Có một người khách lạ trong phòng! -Đó là ý nghĩ đầu tiên của Toàn khi anh bước vào “phòng họp”. Đã có ba người ngồi xuống chiếu, hộp đựng bài nằm đó lặng lẽ chờ đợi, hai cái gạt tàn thuốc rỗng không, con bài Roker chưa đục lỗ dành cho anh nằm ngửa ở một góc chiếu… Thây kệ hắn ta là ai! Toàn nghĩ vào tháo giày ngồi xuống chỗ ngồi của mình. Ở ba góc chung quanh vẫn là ba đối thủ quen thuộc đang lạnh lùng hút thuốc. Toàn mồi một điếu Camel, chăm chăm nhìn hộp đựng bài. Chợt anh nghe thấy tiếng vào chạm nhẹ của thủy tinh. Anh ngước lên. Chủ nhân ngôi biệt thự Hoàng Hôn đồng thời là chủ sòng bạc đang rót rượu vào sáu chiếc ly nhỏ - rượu Johnny Walker. Toàn hiểu ngay ông đang làm thủ tục đưa một tay mới vào cuộc đêm nay. Khi mỗi người đã có trong tay một ly rượu, ông đến bên cạnh người khách lạ, quàng vai ông ta:
- Đây là anh Bằng, bạn thiếu thời của tôi, công dân mới của Sài Gòn. Anh vừa từ Hà Nội vào.
Toàn ném một cái nhìn lướt nhanh lên khuôn mặt người khách lạ và cảm thấy an tâm với nhận xét đây là một đối thủ xứng đáng.
Người khách trạc độ năm mươi tuổi, lên tiếng bằng một giọng Bắc sắc nét và trầm ấm:
- Xin cám ơn anh Hoàng đã cho tôi dịp may được gặp gỡ. Lần đầu tiên tôi đến thành phố của các bạn và muốn thử thời vận.
Một loạt những cái bắt tay vừa như chúc mừng vừa như thăm dò.
- Bây giờ xin mời các bạn vào cuộc! - ông Hoàng tuyên bố.
Toàn chỉ chờ có vậy. Anh rất nóng lòng và anh rút ngay con bài đầu tiên: Xì cơ! Toàn thở phào: Điềm may đây! Đêm nay, anh không được phép thua; anh đã thua nặng nề một tuần nay rồi. Toàn rút con bài thứ hai-con tẩy. Qua cái lỗ nhỏ xíu của con Roker, Toàn thấy: Xì Bích! Với những con Tám, con Mười, con Ri, con Đầm, bốn nhà kia đều bỏ cuộc.
Tiếc thật, chưa ai thật sự hăng máu mà bài mình đã quá mạnh, quá áp đảo. Thế này không hẳn là tốt. Nhưng đêm nay Toàn phải thắng, phải thắng lớn để củng cố tinh thần đã đến bờ vực sụp đổ. Anh đã hẹn với Phương một chuyến đi Đà Lạt, nhưng những mất mát liên tiếp về tiền bạc khiến anh thất hứa với nàng và thành ra kẻ nói dối quanh co nhiều lần qua điện thoại. Anh sợ đến một lúc nào đó nàng sẽ không còn tin anh nữa…Cần thiết phải chấm dứt chuỗi thất bại này, thoát được khỏi cơn khủng hoảng tài chính để đến với Phương một cách nhẹ nhõm và tự tin.
Đêm nay, chỉ còn một đêm nay, nếu như trắng tay, anh phải chờ đến hai tháng sau mới nhận được tiền từ Mỹ gởi về. Trong thời gian đó, dĩ nhiên anh không thể thực hiện được lời hứa với Phương. Từ lâu anh đã quen đóng vai một người đàn ông lịch sự bên cạnh nàng. Dù hiểu rõ số tiền anh mang theo hôm nay thừa trang trải cho một chuyến đi vài ngày Đà Lạt, nhưng cơn khát đã xô đẩy anh đến ngôi biệt thự này, ngồi vào chỗ này…Vả lại, khuôn mặt anh, thân xác anh suốt tuần lễ nay hằn rõ dấu vết của kẻ thua bạc phờ phạc; anh thấy mình chưa sẵn sàng chuyện trò vui vẻ với nàng, chưa háo hức được làm tình với nàng.
Diễn tiến của cuộc chơi dường như chiều theo ý Toàn. Anh thắng trong hầu hết các cuộc đấu tay đôi, tay ba. Các đối thủ của anh thay nhau móc vàng ra đưa cho chủ nhà để đổi tích-kê, trong đó có một người hình như sắp cạn kiệt, chỉ đánh cầm chừng, dè dặt. Người đàn ông tên Bằng ngồi không nhúc nhích, trừ đôi tay, nhưng cũng tỏ thái độ gì rõ rệt mặc dù ông ta là người thua đậm nhất từ đầu hôm tới giờ.
Và ván bài nghẹt thở giữa Toàn và Bằng đã đến khi ba nhà kia đồng loạt xoay bài từ sau nước thứ ba.
Trước khi rút con bài cuối cùng, Toàn đã có sẵn hai đôi Xì và Già với con Già là tẩy. Trong lúc đó, trên mặt chiếu, Bằng chỉ có con Ri, con Đầm và con Mười. Toàn nhận định: “Hắn đang định mua suốt, nhưng chỉ mua được một đầu vì Xì đã ra đủ bốn con. Hắn đang cầm một trong hai con: Già hoặc Chín. Già cũng đã ra ba con (một là con tẩy của Toàn); Chín cũng chỉ còn một lá duy nhất. So với Toàn, cơ hội của hắn rất ít. Nhưng sao hắn chưa chịu xoay bài? Khuôn mặt giá băng của hắn thật đáng ghét. Phải đuổi hắn thôi!”
