Vua Minh Mạng mất, để lại gánh nặng ở phía biên giới Việt Miên. Loạn lạc đã phát khởi ngay từ khi cuộc chinh phạt của tướng Trương Minh Giảng đang diễn ra tại phía Biển Hồ, tuy rằng về hình thức là dẹp xong nhưng mầm mống còn đó. Người Miên cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam dường như sẵn sàng hưởng ứng, chống đối quan lại địa phương khi ở Cao Miên phong trào lên cao. Quân Xiêm lại khéo phao tin tuyên truyền. Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn” của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. Lại còn chủ trương cải cách tổ chức nông thôn cổ truyền của sốc Miên khiến họ mất quyền tự trị. Vùng biên giới Hà Tiên, An Giang bắt đầu xáo trộn khi vào năm 1838, tên Gi — làm chức An phủ cho ta — cấu kết với người Xiêm. Năm sau, viên quản cơ người Miên ở An Giang là Hàn Biện cùng đồng bọn làm phản rồi bỏ đi, một số đông lính Miên cũng chạy theo chúng như rồi một số quay trở lại. Vua truyền lịnh tha tội những người biết hối cải. Năm 1840, tình hình thêm bi đát : người Miên ở Tịnh Biên (An Giang) nổi loạn khiến quan tri phủ bỏ trốn, loạn quân kéo về phía biên giới Hà Tiên đánh đồn Châu Nham (Đá Dựng), quan binh nhiều kẻ bị hại. Tháng 10 năm ấy, giặc từ Thất Sơn gồm hơn 2000 người kéo qua tận Kiên Giang, phá chợ Rạch Giá, đắp đồn ở hai bên bờ rạch này; vùng Xà Tón (Tri Tôn) cũng bị khuấy động. Năm Thiệu Trị nguyên niên, tất cả các vùng người Miên sống đông đúc đều nổi loạn, quan quân vô cùng vất vả. Ba khu vực quan trọng nhứt là :
— Vùng Trà vinh (nay là Vĩnh Bình) bao gồm các khu vực rộng lớn từ Tiền giang qua Hậu giang (Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Chong), sử gọi là vùng Lạc Hóa. Cuộc khởi loạn dai dẳng và có quy mô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1841, người cầm đầu là Lâm Sâm (còn đọc Lâm Sum, người địa phương gọi là Xà Na Xom hoặc Xà Xom, tức là viên tướng tên Xom). Thủ đoạn xách động là dùng bùa ngãi, do các tên thày bùa đưa ra rồi loan tin thất thiệt : Ai không theo chúng sẽ bị Trời Phật hại, ai theo thì được cứu thoát, võ khí là đao mác, chà gạc, phãng kéo cổ thẳng (trở thành cây mã tấu). Thoạt tiên loạn quân chiếm Trà Vinh (đồn Nguyệt Lãng của ta). Giặc lại lôi cuốn được mấy sốc Miên ở rạch Cần Chong (nay là Tiểu Cần) xuống đến Bắc Trang ra đến mé sông Hậu giang, vùng Trà Điêu. Có lúc giặc thắng thế, chiếm giữ một vùng dài hơn 30 cây số, gồm toàn sốc Miên. Trận gay go nhất xảy ra ở vùng Trà Tử (nay gọi là Hiếu Tử), bố chánh Trần Tuyênvà tri huyện Huỳnh Hữu Quang đều tử trận. Số loạn quân lên đến bảy tám ngàn, ngoài Lâm Sum còn tên tổng Cộng (chắc là cai tổng tên Cộng) và một tên tự xưng là phó mã Đội. Tham dự cuộc tảo thanh ở vùng Lạc Hóa, gồm có tổng đốc Bùi Công Huyên, tham tánh thành Trấn Tây là Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Công Trứ cũng rút về nước tiếp tay, ngoài ra còn có tướng Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương dời binh tiến đánh, tuy phá tan được luôn, nhưng chỗ này tan rã thì chỗ kia quy tụ, cứ đánh phía đông, giữ phía tây, không thể nào diệt hết được. Khi Trương Minh Giảng rút lui về An Giang, ta được thêm 3000 quân sĩ đến tiếp ứng ở mặt trận Lạc Hóa. Trong đám loạn quân đầu thú, có cả người Việt và người Tàu. Phải chăng là những người Việt trước kia theo Lê Văn Khôi, nay trốn lánh ?
— Vùng Sóc Trăng, trung tâm cuộc khởi loạn là Ba Xuyên, Trà Tâm, từ tháng ba cũng năm tân sửu. Thoạt tiên giặc bị phân tán rồi tập trung tại Sóc Đâm đóng đồn mà chống cự. Tháng 11, quân của Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Tri Phương đánh hai mặt giáp lại. Giặc tan, vua Thiệu Trị cho Nguyễn Tấn Lâm ở lại Ba Xuyên dẹp đám tàn quân và lập an ninh. Theo truyền thuyết, lãnh tụ loạn quân ở đây là Xa Ne Tia.
