Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> ĐÊM THÁNH NHÂN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13308 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ĐÊM THÁNH NHÂN
NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH

Chương 9
Con tàu chở bác sĩ Trương Vĩnh Cần chạy ra khỏi thị xã được hơn một giờ đồng hồ thì ông bác sĩ cũng từ từ chìm vào giấc ngủ ly bì của bệnh tâm thần phân lập. Một giấc ngủ không mê sảng và tối đen như cái chết. Nằm co rúm trong góc ghế lại khuất sau cánh cửa ra vào toa nên chẳng mấy ai để mắt tới ông bác sĩ. Ba mươi nhăm giờ sau nghĩa là vào cuối chiều ngày thứ hai bác sĩ Trương Vĩnh Cần mới giật mình choàng dậy. Cũng đúng lúc đó một người soát vé trên tàu sừng sứng hiện ra trước mặt ông bác sĩ. Sau khi xem vé, người đó kêu lên:
- Chết rồi bố ơi. Bố đi quá một ngày đường rồi.
Lập tức bác sĩ Trương Vĩnh Cần bị đưa về phòng cuối cùng của toa cuối cùng. Một giờ sau con tàu từ từ dừng lại. Anh trưởng tàu đội mũ lông thỏ ngồi đánh chân lẻ trên chiếc chiếu trải giữa toa quay lại hất đầu ra lệnh cho ông bác sĩ:
- Bố già xuống đi. Tha không bắt nộp phạt đấy nhá.
Bác sĩ Cần ngơ ngác. Một anh chíp cũng đang ngồi góp trong chiếu bạc thò cắng đạp khẽ vào đít bác sĩ Cần:
- Xếp ưu ái bố đấy. Biến.
Thế là bác sĩ Cần bị đấy xuống sân ga. Và con tàu lại hú còi hùng hục băng đi. Cái ga bác sĩ Cần bị thả xuống là một ga xép không tên đã bị bỏ hoang nằm lọt thỏm giữa những trang cát mênh mông. Biển gào ở trước mặt. Núi rừng bá vai nhau trùng điệp sửng sững ngay sau lưng. Trời lúc này đã ngả chiều trên cái sân ga lơ phơ cỏ dại chỉ còn sót lại một giải nắng vàng như xát nghệ. Bác sĩ Cần ngồi ngay đơ giữa hai đường ray. Ông ngắm núi ngắm rừng ngắm biển. Gió chiều lồng lộng và cái không khí hoang vu cô tịch xung quanh khiến cho ông bác sĩ dần dần tĩnh trí lại. Ông hỏi thầm:
- Ðây là đâu nhỉ.
Từ xa vẳng lại tiếng nhạc ngựa leng keng. Một con ngựa ô kéo cỗ xe thồ bánh gỗ mui vải lăn bánh trên con đường mòn chạy ngang qua trảng cát. Cỗ xe lóc cóc tiến lại gần. Bác sĩ Cần nhồm phắt dậy ôm bọc quần áo lao ra khỏi cái sân ga. Cỗ xe đỗ lại. Con ngựa phì một hơi như xả bễ mồm nó phòi ra đống dãi trắng lốp. Một gã trai áo cổ vuông đầu trọc thò đầu ra quát to:
- Về Ðức Lưu?
Bác sĩ Cần nhảy dựng lên:
- Về.
Gã trai hét lên:
- Lên đi.
Bác sĩ Cần lại nhẩy dựng lên:
- Lên đây.
Thế là ông trèo tót lên cỗ xe ngựa trong xe lố nhố một đống người chen chúc với một đống thúng mủng xực nức mùi cá bể đã phơi no nắng. Chiếc xe ngựa giật mạnh rồi lại lóc cóc lăn bánh chạy về phía núi rừng trập trùng xanh biếc. Người trong xe cứ xuống dần. Chìêu cung đang đổ nhanh đua cùng vó ngựa đang phi. Trời nhập nhoạng thì cỗ xe ngựa cũng về tới một dãy phố nhỏ nằm sát cạnh con đường quốc lộ trải nhựa. Trên xe chỉ còn lại bác sĩ Cần và một ông cụ râu tóc như cước, dễ phai tới tám mươi, người nhỏ như quả ô mai đang ngồi ôm khư khư một cái bọc to tướng cứng đơ đơ. Gã trai đánh xe ngựa nhảy phóc xuống đất, lễ phép:
- Mời cụ và ông xuống ạ.
Thoắt một cái ông cụ đã tụt khỏi cỗ xe ngựa. Sau khi đon đả chào gã trai trẻ ông cụ vui vẻ hỏi ông bác sĩ:
- Không dám hỏi ông có biết huyện đội Ðức Lưu ở đâu không ạ?
Bác sĩ Cần ngơ ngác. Gã trai đang tháo ách cho con ngựa quay lại nói to:
- Cụ cứ đi thẳng. ở cuối phố đấy. Cái nơi có cổng chào mắc đèn nê-ông sáng choang ấy. Ông cụ xuýt xoa cám ơn rồi vật cái bọc to tướng cứng đơ lên vai xăm xăm bước đi. Thấy ông bác sĩ vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, ông cụ ngoái lại hỏi:
- Thế ông bác về đâu?
Bác sĩ Cần lúng túng. Ông cụ hạ giọng hỏi:
- Có phải ông bác cũng ở ngoài đó nghe đài báo nhắn tin rồi vào đây tìm con tìm cháu có phải không?
Bác sĩ Cần chắp tay:
- Dạ thưa...
Ông cụ thở phào:
- Thảo nào ban nãy ở trên xe già này đã ngờ ngợ. Thế thì mời ông bác theo già này đến huyện đội già này cũng vào đây tìm con cháu đây.
Bác sĩ Cần lại dạ một tiếng và cứ thế cúi đầu bước theo ông cụ đang đi thoăn thoắt như chạy. Ðêm hôm đó bác sĩ Trương Vĩnh Cần nghiễm nhiên là khách quí của huyện đội Ðức Lưu. Ông bác sĩ được đưa vào nghỉ trong một phòng nhỏ giường chiếu sạch sẽ. Sau khi rửa mặt rửa chân ông được mời đi ăn cơm ở nhà khách của huyện đội. Khoảng độ 9 giờ tối mắc màn xong có tiếng gõ cửa rồi một anh bộ đội còn trẻ ăn mặc chỉnh tề đội mũ đeo sao bước vào chào hỏi lễ phép tự xưng là Trần Văn Hợi thượng úy huyện đội phó vừa đi công tác về. Anh Hợi vui vẻ bảo:
- Mời bác nghỉ ngơi. Sáng mai sẽ vào khe Hú. Xe cộ đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. ăn sáng xong là mời bác và cụ đi luôn. Bác sĩ Cần chẳng hiểu gì cả. Ông vâng dạ luôn miệng. Anh Ðợi cười vui vẻ chào ông bác sĩ rồi lễ phép đi ra không quên khép cửa lại rất nhẹ nhàng cho đến lúc này anh vẫn tưởng bác sĩ Cần và ông cụ là người trong cùng một gia đình. Sáng hôm sau, bác sĩ Cần dậy rất sớm. Ông đã nhìn thấy có cái xe ô tô com măng ca đít vuông đỗ ngay ngoài cửa sổ. Cảnh vật đất trời ở đây nom thật lạ mắt. Ðất đỏ. Cát trắng. Cây xanh. Tiết trời đã vào độ giáp tết ta rồi. Vậy mà buổi sáng sớm vẫn cứ chan hòa nắng gió oi ả hệt như mùa hè. ăn xong nắm xôi và hai qua chuối thì anh Hợi mũ áo chỉnh tề bước vào vui vẻ chào hỏi rồi ân cần đưa ông bác sĩ ra sân. Cậu bộ đội lái xe trẻ măng vui vẻ chào to: "Bác ạ". Rồi nhanh nhảu đỡ ngay lấy cái bọc áo quần ở tay ông bác sĩ. Trên xe đã thấy ông cụ tóc bạc đang ngồi ngay ngắn tay ôm bó hương và một xếp giấy thơm vàng mã. Cạnh chân cụ có một cỗ tiểu sành già lửa bóng nhẫy. Chiếc com măng ca nồ máy ròn rã từ từ ra khỏi sân doanh trại huyện đội chui qua cổng chào to tướng rồi bắt vào đường quốc lộ. Chạy được hơn cây số thì rẽ vào con đường cấp phối đồi. Cát trắng và biển ở phía sau lưng. Núi rừng trập trùng cao ngất ở ngay trước mặt. Xe chạy ầm ầm, xóc tung cả người. Con đường quanh co lúc lên lúc xuống. Hai bên đường trạc chìu ngả nghiêng trên những vạt đồi. Xe chạy mười cây số thì chui tọt vào rừng sâu. Bây giờ chỉ còn nhìn thấy rừng. Rừng như bưng lấy mắt. Thỉnh thoảng anh Hợi ngồi ghế trước ngoái lại nói gì đó nhưng bác sĩ Cần không nghe rõ vì tai ông đang bị ù. Xe cứ chạy như thế tới gần trưa thì đỗ xịch lại bên bờ con suối lớn chảy ào ào như thác. Bên kia bờ suối là cỏ tranh ngút ngàn. Lác đác đó đây nhô lên những thân cây cổ thụ bị đốt cháy đen thui vương lại chút ít dấu tích của một nơi có lẽ đã có con người đã từng qua lại ăn ở. Anh Hợi xuống xe, rồi trỏ sang bờ bên kia, nói:
- Thưa cụ, thưa bác, Khe Bú ở ngay bên kia rồi ạ.
Bác sĩ Cần vẫn cứ ngơ ngác. Nhưng ông cụ tóc bạc thì có vẻ xúc động mạnh. Nách cẩp chặt cỗ tiểu. Cụ bật kêu lên: "Con ơi!". Rồi cứ thế băm băm lội qua suối. Anh Hợi cuống quít xắn quần nháy xuống nước:
- Rêu trơn lắm cụ ơi, khéo ngã đấy.
Nhưng cụ chẳng thèm ngã. Cậu lái xe vác một đống cuốc xẻng cũng ào ào lội theo. Còn trơ lại bác sĩ Cần. Ông đứng ngẩn ra một lúc rồi cũng lóp ngóp theo sau rốt. Lên đến bên kia bờ, anh Hợi dẫn đầu ba người nối đuôi bám nhau cứ thế rẽ cỏ tranh mà đi. Nắng xiên vào mặt. Gió ù ù lẫn tiếng vượn hú lành lót thấp thỏm. Cảnh rừng thật hoang vu rờn rợn. Tới một bãi đất khá bằng phăng anh Hợi dừng lại nói to:
- Tới rồi ạ.
Rồi anh trải ra đất một tấm bản đồ nhàu nát có đánh dấu nhằng nhịt. Mặt anh Hợi đầm đìa mồ hôi. Hai mắt anh nheo nheo. Ngón tay trỏ của anh di di trên tấm bản đồ tìm kiếm. Rồi anh lẩm bẩm:
- Ðây rồi Phần mộ đồng chí Xuân...
Cậu lái xe chống xẻng góp một câu:
- Ðiểm chuẩn ngoài thực địa là cây trám đen bốn mét tính về phía bắc.
Anh Hợi nói:
- Ðúng rồi. Bốn mét về phía bắc.
Rồi anh Hợi ngẩng nhìn bác sĩ Cần:
- Ta đào ngay bác nhỉ.