Toàn dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn. Anh xếp gọn gàng đống tích kê theo từng loại, khi đã thành cuốn tự điển cỡ lớn, anh đẩy nhẹ ra giữa chiếu:
- Ta-pi!
Toàn đã đánh tới đồng bạc cuối cùng. Anh nghĩ rằng đối thủ của anh sẽ sợ và chạy. Nhưng không. Hắn đã theo anh, nhẹ như không. Toàn rút một lá bài vô nghĩa. Hắn rút được lá bài hắn cần để có suốt.
Toàn nhìn xoáy vào đôi mắt ẩn sau cặp kính trắng của hắn để xem có biểu hiện gian manh nào trong đó không. Và anh thất vọng. Đó chỉ là một đôi mắt tinh anh và đẹp tuyệt. Thua một bậc cao thủ như thế này thì không có gì phải ân hận. Toàn bắt tay kẻ hạ nốc ao mình, nói:
- Hẹn gặp lại!
Anh đứng dậy, đến bên tủ rượu lấy chai Jonny Walker dở dang ngửa cổ nốc cạn rồi lảo đảo buông người xuống xa-lông. Ông chủ nhà ngồi xuống bên cạnh:- Sao ông đen lâu vậy? Xả xui nghen?
Đầu óc Toàn rỗng không nặng nề, cặp mắt vô hồn nhìn sững lên trần nhà. Mãi một hồi lâu anh mới lờ mờ hiểu ra cái tiết mục xả xui trong ngôi biệt thự Hoàng Hôn dành cho những kẻ thua bạc. Anh gật đầu.
- Loại nào?
Toàn trả lời máy móc:
- Thật vâm.
Đêm ấy, Toàn như một khối lửa cuồng nhiệt; bao nhiêu sức lực anh dành hết vào cuộc hành lạc nhưng không thể nào đến độ cực khoái dù cho cô gái khỏe khoắn đã giở hết mọi thứ nghề. Xong việc, cô gái tìm cách trốn thoát ngay cái khối lửa là anh đang ngày càng cháy bừng hung tợn.
Toàn nằm đó một mình, ê chề và cay đắng. Những ý nghĩ về thân phận hiện ra trong đầu anh, lộn xộn và đứt đoạn.
…Cái truyện ngắn đầu tay viết năm mười bảy tuổi đưa anh vào làng văn chương Sài Gòn một cách thuyết phục…Một người đàn ông và một người đàn bà không quen biết nhau tình cờ ngồi cạnh nhau trên một chuyến xe đò từ Sài Gòn về Cần Thơ. Họ trò chuyện nhạt nhẽo, vu vơ suốt nửa đoạn đường, có lẽ do chiếc xe thường xuyên bị hỏng và buộc phải chạy chậm. Đột nhiên, chiếc xe tăng tốc độ và hai hàng cây bên đường lao vun vút về phía sau. Hai kẻ đồng hành bỗng thấy lo sợ vì sắp rời nhau. Từ nỗi lo sợ đó, câu chuyện của họ bắt đầu đậm đà, thú vị và càng lúc càng thắm thiết…Cuối cùng họ cũng phải chia tay nhau ở bến xe. Và vì những hoàn cảnh riêng tư tế nhị, không ai cho ai địa chỉ của mình. Câu chuyện chấm dứt trong không khí oi bức, ngột ngạt của một mùa hè chiến tranh. Người đàn ông lặng yên đứng nhìn người đàn bà lầm lũi bước đi, tấm lưng đẫm mồ hôi hằn rõ sợi dây nịt ngực…
Toàn rời Cần Thơ lên Sài Gòn học Triết. Vừa học vừa viết truyện ngắn. Những truyện ngắn khô khăn, nặng nề suy ngẫm, đầy những cảm giác hụt hẫng, chơi vơi, bất toàn…Chúng được đón nhận không ồn ào nhưng chắc chắn và buộc các nhà phê bình để ý tới một hiện tượng.
Toàn tìm được một chân dạy học ở trường tư Sài Gòn sau khi tốt nghiệp đại học. Anh bớt sáng tác và dành nhiều thời gian nghiên cứu triết học Tây phương và văn học hiện đại Pháp. Những bài viết nhỏ của anh về hai lĩnh vực này có gây được sự chú ý, nhưng chỉ là sự chú ý với một cái tên lạ. Người ta nghi ngờ, dè dặt và chờ đợi. Rồi khi anh tập hợp và in thành sách, từng vấn đề được xâu chuỗi thì thấy hiện ra một hệ thống tư duy mới của một cái nhìn mới, tuy còn đôi chỗ cực đoan và võ đoán nhưng không thấy dấu vết ảnh hưởng của ai.
Đến lúc này, ngoài một chỗ đứng yên trên bục giảng, Toàn còn thêm thấy chỗ đứng khác trong nền văn học và báo chí của Sài Gòn.
Thế rồi, trong thời gian dạy học, đã xảy ra một chuyện làm biến đổi sâu sắc những quan niệm về cuộc sống và cả cuộc đời anh sau này.
