Từng khi khắc khoải mơ người ngọc,
Nay càng say đắm mộng giai nhân.
*
* *
Chiếc thuyền đi tới dưới một hàng liễu rủ, xa xa thấy một hàng cây hoa chiếu ánh nước rực rỡ như ráng mây ban chiều. Đoàn Dự thảng thốt kinh ngạc kêu lên một tiếng. A Châu nói:
- Cái gì thế?
Đoàn Dự chỉ vào bụi hoa nói:
- Hoa đó là sơn trà của Đại Lý chúng tôi, sao trong giữa Thái Hồ lại có trồng những loại Điền Trà đó nhỉ?
Sơn trà Vân Nam rất nổi danh thành thử người đời gọi là Điền Trà_. A Châu nói:
- Đúng thế! Gia trang này có tên là Mạn Đà Sơn Trang, trồng toàn những hoa sơn trà.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Sơn trà còn có tên là Ngọc Mính, lại cũng còn gọi là hoa Mạn Đà La_. Trang viện này lấy tên là Mạn Đà, để xem có những loại danh chủng nào”.
A Châu khua mái chèo đưa con thuyền tới bên bờ nước dưới mấy cây sơn trà. Chàng đưa mắt nhìn qua chỉ thấy toàn hoa trà đỏ có, trắng có chen chúc nhau nhưng không thấy nhà cửa. Đoàn Dự sinh trưởng ở Đại Lý, hoa trà chàng coi đã quen không lấy gì làm lạ, nghĩ thầm: “Nơi đây sơn trà tuy nhiều nhưng xem chừng chẳng có giai phẩm, có lẽ những loại quí trồng bên trong trang viện”.
A Châu ghé thuyền vào sát bờ, mỉm cười nói:
- Đoàn công tử, mình cùng đi lên xong rồi xuống ngay.
Nàng nắm tay A Bích toan nhảy lên bờ, bỗng nghe từ trong rừng hoa có tiếng chân người, một người tiểu hoàn mặc áo xanh đi ra. Cô gái đó tay cầm một bó hoa, nhìn thấy A Châu, A Bích vội rảo bước đi tới, tươi cười nói:
- A Châu, A Bích các ngươi thật là lớn mật, dám len lén tới đây. Phu nhân bảo: “Lấy dao rạch ngang dọc mặt hai đứa a đầu cho chúng nó hết còn như hoa tựa ngọc nữa”.
A Châu cười đáp:
- U Thảo a tỉ nè, thái thái đi vắng phải không?
Đứa tiểu hoàn liếc nhìn Đoàn Dự rồi quay sang nhìn A Châu, A Bích cười nói:
- Phu nhân còn bảo: “Hai con nhãi đó còn đem cả người lạ đến Mạn Đà Sơn Trang, cũng chặt luôn hai chân người đó nữa”.
Nói chưa dứt câu thị đã cười khúc khích. A Bích vỗ ngực nói:
- U Thảo a tỉ đừng có dọa, mi nói vậy là nói thật hay nói chơi đó?
A Châu cũng cười:
- A Bích, ngươi đừng có sợ, nếu như thái thái có nhà, con nhãi ni đời nào dám hi ha hi hô như rứa bao giờ? U Thảo muội tử, hỏi thật chứ thái thái đi mô?
U Thảo cười nói:
- Nè, nhà ngươi mấy tuổi mà dám đòi làm chị ta? Sao ngươi đoán được là phu nhân không có nhà?
Nàng thở dài một tiếng nói tiếp:
- A Châu, A Bích hai cô em ơi, chẳng mấy khi các ngươi sang đây chơi, ta muốn hai đứa ở chơi vài ngày, có điều ...
Nói rồi nàng ta lắc đầu. A Bích nói:
- Bộ ta không muốn ở lại đây chơi với mi ít lâu hay sao? U Thảo a tỉ nè, chừng nào mi sang chơi bên tê, ta sẽ ở với ngươi ba ngày ba đêm, chịu không?
Hai cô gái vừa nói vừa nhảy lên bờ. A Bích ghé tai U Thảo nói mấy câu, U Thảo cười rộ lên, liếc nhìn Đoàn Dự. A Bích mặt bỗng đỏ bừng. U Thảo một tay nắm A Châu, một tay nắm A Bích nói:
- Thôi mình vào nhà chứ!
A Bích quay lại nói:
- Đoàn công tử, xin công tử ở nơi đây chờ một lát, chúng tôi vào rồi ra ngay.
Đoàn Dự đáp:
- Không sao.
Chàng nhìn theo ba cô a hoàn tay nắm tay thân mật đi vào trong rừng hoa. Đoàn Dự lên bờ, nhìn quanh quất không thấy ai liền đi ra sau một cây to tiểu tiện. Chàng xuống thuyền ngồi một hồi, thấy không có việc gì làm lại đứng lên nghĩ thầm: “Mình thử xem nơi đây hoa Mạn Đà La có những loại gì đặc biệt không?”. Thuận chân vừa đi vừa xem hoa, thấy trong rừng hoa ngoài sơn trà ra không còn một giống gì khác, ngay cả những loại thông thường như Khiên Ngưu_, Nguyệt Nguyệt Hồng_, Tường Vi_ cũng không thấy. Những loại sơn trà thì cũng không có gì đặc biệt, chỉ được cái nhiều mà thôi.
Chàng đi được độ mươi trượng mới thấy nhiều loại khá hơn, thỉnh thoảng cũng có một vài bụi xem ra không phải thứ xoàng, có điều vun trồng không đúng cách nên nghĩ bụng: “Trang viện này không đáng gọi là Mạn Đà Sơn Trang, bao nhiêu giai chủng trồng hỏng kiểu cả”. Đến đây chàng chợt nghĩ: “Thôi mình quay lại đi thôi, A Châu và A Bích trở về không thấy mình e rằng lại đâm lo”.
Chàng trở lại mới mấy bước bỗng thấy chột dạ kêu lên một tiếng:
- Chết rồi!
Thì ra chàng cứ lầm lũi trong rừng, chỉ nghĩ đến xem hoa trà mà quên để ý đến đường đi nước bước, bây giờ mới giật mình thấy đông một lối, tây một lối không biết đâu là đường về, quay trở lại được chỗ buộc thuyền không phải dễ đành nghĩ thầm: “Thôi mình cứ lần ra được bờ nước rồi tính sau”.
Thế nhưng chàng càng đi càng lạc lối, chung quanh toàn những cảnh chưa từng qua, trong bụng hoảng thầm, bỗng nghe phía bên trái văng vẳng tiếng người nói chuyện, đúng là giọng A Châu. Đoàn Dự mừng quá nghĩ thầm: “Thôi mình ở đây chờ nàng ta, đợi nói chuyện xong rồi cùng về một lượt”. Chàng nghe A Châu nói:
- Công tử vẫn khỏe khoắn, ăn uống cũng bình thường. Hai tháng qua, công tử chuyên luyện Đả Cẩu Bổng Pháp chắc là định so tài với nhân vật nào đó của của Cái Bang.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “A Châu đang nói về Mộ Dung công tử mình chẳng nên nghe lỏm chuyện của người khác, nên đi xa xa một chút là hơn. Thế nhưng cũng chẳng nên đi xa quá, nếu không họ nói chuyện xong mình cũng không biết được”.
Ngay khi đó, bỗng có tiếng một người con gái khác thở dài một tiếng. Đoàn Dự toàn thân rung động, tim đập thình thình nghĩ thầm: “Sao có ai chỉ thở dài mà nghe hay quá, trên đời này không lẽ có giọng nói nghe ngọt đến thế hay sao?”. Liền đó có tiếng người hỏi nhỏ:
- Lần ni anh ấy đi mô?
Đoàn Dự mới nghe tiếng thở dài đã thấy choáng váng, đến khi nghe được nàng ta nói một câu, trong người bao nhiêu máu nóng dường như dồn cả lên, trong lòng vừa đau đớn vừa xót xa, nảy ra một nổi khâm phục xen với đố kỵ: “Nàng ta rõ ràng là hỏi Mộ Dung công tử, đối với y thiết tha như thế, hẳn là mang nỗi khắc khoải trong lòng. Mộ Dung công tử ơi, nhà ngươi sao mà may mắn đến vậy?”.
