Sau cái vụ hủ hóa của bác sĩ Trương Vĩnh cần bị bắt quả tang được nửa năm thì ông y sĩ Nguyễn Văn Sự cũng được đề bạt lên phó phòng tổ chức của bệnh viện. Cũng phải nói sòng phẳng ông y sĩ Sự được thăng chức không phải vì ông đã có công phát hiện ra tội hủ hóa với gái vị thành niên của bác sĩ Cần. Nhưng không hiểu vì sao tất cả y bác sĩ hộ lý y tá kể cả đến bảo vệ lao công trong bệnh viện mỗi khi nhắc đến bác sĩ Trương Vĩnh Cần thì cũng đồng thời nhắc đến y sĩ Ngưyễn Văn Sự. Có người đồng tinh với việc làm của y sĩ Sự nhưng cũng có người không đồng tình, nhưng cũng có người chỉ im lặng chép miệng không nói gì. Phần lớn mọi người trong bệnh viện đều nể sợ ông y sĩ Sự. Mỗi khi có việc gặp ông họ đều vồn vã mời chào. Nhưng đằng sau lưng thì chẳng mấy khi họ nhắc tới ông. Còn ông y sĩ Sự thì vẫn siêng năng cần mẫn gương mẫu tích cực công tác. Nhiều người đoán chắc rằng ông y sĩ Sự còn có thể leo lên đến cái ghế phó giám đốc bệnh viện phụ trách tổ chức. Nhưng rồi ngày tháng cứ dần trôi đi và ông y sĩ Sự cứ lẹt đẹt mãi ở cái chức phó phòng tổ chức không thể nhích lên được nữa. Có tin đồn sở dĩ ông Sự không được đề bạt lên chức cao hơn vì hàng năm cứ đến kỳ thường vụ lãnh đạo bệnh viện họp xét tăng lương tăng chức cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện thì lại có một lá đơn nặc danh tố cáo ông y sĩ Sự khai man lý lịch có ông bác ruột là chủ hãng ca nô từ thời Pháp trốn đi Nam từ năm 1954 và tội thứ hai là hay lén dò xét nhìn trộm vào phòng riêng của người khác. Tất nhiên đó cũng chỉ là những lời xì xào đồn đại mà thôi.
Thế rồi vào cuối năm thứ 6 tính từ năm bác sĩ Trương Vĩnh Cần bị tống xuống làm việc ở khu nhà xác. Vào một ngày hè oi ả y sĩ Sự lên sở y tế nhận về 4 thùng kẽm to chất đầy tài liệu giấy tờ và các bản mẫu khai báo lý lịch. Vì không thể buộc sau xe đạp được ông Sự bèn thuê một chuyến xích lô chở về bệnh viện. Khi xe đi ngang qua một quán bia anh xích lô khát quá tự động đỗ lại rồi rủ ông Sự vào quán làm một vài vại. Ông Sự không thích vào nhưng anh xích lô nèo ghê quá nên ông cũng tặc lưỡi xiêu lòng. Đen đủi thay khi cá hai vừa ngồi xuống ghế chưa kịp nâng vại bia lên thì đội cờ đỏ ập ngay vào bắt quả tang lập biên bàn kiểm tra hành chính rồi gửi công văn về bệnh viện cảnh cáo ông y sĩ Sự một nhân viên nhà nước đã vi phạm 8 giờ lao độug vàng ngọc. Oái oăm thay công văn này lại -được gửi tới phòng tổ chức bệnh viện và người bóc nó ra đọc đầu tiên lại chính là ông y sĩ Sự. Đọc xong tờ công văn ông y sĩ Sự bỗng nhiên kêu hự một tiếng gục đầu đập mặt xuống mặt bàn cấm khẩu và bại liệt tức thì một nửa người bên trái.
Và cũng oái oăm thay cũng đúng giờ khắc đó ở nhà vợ ông cũng trở dạ sinh hạ một bé gái. Cô bé lọt lòng mẹ ra tràng hoa quấn cổ tóc đen nhánh óng mượt như tơ dài tới gót chân. Có một điều kỳ lạ nữa là cứt xu của bé hài nhi không đen mà lại trắng như sữa và nước đái của bé thơm lừng như mùi hương quế rừng. Cô bé được đặt một cái tên khi gọi lên nghe rất lạ tai: Nguyễn Thị Thương Ơi mà mỗi khi gọi to lên thì cứ y như nghe có một tiếng gọi náo lòng thứ đâu đó vọng tới: Thương ơi. Cô bé Thương Ơi vừa chui ra khỏi lòng mẹ được dốc ngược lên vỗ đét vào đít khóc thét lên một tiếng như xé vải rồi lập tức câm bặt sau cái phút chào đời đó. Nhưng chuyện về cô bé Thương Ơi hãy cứ để đó chưa nói tới vội. Ông y sĩ Nguyễn Văn Sự bị bại liệt nửa người. Nửa người bên phải của ông khí huyết vẫn sôi réo hừng hực. Nhưng nửa người bên trái kể từ đan điền thì hoàn toàn lạnh cóng bất động như gỗ như đá. Cấu vào không biết đau. Đâm kim vào không thấy nhức thấy buốt.
Từ phòng tố chức y sĩ Sự được khênh thẳng vào khoa A2 là khoa giành riêng cho cán bộ Trung cấp, chuyên viên từ bậc 3 đến bậc 5. Hội đồng giám định y khoa tức tốc được thành lập đã nhanh chóng hội chẩn rút ra kết luận rành mạch như sau: "Đứt mạch máu não. Liệt nửa người phía dưới vĩnh viễn. Miễn mọi lao động chân tay và mọi lao động trí não. Bất động tuyệt đối. Cấm uống rượu. Cấm hút thuốc. Cấm ăn xôi với thịt gà. Và cấm kî sinh hoạt tình dục!.
Không cần nói gì thêm nữa cũng biết ông Sự đau khổ như thế nào. Cái tai họa bất ngờ này phải chăng là kết quả của 5 năm tức 1825 ngay đêm làm việc căng thẳng quyết liệt ở phòng tổ chức bệnh viện hay là do một nguyên nhân nào khác nữa thí dụ như di truyền di căn hoặc một lý do thần bí khó hiểu nào đó đã hạ một đòn trời giáng quật gẫy ngang cuộc đời đang thăng tiến đắc chí của y sĩ Sự khiến ông choáng váng kinh hoàng, hãi hùng và cũng vô cùng căm giận uất ức tức tối. Nhưng ai mà cưỡng lại được với định mệnh với số kiếp của mình? Dù có khôn ngoan lọc lòi đầy mưu mô ba đầu sáu tay rơi vào cảnh ngộ này thì đến thánh cũng phải chắp tay cam chịu. Từ khoa A2 ông Sự được chuyển sang khoa A1 là khoa chỉ dành riêng cho cán bộ cao cấp ở các cương vị đầu ngành chủ chốt trong hnh điều trị. Y sĩ Sự nằm ở khoa A1 ròng rã 14 tháng tròn không thừa không thiếu một ngày. 14 tháng trời y sĩ Sự nằm ngửa xuôi tay chân hai mắt mở to trừng trừng nhìn lên trần nhà không cười không khóc không nói không than thở kêu ca. Ông nghĩ gì ai mà biết được. Chỉ biết cái ngày đầu tiên khênh lên giường y sĩ Sự còn là một người tóc đen nhánh sắc sảo lanh lẹn. Thì đến cái ngày cuối cùng của 14 tháng trời nằm ở trên giường - cái ngày thứ 420 ấy y sĩ Nguyễn Văn Sự đã hóa thành một ông lão tóc bạc trắng hai gò má nhô cao da xanh lét và đôi mắt thì đã kéo màng đục trắng như mắt của một con chuột bị bệnh đậu mùa. Ngày thứ 421 y sĩ Sự quyết định xin ra khỏi bệnh viện và đưa cả nhà về cái thị xã quê hương chôn nhau cắt rốn của ông để sống nốt những năm tháng còn lại của đời mình. Một cái thị xã không có tên nhỏ bé có hơn 10 ngàn dân cách thành phố này khoảng 60 cây số về phía Đông trên con đường quốc lộ chạy thẳng ra biển.
Cái ngày ông y sĩ Sự cùng vợ con rời khỏi thành phố để trở về quê là một ngày cuối năm mưa dầm gió bấc, nhiệt độ ngoài trời xuống tới 9 độ. Một chiếc xe ô tô cứu thương của bệnh viện loại xe chuyên chở các bệnh nhân nặng để chuyển tuyến ghé đít vào sát mấy bậc tam cấp của khoa A1. Cửa sau xe mở toang. Bốn y tá nam lực lưỡng khiêng một cái cáng sắt từ buồng số 7 trên gác 2 xuống thẳng xe. Nằm trên cáng là một hình hài dúm dó nhọn hoắt như một xác chết. Đi đằng sau cáng là một thiếu phụ đầm đậm mặt mũi nhạt nhẽo bế trên tay một bé gái có mái tóc đen óng ánh dài như mái tóc của một thiếu nữ. Không rõ vì lý do gì - Vì cuộc ra đi quá sớm lúc đó mới chỉ gần 6 giờ sáng hay là hôm đó là ngày chủ nhật hay là vì buổi sáng trời quá lạnh lại có mưa nên chẳng có ai tới tiễn gia đình ông y sĩ phó phòng tổ chức. Chiếc ô tô lầm lũi rì rì bò ra khỏi bệnh viện rồi vẫn cứ lầm lũi cô độc như vậy rì rì bon ra khỏi thành phố như là đang lẩn trốn vậy. Nằm thẳng cẳng trong chăn dạ xám đắp ngang bụng dưới chân là vợ đang ngồi ôm con, trên đầu là mấy gói ghém quần áo đồ đạc y sĩ Nguyễn Văn Sự mở to mắt trừng trừng nhìn lên cái trần xe cũ kỹ loang lổ sơn - ông đang nghĩ gì vậy. Ông nghĩ tới cú đá ghê gớm mà cuộc sống vừa mới đểu cáng bất ngờ tung vó đá thẳng vào đời ông. Ông nghĩ tới những ngày mai không hiểu rồi cái gia đình nhỏ bé này của ông sẽ sống ra sao? Hay là ông đang vẩn vơ nghĩ tới một con người mà ông nghi ngờ có dính líu sâu sa đến cái nguyên nhân gây ra nỗi bất hạnh cay đắng này của ông. Con người đó là bác sĩ Trương Vĩnh Cần. Nằm thẳng cẳng trong chiếc ô tô cứu thương đang rì rì chạy về quê y sĩ Nguyễn Văn Sự đang nghĩ gì? Ông đang nghĩ gì thì chỉ có mình ông biết mà thôi.
