Ai chia kẻ Hán người Hồ,
Bên Nam bên Bắc oán thù triền miên.
Anh hùng gặp cảnh đảo điên,
Nuốt cay ngậm đắng biết nghiêng bên nào?
*
* *
Biến cố đó khiến Kiều Phong há hốc mồm, mắt mở trừng trừng, trong đầu hết sức hỗn loạn: “Sư phụ vừa trông thấy ta liền sợ hãi đến chết là sao? Không thể như thế được, ta có điều gì đáng sợ đâu? Có lẽ ông sớm đã bị thương rồi”. Thế nhưng ông không dám tra xét thân thể nhà sư.
Ông cố gắng định thần, trong bụng đã quyết: “Nếu như lúc này ta lẳng lặng trốn đi thì đâu có phải là bản sắc của một Kiều Phong hảo hán hiên ngang này? Việc ngày hôm nay dẫu có nguy hiểm vạn phần cũng phải tra xét cho ra nguồn cội mới xong”. Ông đi ra khỏi nhà, lớn tiếng kêu lên:
- Phương trượng đại sư, Huyền Khổ sư phụ viên tịch rồi, Huyền Khổ sư phụ viên tịch rồi.
Hai câu đó truyền đi thật xa, sơn cốc vang vang tất cả chùa ai cũng nghe thấy. Tiếng kêu tuy hùng hồn nhưng cũng thật là thống khổ. Huyền Từ phương trượng cùng cả bọn chưa về đến nơi ở của mình, bỗng nghe tiếng gọi của Kiều Phong vội vàng quay lại, rảo bước chạy đến Chứng Đạo Viện. Chỉ thấy một hán tử cao to đứng sừng sững bên cạnh cửa, giơ tay chùi nước mắt, chúng tăng ai nấy đều ngạc nhiên. Huyền Từ chắp tay hỏi:
- Thí chủ là ai?
Ông quan tâm đến an nguy của Huyền Khổ, không đợi Kiều Phong trả lời, vội vàng xông thẳng vào phòng, thấy Huyền Khổ vẫn còn sừng sững không ngã, lại càng ngạc nhiên. Các nhà sư cùng chạy vào, cúi đầu nhắm mắt tụng niệm kinh văn.
Kiều Phong là người sau cùng đi vào, quì xuống trong lòng khấn thầm: “Sư phụ, đệ tử đến báo tin quá muộn khiến lão nhân gia đã bị độc thủ của người ta rồi. Đệ tử và kẻ gian kia cừu hận lại thêm một tầng nữa. Đệ tử dù phải gian nan đến đâu cũng nhất quyết đi kiếm kẻ kia băm vằm y ra trăm nghìn mảnh để báo thù cho ân sư”.
Huyền Từ phương trượng tụng kinh xong, quan sát Kiều Phong rồi hỏi:
- Thí chủ là ai? Người vừa lên tiếng gọi có phải là thí chủ đấy chăng?
Kiều Phong nói:
- Đệ tử Kiều Phong thấy sư phụ viên tịch không dằn nổi bi thương làm kinh động phương trượng.
Huyền Từ nghe đến tên của Kiều Phong, hoảng hốt run bắn lên, trên mặt lộ vẻ lạ lùng, chăm chăm nhìn ông một hồi mới nói:
- Thí chủ có phải ... có phải ... là tiền nhiệm bang chủ của Cái Bang đấy ư?
Kiều Phong nghe ông hỏi “tiền nhiệm bang chủ Cái Bang” nghĩ thầm: “Tin tức trên giang hồ truyền đi thật nhanh, đã biết ta không còn làm bang chủ Cái Bang nữa rồi, ắt hẳn biết nguyên do vì sao ta bị trục xuất khỏi Cái Bang”. Ông bèn đáp:
- Đúng thế!
Huyền Từ nói:
- Thí chủ vì sao đang đêm lại xông vào tệ tự? Làm sao thấy Huyền Khổ sư đệ viên tịch?
Kiều Phong trong lòng có trăm ngàn điều muốn nói nhưng nhất thời không biết phải nói gì, đành đáp:
- Huyền Khổ đại sư là thụ nghiệp ân sư của đệ tử, không biết ân sư bị thương ra sao, bị kẻ nào ra tay hạ thủ?
Huyền Từ phương trượng nghẹn ngào đáp:
- Huyền Khổ sư đệ bị người ta đánh trộm, trên ngực trúng trọng thủ một chưởng, gân cốt đứt hết rồi, ngũ tạng cũng nát bấy, chỉ nhờ nội công thâm hậu nên mới gượng được đến bây giờ. Chúng ta hỏi y địch nhân là ai, y bảo hoàn toàn không quen biết, lại hỏi hung thủ hình dáng tuổi tác ra sao, y nói đến thất khổ của nhà Phật, trong đó “oán tăng hội” là một trong những điều khổ nên gặp phải oan gia đối đầu thành ra có dịp giải thoát nên hình dáng hung thủ nhất định không nói ra.
Kiều Phong chợt hiểu ra: “Thì ra chúng tăng đã biết sư phụ bị trọng thương rồi, niệm Phật tụng kinh chính là để tiễn người về cõi Tây phương”. Ông nghẹn ngào nói:
- Các vị cao tăng bụng dạ từ bi không nhớ đến oán thù. Đệ tử là kẻ tục gia, thể nào cũng bắt kẻ gian kia chặt y ra muôn ngàn nhát để báo thù cho ân sư. Quí tự cửa ngỏ thâm nghiêm, không biết hung thủ lẻn vào lối nào?
Huyền Từ trầm ngâm chưa trả lời thì một lão tăng thân thể bé nhỏ đột nhiên cười khẩy nói:
- Thí chủ lẻn vào chùa Thiếu Lâm, chúng ta cũng chẳng ngăn trở phát giác được, hung thủ kia dĩ nhiên cũng muốn đến thì đến, muốn đi thì đi khác nào vào chỗ không người.
Kiều Phong khom lưng vòng tay nói:
- Đệ tử vì việc khẩn bách, không kịp ở ngoài sơn môn thông tri cầu kiến, quả là thất lễ, khẩn khoản xin chư vị sư phụ tha thứ cho. Đệ tử và phái Thiếu Lâm uyên nguyên thực sâu xa, quyết không dám khinh hốt mạo phạm chút nào.
Câu sau cùng của ông có ý muốn nói nếu như phái Thiếu Lâm bị mất mặt thì chính mình cũng xấu lây, trong bụng biết rằng việc mình lẻn vào hậu viện chùa Thiếu Lâm đến khi hô hoán người khác mới biết, nếu như việc này truyền ra ngoài thì tiếng tăm phái Thiếu Lâm bị tổn thương rất lớn.
Ngay lúc đó, một chú tiểu bưng một bát thuốc còn bốc hơi nghi ngút đi vào phòng, nói với thi thể Huyền Khổ:
- Sư phụ, xin dùng thuốc.
Y chính là sa di phục thị Huyền Khổ vừa ở Dược Vương Viện sắc một thang thuốc trị thương Cửu Chuyển Hồi Xuân Thang đem đến cho sư phụ . Y thấy Huyền Khổ đứng sừng sững không ngã nên không biết ông đã chết rồi. Kiều Phong trong lòng buồn khổ, nghẹn ngào nói:
- Sư phụ đã ...
Chú tiểu kia quay lại nhìn ông, đột nhiên rú lên:
- Chính ngươi! Ngươi ... ngươi lại đến!
Chỉ nghe choang một tiếng, bát thuốc trong tay rơi xuống đất vỡ tung tóe, thuốc lẫn mảnh bát văng ra tứ tung. Chú tiểu nhảy lùi về sau hai bước, nép vào một góc tường, la hoảng:
- Chính y, đả thương sư phụ chính là y.
Y vừa kêu lên thế mọi người ai nấy đều kinh hoàng. Kiều Phong lại càng kinh sợ, lốn tiếng nói:
- Ngươi nói gì?
Chú tiểu kia chỉ chừng mười hai mười ba tuổi, trông thấy Kiều Phong cực kỳ sợ hãi, trốn ở sau lưng phương trượng Huyền Từ, bíu lấy tay áo ông, kêu lên:
- Phương trượng, phương trượng!
Huyền Từ nói:
- Thanh Tùng, không việc gì phải sợ, cứ nói ra đi, có phải y là người đả thương sư phụ không?
Chú tiểu Thanh Tùng đáp:
- Chính y, y dùng chưởng đánh vào ngực sư phụ, con ở ngoài cửa sổ trông rõ ràng. Sư phụ, sao sư phụ không đánh trả y đi.
Cho đền giờ phút này, y vẫn chưa biết Huyền Khổ đã viên tịch rồi. Huyền Từ phương trượng nói:
- Ngươi nhìn cho kỹ, đừng nhận lầm người khác.
Thanh Tùng đáp:
- Con nhìn thấy thật rõ ràng, y mặc áo màu tro, mặt vuông, lông mày xếch lên, miệng to tai lớn, chính là y. Sư phụ đánh lại y đi.
Một luồng hơi lạnh chạy dọc theo xương sống Kiều Phong, nghĩ thầm: “Đúng rồi, hung thủ đã cải trang giống hệt ta để giá họa cho mình. Sư phụ nghe nói ta trở về, vốn dĩ cực kỳ hoan hỉ, thế nhưng vừa thấy mặt ta, thấy ta giống hệt kẻ đã đả thương mình thành ra mới nói: “ ... thì ra là ngươi, ngươi là Kiều Phong đấy sao, chính tay ta ... ta dạy được đứa học trò giỏi thật”. Sư phụ cùng ta hơn mười năm qua không gặp lại, ta từ một đứa trẻ đã thành người lớn rồi, tướng mạo không còn như xưa nữa. Ông nghĩ đến Huyền Khổ đại sư trước khi chết liên tiếp ba lần nói câu “Hay lắm!”, lòng đau như dao cắt: “Sư phụ trúng phải trọng thủ của người rồi nhưng cũng không biết kẻ địch là ai, đến khi gặp ta, nhận ra hung thủ và ta tướng mạo tương đồng, cực kỳ buồn thảm nên đau lòng mà chết. Sư phụ bị trọng thương đáng ra chưa chết đâu có nghĩ được rằng nếu đúng là ta ra tay hạ thủ sao lại còn đến gặp ông làm gì”.
Bỗng nghe tiếng người lao xao rồi một đám người rảo bước chạy đến trước Chứng Đạo Viện thì ngừng lại. Hai nhà sư khom lưng cung kính tiến vào, chính là nhị tăng trì giới, thủ luật đã từng giao chiến với Kiều Phong ở chân núi Thiếu Thất. Trì giới tăng chỉ mới nói được một câu:
- Bẩm cáo phương trượng ...
Y trông thấy Kiều Phong, vẻ mặt tỏ ra phẫn nộ và kinh ngạc, không hiểu sao ông đã tới đây từ bao giờ. Tất cả những nhà sư khác cũng hầm hầm, chăm chăm nhìn Kiều Phong. Huyền Từ phương trượng thần sắc trang nghiêm, chậm rãi nói:
- Thí chủ tuy không còn ở trong Cái Bang nữa nhưng cũng là một nhân vật thành danh trong võ lâm. Hôm nay giá lâm tệ tự, không hiểu vì cớ gì ra tay đánh chết Huyền Khổ sư đệ, mong được chỉ giáo.
Kiều Phong thở dài một tiếng, phục xuống vái lạy thi thể Huyền Khổ nói:
- Sư phụ, lúc sư phụ lâm chung cũng còn bảo rằng đệ tử ra tay hại thầy để phải nuốt hận mà viên tịch. Đệ tử tuy vạn vạn lần không dám mạo phạm sư phụ nhưng gian nhân gia hại thầy cũng vì đệ tử mà ra. Hôm nay đệ tử dẫu có chết để ta ân sư cũng không có gì ân hận thế nhưng từ nay đại cừu của sư phụ không ai trả thù. Đệ tử phạm vào tôn nghiêm của chùa Thiếu Lâm, xin sư phụ tha thứ cho.