Một buổi chiều Sài Gòn. Toàn đạp xe chầm chậm về nhà, không để ý đến dòng người xe bất tận đang trôi ngược, trôi xuôi, thỉnh thoảng anh ngước nhìn lên những ngọn đèn xanh đỏ. Bất chợt anh nghe thấy một tiếng nói quen thuộc vang lên ngay phía sau lưng mình: “Thưa thầy!” Anh dừng xe, ngoái lại và nhận ra Hiến, một nam sinh giỏi nhất môn Triết của lớp 12C trường X. Anh ta đang ngồi trên chiếc xe ba gác chất đầy những két bia la-ve. “Thưa thầy, sáng nay em không kịp xin phép vắng mặt.” Toàn đến đứng bên cạnh anh ta: “Em có thêm nghề này?” “Dạ, cũng đỡ. Nhưng phải giành giật dữ lắm, thưa thầy.” Bỗng nhiên, Hiến la lên: “Thầy nhảy lên lề!” Toàn ném xe đạp, vọt lên lề. Từ phía ngược chiều, một chiếc xe Dodge chở đầy lính Mỹ đang lao thẳng về phía hai người. Khi chạy đến gần sát chiếc xe ba gác chở bia của Hiến, tên tài xế da đen thò đầu mở toang cánh cửa xe có gắn một cái càng lớn hình chữ U. Chiếc xe Dodge khựng lại, rồi đột tăng tốc độ lao tới. Chiếc xe ba gác xoay tròn rồi lộn nhào. Toàn không hay rằng anh bị những mảnh vỡ găm đầy trên ngực, anh chỉ thấy một hình ảnh duy nhất là đứa học trò thân yêu của mình đang nằm bất động trên đống vỏ chai đổ nát, máu chảy loang đỏ trong vũng nước bia lênh láng. Những tràng cười khoái trá ghê rợn của những tên lính Mỹ trên chiếc xe Dodge xa dần, xa dần…Lần đầu tiên trong đời mình, Toàn khóc. Anh ôm thân thể
người học trò nát bấy trong tay. Anh kêu lên những tiếng vô nghĩa. Anh chạy. Anh khóc. Anh vừa chạy vừa la hét. Cho tới khi một chiếc xe honda cập sát bên anh và người đàn ông quát tháo bảo anh ngồi lên xe…Nhưng đã quá muộn. Hiến đã chết trên tay anh…
…Một căn phòng tối om nhưng Toàn cảm thấy hơi thở nóng hỏi của ít nhất bốn người đứng quanh mình.
- Anh Toàn, tại sao anh lại xách động biểu tình?
- Không, tôi không xách động biểu tình. Tôi tham gia với tư cách cá nhân. - Anh nói láo. Học trò anh bị bắt rất nhiều trong cuộc biểu tình sáng nay.
- Tôi không biết.
- Ai xúi giục anh biểu tình?
- Tôi xúi giục tôi!
- Làm thịt nó!
Toàn lãnh trọn một trận bè hội đồng. Anh khỏe quá, chịu đựng giỏi quá nên gần ba mươi phút sau mới thực sự không còn biết gì. Đến khi thức dậy, anh thấy mình nằm trên một băng ghế đá trong công viên vắng vẻ. Anh nhớ lại lúc cảnh sát dã chiến đến giải tán đám biểu tình thì hai thanh niên mặc quần xanh, áo trắng chạy honda đến đón đường anh. “Thầy lên xe nhanh, tụi em đưa thầy về nhà.” Anh vừa ngồi lên xe thì tên ngồi sau khóa tay anh lại, bịt mắt anh, đánh vào gáy anh một cái thật mạnh và anh ngất đi…
…Sau ngày giải phóng, anh vẫn dạy học bình thường, chỉ khác một điều là giờ đây anh chuyển sang dạy môn Văn. Vợ anh, bắt đầu có những toan tính cho việc sang định cư tại Mỹ, bên đó nàng có người anh ruột đang làm giám đốc một hãng sản xuất đồ điện tử. Toàn biết trước là mình sẽ không có mặt trong chuyến bay rời xa đất nước. Anh rất thương con, đứa con gái duy nhất. Anh không muốn xa con chút nào. Nhưng mẹ nó đã không còn yêu anh nữa không lâu sau ngày cưới. Sự mến mộ dành cho một tài hoa đã sớm bị thực tế phũ phàng dập tắt. Nàng không chịu đựng nổi một cuộc sống trong đó chồng mình thường xuyên bị rình rập, đe dọa, săn lùng. Tổ ấm gia đình trở thành nơi tụ họp lén lút của đám học sinh dấy loạn cực đoan, nơi chất chứa chấp những ấn phẩm bị cấm…Hôm anh lê cái thân xác rã rời, đau đớn về đến nhà là hôm mà giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly nước. Thái độ khó chịu và miễn cưỡng của vợ khi băng bó vết thương và săn sóc anh những ngày anh nằm dài trên giường báo cho anh biết tình nghĩa giữa hai người đã thật sự hết rồi. Từ đó là những chuỗi ngày khổ sở, ngột ngạt và mỗi người rắp tâm tìm cho mình một lối thoát êm ả nhất. Và cơ hội của nàng đã đến: một người đàn ông mạnh mẽ, ngọt ngào vừa tìm đến với nàng. Họ thật hạnh phúc bên nhau. Anh thấy nhẹ nhõm với ý nghĩ đối với anh, nàng chỉ có một bổn phận duy nhất là sinh cho anh một đứa con xinh đẹp, thông minh và nàng đã hoàn thành bổn phận đó. Giờ đây không có gì ngăn cản một người đàn bà đẹp và quyến rũ như thế được quyền yêu hết mình.
