hậu quả của cuộc sinh nở, rồi bắt đầu rơi vào tình trạng điên điên khùng khùng trong nhiều ngày liền. Ngẫu nhiên, trong những ngày đó Zeca Fagundes và bà vợ đều đang vắng nhà. Họ đi chơi suối nước nóng. Đám đàn bà không biết phải làm gì; họ không dám gọi bác sỹ, vì ông chủ không cho phép người lạ đến nhà. Họ cho người đàn bà Indian uống trà thảo mộc, mà bà chẳng uống được là mấy. Cuối cùng thì bà qua đời, mặc cho họ phải đối mặt với một thực tế là họ phải chăm nom con nhân mã cái nhỏ bé ấy. Họ không nghĩ đến chuyện kết quả ngay cho cuộc đời con vật, như mụ đỡ ở Quatro Irmãos đã từng nghĩ. Họ sẽ chăm nom nó. Cũng giống cha mẹ tôi, họ quyết định giữ bí mật chuyện này. Nhưng họ cần có hỗ trợ, và vì vậy quyết định phải nói cho Dona Cotinha hay. Bà chủ vẫn luôn thù nghịch với họ, nhưng bây giờ họ tin thế, bà sẽ mủi lòng khi nhìn thấy con vật bé bỏng đáng thương. Và họ đã nghĩ đúng. Lúc đầu, Dona Cotinha không muốn dính dáng gì đến họ và không chịu bàn khác gì hết: Các người đã phạm những tội lỗi vô liêm sỉ, đã sinh ra quái vật, mà lại còn đến đòi được giúp đỡ ư, ta sẽ không dính dáng gì hết, vì các người đều mang bệnh giang mai hết cả rồi! Nhưng khi họ đem đứa bé đến cho bà coi, bà thay đổi hoàn toàn; lúc đầu nó làm bà sợ hãi, nhưng chẳng mấy chốc nó đã làm cho bà xúc động đến chảy nước mắt, bà cũng là một người mẹ. Từ đó trở đi, một tấm tình ấm áp, một thái độ đoàn kết ngấm ngầm, đã nảy sinh giữa người vợ chính thức và đám nàng hầu kia.
Theo lời khuyên của Dona Cotinha, đám đàn bà giấu con nhân mã cái nhỏ bé (họ đặt tên cho nó là Marta-Marta, Martita, Tita) trong một cái trái bằng gỗ bỏ không ngay cạnh gian phòng nơi họ ngủ. Họ cho đứa bé bú bình, và họ phát hiện cái mẹo thêm xà-lách băm vào sữa cho nó, con nhân mã cái lớn lên khoẻ mạnh. Lúc nào cũng phải lẩn trốn nhưng được bao bọc giữa tấm lòng thương mến của những người đàn bà. Rất thông minh, nó học nói rất sớm, và cũng rất sớm biết đặt những câu hỏi. “Các mẹ ơi” (họ đều là mẹ của nó,) “tại sao con lại thế này? Sao con lại có những móng này, cái đuôi này? Sao con lại không giống như tất cả các mẹ?” Nó không hỏi gì đến cha, cũng không biết một người đàn ông là gì, chứ đừng nói đến việc tưởng tượng ra một thứ như thế.
Nó không chịu sống như một tù nhân, chỉ biết đi quanh trong trái nhà ấy hoặc cùng lắm là chạy tung tăng trong gian phòng ngủ rộng lớn ấy (mà ấy là chỉ khi nào Zeca Fagundes không có nhà.) Nó thèm mặt trời, không khí tươi mát; nó thèm được biết tất cả về thế giới bên ngoài. Không được, những người đàn bà nói đi nói lại với nó, con không thể ra ngoài được, như thế quá nguy hiểm, họ sẽ giết con. Tuy nhiên, ngày lại ngày, nó càng lúc càng thêm bứt rứt không yên. Đám đàn bà bắt đầu hiểu rằng, họ không thể giữ nó mãi được.
Quả nhiên: vào lúc sáng sớm, đúng ngày sinh lần thứ mười Sáu của nó, con nhân mã cái mở cửa và lẻn ra ngoài; không ai biết. Trời vẫn tối, vì đang là mùa đông; nó không nhìn thấy gì mấy, nhưng cái cảm giác tự do đã khiến nó sung sướng đến chóng mặt. Nó quyết định chạy tung tăng một lúc khắp xung quanh, làm thế thì có hại gì cơ chứ? Còn rất sớm, mọi người đều vẫn đang ngủ cả.
