Kể từ hôm Hà bỏ lên biên giới thấm thoát đã được hơn một tháng mà vẫn chưa có tin về. Mùa đông mưa phùn gió bấc vẫn đang chầm chậm trôi qua. Cô Thương bận tối mắt tối mũi vì phải chạy lên ty giáo dục xin chuyển trường cho hai đứa bé. Chợ búa cơm nước giặt giũ. Ngoài ra còn chút thời gian nào là cô lồng lên lùng sục khắp thị xã như con chó đánh hơi tìm miếng mồi gì đó. ấy là chưa kể cứ một tuần hai lần cô lại đạp xe lên bệnh viện tâm thần cách thị trấn gần chục cây để bón cơm rửa ráy tiếp tế cho bà mẹ điên của Hà. Ba đứa em của cô Hà đứa bé nhất sáu tuổi đứa thứ hai tám tuổi học lớp hai và đứa lớn nhất mười ba tuối học lớp bảy tên là Hạnh, gầy quắt như trẻ lên chín lên mười. Hai đứa bé chưa biết gì. Nhưng cái Hạnh thì khôn lắm và rất chăm làm. Mấy hôm đầu nó còn lạ chỗ lạ việc. Nhưng chỉ mươi hôm sau nó đã thay cô Thương ngồi bán quán và phụ giúp đủ mọi việc nội trợ trong nhà. Chỉ có bác sĩ Trương Vĩnh Cần là không làm gì. Hình như chứng bệnh tâm thần phân lập thể nhẹ của ông lại đang chầm chậm tái phát. Hai hốc mắt ông nhức nhối. Ðỉnh đầu đau buốt. Và khổ nhất là thỉnh thoảng đột nhiên ông lại mất trí nhớ cũng chẳng còn biết mình là ai nữa. Một buổi tối đợi lũ trẻ ngủ say cô Thương kéo ghế tới ngồi cạnh bác sĩ Cần. Cô đã quen nói rồi nên không bị nói lắp nữa. Cô bảo:
- Bác ạ, em đã tìm được mối buôn cá ngựa rắn bể rồi. Hai thứ này bây giờ trúng lắm.
Thấy bác sĩ Cần đờ mắt ừ ào. Cô Thương nói thêm:
- Bây giờ nhà ta năm miệng ăn. Nếu chỉ trông vào cái quán nước thì chẳng mấy bữa ăn cả vào vốn cũng không đủ. Em đã tính kỹ lắm rồi.
Bác sĩ Cần vẫn chỉ đờ mắt ừ ào. Thế là cô Thương bắt đầu đi buôn cá ngựa rắn bể.
Một tuần ba buổi cô dậy từ tờ mờ buộc hai cái sọt sau xe đạp rồi phóng thẳng một mạch hơn ba mươi cây số về một cái chợ cá nổi tiếng ở gần biển. Oái oăm thay đó lại là cái chợ mà hai chục năm trước người mẹ dại dột tội nghiệp của cô vẫn đi đi về về mua rắn bể ngựa bể đem về tán thành viên tễ cho bố cô uống chữa bệnh. Cá bể ngựa bể mua về cô Thương đem bỏ mối cho các khách sạn nhà hàng đang đua nhau mọc lên như nấm trong thị xã để họ chế biến thành những món đặc biệt bổ âm tráng dương. Công việc tất bật mù mịt dầu dãi gió mưa từ sáng tinh mơ tới tận nửa đêm đã làm cho nước da trứng gà bóc của cô Thương xạm đen. Mái tóc mềm mại óng ả nay xơ xác như tổ quạ. Cái thân thể con gái mượt mà của cô teo tóp lại cứng queo. Chỉ duy nhất có đôi mắt là vẫn cứ trong vắt như mắt thiên sứ. Đôi mắt như có phép lạ bỏ rơi gió mưa và bao nỗi tất bật vất vả hàng ngày. Thỉnh thoảng có những đêm giật mình thức giấc giữa chửng cô Thương lại chạnh lòng bồn chồn nghĩ tới cô Hà đang biệt tăm tích. Nhưng chỉ nghĩ vậy thôi chứ làm