Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Thiên Long bát bộ (bản mới)

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 220780 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thiên Long bát bộ (bản mới)
Kim Dung

Hồi 49(a)

Giàu sang phú quí mà chi,  Xem như dép cũ bỏ đi cho rồi.
Cuộc đời mây nổi ai ơi,  Đến như sống chết đã coi ra gì.
*
* *


   Trong hoàng cung Đại Lý, Đoàn Chính Minh truyền ngôi cho cháu là  Đoàn Dự, dặn dò phải biết ái dân, nạp gián, lại nhắn nhủ việc nước  không được bừa bãi làm càn, dấy động binh đao. Cũng vào thời kỳ đó, nơi  kinh đô Biện Lương nhà Đại Tống,  trong hoàng cung ở hậu các Sùng  Khánh điện, thái hoàng thái hậu Cao thị bệnh nặng, đang trăn trối cho  cháu là Triệu Hú(1) :
- Hài nhi, tổ tông sáng nghiệp thật gian nan vất vả, nhờ phúc trạch  ông cha thâm hậu nên mới có cảnh tượng thái bình như ngày hôm nay.  Thế nhưng cha ngươi khi trị nước để cho dân tình sôi sục, suýt nữa gây ra  đại biến, đến giờ trăm họ nghĩ đến còn kinh, ngươi có biết vì do đâu  chăng?
Triệu Hú đáp:
- Hài nhi thường nghe nãi nãi2 nói rằng, phụ hoàng nghe lời Vương  An Thạch, sửa đổi phép tắc cũ khiến cho dân chúng không đủ sống.
Khuôn mặt khô héo của thái hoàng  thái hậu hơi rung động, thở dài  nói:
- Vương An Thạch là người có học vấn, có tài năng, vốn không phải  là kẻ xấu. Dụng tâm tuy là vì nước  vì dân, có điều … ôi … chỉ bởi cha  ngươi, vốn dĩ tính tình nóng nảy, chỉ mong sao chóng thành công, có biết  đâu việc trên đời này dục tốc tắc bất đạt, thành ra rối loạn hỏng việc.
Bà lão nói đến đây ho sù sụ một hồi rồi mới tiếp:
- Thứ đến … thứ đến y không bao giờ muốn nghe câu nào trái tai, chỉ  thích người ngoài ca công tụng đức, gọi y là thánh minh thiên tử y mới vui  lòng, còn như bảo y sai lầm không đúng, can gián một câu thì lập tức nổi  cơn lôi đình, kẻ thì bãi chức, người thì đi đày, cứ như thế, còn ai dám trực  ngôn can gián nữa?
Triệu Hú đáp:
- Bà ơi, tiếc thay di chí của phụ hoàng chưa thành, bao nhiêu lương  pháp mỹ ý của tiên đế đều bị kẻ tiểu nhân làm hỏng cả.
Thái hoàng thái hậu hoảng hốt, run rẩy hỏi lại:
- Cái … cái gì mà lương pháp mỹ ý? … Ai … ai là tiểu nhân?
Triệu Hú đáp:
- Phụ hoàng đặt ra phép thanh miêu, phép bảo mã, phép bảo giáp …  chẳng phải là phú quốc cường binh lương pháp thì là gì? Chỉ hận bọn hủ  nho Tư Mã Quang, Lã Công Trứ, Tô Thức làm hỏng đại sự.
Thái hàng thái hậu biến sắc,  chống tay cố ngồi lên nhưng đã suy  nhược quá rồi, thân hình chỉ nhỏm lên được một hai tấc rồi không gượng  nổi nữa, ho sù sụ. Triệu Hú nói:
- Bà nội đừng tức tối, hãy nằm xuống nghỉ đi, sức khỏe mới là quan  trọng.
Tuy miệng y thì khuyên bảo như thế nhưng giọng điệu chẳng có chút  nào thân cận. Thái hoàng thái hậu ho một hồi, tạm bình tĩnh lại nói:
- Hài nhi, cháu làm hoàng đế cũng đã chín năm rồi, thế nhưng trong  chín năm đó … trong chín năm đó, người làm vua đích thực là bà nội đây,  chuyện gì cháu cũng nghe lời bà mà làm, trong bụng … trong bụng cháu  chắc tức tối lắm, ghét bà lắm, có phải không?
Triệu Hú đáp:
- Bà nội làm hoàng đế giùm cháu,  ấy là thương cháu chứ, sợ cháu  làm hỏng việc đấy thôi. Dùng người cũng bà dùng, thánh chỉ cũng bà đưa  xuống, hài nhi thật là rảnh rỗi, có gì không thích đâu? Sao cháu lại trách  bà được?
Thái hoàng thái hậu thở hắt ra, khẽ nói:
- Mày thật giống cái thằng cha mày, cứ cho là mình thông minh tài  trí phải làm nên một đại sự nghiệp. Trong bụng ngươi ghét ta lắm, không  lẽ … không lẽ ta lại không biết hay sao?
Triệu Hú mỉm cười khinh khỉnh nói:
- Bà nội chuyện gì chẳng biết.  Trong cung ngự lâm quân cũng là  người thân tín của bà, chỉ huy nội thị thái giám cũng là tâm phúc của bà,  trong triều văn võ đại thần cũng do bà sắp đặt. Hài nhi ngoài việc ngoan  ngoãn nghe lời bà dặn bảo ra, có dám tùy tiện làm gì đâu, có dám nói gì  đâu?
Thái hoàng thái hậu nhìn lên đình màn nói:
- Ngươi ngày ngày mong mỏi chuyện hôm nay, chờ tới khi ta bệnh  chết rồi, lúc đó … lúc đó mới tha hồ mặc sức bay nhảy.
Triệu Hú đáp:
- Chuyện gì cũng do bà ban cho hài nhi, trước đây nếu không có bà  nội chủ trì, khi phụ hoàng băng giá, triều đình nếu chẳng lập Ung Vương  thì cũng lập Tào Vương. Ơn sâu của  bà nội, hài nhi đâu thể nào quên  được? Có điều … có điều…
Thái hoàng thái hậu nói:
- Có điều cái gì? Ngươi muốn nói gì thì cứ nói ra, sao lại còn ấp úng  mãi thế?
Triệu Hú đáp:
- Hài nhi từng nghe người ta nói rằng,  sở dĩ bà muốn lập cháu lên  làm vua, chỉ vì hài nhi còn nhỏ, có thế mới dễ cho bà tự mình đảm trách  việc triều chính.
Y thu hết can đảm nói được câu đó ra, tim đập thình thình, nhìn trộm ra  ngoài cửa mấy lượt, thấy những thái giám canh gác ngoài điện môn đều  là người tâm phúc của mình, thủ vệ nghiêm mật, thế mới yên tâm.
Thái hoàng thái hậu chậm rãi gật đầu nói:
- Ngươi nói quả không sai. Ta quả muốn chính mình cai trị quốc gia,  trong chín năm qua ta làm việc ra thế nào?
Tây Hạ lấy trong túi ra một cuộn giấy nói:
- Bà ơi, những lời ca công tụng đức của văn sĩ trong triều ngoài nội,  trong chín năm qua không biết là bao nhiêu, chắc bà nghe đã phát chán  rồi. Hôm nay ở phương bắc có người xuống đây, nói rằng tể tướng nước  Liêu có một bản tấu chương dâng lên Liêu đế, có đề cập đến việc thi  hành chính sách của bà nội. Đây là nghị luận của đại thần nước Liêu, nãi  nãi có muốn nghe không?
Thái hoàng thái hậu thở dài:
- Cả thiên hạ khen thì cũng thế mà cả thiên hạ chê thì cũng vậy, lão  … lão thân chắc chẳng sống được tới chiều nay đâu. Ta … ta chẳng biết có  còn thấy mặt trời mọc ngày mai nữa không? Tể tướng Liêu quốc … y … y  nói về ta thế nào?
Tây Hạ mở cuốn trục ra nói:
- Trong tấu chương gã tể tướng đó nói thái hoàng thái hậu: Từ khi ở  sau rèm đến nay3, tuyển dụng danh thần, bãi bõ chính sách hà khắc của  tân pháp, trông coi triều chính chín năm qua, triều đình sáng sủa, Hoa hạ  yên ổn. Ngăn chặn các thăng thưởng vô lối, bãi bỏ các ân sủng cho người

