Người đứng canh gác
Nikolai Leskov
Chương 1
Sự việc được trình bày với bạn đọc trong câu chuyện cảm động này thật khủng khiếp đối với nhân vật chính của tấn kịch. Đồng thời, đoạn kết thúc của sự việc lại độc đáo đến mức khó xảy ra được ở bất cứ nơi nào khác ngoài nước Nga.
Nói chung đây là một giai thoại triều đình, một giai thoại phần nào có tính chất lịch sử, thể hiện khá đầy đủ những tục lệ và lề thói của một thời gian hết sức kỳ lạ nhưng rất ít được miêu tả, đó là thập kỷ ba mươi thế kỷ mười chín của chúng ta.
Câu chuyện sau đây không hề có chút thêm bớt nào.
Chương 2
Vào mùa đông năm 1839 trước ngày lễ Thánh E-pi-phan(l) thời tiết bỗng thay đổi và xuất hiện một cuộc băng tan rất dữ dội. Trời rất ẩm thấp, tưởng như mùa xuân đã bắt đầu, tuyết tan nhanh, nước trên các mái nhà rỏ xuống như mưa. Những tảng băng trên mặt sông trở nên xanh nhợt và nước lõng bõng bên trên. Ngoài sông Nê-va đúng chỗ Cung điện Mùa Đông(2) trông ra, trên mặt băng xuất hiện những vũng nước lớn. Gió Tây ấm áp nhưng thổi rất mạnh dồn nước từ ngoài vịnh vào sông. Súng đại bác bắn liên hồi.
Việc bảo vệ Cung điện được giao cho một đại đội thuộc trung đoàn I-dơ-mai-lốp, do đại úy Ni-cô-lai Mi-le chỉ huy. Đó là một sĩ quan xuất sắc còn trẻ, có học thức và được xã hội vì nể (sau này ông được phong tướng và làm giám đốc trường Cao đẳng Pê-téc-bua. Đó cũng là một con người mang tư tưởng "nhân văn". Khuynh hướng tư tưởng này đã bị cấp trên chú ý, do đó con đường thăng quan tiến chức của chàng cũng phần nào gặp trở ngại).
Thật ra Mi-le là một sĩ quan nghiêm túc, chính xác, vững vàng. Việc canh gác Cung điện cũng không có gì đáng phải lo ngại. Bấy giờ là thời kỳ yên tĩnh và thanh bình bậc nhất trong lịch sử Những người canh gác Cung điện chỉ có một việc là đứng cho có mặt tại vị trí được giao. Và chính trong thời gian đại đội của đại uý Mi-le đảm nhiệm việc canh gác đã xảy ra một sự việc lạ lùng, gây ra không biết bao nhiêu rắc rối, mà chỉ một số rất ít người còn sống qua cái thời kỳ ấy giữ lại được một hồi ức lờ mờ.
1 Ngày 21 tháng 1 hàng năm (N.D).
2. Nơi vua ở (N.D)
Chương ba
Lúc đầu mọi việc đều yên ổn, các trạm gác được phân công người đứng canh đầy đủ. Họ đều giữ đúng vị trí. Kỷ luật được tôn trọng tuyệt đối. Đức vua Ni-cô-lai Páp-lô-vits khoẻ mạnh. Buổi tối, sau chuyến dạo chơi bằng xe trượt tuyết, Hoàng thượng trở về Cung và đã đi khắp Cung điện đã yên giấc. Một đêm cực kỳ yên tĩnh bắt đầu. Trong đơn vị bảo vệ cũng im ắng. Đại uý Mi-le đính chiếc khăn tay trắng muốt lên lưng chiếc ghế bành bọc da nhớp nhúa dành cho sĩ quan phụ trách việc bảo vệ. Chàng ngồi xuống, mở một cuốn sách ra đọc để giết thời giờ.
Đại uý Mi-le rất ham đọc sách. Nhờ thế mà chàng không thấy buồn. Trong lúc chàng đọc, bên ngoài đêm vẫn lặng lẽ trôi. Nhưng đột nhiên khoảng gần hai giờ sáng, đại uý bỗng hoảng hốt: viên hạ sĩ dưới quyền chàng bước vào, mặt tái nhợt, run rẩy, nói lắp bắp:
- Bẩm đại uý, nguy quá!
- Chuyện gì thế?
- Một chuyện thật là tai hại!
Đại uý Mi-le đứng phắt dậy, bụng dạ bồn chồn khó tả. Chàng cố đoán xem sự việc "tai hại" kia là cái gì.
Chương bốn
Thì ra sự việc vừa xảy ra như thế này: một anh lính của trung đoàn I-dơ-mai-lốp tên là Pôt-ni-côp đứng gác ở cổng I-oóc-đan bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu tuyệt vọng của người nào đó ngã xuống dòng sông Nê-va, chỗ băng đang tan ngay trước trạm gác của anh ta.
Anh lính Pôt-ni-côp, ngày trước là nông nô, vốn dễ xúc động và có tính thương người. Anh ta lắng nghe rất lâu tiếng thét cầu cứu và tiếng rên rỉ của người bất hạnh và anh thấy tim mình quặn đau. Hoảng sợ, anh nhìn phía bên này rồi nhìn phía bên kia, dọc theo bờ kè, nhưng phải chăng do số kiếp anh như vậy, khắp dọc bờ sông Nê-va tịnh không có một bóng người.
Không có ai xuống cứu cái người nào dưới kia, mà ông ta thì sắp chết đến nơi rồi.
Trong lúc đó, kẻ bất hạnh vẫn cố vùng vẫy dưới nước.
Tưởng như thằng cha cứ việc thả cho dòng nước đưa đi, việc gì phải giãy giụa cho mệt. Nhưng không! Hắn kêu thét một lúc rồi ngừng, nhưng chỉ lát sau lại tiếp tục gào to hơn, thảm thiết hơn, cố nhoài về phía bờ sông gần Cung điện. Chắc hắn ta vẫn còn tỉnh táo và vẫn định hướng được bằng cách nhằm phía những ngọn đèn dọc theo bờ kè. Nhưng làm cách ấy càng thêm nguy hiềm, bởi vì hắn ta sẽ sa vào chỗ nước sâu ở trước cổng I-oóc-đan. Hắn sẽ chìm nghỉm và thế là xong đời... Thằng cha bất hạnh kia ngừng một lát rồi lại vùng vẫy miệng gào "Ai cứu tôi với! Ai cứu tôi với!I Lúc nay kẻ bất hạnh đã ở rất gần khiến anh lính Pôt-ni-côp nghe thấy cả tiếng nước do thằng cha kia đập tay đập chân tạo thành.
