Những ngày đầu tiên ấy thật là hạnh phúc. Bọn trẻ khoẻ mạnh, hai thằng cu đẹp đẽ; chúng ăn ngủ rất ngoan. Thượng Đế đã thương chúng mình, Tita nói. Người đã đền bù cho những đau khổ chúng ta đã từng phải chịu đựng.
Thế rồi lại nảy sinh một vấn đề: nàng không muốn hai thằng cu phải cắt da quy đầu. Không có ai được đụng đến con tôi, nàng cương quyết tuyên bố. Tôi cải đạo là đủ rồi, tôi không muốn dính dáng gì đến những thứ lễ nghi vớ vẩn ấy nữa.
Nhưng tôi không chịu thua. Tôi nhớ đến câu chuyện cha tôi kể về những nỗi khó khăn ông đã phải đương đầu để mang được thầy Mohel về trại cho tôi, và tôi cảm thấy việc cắt da quy đầu cho bọn trẻ là một món nợ tôi phải trả cho ông. Tôi giải thích chuyện đó, nói đi nói lại, cuối cùng doạ sẽ mang con bỏ đi. Thế rồi Tita nhượng bộ.
Tôi mang cả gia đình đến Sao Paulo để dự nghi lễ đó. Cuộc lễ diễn ra suôn sẻ, việc cắt bì xong xuôi, cuối cùng là ăn trưa, rồi ăn tối, liên tiếp những nâng cốc chúc mừng và mọi người đều say sưa. Cha mẹ tôi vui nổ trời. Con xứng đáng được hạnh phúc thế này, cha tôi nói. Tạo hoá đã không tốt lành với con, nhưng con đã tranh đấu và chiến thắng, và bây giờ con đã ở đây, một người chủ gia đình hạnh phúc, được kính trọng và khá giả.
Sau đó tôi không còn đến quán bia với Paulo nữa. Cứ hết buổi chiều là tôi khoá cửa văn phòng rồi chạy ngay về với hai đứa con trai. Tôi sẽ ngồi với cả hai đứa đặt trên lòng.
Cặp chân ngựa của tôi không ưa gì những va chạm ấy. Chúng cảm thấy, qua nền vải quần, làn da mịn màng của bọn trẻ. Cặp chân tôi nhấp nhổm không yên. Im nào, tôi khe khẽ rít lên trong cổ họng, nằm yên nào. Nhưng chúng không thể nằm yên. Rõ ràng chúng cảm thấy bị đe doạ. Hai anh em chúng đã bị cắt bỏ rồi; hai đứa còn lại phải cam chịu hết bị mặc quần, chui vào ủng, rồi bây giờ lại còn hai đứa trẻ ngồi đè lên mình. Hơi nóng từ thân thể hai đứa bé, liên tục và ẩm ướt một cách kín đáo, rồi cuối cùng sẽ làm bợt hết lớp da ngựa, làm lòi ra gân xương của chúng. Chúng phản đối, cặp chân của tôi, và liên tục bị chuột rút.
* * *
Mặc cho chúng phản đối.
Hai đứa bé tròn trĩnh và thích được ôm ẵm này là báu vật của cả đời tôi. Khi một đứa nhoẻn miệng cười, cả ngôi nhà như sáng bừng lên. Khi cả hai đứa đều cười, cả thế giới toả hào quang.
Những đứa trẻ thật đáng để cho ta tôn thờ vậy. Tất nhiên, có những lúc chúng khóc ban đêm, và bao giờ cũng là cả hai đều khóc một lúc. Tita và tôi lật đật dậy, đi ủng, lính quýnh bước sang phòng chúng, đâm cả vào nhau. Nhiều lần chúng tôi mặc nhầm đồ của nhau; tôi thì choàng cái váy ngủ của nàng còn nàng thì cái áo ngủ của tôi. Mỗi đứa chúng tôi bế một đứa bé lên, đi tới đi lui trong sảnh ngoài. Khi dỗ cho chúng nín, Tita thường nhẩm hát một điệu ru con, còn tôi thì một điệu ca bằng tiếng Yiddish, lạ một điều là bấy giờ tự nhiên những điệu nhạc có từ thời thơ ấu cứ trở lại trong tâm trí tôi. Có những lúc chúng tôi sánh bước bên nhau, Tita với tôi, một thói quen từ thời chúng tôi còn phi nước đại trên đồng cỏ và có những lúc chúng tôi bước ngược chiều; khi gặp nhau, tôi thường mỉm cười, nhưng nàng không bao giờ thế. Nàng luôn dồn hết tâm trí vào đứa bé trong tay, như thể sự tập trung tư tưởng của nàng sẽ làm cho đứa nhỏ ngủ lại được. Tita là một người mẹ đầy lo âu, và nỗi lo sợ của nàng rất dễ lây. Đã nhiều lúc tôi cảm thấy như muốn chạy đi, muốn phi nước đại ra khỏi cửa. Nhưng tôi phải kiềm chế mình, và bước chầm chậm theo nhịp của điệu ca mà tôi đang thầm hát.
Đó là những thôi thúc trái ngược nhau mà cặp chân ngựa của tôi không thể hiểu nổi, và kết quả ra sao? Là những cơn chuột rút. Chưa bao giờ tôi bị nhiều trận chuột rút như trong thời kỳ ấy.
Vì có những trận chuột rút ấy (chúng nhắc nhở rằng tôi không được khoẻ, rằng tôi đã không chạy từ bao lâu rồi), và cũng vì Paulo phàn nàn rằng tôi đã bỏ rơi anh, tôi bắt đầu tập chạy cùng với anh. Mỗi tuần một lần, chúng tôi đến chạy ở một câu lạc bộ thể thao. Mục tiêu của chúng tôi là chạy ít nhất sáu vòng quanh sân vận động. Với tôi thì dễ, nhưng với Paulo thì khó. Anh rất kinh ngạc: cậu đi cả ủng chạy, vẫn mặc áo choàng nặng thế kia, mà lại hầu như chẳng mệt nhọc gì! Dân ở Rio Grande đều thế cả, tôi bảo anh, ai cũng nửa người nửa ngựa hết.
Hai chúng tôi chạy rất đều, và anh lại vừa thở vừa kể cho tôi nghe những rắc rối trong gia đình. Cậu bây giờ hạnh phúc rồi, anh nói, cậu có hai thằng con trai, nhưng cậu không biết hôn nhân có thể dẫn đến địa ngục như thế nào đâu.