…Khi đã nhận được sự bảo lãnh từ phía người anh ruột, vợ anh như phát rồ, và điều gì đến phải đến như anh tiên liệu: nàng chủ động đề nghị ly hôn. Anh không có lý do gì để từ chối đề nghị này, bởi từ trước ngày giải phóng một năm đến giờ anh đã phớt lờ cuộc tình vụng trộm của nàng và người đàn ông nọ, đã coi như nàng hoàn toàn không lệ thuộc gì vào anh nữa, đã chấp nhận cho nàng được tự do vô giới hạn.
Anh có thử đưa ra một điều kiện mặc dù biết chắc là sẽ không được nàng chấp nhận và tệ hại hơn nữa, có thể bị nàng cho là anh ích kỷ, đớn hèn: anh xin được nuôi đứa bé, lúc đó đã được năm tuổi. Quả nhiên, điều đó đã xảy ra. Thật là khủng khiếp. Anh có thể bẻ gãy những lý luận vững chãi về triết học nhưng trước cơn cuồng loạn chữ nghĩa và giọng điệu của nàng, anh đành lặng im…Nàng cho anh một ân huệ cuối cùng: được liên lạc thư từ với con và được nàng trợ cấp nếu có thể…
Trước ngày lên máy bay, nàng đưa con đến chơi với anh trọn một ngày, còn nàng cùng với người chồng mới cưới đi chia tay bà con, bạn bè. Trong nhà không có gì cho con chơi, anh dẫn con đi sở thú, vào nhà thờ Đức Bà (anh cầu nguyện cho con được lớn lên yên lành nơi xứ người), anh lang thang qua các phố xá cho đến khi con bé mệt quá, thiếp ngủ trên vai anh thì chiều cũng vừa xuống…
…Anh về quê thăm má và em, để đỡ buồn. Nhà đông đủ cả, chỉ thiếu con Út. Bữa cơm trưa không có nó. Buổi tối cả nhà quây quần đọc kinh, lần chuỗi, cũng không thấy nó về. Nó là con bé ngoan đạo nhất nhà mà, tại sao vậy? Toàn cảm thấy một không khí buồn tủi, u uất bao trùm khắp nhà. Anh linh tính có điều gì chẳng lành xảy ra. Anh gặng hỏi mẹ:
- Con Út đâu cả ngày không thấy, hả má?
Hỏi mấy bà cũng không trả lời, chỉ tấm tức khóc. Thằng Ba, con Tư, con Năm lẩn đi đâu hết rồi. Toàn hét to:
- Con Út làm sao rồi?
Lúc này, má mới quay nhìn lên bàn thờ Chúa Giêsu và Đức mẹ Maria, rồi nhìn anh:
- Lạy chúa, con Út được ơn kêu gọi, nó đi tu rồi, Hai mà.
Toàn bàng hoàng. Trong nhà, người anh thương nhất là con Út; nó xinh đẹp, ngoan ngoãn và thánh thiện. Bây giờ, nó đã mười tám tuổi, nó đã lớn nhưng có nó đây anh sẽ ôm nó vào lòng như ôm đứa con gái của anh.
Con Út đi tu thật rồi sao? Ai sẽ mang lên Sài Gòn cho anh những giỏ cam vườn? Ai sẽ thường xuyên viết thư cho anh kể chuyện quê nhà? Toàn thấy trước là trong những ngày tới anh sẽ phải trăn trở, xót xa biết chừng nào khi nghĩ về con Út. Nó đã hiến dâng linh hồn và cả cuộc sống cho Chúa; đó là một thử thách nghiệt ngã nhất trên đời dành cho con người mà anh biết. Em sẽ không còn được nô đùa, chạy nhảy tùy thích. Em sẽ thôi không được ăn ngon, mặc đẹp tùy thích. Đối với mẹ và các anh chị, em cũng không được nhớ tưởng đến nhiều mà phải toàn tâm toàn ý hướng về Chúa…Phải chăng em mong muốn đáp lại ước nguyện cháy bỏng ruột gan của cha con mình cho đến nhắm mắt là mong trong nhà có được một người con được ơn kêu gọi Chúa?
Đột nhiên, trong đầu Toàn dậy lên một mối hồ nghi: giọng khóc của má chứa đựng nhớ thương thì ít mà tức tưởi, đau đớn thì nhiều.
- Có điều gì má còn giấu con?