Lại nghe A Châu đáp:
- Khi công tử ra khỏi nhà có nói là sẽ đi Lạc Dương để gặp những hảo thủ trong Cái Bang, có cả Đặng đại ca đi theo. Cô nương cứ an tâm.
Người con gái kia chậm rãi nói:
- Hai đại thần kỹ Đả Cẩu Bổng Pháp và Hàng Long Thập Bát Chưởng của Cái Bang là bí mật của họ không truyền ra ngoài. Tàng phổ của bổng pháp và chưởng pháp có trong Hoàn Thi Thủy Các bên nớ và Lang Hoàn Ngọc Động bên ni đều khiếm khuyết không đầy đủ. Phương pháp vận công hoàn toàn không có, công tử nhà mi làm sao mà luyện được?
A Châu đáp:
- Công tử bảo rằng: “Tâm pháp của Đả Cẩu Bổng Pháp kia cũng do con người sáng tạo nên, tại sao công tử lại không nghĩ ra được? Có được bổng pháp rồi, mình suy nghĩ để thêm tâm pháp vào hẳn là không phải khó”.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Lời của Mộ Dung công tử quả là hữu lý, xem ra y không những đã thông minh lại còn có chí khí lắm”. Thế nhưng lại nghe người con gái kia thở dài một tiếng rồi nói:
- Dẫu có sáng tác được đi chăng nữa, cũng phải mười năm tám năm, ngày một ngày hai làm sao xong? Các ngươi có xem công tử luyện bổng pháp không? Có chỗ nào ngắc ngứ không thông chăng?
A Châu đáp:
- Lộ bổng pháp đó công tử múa rất nhanh, từ đầu đến cuối chẳng khác gì nước chảy mây trôi ...
Cô gái kia thất thanh kêu lên một tiếng nói:
- Hỏng rồi! Chàng ... chàng có thực múa nhanh như thế hay chăng?
A Châu đáp:
- Đúng vậy, có gì sai quấy chăng?
Người con gái kia nói:
- Dĩ nhiên là sai rồi. Tuy ta không biết tâm pháp của Đả Cẩu Bổng Pháp thực nhưng từ bổng pháp mà suy, có một số đường phải càng chậm càng hay, có đường thì phải khi nhanh khi chậm, trong chậm có nhanh, trong nhanh có chậm, không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng ... chàng chỉ cố cho nhanh, đến khi động thủ với người của Cái Bang, e rằng ... e rằng ... các ngươi ... có cách gì báo tin cho công tử hay được chăng?
A Châu “Ồ” lên một tiếng nói:
- Công tử lúc ni đang ở mô, tiểu tì làm sao biết được, cũng không biết đã gặp các trưởng lão của Cái Bang chưa? Khi ra đi công tử có nói là, Cái Bang đổ oan cho chúng ta giết Mã phó bang chủ của họ, công tử đến Lạc Dương sẽ phân trần một phen, chưa hẳn đã phải động thủ với người của Cái Bang, nếu không chỉ có công tử với Đặng đại ca hai người làm sao địch được số đông. Chỉ ngại rằng nói năng chưa rõ ràng, hai bên ngôn ngữ bất hòa ...
A Bích hỏi lại:
- Cô nương, môn Đả Cẩu Bổng Pháp nếu đánh nhanh thì có thực là không ổn hay sao?
Người con gái kia nói:
- Dĩ nhiên là không ổn, còn nói năng gì nữa? Chàng ... chàng khi ra đi, sao không đến gặp ta một chuyến?
Nàng ta nói xong dậm chân nhè nhẹ, tỏ ra bực bội, lại có vẻ lo lắng, âm điệu quả là dịu dàng dễ nghe làm sao. Đoàn Dự nghe rồi thực là lạ lùng, nghĩ thầm: “Ta ở Đại Lý nghe người ta nói đến Cô Tô Mộ Dung là vừa sợ hãi vừa kính trọng. Thế nhưng nghe cô nương này nói, dường như võ nghệ của Mộ Dung công tử đều do nàng ta chỉ điểm. Không lẽ một cô gái trẻ tuổi như thế này, lại có bản lãnh ghê gớm đến thế hay sao?”.
Chàng còn đang nghĩ ngợi xuất thần, đầu đụng ngay vào một cành cây chắn ngang, buột miệng rú lên một tiếng, vội giơ tay bịt miệng nhưng không kịp nữa rồi. Cô gái kia hỏi:
- Ai rứa?
Đoàn Dự biết không còn trốn tránh được nữa, liền tằng hắng một tiếng, từ đằng sau bụi cây nói:
- Tại hạ Đoàn Dự, mải mê thưởng ngoạn kỳ hoa dị thảo trong quí trang vô tình lỡ bước tới đây, xin được thứ tội.
Cô gái kia hỏi nhỏ:
- A Châu, có phải vị tướng công cùng tới đây với các ngươi đó chăng?
A Châu vội đáp:
- Dạ phải đó, xin cô nương đừng để tâm, chúng tôi đi ngay bây giờ.
Thiếu nữ kia đáp:
- Khoan đã! Ta muốn viết một phong thư nói rõ cho chàng hay, dặn là nếu như bất đắc dĩ phải động thủ với người của Cái Bang thì nhất quyết chớ có dùng Đả Cẩu Bổng Pháp, chỉ nên dùng võ công của mình thôi. Không thể nào “Dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi bỉ thân” được đâu! Các người cầm thư đó làm cách nào chuyển tới cho chàng.
A Châu do dự đáp:
- Cái đó ... thái thái từng dặn là ...
Người con gái kia nói:
- Nói chi? Bọn mi chỉ nghe lời phu nhân, không nghe lời ta chăng?
Trong giọng nàng dường như có vẻ hơi giận. A Châu hấp tấp đáp:
- Chỉ cần cô nương không để cho thái thái hay, tì tử dĩ nhiên là tuân lệnh, huống chi đây là vì công tử.
Cô gái nói:
- Hai đứa mi theo ta đến thư phòng để lấy thư.
A Châu dường như hơi miễn cưỡng, một hồi sau mới đáp:
- Dạ!
Đoàn Dự từ khi nghe cô gái thở dài, càng về sau càng thấy mê man, nay nghe nàng ta định bỏ đi, một khi đi khỏi rồi từ rày về sau chắc gì còn gặp lại được, thật đúng là ôm hận cả đời nên không còn ngại ngừng bị người trách cứ về tội mạo phạm, nhất định nhìn thấy mặt nàng một lần, thu hết can đảm nói:
- A Bích tỉ tỉ, cô ở lại đây với tôi có được chăng?
Nói xong từ sau bụi cây bước ra. Cô gái kia nghe thấy chàng đi tới hoảng hốt kêu lên, lập tức xoay người quay lưng lại. Đoàn Dự vừa đi ra khỏi lùm cây thấy một nữ lang mặc áo dài bằng sa màu cánh sen, mặt quay về phía cây hoa, thân hình mảnh dẻ, tóc để dài xõa xuống lưng, chỉ buộc hờ bằng một dải lụa màu bạc. Đoàn Dự nhìn sau lưng nàng, thấy như mờ mờ có khói vương tỏa chung quanh, dường như không phải người trần nên vội vái một cái thật sâu nói:
- Tại hạ Đoàn Dự, bái kiến cô nương.
Cô gái nhè nhẹ dậm chân một một cái, phụng phịu nói:
- A Châu, A Bích, cũng chỉ tại hai đứa mi chộn rộn, ta đâu có muốn gặp đàn ông con trai ở bên ngoài mô.
Nói xong nàng cắm cúi bước đi, qua lại mấy khúc quẹo đã khuất hẳn trong những bụi sơn trà. A Bích mỉm cười, quay sang nói với Đoàn Dự:
- Đoàn công tử, vị cô nương đây khó tính lắm, thôi mình mau mau đi ra.
A Châu cũng cười nói với Đoàn Dự:
- Cũng may có Đoàn công tử đến giải vây, chứ không Vương cô nương thể nào cũng bắt chúng tôi đưa tin, hai cái mạng nhỏ của chị em chúng tôi e rằng nguy mất.