Nhưng không phải thế. Không phải mọi người đều đang ngủ: Zeca Fagundes đã dậy rồi, và đang đóng yên cương một con ngựa. Lão nhìn thấy con nhân mã cái đi qua, và dụi mắt vì kinh ngạc: có phải nằm mơ không đây? Có phải lão vừa thấy một cái gì nửa đàn bà nửa ngựa đó chăng? Nếu quả thật có một thứ như thế, nó phải là của ta! Chúa đem nó đến cho ta! Lão lên yên và quất ngựa đuổi theo cái nhỡn ảnh kì lạ ấy.
Sau đó ra sao thì anh biết rồi, nàng vừa nói vừa lau nước mắt.
Tôi nhìn nàng, nàng nhìn tôi.
Tôi kéo nàng lại, ôm lấy nàng. Tôi cảm thấy cặp vụ nàn sát bộ ngực trần của mình; chúng căng lằn dưới làn vải áo của nàng. Tôi hôn nàng, chúng tôi hôn nhau, vụng về nhưng háo hức. “Thế này là thế nào hả Guedali?” Nàng hỏi trong một tiếng thì thào. “Anh đang làm gì vậy?” “Em đừng lo, Tita à,” tôi nói. “Sẽ là một việc rất tốt, rất hay.”
Tôi muốn yêu nàng theo kiểu của mọi người, như vẫn được minh hoạ trong các cuốn sách tôi đã đọc, nhưng không thể được, vì có quá nhiều vuớng víu, quá nhiều cồng kềnh, quá nhiều móng ngựa. Cuối cùng tôi nhảy lên nàng theo kiểu ngựa, lúc làm như vậy tôi bị đập cả đầu vào mái lều, thật sự là chọc thủng cả một lỗ qua lần tranh lớp, tôi cúi về phía trước, hai cánh tay ôm lấy nàng từ đằng sau, hai bàn tay nâng chặt cặp vú nàng, thì thầm những lời âu yếm vào tai nàng, và nhẹ nhàng luồn vào nàng. “Thích quá,” nàng rên lên khi hai cơ thể rộng lớn của chúng tôi đều lẩy bẩy vì khoái cảm, “em thích lắm…”
Khi đêm đến, chúng tôi ra khỏi lều, tôi đặt thì thể của Zeca Fagundes lên lưng mình. (Nếu lão còn sống, lão sẽ bắt tôi làm nô lệ,; tôi sẽ thành một tay lùa gia súc tuyệt luân; vô địch trong các cuộc chạy đua, và lúc về già, tôi có thể kẻo một xe mà không cần xà ích. Chỗ ngồi của xà ích sẽ để trống, giống như những cỗ xe ma im lìm lướt đi trong sương mù.)
Chúng tôi đi về phía trại. Khi đám đàn bà nhìn thấy chúng tôi vế đến nhà, họ như phát cuồng lên. Một con nhân mã đực! Tita đã về rồi! Ông chủ chết rồi! Thật là quá sức chịu đựng của họ. Họ gào thét và ngất xỉu. Mãi rồi Tita cũng trấn tĩnh được họ và kể cho họ nghe câu chuyện đã xảy ra như thế nào.
Với cái chết của ông chủ, họ có những phản ứng lẫn lộn: buồn thương, có, mà vui mừng cũng có. Họ đã chán ngấy tính cách độc tài của lão, phát mệt vì những thói cuồng dâm và quái dâm của lão, việc làm tình mà vẫn mang đinh thúc ngựa chỉ là một thói hiền lành nhất của lão. Họ an ủi Dona Cotinha. Bà khóc lóc khi ôm lấy thi thể chồng: Chúng con biết làm sao đây, mọi việc đều là ý muốn của Thượng Đế! Cảm ơn các em, người quả phụ nức nở, các em đều rất tử tế với tôi, tôi sẽ không quên các em, xin các em nhớ cho điều ấy.
