- Thế là có giấy thông hành trong tay, tôi đi lang thang. Tôi đến một chợ phiên và thấy một thằng cha Di-gan đang gạ đổi ngựa của gã lấy ngựa của một ông nông dân và đang bịp ông ta một cách hết sức vô liêm sỉ. Để kiểm tra sức lực của hai con ngựa, gã đóng con của gã vào càng xe chở lúa miến và con của ông nông dân vào cỗ xe chở táo. Tất nhiên hai xe đều nặng ngang nhau nhưng con ngựa của ông nông dân thì đổ mồ hôi, do bị mùi táo làm cho ngây ngất. Mùi táo là thứ mùi giống ngựa không chịu nổi. Con ngựa của gã Di-gan còn tồi tệ hơn. Nó thêm một tật là mắc bệnh động kinh. Chi cần nhìn cái vết trên trán nó đủ biết người ta đã áp đầu thanh sắt nung đỏ vào để đánh dấu. Gã Di-gan cứ nhất định bảo đấy là cái mụn cóc. Nhưng tôi, tất nhiên tôi thương ông nông dân, bởi vì ông ta không thể làm ăn gì được với một con ngựa động kinh. Thêm vào đó, tôi căm ghét bọn Di-gan, từ cái ngày một thằng cha Di-gan đưa tôi vào con đường du thủ du thực. Đấy là chưa kể tôi đã linh cảm thấy một điều mà sau này lộ ra là đúng. Tôi bảo cho ông nông dân biết cái tật của con ngựa. Trong khi gã Di-gan khăng khăng rằng đấy là mụn cơm chứ không phải dấu vết gì hết, tôi bèn giúi một thanh sắt vào sườn của con ngựa thế là nó quay lơ, bốn chân chổng lên trời và giãy giụa.
Hồi đó tôi thường chọn cho các bác nông dân đi tậu những con ngựa tốt. Để tỏ lòng biết ơn, họ thường mời tôi ăn uống kèm theo hai chục xu tiền thưởng và thế là chúng tôi được một dịp vui chơi thoải mái. Từ đấy bắt đầu thời kỳ khấm khá của tôi: vốn liếng của tôi cứ tăng dần, tôi say sưa suốt ngày ngày qua ngày khác. Chỉ chưa đầy một tháng tôi đã biến đổi hoàn toàn. Tôi đeo trên cổ trên ngực đủ thứ trang sức và mang theo bên mình đủ các thứ thuốc chữa bệnh cho ngựa. Tôi đi hết chợ này đến chợ khác kiếm ăn và nhận tiền thưởng của những bác nông dân nghèo. Nhưng đồng thời tôi cũng bị bọn Di-gan lái buôn ngựa ghét cay ghét đắng. Chúng chỉ rình đánh cho tôi một trận nên thân, tôi nghe nói thế. Tôi cố tránh mặt bọn chúng, bởi vì chúng có cả một băng. Chúng không thể nào gặp riêng tôi được, mà nơi đông người thì chúng không dám đụng đến người tôi, bà con nông dân rất quý tôi và bênh tôi, vì tôi luôn giúp đỡ họ. Thế là bọn Di-gan tung tin tôi là phù thuỷ, và trong nghề ngựa nghẽo tôi dùng bùa phép. Nhưng đấy chỉ là điều vu khống. Tài hiểu biết về ngựa do trời cho, như tôi đã kể với các ông rồi. Tôi sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai, nhưng khốn nỗi không ai tiếp thu được.
- Tại sao lại như thế?
- Họ không thể hiểu nổi, bởi vì muốn hiểu được cần phải có một năng khiếu từ nhỏ. Đã mấy lần tôi thử dạy người khác nhưng đều không đem lại kết quả gì. Lát nữa tôi sẽ trở lại vấn đề này, nếu như các ông muốn nghe.
Khi tôi nổi tiếng ở khắp các chợ phiên trong vùng, một vị hoàng thân chuyên làm công việc huấn luyện ngựa đã đến tìm tôi đưa cho tôi một trăm rúp và đề nghị:
“Anh hãy truyền bí quyết của anh cho ta. Ta rất cần".
Tôi đáp:
“Không có bí quyết gì hết. Đây chỉ là một cái khiếu trời cho thôi".