Không hạnh phúc hoàn toàn. Ngay sau khi hai thằng cu sinh đôi ra đời thì quả có thế; nhưng rồi ngày tháng qua đi, Tita lại trở nên xa xôi. Bề ngoài thì có thể cho là vì tụi trẻ con: chăm sóc chúng thật quả rất nhiều việc và chúng cuốn hút hết cả thời gian và sức lực của nàng. Nàng không rời chúng phút nào. Tôi muốn thuê một người bảo mẫu; chúng tôi có thể làm điều đó, vì việc làm ăn đang chạy đều và tốt đẹp. Nhưng nàng không chịu nghe. Một người nấu bếp thì được; hay một người dọn dẹp nhà cửa, một cô hầu bàn, một anh lái xe, một người làm vườn cũng không sao. Nhưng nàng không chịu nghe chuyện thuê một cô bảo mẫu. Họ không thể trông nom trẻ con tử tế được, nàng lý luận, bọn họ đều vụng về, thô thiển hết.
Nhưng sự thật là giữa chúng tôi đã có những đổi thay rồi. Hoạ hoằn lắm chúng tôi mới nói với nhau một đôi lời. Trên giường ban đêm, khi tôi xích lại gần và chạm vào người nàng, nàng sẽ nhỏm ngay dậy: hình như bọn trẻ đang khóc kìa! Nàng sẽ chạy ngay sang phòng trẻ, và chỉ quay lại sau khi tôi đã ngủ.
Tại sao cậu cứ đi ủng thế? Paulo hỏi, có vẻ rất tò mò. Chúng là biện pháp trị liệu của tớ, tôi đáp, không có chúng tớ không thể đi được.
Anh là bạn tôi, anh kể cho tôi nghe mọi chuyện, nhưng liệu tôi có nên thổ lộ với anh về bộ móng ngựa của tôi? Không biết quyết bề nào, tôi đành ngồi im và lắng nghe anh nói. Anh nói nhiều chuyện lắm, về những ngày mà Fernanda còn là cô gái mà anh say đắm, tận cái thời mà họ đều còn ở tuổi ấu thơ và sống ở Bom Retiro. "Hai đứa được nuôi dạy cùng nhau, cùng đi học một trường, hai gia đình là bạn thân với nhau, thậm chí họ còn cùng từ một thành phố ở Ba Lan di cư sang đây. Khi nàng và tớ mười tám tuổi, chúng tớ quyết định bỏ hết mọi thứ và cùng nhau về Israel. Chúng tớ muốn sống trong một nông trang tập thể, gắn bó với thiên nhiên, chạy trên đồng cỏ và trồng trọt, gặt hái, vắt sữa bò. Cha mẹ hai đứa đều phản đối, họ nghĩ chúng tớ còn quá trẻ, chưa biết gì về cuộc đời, chưa có nghề nghiệp gì. Bọn tớ chống lại, và cùng bỏ trốn đến nhà một người bạn ở nông thôn, gần Ibiuna, nơi chúng tớ ngủ với nhau lần đầu tiên. Lần ấy thật tốt đẹp. Chúng tớ lại về nhà. Cha mẹ hai bên đều tha thứ cho chúng tớ, và tớ học để chuẩn bị thi vào đại học. Chúng tớ lấy nhau trước khi tớ học xong. Hai bên cha mẹ cho chúng tớ một căn hộ và hỗ trợ tài chính cho chúng tớ, còn giúp chúng tớ nhiều việc khác, cho tới khi tớ tốt nghiệp và tìm được việc làm. Đứa con ra đời, và lúc đầu hai đứa đã thật hạnh phúc vì có nó. Rồi thì đến những nghi ngờ và sau nữa là tuyệt vọng, khi đứa bé được chẩn đoán và khẳng định là bị khuyết tật về tâm trí. Còn bây giờ thì bọn tớ đầu hàng rồi. Đầu hàng, nhưng không hạnh phúc, Guedali ạ. Chúng tớ không hạnh phúc. Tớ nhìn Fernanda, nàng nhìn tớ. Chẳng đứa nào nói gì, song tớ biết nàng đang tự hỏi những gì, bởi chính tớ cũng đang tự hỏi như thế, rằng cái gì đã xảy đến với những mơ ước của chúng tớ? Một hôm, cách đây không lâu, chúng tớ để con lại chỗ cha mẹ rồi đi về ngôi nhà nông thôn ở Ibiuna, lúc đó đang rao bán. Chúng tớ đến đó, căn nhà vẫn hệt như xưa, cũ kĩ nhưng xinh đẹp, phong cách thuộc địa với lò sưởi và đủ mọi thứ khác. Chúng tớ ở lại qua đêm trong căn phòng mà lần đầu tiên chúng tớ đã ngủ với nhau, cũng trên chiếc giường ấy, nhưng tất cả đã khác rồi, Guedali ạ. Cậu có tin được không? Khác đến nỗi không còn một tí vui thú gì nữa, cậu biết không? Thời gian qua đi, chúng tớ không còn yêu nhau nữa, và bắt đầu tự hỏi cuộc đời này sống để làm gì. Hình như chẳng để làm gì cả. Mỗi buổi chiều khi tớ đóng cửa văn phòng, tớ lại nghĩ: lại một ngày nữa qua đi, nó sẽ không trở lại làm phiền ta nữa."
Đó đã là vòng chạy thứ sáu của chúng tôi, và anh đã rất mệt rồi. Cậu có muốn tập thêm ít động tác thể dục nữa không, tôi hỏi anh. Chịu thôi, anh hổn hển, tớ chạy đi tắm đây. Tớ chết rồi, Guedali, chết rồi.
Fernanda. Chị không nói nhiều. Nhưng chị thường nhìn tôi đăm chiêu như muốn xoáy vào tôi. Tôi có thể thấy trong tia nhìn ấy những nỗi đắng cay, hoài nghi, không thoả mãn và cả cái gì đó như thách thức. Tôi chỉ biết quay đi chỗ khác; Paulo là bạn tôi.
Một ngày thứ bảy họ mời vợ chồng tôi đến dự một buổi liên hoan nho nhỏ nhân dịp sinh nhật Paulo. Tita không muốn đi. Như thường lệ, nàng viện ra đủ các lý do; nàng mệt, một đứa bé lại hơi bị sốt, và nhiều chuyện khác như thế. Nhưng tôi cương quyết: Paulo và Fernanda rất tử tế với chúng tôi, không đến thì thật không phải tí nào.