Bác sĩ Cần lúng túng như gà vướng tóc. Nhìn sang đã thấy ông cụ đốt một bó hương cháy đùng đùng rồi chắp tay vái lia lịa vào ba bề bốn bên rừng cây rậm rạp chằng chịt. Cậu lái xe đă cởi phăng áo và hắt đầu bổ cuốc. Anh Hợi cầm ngang cán xeng phạt cỏ tranh. Bác sĩ Cần đi tới đi lui rồi cũng cầm lấy cuốc bổ xuống đất. Còn ông cụ lúc nãy đã ngồi thụp xuống đốt vàng mã. Trưa rừng yên tĩnh chỉ còn nghe tiếng cuốc đất huỳnh huych. Ba người mê mải đào. Ông cụ chạy tới chạy lui quanh cái lỗ huyệt đang xuống sâu dần. Thình thoảng lại kêu lên: "Con ơi!". Rồi ông cụ chắp tay khấn vái tứ tung. Ðào tới lút đầu người thì cậu lái xe lấm như con ma vùi vất xẻng chống tay vào thành huyệt nhảy tót lên. Người cậu xực nức mùi đất mới. Cậu lái xe lắc đầu:
- Chỉ toàn rễ cây. Trượt rồi.
Anh Hợi lại trải tấm bản đồ ra đất lò mò tìm kiếm. Lúc này đã chính ngọ. Trời không nắng nhưng ong ong oi bức lạ thường. Ai cũng mệt nhoài. Anh Hợi dụt dè:
- Trưa rồi, mời cụ và bác sĩ về xe nghỉ ngơi ăn tạm bát mỳ cho đỡ đói. ý cháu là chiều lại đào tiếp có được không ạ.
Ông cụ chắp tay vái anh Hợi:
- Các anh vất vả thế này tôi ái ngại quá. Thôi thì trăm sự nhờ các anh cả.
Anh Hợi ngượng đỏ mặt. Bốn người lại rồng rắn quay về chỗ xe đỗ. Anh Hợi và cậu lái xe thoăn thoắt gầy bếp, bắc nồi đun nước. Ông cụ và ông bác sĩ được mời ngồi nghỉ trên tấm bạt trải cạnh xe. Mươi phút sau đã thấy anh Hợi lễ phép bê đến hai bát mì tôm nghi ngút khói, bát nào cũng đập thêm 2 quả trứng gà. ăn xong, anh Hợi lại mời ông cụ lên xe nằm nghỉ. Bác sĩ Cần ngâm ngẩm đau bụng. Ông bèn lọ mọ men theo bờ suối lộ xuôi về phía dưới độ dăm chục mét rồi chui vào bụi rậm tìm chỗ. Trưa rừng yên tĩnh. Tâm trí bác sĩ Cần nhẹ nhõm tỉnh táo. Cơn đau bụng đã hết. Ngồi mãi trên tảng đá rộng như cánh phản mà không ỉa được, bác sĩ Cần thiu thiu buồn ngủ. Thế là ông bèn ngả ngay lưng ra và nhắm mắt lại. Nhưng đúng lúc ấy có tiếng chân người lội suối lõm bõm. Một anh bộ đội trẻ măng đội mũ tai bèo, quần về tới gối đứng ở giữa dòng suối mỉm cười rồi vẫy vẫy:
"Ði theo tôi".
Bác sĩ Cần ngạc nhiên quá ngây mặt ra nhìn. Anh bộ đội lại vẫy vẫy rồi hỏi to:
"Tìm thằng Xuân khểnh chứ gì. Ðã bảo cứ đi theo tôi mà". Thế là bác sĩ Cần vùng dậy đi theo anh bộ đội lạ mặt. Hai người đi vòng vèo trong rừng rồi tới một cái hang rất to. Ngoài cửa hang có tấm biển gỗ viết nguệch ngoạc bằng hắc ín: Kho Z3. Trong hang có một cái sạp chạy hun hút mãi vào phía trong. Trên sạp chồng chất hàng trăm hòm gỗ đóng đai đóng kiện. Anh bộ đội ghé vào tai ông bác sĩ: "Toàn bột cá Triều Tiên đấy. Nhưng cũng có vài chục hòm lương khô 702 ". Rồi anh giảng giải: "Xuân khểnh là tổ trưởng. Tôi và thằng Hữu bống là tổ viên. Lính kho mà". Bác sĩ Cần hỏi: "Anh Xuân đâu. Có ông cụ người nhà anh ấy đang vào tìm đấy". Anh bộ đội nói cụt lủn: "Nó chết rồi" Bác sĩ Cần hỏi: "Sốt rét chết à ". Anh bộ đội lắc đầu: "Nằm lên quả lựu đạn". Bác sĩ Cần hỏi: Thế nghĩa là ra làm sao" Anh bộ đội thần mặt một lúc rồi nói: "Ði theo tôi". Thế là hai người lại đi vòng vèo trong rừng một lúc. Lát sau cả hai tới một bản Vân Kiều ở bên bờ một con suối lớn nước chay trắng xóa. Lúc này trời đã muộn. Ngôi nhà nào trong bản cũng đang tỏa khói lam chìêu. Anh bộ đội dẫn ông bác sĩ trèo lên một ngôi nhà sàn ở giữa bản. Trong nhà râm ran tiếng nói cười. Một anh bộ đội trẻ măng có cái răng khểnh rất tươi đang ngồi cười nói huyên thuyên giữa một tốp trai gái trong bản. ở góc nhà cạnh lối cầu thang có một thằng bé đang nghịch quả lựu đạn chầy. Thằng bé táy máy giật luôn cái nụ xòa. Quả lựu đạn xì khói. Thằng bé sợ quá ríu tay quẳng luôn qua lựu đạn xuống sàn nhà. Anh bộ đội răng khểnh hét lên một tiếng rồi lao ngay tới chỉ kịp nằm đè lên quả lựu đạn. Một tiếng nổ vang. Cái sàn nhà xập xuống. Khói bụi mù mịt. Loáng một cái bác sĩ Cần đã thấy mình đang đứng cạnh một cây trám già giữa bãi cỏ tranh thênh thang. Có một cái huyệt mới đào đất đỏ tươi như máu cách cây trám khoáng khoảng 4 mét. Dân bản già có trẻ có, đàn ông có đàn bà có bu quanh miệng huyệt khóc như ran như rồi. Anh bộ đội ghé sát vào mặt ông bác sĩ hỏi hỏi: "Hiểu chưa". Bác sĩ Cần gật gật đầu: "Hiều rồi. " Anh bộ đội hỏi lại: "Hiểu rồi à Thế thì tôi đi đây". Rồi anh bộ đội thong thả bỏ đi. Ðám người cũng rã dần. Tất cả mờ dần rồi biến đi như ảo ảnh. Còn trơ lại ông bác sĩ Cần bên cạnh cái lỗ huyệt. Bác sĩ Cần bàng hoàng. Ông tự hỏi: Trời ơi. Lại nằm mơ ư. Ông bò tới bên miệng huyệt ngó xuống. Huyệt sâu hun hút như vực. Bác sĩ Cần gào lên: "Xuân ơi" Có ai đập nhẹ vào lưng ông: "Xuân đây". Bác sĩ Cần quay ngoắt lại. Một anh bộ đội đứng sát ngay phía sau cười, cái răng khểnh rất có duyên: "Xuân đây. Bác tìm tôi à ". Bác sĩ Cần run run gật đầu. Anh bộ đội rẳng khểnh lại cười: "Muốn tìm tôi thì phải đến bản Bú ở bờ sông Cà Lồ. Hỏi nhà anh Liêng, Trưởng bản."
Ðúng lúc đó có ai đập mạnh vào chân bác sĩ Cần. Ông choàng tỉnh dậy. Cậu lái xe vui vẻ cười hàm răng lóa nắng:
- Sao bác lại ngủ ở đây. Nhỡ rắn cắn thì chết.
Bác sĩ Cần vâng dạ đi theo cậu lái xe. Ông chưa hết bàng hoàng cơn mộng mị kỳ dị vừa xẩy ra. Chiều hôm đó, cái huyệt được đào rộng ra gấp đôi và sâu thêm một mét nữa nhưng vẫn không tìm thấy quách của anh liệt sĩ Xuân. Anh Hợi đành đề nghị mọi người quay về huyện đội nghỉ để hôm sau quay lại đào tiếp. Ði lối nào về tới lối ấy. Bảy giờ tối chiếc xe com măng ca đã về tới sân huyện đội. Một mâm cơm khá thịnh soạn đã được dọn sẵn ở nhà khách. Cơm nước xong, ông cụ có vẻ mệt nên về phòng nằm nghi. Anh Hợi mời bác sĩ Cần ra hiên ngồi uống nước, hóng gió. Anh huyện đội phó vẫn đinh ninh bác sĩ Cần là người nhà họ hàng liệt sĩ Xuân cùng đi vào đây với ông cụ nên anh nói:
- Nhờ bác động viên cụ. Những chuyện lạc mộ trục trặc như thế này vẫn xẩy ra như cơm bữa. Ngày mai quay vào đào rộng ra vài mét nữa là gặp ngay thôi ạ. Bác sĩ Cần ngồi lắng nghe ừ ào. Rồi ông buột miệng hỏi:
- Thưa anh, sông Cà Lồ ở đâu?
Anh Hợi lễ phép trả lời:
- Sông Cà Lồ cũng gần đây thôi ạ.
Bác sĩ Cần nhắm mắt. Ông nói như trong giấc ngủ:
- Cà Lồ. Bản Bú. Hỏi nhà anh Liêng trưởng bản.
Anh Hợi đang rót nước vội đặt ngay cái ấm xuống. Rồi anh reo lên khe khẽ:
- ờ nhỉ. Thế mà không nghĩ ra. Cứ đến hỏi bố con anh Liêng là rõ cả thôi.
Khắp cả vùng huyện Ðức Lưu cát trắng khô như rang chỉ có một dòng sông Cà Lồ nước trong vắt lạnh buốt từ núi rừng chảy ra. Mười năm về trước bản Bú bị một bệnh dịch tàn phá chỉ trong non một tháng đã giết chết một phần ba dân trong bản. Ðể cứu dân bản Bú huyện ủy Ðức Lưu vội di chuyển toàn bộ dân bản Bú ra khỏi rừng đưa về lập bản ở gần vùng cửa sông Cà Lồ chảy ra biển. Bản Bú đổi tên là bản Cà Lồ. Sáng ngày hôm sau com nước xong, chiếc com măng ca lại chở mọi người chạy thẳng về bản Cà Lồ. Chỉ khác là lân này trên đường đi núi rừng ở sau lưng. Cát trắng và biển ở trước mặt. 8 giờ đi. 9 giờ đã tới nơi. Bản Cà Lồ lô nhô nhà ngói nhà tranh nằm san sát bên bờ con sông Cà Lồ lững lờ trong vắt Nhà trưởng bản Liêng ở giữa xóm, ngay dưới cây cột cờ cao chót vót. Trưởng bản Liêng chột mắt, thọt chân tóc muối tiêu tập tễnh ra tận cổng đón khách rước lên hiên nhà. Sau vài câu chào hỏi, vừa nghe anh Hợi giới thiệu ông cụ là bố đẻ của liệt sĩ Xuân. Trưởng bản Liêng thụp xuống lạy rồi rống lên:
- Ông ơi... Xin ông tha tội cho con.
Ông cụ không nói gì cả chỉ sẽ đỡ trưởng bản Liêng đứng dậy. Lúc đó vợ trưởng bản Liêng đội thúng đi chợ về ngơ ngác đứng ở ngoài sân. Trương bản Liêng mếu vừa ngoái ra tuôn một tràng líu lo. Vợ Liêng kêu úi một tiếng, quăng ngay cái thúng chắp tay vái lấy vái để. Ba bốn đứa trẻ ở đâu cũng chạy tới rối tít vái lạy. Ông cụ xoa đầu đứa bé nhất rồi lấy bánh kẹo trong cái làn ra chia cho cả nhà. Anh Hợi quay sang ghé vào tai bác sĩ Cần:
- May quá. Thế là không có chuyện gì xẩy ra.
Trưởng bản Liêng đi giật lùi rước ông cụ và bác sĩ Cần vào nhà mời ngồi uống nước, hút thuốc. Khi nghe anh Hợi nói là đã vào bản Bú mà chẳng tìm được quách liệt sĩ Xuân. Trưởng bàn Liêng rơm rớm nước mắt:
- Bản Bú dời về đây thì con cũng rước anh Xuân về đây rồi.
