Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Người hành hương mê đắm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14784 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người hành hương mê đắm
Nikolai Leskov

Chương 8

Vì chúng tôi muốn nghe câu chuyện theo trình tự xảy ra cho nên chúng tôi đề nghị bác Phli-a-ghin kể chúng tôi nghe trước, bằng cách kỳ lạ nào mà bác bỏ ra được những sợi bờm ngựa trong gan bàn chân để có thề chạy thoát khỏi nơi này. Và đây là những điều bác kể:
- Tôi đã tiêu tan mọi hy vọng trở về nhà, thấy lại được quê hương. Chuyện ấy tôi thấy không thể thực hiện được, cho nên tôi cũng đành dẹp đi nỗi buồn mà tập cho quen cách sống ở đây vậy. Tôi sống lạnh lùng như một pho tượng, nhưng thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến cha I-li-a, người hay hỏi xin giấy nhật trình để gói và luôn cầu nguyện ở nhà thờ cho "những thuỷ thủ và những kẻ nay đây mai đó, những kẻ tử vì đạo và những kẻ tù binh". Hồi ấy tôi cứ băn khoăn không hiểu sao cha lại cầu nguyện cho những kẻ bị bắt làm tù binh, bởi vì làm gì có chiến tranh bấy giờ? Bây giờ thì tôi hiểu, nhưng lúc ấy tôi cho rằng việc cầu nguyện kia chẳng để làm gì, và thú thật, tuy không mất niềm tin nhưng tôi bắt đầu hoài nghi và thôi không cầu nguyện nữa.
"Cầu nguyện làm gì, - tôi nghĩ bụng. - Bởi cầu nguyện có đem lại lợi ích gì đâu!"
Thế rồi đến một hôm thấy trong đám Tác-ta có sự náo động. Tôi hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Không có chuyện gì cả, - chúng đáp. Hai thầy tu từ bên xứ các anh vừa đến đây, đem theo một tờ giấy của đức Vua để truyền bá tôn giáo của các anh ở đây.
Tôi sửng sốt
- Họ đâu rồi?
Chúng trỏ một cái lều bằng vải lưu động. Tôi chạy đến. Bước vào trong tôi nhìn thấy đủ loại và cấp bậc tu sĩ Hồi giáo, tất cả đều ngồi xếp vòng tròn trên những tấm thảm bằng dạ. Giữa là hai người mặc trang phục đường trường, nhưng rõ ràng là tu sĩ đạo Thiên Chúa đang giảng Kinh Thánh. Được nhìn thấy người Nga, tim tôi đập liên hồi vì sung sướng. Tôi chạy lại, quỳ xuống chân hai vị khóc thổn thức. Hai vị cũng rất mừng thấy tôi quỳ như thế. Họ reo lên:
- Hay lắm! Hay lắm! Các ngươi thấy không? Lòng thương khó của đức Chúa Trời đã động đến lòng dạ của một người trong số các vị. Anh ta từ bỏ Mô-ha-mét, từ bỏ đạo Hồi.
Bọn Tác-ta đáp rằng, chẳng làm gì có sự thương khó, rằng tôi là một I-van, là tù binh người Nga của chúng.
Hai vị truyền giáo nhất định không tin. Tôi bèn nói:
- Họ nói đúng đấy: tôi là người Nga! Thưa các Cha, vì lòng từ thiện, xin các Cha hãy giải thoát cho tôi. Tôi chịu cực khổ ở đây suốt mười năm trời, và các cha hãy nhìn xem. Chúng hành hạ tôi đến mức này. Tôi không còn đi được nữa.
Thế nhưng hai tu sĩ quay mặt đi, thản nhiên và lại giảng kinh tiếp.
Còn tôi, tôi thầm nghĩ: "Mình đừng buồn. Hai vị đang phải làm nhiệm vụ, chắc họ thấy không tiện đối xử với mình cách nào khác, trong khi đang có mặt bọn Tác-ta". Tôi rút lui. Nhưng sau đấy đợi lúc họ chỉ có hai người trong lều, tôi vội chạy đến và thuật lại toàn bộ nỗi bất hạnh của tôi một cách hoàn toàn thành thật:
- Xin các cha hãy dọa chúng. Các cha hãy bảo rằng đức Vua da trắng nghiêm cấm những người dân châu Á giam giữ thần dân của Ngài. Hoặc nếu được thì các cha hãy trả cho họ một khoản bồi thường, và sau đấy tôi sẽ xin đi theo hầu hạ các cha. Từ khi sống với chúng, tôi đã học được tiếng nói của chúng và tôi chắc sẽ giúp ích được hai cha.
Hai tu sĩ đáp:
- Khổ một nỗi là chúng tôi không có tiền và chúng tôi không được phép dọa những kẻ ngoại đạo: chúng là những kẻ xấu xa và bướng bỉnh, cần phải khéo léo với chúng.
