Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 20360 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Sơn Nam

Chương 1 - 2

Đời Gia Long, vấn đề biên giới ở Gia Định thành được tạm ổn định. Các hải đảo quan trọng đều có người Việt đến khai thác. Tại đảo Côn Lôn lúa, bắp, khoai, đậu tuy không đủ  dùng nhưng dân ở đảo kết đoàn làm binh sĩ, gồm 3 đội, khai thác hải sản, trồng cau. Giặc cướp Mã Lai chỉ đến khuấy rối tạm thời. Đảo Phú Quốc phía vịnh Xiêm La được bố trí  phòng thủ cẩn thận, dân Phú Quốc đã từng hết lòng ủng hộ lúc Gia Long tẩu quốc, gồm 12  thôn xã và thuộc. Hòn Sơn Rái có dân, lập thành một thôn.
Riêng về Hà Tiên thì không còn quan trọng, từ khi bị giặc Xiêm đốt phá năm 1771.  Hậu duệ của họ Mạc tuy được Gia Long chiếu cố nhưng thiếu tài kinh bang tế thế, vả lại, trọng tâm việc thương mãi đã nghiêng hẳn về phía Sài Gòn, Đà Nẵng ; việc mua bán với Cao Miên thì đã có Sa Đéc, Cái Bè. Vua Gia Long cho các tàu buôn và ghe buôn ở hạt Hà  Tiên được miễn thuế (1810), đồng thời di chuyển một số quan lại, viên chức ở bốn trấn miền  trên đến tăng cường cho trấn Hà Tiên, gia tăng binh sĩ để lo việc tuần phòng giặc biển. Năm  sau (1811) vua cho Trương Phước Giáo và Bùi Đức Mân đến Hà Tiên để tu chỉnh thành phố,  chiêu dụ lưu dân : người Trung Hoa, người Cao Miên, ngườiChà (gọi là chà Châu Giang),  đều có dành khu vực cư trú riêng, khá phân minh. Tuy nhiên, thương cảng Hà Tiên không  sao hưng thịnh được như trước.
Vua Gia Long đặt quan bảo hộ ở Cao Miên, nhưng như đã nói, đối thủ của dân Việt  Nam vẫn là vua Xiêm với chính sách hung hăng đang tìm cách mở rộng biên giới. Từ năm  1795, Xiêm chiếm cứ luôn vùng Battambang và Siemrap của Cao Miên. Năm 1814, lấn luôn  vùng Mélouprey và Stungtreng thuộc tả ngạn sông Cửu Long, thọc sâu giữa lãnh thổ Lào và  Miên. Vua Xiêm còn có tham vọng “Nam tiến” xuống bán đảo Mã Lai.
Về mặt nội an, từ lúc tẩu quốc, Gia Long nắm được tình thế đối với các vùng tập trung  sốc Miên. Năm 1780, người Miên ở Trà Vinh làm loạn, nhưng tướng Đỗ Thanh Nhân dẹp  được với chiến thuật khá tinh vi. Năm 1757, nhờ lãnh tụ Miên là Nguyễn Văn Tồn theo  chúa Nguyễn nên vùng Trà Ôn sống yên lành, chẳng có mầm mống phản loạn. Người Miên  trở thành dân binh giữ an ninh, đóng đồn tại địa phương, họ hưởng chế độ tự trị khá rộng  rãi, nhờ đó mà “những chỗ gò hoang đất trống đã được khai khẩn thành ruộng vườn trồng  tỉa”. Vua Gia Long cũng ra lịnh cho quân và dân trong đất Gia Định trả lại những phần  ruộng đất chiếm của người Cao Miên và không tán thành việc dùng người Miên làm đầy tớ  (1816).
Việc bảo vệ biên giới Việt Miên
Địa thế Châu Đốc, Hà Tiên không kém Bắc thành. Vua Gia Long đã quan niệm rõ rệt như thế. Bắc thành để ngăn ngừa nạn xâm lăng của Trung Hoa; Hà Tiên, Châu Đốc để  ngăn ngừa giặc Xiêm và giặc Cao Miên.