Thế rồi họ quay sang tôi. Họ xúm xít quanh tôi, tò mò xem xét tôi từng li từng tí. Nhìn xem, một người nói, thế mà em cứ tưởng Tita là trường hợp độc nhất vô nhị. May mắn quá, thằng bé trông thật đẹp trai, một người khác lên tiếng, nó với con Tita nhà mình sẽ thành một đôi cực đẹp đấy. Mọi người đều đồng ý với ý kiến đó. Một con nhân mã đực với một con nhân mã cái mà tình cờ gặp nhau thì chúng còn làm gì khác nữa ngoài việc sống với nhau? (Linh tính đã mách họ rằng đã có chuyện gì đó giữa Tita và tôi rồi; vẻ mặt của con nhân mã cái đã khác rồi, dáng đi của nó cũng thế, và nụ cười của nó đã mang vẻ bí hiểm rồi; đứa con cưng bé bỏng của họ đã thành một người đàn bà. Một đàn bà-nhân mã.) Nhưng hai đứa chúng bay phải cưới nhau đi, một bà lên tiếng, chúng ta không thể để ai sống trong tội lỗi được, hai con phải làm lễ cưới ở nhà thờ. Họ cười phá lên, tưởng tượng đến vẻ mặt của cha cố. Tita cũng cười, tôi cũng vậy. Con không thể làm lễ cưới ở nhà thờ Công giáo, tôi nói, con sinh ra là người Do Thái.
Họ thôi cười, nhìn nhau, nghi ngại. Một người Do Thái ư? Nghe không ổn rồi. Bọn Do Thái đã giết chết đấng Christ, bọn Do Thái tham lam, chẳng nhẽ họ lại trao Tita của họ cho một thằng trong bọn ấy sao? Nhưng trong số họ có một người đã từng yêu một anh Do Thái, một người chào hàng, và bà này cam đoan rằng người Do Thái không hề xấu xa, chỉ là vấn đề biết cách cư xử với họ thôi, thì cũng như với bất kì ai chứ có gì khác. Thế là họ yên tâm, và lại cười, lần này thì vì cái tên của tôi. Guedali, thật đó là một cái tên à?
Chúng tôi chuyện trò suốt ngày hôm đó, cho đến tận đêm khuya.
Sáng ra, đám đàn bà sực nhớ ra việc làm ma cho ông chủ. Đám ma chắc phải mời các trại chủ lân bang, và họ không thể ở đó để mọi người biết được. Người chết thuộc về bà quả phụ, và chỉ một mình bà mà thôi. Họ gói ghém đồ đạc, thậm chí còn tranh giành váy áo và son phấn, rồi khóc lóc chia tay chúng tôi. Họ ép tôi phải hứa sẽ chăm sóc Tita và Dona Cotinha cho chu đáo (tôi đã thành người đàn ông trong nhà,) rồi ra đi.
Một tuần lễ liền, bà quả phụ giam mình trong phòng riêng với nỗi buồn của mình. (Bà chỉ có một mình, anh con trai không thấy xuất hiện.)
Toà nhà thuộc về chúng tôi, Tita và tôi. Chúng tôi đi khắp các gian phòng lớn, xuống dưới tầng hầm, lên ngọn tháp cao (hơi khó một chút vì cầu thang hẹp.) Chúng tôi yêu nhau ở đó, trong gian phòng đầy gương, dưới ánh đuốc trong gian ngục tối, và trong trái nhà gỗ, trên tấm nệm của Tita, rất giống với cái nệm mà tôi vẫn dùng hồi còn ở nhà.
Dona Cotinha lại xuất hiện, bình tĩnh một cách đáng kinh ngạc, và chỉ huy mọi việc hăng hái một cách không ngờ. Việc đầu tiên của bà là xoá sạch những gì có thể nhắc nhở đến sự có mặt của chồng: đốt hết giấy tờ của ông ta, mang hết quần áo của ông chia cho nông dân. Bà ra lệnh cho niêm kín gian phòng của hai vợ chồng, và dọn sang một phòng khác nhỏ hơn.
Còn với chúng tôi, Tita và tôi, liệu bà định thế nào đấy? Bà không nói gì cả, và tôi bắt đầu thấy bồn chồn: có thể bà không chịu nổi tôi, có thể bà nghĩ tôi là một thằng sa đoạ. Tôi quyết tâm phải có một cuộc nói chuyện riêng với bà. Tita và con yêu nhua, tôi nói, chúng con muốn sống với nhau, và néu bà không phản đối thì chúng con sẽ xin được ở lại đây. Còn nếu không được vậy thì xin bà cho chúng con biết sớm, chúng con sẽ liệu đi tìm nơi khác.
