Những tháng đầu năm 1849 đã được các Chính phủ áo và Phổ dùng để thu hoạch những kết quả của những thắng lợi đã giành được vào tháng Mười và Mười một 1848. Từ ngày Viên thất thủ, Quốc hội áo chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa ở Crêm-gi-rơ[1], một thị trấn nông thôn nhỏ ở Mô-ra-vi. Ở đấy, những nghị viên Xla-vơ, cùng với những cử tri của họ, là công cụ chủ yếu giúp cho Chính phủ áo thoát khỏi tình trạng bất lực hoàn toàn, đã bị trừng phạt một cách khác thường về hành động phản bội của họ đối với cách mạng châu âu. Vừa mới khôi phục được lực lượng của mình, chính phủ liền tỏ thái độ hoàn toàn khinh bỉ Quốc hội và đa số Xla-vơ của nó, và khi những thắng lợi đầu tiên của quân đội nhà vua đã làm cho người ta thấy rằng chiến tranh ở Hung-ga-ri sẽ kết thúc nhanh chóng thì ngày 4 tháng Ba, chính phủ giải tán Quốc hội và dùng vũ lực để giải tán các nghị viện. Lúc đó, những người Xla-vơ mới nhận thấy rằng họ đã bị lừa và họ tuyên bố: "Chúng ta hãy đi Phran-phuốc và ở đó, chúng ta tiếp tục hoạt động đối lập mà chúng ta không thể thực hiện được ở đây!" Nhưng đã quá muộn, và chỉ riêng việc họ không còn con đường nào khác hơn là chịu nằm yên hoặc tham gia cái Quốc hội bất lực ở Phran-phuốc, - chỉ riêng việc đó cũng đủ chứng tỏ rằng họ đã hoàn toàn bất lực.
Như vậy là từ nay và có lẽ là vĩnh viễn, đã chấm dứt những mưu đồ của những người Xla-vơ ở Đức nhằm khôi phục độc lập dân tộc. Là những tàn dư tản mát của nhiều dân tộc mà dân tộc tính và sinh khí chính trị của họ đều đã bị bóp nghẹt từ lâu, và do đó là trong gần nghìn năm, họ buộc phải theo gót một dân tộc mạnh hơn đã chinh phục họ, chẳng khác gì người Van-li-xơ ở Anh, người Ba-xcơ ở Tây Ban Nha, người Hạ Brê-tông-xơ ở Pháp, và gần đây hơn người lai Tây Ban Nha và Pháp ở những vùng thuộc miền bắc châu Mỹ vừa mới bị người Anh - Mỹ chiếm cứ; các dân tộc hấp hối ấy, người Bô-hêm, người Ca-rin-ti, người Đan-ma-xi,v.v., đã toan lợi dụng tình trạng hỗn loạn khắp nơi trong năm 1848 để khôi phục cái status quo chính trị của năm 800 sau công nguyên của họ. Lịch sử một ngàn năm đáng lẽ phải chỉ cho họ thấy rằng không thể thụt lùi như vậy được; rằng nếu toàn bộ lãnh thổ phía đông sông En-bơ và sông Da-le xưa kia đã do những dân tộc thuộc dòng giống Xla-vơ chiếm cứ, thì sự kiện đó chỉ chứng minh cho cái xu thế lịch sử, đồng thời cho cái sức mạnh thể chất và tinh thần của dân tộc Đức nhằm chinh phục, thôn tính và đồng hóa những người láng giềng cũ ở phương Đông của họ; nó cũng chứng minh rằng cái xu thế thôn tính đó của người Đức, xưa kia cũng như hiện nay, vẫn là một trong những phương pháp mạnh mẽ nhất để truyền bá văn minh Tây âu sang Đông âu; rằng xu thế ấy chỉ có thể dừng lại khi quá trình Giéc-manh hóa đã vươn đến những biên giới của các dân tộc lớn, đoàn kết nhất trí, có khả năng sống một đời sống dân tộc độc lập, như người Hung-ga-ri và trong một chừng mực nào đó, như người Ba Lan; rằng do đó số phận tự nhiên và không tránh khỏi của các dân tộc hấp hối ấy là bị những người láng giềng