Đoàn Dự hấp tấp xông ra bị cô gái kia nói lẫy mấy câu, trong bụng cũng hơi bẽ bàng, đang lo A Châu, A Bích hai nàng đổ tội lên đầu mình, ngờ đâu nhị nữ lại mừng rỡ cảm ơn, thật là ngoài dự tính, nhìn người con gái tuy đã đi xa nhưng hình bóng vẫn còn vấn vương trước mắt, cảm thấy bâng khuâng đứng ngẩn ngơ nhìn theo bóng nàng lẫn sau những tùm hoa.
A Bích giựt nhẹ tay áo chàng, Đoàn Dự cũng không hay biết. A Châu cười nói:
- Đoàn công tử, thôi mình đi.
Đoàn Dự chân như đóng đinh xuống đất, phải mất một chốc mới như choàng tỉnh hỏi lại:
- Ừ hử ! Chúng mình phải đi ngay hay sao?
Chàng thấy A Châu, A Bích đã cất bước đi trước nên đành lẽo đẽo theo sau, đi một bước lại ngoái đầu, quyến luyến mãi không thôi. Ba người về đến chiếc thuyền, A Châu và A Bích liền cầm mái giầm chèo ngay. Đoàn Dự vẫn ngẩn ngơ nhìn những đóa hoa trà trên bờ, nghĩ bụng:
- Đoàn Dự ta quả là vô phúc, sao lại nghe được cô nương đó thở dài mấy tiếng, thỏ thẻ mấy câu? Rồi lại được thấy thể thái như thần tiên kia làm gì? Nếu như có phúc, sao đến mặt nàng cũng chưa được ngó qua?
Chàng thấy những bụi hoa trà xa dần, trong lòng dâng lên một nỗi u hoài man mác. Bỗng ngay lúc đó, A Châu kêu lên một tiếng kinh hoàng, lắp bắp:
- Thái thái ... thái thái về kìa.
Đoàn Dự quay đầu nhìn thấy trên mặt hồ một chiếc thuyền đang lướt tới như bay, trong chớp mắt đã đến gần. Trên đầu thuyền vẽ đầy các loại hoa sắc sỡ, đến gần mới thấy toàn là hoa trà. A Châu, A Bích hai nàng vội đứng lên, cúi gầm mặt xuống, thần thái cực kỳ cung kính. A Bích luôn tay ra hiệu cho Đoàn Dự, bảo chàng cũng đứng lên. Đoàn Dự mỉm cười lắc đầu nói:
- Đợi khi nào chủ nhân ra khỏi khoang thuyền nói chuyện, lúc đó ta hãy đứng lên. Nam tử hán đại trượng phu không nên quá hạ mình như thế được.
Bỗng từ trong khoái thuyền có tiếng đàn bà quát lên:
- Sao có người đàn ông nào dám to gan héo lánh đến Mạn Đà Sơn Trang đó? Có biết là nam tử không mời mà đến sẽ bị ta chặt hai chân hay không?
Giọng nói cực kỳ oai nghiêm, nhưng rất trong trẻo dễ nghe. Đoàn Dự cao giọng đáp:
- Tại hạ Đoàn Dự trên đường đi lánh nạn ngang qua quí trang chứ không cố ý mạo phạm, nay gặp đây xin tạ tội.
Người đàn bà kia nói:
- Ngươi họ Đoàn ư?
Trong âm thanh có chiều ngạc nhiên, Đoàn Dự đáp:
- Chính thị.
Người kia lại nói tiếp:
- Hừ, A Châu, A Bích có phải hai đứa bay đi quàng đi xiên hay chăng? Tên tiểu tử Mộ Dung Phục điều hay không học, chỉ lấp la lấp ló học chuyện tầm phào.
A Châu đáp:
- Bẩm thái thái, tiểu tì bị địch nhân đuổi gắt quá nên phải chạy tới Mạn Đà Sơn Trang. Công tử chúng tôi đã đi khỏi rồi, chuyện ni không có liên quan chi đến công tử hết.
Người đàn bà trên thuyền cười khẩy:
- Hứ, các ngươi chỉ được cái giả lả là hay. Không có đi đâu hết, mau theo ta.
A Châu, A Bích cùng đáp:
- Dạ.
Hai nàng liền chèo chiếc thuyền con đi theo đằng sau, lúc này cách Mạn Đà Sơn Trang chưa xa mấy nên chỉ chốc lát đã nhìn thấy bờ. Chỉ nghe tiếng vòng chạm nhau leng keng, từ trong khoang thuyền đi ra vô số con gái mặc áo xanh ăn mặc theo lối tì nữ, tay đều cầm trường kiếm nên chỉ giây lát đã thấp thoáng lưỡi kiếm trắng xóa, tổng cộng chín đôi. Mười tám người xếp thành hai hàng, kiếm giữ ngang hông, lưỡi hếch lên trời. Sau khi họ đã an vị, từ trong khoang một người đàn bà bước ra.
Đoàn Dự vừa thấy mặt người đàn bà đó, nhịn không nổi kêu lên một tiếng thất thanh, mồm há hốc tưởng như đang nằm mộng. Thì ra người đàn bà đó mặc áo dài màu vàng nhạt, y phục trang sức giống hệt như pho tượng ngọc trong động nước Đại Lý. Có điều đây là một giai nhân tuổi đã trung niên, khoảng chừng gần bốn mươi còn pho tượng ngọc trong hang thì là một thiếu nữ chừng mười tám mười chín tuổi.
Đoàn Dự sau cơn kinh hoàng nhìn kỹ lại tướng mạo người đàn bà kia mới nhận ra là so với pho tượng ngọc thì mắt mũi mồm cũng không bằng mà tuổi cũng có khác, trên khuôn mặt nhuốm vẻ dày dạn phong sương nhưng cũng còn giống đến năm sáu phần mười.
A Châu, A Bích thấy chàng trố mắt đứng đờ ra nhìn Vương phu nhân, thực là vô lễ, trong bụng kêu khổ liên hồi, vội vàng ra hiệu bảo chàng quay đi nơi khác nhưng đôi mắt Đoàn Dự vẫn dán chặt vào mặt bà ta.
Người đàn bà liếc mắt nhìn Đoàn Dự nói:
- Gã ni thật là vô lễ, đã vậy chặt hai chân y trước, sau đó móc hai con mắt, cắt lưỡi coi ra thế nào.
Một con tì nữ khom lưng đáp lời:
- Dạ!
Đoàn Dự thót cả ruột, nghĩ thầm: “Giá như họ giết mình đi thì đã đành. Đằng này họ lại chặt chân, khoét mắt, cắt lưỡi khiến mình sống dở chết dở, tội gì đâu mà to thế?”. Đến lúc này, chàng mới thấy thực là sợ hãi, quay sang nhìn A Châu, A Bích thấy hai người mặt tái xanh, đứng chết sững.
Vương phu nhân lên bờ rồi, trên thuyền lại đi ra thêm hai thanh y tì nữ khác, kéo theo sau hai người đàn ông mặt mày ủ rũ tay bị xích sắt khóa chặt. Một người mặt mày thanh tú, trông ra dáng con nhà giàu có, còn một người Đoàn Dự nhận ra được là một đệ tử phái Vô Lượng tên là Đường Quang Hùng. Đoàn Dự lạ quá: “Người này ở tận Đại Lý sao lại bị Vương phu nhân bắt đem tới Giang Nam là sao?”.
Chỉ thấy Vương phu nhân nói với Đường Quang Hùng:
- Rõ ràng mi là người Đại Lý, sao lại còn chối là sao?
Đường Quang Hùng đáp:
- Tại hạ người đất Vân Nam, quê thuộc về Đại Tống, không thuộc về Đại Lý.
Vương phu nhân hỏi thêm:
- Thế quê mi cách Đại Lý bao xa?
Đường Quang Hùng đáp:
- Bốn trăm dặm.
Vương phu nhân nói:
- Chưa tới năm trăm dặm thì cũng coi như người Đại Lý rồi. Đem nó ra chôn sống dưới gốc hoa Mạn Đà làm phân bón.
Đường Quang Hùng hoảng hốt kêu lên:
- Thế tôi có tội tình gì, nói cho tôi nghe kẻo tôi có chết cũng không nhắm mắt.
