Tôi vừa bước chân lên, chiếc xe đò lại hối hả lăn bánh, để lại phía sau một đám bụi đỏ mù. Hình bóng nhạt nhòa của má và đứa con trai bé bỏng đứng chơ vơ bên lề đường khiến tôi phải cắn chặt môi để không bật thành tiếng khóc. Đã bao nhiêu lần rồi, bao nhiêu lần chia tay như thế này rồi mà tôi vẫn không sao quen được, trái tim yếu đuối tội nghiệp của tôi vẫn không ngừng thổn thức…
Lần đầu tiên tôi bước ra đi là lúc thằng bé vừa tròn 16 tháng. Nó hồng hào khỏe mạnh và giống anh như khuôn đúc. Tôi ôm chặt nó vào lòng, vuốt ve hôn hít: “ Con ngoan, con ở nhà với ngoại, mẹ đi làm mai mốt về có tiền mẹ sẽ mua cho con thật nhiều đồ chơi, thật nhiều kẹo bánh”. Tôi nghẹn ngào nhưng thằng bé vẫn vô tư. Nó chưa hiểu mai mốt là bao lâu, nó chưa biết mẹ nó đi lần này không phải như hàng ngày đi chợ mà là lâu lắm mới về. Viễn cảnh có nhiều đồ chơi, nhiều bánh kẹo khiến nó cười toe toét. Nó cũng ôm hôn tôi và dặn:“Mẹ nhớ mua cho con cây kèn thổi tò te, nghe mẹ!”. Nó vẫy tay chào, tôi vội vã bước đi rồi lại cuống quýt quay vào, xiết chặt nó trong vòng tay, hôn như mưa như gió lên khuôn mặt bé thơ còn thơm mùi sữa, hôn đôi bàn tay nhỏ xíu xinh xinh, hôn đôi bàn chân mới tập tễnh đi những bước đầu đời. Hôn như chỉ được hôn một lần này thôi rồi vĩnh viễn xa rời … Nước mắt tôi lã chã rơi, tôi thấy má cũng quay đi lấy khăn chậm lên hai khóe mắt. Đoạn đường từ nhà tôi dẫn ra lộ cái hôm đó như dài thăm thẳm …
Tôi đã sống nhiều ngày đêm thương nhớ, lo âu, những bữa ăn nghẹn lại nửa chừng và những giấc ngủ muộn mằn đong đầy nước mắt. Có đêm, tôi mơ thấy con tôi theo bà ngoại đi chùa rồi lạc mất. Giật mình thức dậy tôi cuống cuồng lo sợ, mong trời mau sáng để xin bà chủ về quê, biết đâu, chẳng phải đó là niềm báo trước? Hàng may đang nhiều, cần giao gấp cho kịp chuyến nên bà chủ không cho tôi về, thế là suốt tuần tôi sống trong tâm trạng thắc thỏm lo âu. Nhiều lúc tôi muốn mang hành lý trở về. “ Mặc kệ, ra sao thì ra, không thể bỏ thằng bé được!”. Nhưng rồi tôi sẽ làm được gì ở cái miền quê nghèo khó ấy? Tôi không đủ sức để cấy cày, để mua gánh bán bưng, nếu tôi quay về là gánh nặng trên vai ba má tôi sẽ phải oằn thêm nữa. Từ nhỏ tôi đã là con bé ốm yếu, đầy bệnh tật, ba má vất vả nhiều vì tôi , chẳng lẽ bây giờ tôi lại …!