*
Cái thị xã nhỏ bé không có tên mà y sĩ Sự đang về nằm ngay cạnh đường quốc lộ gần một cái hồ rộng 4 héc ta nước xanh ngắt rất ngoạn mục. Thị xã trồng rất nhiều nhãn. Nhiều đến nỗi khách ngồi trên ô tô chạy qua đường quốc lộ mà có nhìn vào thì ai cũng lầm tưởng đây là một rừng nhãn khổng lồ. Nghe nói lại rằng nơi này cách đây hơn trăm năm chính là vườn nhãn chuyên để tiến vua và dân của cái thị xã này đều là con cháu gốc gác của những người trồng nhãn được triều đình cử ra để coi xóc chăm bón cái vườn nhãn đó. Y sĩ Sự thuê một ngôi nhà nhỏ ở ngay gần mép hồ cạnh bãi đất trống vốn trước kia là một cái xưởng xẻ gỗ ngôi nhà chỉ có hai gian thấp lè tè lợp ngói ta xùm xụp cũ kỹ nom giống như ngôi chùa bỏ hoang đã từ lâu hương tàn khói tạnh. Ngôi nhà nhỏ này khi chưa có người thuê thì vẫn đóng cửa im ỉm suốt ngày vì chủ của nó đã có một căn hộ ba phòng sang trọng ở trung tâm thị xã nên chẳng thêm ở vẫn khóa cửa để đấy. Một năm vài lần sai con cháu đáo về mở khóa quét dọn rồi lại bỏ đi.
Từ khi gia đình ông Sự dọn về ở thì ngôi nhà vẫn cứ đóng cửa im ỉm suốt ngày. Nhà có người ở mà cũng chẳng khác gì nhà bỏ hoang. Dân ở phường quanh hồ trong thị xã lấy làm ái ngại lắm cho cái cảnh gia đình của ông y sĩ bị bệnh hiểm nghèo. Thỉnh thoảng có ông tổ trưởng bà tổ phó dân phố rủ nhau ghé thăm với ý định hỏi han thăm viếng nhưng lần nào cũng vậy gõ cửa chán tay mà trong nhà vẫn im phăng phắc không có ai ra mớ cửa. Trước thì còn để mắt tới sốt sắng nhưng rồi hàng xóm xung quanh cũng quen đi chẳng ai để ý đến cái gia đình ông cán bộ ốm đau này nữa. Mỗi nhà một cảnh nếp sống đèn nhà ai nhà ấy rạng. Cái lý do khiến y sĩ Sự dọn về cái thị xã này không phải vì miếng ăn vì bệnh tật vì nỗi tuyệt vọng chán chường mà chính là vì nỗi uất ức và đắng cay. Hơn một năm trời nằm viện được chạy chữa không còn thiếu thuốc gì mà bệnh vẫn không đỡ chút nào y sĩ Sự đâm ra ngờ vực tất cả mọi người xung quanh. Hình như có một âm mưu gì rất thâm độc tinh vi đang giăng ra vây bọc ông cố tình không chữa cho ông khỏi bệnh. Kẻ chủ mưu trong tội ác đê tiện này còn ai khác nếu không phải là tay Đức, cũng là phó phòng tổ chức của bệnh viện. Cộng vào cái ý nghi nghi ngờ ám ành đó cứ mỗi khi nghĩ tới công lao phấn đấu vất vả bao năm trời thì chỉ một phút nhẹ dạ mất cảnh giác đơn giản thế thôi mà bỗng nhiên mất tất cả. Mất sạch: sức khỏe, tương lai danh vọng tiền bạc và cả chức Phó giám đốc bệnh viện mục đích cuối cùng của đời ông. Đời chó quá bất ngờ quá xỏ lá quá. Càng nghĩ càng cay cú. Cay cú muốn hộc máu tươi chết quách.
Chính vì vậy mà y sĩ Nguyễn Văn Sự quyết định dọn cả nhà về cái thị xã này. Lòng cay cú hận thù ngùn ngụt đã làm nẩy sinh trong ông một ý nghĩ quái gở ông quyết định sẽ tự chữa bệnh cho mình bằng rắn biển. Và ông giấu kín cái ý định này. Biết đâu đấy sẽ có ngày ông đi lại được và ông sẽ quay về ngồi lại vào cái ghế phó phòng tổ chức bệnh viện tỉnh. Đời đã dùng chữ Ngờ quật ông thì ông cũng sẽ dùng chính chữ ngờ quật lại nó. Vì thế, về tới thị xã ông chọn thuê ngay một ngôi nhà cũ kỹ giá rất rẻ. Còn bao nhiêu tiền ông dốc vào làm thuốc. Cứ đều đặn một tháng ba lần vào các ngày 3 ngày 7 và ngày 9 vợ ông lại đội nón cắp thúng dậy từ 4 giờ sáng ra bến xe để theo các bà buôn lặn lội tìm về các làng chài ở sát ven biển cách thị xã tới sáu bảy chục cây số. Những người buôn thì mua tôm cá còn vợ ông chỉ tìm mua rắn biển mang về nhà lột da mổ ruột sấy khô rồi tán thành bột nặn thành viên tễ cho ông uống. Ròng rã như vậy năm năm trời. Năm năm căn nhà nhỏ không một lần mở cửa vào ban ngày tiếp đón bất cứ một người khách nào. 5 năm y sĩ Sự nằm liệt trên giường mỗi ngày đều đặn ăn vã 3 con rắn biển dưới các dạng luộc xào kho chưng và tán nhỏ thành bột rồi vê thành thuốc uống. 5 năm vị chi 1825 ngày y sĩ Sự đã nuốt vào bụng gần 6 000 con rắn biển to nhỏ. Cái ý chí ghê gớm của một kẻ hãnh tiến bị đút gánh giữa đường cộng với sự cần cù nhẫn nại của một anh trí thức phố huyện đã mang đến những kết quả bất ngờ động trời trong y học.
Một buổi sáng tháng hai của năm thứ 6 nằm liệt giưởng liệt chiếu giống như một huyền thoại không thể tin được của ngành y học y sĩ Nguyễn Văn Sự đã chống tay ngồi dậy tụt xuống giường và loạng choạng run rẩy bước được bước đầu tiên trên cái nền nhà lát gạch nồng nặc tanh mùi rắn biển. Buổi sớm đầu năm mưa bay nhè nhẹ dịu dàng như giây bột. Khí lạnh ngoài trời lùa vào hai cánh cửa số khép hờ hờ dường như còn phảng phất mùi khói pháo tết. Y sĩ Sự ứa hai hàng nước mắt vì sung sướng và cảm động. Đây là lần đầu tiên trong đời nhìn thấy cái khe cửa sổ khép hờ hờ y sĩ Sự không còn thấy trong lòng trào lên ham muốn như nỗi ham muốn của kẻ nghiện thuốc phiện được lén tới hé mắt nhòm vào để rình rập. Hôm nay là ngày mồng 3 của tháng đúng vào cái ngày các phiên chợ biển vẫn thường họp. Chắc là vợ ông đã đi chợ từ sáng sớm tính mơ rồi. Căn nhà vắng lặng như tờ. Chập chững như đứa trẻ đang tập, đi y sĩ Sự bíu vào tường lần từng bước ra phòng ngoài. Và ông nhìn thấy một đứa bé gái khoảng 6 tuổi da trắng như trứng gà bóc mái tóc đen óng ánh dài tha thướt đang ngồi thơ thần chơi ô ăn quan một mình giữa phòng. "Con gái ơi, Thương Ơi", y sĩ Sự bật lên nghẹn ngào rồi run rầy cúi xuống bế cô bé lên. Một đôi mắt trẻ con trong vắt mở to nhìn ông câm lặng dửng dưng như mắt của con gà con mới nở. ôm chặt con gái vào lòng, y sĩ Sự nức lên. Nước mắt ông rỏ như mưa xuống mái tóc óng mượt lạ lùng của cô bé. Và cũng đúng lúc đó, y sĩ Sự bỗng nhìn thấy một tờ giấy gấp tư được treo lúng liểng ở cái cổ bé xíu trắng ngần của con gái ông. Một linh cảm mù mờ ập đến khiến ông sởn gai ốc. Giật vội lấy tờ giấy đặt cô bé Thương Ơi xuống y sĩ Sự vội vã mở tờ giấy ra. Mấy dòng chữ nghệch ngoạc xấu như ma chọc vào mắt ông.
"Kính gửi anh Nguyễn Văn Sự. Tôi xin gửi lại anh đứa con gái tội nghiệp và 27.000 viên thuốc tễ rắn bể để trong chum dưới bếp. Đời tôi cũng chỉ còn dủ sức theo anh cho đến đoạn này mà thôi. Mong anh hãy tha tội cho tôi.
Kính thư Phạm Thị Lợt ký".
Y sĩ Sự điếng người trợn trừng hai con mắt. Ông đọc đi đọc lại mấy hàng chữ đó. Ông không hét lên không gầm lên không lao bổ ra cửa mà chỉ đứng sững như cây chuối. Một cơn gió xoáy lốc lạnh buốt giật tung hai cánh cửa sổ ùa vào trong phòng rồi xoáy tròn như khiêu vũ xung quanh y sĩ Sự. Khí gió âm âm u u lạnh lẽo tanh tưởi như từ địa ngục âm ti phả vào mặt vào mũi y sĩ Sự khiến ông loạng choạng rùng mình như bị trúng độc. Cái khí lạnh đó xoáy vào óc truyền xuống gáy xuống cổ rồi chạy dọc theo từng đốt xương sống cho tới tận đầu mẩu xương cụt. Không dừng ở đó cái khí lạnh truyền sang đan điền và cứ thế lan xuống đùi qua xương bánh chè xuống cẳng chân và thẩm thấu tới tận mười đầu ngón chân. Cái luồng khí lạnh đó lan đến đâu dẫn truyền đến đâu là y sĩ Sự tê dại đến đó. Tới khi cả hai bàn chân ông y sĩ Sự cứng lại như đá thì cả người ông đờ ra như một khúc gỗ. Rồi ông từ từ đổ nghiêng ngã gục xuống nền nhà mê man không biết gì nữa. Lần này thì ông đã bị bại liệt hoàn toàn. Bại liệt toàn thân suốt từ cổ đến bàn chân ngón chân. Bốn tháng sau vào một buổi sáng mùa hè nắng gió dào dạt những người dân ở phường Ven Hồ bỗng thấy hai cánh cửa gỗ của ngôi nhà nhỏ bên bãi rất hoang đã bao nhiêu năm nay đóng im im bỗng nhiên kêu cọt kẹt rồi bật mở tung ra như hai bàn tay hồ hởi mời chào. Một quán bán nước chè thuốc lá xinh xắn được dọn ra ngay trên bậc thềm gạch cũ kỹ nứt vỡ. Ngồi trên chiếc chõng tre bán hàng là một em bé gái xinh xắn da trắng ngần tóc đen thả dài như dòng suối chảy. Cô bé chủ quán như cả ngày không hé miệng nói dù chỉ là một nửa lời mà chỉ mở to đôi mắt trong ngần thỉnh thoang lại chớp chớp hai hàng mi dài như thay cho nụ cười câu nói. Đằng sau cô bé phía trong nhà có mắc một cái võng gai. Nằm trên võng là một ông già mặt mũi dăn deo tóc bạc phơ dáng người cứng đờ. Nếu như đôi mắt ông cụ tóc bạc đó thỉnh thoảng không đảo qua đảo lại thì người ta có thể lầm đó là một hình hài bằng gỗ xoan gỗ mít. Cô chủ quán bé tí ngồi lặng lẽ nhẫn nại bán hàng. Một tay cầm cái quạt nan thỉnh thoảng lại phe phẩy để đuổi ruồi, còn tay kia cầm sợi dây gai buộc vào cánh võng thỉnh thoảng lại có kéo sợi dây khiến cho cái võng đu đưa qua lại. Cái cảnh ngộ vừa kỳ dị vừa đau lòng đó của gia đình bố con ông y sĩ Sự khiến tất cả già trẻ lớn bé bà con hàng xóm trong phường ven hồ được một phen bàn tán xôn xao lời qua tiếng lại. Ai cũng cám cảnh thương xót cảm thông với cảnh ngộ này.