Cuối cùng, sự thật đã được thằng Ba nói ra: Có một đơn vị bộ đội về đóng quân trên xóm Dừa, phía sau nhà thờ. Theo như con Út kể lại trong đơn vị có một cậu bộ đội tên Tuấn rất ngoan đạo nhưng bỏ đi lễ, bỏ xưng tội đã lâu. Vì vậy được đóng quân cạnh nhà thờ cậu ta mừng lắm, lại đi lễ hằng ngày. Rồi nó nghe con Út hát thánh ca, nó để ý thương. Con Út phải lòng cậu ta. Tình cảm nhẹ nhàng thôi nhưng ai cũng biết. Vậy rồi xảy ra một chuyện động trời: cậu Tuấn đào ngũ. Cậu ta trốn đi ngay trong đêm đơn vị liên hoan với thanh niên địa phương để sáng hôm sau chuyển quân đi nơi khác. Con Út không hay biết chuyện người yêu nó đào ngũ. Nó chỉ nghe nói mai đơn vị bộ đội chuyển đi là lật đật chạy xuống thăm và chia tay với Tuấn. Khi con Út tới thì thấy đám thanh niên địa phương đã say khướt, cùng với đa số bộ đội. Thấy con Út, người ta đột ngột nhận ra sự vắng mặt của cậu Tuấn. Vậy là đổ xô nhau đi tìm, đồng thời con Út bị giữ lại để tra hỏi. Người ta một mực cho rằng con Út rủ rê cậu Tuấn đào ngũ. Con nhỏ khóc lóc mấy cũng không ai tin. Người ta yêu cầu con nhỏ dẫn đường cho bốn thanh niên địa phương đi tìm cậu Tuấn. Con nhỏ không chịu đi thì bị lôi kéo. Con nhỏ phản ứng thì bị hăm dọa. Và bốn tay thanh niên đó đã lợi dụng bóng tối…
- Út ơi…
Đêm ấy, nếu có thể đổi được mạng sống của mình để lấy sự trinh trắng hồn nhiên của đứa em gái Toàn sẽ không một chút do dự. Đêm ấy, lần đầu tiên anh có ý nghĩ rằng giáo hội Thiên Chúa giáo đã rất sáng suốt khi cho thành lập các nữ tu viện. Giáo hội đã làm sáng danh Chúa trong việc xây dựng một thế giới thứ hai trên trái đất này…Nghĩ vậy, nhưng nước mắt Toàn cứ chảy đầm đìa vì thương em…
Sau thảm kịch của đứa em gái, Toàn đâm ra chán nản cùng cực và bỏ nhiệm sở. Và để có thể sống qua ngày anh phải đi dạy kèm Anh văn cho những người sắp xuất cảnh, trong đó có mấy đứa của của ông chủ ngôi biệt thự Hoàng Hôn; rồi chính trong ngôi biệt thự này, nơi có một sòng xì-phé sang trọng và kín đáo, Toàn trở thành con bạc khét tiếng. Thoạt đầu, sau những giờ dạy, anh lân la tới ngồi xem. Không khí đối đầu căng thẳng, hồi hộp và cuộc đấu trí quyết liệt một mất một còn giữa các tay chơi dần dà quyến rũ anh. Một trò chơi tâm lý cao cấp rất thích hợp với đầu óc ưa xét đoán của anh. Anh hẹn với mình sẽ có ngày ngồi xuống bên cạnh họ. Ngày đó đã tới: anh nhận được đô la từ Mỹ gởi về. Lần chơi đầu tiên anh gặp may, vét sạch tiền vàng trong túi các “đồng sòng”. Được kích thích, anh chơi tiếp và lại gặp may.
Anh trở thành kẻ đam mê lúc nào không hay. Anh không còn quan tâm đến xã hội bên ngoài cánh cổng ngôi biệt thự Hoàng Hôn mặc cho ngày tháng trôi đi cùng với những canh bạc thâu đêm suốt sáng, những giấc ngủ mê mệt…
Trong làng cờ bạc chuyên nghiệp, có lẽ chuyện xảy ra với Toàn sau cái đêm trắng tay đó là chuyện có một không hai.
Nửa khuya Toàn về đến nhà và đánh một giấc đến chiều hôm sau. Thức dậy trong tâm trạng ê chề tuyệt vọng, đầu óc mê muội, tối ám của Toàn lờ mờ hiện lên một ý nghĩ tự sát, một ý nghĩ so sánh cuộc sống vô nghĩa rỗng tuếch của mình với miếng giẻ rách nằm ở góc nhà, một ý nghĩ giá như giấc ngủ cứ kéo dài vô tận. Không dự định gì cho buổi tối. Không chờ đợi gì ngày mai. Không tiếc nuối, buồn rầu vì túng bấn. Không thấy đói. Không thấy khát. Không biết phải bắt tay vào công việc gì bây giờ trong căn nhà trống vắng.
Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa. Người đàn ông Hà Nội đêm qua ở sòng bạc xuất hiện trước mắt anh như một bóng ma. Anh thấy lạnh buốt ở sống lưng. Anh mất hết tự chủ, nói lắp bắp:
- Anh tìm tôi?
Người đàn ông trả lời, vẻ tươi tắn hiện trên khuôn mặt:
- Tôi đến thăm anh và có một chút chuyện.
Toàn sực tỉnh:
- Mời anh vào nhà.
Có khách đến, Toàn tự dưng ngửi thấy mùi ẩm mốc bốc lên nhà trong nhà, thấy rõ bụi bặm phủ dầy trên bàn ghế, ly tách và các loại sách báo, nhật trình bừa bộn khắp nơi. Anh lúng túng đến mức muốn phát cáu lên với chính mình. Rất may là người khách không để mắt tới bất cứ điều gì, ông tự tìm một chiếc ghế.
Toàn bật điện, mở quạt và ngồi xuống trước mặt người khách.
- Xin lỗi anh Toàn về sự đường đột này- ông Bằng nói sau khi nhận điếu thuốc từ tay Toàn - Tôi biết được địa chỉ của anh là qua anh Hoàng.
Toàn ngước lên, nhìn sâu vào mắt người khách thay cho câu hỏi: Có chuyện gì vậy?
- Tối qua sau khi tan sòng, tôi hỏi thăm anh Hoàng để biết qua danh tánh của anh, và tôi thật không ngờ đã gặp được anh là nhà văn mà tôi đã đọc khá nhiều trong một hoàn cảnh lạ lùng như thế.
Toàn thở phào:
- Trước giải phóng tôi có viết, nhưng cũng không nhiều lắm. Văn chương tôi thì khô khốc, nhọc nhằn…ít người đọc.