Nhà họ không xa nhà chúng tôi là mấy. Một ngôi nhà bê-tông kính rất đáng yêu, với những xà gỗ lớn trên trần nhà. (Đáng tiếc chỉ là nhà đi thuê, Paulo thường nói.) Khi chúng tôi đến, cả nhóm đã tề tựu đông đủ quanh lò sưởi ở giữa phòng khách. Lò sưởi là một cái chậu gang khổng lồ treo từ trần nhà xuống bằng những dây xích nặng móc vào bốn cạnh của ống khói, đó là một trong những ý tưởng độc đáo của Fernanda. Như thường lệ, mọi người chào đón chúng tôi rất nhiệt tình. Không ai nhắc nhở gì đến những chiếc ủng của chúng tôi, chúng mới tinh, thật thế, vì vừa mới từ Morocco gửi sang, nhưng ai cũng thấy và họ đều để ý đến chúng. Uống chứ? Paulo hỏi. Rượu whiskey (36) trong tay, chúng tôi cùng nhau trò chuyện, lúc nhẹ nhàng, lúc hăng hái ồn ào, lúc thu hút tất cả mọi người, lúc lại chia thành từng nhóm nhỏ. Joel và Armando đang tranh cãi về những ưu và nhược điểm của loại xe hơi Mustang. Beatrice và Tania đang nói chuyện về trường học của con mình. Bela đang bình phẩm về chuyện khan hiếm người giúp việc với Tita. Julio hỏi Beatrice tình hình các buổi phân tâm của chị ra sao rồi. Như đánh nhau vậy, Beatrice than thở. Joel, cũng đang có các buổi phân tâm của mình, nhận xét rằng quá trình phân tích tâm lý giống như việc nhảy xuống tận đáy một cái giếng sâu rồi từ từ ngoi lên, hai tay chống sang hai bên thành giếng, móng tay cào cấu, đau đớn, rất đau đớn. Bela, người vẫn giữ được đặc tính của một thủ lĩnh sinh viên ngày xưa, nói rằng phân tâm học chỉ là một thú vui trưởng giả của bọn tư sản giàu có không biết dùng thời gian vào việc gì. "Cậu ấy mô tả cậu trúng phóc!" Joel kêu lên, và cả bọn chúng tôi cười lăn. Mình đếch cần biết mình giàu hay không, Beatrice nói, mình chỉ biết là mình thấy rất khổ, và mình muốn được hạnh phúc, cậu có hiểu ý tớ không hả Bela? Hạnh phúc!
Giọng chị như vỡ ra, và cả bọn chúng tôi đều thấy lúng túng. Fernanda nhanh chí đổi đề tài, hỏi Tania và Joel về chuyến đi sang Israel vừa rồi của họ. Tuyệt lắm, Tania nói, chúng tớ gặp được rất nhiều người quen biết. Ở bên đó họ sống vất vả lắm, Joel nói, làm việc rất khổ mà lương chẳng được bao nhiêu, thuế má thì vô lý hết sức và lúc nào cũng lo sợ chiến tranh có thể xảy ra. Sống thế khổ thật, Paulo đồng ý, nhưng ít nhất thì nó cũng có một ý nghĩa gì đó, trong khi cuộc sống của bọn mình ở đây thì... Thì sao nào? Julio cự lại. Cuộc sống của bọn mình tốt cả đấy chứ, ít nhất là tớ thấy như vậy với bản thân tớ. Tớ không bảo là không, Paulo đáp lại, tớ biết chúng mình đều có đủ mọi tiện nghi, nhưng nhiều lúc tớ cứ hay tự hỏi liệu cuộc sống này có vô nghĩa hay không? Vô nghĩa ư? Julio vặc lại. Cậu còn muốn thêm những ý nghĩa gì nữa? Có nhà có cửa, ăn uống, vợ con đàng hoàng, lại còn thỉnh thoảng bồ bịch vui vẻ nữa chứ... chúng tôi đều phá lên cười, kể cả Paulo. Nhưng anh vẫn khăng khăng: có thể là vậy, nhưng tớ vẫn chưa từ bỏ ý định về Israel. Để làm cái gì chứ? Julio bắt đầu nổi cáu. Cậu chẳng đang sống rất tốt ở đây đó sao, Paulo? Việc làm ăn phát đạt này, nhà cửa khang trang thế này, cuối cùng thì cậu theo đuổi cái gì? Tớ phải nói là tớ không hiểu được cậu. Đúng thế, đúng thế, Paulo nói, nhưng tớ vẫn là một thằng Do Thái, và cái đó rất quan trọng với tớ. Tín ngưỡng Do Thái...
Anh dừng lại. Một chút im ắng khó chịu. Tôi biết họ đang nghĩ đến ai: Tita, con người dị giáo. Nói những chuyện kia trước mặt nàng thật là chẳng ra làm sao. Một lần nữa, Fernanda lại nhanh trí đổi sang chủ đề khác. Chị nhắc chuyện người hàng xóm bị trấn lột. Thật không thể tưởng tượng được là bọn mình phải sống trong cảnh có nhiều tội phạm đến thế, Tania nói.
Rồi mọi người bàn sang chuyện tình hình đất nước. Sẽ không thể tiếp diễn mãi thế này được, Julio nói với vẻ kinh tởm, tất cả những trò đình công kia, rồi đồng đôla sụt giá, bọn khoa trương biểu ngữ đe doạ mọi người, rồi sẽ đến lúc nổ tung hết cả thôi. Sẽ nổ tung hết, Bela nói, vì bọn có quyền có chịu nhượng bộ tí nào đâu, họ sẽ không nhượng bộ một tí nào hết, tí ti thế nào cũng không. Thậm chí đến một cải cách điền địa rẻ mạt và tí teo cũng không. Em thì biết gì về chuyện đó, Julio giận dữ nói. Anh biết gì thì em biết cái đó, Bela gào lên, và hơn nữa em không có dính dáng đến những đồng tiền tích trữ bẩn thỉu! Thôi nào, chính tiền ấy mua được cho em những bộ cánh may đo đắt tiền đấy nhé, Julio nói, cười ầm lên. Mẹ khỉ, tôi đếch cần những bộ cánh này của anh, Bela hét lên. Bình tĩnh đã nào, Paulo nói, mà cậu cũng không cần thoát y ngay đâu, Bela ạ. Các cậu có biết ai đang li dị không? Joel lên tiếng, miệng vẫn nhai hạt điều. Ai chẳng biết đó là Boris, Tania đáp, nhưng anh đừng có ăn nhiều quá, rồi lại đánh rắm suốt đêm đấy. Em cũng đánh rắm kia mà, Joel nói. Đúng thế, Tania công nhận, cười ầm ĩ, đó mới chính là hôn nhân, là cùng nhau đánh rắm. Joel ôm chầm lấy vợ và hôn đánh chụt một cái: tớ yêu chị đàn bà này, các cậu ơi! Tớ tôn thờ cái con mẹ đàn bà này!
Ở đó với họ thật nhộn, được dự phần vào cái không khí ấm cúng. Các tấm kính cửa lớn đều mờ hơi nước, lại càng làm cho chỗ ấy thêm biệt lập, như thể chúng tôi đang ở tận dưới đáy biển. Câu chuyện lại xé lẻ ra một lần nữa; Bela đang kể một câu chuyện dài cho Tita nghe và nàng nghe rất chăm chú. Nàng thật đẹp, Tita. Vẻ đáng yêu lạ lẫm của nàng khiến nàng khác biệt hẳn với những người đàn bà kia, đều dễ coi cả nhưng đều bình thường, lại hơi son phấn quá.