Giữa ta và Cao Miên, biên giới có phần giáp vào trấn Phiên An và Đồng Tháp Mười,  nhưng con đường chiến lược bấy lâu vẫn là sông Cửu Long, cụ thể là Tiền giang, nơi đối  phương có thể từ Nam Vang đổ xuống nhanh chóng rồi thọc vào Định Tường. Về phía vịnh  Xiêm La, còn Rạch Giá, Hà Tiên ở sát mé biển.
Đồn lũy ở Hà Tiên và Châu Đốc đã có từ lâu, kể cả đồn Tân Châu, đồn Sa Đéc.
Lằn ranh biên giới giữa ta và Cao Miên khi Cao Miên dâng đất Tầm Phong Long là vùng người Miên gọi là Méat Chruk (tức là mõ của con heo, ta âm lại là Ngọc Luật, Mật  Luật), đại khái lấy sông Châu Đốc làm ranh giới. Đồn Châu Đốc ở phía tây sông Châu Đốc, thủ sở phủ Mật Luật Cao Miên ở bờ phía đông sông Châu Đốc, ấy là địa đầu quan ải trấn  Vĩnh Thanh và nước Cao Miên. Vua Gia Long đặt tên vùng Châu Đốc là Châu Đốc Tân Cương, đặt chức Quản đạo. Từ đồn Châu Đốc đến vịnh Xiêm La, đường ranh giới quá mơ  hồ : Vàm sông Châu Đốc (ngược về phía bắc) tiếp đến vùng Thất Sơn và rạch Giang Thành. Năm thứ 14 (1815), Gia Long ra lịnh cho trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường đem  dân binh trong trấn hạt 3000 người để xây đồn, chung quanh có hào thông với sông cái, xây  vào tháng chạp. Ngài giải thích với vua Cao Miên rằng đắp đồn Châu Đốc là để giữ yên trấn  Hà Tiên, làm nơi tiếp ứng cho thành Nam Vang. Ngài muốn nói đến việc quân Xiêm sẽ can  thiệp vào Cao Miên. Ngài ra lịnh xây đồn cho nhanh kẻo bận rộn đến việc cày cấy của đám  người đi làm xâu. Đồn Châu Đốc vừa xây xong, vua Gia Long xem địa đồ, nêu ý kiến : “Xứ  này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thời nông thương đều lợi cả, ngày sau dân ở càng  đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to”. Nhưng Nguyễn Văn Nhân tâu can nên ngài bỏ ý kiến ấy.
Tuy nhiên đó chỉ là bỏ tạm thời. Ngài muốn lập một trấn mới, tách ra khỏi trấn Vĩnh  Thanh quá dài (trấn Vĩnh Thanh ăn từ biên giới Cao Miên đến biển Nam Hải). Ngài muốn  cho lưu dân quy tụ để mở đất. Một người Tàu làm quan cho ta bên Cao Miên tên là Diệp Hội được gọi về, bấy lâu Diệp Hội được tiếng là mẫn cán “xử việc gì dân cũng bằng lòng”. Diệp  Hội được cử làm Cơi phủ Châu Đốc, khiến chiêu tập người ta, người Thổ và người Tàu vào  đó cho đông, hễ có biết nghề trồng cây, nuôi súc vật, buôn bán hay làm nghề gốm, cho tùy  nghề nghiệp làm ăn, người nào thiếu vốn thì nhà nước cho vay. Lại truyền dụ quan Tổng trấn Gia Định rằng : dân mới phủ tập, nên dạy làm các việc lợi ích khiến dân được an cư lạc  nghiệp, chờ các việc thành rồi sẽ tâu lên.
