Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19721 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Sơn Nam

Chương 2 - 6

Việc khai thác đất đai ở Nam kỳ đem lại nguồn lợi đáng kể cho thực dân : bán đất công  thổ, thâu thêm thuế điền, thâu thuế xuất cảng lúa gạo, dân tiêu thụ thêm hàng hóa nhập  cảng.
Sau trận thế chiến thứ nhứt, địa vị người Pháp ở thuộc địa được củng cố hơn. Nước  Pháp thắng trận, các nước ở Đông Dương góp phần để giúp mẫu quốc với con số khá cụ thể :
— Trong 1000 dân, đổ đồng có 5 người sang Pháp (cỡ 2 người làm lính chiến, 2 người  làm lính thợ).
— Tính đổ đồng, mỗi người dân ở Đông Dương gởi giúp sang Pháp là 2 cắc, trích trong  quỹ của ngân sách Đông Dương còn dư lại.
— Năm 1916, quan toàn quyền Charles cho Pháp bằng tiền và bằng gạo trị giá 3 triệu bạc.
— Gần hồi đình chiến, Đông Dương cho Pháp vay lối 30 triệu bạc.
— Tiền quyên trợ cho Pháp lối 600 triệu bạc.
Sau năm 1919, nền kinh tế Đông Dương thêm dồi dào nhờ chánh sách đầu tư. Năm  1921, Pháp cho một tập đoàn tài phiệt (trong đó có Đông Dương Ngân Hàng) thử nghiên  cứu việc nối liền đường xe lửa từ Sài Gòn lên Battambang (Batambang là tỉnh nhiều lúa gạo  dư để xuất cảng) và đường xe lửa nối liền từ Mỹ Tho đến Bạc Liêu nhưng chỉ là kế hoạch dở  dang trên giấy.
Mức sản xuất ở Nam kỳ từ năm 1920 đến 1927 trung bình trên hai triệu tấn mỗi năm,  cao nhứt là năm 1927 với 2.291.333 tấn. So với 1926 thì mùa 1927 ở các tỉnh miền Tây diện  tích canh tác tăng thêm 72.440 mẫu (Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Trà Vinh,  Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu). Các tỉnh còn lại của Nam kỳ chỉ tăng chừng  16.000 mẫu.
Mức gia tăng này đạt được nhờ sự thành công lớn của giống lúa sạ đem kết quả tốt ở  Long Xuyên. Riêng tỉnh Châu Đốc, tăng thêm đến 5000 mẫu lúa sạ và 9500 mẫu lúa ba  trăng.
Con kinh Cái Sắn đã đào xong, lộ xe Rạch Giá Long Xuyên thành hình bắt đầu cho lưu  thông vào năm 1929, giúp cho cánh đồng Cái Sắn dễ khai thác suốt 60 cây số ngàn..
Tại khu vực Bình Đông Bình Tây, người Huê kiều lạc quan tới mức lạm phát nhà máy  xay lúa gạo : năm 1925 có 46 nhà máy cỡ lớn, năm 1927 đến 66.
Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu có ảnh hưởng đối với Đông Dương từ giữa năm  1930. Đặc điểm của cuộc khủng hoảng này là lúa gạo vẫn có thể bán ra được, có nơi tiêu thụ  nhưng với giá quá rẻ.
Giá gạo tại Sài Gòn sụt lần từ 13,30 đồng mỗi 100 kí lô (vào tháng 4/1930) còn 3,20  đồng (vào tháng 11/1933). Theo P. Bernard, gạo mất giá từ 72 đến 76 % so với lúc trước.  Nhưng trong thực tế ta thấy khác hơn :
— Năm 1928, lúa bán một giạ (40 lít) là 1,2 đồng, theo bài vè Nọc Nạn “lúa thì một giạ bán thì đồng hai”.
— Năm 1933, vào tháng 12, phái bộ Nam kỳ ở Đại Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương  đánh điện cho Bộ Thuộc địa rằng “Dân chúng đói khát lầm than... lúa bán 1 cắc (1 giạ) ở  Nam kỳ”.
