Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> MỘT NGƯỜI VÀ VÀI NGƯỜI KHÁC

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1112 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

MỘT NGƯỜI VÀ VÀI NGƯỜI KHÁC
Mai Sơn

Phần hai

Một sự im lặng nặng nề bao trùm lấy hai người suốt dọc đường cho đến khi đã vào ngồi trong quán. Ông Ngữ có đến bàn trò chuyện vui vẻ với họ một lát, rồi thôi, không khí lại lặng xuống khó chịu. Vẻ ương bướng trên gương mặt Phương và vẻ ưu tư nhăn nhíu trên trán Toàn dường như báo trước một buổi sáng u ám dành sẵn cho hai người. Toàn kêu hai dĩa ốp la nhưng mỗi người chỉ ăn được một góc nhỏ. Trước mặt họ, bây giờ, là hai ly bia. Những ngón tay có móng màu tím nhạt của Phương nghịch nghịch với đám bọt bia trên ly. Toàn hút thuốc luôn miệng. Anh cầm ly bia, quay sang nhìn Phương:
- Uống với anh!
Không chờ Phương đáp lại lời mời, Toàn nốc cạn một hơi. Anh đặt ly xuống bàn, cầm ly của Phương kề sát môi nàng.
- Uống rồi nói chuyện gì chứ?- Toàn nói.
Phương ngửa cổ uống hết ly bia. Toàn không thấy bất ngờ. Anh đã đoán trước những ý tưởng quyết liệt của nàng, và anh biết câu chuyện sáng nay sẽ bắt đầu từ đó.
- Anh còn thích đi Đà Lạt nữa không?- Phương nói, mắt nhìn thẳng phía trước.
- Ngay bây giờ, nếu em cùng đi.
- Còn một tháng nữa mới hết hè, anh có dám bỏ Sài Gòn một tháng không? Toàn cười nhạt:
- Anh cảm thấy em cũng không tin vào chuyện đó nữa; vậy thì hỏi làm gì? - Đó là ao ước của em. Để anh có thể quên đi biệt thự Hoàng Hôn.
- Má đã nói với em những gì vậy?
- Má nói đó là nơi ăn chơi trác táng…Có cả “chuyện kia” nữa…
Toàn thấy nhột nhạt khắp người. Hình ảnh cuộc làm tình như trận đấu thù
hằn giữa hai võ sĩ đô vật đêm hôm kia hiện ra. Không thể tưởng tượng nổi một cảnh tượng như vậy đã xảy ra mà trong đó chính anh là kẻ chủ động, kẻ đóng vai chính. Cái gì đã khiến xui anh buông thả đến mức đó? Anh đã không kiểm soát được lý trí và hành vi của mình do nửa chai Johnny Walker chăng? Không, không thể đổ tội cho rượu được. Anh đã từng uống nhiều hơn thế trước những lần ân ái với Phương mà đã có khi nào dữ dằn đến mức như là hãm hiếp như vậy đâu; anh luôn luôn đủ tỉnh táo lắng nghe và nắm bắt chính xác nhịp điệu từ thân thể nàng để tạo nên sự hòa nhịp tuyệt vời…Cái đêm hôm ấy là đêm gì mà lòng trí anh đầy hằn thù và kích động? Toàn không tự trả lời được những câu hỏi đến dồn dập trong đầu. Anh cảm thấy cả người nhớp nháp trơ trẽn, cảm thấy bức bối trước cái nóng mùa hè và mùi vị quán xá. Anh thèm một cơn mưa mịt mùng trời đất. Thèm một dòng sông tuổi thơ. Thèm một góc biển vắng người. Anh cần được đắm chìm trong mưa, trong dòng sông, trong biển…Anh đang có cảm giác mình giống như một loài cây dị hình trên thân tua tủa những nấm và nấm…Anh khao khát một đời sống giản dị thanh sạch biết chừng nào!
- Anh là loại người bỏ đi rồi, em à- Toàn buột miệng nói, dường như có sự thúc đẩy của vô thức.
Phương nhìn anh, lắc đầu buồn bã:
- Không phải. Anh là người đàn ông ích kỷ. Anh không hề yêu em.
Có thể Phương nói đúng chăng? Chưa bao giờ anh cảm thấy bớt cô đơn dù đã có nàng. Bên cạnh nàng, anh không tìm được ra nhiều lời để nói. Niềm hoan lạc đến từ những cuộc yêu đương nồng nàn tan biến đi rất nhanh khi anh lăn ra khỏi người nàng và không thể nào tìm thấy lại sự hưng phấn. Cứ sau một trận thua ê chề ở biệt thự Hoàng Hôn, anh thường tìm đến nàng mong được quên những cảm giác cay đắng. Nhưng khi đã khuây khỏa rồi thì trong đầu anh những quân bài nối đuôi nhau hiện ra; hiện ra không khí nghẹt thở căng thẳng của canh bạc với khói thuốc đậm đà…Anh trở nên lờ đờ thờ thẫn bên Phương. Phương trở nên vô vị nhạt nhòa bên anh. Anh cần đối mặt ngay với những con bạc lạnh lùng như hấp dẫn. Dáng người, khuôn mặt, những cử động trên những ngón tay của bọn họ nổi rõ mồn một trong trí tưởng anh. Chỗ ngồi quen thuộc của anh còn để trống…rồi anh đến. Không còn Phương đâu nữa…Nỗi đam mê lớn nhất của anh từ bao năm nay là nỗi đam mê sát phạt, là những cảm giác mạnh khi thua to, khi thắng đậm. Còn Phương, nàng chỉ cho anh một chút thư giãn, một chút nhẹ nhõm, một chút hương vị ngọt ngào của da thịt nàng. Có thể Phương đã nói đúng chăng, rằng anh không hề yêu nàng? Anh không hiểu rõ được điều này. Anh càng không hiểu rõ được nếu bỗng dưng Phương vắng hẳn trong đời anh thì lòng anh sẽ dửng dưng hay đau đớn…Nếu như, ngay lúc này, Phương đứng dậy, bỏ đi, để mặc anh ngồi lại đây một mình, anh sẽ cố van nài nàng ở lại hay là lặng thinh chấp nhận để cho một ngày không có gì mới lạ như bao ngày khác trong đời anh chậm chạp trôi đi? Anh không biết. Từ lâu, anh đã mất hẳn thói quen lựa chọn. Từ lâu anh đã không phải tự mình quyết định một vấn đề gì quan trọng liên quan đến mình. Anh đã không quan tâm đến thế giới đàn bà từ sau cuộc ly hôn, nhưng khi Phương từng bước đến với anh, anh không thấy có lý do gì để từ chối nàng, và rồi càng ngày càng định hình rõ một quan hệ rất dễ dẫn tới hôn nhân. Bao nhiêu lần nàng tha thiết muốn chính thức hóa mối quan hệ đã quá sâu đậm giữa hai người- anh và nàng cần phải thành vợ chồng bình thường như những đôi vợ chồng khác trên đời. Đáp lời nàng, Toàn chỉ tỏ rõ một thái độ thờ ơ kéo dài. Anh chưa kịp hiểu ra đầy đủ chuyện gì đã diễn ra giữa mình và Phương sau gần một năm quen biết nhau.