Vương phu nhân cười khẩy:
- Chỉ cần là người Đại Lý hoặc người họ Đoàn vào tay ta là bị chôn sống. Mi đến Tô Châu làm chi rứa? Đã dám đến Tô Châu lại dám mở mồm nói giọng Đại Lý, nơi quán rượu ba la bô lô là sao? Mi không phải người Đại Lý nhưng ở gần Đại Lý thì cũng không khác gì.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Ối trời, phải chăng mụ ta tính nói xỏ mình? Ta chẳng cần mụ phải hỏi, cứ thẳng thắn nhận đi cho xong”. Chàng bèn lớn tiếng nói:
- Ta là người nước Đại Lý, lại họ Đoàn đây, bà muốn chôn sống thì mau ra tay.
Vương phu nhân lạnh lùng đáp:
- Mi đã sớm báo danh rồi, tự xưng là tên Đoàn Dự. Hừ, người họ Đoàn nước Đại Lý thì đâu có chết dễ dàng như thế được.
Bà ta vẫy tay một cái, một đứa nữ tì liền lôi ngay Đường Quang Hùng đi. Đường Quang Hùng không biết đã bị điểm huyệt, hay đã bị trọng thương nên không thấy kháng cự chút nào, chỉ kêu ầm lên:
- Trên đời này làm gì có cái qui củ gì như thế, nước Đại Lý hàng trăm vạn người, mụ có giết hết được chăng?
Thế như y bị kéo vào trong rừng hoa mỗi lúc một xa, tiếng kêu càng lúc càng nhỏ dần. Vương phu nhân quay sang người đàn ông mặt mũi thanh tú kia hỏi:
- Còn mi thì sao?
Người đàn ông đột nhiên chân nhũn ra, quì phục xuống van lơn:
- Gia phụ làm quan tại kinh đô, cả nhà chỉ có một đứa con trai, cầu xin phu nhân tha mạng. Phu nhân sai bảo gì, gia phụ nhất định sẽ bằng lòng.
Vương phu nhân thản nhiên nói:
- Cha mi làm quan lớn trong triều, tưởng ta không biết hay sao? Tha mạng cho mi cũng chẳng khó gì, nội ngày hôm nay mi về nhà giết ngay con vợ se tơ kết tóc của mi đi, ngày mai lấy ngay cô gái họ Miêu mi đang giăng dện, cheo cưới cho đủ, có thế là xong. Vậy được không?
Gã công tử ấp úng:
- Cái việc ... cái việc giết vợ tôi, thực không đành lòng. Còn như minh môi chính thú Miêu cô nương thì cha mẹ tôi chắc không chấp nhận. Chẳng phải là tôi ...
Vương phu nhân nói:
- Đem y đi chôn sống!
Người tì nữ đang dắt y liền đáp:
- Dạ!
Rồi lôi y đi. Gã công tử sợ mất cả hồn vía, người run lẩy bẩy vội nói:
- Tôi ... tôi bằng lòng!
Vương phu nhân nói:
- Tiểu Thúy, mi áp tống y trở lại thành Tô Châu, chính mắt thấy y giết vợ, bái đường thành thân với Miêu cô nương, sau đó hãy trở lại.
Tiểu Thúy đáp lời:
- Dạ!
Nàng ta lôi gã công tử kia lên bờ đi về phía bến đò xuống một con thuyền nhỏ. Gã kia vẫn còn rên rỉ:
- Xin phu nhân mở lòng, chuyết kinh với tôi không thù không oán, bà cũng không biết Miêu cô nương là ai, sao lại bênh cô ấy, ép tôi giết vợ lấy người khác làm chi? Tôi ... tôi xưa nay cũng chẳng biết bà, từ rày ... từ rày cũng không dám đắc tội nữa.
Vương phu nhân nói:
- Ngươi đã có vợ rồi, sao lại còn lân la ngon ngọt tán tỉnh con gái nhà người ta. Đã chim chuột thì không thể không lấy, tuy ta không nghe không thấy nhưng chỉ cần ta biết được là ta bắt ngươi phải làm. Việc này cũng có phải lần đầu đâu, còn oán trách nỗi gì? Tiểu Thúy, y trăng hoa bao nhiêu vụ rồi?
Tiểu Thúy đáp:
- Tì tử ở Thường Thục, Đan Dương, Vô Tích, Gia Hưng các nơi, nghe cả thảy là bảy vụ, còn Tiểu Lan, Tiểu Thi hai đứa kia thì không biết thêm bao nhiêu.
Gã công tử kia nghe cô ta liệt kê ra như thế, chỉ biết kêu khổ thầm trong bụng. Tiểu Thúy quạt chiếc giầm, chèo chiếc thuyền đi.
Đoàn Dự thấy Vương phu nhân hành sự chẳng kể tình lý, ngang ngược quá đỗi không khỏi há hốc mồm, đứng chết trân, trong bụng chỉ nghĩ được bốn chữ: “Lẽ nào lại thế?”, vô hình chung buột miệng:
- Lẽ nào lại thế? Lẽ nào lại thế?
Vương phu nhân hừ một tiếng nói:
- Trên đời ni có việc chi mà phải ra lẽ mới làm.
Đoàn Dự vừa thấy thất vọng, vừa khó xử, hôm trước trong thạch động núi Vô Lượng được thấy pho tượng thần tiên tỉ tỉ trong lòng bao nhiêu kính ngưỡng, con người trước mắt tuy hình dáng tương tự nhưng lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi lại chẳng khác gì yêu ma quỉ quái.
Chàng cúi đầu ngơ ngẩn, thấy bốn đứa nữ tì quay vào khoang thuyền bưng ra bốn chậu hoa. Đoàn Dự vừa nhìn thấy liền cảm thấy cao hứng ngay. Bốn chậu hoa đó đều là sơn trà, cũng là những danh chủng khó kiếm. Trong thiên hạ nói về sơn trà thì Đại Lý đứng đầu, mà trong phủ Trấn Nam Vương thì phải nói là số một trong cả nước. Đoàn Dự từ bé nhìn đã quen, mỗi khi nhàn rỗi vẫn thường ngồi cùng bọn trồng hoa bàn bạc phê bình, nên dở hay xấu tốt chàng thuộc nằm lòng, chẳng cần học cũng biết, khác gì con nhà nông biết về gạo tẻ, gạo nếp, con nhà thuyền chài biết về con cá, con tôm.
Chàng đi lang thang trong Mạn Đà Sơn Trang, chưa thấy gốc hoa nào được gọi là giai phẩm, không khỏi thấy bốn chữ Mạn Đà Sơn Trang danh quá kỳ thực, bây giờ nhìn thấy bốn chậu hoa này, ngầm tấm tắc: “Quả nhiên cũng có được ít nhiều”.
Lại nghe Vương phu nhân nói:
- Tiểu Trà, bốn chậu sơn trà Mãn Nguyệt này kiếm được không phải dễ, mi phải chăm chút cho kỹ nghe chưa?
Đứa tớ gái tên Tiểu Trà kia liền đáp lời:
- Dạ!
Đoàn Dự nghe bà ta nói trật lất liền bật ra một tiếng cười khẩy. Vương phu nhân lại tiếp:
- Trên hồ gió to, bốn chậu hoa ni để luôn trong khoang mấy ngày, thiếu nắng, mi mau đem ra phơi, bón thêm phân cho nó.
Tiểu Trà lại đáp lời:
- Dạ!
Đoàn Dự không còn nhịn thêm được nữa, bật cười ha hả. Vương phu nhân nghe chàng cười có điều khác lạ, bèn hỏi:
- Nhà ngươi cười chi?
Đoàn Dự đáp:
- Ta cười bà không biết gì về sơn trà, vậy mà học đòi trồng hoa. Những loại giai phẩm như thế này vào tay bà thật có khác gì hồng ngâm cho chuột vọc, ngọc cho ngâu vầy, đem đàn chụm lửa, bắt hạc nấu canh, thật là uổng phí. Tiếc thay, tiếc thay! Thật là đau lòng.
Vương phu nhân giận dữ nói:
- Ta không biết sơn trà, dễ thường mi biết chắc?
Đột nhiên bà ta chợt nghĩ: “Xem nào, y là người họ Đoàn nước Đại Lý, không chừng biết về sơn trà thật”. Tuy nghĩ thế nhưng miệng vẫn khinh khỉnh nói:
- Bản trang đặt tên là Mạn Đà Sơn Trang, trong nhà ngoài ngõ chỗ nào cũng toàn là hoa Mạn Đà La, cây nào cây nấy xanh um, sao lại bảo là ta không biết trồng sơn trà?