Vua Gia Long hiểu rõ tình hình vùng biên giới Châu Đốc ; xứ này có đồi núi, chăn nuôi  súc vật dễ dàng ; từ xưa, người Miên giỏi về nghề làm đồ gốm, nên thử cải tiến lại. Rất tiết  là đất ở vùng Thất Sơn quá xấu, chỉ có thể làm nồi, cà ràn, gạch ngói, chớ không làm tô chén  được. Việc quy dân lập ấp lúc bấy giờ cũng khó vì dân Việt thưa thớt ; ở phía nam, gần Cần  Thơ và gần Vĩnh Long còn nhiều đất tốt chưa khẩn hết, đi làm ăn ở tận biên giới Châu Đốc  là chuyện phiêu lưu. Người Tàu, người Cao Miên với nghề làm đồ gốm, nghề chăn nuôi,  trồng cây được nhắc tới là phải.
Trước khi muốn khơi động sinh hoạt kinh tế cho vùng Châu Đốc, ngài ra lịnh cho  Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) đào con kinh sau này gọi là Thoại Hà (gọi nôm na là kinh Núi Sập) trong năm 1817, vào tháng 11, dùng 1500 dân xâu gồm người Việt và người  Cao Miên, đào hơn một tháng mới xong. Đây là con đường mà trước kia dân gian thường đi, nhưng chật hẹp, nay đào nới rộng thêm. Thoại Hà đã có sẵn ở khúc đầu và đoạn chót, chỉ vét lại phần giữ để nối liền từ Hậu giang qua Rạch Giá bên bờ vịnh Xiêm La (ngọn của Rạch  Giá là rạch Sốc Suông, địa danh Miên, sử ghi là Khe Song). Mục đích trước tiên của việc đào  kinh vẫn là quân sự. Ngài nghĩ : chỗ ấy gần Chân Lạp, địa thế rậm rạp lắm, đàng thủy đi  qua Kiên Giang thì lắm bùn và cỏ. Ngài ra lịnh cắm dân không được chặt cây trên núi Sập, nơi con kinh này đi ngang qua, chắc vì muốn giữ phong thủy.
Nhưng việc đào kinh nối liền Châu Đốc qua Hà Tiên ở biên giới vẫn là mối bận tâm  của ngài. Kinh Thoại Hà đào xong ở phía Nam cũng như con kinh Vĩnh Tế sắp đào ở phía  Bắc vẫn nhằm mục đích đưa thủy quân của ta từ Hậu giang ra vịnh Xiêm La thật nhanh,  để giữ Kiên Giang và chợ Hà Tiên, ngừa quân Xiêm đem binh đến thình lình. Khi vỗ về và động viên dân trong trấn Vĩnh Thanh, ngài nói thẳng là “công trình đào sông ấy (nối Châu  Đốc qua Hà Tiên) rất khó. Việc nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Bọn  ngươi tuy là khó nhọc một lần mà ích lợi cho muôn đời về sau, phải bảo nhau biết, chớ nên  sợ nhọc”. Trước khi đào kinh, ngài cũng trấn an sứ giả của Cao Miên.
Kinh Vĩnh Tế đào năm năm mới xong, ngưng rồi lại tiếp tục. Có đoạn dễ đào vì nhằm  nơi đất ruộng, sình lầy (khúc kinh này qua vùng Bến Đổi), nhưng có khúc ở đất cứng, có đá,  sát chân núi. Mùa nắng phải ngưng lại vì thiếu nước uống cho dân phu. Vua Minh Mạng tiếp tục công trình do Gia Long đề xướng. Lê Văn Duyệt huy động đến 55000 dân công, gồm  người Việt ở Vĩnh Thanh, Định Tường và người Miên ở đồn Uy Viễn (Trà Ôn do Nguyễn  Văn Tồn cầm đầu).
Mãi đến nay, dân gian còn nhắc lại những khó khăn khi đào con kinh này, lớp thì chết  vì bịnh, lớp thì trốn về dọc đường bị sấu ăn thịt. Nói đến kinh Vĩnh Tế, vua Minh Mạng  không che giấu mục đích quân sự : “Đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta (Gia Long)  mưu sâu, nghĩ xa, chú ý việc ngoại biên...”. Việc ấy (việc đào kinh) không lợi gì cho Chân  Lạp.
