Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Cách mạng và phản cách mạng ở Đức

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14684 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cách mạng và phản cách mạng ở Đức
Frederick Engels

XII.Cuộc tấn công chiếm Viên. Sự phản bội Viên

Sau cùng, khi quân đội do Vin-đi-sơ-grét-xơ tập trung, bắt đầu tấn công Viên thì những lực lượng hiện có để làm nhiệm vụ phòng thủ lại hoàn toàn không đủ. Chỉ có một bộ phận của đội cận vệ quốc gia là có thể đưa ra chiến hào. Thực ra thì đến phút cuối cùng, một đội dân vệ vô sản cũng được thành lập vội vàng, nhưng vì người ta sử dụng quá muộn cái bộ phận cư dân đông đúc nhất, can đảm nhất, kiên quyết nhất ấy nên bộ phận ấy ít quen với việc sử dụng vũ khí và với những kỷ luật sơ đẳng nhất để có thể chống cự thắng lợi. Thành thử Quân đoàn sinh viên có chừng từ ba đến bốn nghìn người, được tập luyện kỹ và có kỷ luật trong một chừng mực nào đó, can đảm và hăng hái, nên về phương diện quân sự, là lực lượng duy nhất có khả năng hành động thắng lợi. Nhưng Quân đoàn đó, với một số người lính cận vệ quốc gia đáng tin cậy và quần chúng vô sản vũ trang hỗn độn, thì có đáng kể gì, nó có đáng kể gì so với những binh lính chính quy của Vin-đi-sơ-grét-xơ, đông hơn rất nhiều, không kể những bọn cướp của I-ê-la-sích, là những bọn do tính chất của thói quen của chúng nên rất thành thạo trong cuộc chiến đấu từ nhà nọ sang nhà kia, từ phố này sang phố khác. Và quân khởi nghĩa có gì khác ngoài mấy khẩu pháo cũ mòn, lắp ráp không đúng quy cách và được sử dụng vụng về để chống với rất nhiều đại pháo hoàn hảo mà Vin-đi-sơ-grét-xơ sử dụng một cách bừa bãi như vậy?
Mối nguy càng tới gần thì tình trạng hỗn loạn ở Viên lại càng tăng lên. Cho đến phút cuối cùng, Quốc hội cũng còn chưa có đủ nghị lực để quyết định cầu cứu quân đội Hung-ga-ri của Péc-txen đóng cách thủ đô chỉ có mấy dặm. Ủy ban an ninh cũng hoang mang như quần chúng nhân dân vũ trang trước những tin đồn trái ngược nhau, nên đã thông qua những nghị quyết mâu thuẫn nhau. Chỉ có một điểm mà tất cả đều thống nhất ý kiến: tôn trọng quyền tư hữu tài sản; tôn trọng đến mức gần như nực cười trong tình huống như vậy. Người ta làm rất ít để xây dựng dứt khoát một phương án phòng thủ. Người duy nhất và hiện có mặt tại đấy, có thể cứu nổi Viên, nếu quả là có một người như thế, là Bem, vốn là người Xla-vơ, là một người ngoại quốc hầu như không ai biết tới; ông ta quyết định không nhận nhiệm vụ đó vì bị mọi người nghi kỵ. Nếu ông cứ tiếp tục làm nhiệm vụ thì có thể bị giết chết như một tên phản bội. Mét-xen-hau-dơ, tư lệnh các lực lượng nghĩa quân, là nhà viết tiểu thuyết lãng mạn hơn là võ quan, dù là võ quan hạ cấp, thì lại hoàn toàn ở dưới tầm của nhiệm vụ; tuy vậy, sau 8 tháng chiến đấu cách mạng, đảng nhân dân vẫn không tạo ra được và cũng không tranh thủ được một người chỉ huy nào có khả năng hơn ông ta. Cuộc chiến đấu được tiến hành chính trong những điều kiện như vậy. Nếu xét những phương tiện phòng thủ hoàn toàn thiếu thốn của họ, xét tình trạng hoàn toàn thiếu hiểu biết và thiếu tổ chức về quân sự, thì những người dân thành Viên đã kháng cự rất anh dũng. Ở nhiều nơi, mệnh lệnh "giữ vững trận địa đến người cuối cùng" của Bem, khi ông còn nắm