— Vùng Thất Sơn, Vĩnh Tế. Nếu Trà Vinh và Sóc Trăng nối liền nhau (bên này và bên kia sông Hậu Giang), dân đông, kinh tế phì nhiêu, người Miên sống tập trung thì vùng Thất Sơn lại là nơi mà người Miên dễ tấn thối và khuấy động, với hàng chục ngọn đồi lớn nhỏ, nhiều thung lũng, dân cư thuần nhứt lại ở sát biên giới Cao Miên. Năm nguyên niên, giặc tụ tập tại Lẹt Đẹt, quân ta dẹp tan rồi đánh luôn tới Cần Sư. Phía Tịnh Biên cũng có loạn vài ngàn tên, nhưng dẹp được. Nguyễn Tri Phương đến núi Tượng để đánh loạn quân. ở hai huyện Hà Dương và Hà Ñm, tình hình khuấy động. Hà Dương gồm vùng núi Cấm, núi Tượng; Hà Ñm gồm các làng dọc theo biên giới bên kinh Vĩnh Tế. Sở dĩ loạn quân dám kiêu ngạo vì bên kia biên giới, Phi Nhã Chất Tri “đem quân Xiêm đến dựng đồn lũy ở bờ sông Vĩnh Tế rồi qua lại gây sự với những đồn bảo của quân ta. Quan binh bèn chia đường đi tiễu trừ, giết và làm bị thương rất đông, chiếm lấy được bảy đồn, hai bên bờ sông Vĩnh Tế một loạt được dẹp yên. Bọn giặc ở trong các đồn ở núi Cấm, núi Tượng nghe tin bèn chạy trốn. Quân Xiêm gặp sự thất bại tan rã ấy muốn tăng thêm binh và chiến thuyền để trở lại một lần nữa giúp dân Miên gây sự, vừa lúc ấy nước họ có việc nên ngưng.
Nhưng tình hình ở Cao Miên, Thất Sơn và kinh Vĩnh Tế chỉ là tạm thời lắng đọng. Năm sau, cuộc xâm lăng đại quy mô lại diễn ra. Nếu lần trước chiến sự xảy ra tại Tiền giang, từ Vàm Thuận đến Chợ Thủ thì lần này mặt trận chánh lại diễn ra ở vùng Thất Sơn và kinh Vĩnh Tế.
Ngăn chận giặc Xiêm năm 1842
Trong khi nội loạn xảy ra ở Lạc Hóa (Trà Vinh) thì tình hình trên Cao Miên rất tồi tệ, vua Thiệu Trị đồng ý với các đại thần là nên rút quân về An Giang, thật khéo và lặng lẽ. Voi đem về không tiện thì làm thịt cho quân sĩ ăn, những người Việt trước kia gồm đa số là tù phạm lên Cao Miên làm ăn thì lựa chỗ mà cho ở lại. Tháng 9 năm 1841, quân sĩ ta rút về An Giang. Khi về đến nơi, tướng Trương Minh Giảng mất vì bịnh, nhưng lý do chánh là vì buồn giận triều đình. Quân Xiêm không bỏ lỡ cơ hội, mở ngay cuộc xâm lăng vào lãnh thổ Việt Nam. Lần này sự bố trí của Xiêm khá chu đáo, chiến thuật thay đổi hẳn. Lại còn một yếu tố đáng chú ý : yếu tố chính trị. Đó là những người Việt đa số là tù phạm bị đày làm đồn điền. Khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị đã nghĩ tới số phận của họ. “Nhưng trong xứ Trấn Tây, giặc Thổ chưa yên mà những tên tù phạm khi trước can án phát quân hiện đương sai phái ở đó, phải đợi khi yên giặc rồi sẽ nghỉ”. Bấy giờ ở Nam Vang có người con trai tự xưng là con của hoàng tử Cảnh, lấy hiệu là Hoàng Tôn (có nghĩa là cháu nội vua Gia Long) đang tụ tập một số đông gồm Xiêm, Lào, Hán (Việt Nam), Thổ, những đứa trốn tội cũng theo nhiều lắm. Phải chăng trong số tù nhân bị phát quân lên Cao Miên, đời Minh Mạng, gồm nhiều người can tội dính líu xa gần tới cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi, ở Sài Gòn và các tỉnh ?
Đưa kẻ tự xưng là Hoàng Tôn về nước chỉ là một trong những lý do của quân Xiêm; hành động chính trị này không gây được xúc động tâm lý đáng kể. Dù sao đi nữa, ta cũng thấy Phi Nhã Chất Tri là kẻ tinh tế và đa mưu.