Những thành quả đầu tiên
Nên nhớ trấn Vĩnh Thanh đời Gia Long và đầu Minh Mạng bao gồm các tỉnh thời Pháp thuộc : Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ.
Nói chung thì phía Nam đã có dân cư, đất không bị ảnh hưởng ngập lụt hằng năm của sông Cửu Long và Hậu Giang, phía Bắc thì quá thưa thớt, trừ vùng Sa Đéc, Tân Châu.  Vùng ngày nay thuộc Cần Thơ (Phong Dinh), Long Xuyên, Châu Đốc chưa có người Việt đến  định cư nhiều. Tại Cần Thơ, Ô Môn, Thốt Nốt đất khá cao và tốt, dân ta đến lập thôn xóm,  nhưng người Miên còn chen chúc gần đấy. Hữu ngạn Hậu giang, phía biên giới hầu như không người ở, trừ mấy cù lao trên sông. Đây là vùng bị ngập lụt quá sâu, cấy lúa không  được, ai siêng năng thì chỉ có thể chọn vài giồng đất nhỏ, vài gò ở ven sông hay giữa đồng  mà làm ruộng kiểu “móc lõm” tức là theo hình thức “da beo”, nhưng lối làm ăn này quá phiêu lưu, khi nước sông lên quá mức bình thường là bị lụt, hoặc mùa màng bị chim chuột  cắn hại, đầu hôm sớm mai.
Kinh Vĩnh Tế đào chưa xon glà Thoại Ngọc Hầu cho phép dân lập làng với quy chế rộng rãi, từ cù lao Năng Gù đến Bình Thiên theo sông Hậu, và dọc theo bờ kinh Vĩnh Tế, từ  Châu Đốc đến Thất Sơn. Người khẩn đất cứ dâng đơn, Thoại Ngọc Hầu lúc bấy giờ được trọn  quyền ở biên giới (với chức vụ Khâm sai thống chế, án thủ Châu Đốc đồn, lãnh bảo hộ Cao  Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ), phê vào đơn rồi đóng ấn son “Bảo hộ Cao  Miên quốc chi dương” là xong. Tờ đơn được đóng dấu này có giá trị như tờ bằng khoán. Dọc theo kinh Vĩnh Tế, nhiều người thử làm ruộng trên phần đất phía Nam, bờ kinh đắp cao, dễ  cất nhà. Kinh rút bớt nước, lại thuận lợi giao thông. Một số lưu dân đến mấy vùng đất cao ở  chân đồi, chân núi phía Thất Sơn mà canh tác. Rải rác trên bờ kinh, quân sĩ xây nhiều đồn  bão nhỏ, giữ an ninh, lại còn đường lộ đắp từ bờ kinh chạy vòng quanh, liền lạc nhau (gọi là xa lộ). Để tiện việc di chuyển và để khi mùa lụt nước ruộng rút nhanh, người khẩn hoang  lúc bấy giờ nghĩ ra sáng kiến đào nhiều con kinh ngắn (gọi là cựa gà) đổ ra kinh Vĩnh Tế,  bên phần đất mới khẩn để thăm ruộng hoặc chở lúa từ ruộng về nhà dễ dàng hơn. Lịnh của triều đình cấm ngặt không được khẩn vào phần đất hiện có người Cao Miên làm chủ. Núi  Sam, gần Châu Đốc nối liền vào chợ với con lộ đắp đất. Làng Vĩnh Tế thành lập (gọi là Vĩnh  Tế Sơn thôn, làng ở núi Vĩnh Tế tức là núi Sam). Thoạt Ngọc Hầu tỏ ra xứng đáng, làm  đúng lời dụ mà vua Minh Mạng đưa ra vào năm thứ hai (1821) “Châu Đốc là một vùng xung yếu, nhà ngươi phải khéo léo trong mọi trường hợp, trấn an phủ dụ nhân dân địa phương.  