quyền chỉ huy, đã được chấp hành rất nghiêm chỉnh. Nhưng sức mạnh đã thắng. Pháo binh của hoàng đế trên những đại lộ rộng và dài, tức là những mạch máu giao thông chính của khu ngoại ô, đã quét sạch hết chiến lũy này đến chiến lũy khác; và đến chiều ngày thứ hai của cuộc chiến đấu, lính Crô-a-xi đã chiếm dãy nhà đối diện với Thành cũ. Một cuộc tấn công hỗn độn và yếu ớt của quân đội Hung-ga-ri đã hoàn toàn thất bại. Và trong một khoảng thời gian ngừng bắn nhau, khi mà một vài đơn vị trong Thành cũ đã đầu hàng, các đơn vị khác dao động và do đó tình thế càng trở nên hỗn loạn, khi tàn quân của Quân đoàn sinh viên đang chuẩn bị những công sự mới thì quân của hoàng đế đã mở được một đột phá khẩu, rồi nhân tình hình hỗn độn khắp nơi, đã chiếm được Thành cũ.
Hậu quả trực tiếp của chiến thắng ấy là những hành động tàn bạo và những vụ xử tử theo luật thời chiến, những hành động hung ác bỉ ổi chưa từng thấy mà những bầy quân Xla-vơ đã điên cuồng tiến hành ở Viên, - tất cả những cái đó thì ai nấy đều biết nên không cần phải nói kỹ. Còn về những hậu quả sau này, về sự chuyển biến hoàn toàn mới của tình hình Đức do thất bại của cách mạng ở Viên thì chúng ta sẽ nghiên cứu ở dưới đây. Liên quan đến cuộc tấn công thành Viên, còn phải xét hai điểm. Nhân dân thủ đô này có hai bạn đồng minh là người Hung-ga-ri và nhân dân Đức. Trong giờ phút thử thách ấy thì họ ở đâu?
Chúng ta đã thấy rằng dân thành Viên, với tất cả tấm lòng khí khái của một dân tộc vừa mới được giải phóng, đã nổi dậy vì một sự nghiệp, tuy xét cho cùng là sự nghiệp của bản thân họ, nhưng trước hết và chủ yếu là sự nghiệp của người Hung-ga-ri. Dân thành Viên thà chịu đau khổ chứ không chịu để cho quân đội áo tiến vào Hung-ga-ri nên đã đưa thân mình ra chịu sự tấn công đầu tiên và ghê gớm nhất của quân đội áo. Và trong khi họ xông lên một cách cao quý như vậy để ủng hộ bạn đồng minh của họ thì người Hung-ga-ri đã đánh bại I-ê-la-sích, dồn hắn tới Viên và do thắng lợi đó, người Hung-ga-ri lại làm cho những đội quân có nhiệm vụ tấn công Viên được tăng cường. Trong những điều kiện ấy, nhiệm vụ hiển nhiên của Hung-ga-ri là phải ủng hộ không chậm trễ và bằng tất cả lực lượng sẵn có của mình, không phải Quốc hội Viên, không phải ủy ban an ninh hoặc bất cứ một cơ quan chính quyền nào ở Viên, mà là cuộc cách mạng ở Viên. Và ngay cả nếu như Hung-ga-ri có quên rằng nhân dân Viên đã đánh trận đầu tiên vì Hung-ga-ri, thì Hung-ga-ri cũng phải vì sự an toàn của bản thân mình mà không được quên rằng Viên là tiền đồn duy nhất bảo vệ nền độc lập của Hung-ga-ri, và thành phố ấy mà bị mất thì không có gì ngăn cản được quân đội của hoàng đế tiến sang Hung-ga-ri. Giờ đây, chúng ta đã biết rất rõ tất cả những lý do mà người Hung-ga-ri có thể viện ra và đã viện ra để bào chữa cho thái độ tiêu cực của họ trong lúc Viên bị bao vây và tấn công: nào là lực lượng chiến đấu của bản thân họ không đủ, nào là Quốc hội và tất cả các cơ quan chính thức khác ở Viên không kêu gọi họ giúp đỡ, nào là sự cần thiết phải giữ vững nguyên tắc của hiến pháp và tránh những chuyện rắc rối với chính quyền trung ương Đức. Nói rằng quân đội Hung-ga-ri không đủ thì thật ra là trong những ngày đầu sau khi nổ ra cuộc cách mạng ở Viên và sau khi I-ê-la-sích chạy về thì