Chỉ nghe hù hù hai tiếng, ông thổi ra hai hơi thật dài. Hai chén đèn dầu trong điện lập tức tắt ngúm, căn phòng tối đen như mực. Kiều Phong khi khấn nguyện đã tính toán kế sách thoát thân. Ông vừa thổi tắt đèn, tay trái liền tung chưởng đánh vào sau lưng thủ luật tăng, chưởng đó toàn dùng lực âm nhu không làm tổn thương nội tạng của y nhưng lại đẩy thân hình cao to của y bay tung ra khỏi cửa.
Trong bóng đêm các nhà sư thấy có tiếng gió, đều nghĩ rằng Kiều Phong chạy ra khỏi cửa nên liền dùng cầm nã thủ pháp, chộp luôn vào người thủ luật tăng. Các nhà sư ai nấy đều định bụng không muốn dùng trọng thủ giết chết Kiều Phong, chỉ định bắt ông lại tra hỏi thêm ông giết chết Huyền Khổ đại sư là cớ gì. Hơn chục cao tăng đó đều là nhất lưu hảo thủ của chùa Thiếu Lâm, mà đã là hạng nhất của chùa Thiếu Lâm thì cũng là hạng nhất trong võ lâm.
Cầm nã thủ của mỗi người không giống nhau, người nào cũng có chỗ độc đáo. Chỉ trong cùng một lúc, Cầm Long Thủ, Ưng Trảo Thủ, Hổ Trảo Công, Kim Cương Chỉ, Ác Thạch Chưởng ... các loại cầm nã tối cao minh của phái Thiếu Lâm đều chộp lên người thủ luật tăng.
Các nhà sư võ công quả là cao cường, trong đêm tối chỉ nghe tiếng gió mà vẫn không sai một li. Gã thủ luật tăng phen này chịu đủ mọi loại khổ sở, chỉ trong phút chốc các yếu huyệt toàn thân đều trúng cầm nã thủ pháp, thân thể lơ lửng trên không mà miệng không nói ra được lời nào, kinh lịch đó từ cổ tới nay chắc chưa ai từng phải chịu bao giờ.
Những cao tăng đó lịch duyệt rất nhiều, phương cách ứng biến cực kỳ chính xác, lập tức có mấy người nhảy lên, đứng chặn giữ trên mái nhà. Các cửa trước cửa sau của Chứng Đạo Viện luôn các ngõ ngách, các nơi hiểm yếu trong giây lát đều có cao thủ án ngữ. Không nói gì Kiều Phong thân thể cao to, dẫu ông có biến thành con chồn con cáo cũng chẳng làm sao thoát nổi.
Chú tiểu Thanh Tùng vội lấy hỏa đao, hỏa thạch châm mấy ngọn đèn dầu trong phòng, mọi người mới hay mình đã bắt nhầm thủ luật tăng. Thủ tọa Đạt Ma Viện_ là Huyền Nạn đại sư liền truyền hiệu lệnh, tất cả các tăng lữ ai nấy ở nguyên vị trí không được loạn động. Quần tăng đều nghĩ thầm, Kiều Phong dẫu có lớn mật cũng không dám một thân một mình xông vào một nơi đầm rồng hang hổ như chùa Thiếu Lâm để giết người, thể nào cũng có cường viện, ắt hẳn sẽ thừa cơ thi hành âm mưu khiến có thể trúng kế điệu hổ ly sơn.
Hơn chục cao tăng trong Chứng Đạo Viện cùng số tăng chúng do trì giới tăng dẫn đến liền chia ra tra xét những khu lân cận Chứng Đạo Viện, tưởng như mọi tảng đá cũng đều lật lên, tàn cây bụi cỏ nào cũng có người dùng côn đập vào. Tuy các nhà sư ai nấy bụng dạ từ bi, lại có đức hiếu sinh nhưng việc đó cũng khiến vô khối cóc nhái, chuột chù, châu chấu, kiến ong bị chết oan rất nhiều.
Lục soát hơn một giờ sau, chỉ còn thiếu cuốc cả đất lên tìm nhưng nào có thấy Kiều Phong đâu? Mọi người ai nấy tặc lưỡi luôn mồm, thật là kỳ quái, có người buột mồm chửi rủa mấy câu, khiến cho điều “ác ngữ” trong mười điều giới của nhà Phật không sao giữ được. Lúc đó mới khiêng di thể Huyền Khổ đại sư vào Xá Lợi Viện để thiêu, còn thủ luật tăng thì đưa xuống Dược Vương Viện điều trị. Quần tăng ủ rũ lặng thinh ai nấy đều cảm thấy kỳ này chùa Thiếu Lâm quả là mất mặt. Chùa Thiếu Lâm cao thủ đông như kiến, lại có cả mươi vị cao tăng võ công thanh vọng hơn người, người nào trong võ lâm tên tuổi cũng đều vang dội, vậy mà để cho Kiều Phong tay không vào ra như chỗ không người, chẳng nói gì việc giết hay bắt được ông ta, đến đào tẩu cách nào cũng chẳng ai đoán ra được.
Thì ra Kiều Phong đã liệu rằng một khi biến cố xảy ra, các nhà sư sẽ chạy ra truy tìm tứ phía, còn ngay ở trong nhà thì lại lơ là. Do đó khi ông vừa đánh bật thủ luật tăng đi rồi, lập tức co người lại, chui tọt xuống dưới gầm giường nơi Huyền Khổ đại sư vẫn thường nằm, mười ngón tay bấu lên các thang giường, thân hình ép sát vào dưới đáy. Mặc dầu cũng có người cúi xuống xét qua dưới gầm giường nhưng làm sao thấy ông ta được. Đến khi pháp thể của Huyền Khổ đưa đi rồi, chấp sự tăng liền đóng cửa Chứng Đạo Viện lại không cho ai vào nữa.
Kiều Phong nằm dưới gầm giường tai nghe tiếng các nhà sư xục xạo một hồi lâu rồi tiếng người lặng dần, nghĩ thầm: “Đợi đến khi trời sáng thì thoát thân không phải là dễ, lúc này không chạy đi thì còn lúc nào?”. Từ dưới gầm giường ông len lén chui ra, đẩy cửa phòng, chuyển thân nấp đằng sau gốc cây.
Ông nghĩ bụng mặc dù tiếng người đã yên nhưng tăng chúng chùa Thiếu Lâm chưa thể nào bỏ cuộc mà lơ là phòng bị. Chứng Đạo Viện ở tại phía cực tây của chùa Thiếu Lâm, nếu chạy về hướng tây sẽ vào ngay trong núi. Một khi đã ra khỏi chùa Thiếu Lâm rồi, các nhà sư sẽ phải trải rộng ra, dẫu có gặp nhau thì cũng không thể nào ngăn chặn ông được. Thế nhưng ông không muốn động thủ với các nhà sư Thiếu Lâm, chỉ mong sau này bắt được hung thủ, dẫn đến chùa nói cho rõ đầu đuôi. Hôm nay nếu như giao đấu với thêm một nhà sư, thì lại kết thêm một mối oán thù, giả sử như mình lỡ tay đánh người bị thương hoặc chết thì lại thêm một mối lo.
Ông mất tăm mất tích ở phía tây chùa, quần tăng ắt sẽ canh chừng nghiêm mật các đường nẻo thông qua núi về hướng tây. Ông suy tính một chút, nghĩ bụng cách ổn thỏa nhất là đi ngược lại về hướng đông xuyên qua chùa mà ra.
Nghĩ vậy ông bèn khom người lần theo các gốc cây che cho mình, qua bốn tòa viện xá, nấp dưới gốc một cây bồ đề, bỗng thấy đằng sau một cái cây ở trước mặt có hai nhà sư nằm phục nơi đó. Hai nhà sư đó không nhúc nhích chút nào, trong bóng đêm thật khó mà phát giác, có điều ông nhãn quang sắc bén nên nhìn thấy ánh sáng lấp lánh của thanh giới đao một nhà sư cầm trong tay, nghĩ thầm: “Nguy hiểm thực! Nếu như ta cốt chạy cho nhanh, hành tàng thể nào cũng bại lộ”. Ông ngồi chờ ở phía sau gốc cây thêm một lát, hai nhà sư kia vẫn không động đậy, cái kế “ôm cây đợi thỏ, há miệng chờ sung” kia quả là ghê gớm, nếu như mình chỉ hơi cử động là bị hai người đó nhìn thấy ngay nhưng cũng không thể nào cứ ngồi đó mãi.
Ông hơi trầm ngâm, nhặt một viên đá nhỏ, giơ ngón tay búng ra. Kình lực ông sử dụng thật khéo, lúc đầu thì chậm nhưng sau thì nhanh, lúc mới bắn ra không có chút thanh âm nào nhưng được bảy tám trượng rồi mới rít lên thật mạnh, lao thẳng vào gốc cây nghe cạch một tiếng gây ra một tiếng động lạ.
Hai nhà sư kia vội khom lưng chạy tới. Kiều Phong đợi cho hai nhà sư đó qua khỏi mình rồi mới tung mình nhảy lên, lẻn luôn vào căn nhà ở bên cạnh, dưới ánh trăng nhìn rõ biển ngạch viết ba chữ Bồ Đề Viện. Ông biết rằng hai nhà sư kia không thấy gì khác lạ thể nào cũng quay trở về, thành thử không ngừng mà lại chạy thẳng ra phía sau, xuyên qua tiền đường chạy vào hậu điện.
Chỉ trong chớp mắt đã thấy một bóng người cao lớn nhanh nhẹn dị thường ở phía sau chạy vụt qua, thân pháp trên đời ít gặp. Kiều Phong kinh hãi nghĩ thầm: “Hảo thân thủ, người đó là ai đây?’. Ông thu chưởng về hộ vệ thân thể, quay đầu nhìn lại, không khỏi bật cười, thấy trước mặt là một đại hán giơ một tay lên thủ thế, khom người nép mình, giữ miếng đằng trước mặt, khí thế trịnh trọng như hòn núi. Thì ra trước mặt pho tượng trong hậu điện là một chiếc bình phong, trên tấm bình phong có gắn một chiếc gương đồng cực lớn, chùi sáng bóng lộn, tấm kính chiếu rõ thân mình, trên tấm gương có khắc bốn hàng kinh, trước tượng Phật là hai ngọn đèn dầu, dưới ánh sáng lờ mờ vẫn còn đọc được:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh.
Như lộ diệc như điện,
Đương tác như thị quan._
Những gì có tướng có hình,
Khác gì bóng nước phập phồng chơi vơi.
Mong manh hạt móc giữa trời,
Thấy kia thoắt đó đã rời thế gian.
Kiều Phong mỉm cười quay đầu lại, đang toan cất bước, bỗng dưng tưởng như bị ai đánh mạnh vào đầu, lập tức ngẩn ngơ, chỉ trong một chớp mắt ông dường như nghĩ đến một việc cực kỳ trọng yếu nhưng việc đó là việc gì thì mơ mơ hồ hồ không tìm ra.
Ngẩn người ra một lát, vô ý lại nhìn vào trong chiếc gương đồng, thấy bóng sau lưng của mình mới chợt tỉnh ngộ: “Mới rồi ta vừa nhìn thấy bóng sau lưng mình vậy là ở đâu ra? Ta cũng chưa từng thấy chiếc gương nào lớn đến thế này thì cách nào mà lại nhìn thấy bóng sau lưng mình được?”. Ông còn đang xuất thần bỗng nghe bên ngoài có tiếng chân người, vài người đi vào trong điện.