Dường như không để ý đến điều Toàn nói, ông khách tiếp:
- Tôi có một người em trai họ ở đây là độc giả trung thành của anh. Sau giải phóng ít lâu cậu ta có việc đi công tác ra Hà Nội, mang theo mấy cuốn sách của anh. Trao tất cho tôi, cậu ta bảo tôi phải đọc cho bằng được. Anh trở thành nhà văn Sài Gòn đầu tiên mà tôi được đọc…
- Cám ơn. Anh cho tôi nghe câu chuyện để thú vị quá…- Toàn giấu không để lộ ra trong giọng nói của mình cảm xúc ngậm ngùi. Từ lâu anh đã quên mình là một nhà văn. Từ lúc nào không rõ anh đã thành kẻ đứng bên lề cuộc sống và văn chương…- Xin lỗi, chắc anh Bằng cũng là người trong làng văn ngoài ấy?
Cuộc trò chuyện đã tự nhiên và thân mật hơn. Bằng vui vẻ:
- Tôi học điện ảnh ở Nga về nhưng không có cơ hội nào để làm phim cả. Thế là tôi tọc mạch cây bút với trang giấy.
Toàn bất giác thở dài:
- Đã nhiều năm nay tôi gần như không quan tâm gì tới văn chương nữa, và cho đến giờ phút này anh là người đầu tiên còn nhắc đến những cuốn sách của tôi…
Rồi Toàn thầm nghĩ: Người khách này thật lạ! Tuy vậy ông ta chưa làm gì khiến mình khó chịu. Ông ta tỏ ra thành thật.
Anh hỏi ý kiến ông khách rồi lấy rượu ra. Rượu, những chai rượu dở dang, luôn có sẵn trong nhà anh.
Hai người cụng ly, không nói gì, uống cạn.
Rót đầy cho mỗi người một ly mới, Bằng nói, một hơi rành rọt:
- Tôi lại phải xin lỗi anh về sự đường đột…Tối qua tôi thử thời vận và gặp may mắn quá lớn. Hôm nay tôi đến đây là để hoàn trả anh số tiền anh thua tôi trong ván bài sau cùng.
Toàn sửng sốt, suýt làm đổ ly rượu.
- Tôi thề là không hề có ẩn ý nào khác…Tôi đã quyết định làm thế này ngay từ tối qua lúc rời khỏi nhà anh Hoàng. Sẽ không có thêm một lần nào tôi và anh lại ngồi sát phạt nhau. Mong anh hiểu tôi.
Trong lòng Toàn dậy lên một cảm giác nôn nao. Anh còn biết nói gì khi tất cả đã rõ ràng: trước mặt anh chỉ có thể là một người thành thực.
Chai rượu vơi đi rất nhanh. Họ nói với nhau đủ mọi thứ chuyện từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ điện ảnh tới văn học, từ chiến tranh tới hòa bình…Và khi đề tài đàn bà xuất hiện thì Bằng bỗng trở nên hào hứng, sôi nổi hơn lúc nào hết.
- Phụ nữ Sài Gòn hiện đại lắm phải không?- Bằng hỏi. - Về mặt nào chứ?
- Chăn gối ấy.
- Hiện đại về mặt chăn gối à? Trời đất, chữ với nghĩa. Nhưng làm sao có thể khái quát nổi, hả ông?
Lần nào cũng vậy, bà Thứ, mẹ Phương luôn luôn đón Toàn bằng thái độ
vừa niềm nở vừa trách móc. Nhưng hôm nay, trong ánh mắt long lanh của bà chỉ có toàn là sự trách móc.
- Lâu ngày mới gặp anh. Chắc anh bận công chuyện dữ lắm?- Bà nói mát mẻ.
Toàn trả lời ngập ngừng:
- Dạ.
- Không hiểu sao con Phương nó gây gổ với tôi suốt cả tuần nay?
Bà làm bộ không hiểu đấy thôi. Chính là bà muốn đổ trách nhiệm cho Toàn, khéo léo nhắc nhở Toàn về chuyện tình cảm đứa con gái tuổi Dần của bà. Nàng đang sốt ruột được anh ngỏ lời hỏi cưới.
- Tính tình Phương thật khó, bác à- Toàn đáp cho có chuyện, cố tránh cái nhìn quyết liệt của bà Thứ.
- Không, nó chỉ mới khó gần đây thôi- Bà Thứ nghiêm giọng.
Những điệp khúc bóng gió quen thuộc lại vang lên, nhưng hôm nay âm điệu nghe chừng sắc nhọn hơn. Anh chỉ mong Phương sớm có mặt ở đây, tự khắc bà Thứ sẽ đứng dậy, giải thoát cho anh. Những lần trước, anh có thể chủ động xin phép bà Thứ rồi lên phòng riêng của Phương trên lầu. Hôm nay thì anh ngại ngùng. Anh linh cảm thấy từ phía bà Thứ một mối đe dọa ngấm ngầm.
Bất ngờ, bà Thứ hỏi:
- Anh vẫn còn lui tới chỗ biệt thự Hoàng Hôn chứ?
Như sét nổ bên tai, Toàn choáng váng. Không thể giấu đi được bộ mặt thất sắc đang tự tố cáo mình, Toàn đành gật đầu. Anh chưa kịp suy nghĩ tìm cách đối phó, tránh né thì bà Thứ đã ném tiếp vào mặt Toàn một câu phũ phàng như cái tát:
- Đó là một chốn ăn chơi trụy lạc, tôi biết.
Toàn sắp buông xuôi đến nơi. Nhưng anh cố giữ bình tĩnh, nói với vát: - Cháu từng dạy kèm ở đó…
- Tôi biết.
Đến lúc nào đó bà sẽ chính thức nguyền rủa anh đây? Mục đích của bà phải chăng là muốn tống cổ anh ra khỏi nhà ngay lúc này? Toàn mong cho điều đó sớm xảy ra còn hơn là cứ ngồi như trời trồng ở đây cho bà mỗi lúc lại cứa vào lòng anh một nhát dao. Và nhát dao mạnh mẽ nhất, ác độc như anh chờ đợi đã tới:
- Anh thất vọng gì ghê gớm lắm đến mức phải trốn vào trong đó?
