Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Cách mạng và phản cách mạng ở Đức

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14691 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cách mạng và phản cách mạng ở Đức
Frederick Engels

XIX.Kết cục của cuộc khởi nghĩa

Khi miền nam và miền tây nước Đức đang ở trong tình trạng khởi nghĩa công khai và khi các chính phủ, từ bước đầu của cuộc xung đột ở Đre-xđen cho đến ngày đầu hàng ở Ra-stát, đã bỏ ra hơn mười tuần lễ để dập tắt những ngọn lửa cuối cùng của cuộc cách mạng đầu tiên của Đức, thì Quốc hội cũng biến khỏi vũ đài chính trị mà không ai để ý đến.
Trên kia, chúng ta đã nói tới cái cơ quan tôn nghiêm ấy ở Phran-phuốc, nó ở trong tình trạng hoàn toàn hoang mang vì những cuộc công kích láo xược của các chính phủ vào uy phong của nó, vì sự bất lực và sự tiêu cực phản phúc của cái chính phủ trung ương do nó lập nên, vì những cuộc nổi dậy của giai cấp tiểu tư sản nhằm bảo vệ nó và vì cuộc nổi dậy của giai cấp công nhân nhằm mục đích cuối cùng có tính chất cách mạng hơn. Sự suy sụp hết sức sâu sắc về tinh thần và niềm thất vọng lan tràn trong các thành viên của nó; tình hình bỗng mang một hình thức rõ nét và quyết định đến nỗi chỉ trong ít ngày, những ảo tưởng của các nhà lập pháp thông thái ấy về quyền lực và ảnh hưởng thực sự của họ đã hoàn toàn sụp đổ. Các phần tử bảo thủ, theo hiệu lệnh của chính phủ, đã rút ra khỏi cái Quốc hội từ nay chỉ còn có thể tiếp tục tồn tại như một sự thách thức đối với chính quyền hợp pháp. Những phần tử tự do chủ nghĩa, hoàn toàn hoang mang, cho rằng sự nghiệp thế là đã tan vỡ và cũng từ bỏ chức nghị sĩ của mình. Những nhân vật đáng kính ấy bỏ đi cả hàng trăm. Từ 800 đến 900 người lúc đầu, bọn họ đã giảm đi nhanh chóng đến nỗi sau đó chỉ còn 150 người và ít ngày sau nữa chỉ còn 100 người mà vẫn tuyên bố là đủ số để biểu quyết. Thế mà cũng còn khó khăn mới có đủ con số đó, mặc dầu toàn bộ các nghị sĩ của đảng dân chủ đều ở lại trong Quốc hội.
Con đường mà những tàn dư đó trong nghị viện phải đi theo thì đã mười phần rõ ràng. Họ phải công khai và kiên quyết đứng về phía khởi nghĩa, do đó mang lại cho cuộc khởi nghĩa tất cả sức mạnh của tính hợp pháp, đồng thời qua đó có được một quân đội để bảo vệ bản thân họ. Họ phải đòi chính quyền trung ương đình chỉ ngay tất cả những hành động quân sự và nếu đúng như dự đoán, cái chính quyền ấy không muốn mà cũng không thể làm như thế thì phải hạ nó xuống ngay tức khắc và thay thế nó bằng một chính quyền kiên quyết hơn. Nếu không thể đưa quân đội khởi nghĩa tới Phran-phuốc (điều này lúc đầu rất dễ thực hiện, trong khi chính phủ các bang còn chưa chuẩn bị để chiến đấu và còn do dự) thì Quốc hội có thể di chuyển ngay đến chính trung tâm vùng khởi nghĩa. Tất cả những điều ấy, nếu được thực hiện nhanh chóng và kiên quyết, chậm nhất là vào giữa hay cuối tháng Năm, thì cũng còn có hy vọng thắng lợi cho cả cuộc khởi nghĩa và Quốc hội.