Sao lại thế, bà nói, rất ngạc nhiên. Tita cũng đã thành như con gái bà, và bà cũng đã ngày càng thấy ưa tôi hơn. Ta có thể không biểu lộ ra ngoài, bà nói thêm, nhưng đó chỉ là vì tính ta nó vậy mà thôi, bao nhiêu năm trường phải sống với đồ súc sinh ấy…
Bà lấy một chiếc khăn từ trong tay áo ra lau mắt. Các con có thể dùng gian phòng ngủ mà chị em vẫn ở trước đây, bà nói, rồi thêm: Đừng bận tâm về chuyện cưới xin vô lí làm gì. Ta đã cưới chồng với một tấm chàng mạng và đầy đủ lệ bộ đất, ấy thế mà đời ta rồi có ra cái gì đâu. Cứ ở lại đây, các con thân yêu của ta, ở lại và yêu thương nhau theo ý các con. Có các con bên cạnh là đủ cho ta rồi.
Thế là từ 1954 đến 1959, chúng tôi sống ở cái trại gia súc ấy với Dona Cotinha. Chỉ có bà và người đốc công của bà, một người đàn ông lạ lẫm nhưng hoàn toàn tin cậy, biết là có chúng tôi.
Ấy là một cuộc sống thoải mái và hạnh phúc.
Tất nhiên là ban ngày chúng tôi phải ẩn mình bên trong nhà, nhưng có rất nhiều việc khiến chúng tôi bận bịu. Tita giúp Dona Cotinha các việc trong nhà hoặc việc dệt thảm; tôi đọc sách và học (lúc ấy tôi rất quan tâm đến môn quản trị kinh doanh) hoặc chơi vĩ cầm. (Cây đàn này, tôi tìn cờ thấy nó trong một tủ đựng quần áo, ngày xưa là của ông nội Dona Cotinha. Nó cũng chỉ là một cái vĩ cầm thường thôi, rất thô sơ, nhưng mà những giai điệu mà tôi kéo ra được từ nó thì quả thật làm Tita và Dona Cotinha xúc động đến rơi nước mắt.)
Đêm đến, rất khuya, cho đến tận nửa đêm, chúng tôi đi dạo trên cánh đồng, Tita và tôi. Sánh vai, tay nắm tay, chúng tôi phi nước đại, gió thôi vi vu trong tai. Chúng tôi dừng lại, nhìn nhau, cười phá lên và hụt cả hơi. Dần dà, nụ cười biến đi trên gương mặt nàng. Em muốn anh, nàng thì thầm. Anh cũng muốn em, tôi đáp.
Tita và Guedali, Guedali và Tita, cặp tình nhân của đồng cỏ. Chúng bị hút vào nhau bằng da, bằng tóc, bằng chính những đường gân thớ thịt của mình. Khi chúng yêu nhau, nó giốn như một điệu balê, hai thân thể lớn lao của chúng như thể được nâng lên không trung, tay chân hoà quyện lấy nhau khi chúng cùng ngã xuống cỏ ướt không một tiếng động.
Nàng chỉ hơn một đứa trẻ một chút xíu, Tita. Vừa mới một tí đó thôi nàng còn đang chơi những con búp bê mà đám đàn bà đưa cho nàng. Nhưng nàng thông minh, và muốn biết tất cả về tôi và gia đình tôi. Tôi kể cho nàng với biết bao khoái cảm, về cái trại gia súc ở vùng nội địa Quatro Irmãos, về cha mẹ và các anh chị em của tôi, về cây vĩ cầm, thằng bé Indian Peri, Pedro Bento. Tôi kể cho nàng cả về ngôi nhà ở Teresópolis, về niềm say mê của tôi đối với cô gái trong khu nhà lớn (chuyện này làm nàng ghen, trở nên u uẩn và tôi phải an ủi nàng, nói rằng tất cả chuyện ấy thật vô nghĩa,), về những cuộc du hành của tôi trên đồng cỏ. Nhưng có những chuyện tôi không kể với nàng, con ngựa có cánh chẳng hạn, mà tiếng đôi cánh sột soạt của nó tôi đã không nghe thấy nữa trong một thời gian dài. Tôi không kể cho nàng chuyện ấy, không thể kể được. Có những thứ nàng thực sự không hiểu: một người Do Thái, làm một người Do Thái nghĩa là thế nào? Tôi cố giải thích, tôi kể cho nàng nghe về Abraham và bộ ngực của cụ, về Moses, về Nam tước Hirsch. Tôi thuật lại những chuyện ngắn của Sholem Aleichem, tôi nói đến Israel, Jerusalem, những nông trang tập thể, Marx và Freud cũng xuất hiện trong câu chuyện của chúng tôi.