Pôt-ni-côp cân nhắc. Việc cứu kẻ bất hạnh kia thật dễ. Anh chỉ việc bước xuống sông rồi chạy trên lớp băng... Thằng cha kia đang ở ngay gần, tìm hắn rất dễ. Anh chi cần quăng một mẩu thừng, một cái sào, thậm chí đưa khẩu súng ra cho hắn túm vào. Thế là hắn sẽ thoát chết.
Nhưng Pôt-ni-côp lại nhớ đến lời thề của người lính. Nếu vi phạm anh sẽ bị trừng phạt như thế nào. Anh biết anh đang đứng ở vị trí canh gác. Mà người đứng gác bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được rời khỏi vị trí.
Nhưng mặt khác con tim của Pôt-ni-côp lại không ngoan ngoãn. Nó cứ đập dồn dập, lúc lại bóp mạnh khiến anh không chịu nổi... Tiếng kêu cứu thảm thiết dưới sông vọng lên làm anh đau đớn đến nỗi anh muốn thọc tay vào lồng ngực lôi quả tim ra, quẳng đi đâu cho nó đỡ hành hạ mình. Nỗi đau thật là khủng khiếp: nghe rõ tiếng kêu cứu của đồng loại mà không được phép chạy đến giúp đỡ. Mà việc ấy hoàn toàn trong tầm tay. Cái bót gác này có chạy đi đâu mà lo, và đêm yên tĩnh thế này, chắc chắn cũng chẳng thể xây ra chuyện gì. "Hay mình xuống cứu người ta nhỉ?"... "Không ai nhìn thấy mình bỏ vị trí đâu ôi, lạy Chúa? Mong cho chóng qua cái chuyện này... Nhưng kìa, người ta lại kêu cứu!..."
Suốt trong nửa giờ đồng hồ day dứt, trái tim Pôt-ni-côp như rớm máu. Óc anh mụ đi. Anh là một người lính mẫn cán, thông minh đầu óc sáng suốt Anh hiểu rất rõ rằng việc rời khỏi vị trí đối với một người đứng gác là tội rất lớn, nhất định sẽ dẫn đến toà án binh. Sau đó là hình phạt bị đánh bằng roi sắt, rồi nhà tù và thậm chí có thề bị tử hình nữa.
Nhưng tiếng gào kêu cứu cứ mỗi lúc một gần, từ phía sông nước chảy xiết vọng lại. Pôt-ni-côp đã nghe rõ tiếng sóng vỗ xung quanh con người sắp chết đuối đang giãy giụa kia.
- Tôi chết đuối!... ai cứu tôi với, tôi chết mất!
Chỗ nước sâu đã ngay kia rồi... Trôi đến chỗ ấy thì không còn hy vọng gì nữa.
Pôt-ni-côp quan sát các phía thêm lần nữa, rồi lại lần nữa. Tịnh không một bóng người. Chỉ có những ngọn đèn bập bùng đung đưa theo gió và tiếng kêu cứu đứt quãng... có lẽ là tiếng kêu cuối cùng. . .
Một tiếng nước ì-oạp, một tiếng sao động và rồi tiếng ùng ục nho nhỏ.
Người lính không chịu nổi nữa. Anh rời khỏi vị trí.
Chương năm
Pôt-ni-côp lao ra chỗ bậc dẫn xuống nước. Tim đập thình thình, anh chạy trên mặt băng lõng bõng. Khi tìm thấy chỗ kẻ bất hạnh kia đang giãy giụa, anh đưa báng súng ra cho thằng cha.
Người sắp chết đuối túm lấy báng súng và Pôt-ni-côp nắm lưỡi lê kéo hắn ta lên mặt băng. Người được cứu sống và kẻ đi cứu, cả hai đều quần áo ướt sũng. Và vì người được cứu thoát đã kiệt sức đang run lẩy bẩy và đứng loạng choạng không vững, Pôt-ni-côp không nỡ bỏ mặc hắn ta. Anh dìu hắn lên bờ kè rồi đưa mắt tìm xem có người nào gần đấy để nhờ giúp đỡ tiếp. Vừa lúc ấy, một cỗ xe trượt tuyết ngựa kéo chạy tới bờ kè. Trên xe có viên sĩ quan thuộc đại đội Phế binh của Cung điện (đại đội này về sau bị giải tán).
Viên sĩ quan kia đến đúng vào lúc không may cho Pôt-ni-côp. Chắc ông này là thứ người bồng bột, không chín chắn đã đành mà còn thô lỗ nữa. Ông ta nhảy ra khỏi xe trượt tuyết và hỏi luôn:
- Người này là ai?... Và cả hai người là ai?
Pôt-ni-côp định trình bày:
- Bác ta ngã xuống nước. Bác ta sắp chết đuối...
- Ai sắp chết đuối? Ai? Mi ư? Sao lại ngã vào cái chỗ ấy?
Kẻ thoát nạn không đủ sức trả lời, chỉ khạc nước trong miệng ra. Pôt-ni-côp thì không còn đứng đấy nữa. Anh đã khoác súng lên vai và quay về vị trí canh gác rồi.
Viên sĩ quan liệu có hiểu đầu đuôi ra sao không? Dù sao thì ông ta cũng không hỏi han thêm nữa mà dìu kẻ vừa thoát chết lên xe, ra lệnh cho xà ích đánh đến phố Mo-rơ-xca vào đồn cảnh sát khu vực trụ sở bộ Tư lệnh Hải quân.
Đến đây, ông ta khai rằng người quần áo ướt sũng kia suýt chết đuối dưới sông Nê-va, quãng Cung điện Mùa Đông trông ra. Và chính ông ta đã cứu được!
Người thoát nạn vẫn run lập cập và mệt rũ... Do hoảng sợ và kiệt sức vì vùng vẫy quá sức, lúc này bác ta không còn thiết đến chuyện ai là người đã cứu sống mình.
Viên phụ y sĩ của đồn cảnh sát vẫn còn ngái ngủ, loay hoay bên người bị nạn. Trong lúc đó Cảnh sát lập biên bản, dựa theo lời khai của viên sĩ quan đại đội Phế binh. Họ lấy làm lạ, sao cứu người chết đuối dưới nước lên mà viên sĩ quan kia quần áo vẫn khô ráo. Viên sĩ quan thèm được tấm huy chương "có công cứu người chết đuối" nên bịa ra một tình huống đặc biệt. Tuy nhiên lời giải thích lúng túng và không có sức thuyết phục. Cảnh sát bèn đánh thức ngài thanh tra dậy. Và người ta phái người ra điều tra tại chỗ.