Nguy cơ lớn lại xảy ra cho điền chủ Việt và luôn cả điền chủ Pháp. Đặc biệt là điền chủ  Việt bấy lâu thiếu nợ quá nhiều của nhà Băng hoặc của Chà Chetty, với giấy tờ và những  điều kiện đặc biệt. Vay bằng tiền thì phải trả bằng tiền, chớ không được trả bằng lúa. Ngày  trước, khi chưa có kinh tế khủng hoảng, muốn thanh toán 1200 đồng bạc để trả tiền lời nợ, chỉ cần bán 1000 giạ lúa. Năm 1933, muốn thanh toán số nợ trên phải bán đến 12.000 giạ lúa, tức là 12 lần nhiều hơn, một số lúa mà không bao giờ chủ điền có dư nổi.
Tiểu điền chủ đã vay nợ của đại điền chủ với điều kiện ngặt nghèo hơn. Họ đành chịu  mất đất để trừ nợ. Một số lớn điền chủ đành chịu phát mãi đất. Theo bác sĩ Trần Như Lân  cũng là hội đồng quản hạt (quê ở Rạch Giá, nên am hiểu tình thế khá cụ thể) thì vào năm  1933 nợ của điền chủ thiếu nhà Băng và Chà Chetty lên tới 65 triệu đồng nhưng nhà nước  chỉ cho vay lại — trong thực tế — có 5 triệu. Số 5 triệu này, nhà nước không đưa ra bạc mặt  nhưng cho điền chủ mượn trên nguyên tắc, để trả nợ số mà điền chủ đã thiếu nhà nước khi  mua đất công thổ (trong khoảng 1921 đến 1930, chánh phủ bán cho điền chủ 4.987.167 đồng  về đất công thổ).
ở Hậu giang, ngay trong khi nền cai trị còn vững mạnh, hai biến cố lớn đã làm lung lay chánh sách khẩn đất của thực dân Pháp : vụ Ninh Thạnh Lợi ở Rạch Giá và vụ Nọc Nạn ở  Bạc Liêu vào những năm 1927 và 1928. Báo chí Sài Gòn nói nhiều, các chánh khách quốc gia thuộc đảng Lập Hiến cũng lên án thực dân. Vụ Ninh Thạnh Lợi làm cho 17 người Miên  chết vì thực dân tàn sát. Vụ Nọc Nạn khiến cho 4 người Việt Nam chết. Họ là những tiểu  điền chủ, họ tự động chống cự với thực dân, tuyệt nhiên không ai xúi dục; lúc bấy giờ ở miền  Nam chưa có đảng Cộng Sản.
Khuyết điểm căn bản của nước ta hồi thời Tự Đức là chánh sách bế quan tỏa cảng, vì vậy mà lúa bán không được giá. Người dân chỉ làm ruộng trong mức đủ ăn. Điền chủ thì cho  vay lấy địa tô để đóng thuế cho triều đình và dành dụm tiền bạc mà ăn xài, hưởng thụ cá nhân, sắm vàng để lại cho con cháu, lập vường tược để dưỡng già, nếu dư thì đầu tư vào việc  mua thêm đất ruộng.
Thực dân Pháp cho áp dụng chánh sách thông thương, phát triển xuất cảng, tìm thị trường mới cho lúa gạo Nam kỳ với những tàu máy chở chuyên nhanh và nhiều. Giá gạo  tăng gấp 5 lần so với thời Tự Đức. Đó là lý do chánh yếu khiến cho dân chúng lần hồi sống  an phận và có phần vui vẻ với Tân trào, các lãnh tụ cầm đầu nghĩa quân với mục đích phò  vua lần hồi chẳng còn ai theo.
Nhưng việc mở mang thương cảng Sài Gòn và phát triển thương mãi, thâu vét tài nguyên và lợi dụng nhân công rẻ của thực dân Pháp đã gây thêm nhiều mâu thuẫn trong  nước :
— Phong trào Hội kín thành hình theo kiểu Thiên Địa Hội, đã liên kết được một số  nông dân có kỳ thị với văn hóa Tây phương. Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Thất Sơn  phát triển thêm. Một lực lượng đáng kể cũng tập họp ngay trong thành phố Sài Gòn gồm  những nông dân chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới, vì vậy mà xảy ra hai cuộc khởi loạn năm 1913 và 1916 ở Nam kỳ (Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều tỉnh).