Nhưng rồi ngày tháng đưa thoi hết mùa hè cho tới mùa thu năm này qua năm khác cái cánh ngộ kỳ dị đáng thương kia cũng trở nên quen thuộc trong mắt của mọi người cho nên cũng chẳng còn ai thấy cánh đó là dị kỳ đáng thương nữa. Cũng như họ đã quên baüng đi không còn ai hách mỏ dè bỉu người đàn bà đầm đậm mặt mũi nhạt nhẽo là mẹ của cô bé kia là vợ của ông y sĩ Sự mà nghe đồn là đã trốn đi di tản theo một anh chàng buôn rắn biển để kiếm tìm một cuộc sống sung sướng ở miền đất hứa nào đó xa lạ tít bên kia bờ đại dương trùng trùng sóng vỗ. Cuộc đời của y sĩ Nguyễn Văn Sự thực sự an bài bất động trên chiếc võng gai cam chịu từ từ chuyển dần sang đời sống của loài thực vật Tuy vậy ông y sĩ vẫn còn kéo dài cái mạng ngắc ngoải vô hồn của ông thêm mười năm tức là 2650 đêm nữa mới chịu trút hơi thở cuối cùng. Cũng cần phải nói cho rõ là một tháng trước khi chết mặc dù ngày nào cũng được cô con gái tắm rửa thay quần áo cho một lần nhưng người ông y sĩ Nguyễn Văn Sự vẫn cứ bốc ra một thứ mùi thối khắm tanh tưởi đến lộn mửa. Chính y sĩ Sự cũng không thể chịu đựng nổi cái mùi ấy cho nên ông luôn nhờ con gái nhét đầy bông vào hai lỗ mũi và ông chỉ còn cách thở bằng miệng. Vào cái đêm cuối cùng trước phút lâm chung nằm cứng đờ trên chiếc võng gai rớt dãi chay nhễu nhệu quanh mé phải mắt mở to trừng trừng nhìn vào cái bóng đèn 40 oát treo ở giữa phòng không hiểu y sĩ Nguyễn Văn Sự nghĩ tới những gì và nhìn thấy những gì mà ông bật lên một tiếng thét "Tao căm thù mày" rồi mới chịu ngoẹo đầu tắt thở. Y sĩ Sự chết rồi mà hai mắt vẫn giương to cứng đờ. Cứng đến nỗi đến lúc phát tang hai anh y tá lực lưỡng thay nhau vuốt đến rụng sạch cả hai hàng lông mi trên dưới mà đôi mắt vẫn không chịu khép lại. Đám tang của y sĩ Sự tuy chỉ có một vành khăn tang nhưng khá đông người đến viếng. Hầu như tất cả dân ở phường Ven Hồ trong thị xã đều đến chia buồn và đưa tang. Nhưng khổ nỗi cái đám đông ấy chỉ đi theo vài bước là tự động không ai bảo ai người sau kẻ trước lặng lẽ bỏ về cả. Không phải dân phố vô tình mà chính vì cái mùi khắm lặm tanh tưởi ấy cứ ngùn ngụt xông ra từ cỗ quan tài khiến không ai chịu nổi. Vì thế cuối cùng chỉ còn trơ lại có cô con gái Thương Ơi lủi thủi một mình cúi đầu đi theo cỗ xe tang đưa ông bố tới tận nơi an nghỉ cuối cùng.
Quan tài y sĩ Nguyễn Văn Sự được chôn ở một bãi đất cao ráo sạch sẽ trong nghĩa trang của thị xã. Mặc dù huyệt đã được đào sâu tới 4 mét nghĩa là sâu hơn l mét so với qui định và mộ của ông y sĩ Sự được phu đòn đắp rất kỹ nén rất chặt, ấy vậy mà không hiểu sao cái mùi thối khẳm tanh lợm đó vẫn cứ ngùn ngụt xông qua ván thiên xông qua bốn thước đất mà bốc lên trời. Cái mùi ấy dữ dằn đến nỗi chỉ một tuần sau đám cỏ xanh rờn quanh ngôi mộ cháy xém như bị hun lửa. Còn đàn chim sẻ đông nghịt ở nghĩa trang cung rủ nhau bay tuốt vào thị xã. Cũng chính vì quá ngại cái mùi ấy thân chủ mấy ngôi mộ rải rác xung quanh mộ y sĩ Sự cũng phải đút tiền cho ban quản lý nghĩa trang xin phép được bốc người nhà của họ dời đi chỗ khác. Ngay cả ông cụ trông coi nghĩa trang hơn bốn chục năm nay đã quá quen ngửi mùi xác chết thối rữa cũng phải thú nhận là cái mùi tử khí xông lên từ dưới mộ y sĩ Sự nó quá ư là thế nào ấy... Không thể ngửi được. Vì vậy chỉ một tuần sau khi nhập hộ khẩu cho y sĩ Sự, ông cụ gác nghĩa trang đã phải mua cót ép về đóng chặt cái cửa sổ quay ra hướng có ngôi mộ của ông y sĩ Sự xấu số. Và rào biến ngay lại cái lối mòn sau nhà vẫn đi ra phía đó. 15 năm ốm đau cuối đời y sĩ Nguyễn Văn Sự sống âm thầm cô độc cách ly với xã hội xung quanh giống như con dế hủi cúp râu xếp càng rúc tít vào đáy hang tốì om. Đến khi chết chôn chặt dưới ba thước đất rồi mà cái mả của ông vẫn là một cái ma còm cõm đơn côi, bị khai trừ không được xếp hàng tập họp cùng muôn ngàn cái mả khác. Duy nhất chỉ có một người vẫn đều đặn một tuần đến viếng thăm nom hương khói cho ông. Người đó chẳng phải ai khác chính là cô bé Thương Ơi con gái độc nhất của ông. Cứ một tuần cô bé Thương Ơi lại đến nghĩa trang thắp cho bố ba nén nhang và lặng lẽ rỏ xuống mộ của ông ba giọt nước mắt xót xa khóc thương cho người bố đau khổ và bất hạnh của cô. Mới hay nghĩ cho cùng cũng chỉ có bố con ruột thịt là thương nhau. Và cũng chỉ những kẻ có cùng máu mủ thì mới chịu nổi cái mùi thối tha khẳm lặm của nhau mà thôi.
Một thời gian sau khi ông y sĩ Nguyễn Văn Sự qua đời vào một buổi chiều trời quang mây tạnh có một chiếc TOYOTA màu mận chín mới tinh như vừa đập hòm từ từ bon vào thị xã. Ngồi trong xe ngoài anh lái xe ria mép mặt chuột còn có một người đàn ông mặt mũi nhaün nhụi ăn mặc cực kỳ sang trọng. Nếu ông ta không có bộ vai quá lực lưỡng và nước da xần xùi đen đúa thì nom ông ta đích thực là một nhà tư sản. Tuy vậy ông ta lại là một nhà tư sản đấy. Một tư sản giàu xụ. Một nhà tư sản mới phất một Việt kiều đang về thăm lại quê hương sau hơn mười năm xa cách. Ông mang quốc tịch Canađa. Có tên ghi trong hộ chiếu là Rôbe Bảo Quýt. Cũng cần phải nói là hai năm lại đây do thời thế thay đổi nhiều vùng quê thị xã phố huyện nhỏ tí ti hẻo lánh nghèo đói xơ xác rải rác khắp mọi miền ngược xuôi của đất nước bỗng dưng đùng đùng chuyển mình náo nức làm ăn lớn. Nhà nước và nhân dân nô nức thi đua tranh nhau xây dựng những khách sạn mi ni để đón dòng lũ khách du lịch quốc tế nghe đâu sắp ào ào đổ sang như những ngọn sóng thần. Hầu như tất cả các nhà khách các cơ quan xưa nay chỉ phản gỗ chiếu manh chăn chiên bỗng nhiên được nhanh chóng nâng cấp đệm mút tủ ly gương Tàu v.v... Giá vật liệu giá đất giá nhà tăng vùn vụt. Đã thấy xuất hiện một bọn buôn đất buôn nhà chỉ trong sáu tháng từ tay trắng đã có tới bạc tỷ và cũng đã có những Việt kiều ở nước ngoài gửi vàng gửi đô la về cho bố mẹ thân nhân trong nước để tranh thủ mua đất cắm vườn xây nhà vừa để tính chuyện lâu dài sau này và cũng để tính luôn chuyện tranh thủ kinh doanh ngay trước mắt. Và cũng đã có Việt kiều đích thân nhao về nước lo tính chuyện này. Ông Rôbe Bảo Quýt người Canađa gốc Việt hôm nay ngồi trên chiếc Toyota sáng choang đang từ từ êm ru bon vào thị xã cũng là một Việt kiều đang lặng lẽ và gấp rút thực thi một vụ áp phe như vậy Chiếc Toyota chạy vòng quanh cái hồ rộng hai vòng sau đó rẽ vào một dãy phố lớn nhất của thị xã rồi cuối cũng dừng lại trước nhà khách của công đoàn. Đích thân ông giám đốc nhà khách ra tận cửa xe đón ông Bảo Quýt rồi cũng đích thân ông giám đốc đưa vị khách Việt kiều quí báu lên ìâu hai vào phòng số 201. Phòng đầu tiên rộng 40 mét vuông đủ tiêu chuẩn quốc tế giá thuê cho người Việt l12 ngàn đồng một ngày một đêm. Còn giá cho khách nước ngoài thì 60 đô la không có lẻ.