Trong lúc ấy, tại Cung điện lại hình thành một loạt nhận định về vụ này.
Chương sáu
Trong đơn vị bảo vệ Cung điện, người ta không hề biết gì về những sự việc xảy ra trước khi viên sĩ quan đại đội Phế binh kia đưa người thoát chết lên xe trượt tuyết. Viên sĩ quan của Trung đoàn I-dơ-mai-lốp và những người dưới quyền ông ta chỉ biết rằng, anh lính Pôt-ni-côp đang lúc đứng canh đã bỏ vị trí chạy đi cứu một người sắp chết đuối. Đây là một vi phạm nặng nề kỷ luật của quân đội. Tất nhiên Pôt-ni-côp sẽ phải ra tòa án quân sự và bị phạt roi. Ngoài ra, tất cả các cán bộ chỉ huy, từ chi huy đại đội đến chỉ huy trung đoàn sẽ phải chịu nhiều hậu quả phiền phức mà họ không thể lẩn tránh cũng không thể thanh minh được.
Anh lính Pôt-ni-côp người ướt đẫm và run lên vì lạnh đã bị giải đi. Đến ban chỉ huy đơn vị bảo vệ, anh thành thật kể hết với đại uý Mi-le toàn bộ câu chuyện diễn biến mà chúng ta đã biết, kể tỉ mỉ từng chi tiết cho đến chỗ viên sĩ quan đại đội Phế binh tới, đưa người bị nạn lên xe trượt tuyết và ra lệnh cho xà-ích chở đến đồn Cảnh sát của khu vực trụ sở bộ Tư lệnh Hải quân.
Nỗi nguy hiểm cứ mỗi lúc một tăng và không gì cản lại được. Tất nhiên viên sĩ quan đại đội Phế binh kia sẽ kể hết cho ngài Thanh tra. Ngài Thanh tra sẽ báo ngay lên tướng Cô-cô-xkin, tổng chỉ huy lực lượng cảnh sát. Sáng mai tướng Cô-cô-xkin sẽ tâu với đức Vua và câu chuyện sẽ vang ầm.
Thời gian không cho phép suy nghĩ tính toán gì hết. Cần báo ngay lên thượng cấp.
Đại uý Mi-le gửi ngay một lá thư đầy lo âu cho cấp trên của chàng là trung tá Xvi-nin, chỉ huy tiểu đoàn. Chàng đề nghị trung tá đến ngay trụ sở đơn vị bảo vệ Cung điện và bằng mọi cách ngăn chặn sự việc khỏi phát triển, gây ra những hậu quả quá lớn.
Lúc đó là khoảng ba giờ sáng. Tướng Cô-cô-xkin thường chầu đức Vua rất sớm. Thời gian còn quá ít cho nên không suy nghĩ gì nữa mà phải hành động ngay.
Chương bảy
Trung tá Xvi-nin không có trái tim mềm yếu và thương người như đại uý Mi-le. Ông cũng không phải người độc ác, nhưng ông đặt việc công lên trên hết. (Loại người như ông ngày nay đáng tiếc là lại không còn nữa). Trung tá nổi tiếng nghiêm khắc. Ông luôn đề cao kỷ luật tuyệt đối. Ông không ác, và không bao giờ tìm cách hành hạ cấp dưới một cách vô ích. Nhưng nếu binh sĩ nào vi phạm kỷ luật dù là một điều quy định rất nhỏ, ông cũng không bao giờ tha thứ. Ông cho rằng việc đi tìm nguyên nhân đẩy đến sự vi phạm là không cần thiết. Trong lúc thi hành công vụ, bất cứ lỗi lầm nào cũng không thể tha thứ. Bởi vậy mọi người đều biết rằng anh lính Pôt-ni-côp sẽ phải trả giá rất đắt cho cái tội rời khỏi vị trí canh gác.
Cấp trên và đồng cấp đều hiểu trung tá Xvi-nin như thế. Một số người không thích ông bởi vì thời đại ngày nay là thời đại của tư tưởng "nhân văn". Xvi-nin không quan tâm đến những "nhà nhân văn" ấy khen hay chê. Ai định van nài, gợi lòng thương của viên sĩ quan này đều không thể đạt kết quả. Về mặt này trung tá Xvi-nin là con người thép, vững chãi trong số những người làm binh nghiệp thời bấy giờ. Nhưng cũng như vị anh hùng A-sin thời cổ đại, trung tá cũng có điểm yếu.
Xvi-nin đi vào nghề binh một cánh thuận lợi. Ông rất chăm chút đến uy tín, quyết không để một hạt bụi nào làm mờ đi danh dự sĩ quan cũng như không để một vết hoen nào làm bộ quân phục của ông giảm vẻ chững chạc. Thế mà bây giờ, một sơ suất không may của một binh sĩ quèn trong tiểu đoàn có nguy cơ sẽ làm đơn vị do ông chỉ huy không còn giữ được cái tiếng đơn vị mẫu mực nữa. Người chỉ huy tiểu đoàn sao lại phải chịu trách nhiệm về một cử chỉ của một binh sĩ, cái cử chỉ cao thượng xuất phát từ lòng thương người? Những quan chức quyết định cuộc đời binh nghiệp của ông sẽ không suy nghĩ sâu xa gì hết. Chưa kể còn có những kẻ nhân dịp này thọc gậy bánh xe, hất ông đi dành chỗ cho kẻ mà chúng che chở. Chắc chắn đức Vua cũng sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ khiển trách viên tướng chỉ huy trung đoàn và những sĩ quan dưới quyền ông ta "nhu nhược" và "thiếu ý thức kỷ luật". Lỗi ở ai? Ở Xvi-nin. Mọi người sẽ kháo nhau rằng "Xvi-nin nhu nhược" và lời chê trách trên sẽ làm hoen ố cả lý lịch binh nghiệp của ông. Ông sẽ không nổi lên được giữa đám người cùng thời, mà sau này càng không thề được ghi tên vào sử sách với tư cách là một anh hùng lưu danh trong lịch sử của Đế quốc Nga.