Không phải là câu hỏi, đây là lời phán quyết lạnh lùng. Bà sẽ sa xuống hỏa ngục đời đời, bà Thứ à! Toàn nghĩ.
- Thôi má!
Phương đột ngột hiện ra phía sau lưng bà Thứ, lên tiếng.
Bà Thứ lẳng lặng bỏ đi sau khi ném về phía Toàn cái nhìn đầy ác cảm.
Phương cũng đã biết hết mọi chuyện về mình! Ý nghĩ đó vang vang trong đầu Toàn. Anh cảm thấy khó thở, nóng hổi như đang lên sốt. Anh có cảm giác mình đang ngồi giữa đống đổ nát…
- Má đã lật tẩy anh rồi hả!- Phương vừa nói vừa dập cái tàn thuốc con cháy khét lẹt trong chiếc gạt tàn.
Toàn giật mình, Phương là một cô gái tinh quái nổi tiếng từ hồi còn là học sinh của anh. Khi đã là cô giáo, nàng càng tự hào cho rằng sự tinh quái trong xử thế, nhất là đối với đàn ông, là một vũ khí lợi hại của nàng. Nhờ nó nàng đã loại bỏ được không chỉ những gã đàn ông nhạt phèo bám theo nàng một cách ngu si, mà ngay với những tay xảo quyệt nàng cũng mau chóng nhận ra tim đen của bọn họ và gạt phắt những lời tỏ tình đầy chữ nghĩa…
Chỉ có những người phụ nữ thông minh và tinh quái như Phương mới có thể dùng được từ “lật tẩy” để nói về hoàn cảnh thảm hại của anh lúc này…Nhưng Toàn không cảm thấy bị hạ nhục như trước những câu hỏi giản dị mà thẳng thừng của mẹ nàng. Vẻ kiên nhẫn và ái náy của Phương từ nãy giờ khiến Toàn cảm động. Bây giờ, điều trước tiên là phải trấn an nàng. Anh nói:
- Với riêng anh, mẹ em nói có những điều khăng khăng quá đáng. Con bài tẩy của anh không nằm trong biệt thự Hoàng Hôn đâu.
Khuôn mặt Phương chợt lắng buồn:
- Anh bao giờ cũng tỏ ra bí ẩn, khép kín với em. Giờ đây em biết thêm là em không mang lại cho anh nhiều niềm vui.
Phương còn là một người giàu tưởng tượng và cả nghĩ. Nàng có thể đi xa hơn trong suy đoán nếu như…
Toàn đến gần bên Phương, đỡ nàng đứng lên:
- Ta đến một quán vắng vẻ nào đó đi. Anh đói lắm. Có thể sáng nay là một trong những buổi sáng xui xẻo của anh.
Mùi hương quen thuộc từ thân thể nàng, hôm nay, có thể vì được pha thêm với nỗi buồn tỏa khắp gương mặt, bỗng trở nên đậm đà quyến rũ hơn. Anh muốn ôm lấy cái dáng dấp sầu não của nàng, lần đầu tiên anh nhìn thấy, nhưng nhớ tới ánh mắt của bà Thứ, anh lại thôi.
Và Phương, nàng cũng đứng im nóng lòng chờ đợi vòng tay của Toàn. Đã thiếu vắng lâu ngày những cảm giác mê đắm hạnh phúc, gần đây nàng hay lo sợ nó không có thực nữa. Nàng mong anh từng giờ, từng ngày, hốt hoảng trước một mùa hè trôi đi quá nhanh mà anh thì thoắt có thoắt không. Câu chuyện về về biệt thự Hoàng Hôn và anh do mẹ kể lại với giọng điệu giận dữ khinh miệt đã thực sự giết chết những hy vọng cuối cùng của nàng…Nhưng hôm nay anh đã tới, đã đứng đây rất âu yếm sát bên nàng. Có thực không?
- Anh không hôn em sao?- Phương suýt òa lên khóc.
Toàn bóp nhẹ bàn tay nàng, nói nửa đùa nửa thật:
- Anh tưởng là kể từ sáng nay anh đã bị tước mất cái quyền đó rồi.
Toàn bối rối liếc nhìn quanh như tên trộm. Không để cho Toàn kịp nói gì, Phương nhón chân áp chặt vào chàng, choàng hai tay qua vai, nhẹ nhàng ôm lấy đầu anh, kéo sát xuống khuôn mặt nàng.
Khi hai người rời nhau, Toàn làm như chẳng có chuyện gì xảy ra:
- Anh đói lắm rồi.
Phương nhìn anh giận dữ:
- Anh thật thô bỉ!
- Em mới là hỗn xược!- Toàn vẫn tĩnh bơ, châm chọc.
Phương vung tay định tát vào mặt Toàn, nhưng Toàn đã kịp ngăn lại. Phương không nhịn được cười.
Một lúc sau, khi đã vào quán ăn, tiếng cười đùa của cả hai đều biến mất, thay vào đó là cuộc nói chuyện nặng nề chưa từng có.