mạnh hơn làm cho tan rã và đồng hóa. Chắc chắn rằng đó là một triển vọng tốt đẹp đối với tham vọng dân tộc chủ nghĩa của những phần tử mơ mộng đại Xla-vơ chủ nghĩa đã từng vận động được một bộ phận người Séc và người Xla-vơ phương Nam. Nhưng liệu họ có thể hy vọng rằng lịch sử sẽ lùi lại một ngàn năm để làm vừa lòng mấy nhóm người đang tiêu vong và đều sống lẫn với những người Đức và giữa những người Đức, trên bất kỳ phần lãnh thổ nào họ đang ở; những nhóm người này, từ bao đời nay, đã không có một ngôn ngữ nào khác, cho tất cả đời sống văn hóa của họ, ngoài tiếng Đức, và thiếu hẳn những điều kiện tiên quyết của một đời sống dân tộc là: số lượng dân cư đông hơn và một lãnh thổ thống nhất? Chính vì thế mà ở khắp mọi nơi, làn sóng đại Xla-vơ chủ nghĩa - ở trên các lãnh thổ Xla-vơ ở Đức và ở Hung-ga-ri, nó đang che giấu cái khuynh hướng khôi phục độc lập của những dân tộc nhỏ bé nhiều vô kể ấy xung đột với các phong trào cách mạng châu âu; mặc dầu những người Xla-vơ chủ trương chiến đấu cho tự do, nhưng họ (chỉ trừ bộ phận dân chủ của người Ba Lan) đều luôn luôn đứng về phía chế độ chuyên chế và phe phản động. Đó là trường hợp ở Đức, ở Hung-ga-ri và thậm chí ở vài nơi trong nước Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Phản bội sự nghiệp nhân dân, là những kẻ bảo vệ và chỗ dựa chủ yếu của những hoạt động âm mưu của Chính phủ áo, họ đã tự khai trừ ra khỏi hàng ngũ các dân tộc cách mạng. Và mặc dầu, ở bất cứ chỗ nào, quần chúng nhân dân Xla-vơ, do quá ư dốt nát, đều đã dính vào những chuyện phân tranh nhỏ mọn mà những thủ lĩnh đại Xla-vơ chủ nghĩa gây ra về vấn đề dân tộc, nhưng người ta vẫn không bao giờ có thể quên rằng ở Pra-ha, một thành phố nửa Đức, có những đám người cuồng tín Xla-vơ chủ nghĩa đã hoan nghênh và lắp lại lời hò hét: "Thà làm nô lệ của Nga còn hơn là người tự do của Đức". Sau khi âm mưu đầu tiên của họ năm 1848 bị thất bại, và sau khi Chính phủ áo đã cho họ một bài học thì chắc chắn là dù có cơ hội đi nữa, sau này họ cũng không còn dám thí nghiệm một lần nữa. Nhưng trong trường hợp mà với những lý do tương tự, họ lại mưu tính liên minh với lực lượng phản cách mạng một lần nữa thì nhiệm vụ của nước Đức đã rõ ràng. Không một nước nào đang ở trong tình thế cách mạng và đang có chiến tranh với nước ngoài, lại có thể để cho có một tỉnh Van-đây ở ngay trong nội bộ.
Về bản hiến pháp mà hoàng đế[2] đã tuyên bố đồng thời với việc giải tán Quốc hội thì không cần phải nói đến nữa, vì thực ra nó không bao giờ được đem thi hành và hiện đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Ngay từ ngày 4 tháng Ba 1849, chế độ chuyên chế đã hoàn toàn được khôi phục về mọi phương diện ở áo.
Ở Phổ, các nghị viện cũng họp vào tháng Hai để xét và phê chuẩn bản hiến pháp mới do nhà vua ban. Các nghị viện họp trong khoảng sáu tuần, tỏ ra khá hiền lành và dễ bảo đối với chính phủ, nhưng không hoàn toàn sẵn sàng làm theo mọi ý muốn của nhà vua và của các bộ trưởng. Bởi thế, gặp dịp thuận tiện đầu tiên, là các nghị viện ấy liền bị giải tán.