Còn đang hoang mang chưa biết trốn chỗ nào, thấy trên bàn thờ có ba pho tượng Phật, vội vàng lẻn lên nép vào sau lưng pho tượng thứ ba. Nghe tiếng chân cả thảy sáu người, chia thành hai hàng, song song đi vào hậu điện mỗi người ngồi trên một chiếc bồ đoàn. Kiều Phong từ sau pho tượng nhìn ra, thấy cả sáu nhà sư đều tuổi trung niên, nghĩ thầm: “Nếu như lúc này mình lẻn ra ngoài hậu điện, sáu nhà sư võ công chỉ bình thường thì không thể nào biết được, thế nhưng nếu chỉ có một người nội công cao thâm, mắt tinh tai thính thì sẽ phát giác ngay. Chi bằng chờ đây thêm một chút nữa rồi hãy tính”.
Bỗng nghe nhà sư đầu tiên mé phải nói:
- Sư huynh, Bồ Đề Viện trống không như thế sao lại có kinh thư là thế nào? Sao sư phụ lại sai chúng ta đến trông chừng đề phòng địch nhân đến ăn trộm?
Nhà sư bên trái mỉm cười nói:
- Đây là chỗ bí mật của Bồ Đề Viện, không nên nói nhiều.
Nhà sư bên phải lại tiếp:
- Hừ, tiểu đệ xem chừng sư huynh cũng không biết nốt.
Nhà sư phía bên phải bị khích chịu không nổi bèn nói:
- Ta không biết thật chăng? “Nhất mộng như thị” ...
Y mới nói nửa chừng chợt nhớ phải cảnh giác lập tức ngưng bặt. Nhà sư bên phải lại hỏi:
- Cái gì mà lại “nhất mộng như thị”?
Nhà sư ngồi hàng thứ hai liền nói:
- Chỉ Thanh sư đệ, bình thời ngươi đâu có lắm mồm lắm miệng, sao hôm nay lại cứ nhì nhằng hỏi mãi thế? Nếu ngươi muốn biết bí mật của Bồ Đề Viện sao không đi hỏi sư phụ của ngươi đi?
Nhà sư tên Chỉ Thanh kia không dám hỏi thêm nữa, một lát sau mới nói:
- Để tôi ra sau đi giải một chút.
Y nói xong liền đứng lên. Y từ phía phải đi về phía cửa hông bên trái, vừa đến sau lưng người thứ năm, đột nhiên giơ chân phải lên, đá trúng ngay huyệt Huyền Khu ở sau lưng. Huyệt Huyền Khu ở vào vị trí bên dưới đốt xương sống thứ mười ba. Nhà sư đó đang ngồi xếp bằng trên bồ đoàn, huyệt Huyền Khu nằm ngay sát mép chiếu, bị đầu ngón chân của Chỉ Thanh đá trúng, thân hình liền từ từ ngã xuống bên phải. Gã Chỉ Thanh kia ra tay thật nhanh, lại nhẹ nhàng không có chút động tịnh gì, tiếp theo liền đá vào huyệt Huyền Khu của nhà sư thứ tư, rồi kế đó nhà sư thứ ba, chỉ trong nháy mắt đã đánh ngã liền ba người.
Kiều Phong ngồi đằng sau tượng Phật nhìn thấy rõ ràng, trong bụng kỳ lạ, không hiểu vì lý do gì mà nhà sư kia lại giở trò tấn công đồng bọn. Lại thấy gã Chỉ Thanh giơ chân lên đá vào nhà sư thứ hai ở bên trái, đầu mũi chân vừa đụng vào huyệt đạo y thì hai trong số ba nhà sư bị điểm huyệt liền từ bồ đoàn ngã lăn ra, đầu đụng vào gạch lát trên điện nghe lịch bịch. Nhà sư bên trái giật mình, vội đứng bật dậy xem thế nào, vừa kịp thấy Chỉ Thanh giơ chân đá ngã người ngồi bên hữu, lại càng kinh hãi quát lên:
- Chỉ Thanh, ngươi làm gì thế?
Chỉ Thanh giơ tay chỉ ra ngoài nói:
- Xem kìa, ai đến thế kia?
Nhà sư kia quay đầu nhìn ra, Chỉ Thanh liền tung chân bên phải, đá mạnh vào sau lưng y. Cú đá đó cực kỳ nhanh, thể nào cũng trúng mới phải, thế nhưng chiếc gương đồng ở phía trước chiếu rõ ràng ngón đòn đánh lén kia, nhà sư liền nghiêng người tránh qua, đánh trả lại một chưởng, kêu lên:
- Ngươi có điên không?
Chỉ Thanh xuất chưởng nhanh như gió, đấu đến chiêu thứ tám thì nhà sư kia bị trúng một quyền vào bụng dưới, tiếp theo lại bị bồi thêm một cú đá. Kiều Phong thấy Chỉ Thanh ra chiêu âm nhu độc địa, xem chừng không phải gia số của phái Thiếu Lâm, trong lòng càng thêm lạ lùng.
Nhà sư kia biết mình không địch lại, vội kêu lên:
- Có gian tế, có gian tế ...
Chỉ Thanh nhảy vụt tới, tả quyền đấm luôn vào ngực y, nhà sư đó lập tức lăn ra bất tỉnh. Chỉ Thanh vội chạy tới trước chiếc gương đồng, giơ ngón tay trỏ bên phải, vặn vào chữ “nhất” ở hàng kinh văn đầu tiên một cái. Kiều Phong lại thấy y mò xuống xoay chữ “mộng” ở hàng thứ hai, nghĩ thầm: “Nhà sư kia nói bí mật là “nhất mộng như thị”, nhưng trên tấm gương có đến bốn chữ như, không biết y xoay chữ như nào?”.
Chỉ thấy Chỉ Thanh giơ ngón tay vặn chữ “như ” đầu tiên ở hàng thứ ba, rồi tiếp theo vặn chữ “thị” ở hàng thứ tư. Tay y chưa rời khỏi tấm gương đã nghe tiếng kẹt kẹt, tấm gương đồng chầm chậm ngả ra.
Nếu như lúc này Kiều Phong muốn trốn đi thì quả là dịp bằng vàng nhưng ông nổi dạ hiếu kỳ, muốn biết vì lý do gì mà nhà sư Thiếu Lâm kia lại làm hại đồng môn, sau tấm gương đồng có cái gì không chừng có thể liên quan đến việc Huyền Khổ đại sư bị hại.
Nhà sư phía bên trái khi bị Chỉ Thanh đánh ngã đã kêu toáng lên, chùa Thiếu Lâm vốn dĩ có hơn một trăm nhà sư đang đi tuần ở phía tây núi, vừa nghe tiếng vội vàng lục tục chạy đến, bốn bề đông tây nam bắc của Bồ Đề Viện chỗ nào cũng có tiếng chân rầm rập.
Kiều Phong trong bụng chần chừ: “Không thể để cho bọn họ thấy được tung tích của ta”. Thế nhưng các nhà sư đã kéo đến rồi, mọi người ai ai cũng chăm chăm nhìn Chỉ Thanh, cơ hội thoát thân vẫn còn rất nhiều, chẳng việc gì phải vội vàng đào tẩu. Ông thấy Chỉ Thanh giơ tay mò mò trong một cái lỗ hổng phía sau tấm gương nhưng không lấy được gì cả. Vừa ngay lúc đó, tiếng chân người từ phương bắc chạy đến đã ngừng ngay trước cửa Bồ Đề Viện.
Chỉ Thanh dậm chân, xem ra cực kỳ thất vọng, đang định xoay mình bỏ đi, đột nhiên khom mình thò đầu vào phía sau chiếc gương, vui mừng nói:
- Ở đây rồi!
Y giơ tay cầm lấy một chiếc bao nhỏ bỏ vào túi rồi toan tìm đường chạy, thế nhưng khi đó bốn phía đã có rất đông sư sãi bao vây, không còn đường nào nữa. Chỉ Thanh nhìn quanh quất rồi chạy ra lối cửa trước của Bồ Đề Viện. Kiều Phong nghĩ thầm: “Gã này bỏ chạy ra thể nào cũng bị bắt ngay”. Ngay lúc đó, bỗng thấy có hơi gió ập tới, có người đã xông vào chỗ ông đang ẩn mình. Kiều Phong nghe gió biện hình, tay trái vươn ra đã chộp ngay được cổ tay địch nhân, tay phải liền thò ra đè luôn vào huyệt Thần Đạo trên lưng y, nội lực nhả ra gã kia liền toàn thân mềm nhũn không còn động đậy gì được nữa.
Kiều Phong bắt được kẻ địch rồi, chăm chú nhìn kỹ tướng mạo y, tưởng ai hóa ra Chỉ Thanh. Ông ngạc nhiên một chút lập tức hiểu ra: “Thì ra là thế! Gã này cũng tính toán như ta, chui vào đằng sau tượng Phật để trốn, khéo làm sao lại đúng ngay pho tượng thứ ba, chắc là vì pho tượng này to hơn cả. Vì cớ gì lúc đầu y chạy ra cửa trước, rồi lại len lén quay trở vào đây? Ồ, dưới đất có năm nhà sư nằm đó, nếu người khác chạy vào hỏi, cả năm người đều nói là y đã chạy ra cửa trước rồi, mọi người sẽ không ai tra xét gì Bồ Đề Viện nữa. Ôi, người này quả là lắm mưu mẹo”.
Kiều Phong trong bụng nghĩ thầm không thể nào thả Chỉ Thanh ra, bèn ghé vào tai y nói nhỏ: “Nếu ngươi há mồm kêu, ta sẽ một chưởng đánh chết ngươi ngay, có biết không?”. Chỉ Thanh gật đầu.
Ngay lúc đó từ cửa cái bảy tám nhà sư chạy vào, trong đó có ba người cầm đuốc, đại điên liền sáng bừng lên. Chúng tăng nhìn thấy trong đại điện có năm nhà sư ngã lăn nơi đó, lập tức xôn xao lên:
- Gã ác tặc Kiều Phong kia lại hạ độc thủ rồi!
- Ồ, Chỉ Trầm, Chỉ Uyên sư huynh đây mà!
- Ôi chao! Không xong rồi! Chiếc gương đồng này sao bị đẩy ra? Kiều Phong ăn cắp kinh thư ở Bồ Đề Viện rồi!
- Mau mau bẩm báo phương trượng.
Kiều Phong nghe mấy người đó lao xao bàn tán, chỉ đành gượng cười: “Cái món nợ này lại đổ lên đầu ta”. Chỉ trong giây lát, số nhà sư chạy vào điện mỗi lúc một đông. Kiều Phong thấy Chỉ Thanh giãy giụa toan đào tẩu thoát thân liền rõ ngay ý định: “Lúc này quần tăng tụ tập ở trên điện, Chỉ Trầm, Chỉ Uyên cả bọn chưa tỉnh, chính là cơ hội tốt để Chỉ Thanh bỏ đi, y cứ việc tự nhiên chạy ra ngoài không ai nghi ngờ vì người nào cũng đổ riệt cho ta là hung thủ”. Ông lại lập tức nghĩ ngay: “Gã Chỉ Thanh này cũng chưa phải là tinh khôn cho lắm chứ lúc nãy y việc gì phải trốn vào đây? Y từ trong điện đi ra, đâu có ai hỏi han gì mà sợ?”.
Đột nhiên trong điện tất cả mọi người đều im bặt, không còn ai mở miệng nói một lời nào, kế đó chúng tăng đồng thanh nói:
- Tham kiến phương trượng, tham kiến thủ tọa Đạt Ma Viện, tham kiến thủ tọa Long Thụ Viện.