Nhưng người ta không thể trông mong những đại biểu của giai cấp tiểu tư sản Đức có một hành động kiên quyết như vậy. Những chính khách hám danh đó vẫn không trút bỏ được những ảo tưởng của họ. Những thành viên nào đã mất cái lòng tin tai hại vào sức mạnh và quyền bất khả xâm phạm của Quốc hội thì đã chuồn rồi; những phần tử dân chủ còn ở lại thì vẫn không dễ dàng từ bỏ những ảo tưởng của họ về quyền lực và danh vọng mà họ đã ước mơ trong suốt mười hai tháng trời. Trung thành với đường lối họ vẫn theo đuổi từ trước đến nay, họ lẩn tránh bằng mọi cách bất cứ một hành động nào có tính chất quyết định cho đến lúc cuối cùng mất hết cả mọi cơ hội thắng lợi và ngay cả mọi cơ hội thất bại nhưng ít ra còn giữ được danh dự. Lúc đó, tiến hành một hoạt động giả tạo và huênh hoang, một hoạt động mà sự bất lực hiển nhiên cộng với những tham vọng cao xa của họ chỉ làm cho người ta thương hại và buồn cười, họ tiếp tục gửi những nghị quyết, những lời thỉnh nguyện và những thư yêu cầu cho viên nhiếp chính đế chế, nhưng y chẳng thèm để ý tới, và cho các bộ trưởng đã công khai liên minh với kẻ thù. Và sau cùng, khi Vin-hem Vôn-phơ, một nghị viên miền Stơ-ri-gâu[1], một trong những biên tập viên của tờ "Neue Rheinische Zeitung" và là người duy nhất thực sự cách mạng trong toàn thể Quốc hội, bảo họ rằng nếu họ coi trọng lời nói của họ thì tốt nhất là đừng bàn suông nữa và hãy tức khắc tuyên bố đặt viên nhiếp chính đế chế, kẻ phản quốc đầu sỏ, ra ngoài vòng pháp luật - thì lúc đó tất cả nỗi tức giận đạo đức mà các ngài nghị sĩ vẫn cố kìm lại, bỗng nổ ra kịch liệt chưa từng thấy khi các chính phủ đổ lên đầu họ những lời chửi rủa và chế giễu. Điều đó là dĩ nhiên, vì đề nghị của Vôn-phơ là lời phát biểu có lý đầu tiên được nói trong nhà thờ Thánh Pôn[39*]; đó là điều dĩ nhiên, vì điều mà Vôn-phơ yêu cầu họ chính là điều phải làm và một lời nói rõ ràng và nói thẳng vào vấn đề như vậy, chỉ có thể là một điều lăng mạ đối với cái đám người đa cảm đó, họ chỉ có thể kiên quyết có thái độ không kiên quyết và vì quá nhút nhát không dám hành động, họ đã tâm niệm dứt khoát rằng không làm gì tức là đã làm điều phải làm. Đương nhiên là mỗi lời nói như ánh chớp rọi sáng đám mây mù trong đầu óc họ, mỗi lời cảnh cáo có tính chất lôi kéo họ ra khỏi cái mê cung trong đó họ cố tình ẩn náu càng lâu càng tốt, mỗi quan niệm rõ rệt về tình hình thực tế, đều bị họ coi là một tội phạm thượng đối với cái Quốc hội có chủ quyền ấy.
Sau đó ít lâu, vì địa vị của các vị nghị sĩ đáng kính trở nên không thể duy trì được ở Phran-phuốc nữa, mặc dầu họ đưa ra những quyết nghị, những lời kêu gọi, lời chất vấn và lời tuyên bố, nên họ rút lui, nhưng không phải là về những vùng khởi nghĩa, nếu thế thì đã là kiên quyết quá. Họ rút về Stút-gát, ở đó chính phủ Vuyếc-tem-béc giữ một thái độ trung lập có tính chất chờ thời. ở đây rốt cuộc họ tuyên bố phế truất viên nhiếp chính đế chế và bầu ra một hội đồng nhiếp chính gồm năm người chọn trong số họ. Hội đồng nhiếp chính đó lập tức đưa thông qua một đạo luật về đội dân cảnh, đạo luật này được thông tri đường hoàng và đúng thể thức cho các chính phủ ở Đức biết. Các chính phủ này, tức là những kẻ thù thực sự của Quốc hội, lại nhận được lệnh phải tuyển mộ những lực lượng để bảo vệ Quốc hội! Rồi người ta thành lập - cố nhiên là trên giấy - một đạo quân để bảo vệ Quốc hội! Những sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, khẩu đội, tất cả đều được quy định, sắp xếp. Không thiếu một cái gì hết, chỉ thiếu có hiện thực thôi, vì tất nhiên là đạo quân ấy không bao giờ xuất hiện trên đời này cả.