Thế rồi tôi ngừng lời. Đột nhiên tôi thấy nhớ nhà. Tôi nhớ cha nhớ mẹ, nhớ Deborah, Mina, thậm chí cả Bernado. Tôi vẫn viết cho gia đình những bức thư dài mà người đốc công đích thân mang gửi tận bưu điện thành phố cho tôi. Tôi nói tôi vẫn khoẻ, rằng mọi người không phải lo cho tôi. Nhưng tôi có nên thổ lộ về Tita không đây? Và tôi quyết định rằng vẫn chưa đến lúc làm việc đó.
Dona Cotinha ngày càng ưa mến chúng tôi hơn. Bà nói chúng tôi là tất cả những gì bà có trên đời (“Những con thú cảnh thuơng mến của ta” là câu đầu lưỡi bà vẫn dùng để gọi chúng tôi,) chúng tôi còn quan trọng hơn cả đứa con trai ruột của bà, kẻ chưa thèm viết cho bà đến một dòng thư. Chuyện chúng tôi là bạn tình của nhau có làm bà hơi lúng túng một chút. Mặc dù bà không nói gì, chúng tôi biết tận đáy lòng bà coi quan hệ của chúng tôi là cái gì đó có vẻ nực cười, thậm chí tội lỗi. Nếu chúng tôi lỡ ôm lấy nhau trước mặt bà, bà sẽ bối rối quay đi chỗ khác. Nhưng ngoài những việc ấy ra thì bà rất âu yếm chúng tôi, thường cho chúng tôi quà – áo len chui đầu cho tôi, vòng cổ cho Tita – khiến chúng tôi rất sung sướng.
Tita và tôi thực sự rất hạnh phúc trong khoảng thời gian ấy, từ 1954 đến 1959.
Ngày nào chúng tôi cũng ở bên nhau, không rời nhau một phút, Người này học được ở người kia ý nghĩa của mỗi cử chỉ, mỗi cái nhìn. Chúng tôi bắt đầu nhiễm những thói quen giống nhau và có một hệ thống tín hiệu riêng với nhau: bây giờ thì tôi là Gue và nàng là Ti. Gue và Ti, Ti và Gue, không bao giờ rời nhau. Tôi biết nàng thích tôi hôn nàng vào tai, chỗ thuỳ châu. Nàng biết tôi thích nàng đặt đầu lên ngực tôi. Nhưng trên hết mọi thứ, chúng tôi biết chúng tôi thèm làm tình với nhau. Nỗi thèm muốn ấy lúc nào cũng tràn đầy trong chúng tôi, đêm, ngày, sáng sớm, bất kể khi chúng tôi đang làm việc, ăn uống hay ngủ nghê. Chúng tôi sẽ ôm lấy nhau, run lên vì thèm muốn. Và việc tình ái của chúng tôi lúc nào cũng tuyệt vời.
Hạnh phúc, từ 1954 đến 1959. Đến 1959 ư? Gượm đã, có thể không phải thế. Có thể là từ 1954 đến 1958, thậm chí chỉ đến cuối 1957. Điều chắc chắn là những ngày hạnh phúc đã bắt đầu sắp hết rồi. Một cảm giác bất an nào đó đã bắt đầu kín đáo lên men trong Tita. Có lẽ nó xuất phát từ những tờ tạp chí phụ nữ mà nàng vẫn xem hoặc từ những chương trình mà nàng vẫn nghe trên đài phát thanh. Tại sao chúng ta không thể cưới nhau và sống ở thành phố? Nàng hỏi. Tại sao em không được đến siêu thị như tất cả những phụ nữ khác? Tại sao em không thể đi mua rau quả, phó-mát, trứng, khăn trải bàn, những thứ như thế? Tại sao em không thể gặp mặt những người trong gia đình anh và ăn trưa với họ vào những ngày Chủ nhật? Tại sao anh không cho phép em có con?