Đoàn Dự mỉm cười:
- Gái nhà quê chỉ ăn khoai cũng béo tốt. Cái thứ hoa hạng bét kia vứt đâu mà chẳng mọc. Còn bốn bồn bạch trà này là bậc quốc sắc thiên hương, kẻ không sành mà trồng được thì mỗ đây không phải là họ Đoàn.
Vương phu nhân rất thích hoa trà, tốn không biết bao nhiêu tiền của đi các nơi lùng tìm giai phẩm, thế nhưng giống lạ đem về Mạn Đà Sơn Trang thì không loại sơn trà danh quí nào tốt tươi, chỉ được sáu tháng một năm là khô héo, chẳng đụng chạm gì cũng chết. Bà ta cũng vì thế mà buồn phiền, nghe Đoàn Dự nói thế không giận mà lại vui, tiến tới hai bước hỏi thêm:
- Bốn chậu hoa trắng của ta có gì khác thường? Phải trồng thế nào mới đúng cách?
Đoàn Dự nói:
- Nếu như bà muốn học hỏi với tôi, thì phải có cái lễ phép của người muốn học. Còn như bức bách tra hỏi thì cứ việc chặt hai chân tôi trước rồi hỏi sau cũng không muộn.
Vương phu nhân giận dữ nói:
- Chặt hai chân ngươi thì có chi là khó? Tiểu Thi, chặt chân trái y trước cho ta.
Đứa tì nữ tên Tiểu Thi liền đáp ứng, xách kiếm tiến lên. A Bích vội nói:
- Bẩm thái thái, xin hãy thư thả, gã ni gan liền tướng quân, nếu như thương tổn đến y, y có chết cũng không nói đâu.
Vương phu nhân vốn cũng chỉ muốn dọa Đoàn Dự nên giơ tay lên, Tiểu Thi lập tức đứng lại. Đoàn Dự cười nói:
- Ngươi cứ chặt hai chân ta đem chôn dưới gốc mấy cây bạch trà này làm phân tốt lắm, hoa sẽ nở thật to, có khi to bằng cái tô không chừng, ha ha, đẹp lắm! Hay thật! Hay thật!
Vương phu nhân cũng vốn có ý đó, nay nghe chàng nói có vẻ như mỉa mai, không biết nói sao, bần thần một hồi mới nói:
- Ngươi nói lăng nhăng cái gì? Bốn bồn hoa trắng của ta có cái gì đặc biệt danh quí, nói ta nghe thử. Nếu như ngươi nói nghe được, ta lúc ấy dùng lễ đãi ngươi cũng chưa muộn mà.
Đoàn Dự đáp:
- Vương phu nhân, bà bảo bốn chậu hoa trà này tên là Mãn Nguyệt, ngay cái đó đã sai rồi. Đến như tên hoa bà còn chưa rành, làm sao dám gọi là kẻ biết chơi hoa? Trong số này một chậu tên là Hồng Trang Tố Lý, một chậu tên là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm.
Vương phu nhân lạ lùng:
- Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm? Sao cái tên lại quái đản đến thế? Đó là cây nào?
Đoàn Dự nói:
- Bà muốn thỉnh giáo tại hạ thì phải nói cho lễ phép.
Vương phu nhân bị chàng ép cho không biết phải làm sao nhưng nghe nói bốn chậu trà này mỗi cây có một cái tên đặc biệt nên rất sung sướng, mỉm cười:
- Được rồi! Tiểu Thi, mi mau bảo nhà bếp thiết yến nơi Vân Cẩm Lâu để ta thết đãi Đoàn công tử.
Tiểu Thi lập tức đáp lời ra đi. A Bích và A Châu người nọ nhìn người kia, thấy Đoàn Dự không những chết đi sống lại, Vương phu nhân lại còn tiếp đãi như hàng thượng khách, thật hoan hỉ không đâu cho hết. Đứa tì nữ áp giải Đường Quang Hùng bây giờ đã quay lại bẩm báo:
- Gã họ Đường người Đại Lý kia đã đem chôn nơi gốc hoa màu đỏ nơi Hồng Hà Lâu rồi.
Đoàn Dự trong bụng xót xa, thấy Vương phu nhân dường như không coi vào đâu, chỉ gật gù nói:
- Xin mời Đoàn công tử.
Đoàn Dự đáp:
- Mạo muội đến đây làm phiền, mong hiền chủ nhân thứ lỗi cho đừng trách.
Vương phu nhân đáp:
- Có bậc đại hiền giáng lâm, Mạn Đà Sơn Trang đến cỏ cây cũng thêm phần rạng rỡ.
Hai người vừa khách sáo nói mấy câu vừa đi tới, có ai ngờ đâu chỉ giây phút trước tính mạng Đoàn Dự như chỉ mành treo chuông. Vương phu nhân đưa Đoàn Dự đi qua rừng hoa, qua một chiếc cầu đá, đi theo một con đường mòn đến trước một tòa tiểu lâu. Đoàn Dự nhìn thấy dưới mái hiên có một tấm biển viết ba chữ Vân Cẩm Lâu theo lối chữ triện màu xanh, dưới lầu trước sau trái phải chỗ nào cũng toàn hoa trà cả. Có điều những giống này ở Đại Lý chỉ vào hạng ba hạng tư, nếu so với tòa tiểu lâu tinh mỹ này có phần không xứng.
Vương phu nhân vẻ mặt đắc ý, nói:
- Đoàn công tử, nước Đại Lý của cậu hoa trà rất nhiều, nhưng nếu so sánh với của ta chắc không thể bì kịp.
Đoàn Dự gật đầu:
- Những hoa trà loại này dân Đại Lý chúng tôi chẳng ai trồng cả.
Vương phu nhân cười khanh khách:
- Thật ư?
Đoàn Dự nói:
- Những người dân quê mùa tầm thường ở Đại Lý cũng biết các loại hoa này phẩm chất kém cỏi, trồng chẳng cao sang gì.
Vương phu nhân mặt biến sắc, giận dữ nói:
- Ngươi nói sao? Ngươi bảo hoa trà ta trồng là loại tục phẩm ư? Nói như thế chẳng hóa, chẳng hóa .... khinh người quá lắm.
Đoàn Dự nói:
- Phu nhân tin hay không tin cũng tùy ở người.
Chàng vừa nói vừa chỉ một cây hoa trà ngũ sắc trước lầu:
- Giá thử như cây này, bà tưởng nó quí lắm ư. Hứ, đẹp thật, cái lan can này thật là đẹp, thật là đẹp.
Chàng tấm tắc khen cái lan can đẹp mà hoa thì chẳng nhắc đến một câu khác nào người xem chữ viết, không nhắc đến chữ mà chỉ khen lấy khen để mực đen và giấy tốt.
Cây hoa trà đó vừa trắng vừa đỏ, vừa tía vừa vàng, sắc hoa thật là rực rỡ, từ trước tới nay Vương phu nhân vẫn coi là trân phẩm. Nay thấy Đoàn Dự có vẻ xem thường nên lông mày bà nhướng lên, mắt lộ sát ý. Đoàn Dự nói:
- Xin hỏi phu nhân, giống hoa này ở Giang Nam gọi tên là gì?
Vương phu nhân hậm hực đáp:
- Chúng tôi chẳng gọi tên gì đặc biệt, chỉ gọi là hoa trà Ngũ Sắc.
Đoàn Dự mỉm cười:
- Đại Lý chúng tôi có đặt cho nó một cái tên, gọi là Lạc Đệ Tú Tài.
Vương phu nhân hừ một tiếng:
- Cái tên sao khó nghe làm vậy, chắc ngươi tiện mồm đặt ra chứ gì. Cây hoa đẹp đẽ như thế, sao lại giống gã thư sinh thi hỏng?
- Phu nhân thử nhìn lại xem, cây hoa này cả thảy tất cả mấy màu.
Vương phu nhân nói:
- Ta đã đếm qua, cũng phải có đến mười lăm, mười sáu màu khác nhau.