Trước hết phải chiêu mộ dân buôn, xây dựng xóm làng, làm cho đinh số hộ khẩu ngày càng  tăng, ruộng đất ngày càng được khai khẩn thêm”. Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829, thống  chế Nguyễn Văn Tuyên thay thế, rồi năm 1832 người lãnh bảo hộ Chân Lạp, giữ đồn Châu  Đốc là Ngô Bá Nhân. Tính đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), dọc theo kinh Vĩnh Tế qua  phía Thất Sơn, các thôn sau đây thành hình, lần hồi dân chúng xin khẩn thêm đất, đa số là vu đậu thổ, tức là đất làm rẫy :
— Vĩnh Tế Sơn thôn (từ Châu Đốc vào)
— Nhơn Hòa thôn
— An Qů thôn
— Thân Nhơn thôn (giữa An Qů và Vĩnh Bảo)
— Vĩnh Bảo thôn (giữa Thân Nhơn và Long Thạnh)
— Long Thạnh thôn (giữa Vĩnh Bảo và Vĩnh Nguơn)
— Toàn Thạnh thôn (giữa Nhơn Hòa và An Thạnh)
— Vĩnh Gia thôn (giữa Vĩnh Điền và Vĩnh Thông)
— Vĩnh Lạc thôn (giáp với An Nông)...
Từ biển Nam Hải trở lên Châu Đốc, tức là hữu ngạn sông Hậu giang có vài khu vực  đáng kể không chịu ảnh hưởng nước lụt. Vùng Ba Thắc, Sóc Trăng đã có người Miên khai khẩn từ lâu rồi. Phía Sóc Trăng từ đời Gia Long thấy ghi làng Tân An (rạch Cần Thơ), làng  Thới An (Ô Môn), làng Thới Thuận, Tân Thuận Đông (vùng Thốt Nốt), làng Bình Đức ở rạch  Long Xuyên, làng Bình Lâm ở Năng Gù. Làng này cách làng kia hàng chục cây số, nằm trên  các vùng đất gò, đất giồng. Các thôn xóm này đều bám sát vào bờ Hậu giang. Cù lao ngoài bờ sông cái thì phì nhiêu hơn : ven cù lao là đất cao ráo, thích hợp để trồng khoai, trồng đậu.  Nhìn các bản đồ kèm theo đơn xin khẩn đất đời Minh Mạng ở vùng này, ta thấy đa số đồng  bào khẩn theo lối móc lõm, ở ngọn, ở ngay ngả ba rạch. Đông đúc nhất là vùng Năng Gù,  Chắc Cà Đao, đất khẩn liên ranh nhau. Tiếp giáp vào phần đất làm ruộng làm rẫy là đất  lâm (ở vùng mé sông là rừng tre, thanh trúc lâm). Vì là bờ sông cái nên chim cò bay tới lui, đáp xuống bãi sông, tre chịu được ngập lụt hằng năm mà không chết. Ta có thể đoán rằng  mực nước ở đồng ruộng vùng Cần Thơ, Thốt Nốt, Ô Môn hồi đời Minh Mạng tương đối cao  hơn bây giờ. Vào mùa lụt (bấy giờ chưa có nhiều kinh đào đổ nước ra vịnh Xiêm La như sau  khi người Pháp đến).
Rạch Cần Thơ nổi danh là phì nhiêu, đất tốt, không bị ngập. Vùng Cái Răng trở thành  làng vào đời Minh Mạng rồi phát triển thêm. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), làng Thường  Thạnh của Cái Răng tăng thêm dân cư, tách ra một làng mới lấy tên là Trường Thạnh.
Rạch Bò ót được dân khẩn hoang chú ý.