Tháng giêng năm 1842, chiến thuyền Xiêm đến vùng đảo Phú Quốc, tấn công để dò xét. Nguyễn Công Trứ, người đã từng dẹp giặc Tàu Ô ở vịnh Hạ Long thử trổ tài, nhưng bị “sóng gió ngăn trở”.
Bọn Hoàng Tôn đưa 5000 người đến Sách Sô, thành phần toàn người Xiêm và Lào (người Xiêm có thói bắt dân vùng bị chiếm làm nô lệ, làm lính). Sách Sô là vị trí quan trọng ở giữa Tiền giang và Hậu giang. Tướng Nguyễn Tri Phương nhận định rằng Tiền giang là con sông quan trọng ăn thông giữa trung tâm An Giang, Vĩnh Long và Định Tường, xin đem binh thuyền bố trí sẵn.
Việc xảy ra nhằm lúc vua Thiệu Trị đang ra Hà Nội để nhận lễ thụ phong của sứ Tàu.
Tháng 2 quân Xiêm lại tăng cường hải quân, đến gần Cần Vọt (Quảng Biên, Kampot), ta bố trí giữa tại cửa Hà Tiên (Kim Dữ). Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên. Xiêm kéo mấy vạn binh tràn vùng kinh Vĩnh Tế, ta chống đỡ không kịp. Cánh quân chánh của Xiêm đánh từ bờ biển vịnh Xiêm La qua theo đường Hà Tiên, chớ không từ Nam Vang mà thọc xuống theo sông Tiền giang như mấy lần trước. Trước nguy cơ ấy, vua Thiệu Trị cho quân lực từ Huế kéo vào tăng cường, cùng với lính thú từ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đợt tấn công đầu tiên của quân Xiêm bị chận lại, ở khắp các mặt trận Vĩnh Tế, Tiền giang và Hậu giang. Nhưng quân Xiêm chưa rút lui, cho củng cố thành lũy, chiếm trọn vùng núi Cô Tô (Tô Sơn, thuộc dãy Thất Sơn). Tháng năm năm ấy, ta kéo vào chiếm lại khu Cô Tô mà quân Xiêm vừa xây dựng trên lãnh thổ của ta. Đây là nơi người Miên sống tập trung từ lâu đời. Binh ta gồm năm đạo, mỗi đạo 1000 quân, đem súng lớn đặt tại Tri Tôn (Xà Tón) mà bắn phá lũy giặc. Nguyễn Tri Phương đem đại binh đến núi Cô Tô, giặc tan, một số đông ra đầu thú gồm người Tàu và người Miên có đến số ngàn. Vua Thiệu Trị sai Nguyễn Công Trứ điều động việc lập ấp, khuyến khích khẩn ruộng. Nhưng ta tin rằng việc làm này không đi tới đâu cả, đất ở chân núi từ lâu đã được người Miên canh tác, họa chăng các quan của ta chỉ lo chỉnh đốn an ninh trong các sốc Miên.
Rồi ta kéo quân lên phía Nam Vang, truy nã. Tháng 7 năm 1845, giặc Miên lại đến bờ kinh Vĩnh Tế tại làng Vĩnh Điền, phá rồi Trường Lũy (Trường Lũy là bức trường thành mà ta dựng lên, trồng tre gai, xa xa có đồn nhỏ dọc theo kinh Vĩnh Tế, khi Pháp đến còn di tích này). Nhưng giặc bị đánh lui.
Năm 1845, ta thắng vài trận đáng kể. Đến lượt Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn thi tài với Phi Nhã Chất Tri. Ta tiến đến Vũng Long (Kompong Luông). Cao Miên nhìn nhận sự bảo hộ song phương của Xiêm và Việt Nam.
Thành lập các đồn điền chiến lượcHậu quả những năm loạn lạc ở vùng An Giang, Trà Vinh, Ba Xuyên, Hà Tiên như thế nào ? Chắc là trầm trọng lắm. Hễ loạn lạc là đốt nhà cướp của, bộ sổ mất mát, quan lại tham nhũng, cường hào thổ mục tha hồ húng hiếp dân. ở những vùng người Miên sống tập trung, việc bình định chỉ có nghĩa là gìn giữ được an ninh. Mầm mống bất mãn vẫn còn. Vua Thiệu Trị mất năm 1847, ngài gánh tất cả những hậu quả của vua Minh Mạng để lại. Tình thế không suy sụp là nhờ tướng tài, giàu kinh nghiệm chiến trường và quân sĩ hết lòng. Doãn Uẩn dựng chùa Tây An ở núi Sam năm 1847 là việc có nhiều ý nghĩa đối với nhân tâm thời bấy giờ và nhứt là đối với cá nhân một nho sĩ hăng hái nhưng thấm mệt.