Ông Rôbe Bảo Quýt ngự ở nhà khách công đoàn với tư cách là khách quí khách xộp vì ông thuê phòng sang nhất và trả trước cả tháng tiền phòng vị chi 1.800 đô la. Ngoài ra ông còn ngự ở nhà khách với tư cách là một Việt kiều yêu nước vì ông vừa mới ký với Trung tâm dịch vụ của công đoàn thị xã một hợp đồng xây dựng 3 cái mi ni khách sạn mà phía bên B là ông bỏ ra hai phần ba vốn xây dựng cơ bản. Rôbe Bảo Quýt vốn là người ở xứ này. Ông nói là ông theo bà bác sang Canađa từ hồi ông mới 4 tuổi nhỏ quá nên chẳng còn nhớ quê nội quê ngoại cửa ông ở xã nào huyện nào vùng này. Thật ra thì không phải như vậy. Quê ông ở một làng chài ven biển cách cái thị xã này khoảng sáu chục cây số nơi có những cái chợ cá bể mà vợ ông y sĩ Nguyễn Văn Sự vẫn đi lùng mua rắn biển. Ông Bảo Quýt xuất thân từ một gã đánh cá rồi sau xoay ra buôn cá ngựa và rắn biển. Chính cái anh chàng buôn cá đó chứ không phâi ai khác, 10 năm trước - hồi đó còn có tên là Quý ngựa đã gian díu với vợ ông y sĩ Sự rồi rủ chị ta xuống tàu trốn đi di tản sang Hồng Kông vứt chị lại trong một trại tị nạn ở đó rôi chuồn đi Canađa sau khi đã nẫng sạch tiền và vàng của chị ta. ở nhà khách công đoàn hàng ngày ông Bảo Quýt rất bận bịu. Ông bận bịu như một chính khách phương Tây đang thời kỳ vận động bầu cử hoặc giống như một ông thứ trưởng vừa được bổ nhiệm đang thời kỳ tiếp nhận cơ quan mới. Lịch làm việc trong ngày của ông kín mít từ sáng tới gần nửa đêm. 7 giờ sáng dậy. Vệ sinh cá nhân chỉ có 30 phút. từ 7 giờ 30 đến 9 giờ 30 vừa ăn sáng vừa tiếp các khách quí như giám đốc khách sạn trưởng ty xây dựng trưởng phòng nhà đất phó giám đốc quỹ tín dụng thị xã v. v... Từ 9 giờ 30 đến 16 giờ 30 đi thăm các cơ sở sắp tới sẽ liên doanh với ông để xây dựng khách sạn và cùng khai thác sau này. từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 Tắm hơi mát xa v. v... Từ 18 giờ đến 20 giờ dùng cơm chiều tại một nơi nào đó cùng với những khách mời đặc biệt của ông. Hôm thì ông thuế vụ hôm thì bà chủ nhiệm công ty rau quả v. v. Sau bữa cơm chia tay với các vị khách là giờ ông Bảo Quýt giải trí mà ông vẫn gọi là chống đần độn. Hay nói toạc ra đó là giờ ông đi chơi gái. Ngay từ hồi còn trai trẻ mười tám đôi mươi Bảo Quýt đã nổi tiếng đĩ trai. Tới bây giờ đã ngoài 50 tuổi phong độ của ông vẫn rất dữ dằn không thua kém gì bọn thanh niên. Hồi còn trẻ anh Bâo Quýt nghèo túng nên toàn đú với các mụ nạ dòng để còn đẽo tiền của các mụ đó. Bây giờ thì ngược lại có nhiều tiền ông Bảo Quýt lại chỉ thích chơi các em còn non tơ. Hơn một năm lại đây không biết có phải vì sợ sida hay không nên ông chỉ chọn chơi các cô gái còn trinh.
Về thị xã ở được non một tuần lễ không hiểu tại sao ông Bảo Quýt đã tuyển ngay được một bộ tham mưu chuyên lo cho ông "công vụ" này. Đứng đầu bộ tham mưu đó lại là anh phó phòng nhà đất của phường Ven Hồ. Cái phường mà ông Bảo Quýt đã chọn để mua đất để xây 3 tòa mi ni khách sạn. Cái anh phó phòng nhà đất này cao chỉ một mét rưỡi người còm nhom xách nặng cũng không quá 30 ki lô kế cả quần áo. Tướng mạo vừa hèn mọn lại vừa gian giảo láu lỉnh.
Một buổi chiều tình cờ đi ngang qua quán nước của cô Thương Ơi con gái y sĩ Sự. Vừa nhìn thấy cô gái ông Bảo Quýt trố mắt ngạc nhiên. Chỉ cần nhìn làn da hai bàn tay mịn như nhung và mớ tóc óng ả như suối của cô gái là ông đã biết ngay cô chủ quán là một cô gái trinh. Vẻ thánh thiện pha chút đồng quê của cô chủ quán khiến ông Bao Quýt thèm rỏ nước rãi. Ông chép miệng luôn mồm. Tối hôm đó, sau khi chè chén no say phè phỡn ở một cửa hàng đặc sản cuối thị xã ông Bào Quýt ghé vào tai anh phó phòng kiêm ma cô rồi nháy mắt
- Chiều nay cậu có để ý cô bé tóc dài bán hàng ở cái quán ven hồ gần bãi đất hoang không?
- Tôi lạ gì con bé câm đó.
- Câm à? Ô lạ nhỉ. Hay quá
- Xếp thích?
- ừ khoái. Thế nào? Có mì ăn liền được không?
Gã ma cô nhún vai:
- Cô bé này còn nhà tử tế chứ không là gái hoa
- Ông tư sản khoát tay:
- Tử tế là cái chó gì. Bố nó là ai?
- Không biết là ai nhưng vừa mới ngỏm rồi.
- Tốt. Còn mẹ?
- Chuồn đi di tản chục năm nay rồi?
- Khá quá.
Gã tư sản rú lên:
- Dòng dõi trí thức. Bố chết. Mẹ đi di tản. Câm. ở một mình. Không nơi nương tựa. Thật là tuyệt có chạy đằng trời cô em ạ. Nghe chú mày nói tôi đã bắt đầu máu rồi đấy. Nào ta đến gặp cô bé để làm việc ngay. Giá bao nhiêu cũng xong.
Gã ma cô ú ớ:
- Ngay bây giờ?
- Chứ còn bao giờ. Không mau thì thằng khác nó nẫng tay trên mất. Trâu chậm uống nước đục. Mau lên ra gọi cho anh cái xế lô. Đi chơi thì phải đi xế lô nó mới đúng cách.
Ông Việt kiều yêu nước đã ngà ngà. Ông bá vai gã ma cô. Cả hai loạng choạng ra khỏi quán rồi leo lên một cái xích lô. Trời đêm mát mẻ trong lành tạnh ráo nhưng gã ma cô vẫn hét anh xích lô phải giương gọng mui lên. Có lẽ vì rượu bia đã ngấm và lại quen thói cậy nhiều tiền nên xích lô vừa đỗ khựng lại trước cửa cái quán nhỏ, ông Việt kiều yêu nước đã hùng hổ nhảy bổ xuống hè tay vung vầy một xấp đô la Hồng Kông. Ông đập cửa ầm ầm, hét to: "Mở cửa nào. Mở ngay nào". Dễ thường nếu lúc này cánh cửa mở ra ông sẽ lao ngay vào nhét tập đô la vào cái nịt vú của cô chú nhà rồi ôm ngấu lấy cô bé vật ngã người ra nền nhà chẳng thèm nói một lời. Hai cánh cửa cọt kẹt mở ra. Ông Việt kiều yêu nước trố mắt. Trước mắt ông không phải là cô bé câm yểu điệu yếu đuối tha thướt đang ngơ ngác như một con mồi cho ông vồ lấy để hãm hiếp mà là một lão già râu ria tua tủa chân tay lóng ngóng như con hắc tinh tinh. Con hắc tinh tinh trợn tròn đôi mắt sáng quắc như mắt một quái nhân phều phào hỏi
- Ông hỏi ai đấy ạ.
Nhà tư sản mới phất rúm cả chân tay rùng mình toát hết cả dương khí. Cơn say vụt bay biến. Ông Báo Quýt líu lưỡi ấp úng: Dạ... tôi... tôi hỏi... Nói được vài lời như vậy chẳng đợi con hắc tinh tinh hỏi thêm câu nào nữa ông Bảo Quýt quay phắt ù té chạy thẳng. Hai cánh cửa phía sau lại cọt kẹt từ từ khép lại. Phóng một mạch tới cái máy nước ở đầu phố ông Bào Quýt mới lại hồn đứng lại. Gã ma cô ở phía sau con cón chạy tới y hệt như con chó Nhật. Ông Bảo Quýt gắt:
- Định chơi xỏ ta đấy hử.
Gã ma cô cuống quýt
- Dạ... vâng: đâu dám có chuyện đó ạ.
Ông Bảo Quýt vẫn còn cáu
- Dạ vâng cái gì. Anh có biết cái con đười ươi già ấy ở cái hốc nào chui ra không?
- Quả thực là lần đầu tiên em mới thấy cái mặt thằng khỉ đột ấy ở cái thị xã này. Em thề!
- Vậy thì nó ở đâu tới đây nhỉ
Ông Bao Quýt vỗ trán. Rồi ông lầm bầm:
- Mẹ kiếp. Nhân bảo như thần bảo. Trâu chậm uống nước đục rồi. Nó nhanh chân hơn nên nẫng tay trên của mình rồi. Cú thật. Cái con đười ươi này ở đâu chui ra nhi? Chẳng nhẽ nó cũng lại là một Việt kiều yêu nước về thăm quê hương hệt như mình à?
Gã ma cô sốt sắng;
- Ngay ngày mai em sẽ cho điều tra lý lịch nó rồi làm tờ trình dâng đại ca.
Ông Bao Quýt nhún vai
- ừ, cho điều tra ngay. Ta quyết không chịu dưới cái thằng đười ươi này đâu. Nó sẽ biết tay ta.
Gã ma cô rập hai chân vào nhau giơ bàn tay phải lên ngang trán.
Tuân lệnh
*
Nói là làm. Cả ngày hôm sau gã phó phòng ma cô biến đi dò la. Buổi chiều tối khoảng 7 giờ 8 giờ gì đó đang ngồi ưỡn bụng uống ly kem trứng ở phòng riêng tại khách sạn thì ông Báo Quýt nhận được 1 cái phong bì dán kín. Mở ra thì có một tờ trình viết nắn nót như sau:
Kính gửi đại ca em đã đích thân đi điều tra lý lịch của con khỉ đột già. Thưa đại ca về nó em xin gửi vài dòng trích ngang như sau
Họ tên, Trương Vĩnh Cần
Tuổi khoảng độ bảy mươi
Nghề nghiệp lang thang
Quan hệ với chú hộ: Không xác minh được!
Gã ma cô đã tỏ ra rất được việc. Đúng! cái ông lão râu ria tua tủa đó con hắc tinh tinh già gớm ghiếc bẩn thỉu dữ tợn đó chính bác sĩ Trương Vĩnh Cần. Lại nói bác sĩ Trương Vnh Cần sau khi len lén bò bốn chân khỏi nhà thuyền trưởng Mùi cá ngạnh rồi trốn chui trốn lủi như con chó già xnống tàu thủy dông một mạch từ bến Quảng Phú về bến chó. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần lại lang thang như một gã ăn mày ăn xin không nhà không cửa. Mỗi khi chợt nhớ lại cái cảnh lén lút chuồn khỏi nhà vợ chồng anh thuyền trướng Mùi cá ngạnh tốt bụng bác sĩ Trương Vĩnh Cần ân hận xấu hồ lắm nhưng ông không hiểu vì sao mình lại cư xử như vậy. Ông chỉ còn nhớ là cái buổi chiều hôm ấy tỉnh dậy sau một cơn say lúy túy sao mà ông buồn thế. Nỗi buồn như luồng thuốc độc ngấm dần qua da qua xương thấm sâu vào tim phối, ruột gan khiến ông bải hoải tuyệt vọng chỉ muốn chết đi cho xong đời. Rời khỏi bến chó bác sĩ Cần không đi tàu hỏa nữa mà ông lang thang cuốc bộ. Cứ có con đường trước mặt là ông bước đi. Bất chấp thời tiết nóng lạnh nắng mưa với chiếc mũ ếch ki mô dày xụ xùm xụp trên đầu với đôi dày há mõm chiếc valy da cũ rích trong tay và bộ quần áo bẩn thỉu rách tã trên mình bác sĩ Trương Vĩnh Cần lang thang khắp chợ cùng quê ngày ăn cơm bụi tối ngủ vườn hoa nhà ga bến xe bến tàu. Đi đâu về đâu bác sĩ Trương Vĩnh Cần không hề hay biết. Những ngày này bác sĩ Trương Vĩnh Cần rất hay bị đau buốt giữa đinh đầu. Hai màt mờ dần. Trí nhớ giảm sút. - Đêm nằm ông hay mơ bị mắc bệnh tâm thần phân lập thể hoang tướng. Có những lần ông còn mơ thấy mình cởi trần truồng đen đúa đang ngồi hít bã mía cạnh một đống rác. Cũng may đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng bác sĩ Cần buồn lắm và ông cứ nghĩ ngợi miên man lo lắng có lẽ mình đang ủ một căn bệnh gì đó quái ác ở trong đầu.