Đoàn Dự nói:
- Cả thảy đúng ra là mười bảy màu. Đại Lý có một loại hoa quí giá nổi tiếng tên gọi Thập Bát Học Sĩ. Đó là thiên hạ cực phẩm, trên cây có đủ mười tám đóa hoa, mỗi đóa một màu khác nhau, hồng thì toàn hồng, tía thì toàn tía, không một mảy lẫn lộn. Nhưng cả mười tám đóa hoa mỗi đóa hình trạng khác nhau, mỗi đóa một vẻ, nở thì cùng nở, tàn thì cùng tàn, phu nhân đã thấy bao giờ chưa?
Vương phu nhân nghe qua thẫn thờ, lắc đầu:
- Trên đời này lại có loại hoa như thế sao? Đến nghe nói tới ta cũng chưa nghe bao giờ.
Đoàn Dự nói:
- So với Thập Bát Học Sĩ kém một mức là Thập Tam Thái Bảo là mười ba đóa hoa khác nhau trên cùng một cây. Rồi đến Bát Tiên Quá Hải là tám đóa khác nhau một cây. Thất Tiên Nữ là bảy đóa. Phong Trần Tam Hiệp là ba đóa. Nhị Kiều là một trắng một đỏ hai đóa. Nói đến hoa trà là phải thuần sắc, nếu như trong đỏ có lẫn trắng, trong trắng lẫn tía thì là hạ phẩm rồi.
Vương phu nhân bỗng nhiên đờ đẫn, nhìn về xa xăm, nói một mình:
- Sao y không nói cho ta biết nhỉ?
Đoàn Dự nói tiếp:
- Trong Bát Tiên Quá Hải có cả hoa màu tía sậm và màu hồng nhạt, đó là Lý Thiết Quài và Hà Tiên Cô, nếu thiếu hai màu đó, dù là tám màu khác nhau cũng không được gọi là Bát Tiên Quá Hải mà gọi là Bát Bảo Trang, tuy cũng là danh chủng nhưng so với Bát Tiên Quá Hải còn thua một bậc.
Vương phu nhân nói:
- Nguyên lai như thế.
Đoàn Dự lại tiếp:
- Trở lại Phong Trần Tam Hiệp cũng có chính phẩm và phó phẩm. Nếu là chính phẩm, trong ba đóa thì đóa màu tía phải to nhất, đó là Cầu Nhiêm Khách, đóa màu trắng nhỏ hơn, đó là Lý Tịnh, đóa màu hồng nhỏ nhất nhưng cũng kiều diễm nhất đó là Hồng Phất Nữ. Nếu như hoa màu hồng lại to hơn hoa màu tía, hoa màu trắng thì là phó phẩm, hai đằng một trời một vực.
Người ta đã bảo quen thuộc như đồ trong nhà mình. Trong nhà Đoàn Dự có tất cả những loại này nên chàng nói ra vanh vách đâu ra đấy. Vương phu nhân nghe thật thích thú thở dài:
- Đến phó phẩm ta cũng chưa được nhìn qua nói gì chính phẩm !
Đoàn Dự chỉ vào cây hoa trà ngũ sắc nói:
- Còn loại hoa trà này, nếu luận về sắc so với Thập Bát Học Sĩ còn kém một, lại không thuần, nở thì khi sớm khi muộn, hoa thì đóa nhỏ đóa to. Chẳng khác gì Đông Thi giả nhăn mặt, học đòi làm Thập Bát Học Sĩ thì không xong, có khác gì rượu xoàng uống chua như giấm. Vì thế chúng tôi đặt cho cái tên Lạc Đệ Tú Tài.
Vương phu nhân không nhịn được bật cười nói:
- Cái tên ấy sao vừa chanh chua, vừa khắc bạc, hẳn là do đám nho sinh đặt ra.
Đến lúc này, Vương phu nhân đã mười phần tin tưởng vào sự thành thục về các loại trà hoa của Đoàn Dự bèn dẫn chàng lên trên Vân Cẩm Lâu. Đoàn Dự thấy trên lầu trần thiết sang trọng đẹp đẽ, giữa là một bức trung đường vẽ cảnh khổng tước khai bình, hai bên là hai câu đối trên viết:
Lá rậm xem chừng mây khó kịp
Hoa tươi quả thực tuyết ghen thầm
Tất diệp vân sai mật
Trà hoa tuyết đố nghiên
Chẳng bao lâu tiệc rượu bắt đầu, Vương phu nhân mời Đoàn Dự ngồi bên trên, còn mình ngồi bên dưới để bồi tiếp. Những món ăn trong tiệc hôm nay thật khác xa bữa tiệc A Châu, A Bích khoản đãi. Những món ăn hai cô a hoàn thanh nhã làm chính trong những món thật tầm thường có ẩn những nét tinh xảo công phu. Bữa tiệc ở Vân Cẩm Lâu hôm nay thì lại chủ về hào hoa trân quí, nào là bàn tay gấu, vây cá đều toàn những món cực kỳ sang trọng. Thế nhưng Đoàn Dự sinh trưởng nơi chốn đế vương, những món quí báu đến mấy cũng đã nếm qua nên lại thấy bữa tiệc ở Mạn Đà Sơn Trang so ra kém xa ở nơi Cầm Vận Tiểu Trúc.
Rượu được ba tuần, Vương phu nhân hỏi:
- Họ Đoàn Đại Lý là thế gia trong võ lâm, cớ sao công tử không tập võ?
Đoàn Dự đáp:
- Người họ Đoàn ở Đại Lý đông lắm, con cháu hoàng tộc tông thất thì đều có tập, còn như vãn sinh là dân dã tầm thường thì làm gì biết võ công.
Chàng nghĩ mình sống chết ở trong tay người, bệ rạc như thế, thật chẳng nên thổ lộ chân tướng gia thế làm gì để khỏi làm giảm uy danh của bá phụ và gia gia. Vương phu nhân hỏi tiếp:
- Công tử con nhà bách tính tầm thường hay sao?
Đoàn Dự đáp:
- Vâng!
Vương phu nhân hỏi tiếp:
- Thế công tử có biết được người nào họ Đoàn trong hoàng thất hay không?
Đoàn Dự một mực chối phăng:
- Tuyệt nhiên không biết.
Vương phu nhân đờ đẫn hồi lâu rồi xoay qua đề tài khác, nói:
- Mới đây được công tử đàm luận về các phẩm chủng hoa trà, khiến cho ta như được vén đám mây mù, nhìn thấy trời cao. Bốn chậu bạch trà lần này kiếm được, kẻ trồng hoa trong thành Tô Châu bảo là Mãn Nguyệt, công tử lại bảo một chậu là Hồng Trang Tố Lý, còn một chậu là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm, làm thế nào phân biệt, xin nói cho rõ, được chăng?
Đoàn Dự đáp:
- Cây hoa trắng lớn nhưng lấm tấm có chấm đen kia thì gọi là Mãn Nguyệt. Những vệt đen đó là cành quế nơi cung trăng. Cây hoa cánh trắng có hai đốm hình quả trám màu đen kia tên gọi là Nhãn Nhi Mị.
Vương phu nhân mừng quá nói:
- Cái tên đó nghe thật hay.
Đoàn Dự nói tiếp:
- Cánh hoa trắng nhưng có lẩn sắc đỏ tên gọi là Hồng Trang Tố Lý. Còn cánh trắng nhưng có quầng mầu xanh, thêm vạch mờ mờ màu đỏ thì gọi là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm. Thế nhưng nếu những vạch đỏ đó có nhiều thì lại không còn là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm nữa mà là Ỷ Lan Kiều. Phu nhân thử nghĩ xem, đã là mỹ nhân thì phải ôn tĩnh nhàn nhã, trên mặt thỉnh thoảng bị sước một đường hẳn là khi chải đầu soi gương vô tình cào phải mặt, hoặc giả không phải do mình thì cũng chỉ chơi đùa với con anh vũ, bị chim quẹt trúng âu cũng là chuyện thường. Thành thử vết chàm trên cánh hoa kia không thể không có, đó là lông chim vương phải. Còn như nếu đầy mặt chỗ nào cũng tươm máu thì nàng con gái đẹp kia hẳn đã đánh nhau với ai, như thế còn gọi là đẹp nỗi gì?