gì được. Chưa một tờ báo công an nào đăng lệnh truy nã một bệnh nhân si-đa trốn trại. Nghĩ nhiều quá trăn trở nhiều quá cô Thương lại vùng dậy lần sang chui đầu vào cái màn to tướng mắc giữa nhà tìm xem có con muỗi nào không đang rình đốt ba đứa trẻ. Những lúc đó nếu bác sĩ Cần không ngủ chắc là ông sẽ nghe thấy tiếng thở dài u buồn của cô gái và ông còn ngửi thấy mùi quế rất thơm đang bay khắp nhà. Một buổi chiều thứ bảy thị trấn nhộn nhạo như vỡ tổ mối, cô Thương đạp xe chở hai sọt rắn bể tới bỏ mối nhà hàng Hoa Hồng. Đúng hôm đó ông Việt kiều Rôbe Quýt đang đập phá với tay phó phòng quản lý nhà đất của thị trấn ở lâu hai. Bia con hổ đổ vào bụng nhiều quá, ông Rôbe Quýt mót đái. Ông loạng choạng mò vào toa lét để xả. Tình cờ Rôbe quýt trông thấy cô Thương đang khệ nệ khênh sọt rắn bể vào bếp. Ông Việt kiều yêu nước nhận ra ngay con mồi mà ông đã vồ hụt hôm nào. Cái eo lưng thon thả đẫm bồ hôi và đường cong của đôi mông cô gái nom thánh thiện đến nỗi Rôbe Quýt đờ cả người, đái vãi cả ra ống quần. Nghĩ chậm làm nhanh Rôbe Quýt bèn lao ngay xuống lầu một. Đúng lúc cô Thương quay trở ra. Mặt đối mặt. Cái hành lang nhà hàng quá hẹp Rôbe Quýt hộc lên như con chó đực khi mũi gã bất chợt hít được cái mùi quế tinh khiết từ thân thể trinh bạch của cô thiếu nữ. Thế là quên phắt ông phó phòng quản lý nhà đất với hai em xẹc-vơ váy đỏ đang lả lướt nhõng nhẽo ở trên lầu hai Rôbe Quýt vồ ngay lấy ông chủ nhà hàng quần soóc lửng sặc sỡ: - Có thể... hụi cái em bán rắn kia được không? Ông chủ nhà hàng nhăn nhở: - Xếp chết nó rồi à? Rôbe Quýt nghiêm trang: - Lo trọn gói nhé. Ông chủ nhà hàng cười: - Gái nhà lành đấy. Tốn đấy. Rôbe Quýt vẫn nghiêm trang: - Không thành vấn đề. Nếu đúng thực gái nhà lành bao nhiêu cũng chi. Ông chủ nhà hàng cười sằng sặc: - Thôi được rồi để tính. Rôbe Quýt không nói gì. Mắt gã hau háu như muốn cắn ngập vào cái lưng thon nho của cô gái. Chiều thứ ba cô Thương lại chớ hai sọt rắn bể tới. Ông chủ quán quát một anh bồi vác giỏ rắn vào bếp rồi vẫy cô Thương tới bên quầy ông thản nhiên nói: - Có một ông mập Việt kiều cứ hỏi em mãi. Có thích chấm phảy chút không? Mặt cô Thương đỏ tía lên vì ngượng. Ông chủ nhà hàng vẫn thản nhiên: - Ôi dào, cắt tiết bỏ mẹ nó đi em bé ạ. Làm ngàn đỏ ngon ơ. Cô Thương không nói gì lắng lặng đi ra khỏi nhà hàng. Ba ngày hôm sau vào khoảng 10 giờ cô Thương đang ngồi trong nhà lúi húi cộng cộng trừ trừ tính lỗ tính lãi thì một chiếc TOYOTA màu mận chín đỗ xịch trước cửa. Lúc đó bác sĩ Cần đang ngồi ở quán cà phê Huyền. Rôbe Quýt hăm hở bước vào với điệu bộ vô cùng xúc động. Gã kêu lên nghẹn giọng: - Cháu tên là Thương có phải không? Cô Thương ngơ ngác gật đầu. Rôbe Quýt