Thế rồi vào một buổi chiều cuối năm rét như cắt da cắt thịt đúng vào cái ngày cách một tháng ông Việt kiều yêu nước Rôbe Bảo Quýt cưỡi Toyota máy lạnh ù ù chạy về cái thị trấn rợp bóng nhãn lồng này thì đôi chân sưng vù đen đúa bẩn thỉu của bác sĩ Cần cũng thất thểu đi vào ngoại ô thị trấn. Và khi chiếc Toyota chở ông Báo Quýt đỗ xịch trước cửa nhà khách công đoàn thì bác sĩ Trương Vĩnh Cần cũng dừng bước trước cái quán xinh xắn của cô bé Thương Ơi tóc dài. Trời vừa chớm ngọ. Cái quán nhỏ vắng vẻ nằm thu mình dưới bóng một cây nhãn già cọc cằn. Cô chủ quán Thương Ơi đang ngồi co ro cộng sổ trên chõng. Cô thấy ông khách già tiều tụy run rẩy cứ lục hết túi trước túi sau bới tung cả cái va ly da cũ kỹ lên mà chẳng tìm nổi một đồng tiền. Cô bé Thương Ơi động lòng nhanh nhau chạy ra kéo tay ra hiệu cho bác sĩ Cần vào quán nghl chân uổng nước. Cô gái còn biếu bác sĩ Càn một chiếc bánh chưng để ông ăn cho đỡ đói lòng. Có lẽ vì đói quá nên bác sĩ Cân vồ ngay lấy cái bánh nuốt lấy nuốt để vội vàng hấp tập đến nỗi ông bị nghẹn trợn mắt gần tắc thở. Oái oăm thay vừa tống nốt mầu bánh cuối cùng vào mồm thì bác sĩ Trương Vĩnh Cần bỗng hức lên lao đảo ngã vật ngay ra giữa nhà miệng nôn trôn tháo rồi ông ngất lịm đi không biết gì nữa. Tất nhiên lúc đó cô bé Thướng ơi chủ quán vội vã vực ông khách già ăn mày dậy. ấy là cô nghĩ như thế. Rồi cô rất bình thản thong thả và thông thạo tắm rửa chạy chữa cho ông bác sĩ. Thoạt tiên cô lau cổ lau mặt cho ông khách. Rồi cô xoa dầu con hồ vào ngực vào bụng vào trán vào hai thái dương vào hai huyệt sau tai. Rồi cô hòa nước gừng nóng cậy răng đổ vào miệng ông. Rồi cô cởi bỏ bộ quần áo ăn mày rách như xơ mướp trên người ông ra. Cô bê tới một thau nước nóng và kiên nhẫn lau chùi rất cẩn thận cái thân hình còm nhom trần truồng đang mê man vô tri vô giác của ông. Rồi cô mở tủ lấy ra một bộ quần áo ngủ kẻ xọc của đàn ông và mặc vào cho ông bác sĩ. Cô chủ quán Thương Ơi làm tất cả mọi công việc đó rất thành thục và không hề có chút nào e lệ ngượng ngập kể cả khi cô lau chùi những mẩu bánh dính bê bết sau đít ông bác sĩ. Sở dĩ như vậy vì cô đã quá quen những việc hầu hạ chăm sóc cho một người ốm đau bại liệt rồi. Chính vì được chăm sóc cứu chữa kịp thời như vậy nên bác sĩ Trương Vĩnh Cần đã thoát hiểm và ông bình yên tiếp tục ngủ thiếp đi một giấc ngon lành cho đến tận sáng ngày hôm sau.
Khi bác sĩ Trương Vĩnh Cần tỉnh dậy thì ông thấy mình đang nằm đu đưa trên chiếc võng gai ngang bụng đắp một tấm chăn mỏng và đầu gối lên một chiếc gối bông sạch sẽ thơm tho thoang thoảng mùi lá xả. Cô chủ quán Thương Ơi ngồi trên cái ghế đầu cạnh võng. Một tay cô cầm cây quạt nan phe phầy đuổi ruồi cho ông bác sĩ. Tay kia thỉnh thoảng lại đầy nhẹ cánh võng. Thấy hai mắt ông bác sĩ mở ra thô lỗ đảo qua đao lại cô gái cúi xuống nhìn ông chăm chú rồi dịu dàng đặt một bàn tay mềm mại ấm áp lên trán ông. Bác sĩ Cần ngửi thấy mùi thơm như mùi hương quế tỏa ra từ bàn tay của cô gái. Mùi hương quế đó xộc vào mũi ông bác sĩ lan tỏa lên óc rồi chầm chậm truyền xuống dọc theo sống lưng cho tới tận xương cụt thì đẩy nhẹ sang đan điền. Bác sĩ Cần nín thở rồi tử tử đẩy luồng khí thơm lửng hương quế đó thoát ra cửa miệng và ngay lập tức ông tỉnh táo hắn. Cô chủ quán Thương Ơi lại cúi xuống nhìn ông rồi mỉm cười không nói gì cả nhẹ nhàng đứng lên đi vào trong buồng trong. Bác sĩ Cần nằm rốn thêm một lúc rồi chậm rãi ngồi dậy. Ông ngạc nhiên nhận ra mình đang mặc một cái áo rất sạch sẽ. Cái áo tuy hơi chật nhưng vì thế lại càng thêm ấm áp. Trời lạnh nhưng ông bác sĩ không còn thấy rét nữa. Bác sĩ Cần đứng lên ngó quanh có ý tìm cô chủ quán để nói lời cảm ơn cô đã không quản ngại cứu giúp chăm sóc ông và còn cho ông ngủ lại qua đêm trong cái quán nhỏ này không lấy tiền trọ lại còn mặc cho ông quần áo sạch sẽ ấm áp. Nhưng cô chủ quán vẫn đang làm gì lục đục trong buồng chưa ra. Bác sĩ Cần ngồi xuống cái chõng tre lặng lẽ ngồi đợi và chính lúc đó tình cờ ông nhìn thấy ảnh ông y sĩ Nguyễn Văn Sự viền khung đen đặt ở trên bàn thờ ở một góc nhà. Đó là tấm ảnh chụp y sĩ Nguyễn Văn Sự hơn hai chục năm về trước khi ông y sĩ còn chưa bị đứt mạch máu não khi tóc còn đen nhánh và đôi mắt còn sáng quắc lanh lẹn xoi mói như mắt cú vọ. Và cũng chính vì vậy bác sĩ Trương Vĩnh Cần nhận ngay ra người đông hương cũ của bà Ngót.
Khỏi phải nói khi nhận ra ông y sĩ Sự thì bác sĩ Cần ngạc nhiên như thế nào. Đôi mắt trong ảnh của ông y sĩ Sự loe lóe như luồng điện thôi miên ông bác sĩ làm ông cứ cuống cả lên khiến ông ngã ngồi phệt ngay xuống đất đờ ra như con chuột sa vào móng vuốt của con mèo. Đúng lúc đó cô chủ quán Thương Ơi ớ trong phòng đi ra tay bê một cốc sứa nóng bốc hơi nghi ngút. Thấy bác sĩ Cần dang run rầy ngồi phệt dưới đất ngỡ là ông bác sĩ vẫn đang mệt cô bèn đặt cốc sữa vào tay ông bác sĩ rồi dịu dàng ra hiệu mời ông ngồi lên chiếc chõng ở giữa nhà. Nhưng bác sĩ Cần còn bụng dạ tâm trí nào để uống sữa nữa. Ông lập cập cầm lấy tay cô chủ quán rồi khàn khàn kêu lên:
- Cô ơi người trên ảnh kia là thế nào với cô?
Cô chủ quán Thương Ơi ngước nhìn ông bác sĩ. Đôi mắt cô trong vắt như mắt thiên sứ. Rồi cô ú ớ chỉ vào tấm ảnh rồi lại chỉ vào ngực mình Đến lúc này bác sĩ Cần mới nhận ra cô chủ quán
Thương Ơi bi câm. Cốc sữa trên tay ông rơi xuống vỡ tan thành trăm mảnh.
Như bị mắc vào tấm mạng nhện không thể gỡ ra nổi của quá khứ. Suốt buổi sáng hôm đó bác sĩ Trương Vĩnh Cần ngồi lại và cũng ú ớ khuơ chân khuơ tay nói chuyện với cô chủ quán Thương Ơi. Và mặc dù cô gái cũng chỉ ú ớ khuơ chân khuơ tay nói chuyện lại với bác sĩ Cần nhưng dần dà ông cũng hiểu được những gì đã xảy ra đối với ông y sĩ Sự và vợ con ông trong suốt hai mươi năm trời đằng đaüng đau khổ tủi nhục đã trôi qua. Thế là bác sĩ Trương Vĩnh Cần lại rơi vào một nỗi buồn khủng khiếp. Nỗi buồn giống như thuốc độc cứ từ từ ngấm vào thịt xương tim óc ông khiến người ông bải hoải đau ê ẩm. Ông bối rối khiếp sợ và chán chường đến nỗi chỉ muốn rúc đầu vào một xó nhà nằm co quắp như con chó già đang bị đi ỉa ra máu. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần không muốn kể lại cho cô bé Thương Ơi những câu chuyện trớ trêu đau lòng xảy ra giữa ông và ông y sĩ Sự hai mươi năm về trước khi hai người còn làm việc ở bệnh viện. Dù sao tất cả đã trôi vào dĩ vãng và nên chôn chặt nó dưới nấm mộ thời gian đừng mất công đào xới lên nữa. Có lẽ tốt nhất là ta nên mau rời khỏi cái quán nhỏ này và không bao giờ nên gặp lại cô con gái của ông y sĩ Sự. Bác sĩ Cần chân thành nghĩ như vậy. Khi thấy ông khách già loay hoay tìm cái va ly cũ rích để chuẩn bị ra đi và nhìn mặt ông đang tái xanh vì đau đớn buồn bã xấu hổ thì cô gái dịu dàng cầm lấy tay bác sĩ Cần kéo trở lại. Cô chủ quán Thương Ơi không ú ớ không hoa chân múa tay nói với bác sĩ Cần mà chỉ mở to đôi mắt thiên sứ nhìn ông. Đôi mắt ấy còn nói hơn nghìn lời và bác sĩ Cần hiểu tất cả. Râu tóc ông bác sĩ rung rung. Hai mắt ông bỗng dưng mờ lệ. Lòng ông bác sĩ mềm ra. Và ông hiểu rằng ông không thể nào cất nổi chân bước ra khỏi cái quán nhỏ này để chạy trốn đôi mắt thiên sứ đang mở to im lặng nhìn ông.