Anh Hợi thở phào:
- Thảo nào, chúng tôi đào mãi chẳng thấy gì.
Tới lúc này ông cụ mới se sẽ nói:
- Phiền các bác cho già này được ra thăm cháu.
Trưởng bản Liêng vâng dạ rồi tập tễnh dẫn đoàn người đi luôn.
Anh Hợi lại rỉ vào tai bác sĩ Cần: "Ông Liêng thoát chết nhưng bị chột mắt, què chân". Ngôi mộ liệt sĩ Xuân nằm trên gò cát. Một nấm đất đã lún. Những đám cỏ rành rành sắc như dao bò quấn tấm bia đá lờ mờ dòng chữ: Nguyễn Văn Xuân - Bản Bú - Ðức Lưu. Ông cụ cắm cho cậu con một nắm hương rồi ngồi xuống vỗ vỗ mấy cái vào nấm mộ. Ông cụ không khóc không gào mà chỉ thở dài. Trưa hôm đó gia đình anh Liêng giết gà làm cơm rượu khoản đãi rất thịnh soạn. Bữa cơm tàn, ông cụ uống nước xỉa răng rồi thong thả nói:
- Trước tiên tôi xin cám ơn bà con ở bản và gia đình anh chị Liêng đã chăm nom phần mộ cho thằng cháu Xuân mấy chục năm qua nên hôm nay bố con tôi mới được gặp nhau. Nay tôi có lời muốn được đón cháu về quê.
Vợ chồng anh Liêng ngây mặt, nước mắt cháy ròng ròng. Mấy đứa trẻ sợ quá chạy tọt vào buồng. Anh Hợi biết ý ghé vào tai anh Liêng xi xô líu lo vài tiếng dân tộc. Anh Liêng lúc gật lúc lắc rồi lại líu la líu lo nói với anh Hợi. Bác sĩ Cần và ông cụ ngồi im như tượng. Anh Hợi quay sang nhẹ nhàng thưa với ông cụ và bác sĩ Cần:
- Cháu mời ông và bác uống nước, nghỉ ngơi. Chút nữa cháu có câu chuyện muốn thưa với gia đình ta. Dăm phút sau, anh Hợi nhỏ nhẹ nói với ông cụ và bác sĩ Cần là gia đình anh chị Liêng muốn sáng mai mời thầy cúng về đặt lễ để xin với cái ma trong họ cho phép cái ma anh Xuân được rời chỗ này để về quê. Lễ xong thì mới đào mộ lấy cốt. Anh Hợi nói thêm là tục lệ của bản Bú như vậy. Mong cụ và bác ráng đợi cho đến chiều mai. Nghe xong ông cụ vội vã xua tay: "Không có gì. Không có gì". Chiều hôm đó, khoảng 3 giờ, mấy người đi đào mộ lên xe quay trở về huyện đội Ðức Lưu. Cơm chiều xong, anh huyện đội phó phóng xe hon đa về nhà cách huyện đội 12 cây số. Bác sĩ Cần ngồi một mình bên khung cửa sổ vừa uống trà vừa lơ ngơ ngắm mấy cây phi lao già ngoài sân đang mờ dần trong cảnh hoàng hôn đổ xuống chậm rãi. Nhà khách huyện đội vắng như chùa bà đanh. Ông cụ ở phòng bên chắc buồn quá nên mò sang nói chuyện. Ông cụ hỏi:
- Tôi hỏi khí không phải, ông bác vào trong này chắc cũng là để tìm ai đang nằm ở đâu đây?
Bác sĩ Cần ngượng nghịu lắc đầu:
- Thưa cụ, Tôi không tìm ai đâu.
Ông cụ nhìn bác sĩ Cần chăm chăm. Rồi ông thong thả hỏi:
- Vậy là có chuyện gì hả bác?
Bác sĩ Cần chẳng biết nói như thế nào. Hai người cứ ngồi nhìn nhau. Rồi bác sĩ Cần ấp úng kể là ông đi tàu ngủ quên quá ga nên bị bỏ xuống đây. Ðang bơ vơ thấy có cỗ xe ngựa thấy gã đánh xe gọi thế là ông leo lên xe. Rồi ông theo ông cụ đến đây. Mọi người cho ăn thì ông ăn cho ngủ thì ông ngủ. Mọi người lên xe vào bản Bú thì ông cũng lên xe vào bản Bú. Mọi người đến nhà anh Liêng thì ông cũng đến nhà anh Liêng... Và bây giờ ông ngồi đây uống trà... Ông chẳng biết gì hơn. Nghe bác sĩ Cần nói vậy, mắt ông cụ cứ trợn dần lộ vẻ ngạc nhiên hốt hoảng. Rồi ông cụ len lén bỏ về buồng, khóa trái cửa, cài then cửa sổ rồi buông màn lên giường, tắt đèn im thít. Cả buổi sáng hôm sau, ông cụ tránh mặt bác sĩ Cần. Ðến trưa, chiếc com măng ca lại chở mọi người đến ban Bú ven bờ sông Cà Lồ. Cả gia đình anh Liêng đã xếp hàng ngoài hiên chờ. Cỗ tiểu đã được buộc gọn ghẽ để trang trọng giữa nhà. Khói hương nghi ngút. Thì ra ngôi mộ đã được thầy cúng cho khai quật đêm qua lúc nửa đêm gà gáy. Một mâm cơm cúng bày trên bàn. Anh Liêng mời mọi người uống rượu, ăn cơm. Cơm rượu xong, anh Liêng vác cỗ tiểu lên vai đi ra xe. Chị vợ và mấy người hàng xóm trong bản xếp hàng đi sau, người cầm con dao, người cầm nén hương, người ầm ừ ê a hát bài ca tiễn hồn ma anh bộ đội Xuân về xuôi. Chiếc com măng ca nổ máy, lăn bánh. Vợ chồng anh Liêng còn lếch thếch chạy theo một đoạn đường. Mấy người ngồi trên xe im như thóc. Khi xe ra tới đường quốc lộ, anh Hợi thở phào một cái. Chắc là mừng vì đã xong mọi việc. Tối hôm đó cái nhà khách huyện đội lại vắng tanh. Anh Hợi đã về nhà từ chiều. Ông cụ cũng khóa cửa phòng tắt đèn đi ngủ. Bác sĩ Cần ngồi một mình bên khung cửa số. Vừa uống trà vừa nhìn ra màn đêm đen xì ngoài xa. Tờ mờ sáng hôm sau, chú lái xe đã đập cửa gọi ông cụ và bác sĩ Cần dậy rồi chở hai người ra bến xe khách cách huyện đội gần hai chục cây số. Anh Hợi huyện đội phó tay cầm 2 cái vé và hai gói quà đứng đợi ở trong bến, ân cần tiễn ông cụ và bác sĩ Cần lên xe. Mọi việc xong xuôi chu đáo, tới khi xe chạy khỏi bến, khuất hẳn, anh mới nhẩy lên chiếc xe hon đa quay về huyện đội. Chiếc xe khách chở ông cụ và bác sĩ Cần chạy một mạch vượt hơn trăm cây số đường quốc lộ rồi rẽ trái bắt vào một con đường cấp phối ngược rừng. Xe chạy thêm hai chục cây thì cảnh hai bên đường đã lô xô núi rừng đẹp như tranh vẽ. Vượt thêm chục cây nữa tới một ngã ba có cây cầu xi măng lửng lững. Bên kia cầu là con đường chạy lên đèo Con Cum cao thăm thẳm mà ở giữa đỉnh đèo có chôn cây cột mốc biên giới. Bên này cầu là một dãy phố nhà cửa lô xô, người xe sầm uất, hàng hóa ứ phè. Xe vào bến đỗ khách. Ðây cũng là bến đỗ cuối cùng. Từ lúc lên xe ông cụ chỉ ngồi ôm cỗ tiểu sành. Còn bác sĩ Cần thì lúc thức lúc ngủ gà gà gật gật. Hai người chẳng ai nói một câu nào. Tới lúc này ông cụ mới đặt tay lên vai ông bác sĩ kính cẩn:
- Mời ông bác ghé vào nhà tôi uống chén rượu nhạt.
Thế là bác sĩ Cần lếch thếch đi theo ông cụ. Hai người đi vào giữa phố rồi dừng lại trước một ngôi nhà ba tầng khang trang nhưng lòe loẹt kệnh cỡm. Một tấm biển phóc-mi-ca màu hồng gắn hàng chữ nổi bay bướm: "Restaurant Sơn Cước". Ba con chó thui quắp đuôi nhe răng treo ngược trong tủ kính trước quầy. Trong nhà rùng rùng một đám người đang nhai thịt rút gân, gậm xương uống rượu muôn phần dữ dội ầm ĩ. Ông cụ vác cái tiểu phăm phăm đi vào nhà hàng. Lập tức có tiếng reo: "Ông về. Ông về rồi". Bốn năm cô gái mắt xếch, mi xanh, mỏ đỏ áo váy phấp phới chạy ùa ra đón. Hơn chục khách đang ăn uống cũng đứng dậy chào hỏi: "Ông về... Cụ về... ". Bác sĩ Cần được dẫn thẳng lên gác ba, vào trong một căn phòng sập gụ tủ chè cực kỳ sang trọng. Ngồi chưa nóng chỗ thì ông cụ xúng sính diện bộ quần áo ngủ màu mỡ gà bước vào. Sau khi khép cửa lại, ông cụ trịnh trọng vòng tay xá bác sĩ Cần một xá. Cháu Xuân linh thiêng nên già này có phúc được gặp ông bác đây. Bác sĩ Cần đã hơi lo sợ. Ông bác sĩ thoáng nhớ tới ông từ coi đền bà Thánh Mẫu. Ông cụ vẫn trịnh trọng:
- Tứ giải giai huynh đệ. Già này năm nay tám chín tuổi rồi. Ðã tưởng ăn hết lộc hết đức. ấy vậy mà vẫn còn may mắn được gặp ông bác là người nhà giời. Nói rồi ông cụ vỗ tay hét to:
- Bay đâu. Tiệc rượu. Lập tức hai cánh cửa mở tung. Bốn cô mắt xếch váy đỏ váy xanh cũn cỡn lươn lướt đi vào. Sơn hào hải vị bày ra chật bàn. Ông cụ lại vỗ tay đánh bốp. Bốn cô đi ra. Ba cô yếm thắm, vấn khăn ăn mặc hệt như lối gái miền xuôi nhẹ nhàng đi vào. Cô cầm sáo, ôm đàn, cô cầm nhị cầm phách. Ðàn sáo nổi lên chen lăn tiếng hát véo von: "Như rằng ấy ở ơ mấy ý rượu đổ mạn thuyền... ". Ông cụ cười khà khà tự tay mở một chai rượu đỏ như máu. Bác sĩ Cần cạn ngay ly đầu tiên cho nó dẫn nhanh. Rượu cháy họng. Ðầu óc ông bác sĩ đã mơ màng. Tiếng đàn tiếng sáo tiếng hát tiếng cười ríu rít vào vào ra ra lẫn lộn. Bữa tiệc có cái gì đó kỳ dị, kệnh cỡm của vẻ cổ xưa pha lẫn tân kỳ. Chai rượu vơi một nửa. Ông cụ ngà ngà đứng dậy tới bên cửa sổ, giật phăng tấm màn nhung huyết gụ trỏ xuống dãy phố lấp loáng đèn rồi cất giọng oai vệ:
- Ông xem tòa nhà sáu tầng cao nhất rộng nhất ở cái phố đồng rừng miền tây này là của thằng con thằng cháu họ Ðinh nhà tôi đấy ông ạ. Thế này thì chắc ông bác phải kêu lên cái phúc cái lộc nhà họ Ðinh tôi to nhất giàu nhất xứ này rồi. Bác sĩ Cần ú ớ gật đầu. Mắt ông hoa lên vì đèn xanh đèn đỏ lập lòe ở bên dưới. Ông cụ rót thêm hai chén nữa. Cả hai cạn cốc tức thì. Căn phòng kín mít nồng nặc mùi rượu mùi đồ ăn. Ba cô yếm thắm đã quăng đàn quăng nhị từ lúc nào. Một cô uống bia ừng ực. Một cô nhai thịt gà nhồm nhoàm. Một cô nằm ngả ra ghế mắt lim dim chẳng biết ngủ hay chưa ngủ. Ông cụ vỗ bốp vào mông cô gái trẻ nhất, dễ lối chưa tới hai mươi tuổi rồi phà vào mặt bác sĩ Cần:
- Gái nhá.