- Anh bắt em nói chuyện, còn anh thì nín thinh- Phương bóp mạnh cánh tay Toàn, đánh thức anh ra khỏi dòng suy nghĩ miên man- Anh đang nghĩ đến đêm nay và những Mười, Đầm, Già, Xì phải không?
- Không. Hình như em có vẻ thích thú chuyện “lật tẩy” anh lắm! Phương ngả đầu vào vai Toàn:
- Em lo lắng cho anh thì đúng hơn. Mắt anh sâu và mặt anh hốc hác thấy ghê. Anh đã thành nghiện ngập rồi sao? Anh nói đi. Đừng có câm như hến nữa!
- Ngày và đêm của anh quá dài, anh muốn đốt nó đi thật mau- Toàn nói.
- Má em nói ở đó đánh sát phạt ăn thua đến bạc triệu. Anh lấy đâu ra nhiều tiền để chơi hoài vậy?
Toàn nói hằn học:
- Anh thường xuyên nhận được một khoản tiền từ Mỹ gởi về. Thoạt đầu anh nghĩ đó là khoản tiền vô nghĩa. Anh ném nó vào những canh bạc. Giờ đây, anh nghĩ khác. Không có nó anh sẽ điên lên mất vì khoảng trống thời gian quá lớn.
Lặng đi một hồi lâu, Phương nói:
- Em không hiểu gì anh hết, và em cũng không giúp được gì cho anh. Vậy mà em cứ khổ sở tự hỏi là tại sao anh không đến với em thường xuyên hơn?
Toàn cay đắng:
- Anh không nghĩ là mình có thể làm khổ được ai, cũng chẳng thể nào làm ai sung sướng.
- Nhưng với em đó là chuyện có thực. Cái gì em quan tâm thì anh lơ là. Cái gì em tha thiết thì anh coi thường. Em cứ sợ đến một ngày nào đó anh sẽ bỏ em lại một mình. Mà em càng sợ thì thấy anh càng xa cách hơn…-Tiếng nấc bật ra khỏi cổ họng Phương.
- Không. Trong thành phố chen chúc này, anh chỉ có mình em là thân thiết nhất.
- Gần đây, cứ đêm xuống là em hoang mang…Nhiều đêm chịu không nổi, em đạp xe đến biệt thự Hoàng Hôn. Em dừng xe lại trước cổng, định bấm chuông gọi anh. Nhưng rồi tưởng tượng thấy khuôn mặt sắt đá của anh, em lại sợ, bỏ đi. Còn căn nhà của anh, ở đâu, sao anh cứ giấu em mãi? Sao anh không đưa em về đó một lần?
Toàn lắc đầu. Anh định nói như nhiều lần định nói để trả lời Phương: Căn nhà anh còn đầy âm vang những cuộc cãi vã ầm ĩ, tiếng thủy tinh vỡ xối xả, tiếng khóc thất thanh của con gái anh chìm trong tiếng la thét sắc lẻm dài hơi của vợ anh. Cặp mắt trừng trừng của nàng nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống anh. Ánh mắt khủng khiếp ấy sẽ còn ám ảnh anh suốt đời. Nhìn đâu trong nhà cũng thấy dấu vết của cuộc “chiến tranh” dù anh đã cố gắng thu dọn nhiều lần…Anh sợ ngôi nhà-một-thời-địa-ngục ấy đến mức thỉnh thoảng phải tìm cách uống thật say mới dám bước chân về…Nói làm sao để Phương hiểu đây? Toàn nghĩ và tự dưng lắc đầu.
Phương nói như rên rỉ:
- Trời ơi, anh cứ lắc đầu hoài. Nếu chẳng may xa anh có lẽ em sẽ nhớ nhất những cái lắc đầu của anh.
- Từ sáng giờ anh thấy em nói hơi nhiều những điều không vui. Hay là, anh mới chợt nghĩ, má em đã không còn muốn thấy mặt anh nữa từ sau khi biết anh lui tới biệt thự Hoàng Hôn?
Toàn nói, rồi rót thêm bia vào hai ly không. Nắng đã lên cao phía bên ngoài quán. Một đám khách ồn ào ùa vào, trước khi ngồi xuống ghế ai cũng liếc nhanh về phía Phương. Sáng nay trong vẻ sầu muộn, gương mặt ngời sáng của Phương có sức thu hút lạ kỳ, trước tiên là từ đôi mắt trong trẻo mở lớn dưới hàng mi cong. Ông Ngữ rời khỏi cuốn sách dầy cộm, từ sau quầy khập khiễng với cây nạng đi ra tiếp khách.
Phương gạt hết tóc ra sau lưng, dùng khăn mù xoa buộc lại hờ hững. Toàn đã quen với động tác đó của Phương: hoặc là nàng sắp nói những chuyện nghiêm túc hoặc sắp sửa ra về. Nhưng hôm nay anh hồi hộp lạ thường. Phương vui vẻ nhẫn nại, nói:
- Má thất vọng về anh rất nhiều. Má lên án anh nặng nề. Lúc đó, vì quá ngỡ ngàng em không tìm ra được lời lẽ gì để bênh vực anh. Và em càng suy sụp bao nhiêu thì bà càng hùng hổ bấy nhiêu.
Toàn không ngờ là Phương có thể bị tổn thương đến thế. Anh nhìn nàng lo lắng và thương cảm. Anh muốn nói một lời gì đó để an ủi nàng nhưng không nói được.
- Em vẫn chưa nói hết, phải không?- Toàn hỏi, khi nhận thấy nét mặt Phương đang từ từ biến sắc.