Paulo, mang cái máy chiếu phim ra đây, Julio nói. Có phim mới hả? Joel hỏi, mắt long lanh. Ừ, mà phim ra phim chứ bộ! Julio nói. Cứ xem rồi biết, các cậu ơi!
Paulo soạn máy chiếu phim và màn ảnh, rồi tắt đèn. Trong khi mọi người cười khúc khích trước cảnh tình tự của một chị đàn bà và hai chú lùn, tôi đứng dậy và đi ra khu vườn đằng sau nhà. Một khu vườn đẹp, với nhiều cây to, bụi rậm, và những bồn trồng đầy hoa. Nó hơi giống mảnh vườn sau nhà của chúng tôi ở Porto Alegre, nhưng được chăm sóc tốt hơn. Có cả một đài phun nước, giống như trong bệnh viện bên Morocco. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá và mơ màng nhìn cảnh vật xinh đẹp ấy. Đêm lạnh, nhưng tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi ở ngoài trời.
Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi.
"Ồ, té ra cậu ở đây, đồ chạy trốn này."
Tôi quay lại: Fernanda. Chúng tôi nhìn nhau vài giây. Một người đàn bà đẹp. Mái tóc thành từng lọn của chị buông dài xuống vai, cổ áo nửa phanh ra để lộ thấp thoáng một cặp vú đáng yêu. Chị nhìn tôi, lòng thèm muốn của chị thật rõ rệt. Tôi bắt đầu cương cứng không cưỡng lại nổi, một thôi thúc dâng trào như vũ bão chẳng khác gì lần tôi có với bà dạy sư tử. Tôi cảm thấy mình mất hết minh mẫn. Điên rồi; tôi không thể làm chuyện này, ngay trong nhà của Paulo, Paulo - người bạn tốt nhất của tôi! Ai đó sẽ có thể nhìn thấy chúng tôi; liều lĩnh quá. Nhưng tôi không thể làm chủ mình được nữa; tôi kéo chị lại gần, hôn chị và cả chị nữa, chị cũng đang điên cuồng hôn tôi, cắn tôi như hoá dại. Tôi chiếm lấy chị ngay sau đài phun nước; chúng tôi nằm xuống, và tôi kéo váy chị lên, vuốt ve cặp đùi chị. (Tôi run người; tôi đang chạm vào làn da người mịn màng chứ không phải da với lông ngựa!) Tôi kéo tụt khoá quần, nhấc cái của mình ra ngoài. Ôi chao ơi, cậu to thế, chị thì thào, và tôi thấy nhói một cảm giác sợ hãi, chợt nhớ đến bà dạy sư tử, nhỡ Fernanda cũng kêu thét lên như bà kia thì sao? Nhưng không, chị không kêu thét, chị rên rỉ trong khoái lạc, và tôi cũng vậy, trong khi nước róc rách trên cái đài phun bên cạnh.
Tớ sẽ vào nhà trước, chị nói thầm, sửa sang áo váy đầu tóc, rồi mỉm cười, hôn tôi lần nữa, bình thản hơn, không còn cuống cuồng như ban nãy, rồi đi.
Tôi ngồi trên chiếc ghế đá, người đờ đẫn. Vừa xảy ra chuyện gì vậy? Tôi không biết. Mắt tôi nhoà, tim đập thình thịch, và móng bên phải của tôi, bây giờ tôi mới để ý thấy, đang run lẩy bẩy rất mạnh. Tôi giữ chặt nó xuống: thôi nào, đồ quỉ sứ, nằm yên nào.
Tôi ở đó, chờ cho mặt mình bớt nóng bừng. Khi đã lấy lại được bình tĩnh, tôi vào nhà.
Phim đã hết, mọi người đang nói chuyện. Họ nhìn tôi, nhưng không ai nói gì. Rõ ràng cái điều khác thường duy nhất mà tôi đã làm chỉ là không ngồi lại xem phim với họ. Cậu lỡ mất mấy cảnh vĩ đại, Joel nói. Ôi dào, tớ đã xem những loại ấy rồi, tôi nói, giọng gần như bình thường, những phim này lúc nào chả thế. Chúng mình về đi, Guedali, Tita nói, muộn rồi.
Chúng tôi tạm biệt nhau. Bàn tay Fernanda lưu lại trong tay tôi lâu hơn thường lệ một chút, nhưng chỉ một chút thôi; chị không có vẻ gì bận tâm hoặc lúng túng. Đột nhiên, tôi vỡ nhẽ rằng tôi không phải là người đầu tiên, rằng những người bạn đàn ông kia chắc cũng đã có được chị ở đằng sau cái đài phun nước ấy rồi. Ai nhỉ? Joel chăng? Julio chăng? Đi thôi anh, Tita kéo tôi, bọn trẻ có thể đang khóc ở nhà.
Chuyện với Fernanda không tái diễn nữa. Trong ít ngày tôi đã tưởng thế nào chị cũng gọi điện hẹn hò. Nếu thế thì sao? Tôi sẽ chẳng biết phải thế nào nữa. Làm tình với chị thật sự là tuyệt diệu, và tôi chẳng ngại làm lại tí nào. Nhưng nếu Paulo hoặc Tita phát hiện ra thì sao? Và cả Fernanda nữa, chị mà phát hiện, chẳng hạn trong cơn say đắm chị xé toạc quần tôi và nhìn thấy cặp chân ngựa, thì sao?
Nhưng chị không gọi. Một hôm chúng tôi tình cờ gặp nhau dưới phố, và chị hoàn toàn bình thường: Guedali, cậu thế nào? Tita với bọn nhóc có khoẻ cả không? Chị nói chị đã hẹn với Paulo tại một quán bar, và hỏi tôi có thích đi cùng đến đó không. Chúng tôi cùng đi đến quán bar ấy, một nơi sang trọng với những ngọn đèn mờ. Chị chọn một bàn riêng biệt, ngoài tầm tọc mạch của đám khách tò mò. Chúng tôi gọi rượu uống. Trong giây lát chẳng ai nói gì. Chị có vẻ đãng trí; mắt thờ thẫn nhìn chỗ này chỗ kia. Còn tôi, tôi thấy bồn chồn; gân cốt đang cứng lại bên trong đôi ủng đang ra những tính hiệu cho tôi: Guedali, bọn tôi sẵn sàng chạy rồi đây, sẵn sàng phi nước đại rồi đây. Mỗi khi mắt chúng tôi gặp nhau, chị lại mỉm cười. Chị gõ móng tay xuống mặt bàn như gõ trống. Tôi hỏi chị ra sao.
"Tớ á? Có sao đâu."
"Sau cái đêm ấy cũng thế à?"
"Tất nhiên rồi, sau đêm ấy cũng thế thôi. Có sao đâu mà."
"Không có chuyện gì cả chứ?"
Chị cười (hơi gượng một tí, nhưng chị cười được thật.)
"Thôi đi nào, Guedali, có chuyện gì được nào? Chúng mình đều là người lớn cả. Cái gì xảy ra thì xảy ra rồi. Chỉ là chuyện vui vẻ tầm phào ấy mà. Có gì đâu."