chẳng cần đến quân đội chính quy vì quân đội chính quy của áo còn lâu mới tập trung được; chỉ cần dũng cảm và kiên quyết phát huy kết quả của trận đầu tiên đánh thắng I-ê-la-sích thậm chí bằng chỉ riêng lực lượng của đội quân trù bị đã chiến đấu ở Stun-vai-sen-buốc, là cũng đủ để tiếp hợp với nhân dân thành Viên và kìm hãm được trong sáu tháng mọi sự tập trung của quân đội áo. Trong chiến tranh và đặc biệt là trong chiến tranh cách mạng, quy tắc cơ bản là hành động nhanh chóng cho đến lúc giành được một thắng lợi quyết định và chúng ta không ngần ngại gì mà không khẳng định rằng vì những lý do thuần túy quân sự, Péc-txen đáng lẽ không nên dừng lại, chừng nào chưa thực hiện được việc tiếp hợp với nhân dân thành Viên. Chắc chắn rằng có thể gặp đôi điều nguy hiểm; nhưng thử hỏi có ai đã bao giờ đánh thắng một trận nào mà lại không gặp nguy hiểm? Và nhân dân thành Viên, với dân số 40 vạn người, khi họ thu hút về phía mình những lực lượng được dùng để đè bẹp 12 triệu người Hung-ga-ri, chẳng lẽ lại không có gì nguy hiểm chăng? Sai lầm quân sự là ở chỗ người Hung-ga-ri đã giữ một quan điểm chờ thời khi quân áo chưa tập hợp lực lượng, rồi tổ chức cuộc thị uy yếu ớt ở Sơ-ve-khát, một cuộc thị uy đã dẫn tới một kết quả tự nhiên là thất bại nhục nhã, - sai lầm quân sự ấy thực ra còn mạo hiểm hơn là một cuộc tiến quân kiên quyết vào Viên để đánh những bầy quân đã rã rời của I-ê-la-sích.
Nhưng người ta còn nói rằng một cuộc tiến quân như vậy của người Hung-ga-ri mà không được một cơ quan chính quyền nào của Viên cho phép, sẽ có thể là một sự vi phạm lãnh thổ Đức và sẽ gây ra những rắc rối với chính quyền trung ương Phran-phuốc và như vậy là trước hết, sẽ có nghĩa là từ bỏ chính sách hợp pháp và hợp hiến, tức là cái chính sách làm thành sức mạnh phong trào của Hung-ga-ri. Nhưng những cơ quan chính quyền ở Viên không hơn gì con số không! Phải chăng Quốc hội hoặc các ủy ban dân chủ nào đó đã nổi dậy để bảo vệ nước Hung-ga-ri? Chẳng phải là chỉ có nhân dân thành Viên và duy nhất chỉ có họ là những người đã cầm vũ khí để chịu đựng cuộc tấn công đầu tiên trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập của nước Hung-ga-ri đó sao? Vấn đề không phải là sự cần thiết phải giúp đỡ cơ quan chính quyền này hay cơ quan chính quyền khác ở Viên: tất cả những cơ quan ấy có thể và tất sẽ bị lật đổ nhanh chóng trong quá trình phát triển của cách mạng - không, vấn đề ở đây là sự phát triển của bản thân phong trào cách mạng và bước tiến không ngừng của phong trào quần chúng vì chỉ có những nhân tố ấy mới có thể cứu được nước Hung-ga-ri khỏi bị xâm lược. Còn về những hình thức sau này của phong trào cách mạng thì đó là công việc của chính dân thành Viên, chứ không phải là người Hung-ga-ri, chừng nào mà Viên và nói chung là miền áo thuộc Đức còn tiếp tục là bạn đồng minh của Hung-ga-ri trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Nhưng người ta có thể hỏi rằng: phải chăng nên coi ý đồ của Chính phủ Hung-ga-ri muốn đạt được cái gọi là sự chuẩn y hợp pháp là một triệu chứng rõ ràng đầu tiên của mưu toan hòng nấp sau một tính hợp pháp đáng ngờ, một tính hợp pháp, nếu không cứu được Hung-ga-ri thì ít ra vào một thời điểm sau này, cũng gây được ấn tượng tốt đối với công chúng tư sản Anh?