 

 

 

 

 

nhà, các tấu chương trình lên, lớn  nhỏ đều coi xét kỹ lưỡng, suốt đời  không tơ hào một li …
Y đọc đến đây, ngừng lại một chút, thấy ánh mắt lờ đờ của thái hoàng  thái hậu lóe lên một vẻ phấn khởi, liền đọc tiếp xuống:
- … người đời gọi bà ta là nữ trung Nghiêu Thuấn!
Thái hoàng thái hậu lẩm bẩm:
- Người đời gọi là nữ trung Nghiêu Thuấn! Người đời gọi là nữ trung  Nghiêu Thuấn! Dù có thực là Nghiêu Thuấn chăng nữa thì cũng không  thể không chết.
Đột nhiên trong đầu óc mỗi lúc một mơ hồ chậm lụt của bà nảy ra một  điểm linh quang, bèn hỏi:
- Tại sao tể tướng nước Liêu lại nhắc đến ta? Hài nhi, cháu … cháu  phải lưu tâm, bọn họ biết ta chết rồi là sẽ chèn ép cháu ngay.
Trên khuôn mặt non trẻ của Triệu Hú lộ vẻ kiêu ngạo nói:
- Định chèn épcháu ư? Hừ, đúng thế đấy nhưng chắc không phải dễ  đâu. Bọn Khất Đan có thám tử ở Đông Kinh, biết nãi nãi đang bệnh nặng,  bộ mình không có người dò thám ở Thượng Kinh hay sao? Tấu chương  của tể tướng bọn chúng mình chả có trong tay là gì? Quân dân Khất Đan  bàn tính, một khi bà … một khi bà thiên thu vạn tuế rồi, nếu như văn võ  đại thần không có gì thay đổi, không  thi hành tân pháp, bảo vệ bờ cõi,  nhân dân yên ổn thì không sao. Còn như nếu hài nhi … hà hà … có gì làm  ẩu làm liều … khinh suất vọng động, thì bọn chúng cũng lớn mật làm càn  một phen.
Thái hoàng thái hậu hoảng hốt hỏi:
- Họ định sẽ xua quân xuống phương nam ư?
Tây Hạ đáp:
- Đúng vậy.
Y quay người đi ra phía cửa sổ, nhìn theo cái cán chòm sao Bắc đẩu  thấy ngôi đế tọa lấp lánh trên bầu trời, lẩm bẩm nói một mình:
- Đại Tống ta binh tinh mã nhuệ, lương thảo đầy đủ, dân số lại đông,  lẽ nào lại sợ bọn Khất Đan? Bọn chúng không đem quân xuống nam thì  ta cũng xua quân lên bắc thử một keo cho biết.
Thái hoàng thái hậu tai nghễnh ngãng nghe không rõ hỏi lại:
- Ngươi nói gì? Cái gì mà thử một keo cho biết?
Triệu Hú đi đến bên giường bệnh nói:
- Nãi nãi, người Đại Tống chúng ta so với người Liêu đông gấp  mười, lương thảo gấp ba mươi lần,  có phải thế không? Lấy mười chọi  một, không lẽ đánh không lại chúng sao?
Thái hoàng thái hậu run run hỏi:
- Ngươi định gây chiến với nước Liêu chăng? Chân Tông hoàng đế  năm xưa anh vũ là dường nào, ngự giá thân chinh vậy mà còn phải lập  minh ước Thiền Uyên, ngươi … ngươi  lẽ nào lại dám tính chuyện đao  binh?
Triệu Hú hậm hực đáp:
- Bà vẫn cứ coi thường hài nhi, cứ coi cháu như đứa trẻ miệng còn  hơi sữa, chẳng biết chuyện gì. Hài nhi tuy không bằng vua Thái Tổ, Thái  Tông nhưng chưa chắc đã kém gì Chân Tông hoàng đế!
Thái hoàng thái hậu nói nhỏ:
- Đến như Thái Tông hoàng đế, năm xưa cũng còn thua Bắc quốc,  trọng thương phải quay về, vết thương  không khỏi nên chính vì thế mà  băng hà.
Triệu Hú nói:
- Chuyện trong thiên hạ, đâu phải cứ có một bề mà luận. Trước kia  mình đánh không lại bọn Khất Đan đâu phải mãi mãi lúc nào cũng thua.
Thái hoàng thái hậu có biết bao nhiêu điều muốn nói, nhưng thấy tinh  lực càng lúc cào hao kiệt dần, trước mắt chỉ thấy một quầng mây trắng  bay qua bay lại, trong óc trống rỗng, nói năng đã cực kỳ gian nan nhưng  trong đáy lòng bà ta vẫn có một tiếng nói hết sức rõ ràng vọng lên: “Việc
chiến tranh là nguy hiểm, sinh linh đồ thán, nhất quyết không thể khinh  suất làm càn”.
Một lúc sau bà ta mới lấy hơi, chậm rãi nói:
- Hài nhi, trong chín năm qua ta nắm hết đại quyền, chưa từng cùng  ngươi phân tích cho rõ ràng, nãi nãi quả là thiếu sót. Ta vẫn tưởng mình  chắc còn sống được lâu, đợi đến khi ngươi khôn lớn rồi, lúc đó mới chỉ  bảo cho cháu, ắt ngươi sẽ hiểu biết tường tận, có ngờ đâu … có ngờ đâu …
Bà lão ho khan mấy tiếng nói tiếp:
- Chúng ta người đông lương đủ, điều đó không sai. Có điều người  Đại Tống văn nhược, không dũng  mãnh như người Khất Đan. Hơn nữa  một khi đánh nhau rồi, quân dân gan óc đầy đất, không biết bao nhiêu  người chết, cháy không biết bao nhiêu nhà cửa, thiên hạ không biết bao  nhiêu gia đình nhà tan người chết, vợ chồng chia lìa, con cái ly tán. Làm  vua thì lúc nào cũng phải nghĩ đến điều “nhân”, không nói gì chuyện  thắng bại chưa liệu trước được, mà  dẫu ở thế tất thắng chăng nữa nếu  không phải đánh thì vẫn hơn.
Triệu Hú đáp:
- Yên Vân thập lục châu của ta bị bọn người Liêu chiếm mất, hàng  năm mình còn phải tiến cống cho chúng vàng bạc lụa là, chẳng khác gì  phiên thuộc, lại như nước bầy tôi, hài tử thân làm thiên tử Đại Tống, cái  nhục đó làm sao nuốt nổi? Không lẽ  mình mãi mãi chịu người Liêu áp  chế hay sao?
Giọng y càng lúc càng to:
- Trước đây Vương An Thạch biến pháp, thi hành phép bảo giáp, bảo  mã, chẳng phải là để cho quốc phú dân cường, tẩy rửa cái nhục tổ tông  hay sao? Làm con làm cháu, phải rửa nhục cho ông cha, ấy mới là đại  hiếu. Phụ hoàng một đời chuyên cần chăm lo chẳng phải vì lẽ đó đấy ư?  Hài tử định rằng sẽ kế thừa chí hướng của gia gia. Chí đó không thành  nguyện như chiếc ghế này.
Đột nhiên y rút phắt bội kiếm đeo  ở hông, chém đứt đôi một chiếc  ghế. Hoàng đế trừ khi tập luyện duyệt binh, xưa nay không đeo đao kiếm.  Thái hoàng thái hậu đột nhiên thấy thằng bé rút kiếm ra chém chiếc ghế,
không khỏi hoảng hồn, mơ mơ hồ hồ nghĩ bụng: “Y tại sao lại đeo kiếm?  Định đến giết ta chăng? Hay y không muốn ta thùy liêm thính chính?  Thằng bé này lớn mật làm càn, ta phải phế bỏ y đi”. Bà ta tuy tính tình từ  ái nhưng chưởng ác quyền bính đã lâu, nay thấy quyền lực lung lay, lập  tức nghĩ ngay đến loại trừ địch thủ, dẫu cho là kẻ cốt nhục chí thân cũng  không khoan thứ, trong một thoáng bà quên rằng mình đang vào cảnh đèn  khô dầu kiệt, trong chốc lát sẽ lìa đời.
Còn Triệu Hú đang chú tâm vào việc làm sao phá trận sát địch, thu  phục lại Yên Vân mười sáu châu, huyễn tưởng mình đang ngồi trên lưng  ngựa, thống suất trăm vạn hùng binh, đánh vào Thượng Kinh, Liêu chúa  Gia Luật Hồng Cơ cởi trần ra hàng. Y giơ thanh bội kiếm lên, ngang  nhiên nói:
- Quốc gia đại sự đều bị bọn hủ nho nhát gan làm hỏng việc. Bọn họ  tự xưng quân tử, thực ra chỉ là đồ tiểu nhân tham sống sợ chết, tự tư tự lợi,  ta … ta phải trừng trị bọn chúng một phen cho hả tức.
Thái hoàng thái hậu tỉnh táo trở lại, nghĩ thầm: “Thằng bé này là  đương kim hoàng đế, y có chủ ý riêng, ta không còn bảo nó phải nghe lời  mình nữa rồi. Ta bây giờ chỉ là một bà lão sắp chết, còn y là một ông vua  đang lúc thanh niên khỏe mạnh, y là vua, y là vua”. Bà cố hết sức nói  thêm một câu:
- Hài nhi, cháu có tâm chí như thế, nãi nãi sung sướng lắm.
Triệu Hú mừng rỡ, tra kiếm trở vào bao nói:
- Bà ơi, cháu nói thế là đúng rồi, phải không?
Thái hoàng thái hậu đáp:
- Thế cháu có biết thế nào là kế sách vạn toàn, nhất định phải thắng  hay không?
Triệu Hú cau mày nói:
- Tuyển tướng luyện binh, tích trữ lương thảo cùng người Liêu một  trận thư hùng thì có thể thắng nhưng bảo là nhất định là thắng thì chưa  chắc.
Thái hoàng thái hậu nói:
- Cháu cũng biết rằng hai bên ra  trận không có cái gì gọi là “tất  thắng chi lý”. Thế nhưng người Tống chúng ta còn biết phép không cần  đánh mà vẫn khuất phục được người.
Triệu Hú đáp:
- Cho dân nghỉ ngơi, thi hành nhân chính, ấy là không cần đánh mà  vẫn khuất phục người, có phải thế không? Bà ơi, đó là kiến thức hủ nát  của bọn thư sinh Tư Mã Quang, làm sao nên nổi đại sự cho được?
Thái hoàng thái hậu thở dài một tiếng, chậm rãi nói:
- Tư Mã tướng công kiến thức trác việt, sao cháu lại bảo là kiến thức  hủ nát của bọn thư sinh? Ngươi là chủ của một nước, phải luôn luôn chịu  khó đọc Tư Trị Thông Giám của Tư Mã tướng công soạn ra. Hơn nghìn  năm qua, những triều đại sở dĩ hưng suy bại vong ra sao, trong sách đều  có viết rõ ràng. Đất nước Đại Tống chúng ta đất đai màu mỡ, dân số đông  đảo, gấp mười nước Liêu, nếu không có chiến tranh, chỉ trong mười, hai  mươi năm chúng ta càng thêm phú  túc. Người Liêu dũng mãnh hiếu  chiến, chúng ta chỉ cần nghiêm thủ biên cảnh, các bộ lạc của chúng ắt sẽ  tàn sát lẫn nhau, giao tranh qua lại, khi đó nguyên khí sẽ cực kỳ thương  tổn. Cái loạn Sở vương năm trước, bao nhiêu tinh binh nhuệ tốt của nước  Liêu chết không phải là ít …
Triệu Hú vỗ đùi nói:
- Đúng đó, lúc đó hài nhi đã tính  xua quân lên miền Bắc, để nội  ngoại giáp công, người Liêu đang có mối lo trong gan ruột không dễ gì  ứng phó. Ôi, tiếc thay lại để mất một dịp may nghìn năm một thuở.
Thái hoàng thái hậu gắt lên:
- Ngươi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đánh nhau với nước Liêu,  ngươi … ngươi … ngươi …
Đột nhiên bà ngồi nhỏm dậy, ngón tay phải giơ ra chỉ thẳng vào Triệu  Hú. Thái hoàng thái hậu tích uy đã lâu, Triệu Hú sợ quá lùi lại ba bước,  chân lập cập tưởng như ngã đến nơi, tay để lên đốc kiếm, tim đập thình  thình, kêu lên:
- Mau lên, các ngươi mau vào đây.
Bọn thái giám nghe thấy hoàng thượng gọi, vội vàng chạy vào điện.  Triệu Hú run rẩy nói:
- Bà … bà ấy … các ngươi xem bà ấy ra sao rồi?
Y mới rồi hùng tâm đại chí, muốn cùng người Khất Đan một trận tử  chiến, thế nhưng một bà lão sắp chết vừa phát uy, thì đã sợ đến hồn bất  phụ thể, chân tay luống cuống. Một tên thái giám tiến lên mấy bước,  chăm chăm nhìn thái hoàng thái hậu  một hồi, thu hết can đảm, giơ tay  cầm mạch bà ta rồi nói:
- Khải tấu hoàng thượng, thái hoàng thái hậu đã thừa long qui thiên.
Triệu Hú mừng rỡ, cười ha hả, thở phào:
- Hay lắm! Hay lắm! Ta là hoàng đế rồi! Ta là hoàng đế rồi!
Y tuy đã làm vua chín năm nhưng thực ra chỉ hữu danh vô thực, đại  quyền nằm trong tay thái hoàng thái hậu, cho đến lúc này mới thực là  được làm vua.
Triệu Hú thân lý chính vụ, việc đầu tiên là cách chức Lễ Bộ thượng  thư Tô Thức4, biếm xuất ra làm tri phủ Định Châu. Tô Thức văn chương  nổi danh thiên hạ, người đương thời ai ai cũng trọng vọng. Ông là kẻ đối  đầu số một của Vương An Thạch, xưa nay luôn luôn phải đối tân pháp.  Thời Nguyên Hựu, thái hoàng thái hậu thùy liêm thính chính, trọng dụng  Tư Mã Quang, và hai anh em Tô Thức, Tô Triệt. Bây giờ thái hoàng thái  hậu chết rồi, hoàng đế liến biếm trục Tô Thức, trong triều cho chí dân  gian ai nấy đều lo sợ, bụng bảo dạ: “Hoàng đế chắc lại định thi hành tân  chính, làm khổ trăm họ lần nữa”. Thế nhưng cũng có những kẻ trong  bụng mừng thầm, hoàng đế thi hành  chính sách mới thì họ lại có dịp  thăng quan phát tài.
Vào thời đó chấp chính trong triều đều là cựu thần của thái hoàng thái  hậu. Hàn Lâm học sĩ Phạm Tổ Vũ5 tâu lên:
Tiên thái hoàng thái hậu lấy tấm lòng đại công chí chính, bãi bỏ tân  pháp của bọn Vương An Thạch, Lã Huệ Khanh mà thi hành chính sách cũ của tổ tông khiến cho xã tắc đang nguy trở lại thành an, lòng người đang  ly trở về thành hợp. Đến ngay cả Liêu chúa cũng bàn với tể tướng rằng:  “Nam triều tuân hành chính sự của Nhân Tông, giữ vững Yên Kinh, ước  thúc quân lính đóng ở biên giới, không sinh sự”. Bệ hạ quan sát tình hình  nước địch như thế ắt cũng biết được lòng dân Trung quốc như thế nào rồi.
Đến nay bệ hạ trông coi triều chính, kẻ tiểu nhân ắt mong có thay đổi,  kẻ tham lợi ắt cũng ngóng trông. Thần mong mỏi bệ hạ nghĩ đến công lao  gian khổ của tổ tông và tiên thái hoàng thái hậu, đau lòng nhức óc, ghi  lòng tạc dạ rằng phải làm sao hết sức tránh xa kẻ tiểu nhân, tuân thủ  phép nước đời Thiên Hựu, một lòng vững chãi như kim thạch, nặng như  sơn nhạc, để trong triều ngoài nội ai ai một lòng, quay về đường ngay nẻo  chính, thế thì quả là cái may cho thiên hạ.
Triệu Hú càng coi càng tức tối, vứt tấu chương xuống bàn nói:
- “Đau lòng nhức óc, ghi lòng tạc dạ rằng phải làm sao hết sức tránh  xa kẻ tiểu nhân”, câu này đúng lắm. Thế nhưng biết ai là quân tử, ai là  tiểu nhân?
Nói xong mặt hầm hầm nhìn Phạm Tổ Vũ. Phạm Tổ Vũ khấu đầu đáp:
- Bệ hạ minh sát: Khi thái hoàng thái hậu vừa mới thính chính, trong  triều ngoài nội quan dân dâng biểu vô số, ai ai cũng nói rằng chính lệnh  không hợp lòng người, khổ hại cho dân đen. Thái hoàng thái hậu thuận  theo dân tâm thiên hạ, thay đổi chính sách, những ai có tội thì đuổi đi, bệ  hạ và thái hoàng thái hậu đều theo ý dân mà làm, những người bị biếm  trục ắt phải là kẻ tiểu nhân.
Triệu Hú cười nhạt, lớn tiếng nói:
- Chuyện thái hoàng thái hậu trách phạt đuổi về nào có liên can gì  đến ta?
Y liền phất tay áo bãi triều. Tuy Triệu Hú căm ghét quần thần nhưng  vì mới thân chính chưa lâu, không tiện đuổi hết bao nhiêu đại thần nên  mới hạ chiếu thăng cho nội thị Nhạc Sĩ Tuyên, Lưu Duy Giản, Lương  Tòng Chính … lên làm quan, tưởng thưởng công lao phò tá mình, rồi thác  bệnh lâu ngày không nhập triều.
Thái giám đưa vào một phong tấu chương, nét chữ mập mạp cứng cỏi,  thự danh Tô Thức. Triệu Hú nói:
- Gã râu rậm họ Tô này viết  chữ đẹp nhỉ, không biết lại nói lăng  nhăng gì đây?
Thấy trên sớ viết:
Thần hầu hạ trong trướng bệ hạ đã lâu, nay được sai ra nơi biên cảnh,  mong sao được diện kiến long nhan trước khi lên đường. Tiểu thần nay  phải xa bệ hạ, trong lòng bịn rịn, quả là khó thay.
Triệu Hú nói:
- Ta không muốn gặp cái lão râu rậm này, suốt đời không muốn gặp  lại y.
Y tiếp lấy tờ sớ đọc xuống dưới thấy viết:
Thế nhưng thần không dám vì cái lòng ngu trung mà không ra sức.  Thánh nhân thời cổ đã từng làm tướng, ắt trước hết phải ở nơi chỗ tối mà  quan sát chỗ sáng, ở vào chỗ tĩnh mà quan sát chỗ động, ắt là mọi vật  trước mắt đều rõ ràng. Bệ hạ thánh trí hơn người, tuổi đang lúc thanh niên  …
Triệu Hú mỉm cười, nghĩ thầm: “Gã râu rậm này quả là giảo hoạt,  cũng biết giở trò bợ đỡ, nói ta là”thánh trí tuyệt nhân”. Thế nhưng y lại  thêm “tuổi đang thanh niên” chẳng phải bảo ta còn nhỏ, mà tuổi trẻ thì  chẳng biết gì hay sao?”. Đọc tiếp xuống viết:
Thần nguyện sẽ để lòng trống không để xem xét cho rõ lý lẽ, mọi việc  để nguyên chưa làm gì vội, cố gắng quan sát chỗ chính tà của bề dưới,  xem chỗ lợi, chỗ hại, ba năm sau rõ ràng mọi chuyện, lúc đó mới tùy theo  tình hình mà làm, có như thế thiên hạ mới không oán hận, bệ hạ không  phải hối tiếc. Xem như thế thì cũng rõ ràng những việc bệ hạ cần làm, chỉ  sợ quá sớm chứ không sợ trễ. Thần chỉ sợ những kẻ ham điều lợi muốn  tiến nhanh, chưa tính toán kỹ đã giục bệ hạ cải biến nên phải nói ra, chỉ  mong bệ hạ lưu tâm thì đó là điều đại hạnh của thiên hạ, đại phúc cho  tông miếu xã tắc.
Triệu Hú đọc xong tấu chương nghĩ thầm: “Người người ai cũng bảo  gã râu rậm họ Tô thông minh tuyệt đỉnh, quả nhiên danh bất hư truyền. Y  biết ta nhất quyết đi theo tiên đến khôi phục lại tân pháp nên không dám  đến ngăn cản, chỉ khuyên ta tạm hoãn ba năm. Ôi, cái gì mà “đến lúc thi  hành thiên hạ mới không oán  giận, bệ hạ không phải hối tiếc”. Y nói  quanh nói co nhưng ý thì cũng vậy thôi chứ có khác gì? Y bảo ta nếu như  mong cái lợi gấp gáp, nóng nảy muốn làm chuyện lớn ắt thiên hạ sẽ oán  hận, rồi sau ta sẽ hối hận mà thôi”. Triệu Hú giận dữ, cầm bản tấu  chương xé tan nát.
Mấy ngày sau vào triều, Phạm Tổ Vũ lại dâng sớ tâu lên:
Đầu thời Hi Ninh, Vương An Thạch, Lã Huệ Khanh đặt ra ba tân pháp,  thay đổi chính sách của tổ tông dẫn đến kẻ tiểu nhân làm hỏng việc quốc  gia. Nếu những người ủng hộ đường lối cũ không được dùng, những kẻ sĩ  trung chính bị đẩy đi xa. Kế đó lại dùng binh nơi biên cảnh, kết oán với  ngoại di, thiên hạ sầu khổ, bách tính bỏ đi.
Triệu Hú đọc đến đây hết sức tức tối nghĩ thầm: “Ngươi chê trách  Vương An Thạch, Lã Huệ Khanh nhưng kỳ thực chẳng là chê phụ hoàng  hay sao?”. Y đọc xuống dưới thấy viết:
Sái Xác liên tiếp xây thêm nhà ngục, Vương Thiều thu phục Hi Hà,  Chương Đôn6 khơi năm khe nước, Thẩm Khởi làm phiền đất Giao7, Thẩm  Quát 8 hưng binh Tây sự, dân binh chết không dưới hai chục vạn người.  Tiên đế lâm triều khi đó mới hối hận, chỉ dụ triều đình từ nay không được  phạm vào những sai lầm đó nữa …
Triệu Hú càng đọc càng thêm giận dữ, bỏ qua mấy hàng, bên dưới  tiếp:
… dân chúng ai nấy buồn đau, nhà nhà chỉ mong làm loạn, may được  bệ hạ và thái hoàng thái hậu cứu cho, người trong thiên hạ, tưởng chừng  trút được …
Triệu Hú đọc đến đây không còn nhẫn nại thêm được nữa, vỗ long án  đứng phắt dậy. Y lúc này vừa mười tám tuổi, ở trong vai hoàng đế tôn quí  lại càng thêm oai nghi, ở giữa triều nổi nóng, triều thần không ai là  không kinh hãi, nghe y gay gắt nói:
- Phạm Tổ Vũ, tấu chương của ngươi như thế này chẳng là phỉ báng  tiên đế hay sao?
Phạm Tổ Vũ liên tiếp khấu đầu tâu:
- Bệ hạ minh giám, vi thần vạn lần không dám.
Triệu Hú vừa mới nắm đại quyền thấy quần thần ai nấy run sợ, cực kỳ  đắc ý, nộ khí giảm dần nhưng mặt vẫn làm ra vẻ hung dữ, lớn tiếng nói:
- Tiên đế thiên tính tài ba, hùng tâm đại chí có ý dẹp giống man di,  thống nhất thiên hạ, rủi thay đương lúc thịnh niên bất hạnh băng hà, trẫm  kế thừa di chí của tiên đế, có gì là không phải? Vậy mà các ngươi lèm  bèm nói mãi, dám bảo biến pháp của tiên đế là sai lầm.
Trong đám quần thần một người bước ra, tướng mạo thanh tú thoạt  trông đã có uy, chính là Tể Tướng Tô Triệt. Triệu Hú trong lòng không  vui, nghĩ thầm: “Gã này là em của lão râu rậm họ Tô, hai anh em hung  hăng kết đảng, thứ miệng chó làm sao mọc ngà voi được”. Chỉ nghe Tô  Triệt tâu lên:
- Bệ hạ minh sát, tiên đế đã thi hành rất nhiều việc, quả là vượt xa  tiền nhân. Chẳng hạn như tiên đế tại vị mười hai năm, vậy mà suốt đời  không đặt tôn hiệu, bọn thần dâng tấu chương ca tụng công đức, tiên đế  khiêm tốn không nhận. Còn như chính sự có điều không phải, thì có triều  đại nào lại không tránh được chỗ sơ sót? Đời cha làm, đời con chữa, ấy là  đức hiếu của người xưa.
Triệu Hú hừ một tiếng, lạnh nhạt hỏi lại:

 

 

 

 

- Cái gì mà bảo là “đời cha làm, đời con chữa”?
Tô Triệt tâu:
- Đó là lời của Tỉ Phương nói về  chuyện Hán Võ Đế. Hán Võ Đế  bên ngoài gây chuyện với tứ di, bên trong xây cất cung điện, quốc khố  trống rỗng, thành thử phải đặt ra  thuế muối, thuế sắt, độc quyền rượu,  quân du9, chiếm đoạt tài nguyên lợi vật của bách tính khiến cho mấy lần  dân nổi loạn lớn. Sau khi Võ Đế băng hà, Chiêu Đế nối ngôi, trong dụng  Hoắc Quang, bãi bỏ những chính sách hà khắc nên cơ nghiệp nhà Hán  mới an định được.
Triệu Hú lại hừ một tiếng nghĩ thầm: :Ngươi dám ví phụ hoàng với  Hán Võ Đế”. Tô Triệt thấy hoàng đế vẻ mặt không vui, sự tình có chiều  hung hiểm, nghĩ thầm: “Nếu còn nói thêm, hoàng thượng nổi giận, ta sẽ  mất mạng không chừng, nhưng nếu cứ hùa theo thì thiên hạ lại trở nên  khốn khó. Hàng nghìn hàng vạn người sẽ đói rét lầm than, lưu vong thất  thổ, đương quốc đại thần như ta lẽ nào lại ngồi yên? Hôm nay chính là lúc  ta lấy cái tính mạng nhỏ bé báo đáp thâm ân của thái hoàng thái hậu”.  Ông bèn tiếp:
- Thời Hậu Hán, vua Minh Đế để ý từng li từng tí, lấy việc bói toán  để quyết đoán mọi sự, lại tin những lời huyền hoặc quái lạ, tra xét ngôn  ngữ cử chỉ các bầy tôi, chuyện gì cũng xét nét, thiên hạ ai ai cũng sợ hãi,  bụng dạ phập phồng. Chương Đế nối ngôi, hiểu rõ những thất bại của đời  trước nên dùng chính sách nhân hậu khoan thứ, lòng người vui vẻ, thiên  hạ đại trị, ấy cũng là con mà chống đỡ được cái sai sót của cha, thi hành  cái đại hiếu của thánh nhân.
Tô Triệt đoán chừng Triệu Hú tức vị khi mới lên mười, chín năm qua  mọi việc đều nghe lời thái hoàng thái hậu, trong bụng thể nào cũng oán  hận, quyết ý hủy chính sự của thái hoàng thái hậu mà khôi phục biến  pháp đời Thần Tông để tỏ lòng hiếu đối với cha, thành thử mới nhắc đến  “thánh nhân chi đại hiếu” để khuyên nhủ hoàng đế.
Triệu Hú lớn tiếng nói:
- Hán Minh Đế tôn sùng nho thuật, có gì bảo là không hay đâu?  Ngươi dám đem Hán Võ Đế để đem so sánh với tiên đế, ấy là có dụng ý  gì? Không phải là công nhiên phỉ báng hay sao? Hán Võ Đế hiếu chiến  làm khổ dân, hành vi hoang tàn bị đời sau cười chê, cuối đời phải tự hạ  chiếu trách cứ mình thật là thống thiết, sao lại sánh với tiên đế được?
Y càng nói càng lớn tiếng, giọng điệu cực kỳ gay gắt. Tô Triệt liên  tiếp khấu đầu, lui xuống giữa sân quì xuống chịu tội, không còn dám nói  thêm câu nào nữa. Nhiều người trong đám đại thần nghĩ thầm: “Biến  pháp của tiên đế làm cho dân khốn khổ, buổi sớm không biết có sống  được đến chiều không, Hán Võ Đế còn khá hơn ông ta nhiều”. Thế nhưng  có ai dám nói ra, lại cũng có ai dám phân trần biện giải cho Tô Triệt?
Một vị đại thần râu bạc tiến ra, chính là Phạm Thuần Nhân, ung dung  nói:
- Xin bệ hạ bớt giận. Tô Triệt nói năng tuy có điều thất thố nhưng  cũng chỉ vì có ý tốt tỏ bụng ái  quốc trung quân. Bệ hạ mới vừa thân  chính, đối với đại thần cũng nên lễ mạo, không thể coi như đầy tớ. Huống  chi Hán Võ Đế cuối đời hối hận về việc sai lầm đã qua, tri quá năng cải,  cũng không phải là một ông vua tồi bại.
Triệu Hú nói:
- Người đời ai ai cũng bảo “Tần Hoàng, Hán Võ”, Hán Võ Đế đứng  ngang với Tần Thủy Hoàng bạo ngược, không phải là kẻ cực kỳ vô đạo  thì là gì?
Phạm Thuần Nhân đáp:
- Lời luận của Tô Triệt ấy là nói về thời thế và sự tình chứ không  phải nói về người.
Triệu Hú thấy Phạm Thuần Nhân bẻ lại mình, lại càng giận hơn nữa  không sao dằn nổi, quát lên:
- Tô Triệt vào đây!
Tô Triệt từ sân đình tiến vào trong điện, không dám đứng vào vị trí cũ,  quì xuống cuối hàng nói:
- Vi thần đắc tội với bệ hạ, xin được bãi chức.
Hôm sau có chiếu, giáng Tô Triệt xuống làm Đoan Minh Điện học sĩ,  đưa ra trấn nhậm tri châu Nhữ Châu, đường đường một vị tể tướng nay  xuống làm một chức quan nhỏ bé.
Động tĩnh ở Nam Triều lập tức có tế tác báo về Thượng Kinh. Liêu  chúa Gia Luật Hồng Cơ được tin thái hoàng thái hậu băng hà, thiếu quân  Triệu Hú cách chức đại thần, hiển nhiên muốn trở lại thi hành tân chính,  trong bụng mừng lắm nói:
- Ta phải xuống Nam Kinh ngay, cùng Tiêu đại vương nghị sự.
Gia Luật Hồng Cơ lại tiếp:
- Nam triều có không ít gián điệp  ở Thượng Kinh, nếu biết ta đi  xuống Nam Kinh, ắt sẽ đề phòng. Chúng ta chỉ nên chuẩn bị giản dị, ít kẻ  tùy tòng, đi cho nhanh, không cần  phải thông tri cho Nam Viện Đại  Vương.
Lập tức dẫn ba nghìn giáp binh, đi về hướng nam. Để tránh cái cảnh  Sở vương làm loạn năm nào hoàng đế để Tiêu hậu thống lãnh tất cả binh  mã còn lại Thượng Kinh, chỉ đem mười vạn tinh binh hộ giá chia đường đi  theo xuống.
Chỉ một ngày, ngự giá đến ngoài thành Nam Kinh. Hôm đó Tiêu  Phong đem theo hai mươi vệ binh đi săn ở mạn bắc, bỗng nghe Liêu chúa  đến, vội vàng ruổi ngựa chạy lên nghinh giá, từ xa trông thấy tàn vàng  tán tía, lập tức xuống ngựa, hối hả chạy đến, lạy phục xuống.
Gia Luật Hồng Cơ cười ha hả, giục ngựa lên nói:
- Huynh đệ, ta với ngươi danh thì là quân thần, tình thực thì như ruột  thịt, việc gì phải hành đại lễ như thế?
Y lập tức đưa tay đỡ lên, cười hỏi:
- Có săn được nhiều dã thú không?
Tiêu Phong đáp:
- Mấy hôm nay trời lạnh ngắt, bao nhiêu thú chạy xuống phương  nam tránh lạnh, đi săn đã lâu chỉ được mấy con chó sói, mấy con cheo  chứ không được thú lớn.
Gia Luật Hồng Cơ vốn rất thích săn bắn liền nói:
- Vậy mình xuống phía nam xem sao!
Tiêu Phong đáp:
- Ngoại thành phía nam tiếp giáp với Nam triều, thần sợ làm mất hòa  khí giữa hai nước nên nghiêm cấm hạ thuộc săn bắn nơi đây.