Chỉ nghe lốp bốp mấy tiếng nhẹ, ai đó đã xuất chưởng vỗ bọn năm nhà sư Chỉ Trầm, Chỉ Uyên tỉnh lại, rồi có người hỏi:
- Lại do Kiều Phong ra tay hay sao? Làm sao y biết được bí mật của tấm gương đồng?
Chỉ Trầm đáp:
- Không phải Kiều Phong mà là Chỉ Thanh ...
Đột nhiên y tung mình nhảy lên chửi:
- Giỏi nhỉ, vì cớ gì ngươi ra tay ám toán đồng môn?
Kiều Phong nấp ở sau lưng pho tượng không thể đoán được y đang chửi ai. Chỉ nghe tiếng một người kinh hãi kêu lên:
- Chỉ Trầm sư huynh, sao sư huynh lại nắm tôi?
Chỉ Trầm giận dữ đáp:
- Ngươi đá ngã năm người chúng ta, ăn trộm kinh thư, thật là lớn mật. Bẩm cáo phương trượng, phản tặc Chỉ Thanh lén mở đồng kính trong Bồ Đề Viện ăn trộm kinh thư dấu trong đó.
Người kia kêu lên:
- Cái gì? Cái gì? Tôi từ nãy vẫn ở bên cạnh phương trượng, làm sao có thể ăn trộm kinh được?
Một giọng nói già nua khàn khàn nói:
- Hãy đóng chiếc gương đồng lại đã rồi kể lại tình hình xem ra thế nào?
Chỉ Uyên đến đóng chiếc gương lại như cũ. Nhờ thế tình hình quần tăng trên điện thế nào Kiều Phong đều nhìn trong tấm đồng kính thật rõ ràng thấy một nhà sư hoa chân múa tay, cực kỳ khích động. Kiều Phong đưa mắt nhìn y không khỏi hoảng hốt giật mình, thì ra người đó chính là Chỉ Thanh. Kiều Phong ngạc nhiên quay đầu nhìn lại nhà sư bị ông bắt được ngồi bên cạnh thấy tướng mạo so với người ở dưới kia không khác một mảy, nhìn kỹ lắm cũng chỉ thấy khác đôi chút, thế nhưng chỉ thoạt nhìn qua thì không thể nào phân biệt được. Kiều Phong nghĩ thầm: “Trên đời này người có hình dáng giống nhau như thế quả là hiếm có. Đúng rồi, chắc hai người là anh em sinh đôi. Mẹo này thật hay, một người xuất gia ở chùa Thiếu Lâm, một người ở ngoài chờ đợi, đợi đúng thời cơ liền ăn mặc giả làm sư vào ăn trộm kinh. Gã Chỉ Thanh kia nếu như một bước không rời phương trượng thì không ai có thể nghi y được”.
Chỉ nghe Chỉ Trầm kể lại Chỉ Thanh làm cách nào thám thính được bí mật của chiếc gương đồng, mình vô ý nói hớ bốn chữ ra sao, Chỉ Thanh giả bộ ra ngoài đi tiểu rồi lén tấn công bốn người, sau đó động thủ đánh ngã mình. Trong khi Chỉ Trầm kể chuyện, bọn bốn người Chỉ Uyên liên tiếp phụ họa, chứng thực lời của y không sai chút nào.
Huyền Từ phương trượng từ đầu chí cuối thần sắc vẫn thản nhiên, đợi cho Chỉ Trầm nói xong mới chậm rãi hỏi lại:
- Ngươi nhìn rõ chứ? Quả đúng là Chỉ Thanh chăng?
Chỉ Trầm và cả bọn Chỉ Uyên cùng đáp:
- Bẩm cáo phương trượng, chúng đệ tử và Chỉ Thanh không thù không oán lẽ nào lại vu hãm cho y?
Huyền Từ thở dài:
- Chuyện này xem ra có gì khác lạ, Chỉ Thanh vốn dĩ ở bên cạnh ta không hề rời xa, cà thủ tọa Đạt Ma Viện cũng có mặt.
Phương trượng nói ra như thế, quần tăng trên điện còn ai dám nói gì hơn. Thủ tọa Đạt Ma Viện là Huyền Nạn đại sư cũng nói:
- Chính thị, ta cũng thấy Chỉ Thanh hầu hạ phương trượng sư huynh, làm sao y có thể đến Bồ Đề Viện để trộm kinh được?
Thủ tọa Long Thụ Viện Huyền Tịch liền hỏi:
- Chỉ Trầm, gã Chỉ Thanh kia khi động thủ quá chiêu với ngươi, quyền cước có điểm gì khác lạ chăng?
Giọng ông ta đúng là người già nua khàn khàn khi nãy. Chỉ Trầm kêu lên một tiếng đáp:
- Đúng rồi! Sao đệ tử lại không nghĩ ra? Gã Chỉ Thanh kia động thủ cùng đệ tử, sử dụng không phải võ công bản môn.
Huyền Tịch nói:
- Thế thì công phu của môn nào phái nào, ngươi có nhìn ra chăng?
Ông thấy Chỉ Trầm nét mặt hoang mang, không sao trả lời được, bèn hỏi thêm:
- Có phải trường quyền chăng? Hay là đánh nhập nội? Cầm nã thủ? Hay là Địa Đường, Lục Hợp, Thông Tí?
Chỉ Trầm đáp:
- Y ... y sử dụng công phu cực kỳ âm độc, mấy lần đệ tử bị trúng đòn của y.
Huyền Tịch, Huyền Nạn cùng mấy vị lão tăng vai vế cực cao đưa mắt nhìn phương trượng, ai nấy nghĩ thầm trong chùa hôm nay gặp phải những đối thủ bản lãnh cực kỳ cao siêu, giở trò đùa cợt, khiến cho ai nấy như chìm vào trong đám sương mù, kế sách trước mắt là cố làm sao tra xét cho ra, đồng thời gặp đâu hay đó thấy chuyện quái lạ đừng hoảng hốt nếu không tăng chúng trong chùa sẽ lo sợ kinh hoàng, e rằng họa hoạn không thể nào giải quyết được.
Huyền Từ chắp hai tay nói:
- Kinh thư cất dấu trong Bồ Đề Viện, là Đại Thừa kinh luận do cao tăng tiền bối viết ra để xiển dương Phật pháp, độ hóa thế nhân, nếu là đệ tử Phật môn lấy được, niệm tụng nghiên cứu dĩ nhiên có ích rất nhiều. Còn như kẻ thế tục lấy được không tôn trọng thì tội họa không phải là nhỏ. Các vị sư đệ, sư điệt, mọi người trở về bản viện nghỉ ngơi đi, những người có chức vụ thì ai làm việc nấy.
Quần tăng nghe lời đi ra, chỉ còn bọn Chỉ Trầm, Chỉ Uyên vẫn cùng Chỉ Thanh cãi lẫy ỏm tỏi. Huyền Tịch trừng mắt nhìn họ khiến ai nấy hoảng hồn, không còn dám hó hé gì nữa, cùng Chỉ Thanh đi ra.
Tất cả đi hết rồi, trong điện chỉ còn lại Huyền Từ, Huyền Nạn, Huyền Tịch ba người ngồi ở trên bồ đoàn ngay trước tượng Phật. Huyền Từ đột nhiên cất lên:
- A Di Đà Phật, tội nghiệp thay, tội nghiệp thay!
Mấy tiếng đó vừa xong, ba nhà sư phi thân nhảy lên, lòn ra phía sau tượng Phật, từ ba phương vị khác nhau xuất chưởng đánh vào Kiều Phong. Kiều Phong không ngờ ba nhà sư đã nhìn vào tấm gương đồng phát hiện tung tích của mình, lại càng không nghĩ đến ba lão tăng già cả lụ khụ chưa nói gì đã xông lên đánh liền, xuất chưởng uy mãnh nhanh nhẹn đến thế. Chỉ chớp mắt ông thấy khó thở, ngực như bị đè, ba vị cao tăng Thiếu Lâm hợp kích quả là ghê gớm. Ông không còn phân biệt được phương hướng của chưởng lực từ đâu tới, chỉ thấy trái phải trên dưới trước sau chỗ nào cũng bị chưởng lực của ba nhà sư bao trùm, muốn xông ra chỉ còn một cách là dùng ngạnh công, nếu không đả thương được đối phương ắt là mình sẽ bị thương. Ông không kịp suy nghĩ, đành vận sức vào song chưởng đẩy ra đằng trước, nghe lách cách một tiếng lớn, pho tượng Phật đã bị đẩy ngã. Kiều Phong thuận tay xách luôn Chỉ Thanh, tung mình nhảy tới, bỗng cẩm thấy sau lưng kình phong lợi hại, chưởng lực chưa đến thì hơi gió đã tới rồi.
Kiều Phong không muốn đối chưởng đấu sức với các nhà sư Thiếu Lâm, tay phải liền chộp lấy tấm bình phong trên có gắn tấm gương đồng, xoay tay lật ngược lại, dùng chiếc bình phong như lá chắn che sau lưng, chỉ nghe choang một tiếng lớn, một chưởng của Huyền Nạn đã đánh trúng tấm đồng kính, chấn động khiến cánh tay Kiều Phong ngâm ngẩm tê, bình phong chung quanh tấm gương vỡ thành mấy mảnh.
Kiều Phong mượn luôn sức chưởng của Huyền Nạn nhảy vọt đến hơn một trượng về phía trước, bỗng thấy sau lưng có người hít một hơi dài, thanh âm không phải tầm thường. Kiều Phong biết ngay một nhà sư Thiếu Lâm sắp sử dụng một loại võ công giống như Phách Không Thần Quyền, tuy không có gì phải sợ nhưng không muốn đấu công lực với ông ta thành thử cầm chiếc gương đồng chặn sau lưng, nội lực dẫn lên cánh tay bên phải.
Ngay lúc đó, ông cảm thấy chưởng lực của đối phương xeo xéo đánh tới, phương vị có vẻ hơi quái dị. Kiều Phong ngạc nhiên, lập tức tỉnh ngộ, nhà sư kia không đánh thẳng vào lưng ông ta, mà đánh vào hậu tâm Chỉ Thanh. Kiều Phong và Chỉ Thanh không hề quen biết, cũng chẳng có ý muốn cứu y, nhưng đã nắm y trong tay, tự nhiên nẩy ra ý muốn chiếu cố nên đẩy chiếc đồng kính ra bảo vệ cho Chỉ Thanh. Chỉ nghe bộp một tiếng, thanh âm tắt ngúm thì ra chiếc gương đồng đã bị chưởng lực của Huyền Nạn đánh nứt từ trước, bây giờ bị thêm Phách Không Chưởng của Huyền Từ thành ra vỡ nát.
Kiều Phong khi giơ chiếc gương ra sau lưng đã kịp nắm Chỉ Thanh nhảy lên mái nhà, thấy thân thể y nhẹ bỗng, so với tướng tá cao to của y không xứng chút nào nhưng tiếng vỡ vừa vang lên, ông đang đứng trên mái nhà bỗng thấy chân không vững, ngã vật trở lại. Từ khi hành tẩu giang hồ, ông chưa từng gặp phải đối thủ nào lợi hại đến thế, không khỏi hoảng hồn, lập tức quay mình nhẹ nhàng nhưng vững chãi như một hòn núi đứng xuống đất, khí độ trầm hùng tưởng chừng như không coi cường địch vây quanh vào đâu.
Huyền Từ liền nói:
- A Di Đà Phật, Kiều thí chủ, sao ông đến chùa Thiếu Lâm giết người chưa đủ lại còn làm hư hại cả tượng Phật là sao?
Huyền Tịch quát lớn:
- Nếm một chưởng của ta xem nào!
Song chưởng của ông ta từ bên ngoài đánh vòng vào, rồi từ từ đẩy vào phía Kiều Phong. Chưởng lực chưa đến, Kiều Phong đã thấy khó thở, chỉ trong khoảnh khắc chưởng lực của Huyền Tịch chẳng khác nào sóng cả ào ào đổ tới.