Còn về cái lý do cho là có thể gây ra những mâu thuẫn với chính quyền trung ương của Đức ở Phran-phuốc thì hoàn toàn không xác đáng. Các nhà chức trách ở Phran-phuốc, trên thực tế, đã bị thắng lợi của phe phản cách mạng ở Viên lật đổ rồi; và nếu như ở Viên, cách mạng có được sự ủng hộ cần thiết để chiến thắng kẻ thù thì họ cũng bị lật đổ như thế rồi. Và sau cùng, cái lý do lớn cho rằng nước Hung-ga-ri không thể từ bỏ lập trường hợp pháp và hợp hiến thì có thể thỏa mãn phái mậu dịch tự do của nước Anh, nhưng sẽ không bao giờ được lịch sử xem là thỏa đáng cả. Hãy giả dụ rằng ngày 13 tháng Ba và 6 tháng Mười, nhân dân thành Viên cứ kiên trì những "phương pháp hợp pháp và hợp hiến" thì lúc đó phong trào "hợp pháp và hợp hiến" và tất cả những trận chiến đấu vinh quang làm cho thế giới văn minh lần đầu tiên chú ý tới nước Hung-ga-ri sẽ ra sao? Ngay cái cơ sở hợp pháp và hợp hiến ấy mà người Hung-ga-ri tuyên bố là mình giữ vững trong những năm 1848 và 1849 thì cũng là do cuộc nổi dậy bất hợp pháp và bất hợp hiến ngày 13 tháng Ba của nhân dân thành Viên giành được cho Hung-ga-ri. Ở đây, chúng tôi không có ý định nghiên cứu lịch sử cách mạng của Hung-ga-ri, nhưng chúng tôi thấy cần nhận thấy rằng thật là hoàn toàn không thích đáng nếu chỉ dùng những phương tiện đề kháng hợp pháp để đương đầu với một kẻ thù vẫn coi thường những hành động thận trọng như vậy, và chúng tôi cũng xin nói thêm rằng nếu không có cái ý muốn luôn luôn tôn trọng tính hợp pháp ấy mà Guếc-gây đã lợi dụng để chống lại Chính phủ Hung-ga-ri thì thái độ phục tùng của quân đội của Guếc-gây đối với chủ tướng của hắn và cái tai họa nhục nhã ở Vi-la-gốt[33*] đã không thể có được. Và sau cùng khi để cứu vãn danh dự, người Hung-ga-ri đã vượt qua sông Lây-ta vào những ngày cuối tháng Mười 1848, thì việc đó há chẳng phải cũng là bất hợp pháp như một trận tấn công tức thời và kiên quyết hay sao?