Quốc hội còn có một chỗ bấu víu cuối cùng nữa. Từ khắp các miền trong nước, dân cư dân chủ cử những đoàn đại biểu đến để cho Quốc hội sử dụng và để ép buộc Quốc hội phải hành động kiên quyết. Nhân dân thấy rõ ý định thực sự của chính phủ Vuyếc-tem-béc, đã thúc ép Quốc hội phải buộc chính phủ ấy công khai và tích cực tham gia phong trào khởi nghĩa ở những vùng lân cận. Nhưng vô ích. Chuyển về Stút-gát là Quốc hội đã nộp mình cho chính phủ Vuyếc-tem-béc. Các thành viên của Quốc hội đều biết thế và vì thế họ đã phản đối việc cổ động trong quần chúng. Bằng hành động ấy, họ đã mất nốt cái phần ảnh hưởng cuối cùng mà họ còn có thể giữ được. Như vậy là họ kiếm được một sự khinh bỉ xứng đáng và chính phủ Vuyếc-tem-béc, bị Phổ và viên nhiếp chính đế chế thúc ép, đã kết liễu cái trò hề dân chủ bằng cách đóng cửa phòng họp của Quốc hội vào ngày 18 tháng Sáu 1849 và ra lệnh cho các thành viên của hội đồng nhiếp chính phải rời khỏi xứ ấy.
Lần này, họ đi về Ba-đen, về với phe khởi nghĩa; nhưng bấy giờ ở đây, họ không còn có ích gì nữa. Không ai để ý tới họ nữa. Nhưng hội đồng nhiếp chính, nhân danh nhân dân Đức có chủ quyền, vẫn tiếp tục mang hết sức mình ra để cứu nước. Nó tìm cách làm cho các cường quốc công nhận nó nên nó đã phát giấy hộ chiếu cho tất cả những ai muốn nhận giấy đó. Nó tung ra những lời tuyên bố và cử phái viên đi phát động cuộc khởi nghĩa của chính các quận ở Vuyếc-tem-béc, nơi mà nó đã từ chối không chịu giúp đỡ tích cực khi còn kịp thời; đương nhiên là cái đó không mang lại kết quả gì. Chúng tôi hiện có trước mặt một bản chính của báo cáo của một trong những phái viên ấy, ông Ruê-xlơ (nghị viên quận ên-xơ), gửi cho hội đồng nhiếp chính; nội dung bản báo cáo ấy khá đặc biệt. Nó được đề: Stút-gát, ngày 30 tháng Sáu 1849. Sau khi đã miêu tả những cuộc phiêu lưu của nửa tá phái viên ấy phải chạy khắp nơi để kiếm tiền nhưng chẳng mò đâu ra được một đồng, ông Ruê-xlơ nêu một tràng lý do để xin lỗi về việc chưa tới được địa điểm công tác; sau đó ông đưa ra những nhận định rất là quan trọng về những cuộc tranh chấp có thể xảy ra giữa Phổ, áo, Ba-vi-e và Vuyếc-tem-béc và về những hậu quả có thể xảy ra. Sau một cuộc nghiên cứu đầy đủ, ông đi tới kết luận rằng tình thế thật là tuyệt vọng. Tiếp đó, ông đề nghị chọn những người tin cậy để tổ chức trạm truyền tin và lập một hệ thống điệp viên để dò la những ý định của chính phủ Vuyếc-tem-béc và những cuộc chuyển quân. Bức thư ấy không bao giờ tới được địa chỉ của nó, vì khi nó được viết ra thì "hội đồng nhiếp chính" đã thành "bộ ngoại giao" rồi, nghĩa là nó đã đi ra nước ngoài, sang Thụy Sĩ và trong khi ngài Ruê-xlơ đáng thương đó còn đang nhức đầu nhức óc để khám phá những ý định của cái nội các ghê gớm của một vương quốc suy đồi thì mười vạn binh lính Phổ, Ba-vi-e và Hét-xen đã giải quyết xong mọi việc bằng một trận đánh cuối cùng ở Rát-stát.