Gia Luật Hồng Cơ hơi nhíu mày hỏi lại:
- Thế thì còn đi “gặt lúa” thì làm sao?
Tiêu Phong đáp:
- Thần cũng cấm tuyệt rồi.
Gia Luật Hồng Cơ nói:
- Hôm nay anh em mình gặp nhau, phá lệ một chuyến, có được  không?
Tiêu Phong đáp:
- Vâng!
Tiếng tù và thổi u u, Gia Luật Hồng Cơ và Tiêu Phong hai người cưỡi  ngựa chạy song song, vòng qua thành Nam Kinh đi thẳng về phương nam.  Ba nghìn giáp binh tùy tòng cũng chạy theo. Chạy được chừng hai chục  dặm, các giáp binh cùng reo hò, chia ra hai bên đông tây thành hình cánh  quạt vây lại. Chỉ nghe tiếng ngựa hí chó sủa rầm rĩ, bốn phía thắt vòng  vây, trong đám cỏ có mấy con thỏ, con chồn chạy ra.
Gia Luật Hồng Cơ không muốn bắn thú nhỏ, đợi một lúc lâu, vẫn  không thấy những loại gấu hay hổ nào chạy ra, còn đang bẽ bàng bỗng  nghe tiếng người kêu la, từ phía đông nam chừng mươi hán tử chạy đến,  nhìn y phục ra vẻ tiều phu thợ săn Nam triều. Liêu binh không đuổi được  dã thú, biết rằng hoàng thượng mất vui, liền đi kiếm mấy kẻ nam nhân  vây lại, hò hét xua đuổi, dồn họ đến trước ngựa của hoàng đế.
Gia Luật Hồng Cơ cười nói:
- Thật tốt quá!
Y liền cởi chiếc cung nạm vàng  khảm ngọc, lắp lang nha tiễn lông  điêu, liên tiếp bắn ra, vèo vèo vèo mấy tiếng, không mũi tên nào trật, trúng sáu Nam nhân. Những người còn lại sợ đến mất hết hồn vía, quay  mình bỏ chạy nhưng lại bị lính Liêu dùng mâu chặn đuổi trở lại.
Tiêu Phong thấy vậy hết sức bất nhẫn, kêu lên:
- Bệ hạ!
Gia Luật Hồng Cơ cười nói:
- Những kẻ còn lại để cho ngươi, để ta xem thần tiễn của huynh đệ  thế nào!
Tiêu Phong lắc đầu:
- Những người này có tội gì đâu, tha cho họ đi.
Gia Luật Hồng Cơ cười:
- Người nam nhiều quá, cần phải giết sạch thì thiên hạ mới thái bình.  Bọn chúng đầu thai lầm chỗ làm người phương nam, thế là có tội rồi.
Nói xong lại liên tiếp bắn ra, mỗi mũi tên là một người, túi đựng tên  bắn đến một nửa hơn chục người Hán không ai thoát được, kẻ thì chết  ngay, kẻ thì trúng bụng chưa tắt thở nằm gục xuống rên la. Đám quân  Liêu reo hò ầm ỹ cùng hô:
- Vạn tuế!
Tiêu Phong lúc ấy nếu như ra tay ngăn cản thì thừa sức đánh giạt  những vũ tiễn của Liêu đế nhưng công nhiên làm mất mặt nhà vua trước  mắt quân lính thì quả là đại nghịch bất đạo, nhưng vẻ khó chịu không thể  không tỏ ra nét mặt. Gia Luật Hồng Cơ cười hỏi:
- Sao thế?
Y đang định cất cung đi, bỗng thấy một con ngựa vượt vòng săn, chạy  vùn vụt tới. Gia Luật Hồng Cơ thấy người ngồi trên ngựa ăn vận theo  kiểu Hán nhân, không cần hỏi han, tra tên vào loan cung bắn vụt ra phía  người kia. Người kia giơ hai ngón tay kẹp được ngay mũi tên. Ngay khi  đó mũi tên thứ hai của Gia Luật Hồng Cơ cũng đã bắn tới, tay trái người  kia lại thò ra, kẹp được ngay. Thế nhưng con ngựa không chậm lại, vẫn  băng băng chạy về phía Liêu chúa. Gia Luật Hồng Cơ tên bắn liên tiếp,  hết mũi nọ đến mũi kia tưởng chừng như đầu tên nọ nối đuôi mũi tên kia.
Thế nhưng y bắn đã nhanh mà đối phương bắt tên lại còn nhanh hơn, chỉ  trong khoảnh khắc, người bắn ra bảy mũi tên thì người kia bắt đủ bảy.
Liêu binh bảo vệ hoàng đế liền la  ó, cùng giơ trường mâu ra chặn  ngang trước mặt Gia Luật Hồng Cơ, en ngại kẻ kia phạm giá. Khi đó hai  bên còn cách nhau chẳng bao xa, Tiêu Phong nhì rõ được mặt người kia  rồi, giật mình kinh hãi kêu lên:
- A Tử, ngươi đấy ư? Không được vô lễ với hoàng thượng.
Người trên ngựa cười khanh khách, ném bảy mũi tên bắt được cho bọn  vệ binh, nhảy xuống ngựa, quay sang Gia Luật Hồng Cơ quì xuống hành  lễ nói:
- Hoàng thượng, tiểu nữ bắt tên của hoàng thượng, xin đừng trách.
Gia Luật Hồng Cơ cười đáp:
- Hảo thân thủ! Hảo bản sự!
A Tử đứng thẳng dậy kêu lên:
- Tỉ phu ra đón tiểu muội đấy ư?
Hai chân nàng nhún một cái nhảy ngay tới trước mặt con ngựa Tiêu  Phong đang cưỡi. Tiêu Phong thấy hai mắt cô gái lóng lánh có thần, vừa  kinh ngạc, vừa mừng rỡ kêu lên:
- A Tử, sao mắt cô sáng lại rồi?
A Tử cười đáp:
- Đó là nhị đệ của tỉ phu chữa cho em đó, anh thử nghĩ có giỏi  không?
Tiêu Phong lại chăm chú nhìn cô gái, đột nhiên rùng mình một cái,  dường như trong ánh mắt A Tử có điều gì hết sức u uẩn thương tâm. Nói  cho đúng ra mắt nàng đã khỏi, lại gặp lại mình thì phải mười phần hoan  hỉ mới phải, vậy mà sao lại toát ra một vẻ buồn khổ như thế? Chỉ có tiếng  cười của nàng là đầy vẻ sung sướng mà thôi. Tiêu Phong nghĩ thầm:  “Chắc là trên đường đi tiểu A Tử gặp nhiều điều khốn khó”.
Đột nhiên A Tử kêu rú lên một tiếng, vọt lên phía trước. Tiêu Phong  cũng cảm thấy có người ở sau lưng mình đột nhiên ra tay ám toán, lập tức quay lại, thấy một cái chĩa ba dùng để đi săn đang lao về mình. A Tử thò  tay ra chộp lấy, thuận tay ném lại, chiếc đinh ba liền đâm thẳng vào ngực  một người đang nằm dưới đất. Người đó là một thợ săn Hán nhân, bị Gia  Luật Hồng Cơ bắn trúng nhưng chưa chết, thu hết tàn lực, phóng chiếc  đinh ba vào lưng Tiêu Phong. Y thấy Tiêu Phong ăn mặc theo lối cao  quan nước Liêu, chỉ mong giết được ông để rửa mối thù bị người ta sát  hại.
A Tử chỉ vào cái xác gã thợ săn chửi:
- Đồ chó lợn không biết lượng sức mình kia, sao dám tính chuyện ám  hại tỉ phu ta?
Gia Luật Hồng Cơ thấy A Tử phóng chiếc chĩa ba giết gã thợ săn,  trong bụng mừng rỡ nói:
- Hảo cô nương, cô thân thủ nhanh nhẹn, quả là tài giỏi thật. Mũi xoa  đó dĩ nhiên không thể nào làm gì được Nam Viện Đại Vương, nhưng nếu  như vì thế mà bị thương nhẹ thì không  khỏi làm hỏng đại sự của trẫm.  Hảo cô nương, cô muốn ta thưởng gì đây?