Như người ta biết, chúng tôi không hề có những tình cảm không thân thiện với nước Hung-ga-ri. Chúng tôi đã ủng hộ Hung-ga-ri trong khi Hung-ga-ri đang chiến đấu; chúng tôi có thể nói một cách chính đáng rằng tờ báo của chúng tôi, tờ "Neue Rheinische Zeitung"[34*]đã làm nhiều hơn mọi tờ báo khác để tuyên truyền trong nước Đức sự nghiệp của người Hung-ga-ri bằng một loạt bài, trong đó, chúng tôi đã giải thích tính chất của cuộc đấu tranh giữa các tộc Ma-gi-a và Xla-vơ và đã bình luận một cách có hệ thống cuộc chiến tranh của Hung-ga-ri, những bài báo ấy đã có vinh dự được người ta diễn đạt lại trong hầu hết những cuốn sách xuất bản sau này về vấn đề đó, kể cả những sách của những người Hung-ga-ri chính cống và "những người được chứng kiến tận mắt". Ngày nay, chúng tôi vẫn coi Hung-ga-ri là bạn đồng minh cần thiết và tự nhiên của Đức trong bất cứ một cuộc biến động nào sẽ xảy ra trên lục địa âu châu. Nhưng chúng tôi cũng khá nghiêm khắc đối với đồng bào của chúng tôi nên chúng tôi có quyền phát biểu thẳng thắn về những người láng giềng của chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi còn có nhiệm vụ phải ghi lại ở đây những sự kiện, với thái độ không thiên vị của sử gia và chúng tôi phải tuyên bố rằng trong trường hợp đặc biệt ấy, lòng dũng cảm khảng khái của nhân dân thành Viên không những cao quý hơn mà cũng là sáng suốt hơn thái độ thận trọng dè dặt của Chính phủ Hung-ga-ri. Và với tư cách là người Đức, hãy cho phép chúng tôi nói thêm rằng chúng tôi sẽ không đem cuộc khởi nghĩa tự phát và độc lực đó, cuộc kháng chiến anh hùng đó của nhân dân thành Viên, đồng bào chúng tôi, cuộc kháng chiến mà nhờ nó người Hung-ga-ri đã có thì giờ tổ chức được một quân đội có thể hoàn thành sự nghiệp vĩ đại, để đổi lấy tất cả những chiến thắng rực rỡ và tất cả những trận đánh vinh quang của chiến dịch Hung-ga-ri.
Người bạn đồng minh thứ hai của Viên là nhân dân Đức. Nhưng ở khắp nơi, nhân dân Đức cũng đều bị lôi cuốn vào cuộc chiến đấu như nhân dân thành Viên. Nhân dân Phran-phuốc, Ba-đen, Khuên vừa mới bị đánh bại và bị tước vũ khí. Ở Béc-lin và ở Brê-xláp[1] nhân dân và quân đội đang gầm ghè nhau và ngày nào cũng có nguy cơ nổ ra xung đột công khai. Trong mỗi trung tâm địa phương của cuộc vận động, tình hình cũng như vậy. Khắp nơi, còn tồn tại nhiều vấn đề chỉ có thể giải quyết được bằng vũ lực; và lần đầu tiên, người ta cảm thấy một cách khắc nghiệt những hậu quả tai hại của tình trạng chia cắt và phân quyền đã kéo dài từ lâu của nước Đức. Thật ra thì những vấn đề nhiều vẻ khác nhau ở trong mỗi một bang, mỗi một tỉnh, mỗi một thành phố đều là một vấn đề như nhau, nhưng ở khắp nơi những vấn đề ấy lại được đặt ra dưới những hình thức và những hoàn cảnh khác nhau và ở vào những độ chín muồi khác nhau. Đâu đâu người ta cũng đều cảm thấy tính quyết định của những sự biến ở Viên, nhưng không ở đâu, người ta có thể đánh được một trận lớn với hy vọng cứu được nhân dân thành Viên hoặc đánh lạc hướng để giúp họ; như vậy là không ai có thể giúp đỡ họ được, ngoài nghị viện và chính quyền trung ương ở Phran-phuốc; vì thế mà từ mọi phía, người ta yêu cầu sự viện trợ của nghị viện và chính quyền trung ương; nhưng nghị viện và chính quyền ấy đã làm gì lúc bấy giờ?