Như đã dồn nén từ lâu và không còn kìm giữ được nữa, giọng Phương vỡ òa ra:
- Má không muốn thấy em quan hệ với anh nữa! Toàn run lên giận dữ:
- Vô lý!
- Má em có cái lý của bà. Bởi vì anh lập lờ trì hoãn việc hỏi cưới em và anh đã sa vào lòng “tứ đổ tường” theo như bà nghĩ. Bà không còn tin anh nữa!
Toàn quên cả giữ gìn ý tứ, anh nói trong cơn bực tức:
- Một con người độc ác!
Phương kêu lên:
- Không! Chỉ vì bà quá thương em. Nhưng đó là chuyện riêng của má em. Em sẽ tìm cách thuyết phục.
- Nhưng làm sao anh có thể tự nhiên đến với em như lâu nay?
- Mặc kệ má em. Anh cứ đến với em. Vì em, anh phải gắng lên.- Phương vừa nói vừa ôm vòng ngang lưng Toàn- Đêm nay anh có đi dạy học đâu không? Đến chơi với em đi.
Một ý tưởng lạ lùng có thể nằm im rất lâu trong tìm thức Toàn bỗng hiện lên rõ ràng trong đầu anh. Người con gái này trời đã dành cho anh. Anh sẽ đưa nàng rời khỏi thành phố xô bồ náo động này. Hai người sẽ về quê anh, sống giản dị bình thường như bao người chân quê khác. Sẽ thành vợ thành chồng, yêu thương và gắn bó, sinh con và nuôi dạy chúng…Những tháng ngày êm ả. Không có những dự phóng lớn lao nên không có những mối lo toan dằn vặt. Không thất bại đớn đau vì không mơ tưởng đến những thành công vang dội. Chung quanh hai người chỉ là một vùng quê hiền lành chứ không phải là một xã hội phức tạp. Chỉ có anh và nàng, ngoài ra không còn một ràng buộc nào khác. Những trách nhiệm tinh thần, những món nợ với cuộc đời đều đã được giũ sạch.
- Anh yêu em!- Toàn cúi xuống, thì thầm như nói với chính mình, tựa nhẹ cằm mình vào mái tóc nàng- Anh sẽ cố quên đi nỗi đam mê quỉ ám đang từng ngày tàn phá đời anh.
- Em sợ anh không cương quyết…Em sẽ tìm cho anh thêm vài chỗ để anh dạy kèm nghe?
Toàn như không nghe thấy Phương nói gì, anh mãi theo đuổi những ý nghĩ riêng rối tung lộn xộn…Cuộc đời này đã không yêu thương anh, đã gạt anh sang bên lề như một vật thừa thãi, vậy mà anh yêu thương nó biết bao nhiêu. Xã hội này, loại trí thức tầm tầm như anh đầy dẫy, thất nghiệp và đạp xích lô, chạy mánh và ăn bám vợ con, vậy mà rất nhiều lần anh khăng khăng trong suy nghĩ đòi được cải tạo nó, làm cho nó tốt đẹp, công bằng hơn. Anh đã thành kẻ xa lạ ngay trên thành phố yêu dấu này. Anh đã đánh mất niềm vui lòng vòng qua các đường phố mỗi sáng tinh mơ, mỗi đêm khuya khoắt. Chợt nghĩ về đám học trò cũ của anh, nghe nói có đứa làm lớn, có đứa lang thang, có đứa đi kinh tế mới bị sốt rét ác tính, chết. Nghe nói những tệ nạn cũ của ngày trước giờ đã phục hồi và hoành hành dữ dội trong thành phố này…Khu nhà ổ chuột ngày càng xập xệ, rách nát, ở đó vẫn còn chui ra chui vào một thằng bạn học của anh…Công viên có cây đa trăm tuổi vẫn lởn vởn những hình ma bóng quế, vẫn là cái túi đen ngòm chứa chất thú tính con người. Xóm Âm Hồn ngày xưa là lãnh địa của một băng cướp khét tiếng, bây giờ vẫn vậy và còn rùn rợn hơn…Những số phận bị bỏ mặc cho dòng đời. Những tâm hồn lương thiện bị dập vùi. Những khát vọng sống, làm người không được biết tới. Tất cả vẫn còn đó. Và còn đó trong anh những câu hỏi về cuộc nhân sinh phi lý, còn nguyên một vết thương chưa bao giờ được xoa dịu vì đã từng chạm đến đáy sâu của những kiếp người trầm luân. Còn nguyên một ý thức phản kháng! Một tiếng thét phẫn nộ! Vậy mà trong bao nhiêu năm qua, anh chỉ là một con bạc không hơn không kém, tự nhốt mình giữa căn phòng nhỏ hẹp, chạm mặt đến nhàm chán với dăm bảy con người đã thành người máy, lấy những ván thắng ván thua làm thước đo cách thế và giá trị tồn tại của mình. Giờ trước còn xôn xao, háo hức, giờ sau đã chán chường cùng cực. Lấy ấy một vài tin tức nóng hổi, giật gân trong thành phố, trong nước do chủ nhà thông báo cũng không lọt được vào tai anh. Lúc ấy, kẻ bàng quan số một là anh. Nhưng kẻ đòi dấn thân mạnh mẽ số một cũng là anh mỗi khi trên đường khuya về, canh bạc đã bỏ quên hoàn toàn sau lưng, anh chợt nhớ ra anh là ai, đang trôi đến đoạn nào của dòng sông lịch sử, đang đi trong thành phố thân thương chưa ngủ ngon giấc…
Phương ngồi thẳng dậy, lay mạnh vai Toàn:
- Anh đang nghĩ gì vậy? Có nghe em nói không? Toàn lắc đầu:
- Chuyện gì vậy?
- Tức thiệt. Về chuyện dạy kèm của anh, em tính tìm thêm vài chỗ cho anh. - Từ từ đã. Lúc nào cần anh sẽ nhờ đến em.
- Anh phải làm việc thật nhiều để đầu óc khỏi nghĩ lung tung.
Toàn tròn mắt nhìn Phương muốn thốt lên: “Hôm nay em thật dễ thương!”