Công tác khẩn hoang ngưng trệ, nếu không nói là bị đổ vỡ phần nào ở Hậu giang. năm Thiệu Trị thứ ba (1843), đào thêm con kinh nối liền Tiền giang (từ Tân Châu) đến thủ Châu Giang phía Hậu giang. Kinh này ngắn nhằm mục đích quân sự để chiến thuyền đi nhanh từ Tân Châu đến vịnh Xiêm La khi hữu sự, qua kinh Vĩnh Tế. Dân phu từ hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang tập trung lại. Đợt đầu đào dở dang rồi ngưng, số dịch lại coi việc đào kinh đã bức hiếp khiến dân phu bất mãn, trốn né rất nhiều. Sau mùa gặt, dân phu lại được huy động lần thứ nhì. Một tài liệu của phủ Hoằng Đạo tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre, cù lao Bảo) cho biết dân phu phủ này đi đào kinh Vĩnh An gồm 8 đội, mỗi đội 50 người, có viên phó tổng hoặc lý dịch coi sóc. Mỗi đội mang theo 10 cây cuốc, 10 cây mai, phãng, rìu, cây mù u, gàu nước, gióng, gánh, ky, mỗi thứ 30 cái, lại còn dây tre dài hơn 1 trượng. Viên chức ở tỉnh tới địa điểm đào kinh từ trước để cất trại cho dân phu ở. Cứ 15 ngày thay đổi một lần cho dân nghỉ ngơi. Kinh đào xong vào tháng 4 năm 1844, đặt tên là Long An Hà.
Nội loạn vừa dẹp xong, tổng đốc An Hà là Nguyễn Tri Phương và Tuần phủ An Giang là Doãn Uẩn điều trần ba biệc (1844) :
— Xin lượng bớt các điều lệ thanh tra.
— Xin tước trừ ngạch hư trong bộ sổ dân.
— Xin tha các hạng thuế thiếu lâu nay.
Mấy điều trên chứng tỏ dân An Giang, đặc biệt là vùng kinh Vĩnh Tế xiêu tán quá nhiều, lắm người đến nơi khác làm ăn, kẻ ở lại bám đất thì đành chịu trực tiếp ảnh hưởng chiến tranh. Các sở đồn điền ở Biên Hòa, Định Tường được khả quan hơn, giao lại cho dân địa phương cày mà nạp thuế làm ruộng công (trở thành công điền cho dân mướn), lính khai thác đồn điền thì triệt về tỉnh, lo việc khác. ở Tây Ninh, giáp biên giới Miên, cũng xúc tiến lập đồn điền từ năm 1843.
Vua Tự Đức lên ngôi, gánh bao nhiêu hậu quả. Trương Quốc Dụng dâng sớ tâu : “Tài lực trong dân, soi với năm trước mười phần kém đến năm sáu mà các quan địa phương thường hay trau dồi tiếng tốt, hỏi số dân thì tâu rằng tăng, hỏi mùa màng thời tâu rằng được, chỉ muốn cho mình được tiếng khen”. Vua Tự Đức răn các quan đã dụng tâm làm nặng nhẹ, bắt lính đòi thuế, lo hối lộ quan trên, góp tiền kẻ dưới. Đời Minh Mạng, Thiệu Trị đã xảy ra nội loạn rồi. Vua Tự Đức cố đề phòng nhưng khó cứu vãn, nhứt là đối với miền Bắc và miền Trung nơi đói kém thường xảy ra. Lại còn nạn ngoại xâm của thực dân Pháp mà ngài không tiên đoán nổi mức trầm trọng.
Tháng giêng năm 1850, cho Nguyễn Tri Phương là Thượng thơ bộ Công làm Kinh lược đại sứ Nam kỳ. Nguyễn Tri Phương giữ chức vụ này đến cuối năm 1858 để rồi trở về Kinh, lo đối phó với thực dân Pháp.
Nguyễn Tri Phương am hiểu tình hình các tỉnh Tiền giang, Hậu giang, luôn cả Cao Miên từ hồi Thiệu Trị. Ông đã đặt chân đến những nơi hẻo lánh và nguy hiểm nhứt như Thất Sơn, Vĩnh Tế, Trà Vinh, Ba Xuyên. Tóm lại, những vùng mà người Miên sống tập trung.