Kiều Phong vứt chiếc gương đồng xuống, hữu chưởng đánh trả lại một chiêu Kháng Long Hữu Hối_ trong Hàng Long Thập Bát Chưởng. Hai luồng chưởng lực chạm nhau, nghe ầm một tiếng, cả Huyền Tịch lẫn Kiều Phong đều phải lùi lại ba bước. Kiều Phong chấn động toàn thân thấy như không còn hơi sức, Chỉ Thanh trong tay tuột ra rơi xuống, nhưng vừa đề chân khí, lập tức tinh thần sung mãn trở lại, nên không đợi cho Huyền Tịch đánh tiếp chưởng thứ hai, kêu lên:
- Không đấu nữa!
Ông nhắc Chỉ Thanh lên, phi thân trở lên mái nhà. Huyền Nạn, Huyền Tịch cùng kêu lên một tiếng, lạ lùng vô cùng. Chưởng của Huyền Tịch vừa mới đánh ra đã tập trung hết công lực bình sinh có tên là Nhất Phách Lưỡng Tán. Sở dĩ gọi là lưỡng tán là nói về đánh vào đá, đá sẽ vỡ tan văng cả lên người, còn chính mình cũng hồn phi phách tán. Lộ chưởng pháp đó chỉ có một chiêu, chỉ vì chưởng lực quá ư hùng hồn nên khi đối địch không cần sử dụng lần thứ hai kẻ địch đã toi mạng rồi. Chưởng đó sử dụng nội lực bài sơn đảo hải làm cơ sở, dẫu có muốn biến chiêu hay thay đổi thế đánh cũng không ai làm nổi. Ngờ đâu Kiều Phong tiếp chiêu đó rồi, đã chẳng chết ngay tại đương trường mà chỉ trong một thời gian rất ngắn đã hồi sức, cầm người nhảy lên mái nhà chạy mất.
Huyền Nạn than thở:
- Võ công người này quả là giỏi thật.
Huyền Tịch nói:
- Nếu như không sớm trừ khử đi, e rằng hậu hoạn không biết đến đâu mà kể.
Huyền Nạn liên tiếp gật đầu, còn Huyền Từ nhìn theo phía Kiều Phong vừa bỏ đi, ngẩn người ra không nói năng gì.
Khi Kiều Phong bỏ đi, ông quay đầu lại nhìn tấm gương đồng bị Huyền Từ phương trượng đánh một quyền nát vụn ra thành mấy chục mảnh tứ tán dưới đất, mảnh nào cũng có bóng sau lưng ông. Kiều Phong đột nhiên thấy lòng bàng hoàng: “Vì sao mỗi lần ta nhìn thấy bóng sau lưng mình, trong bụng có điều gì bất ổn? Không biết có chuyên gì khác thường?”. Khi đó ông đang gấp gáp chuyện rời khỏi chùa Thiếu Lâm, trong đầu tuy nổi một mối nghi hoặc nhưng đang vội vã nên cũng liền quên ngay.
Đường trong núi Thiếu Thất ông rất quen thuộc, luồn xuống sau núi rồi liền kiếm những đường mòn cheo leo mà đi, chạy luôn mấy dặm không nghe tiếng các nhà sư đuổi theo, nên cũng yên dạ, bèn bỏ Chỉ Thanh xuống đất quát lớn:
- Thôi ngươi tự mình đi đi nhưng đừng nghĩ tới chuyện đào tẩu.
Ngờ đâu Chỉ Thanh chân vừa chạm đất đã nhũn ra, thân hình co quắp, tưởng chừng đã chết rồi. Kiều Phong ngạc nhiên, vội đưa tay sờ mũi y, thấy hơi thở lúc có lúc không, rất là yếu ớt liền cầm tay xem mạch thấy nhảy cũng rất chậm, xem chừng sắp chết đến nơi.
Kiều Phong nghĩ thầm: “Ta trong bụng còn bao nhiêu chuyện ngờ vực đang tính hỏi ngươi, không thể để cho mi chết dễ dàng như thế được. Gã hòa thượng này lọt vào tay mình, e rằng sợ âm mưu bại lộ nên uống một loại thuốc độc cực mạnh để tự sát”.
Ông vội vàng sờ lên ngực y để xem tim còn đập hay không, bỗng thấy như sờ vào vật gì mềm mại, dường như nhà sư đó là một người đàn bà. Kiều Phong vội vàng rụt tay về, càng thấy lạ lùng hơn: “Y ... y là đàn bà giả trang ư?”. Trong đêm tối không cách nào nhìn kỹ mặt mũi y ra sao. Ông là một con người hào phóng khoát đạt, không nề tiểu tiết, không phải như Đoàn Dự mê sách giữ kẽ, có rất nhiều cố kỵ nên nắm lưng Chỉ Thanh nhắc lên, quát hỏi:
- Ngươi là đàn ông hay là đàn bà? Ngươi nếu không nói thực, ta sẽ lột hết quần áo ngươi ra xem cho rõ.
Môi Chỉ Thanh mấp máy dường như định nói gì nhưng không phát xuất được lời nào, đủ biết tính mạng đang lâm nguy chỉ còn treo trên sợi tóc. Kiều Phong nghĩ bụng: “Bất luận người này là nam hay nữ, kẻ tốt hay người xấu cũng không thể để y chết như thế này được”. Ông bèn giơ chưởng phải ra đè vào sau lưng y, dưa chân khí từ đan điền ra từ bụng lên cánh tay, từ cánh tay xuống lòng bàn tay truyền vào thân thể Chỉ Thanh, dẫu không cứu được tính mạng y thì cũng có thể hỏi y được vài điều manh mối. Một lúc sau, mạch Chỉ Thanh dần dần mạnh lên, hô hấp cũng đều trở lại. Kiều Phong thấy y nhất thời không chết nữa, trong bụng cũng đỡ lo nghĩ thầm: “Nơi đây cách chùa Thiếu Lâm chưa xa không nên ở lâu”. Ông liền bồng Chỉ Thanh ngang trên hai tay, rảo bước đi về phía hướng tây bắc.
Khi đó ông mới thấy thân hình Chỉ Thanh cực kỳ nhẹ nhàng, không tương xứng với dáng dấp cao to của y chút nào, nghĩ bụng: “Ta lột quần áo y ra thì không ổn nhưng chẳng lẽ đến giày vớ y mình cũng không cởi được hay sao?”. Ông giơ tay kéo tăng hài bên phải của y, nắm vào thấy cứng ngắc không phải thịt da người, hơi kéo mạnh một cái, một vật gì đó theo tay tuột ra, hóa ra là một chiếc chân giả làm bằng gỗ. Ông thò tay mò chân Chỉ Thanh gặp ngay một bàn chân nhỏ nhắn mềm mại. Kiều Phong kêu lên một tiếng, nghĩ thầm: “Quả nhiên là một người đàn bà”.
Ông lập tức thi triển khinh công, chạy mỗi lúc một nhanh, đến khi trời tờ mờ sáng, tính ra phải cách chùa Thiếu Lâm đến hơn năm chục dặm, bèn ôm Chỉ Thanh đến một khu rừng nhỏ ở gần bên, gặp một khe suối chảy ngang liền đi đến bên dòng nước, vốc nước vỗ lên mặt Chỉ Thanh, lại dùng tay áo cà sa lau mấy cái, đột nhiên từng mảng từng mảng thịt da lả tả rơi xuống. Kiều Phong sợ đến nhảy dựng lên: “Sao da thịt cô ta lại rã nát ra thế này?”. Ông chăm chú nhìn, thấy bên dưới những mảng da lở loét, là làn da mịn màng nhẵn nhụi trắng ngần.
Chỉ Thanh được Kiều Phong ôm chạy đi vốn dĩ nửa tỉnh nửa mê, lúc này mặt bị vã nước lạnh liền mở mắt ra, nhìn thấy Kiều Phong, gượng nở một nụ cười, nói nhỏ:
- Kiều bang chủ!
Thế nhưng vì quá yếu đuối, chỉ gọi được một tiếng rồi lại nhắm mắt thiếp đi. Kiều Phong thấy khuôn mặt nàng loang loang lổ lổ, chỗ lồi chỗ lõm nhìn không ra tướng mạo thế nào, liền lấy tay áo cô ta đem nhúng xuống nước, lau mạnh lên mặt mấy cái, bao nhiêu phấn đóng trên mặt trôi đi, lộ ra khuôn mặt xinh tươi của một thiếu nữ. Kiều Phong thất thanh kêu lên:
- Hóa ra là A Châu cô nương!
Kẻ giả trang làm Chỉ Thanh lẻn vào Bồ Đề Viện chùa Thiếu Lâm chính là A Châu, thị tì của Mộ Dung Phục. Thuật dị dung cải trang của nàng quả là siêu tuyệt, dùng chân gỗ nâng cao người lên, lấy bông độn vai độn bụng, lại dùng bột mì trộn hồ đắp cho mặt phồng lên, đội tăng mạo, mặc tăng bào khiến cho những người thường ngày vẫn gặp Chỉ Thanh như bọn Chỉ Trầm, Chỉ Uyên cũng không nhận ra nổi.
Nàng còn đang mơ mơ hồ hồ nghe Kiều Phong gọi “A Châu cô nương” đã toan đáp lời, lại muốn giải thích vì sao mình lẻn vào chùa Thiếu Lâm nhưng không còn chút lực khí nào nữa, ngay cả lưỡi cũng không còn sử dụng được nên một tiếng “Ừ” cũng nói không ra.
Lúc đầu Kiều Phong cho rằng Chỉ Thanh là kẻ gian trá hiểm độc, cái chết của cha mẹ và sư phụ mình chắc có liên quan mật thiết đến y nên đành hao phí khí lực cứu y cốt để tra xét cho rõ ngọn nguồn, trong lòng đã định bụng nếu y không nói thì sẽ dùng những độc hình khảo đả bức bách cho ra.
Ngờ đâu khi bộ mặt thật lộ ra rồi, hóa ra lại là cô nàng A Châu hình dáng ẻo lả, xinh đẹp dễ thương, quả thật dẫu nằm mơ cũng không tin nổi. Kiều Phong tuy đã từng gặp mặt A Châu, A Bích vài lần, lại cứu hai nàng từ tay các võ sĩ Tây Hạ nhưng nào có biết A Châu giỏi tài hóa trang, giá như Đoàn Dự thì chắc chàng đã đoán ra rồi.
Kiều Phong lúc này đã biết nàng không phải trúng độc, mà chỉ vì bị thương bởi chưởng lực, hơi suy nghĩ một chút đã biết được lý do, lúc trước Huyền Từ phương trượng dùng Phách Không Chưởng đánh tới, mình dùng tấm gương đồng che chở nên không trúng phải A Châu nhưng vì tay trái giơ nàng lên, chưởng lực kinh người kia cũng truyền tới cô gái. Ông nghĩ ra được chuyện đó rồi không khỏi hối hận: “Nếu ta không xen vào chuyện người khác cứ để nàng muốn đến thì đến, muốn đi thì đi thì nàng đã thoát thân rồi, không đến nỗi mắc đại nạn hôm nay”.
Ông trong bụng vốn đã coi trọng Mộ Dung Phục, nể thần nể cả cây đa, đối với người thị tì cũng lấy mắt xanh mà đãi nên nghĩ thầm: “Nàng ta sở dĩ bị trọng thương như thế này cũng chỉ vì mình mà ra. Nói gì thì nói, thể nào cũng phải tìm đến thị trấn, kiếm thầy lang chữa trị cho khỏi mới xong”. Ông bèn nói:
- A Châu cô nương, để ta bồng cô đến thị trấn trị thương.
A Châu đáp:
- Trong túi tôi có thuốc đó.