Những lúc êm đềm như thế này bên Phương, nếu không phải ở giữa quán xá,
Toàn sẽ yêu cầu Phương hát cho anh nghe những ca khúc của Cung Tiến…
Trước giải phóng, Phương là học trò của anh ở lớp 12A1, trường B. Nàng học xuất sắc ở tất cả các môn, nhưng với môn Triết của anh thì chỉ vào loại trung bình. Toàn bắt đầu để ý đến nàng từ sau những phút văn nghệ cuối giờ dạy của anh. Anh này hát Phạm Duy, cô nọ Trịnh Công Sơn, cô khác Vũ Thành An…Toàn nghe nhưng không thích lắm. Nhạc Việt Nam anh chỉ thích nhất là Cung Tiến, mặc dù ông sáng tác không nhiều. Khi anh hỏi có ai biết hát nhạc Cung Tiến không thì ở dãy bàn cuối lớp có một cánh tay nhẹ nhàng giơ lên: Nguyễn Thị Kim Phương. Toàn vụt nhớ ngay. Đây là cô bé ưa thích dẫn thơ, ca dao, tục ngữ vào những bài luận của mình, rất nhiều khi không chính xác. Thế nhưng có một lần, khi cả lớp bí tắc không tóm gọn được nội dung của “tình cảm đam mê” thì cô ta nhanh nhảu xin trả lời: “Khi yêu trái ấu cũng tròn-Khi ghét trái bồ hòn cũng méo”. Tuyệt! Toàn thầm khen. Bữa đó, Phương còn làm anh ngạc nhiên về giọng hát khá truyền cảm và kỹ thuật. Nàng hát “Thu Vàng”. Những hôm sau là “Nguyệt Cầm”, “Hương Xưa”, “Lệ Đá Xanh”… Đến khi nàng hát bài “Đêm Hoa Đăng”- bài hát này anh chưa hề nghe, nhưng theo nàng là của Cung Tiến- thì anh buộc phải thừa nhận là anh thích nghe nàng hát mãi…
Những cô gái tinh nghịch trong lớp mở chiến dịch gán ghép anh với nàng, với cái chứng cớ rõ ràng là hai người đều có chung một cầu nối là âm nhạc Cung Tiến. Nhưng Toàn không đi xa hơn được. Anh chủ động cắt bớt những chương trình văn nghệ mini cuối giờ dù trong thâm tâm không muốn vậy. Từ đó anh không còn được nghe nàng hát nữa.
Rồi cùng với hàng trăm học trò khác của anh, cuối niên học đó Phương rời khỏi trường và biệt tăm hẳn. Đúng mười năm sau, tình cờ anh gặp lại nàng ngay trước cổng ngôi trường cũ. Nàng đã là cô giáo, dạy học ở đây gần năm năm rồi. Vậy nghĩa là hai năm sau khi anh bỏ dạy nàng mới về trường. Cuộc gặp gỡ bất ngờ làm thức dậy trong anh những xao xuyến cũ tưởng đã chết hẳn từ lâu. Và, sau mười năm, anh lại được nghe nàng hát, không phải trong lớp học mà ngay trong căn phòng xinh xắn của nàng. Có thêm tiếng đàn gui-tare và một không gian ấm cúng, giọng hát nàng như được chắp cánh. Có anh là thính giả duy nhất gần gũi, nàng hát mà anh như muốn thổ lộ những tâm sự thầm kín. Anh cảm nhận được điều gì còn ẩn sau những giai điệu…Nhẹ nhàng nhưng không cưỡng lại được, lời-Phương-không-nói-ra cứ từng ngày thấm sâu trong anh…
- Về đi anh, trưa rồi-Phương nói.
- Em về một mình nghe. Anh ngồi lại chơi với anh Ngữ chút xíu. Lâu quá hai anh em không gặp nhau…
- Còn đêm nay?
- Anh thề sẽ không đến “chỗ ấy” đâu! - Vậy đến với em đi!
- Cũng có thể…
- Hay mình gặp nhau ở quán cà phê nào đó? - Ừ. Anh sẽ phôn cho em.
Khi tà áo dài trắng của Phương khuất ở cuối đường Toàn còn đứng hút thuốc tần ngần hồi lâu. Anh vừa nhận ra một phần tâm hồn mình nơi cô gái ấy.

- Tôi vừa nhận được thư của bà Thương (Thương là tên người vợ cũ của Toàn)- ông Ngữ nói.
- Chắc là vì nhớ thèm các món ăn Việt Nam của anh chứ gì?- Toàn nói.
- Ừ. Bà Thương có ý định mở một quán cơm Việt Nam ở bên ấy. Bà viết thư xin tôi một số kinh nghiệm và bí quyết.
Toàn cố giữ để không bật ra một tiếng cười rẻ rúng. Có lẽ nàng đã nghĩ tới chuyện ấy từ lúc còn ở bên này, từ lúc đưa chồng mới của nàng đến quán ông Ngữ.
- Bà Thương có than phiền về ông- Ông Ngữ nói. Toàn giật mình:
- Cái gì?
- Ông có muốn đọc thư không?
Toàn trả lời cộc lốc:
- Không. Nhưng bà ấy nói gì về tôi?
- Về khoản trợ cấp thường xuyên dành cho ông. Bà ấy nói là phải chắt chiu dữ lắm mới có thể gởi cho ông, nhiều lúc đã toan cúp luôn rồi. Bà ấy còn nói bà nghe phong phanh ông lấy tiền đó nướng vào sòng bạc. Giọng điệu thiệt kẻ cả.
Toàn bủn rủn chân tay muốn khụy xuống. Thật là một đòn đích đáng với anh! Không có gì có thể làm anh đau đớn, nhục nhã hơn nữa. Anh không kiềm chế được, thốt lên:
- Khốn nạn!
- Nếu không đáng là bao thì ông thôi quách nó đi.
Toàn gục đầu xuống bàn. Cái gì đã bịt mắt anh suốt bao nhiêu năm qua khiến anh không thấy được sự bố thí miệt thị của người đàn bà nằm trong những tờ đô la xanh đỏ anh vẫn thường xuyên nhận được? Cái gì đã ngăn cản anh một lần, chỉ cần một lần thôi, phản tỉnh? Phải, chỉ cần một lần phản tỉnh thôi là anh sẽ nhận ra ngay sự ngu xuẩn của mình: tư cách anh đã bị người đàn bà đánh xuống thang điểm cuối cùng. Anh đã không đủ bản lĩnh để từ khước sự giúp đỡ xuất phát từ một lời hứa cho có chuyện trước lúc nàng bỏ anh. Anh ngỡ lương tâm được an ủi khi nghĩ rằng mình đã hối lộ đứa con gái yêu thương để được thoát khỏi địa ngục, nhưng bây giờ nàng đã phản đòn: nàng đang trả phí tổn cho hậu quả của một ca chấn thương tinh thần của anh!