(Tôi dùng phương pháp phóng tinh ra ngoài để ngăn nàng có thai, chẳng may lại rất thành công. Tôi còn làm được gì khác? Đặt một viên sỏi vào tử cung theo lối của người Indian chăng? Thô thiển quá. Tôi không biết tí gì về các viên thuốc tránh thai, và có biết đi nữa thì liệu có loại nào họ làm cho nhân mã không? Bao cao su có thể dùng được, nhưng tôi có thể kiếm loại có kích cỡ khổng lồ ở đâu?)
Những câu hỏi của nàng bộc lộ một tính cách độc đáo sâu sắc, thậm chí hơi lạ lùng. (Nàng kế thừa của mẹ nàng chăn?) Việc nàng định làm là muốn phù phép cho cái phần ngựa của mình mà nàng vẫn tưởng tượng là chẳng có dính gì đến người đàn bà Tita và có thể làm cho nó phi nước đại đi thật xa và đừng bao giờ trở lại.
Nàng quên rằng mình là một nhân mã cái. Tại sao em không thể như những cô gái khác? Nàng thường khăng khăng thế. Bởi vì đơn giản là em không thể, tôi sẽ phải trả lời, bởi vì em có một cái đuôi, đôi hông ngựa, bộ móng ngựa, và cả một ít bờm ngựa nữa. Nhưng tôi không nỡ nói thế với nàng, không muốn làm cho nàng bị choáng và tuyệt vọng. Hơn nữa, những câu hỏi của nàng làm tôi xúc động, thậm chí còn làm tôi lén lút khóc thầm. Bản thân tôi cũng muốn có một cuộc đời bình thường. Chính tôi cũng mong được sống ở Pôrto Alegre, trong một căn hộ ba phòng ngủ, có một phòng khách rộng, có nhà để xe. Chính tôi cũng muốn có một gia đình. Và một công việc làm ăn riêng của mình, thế mà ngay đến việc học thêm cái gì đó ở một trường đại học cũng là bất khả thi đối với tôi. Tôi mong có bạnbè, đến chiều Chủ nhật có thể cùng chơi đá bóng với họ. Nhưng làm sao một con thú bốn chân chơi đá bóng được? Không thể được. Khúc côn cầu thì còn có thể. Chứ bóng đá thì không bao giờ.
Liệu có thể thử cái gì đó không nhỉ? Có cách chữa trị gì không nhỉ? Khoa học đã có những bước tiến dài trong những năm vừa qua. Tita cho tôi xem một bài tường trình trong một tờ tạp chí, nói đến một bác sỹ phẫu thuật người Morocco đã có những ca mổ thần kỳ, biến đàn bà thành đàn ông và ngược lại, vậy thì tại sao lại không nhỉ, nàng hỏi, tại sao lại không biến được nhân mã thành người bình thường?
Với tôi, việc đó có vẻ không thể thực hiện được. Tôi không tin mình có thể sống qua được một phẫu thuật như thế. Và ngay cả nếu ông bác sỹ ấy có thể mổ cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ đến Morocco bằng cách nào? Làm sao chúng tôi có thể chi trả cho một phẫu thuật như thế, chắc chắn là phải cực kỳ đắt tiền?
Những ý nghĩ ấy khiến tôi mất ngủ. Biết có thể có giải pháp cho trường hợp của cả hai chúng tôi, mà lại không thể làm gì để thực hiện nó.
Một đêm, Dona Cotinha gọi tôi đến chỗ bà.
“Guedali, ta muốn nói chuyện riêng với anh.”
Tôi nhìn Tita. Nàng có vẻ hoàn toàn chăm chú vào một tấm khăn đang thêu. Tôi đi theo Dona Cotinha vào phòng làm việc của bà. Bà đóng cửa và quay lại phía tôi.
“Tita đã nói với ta rằng có một vị bác sỹ ở Morocco có khả năng giải quyết được vấn đề của hai con. Nó bảo vấn đề chỉ là tiền nong thôi.”