Chương tám
Từ lúc trung tá Xvi-nin nhận được lá thư của đại uý Mi-le khoảng ba giờ sáng, ông vùng dậy, đóng bộ quân phục vào rồi lòng đầy lo âu và giận dữ, chạy đến trụ sở đơn vị bảo vệ cung điện. Đến nơi, trung tá bắt tay ngay vào việc hỏi cung Pôt-ni-côp để biết rõ sự việc kia có xảy ra thật hay không. Pôt-ni-côp thành thật khai với trung tá toàn bộ câu chuyện cùng tất cả các chi tiết diễn ra trong phiên trực của anh, giống như anh đã báo cáo với đại uý Mi-le. Pôt-ni-côp thừa nhận anh "có tội trước Chúa và đức Vua và không đòi hỏi được giảm tội". Trong khi đứng gác, nghe thấy tiếng kêu cứu thảm thiết ngoài sông, anh cũng đã đấu tranh tư tưởng rất gay go giữa bổn phận người lính đứng gác và lòng thương người. Cuối cùng không cưỡng nổi sự cám dỗ, không chịu nổi nỗi dằn vặt, anh đã rời khỏi vị trí canh gác, chạy lên lớp băng đến kéo người sắp chết đuối lên. Không may anh lại bị một sĩ quan thuộc đại đội Phế binh của Cung điện bắt gặp.
Trung tá Xvi-nin đau đớn. Ông chỉ còn một cách để dịu đi nỗi đau, là quát cho Pôt-ni-côp một trận rồi hạ lệnh nhốt người lính này vào nhà giam của doanh trại. Sau đấy ông trách đại uý Mi-le về tội mang trong đầu những tư tưởng "nhân văn" là thứ hoàn toàn không ích lợi gì trong công vụ. Nhưng tất cả những cách ấy đều không giải quyết được vấn đề. Ông vẫn không tìm ra được lý lẽ nào để bào chữa cho hành động vô kỷ luật "rời khỏi vị trí canh gác" của cấp dưới. Chỉ còn giải pháp duy nhất: giấu kín, không để câu chuyện này đến tai Đức Vua...
Nhưng liệu có thể che giấu một việc tày đình như thế không? Thoạt nhìn thì tư tưởng như không được, bởi vì khắp trong đơn vị bảo vệ ai cũng đều biết chuyện có một người xuýt chết đuối được cứu thoát. Rồi thằng cha sĩ quan ở đại đội Phế binh khốn kiếp kia cũng biết. Hắn đã có đủ thời gian để kể hết cho tướng Cô-cô-xkin biết mất rồi. Gõ cửa nào bây giờ? Cầu cứu ai? Ai có thể giúp được ta chuyện này?
Trung tá Xvi-nin định chạy đến gặp đại Công tước Mi-kha-in Páp-lô-vits nói với ngài toàn bộ sự thật. Hồi đó đấy là một cách hay được sử dụng. Đại Công tước tính rất nóng. Ngài nồi giận và quát tháo. Nhưng ngài có tật, lúc đầu càng giận dữ quát tháo bao nhiêu thì chỉ lát sau khi dịu đi, ngài lại thông cảm với người có lỗi, thậm chí tìm cách che chở anh ta. Biết tính ấy, nhiều kẻ còn cố tình khích cho ngài nổi giận để lợi dụng nữa kia. "Ngài có mắng nhiếc thì ta cũng coi như bỏ ngoài tai". Trung tá Xvi-nin rất muốn khai thác khả năng ấy. Nhưng đang đêm làm thế nào lọt được vào Hoàng cung và đánh thức Ngài đại công tước? Đợi đến sáng thì tướng Cô-cô-xkin đã kịp tâu đức Vua mất rồi còn gì?
Trong khi đang điên đầu lên như vậy, trung tá Xvi-nin tưởng đã không còn lối thoát, bỗng nhiên một giải pháp loé ra trong đầu. Cái giải pháp mà đến nay vẫn còn được phủ kín sau một làn sương mù.
Chương chín
Trong số những mẹo quân sự quen thuộc, có một mẹo như sau. Giữa lúc gặp hiểm nguy từ một thành trì đối phương đang bị vây hãm gây nên, cách tốt nhất là không lẩn tránh mà đi thẳng tới chân tường của cái thành trì ấy Đại tá Xvi-nin quyết định không thực hiện những dự tính lúc trước mà đến gặp thẳng tướng Cô-cô-xkin tổng chỉ huy lực lượng cảnh sát.
Tại kinh đô Pê-téc-bua người ta đồn nhiều chuyện khủng khiếp và phi lý về vị tướng đứng đầu ngành cảnh sát này. Thế nhưng mọi người lại quả quyết rằng ngài tinh tế đến kỳ lạ, khiến ngài có thể "biến con voi thành con muỗi và con muỗi thành con voi".
Thật ra tướng Cô-cô-xkin rất nghiêm khắc, thậm chí có thể gọi là hung tợn nữa. Ngài khiến mọi người khiếp đảm, nhưng đôi khi lại tỏ ra dễ dãi với cấp dưới, những ai nghịch ngợm, coi thường mọi thứ và tính tình quái đản. Mà thứ người này thời ấy có khá nhiều. Không ít lần những người này đã được ngài che chở. Nói chung tướng Cô-cô-xkin là người có khả năng và biết cách thực hiện bất kỳ việc gì ngài muốn. Trung tá Xvi-nin và đại uý Mi-le hiểu như thế. Đại uý van nài cấp trên lấy hết can đảm đến gặp vị tướng đầy thế lực kia, khai thác tài “tinh tế" của ngài. Cái tài ấy chắc chắn sẽ giúp vị tướng kỳ lạ ấy tìm ra giải pháp hữu hiệu để dẹp câu chuyện này và không làm đức Vua nổi giận. Bởi vì tướng Cô-cô-xkin đã nhiều lần tránh được cơn thịnh nộ của Hoàng thượng bằng cái tài trên.
Trung tá Xvi-mn khoác chiếc áo ca-pôt, ngẩng đầu lên trời, nhắc lại mấy lần lời cầu nguyện "lạy Chúa phù hộ" rồi ra lệnh cho xà-ích đánh xe đến dinh tướng Cô-cô-xkin.
Lúc ấy kim đồng hồ đã chỉ quá bốn giờ sáng.
Chương mười
Người ta đánh thức vị tướng chỉ huy ngành cảnh sát, báo tin trung tá Xvi-nin xin yết kiến báo cáo một việc quan trọng không thể chậm trễ.