Quán nằm trên một con đường vắng, dành cho những thực khách có túi tiền vừa phải. Toàn ăn cơm tháng ở đây từ thời sinh viên. Sau khi trở về đời sống độc thân, anh lại tìm đến nó. Chủ quán, ông Ngữ, là người đàn ông trầm lặng dễ mến. Trước giải phóng hai vợ chồng ông đều là luật sư có tiếng ở Sài Gòn. Nhưng một tai nạn xe cộ thảm khốc đã cướp đi người vợ và lấy mất của ông hơn nửa ống chân. Ông ở vậy, mở quán ăn bình dân, nuôi hai đứa con trai nhỏ. Với anh, ông là người độc giả đầu tiên đọc những tác phẩm còn nằm trên bản thảo. Và dĩ nhiên ông trở thành nhà phê bình đầu tiên của anh…Ngược lại, thi thoảng ông kể cho anh nghe về những phiên tòa nhớ đời của ông. Ông có một nguyên tắc là không bao giờ nhận bào chữa cho các bị cáo là viên chức cao cấp trong bộ máy chính quyền và quân đội của chế độ cũ. Hỏi vì sao thì ông nói rằng bọn họ có cả một guồng máy bảo vệ lẫn nhau rồi, chẳng cần gì đến mình. Ông có một kỷ niệm cay đắng với bọn họ, có thể viết thành sách, ông nói, nhưng để in cho được thì “còn khuya”. Sau giải phóng Toàn nhắc lại chuyện cuốn sách, ông chỉ lắc đầu thở dài…Đám cưới Toàn, ông chống nạn đến dự, tặng anh một chai rượu tự tay anh cất lấy. Ngay giữa cuộc vui, ông ghé tai Toàn nói một câu dễ sợ: “Tôi nhìn cặp mắt sắc sảo của vợ anh, tôi bỗng dưng e ngại…”. “E ngại cái gì?”- Toàn hỏi lại. Ông không nói, cười giả lả, nhẹ nhàng đẩy Toàn qua một bên…Có gia đình riêng rồi nhưng Toàn vẫn giữ được một thông lệ là mỗi đầu tháng đưa vợ (và sau này thêm con gái) đến ăn ở quán ông. Vợ anh tỏ ra rất thích những món ăn thuần túy Việt Nam ở đây, mà ngon miệng nhất là món dưa muối, cà pháo chấm mắm tôm. Trước khi đi xuất cảnh, nàng có mấy lần đưa con và người chồng mới toanh của mình đến quán, ăn những bữa ăn kéo dài phát sốt ruột làm con bé phải ngủ gục trên đùi người đàn ông. Ông Ngữ kể lại với Toàn. Ông còn kể thêm về cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa nàng và ông khi lần đầu tiên nàng đưa người khách lạ đến quán. Trước cái nhìn kỳ dị của ông Ngữ, nàng vẫn tự nhiên duyên dáng để cho người đàn ông dìu vào quán. Nàng vui vẻ chào ông rồi đi thẳng vào bên trong. Ông thấy nàng không ngồi vào chỗ cũ của Toàn. Từ đó, nàng một mình đi tới phía ông. So với những lúc bên cạnh Toàn thì hôm nay nàng lộng lẫy và tươi trẻ hơn nhiều. Nàng nói qua đôi môi khêu gợi và kênh kiệu:
- Chào anh Ngữ…Em rất tiếc phải báo cho anh hay, em và Toàn đã chia tay rồi.
- Tôi cũng rất tiếc- Nói vậy, nhưng trong đầu ông có một ý nghĩ khác hẳn- Nhưng sao đến nỗi như vậy?
- Dài dòng lắm, anh Ngữ à. Nhưng nói ngắn gọn cũng được: anh ấy là communist thứ thiệt, em không thể sống chung được.
- Ông Toàn mà là communist à?
Nàng gật đầu, vẻ sợ sệt:
- Người ta đã giao cả súng ngắn cho anh ấy! Ông Ngữ không thèm để ý đến câu nói cố tình gây sự chú ý của nàng, ông muốn chấm dứt câu chuyện:
- Đã không sống được với nhau thì chia tay là phải rồi. Chúc mừng chị đã sớm có hạnh phúc mới!
- Anh ấy và em sắp đi Hoa Kỳ…Sang bên ấy em sẽ nhớ quán ăn của anh lắm đó.
Ông gật đầu, cười cười, thầm mong nàng quay đi cho xong. Quán đang giờ vắng khách, ông không có cớ gì để lẩn tránh nàng, người đàn bà mà ngay lần đầu tiếp xúc đầu tiên ông đã thấy khó ưa. Cuối cùng rồi thì nàng cũng buông tha cho ông sau khi đã “tra tấn” bằng đủ mọi thứ chuyện từ chửi bới, dè bỉu chế độ mới (dĩ nhiên, Toàn trở thành một trong những gương mặt đại diện) đến luyến tiếc ngợi ca chế độ cũ và thế giới tự do mà nàng sắp sửa được bay vào.
Ông nghĩ đến Toàn, thấy tội nghiệp cho anh. Điều tiên tri của ông hôm đám cưới (dù ông chưa nói ra hết) nay đã thành sự thật. Nhưng ông đã có bằng chứng cho thấy sự thật ấy không có gì bẽ bàng hay khủng khiếp. Nó đáng được Toàn chấp nhận. Chỉ tiếc một điều là anh đã mất đứa con gái. Nhưng mà, bất chợt một ý tưởng bén nhạy xuất hiện trong đầu ông: Cũng cần tiết lộ cho quỉ dữ để thoát khỏi tay nó!
Sau rất nhiều năm ngậm ngùi thương người bạn trẻ đi đi về về lủi thủi, sáng hôm nay, điều ông Ngữ mong chờ đã tới: Toàn và một cô gái trẻ đẹp trên hai chiếc xe đạp đang dừng lại trước quán…