Dạ, thực ra cũng không phải đơn giản như vậy,” tôi nói, nhưng bà ngắt lời:
“Ta muốn anh biết rằng ta sẽ lo toàn bộ các chi phí.” Tôi cố ngăn bà, nhưng bà xua tay ngăn tôi lại. “Ta già rồi, ta không cần tiền làm gì nữa, kể cả cái trại này, hoặc bất kì cái gì. Hai con còn trẻ, cuộc đời vẫn còn ở trước mặt. Hãy đi đi, các con, đi đến Morocco. Hãy giải phẫu, rồi trở về, bình thường.”
Tấm lòng hào hiệp của bà làm tôi xúc động sâu xa. “Mẹ thực sự là mẹ của chúng con,” tôi nói. Tôi rời văn phòng bà, cảm xúc chứa chan, và đêm đó tôi khóc rất nhiều. Không phải chỉ vì tự nhiên rtôi thấy nhớ cha mẹ anh chị tôi da diết, mà còn vì cử chỉ nhân từ vô hạn của Dona Cotinha.
Thế mà rồi tôi vẫn không thể quyết được bề nào.
Không phải chỉ là chuyện tôi sợ phải mổ. Tôi cảm thấy hình như việc ấy sẽ vi phạm một tạo tác của thiên nhiên, vốn có thể là kết quả của một ý định siêu đẳng, một ýchí thần thánh, biết đâu đấy. Tita nhận biết cuộc giằng co trong tư tưởng của tôi. Nàng không đề cập đến chuyện ấy nữa và chờ đợi tôi sẽ lên tiếng trước. Tôi đi qua khắp các cánh đồng. Tôi nghĩ, nghĩ mãi, chod dến lúc không còn biết liệu cuộc giải phẫu có phải là điều tốt đẹp nhất cho chúng tôi hay không.
Có lẽ vì quá căng thẳng trong đầu óc, tôi ngã bệnh.
Bắt đầu chỉ là một cơn nhức đầu nhè nhẹ, rồi cứ tăng dần, cho đến lúc trở thành những trận đau lộng óc kéo dài vật vã, tưởng chừng như bộ não của tôi như đang nứt toác ra thành nhiều mảnh. Tôi không còn thấy gì, nghe gì được nữa, cảm giác đau đớn thật khủng khiếp. Tita và Dona Cotinha giữ tôi nằm một chỗ và làm đủ mọi thứ có thể: họ chườm lạnh cho tôi, đắp những lát khoai tây tươi sống lên trán tôi.
Trong bốn ngày liền tôi không còn biết gì đến xung quanh, bị những ảo giác kì lạ xâm chiếm. Có lúc hình như bộ móng ngựa của tôi đã biến thành những bàn chân người; có lúc chúng lại mọc thêm ra một cách kì lạ, khiến cho thân tôi cứ bị kéo dài mãi ra, thành như một con nhân mã hình sâu róm. Tôi đi lại trong căn phòng rất dài, luôn mồm đếm một-hai, một –hai, cố giữ đều nhịp cho hơn một tá chân bước đi không bị chệnh choạng. Chẳng ăn thua gì, vì những cái chân mới vẫn tiếp tục mọc thêm ra, càng lúc càng thêm dị dạng và vụng về. Cúôi cùng thì những cái chân ấy đá vào người tôi, gây thương tích thảm hại cho tôi. Thân thể tôi đau nhừ, máu chảy ròng ròng từ hàng chục vết thương, và tôi hoảng hốt nhìn, hay bộ móng của chính mình đang đám đá nhau như trong một cuộc tử chiến. Về sau những ảo ảnh ấy trộn lẫn với nhau, rồi dần biến đi. Bây giờ thì hình như tôi đang ở trên một con thuyền hoặc cái gì đó tương tự trên biển khơi, ngửi thấy mùi sóng mặn, lắc lư nhè nhẹ, ngắm nhìn một phong cảnh yên tĩnh và thanh bình. Đó là bờ biển của một xứ sở xa lạ, với những cây cọ và một thành phố toàn những ngôi nhà trắng.
Khi đỡ hơn, dù vẫn còn rất yếu, tôi đã quyết chí được cho mình.
“Chúng ta sẽ đi Morocco,” tôi nói.
Tita và Dona Cotinha ôm chầm lấy tôi, khóc oà lên. “Ta đã biết mà,” Dona Cotinha vừa khóc vừa nói “ta đã biết Thượng Đế sẽ khích lệ con, Guedali ạ!”
Hai tuần sau, chúng tôi lên đường đi Bắc Phi.