Bác sĩ Cần lắc đầu. Ông cụ cười hà hà:
- Thế thì mời ông đi chơi phố với tôi. Thế là ông cụ dắt tay bác sĩ Cần xuống nhà rồi đi ra phố. Một đoàn ôtô tải phủ bạt kín mít chạy rầm rầm ngang qua trước mặt hai người. Ông cụ trợn mắt háo hức "Hàng ở cửa khẩu về đấy. Chắc là toàn u-rê". Rồi ông cụ lại dắt bác sĩ Cần đi tới trước một tòa nhà 4 tầng ngất ngưởng ban công thò ra thụt vào. Cửa lim cửa xếp đóng kín mít. Ông cụ đấm huỳnh vào cửa, dạng chân gọi to:
- Hai ơi.
Ông cụ gọi bốn lần. Cánh cửa lim to tướng he hé mở ra. Một cái đầu đàn bà tóc tai bù xù ló ra nhớn nhác:
- Ông.
Ông cụ hắng giọng oai vệ:
- Anh Hai đâu.
Người đàn bà lắc đầu:
- Nhà con lên huyện từ sáng chưa về.
- Lại lên gặp thằng Thung bàn mưu tính kế kiện cáo chứ gì?
Người đàn bà chối đây đẩy:
- Con không biết.
Ông cụ trợn mắt:
- Vợ chồng anh chị không được làm như thế. Không sợ phải tội với ông giời à.
Người đàn bà nhìn trộm bác sĩ Cần, lúng túng:
- Mời ông vào nhà uống chén nước đã ạ.
Nhưng ông cụ khoát tay:
- Ðể khi khác. Sớm mai chị bảo anh ấy sang gặp tôi ngay.
Nói rồi ông cụ lại dắt tay bác sĩ Cần dẫn đi Ði được hơn trăm mét, cả hai đứng lại trước một tòa nhà bốn tầng lầu vuông chặn chặn như bốn cái hộp chồng lên nhau. Lầu nào cũng lát toàn kính. Ba tầng trên tối om. Tầng dưới sáng choang. Cửa hàng, tủ kính lấp loáng chất ngất toàn những xoong nồi, bếp ga, bếp điện sang trọng. Một anh chàng nhỏ thó mặc bộ quần áo ngủ kẻ xọc có dáng ông chủ chạy vọt ra túm ngay lấy ông cụ kể liên hồi. Bác sĩ Cần ù cả tai chẳng hiểu ông chủ kia nói gì chỉ thấy ông cụ nhăn nhó lắc đầu lia lịa. Rồi ông cụ gạt mạnh một cái. Nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống vừa hè rồi nắm ngay lấy tay bác sĩ Cần xăm xăm lôi đi. Cả hai đi vài trăm mét thì dưng lại trước một quán caraôkê tuyềnh toàng. Trước quán có trồng cây bàng đen sì. Trong quán lập lòe đèn xanh đèn đỏ. Một giọng con trai non choẹt ông ổng rống lên: "Ðời tôi cô đơn nên không biết yêu ai... " Ông cụ hắng giọng gọi to:
- Cháu ơi. Hoàng ơi.
Anh cháu tên là Hoàng cao như cây sào, mặt búng ra sứa, mép mới mọc ria hí hớn chạy ra reo to:
- Ông về rồi ạ. Ông vào đi. Cháu vừa mua được Em bé Mường La và Hò kéo pháo cho ông rồi đấy. Sờ te reo ô. Băng gốc din Hồ Gươm ô đi ô mới ở Hà Nội lên. Cháu và ông song ca. Ông cục cười vỗ vào lưng cậu thanh niên rồi quay lại bác sĩ Cần:
- Thằng cháu ngoại của tôi đấy ông ạ.
Rồi ông cụ hỏi Hoàng:
- Mẹ cháu vẫn chưa về hả con.
Hoàng nói:
- Chưa ạ.
Mẹ cháu đang mong ông về lắm.
Ông cụ thở dài nói với bác sĩ Cần:
- Tôi có mỗi một đứa con gái hiền tháo tốt bụng, chẳng may lấy phải thằng chồng vừa ngu vừa bạc, ăn cháo đái bát. Tôi ân hận quá ông ạ. Rồi ông cụ lại vỗ bồm bộp vào lưng Hoàng. Hai ông cháu đứng đấu mặt nói chuyện như đôi bạn vong niên xem chừng quí mến thương yêu nhau lắm. Rồi ông cụ lại dẫn bác sĩ Cần đi tiếp tới một ngôi biệt thự nguy nga cửa đóng then cài. Ông cụ ấn nút chuông điện kêu ré lên. Một con chó tây đen thui to như con bê hồng hộc lao ra đâm bổ vào cánh cửa sắt kêu ùng một tiếng, rung chuyển. Ông cụ quát:
- Cút.
Con bẹc-giê đen thui cúp đuôi rẽ ngang. Từ trong bóng tối xồ ra một người đàn bà nạ dòng ăn mặc chua ngoét. Người đàn bà túm ngay lấy tay ông cụ chu lên có vẻ thảm lắm:
- ối ông ơi, ông về mà xem chú Thái chém chết thằng Bình nhà con rồi.
Ông cụ lùi lại quát:
- Chém vào đâu?
Người đàn bà rền rĩ:
- Chém vào bắp tay. Ông cụ vẫn quát:
- Chém vào bắp tay thì làm sao chết được.
Người đàn bà ớ họng. Thị rên ư ử:
- Giời ạ. Hôm đó không có bác cả Thông lăn xả vào giằng lấy con dao ra thì chú Thái chém đứt đôi thằng cháu đích tôn của ông ra rồi.
Ông cụ xì một tiếng rồi phảy tay:
- Ngày mai anh chị ăn mặc tử tế rồi dẫn nhau lên nhà tôi có việc. Cho cả thằng Bình cùng đi. Chị ta tươi tỉnh ngay nét mặt như được quà vâng dạ rối rít. Ông cụ bần thần một lúc rồi lại kéo tay bác sĩ lôi đi. Nhưng lần này ông cụ không dừng lại trước bất cứ một ngôi nhà ba tầng bốn tầng xanh đỏ nào nữa. Hai người đi về phía cây cầu xi măng ở đầu dãy phố mà bên kia cầu có ngã ba đất đỏ có một con đường chạy thẳng lên đèo Con Cum. Ðèn đã vào khuya cái phố huyện đồng rừng sát cửa khẩu phía Tây cũng đang nguội dần vẻ huyên náo sôi sục. Ðèn điện nhà dân tắt dần. Chỉ có cây cầu nhà nước là vẫn uy nghi sáng choang ánh điện. Ðứng trên cầu nhìn xuống dòng sông thăm thẳm ở phía dưới đang gầm thét ầm ầm như trống đập. Ông cụ vuốt bụng thở dài:
- ối giới ơi cái đồng tiền nó thảm lắm ông bác ơi.
Rồi tự dưng ông cụ bỗng bộc bạch cho bác sĩ Cần nghe:
- Tôi không phải là người ở vùng này đâu ông bác ạ. Tôi là người Kinh đấy, nhưng quê quán gốc gác ở đâu thì không biết, chỉ biết tôi mồ côi từ nhỏ tứ cô vô thân, năm lên chín tuổi lang thang theo phụ cho một ông thợ đóng cối tên là Thuộc. Rồi dần dà tôi học được nghề đóng cối. Nên mới cái tên là phó Thực. Những năm đói kém tôi chạy dạt lên vùng này kiếm ăn lấy vợ rồi sinh cơ lập nghiệp luôn ở đây. Vợ tôi là người Thổ.
Ông cụ Phó Thực kể như vậy.
- Bà ấy đẻ cho tôi sáu đứa con, bỏ mất hai chỉ còn bốn đứa. Những năm kháng chiến chống Pháp tôi có đi bộ đội làm anh nuôi ở Trung đoàn 148 nổi tiếng đánh rừng ở vùng biên giới phía Tây này. Hòa bình lập lại tôi là người dân tộc ấy là vì đơn vị vẫn cứ nghĩ như vậy lại không biết chữ, lại đông con nên tôi được về phục viên. Hôm tiễn tôi ra quân, đơn vị tổ chức liên hoan rất to. Có cả đoàn văn công về biểu diễn vở kịch Hòn đá nặng và múa sạp. Tôi được Trung đoàn thưởng cho một khẩu hiệu chữ vàng thêu trên băng vải đỏ: "Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ về tham gia xây dựng quê hương, không quên nhiệm vụ "Nhiệm vụ gì". Ông cụ bỗng bật cười hô hố. "Nhiệm vụ tiếp tục đẻ?"... Vợ tôi lại đẻ thêm hai con giai và một cô con gái nữa. Vị chỉ là bảy đứa. Gái Thổ mắn con ra phết ông bác ạ. ở trong bản chật quá lại không quen cái kiểu canh tác và phong tục của người Thổ. Anh Cối Thực bèn dinh cả gia đình ra một ngọn đồi khai hoang vỡ đất lập trại làm ăn. Trồng đủ thứ sắn, ngô, đu đủ, khoai lang, mít, nhãn, bưởi và cả cây cà phê nữa. Ðất rừng bạt ngàn cuốc lên cứ bốc hơi ngừn ngụt đỏ ối như miếng thịt thăn. Cả nhà anh Cối Thực thi đua lao động suốt ngày này qua ngày khác năm này qua năm khác. Hôm nào cũng vậy từ sớm tinh mơ vợ chồng con cái đã dắt díu nhau lên đồi đào xới cày cuốc cho tới tối mịt mới bồng bế nhau về nhà xúm quanh bếp lửa bập bùng. Hôm thì chõ xôi. Hôm thì nồi cháo. Không cháo không xôi thì rổ khoai đĩa sắn. Vợ chồng hòa thuận vui vẻ. Con cái đứa nào cũng béo đen. Cậu con cả tên là Xuân vừa đến tuổi mười tám đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Cả bản tiễn đưa trống dong cờ mở. Vợ chồng anh cối Thực đã làm đúng khẩu hiệu chữ vàng phông đỏ năm nào không quên nhiệm vụ. Ði bộ đội được hơn hai năm thì anh cả Xuân hy sinh ngoài chiến trường gia đình ông cối Thực là gia đình đầu tiên ở cái bản người Thổ vùng giáp biên giới phía Tây này được tặng bảng vàng Tổ quốc ghi công. Thời gian dần trôi. Cây cối ở cái trại đồi lùn của gia đình ông cối Thực tươi tốt xum xuê như rừng. Sáu đứa em của anh cả Xuân lớn dần lên khỏe mạnh chất phác lần lượt nối tiếp nhau lấy chồng, lấy vợ. Nhưng không đứa nào ra ở riêng. Ðất trong trại rộng mênh mông, ông cối Thực lần lượt cắt chia cho từng đứa làm nhà làm cửa tăng gia sản xuất. Tuy không giàu có thừa thãi nhưng cả 6 gia đình 6 đứa con trai gái của ông cối Thực cũng không túng thiếu gì. Ông cối Thực đã có cháu nội cháu ngoại đủ cả. Cái đại gia đình của ông Cối Thực tứ cố vô thân thời nào đã hình thành bám rễ vững chắc xuống đất rừng ngày một phát triển đông đúc vui sống đầy đủ ấm no hòa thuận chan chứa tình người. Ðúng những ngày tháng huy hoàng ấy thì tai họa ghê gớm đã xẩy ra và chỉ trong một sớm một chiều nó đã phá tan hoang cái trại đồi ấm cúng um tùm cây cối đó. ấy là một buổi chiều mùa đông rét buốt sau một ngày đi rẫy về mỏi mệt chân tay. Ông cối Thực dưng lại rửa tay chân cày cuốc ở ven con suối Lào và nhặt được hòn cuội vàng chóe to hơn ngón chân cái...

