Bây giờ là đến chương cuối cùng của lịch sử cách mạng Đức: cuộc xung đột giữa Quốc hội với các chính phủ các bang, nhất là với Chính phủ Phổ; cuộc khởi nghĩa ở miền Nam và miền Tây nước Đức, và việc cuộc khởi nghĩa đó cuối cùng bị nước Phổ hoàn toàn đè bẹp.
Chúng ta đã thấy Quốc hội Phran-phuốc hành động. Chúng ta đã thấy nó bị áo đá, bị Phổ chửi, bị các tiểu bang không phục tùng, bị ngay cái "chính phủ" trung ương bất lực của nó lừa, mà chính phủ này lại bị tất cả các quốc vương trong nước, không trừ một ai, nắm mũi dắt đi. Rốt cuộc, tình thế trở nên hoàn toàn nguy hiểm đối với cái cơ quan lập pháp yếu đuối, dao động và vô vị ấy. Nó buộc phải đi tới kết luận rằng: "Việc thực hiện cái tư tưởng cao cả là thống nhất nước Đức đã bị đe dọa"; điều ấy chẳng qua chỉ có nghĩa là Quốc hội Phran-phuốc và tất cả những gì nó đã làm và dự định làm sắp tan thành mây khói. Vì thế, nó nghiêm túc bắt tay vào việc để hoàn thành thật nhanh chóng cái công trình lớn lao của nó: bản "hiến pháp của đế chế".
Tuy nhiên còn có một khó khăn. Nên có một cơ quan hành pháp thuộc loại nào? Một ủy ban chấp hành chăng? Không được: với trí khôn ngoan tuyệt vời của họ thì như thế là làm cho nước Đức biến thành một nước cộng hòa. Một "tổng thống" chăng? Thì cũng lại là như thế. Vậy thì phải làm sống lại danh hiệu hoàng đế cũ. Nhưng một quốc vương sẽ lên làm hoàng đế, vậy thì ai? Chắc chắn không phải là một trong những dii minorum gentium[1] kể từ quốc vương Rây-xơ - Grây-xơ - Slây-xơ - Lô-ben-stanh - E-béc-sđóp cho đến quốc vương Ba-vi-e; không bao giờ áo và Phổ lại dung thứ điều ấy. Như vậy chỉ có thể là áo hoặc Phổ. Nhưng trong hai quốc vương ấy thì là ai? Chắc chắn là trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn, cái Quốc hội đáng kính ấy có lẽ đến bây giờ vẫn còn họp để thảo luận vấn đề lưỡng nan quan trọng ấy vì nó không thể đi đến kết luận gì được, nếu Chính phủ áo không gỡ cái mối bòng bong và giúp cho nó thoát khỏi lúng túng.
Nước áo biết rõ rằng khi đã khuất phục được tất cả các tỉnh, nó lại có thể xuất hiện trước châu âu như một cường quốc châu âu hùng mạnh thì cái định luật của trọng lực chính trị tự nó sẽ thu hút phần còn lại của nước Đức vào quỹ đạo của nó, không cần phải có cái uy quyền của ngôi hoàng đế mà Quốc hội Phran-phuốc sẽ mang lại cho nó. Nước áo đã mạnh hơn nhiều, tự do hành động hơn từ khi nó vứt bỏ được cái ngôi hoàng đế bất lực và mỏng manh của các hoàng đế Đức, cái ngôi đã làm trở ngại chính sách độc lập của riêng bản thân nó, mà không làm cho lực lượng của nó tăng thêm được chút nào ở trong cũng như ở ngoài nước Đức. Và giả sử rằng áo bất lực không duy trì được vị trí của mình ở I-ta-li-a và Hung-ga-ri, thì trong trường hợp ấy, nó cũng sẽ mất hết uy quyền của nó cả ở Đức và không bao giờ lại có thể đòi hỏi một lần nữa cái ngôi vua mà nó đã để tuột khỏi tay nó khi lực lượng của nó còn đang đầy đủ nhất. Vì vậy nước áo đã tuyên bố dứt khoát chống lại mọi sự phục tích chế độ nhà vua; nó yêu cầu thẳng thừng là khôi phục lại Quốc hội hiệp bang, tức cái chính phủ trung ương duy nhất của Đức mà các hiệp ước 1815 nói tới và thừa nhận. Và ngày 4 tháng Ba 1849, nó ban hành một bản hiến pháp nhằm tuyên bố nước áo là một nước quân chủ không thể phân chia, theo chế độ trung ương tập quyền và độc lập, hoàn toàn tách biệt khỏi cái nước Đức mà Quốc hội Phran-phuốc cần phải cải tổ lại.