Vương phu nhân từ trước đến sau nghe chàng nói luôn luôn gật đầu, thật là vui sướng, đột nhiên mặt sầm xuống, quát lên:
- Lớn mật nhỉ, ngươi định nhạo báng ta đấy chăng?
Đoàn Dự hết sức kinh hãi, vội nói:
- Không dám! Không biết chỗ nào tiểu sinh đã mạo phạm đến phu nhân?
Vương phu nhân hầm hầm nói:
- Ngươi nghe đứa nào xúi bẩy mà đến gặp ta ăn nói những lời nhăng cuội như thế? Ai bảo đàn bà con gái học võ công thì không còn đẹp nữa? Nhàn nhã ôn tĩnh thì có gì là hay?
Đoàn Dự chưng hửng vội nói:
- Lời của vãn sinh chỉ là suy đoán cái lý thông thường, trong những người đàn bà học võ thiếu gì người vừa xinh đẹp lại vừa đoan trang?
Ngờ đâu câu đó nói ra Vương phu nhân lại tưởng Đoàn Dự muốn nói kháy mình, bà ta liền gằn giọng:
- Thế ngươi bảo ta không đoan trang hay sao?
Đoàn Dự đáp:
- Đoan trang hay không đoan trang, phu nhân tự biết rồi, vãn sinh nào có dám vọng ngôn. Có điều ép người ta giết vợ cả, lấy vợ lẽ, thái độ như thế thì không phải là người ngay chính.
Chàng nói những câu đó, trong bụng đã bực lắm rồi nên không còn nể nang gì nữa. Vương phu nhân giơ tay vẫy một cái, bốn con tì nữ hầu hạ bên cạnh lập tức tiến lên khom lưng nói:
- Dạ!
Vương phu nhân nói:
- Giải tên ni xuống, bắt y đi tưới hoa.
Bốn đứa tớ gái cùng đáp ứng:
- Dạ!
Vương phu nhân nói:
- Đoàn Dự, ngươi là người Đại Lý, lại họ Đoàn đáng chết lắm rồi. Bây giờ cái tội chết ta tạm để đó, cho ngươi săn sóc cho hoa trà trong trang, nhất là bốn chậu bạch trà ta mới có hôm nay càng phải chăm chút cho kỹ. Ta bảo cho ngươi hay, bốn chậu đó chết một cây ta chặt một cánh tay, chết hai cây, ta chặt hai cánh tay, chết cả bốn cây thì tay chân ngươi cụt hết.
Đoàn Dự hỏi lại:
- Thế cả bốn cây đều sống thì sao?
Vương phu nhân đáp:
- Bốn cây đó sống thì ta đưa ngươi đi chăm sóc các loại danh chủng khác. Những loại như Thập Bát Học Sĩ, Thập Tam Thái Bảo, Bát Tiên Quá Hải, Thất Tiên Nữ, Phong Trần Tam Hiệp, Nhị Kiều mỗi loại trồng cho ta vài cây. Làm không xong thì ta móc mắt ngươi ra.
Đoàn Dự lớn tiếng cãi:
- Những danh chủng đó, ngay ở Đại Lý đã khó kiếm rồi, ở Giang Nam dễ gì có được? Nếu mỗi loại trồng vài ba cây thì còn gì là danh quí? Thôi bà giết tôi trước còn hơn. Nay chặt chân, mai khoét mắt, tôi làm sao chịu nổi.
Vương phu nhân nạt liền:
- Bộ ngươi không muốn sống nữa hay sao? Trước mặt ta ai cho ngươi muốn nói gì thì nói? Đem nó xuống.
Bốn con tì nữ liền xông tới, hai đứa nắm hai tay, một đứa kéo đằng trước, một đứa đẩy đằng sau, năm người giằng co xuống lầu. Bốn đứa tớ gái đó đều biết võ công, Đoàn Dự bị chúng hiếp chế không thể nào kháng cự được, trong bụng chỉ biết kêu thầm: “Ngược ngạo thật! Ngược ngạo thật!”
Bốn đứa tì nữ vừa kéo vừa đẩy đưa chàng đến một vườn hoa, một đứa cầm một chiếc xẻng dúi vào tay Đoàn Dự, một đứa đưa cho một chiếc thùng tưới nói:
- Ngươi hãy nghe lời phu nhân sai bảo, ngoan ngoãn chăm lo trồng hoa thì mới toàn mạng. Bằng như ngang bướng cãi lại lệnh phu nhân, bọn ta lập tức đem đi chôn sống, xem ngươi làm được trò gì?
Lại một đứa tì nữ nói:
- Ngoài việc trồng hoa tưới hoa ra, không được đi lung tung trong trang viện, nếu ngươi vào chỗ cấm địa thì là tự mình tìm cái chết đó, chẳng ai cứu được đâu.
Bốn đứa tớ gái dặn dò kỹ lưỡng một hồi rồi mới đi. Đoàn Dự đứng bần thần, thật là giở khóc giở cười. Ở Đại Lý, thân phận chàng chỉ đứng sau bá phụ Bảo Định Đế và phụ thân Trấn Nam Vương, trong tương lai cha lên ngôi báu, chàng sẽ thành tự quân hoàng thái tử, ai ngờ bị người ta bắt đến Giang Nam, muốn đốt muốn giết, muốn chặt chân chặt tay, khoét mắt gì cũng được, bây giờ lại bị ép làm một gã làm vườn trồng hoa. Tuy nhiên tính tình chàng vốn hiền hòa, ở Đại Lý nơi hoàng cung, vương phủ vẫn thường hay ra xem các phu trồng hoa cắt lá tỉa cành, cuốc đất bón phân, truyện trò với họ mặc dầu trong bụng một kẻ con vua cháu chúa, vẫn chỉ coi họ như kẻ ăn người ở, vị trí thấp kém.
Cũng may trời sinh chàng sảng khoái vui vẻ, gặp phải nghịch cảnh trớ trêu, cũng chỉ buồn bã một chốc, chẳng bao lâu lại cao hứng như thường, trong bụng nhủ thầm: “Ta nơi ngọc động núi Vô Lượng đã từng bái thần tiên tỉ tỉ làm thầy. Vị Vương phu nhân này với thần tiên tỉ tỉ tướng mạo y hệt nhau, chỉ lớn tuổi hơn thôi, ta coi bà ấy cũng như sư bá thì có gì mà không được? Sư trưởng ra lệnh, đệ tử tuân hành ra sức mà làm thì cũng hợp đạo lý. Huống chi chăm bón hoa cỏ vốn là cái thú của kẻ văn nhân, so với bọn học võ múa đao động kiếm cao nhã hơn nhiều. Còn như so sánh với việc bị Cưu Ma Trí đem đến trước mồ Mộ Dung tiên sinh thiêu sống thì thế này sướng gấp nghìn gấp vạn. Đáng tiếc là những cây hoa trà này phẩm chủng quá xoàng, để cho vương tử nước Đại Lý tự tay săn sóc không khỏi đại tài tiểu dụng, giết gà dùng dao mổ trâu. Ha ha! Ngươi là dao mổ trâu ư? Ngươi có đại tài trồng hoa ư?”.
Chàng nghĩ tiếp: “Mình ở lại Mạn Đà Sơn Trang thêm một thời gian, biết đâu chẳng có cơ duyên gặp lại thiếu nữ mặc áo màu cánh sen kia một lần, cái đó gọi là:
Vương tử trồng hoa ai bảo họa,
Biết đâu có phúc gặp giai nhân”.
Nghĩ đến họa phúc, chàng bèn nhổ một nắm cỏ trong bụng khấn thầm: “Để xem ta chừng nào mới gặp được vị cô nương kia”. Chàng cầm nắm cỏ tay phải trao qua tay trái, tay trái trao qua tay phải để bói, được quẻ Cấn thượng Cấn hạ tức là quẻ thuần Cấn nghĩ thầm: “Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình, bất kiến kỳ nhân, vô cữu”. Quẻ này thật linh quá, tuy không thấy đó nhưng cũng không có tội lỗi gì”.
Chàng lại bói thêm một quẻ nữa, được quẻ Đoài trên Khảm dưới, tức là quẻ Khốn, trong bụng kêu thầm: “Khốn vu châu mộc, nhập vu u cốc, tam tuế bất địch”. Ba năm mà không gặp được ai thì đúng là khốn nạn rồi.” Chàng chợt nghĩ lại: “Ba năm không gặp thì năm thứ tư ắt sẽ gặp. Ngày rộng tháng dài thì có gì gọi là khốn đâu?”.