Nghị viện Đức đã tiêu vong như vậy, và cùng tiêu vong với nó là cái sản phẩm đầu tiên và cuối cùng của cách mạng. Việc triệu tập nghị viện ấy là sự xác nhận pháp lý đầu tiên nói lên rằng cuộc cách mạng đã thực sự xảy ra ở Đức, và nghị viện ấy còn tồn tại chừng nào mà cuộc cách mạng này, cuộc cách mạng hiện đại đầu tiên của Đức, còn chưa kết thúc. Được bầu ra do ảnh hưởng của giai cấp tư sản, bởi một dân cư nông thôn phân tán, phân liệt và phần lớn mới thoát khỏi trạng thái mê muội phong kiến, cái nghị viện ấy đã được dùng để đưa lên sân khấu chính trị toàn bộ những nhân vật lớn, có tiếng tăm trong những năm 1820 - 1848, để rồi lại hoàn toàn thủ tiêu họ. Tất cả những nhân vật nổi tiếng của chủ nghĩa tự do tư sản đều tập hợp ở đây. Giai cấp tư sản mong chờ những chuyện thần kỳ; nhưng chỉ chuốc lấy nhục cho bản thân và cho những đại biểu của nó. Giai cấp những nhà tư sản công thương nghiệp đã bị thất bại ở Đức nặng nề hơn là ở các nước khác; trước hết, nó bị đánh bại và bị đuổi khỏi chính quyền từng bang của Đức, rồi bị đánh bại hoàn toàn, bị sỉ nhục, bị la ó ở nghị viện trung ương Đức. Chủ nghĩa tự do chính trị, sự thống trị của giai cấp tư sản, dù dưới hình thức chính phủ quân chủ hay chính phủ cộng hòa, gì gì đi nữa, đều vĩnh viễn không thể có được ở Đức nữa.
Trong thời kỳ cuối của nó, nghị viện Đức đã vĩnh viễn làm mất hết danh dự của cái tầng lớp đứng đầu phái đối lập chính thức từ tháng Ba 1848, tức là phái dân chủ, đại biểu cho lợi ích của giai cấp tiểu tư sản và một phần của giai cấp nông dân. Trong tháng Năm và tháng Sáu 1849, giai cấp ấy đã có dịp tỏ rõ khả năng của nó trong việc thành lập một chính phủ vững chắc ở Đức. Chúng ta đã thấy nó thất bại như thế nào: thất bại, phần ít là do những hoàn cảnh bất lợi mà phần lớn là do thái độ hoàn toàn hèn nhát mà nó luôn luôn thể hiện ra trong những bước ngoặt trọng yếu kể từ ngày nổ ra cách mạng, nó thất bại vì về phương diện chính trị, nó cũng tỏ ra thiển cận, bạc nhược và do dự như trong những hoạt động kinh doanh thương mại của nó. Do hành vi ấy, vào tháng Năm 1849, nó đã để mất tín nhiệm của đội quân chiến đấu thực sự của tất cả các cuộc khởi nghĩa ở châu âu, của giai cấp công nhân. Nhưng mặc dầu thế, nó cũng còn có nhiều thời cơ thuận lợi. Nghị viện Đức nằm trọn trong tay nó, từ khi bọn phản động và bọn tự do chủ nghĩa bỏ đi. Dân cư nông thôn ủng hộ nó. Hai phần ba quân đội của các tiểu bang, một phần ba quân đội Phổ, đại bộ phận quân trù bị Phổ (lực lượng dự bị và dân binh) sẵn sàng theo nó, miễn là nó hành động với một tinh thần kiên định và dũng cảm do chỗ nhận định rõ tình hình mà có được. Nhưng các chính trị gia lãnh đạo giai cấp ấy không sáng suốt gì hơn đám quần chúng tiểu tư sản đi theo họ. Họ còn mù quáng hơn nữa, còn ngoan cố bám lấy những ảo tưởng mà họ cố ý duy trì, còn ngây thơ hơn, còn bất lực hơn ngay cả những phần tử tự do chủ nghĩa trong việc kiên quyết đương đầu với các sự kiện. Tác dụng chính trị của họ cũng tụt xuống dưới con số không. Nhưng vì họ chưa thực sự thực hiện những ngưyên tắc vô vị của họ, nên trong những trường hợp rất thuận lợi, họ cũng còn có thể hồi sinh lại trong một thời gian ngắn, nếu như cuộc đảo chính của Lu-i Bô-na-pác-tơ không cướp nốt cái hy vọng cuối cùng ấy của họ, giống như cướp của những đồng nghiệp của họ ở Pháp là "phái dân chủ thuần túy".
Lịch sử cuộc cách mạng đầu tiên của Đức kết thúc bằng sự thất bại của cuộc khởi nghĩa ở Tây-Nam nước Đức và bằng việc giải tán nghị viện Đức. Chúng ta chỉ còn phải nói qua đến những thành viên đắc thắng của liên minh phản cách mạng nữa mà thôi. Chúng tôi sẽ làm việc đó ở trong bài báo sau[40*].
Luân Đôn. 24 tháng Chín 1852
-------------------
Chú thích
[1] - Tên gọi bằng tiếng Ba Lan là Xtơ-sê-gôm

<< XVIII.Những người tiểu tư sản | Chú thích >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 581

Return to top