*
Sáng hôm sau, bác sĩ Cần đang nằm ngáy khò khò thì ông cụ cối Thực tới cạnh hắng giọng đánh thức ông bác sĩ dậy. Thấy ông bác sĩ ngơ ngác, cụ cối Thực có vẻ bẽn lẽn chứ không còn hùng dũng la đà như tối hôm qua. Ông cụ lễ phép hỏi:
- Ông bác ngủ ngon giấc chứ ạ.
Bác sĩ Cần ấp úng vâng dạ. Cụ cối Thực sẽ sẽ:
- Mời ông bác vào toa lét rửa mặt rồi xuống nhà ăn sáng rồi xin phép được...
Nói đến đây ông cụ Thực loay hoay như gà vướng tóc. Bác sĩ Cần vẫn chỉ biết trố mắt nhìn. Cụ cối Thực thở dài:
- Chả là sáng nay mười giờ gia đình tôi có làm lễ đưa cháu Xuân lên đồi lùn.
Bác sĩ Cần vẫn chẳng biết nói gì. Cụ phó Thực kính cẩn:
- Nhờ có ông bác mà gia đình bố con tôi mới được đoàn tụ. Ơn đó gia đình tôi không bao giờ dám quên. Ông bác chính là người nhà giời. Tý nữa cơm nước xong rước ông bác cùng đưa cháu Xuân về nơi an nghỉ cuối cùng của cháu. Mong ông bác nhận lời kẻo tủi vong linh cháu.
Tất nhiên là bác sĩ Cần nhận lời ngay. Ông còn sốt sắng chạy tọt ngay vào buồng toa loét ngay cạnh lát gạch sáng choang như khách sạn để rửa vội cái mặt rồi theo ông cụ xuống nhà. Nơi ông cối Thực mai táng cỗ tiểu đựng hài eốt của anh con trai cả ở trên đỉnh quả đồi lùn lúp xúp cỏ cây ngay cuối thị xã. Ðứng ở cái phòng sang trọng trên gác 3 ngôi nhà mà bác sĩ Cần đang ở cũng nhìn thấy quả đồi lùn này. Trông xa nó giống một cái vú khổng lồ áp sát xuống con đường trải nhựa xám đen chạy xiên lên đỉnh đèo cột mốc biên giới. Kể ra ở những cái năm sáu mươi một cái lễ mai táng tử sĩ như thế này chắc sẽ được tổ chức trọng thể, có đủ mặt bà con làng xóm đén dự cùng đại diện đủ các ban chính quyền, cơ quan đoàn thể. Hơn ba chục năm rồi còn gì nữa. Một quãng thời gian dài như thế cũng khiến người ta lãng quên tất cả. Và nếu không quên thì người ta cũng cho phép quyền được lờ đi mà lương tâm cũng chẳng áy náy gì lắm. Vả lại cái thời buổi này mọi người đang điên lên vì tiền, còn mấy thời gian mà nghĩ đến những chuyện dĩ vãng lôi thôi như vậy. Ông cụ phó Thực cũng không báo cho ai ở trong cái phố đồng rừng này biết buổi đưa hài cốt của con trai lên chôn ở đỉnh đồi Lùn. Vì thế buổi sáng hôm đó chỉ có 5 ông con trai cùng với ông cụ đưa cỗ tiểu đựng cốt của anh Xuân lên đồi. Bà con gái không đi được vì đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Nếu như bà phó Thực người Thổ không ốm chết cách đây hai năm thì chắc chắn cũng có mặt rồi. Sáng hôm đó cơm nước xong xuôi. Gọi là ăn sáng nhưng cũng dọn ra mâm đầy xôi thịt thịnh soạn lắm. Năm người con của ông cụ phó Thực cũng lục tục kéo nhau đến. Người tới đầu tiên là ông con thứ hai ở ngôi nhà bốn tầng ban công thò ra thụt vào mà tối hôm qua ông Thực và bác sĩ Cần rẽ vào đầu tiên nhưng chỉ gặp vợ ông ta vì ông ta còn lên huyện gặp một cái thằng Thung nào đó bàn mưu tính kế kiện cáo. Kiện cáo ai kiện cáo cái gì thì bác sĩ Cần không biết được. Ông thứ hai năm nay cũng phải đến ngoài ngũ tuần rồi. Tóc tai xơ xác, mắt mũi giống hệt bố nhưng lưng còng hơn. Vào đến nhà ông chào bố chào khách của bố lễ phép rồi lẳng lặng ngồi xuống cái tràng kỷ gỗ trắc lặng im hút thuốc không nói gì nom điệu bộ đầy vẻ đề phòng. Ông con thứ tư người nhỏ thó mỏng dính như con nhện cũng chính là ông chủ cái nhà hàng sáng choang ánh điện chất đầy phè toàn xoong nồi bếp điện bếp ga mà tối qua cứ túm chặt lấy ông Thực kể lể những gì đấy. Ðêm qua ông tư mặc quần ngủ kẻ sọc. Sáng nay ông mặc com lê xám rất sang trọng nên cũng tôn thêm vẻ uy nghiêm của một ông chủ. Ông tư bước vào sốt sắng chào bố chào khách của bố rồi cũng tìm một chỗ ngồi xuống đọc báo chờ đợi. Ông không hề chào ông anh hai một tiếng dường như ông không nhìn thấy ông anh hai đang ngồi thu mình trong cái tràng kỷ gỗ trắc. Rồi đến ông Năm ông Sáu và ông út lục tục kéo nhau tới. Một người to béo bụng to như bụng bà chửa. Một người gày đét như con cá mắm. Cái ông trẻ nhất nét mặt nhâng nhâng nháo nháo xem chừng là ông út có lẽ cũng là kẻ mà người đàn bà ở ngôi biệt thự nguy nga cửa đóng then cài có con chó bẹc-giê to như con bê đen xì đêm qua đã tru lên: "Ôi ông ơi, ông về mà xem chú Thái chém chết thằng Bình nhà con rồi". Cả năm người con giai của Cụ Thực kẻ trước người sau lục tục kéo đến ai cũng lễ phép chào bố chào ông khách của bố rồi tìm một chỗ ngồi làm một việc gì đó như hút thuốc uống chè đọc báo nhổ râu nặn mụn trứng cá mặt mũi lạnh tanh tuyệt nhiên không ai chào hỏi nói chuyện với ai. Cái sự lạ lùng gai gai ngột ngột này chắc sẽ khiến ai cũng phải bận tâm tò mò để ý tới nhưng đối với bác sĩ Cần thì vô can vì ông cũng đang ngơ ngác co ro như một con tôm ngồi thọt lủm trong cỗ tràng kỷ gỗ trắc đen bóng. Ai chào thì ông cũng lễ phép chào lại Cụ Thực mời ông uống chè thì ông cũng chỉ biết vâng dạ cúi đầu xì xụp uống. Ông bác sĩ không dám ngó nghiêng nhìn ai và mở mồm bắt chuyện với ai. Ðợi các ông con giai tới đủ mặt rồi cụ phó Thực cắp cái tiểu sành lúc này đã được bọc nhung đen lên. Tự tay cụ cắp cái tiểu chứ không đưa cho một ông con trai nào mang hộ rồi quay lại mời bác sĩ Cần cùng đi. Cụ phó Thực chỉ mời bác sĩ Cần chứ không nói một lời với ai trong đám các ông con giai của cụ. Ðoàn người thong thả đi ra khỏi nhà. Trật tự im lặng lạnh lùng. Vẫn không ai nói với ai một câu xì xào với ai một tiếng dù chỉ là tiếng thì thầm. ấy chính cái vẻ lạnh tanh như sáp ấy mà khiến cái đoàn năm ông con giai ông cụ phó Thực lại có vẻ trang nghiêm và uy nghi. Họ đi hàng một kẻ sau nối bước người trước. Dân trong dãy phố huyện đông rừng có vẻ nể sợ bố con cụ phó Thực lắm vì thế môi khi đoàn người đi ngang qua nhà họ đều kính cẩn lặng lẽ gật đầu chào. Tuyệt nhiên không có ai hỏi câu gì nói câu gì khi bố con cụ phó Thực không hỏi trước. Vì không báo cho ai biết và với cung cách đột ngột bí mật thế này nên sáng hôm đó không người dân nào ở cái phố huyện đồng rừng này biết được đoàn bố con cụ phó Thực đang đi đâu. Có lẽ họ chỉ nghĩ rằng bố con cụ chắc lại rủ nhau ra một cái nhà hàng nào đó để ăn nhậu tiện thể bàn một vụ làm ăn buôn bán nào đó. Và cũng chẳng ai hiểu cái hòm chữ nhật bọc nhung đen loại nhung tuyết óng ánh mà cụ phó Thực đang khư khư cắp ở nách kia là cái bọc gì. Ði gần hết cái phố huyện thì cụ phó Thực rẽ vào một con đường rừng cây cối um tùm. Buổi sáng cuối năm sương mù gió lạnh. Ði trên vừa hè ngoài phế không nhìn thấy sương nhưng rẽ vào con đường rừng thì như bốc được sương bay lù mù đặc quánh. Bác sĩ Cần húng hắng ho vì trên người chỉ mặc cái áo đã tàng. Cụ phó Thực có vẻ ân hận lắm. Cụ xuýt xoa mấy lần: Tôi vô ý quá. Tôi vô ý quá. Mong ông bác bỏ lỗi cho. Tý nữa quay về tôi xin được biếu ông bác một cái áo dạ buộc giải của Trung Quốc. Rồi cụ phó Thực lột luôn tấm vải nhung đen quấn quanh cái tiểu khoác lên người bác sĩ Cần. Thấy ông bác sĩ có vẻ lúng túng ngượng nghịu cụ phó Thực tặc lưỡi:
- Ôi dào người sống quan trọng hơn người chết. Tôi chả mê tín. Cốt ở cái lòng thành. Vả lại ông bác là người giời đấy còn kiêng khem gì nữa.
ề à loanh quanh mãi khi cả đoàn người trèo lên đỉnh quả đồi lùn lúp xúp cây thì cũng đã gần chính ngọ. ở giữa đỉnh đồi có một ngôi mộ đắp rất chu đáo.
Chân mộ chôn tấm bia đá rửa màu mận chín. Cách không xa ngôi mộ có một cái huyệt nhỏ mới được đào lên. Ông cụ Thực hạ cái tiểu xuống huyệt rồi một mình lúi húi lấp đất. Năm ông con giai chỉ đứng giương mắt nhìn vẫn không ai nói với ai một câu nào ca. Chỉ có ông tư người nho thó như con nhện là cúi xuống nhặt vài hòn cuội hòn đất ném xuống miệng huyệt. Nhưng cũng chl vài hòn thôi rồi lại đứng nghển ra hút thuốc lá Có lẽ ông tư cũng chỉ làm lấy lệ thôi. Cái huyệt bé con vừa đủ ôm gọn cỗ tiểu sành cụ phó Thực lấp ào một lúc là đã thấy nổi lên một nấm đất nho nhỏ. Thế là bây giờ trên đinh qua đồi lùn đã có hai ngôi mộ một to một nhỏ nằm song song cạnh nhau. Cụ phó Thực đốt bó hương cắm chia đều cho hai ngôi mộ. Mặt cụ nhăn nhúm như mặt con khỉ già bị hun khói. Nước mắt nước mũi cụ phó Thực chảy dàn dụa nhưng bộ điệu cụ vẫn thản nhiên sắt đá thì cũng biết nước mắt nước mũi đấy là do khói xông chứ không phải vì xúc động. Năm ông con giai đứng lố nhố kẻ trước người sau người chắp tay vái kẻ cúi đầu rì rầm, kẻ đứng ngây ngô đần mặt trước hai ngôi mộ, vậy mà vẫn không ai nói với ai một câu nào.