A Tử đáp:
- Hoàng thượng phong cho tỉ phu của tiểu nữ làm quan to, cũng cho  tiểu nữ một chức quan đi nhé? Chẳng cần phải to như của tỉ phu nhưng  cũng đừng nhỏ quá để người ta coi thường thiếp.
Gia Luật Hồng Cơ cười đáp:
- Bên nước Liêu nữ nhân chỉ làm việc nhà chứ không làm quan. Nếu  đã thế, ngươi vốn đã là quận chúa rồi, ta thăng ngươi lên một cấp, phong  ngươi làm công chúa, gọi là công chúa gì đây nhỉ? Được rồi, gọi là Bình  Nam công chúa.
A Tử dẩu miệng nói:
- Công chúa thì không làm.
Gia Luật Hồng Cơ ngạc nhiên:
- Sao lại không làm?
A Tử đáp:
- Hoàng thượng kết nghĩa anh em  với tỉ phu thiếp, nếu phong cho  tiểu nữ làm công chúa thì có khác gì con gái của hoàng thượng, như vậy  hóa ra bị tụt một vai hay sao?
Gia Luật Hồng Cơ thấy A Tử đối với Tiêu Phong thần tình thân thiết  mà Tiêu Phong lại không gần nữ sắc, cứ theo tục thường của người Liêu,  làm quan to như thế, chẳng nói tam thê tứ thiếp mà đến ba chục vợ bốn  chục nàng hầu cũng còn được, ắt hẳn cũng có tình ý với A Tử, nhưng vì  chưng nàng còn nhỏ tuổi nên không tiện thành thân. Y bèn cười đáp:
- Công chúa của ngươi đây là trưởng công chúa, ngang vai với em  gái ta, chứ không phải ngang với con gái ta. Chẳng những ta phong ngươi  làm Bình Nam công chúa mà cả tâm nguyện của ngươi ta cũng sẽ thành  toàn cho, vậy đã được chưa?
Khuôn mặt xinh xắn của A Tử hơi ửng hồng nói:
- Tiểu nữ có tâm nguyện gì đâu? Làm sao bệ hạ biết được? Bệ hạ là  thân hoàng đế sao cũng lại bạ đâu nói đấy như thế?
Nàng xưa nay chẳng sợ trời sợ đất, không biết kiêng nể ai đối với Gia  Luật Hồng Cơ cũng chẳng giữ lễ quân thần. Nước Liêu lễ pháp vốn còn  thô sơ, Tiêu Phong lại là quí nhân được Gia Luật Hồng Cơ cực kỳ sủng  tín, A Tử nói thế mà y chỉ cười khì khì nói:
- Nếu chức Bình Nam công chúa  ngươi còn không chịu thì ta đành  chịu thôi. Một, hai, ba, có chịu hay không thì bảo?
A Tử khoan thai lạy phục xuống, nói nhỏ:
- A Tử tạ ân.
Tiêu Phong cũng khom lưng hành lễ nói:
- Tạ bệ hạ ân điển.
Ông coi A Tử chẳng khác gì em gái mình, nàng được Liêu đế phong  thưởng, Tiêu Phong cũng phải cảm  ơn. Gia Luật Hồng Cơ áng chừng  mình đoán không sai nghĩ thầm: “Để ta  tổ chức cho y một lễ cưới thật  long trọng, sau đó mới sai đi đánh Tống, lúc đó ắt sẽ tận lực mà làm”.  Còn Tiêu Phong trong bụng cũng tự hỏi: “Hoàng thượng phen này xuôi  nam là có dụng ý gì? Sao lại phong cho A Tử cái danh hiệu Bình Nam công chúa? Bình Nam, chẳng lẽ hoàng thượng muốn động đao binh với  Nam triều chăng?”. Gia Luật Hồng Cơ nắm tay Tiêu Phong nói:
- Huynh đệ, anh em ta lâu ngày không gặp, phải tâm tình với nhau  một lúc.
Hai người cưỡi ngựa cùng chạy về hướng nam, ngựa hay, đường lại  phẳng nên chỉ chốc lát đã ra ngoài chục dặm. Cả một cánh đồng mênh  mông bỏ hoang, trên ruộng mọc đầy gai góc cỏ dại. Tiêu Phong nghĩ  thầm: “Người Tống sợ ta xua quân ra “đi gặt”, đến nỗi cả chục vạn mẫu  ruộng tốt thế này mà không ai cày cấy”.
Gia Luật Hồng Cơ giục ngựa chạy  lên trên một cái gò nhỏ, ghìm  cương đứng trên đỉnh đồi, nhìn quanh quất đầy vẻ tự hào. Tiêu Phong  cũng lên theo, đưa mắt nhìn về phương nam, chỉ thấy núi non trùng điệp,  không biết đến đâu là bến bờ.
Gia Luật Hồng Cơ giơ roi chỉ xuống nói:
- Huynh đệ, nhớ lại hơn ba mươi năm trước, phụ hoàng cũng đã từng  dắt ta đến đây, chỉ về phương nam cho ta thấy giang sơn của người Tống  quả là gấm vóc.
Tiêu Phong đáp:
- Quả đúng vậy!
Gia Luật Hồng Cơ nói:
- Ngươi tự nhỏ lớn lên ở đất nam man, hiểu biết nhiều sơn xuyên  nhân vật, ở phương nam hẳn là thoải mái hơn chúng ta phương bắc lạnh  ngắt chứ gì?
Tiêu Phong đáp:
- Địa phương ở nơi nào thì cũng vậy. Nói đến “thoải mái” thì chỉ cần  không phải lo lắng, trong lòng vui sướng là được rồi. Người phương bắc  không quen ở phương nam, người phương nam cũng không quen ở phương  bắc. Ông trời đã sắp đặt như thế rồi, nêá nhất định đổi chỗ cho nhau thì chỉ  thêm phiền não.
Gia Luật Hồng Cơ nói:
- Ngươi là người Bắc nhưng cư ngụ ở phương nam, lâu quá hóa quen  rôài, nay phải di cư lên phía bắc, không thấy bực bội hay sao?
Tiêu Phong đáp:
- Thâàn là kẻ lãng đãng giang hồ,  bốn bể đâu cũng là nhà, không  phải như bọn nhà nông hay kẻ chăn nuôi. Thần được bệ hạ ban cho nơi ăn  chốn ở, cao quan hậu lộc vẫn hằng thâm cảm ân đức, còn có gì đâu mà  phiền não?
Gia Luật Hồng Cơ quay lại, nhìn chăm chăm vào mặt ông. Tiêu Phong  không tiện bốn mắt nhìn nhau, mỉm cười rồi đưa mắt sang chỗ khác. Gia  Luật Hồng Cơ chậm rãi nói:
- Huynh đệ, ngươi với ta tuy kẻ chúa người tôi, nhưng là anh em kết  nghĩa, lâu ngày không gặp nhau sao có vẻ hờ hững thế?
Tiêu Phong đáp:
- Trước đây vi thần không biết bệ hạ là thiên tử nước Liêu này, nên  đã không khỏi mạo muội, ngạo mạn vói cao, nhưng sau này biết rồi, lẽ  nào còn dám coi như huynh đệ kết nghĩa?
Gia Luật Hồng Cơ thở dài:
- Làm hoàng đế hóa ra chẳng có thể kết giao được với vài người tâm  phúc, nghĩa khí thâm trọng hay sao? Huynh đệ, ví như ta theo ngươi hành  tẩu giang hồ, không gì câu thúc, có khi lại sung sướng hơn!
Tiêu Phong mừng rỡ đáp:
- Bệ hạ nếu thích có bạn bè, cũng đâu có khó gì. Thần có hai người  anh em kết nghĩa ở Trung Nguyên, một người là Hư Trúc Tử ở cung Linh  Thứu, một người là Đại Lý Đoàn Dự, đều là những người nhiệt tình can  đảm. Nếu như bệ hạ bằng lòng gặp họ, thần sẽ mời đến thăm Liêu quốc  một chuyến.