- Khéo léo để tôi phải cam chịu khổ cực cho đến hết đời hay sao?
- Anh khổ ở đây hay nơi khác cũng liên quan gì đến chúng tôi đâu. Anh hãy cầu nguyện đức Chúa nhân từ và Người sẽ giải thoát cho anh không biết chừng.
- Tôi đã cầu nguyện rất nhiều rồi, nhưng không kết quả gì và bây giờ tôi đã giảm sút lòng tin.
Sự tuyệt vọng... Chỉ có điều thật khổ tâm khi thấy có những người Nga, những đồng bào của mình mà không muốn giúp mình.
- Đừng! Anh đừng trông mong ở hai chúng tôi. Đã là con của Chúa thì không phân biệt là người Hy Lạp hay người Do Thái. Tất cả những ai tín ngưỡng ở đức Chúa Giê-su đều là đồng bào với nhau hết. Chúng tôi coi mọi người đều như nhau.
- Tất cả mọi người?
- Đúng. Chính thánh Pôn đã dạy chúng tôi như thế. Chúng tôi không tranh cãi với những người đến thăm chúng tôi. Làm như thế không hợp với chúng tôi. Riêng anh thì anh nên nhớ anh là nô lệ của Chúa và anh phải nhịn nhục, như đức thánh tông đồ Pôn đã dạy. Hơn nữa, vì anh là tín đồ Cơ-đốc sau khi chết, linh hồn anh sẽ lên Thiên đường dù chúng tôi không can thiệp vào. Trong khi bọn Tác-ta kia sẽ phải xuống địa ngục nếu như chúng tôi không giảng giải được cho chúng hiểu để chúng theo tôn giáo chúng ta. Vì thế chúng tôi phải chăm lo cho chúng.
Nói đến đây hai vị trỏ cho tôi thấy một cuốn sách.
- Anh thấy trong cuốn sách này kể biết bao tên người. Họ đều là những kẻ dị giáo, được chúng tôi giác ngộ và làm phép để nhận họ vào tôn giáo của chúng ta.
Thế là tôi không nói thêm lời nào và cũng không gặp lại hai vị truyền đạo ấy nữa. Riêng có một lần mà cũng không phải tôi cố tình... Một hôm thằng nhỏ con tôi chạy đến bảo:
- Ba ơi, có người nào nằm ở bờ cái hố ấy ba ạ.
Tôi bèn đến, đấy là một cái xác đã bị lột da ở hai cánh tay và chân. Bọn Tác-ta làm công việc ấy rất thành thạo. Chúng chỉ cần lấy mũi dao rạch một đường là lột dễ dàng, như ta tháo găng ra khỏi tay vậy... Còn cái đầu thì lăn lóc cách đấy một quãng. Trên trán vẫn còn vết săm cây thập ác. Tôi nghĩ bụng:
"Tội nghiệp người đồng hương. Do ông không giúp đỡ tôi nên đã bị trừng phạt, và thành một trong những kẻ tử vì đạo. Lỗi cũng do tôi một phần. Hãy vì Chúa, tha thứ cho tôi".
Tôi làm dấu, rồi đem chắp cái đầu vào thân cho ông ta. Sau đấy tôi cúi rạp đầu xuống sát mặt đất. Tôi chôn cất ông ta và đọc kinh Pa-te trên mộ ông. Còn vị truyền giáo thứ hai tôi không biết số phận ra sao, nhưng tôi đoán số phận ông ta cũng không may mắn gì hơn người bạn kia, bởi vì sau đấy tôi thấy những phụ nữ trong bộ lạc Tác-ta có rất nhiều tấm hình Thánh, giống như những tấm hình Thánh mà hai vị truyền giáo kia đem theo.
- Các vị truyền giáo cũng xông xáo vào những vùng hẻo lánh ấy ư?
- Đúng, nhưng chẳng đạt được kết quả gì.
- Tại sao?
- Bởi vì họ không biết cách. Muốn cho những người dân châu Á bỏ đạo của họ để theo đạo của ta thì phải dọa họ, phải làm cho họ run lên vì sợ. Thế nhưng đằng này hai vị truyền giáo của ta lại đưa ra cho chúng một đức Chúa lành hiền. Làm thế không đem lại kết quả gì hết, ít nhất cũng trong thời gian đầu. Người châu Á không khi nào tôn kính một Thần linh hiền lành phúc hậu. Chúng chỉ tuân theo những kẻ nào làm chúng sợ. Do đấy chúng tàn sát những nhà truyền giáo.
- Với lại khi đến gặp gỡ với họ, lẽ ra không nên đem theo tiền bạc và vật quý, phải thế không?