Vị tướng dậy một cách miễn cưỡng và tiếp Xvi-nin trong chiếc áo khoác ngắn. Ngài day trán, ngáp và co ro vì lạnh. Ngài rất chăm chú nghe trung tá trình bày, nét mặt vẫn bình tĩnh. Để đáp lại tất cả những lời lẽ phân trần và van nài xin tha thứ ngài chỉ nói vài câu ngắn ngủi.
- Tên lính rời vị trí để cứu người sắp chết đuối?
- Bẩm tướng quân, đúng thế.
- Còn trạm gác.
- Trạm gác bị bỏ trống.
- Hừm... Ta thừa hiểu là nó bị bỏ trống. Ta rất mừng là nó không bị kẻ nào ăn trộm mất.
Câu trả lời khiến trung tá Xvi-nin càng tin rằng tướng Cô-cô-xkin đã được báo cáo đầy đủ, đã tính sẽ tâu với Hoàng thượng như thế nào trong buổi chầu sáng sớm hôm nay, và tướng quân sẽ không chịu thay đổi dự định. Nếu không như thế thì khi nghe tin một lính canh dám bỏ vị trí ở cổng Cung điện, ngài không thể bình thản như vậy được.
Nhưng thật ra tướng Cô-cô-xkin chưa biết gì hết. Viên thanh tra cảnh sát sau khi nghe sĩ quan đại đội Phế binh và người thoát nạn kể, đã không cho đấy là sự việc quan trọng đáng phải quấy rầy giấc ngủ của một người bận rộn và mệt mỏi suốt ngày như tướng Cô-cô-xkin. Chưa kể viên thanh tra còn thấy trong lời khai của viên sĩ quan Phế binh kia vẫn còn có điều nghi vấn. Anh ta cứu người chết đuối mà áo quần lại vẫn khô ráo. Ông cho rằng thằng cha sĩ quan kia chỉ khai láo cốt để được nhận thêm một tấm huy chương nữa trên ngực áo. Cho nên trong lúc viên cảnh sát thường trực của đồn lập biên bản, viên thanh tra vẫn giữ người sĩ quan lại, hỏi vặn vẹo để cố tìm ra sự thật.
Viên thanh tra cánh sát cũng bực mình vì câu chuyện rắc rối lại xảy ra trong khu vực ông ta coi sóc và người có công cứu kẻ bị nạn lại không phải thuộc lực lượng cảnh sát.
Còn tại sao Cô-cô-xkin bình thản thì có thể cắt nghĩa một cách dễ dàng là do ông ta mệt mỏi, sau cả một ngày làm việc căng thẳng, đêm qua lại phải theo dõi việc dập tắt hai vụ hỏa hoạn. Thêm vào đó, tên lính gác Pôt-ni-côp không thuộc trực tiếp dưới quyền vị tướng chỉ huy lực lượng cảnh sát.
Nhưng tướng Cô-cô-xkin cũng ban một loạt mệnh lệnh cần thiết.
Ngài cử người đi triệu viên thanh tra cảnh sát khu vực trụ sở bộ Tư lệnh Hải quân đến, kéo theo cả viên sĩ quan cứu được người và cả người được cứu thoát nữa. Ngài đề nghị trung tá Xvi-nin chịu khó ngồi chờ ở phòng ngoài. Sau đấy tướng Cô-cô-xkin quay vào phòng giấy, ngồi xuống ghế, xem và ký các giấy tờ. Nhưng chỉ lát sau đầu ngài đã gục xuống và ngài ngủ, vẫn ngồi trong ghế bành.
Chương mười một
Hồi đó chưa có điện báo và điện thoại để truyền đì mệnh lệnh hỏa tốc của các cấp chỉ huy. Người ta phái đi theo các hướng "bốn vạn kỵ sĩ”. Cách thức này được ghi lại và còn tồn tại rất lâu nhờ một vở hài kịch của Gô-gôn.
Tất nhiên cách truyền tin ấy không nhanh chóng bằng điện báo và điện thoại, nhưng mặt khác nó lại tạo nên được không khí sôi động trong kinh thành và làm dân chúng thấy rõ hoạt động khẩn trương kịp thời của các quan chức chính quyền.
Khi viên thanh tra thở hổn hển đến, cùng viên sĩ quan đại đội phế binh và người may mắn được cứu sống thì ngài tướng quân Cô-cô-xkin kịp làm một giấc say sưa đã lấy lại được sảng khoái. Vẻ mặt ngài lúc này tươi tỉnh và trí óc ngài cũng sáng suốt.
Tướng quân mời tất cả mọi người vào phòng giấy của ngài và mời cả trung tá Xvi-nin.
Giọng tỉnh táo, ngài hỏi viên thanh tra cảnh sát:
- Biên bản đâu?
Viên thanh tra dâng một tờ giấy gấp tư và nói thầm:
- Quan lớn cho phép tôi báo cáo riêng với ngài đôi lời:
- Được.
Tướng Cô-cô-xkin bước ra chỗ cửa sổ. Viên thanh tra theo sau:
- Gì thế?
Chỉ nghe thấy tiếng thì thào của viên thanh tra và tiếng đáp rõ hơn của vị Tướng:
- Hừm... Thế à?... Ra vậy... rất có thể... anh ta bảo có thể giữ cho quần áo không ướt được à? Thế thôi chứ gì?
- Bẩm quan lớn, vâng.
Tướng Cô-cô-xkin rời khỏi chỗ cửa sổ, quay vào ngồi xuống ghế sau bàn viết, bắt đầu đọc biên bản. Nét mặt không tỏ vẻ ngạc nhiên hay băn khoăn gì hết. Đọc xong ngài hỏi ngay người suýt chết đuối bằng một giọng rành rọt và oai vệ:
- Anh làm thế nào mà ngã được xuống một hố nước ở trước mặt Cung điện nhỉ?
- Bẩm quan lớn tha tội, - người bị nạn đáp.
- Hừm.. Say rượu à?
- Bẩm quan lớn tha tội. Con không say nhưng cũng có uống chút ít.
- Sao lại ngã xuống nước được?
- Con định chạy tắt trên mặt băng, nhưng nhầm đường và thế là bị rơi xuống nước.
- Anh nhìn không rõ chứ gì?
- Trời tối quá, bẩm quan lớn.
- Thế anh có nhin rõ mặt người đã cứu anh thoát chết không?
- Bẩm quan lớn tha tội. Con không thấy gì hết. Nhưng con nghĩ rằng chính là ông này. - Anh ta trỏ viên sĩ quan rồi nói thêm. - Con không nhìn thấy gì hết. Con hoảng quá.