"Còn Paulo thì sao?"
"Paulo thì sao ư? Mọi chuyện với Paulo đều ổn cả. Cậu không đợi tớ kể với hắn chứ, có phải không nào? Mặc dù, tớ phải nói thật với cậu, tớ có thể kể lắm. Chúng tớ chẳng muốn để bụng những chuyện lặt vặt làm gì, Paulo với tớ. Tớ đã có những vụ tình tang khác, hắn cũng biết cả. Chẳng có gì xảy ra, không có đổ máu. Chúng mình văn minh cả, phải không Guedali. Paulo và tớ sẽ không giết nhau vì chuyện này đâu. Hơn nữa, bọn tớ vẫn còn có đứa con phải chăm nom."
Chị uống cạn cốc rượu. "Còn vợ cậu thì sao," chị hỏi, "cô ấy có nghi ngờ gì không?"
"Không, không có gì," tôi đáp.
Chị nghiêng mình sang phía tôi.
"Đừng hiểu lầm tớ, Guedali, nhưng cái Tita nhà cậu thuộc loại cục mịch đấy, có thể là cậu không thấy thôi. Nó xử sự như nông dân vậy. Tớ nghĩ không biết nó có biết hết giá trị của người chồng như cậu không... bởi vì cậu thật là tuyệt vời, Guedali ạ. Cậu thực sự là một người tuyệt vời. Nhưng vợ cậu có biết thế không?"
"Tớ nghĩ cô ấy biết," tôi nói, rồi đứng dậy. "Tốt nhất là tớ đi đây, Fernanda."
"Gặp lại sau nhé," chị nói. Rồi vừa mỉm cười, chị vừa nói thêm. "Nhớ đến chơi đấy, cái vườn lúc nào cũng ở đó, rồi lại có lúc, ai biết được...?"
Tôi bước ra, dừng lại ở cửa ngoài phố, chói mắt vì nắng. Có ai nắm lấy cánh tay tôi: Paulo. "Chào cậu, khoẻ chứ?" Anh hỏi.
"Khoẻ," tôi nói, "Fernanda đang chờ cậu trong kia."
"Tớ biết," anh nói.
Chúng tôi nhìn nhau, mọi thứ đều ổn cả. "Nhớ đến chơi nhé, cậu với Tita," Paulo nói.
"Ok, chúng tớ sẽ đến," tôi đáp.
Có một điều Fernanda đã nói sai: cái vườn sẽ không còn ở đó lâu nữa. Kể cả ngôi nhà. Người chủ đã đề nghị Paulo dọn đi, vì ông ta muốn phá chỗ đó đi để xây một cao ốc chung cư.
Paulo rất buồn vì tin ấy. Chúng tớ đã sống ở đó hơn 10 năm, anh nói, tớ chưa bao giờ nghĩ sẽ phải rời ngôi nhà ấy. Tớ thích nó, chỗ ấy thật tốt. Fernanda thì không bận tâm đến thế. Thôi nào, Paulo, ở đây hay ở đâu thì cũng vậy thôi. Nhà hay căn hộ, điều quan trọng là phải rộng rãi và gần hiệu thuốc, gần siêu thị, đại khái thế. Tớ không thể quen được chuyện này, Paulo nhắc đi nhắc lại, tớ không thể quen được.
Tuy nhiên, khi anh gọi điện cho tôi vài ngày sau đó, giọng anh đã rất khác rồi: vui vẻ, phấn khởi là đằng khác. Tớ có tin mới đây, Guedali! Anh gào lên. Rất bất ngờ đấy nhé! Tớ muốn cậu với Tita đến đây ngay lập tức. Tớ đang triệu tập cả bọn đây!
Chúng tôi vừa ăn xong bữa tối, hai thằng cu đang ngủ, và Tita đang xem một bộ phim trên TV. Paulo gọi chúng ta đến ngay, tôi nói. Anh đi đi, nàng trả lời, mắt không rời màn hình, em không muốn đi, em ở đây thôi.
(Tất cả những cái đó có nghĩa gì đây? Cái thái độ dửng dưng này? Những câu đáp cộc lốc và khô khan kia? Nhiều lúc tôi thấy nàng nhìn thẫn thờ vào không trung; tôi nghe thấy những tiếng thở dài. Tôi nghĩ có thể đó chỉ là một trạng thái u hoài, hoặc giả một chứng bệnh gì đó. Tôi nghĩ đến rất nhiều thứ, nhưng không đủ can đảm để hỏi cho ra chuyện. Mà nàng cũng đâu có trả lời tôi.)
Tôi cương quyết. Paulo là người bạn tốt, tôi nói, anh ấy cần chúng ta giúp đỡ, và anh ấy mời cả hai chúng mình đến. Không nói một lời, nàng đứng dậy, mặc quần áo và đi.
Khi chúng tôi đến nơi, mọi người đã đầy đủ cả. Đó là một buổi tối mùa hè rất nóng nực. Mọi người đang thảo luận về tình hình chính trị, đó là năm 1964. Julio tin rằng Brizola đang chuẩn bị đảo chính. Anh chỉ tay vào tôi như muốn vạch tội: bọn người như cậu ở Rio Grande lúc nào cũng muốn ra lệnh cho cả nước biết phải làm gì. Brizola làm thế là đúng, Bela nói, đất nước này phải được cải tổ hoàn toàn bằng bạo lực! Im đi, Julio nói, em thì biết gì về chuyện này? Anh im đi thì có, Bela hét lên. Bình tĩnh nào, Joel nói, đã làm gì mà nghiêm trọng thế. Nào, Paulo, Guedali đến đây rồi. Có tin tức gì ghê gớm thế?
Paulo đứng dậy, tay cầm một cuộn giấy thiết kế. Anh nhìn chúng tôi, mỉm cười với một vẻ bí hiểm. Khỉ thật, nói đi chứ, Beatrice nói, cậu làm tớ nhớ đến một bộ phim trinh thám.
Paulo nói anh đang tìm kiếm một nơi để sống.
"Tớ đã đi xem các căn hộ, các kiểu nhà, nhưng chẳng có gì như ý. Chỗ nào cũng chật chội, đông đúc, phố phường thì ầm ĩ và ô nhiễm. Thế rồi một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu tớ: tại sao chúng ta không về nông thôn mà sống?"
Anh mở cuộn giấy. Đó là một tấm bản đồ thành phố Sao Paulo, gồm cả các khu vực ngoại ô. Có một chỗ được đánh dấu bằng mực đỏ. Nào, khu vực này, Paulo nói, là một khu rộng 25 ây-cơ (38 ) với rừng tự nhiên và một cái hồ - nhỏ thôi, nhưng nước rất trong, rất sạch. Chúng ta có thể chia nó thành 20 lô, mời thêm những người quen biết, và biến khu đó thành một khu chung cư biệt thự với những ngôi nhà ở riêng biệt và rải rác (39). Các cậu nghĩ sao?