Đôi ba tháng tôi mới được về thăm thằng bé ít ngày. Tôi mua cho nó mấy thứ đồ chơi ngộ nghĩnh. Má tôi la: “ Phải dành dụm tiền chứ con, mua đồ chơi nhiều chỉ phí, đồng tiền làm ra cực lắm!”. Vâng, đồng tiền làm ra cực lắm! Để đem lại niềm vui cho con, để bù đắp cho những thiếu thốn tinh thần của nó, tôi đã phải cặm cụi ngày đêm bên chiếc máy may, không ăn sáng, không nghỉ trưa, đêm đến khi bạn bè tôi đã ngủ yên, tôi vẫn một mình một bóng ngồi may, đến lúc mệt rã rời mới ngã lưng nằm xuống. Nằm xuống để nước mắt chảy dài, để nỗi nhớ dâng lên đau nhói trong tim …
Cứ thế thằng bé lớn dần lên, nó đã biết buồn mỗi lúc chia tay, nó chỉ buồn thôi chứ không khóc, cũng chẳng đòi theo. “Mẹ đi làm kiếm tiền nuôi con, đâu phải mẹ đi chơi”, nó nói thế mỗi khi có ai hỏi sao không đi theo mẹ? Mỗi lần tôi về rồi đi, nếu trời không mưa, đường sá không lầy lội, tôi lại được dắt tay con một đoạn, nghe nó ríu rít nói cười. Bắt chước theo bà ngoại, lần nào nó cũng dặn tôi: “ Mẹ nhớ ăn cơm nhiều cho hết ốm, mẹ đừng thức khuya, mẹ nhớ nhắn ba về thăm con, nghe mẹ!”. Và lần nào cũng vậy, khi xe chuyển bánh, phía sau lớp bụi mù nó vẫn đứng bên bà ngoại, đưa bàn tay nhỏ nhoi lên vẫy, mãi đến khi xe khuất dạng, hai bà cháu mới lủi thủi quay về …
**
*
Ngồi ở hàng ghế phía trước là một đôi vợ chồng và đứa bé gái chắc trạc tuổi con tôi. Đứa bé chỉ trỏ quang cảnh hai bên đường, líu lo hết chuyện này sang chuyện khác rồi lại đứng vào lòng ba nó vừa hát vừa nghiêng nghiêng cái đầu có hai bím tóc thắt nơ xanh. Tôi thấy vợ chồng họ nhìn con rồi nhìn nhau, tràn đầy hạnh phúc. Tự dưng nước mắt tôi lại trào ra, cảm giác xót xa đến tê tái cả người.
Những ngày tháng hạnh phúc của tôi sao ngắn ngủi quá! Thuở ấy anh và tôi yêu thương nhau tha thiết, và cũng giống như bao đôi lứa yêu nhau, chúng tôi thường nói đến chuyện tương lai, nói những câu đằm thắm thủy chung, son sắc. Tôi áp mặt vào vai áo anh, khóc: “Rồi thì chúng mình cũng sẽ xa nhau thôi, sức khỏe em, dáng dấp em… Em không xứng đáng với anh”. Anh vuốt nhẹ tóc tôi rồi từ từ nâng tôi dậy để mặt tối đối diện với gương mặt rắn rỏi của an: “Em nghe anh nói đây, anh yêu em thật lòng bất chấp những khuyết tật của em, anh suy nghĩ nhiều rồi, em đừng nên mặc cảm, không có điều gì chia rẽ được chúng ta đâu!”. Tôi nhìn sâu vào mắt anh và tôi tin anh đã nói thật lòng mình.
Thế rồi chúng tôi tổ chức đám cưới, sống với nhau những ngày vui tươi, hạnh phúc. Anh thường nói: “Ra ngoài đời gặp bao nhiêu chuyện phiền toái, nhưng vừa về tới nhà thấy em cười là anh quên hết, anh vui ngay!”. Nhưng tôi biết, len lỏi trong niềm vui kia có cả nỗi lo âu, anh sợ với sức khỏe của tôi, tôi không thể mang thai và sinh nở được. Bởi vậy từ lúc biết tôi có thai cả anh và tôi đều rất vui mừng nhưng lại nơm nớp lo âu, hồi hộp. Anh lôi về cho tôi một mớ sách dành cho người chuẩn bị làm mẹ, anh ép tôi ăn những gì cần thiết mà trong sách chỉ dạy. Có lần nghe những người già trong xóm nói rằng, nếu khi mang thai người mẹ nhịn thèm thì đứa bé sau khi sinh ra và lớn lên sẽ bị nhểu nước dãi. Cả hai chúng tôi đều không tin, nhưng hàng ngày anh vẫn hỏi tôi thèm ăn gì nói để anh mua, “ đừng nhịn thèm sau này con anh bị nhểu, xấu lắm đó!”. Anh tận tụy chăm sóc cho tôi, cho đứa con còn nằm trong bụng. Mỗi khi đi đâu về anh đều hỏi: “Thằng nhóc thế nào rồi?”. Và đêm đêm, anh thường đặt tay lên bụng tôi dõi theo từng cử động nhỏ của bào thai, tới lúc cảm nhận rõ được sự động đậy, anh sung sướng đến rơi nước mắt …
Do sức khỏe yếu, tôi phải về quê trước khi sanh hai tháng, còn anh vẫn ở lại tiếp tục công tác, nên ngày tôi sanh con không có anh bên cạnh. Tôi chỉ thoáng buồn một chút, rồi thì cái hạnh phúc được làm mẹ, được nhìn thấy đứa con kháu khỉnh đã xua tan hết cả. Anh về, anh cũng sung sướng chẳng kém gì tôi. Nhìn đôi tay anh vụng về bế đứa bé còn đỏ hỏn mà tôi cảm thấy hạnh phúc dâng ngọt lên môi, nước mắt tôi ứa ra, khi hạnh phúc tột cùng tôi cũng khóc.
