Vừa quẹo xe vô đầu hẻm tôi đã phải thắng “ kít” lại vì một đám con nít túa ra:
-Ê, con câm!
-Con câm,ư … ư …
Bực mình, tôi quát lớn:
-Tụi bây có im đi không! Mắc mớ gì cứ theo chọc ghẹo con người ta hoài vậy?
Lũ trẻ len lét nhìn tôi rồi len lét bước đi. Tôi quay sang nói với con câm đang đứng lặng:
-Em đi đi, tụi nó không theo chọc nữa đâu!
Nó nhìn tôi hàm ơn rồi cúi xuống xách hai cái xô nặng nhọc bước đi .
Con câm không ở cùng hẻm với tôi. Nó ở hẻm dưới kia nhưng ngày nào cũng phải ra vô con hẻm này vài ba lượt. Bởi vì nhà nó nuôi nhiều heo gà, còn những nhà trong hẻm tôi thì chẳng ai chăn nuôi, nên sáng sáng người ta sẵn sàng nhận những chiếc xô không nó đem tới để đổ vào đó nước vo gạo, canh thừa, cá cặn trong ngày. Chiều đến, nó lại đi từng nhà để thu gom những chiếc xô lúc này đã đầy ắp. Bọn con nít thì cứ chờ nó xuất hiện để hùa nhau trêu chọc, hùa nhau bắt chước cách ra dấu bằng tay và nhại những tiếng ú a ú ớ của nó.
Má tôi kể rằng, năm nó lên hai tuổi thì ba nó chết, không bao lâu má nó đi theo một gã bán thuốc sơn đông, bỏ nó lại cho bà nội già nua nuôi dưỡng. Mấy năm sau nội nó qua đời, từ đấy chú thím nó phải cưu mang.
Ba tuổi, nó chưa biết nói. Nội nó bảo: “trẻ con thường sớm đi thì chậm nói”. Nhưng mãi đến bốn, năm tuổi nó vẫn chưa nói được. “Quái lạ, con này không điếc mà lại câm! Mày chịu hậu quả của ba mẹ mày rồi đó con ạ!” những lúc vui thím nó thường bảo thế.
Ba nó thuộc loại người “bán trời không văn tự”, hoang đàøng chi địa. Một lần đòi tiền đi nhậu nhẹt nội nó không đưa, hắn đã đánh bà già thừa chết thiếu sống rồi bỏ nhà đi giang hồ một thời gian, chừng quay lại dắt theo cô vợ “mắt xanh môi đỏ” có cái quá khứ đầy ấp nhuốc nhơ.
Từ ngày hắn về, trong nhà không có lấy một ngày yên ổn khi thì hắn quậy quạng với người này người này người khác, khi thì chính hai vợ chồng hắn “đại chiến” với nhau. Không chịu đựng nổi, vợ chồng người em đã ngăn ngôi nhà ra làm hai để ở riêng, nhưng vẫn không thoát khỏi những phiền phức do vợ chồng hắn gây ra.
Hình như hồi nhỏ con câm được ba mẹ nó gọi bằng cái tên đẹp lắm, Cẩm vân hay Hồng vân gì đó, nhưng từ lúc nội nó qua đời, cái tên của nó cũng theo nội nó đi luôn. Chú thím gọi nó là “Con Câm”, và thế là ai cũng gọi nó như vậy. Cái khuyết tật đã trở thành tên của nó.
Thím nó tuy hay mắng chưởi, đánh đập nó nhưng cũng không phải làkẻ ác tâm, chẳng qua cuộc sống khốn khổ khiến bà trở thành người hay bẳn gắt . Hồi mới đem nó về nuôi, bà chẳng ưa gì nó, nhất là những lúc thóc cao gạo kém, mấy đứa con do bà rứt ruột đẻ ra còn phải đói lên đói xuống, quần áo tả tơi thì với nó bà chỉ muốn tống khứ ra đường. “Một giọt máu đào hơn ao nước lả”, chồng bà thường khuyên bà như thế. Từ lúc còn bé xíu, nó đã phải bồng em, quét nhà, lo cơm nước, lớn lên một chút nó đã đỡ đần bà được rất nhiều việc trong nhà, ngoài ruộng. Bây giờ thì bà thương nó lắm, nhưng gia cảnh còn thiếu trước hụt sau, bà vẫn chưa lo gì cho nó được. Mười lăm tuổi, một chữ cắn đôi cũng không biết, thân mình đen nhẻm và gầy đét như một nhánh cây khô, quần áo vá víu lung tung, trông nó như một con ăn mày ở đầu đường, xó chợ. Mỗi cái tết, thím nó cũng tằn tiện may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới, nhưng mặc xong ba ngày tết là nó lại xếp vào ngăn tủ.