Nhưng ngài hoàng thân cứ nằn nì:
“Ít nhất anh cũng kể cho ta nghe cách thức. Và để anh khỏi nghĩ ta có mưu đồ gì bên trong, ta xin biếu anh ngay một trăm rúp".
Biết làm sao được? Tôi đành nhún vai, gói số tiền vào bọc rồi tuyên bố:
"Tôi xin kể tất cả những điều gì tôi biết. Ngài hãy nghe cho kỹ xem có thể dùng được điều gì không. Nếu như ngài vẫn không tiến bộ trong nghề thì tôi cũng không chịu trách nhiệm".
Ngài hoàng thân có vẻ mãn nguyện:
"Anh không lo, cứ kể hết đi".
“Điều quan trọng nhất để hiểu rõ một con ngựa là quan sát nó thật kỹ. Phải ngắm cái đầu của nó một cách khôn ngoan rồi đưa mắt một lượt khắp người nó cho đến tận đuôi, chứ đừng vội vã chạy lăng xăng xung quanh ngựa như nhiều vị sĩ quan thường làm, hết sờ gáy lại đến cổ, nắn trán nó một chút lại sờ hai lỗ mũi, sờ ngực, bóp mông nhưng thực ra vẫn chẳng hiểu được gì hết. Nhìn kiểu cách xem ngựa của các sĩ quan như thế, bọn lái ngựa rất mừng. Chúng biết tính các ngài sĩ quan như thế, bèn quay ngựa đủ chiều ra vẻ giúp thêm ngài sĩ quan thấy rõ, nhưng thực chất là chúng che không cho khách nhìn thấy những nhược điểm của ngựa. Những nhược điểm ấy chúng có rất nhiều cách để giấu đi. Nếu tai ngựa rủ xuống, chúng cắt một mảng da ở sau gáy ngựa rồi khâu lại, bôi phẩm vào cho khách không nhìn thấy vết sẹo. Tai ngựa sẽ đựng đứng lên. Nhưng chẳng bao lâu, da sẽ trùng lại và tai ngựa lại rũ xuống như cũ. Nếu tai dài quá, chúng xén bớt đi. Còn nếu muốn tai dựng đứng lên thì chúng đệm một miếng sừng nhỏ để đỡ. Nếu khách hàng muốn có một cặp ngựa y hệt nhau, chúng đã có một con có chùm lông trắng trên trán, chúng bèn tạo cho con thứ hai cũng có một chùm lông trắng như thế, bằng cách cọ hòn đá nháp vào chỗ ấy hoặc úp một miếng sắt nung đỏ vào cho da bợt đi và mọc lên một nhúm lông màu trắng. Nhưng nếu ta nhìn kỹ một chút sẽ thấy nhúm lông này hơi dài hơn nhúm lông bình thường và chỗ da ấy hơi sưng lên. Bọn lái ngựa bịp khách hàng táo tợn nhất là về khoản mắt ngựa. Nếu ngựa bị hõm ở trên mi mắt, chúng lấy trâm nhọn chọc vào da ở gần đấy rồi thổi vào trong mắt ngựa cho chỗ hõm phồng lên. Cách làm ấy rất dễ dàng, vì ngựa được thổi vào mắt cũng thấy khoái khoái, sẵn sàng đứng yên cho chủ thổi hơi ấm vào mắt, không hề nhúc nhích. Cách duy nhất để phát hiện xem có sự bịp bợm hay không là ấn vào mi mắt ngựa để không khí bên trong bay ra. Buồn cười nhất là cách chúng bán những con ngựa mù. Đúng là một màn hài kịch thực sự! Viên sĩ quan khách hàng cầm một cọng rơm đưa trước mắt ngựa xem ngựa có phản ứng gì không. Để ngựa tuy không nhìn thấy nhưng vẫn có phản ứng, bọn lái ngựa Di-gan lén đấm thật mạnh vào dưới bụng hoặc bên sườn con ngựa, cho nó phải nghiêng cái đầu. Nhiều tên lái làm cách khác. Chúng giả vờ vuốt ve lưng ngựa, nhưng cặp sẵn trong bàn tay một cái đanh nhọn, xiết mũi nhọn vào da ngựa cho nó phải quay đầu.”