Thôi đi nghe, Toàn! Toàn thầm nhủ và trên mặt anh hiện lên sự thù hằn dễ sợ.
- Tôi làm ông buồn hả?- Ông Ngữ nhìn Toàn, hỏi. - Không. Tôi cám ơn anh.
- Chuyện đó không đáng. Ông sắp sửa phải cám ơn tôi về một chuyện khác lớn hơn, quan trọng hơn.
- Anh nói đi.
- Một người bạn ở Mỹ vừa gởi về cho tôi cuốn tiểu thuyết đang “best-seller” bên đó. Tôi đọc rồi, tuyệt. Ông dịch ngay đi, kiếm tiền xài.
- Có nhà xuất bản nào chịu nhận không?
- Tôi cam đoan với ông là có! Cả nước đang đọc sách dịch. Các nhà xuất bản đang tranh giành bản thảo.
Toàn cả quyết:
- Anh cho tôi mượn cuốn sách.

Bằng trở lại tìm Toàn nhiều lần nữa sau đêm ngủ lại nhà Toàn. Hai người trở nên gần gũi nhau qua những câu chuyện.
Tốt nghiệp loại ưu trường điện ảnh Mátxcơva, Bằng có ý định ở lại Nga thêm vài năm nữa để có thể vừa làm vừa học thêm với các đạo diễn Nga tiếng tăm. Nhưng không may cho anh, lúc bây giờ tư tưởng xét lại của Krútsốp đã phát triển mạnh thành phong trào ở Liên Xô. Bằng là đảng viên, là bí thư chi bộ, nghĩa là thuộc hàng cốt cán của đảng. Sợ anh bị lây căn bệnh xét lại nguy hiểm đó, người ta rút anh về nước như đã rút về nước một phần lớn cốt cán đang theo học hoặc nghiên cứu tại các trường ở Liên Xô. Nhưng đối với Bằng thì đã quá muộn rồi. Vợ anh cũng bị vạ lây- nhân một đợt giảm biên chế, nàng về với anh hẳn. Hai vợ chồng cùng thất nghiệp, sống hoang mang và thoi thóp bằng số nữ trang còn lại từ ngày cưới nhau..Hồi ấy có một vài cây bút trẻ tài năng thì ít nhưng rất háo danh, trong đó có Quốc Vạn, con trai độc nhất của một nhà buôn. Hắn viết truyện ngắn, mang đến cho Bằng xem. Bằng sửa nát như tương cả cái truyện, gần như đã viết lại mới hoàn toàn, thế mà hắn không tự ái, vẫn vui vẻ cầm bản thảo về đánh máy, gởi đi. Dĩ nhiên là đăng được.
Đồ đạc trong nhà có được là nhờ mấy năm học Liên Xô lần lược rơi vào tai người khác, sự khánh kiệt đã rõ dần, lúc ấy, trí Bằng bỗng sáng bừng lên, anh nghĩ đến Quốc Vạn và bảo thảo cuốn tiểu thuyết của mình. Anh tìm gặp Quốc Vạn. Hắn đang còn một bước nhảy vọt vào văn đàn. Trong khi đó sự nghiệp văn chương, điện ảnh của ông chưa đi đâu nhưng cầm bút đã kết thúc. Anh sẽ cho thằng Quốc Vạn cuốn tiểu thuyết của mình! Đổi lại, hắn sẽ cho anh cái ăn như đã từng đãi anh những chầu bia ngút trời sau khi anh tân trang “tác phẩm” của hắn…Không ngờ Quốc Vạn đồng ý một cách hồ hởi! Chỉ có một điều kiện: Anh và hắn sẽ bàn bạc gọt giũa những chỗ gai góc. Anh được cầm trước số tiền bằng gấp hai mươi lần nhuận bút của cuốn sách. Hắn hứa nếu cuốn sách gây được tiếng vang, tùy vào mức độ, hắn sẽ thưởng anh hậu hĩnh. Đúng như mong đợi của hai người, cuốn tiểu thuyết “của Quốc Vạn” đã được ấn hành. Tài năng của Quốc Vạn đã được khẳng định! Bằng yên tâm sống được ba tháng để viết thêm một cuốn tiểu thuyết về đề tài công nhân theo đề nghị của hắn. Loại đề tài này Bằng không rành lắm nên viết có hơi chậm. Quốc Vạn thường xuyên đến nhà giục anh vì hắn đã lỡ hứa với nhà xuất bản về thời hạn nộp bản thảo. Càng gần đến hạn hắn càng tỏ ra nóng ruột đến mức không còn biết điều gì đang xảy ra trong quan hệ giữa hai người. Hắn không trực tiếp đến nhà anh nữa. Vợ hắn đến. Đó là một cô gái mà bao nhiêu nét đẹp đã dồn hết ra bề ngoài, cho nên, bên trong, tâm hồn và đầu óc, không còn gì đáng kể nữa. Mỗi ngày Bằng phải giao cho cô năm trang viết tay để về đánh máy. Bằng thường không có đủ số trang để giao ngay khi cô ta đến mà phải cắm đầu ngồi viết trước ánh mắt giận dữ và những lời chì chiết của cô ta. Có nhiều lần không giữ được kiên nhẫn cô ta chờ đợi cô ta đã vùng vằng bỏ về, sau khi ném lại cho anh mấy câu chửi rủa. Nước mắt đắng cay tủi nhục đã nhỏ xuống trên những trang bản thảo viết thuê cho Quốc Vạn. Nhưng riết rồi Bằng cũng quen đi. Anh lại “câu” được một nhà văn trẻ khác, bạn của Quốc Vạn. Sức ép tăng lên, thì giờ eo hẹp, anh hì hục suốt ngày đêm với cây bút chì và trang giấy. Vợ của anh, hình như thấp thoáng khi chiều xuống, đêm về, hình như lướt qua bàn làm việc của anh rồi mất hút, thường để lại mình anh và một khoảng không vắng lặng trong nhà. Anh không hay biết rằng trong lúc mải mê với các nhân vật của cuốn tiểu thuyết trinh thám thì vợ anh và một người đàn ông khác đã cùng nhau viết đến chương cuối của cuộc tình vụng trộm nhưng đầy háo hức. Kể từ đó anh thề đoạn tuyệt hẳn với văn chương!