Thế là áo và Đức tạm thời thoát khỏi những trở ngại gây ra bởi sự kiểm soát của nghị viện. Từ nay, các chính phủ ấy đều tập trung mọi quyền hành trong tay và có thể sử dụng quyền hành ấy ở bất cứ nơi nào cần thiết; áo thì chống Hung-ga-ri và I-ta-li-a; Phổ thì chống Đức. Vì Phổ cũng chuẩn bị một chiến dịch để khôi phục "trật tự" ở các bang nhỏ.
Thế lực phản cách mạng đã thắng ở hai trung tâm lớn của phong trào cách mạng ở Đức, tức là Viên và Béc-lin, cho nên chỉ còn lại các bang nhỏ ở đó cuộc đấu tranh còn chưa ngã ngũ, mặc dầu ở đó, cán cân cũng ngày càng nghiêng về phía bất lợi cho cách mạng. Như chúng tôi đã nói, các bang nhỏ ấy đã có được một trung tâm chung là Quốc hội Phran-phuốc. Thế nhưng cái Quốc hội hữu danh vô thực ấy mặc dầu tính chất phản động của nó từ lâu đã biểu lộ ra rõ rệt đến nỗi chính nhân dân Phran-phuốc cũng đã đứng lên cầm vũ khí chống lại nó, cũng vẫn có một nguồn gốc ít nhiều cách mạng. Vào tháng giêng, Quốc hội này đã có một thái độ cách mạng thật bất thường đối với nó. Quyền hạn của nó không bao giờ được xác định, nhưng cuối cùng nó đã quyết định, đành rằng quyết định ấy không bao giờ được các bang lớn công nhận, là mọi nghị quyết của nó đều có hiệu lực của pháp luật. Trong tình hình như vậy và do chỗ đảng quân chủ lập hiến thấy mình không còn vị trí cũ nữa vì các chế độ chuyên chế đã ngóc đầu dậy thì không có gì đáng ngạc nhiên rằng giai cấp tư sản quân chủ, tự do chủ nghĩa ở hầu khắp nước Đức đã đặt hy vọng cuối cùng của nó vào đa số của Quốc hội ấy, đồng thời giai cấp tiểu tư sản, hạt nhân của đảng dân chủ, trước tai họa càng ngày càng tăng thêm đối với nó, cũng siết chặt hàng ngũ xung quanh thiểu số của Quốc hội ấy, cái thiểu số đã thực sự trở thành đội quân đại nghị cuối cùng và cố kết của phái dân chủ. Mặt khác, chính phủ các bang lớn hơn và đặc biệt là Chính phủ Phổ ngày càng nhận thấy rằng một cơ quan được bầu ra một cách không đúng quy tắc như vậy và chế độ quân chủ vừa được khôi phục lại ở Đức là không thể dung hòa được với nhau; và nếu các chính phủ ấy chưa dùng vũ lực để giải tán tức khắc cơ quan đó thì chỉ là vì thời cơ để làm việc đó chưa tới và vì nước Phổ còn muốn dùng nó để đẩy mạnh thêm những mưu đồ tham lam của mình.