Nói xong nàng giơ tay lên nhưng không có hơi sức nào thò vào bọc. Kiều Phong lấy các đồ trong túi nàng ra, ngoại trừ một số bạc vụn, thấy có một sợi xích vàng đúc thật tinh xảo, trên sợi xích có khắc hai hàng chữ nhỏ:
Thiên thượng tinh,
Lượng tinh tinh,
Vĩnh xán lạn,
Trường an ninh.
Sao trên trời,
Sáng lấp lánh.
Vĩnh chiếu tỏa,
Mãi an ninh.
Ngoài ra còn có một hộp ngọc nhỏ màu trắng, chính là chiếc hộp Đàm công tặng nàng nơi rừng hạnh. Kiều Phong mừng thầm, biết rằng thương dược này cực kỳ linh nghiệm bèn nói:
- Cứu tính mạng cho cô là quan trọng, xin đừng trách cứ.
Ông bèn đưa tay cởi áo nàng ra lấy Băng Thiềm Cao xoa lên trên ngực. A Châu thẹn đến chín người nhưng không sao tránh né được, vết thương đau nhói lên lại ngất đi.
Kiều Phong mặc áo lại cho cô gái, bỏ chiếc hộp bạch ngọc và chiếc dây xích vàng vào túi nàng, còn số bạc vụn thì bỏ vào túi mình, đưa tay bồng cô ta lên, rảo bước đi về hướng bắc. Đi được độ hơn hai chục dặm, đến một thị trấn lớn nhà cửa sầm uất tên là Hứa Gia Tập. Kiều Phong tìm đến khách điếm lớn nhất, thuê hai phòng, lo liệu cho A Châu nằm yên rồi mới đi mời một thầy thuốc đến khám bệnh.
Thầy lang đó bắt mạch A Châu xong, liên tiếp lắc đầu nói:
- Bệnh của cô nương không có thuốc nào chữa nổi, thang thuốc này tôi cắt chỉ là làm hết sức đấy thôi.
Kiều Phong thấy toa thuốc có các vị cam thảo, bạc hà, cát cánh, ngưu hạ đều là những loại thuốc ôn hòa, đến trị đau bụng cũng không xong. Ông không đi cắt thuốc nghĩ thầm: “Nếu như linh dược của Đàm công ở Xung Tiêu Động trị cũng không được thì thuốc của một lang băm ở thị trấn này có ích lợi gì”. Nói rồi lại vận chân khí, dùng nội lực chuyển vào thân thể nàng. Chỉ trong khoảnh khắc, gò má A Châu lại hồng lên nói:
- Kiều bang chủ, may mà được ông cứu, nếu như rơi vào tay bọn giặc trọc kia thì tính mạng thiếp chắc chẳng còn.
Kiều Phong nghe nàng nói thấy trung khí sung túc rất lấy làm vui mừng:
- A Châu cô nương, ta cứ lo là cô không khỏi được.
A Châu đáp:
- Ông đừng gọi tôi là cô nương chi chi nữa, cứ gọi A Châu không cũng được rồi. Kiều bang chủ, ông tới chùa Thiếu Lâm làm gì vậy?
Kiều Phong đáp:
- Ta nào có còn làm bang chủ nữa đâu, từ rày đừng gọi là bang chủ nữa nhé.
A Châu đáp:
- Ồ, xin lỗi ông. Thôi thiếp gọi ông là Kiều đại gia.
Kiều Phong nói:
- Để ta hỏi cô trước, cô đến chùa Thiếu Lâm để làm gì?
A Châu cười đáp:
- Ồ, nói ra ông đừng cười là tiểu nữ phá quấy, thiếp nghe nói công tử chúng tôi đến chùa Thiếu Lâm nên định đi tìm, nói cho công tử biết chuyện Vương cô nương. Ngờ đâu khi vừa bước chân vào cửa, gã hòa thượng Chỉ Thanh kia đã hầm hầm hung tợn nói là đàn bà con gái không được vào chùa Thiếu Lâm. Thiếp tranh cãi với y một hồi, y lại còn mắng thiếp. Thành thử muốn vào chùa đành phải giả làm y, để xem y làm gì được nào?
Kiều Phong mỉm cười nói:
- Cô cải trang vào được chùa Thiếu Lâm mà các nhà sư không biết cô là đàn bà. Sao cô lúc vào được chùa rồi không lộ bộ mặt thật ra cho những hòa thượng đó coi, bọn họ tức đến vỡ bụng mà chết cũng không làm gì cô được.
Ông vốn đối với các nhà sư Thiếu Lâm cực kỳ tôn kính, nhưng vì nay Huyền Khổ đại sư đã chết rồi thứ nữa quần tăng không hỏi cho ra ngô ra khoai đã vu cho ông ba cái đại tội giết cha, giết mẹ, giết thầy, trong lòng không khỏi hậm hực.
A Châu ngồi thẳng lên, vỗ tay cười nói:
- Kiều đại gia, cái ý đó của ông hay lắm. Để khi nào tiểu nữ khỏi rồi sẽ giả làm đàn ông đi vào chùa, sau đó sẽ mặc lại thành đàn bà, nghênh ngang ngồi giữa Đại Hùng Bảo Điện, chọc cho những nhà sư kia giận đến lăn lộn dưới đất, thế mới thật là thích! A ...
Nàng hơi không đủ, thân hình nhũn ra nằm gục xuống giường, không cử động gì được. Kiều Phong kinh hãi, đưa ngón tay thăm hơi thở, thấy nàng dường như hô hấp hoàn toàn ngừng hẳn. Ông hốt hoảng, vội vàng đưa bàn tay đè vào huyệt Linh Đài ở sau lưng cô gái, đem chân khí truyền vào trong người nàng. Chưa đầy thời gian uống một chén trà, A Châu chầm chậm ngửng đầu lên, cười mủm mỉm nói:
- Chao ôi, sao đang nói chuyện tự nhiên thiếp lại gục xuống ngủ là thế nào? Kiều đại gia, thiếp thật là không phải.
Kiều Phong biết tình hình xem ra không xong bèn nói:
- Cô chưa được khỏe hẳn, thôi ngủ một chút dưỡng thần.
A Châu đáp:
- Thiếp cũng không thấy mệt, có điều ông cực nhọc đêm khuya, xin đi nghỉ một chút cho lại sức.
Kiều Phong đáp:
- Hay lắm, để chốc nữa ta sẽ qua thăm cô.
Ông quay trở lại phòng khách, gọi năm cân rượu và hai cân thịt bò nóng, ngồi ăn uống một mình. Lúc này trong lòng phiền não, uống rượu vào càng dễ say nên khi uống hết chỗ rượu đó đã thấy hơi ngà ngà. Ông cầm hai chiếc bánh bao đem đến phòng A Châu cho cô ta ăn, vào đến phòng gọi luôn hai tiếng không nghe đáp lại liền đến trước giường thấy nàng hai mắt nhắm nghiền, gò má lõm xuống, dường như đã chết rồi.
Ông đưa tay sờ trán cô gái, cũng may vẫn còn âm ấm vội vàng dùng chân khí cứu chữa. A Châu từ từ tỉnh lại, cầm lấy chiếc bánh, vui vẻ ăn ngay. Đến lúc này, Kiều Phong biết rằng nàng sở dĩ sống được toàn là nhờ mình dùng chân khí tục mệnh, nếu không có chân khí truyền vào người thì chỉ chưa đầy một giờ đã kiệt lực mà chết, nên không biết phải tính sao?
A Châu thấy ông trầm ngâm, mặt lộ vẻ lo lắng bèn nói:
- Kiều đại gia, thiếp bị thương thật là nặng, đến như linh dược của Đàm lão tiên sinh cũng chữa không được, phải không nào?
Kiều Phong vội nói:
- Không, không đâu! Đâu có đến nỗi gì, chỉ nghỉ ngơi vài ngày là khỏe lại ngay.
A Châu đáp:
- Ông đừng nói dối tiện thiếp làm chi. Tự thiếp cũng thấy mình trong người dường như trống không chẳng có chút hơi sức nào cả.
Kiều Phong đáp:
- Cô cứ yên tâm dưỡng bệnh, ta thể nào cũng có cách chữa được cho cô.
A Châu nghe lời nói của ông biết rằng mình bị thương rất nặng, trong lòng không khỏi sợ hãi, tay run lẩy bẩy, chiếc bánh bao ăn dở trong tay rơi bịch xuống đất. Kiều Phong lại tưởng nội lực của nàng hết rồi nên để tay lên trên huyệt Linh Đài.
A Châu lúc này thần trí đã tỉnh táo, thấy một luồng khí ấm áp từ lòng bàn tay ông ta cuồn cuộn truyền vào người mình, lập tức chân tay khớp xương thấy thật dễ chịu. Nàng hơi suy nghĩ liền hiểu ngay mình đã chết đi sống lại mấy lần, đều nhờ được Kiều Phong cứu tỉnh, trong lòng vừa cảm kích lại vừa kinh hoàng. Nàng tuy lanh lợi thật nhưng dẫu sao tuổi cũng còn nhỏ, nước mắt lã chã rơi xuống, nói:
- Kiều đại gia, thiếp không muốn chết, ông đừng bỏ rơi thiếp ở đây.
Kiều Phong nghe nàng nói thật đáng thương, vội vàng an ủi:
- Không thể nào như thế được, cô cứ yên tâm. Kiều Phong này là người thế nào mà lại bỏ rơi một người bạn đang lúc nguy nan?
A Châu đáp:
- Tiểu nữ đâu có xứng đáng làm bạn của ông. Kiều đại gia, liệu thiếp có chết hay chăng? Người chết đi rồi có thành ma quỉ hay không?
Kiều Phong đáp:
- Cô đừng có lo lắng. Cô tuổi còn nhỏ như thế, bị thương nhẹ như thế này làm gì mà chết được?
A Châu đáp:
- Ông không đánh lừa thiếp đấy chứ?
Kiều Phong đáp:
- Không đâu!
A Châu nói:
- Đại gia là nhân vật anh hùng nổi danh trong võ lâm, ai ai cũng nói: Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung. Ông và công tử chúng tôi kẻ nam người bắc ngang ngửa nhau, đã có bao giờ nói mà không làm chưa?
Kiều Phong mỉm cười nói:
- Hồi còn bé, ta cũng hay nói láo. Về sau khi hành tẩu trên giang hồ rồi thì không đánh lừa ai nữa.
A Châu hỏi:
- Ông bảo thương thế của tiểu nữ không nặng, thế chẳng là nói láo là gì?
Kiều Phong nghĩ thầm: “Nếu như cô biết mình bị thương nặng thì trong lòng thể nào cũng bồn chồn, chữa bệnh lại càng khó khăn thêm. Vì cô nàng nên nói gì thì nói, cũng đành phải nói láo vậy”. Ông bèn nói:
- Ta không nói láo cô đâu.
A Châu thở dài một tiếng nói:
- Được rồi, thiếp cũng an tâm. Kiều đại gia, tiểu nữ cầu xin ông một việc nhé?
Kiều Phong hỏi:
- Chuyện gì?
A Châu đáp:
- Tối nay ông ở bên cạnh thiếp, đừng đi đâu.
Nàng cho rằng một khi Kiều Phong ra khỏi phòng rồi, liệu chừng mình không sống được tới khi trời sáng. Kiều Phong đáp:
- Được rồi, dẫu cô không nói ta cũng sẽ ngồi bên cạnh đây với cô. Thôi cô đừng nói nữa, ngủ một giấc cho ngon đi.
A Châu nhắm mắt lại, một lát sau lại mở mắt ra nói:
- Kiều đại gia, thiếp không ngủ được, lại xin ông một việc nữa, liệu có được chăng?
Kiều Phong hỏi:
- Chuyện gì thế?