Trời lúc này cũng đã chính ngọ. Trên đỉnh quả đồi lùn gió réo ù ù rất mạnh. Nắng nhợt nhạt. Khí trời dở nóng dở rét ong ong tai tái rất khóchịu. Một lúc sau năm ông con giai lần lượt tới chào bố chào ông khách của bố rồi xin phép về trước. Cụ phó Thực lau nước mắt nước mũi giả vờ ho xù xụ chỉ gật đầu chứ không nói thêm câu nào với bất cứ ông con nào. Rồi năm ông con giai cụ phó Thực rồng rắn nối nhau đi xuống chân đồi. Năm ông cao thấp béo gầy mỗi ông một vẻ như sáu thằng hình nhân lạ hoắc câm nín chỉ eó mắt mũi chứ không có mồm mới từ trên trời rơi xuống. Ðã lâu nay từ cái ngày mắc phải bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng ảo vọng bác sĩ Trương Vĩnh Cần lại càng không muốn thóc móc vào chuyện của người khác nữa. Cái sự kỳ quặc câm lặng của cái đám hôm nay dù có nhân lên gấp mười lần nữa bác sĩ Cần vẫn dửng dưng. Nhưng cụ phó Thực thì lại hiểu cái sự im lặng dửng dưng đó của bác sĩ theo cách khác. Ông cụ giữ ông bác sĩ ngồi lại trên đỉnh đồi cạnh hai ngôi mộ đợi cho cả năm ông con giai đi xuống tận chân quả đồi lùn ông cụ bèn chắp tay vái vái ông bác sĩ.
- Xin ông bác nhận cho mấy vái này là lòng cám ơn của tôi.
Bác sĩ Cần ú ớ lúng túng không biết đứng lên hay ngồi xuống. Ông cụ Thực rưng rưng:
- Nói ra thì xấu hổ với giời đất chứ không có mặt ông bác hôm nay thì khó mà cả năm ông con giai tôi lại chịu yên lành đi cùng với nhau ngồi cùng với nhau như thế. Dù sao thì chúng nó vẫn còn cái sĩ diện.
Bác sĩ Cần thong thả:
- Thưa cụ tôi thấy các ông ấy đều hòa thuận điềm đạm ít nói.
Cụ phó Thực cay đắng:
- Hòa thuận ư. Giá mà xé được xác nhau ra thì chúng nó đã xé rồi đấy ông bác ạ. ối giời ơi không hiểu tại sao tôi cứ phải bộc bạch hết ra cho ông bác ngửi nói vô phép chứ cái mùi thối khắm của gia đình họ Ðinh này. Ông bác là người nhà giời. Có chuyện gì mà ông bác không biết. Người chết ở cõi âm mấy chục năm mà ông bác còn tìm được nữa là. Tôi không mê tín đâu ông bác ạ. Nhưng mà tôi tin có Trời có Phật có cái thiện có nhân có quả. Bỗng nhiên ông cụ phó Thực quay lại vái lấy vái để ngôi mộ to đằng sau lưng. Bác sĩ Cần ghe rõ tiếng ông cụ rên lên: Bà nó ơi. Hôm nay tôi đã mang được thằng Xuân về ở bên cạnh bà như ý ngưyện của bà trước lúc lâm chung. Mong bà sống khôn chết thiêng phù hộ cho anh em chúng nó vui vẻ hòa thuận với nhau. Tôi đội ơn bà. Gió thổi hương cắm trên bát nhang bỗng cháy bùng lên đùng đùng. Bác sĩ Cần hơi lạnh người.

Ông cụ phó Thực nước mắt ròng ròng. Ông nấc lên ư ử như chó ăn phải bả. Lần này thì ông khóc thực rồi chứ không phải vì bị khói xông cay mắt nữa. Bác sĩ Cần ngồi im thin thít. Ông cụ phó Thực xụt xùi kể:
- Khốn nạn cho tôi khi nhặt được cái cục vàng đó. Ðúng như các cụ đã nói nhặt được vàng thì quả là độc thật. Không án mạng chết người thì cũng tan cửa nát nhà khuynh gia bại sản. Giời ơi là giời.
Gió réo ù ù khiến cả khu rừng đại ngàn chuyển mình rào rào nghe thật rùng rợn. Ông cụ phó Thực bật khóc hưng hức như đứa trẻ lên ba. Những giọt nước mắt xót xa tủi hồ ân hận rỏ xuống hai ngôi mộ bỏng rộp như nghe rõ cả tiếng xèo xèo như rán mỡ. Và đây là câu chuyện mà ông phó Thực đã dốc bầu tâm sự kê ra cho bác sĩ Cần nghe. Tại sao ông cụ lại kể. Tại vì ông bác sĩ là người giời nên ông cụ Thực không còn thấy xấu hổ, thấy nhục nữa cứ y như là con chiên đi xưng tội cho cha nghe. Hoặc cũng có thể ông cụ cối Thực phải kể tất cả ra để trút được gánh nặng bế tắc lâu nay ông cứ phải nhịn phải cố nuốt vào trong bụng.
"Cái hòn cuội vàng chóe to bằng đốt ngón chân cái mà tôi tình cờ nhặt được ở ven con suối Lào trong buổi chiều mùa đông rét buốt đó chính là cục vàng đấy ông bác ạ. Vàng thật vàng mười hẳn hoi. Sở dĩ lúc đó tôi biết là vàng vì đời tôi cái hồi theo ông thợ cả đóng cối đi giang hồ kiếm ăn trong thiên hạ cũng đã vài lần tôi được cầm vàng rồi. Vàng ròng. Vàng bốn con chín hẳn hoi. Nhặt được cục vàng dù sướng đến vỡ tim sướng đến muốn ngất xỉu đi nhưng tôi cũng đủ trí khôn tự khóa cái mồm mình lại. Ngay đến cả bà vợ Thổ thật thà chất phác của tôi mà tôi cũng không cho biết ngay. Ðàn bà họ nhẹ dạ bồng bột lắm. Chuyện này lộ ra chưa kể dân bản dân tứ chiếng mà đến đào bới phá tan hoang khu rừng này ngay đến cái mạng sống của vợ chồng con cái gia đình tôi cũng khó mà giữ được. Sau hôm đó tôi cứ lẳng lặng một mình đến con suối Lào đào bới tìm kiếm nhặt nhạnh. Số tôi là số người bắt được vàng. Hơn nửa năm trời bí mật lụi hụi một mình như con rái cá lặn ngụp mò mẫm hàng cây số suốt dọc con suối Lào tôi đã nhặt được bẩy cục vàng như vậy. Tại sao lại có vàng rơi rải rác dọc con suối Lào ở đoạn chảy qua khu trại của gia đình tôi. Tại sao tôi lại nhặt được đúng bảy cục vàng khi vợ chồng tôi lại có đúng bảy đứa con. Tại sao tại sao thì làm sao tôi biết được. Nhưng cứ nghĩ cái sự trùng lặp như vậy thế là tôi đâm ra lú lẫn. Tôi tin là số tôi đã được qui thần phù hộ. Tôi đã giàu có rồi. Mai đây tôi sẽ thành một gã bá hộ khai thiên lập địa cai quan cả vùng rừng núi hoang vu này. Tôi tin như thế chắc tin như thế đấy ông bác ạ. Mãi đến khi đã cầm bảy cục vàng chắc trong tay rồi và đã lặn ngụp quần nát đoạn con suối Lào chảy qua cánh rừng này rồi tôi mới chọn ngày nói cho bà vợ Thố của tôi biết và dặn dò bà ấy rất rõ rành cẩn thận. Cũng không thể không nói cho bà ấy biết chuyện này. Vợ chồng đầu gối tay ấp với nhau mấy chục năm. Như tôi đã nói ông bác hay rồi đấy bà vợ Thổ của tôi chỉ được cái mắn đẻ chứ dại dột cả tin và thật thà lắm. Còn thật thà dại dột hơn cả trẻ con. Ai lừa cũng được. Nhưng được cái rất nghe chồng và biết giứ bí mật. ấy cũng là cái đức tính đáng quí của các bà vợ người dân tộc Thổ, Mán, Nùng, Cao Lan, Hơ Mông, Sán Chỉ. Hai vợ chồng tôi bàn nhau để bảy cục vàng trong một cái ấm đất nung rồi chôn xuống dưới gốc cây khế sau chuồng trâu.

Thôi thì cứ coi đó là lộc của Trời Phật ban cho bảy đứa con. Hãy cứ đào sâu chôn chặt cất giữ cho kỹ đợi khi nào gặp cảnh bĩ cực túng thiếu cần dùng tới thì sẽ đào lên và chia đều cho bảy đứa con để chúng có vốn làm ăn. Nói thế này ông bác bỏ quá cho chứ nom bề ngoài ông bác lấm láp ngu ngơ hiền khô như người bị bệnh tâm thân nhưng có tiếp xúc thì thấy ông bác là một người bí ẩn lạ lùng còn hơn cả mấy ông làm quan chức tài cao học rộng. Tôi nói thế là muốn nói ông bác cũng chẳng lạ gì vàng đâu có chịu chôn sâu dưới đất. Cái thỏi vàng vô tri vô giác lóng lánh vàng chóe lạnh ngắt mà lại như có ma quỉ nhập vào có đào sâu chôn chặt đến mấy nó vẫn cứ nhất định trồi lên mặt đất. Bảy cục vàng trời ơi nhặt được của vợ chồng tôi cũng chỉ chịu nằm yên trong cái ấm đất dưới gốc cây khế sau chuồng trâu được ba năm thì nó nhất loạt rủ nhau trồi lên mặt đất. ấy là vào giữa những năm đổi đời, thiên hạ bỗng nhiên như sực tinh cơn ngủ mê đông loạt thức dậy ầm ầm rủ nhau bung ra buôn bán làm ăn. Cái phố huyện đồng rừng biên giới phía Tây này mấy chục năm nay chỉ có một cái đồn cửa khấu và lèo tèo dăm nóc nhà bỗng rùng rùng nhà ngói nhà xây mở hàng mở quán chen chúc náo nhiệt. Chả là dân tứ chiếng đổ về đây buôn bán quá cảnh qua biên giới thôi thì đủ mọi thứ hàng từ cái quần bò cái ống mút kim chỉ giầy dép Thái Lan đến phân bón u rê, gạo, nước mắm, gỗ, đồng, sắt thép và cả thuốc phiện nha phiến, bột hêrôin. Thượng vàng hạ cám đủ thứ. Cái bầu không khí buôn bán làm ăn ầm ĩ ấy từ phố huyện thối vào cái trại của gia đình tôi suốt ngày hừng hực như cơn gió Lào cháy bỏng. Mấy đứa con củá tôi sao nhãng dần công việc lên rẫy đi rừng, cày cuốc. Nhiều đêm cả nhà quây quần quanh bếp lửa ngơ ngẩn mơ màng. Chúng nó chỉ dám ngơ ngẩn mơ màng thôi chứ đâu dám bỏ trại ra phố để làm ăn vì có đứa nào có vốn liếng gì đâu. Một lần ra phố uống rượu có ông bạn già rượu vào buột mồm vu vơ ao ước giá có trăm cây vàng sẽ mở một nhà hàng sang trọng cầy tơ bảy món có cả phòng trọ phòng ngủ để đón lõng cánh lái xe quá cảnh. Tôi về vắt tay lên trán càng nghĩ càng thấy cáí ý kiến đó cửa ông bạn già thật đơn giản mà lại vô cùng đắc sách. Vấn dề bây giờ thằng nào có tiền mà lại đi trước thì nhất định sẽ thắng. Tôi bàn với bà vợ Thổ của tôi ba đêm liền. Tất nhiên tôi nói gì bà ấy cũng gật. Các bà vợ Thồ đều như vậy mà. Thế là tôi quyết định đào cái ấm đất chôn dưới gốc khế đằng sau chuồng trâu lên và moi bảy cục vàng ra. Tôi có ngờ đâu việc làm của tôi đêm hôm đó thật dại dột ngưy hiểm chẳng khác gì đã bóc đi lá bùa trấn áp để thả ra bảy con quỉ hung ác.