"Ta sẽ ở lại đây vài hôm để nghỉ ngơi để chuyện trò với cô con gái câm của ông y sĩ Sự. Và ta cũng sẽ chọn ngày nào đó ra nghĩa trang thắp cho ông y sĩ Sự một nén nhang. Rồi đợi một hôm nào đó cô gái tội nghiệp này ngủ quên ta sẽ len lén trốn đi tiếp tục gửi cái thân già này trên chặng đường giang hồ lang thang phiêu bật nay đây mai đó".
Thế là bác sĩ Trương Vĩnh Cần quyết định ở lại với cô chủ quán Thương Ơi. Và cũng vì thế mới có chuyện đụng độ với ông Việt kiều yêu nước Rôbe Bao Quýt say rượu đi xích lô tới đẩy cửa xông vào cái quán nhỏ này hung hăng vung tiền ra đòi mua dâm cô chủ quán Thương Ơi.
*
Tiếp tục câu chuyện ông Việt kiều yêu nước Rôbe Bảo Quýt sau lần đi ăn đêm mua dâm bị hụt đó về cơn lo sợ hết rồi và nhất là sau khi đã được gã phó phòng nhà đất kiêm ma cô cung cấp cho biết cái trích ngang của bác sĩ Cần thì ông ta đâm ra cay cú. Cay cú vì không phá được trinh cô gái chủ quán Thương Ơi Cay cú vì đã bị một lão già ăn mày xấu xí như con tinh tinh mau chân nẫng tay trên ngay trước mũi. ấy là suy bụng ta ra bụng người như vậy. Ông ta bèn nghĩ cách trả thù cho bõ tức. Nghĩ là làm. Ông Bảo Quýt cho gọi gã phó phòng ma cô đến và hai thày trò chui vào phòng 201 đóng chặt cửa lại nhỏ to tính toán. Ngay buổi tối hôm đó trụ sở an ninh tuần tra phường Ven Hồ nhận được một lá thư nặc danh vất vào cái hòm gỗ bao vệ trị an xin ý kiến nhân dân treo ở ngay cổng ra vào. Nội dung lá thư tố cáo cô chủ quán Thương Ơi ở ven hồ bên ngoài thì bán quán bên trong thì hành nghề bán dâm. Lá thư này còn cam đoan nếu lực lượng dân phòng ập vào quán lúc nửa đêm về sáng thì nhất định sẽ bắt được qua tang cô gái chủ quán Thương Ơi đang lõa lồ hành nghề bán dâm cho khách. Nhận được lá thư đó bà phó chú tịch phường nửa tin nửa ngờ bèn quyết định cứ ông tồ trưởng báo vệ dân phố vốn là một ông bảo vệ gác công ty văn hóa đã về hưu cũng là chồng bà Hảo bán bún chà đầu phố cùng với anh Hiếu bảo vệ đi cùng bất ngờ đến kiêm tra hộ khẩu ở cái quán nhỏ vào 9 giờ 30 phút tối hôm sau.
Khi tổ kiểm tra đấy cửa cái quán nhỏ bước vào thì thấy cô chủ quán đang ngồi hí húi cộng số đếm tiền. Cạnh đó không xa có một ông già râu ria tua tủa đang nằm co ro ngáy khò khò trên cái võng gai kẽo kẹt đu đưa. Rất tiếc là tổ kiểm tra không bắt được quả tang cái cảnh trai trên gái dưới vì có lẽ ông khách già và cô chủ quán đã "Làm việc" xong rồi. Khi kiểm tra giấy tờ thì phát hiện ra ông khách già không có chứng minh thư cũng chưa đăng ký tạm trú. Sự việc bỗng trở nên đầy khả nghi và nghiêm trọng hơn nhiều một vụ hành nghề bán dâm mua dâm. Lập tức bác sĩ Trương Vĩnh Cần được mời về công an phường và nghỉ tạm qua đêm ở phòng tạm giam để đợi sáng ngày hôm sau lập biên bản gửi lên quận giải quyết. Vốn đã từng bị tống giam trong chuồng sắt nhốt các tử tù trong trại giam đích thực rồi nên cái phòng tạm giam ở phường công an xem ra chẳng mùi mẽ ăn nhằm gì đối với bác sĩ Trương Vĩnh Cần. "Qua đêm ở trong này thì cũng thoai mái như qua đêm trong phòng đợi ở nhà ga bến tàu". Bác sĩ Cần lẩm bẩm như vậy. Vì thế ông thản nhiên leo lên tấm phản ở góc phòng ngả lưng đánh luôn một giấc. Vì không có màn nên đàn muỗi có kéo đến vo ve quấy rầy ông đôi chút nhưng ông bác sĩ vẫn phớt lờ ngáy khò khò một mạch cho đến 8 giờ sáng ngày hôm sau tới lúc anh hạ sĩ trực ban lộp cộp đi tới mở khóa loảng xoảng bước vào đập nhẹ vào chân bác sĩ Cần ôn tồn bảo: "Mang tất cả đồ dùng cá nhân lên phòng tiếp dân gặp đồng chí trưởng công an phường". Bác sĩ Cần vâng dạ nhổm ngay dậy rồi ngoan ngoãn hăng hái xách cái vali da cũ kỹ lún cún đi theo anh hạ sĩ qua một cái sân gạch rộng rãi chỏng chơ nhiều búi dây thừng to tướng và những quả tạ thép nặng chịch chuyên để tập võ. Đồng chí trưởng công an phường là một trung úy cánh sát chưa đến tuối ba mươi da trắng trông rất thư sinh đội mũ đeo quân hàm chỉnh tề đang ngồi hí hoáy ghi chép bên chiếc bàn gỗ mộc. Anh chỉ chiếc ghế đẩu mời bác sĩ Cần ngồi xuống rồi tủm tỉm hỏi đêm qua muỗi có đốt ông không. Rồi không đợi bác sĩ Cần trả lời anh nhẹ nhàng nói tiếp đại để là: ông bác có tuổi rồi đừng có đi chơi lang thang nữa. Ông nên về nhà để con cháu được chăm nom thuốc men phụng dưỡng ông. Cứ đi chơi lang thang thế này ăn uống thất thường ngủ bậy bạ có ngày dính sida thì hối cũng chẳng kịp". Bác sĩ Cần gật dầu vâng dạ rối rít. Anh đồn trưởng công an chỉ ra ngoài cổng vui vẻ nói thêm: "Thôi. Về nhà đi bố ạ. Đừng có dỗi con dỗi cháu nữa. Thời buối bây giờ suốt ngày vùi mặt vào công việc kiếm tiền khó lắm cho nên con cháu nó có vô tình có chểnh mảng thì ông bà bố mẹ cũng nên thể tất cho con cháu để chúng còn yên tâm làm ăn nuôi con cái và phụng dưỡng bố mẹ ông bà". Rồi anh lại giục: "Thôi. Bố về đi. Về nhà ngay đi không ai dám giữ bố ở lại đây đâu". Bác sĩ Cần kính cần cúi chào anh trung úy cảnh sát đẹp trai tốt bụng và hứa sẽ không làm điều gì gây phiền phức cho cơ quan pháp luật rồi ông vội vã xách cái va ly đã tàng lên và lủi nhanh ra khỏi gian phòng.
Cái đêm hôm bác sĩ Cần bị mời lên công an phường để lập biên bán cô gái chủ quán Thương Ơi chẳng lo sợ chút nào. Vì lúc đó đã quá khuya nên cô không đi theo bác sĩ Cần lên đồn. Sau khi bác sĩ Cần bị mời đi rồi cô thu dọn lại nhà cửa gấp sổ sách cất tiền vào cái hộp kẽm rồi bình thản cài then đóng cửa đi ngủ. Sáng hôm sau vào khoảng 5 giờ cô thức dậy. Cô không đun nước pha chè để chuẩn bị mở quán mà nổi lửa nấu một nồi cháo thịt băm thật ngon rồi lấy cái làn nhựa đỏ ở góc bếp xuống lau chùi thật sạch. Sau đó cô múc đầy một cả mèm cháo thịt cẩn thận đặt vào trong cái làn nhựa. Cần thận cô còn bỏ vào làn một chai nước la vi một cái thìa to cùng khăn mặt bàn chái đánh răng thuốc đánh răng và nguyên cả một cây VINATABA bọc trong giấy kính. Rồi cô ngồi chai đầu đợi đến gần 7 giờ mới xách làn ra khỏi quán đóng cửa khóa lại rất chu đáo rồi thủng thẳng đi về hướng đồn công an phường Ven Hồ. Cái vẻ chậm rãi bình than của cô chủ quán Thương Ơi không phải chỉ là sự vô tình. Mới gặp thoáng qua và trông bên ngoài thì ai cũng ngỡ cô bé Thương Ơi chỉ là một con thỏ non ngơ ngác dại khờ. Người tốt gặp cô thì xót xa thương cảm. Còn những kẻ xấu xa thì mới chl nhìn thấy cái dáng người mánh mai yếu đuối kia đang lúi húi một mình trong cái quán nhỏ thì đã nổi tà tâm. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần đã nhầm và ông Việt kiều yêu nước Rôbe Bao Quýt thì lại càng nhầm to. Cô bé Thương Ơi đâu có phải là con bê non ngơ ngác để người đời thương hại hoặc ăn thịt. Ngay từ phút đầu tiên lọt lòng mẹ ra cô bé đã có cái khác lạ bí ẩn. Tràng hoa quấn cổ. Màu cứt xu trắng như sữa. Mùi nước đái thơm lừng hương quế và nhất là mớ tóc đen dài óng á tuôn chảy như nước suối rừng. Không biết có phải vì bị cảm từ thuở lọt lòng mà cô được tự nhiên đền bù cho một khả năng rất kỳ lạ. Chỉ cần ngồi đối diện rồi mở to đôi mắt thiên sứ chăm chăm nhìn vào mắt người nào đó là cô có thế đọc được những ý nghĩ đang chạy nhoáng nhoàng trong óc người đó. Phải chăng vì cô gái có dòng điện sinh vật cực mạnh luôn tích tụ trong người và dòng suối tóc óng ả đó lại chính là một dàn ăng ten thu phát cực kỳ nhạy cảm. Lọt lòng ra đã khác người. Suốt 6 năm trời ở tuổi nhi đồng cô bé Thương Ơi suốt ngày chỉ bò lê la một mình trong căn nhà vắng vẻ bố thì nằm liệt ở phòng trong còn mẹ thì chạy rông ngoài chợ cá biển. Hơn mười năm trời đằng đaüng 3650 ngày đêm liên tục ngồi bên cạnh tay quạt tay võng hầu hạ cơm cháo cứt đái cho người cha bán thân bất toại nằm ngay đơ như pho tượng nửa sống nửa chết suốt ngày suốt đêm nồng nặc bốc lên mùi thối khắm rữa nát lạnh toát âm âm u u như mùi tử khí dươi đáy mồ. Cô bé Thương Ơi đã sớm được nếm đủ mọi mùi vị đắng chát chua xót sầu thảm của một kiếp người. Tuổi đời cô non nớt nhưng tâm hồn cô sớm từng trái già giặn cứng cỏi. Cô chỉ ú ớ khuơ khoắng chân tay nhưng lại thấu hiếu tận gan ruột ý nghĩ người đời. Chính vì vậy mặc dù bác sĩ Cần lờ đi giấu biệt nhưng cô vẫn hiểu được nỗi buồn thăm thẳm chua xót tận đáy lòng ông. Và cũng chính vì thế mà cô ngước cặp mắt thiên sứ rưng rưng nhìn ông cầu khần van nài rồi cô cứ túm chặt lấy tay ông ú ớ khi ông bác sĩ xách cái va ly lên định tìm cách chuồn khỏi cái quán nước. Phải chăng cô bé Thương Ơi đã thấu hiếu tất cả câu chuyện trớ trêu oan nghiệt giữa ông y sĩ Sự và bác sĩ Cần và cô muốn làm việc gì đó để chuộc lại phần nào lỗi lầm vong hồn cha cô đang quằn quại bốc mùi dữ dội chẳng chịu tan biến đi ở dưới suối vàng. Hay còn vì một lý do nào đó nữa mà chưa ai hiểu nối. Nhưng thôi đó cũng chỉ là một phỏng đoán mà thôi.