A Châu đáp:
- Khi còn nhỏ mỗi khi thiếp không ngủ được thì mẹ thiếp lại đến bên cạnh giường hát ru cho thiếp nghe. Chỉ cần hát ba bài là thiếp ngủ say ngay.
Kiều Phong mỉm cười:
- Bây giờ đi kiếm mẹ cô chẳng phải là chuyện dễ dàng.
A Châu thở dài một tiếng, buồn bã nói:
- Cha thiếp, mẹ thiếp nào có biết ở đâu, cũng không biết có còn sống hay đã chết. Kiều đại gia, ông hát cho thiếp nghe vài khúc, liệu có được chăng?
Kiều Phong gượng cười, một người đàn ông hùng tráng như ông, nay hát ru cho một cô gái nhỏ ngủ thật chẳng còn ra thể thống gì, bèn đáp:
- Ca hát quả thực ta không biết.
A Châu hỏi lại:
- Thế khi còn nhỏ, mẹ ông không hát ru ông hay sao?
Kiều Phong gãi đầu nói:
- Cái đó thì dường như là có nhưng ta quên hết rồi. Dẫu có nhớ thì ta cũng không biết hát.
A Châu thở dài:
- Nếu ông không chịu hát thì cũng đành vậy biết sao hơn.
Kiều Phong đấu dịu:
- Không phải là ta không chịu hát mà là không biết hát đấy thôi.
A Châu đột nhiên nghĩ ra một chuyện, vỗ tay reo lên:
- À, được rồi, Kiều đại gia, tiểu nữ lại xin ông một việc khác, lần này ông phải chịu đấy nhé.
Kiều Phong thấy cô gái nhỏ này tính tình thật ngây thơ hồn nhiên, làm chuyện gì cũng thật ngoài dự liệu, nàng nói lại xin một chuyện khác thật không biết là chuyện tinh nghịch quái lạ gì bèn hỏi lại:
- Cô phải nói ra trước, nếu ta làm được thì sẽ làm, còn không làm được thì thôi.
A Châu đáp:
- Chuyện này ở trên đời chỉ cần bốn năm tuổi cũng đều làm được, ông thử xem có dễ dàng không nào?
Kiều Phong không để mắc lừa nàng liền đáp:
- Thế chuyện đó là chuyện gì cô cứ nói rõ trước đi đã.
A Châu cười khúc khích nói:
- Được rồi, vậy ông kể chuyện cho thiếp nghe đi, anh em nhà thỏ cũng được mà mẹ con nhà sói cũng hay, thiếp đều ngủ được.
Kiều Phong nhíu mày, trên mặt lộ vẻ gượng gạo. Mới chẳng bao lâu, ông là một nhân vật khí khái hiên ngang, lãnh tụ quần hùng, bang chủ một đại bang lớn nhất giang hồ. Chỉ mới vài ngày qua, đã bị người ta bãi chức bang chủ trục xuất ra khỏi Cái Bang, cha mẹ, sư phụ ba người thân thiết nhất đều qua đời trong một buổi, đến ngay bản thân mình là Hồ hay là Hán, thân thế cũng chưa minh bạch, lại mang tội phản nghịch giết ba người thân bao nhiêu việc cùng đổ lên đầu, chẳng một ai chia xẻ vui buồn, âu cũng đành chịu. Ngờ đâu nơi khách điếm này, lại bầu bạn một tiểu cô nương để cô đòi ca hát, kể chuyện, những việc ỉ ôi ăn không ngồi rồi như thế, trước đây ông chỉ nghe nửa câu đã bưng tai bỏ đi. Ông bình sinh chỉ thích cùng bạn bè uống rượu, đánh đố, nhậu nhẹt rức lác, càng vui càng hăng, nếu không thì cũng đàm luận chuyện quân quốc đại sự, nói chuyện thiên hạ anh hùng. Có bao giờ kể chuyện anh em nhà thỏ mẹ con nhà sói cho người nghe, quả là nực cười.
Thế nhưng chỉ trong một chớp mắt, ông chợt nhìn thấy khuôn mặt A Châu dung nhan tiều tụy đăm đăm trông đợi, nghĩ thầm: “Nàng bị thương nặng như thế, xem chừng khó mà qua khỏi được, chỉ dứt một hơi thở là táng mạng ngay. Nàng muốn nghe kể chuyện, thôi ta cứ thuận miệng kể cho nàng nghe”. Ông liền nói:
- Được rồi, để ta kể chuyện cho cô nghe, chỉ sợ chuyện không hay thôi.
A Châu vui mừng ra mặt nói:
- Thể nào cũng hay lắm, mau mau kể đi.
Kiều Phong tuy nhận lời nhưng bảo ông kể chuyện thì cũng chưa biết nói gì, một lát sau mới nói:
- Thôi, để ta kể chuyện con sói nhé. Ngày xửa ngày xưa có một ông già đi chơi ở trong núi trông thấy một con chó sói bị người ta trói bỏ trong một chiếc bao vải. Con chó sói mới khẩn khoản xin ông lão thả nó ra, ông già liền cởi chiếc bao cho con chó sói ra. Con chó sói ...
A Châu ngắt lời:
- Con chó sói mới bảo là mình đang đói, đòi ăn thịt ông già, phải không nào?
Kiều Phong đáp:
- Ồ, thì ra truyện này cô nghe rồi.
A Châu đáp:
- Đó là chuyện con sói ở trong rừng. Tiểu nữ không thích nghe truyện trong sách, thiếp muốn nghe truyện ngoài đời kia.
Kiều Phong ngẫm nghĩ rồi nói:
- Không phải truyện trong sách mà là truyện ngoài đời. Được rồi, để ta kể một truyện cậu bé nhà quê cho cô nghe.
Ngày xưa, nơi chân núi có một gia đình rất nghèo, hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai. Khi đứa trẻ lên bảy, thân thể thật là cao lớn, đã đi theo cha lên núi chặt củi được rồi. Một hôm, người cha bị bệnh mà nhà thì nghèo quá không dám đi mời thầy lang, cũng không có tiền mua thuốc.
Thế nhưng người cha bệnh mỗi ngày một nặng thêm, không uống thuốc thì không xong, người mẹ đành đem sáu con gà mái, một rổ trứng đem ra chợ bán.
Bán tất cả gà lẫn trứng được bốn tiền, người mẹ mới đi mời thầy lang. Thế nhưng thầy lang kia lại bảo rằng, đường vào trong núi xa quá không muốn đi xem bệnh, người mẹ hết sức cầu khẩn nhưng gã thầy lang vẫn nhất mực lắc đầu.
Người mẹ lại quì xuống van lạy, thầy lang mới nói: “Đến xem bệnh ở nơi thâm sơn cùng cốc như thế, chẳng bõ cái công bị nhiểm lam sơn chướng khí. Có bốn tiền thì chữa trị được bao nhiêu?”. Người mẹ mới níu vạt áo thầy lang, gã liền giằng ra, ngờ đâu bà ta nắm chặt quá, nghe soẹt một tiếng chiếc áo rách ngay một mảnh dài. Thầy lang đó giận quá, mới xô người mẹ ngã lăn ra, lại đá bồi thêm một cái rõ mạnh, nhất định bắt đền nói là áo này mới may, đáng giá hai lượng bạc.
A Châu nghe tới đây, nhỏ nhẹ nói:
- Gã thầy lang đó quả là quá ư độc ác.
Kiều Phong ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ đang tối dần, chậm rãi nói:
- Thằng bé ở bên cạnh mẹ, thấy mẹ nó bị người ta hiếp đáp, liền xông lên, vừa đánh vừa cắn tên thầy lang. Thế nhưng y chỉ là một đứa bé, có bao nhiêu sức lực nên bị thầy lang kia xách lên, vứt ra ngoài cửa. Người mẹ vội vàng chạy ra xem con mình thế nào, gã thầy lang sợ người đàn bà tiếp tục rầy rà liền đóng chặt cổng lại. Đứa bé trán bị đụng vào một tảng đá, chảy bao nhiêu là máu. Người mẹ sợ rắc rối nào có dám gõ cửa nhà thầy lang bắt đền, chỉ vừa khóc mếu vừa dắt con về nhà.
Đứa bé kia khi đi ngang một tiệm đồ sắt, thấy trên sạp bày đầy các loại dao dùng để giết bò giết heo. Người thợ rèn khi đó đang lo việc mời chào khách mua cày mua bừa, không để ý, đứa bé liền len lén ăn cắp một con dao nhọn, dấu dưới áo, đến mẹ nó cũng không hay biết gì cả.
Về tới nhà rồi, người mẹ mới kể lại mọi chuyện cho người cha nghe, lại sợ người cha bực mình bệnh sẽ nặng thêm, mới lấy bốn lượng bạc ra giao cho ông ta, ngờ đâu khi thò vào túi thì không còn thấy tiền bạc đâu nữa.
Người mẹ vừa hoảng hốt vừa lạ lùng mới chạy ra hỏi con, thấy đứa bé tay cầm một con dao sáng loáng, đang mài trên tảng đá liền hỏi: “Con dao đó ở đâu mà có?”. Thằng bé đâu có dám thú nhận là mình ăn trộm nên nói dối là người ta cho nó. Mẹ nó dĩ nhiên không tin, thứ dao mới như thế mua ở chợ cũng phải tiền rưỡi, hai tiền, ai lại dại gì đem cho một đứa trẻ?
Hỏi y ai cho, thằng bé ấp úng không trả lời được. Bà mẹ mới thở dài nói: “Con ơi! Ba mẹ nghèo khổ, bình thường chẳng bao giờ mua đồ chơi cho con, quả thật tủi cho con quá. Con mua con dao đó để chơi, thân con trai cũng không có gì không phải. Thế nhưng tiền còn dư con đưa lại cho mẹ, cha con bị bệnh mình mua miếng thịt nấu canh cho cha con ăn”. Thằng bé nghe thế liền trợn mắt hỏi lại: “Tiền dư nào?”. Người mẹ nói: “Thế bốn tiền của mình, con lấy đi mua dao rồi, phải không nào?”. Đứa trẻ hốt hoảng kêu lên: “Con không có lấy tiền, con không có lấy tiền”. Cha mẹ y trước nay chưa hề đánh mắng y, tuy chỉ là một đứa trẻ mấy tuổi nhưng cũng coi y như một người khách, lúc nào cũng thật nể nang ...
Kiều Phong nói đến đây, chợt chột dạ: “Vì sao lại thế nhỉ? Trên đời này cha mẹ đối với con cái đâu có ai như thế bao giờ, dẫu có thương yêu nuông chiều, cũng chẳng hề nể nang khách sáo đến thế”. Ông lẩm bẩm nói một mình:
- Vì sao lại có chuyện lạ lùng như thế?
A Châu hỏi lại:
- Có gì mà lạ lùng?
Nàng nói đến hai tiếng sau cùng hơi thở chỉ còn mong manh như tơ. Kiều Phong biết chân khí trong người nàng đã kiệt, lập tức giơ chưởng đè lên lưng cô gái, đem nội lực truyền vào. A Châu tinh thần tạm khôi phục, thở dài nói:
- Kiều đại gia, mỗi lần ông truyền khí cho thiếp, nội lực của mình lại tiêu hao một phần. Người luyện võ chân khí nội lực là quan trọng hơn cả, ông đối với tiểu nữ như thế, A Châu ... làm sao đáp đền được?
Kiều Phong cười nói:
- Ta chỉ cần tĩnh tọa thổ nạp vài giờ thì nội lực chân khí lại trở lại bình thường, có gì đâu mà nói chuyện báo đáp? Ta với chủ nhân các cô Mộ Dung công tử thiên lý thần giao, tuy chưa từng gặp nhau nhưng lòng ta đã coi y như bạn bè rồi. Cô là người nhà y, việc gì phải coi ta như người xa lạ?