Mọi người nhao nhao lên tiếng cùng một lúc: thế là một nông trang tập thể rồi, một nông trang tập thể chính hiệu rồi! Bela kêu to. Một thuộc địa nghỉ mát, Tania nói. Julio không đồng ý với quan điểm nông trang tập thể. Nó khác hoàn toàn chứ, trong những ngôi nhà này ai nấy đều sống hoàn toàn riêng tư biệt lập mà. Rất hăng hái, Paulo bắt đầu giải thích vào chi tiết, nói đến bể bơi, sân tennis, một cái công viên giải trí nho nhỏ, những cái thuyền chèo trên hồ, một sân golf. Các cậu có tưởng tượng được không, Bela nói, tất cả lũ chúng ta đều nằm dài trên cỏ, nghe chim hót, nhìn trời xanh?
Nhoẻn miệng cười, Fernanda nháy mắt với tôi. Tita im lặng. Paulo nói khu vực ấy có thể thu xếp rất an toàn với hệ thống hàng rào điện, nhân viên gác cửa có vũ trang, và một hệ thống điện thoại nội bộ đề phòng các trường hợp khẩn cấp. Beatrice nói đến một trung tâm bảo mẫu với hộ lý và các chuyên gia tâm lý.
Tania muốn biết chi tiết giá cả, Joel nói đến chuyện cưỡi ngựa: tớ lúc nào cũng mơ có một con ngựa màu hạt dẻ, ôi chao, những con vật đẹp đẽ biết bao! Lại còn thế nữa, Tania nói, em cứ tưởng anh không ưa những thứ như thế kia mà, Joel. Các cậu thấy chưa, Joel nói, thấy chưa kìa, đấy, em có bao giờ hiểu anh đâu, Tania. Anh thích cưỡi ngựa lắm, nhưng không thể làm theo ý mình được, bởi vì nếu anh phi nước đại, Tania ạ, chắc chắn là những tâm trạng khó chịu của anh sẽ tiêu tan hết.
Anh dừng lời. Một sự im lặng đầy ngạc nhiên bao trùm gian phòng. Rồi Joel nói tiếp: "Tania này, anh đã đối xử không hay với con, anh đã đánh chúng, nhưng đó là vì anh thấy ấm ức quá độ. Suốt đời anh phải tự giam mình trong văn phòng và trong cửa hàng, suốt ngày bị quấy nhiễu, đến nỗi đêm nằm anh cũng không thể quên được chúng. Khi ngủ, anh mơ thấy toàn TV, hàng dãy hàng dãy TV. Trên màn hình của cái TV này anh lại thấy những cái TV khác, và trên màn hình của những cái ấy lại có những cái khác nữa, nhỏ hơn, nhỏ hơn mãi, từ 20 inch, 16 inch, 8 inch, 5 inch, 3 inch. Hàng đống những cái máy thu hình ấy cứ đuổi theo anh. Những lúc ấy anh chỉ muốn đổi tất cả lấy một con ngựa, Tania ạ. Phi ngựa ra ngoài không khí tươi mát sẽ làm cho anh sung sướng khôn cùng. Anh chắc chỉ cần được cưỡi ngựa đi thật xa là anh có thể bỏ lại đằng sau những nỗi nhọc nhằn kia, Tania ơi. Rồi anh sẽ trở về, thành một con người khác, đáng yêu hơn, biết vui cười. Con cái mình rồi chẳng mấy chốc sẽ biết kính yêu anh, em có dám cuộc không nào. Và chúng nó cũng sẽ học cưỡi ngựa. Cả em nữa. Em và các con đều có thể có những giờ học với một ông thầy mà anh quen. Anh sẽ mua cho mỗi người một con ngựa, một con ngựa còn rẻ hơn nhiều một cái ô tô, Tania ạ. Chúng ta sẽ cùng nhau phi ngựa, em với anh chạy trước và bọn trẻ theo sau, hoặc theo hàng một như kiểu người Indian, thế nào cũng được. Điều quan trọng là, cả nhà mình sẽ phi ngựa cùng với nhau."
"Thế thì kỳ diệu quá," Tania nói, giọng xúc động. "Thực sự kỳ diệu quá, Joel ạ, em chưa bao giờ nghĩ ra được chuyện ấy."
"Thế ư," Joel nói, "em có thể nghĩ đi là vừa, bởi vì anh đã quyết chí rồi."
"Em sẽ theo anh, anh yêu ạ," Tania nói, "bởi vì, em cũng có những kế hoạch của em nữa."
Tania nghĩ đến một cái sân khấu ngoài trời nho nhỏ giống như kiểu các sân khấu Hy Lạp cổ đại, để trình diễn và hoà nhạc. Và tớ sẽ là người khai trương nó, chị nói, hai mắt sáng ngời, bằng một buổi độc tấu vĩ cầm. Thật ngạc nhiên, không ai biết chị chơi vĩ cầm. Tớ chưa biết chơi, chị nói, nhưng tớ có thể mua một cây vĩ cầm và học chứ có làm sao, phải không nào? Tớ vẫn thường mơ được lang thang trong đồng cỏ và chơi vĩ cầm. Hoặc thổi sáo, nhưng thực lòng tớ thích cây vĩ cầm hơn. Còn tớ cũng sẽ dùng đến cái sân khấu của cậu đấy, Bela nói. Để trình diễn một màn ca nhạc theo kiểu Mĩ, trong đó tớ sẽ vừa hát vừa nhảy cla-két (40). Bởi vì tớ có thể hát rất hay, và tớ có thể học nhảy cla-két. Chẳng phải Tania sắp học vĩ cầm đó sao?
Bela nói nhảy cla-két sướng làm sao, những tiếng gõ của bộ cá sắt xuống sàn gỗ hoặc sàn đá vang lên thế nào. Một màn diễn theo thể loại Fred Astaire (41), đấy là cái tớ muốn làm. Chị thở dài. "Tớ phát mệt vì tính khí dữ dằn của mình rồi, vì thói hay phun nọc độc vào người khác rồi. Các cậu không biết tớ đã thành xấu tính đến mức nào đâu. Mới mấy hôm trước, tại một buổi tiệc trà từ thiện của nhà trường, tớ đã bảo bà hiệu trưởng rằng bà chỉ biết ăn cho ngập mặt trong khi người nghèo đang chết vì đói. Tệ hơn nữa, tớ quẳng cả một đĩa kẹo bột xuống sàn nhà. May mà chỉ vài người nhìn thấy, nếu không thì đã tai tiếng ầm ĩ lên rồi."
Chị lau nước mắt.