Trên thực tế, bản tuyên chiến công khai ấy đã khiến những nhà thông thái ở Phran-phuốc không còn sự lựa chọn nào khác là khai trừ nước áo ra khỏi Đức và biến phần còn lại của Đức thành một thứ Đế chế kiểu Đông La Mã, một "nước Đức nhỏ" mà chiếc áo hoàng đế, đã sờn, sẽ được khoác lên vai quốc vương Phổ. Chúng tôi xin nhắc lại rằng đấy chính là việc làm sống lại một dự án cũ mà sáu hoặc tám năm trước, một phái của những nhà khống luận tự do chủ nghĩa ở miền nam và miền trung Đức đã từng ấp ủ, họ coi những trường hợp nhục nhã giúp cho ý kiến riêng trước kia của họ lại một lần nữa được đưa lên hàng đầu thành "nước cờ mới nhất" để cứu vãn nước Đức, là của trời ban.
Bởi vậy, Quốc hội đã kết thúc thảo luận, vào tháng Hai và tháng Ba 1849, về hiến pháp của đế chế cũng như bản tuyên ngôn về quyền và luật tuyển cử của đế chế nhưng không phải là không buộc phải có những nhượng bộ mâu thuẫn nhau, về rất nhiều điều khoản, hôm nay thì với đảng thủ cựu, hay nói đúng hơn là đảng phản động, ngày mai thì với các bộ phận cấp tiến hơn của Quốc hội. Thực ra thì dĩ nhiên là quyền lãnh đạo Quốc hội, trước kia thuộc về phái hữu và phái giữa thiên hữu (phái bảo thủ và phái phản động) đã chuyển dần dần, tuy chậm chạp, sang tay phái tả, tức là những phần tử dân chủ của Quốc hội ấy. Tuy vậy, lập trường tương đối mập mờ của các nghị viên áo ở trong cái Quốc hội đã tách đất nước họ ra khỏi Đức, cái Quốc hội trong đó họ vẫn có nhiệm vụ khai hội và biểu quyết, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự mất cân bằng đó; và chính vì thế mà ngay từ cuối tháng Hai, phái giữa thiên tả và phái tả, nhờ sự ủng hộ của những lá phiếu áo, đã chiếm được đa số rất nhiều lần, trong khi đó thì có nhiều lúc, bộ phận bảo thủ của người áo lại bỗng nhiên hình như là đùa cợt mà biểu quyết cùng với phái hữu, làm cho cán cân lại nghiêng về phía ngược lại. Buộc Quốc hội có những sự biến đổi hết sức đột ngột ấy, họ muốn làm cho Quốc hội bị khinh bỉ, nhưng thật là hoàn toàn không cần thiết, vì quần chúng nhân dân đã từ lâu tin rằng tất cả những gì của Phran-phuốc đều là hoàn toàn trống rỗng và không có nghĩa lý gì. Có thể dễ dàng hình dung được rằng một bản hiến pháp ra đời trong một cảnh tượng chao đảo ngả nghiêng như vậy thì sẽ phải là một hiến pháp như thế nào.