Về quê vay được họ hàng một ít tiền làm vốn liếng, Bằng, không còn cách nào khác, xông thẳng vào trận chiến buôn bán của Hà Nội. Sự tồn tại được tính từng ngày và từng thương vụ lặt vặt. Nhưng rồi chỉ nhờ một lần liều lĩnh, một lần may mắn, với cả một lần ngốc nghếch nữa…Bằng đã phất lên thật nhanh, nghiễm nhiên trở thành tay buôn hàng cao cấp có cỡ. Bấy giờ Bằng mới sắp xếp thời gian, sắp xếp nhân sự đàn em vào guồng máy làm ăn để tránh xuất đầu lộ diện nhiều, để hình ảnh nhem nhuốc bụi bặm của anh ngày nào có thể biến mất đi trong đầu óc của dân phố chợ. Bấy giờ Bằng bắt đầu làm quen với sinh hoạt, thói ăn chơi của giới có tiền, có máu mặt của Hà Nội…Một vài lần anh chạm trán thằng Quốc Vạn- trong quán bia, trong sòng bạc…-nhưng cả hai đều phớt lờ nhau. Con người ta ai cũng có số. Bằng nghĩ vậy như là tự trả lời mỗi khi anh sực nhớ rồi ngạc nhiên đến khó hiểu về tình trạng của mình. Duy chỉ có một điều anh quyết không thụ động ngồi chờ số phận đưa đẩy mà sẽ tự mình toan tính, thúc đẩy cho nó mau chóng trở thành hiện thực. Đó là ý định rời bỏ hẳn Hà Nội để vào hẳn Sài Gòn. Đó không phải là cuộc ra đi thuần túy tìm vùng đất mới.
Bằng cho là mình hai lần gặp may khi vừa đặt chân lên đất Sài Gòn. Một là thắng đậm trong lần đánh bạc thử thời vận đầu tiên tại nhà ông Hoàng. Hai là gặp được nhà văn Nguyễn Toàn. Khởi đi như thế là tốt đẹp. Sài Gòn hình như đã sẵn sàng đón anh vào hội nhập.

Nghe xong câu chuyện quá khứ của Bằng, như từ trong vô thức Toàn thốt lên một câu lạ lùng:
- Tôi sợ nhất là lúc nhắm mắt xuôi tay mà vẫn chưa biết được một mùa thu Hà Nội.
Bằng khẽ cười:
- Anh vẫn còn mơ mộng lắm đấy!
Toàn ngạc nhiên:
- Sao lại vẫn còn? Không có gì có thể giết chết được tâm hồn mơ mộng của rồi cả. Nhưng điều tôi nói đâu phải là mơ mộng. Hà Nội, tôi hằng ước ao một lần được đến để tìm lại một mảnh tâm linh của chính mình.
Bằng nói:
- Có thể là Hà Nội cất giữ của mỗi người Việt chúng ta một mãnh tâm linh, nhưng theo thời gian nó đã đánh mất rất nhiều của người này người kia.
- Vậy anh tưởng rằng ở đây, phương Nam này, thành phố Sài Gòn này có thể mang lại cho anh toàn những điều tốt lành chăng?- Toàn nói mà không hay biết mình đã cất giọng và riết róng.
- Không, tôi không kỳ vọng gì nhiều. Nhưng đơn giản là tôi muốn hoàn tất nốt phần còn lại của đời mình một cách êm thấm. Rất may cho tôi là tôi có một khoản tiền lớn và không có những mối liên hệ tình cảm sâu sắc. Cô đơn thật dễ chịu.
Tự dưng Toàn nghĩ tới đứa em gái tu sĩ rồi thầm hỏi với một nội tâm như thế nào mà người ta có thể quay lưng trước một cuộc sống dồn dập muôn màu muôn vẻ này. Không lẽ có trên trần gian những cõi riêng tư bất khả xâm phạm, ở đó hết ngày này qua ngày khác một người ngồi đối diện với bóng mình, nói chuyện với chính mình? Người đàn ông này không có vẻ gì của một đạo sĩ hay thiền sư, vậy thì cuộc đời đầy sóng gió của anh ta chẳng lẽ dễ dàng thu xếp được qua một bên? Dường như anh không có ý thức trả thù đời, không để tâm oán giận ai, thản nhiên đi tiếp đoạn cuối hành trình một đời người. Nghĩ tới đó, trong tâm hồn Toàn chợt dậy lên những cảm xúc kỳ lạ- như là cảm thông vừa như là bức bối, như là xót thương vừa như là thảng thốt đến mức khó chịu. Bao trùm lên tất cả là niềm yêu mến. Phải rồi, không biết từ lúc nào, Toàn bắt đầu cảm thấy yêu mến người đàn ông xa lạ này. Bất ngờ với cả chính mình, Toàn
hỏi:
- Anh vẫn thường đến chơi chỗ ông Hoàng chứ? Bằng lắc đầu:
- Không. Kể từ sau đêm gặp anh.
Toàn không chờ đợi một câu trả lời như vậy. Anh rơi vào trạng thái mất thăng bằng. Và nỗi buồn, như có thể sờ thấy được đang ở trước mắt anh. Anh ngỡ như mình đang phạm tội đẩy một con người vào bóng tối hiu quạnh. Mặt khác, anh thấy tức giận con người đang tự làm mình trở nên trỗng rỗng, vô ích, tẻ nhạt. Anh quên rằng anh đã từng sống kiếp sống tầm gửi nhiều năm tháng qua. Toàn nóng nảy:
- Còn ông Hoàng?
- Ông ta ồn ào quá, tôi không gần được- Bằng điềm tĩnh trả lời.
- Anh sẽ làm gì những ngày tới?- Toàn thấy mình thật vô lý ngay khi đặt câu hỏi này, nhưng một nỗi náo nức muốn tìm hiểu, khám phá đã không được dằn xuống.
- Gần như không làm gì cả, anh Toàn ạ. Tôi đang tìm mua một căn nhà nhỏ ở một nơi yên tĩnh. Còn lại bao nhiêu vốn liếng tôi gửi vào tín dụng, lấy lãi sống qua ngày.
Toàn tỏ vẻ không tin:
- Vậy thôi à? Tôi nghe nói những người ngoài ấy vào đây đều mang theo những dự định to lớn. Họ có sự khôn ngoan thật đáng nể và hầu hết đều thành công.