Vợ chồng tôi đối với con cái rất công bằng không trọng không khinh bất cứ đứa nào. ấy cũng là cái phong tục chí tình của người dân tộc đối với con cái. Moi bảy cục vàng lên rồi tôi bèn họp cả gia đình lại nói vắn tắt vì sao lại có số vàng này rồi trịnh trọng chia cho sáu đứa sáu cục vàng. Cũng cần phải nói thêm là bảy cục vàng này có kích cỡ hình dáng cân nặng giống hệt nhau. Cục vàng thứ bảy dành cho thằng con cả đã hy sinh thì vợ chồng tôi giữ lại làm vốn. Tôi bán cục vàng đó lấy tiền xây một cái nhà hàng thịt cày bảy món kiêm nhà trọ ở ngay đầu phố huyện. Ðó chính là cái nhà bốn tầng cửa kính sáng choang mà ông bác đang ở đây. Sáu đứa con của tôi cũng đồng loạt rời bỏ trại đồi lùn ra phố huyện mua đất xây nhà cao tầng mở cửa hàng cửa hiệu đứa thì buôn đồ điện. Ðứa mở quán caraôkê. Ðứa buôn trầm hương, phân urê. Ðứa chuyên đánh hàng quần bò mài, áo phun quá cảnh. Chẳng cần kinh nghiệm truyền thống gì ráo trọi. Cứ có tiền. Thật nhiều tiền là biết cách buôn bán làm ăn. Ðồng tiền nó biết dậy dỗ con người ta mọi thủ đoạn đấy ông bác ạ. Cũng vì nhờ mới xông vào thương trường điếc không sợ súng vừa liều lại vừa tập trung được số vốn kha khá ngay từ đầu nên bảy bố con tôi làm ăn phát tài nhanh, phất lên vùn vụt. Chẳng mấy chốc dân tình ở cái phố huyện đồng rừng này và cả khách buôn thập phương tới đây đều kiềng nể bảy bố con họ Ðinh chúng tôi đây. Tiền đổ về như nước suối càng làm cho con người danh giá văn minh hiện đại hơn. Vợ chồng tôi không ngồi bếp lửa trong nhà sàn ở rừng xanh núi đô nữa mà nằm giường công chúa Trung Quốc hưởng máy lạnh Hitachi Nhật Bổn trong phòng lắp cửa kính khung nhôm. Tôi không mặc áo vải diềm bâu nhuộm củ nâu nữa mà mặc đũi vàng loại đũi thứ thiệt. Bà vợ tôi không quấn váy chàm nữa mà đeo kiềng vàng mặc quần áo Tô Châu Thượng Hải. Gia đình sáu ông con bà con của tôi suốt ngày nhộn nhịp người ra người vào, kẻ ăn người ở. Chúng nó đã hóa thành những ông bà chủ sang trọng mắt lúc nào cũng sáng rực tính toán. Hai bàn tay đã quen đếm tiền nhoay nhoáy thay cho cầm rìu cầm cuốc cầm nỏ. Ðấy ông xem cho đến hôm nay thử hỏi ở cái phố huyện này đã có ngôi nhà tư nhân nào to hơn bề thế hơn mấy ngôi nhà của các ông con bà con của tôi. Nhưng mà cuộc đời nó có cái ghê gớm đáo để đến không thể hiểu nổi của nó ông ạ. Tiền bạc càng đổ về nhiều thì tình nghĩa cũng càng đội nón ra đi. Các con tôi ngày xưa thật thà ngây ngô đôn hậu ấm áp là thế thì bây giờ cứ lạnh tanh tàn nhẫn nhạt nhẽo đến ghê cả người. Càng giàu có chúng ít đi lại với nhau và càng giữ kẽ đề phòng nhau nghi kị nhau. Hơn một năm nay buôn bán làm ăn chững lại. Tiền vốn hao hụt dần và thế là chúng bắt dầu bu lấy vợ chồng tôi. Có lẽ chúng nghĩ rằng vợ chồng tôi phải có bảy chục bảy trăm cục vàng chứ không phải chỉ có bảy cục mà thôi. Tôi phân bua nói thế nào chúng cũng không tin. Không moi được vàng của bố mẹ chúng quay sang gầm ghè lẫn nhau. Ðứa nào cũng ngờ đứa kia đã được bố mẹ giúp ngầm. Thế là đang là anh em một nhà lũ chúng bỗng trở thành kẻ thù của nhau như bày chó sói trong rừng hoang. Ông bác ơi hôm nay có mặt ông bác là người nhà giời là khách lạ nên chúng nó mới chịu yên như thế chứ không thì đã nhảy bổ vào nhau xỉa xói xếch mé với nhau rồi. Tôi buồn lắm ông bác ạ. Buồn mà chẳng dám trách ai ngoài trách cái bản thân mình. Tại tôi. Tại tôi hết cả. Ai bảo tôi đã đào cái ấm đất chôn dưới gốc cây khế sau chuồng trâu lên. Ai bảo tôi đã bóc lá bùa thả bảy con quỉ hung ác gớm ghiếc xổng ra. Ông cụ phó Thực ngồi rũ rượi như thằng bù nhìn rơm. Ông nói ông kể ông lải nhải như người điên. Rồi ông móc trong túi áo ra chai rượu Tây đỏ như máu còn nguyên. Ông cắn bật cái nút bấc ra. Ông đưa cả chai lên miêng tu ầng ậc. Ông ấn chai rượu vào mồm bác sĩ Cần. Rồi ông lại giằng lấy chai rượu và tu ầng ậc. Rồi ông lè nhè trỏ vào nấm mộ vừa đắp.
- Hôm nay tôi gọi cả mấy anh em chúng nó lên đây chứng kiến cái cảnh này những mong chúng nó tỉnh ra và nghĩ lại. Nhưng mà ông bác ơi, tôi thất vọng quá. Lũ chúng nó trơ như đá câm như đá nhạt như đá và cũng lạnh như đá. Chúng hóa đá cả rồi. Thế là tôi mất sạch cả lũ con tôi rồi ông bác ơi. Có đau cho tôi không. Có hoài công hoài sức bà vợ Thổ của tôi đã bảy lần mang nặng đẻ đau hay không.
Tự dưng ông cụ phó Thực lại tu lên khóc. Ông cụ khóc. Ông cụ gào lên như phát cơn điên. Rồi ông cụ nhẩy thách lên. Ông cụ lại quỳ mọp xuống vái lấy vái để hai nấm mộ rồi ông cứ từ từ lả đi ngã đập mặt xuống đất. Rồi chân tay ông giật liên hồi trước khi duỗi ra cứng đờ như que củi.
Bác sĩ Cần thong thả sờ động mạch cổ cụ phó Thực. Ðộng mạch cổ không còn đập nữa. Ông cụ phó Thực đã chết bất đắc kỳ tử trên đỉnh đồi ngay cạnh ngôi mộ bà vợ Thổ và anh con trai cả tên là Xuân đi bộ đội đã hy sinh khi tuổi tròn đôi mươi. Hai người mà có lẽ ông cụ yêu quí nhất.
*
Ðám ma ông cụ phó Thực rất lớn. Trừ bà con gái vẫn đang nằm bệt ở bệnh viện tỉnh vì vừa mới cắt lá lách còn thì năm ông con giai cụ phó Thực đều tề tựu. Có mặt đầy đủ. Tất nhiên là ông hai đã ngoài tứ tuần tóc tai xơ xác lưng còng hơn lưng bố đứng ra là người chủ tang. Người ta dựng một cái rạp to tướng quây màn vải ni lông kẻ xọc xanh xọc đỏ vây kín hè phố và thuê một đội kèn đám ma về thổi 3 ca liên tục í e ò e. Quan tài cụ phó Thực quàn ngay trong nhà tầng dưới cùng để trước một bàn thờ mới lập nhưng khá uy nghi treo đủ phông phiến hương khói nghi ngút nghẹt thở. Một tấm ảnh chụp cụ phó Thực comlê calavát đầu chải rẽ ngôi bóng lộn đang mím môi nheo mắt mỉa mai nhìn xuống cỗ quan tài của chính cụ. Dân trong phố và khách buôn lũ lượt hương hoa đến viếng. Chẳng mấy chốc đã đếm được 108 vòng hoa chồng chồng lớp lớp xếp kín từ trong nhà ra ngoài vừa hè. Cái nhà hàng bốn tầng cửa kính sáng choang của ông cụ phó Thực nồng nặc mùi hoa tươi mùi lá tươi mùi hương mùi trầm và mùi hơi đủ loại người. Bà con người Thổ dân bản quen biết họ hàng đằng ngoại của cụ phó Thực cũng cử một đoàn đại biểu tới viếng. người đông đến nỗi ứ trào cả xuống lòng đường tắc nghẹn lối đi còn náo nhiệt hơn cả hôm vợ chồng cụ phó Thực cắt băng khai trương cửa hàng thịt cày bảy món. Trong ba ngày tang lễ phúng viếng bận rộn đông đúc đó đám năm ông con giai của cụ phó Thực đã quên bẵng mất ông bạn người giời cửa ông bố mình. Bác sĩ Cần đã bị bỏ quên như một hạt cát bị bỏ quên trong sa mạc. Họ vô tình hay là cố tình bỏ quên ông bác sĩ, lờ ông bác sĩ di. Ai mà biết được. Ðang là thượng khách là người nhà giời được trọng vọng cơm bưng nước rót kẻ hầu người hạ thế mà chỉ trong có một hôm ông bác sĩ bỗng tụt xuống thân phận của một gã lang thang cơ nhỡ bị bỏ đói bị bỏ quên không ai thèm để mắt tới. Vốn là kẻ nhút nhát ít nói lại sợ đám đông lại còn chút ít sĩ diện của kẻ đã là trí thức nên đợi đến hết ngày thứ hai không thấy có người mời đi ăn cơm uống nước uống rượu, bác sĩ Cần bèn đội cái mũ ếchkimô dầy xụ lên đầu xách cái valy cũ rích lặng lẽ chuồn ra khỏi cái nhà hàng 4 tầng sáng choang cửa kính đông nghẹt người và hoa đó. Trước khi đi ông bác sĩ cũng muốn tới cạnh cỗ quan tài để vĩnh biệt lần cuối cùng ông cụ phó Thực kỳ lạ đó nhưng đông quá nên ông bác sĩ cứ bị chen bật ra cửa Cuối cùng bất lực và tuyệt vọng bác sĩ Cần đành bỏ cái mũ ếch ki mô ra khỏi đầu đứng từ xa nơi góc cầu thang tối om cúi chào vĩnh biệt ông cụ phó Thực đang nằm cứng đờ trong ngôi nhà hàng 4 tầng nhộn nhịp của ông cụ lần chót rồi lủi thủi bỏ đi. Rời khỏi ngôi nhà hàng 4 tầng của ông cụ phó Thực bác sĩ Cần đi đâu? Ði đâu ư chính ông cũng chẳng biết. Bụng đói cồn cào trong túi chẳng có một xu bác sĩ Cần biết đi đâu. Ra bến xe ôtô của phố huyện hay đi về phía cây cầu xi măng vĩnh cửu cuối phố hay là mò mẫm trèo lên qua đồi lùn. Những cái địa chỉ ấy nhảy múa lộn xộn trong đầu ông bác sĩ đang đói khát. Ông biết đi đâu về đâu trong cái phố huyện đồng rừng ngất nghểu những ngôi nhà cao tầng xanh đỏ ánh đèn chen chúc những cửa hàng nhộn nhịp tiếng người nói cười ha hả ầm ĩ mùi thức ăn xào xáo béo ngậy sặc sụa điếc mũi váng óc này? Cuối dãy phố huyện gần cây cầu vĩnh cửu xi măng cốt thép có