Rạch Cái Côn đã có làng từ đời Gia Long (làng Phú Mỹ), ấy thế mà năm Minh Mạng  thứ 19 (1838) còn đến năm khoảnh rừng rậm hoang vu. Làng Bình Mỹ cũng thành lập từ đời Minh Mạng, ăn tới rạch Cái Dầu. Vùng Thốt Nốt, đời Gia Long chỉ có làng Thới Thuận,  qua Minh Mạng thêm các làng Tân Thuận Đông, Vĩnh Trinh.
Những làng vừa kể trên trở thành phần đất của các tổng mới lập : Châu Phú, Định  Thành, Định Phước, thuộc huyện Tây Xuyên (có nghĩa là bờ phía Tây của Hậu Giang). Từ  Cần Thơ trở xuống thuộc về huyện Vĩnh Định với các tổng Định Thới, Định An, Định  Khánh. Phía Sa Đéc, vùng Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, Nha Mân và những cù lao trên  Tiền giang đã đông đúc dân cư từ đời Gia Long. Đời Minh Mạng còn lưu lại vài văn kiện xác nhận việc xúc tiến khẩn hoang ở huyện Vĩnh An, với nhiều đơn xin khẩn đất :
— Năm Minh Mạng thứ 12, khẩn thêm ở các thôn Tân Dương, Tân Đông, Tân Phú  Đông, Phú Mỹ, Tân Hòa, Tân Quý, Tân Thuận.
— Năm Minh Mạng thứ 19 và 20, khẩn thêm ở các tổng An Thới, An Thạnh, An Mỹ, An  Trường, những vùng Nha Mân, cù lao Tòng Sơn, rạch Cái Vồn được chú ý nhứt.
Từ đời Minh Mạng về sau, phần đất phì nhiêu, nhiều huê lợi của An giang vẫn là phía Tiền giang với Sa Đéc và các vùng phụ cận.
Việc lập làng — Sự phân chia điền địa
Vua Minh Mạng đặc biệt khuyến khích việc lập ấp ở vùng Châu Đốc. Năm 1830, thành thần trấn Gia Định tâu : Hạt Châu Đốc là vùng biên cương mới mẻ, ruộng đất chưa được khai khẩn hết, xin triển hoãn việc thâu thuế. Vua phán : “Đó là vùng biên giới quan trọng  của quốc gia, trẫm muốn vì nhân dân mà gìn giữ cho nên phải đặc biệt chú ý tới việc cai trị. Đó chính là kế hoạch biên phòng. Còn vấn đề thuế khóa đinh điền, đâu phải là việc cần tính  toán trước”. Rồi ngài cho miễn thuế ba năm. Ba năm sau, thành thần Gia Định tâu xin thâu thuế. Ngài ra lịnh : “Những xóm làng tân lập được miễn thuế thêm ba năm nữa. Riêng thuế thân, thuế điền thổ được hoãn thêm một năm nữa”. Một tài liệu khác cho biết thêm con số :  đồn Châu Đốc mới lập được 41 xã, thôn, phường; dân đinh chỉ mới được hơn 800 người.  Nhưng năm sau (1831), Tổng trấn Gia Định thành lại tâu với lời lẽ bi quan : “Đồn Châu Đốc  xã dân mới thiết lập, địa thế ruộng đất khó khai khẩn”. Vua cho bộ Hộ biết : “Đồn ấy là nơi  địa đầu quan yếu, ta đã từng xuống chỉ chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền gạo để lập ấp  khẩn điền, quây quần sinh sống. Đó là ý niệm quan trọng của ta trong việc củng cố vùng  ngoại biên cương. Nhất sơ việc khai khẩn còn khó khăn nên đã được triển hạn nhiều lần.  Năm ngoái đây, quan trấn thành đã có lời xin, lần thứ hai trẫm đã khoan miễn cho ba năm  tiền dung (tiền xâu) cùng dịch vụ, và đã phán bảo phải dùng nhiều phương pháp để chiêu  dụ thu nạp, để cho đồng áng ngày càng mở mang, sinh sống dồi dào, đã hơn một năm nay  mà vẫn chưa thấy thi thố phát triển điều gì, liền vội cho là vì tình trạng khó khăn. Đó phải chăng là lối làm việc tắc trách cho xong chuyện ? Nay truyền chỉ cho thành thần (quan trấn  Gia Định) phải nghiêm sức các công chức của đồn phải tất tâm thi thố, hầu làm cho đất  rộng đông dân, hạn đúng ba năm phải có đủ hồ sơ về triều đình khen thưởng, không thể đổ  cho là tại tình hình khó khăn mãi được”.