Bằng buồn bã nói:
- Tôi thì không.
Toàn có cảm giác như tiếng “không” được nhấn mạnh và rền rĩ. Bất chợt trong trí anh hiện lên một đoạn phim ngắn anh từng xem hồi nhỏ. Trên màn ảnh là cận cảnh đôi chân khẳng khiu đang lê từng bước khó nhọc, rồi viễn cảnh một nghĩa trang khổng lồ lô nhô những cây thánh giá, cận cảnh một đáy huyệt đen nhòm. Toàn còn nhớ lúc ấy anh hồi hộp tột độ, mồ hôi vã ra như tắm, úp mặt vào đôi tay, tuyệt vọng vì thấy giữa khoảng không rợn người không còn ai ngăn cản đôi chân kia đang lạnh lùng đi tới, mỗi lúc một gần nghĩa trang và lỗ huyệt.
Cái gì nơi anh ta đã gây cho Toàn sự liên tưởng kỳ lạ đó? Phải chăng là từ tiếng “không” mạnh mẽ được thốt lên như một tuyên bố phủ định tất cả? Và như thế trước mắt và chung quanh anh ta chỉ còn có cái chết rình rập đợi chờ. Ý nghĩ đó làm Toàn nghẹn ngào.
Bằng hỏi mượn một số sách báo cũ của các tác giả nước ngoài được dịch ở miền Nam trước 75. Toàn loay hoay tìm kiếm với nỗi mừng thầm là Bằng sẽ trở lại với anh để trả sách. Nhưng liền đó là sự hoang mang: không lẽ ông ta sẽ đốt hết quỹ thời gian còn lại của mình chỉ với một việc duy nhất là đọc sách?
Trao mấy cuốn sách vào tay Bằng, Toàn cười nói:
- Bằng à, tôi nói anh đừng giận, tôi nghĩ rằng thành phố này không cho phép có thêm một ẩn sĩ như anh đâu, nếu anh có ý định đó.
Bằng phá lên cười, nương theo ẩn ý của Toàn:
- Tôi không có hộ khẩu ở đây thật, nhưng ai nỡ làm khó một người sắp xuống lỗ như tôi.
- Thì anh vẫn phải biết điều chứ?
Bằng tỏ ra thành thật:
- Tôi sẽ cố gắng làm một cư dân lương thiện: Toàn lắc đầu:
- Người lương thiện ở đây cũng không ít đâu. Vấn đề là làm sao cho xã hội này trở nên lương thiện.
Bằng ngạc nhiên:
- Sao anh lại nói những điều to tát ấy với tôi? Tôi đã không kể cho anh nghe về thân phận chẳng ra gì của tôi rồi đó sao? Với tôi bây giờ quan trọng nhất là tìm cho được một lý do gì đó để động viên mình tiếp tục tồn tại. Nói thẳng ra là tôi đang cố gắng đừng để cho ý nghĩ tự sát mon men đến trong đầu. Tôi sợ hãi cái chết mặc dù cuộc đời này đã không còn nghĩa lý gì với tôi nữa.
Toàn đã từng đối diện trên những trang bản thảo của mình một vài nhân vật kiểu như Bằng. Anh cố lôi kéo nhân vật ấy ra khỏi tình thế cô đơn, tuyệt vọng; nó như một cái xác không hồn nặng nề, anh khó khăn lắm mới vực dậy được, đưa nó ra khỏi đường hầm hoặc căn nhà lạnh lẽo. Cũng có lúc anh bất lực, đành buông xuôi quay mặt đi rồi ngay sau đó anh rơi vào trạng thái u ám, sợ hãi trang giấy và những dòng chữ, có khi hàng tháng trời không dám ngồi vào bàn viết. Phải chăng một trong những nhân vật từng làm anh phát ốm vì bị ám ảnh không dứt là có thật trong đời sống, nhưng cho tới hôm nay mãi xuất hiện trước mặt anh? Anh chợt lo sợ sau khi rời khỏi nơi đây, người đàn ông này sẽ biến mất tăm không để lại dấu vết gì giữa thành phố đông đúc người xe này. Đã cảm thấy bồn chồn, hồi hộp. Đã bắt đầu thấy hiện lên một mối liên hệ âm thầm giữa anh và ông ta cùng lúc với sự đe dọa vô hình cắt đứt mối liên hệ ấy. Toàn buộc mình phải tỉnh táo, phải nói một điều gì đó quan trọng, phải nắm bắt cho được tâm thế hiện tại của người đàn ông này…Dường như với Toàn lúc này không có gì đáng quan tâm hơn những điều đó. Vẻ nôn nóng, căng thẳng hằn thành nét trên mặt Toàn. Anh nói trong khi quan sát từng cử chỉ của Bằng:
- Tôi không tin lời anh nói chút nào. Chính anh mới là người nói những điều to tát về mình.
- Tôi nói thật mà- Bằng vội vã trả lời.
- Không, tôi không tin. Hay cũng có thể là tôi không muốn một người như anh lại nói về mình như vậy.
- Xin lỗi anh Toàn. Tôi không có ý định thổ lộ điều gì với ai nhưng không hiểu sao…Có lẽ vì anh đã khai thác tôi một cách khéo léo chăng?
Toàn như đang chìm trong cõi nào xa xăm:
- Bàn tay nào đã ném em gái tôi, và bao nhiêu người khác vào giữa cuộc sống cho nó vùi dập rồi lại ném vào những góc xó nào không ai hay biết? Giữa đám đông nhân sinh ồn ào ngoài kia, những ai đang sống và những ai đã chết rồi?
Bằng nói:
- Anh nói dễ làm người ta có cảm tưởng như anh là một con người hạnh phúc và không có vấn đề gì bên trong.
Toàn như bừng tỉnh:
- Không, không ai có thể hạnh phúc trong khi đầu óc rối rắm những câu hỏi như vậy được cả.
- Tôi cảm nhận được điều đó anh Toàn ạ. Nhưng chuyện gì đã xảy ra với em gái anh vậy?
Toàn buồn bã:
- Nhiều năm trôi qua nhưng tôi không thể nào chịu đựng nổi ý nghĩ em gái mình lại là một nữ tu, đi đứng nằm ngồi, quỳ gối giữa bốn bức tường lạnh lẽo của tu viện, không có bóng dáng một người đàn ông nào ngoại trừ một vị linh mục già mỗi ngày hai bận đến dâng lễ. Có thể sống như vậy được sao?