Tôi giảng giải cho ngài hoàng thân hàng chục cách bịp bợm của bọn lái, nhưng ngài chẳng rút ra được kinh nghiệm gì hết. Hôm sau ngài vẫn tậu một đàn ngựa chẳng ra làm sao, lại còn mừng rỡ khoe với tôi:
"Anh ra mà xem, ta đã học được cách xem ngựa của anh rồi đấy!".
Nhìn thấy chúng, tôi phá lên cười và đáp rằng, những con ngựa này chẳng có gì đáng cho tôi xem hết.
"Con này vai quá to, khi đi nó sẽ loạng choạng cho mà xem. Con kia có tật co một chân lại dưới bụng lúc ngủ, nghĩa là chỉ sang năm nó sẽ bị võng lưng. Con kia thì có tật lúc ăn chân vẫn đập đập và cọ đầu gối vào máng...".
Cứ thế tôi lần lượt vạch ra khuyết tật của tất cả những con ngựa ngài vừa tậu được.
Sáng hôm sau, ngài hoàng thân bảo tôi:
"Đúng là ta không thể nào tiếp nhận được lời dạy của anh. Vậy anh hãy về làm công cho ta. Anh sẽ chọn ngựa và ta chỉ việc trả tiền".
Tôi nhận lời và về làm với ngài hoàng thân trong ba năm. Ngài đối xử với tôi không phải như với người làm công mà như thể bè bạn. Nếu tôi không bị cái tật thỉnh thoảng "bỏ đi chơi" thì tôi đã dành dụm được một cái vốn kha khá. Bởi vì những chủ trại ngựa nhận ngựa của các sĩ quan thường cử người thân tín đến gặp thợ ngựa. Họ biết rằng chất lượng ngựa phụ thuộc vào người thợ ngựa chứ không phải vào các sĩ quan. Mà như tôi đã kể các ông nghe, tôi là thợ ngựa bẩm sinh và tôi lại làm ăn lương thiện. Tôi không lừa dối chủ bao giờ. Ngài hoàng thân rất hiểu điều đó cho nên ngài đánh giá tôi cao. Chủ tớ sống với nhau rất ăn ý. Lần nào đi đánh bạc bị thua sáng sớm hôm sau thế nào ngài cũng xuống chuồng ngựa, vẫn còn mặc áo choàng kiểu dùng trong phòng ngủ, rồi nói:
"Công việc thế nào, anh I-van hầu-như-nửa kính-mến?" Ngài gọi đùa tôi là "hầu-như nửa-kính-mến", nhưng lát nữa các ông sẽ thấy ngài kính trọng tôi thực sự:
Biết chủ đang muốn gì, tôi bèn đáp:
"Bình thường, thưa ngài. Nhưng còn công việc của ngài thì cũng yên ổn chứ?" .
"Công việc của ta hết sức tồi tệ".
"Tôi đánh cuộc là ngài lại thua bạc như hôm trước phải không ạ?
"Đúng thế, anh I-van hầu-như-nửa-kính-mến ạ".
"Thua mất bao nhiêu thưa ngài?"
Ngài trả lời. Số tiền lên đến mấy ngàn rúp và tôi lắc đầu:
“Đúng là ngài đáng đánh đòn, nhưng tiếc rằng không có ai được quyền đánh đòn ngài".
Ngài sĩ quan hoàng thân cười vang.
"Nỗi bất hạnh chính là ở đấy".
“Vậy xin ngài nằm xuống giường của tôi. Tôi lấy một cái túi sạch để ngài gối đầu, rồi tôi sẽ đánh một roi nhẹ vào mông ngài".
Rõ ràng ngài đến tìm tôi là để lấy tiền đánh gỡ bạc.
"Thay vào việc đánh roi vào mông ta, anh hãy đưa ta số tiền của ta anh đang giữ để ta đánh gỡ lại. Ta tin rằng kỳ này ta sẽ trả được thù”.
“Ngài tha lỗi, nhưng ngài muốn đánh bạc bao nhiêu tuỳ thích, ngài không thể nào gỡ lại số tiền đã thua được đâu.".