"Nhưng cuối cùng thì tớ là ai? Nào, nói thử xem, các bạn, tớ là ai? Một kẻ cuồng tín chăng? Một con khủng bố chăng? Một phiên bản giống cái của nhà tiên tri Jeremiah chăng? Hay là một phần tử Trotskyist? Nói xem, có phải tớ là thế không? Không đâu, các bạn thân mến ạ, tớ không phải thế. Tận đáy lòng, tớ chỉ là một người bình thường, và tớ muốn mỉm cười, muốn gieo rắc hạnh phúc xung quanh mình. Và em muốn làm tình với anh đây, anh Julio!"
Julio đứng dậy ôm chầm lấy chị. Họ hôn nhau rất lâu trong khi chúng tôi vỗ tay hoan hô. Rồi đến lượt Armando lên tiếng, nói đến việc trồng hoa thu hải đường là thứ hoa anh yêu thích nhất và việc nuôi chim ("Tớ rất mê loài vàng anh nước Bỉ") với nuôi thỏ ("Các bạn ơi, không có gì xinh xắn hơn một chú thỏ Angola, trắng tuyền...") Giọng anh nghẹn lại, hai mắt ươn ướt. Nhưng những thứ ấy không phải chỉ là trò tiêu khiển, anh nói thêm, tớ cũng đã nghĩ đến việc nuôi cá tập trung và thâm canh có thể rất có lãi cho chúng ta, có khi còn bù đắp được cả cho những chi phí của khu chung cư nữa đấy. Cái duy nhất chúng ta thiếu là...
Anh đột ngột ngừng lời, rồi im lặng.
Một hồi im lặng kéo dài, căng thẳng. Không ai nhìn ai. Cuối cùng Julio lên tiếng. "Một công việc hay đấy," anh nói, giọng run run, nặng nhọc. "Tớ đã làm trong lĩnh vực bất động sản nhiều năm và tớ biết rằng đây là một vụ đầu tư chắc ăn. Nhưng các bạn ơi, không phải vì giá trị doanh thương mà chúng ta sẽ xây dựng khu chung cư này. Mà là vì nó đại diện cho cuộc sống của chúng ta, cho một lối sống mới và tốt đẹp hơn. Các bạn có thấy điều đó không?"
Anh nhìn chúng tôi, nuốt nước bọt, rồi nói tiếp: "Tớ biết các cậu nghĩ rằng tớ có nhiều tham vọng, rằng tớ chỉ biết sống vì công việc làm ăn. Nhưng không phải vậy đâu, tớ xin thề đấy. Tớ đã từng xây những toà nhà hạng tồi, bây giờ thì tớ xây những căn hộ hạng sang, nhưng cái mà tớ muốn làm, giấc mơ thường trực của tớ, là xây dựng cả một thành phố, quy hoạch thật tốt, thật chức năng, một thành phố như kiểu Brasilia, nhưng tốt hơn Brasilia, sử dụng kinh nghiệm của những người đã xây dựng nên Brasilia. Một Brasilia nhân hậu hơn, nếu các cậu hiểu được tớ đang muốn nói gì. Một Brasilia nhỏ hơn, không có nhiều các đại lộ lớn đến thế, nhưng có thật nhiều cây xanh và vườn hoa. Đó là giấc mơ tớ đã ấp ủ từ thời còn trong đại học. Khu chung cư này - tớ cảm thấy rằng mình có thể thực hiện được những lý tưởng ấy trong khu chung cư này. Nó sẽ là một kiệt tác của đời tớ - nó sẽ làm cho thiên hạ biết đến tớ khi tớ không còn trên cõi đời này nữa."
Lần này thì đến lượt Bela đứng dậy, lòng đầy xúc động: Anh yêu, đó là những gì em muốn nghe anh nói, khi anh nói như thế, anh là một con người hoàn toàn. Chị hôn anh. Hoan hô, Tania hét lên, nghe thấy chưa, nghe thấy chưa! Có lẽ họ muốn một mình với nhau, Armando nói. Paulo, dẫn họ vào phòng ngủ đi, đôi này không thể đợi được phút nào nữa đâu, ngay đi hoặc chẳng bao giờ nữa.
"Chú ý, chú ý đây đã nào, các bạn!" Paulo hét to, gõ gõ cây bút chì xuống mặt bàn. "Tớ muốn các cậu xem kỹ phần kế hoạch tài chính và cho tớ biết ý kiến." Mọi người lại mạnh ai nấy nói cùng một lúc, Paulo lại kêu gào trật tự. Cuối cùng, chúng tôi quyết định tất cả sẽ hồi âm sớm cho Paulo để anh có thể khởi sự điều đình với chủ đất.
Thế nào, em nghĩ sao? Tôi hỏi Tita khi chúng tôi đã ngồi vào ô tô. Em không nghĩ sao hết, nàng nói. Nhưng chuyện này nghe chẳng phải cũng rất tốt cho bọn trẻ con, và cho cả chúng ta nữa sao? Tôi hỏi. Có lẽ vậy, nàng đáp.
Tôi dừng xe. Tita, có chuyện gì vậy? Nàng nhìn chằm chằm vào tôi. Anh bảo gì, có chuyện gì? Với em ấy, tôi nói, với anh nữa, giữa hai chúng ta đây này. Em không hiểu anh đang nói gì, nàng đáp, em chẳng sao hết. Nếu thế thì anh điên rồi, tôi nói, có lẽ anh điên thật rồi, Tita, bởi vì mọi thứ đều có vẻ không ổn đối với anh, anh nghĩ chúng mình đang ngày một xa nhau. Nói cho anh biết, có phải anh đã làm điều gì đó tổn thương đến em?
Nàng lại chằm chằm nhìn tôi, và tôi đã thầm hi vọng nhìn thấy lời buộc tội trong mắt nàng, nhưng không thấy gì hết; chỉ là một vẻ u uẩn và thờ ơ.
Chúng mình phải tin nhau, Tita, tôi nói. Dù sao thì...
Nàng ngắt lời tôi: em biết, Guedali, em biết chúng mình có rất nhiều thứ giống nhau, móng và chân ngựa, nhưng mọi việc ổn cả mà. Anh muốn em phải nói gì mới được chứ?
Chiếc xe đang đỗ ngay giữa đường, và đằng sau chúng tôi là một chiếc xe tải kếch xù đang bóp còi inh ỏi. Tôi vào số một và cho xe chạy.
Hôm sau, tôi gọi điện cho Paulo: cậu có thể kết nạp bọn tớ rồi đấy.