Nghị viện Phran-phuốc và đứa con hoang mà nó đã ra đời sau mối quan hệ loạn luân với Quốc hội hiệp bang cũ, tức cái mà người ta gọi là chính quyền trung ương, đã lợi dụng phong trào ở Viên để trưng bày tính chất hoàn toàn vô dụng của nó. Cái Quốc hội ti tiện đó, như chúng ta đã thấy, đã hy sinh trinh tiết của nó từ lâu, và mặc dù còn ở độ tuổi thanh xuân, nó đã bắt đầu có mái tóc hoa râm và đã thành thạo trong mọi mánh khóe kiểu gái đĩ huênh hoang và xã giao giả dối. Những mộng tưởng và ảo tưởng về thế lực, về sự phục hưng và sự thống nhất của nước Đức mà nó hằng mong mỏi trong buổi đầu, chỉ còn là một mớ những câu sáo ầm ĩ của người Tơ-tông hễ gặp dịp là được nhắc đi nhắc lại, và một lòng tin không gì lay chuyển nổi của mỗi nghị viên vào tầm quan trọng của cá nhân mình và vào tính cả tin khờ khạo của công chúng. Tính ngây thơ ban đầu đã mất; các đại biểu của nhân dân Đức đều đã trở thành những người có đầu óc thực tế; nghĩa là họ đã đi đến kết luận rằng họ càng ít hoạt động và càng ba hoa nhiều chừng nào thì địa vị trọng tài của họ đối với vận mệnh của nước Đức càng vững chắc chừng ấy. Điều đó không có nghĩa là họ cho rằng những cuộc họp hành của họ là thừa, mà hoàn toàn ngược lại. Nhưng họ đã phát hiện ra rằng tất cả những vấn đề thực sự lớn lao đều là lĩnh vực họ không được bén mảng đến, và tốt nhất là nên lẩn tránh đi; và thế là noi gương các nhà bác học ở Bi-dăng-xơ của Đế chế thời suy tàn, họ bắt đầu tranh luận, với một vẻ trịnh trọng và chuyên cần xứng đáng với số phận mà cuối cùng bọn họ phải gánh chịu, về những giáo điều lý luận đã được xác định từ lâu ở khắp các nơi trong thế giới văn minh, hay về những vấn đề thực tiễn nhỏ tới mức không bao giờ dẫn tới một kết quả thực tế nào. Như vậy là Quốc hội đã trở thành một thứ trường học ở Lan-kê-xtơ[35*] để cho các nghị viên dạy lẫn nhau và do đó mà thành rất quan trọng đối với họ, cho nên họ tin tưởng vững chắc rằng Quốc hội đã làm được nhiều hơn điều mà nhân dân Đức có quyền chờ đợi ở nó, và họ xem là phản quốc bất cứ ai dám trơ tráo đòi Quốc hội phải đạt được một kết quả nào đó.
Khi cuộc khởi nghĩa ở Viên nổ ra, thì những lời chất vấn, những cuộc thảo luận, những đề nghị và những điểm bổ sung tuôn ra như thác, song tất nhiên là chẳng đi tới đâu cả. Chính quyền trung ương phải can thiệp. Nó cử hai phái viên tới Viên, ông Ven-cơ, nguyên thuộc phái tự do chủ nghĩa, và ông Mô-xlê. So với những kỳ công anh dũng và những hành động mạo hiểm kỳ lạ của hai hiệp sĩ lang thang này của công cuộc thống nhất nước Đức thì cuộc du hành của Đông Ki-sốt và của Xăng-sô Păng-xa có thể coi là câu chuyện ô-đi-xê thật sự. Không dám đi tới Viên, hai người bị Vin-đi-sơ-grét-xơ chửi mắng, được vị hoàng đế ngu xuẩn tiếp đón nhạt nhẽo và bị viên bộ trưởng Xta-đi-ôn lừa bịp một cách vô sỉ. Những điện tín và báo cáo của họ có lẽ là cái phần duy nhất trong các biên bản của Phran-phuốc sẽ có địa vị trong văn học Đức; đó là một bộ tiểu thuyết châm biếm tuyệt diệu và là một văn bia sỉ nhục muôn đời cho Quốc hội Phran-phuốc và cho chính phủ của nó.