*
Rời khỏi đồn công an phường Ven Hồ đi được một quãng thì bác sĩ Cần nhìn thấy cô chủ quán Thương Ơi xách cái làn nhựa đỏ đang thong thả từ xa đi ngược lại. Cô gái đi trên những vạt cỏ bên kia lòng đưóng sát mép hồ. Dáng cô nghiêng nghiêng như một tòa tháp sơn trắng lặng lẽ soi bóng xuống mặt nước hồ phẳng phiu xanh ngắt không hề gợn lên dù chỉ là một con sóng nhỏ. Nhìn thấy ông bác sĩ cô chủ quán Thương Ơi kêu lên một tiếng. Nhưng tất nhiên đó chỉ là tiếng ú ớ của người câm rồi cô tất tả chạy sang đường đón ông bác sĩ. ánh nắng buổi sớm như tấm lụa vàng tươi ôm choàng lấy khắp người cô gái khiến ông bác sĩ lóa mắt. Trong phút chốc làn gió trong lành buổi bình minh thoang thoáng bay mùi lá cây nhãn ngai ngái mùi đất qua đêm mát mẻ trộn lẫn mùi thơm nồng nàn hương quế thổi ùa vào mặt bác sĩ Cần khiến ông sững sờ ngơ ngác. Bác sĩ Cần đứng lại hai tay thõng xuống như bị rút hết gân cốt rồi ông ôm choàng lấy cái thân hình mánh mai yếu điệu và thơm phức của cô gái. Mùi hương quế kỳ diệu từ tóc cô từ hai bờ vai từ đôi vú nhu nhú dưới làn vài sạch sẽ và nhất là từ cái miệng xinh xắn câm lặng của cô gái như phà ra làm ông bác sĩ choáng váng. Chỉ chút nữa thôi là ông bác sĩ ngã ngồi phệt xuống lòng đường. Cũng may là lúc này chung quanh vắng ngắt nếu không nhìn thấy canh đó người ta sẽ ngờ ông bác sĩ đang sắp bị lên cơn co giật Pắc Kinh sơn.
Cô gái Thương Ơi mở to đôi mắt thiên sứ rưng rưng nhìn ông bác sĩ già đang bơ phờ run rẩy. Môi cô mấp máy ú ớ. Cô khe khẽ đặt tay lên cái vai còm nhom giơ xương của ông bác sĩ già. Ngay lập tức bác sĩ Cần cảm nhận một luồng điện tê tê chạy suốt từ bờ vai xuống tận tới mười đầu ngón tay ngón chân. Luồng điện đó từ người cô gái trẻ truyền sang mau chóng lan tỏa ra khắp thân thể ông khiến cho tâm hồn ông bác sĩ bỗng dịu xuống thanh thản bình tĩnh trở lại.
*
Bác sĩ Trương Vĩnh Cần lại về ở với cô gái Thương Ơi trong cái quán nước nhỏ ven bờ hồ. Chẳng biết ông bác sĩ suy nghĩ gì và nói gì với cô chủ quán mà mấy ngày sau bác sĩ Trương Vĩnh Cần quyết định đi thăm mộ ông y sĩ Nguyễn Văn Sự. Hôm đó là một ngày cuối tiết thanh minh nhưng không rõ vì sao ngay từ sớm tinh mơ trời lại nổi cơn gió mạnh. Vì lỡ một chuyến xe lam và phải cuốc bộ hơn 5 cây số đường rải đá răm từ đoạn tránh tàu vào nên bác sĩ Cần và cô gái Thương Ơi vào đến cổng khu nghĩa trang thì trời cũng đã gần trưa. Và cũng không hiểu tại sao cái ngày hôm ấy lại không có một ai lai vãng tới cái nghĩa trang này kể cá ông cụ gác mồ ma văn bia.
Tiếp đón bác sĩ Cần và cô gái Thương Ơi chỉ có hàng cây thông già cao vút đang réo u u và đàn chim sẻ đang ra sức mổ nhau chí chóe. Mộ của ông y sĩ Sự thui thủi môt góc cuối khu nghĩa trang giữa những đám cỏ cháy xém như bị lửa đốt. Càng đi tới gần ngôi mộ ông y sĩ Sự bác sĩ Cần càng ngưi thấy mùi thối khăm bốc lên nồng nặc. Dù là một bác sĩ đã trông coi khu nhà xác hơn hai chục năm nhưng bác sĩ Cần vẫn không sao chịu nổi. Ông hắt hơi liên tục cố gắng không khạc nhổ không bịt mũi không nhăn mặt mà chỉ lùi lũi đi theo cô gái Thương Ơi dang lủi thủi câm lặng đi trước dẫn đường. Không cần quay đầu lại hoặc chạm vào tay bác sĩ Cần mà cô gái Thương Ơi cũng hiểu được tâm trạng ông bác sĩ đang đi đằng sau cô. Chỉ nhìn những bước chân lập cập và đôi vai đang gắng hết sức thu nhỏ lại cùng cái dáng người cứ chúi chúi về phía trước cũng thấy ngay cô gái đang xấu hổ và cay đắng lắm. Có lẽ vì vậy khi tới gần mộ ông y sĩ Sự cô gái đã vội thắp ngay một bó nhang rồi quì xuống và cô cứ quì như vậy hai tay dơ cao bó nhang cháy đùng dùng mà không hề ngoái lại ú ớ muốn nói một điều gì đó với bác sĩ Cần. Một lời xin lỗi thay cho người chết đang nằm dưới nấm mộ kia. Lời xin lỗi thay cho cái mùi thối khắm kinh khủng đang xông lên ngùn ngụt nhìn mấy cây thông già cao ngất ngưởng đang ra sức réo lên những hồi còi bất tận vô nghĩa. Nhìn vành khăn xô chít xộc xệch trên đầu cô gái câm và cúi nhìn ngôi mộ nứt nẻ sụt lở nằm trơ trọi giữa khu đất cháy xém tự dưng bác sĩ Cần thấy cay cay nơi sống mũi. Tâm hồn ông tràn ngập một niềm thông cảm xót xa. Ông bác sĩ âm thầm tự hỏi vì đâu mà nên nông nỗi này. Hỏi vậy mà ông không tìm được câu trả lời. Vẻ cô tịch hoang vắng của khu nghĩa địa buổi trưa. Tiếng hú vô hồn của mấy cây thông già. Cái mùi thối khắm không thể nào hiểu nổi và những giọt nước mắt thiên sứ trong vắt đang lặng lẽ len lén thánh thót rơi xuống cỏ dại khiến bác sĩ Trương Vĩnh Cần cầm lòng không nổi. Ông bác sĩ thấy cần phải làm một cái gì đó để giải thoát cho cô bé câm tóc dài tội nghiệp này giải thoát cho nấm mồ ghê gớm kia và giải thoát ngay cả cho chính ông nữa. Vì vậy đợi cho bó hương trên tay cô bé câm cháy hết bác sĩ Cần lặng lẽ thắp bẩy cây nhang rồi bước tới run run cắm lên mộ ông y sĩ Nguyễn Văn Sự. Khi mấy cái chân hương vừa lún sâu vào đất thì bỗng nhiên có một luồng khí đặc quánh đen xì từ trong ngôi mộ chầm chậm rẽ đất ngoằn ngoèo trườn lên y hệt con rắn cụt đầu đang mò mẫm bò dần ra từ trong hang hốc tối đen. Con rắn đen cụt đầu đó oằn oại khó nhọc bay lên khoảng không trước mặt bác sĩ Cần. Cái mùi thối khắm của nó phù vào mặt bác sĩ Cần khiến ông phắi bật nôn ọe và lùi lại mấy bước. Con rắn đen cụt đầu đó luồng khí đen hắc ám đó cứ chầm chậm bay lên cao mãi rồi cuối cùng loãng dần ra và tan biến vào khoảng không trong xanh cho đến khi không còn nhìn thấy gì nữa.
Bác sĩ Trương Vĩnh Cần tin rằng ông vừa nhìn thấy linh hồn của ông y sĩ Nguyễn Văn Sự vừa thoát xác hay nói đúng hơn là nó vừa trốn thoát khỏi cái xác đang rữa nát vùi sâu dưới ba thước đất đen mà nó đã bị cầm tù gần mười năm nay. Chỉ cần nhìn thấy nó oằn oại cuống cuồng lấm lét bò đi như một thằng tù vượt ngục thì cũng biết nó đang khiếp nhược đến nhường nào. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần cũng tin chắc rằng lúc này đây trên thế gian này chỉ có một mình ông là nhìn thấy rõ luồng khí đen đó mà thôi. Nó có thật ư. Nó trườn từ dưới ngôi mộ lên hay nó chỉ có thể nhìn thấy trong tâm tướng ông bác sĩ Cần. Câu hỏi đó ngoài chính bác sĩ Cần ra không ai có thể trả lời được giờ đây bác sĩ Trương Vĩnh Cần đang ngửa mặt nhìn lên bầu trời chính ngọ một ngày tiết thanh minh giá lạnh như muốn nhìn hút mãi theo cái luồng khí đen đó đã tan biến vào khoảng không bao la. Ông bác sĩ nhìn thấy những đám mây màu ốc biêu đang vùn vụt trôi nhanh như thác xối dưới một vòm trời lồng lộng tha sức gió gào hú khiến cho bác sĩ Cần chỉ thấy bùi ngùi và hối tiếc một cái gì đó chính ông cũng không hiểu nổi. Cô gái Thương Ơi tóc dài ở đằng sau rón rén tới gần ông bác sĩ rồi ngồi bệt xuống đất òa lên khóc nức nở. Nhứng giọt nước mắt thiên sứ trong suốt lã chã rơi xuống ướt đầm một bên ống quần bám đầy cỏ may của bác sĩ Cần khiến ông giật mình như người vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng. Bác sĩ Cần vội vàng cúi xuống xốc nách cô gái câm đứng lên. Ông ấp úng như kẻ ngậm hột thị. Cổ họng ông se lại tay run lầy bẩy như người sắp lên cơn co giật Pắc Kinh Sơn. Cô gái Thương Ơi vẫn khóc như mưa gió khiến tâm hồn ông bác sĩ bỗng tràn ngập một thứ tình cảm rất lạ lùng.