Những lúc xong việc nhà, nó đi bắt ốc, bắt cua hoặc hái rau đem ra chợ bán, tiền đó nó được quyền giữ riêng trong túi. Nó không chú ý đến quần áo, dép giày, nó chỉ đặc biệt mê chiếc xe đạp! Ai đưa xe nhờ nó đi đâu, dù gần hay xa, mưa hay nắng nó chẳng những vui vẻ nhận lời mà còn tỏ ý biết ơn người nhờ nó nữa. Lần nào đến nhà tôi lấy nước cặn, gặp lúc tôi đang rửa xe là nó nhanh nhẹn xắn tay vào làm giúp. Nó lau một cách cẩn thận, nhẹ nhàng trông giống như người ta đang chùi bóng một viên ngọc quý, và cái ánh mắt khát khao của nó làm tôi phải chạnh lòng. Thím nó kể với hàng xóm rằng ý định của nó là dành dụm tiền để mua chiếc xe, nhưng mấy bận nó gom góp được vài chục ngàn thím nó lại kẹt tiền nên mượn hết, lần này bà quyết định không làm tan vỡ ước mơ nó nữa .
Sáng chủ nhật chợ rất đông người, ai ai cũng tranh thủ ngày nghỉ này để đi mua sắm, để nấu cho chồng con bữa ăn đặc biệt hơn ngày thường. Vốn tính nhanh nhẹn nên chẳng mấy chốc tôi đã mua đầy đủ những thứ cần thiết cho thực đơn ngày chủ nhật. Ra khỏi hàng cá, tôi định vòng qua hàng rau cải để đến chỗ gửi xe, chợt nhìn thấy con câm đang ú ớ chào mời, trước mặt nó là rổ rau đắng đất tươi xanh. Cá lóc nấu canh với rau đắng đất là món ăn khoái khẩu của chồng tôi, nhưng loại rau hoang dại đó chẳng ai trồng, thỉnh thoảng mới có người hái đem ra chợ bán. Gặp tôi, con câm cười thật tươi. Tôi hỏi nó giá rổ rau, nó ngúc ngoắc một ngón tay làm tôi bật cười: “Rẻ vậy sao? Hái cả buổi trời mới được rổ rau non ngon lành mà chỉ bán một ngàn thôi sao?”
Nó ra dấu hỏi tôi về nhà chưa cho nó được chở về. Đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, tôi ngán đạp xe tới cổ, đang tính dành dụm, gom góp thêm ít tiền sắm chiết xe gắn máy vi vút với người ta, nó thì lại ước mong được đi xe đạp, dù là đi nhờ và phải đèo thêm một người có trọng lượng hơi “quá tải” như tôi. Tôi kéo nó vào hàng hoa quả để mua một ít trái cây. Tháng nào cũng vậy, cứ đến ngày mười bốn, rằm là tôi lại mang hoa quả lên chùa lạy phật, cầu sự bình yên cho gia đình, dòng họ.Tôi không là kẻ cuồng tín nhưng tôi vẫn tin tưởng vào các đấng thiêng liêng, tin tưởng vào luật nhân quả của nhà phật. Bởi vậy, các đợt vận động quyên góp để sửa chửa, xây cất chùa chiền tôi rất nhiệt tình ủng hộ. Tôi thầm tự hào rằng sự thành đạt của chồng và các con là nhờ “âm đức” mà tôi đã tích góp từ thời còn con gái.
Hàng hoa quả sáng nay cũng lắm người mua bán. Tôi chọn mấy chục xoài, hai ký nhãn và một bó huệ trắng, mặc dù giá có hơi cao nhưng trái nào trài nấy to tròn, căng mọng nhìn rất thích mắt.
-Trời đất ơi , nó lấy hết tiền của tui rồi !…
Tiếng la thảng thốt làm tôi giật mình quay lại. Mọi người cũng nhón nháo, đổ xô về một góc. Người đàn bà buông thau xôi xuống đất ôm mặt khóc hu hu, trên tay chị là chiếc túi thức ăn gia súc hiệu con cò bị rạch một đường dài dưới đáy.
-Vốn liếng của tôi, cả tiền tôi mới vay để về chạy thuốc cho thằng nhỏ! …Trời ơi là trời, làm sao tôi sống được đây? …
Người bán hoa quả vừa đưa tiền thối lại cho tôi vừa kể :
-Tội nghiệp! “ Nghèo lại mắc phải cái eo”, chồng chết, một mình buôn tảo bán tần nuôi ba con nhỏ, vốn liếng chỉ có thau xôi, đã vậy mấy bữa nay thằng nhỏ phải nhập viện…
Tôi thấy mủi lòng, nhưng biết làm sao, mỗi người một số phận …
Con câm rút tay khỏi tay tôi, cố chen lấn đám đông để đến bên người phụ nữ ấy. Bực mình vì tính tò mò của nó, tôi cũng chen vào để kéo nó về. Và, thật bất ngờ khi tôi nhìn thấy con câm đưa tay vào lưng quần kéo cái túi rút may bằng thứ vải nâu cũ kỹ, nó thoăn thoắt mở dây, trút ra những tờ giấy bạc loại một ngàn, hai ngàn, năm ngàn đồng cũ rích nhưng lại rất phẳng phiu, được nó sắp lại từng xấp: Chín mươi ba ngàn hai trăm đồng cả thảy. Nó trân trọng đặt số tiền ấy vào tay chị bán xôi, ú ớ gì đó rồi cười bẽn lẽn, quay đi trước ánh mắt ngơ ngác của mọi người.
Cổ họng tôi đắng ngắt, túi hoa quả trên tay bỗng nhiên trĩu nặng.