- Có lẽ đó là em gái anh nên anh mới phải nghĩ ngợi nhiều. Anh biết đó, những người tu khổ hạnh vẫn tự đánh roi vào thân thể mình cho đến độ đau đớn cao nhất và họ gọi đó là hạnh phúc. Em gái anh, biết đâu, cũng là một người hạnh phúc.
- Không. Người ta đã hiểu sai ý nghĩa của hạnh phúc. Phía ngoài cuộc tồn tại này, đã là hư vô rồi, chẳng còn hạnh phúc hay bất hạnh gì hết.
- Nhưng chúng ta đang nói về em gái anh- Bằng ngắt lời Toàn- Anh cho rằng nó nằm ngoài cuộc tồn tại này, nó là hư vô ư?
Toàn bỗng giật mình, hai tay bưng lấy mặt. Đó là phản ứng tự nhiên của một người theo đạo dòng, từng sống một thời thiếu niên trong không khí lung linh đạo hạnh, tâm hồn luôn luôn trong sạch bởi phúc âm, mười điều răn và những bài thánh ca…
- Không, tôi không định nói vậy. Đơn giản là tôi muốn thấy em tôi đi lại nói cười ngay trong cuộc đời dù cuộc đời đã đối xử nhẫn tâm với nó.
Bằng kêu lên:
- Anh yêu đời quá đấy!
- Không biết có phải vậy không?- Toàn nói- Có điều tôi quan niệm rằng sinh ra trên cõi đời này, thì con người phải làm tròn sứ mệnh của mình là sống hết mình với nó không được lẩn tránh. Nhưng còn anh?
Bằng ngạc nhiên:
- Anh muốn nói gì?
- Tôi không đồng ý với cách anh sắp xếm phần cuối cuộc đời mình. Nói thật tình là anh làm tôi khó chịu. Đã có lúc tôi trộm nghĩ rằng anh không có ý định tiếp tục duy trì mối quan hệ với tôi. Có thể ngay hôm nay chưa biết chừng.
- Tôi chưa sợ hãi đến mức phải xa lánh con người. Tôi chưa tính đến chuyện “diện bích qui ẩn”. Nhưng tôi cũng chẳng mạnh mẽ hơn em gái anh đâu! Ngay cả một cuộc sống êm ả mà tôi cố tạo dựng cũng chưa chắc đã thực hiện được với một quá khứ nhiều điều tiếng.
Toàn như phát hiện ra điều gì thật hệ trọng, thật rốt ráo. Anh lặng lẽ cúi đầu. Nếu có một người nào đó nói với anh những điều anh lặp đi lặp lại với Bằng thì sao?

Toàn định tìm một quán cà phê nhưng chưa tìm ra thì một cơn mưa bất ngờ đổ xuống khiến hai người phải tấp vào một hiên nhà. Hôm nay Toàn có niềm vui nho nhỏ. Đó là lần đầu tiên sau hơn mười năm anh lại nhận được một món tiền khá lớn nhuận bút cuốn sách dịch do ông Ngữ giới thiệu. Anh đã chia sẻ niềm vui đó với ông Ngữ, Bằng và Phương bằng một cuộc nhậu đặc sản với bia lon. Ba người bạn của Toàn đã vui vẻ làm quen nhau. Khi hai gã đàn ông ấy đã bí tỉ ngả nghiêng trò chuyện, Toàn và Phương tìm cách lẻn đi. Hôm nay, trong mắt Toàn, Phương đẹp hơn bao giờ hết và anh không ngớt nhìn vào khuôn mặt quen thuộc mà lạ lẫm của người yêu. Đêm. Mưa. Những ánh đèn pha lướt nhanh trên mặt đường sũng ướt. Hai hàng cây bên đường đứng im như đang nhìn ngắm họ. Toàn ôm chặt Phương vào lòng. Những phần da thịt mềm mại và những đường cong trên cơ thể nàng, anh cảm thấy rõ đang rung lên nhè nhẹ. Toàn phủ lên mặt cô, lên cổ, lên tóc nàng một trận mưa hôn.
- Anh yêu em!
- Rượu đang lên tiếng phải không?
- Em làm anh phát điên lên đây…-Toàn ghì siết tấm thân lẳn chắc của nàng dưới bộ áo dài, bàn tay hấp tấp tìm tới giữa hai đùi nàng.
- Do mưa đó thôi!
- Đêm nay chúng ta sẽ có con với nhau, nghe em.
- Sao anh không cưới em?
- Anh sẽ cưới em…
- Lúc nào hở anh? Em đang khổ sở vì chờ đợi đây…
- Lúc nào em có con, lúc đó chúng ta là vợ chồng…
- Anh nghe đây: em đã có mang rồi.
Toàn buông Phương ra. Dường như anh vừa nghe thấy một giọt mưa lớn rơi ngay trên đỉnh đầu.
- Em nói thật chứ?
- Em nói thật. Đã gần một tháng nay rồi. Anh có mừng không? Toàn hoàn toàn thoát khỏi cơn say:
- Anh chưa biết nữa. Bất ngờ quá, anh tưởng là em có phòng chứ?
- Em vẫn thường xuyên đề phòng…Nhưng có một hôm nào đó em quên. Hôm ấy em muốn chết hẳn dưới sức nặng của người anh, và thế là em chỉ còn nhớ duy nhất một điều là em đang hạnh phúc.
- Bây giờ phải làm sao?
- Anh muốn nói gì?
- Anh không biết…
- Em sẽ sinh con. Chắc em làm anh thất vọng lắm phải không?
- Anh không chuẩn bị gì cho đời anh, nói gì đến chuẩn bị cho cả một gia đình. Nhưng anh không có cảm giác thất vọng. Anh chỉ thấy lo lắng cho em.
- Sao anh không cưới em? Mùa hè sắp hết rồi. Em sẽ phải đến trường. Anh sẽ để mặc em trước dư luận sao?
Đôi mắt Toàn ánh lên những tia sáng, Toàn nhìn thẳng như muốn xé toang màn mưa đêm. Anh nói, như là nói với ai chứ không phải với Phương:
- Anh sẽ cưới em. Ngay đêm nay. Trong căn nhà của anh.

                                          HẾT

<< Phần một |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 809

Return to top