Ngài quý tộc cười gằn:
"Anh lại còn xin lỗi ta ư?" Và ngài nổi giận: "Thôi đi, anh đừng giở cái giọng hơn tuổi ấy nữa và đem tiền lại đây cho ta mau!".
Chúng tôi hỏi bác I-van Phli-a-ghin xem bác có đưa ngài hoàng thân khoản tiền để ngài gỡ bạc không.
- Đời nào! - Bác đáp. - Tôi bảo tiền tôi đem mua hạt mì cả rồi. Cũng có lần tôi bỏ chạy.
- Chắc ngài phải ghét bác lắm?
- Thậm chí có lần ngài còn bảo tôi: “thôi thế là đủ rồi, từ hôm nay ta không dùng anh nữa”.
Tôi đáp:
"Tốt lắm. Vậy ngài hãy cho tôi xin lại giấy thông hành".
"Anh cứ sửa soạn đồ đạc đi. Sáng mai ta sẽ trả thông hành cho anh".
Nhưng hôm sau mọi sự lại như không có chuyện gì nữa. Ngài sĩ quan hoàng thân chỉ nổi giận trong vòng độ một tiếng đồng hồ, sau đấy lại nghĩ ra và bảo tôi:
“Ta cảm ơn anh, anh bạn hầu-như-nửa- kính-mến của ta. Anh đã dám dũng cảm cưỡng lại ta" .
Thế rồi để trả ơn tôi, ngài tha thứ cho những vụ tôi gây ra trong những cuộc "bỏ đi chơi" .
- Vụ gì vậy?
- Tôi đã kể với các ông là tôi có những cuộc “bỏ đi chơi" rồi còn gì.
- Bỏ đi chơi? Nghĩa là thế nào? Do đã nhiễm thói uống rượu, nên tôi cố tránh không uống hàng ngày, và nếu không thèm lắm, tôi cố nhịn. Nhưng có những hôm, cơn buồn khủng khiếp kéo đến, thế là không chịu nổi, tôi bỏ nhà đi lang thang liền mấy ngày. Những dịp như thế này hay xảy ra bất chợt. Thường là sau khi giao một đàn ngựa đi, tôi bỗng cảm thấy một nỗi trống rỗng trong lòng. Tôi đã coi những con ngựa ấy như anh chị em ruột thịt. Nhất là khi tôi phải giao đi một con tuấn mã: nó đi rồi mà lúc nào tôi cũng mơ màng như nó vẫn còn đang đứng trước mặt tôi. Và thế là không chịu nổi, tôi bỏ nhà đi lang thang.
- Nghĩa là bác tìm đến rượu để giải sầu chứ gì?
- Đúng thế.
- Bác bỏ nhà đi như thế có lâu không?
- Cũng tuỳ. Nhiều lần tôi uống rượu đến đồng xu cuối cùng, hoặc trong lúc say tôi gây sự với ai đó hoặc bị ai đó gây chuyện đánh nhau. Cũng có lần thì cơn sầu trôi rất nhanh. Một giấc ngủ ở đồn cảnh sát, hay dưới một cái hố. Tỉnh dậy là tôi đỡ hẳn cơn buồn. Nhưng bao giờ tôi cũng rất giữ phép tắc. Hễ thấy cơn buồn kéo đến thấy phải chơi vài ngày mới khuây khoả, tôi liền đến gặp ngài sĩ quan hoàng thân báo trước:
"Thưa với ngài, xin ngài hãy giữ lấy số tiền của ngài. Tôi sẽ vắng nhà ít bữa".
Chủ tôi thường lặng lẽ cầm lấy tiền, hoặc chỉ hỏi một câu:
“Anh bạn định đi trong mấy ngày?"
Tôi đưa ra một thời hạn mà tôi nghĩ sẽ chơi bời ngần ấy ngày mới thoả. Trong khi tôi đi vắng, ngài sĩ quan hoàng thân làm mọi công việc thay tôi, và kiên nhẫn chờ đợi. Tôi rất căm giận cái tật ấy của tôi cho nên tôi định sẽ chỉ đi lần này là lần cuối cùng. Và trong lần ấy tôi sẽ chơi bời cho đã đời. Nhưng cái chuyến đi ấy, bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn lạnh toát cả người.