Thế rồi đến lượt bác sĩ Cần cũng òa lên khóc nức nở. Cô gái Thương Ơi thấy ông bác sĩ già khóc thì cô càng được thể khóc to hơn. Và ngược lại thấy cô gái càng khóc to thì ông bác sĩ cũng càng khóc to hơn. Hai người thi nhau khóc ầm ĩ. Tiếng khóc của họ át cả tiếng gió thổi ù ù trên đầu át cá tiếng ríu rít đinh tai của một bày chim sẻ đông tới cả ngàn con không hiểu từ đâu vụt bay về bay lượn như điên loạn. Nếu như bây giờ ông cụ gác nghĩa trang đã ăn xong đĩa dồi chó uống xong cút rượu quay về thì chắc hẳn sẽ ngạc nhiên lắm. Chắc chắn ông ta sẽ len lén chui vào nhà gài chặt cửa lại và tự hỏi vì sao hôm nay ở cái góc khu nghĩa địa hoang vắng cô độc bị hắt hủi ấy lại rộ lên những tiếng khóc gào lẫn trong tiếng chim kêu ríu rít. Ba ngày hôm sau góc khu nghĩa trang có chôn ngôi mộ ông y sĩ Nguyễn Văn Sự đã bay sạch mùi thối khắm. Bảy ngày sau thì những vạt cỏ chết héo cháy đen đã tươi tốt trở lại đua nhau trổ mầm non xanh mơn mởn. Đàn chim sẻ ngàn con những vị sứ giả những bức thông điệp của khu nghĩa trang đã lại bay về chí chóe mổ nhau đùa nghịch trên tấm mộ chí của ông y sĩ Nguyễn Văn Sự. Môi trường ở góc khu nghĩa trang này đã được thanh lọc trả lại bình thường. Vài ngày sau hôm đi viếng mộ ông y sĩ Nguyễn Văn Sự trở về. Một buối sớm đất trời dịu dàng không nắng không mưa chỉ có vài ngọn gió vô gia cư lang thang phe phẩy mấy cành nhãn trên vừa hè. Cô gái Thương Ơi chủ quán run run huơ hai tay ú ớ ra hiệu muốn được mời ông bác sĩ già một bữa cơm cúng gọi là để tưởng nhớ người cha khốn khổ khốn nạn của cô. Bác sĩ Cần vui vẻ nhận lời ngay. Vì chính ông cũng hăng hái xắn tay áo lên lao vào bếp chuẩn bị.
Cô gái Thương Ơi đi chợ mua một con gà trống thiến nặng tới gần hai cân. Cô mua cả măng tươi rau dưa và một số gia vị linh tinh khác. Rượu và lạc rang mực khô thì lấy ngay ở quán. Bác sĩ Cần muốn cắt tiết con gà hộ cô gái nhưng cô lắc đầu tỏ ý không cần nhờ vả. Cô cũng chẳng nhờ ông bác sĩ giữ gà. Cô trói chặt hai cánh và hai cẳng con gà lại rồi đạp chân lên và tự một mình cắt cổ con gà rất thành thạo không chút ghê tay rùng mình. Nhìn cái cảnh cô gái Thương Ơi cắt tiết con gà thành thạo nhanh gọn ấy nó thật trái ngược với vóc dáng mảnh manh yếu liễu đào tơ và đôi mắt thiên sứ mở to trong mắt của cô. Âu cũng là vì phải sống một mình tự lo thân việc gì cũng phải làm nên nó như vậy. Mâm cơm cúng được dọn lên cũng đủ cả đĩa thịt gà luộc đĩa xôi bát canh sáo măng bát nước mắm đĩa nộm chua ngọt và ly rượu trắng. Hết một tuần hương cô gái bê mâm cơm đặt xuống cái chõng để giữa nhà rồi đưa tay ú ớ ra hiệu mời ông bác sĩ ngồi xuống. Bữa cơm cúng chỉ có hai người ngồi đối diện nhau một già một trẻ. Cô gái Thương Ơi chủ quán rót tràn hai ly rượu rồi nâng một ly lên ngửa cổ uống một hơi cạn tới đáy trước con mắt ngạc nhiên của bác sĩ Trương Vĩnh Cần. Vốn là tay bợm rượu nhưng ít khi bác sĩ Cần uống như vậy trừ lúc quá buồn phìên ông mới uống kiểu đó để nó vào ngay lập tức mau say mà được quên ngay nỗi buồn. Thấy cô chủ quán uống kiểu như vậy bác sĩ Cần cũng nâng ly lên và cạn luôn. Rượu mạnh quá như là vừa uống xong chén lửa đốt cháy xé cổ họng. Ngay lập tức bác sĩ Cần đã choáng váng. Tai ông kêu vo vo như có con ong bò vẽ bay vào. Hai lỗ mũi ông thở ra luồng khí bỏng rát. Những giọt nước mũi tự dưng ứ ra rỏ tong tóc xuống cái mâm nhôm. Tại sao lại như vậy nhỉ. Ta say ư. Mà lại say ngay sau cốc rượu đầu tiên. Không thể nào lại vớ vẩn như vậy. Ông nâng chén rượu lên trợn mắt nhìn thật lâu cái thứ nước trong vắt đang li ti xúi những bọt tăm nhỏ xíu rồi lại ngửa cổ làm một hơi cạn cốc. Hai mắt ông bốc lửa. Đầu nặng chĩu. Rồi ông bác sĩ cứ thế từ từ đổ gập người xuống cái chõng trước con mắt ngạc nhiên thoáng có vẻ cười cợt của cô chủ quán Thương Ơi tóc dài.
*
Đêm đó vào khoảng ba giờ sáng bác sĩ Trương Vĩnh Cần thấy mình mở mắt ra rồi từ từ ngồi dậy. Cổ họng ông khô bỏng. Một cơn khát ghê gớm cào cấu khắp người ông. Bác sĩ Cần lần mò tụt xuống chõng rồi bò tới góc nhà có cái bàn nước. Cả ba chai nước lọc đều cạn khô. Có lẽ ban chiều cô chủ quán đã quên không nấu nước. Trong nhà lúc này tối mờ mờ chỉ có tiếng con thạch xùng đang chặc lưỡi tắc tắc ở lối cửa xuống bếp. Bác sĩ Cần mò mẫm mở cửa lần ra cái sân nhỏ sau vườn. Một mảnh trăng lờ lợ trơn tuồn tuột đang trôi lơ lửng trong đám mây tím ngắt. ánh trăng đục ngầu nhễu nhại tuôn chảy lai láng trên những cái nồi đất tròn vo úp ngược ngay cạnh cái bếp lò than tổ ong nứt toác vứt lăn lóc dưới chân hàng rào hoa dâm bụt héo quắt. Bác sĩ Cần loạng choạng lần tới bể nước. Ông bám vào cái thành bể loang lồ rêu rồi đu cả người lên vục đầu vào lòng bể uống ừng ực như con ngựa chiến sắp chết khát sau một trận truy phong ngàn dậm đến phát điên phát dại. Nước trong bể lạnh buốt nhưng lạ lùng thay uống vào hụm nào cũng thấy bỏng rát trong cổ họng. Bác sĩ Cần uống mãi uống mãi. Mực nước trong bể tụt xuống vùn vụt cho tới khi lưỡi ông bác sĩ lè ra dài thườn thượt mà cũng chl còn tớp tớp được vài giọt. Xem chừng nước trong bể đã cạn tới đáy.
Bác sĩ Cần trợn mắt nhìn thấy một cái mặt méo mó râu ria tua túa đang phình to uốn éo đong đưa rồi vỡ độp một cái bắn nước tung tóe ngay ở đáy bể. Cơn khát vẫn cào cấu ruột gan ông. Khát quá thể trời ơi. Uống gần cạn bể nước mà vẫn khát. Lạ thế. Có một ngọn lửa đang phun phì phì trong người ông. Bác sĩ Cần thả rơi người ngã ịch xuống nền gạch ầm ướt. Bụng dưới ông đau tức. Háng rát bỏng như bị than đỏ dí vào. Ông bác sĩ thở hồng hộc lưỡi lè ra như con chó già sắp phát cơn dại. Ngay lúc đó ông nhìn thấy một mánh gì đó trắng nhợt mỏng tanh mờ ao bay lên từ một bụi duối đen xì rậm rạp ở góc vườn. Cái mảnh trắng đó vật vờ chập chờn uốn éo lúc gần lúc xa lúc lên lúc xuống lúc ẩn lúc hiện như đang chơi trò ú tim với chính nó. Cái mảnh trăng trắng đó là cái gì vậy. Là con ma ư? Bác sĩ Cần rùng mình trừng trừng hai con mắt. Một cơn gió ào tới khiến cả mảnh vườn ào ào lay động. Cái mảnh trăng trắng đó cứ vón cục dần lại uốn éo hiện rõ dần thân thể một cô gái trắng lốp không một mảnh vai che thân. Hai cái núm vú của cô gái nhọn hoắt cứ rực lên như mắt cửa một loài hổ dại hung ác. Cái eo lưng nhỏ xíu chưa đủ một chắt tay nhưng bù lại bộ mông to mấy nở căng bóng lộn như thoa mỡ. Cô gái đứng cong người, vươn cổ ngửa mặt lên há miệng uống ửng ực cái dòng ánh trăng nhễu nhệu đục ngầu lai láng từ trên trời trộn xuống. Bất chợt cô gái quay phắt lại mái tóc đen dài xõa xuống cổ xương ngực để lộ ra một đôi mắt mở to trong vắt như mắt thiên sứ. Bác sĩ Cần bật kêu lên, hai tay ôm lấy mặt. Đầu óc ông quay cuồng. Ông rùng mình sởn gai ốc rồi ngã đập mặt vào thành bể nước cứng như thép nguội.
Mờ sáng hôm sau cô chủ quán Thương Ơi thức dậy. Đầu vẫn còn nhức và trong miệng vẫn còn nguyên vị đắng của rượu. Cô gái Thương Ơi nằm một lúc cho đỡ mói rồi ngồi dậy mở cửa đi ra phòng ngoài. Đôi mắt thiên sứ của cô gái bỗng mở to ngạc nhiên gian phòng ngoài trống trơn. Chăn chiếu tung tóe trên chõng. Cái ấm nước lăn lóc trên nền nhà. Cửa quán mở tung và ông bác sĩ già đã biến đâu mất. Cô gái Thương Ơi vội nhìn lên nóc tủ. Cái mũ êch ki mô lông xù và chiếc va ly da đã tàng cũng đã không cánh mà bay.