lại hỏi: - Mẹ cháu tên là Thìn chứ gì? Cô Thương lùi ngay lại. Rôbe Quýt hấp tấp: - Cháu có thư có quà của mẹ cháu ở Canađa gửi về. Không kịp để cho cô gái kịp thở Rôbe Quýt đặt luôn một cái phong bì xuống bàn. - Mẹ cháu gửi cho cháu năm mươi đô la. Còn thư và quà tôi để ở khách sạn. Chiều nay... à, chiều nay tôi bận họp trên ủy ban. Tối nay bẩy giờ rưỡi mời cô đến chỗ tôi nhận quà. Phòng hai linh ba lâu hai, hô-ten ánh Dương. Cái cạc của hô-ten ánh Dương đây. Thôi chào cô nhé. Tôi phải đi công chuyện ngay. Gớm hỏi mãi mới tìm được nhà của cô. Ơ! Mà cái nhà này hình như không có số nhà. Rôbe Quýt quay ngoắt ra leo tót lên ô tô vù đi luôn bỏ lại cô gái đang ngớ ra ú ớ như vừa bị câm trở lại. Tối hôm đó cô Thương tìm đến khách sạn ánh Dương. Từ hồi đi bỏ mối rắn bể cô gái chẳng còn lạ lẫm ra vào những chốn này. Cô hỏi ông khách đang ở phòng 203 rồi ngồi đợi ở phòng tiếp tân. Một lúc sau anh bồi tới tận nơi ghé vào tai cô: - Ông Rôbe bị cảm. Ông mời cô lên tiếp ở trên phòng. Cô Thương ngần ngại nhưng rồi cô cứ theo anh bồi lên. Phòng 203 ở cuối hành lang đã mở saün cửa. Anh bồi đưa cô vào tận phòng mời cô ngồi rồi quay ra ý nhị khép cửa lại. Rôbe Quýt đang xối nước ào ào ở trong toa lét Rồi gã bước ra tóc ướt áo choàng ngủ đỏ rực lộng lẫy. Người gã thơm sực như một thằng đồng cô. Gă giang tay, vui vẻ: - Chào em. Nhận đủ năm tờ rồi đấy nhá. Cô Thương lùi lại Rôbe Quýt xấn ngay tới: - Nếu em mất trinh rồi thì phải nôn trá lại anh bốn tờ rưỡi. Ta cứ sòng phẳng trước. Luật giang hồ. Nói rồi gã tủm ngay láý tay cô gái. Cô Thương giật nẩy người như bị điện giật. Cô thét lên một tiếng váng cả óc. Rôbe Quýt trố mắt. Cô gái vùng chạy ra cửa nhưng cửa đã bị khóa trái từ lúc nào. Rôbe Quýt ôm thốc lấy cô gái. Môm gã sùi bọt như dãi ngựa. Gã rên lên ư ử: - Chúa ơi. Lần này đích thị con được ăn rau tàu bay rồi. Gã vật cô gái ra đệm. Nhưng lúc đó cánh cửa buồng bật tung. Ba bốn người cảnh sát xông vào. Tất cả ầm ầm như vỡ chợ. Biên bản được viết ngay. Rôbe Quýt bị kết tội mua dâm. Rôbe Quýt vội trình hộ chiếu quốc tịch Canađa nên không bị bắt giữ. Gã rên rỉ phân trần: - Xin các anh thông cảm. Tôi không được biết luật lệ ở nước Việt Nam nghiêm khắc với những chuyện này. Tôi có lỗi. Tôi xin lỗi. Nhưng cô gái này đã cầm trước của tôi năm mươi đô la. Xin các ông can thiệp đòi lại giúp tôi. Xin cám ơn. Anh thượng sĩ cảnh sát trợn mắt nhìn Thương: - Có thật không? Cô gái gật đầu và đưa ra cái phong bì còn nguyên vẹn số tiền. Thế là ngay lập tức cô Thương bị kết tội cố tình bán dâm và bị giắt ngay lên đồn. Trưởng đồn công an cái đồn mà cô Thương bị dong về lại chính là trung úy cảnh sát đẹp trai đã thả ông bác sĩ Cần hôm