- Tại đêm không nằm nhà mà ngủ lại đi chơi chứ gì nữa! Bây giờ anh hãy nhìn cho kỹ ân nhân của anh. Một người quý tộc đã liều mình cứu sống cho anh đấy.
- Con xin ghi lòng tạc dạ.
- Còn ông sĩ quan, tên ông?
Viên sĩ quan nói tên.
- Anh kia nghe thấy chưa?
- Bẩm quan lớn, thấy rồi ạ.
- Anh là tín đồ Chính giáo chứ?
- Bẩm quan lớn, vâng.
- Anh hãy vào nhà thờ tổ chức một buổi cầu kinh xin Chúa phù hộ cho ông sĩ quan.
- Bẩm quan lớn, tất nhiên rồi ạ.
- Về đi. Ta không cần đến anh nữa.
Người bị nạn cúi rạp đầu xuống chào rồi đi nhanh ra cửa, mừng rỡ thấy người ta để cho mình về nhà .
Trung tá Xvi-nin sửng sốt không ngờ vực sự việc lại diễn biến như vậy. May mắn quá!
Chương mười hai
Tuớng Cô-cô-xkin quay về phía viên sĩ quan đại đội Phế binh:
- Ông đã không nề hà nguy hiểm cứu anh ta?
- Bẩm tướng quân, đúng thế.
- Lúc ấy không có ai chứng kiến, và cũng không thể có, vào giữa đêm khuya như vậy chứ gì?
- Bẩm tướng quân, đúng thế. Lúc đó trời rất tối Không một bóng người trên bờ kè ngoài lính canh đứng ở trạm gác.
- Không cần nhắc đến lính canh bởi vì họ không có quyền rời khỏi vị trí bất cứ trường hợp nào. Ta tin những điều ghi trong biên bản này. Đấy là lời khai của chính ông, phải không?
Vị tướng nhấn mạnh những lời ấy như thể ngài đe dọa ai hoặc nhắc nhở cấp dưới đừng nói dối ngài.
Nhưng viên sĩ quan không hề bối rối, mở to mắt ưỡn ngực đáp:
- Bẩm tướng quân, đấy chính là lời khai của tôi và đấy đúng là sự thật.
- Chiến công của ông xứng đáng được thưởng.
Viên sĩ quan chụm chân chào tỏ lòng biết ơn.
- Không cần cảm ơn ta, - Tướng Cô-cô-xkin nói tiếp. - Ta sẽ tâu việc này lên Hoàng thượng và có thể ngay hôm nay trên ngực ông sẽ có một tấm huy chương mới. Còn bây giờ ông hãy về nhà, ăn món gì nóng sốt rồi đi nghỉ. Chắc sẽ còn có việc phải triệu đến ông nữa đấy.
Viên sĩ quan đại đội Phế bỉnh mặt rạng rỡ chào, đi ra.
Tướng Cô-cô-xkin nhìn theo ông ta rồi nói:
- Rất có thể Hoàng thượng muốn gặp ông ta.
- Bẩm tướng quân, xin tuân lệnh. - Viên thanh tra nói, vẻ mặt nhịn nhục.
- Ông có thể về.
Viên thanh tra cảnh sát ra, khép cửa lại rồi làm dấu theo thói quen.
Viên sĩ quan đại đội Phế binh chờ ông ta ở dưới cổng. Mối quan hệ giữa họ đã trở nên khá hơn so với lúc họ mới đến.
Còn lại một mình trung tá Xvi-nin trong phòng giấy của tướng Cô-cô-xkin. Vị tướng nhìn ông một lúc lâu rồi hỏi:
- Ông chưa đến gặp ngài đại công tước chứ?
- Tôi đến thẳng đây tìm ngài trước, - trung tá đáp
- Sĩ quan phụ trách việc bảo vệ hiện giờ làai?
- Thưa tướng quân, đại uý Mi-le.
Cô-cô-xkin lại đưa mắt nhìn trung tá Xvi-nin rồi nói:
- Hình như lúc nãy trung tá kể câu chuyện có hơi khác:
Trung tá Xvi-nin chưa hiểu vị tướng này định hướng vấn đề đi đâu nên chưa trả lời. Tướng Cô-cô-xkin nói thêm:
- Nhưng không sao. ông hãy về và yên tâm mà ngủ một giấc
Buổi tiếp kiến kết thúc.
Chương mười ba
Vào một giờ trưa hôm ấy, viên sĩ quan đạiđội phế binh được gọi đến gặp tướng Cô-cô- xkin. Tướng quân vui vẻ cho biết đức Vua rất hài lòng thấy trong đại đội Phế binh của
Người có một sĩ quan tận tụy và quên mình đến như thế, cho nên đã quyết định tặng ông ta tấm huy chương "có công cứu mạng". Do đó tướng quân đích thân gắn tấm huy chương cho người anh hùng và viên sĩ quan ra về bắt đầu vênh váo. Mọi người coi câu chuyện này như thế là xong. Nhưng trung tá Xvi-nin cảm thấy có điều gì đó chưa ổn và bổn phận ông ta phải đặt Les points sur les i(1).
Trung tá thấy một nỗi day dứt trong lòng đến mức ngài lâm bệnh liền ba ngày. Ngày thứ tư, khỏi bệnh, ngài đến Nhà kỷ niệm của Vua Pi-e Đại đế xin nghe những bài ca ngợi đấng cứu thế cầu Người tha thứ. Trong lòng dịu lại, ngài trở về nhà, cho người gọi đại uý Mi-le đến gặp.
- Ông đại uý! Nhờ ơn Chúa cơn giông tố đe dọa chúng ta đã tan. Vụ bất hạnh về tên lính canh đã được ổn thoả. Bây giờ tôi tin rằng chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm. Chúng ta phải biết ơn, trước hết là lòng từ bi của Chúa, sau đến tướng quân Cô-cô-xkin. Người khác có thể bảo ngài hung ác, nhưng tôi thì rất biết ơn tướng quân đã rộng lượng và tôi rất khâm phục tài thông minh và tế nhị của ngài. Tướng quân đã lợi dụng rất tài tình thói háo danh của tên sĩ quan tranh công kia. Hắn đáng phải đánh đòn về tội khai bậy, nhưng ngài lại ban thưởng cho hắn một tấm huy chương. Nhưng đúng là không còn cách nào khác thật: trong tình thế như vậy, cần phải lợi dụng hắn để cứu những người khác. Tướng quân Cô-cô-xkin đã khéo xoay chuyển tình thế khiến cho không ai chịu nổi cả. Trái lại mọi người đều vui vẻ. Đây là nói riêng để đại uý biết, tôi được tin rằng tướng quân rất hài lòng về tôi. Ngài rất hả dạ thấy tôi đến cầu cứu ngài chứ không cầu cứu đức đại Công tước và tôi cũng không cằn nhằn gì về chuyện thằng cha khốn kiếp kia được thưởng huy chương. Tóm lại kết quả là không ai có ý kiến gì, mọi việc đều được thu xếp một cách cực kỳ tế nhị. Chúng ta cũng cần theo gương tế nhị của tướng quân và để cho mối hiểm nguy kia được loại trừ. Chỉ còn một người mà tình huống vừa qua chưa giải quyết xong. Ý tôi nói đến anh lính Pôt-ni-côp. Hiện anh ta vẫn nằm trong trại giam và đang lo chưa biết số phận sẽ ra sao. Ta cần chấm dứt nỗi đau khổ của anh ta.