một con đường mòn rẽ vào rừng đầy cứt trâu cứt bò có khi có cả những bãi cứt người thối hoăng nát be bét cạnh những mẩu giấy báo chùi đít của bọn lái xe quá cảnh và bọn buôn lậu vẫn rẽ vào ỉa trộm sau những trận chè chén đập phá lúy túy. Ðây là một con đường mòn bẩn thỉu và nguy hiểm vì nó chui qua những bụi cây rậm rạp là nơi rắn độc vẫn thường quyến rũ nhau tới để giao cấu trong những ngày mùa xuân mưa phùn ẩm ướt. Dân ở trong phố huyện đồng rừng ít ai dám rẽ vào con đường mòn kinh khủng này. Tuy nhiên người ta vẫn thỉnh thoảng phải đi qua. Bắt buộc phải đi mà thôi không phải thích thú gì vì một lẽ đơn giản con đường mòn này chạy thẳng vào thung lũng đá đen đấy cũng là khu nghĩa địa của không những dân ở cái phố huyện đồng rừng này mà còn của mấy bản người Thổ, người Sán Chỉ quanh đây. Ðêm hôm đó bụng đói mắt hoa túi rỗng tuếch không tiền bạc, bác sĩ Cần lang thang thất thểu như một con chó già ghẻ lở vô dụng bị chủ đá ra ngoài đường. Ông bác sĩ chẳng biết đi đâu rẽ vào đâu. Và thế là đúng cảnh con chó già bị ruồng bỏ đang tủi hổ chạy trốn cho xa cái nơi đông đúc ầm ĩ chẳng hứa hẹn gì những điều tốt lành. Ðôi chân già nua của ông bác sĩ đã đưa ông rẽ vào con đường mòn bẩn thỉu và nguy hiểm đi vào khu nghĩa địa Ðá đen. Bác sĩ Cần cứ đi mãi đi mãi theo con đường mòn chân bước thấp bước cao mắt lúc nhắm lúc mở đầu óc váng vất nhói buốt tê tê dại dại. Cho tới khi đầu ông va đốp vào một cây cột gỗ mục chôn giữa nghĩa địa cạnh hai tảng đá đen lửng lững. Ông bác sĩ mới giật mình như người ra khỏi cơn mộng du và nhận thấy mình đang lọt thỏm giữa một khu đất đen xì lô nhô mồ mả và những cây mộ bia mục nát. Ví chừng một người nào đó thì chắc hẳn sẽ cuống lên lao đầu chạy bán sống bán chết như bị ma đuổi nhưng bác sĩ Cần thì lại rất dửng dưng. Mấy chục năm làm việc trong nhà xác bác sĩ Cần đã hóa thành một người gần cõi âm hơn là cõi dương. Bơ vơ một mình giữa một khu nghĩa địa hoang vắng trong rừng sâu ông bác sĩ lại thấy thản nhiên yên tâm yên ổn hơn là ngồi nhậu nhẹt trong một cái quán réttôrăng Hoa Hồng, Hoa Nhài, Hoa Huệ nào đó. Không biết lúc này là canh mấy trong đêm rồi. Trời tối mờ mờ. Xung quanh xa gần nhìn đâu cũng chỉ thấy nhờ nhờ trăng sáng như có bóng ma bóng quỉ đang vật vờ bay lượn. Mùi gỗ mục mùi đất ẩm ướt và thứ mùi thối rữa tanh tưởi lạnh ngắt chỉ có riêng ở các khu nghĩa địa bốc lên ngàn ngạt khiến người khác kinh sợ muốn chết ngất nhưng với bác sĩ Cần thì đó chỉ là một thứ mùi đã ngửi quen mũi nhiều năm rồi. Ông bác sĩ ngồi xuống một mô đất nhão nhoét. Mệt và đói gần muốn lả người. Bác sĩ Cần nhủ thầm: "Muốn chạy trốn cơn đói đang cào cấu ruột gan thì chỉ chạy trốn vào một giấc ngủ mà thôi". Nhủ thầm như vậy rồi bác sĩ Cần chán nản nhắm mắt lại. Nhưng chính lúc đó bác sĩ Cần nhìn thấy một ánh đuốc bùng lên từ sau một tảng đá đen khồng lồ. ánh đuốc nhầy múa chập chờn như những chiếc cánh rách nát của bầy ma quỉ vờn trên thớ đá. Rồi có tiếng một gã trai hét lên.
- Thoa ơi dí đuốc gần nữa đi.
Tiếng một cô gái khẽ hí lên như ngựa hí:
- Trông gớm ghiếc quá giời ơi. ánh lửa xà xuống rồi có tiếng xà beng nậy ván ken két ghê cá răng. Bác sĩ Cần lững thững đi lại gần. Một lỗ huyệt đen xì vừa được moi đất đá lổn nhổn quăng quật vung vãi. Trên miệng huyệt một cô gái tóc cắt tém eo lưng nhỏ thắt đang chổng cặp mông to tướng tròn trĩnh cúi xuống soi đuốc cho một gã trai đang nghiến răng nghiến lợi thậm thụt không biết đang làm cái trò gì dưới đáy huyệt. Nhìn thấy cái bóng đen xì cửa ông bác sĩ lừ lừ hiện ra trên nền đất dưới ánh đuốc cô gái thét lên như bị bóp cổ:
- Ma. Ma.
Ngọn đuốc trong tay cô rơi xuống cái huyệt. Mặt cô gái méo xệch. Một cái mặt con gái trắng nhớn non choẹt. Gã trai cúi nhặt cây đuốc rồi nhô đầu lên. Gã không hề hoảng hốt mà lại reo lên như trẻ được quà:
- Chào ông bác người giời. Con đợi ông suốt từ chiều đến giờ.
Bác sĩ Cần nhận ngay ra ông cháu ngoại của cụ phó Thực. Anh chàng Hoàng cắm bó đuốc vào miệng huyệt rồi cúi xuống hì hui moi lên một cái đầu lâu đen sì dính bê bết bùn đất thản nhiên đưa cho bác sĩ Cần:
- Ông cầm hộ con nào.
Bác sĩ Cần giơ hai tay đón cái đầu lâu nhẹ bỗng, thản nhiên như đang đón một quả dửa quả bưởi. Gã trai chống tay nhẩy phắt lên miệng huyệt. Quần áo gã lấm như ma vùi. Hai hàm răng nhe ra trắng nhởn. Mặt gã tươi roi rói:
- Ông không ghê tay à? Ðúng là người giời thật rồi. Ông ngoại con báo mộng đâu có sai. Rồi gã dí ngọn đuốc lại phía cô gái đang lại hồn dần:
- Chào ông đi chứ Kim Thoa. Hàng ngày mày táo tợn lắm cơ mà.
Và gã trai nhăn nhớ nói tiếp với cô gái:
- Ông bác đây đúng là người giời đấy Thoa ạ Nhân bảo như thần bảo. Tất cả đã được bàn tay định mệnh sắp đặt trước cả rồi. Phen này nhất định chúng ta thắng.
Cô Kim Thoa cố nhoẻn cười với bác sĩ Cần. Giọng cô vẫn còn hơi run run:
- Con chào bác ạ.
Gã trai nhấc lên một can rượu mười lít sóng sánh. Gã bảo:
- Ông bác đợi con hành sự xong cho đủ lệ bộ rồi hai ông con hàn huyên. Con có chuyện lạ lắm sẽ kể cho ông bác nghe. Từ bây giờ ông là quân sư của con là chiến hữu của con. Nào ông cho con xin cái báu vật này".
Rồi gã quay sang cô gái nói như ra lệnh:
- Bồ đâu trải tấm vải đỏ ra. Ðốt hương lên.
Cô gái moi túi du lịch đen lấy ra vuông vải đỏ trải ra đất rồi đốt một bó hương to. Gã trai đổ rượu ra một cái chậu nhựa và bắt đầu nâng niu kỳ cọ cái đầu lâu nhẹ bỗng như gỗ. Xong xuôi gã đặt cái đầu lâu vào giữa vuông vải đỏ rồi cẩn trọng gói lại không quên chẳng buộc dây dù rất chặt. Rồi gã tống luôn cái gói đầu lâu đó vào túi du lịch đen kéo phoóc mơ tuya roạt một cái gọn gàng quả quyết như một dấu chấm hết. Xong xuôi gã lại nhe hàm răng trắng nhởn ra cười với bác sĩ Cần:
- Ta ra kia làm hớp rượu cho ấm người rồi tâm sự ông nhá. Gặp được ông khoái quá.
Bác sĩ Cần theo đôi trai gái leo lên một tảng đá đen phẳng phiu nằm gọn lỏn giữa ba nấm đất đen xì. Không biết có ai đã bày sẵn trên tảng đá một chai rượu trắng một đĩa lạc rang, bao thuốc lá ngoại dầu lọc và một bộ ly cực kỳ sang trọng. Trời tối nhờ nhờ như vậy mà bộ ly vẫn cứ ánh lên lấp lánh. Cô Thoa đổ nốt chỗ rượu còn trong can cho chính cô và gã trai rửa tay. Gã trai trang trọng rót rượu ra ba cái ly đầy tràn. Bộ dạng run run và cảm động gã nói:
- Bây giờ thl con tin là có Trời Phật thánh thần và ma quỷ rồi. Mời ông nâng ly. Ta làm một hơi cạn ông nhá. Nào Kim Thoa cũng nâng ly lên. Cạn nào.
Bác sĩ Cần cạn ngay ly rượu đầy tràn. Rượu mạnh như xé đôi người ông bác sĩ ra. Dạ dày ông réo ùng ục. Ông vốc cả nắm lạc tống vào mồm nhai trệu trạo rồi ông hộc lên như lợn độc đói khát đòi ăn. Gã trai sững người rít lên:
- Họ bỏ đói ông có phải không ạ. Trời ơi! Biết ngay mà.
Tay gã thọc vào cái túi du lịch. Roạt. Phoóc mơ tuya lại được mở ra. Gã lôi ra một cái bánh mì kẹp phồng nhân thịt rồi tống ngay vào tay bác sĩ Cần. Mùi bánh mì và mùi thịt rán trộn lẫn tương ớt xộc lên khiến ông bác sĩ chút nữa ngất đi. Cầm ổ bánh mì mà tay ông bác sĩ run lẩy bẩy. Tuy vậy ông ăn rất chậm chạp từ tốn. Vừa ăn ông vừa khóc vì sung sướng quá. Nước mắt ông chảy dàn dụa trên mặt rỏ xuống ổ bánh mì. Có lẽ đêm lọ mọ nên đôi trai gái không nhìn rõ cái bộ mặt ướt nhoèn của ông. Cô Kim Thoa vuốt vuốt dọc sống lưng ông như sợ ông sắp chết nghẹn. Cô gái hỏi rất ngây thơ:
- Ngon không hả ông?
Tất nhiên ông bác sĩ chỉ gật đầu chứ không đáp lời vì mồm ông đang đầy phè bánh mì và thịt. Gã trai nói như một người từng trải:
- Ông chỉ là người nhà giời đối với ông ngoại cháu mà thôi. Còn đối với các bác các chú của cháu thì ông chỉ là một lão ăn mày lang thang cơ nhỡ đang bầy trò bịp bợm để kiếm miếng thịt hớp rượu. Ông chưa biết các chú các bác của cháu đấy thôi. Anh em trong nhà mà còn xử sự với nhau như kẻ thù nữa là người ngoài thì là cái đinh mốc gì cơ chứ. Họ đều là những người tàn nhẫn lạnh lùng và tham lam như chó đói.
Cô Kim Thoa vội đỡ lời:
- Sao Hoàng lại nói như vậy. Phải nói như ông ngoại đằng ấy chứ. Ðó là những kẻ chỉ biết ăn người.

<< Chương 8 | Chương 9(tiếp) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 625

Return to top