— Phong trào Duy Tân (gọi là cuộc Minh Tân) cùng việc vận động Đông Du đã đánh  dấu giai đoạn tranh đấu phối hợp với toàn quốc. Nam kỳ là nơi có nhiều điền chủ và công  chức sang giàu. Họ không muốn bị thực dân Pháp kềm hãm bằng một chánh sách bế quan tỏa cảng mới, về mặt tinh thần : Hoàng thân Cường Đễ có lẽ được người ở Nam kỳ ái mộ  nhiều, so với miền Trung hay Bắc.
Nhưng người Nhựt đã phản bội, nhân sĩ và điền chủ Nam kỳ thấy rằng vọng ngoại là bất thành. Ngày nào còn thực dân Pháp thì họ không thể nào phát triển kỹ nghệ bổn xứ  hoặc nắm việc nội ngoại thương được. Phong trào bị dập tắt nhưng dư âm cứ vang dậy. Thực  dân rất lúng túng về sự xuất hiện của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ : đàn áp thì khó vì đây là một tôn giáo đã được hiện đại hóa, nhưng để cho phát triển thì e có hại vì trong tôn giáo có nội dung dân tộc này, vài cựu chiến sĩ của phong trào Duy Tân lại đóng vai trò quan trọng.
Việc đầu tư của thực dân Pháp khiến phát triển thêm một vài hãng xưởng nhưng quan trọng nhứt là những công ty đồn điền cao su với số nhân công cực khổ, thua sút thân phận  người tá điền. Đấy là lực lượng lớn, tập trung, khó kềm hãm.
Việc khai hóa của nước Pháp về hình thức là cho du nhập những tư tưởng tự do, dân  chủ và tư tưởng xã hội của Tây phương, đồng thời cũng chấp nhận việc cho phép thanh niên  Việt Nam du học sang Pháp nếu ngăn cấm không cho họ sang Nhựt. Đám thanh niên này  về nước, tuy một số đã hủ bại, nhưng còn một số khác trở thành tai họa không nhỏ. Họ  tranh đấu, dùng những phương tiện mới, thấp nhứt là hình thức ra báo chí.
Ngày xưa, khi ông Cử Trị châm biếm Tân trào, khi ông Đồ Chiểu làm thơ ca ngợi hào  khí đất nước thì chỉ một số ít người biết. Nhưng với hai vụ Ninh Thạnh Lợi và Nọc Nạn vào  năm 1927 và 1928, lần đầu tiên ở toàn Nam kỳ và các nhà “khảo cứu” Pháp phải giựt mình,  nhờ vai trò của báo chí. Hai biến cố trên là việc bộc phát tự động, chứng tỏ người lưu dân ở  Rạch Giá, Cà Mau tuy xa xôi, trình độ văn hóa kém nhưng đã trưởng thành, cả người Việt  lẫn người Miên.
Lịch sử khẩn hoang ở miền Nam ít ra cũng giúp ta thấy được một thực tế. ý thức dân  tộc phát triển mạnh khi sinh hoạt làng xóm thành nền nếp và sinh hoạt vật chất được tạm  ổn định. Nếu khi người Pháp chiếm Nam kỳ vào cuối thế kỷ 19, vùng Ba Giồng được nổi  danh là nhờ đất xưa, gọi là địa linh, thì kể từ cuộc kinh tế khủng hoảng 1930—1933 người  bình dân ở Rạch Giá, Cà Mau cũng bắt đầu theo dõi chuyện Nhựt đánh Mãn Châu, vụ  Thượng Hải, Ngô Tùng qua báo chí, qua lời thuật lại của một vài thầy giáo làng từ Sa Đéc, Tam Bình thuyên chuyển xuống.
Họ thấy chế độ Pháp quả là không hợp thời. Họ hiểu rõ khi cho đào kinh xáng, mở  mang lộ xe, thực dân có dụng tâm gì. Và biện pháp hữu hiệu nhứt để cho người ở trong vựa  lúa miền Nam được hạnh phúc không phải là cắt Nam kỳ ra để lập một tiểu quốc, để rồi  không lấy tiền thuế của dân Nam kỳ mà đem tài trợ cho ngân sách Đông Dương, dành tiền  thuế của người Nam kỳ cho riêng người Nam kỳ xài, như một chánh sách của đảng Lập  Hiến đề xướng cho “Pháp — Việt đề huề”. Các chiến sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh đưa ra biện pháp tích cực, hợp với thực trạng của dân tộc hơn.

<< Chương 2 - 5 | Phụ Lục >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 205

Return to top