Ông từ khi trở lại Nam Kinh, ngày ngày chung sống với đám thuộc hạ  lính tráng, ngôn ngữ tính nết đều không hợp nhau, nên càng thêm nhớ  nhung Hư Trúc, Đoàn Dự, chỉ mong hai người đến đây hàn huyên một  phen.
Gia Luật Hồng Cơ mừng rỡ đáp:
- Nếu đã là anh em kết nghĩa của huynh đệ, thì cũng là anh em của  ta. Ngươi mau mau sai người đưa thư, bảo hai người đó đến Liêu quốc,  trẫm sẽ phong quan chức to cho họ.
Tiêu Phong mỉm cười nói:
- Mời họ qua đây chơi thì không khó nhưng bảo qua đây làm quan thì  chắc họ không đi đâu.
Gia Luật Hồng Cơ trầm ngâm một chút rồi nói:
- Huynh đệ, ta xem thần tình ngôn ngữ nhà ngươi, trong lòng dường  như có điều gì rầu rĩ không vui. Ta có cả thiên hạ, đưa binh đi bốn bể chỗ  nào chả được, có chuyẹân gì lo cho ngươi mà không xong? Sao hiền đệ  không nói cho người anh này biết?
Tiêu Phong trong lòng cảm động nói:
- Không dám dấu bệ hạ, chuyện này là mối hận bình sinh của thần,  đã gây ra một sai lầm rất lớn, không thể nào vãn hồi được.
Nói rồi ông đem chuyện ngộ sát A Châu kể lại qua loa. Gia Luật Hồng  Cơ vỗ đùi một cái lớn tiếng nói:
- Thảo nào huynh đệ đã ngoài ba mươi mà không lấy vợ, thì ra chỉ vì  không quên được người cũ. Huynh đệ, ngươi sở dĩ gây ra cái sai lầm đó,  chẳng qua cũng bởi bọn nam man người  Hán tệ bạc, thêm bọn ăn mày  người Hán vong ân phụ nghĩa.
Chú mày không việc gì phải buồn rầu, ta lập tức hưng binh, đánh cho  bọn nam man một trận, bắt sạch bọn võ lâm Trung Nguyên, luôn cả bọn  Cái Bang đem giết hết, để cho hả cái thù chết mẹ của huynh đệ nơi Nhạn  Môn Quan, và cái hận bị vây khốn  nơi Tụ Hiền Trang. Nếu chú mày  thích gái đẹp người nam, ta sẽ chọn cho một nghìn đứa, hai nghìn đứa đến  hầu hạ, có gì khó đâu?
Tiêu Phong trên mặt thoáng hiện  vẻ gượng gạo, nghĩ thầm: “Ta đã  giết lầm A Châu, kiếp này còn lấy ai nữa? A Châu là A Châu, tứ hải liệt  quốc, thiên thu vạn tải cũng chỉ có một nàng A Châu mà thôi. Dù cho một  nghìn, một vạn mỹ nữ người Hán cũng đâu có thể thay thế nàng? Hoàng thượng quen với cảnh hậu cung hàng trăm hàng nghìn cung nga phi tần,  đâu có biết “tình” là thế nào?”. Ông bèn nói:
- Đa tạ hậu ân của bệ hạ, nhưng cừu oán của thần với võ lâm Trung  Nguyên đã một bút sổ toẹt rồi. Dưới tay vi thần đã giết không ít người  trong võ lâm Trung Nguyên, lấy oán báo oán, quả là vô cùng vô tận.  Chiến tranh xảy ra, liên miên không  dứt, họa nọ tiếp họa kia, sự việc  không biết sẽ đến chừng nào.
Gia Luật Hồng Cơ cười ha hả nói:
- Người Tống văn nhược, chỉ giỏi ăn to nói lớn, đến khi ra trận chưa  đánh đã thua. Huynh đệ anh hùng vô địch, thống suất binh mã nam chinh,  chỉ vài ngày là định được đất nam man, làm gì có chuyện binh liên họa  kết? Huynh đệ, ca ca lần này xuống miền nam, ngươi có biết tại vì cớ gì  không?
Tiêu Phong đáp:
- Cũng đang mong được bệ hạ chỉ thị cho rõ ràng.
Gia Luật Hồng Cơ cười nói:
- Chuyện thứ nhất là muốn được cùng hiền đệ gặp nhau cho bõ  những ngày xa cách. Hiền đệ mới  rồi đi qua phương tây, nước Tây Hạ  hình thế khó hay dễ, binh mã yếu hay mạnh, ắt đã ghi nhớ trong lòng rồi.  Theo ý kiến của hiền đệ, liệu có thu được Tây Hạ hay không?
Tiêu Phong bàng hoàng, nghĩ thầm: “Hoàng thượng đồ mưu quả không  phải nhỏ, đã có bụng nam chiến Đại  Tống, lại còn tính cả tây thu Tây  Hạ”. Ông liền đáp:
- Thần tử chuyến vừa qua tây du, chỉ định xem trò náo nhiệt công  chúa Tây Hạ chiêu thân, đâu có nghĩ gì đến chiến trận công thủ. Bệ hạ  minh giám, thần tử qua lại giang hồ lâu năm, cận chiến quyền cước thì  cũng có chút kinh nghiệm, còn hành binh bố trận, thật chẳng biết tí gì.
Gia Luật Hồng Cơ cười đáp:
- Hiền đệ việc gì phải khiêm tốn quá như thế? Quốc vương Tây Hạ  kỳ này đánh trống khua chiêng tuyển phò mã, ai ngờ đầu voi đuôi chuột,  không đâu vào đâu, thật chẳng bõ cười. Biết vậy kỳ đó hiền đệ dẫn theo mười vạn tinh binh, lấy quách cô công chúa Tây Hạ đem về Nam Kinh,  thế mới thật là hay đấy.
Tiêu Phong mỉm cười, nghĩ thầm: “Hoàng thượng cứ nghĩ binh hùng  tướng mạnh trong tay là muốn gì được nấy”. Gia Luật Hồng Cơ nói tiếp:
- Ca ca sở dĩ lần này xuống đây, ấy là để thăng tước thăng quan cho  hiền đệ. Hiền đệ nghe đây.
Tiêu Phong đáp:
- Vi thần thụ ân như thế đã quá nhiều, không dám vọng tưởng …
Gia Luật Hồng Cơ lớn tiếng nói:
- Nam Viện Đại Vương Tiêu Phong nghe đây!
Tiêu Phong chỉ đành nhảy xuống ngựa, quì phục xuống đất. Gia Luật  Hồng Cơ nói:
Nam Viện Đại Vương Tiêu Phong tận trung thể quốc, phò tá trẫm như  tay chân, nay thăng tước lên Tống Vương, Bình Nam đại nguyên soái,  thống suất ba quân.
Khâm thử.
Tiêu Phong trong bụng ngần ngừ, không biết phải làm sao, nói:
- Vi thần không có công lao gì, thực không dám nhận trọng ân như  thế.
Gia Luật Hồng Cơ lạnh lùng hỏi:
- Sao thế? Ngươi cự mệnh không nhận chăng?
Tiêu Phong thấy giọng y có vẻ gay gắt, biết rằng không thể nào từ  chối, chỉ đành khấu đầu nói:
- Thần Tiêu Phong tạ ân.
Hồng Cơ cười ha hả nói:
- Có thế mới là hảo huynh đệ của ta chứ.
Y đưa tay đỡ Tiêu Phong dậy nói:
- Huynh đệ, ta lần này xuống nam không phải chỉ đến Nam Kinh mà  còn muốn ngự giá đến tận Biện Lương.
Tiêu Phong lại càng kinh hãi, run run hỏi:
- Bệ hạ muốn đến Biện Lương? Chẳng … chẳng phải là …
Gia Luật Hồng Cơ cười nói:
- Huynh đệ là Bình Nam đại nguyên soái thống suất ba quân, vì ta đi  trước, chúng mình đánh thẳng tới Biện Lương. Sau này hoàng cung của  thằng nhãi Triệu Hú kia sẽ là phủ Tống Vương của hiền đệ.

<< Hồi 48(b) | Hồi 49(b) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 773

Return to top