Chàng xủ quẻ thấy không hay nên không dám bói thêm quẻ khác, miệng ư ử hát, vác xẻng lên đi lang thang nghĩ thầm: “Vương phu nhân bảo ta trồng sao cho sống được bốn chậu hoa trắng. Bốn chậu này quả là danh chủng, phải tìm cho ra chỗ nào cực kỳ u nhã mà trồng, nếu không thì hỏng bét”. Chàng vừa đi vừa nhìn quanh quất chung quanh để tìm nơi thích hợp, đột nhiên bật lên cười sằng sặc, nghĩ thầm: “Vương phu nhân chẳng biết gì về hoa trà, vậy mà trồng khắp nơi, lại dám đặt tên trang viện này là Mạn Đà Sơn Trang. Có biết đâu hoa trà thích bóng râm mà kỵ ánh nắng, trồng nơi dương quang nếu không chết thì cũng đâu có ra hoa, lại thêm bón phân rõ nhiều, thành ra bao nhiêu danh chủng đều chết sạch, tiếc quá, tiếc quá! Nực cười thay, nực cười thay!”.
Chàng tránh nơi có ánh mặt trời, đi sâu vào trong những nơi bóng cây, vòng qua một ngọn núi nhỏ, nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, bên trái là một hàng trúc xanh rì, bốn bề thật là u tĩnh. Nơi đây là bóng núi, ánh mặt trời không rọi đến, Vương phu nhân cho rằng không nên trồng hoa thành thử không thấy một bụi hoa trà nào. Đoàn Dự mừng lắm nói:
- Chỗ này thật không còn gì hơn.
Chàng quay lại chỗ cũ, khuân bốn chậu hoa trà đến nơi hàng trúc, đập vỡ bồn, để cả đất đem trồng xuống đất. Tuy chàng chưa từng làm vườn bao giờ nhưng xem đã nhiều, thành thử cứ người ta làm sao mình làm vậy.
Chưa tới nửa giờ, chàng đã trồng xong bốn cây bạch trà cạnh nơi bụi trúc, bên trái là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm, bên phải là Hồng Trang Tố Lý và Mãn Nguyệt, còn Nhãn Nhi Mị chàng trồng sau một tảng đá bên cạnh giòng suối, tự nói một mình:
- Cái này quả là:
Gọi hoài mới thấy nàng ra,
Đàn che nửa mặt xót xa giọt sầu.
Thiên hô vạn hoán thủy xuất lai,
Do bão tì bà bán già diện._
Phải chỗ lấp ló thế này thì mới đúng điệu.
Người Trung Hoa vẫn thường ví hoa với mỹ nhân, phép trồng hoa cũng chẳng khác gì săn sóc người đẹp. Đoàn Dự con cháu hoàng gia đọc thi thư từ nhỏ nên công phu của chàng hơn hẳn mọi người.
Chàng vọc tay xuống suối rửa sạch hai tay, gác chân ngồi trên tảng đá, ngắm nghía bụi hoa Nhãn Nhi Mị, nhìn thẳng, nhìn nghiêng trong bụng đắc ý thầm, bỗng nghe tiếng chân loạt soạt, có hai thiếu nữ đi tới. Một cô nói:
- Chỗ này thật vắng vẻ, không ai lui tới ...
Giọng nói đó vào tai, Đoàn Dự tim nhảy thót lên một cái, rõ ràng là giọng của cô gái mặc áo lụa màu cánh sen chàng gặp lúc ban ngày. Chàng vội nín thở không dám để phát ra chút âm thanh nào, nghĩ thầm: “Nàng ta bảo không muốn gặp những người đàn ông không liên can gì đến nàng, ta nào có liên hệ gì đâu, chỉ được nghe vài lời tiếng du dương như nhạc trên trời thì đã vô cùng phúc phận rồi, nhất quyết đừng để nàng hay biết”.
Đầu chàng vốn dĩ nghiêng nghiêng ngó ra, lúc này không dám quay lại, dường như sợ mình chuyển động thì cổ sẽ có thể phát xuất âm thanh kinh động đến mỹ nhân.
Lại nghe thiếu nữ nói tiếp:
- Tiểu Mính, ngươi nghe thấy chuyện gì ... chuyện gì liên quan đến chàng thế?
Đoàn Dự nghe vậy trong lòng chua xót, cô gái nói đến “chàng” nhất định không phải là nói về mình, mà là nói về Mộ Dung công tử. Nghe lời Vương phu nhân nói, gã Mộ Dung công tử kia có đơn danh là Phục. Giọng thiếu nữ vặn hỏi nghe thật quan tâm đầy vẻ tha thiết, Đoàn Dự không khỏi không cảm phục lại cũng đau lòng. Chỉ thấy Tiểu Mính ấp úng một hồi, xem chừng như không tiện nói ra.
Thiếu nữ tiếp:
- Ngươi cứ nói cho ta nghe! Ta không quên lòng tốt của ngươi đâu.
Tiểu Mính đáp:
- Tiểu tì sợ ... sợ phu nhân trách phạt.
Cô gái nói:
- Ngươi đúng là một con bé ngốc nghếch, ngươi nói với ta ta có nói lại với phu nhân đâu mà lo?
Tiểu Mính nói:
- Nếu như phu nhân hỏi tiểu thư thì sao?
Thiếu nữ đáp:
- Dĩ nhiên là ta sẽ không nói.
Tiểu Mính lại ngập ngừng một hồi mới nói:
- Biểu thiếu gia đi lên chùa Thiếu Lâm.
Cô gái ngạc nhiên:
- Lên chùa Thiếu Lâm ư? Thế sao A Châu, A Bích hai đứa kia lại bảo là chàng đi Lạc Dương để gặp bọn Cái Bang?
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Sao lại biểu thiếu gia nhỉ? Ồ, thì ra Mộ Dung công tử là anh con cô cậu của nàng ta, hai người trong nhà thân thiết, có tình thanh mai trúc mã_, thành thử ... thành thử...”.
Tiểu Mính nói:
- Phu nhân kỳ này ra ngoài, trên đường gặp Công Dã nhị gia, hỏi ra mới biết các đầu não Cái Bang đều đến Hà Nam cả, định gặp biểu thiếu gia để đại hưng vấn cái gì chi sư đó. Công Dã nhị gia lại nói là nhận được thư của biểu thiếu gia, khi đến Lạc Dương kiếm không ra tên thủ lãnh ăn mày nào, nên đã lên Tung Sơn Thiếu Lâm Tự rồi.
Thiếu nữ nói:
- Chàng lên chùa Thiếu Lâm để làm chi?
Tiểu Mính đáp:
- Công Dã nhị gia nói là trong thư biểu thiếu gia có viết khi ở Lạc Dương nghe tin một lão hòa thượng chùa Thiếu Lâm chết ở Đại Lý, họ lại đổ oan cho Cô Tô Mộ Dung giết. Biểu thiếu gia giận lắm, chùa Thiếu Lâm lại không xa Lạc Dương bao nhiêu nên tiện đường đi lên trình bày với các hòa thượng trong chùa cho tỏ tường mọi việc.
Cô gái lại nói:
- Nếu như nói không tỏ tường thì không lẽ động thủ hay sao? Phu nhân nghe được tin đó cớ sao lại quay về, không đi lên giúp biểu thiếu gia một tay?
Tiểu Mính nói:
- Cái đó ... cái đó tì tử không biết. Có lẽ là phu nhân không ưa biểu thiếu gia chăng?
Thiếu nữ hậm hực nói:
- Hừ, dẫu có không ưa nhưng cũng là người nhà. Cô Tô Mộ Dung ở bên ngoài bị người ta làm cho mất mặt, chẳng lẽ nhà họ Vương này lại vẻ vang lắm hay sao?
Tiểu Mính không dám tiếp lời. Thiếu nữ đi qua đi lại trước bụi trúc, bỗng thấy ba khóm bạch trà Đoàn Dự mới trồng, gần bên là những mảnh chậu vỡ, thất thanh kêu lên một tiếng hỏi:
- Ai tại nơi đây trồng hoa trà đó?