Năm 1853, vua Tự Đức cho phép lập đồn điền, lập ấp ở xứ Nam kỳ theo lời tâu của đình thần. Tại sao có việc lập đồn điền này ? Từ trước đã có chánh sách đồn điền rồi. Nhưng lần này đưa ra cấp bách nhằm đối phó kịp thời với tình hình điêu tán ở vùng biên giới và Hậu giang. Nguyễn Tri Phương nói thẳng mục đích : “Đất Nam kỳ liền với giặc Miên, dân xiêu tán nhiều. Nay mượn điều chiêu mộ để dụ dân về đốc việc khai khẩn để nuôi dân ăn, thật là một cách quan yếu để giữ giặc và yên dân đó”.
Lập đồn điền và lập ấp là hình thức tổ chức nhằm phục vụ chiến lược lớn : giữ giặc và yên dân. Nội dung tóm tắt như sau :
— Thành phần : dân ở khắp Lục tỉnh Nam kỳ cùng các tỉnh từ Bình Thuận trở ra phía Bắc, theo nguyên tắc tình nguyện.
— Địa điểm thành lập : ở hai tỉnh An Giang và Hà Tiên còn dư thì cho qua vùng kinh Vĩnh Tế, Tịnh Biên, hoặc Ba Xuyên.
— Hình thức tổ chức : có hai hình thức, lập đồn điền và lập ấp.
Mộ dân lập đồn điền
Dân sống tập trung làm lính đồn điền, đây là hình thức bán quân sự.
Ai mộ được 50 người thì tổ chức thành một đội, người mộ được làm suất đội. Về sau, khi cày cấy có kết quả, đội này cải ra thành một ấp, viên suất đội mặc nhiên trở thành ấp trưởng, theo quy chế dân sự.
Ai mộ được 500 người thời tổ chức thành một cơ (gồm 10 đội), người mộ được bổ nhiệm làm chánh đội thí sai phó quản cơ, khi đất trở nên thành thuộc, cơ này trở thành một tổng, người đứng mộ trở thành cai tổng, theo quy chế dân sự.
Mộ dân lập ấp
Dân trong ấp sống theo quy chế dân sự, không bị câu thúc nhiều. Con số tối thiểu để lập một ấp là 10 người, đủ số ấy mới được chọn đất mà khai khẩn, lập bộ. Nên hiểu đây là 10 người dân cam kết chịu thuế, lần hồi ấp này quy tụ thêm một số lưu dân, bọn này không cần vô bộ, cứ sống theo quy chế dân lậu. Khi ruộng đất thành thuộc, dân đông hơn thì nâng lên thành một làng.
Người Tàu cũng có thể đầu mộ, lập ấp.
Có lệ khen thưởng những người mộ dân lập ấp : được 30 người thì tha xâu thuế trọn đời, 50 người thời thưởng chánh cửu phẩm, 100 người thời thưởng chánh bát phẩm. Nên nhớ là muốn mộ dân thì phải có vốn lớn để nuôi dân, cho vay làm mùa trong mấy năm đầu (vay tiền và vay lúa ăn). Các ông bá hộ, tức là chủ nợ (đồng thời cũng là ân nhân) khi chết thì trở thành tiền hiền, thờ trong đình làng. Đây là nội dung lời tâu đặc biệt của Nguyễn Tri Phương :
— Người Cao Miên ở các sốc thuộc Ba Xuyên và Tịnh Biên mới quy tụ về theo ta (sau các biến loạn đời Thiệu Trị) đáng lý thì phải đem phân tán khắp nơi, nhưng ta lại cho họ trở về quê quán, nếu tiếp tục sống như thế họ sẽ có cơ hội để làm loạn như trước. Bởi vậy dân khắp Nam kỳ lục tỉnh nếu muốn ứng mộ qua Tịnh Biên, Ba Xuyên để lập ấp thì cứ cho, nhưng họ phải sống trong các tổng đã thành lập rồi (nhưng nay thì đã xiêu tán, dân không còn đủ số).
— Tù phạm ở Lục tỉnh, ai mộ được một đội hoặc một thôn (50 người) thời cho làng chúng nó bảo kiết, sẽ tha tội rồi đưa đến vùng kinh Vĩnh Tế (thuộc tỉnh An Giang) hoặc vùng rạch Giang Thành (tỉnh Hà Tiên) để cày ruộng, tùy theo công việc kết quả tới đâu, hạnh kiểm ra sao sẽ liệu định mà giải quyết.
Qua lời tâu của Nguyễn Tri Phương, ta thấy có dụng ý cho tù phạm đoái công chuộc tội vì vùng Vĩnh Tế và Giang Thành là nơi khó khai khẩn, lại ở sát biên giới, nguy hiểm hơn các vùng khác.
Năm sau, 1854, sáng kiến của Nguyễn Tri Phương gặp nhiều sự khen chê của các quan, thấu tai vua. Nguyễn Tri Phương tâu về việc ích lợi của chánh sách nói trên và nhìn nhận rằng : “Tôi xét việc đồn điền vẫn lợi nước lợi dân mà không lợi cho Tổng, Lý. Vậy nên Tổng, Lý đặt điều để phỉnh dân, những người nói bất tiện đó chẳng qua bị chúng phỉnh mà thôi”.