Paulo phụ trách hết việc tìm kiếm thêm chủ đầu tư và việc mua đất cho khu chung cư. Julio, với kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ anh. Tiền huy động được rất nhanh. Thế mà chúng tôi cũng không thể bắt đầu công trình ngay được: hai ngày trước khi khởi công, Tổng thống Joao Goulart bị lật đổ. Julio nghĩ tốt nhất là hãy ngưng việc xây dựng cho đến khi chúng tôi thấy rõ phương hướng cai trị của chính thể mới. ("Thế là chúng trị được bọn cao bồi (42) các cậu một lần rồi nhé!" Anh bảo tôi.) Những sự kiện thời sự làm anh tin chắc vụ đầu tư này sẽ thành công, và thậm chí bọn chúng tôi còn có một vài thuận lợi nữa: Bây giờ tớ lại có bạn bè vừa vào nắm nhiều chức vụ có ảnh hưởng lớn rồi, anh nói kín với chúng tôi. Nhưng anh phàn nàn về Bela: Cô ấy thực sự đang làm tớ đau hết cả người, cô ấy nói sống ở Brazil này không còn ý nghĩa gì nữa mà muốn chúng tớ dọn sang Paris, nhưng khổ hơn nữa là cô ấy đang nhồi ý tưởng ấy vào đầu mấy mụ vợ của tụi mình. Nhưng không sao, rồi tớ sẽ làm cho nó phải nguội đi.
Việc thiết kế những ngôi nhà được giao cho ba kiến trúc sư, cũng là những đối tác và có những thị hiếu rất gần với chúng tôi. Bố trí mặt bằng mỗi ngôi nhà một khác để tránh bị đơn điệu, nhưng tất cả vẫn theo một mô hình cơ bản để tránh gây ra ghen tị và tranh giành. Chúng ta không cần thiết phải tranh cãi vì một vài mét vuông, Beatrice nói, mọi người hãy tự kiểm soát lòng tham của mình nhé. Đúng là một Beatrice tốt bụng và công bằng, chị làm tôi nhớ đến Deborah. Theo đề nghị của tôi, chị đã có một cuộc nói chuyện dài với Tita, và cuối cùng thuyết phục được nàng đi điều trị tâm lý.
Với việc điều trị của Tita, và với việc chúng tôi dọn đến khu chung cư đặc biệt kia, tôi đã có nhiều hy vọng rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn giữa chúng tôi. Hơn cả hy vọng, tôi tin chắc mọi việc sẽ phải như thế. Bên cạnh đó, những điều lạ lùng lại đang diễn ra, những điều vừa lạ lùng vừa đầy khích lệ.
Có lẽ vì chúng tôi liên miên phải mặc quần dài, vải dày, và dùng rất nhiều kem giữ ẩm, lớp da ngựa bên ngoài chân chúng tôi cứ mỏng dần, ngày càng giống như da người. Hiện tượng đó diễn ra không đồng đều; có những mảng mà lông da ngựa đã bong ra, có những mảng không, khiến cho chân chúng tôi trông như bản đồ vậy. Móng ngựa của chúng tôi cũng ngày một dài và hẹp lại, có thể là vì đôi ủng. Cuối cùng chúng tôi phải dùng thạch cao dập khuôn cặp móng và gửi sang Marocco. Ông bác sĩ ở đó tiếp tục cung cấp ủng mới cho chúng tôi, với giá ngày một cao: “Móng của anh chị ngày càng giống bàn chân người” ông viết cho chúng tôi, và sự thật đúng là như vậy.
*****
Hai đứa con trai tôi. Tôi thích nghịch những bàn chân nhỏ xíu của chúng, xoa cho chúng hồng lên. Chúng có vẻ cứng lại, như thể có những tế bào cương cứng vậy. Những bàn chân nhỏ xíu ngọt ngào biết bao. Con trai tôi, chúng sẽ không phải qua những gì tôi đã nếm trải. Giờ đây chúng đã thành hai thằng nhóc, chúng tôi thường chơi trò cưỡi ngựa, tôi thì bò còn chúng thì cưỡi lên lưng tôi. Tôi sẽ chạy vòng quanh hoặc thường bò như một con mèo đang rình bắt chuột. Chỉ khác là tôi không rình bắt một con chuột nào hết, những con chuột đã ở xa lắm rồi, dưới cái khoang hầm tối om của một chiếc tàu hàng đang vượt đại dương cuồn cuộn sóng, còn tôi thì đang yên chí ở trong nhà mình với vợ với con. Bầu không khí ấm áp che chở chúng tôi đã bắt đầu làm tan những khối băng giá lạnh trong lòng tôi mà đã có lúc tôi tưởng như chúng sẽ mãi mãi đông cứng ở đó. Đó, thực là một điều kỳ diệu. Quả thực cũng có những lúc hai thằng nhóc khỏe mạnh có vẻ như quá nặng đối với cả một cựu nhân mã. Nhưng tôi đâu có lo. Tôi biết rằng một người cha, cũng giống như thần Atlas, phải mang sức nặng của cả thế giới trên lưng mình.
Trước khi chúng tôi sắp dọn nhà thì Paolo và Fernanda chia tay nhau. Chị để đứa con gái lại cho anh và bỏ đi Riô với một anh phi công.
Chúng tôi đến thăm anh, Tita và tôi, ở căn ở hộ nơi anh đang ở tạm. Anh có vẻ rất đau khổ, nhưng vẫn dự định tiếp tục cuộc sống bình thường: tớ sẽ vào khu chung cư của chúng ta, tớ muốn nuôi dạy con gái tớ gần gũi với thiên nhiên. Nếu Fernanda trở về thì tốt. Mà nếu không thì cũng chẳng sao.
Hai mắt anh đỏ hoe. Tôi ôm lấy anh. Đừng lo, Paolo, bọn mình sẽ vẫn đi chạy ở câu lạc bộ. Không, anh chỉnh tôi, tớ đã thu xếp làm một đường chạy xung quanh công viên trong khu chung cư của chúng ta rồi.
Chú thích
(33) Nguyên văn là "Inquisition tribunals" - phiên toà giáo hội Thiên Chúa giáo thời Trung Cổ và Phục Hưng dùng để đàn áp bài xích những người không theo các giáo điều của mình, nhất là người Do Thái. (ND)
(34) Scrabble: Trò chơi sắp chữ trên bảng có kẻ ô vuông, các con chữ in trên từng miếng gỗ. Monopoly: Một trò chơi thèo hình thức giống của trò cá ngựa, nhưng dùng các quân chơi và ô chuồng là các yếu tố trong thị trường, ai được là thành độc quyền trong thị trường ấy. (ND)
(35) Tiếng Tây Ban Nha, Dona nghĩa là "bà". Tên mụ đỡ là Hortensia (ND)
(36) Whiskey hoặc whisky: Ta thường gọi là rượu uýt-ki, một thứ rượu cất từ ngũ cốc lên men (lúa đại mạch, tiểu mạch, hoặc ngô), thường có độ cồn từ 43 đến 50%. Chữ "whisky" thường được dùng để chỉ các loại whiskey sản xuất ở Scotland và Canada. (ND)
(37) Mustang: Tên một loại ngựa rất khoẻ và nhanh ở châu Mỹ, có nguồn gốc Tây Ban Nha; cũng là nhãn hiệu một loại xe hơi thể thao tốc độ cao của Mỹ. (ND)