Trong khi đó, cái Quốc hội đáng thương ấy rơi vào một tình trạng hỗn loạn ngày càng tăng. ở Viên và ở Béc-lin, người ta đã đối xử với những đoàn đại biểu và những phái viên của nó một cách hết sức khinh bỉ; một trong những thành viên của nó[3], mặc dầu có quyền bất khả xâm phạm của nghị viện, đã bị xử tử ở Viên như một kẻ phản nghịch đơn thuần. Không ở đâu người ta chú ý tới những sắc lệnh của nó. Và nếu các nước lớn hơn, nói chung có nhớ tới những sắc lệnh ấy thì cũng chỉ là trong các thông điệp phản kháng, trong đó không thừa nhận quyền của Quốc hội được biểu quyết những đạo luật và sắc lệnh trói buộc các chính phủ của họ. Cơ quan đại diện cho Quốc hội, tức quyền hành pháp trung ương, bị cuốn vào những cuộc tranh chấp ngoại giao với hầu hết các nội các ở Đức, và mặc dầu hết sức cố gắng, cả Quốc hội lẫn chính phủ trung ương cuối cùng đều không thể buộc được áo và Phổ phải trình bày dứt khoát những ý định, những kế hoạch và những yêu sách của họ. Cuối cùng, Quốc hội ít ra cũng đã bắt đầu nhận thấy rằng nó đã để mọi quyền hành lọt khỏi tay mình, đã hoàn toàn phụ thuộc vào áo và Phổ và nhất là nếu nó thực sự có ý định tặng cho nước Đức một bản hiến pháp của cả hiệp bang, thì nó phải bắt tay hành động ngay tức khắc và thật nghiêm túc. Và rất nhiều nghị viên dao động của nó cũng đã nhận rõ rằng họ đã để cho các chính phủ lừa họ một cách rất tài tình. Nhưng đã bất lực thì liệu họ có khả năng làm được gì bây giờ? Điều duy nhất có thể cứu họ, là cương quyết và nhanh chóng đứng về phía nhân dân; nhưng như vậy cũng chắc gì đã thành công. Trong cái đám người bất lực ấy gồm những phần tử lừng chừng, thiển cận và tự phụ, hoàn toàn hoang mang trước sự huyên náo của những tin tức trái ngược nhau và của những thông điệp ngoại giao, chỉ biết lấy cái niềm tin luôn luôn được lặp lại rằng chính mình là những người ưu tú nhất, vĩ đại nhất, khôn ngoan nhất của dân tộc và là những người duy nhất có khả năng cứu được nước Đức làm niềm an ủi duy nhất và làm chỗ dựa của mình, thì liệu người ta có tìm được những người chân chính hay không? Và liệu trong cái đám người đáng thương ấy mà chỉ mới một năm đời sống nghị trường đã biến họ thành những kẻ hoàn toàn ngu xuẩn, thì người ta có thể tìm ra được những người có khả năng quyết định nhanh chóng và dứt khoát hay không, chứ chưa nói gì đến có hành động kiên quyết và bền bỉ?
Cuối cùng Chính phủ áo đã vứt bỏ mặt nạ của mình đi. Trong hiến pháp ngày 4 tháng Ba của mình, nó tuyên bố áo là một nước quân chủ không thể phân chia, có nền tài chính chung, chế độ thuế quan và những thiết chế quân sự thống nhất, do đó gạt bỏ mọi hàng rào ngăn cách và mọi sự phân biệt giữa các tỉnh Đức và các tỉnh không phải Đức. Lời tuyên bố ấy là trái hẳn với những nghị quyết và các điều khoản của bản hiến pháp hiệp bang mà Quốc hội Phran-phuốc đã thông qua. áo đã thách thức nó, và cái Quốc hội đáng thương ấy không còn con đường nào khác là nhận sự thách thức ấy. Nó làm việc đó một cách rất ầm ĩ, nhưng nước áo biết rõ lực lượng của mình, biết rõ Quốc hội là hoàn toàn bất lực nên cứ mặc kệ. Và cái cơ quan đại biểu quý báu ấy của nhân dân Đức, như nó tự xưng như vậy, không có cách nào khác để trả thù việc nước áo làm nhục mình, là tự trói cả tay chân quỳ mọp trước Chính phủ Phổ. Thật rất khó tin, nhưng nó đã quỳ mọp trước những bộ trưởng mà chính nó đã chửi là phản lại hiến pháp và là kẻ thù của nhân dân, mà chính nó trước kia đã đòi tống cổ đi nhưng không được. Những chi tiết về sự hòa giải đáng xấu hổ ấy và những sự kiện bi hài tiếp sau đó, sẽ là đề tài của bài báo sắp tới của chúng tôi.
Luân Đôn, tháng Tư 1852
--------------
Chú thích
[1] - Tên gọi bằng tiếng Séc là Crô-méc-gi-giơ
[2] - Phran-txơ - I-ô-xíp I
[3] - Rô-bớc Bli-um