A Châu u uẩn nói:
- Cứ mỗi một giờ, chân khí của tiểu nữ lại từ từ cạn sạch, đại gia chẳng thể nào ... chẳng thể nào mãi mãi ...
Kiều Phong nói:
- Cô cứ yên tâm, thể nào mình cũng kiếm được một thầy lang y đạo cao minh, trị lành thương thế cho cô.
A Châu mỉm cười:
- Chỉ sợ thầy lang đó thấy thiếp nghèo khổ, lại sợ nhiễm lam sơn chướng khí, không chịu chữa bệnh cho. Kiều đại gia, câu chuyện ông kể còn dở dang, có cái gì gọi là kỳ quái?
Kiều Phong đáp:
- Ồ, ta buột miệng lỡ lời đấy mà. Người mẹ thấy thằng bé không nhận, cũng chẳng nói thêm, quay trở vào phòng. Một hồi sau, đứa trẻ mài dao xong đi vào thấy người mẹ đang thì thầm với cha nói là y ăn cắp tiền mua dao rồi nhưng lại không nhận. Cha y nói: “Đứa trẻ đó ở với chúng ta trước nay chẳng có gì chơi, nếu nó thích gì thì cứ mặc kệ, mình chớ để nó thêm tủi”. Hai người vừa nói tới đây thấy thằng bé đi vào, lập tức im bặt. Người cha vui vẻ xoa đầu y nói: “Con ngoan, từ rày đi chơi nhớ cẩn thận, sao để va vào đâu đau đến thế?”. Việc mất bốn lượng bạc và việc y mua con dao, cha y không nhắc đến một câu, cũng không tỏ ra chút gì gọi là không vui cả.
Thằng bé tuy chỉ mới bảy tuổi đầu nhưng đã sớm biết, nghĩ thầm: “Cha mẹ ta nghi mình ăn cắp tiền đi mua dao, thà rằng hai người hầm hầm đánh ta một trận, chửi ta một chốc, ta cũng chẳng buồn. Quả thật hai người thương ta thật”. Y trong lòng không an mới nói với cha: “Cha, con không lấy tiền, con dao này không phải con mua đâu!”. Người cha nói: “Mẹ con nhiều chuyện, không kiếm thấy tiền thì cũng đã sao? Việc gì mà phải tra hỏi ầm nhà ầm cửa, đúng là đàn bà lòng dạ nhỏ nhen. Hảo hài tử, đầu con có đau lắm không?”. Thằng bé đành trả lời: “Không sao cả!”. Y toan lên tiếng biện bạch nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu thành thử trong bụng ấm ức, bỏ cả cơm chiều chui vào giường ngủ.
Y nằm trên giường trăn trở qua lại, không cách nào ngủ được, lại nghe tiếng mẹ khóc rấm rứt, chắc là lo cha bị bệnh nặng thêm, thêm bực tức chuyện ban ngày bị gã thầy lang kia chửi mắng đánh đập. Thằng bé bèn len lén trở dậy, nhảy cửa sổ ra ngoài, đi suốt đêm đến thị trấn tới trước nhà tên thầy lang. Căn nhà đó cửa trước cổng sau đều đóng chặt không cách nào vào được. Thằng bé thân hình nhỏ bèn theo lỗ chó chui vào, thấy một căn phòng ánh đèn chiếu qua giấy dán cửa sổ, hóa ra gã thầy lang chưa ngủ còn đang sắc thuốc. Thằng bé đẩy cửa ...
A Châu lo cho đứa trẻ vội nói:
- Thằng bé đó đang đêm lẻn vào nhà người ta, e rằng sẽ bị lôi thôi.
Kiều Phong lắc đầu:
- Không đâu. Gã thầy lang nghe tiếng người mở cửa, chẳng thèm ngửng lên chỉ hỏi: “Ai đó?”. Thằng bé không trả lời, đi tới gần, rút con dao nhọn đâm luôn một nhát. Người nó thấp, nhát dao trúng ngay bụng thầy lang, y chỉ hự được một tiếng rồi ngã lăn ra.
A Châu rú lên một tiếng, kinh hãi hỏi:
- Thằng bé đó đâm chết ông thầy thuốc ư?
Kiều Phong gật đầu nói:
- Đúng thế. Thằng nhỏ lại chui lỗ chó ra, quay trở về nhà. Trong đêm tối đi về mấy chục dặm quả là mệt mỏi. Sáng sớm hôm sau, người nhà thầy lang mới phát giác y đã chết, vỡ bụng lòi ruột thật là thảm khốc. Thế nhưng cửa trước cửa sau vẫn đóng chặt, then cài bên trong, hung thủ từ bên ngoài làm sao vào được? Ai cũng nghi người trong nhà làm chuyện này, quan tri huyện liền sai bắt hết anh em, vợ con gã thầy thuốc đem ra tra khảo thẩm vấn, náo loạn cả đến mấy năm, nhà tên thầy lang đó hóa ra tan tành. Vụ đó trở thành một nghi án nơi Hứa Gia Tập.
A Châu hỏi:
- Ông nói Hứa Gia Tập? Người thầy thuốc đó ... ở ngay tại thị trấn này ư?
Kiều Phong đáp:
- Đúng thế! Gã thầy lang đó họ Đặng, vốn là y sinh nổi tiếng nhất thị trấn này, mấy huyện quanh đây đều biết đến. Nhà y ở tại phía tây, trước kia tường cao trắng toát, hiện nay tàn phá cả rồi. Lúc nãy ta đi mời thầy lang lại xem bệnh cho cô, có đi ngang nhà đó coi nên biết thế.
A Châu hỏi thêm:
- Thế còn người cha bị bệnh thì sao? Bệnh rồi có khỏi không?
Kiều Phong đáp:
- Về sau một nhà sư chùa Thiếu Lâm mang thuốc đến, trị bệnh cho ông ta.
A Châu nói:
- Thế ra chùa Thiếu Lâm cũng có những nhà sư tốt.
Kiều Phong nói:
- Dĩ nhiên là có. Chùa Thiếu Lâm có mấy nhà sư tâm địa nhân hậu, cốt cách hiệp nghĩa, quả đáng cho người ta kính phục.
Ông nói đến đây trong lòng se lại, nghĩ đến thụ nghiệp ân sư Huyền Khổ đại sư. A Châu “Ồ” lên một tiếng, trầm ngâm nói:
- Gã thầy lang kia coi người nghèo chẳng ra gì, không coi tính mệnh họ vào đâu, dĩ nhiên là đáng ghét thật nhưng tội cũng chẳng đáng chết. Thằng bé kia cũng thật là ngang ngược. Thiếp quả không sao tin nổi, một đứa bé mới bảy tuổi đầu đã dám ra tay giết người hay sao? A, Kiều đại gia, đó là ông kể chuyện xưa chứ không phải thật, đúng không?
Kiều Phong đáp:
- Chuyện đó có thật đấy.
A Châu thở hắt ra một hơi, nhỏ nhẹ nói:
- Thứ trẻ con hung dữ như thế, chắc là ác nhân người Khất Đan.
Kiều Phong đột nhiên run bắn người, nhảy dựng lên nói:
- Cô ... cô nói cái gì?
A Châu thấy ông mặt mày biến sắc, trong lòng kinh hãi nhưng chợt hiểu ra, bèn chữa:
- Kiều đại gia, Kiều đại gia, xin lỗi ông, thiếp ... thiếp không phải cố ý nói chạm đến ông. Quả thật không cố ý ...
Kiều Phong ngơ ngẩn một hồi rồi ngồi phịch xuống nói:
- Chắc cô đoán được rồi?
A Châu gật đầu. Kiều Phong nói:
- Những điều vô tình nói ra mới là thực lòng. Ta ra tay hạ thủ chẳng dung tình, có thực là vì thuộc giòng giống Khất Đan chăng?
A Châu dịu dàng đáp:
- Kiều đại gia, A Châu nói năng lăng nhăng, ông đừng để bụng làm chi. Gã thầy lang kia đá mẹ ông, ông còn nhỏ đã anh hùng khí khái, giết y đi là phải.
Kiều Phong hai tay ôm đầu nói:
- Cũng chẳng phải chỉ vì y đá mẹ ta, mà là vì y làm cho ta bị nghi oan. Bốn tiền của mẹ ta chắc là khi lôi lôi kéo kéo đã rơi mất. Ta ... ta trong đời ghét nhất là bị nghi oan.
Vậy mà trong mới một ngày, ông đã bị ba mối oan lớn. Chính mình có phải là người Khất Đan không, cũng không còn cách nào biết được, còn vợ chồng Kiều Tam Hòe và Huyền Khổ đại sư rõ ràng không phải ông ta giết nhưng ai cũng đổ riệt cho ông cái ba đại tội giết cha, giết mẹ, giết thầy. Thế hung thủ thật sự là ai? Người hãm hại ông là ai?
Ngay lúc đó ông lại nghĩ tới một chuyện: “Tại sao cả cha lẫn mẹ ta đều nói, ta ở với hai người thật đáng tủi? Cha mẹ nghèo, làm con dĩ nhiên phải chịu, có gì mà tủi hay không tủi? E rằng mình không phải là con ruột hai người, mà do người ngoài gửi làm con nuôi, ắt người ủy thác việc này thân phận cực cao, thành thử cha mẹ mới đối với ta nể nang như thế, không phải chỉ nể nang mà còn kính trọng. Người nhờ cha mẹ ta nuôi ta đó là ai? Chắc hẳn là Uông bang chủ rồi”.
Cha mẹ ông đối với ông thật khác xa người khác đối với con ruột mình, ông bản tính tinh minh đáng ra phải thấy được rồi. Có điều từ bé đã vậy nên coi là bình thường, dù có lanh lợi đến mấy cũng chẳng nghĩ đến, chỉ nghĩ rằng cha mẹ mình tính tình hiền hậu ôn hòa mà thôi. Đến bây giờ nghĩ lại, xem ra mọi việc đều chứng thực rằng mình là giòng giống Khất Đan.
A Châu cất tiếng an ủi:
- Kiều đại gia, người ta bảo ông là người Khất Đan, tiểu nữ xem ra toàn là điều vu oan giá họa. Không nói gì ông nhân nghĩa khẳng khái, bốn bể nghe danh, chỉ riêng việc ông đối với một đứa tiểu a hoàn chẳng vào đâu như thiếp mà cũng hết lòng hết dạ chăm lo, người Khất Đan tàn độc như lang như hổ, so với ông một trời một vực, làm sao sánh được?
Kiều Phong nói:
- A Châu, nếu như quả ta là người Khất Đan, cô có còn để cho ta lo liệu nữa không?
Lúc đó người Hán ở Trung Thổ đối với người Khất Đan căm hận vô cùng, coi chẳng khác gì độc xà mãnh thú. A Châu chưng hửng nói:
- Ông đừng nghĩ ngợi vẩn vơ, chuyện đó không thể nào xảy ra được. Nếu như bộ tộc Khất Đan có được một người tốt như ông thì chúng ta còn thống hận họ làm gì?
Kiều Phong lặng thinh không nói, trong bụng nghĩ thầm: “Nếu như quả ta là người Khất Đan, đến một đứa tiểu a hoàn như A Châu cũng chẳng thèm nhìn nhõi nữa”. Chỉ trong một giây, ông thấy đất trời tuy rộng nhưng mình thật không có chỗ dung thân. Trong đầu những điều suy nghĩ dạt dào dâng lên như sóng biển, trong ngực khí huyết sục sôi, biết rằng vì mình tiếp khí cho A Châu mấy bận nên nội lực tiêu hao không phải là ít, lập tức xếp bằng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường, chậm rãi vận khí thổ nạp.
A Châu cũng nhắm mắt dưỡng thần.