- Cũng đúng. Nhưng nếu không mang theo tiền bạc gì hết thì chúng lại không tin. Phái viên của đức Vua mà túi lại rỗng tuếch. Thế nào chúng sẽ tra khảo họ đến chết để tìm xem họ giấu vàng bạc ở chỗ nào trong đồng cỏ.
- Đúng là dân kẻ cướp!
- Chính thế. Chuyện xảy ra với một ông già Do Thái hồi tôi còn ở đấy cũng như vậy. Không rõ ông ta từ đâu tới, nhưng cũng thuyết giáo về đức tin. Ông già tốt bụng và rõ ràng là rất tận tụy với đạo giáo của ông ta. Ông mặc quần áo rách rưới đến nỗi toàn bộ da thịt hở cả ra. Khi ông ta cất tiếng thuyết giáo về đức tin thì không ai không bị cuốn hút theo. Lúc đầu tôi bảo ông ta rằng đạo của ông ta không phải là một tôn giáo bởi vì không có các vị Thánh. Nhưng ông ta bảo có và lấy sách kinh Tan-mút ra đọc cho tôi nghe tên bao nhiêu vị Thánh của họ... Sách Kinh Tan-mút ấy thật kỳ quái, bởi vì do một pháp sư tên là Giốp-ben Lê-vi viết ra. Vị pháp sư này thông thái đến nỗi những tín đồ không dám nhìn thẳng vào mắt ngài bởi vì chỉ nhìn một cái là họ tắt thở và chết ngay. Thế là Thượng đế bèn triệu pháp sư đến và phán rằng: "Hỡi pháp sư thông thái Giốp-ben Lê-vi! Ngươi thông thái thế là rất tốt nhưng khéo ngươi tiêu diệt mất dân chúng Do-thái của ta. Ta đâu muốn cho họ chết khi ta cho Môi-xơ dắt họ đi qua thảo nguyên mênh mông và biển cả. Vậy ngươi hãy rời khỏi quê hương và hãy đến sống ở nơi nào không ai thấy được ngươi". Pháp sư Lê-vi lập tức rời khỏi Thiên đường, xuống đồng cỏ, đào một cái hố rồi tự chôn trong cát ngập đến cổ. Ngài ở đấy mười ba năm, và mặc dù bị chôn đến cổ ngày thứ bẩy nào ngài cũng quay một con cừu non bằng ngọn lửa từ trên trời gửi xuống cho. Nếu con muỗi hay con ruồi nào đậu lên mũi ngài để hút máu, chúng cũng bị ngọn lửa thiêng thiêu cháy... Câu chuyện sự tích pháp sư kia khiến bọn Tác-ta rất khoái. Nghe xong, chúng hỏi ông già Do-thái chôn giấu tiền bạc của ông ở chỗ nào. Ông già đáp ông không có tiền bạc gì, rằng Thượng đế phái ông xuống đây với hai bàn tay trắng, chỉ có mỗi sự hiểu biết trong đầu. Nhưng bọn Tác-ta không tin. Chúng bèn thu than hồng lại, trải một tấm da ngựa lên rồi đặt ông Do-thái nằm trên tấm da ngựa ấy. Sau đấy chúng vừa lay ông già vừa hỏi: Tiền để chỗ nào? Đến khi ông già cháy thành than và không nói được nữa, chúng mới bảo:
"Khoan đã! Ta vùi lão vào cát cho ngập đến cổ, chắc lão sẽ sống lại được đấy".
Nói xong chúng thực hiện ngay. Nhưng ông già Do-thái vẫn không sống lại được. Cái đầu ông ta vẫn cứ nhô lên rất lâu trên mặt đất khiến trẻ con rất sợ. Cuối cùng bọn Tác-ta chặt cái đầu ấy quăng xuống đáy chiếc giếng đã cạn nước.
- Khiếp nhỉ!
- Đúng là thay đổi tín ngưỡng cho chúng rất khó. Nhưng ông già Do-thái kia thật ra vẫn có tiền.
- Thật ư?
- Thật. Mấy hôm sau cầy cáo bới xác ông lên, từng mảng một, cho đến tận đôi giầy. Từ trong đế giầy bật ra sáu đồng tiền. Bọn Tác-ta sau đấy đã nhặt được.
- Còn bác, làm cách nào mà bác thoát được khỏi cái bọn man rợ ấy?
- Đúng là một chuyện kỳ lạ.  
- Nhưng ai đã giúp bác?
- Ta-la-pha.
- Ai vậy? Một người Tác-ta chăng?
- Không. Anh ta là người Ấn, không phải người thường mà là do Thượng đế của nước Ấn Độ phái xuống thế gian. 
Do các thính giả năn nỉ, bác I-van Phli-a-ghin đã kể lại quãng tiếp theo của cuộc đời vừa bi vừa hài của bác. 

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 758

Return to top