- Bẩm trung tá, đúng thế. - Đại uý Mi-le mừng rỡ đáp.
- Ông nói đúng. Và ông giải quyết vụ này thích hợp hơn bất cứ ai khác. Tôi đề nghị đại uý vào doanh trại, ra lệnh thả Pôt-ni-côp rồi phạt anh ta hai trăm roi trước toàn đại đội.
1 Những dấu chấm trên các chữ i (tiếng Pháp trong nguyên bản). Ý nói phải hết sức nghiêm chỉnh (N.D)
Chương mười bốn
Đại uý Mi-le sửng sốt, muốn can cấp trên về quyết định phạt roi này. Chàng bảo trong không khí vui vẻ chung hiện giờ, nên tha tội cho Pôt-ni-côp. Anh ta chịu đựng ngần ấy ngày trong nhà giam là đủ lắm rồi. Nhưng trung tá Xvi-nin nổi nóng đến mức không chịu nghe thêm nữa.
- Không được! - ông ta ngắt lời. - Lúc nãy tôi nói với đại uý về sự tế nhị, vậy mà đại uý lại không tế nhị chút nào hết. Không được.
Trung tá chuyển sang giọng lạnh lùng nói thêm:
- Trong vụ này, không thể bỏ qua hết mọi thứ được Ngay đại uý cũng có lỗi, bởi vì đại uý đã tỏ ra hiền hậu một cách hoàn toàn không thích hợp với quân đội. Chính cái bệnh dễ dãi của đại uý đã ảnh hưởng đến cấp dưới. Tôi ra lệnh cho đại uý có mặt trong lúc thi hành hình phạt và trông coi để hình phạt được thi hành một cách nghiêm túc, một cách nghiêm khắc tối đa. Tôi yêu cầu đại uý giao cho số binh sĩ trẻ mới chuyển từ lực lượng chiến đấu về thi hành hình phạt. Bởi vì về mặt này tất cả những chiến binh lớn tuổi đều nhiễm phải cái bệnh tự do chủ nghĩa hiện đang lan tràn trong các đơn vị bảo vệ Cung điện. Họ sẽ không chịu quất roi vào đồng đội một cách mạnh mẽ mà chỉ đánh lấy lệ như đuổi rận. Tôi sẽ đích thân xuống kiểm tra xem việc trừng phạt có được thực hiện nghiêm túc không.
Không thể nào trái được mệnh lệnh cấp trên đã ban. Đại uý Mi-le tuy thương người nhưng cũng đành phải thực hiện nghiêm túc việc trừng phạt theo đúng lệnh của người chỉ huy tiểu đoàn.
Toàn đại đội được tập hợp trong sân của doanh trại, trung đoàn I-dơ-mai-lốp. Người ta mang đến những cái roi mới toanh lấy từ trong kho dự trữ. Và Pôt-ni-côp vừa được thả trong tù ra phải nhận những ngọn roi trong tay số đồng đội mới được chuyển về. Số binh sĩ này chưa bị nhiễm thói tự do chủ nghĩa lan tràn trong đơn vị bảo vệ, đã đặt một cách hết sức nghiêm túc les points sur les i theo đúng như cấp chỉ huy tiểu đoàn yêu cầu. Thi hành xong, người ta dựng Pôt-ni-côp, quấn anh ta vào chiếc áo ca-pốt mà lúc nãy họ trải xuống đất để đặt anh ta lên đánh. Rồi họ khiêng anh đến nhà thương của trung đoàn.
Chương mười lăm
Ngày sau khi nhận được báo cáo về việc thi hành hình phạt, trung tá Xvi-nin thực hiện một cuộc thăm viếng "thân tình" đối với Pôt-ni-côp. Vị chỉ huy tiểu đoàn rất hài lòng thấy mệnh lệnh của mình được thực hiện nghiêm túc. Anh chàng Pôt-ni-côp thương người đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng. Trung tá ra lệnh trích khẩu phần của cá nhân ông một cân đường và một phần tư cân chè để Pôt-ni-côp dùng trong thời gian điều trị. Nằm trên giường bệnh, nghe thấy mệnh lệnh ấy, Pôt-ni-côp nói:
- Tôi vô cùng biết ơn tình cảm nhân từ của trung tá.
Anh ta cũng "hài lòng” bởi vì đúng thế, trong ba ngày nằm nhà giam anh đã tính đến khả năng sẽ xấu hơn thế này nhiều. Ở thời đó, hai trăm roi vẫn là nhẹ so với những hình phạt mà tòa án binh xử cho tội nhân. Anh đã gặp may nhờ ở diễn biến không ngờ của sự việc như trên đã miêu tả.
Khốn nỗi số người hài lòng trong vụ này chưa dừng lại ở đó.
Chương mười sáu
Chiến công của anh lính Pôt-ni-côp ngấm ngầm lan truyền ra khắp mọi khu vực Kinh thành, khi đó báo chí chưa phát triển, đã tạo thành cả một bầu không khí đặc sệt đủ loại tin đồn, tin bầy đặt và các kiểu bình phẩm. Tên tuổi người anh hùng đích thực, anh lính Pôt-ni-côp được truyền từ miệng người này qua miệng người khác. Bản anh hùng ca càng lan rộng càng nhuốm mầu sắc lãng mạn.