Tổng, Lý tức là cai tổng và lý trưởng, họ chống đối vì chính sách này khiến cho dân trong làng trong tổng có thể qua vùng đất khác mà làm ăn. Làng tổng của họ trở nên thưa thớt, thiếu người đóng thuế và làm xâu. Hoặc những phần đất hoang trong làng trong tổng sẽ bị cắt ra để trở thành một làng, một ấp khác, địa bàn hoạt động và số dân mà họ cai trị bấy lâu nay bị thâu hẹp lại.
Nhân dịp ấy Nguyễn Tri Phương báo cáo kết quả đầu tiên sau một năm : lập được 21 cơ đồn điền và phỏng chừng 100 làng. Đồng thời Nguyễn Tri Phương cũng xin khen thưởng những địa phương mà việc khẩn hoang thâu kết quả tốt.
Một trăm làng (ấp) nói trên quy tụ 10500 người. Năm 1866, nha Dinh điền xứ An Giang, Hà Tiên và vùng có nhiều người Miên ở Vĩnh Long (Lạc Hóa). Đồng thời với các tỉnh nói trên, những tỉnh còn lại ở Nam kỳ cũng tổ chức đồn điền để khẩn hoang; đáng chú ý nhất là đồn điền ở Gia Thuận, huyện Tân Hòa (Gò Công) thuộc tỉnh Gia Định do Trương Định cầm đầu. Lực lượng bán quân sự của đồn điền trợ giúp đắc lực cho quân sĩ triều đình khi giữ thành Chí Hòa và còn tham gia các cuộc khởi nghĩa về sau.
Những chi tiết cụ thểLập đồn điền là chánh sách tốt, tuy nhiên người dân chịu khá nhiều hy sinh, cực nhọc? Họ bị cưỡng bách, như trường hợp đám dân nghèo ở làng Tân Niên Tây (nay thuộc Gò Công). Họ là dân lậu, hương chức làng tống khứ họ qua Gia thuận để gia nhập đồn điền. Nhưng vài ngày sau, họ bỏ trốn, qua cư ngụ tại làng Kiểng Phước. Để cho dân số trong đồn điền khỏi bị hao hụt, viên đội của đồn điền Gia Thuận là Bùi Văn Cẩm báo cáo lên, và quan huyện cho phép viên đội này truy nã bọn dân vừa trốn, gồm 5 người. Dầu sao đi nữa, làm dân lậu trong một làng có nếp sinh hoạt thuần thục vẫn khỏe thân hơn là bị bắt đi nơi khác để làm đồn điền. Trường hợp nói trên xảy ra vào năm Tự Đức thứ 11 (1858). Người dân có phản ứng vì khi bận rộn cày cấy thì làm sao họ có thể diễn tập về quân sự như quan trên mong muốn ? Vả lại cày cấy ở đất hoang đòi hỏi nhiều công phu hơn ở vùng đất thành thuộc, tốn công nhiều nhưng huê lợi không thu được bao nhiêu, trong những năm đầu tiên.
Vì nhu cầu gìn giữ biên giới, tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên) là Cao Hữu Dực đã đưa nhiều kế hoạch thúc ép dân, đến đỗi các quan ở Nội các phải can thiệp. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), một năm sau khi ban hành quy chế đồn điền, Trương Đăng Quế, Trương Văn Uyển và Võ Đức Nhu bái yết vua, nhắc lại việc làm và những yêu sách của Cao Hữu Dực, rồi đi đến một kết luận mà nhà vua đã đồng ý : Phải mộ người và tập luyện lần lần thì việc làm mới có kết quả. Cứ chờ ba năm rồi hãy hay. Nhà vua hiểu rằng các quan địa phương thấu rõ hoàn cảnh và có xin nhiều việc vấn đề đồn điền. Tóm lại, phải cho dân sống dễ dàng, góp công từ từ. Không cần con số quá đông. Cao Hữu Dực xin việc chế quân phục (dân đồn điền khi thao diễn có sắc phục riêng) và việc thao diễn thường xuyên. Hai việc ấy không cần kíp lắm. Nên làm sổ sách để ghi số lưu dân, dân lậu, từ từ gom thành đội để khai khẩn cho hợp với hoàn cảnh. Sau 3 năm chuẩn bị thì hai điều trên (sắc phục và thao diễn) mới làm được.