nào. Anh chẳng lạ gì gia cảnh nhà cô Thương. Sau vài phút làm việc với đương sự anh trung úy phì cười nói với mấy anh cảnh sát vừa bắt cô gái: - Các cậu bắt nhầm rồi. Phải xin lỗi người ta đi. Nhưng rồi chính anh lại đứng ra xin lỗi cô Thương. Và cũng chính vì thế mà anh sĩ quan cảnh sát và cô thiếu nữ xinh gái quen nhau. Từ đó anh hay kiếm cớ tới thăm cô Thương. Trước lạ sau quen lại hiểu thêm cảnh nhà cô Thương hiện nay anh lấy làm cảm kích lắm. Anh càng năng lui tới luôn lần nào cũng mua quà bánh cho mấy đứa nhỏ. Trò chuyện qua lại cô Thương cũng được biết đôi điều về gia cảnh anh cảnh sát. Anh vốn là diễn viên hát của đoàn ca múa bộ nội vụ. Năm 27 tuối bị mất giọng nên chuyên sang ngạch cảnh sát hộ khẩu, gốc người Hà Nội. Hiện nay gia đình bố mẹ vẫn ở Hà Nội. Anh kể: Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện nghiệp vụ cảnh sát khu vực anh có thể xin ở lại Hà Nội làm việc nhưng anh vẫn vui vẻ nhận quyết định về cái thị trấn tỉnh lẻ bé nhỏ này để công tác và phấn đấu. Sự xuất hiện của anh sĩ quan cảnh sát trẻ đẹp tốt bụng làm cho ngôi nhà nhỏ vui hắn lên. Chỉ có bác sĩ Trương Vĩnh Cần là người không được hưởng niềm vui đó. Một phần vì bệnh tâm thần phân lập thề nhẹ của ông đang chầm chậm tái phát. Một phần sau lần bị tù oan bác sĩ Cần rất sợ cảnh sát. Mỗi lần anh sĩ quan cảnh sát đến chơi ông đều len lén lủi vào phòng trong hoặc trốn ra sân ngồi núp sau bể nước. Thái độ kỳ quặc của ông bác sĩ khiến anh cảnh sát để ý. Rồi một lần gặp lúc cô Thương đi vắng anh bèn đi thẳng vào nhà tìm gặp bác sĩ Cần. Ông bác sĩ sợ quá nhót ngay ra sân chui tọt vào hố xí đóng chặt cửa lại. Hôm sau cô Thương đi chợ cá anh lại đến chơi bác sĩ Cần đang nằm đắp chăn tới cổ ở phòng trong nên không chạy kịp. Anh cảnh sát bắc ghế ngồi chắn ngay ở cửa ra vào vừa hút thuốc vừa thong thả hỏi chuyện nhát một như kiểu hỏi cung. Nào là nhà ông bác ở đâu. Con cháu hiện làm gì. Tại sao ông lại đến ở đây. Tại sao từ hôm được thả ra ông bác vẫn chưa chịu về nhà. Tại sao lại không đăng ký tạm trú... Bác sĩ Cần sợ đến líu lưỡi lác mắt. Ngay chiều hôm đó khoảng 4 giờ ông bác sĩ vội vàng vơ quần áo chuồn thẳng một hơi ra ga nhót ngay lên tàu. 5 giờ 17 phút con tàu hú còi xình xịch chuyển bánh. Mải rúc đầu vào sau cánh cửa đan lưới mắt cáo bác sĩ Cần không nhìn thấy đúng lúc đó có một anh cảnh sát và một cô gái tất tả chạy vào sân ga. Cả hai cứ cuống lên như đang tìm cái gì. Nhưng chậm mất rồi. Con tàu đã tăng tốc. Cái toa cuối cùng đã vượt qua cây cầu tín hiệu căng cờ vàng. Cái sân ga thênh thang vắng ngắt chỉ còn lại một làn khói tanh lòm than bụi bay là là và bóng cô gái đang đứng sững sờ hai mắt mở to trong vắt như mắt thiên sứ.
*