Phái tả của Quốc hội cũng gửi tới Viên hai phái viên: Phruê-ben và Rô-bớc Bli-um, với mục đích khẳng định uy quyền của mình. Khi nguy cơ tới gần thì Bli-um nhận định rất đúng rằng chính ở đây sẽ xảy ra cuộc chiến đấu quyết định của cách mạng Đức, rồi không ngần ngại, ông quyết định hy sinh tính mạng cho sự nghiệp ấy. Trái lại, Phruê-ben cho rằng nghĩa vụ của hắn là phải bảo toàn tính mạng mình để hoàn thành những nhiệm vụ trọng đại của chức vụ của hắn ở Phran-phuốc. Bli-um nổi tiếng là một trong những diễn giả hùng biện nhất của Quốc hội Phran-phuốc, chắc chắn rằng ông ta là người nổi tiếng hơn cả. Tài hùng biện của ông có lẽ không đáp ứng được yêu cầu của một nghị viện có kinh nghiệm, ông quá thích những lời văn hoa trống rỗng theo kiểu của các thày giảng của giáo phái phân liệt ở Đức, còn lập luận của ông thì vừa thiếu tính triết lý sắc bén lại vừa thiếu kiến thức về thực tiễn. Về chính trị, ông thuộc "phái dân chủ ôn hòa", một phái mơ hồ, nhưng rất được tán thưởng, chính là vì thiếu tính dứt khoát trong những nguyên tắc của nó. Tuy vậy, Rô-bớc Bli-um, về bản chất, là một người bình dân chân chính, mặc dầu có hơi cao nhã, và trong những giờ phút quyết liệt, bản năng và nghị lực bình dân của ông đã thắng thái độ do dự và do đó thắng được những quan niệm và quan điểm chính trị mơ hồ của ông. Trong những lúc như vậy, ông vượt hẳn lên trên khả năng thường ngày của ông.
Vì thế cho nên khi tới Viên, ông hiểu ngay rằng vận mệnh của đất nước sẽ được quyết định ở đây, chứ không phải ở những cuộc thảo luận cao nhã ở Phran-phuốc. ông lập tức hạ quyết tâm, từ bỏ mọi ý nghĩ rút lui, nhận một chức chỉ huy trong quân đội cách mạng và tỏ ra gan dạ và kiên quyết lạ thường. Chính ông đã làm cho thủ đô chậm bị thất thủ trong một thời gian đáng kể, và bằng cách đốt cầu Ta-bo trên sông Đa-núp, ông đã bảo vệ một bên sườn của thủ đô khỏi bị tấn công. Mọi người đều biết rằng sau cuộc tấn công Viên, ông đã bị bắt, bị tòa án quân sự xử và bị bắn như thế nào. ông chết như một vị anh hùng. Còn Quốc hội Phran-phuốc mặc dù sợ chết khiếp, vẫn tiếp nhận sự sỉ nhục đẫm máu ấy với vẻ bình thản ra mặt. Nó biểu quyết một quyết nghị, và quyết nghị này, với giọng khoan hậu và khiêm nhường ngoại giao, là một sự sỉ nhục đối với nấm mồ của người liệt sĩ bị sát hại, hơn là một sự kết tội nước áo. Song tất nhiên là không thể trông mong cái Quốc hội đáng khinh bỉ ấy nổi cơn phẫn nộ trước việc một thành viên của nó bị sát hại, nhất là khi thành viên ấy lại là một lãnh tụ của phái tả.
Luân Đôn, tháng Ba 1852
-----------
Chú thích
[1] - Tên gọi bằng tiếng Ba Lan là Vrốt-xláp
 

<< XI.Cuộc khởi nghĩa ở Viên | XIII.Hội nghị lập hiến Phổ. Quốc hội >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 917

Return to top