Cũng năm 1854, ta có một tài liệu về việc lập đồn điền. Đây là một đội (50 người dân lậu) xin khẩn 2 khoảnh đất tổng cộng là 200 mẫu của làng Thường Thạnh (nay là Cái Răng, Cần Thơ). Đội trưởng Nguyễn Văn Tấn đứng đơn, có thôn trưởng, hương thôn và dịch mục ký tên. Thôn trưởng làng giáp ranh (làng Như Lăng) ký vào để xác nhận vấn đề ranh giới, viên cai tổng cũng ký vào. Đơn này được quan Tổng đốc An Hà phê.
Đồn điền nói trên thu hút dân của làng Thường Thạnh và cắt đất làng này bớt ra đến 200 mẫu. Ta hiểu tại sao việc lập đồn điền thường bị các làng có đất tốt chống đối, nếu là cắt đất xấu ở nơi nước mặn đồng chua thì chẳng ai tranh cản làm chi.
Năm Tự Đức thứ 9 (1856), có một tài liệu theo đó các ấp trưởng của 9 ấp (Thanh Thiện, An Mỹ, Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Phú Thạnh, Mỹ Thành, Vĩnh Thới, Phú Mỹ, Phú Khai) họp cùng đội trưởng và bốn ông bá hộ cùng đi tu khám điền địa để đo đạc rồi khai vào sổ bộ. Chẳng hiểu ngày nay các ấp nói trên nằm trong địa phương nào, nhưng ta thấy sự phối hợp giữa ấp trưởng (đội đồn điền) và vai trò các ông bá hộ giúp vốn.
Chúng tôi thử xác nhận vị trí của vài đồn điền thành lập dưới thời Tự Đức. Việc làm này khó khăn vì một số đồn điền lần hồi trở thành làng xã, một số khác về sau bị thực dân Pháp giải tán.
— Vùng Tân Châu còn tài liệu liên quan đến ông Đội Chín Tài ở Vịnh Đồn, theo đó vào những năm 1853 và 1856, ông được viên chỉ huy bảo Tân Châu cho làm ấp trưởng, rồi tác đắc cử ấp trưởng. Năm 1860, ông được cấp cho một “vi bằng cấp sự” để đi mộ lính ở thôn Phú Lâm. Ông Đội Chín Tài sau thăng chức hiệp quản, trong đội binh Giang Nghĩa.
— Dọc theo kinh Vĩnh Tế, những làng mạc thành lập từ đời Minh Mạng và Thiệu Trị ắt đã tiêu điều, lúc quân Xiêm tràn tới và chiếm đồn Châu Đốc. Trung tâm quy tụ lưu dân được nói nhiều nhất trong vùng này đời Tự Đức là Tịnh Biên và bờ kinh Vĩnh Tế. Nhưng ở đây, như Nguyễn Tri Phương quy định “họ phải sống trong các tổng đã thành lập rồi” tức là bổ sung vào các làng cũ, có ranh giới, có bộ đinh, bộ điền từ đời Minh Mạng để tránh việc lấn vào ruộng đất người Miên. Riêng về các đội do tù phạm lập ra, đưa về Giang Thành hoặc Vĩnh Tế thì không thấy dấu vết cụ thể, ngày nay tìm lại cũng quá khó khăn vì người địa phương nếu là con cháu của tù phạm thì cũng che giấu, hoặc không biết rõ việc này (và chính ông cha của họ cũng che giấu lai lịch, vì thể diện đối với các làng khác).
Tu sĩ Đoàn Minh Huyên, sau này là Giáo chủ của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã đến vùng Tịnh Biên, tại Thới Sơn để lập trại ruộng, quan địa phương không ưa thích nhưng ta không thấy tài liệu nào nói đến việc ngăn cản, chứng tỏ khẩn hoang ở vùng biên giới đời Tự Đức là công tác được khuyến khích.
— Người Chàm sống tập trung ở Châu Giang (ngang Châu Đốc) tổ chức lại thành từng đội, có quan hiệp quản cầm đầu.
— Tại vùng Trà Vinh (Lạc Hóa) nơi người Miên từng gây náo động hồi đầu đời Thiệu Trị, Nguyễn Tri Phương đã lập đồn điền ở vùng Cầu Ngang, Trà Cú ước vài ngàn dân, một người Miên là Thạch In được làm hiệp quản đồn điền (khi Pháp đến ông này ra làm cai tổng). Tại ngả ba Trà Cú, có ông đội Mười Nhơn.
— Tại vùng Mỹ Tho, Nguyễn Tri Phương lập đồn điền ở miền Xoài Tư.
— Tại vùng Ba Xuyên, việc lập ấp, lập đồn điền phát triển nên lập thêm một huyện mới ở Nhu Gia, năm Tự Đức thứ 13 (1860).