Người ta kháo nhau, có một kẻ bí mật bơi từ phía pháo đài Pi-ốt và Pa-ven về hướng Cung điện Mùa Đông. Nhìn thấy hắn, một người lính canh đã bắn và làm kẻ bí mật kia bị thương. Một sĩ quan đại đội Phế binh đi ngang qua đó đã nhậy xuống nước cứu hắn. Kết quả là viên sĩ quan được thưởng xứng đáng và tên bơi bí mật kia bị xử tội. Lời đồn đại quái gở kia lan đến tận ngôi nhà trong tu viện, đến tai một vị chức sắc trong Giáo hội, vốn có tính đa nghi và tò mò ham nghe những chuyện lạ ngoài đời. Vị chức sắc này vốn rất mến gia đình mộ đạo Xvi-nin cư trú ở Mát-xcơ-va.
Vị chức sắc kia thấy câu chuyện về phát súng chưa rõ ràng, cái kẻ bí mật bơi ban đêm kia là loại nào? Nếu là một tù nhân bị giam trong pháo đài vượt ngục thì tại sao lại trừng phạt người lính canh? Bởi vì anh ta làm thế là đúng: bắn vào kẻ kia lúc hắn tìm cách vượt qua sông Nê-va. Nếu kẻ ấy không phải tù nhân mà chỉ là một kẻ bí mật cần được cứu khỏi chết đuối thì làm sao người lính canh kia lại biết được? Cả hai trường hợp lời đồn đại đều có chỗ vô lý. Trong xã hội nhiều khi người ta dễ tin những điều vô lý và thích "bàn tán". Nhưng những người đã vào sống trong tu viện thì nhìn mọi việc nghiêm túc hơn và biết cách chọn thái độ đúng đắn với những việc ngoài đời.
Chương mười bảy
Một hôm trung tá Xvi-nin đến hầu vị chức sắc kia để nhận ban phước, ngài bèn đem lời đồn đại ra bình phẩm. Xvi-nin đã kể toàn bộ sự thật về câu chuyện cho vị chức sắc nghe, và như chúng ta đã biết, hoàn toàn không giống với lời đồn đại về "phát súng" đang lan tràn khắp kinh thành.
Vị chức sắc lặng lẽ nghe hết câu chuyện thật, chỉ khẽ gật rung rung cỗ tràng hạt mầu trắng, mắt không rời người kể. Khi viên trung tá kể xong, vị chức sắc trong Giáo hội lại hỏi bằng cái giọng nhẹ nhàng, thanh thoát.
- Nghĩa là trong câu chuyện này, lời đồn hoàn toàn sai với sự thật?
Xvi-nin lúng túng, rồi lảng, trả lời một cách chung chung rằng, không phải ông mà chính tướng quân Cô-cô-xkin đã tâu lên với Hoàng thượng như vậy.
Vị chức sắc trong tôn giáo lần cỗ tràng hạt giữa những ngón tay vàng nhợt như sáp ong, im lặng một lúc rồi lên tiếng:
- Cần phân biệt đâu là lời nói dối và đâu là một sự thật chưa đầy đủ.
Lại lần cỗ tràng hạt, lại im lặng, rồi một chuỗi lời tuôn ra như tiếng suối róc rách:
- Một sự thật chưa đầy đủ không phải là lời nói dối.
- Đúng thế, thưa cha, - Xvi-nin đáp, như thể được khuyến khích. - Điều làm con băn khoăn là con đã phải trừng phạt một người lính, anh ta vi phạm điều lệnh chỉ là để...
Cỗ tràng hạt động đậy và tiếng suối róc rách ngăn lại:
- Bổn phận trong công vụ là thứ không bao giờ được vi phạm.
- Đúng thế, nhưng thưa cha, anh lính kia đã hành động xuất phát từ tấm lòng cao thượng, từ lòng thương người. Không những thế, anh ta đã phải đấu tranh tư tưởng khá lâu, đã quên đi nỗi nguy hiểm. Anh ta thừa biết rằng cứu người kia thoát chết, anh ta sẽ dấn thân mình vào nguy hiểm. Đó là một tình cảm cao quý, thiêng liêng.
- Chỉ Chúa mới có thể đánh giá thứ gì là thiêng liêng. Hình phạt đánh vào thân thể không có gì đáng kể đối với kẻ thường dân. Nó cũng không trái với tục lệ của các dân tộc, với lời văn trong Kinh sách. Một kẻ thô thiển chịu nỗi đau cơ thể dễ dàng hơn một người sống bằng tinh thần chịu nỗi dằn vặt trong tư tưởng. Con xử sự như thế không có gì là bất công hết.
- Nhưng anh ta lại không được hưởng phần thưởng dành cho những ai có công cứu sống kẻ khác.
- Việc cứu vớt kẻ khác không phải công lao mà chỉ là bổn phận. Một người có khả năng cứu kẻ khác mà không cứu là có tội. Nhưng nếu anh ta cứu thì chỉ là anh ta làm tròn bổn phận.
Một lát im ắng, rồi lại cỗ tràng hạt và tiếng nước suối róc rách:
- Để người chiến binh chịu sự lăng nhục và nhận các thương tích, coi như cái giá phải trả cho chiến công của họ có lẽ có ích hơn là chuyện được vênh váo về một tấm huy chương. Nhưng điều quan trọng hơn cả trong chuyện này là cần phải rất thận trọng, đừng bao giờ đề lộ ra tên tuổi của kẻ nào mà do ngẫu nhiên biết được sự thật trong câu chuyện này.
Rõ ràng là vị chức sắc trong Giáo hội này cũng hài lòng.
Chương mười tám
Nếu như tôi có được lòng táo tợn của những kẻ được Thượng đế ưu ái, ban cho khả năng thấu hiểu những bí ẩn của tạo hóa, có lẽ tôi đã dám tự cho phép mình nhận định rằng, biết đâu, ngay chính Thượng đế cũng hài lòng về cách xử sự của anh chàng Pôt-ni-côp, người mà Ngài ban cho một linh hồn tầm thường. Khốn nỗi đức tin của tôi lại nhỏ bé. Nó không cho phép con mắt tôi được hướng lên cao: tôi chỉ thấy những việc vụn vặt nơi trần thế. Tôi suy nghĩ về những con người trần tục. Họ chỉ yêu cái thiện một cách đơn giản bởi vì nó là thiện, chứ họ không mong chờ bất cứ một sự thưởng công nào. Theo như tôi hiểu những con người đáng tin cậy và thẳng thắn ấy chắc luôn luôn hài lòng về những tình cảm yêu thương thiêng liêng của họ cũng như niềm nhẫn nhục không kém phần thiêng liêng giống như của nhân vật chính khiêm nhường trong câu chuyện của tôi một câu chuyện có thật không hề thêm bớt.
Vũ Đình Phòng dịch