Một thời gian sau cơ quan anh giải thể do làm ăn thua lỗ, anh nói với tôi có người bạn rủ anh về làm ở một tỉnh miền Trung. Vì tương lai của anh, tôi cắn răng ưng thuận. Thế là từ đó chúng tôi xa nhau. Ban đầu anh cũng về thường xuyên, rồi sau hơn 5 tháng không tin tức anh về thăm với một ít tiền phụ nuôi con, và mối liên lạc giữa anh và tôi cứ thưa dần, lỏng lẻo dần. Có khi bất chợt anh về một hai hôm rồi lại đi biền biệt. tôi hỏi nơi anh công tácthì anh trả lời lấp lửng, ỡm ờ, thành ra khi anh đi rồi tôi chẳng có cách nào liên lạc với anh được. Đã vậy người đời lại cứ hay bàn tán, nào là “xa mặt cách lòng”, “ đàn ông xa vợ con lâu ngày mấy ai tránh khỏi …”. Nỗi khổ đau buồn tủi ngày từng ngày trĩu nặng trong tôi, tôi khóc trong lặng lẽ, cô đơn …
“Anh có còn thương yêu em nữa không anh?”. Trong một lần gặp gỡ hiếm hoi, tôi đã hỏi anh như thế. Anh ôm chặt tôi vào lòng: “Lúc nào anh cũng thương mẹ con em, nhưng vì hoàn cảnh, vì tương lai của con, em hãy thông cảm cho anh. Những mất mát, khổ đau mà em đang chịu đựng, anh hứa sẽ bù đắp lại cho em…”.
Anh không nhìn thẳng vào tôi, tôi cũng không nhìn được mắt anh lúc đó, nhưng tôi vẫn tin anh nói thật lòng, mặc dù thật sự tôi không biết hoàn cảnh gì, lý do gì mà anh không cho tôi biết nơi anh làm việc?
Dù có hẫng hụt, có đớn đau đến mấy tôi cũng không thể suốt ngày ôm con khóc lóc chờ hóa đá vọng phu. Tôi phải gởi con lại quê nhà để lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Có những lúc vất vả thể xác cộng với nỗi đau tinh thần đã quật ngã tôi xuống nhưng tôi lại cố đứng lên vì gắn liền với tôi còn có đứa bé, cần tiền lo thuốc thang khi nó ốm đau, cần miếng ăn hàng ngày và chuẩn bị cho nó đến trường cùng bè bạn. Và, chẳng biết tôi có mù quáng chăng, khi tôi vẫn nhớ câu anh nói: “Lúc nào anh cũng thương mẹ con em…”
Con tôi bây giờ đã sắp vào lớp một. Tôi đã đi qua khỏi tuổi ba mươi, nhưng với tôi, anh vẫn còn là một ẩn số.
**
*
… Đứa bé ca hát chán, giờ đây đã ngã đầu vào lòng mẹ thiu thỉu ngủ. Người mẹ vỗ vỗ vào lưng con, hát ru khe khẽ:
Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình …
Khóe mắt tôi lại xốn xang, không biết vì đám bụi đường hay vì câu hát của người mẹ ngồi phía trước?