Nói chung các đồn điền chiến lược, các ấp nói trên được thiết lập xen kẽ vào vùng có người Miên cư ngụ tập trung. Vì vậy mà ngày nay du khách phải ngạc nhiên khi gặp những xóm đông đúc người Việt Nam, với nếp sống thuần thục, ở nơi chung quanh toàn là sốc Miên, nhứt là ở Trà Vinh, Thất Sơn, ở vùng Sóc Trăng.
Việc lập ấp, lập đồn điền xúc tiến trong vòng non 6 năm là thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Tuy nhiên, sau khi cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, năm 1864, vua Tự Đức chuẩn cho Trần Hoán làm tuần phủ Hà Tiên kiêm sung chức Dinh điền ở An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long : kết quả chắc là mong manh vì thực dân lại đánh vào ba tỉnh miền Tây năm 1867.
Đồng thời với quy chế lập ấp và lập đồn điền năm 1835, vua Tự Đức định lệ người cày mướn ruộng : Gặp năm mất mùa, nếu nhà nước miễn thuế cho chủ điền theo tỷ lệ nào thì chủ điền phải theo tỷ lệ ấy mà bớt lúa ruộng cho tá điền. Đây là việc làm có chút ít tiến bộ.
Năm 1850, khi được sung Nam kỳ kinh lược sứ, Nguyễn Tri Phương chú ý đến nạn cho vay nặng lời. Từ lâu, theo lệ triều đình thì cho vay riêng tư hoặc cầm cố tài vật, bất luận là năm tháng lâu mau thì chỉ lấy một vốn một lời mà thôi, mỗi tháng tiền lời không quá 3 phân, ai trái lịnh thì bị phạt 40 roi. Lời dạy của Hình Bộ nói rất kỹ : như mượn một lượng bạc, cứ mỗi tháng 3 phân mà lấy lời, kéo dài tới 33 tháng thì bạc lời đã đầy một lượng tức là ngang với số vốn rồi. Như con nợ không trả tiền lời đều đặn, trả kéo dài năm mười năm thì cũng giữ nguyên tắc “một vốn một lời” là dứt nợ. Nguyễn Tri Phương nhắc lại nguyên tắc không quá 3 phân mỗi tháng. “Gần đây, nghe Gia Định tỉnh có phú hộ cho vay, phần nhiều trái lịnh cấm cho nên con nợ không thể trả, thường bị chủ nợ làm khổ. Người lính (mang nợ) không yên trong cơ ngũ, mà dân sống không yên cho nên có người sinh tâm phải ăn trộm, chớ không phải nhứt thiết vì tham. Cổ nhân thường nói : cho vay tiền không bằng cho vay đức (trái tài bất như trái đức), nên giảm thuế, bớt tô. Triều đình thường ra kế an dân, sao người ta lại tham để làm hại nhau ? Bởi vậy bản chức thể đức ý của triều đình, lấy an dân làm nhiệm vụ, đã sức cho phủ huyện bảo cho người phóng trái : trừ người từ trước đã trả được ít nhiều, còn kỳ dư là bất lực, hãy hoản cho họ một năm để cho họ an cư sinh sống, chậm việc thúc bách đòi nợ họ”.
Mấy nét trên đây giúp soi sáng một khía cạnh quan trọng của việc lập ấp di dân : các ông bá hộ đứng ra đỡ đầu đều thủ lợi quá đáng. Lời kêu gọi của Nguyễn Tri Phương chắc ít được lưu ý. Nguyễn Tri Phương khuyên các chủ điền (cũng là bá hộ, là chủ nợ) nên giảm địa tô. Điều này lại càng khó được hưởng ứng vì luật pháp không hề quy định rõ rệt, cứ để cho người chủ đất thao túng.
Năm Tự Đức thứ 13 (1860) là năm bi đát. Tháng giêng, quân sĩ Cao Miên gây sự đánh vào An Giang và Hà Tiên, nhưng ta đuổi được (quân Cao Miên qua chiếm vùng Thất Sơn). Tướng Nguyễn Tri Phương được phái vào Nam để lo chiếm lại thành Sài Gòn, sau khi nguyên soái Pháp (Page) đưa ra một dự thảo hòa ước rất ngặt nghèo cho ta.
Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển truyền cho dân dũng trong đồn điền, trong ấp phải thao diễn tại tỉnh, các đồn ở trong làng canh phòng cẩn mật, dân trong ấp phải chăm lo việc nông, các nhà phú hộ thì tích trữ lúa thóc để bán cho nông dân hoặc cho vay, ai bán hết thì bị phạt nặng. Mặt khác, phải ngừa gian thương chở lúa gạo bán ra vùng giặc. Đất không được bỏ hoang, lúa phải tích trữ để dân khỏi bị khốn trong lúc “thanh hoàng bất tiếp” (lúa bắt đầu chín, chưa gặt ăn được).