Phái tả của Quốc hội, cái phái tự cho mình là bộ phận ưu tú và niềm hãnh diện của nước Đức cách mạng đã hoàn toàn say sưa với vài thắng lợi nhỏ nhoi, giành được nhờ thiện ý, hay đúng hơn là nhờ ác ý của một vài chính trị gia áo đã hành động theo sự xúi giục và vì lợi ích của chế độ chuyên chế áo. Mỗi khi có một cái gì đó hơi giống một chút những nguyên tắc hết sức không rõ ràng của họ, được Quốc hội Phran-phuốc công nhận một cách rất đại khái, dưới một hình thức rất lơ mơ, theo liều lượng áng chừng, thì phái dân chủ ấy vội vã tuyên bố rằng họ đã cứu được Tổ quốc và nhân dân. Những kẻ ngu xuẩn đáng thương ấy, trong cuộc đời thường là tối tăm của chúng, rất ít quen với những cái giống như thắng lợi, cho nên quả thực chúng nghĩ rằng dường như mấy điều sửa đổi vô giá trị của chúng được thông qua với đa số hơn vài ba phiếu, sẽ làm thay đổi bộ mặt châu âu. Ngay từ đầu sự nghiệp nghị trường của chúng, chúng bị nhiễm nặng hơn những nhóm khác của Quốc hội cái bệnh nan y này: bệnh say mê nghị trường, cái bệnh đã làm cho những nạn nhân rủi ro của nó tin một cách long trọng rằng toàn thể thế giới, lịch sử và tương lai của thế giới, đều bị chi phối và quyết định bởi đa số của cái cơ quan đại nghị đặc biệt ấy, cái cơ quan được vinh dự có chúng làm thành viên. Chúng tin rằng tất cả những việc xảy ra ở ngoài những bức tường của nghị viện của họ, như chiến tranh, cách mạng, xây dựng đường xe lửa, thực dân hóa toàn bộ những lục địa mới, phát hiện ra những mỏ vàng ở Ca-li-phoóc-ni-a, những kênh đào ở Trung Mỹ, những đội quân Nga, tóm lại như tất cả những gì có thể gọi là có chút ảnh hưởng đến số mệnh của loài người, - tất cả những việc ấy là chẳng có nghĩa lý gì so với những sự biến vô cùng vĩ đại xoay quanh cái vấn đề hết sức quan trọng hiện đang làm bận tâm cái nghị viện đáng tôn kính của chúng. Chính do đó mà từ lúc ấy, phái dân chủ trong Quốc hội, vì đã lén đưa được vào "hiến pháp của đế chế" mấy phương thuốc của mình buộc phải ủng hộ hiến pháp, mặc dầu, trong tất cả các điểm chủ yếu, hiến pháp ấy hiển nhiên là mâu thuẫn với những nguyên tắc mà phái đó đã tuyên bố nhiều lần. Và khi cuối cùng, đứa con hoang ấy đã bị chính ngay những tác giả chủ yếu của nó bỏ mặc cho số phận và trao lại cho đảng dân chủ thì đảng này nhận ngay lấy và chiến đấu cho cái hiến pháp quân chủ chống lại ngay cả những người hiện đang tuyên bố những nguyên tắc cộng hòa của riêng họ.
Tuy nhiên, cũng phải thú nhận rằng đó chỉ là mâu thuẫn bề ngoài thôi. Tính chất mơ hồ, mâu thuẫn, dở dang của bản hiến pháp của đế chế, là hình ảnh chính xác của những tư tưởng chính trị chưa chín, mơ hồ, mâu thuẫn của các ngài dân chủ đó. Và thậm chí nếu những lời nói và bài viết của họ, trong chừng mực họ có thể viết được, không phải là những bằng chứng đầy đủ cho điều đó thì hành động của họ sẽ là những bằng chứng ấy, vì đương nhiên là những người biết phải trái đều nhận xét một người không căn cứ vào lời nói mà vào hành động của người đó, không căn cứ vào lời người ấy tự nói về bản thân, mà vào hành động của người ấy và vào thực chất của người ấy. Vả lại, chính những hành động hiển hách của các vị anh hùng ấy của phái dân chủ Đức cũng chứng tỏ khá rõ, như sau này chúng ta sẽ thấy. Nhưng dù sao đi nữa thì hiến pháp của đế chế, với tất cả lệ bộ và sự dàn cảnh của nó, đã được thông qua dứt khoát, và ngày 28 tháng Ba, quốc vương Phổ, với 290 phiếu thuận, 248 phiếu trắng và 200 đại biểu vắng mặt, đã được bầu làm hoàng đế nước Đức không kể áo. Lịch sử thật trớ trêu hết mức: cái trò hề đóng vai hoàng đế mà Phri-đrích Vin-hem IV đã diễn trên đường phố Béc-lin trước con mắt kinh ngạc của mọi người, ba ngày sau cuộc cách mạng 18 tháng Ba 1848[37*], trong một trạng thái mà ở một nơi khác, người ta sẽ đem khép vào tội vi phạm luật cấm say rượu của bang Mên, - cái trò hề khả ố ấy đã được hội nghị đại biểu giả hiệu của toàn nước Đức công nhận sau đó một năm chẵn. Đấy chính là kết quả của cách mạng Đức!
Luân Đôn, tháng Bảy l852
---------------
Chú thích
[1] - Nghĩa đen: thần nho; nghĩa bóng: những người ở cấp thứ hai