Vua quan tâm đến vấn đề biên giới Châu Đốc, và tiên đoán những rắc rối sắp xảy ra giữa Việt Nam và Xiêm La, không riêng ở mặt trận Cao Miên mà còn ở cả mặt trận Lào.  Ngài muốn quy dân gần như vô điều kiện, miễn thuế hai đợt.
Hai năm sau, cuối năm 1833, quân Xiêm tràn qua.
Làng ấp ở vùng kinh Vĩnh Tế và Thất Sơn lúc bấy giờ thành lập với quy chế dễ dãi, như trường hợp làng Phú Cường, tách ra từ làng An Nông. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831),  vào tháng 3, Trương Văn Nghĩa đứng đơn, xin khẩn vùng đất hoang từ núi Chân Tầm Lon  tới núi Trà Béc, bấy lâu thuộc làng An Nông. Lúc đầu, Trương Văn Nghĩa và đồng bọn 11  người đến khai phá, sau chiêu mộ thêm được 4 người nữa, đã có nền tảng để lập làng mới  lấy tên là Phú Cường. Cả bọn xin đến năm thứ 17 (1836) sẽ đóng đủ thuế, khi mộ được thêm  dân và lập hộ. Đơn được phú hồi cho Tuy Biên phủ để tra khám và chuẩn cho vào tháng 11,  năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Qua văn kiện trên, ta thấy việc cứu xét kéo dài từ 1831, khi Trương Văn Nghĩa khẩn đất, xin sẽ lập bộ và đóng thuế; quan địa phương thâu đơn, chờ đến  ba năm sau mới chánh thức chấp nhận. Trong thời gian chờ đợi, bọn người khẩn hoang tha hồ làm ăn, khỏi đóng thuế, khỏi khai báo gì cả.
Làng Trường Thạnh tách ra từ làng Thường Thạnh, rạch Cái Răng (Cần Thơ) lập vào  năm Minh Mạng thứ 15 (1834) do hai người đứng đơn. Làng tân lập này gồm 8 người dân có  tên trong bộ làng Thường Thạnh, 8 người dân lậu và một niên lão 67 tuổi. Họ chịu đóng  thuế 5 khoảnh đất, hạng sơn điền (thuế nhẹ). Đây là vùng có an ninh, đất tương đối tốt,  cách xa Châu Đốc hàng trăm cây số ngàn, nên không thấy ghi những điều khoản dễ dãi  dành cho vùng biên giới.
Sử thường nhắc tới việc cho phép tù nhân đi khẩn hoang. Chúng tôi gặp tài liệu về một  hộ thợ săn, tập trung thợ săn thú rừng, gọi là “Thuộc Tỉnh Biệt Nạp Lạp Hộ” được hưởng  quy chế của một làng, nhưng không có đất đai. Cầm đầu là Hộ trưởng tên Nguyễn Văn  Luật, người ở kinh Vĩnh Tế, 55 tuổi. Hộ trưởng phải chịu trách nhiệm về thuế vụ cho 7  người do ông ta bảo lãnh, thuế đóng bằng ngà voi, 150 mỗi năm. Gia nhập hộ thợ săn, có  mọt người quê ở Cái Thia (Định Tường), 1 người ở vùng Chợ Gạo (Định Tường), đặc biệt là 1 người quê ở Vĩnh Tế can tội đồng lõa ăn cướp, đang bị phát vãng (lưu đày) lên Trấn Tây  (Cao Miên) để làm đồn điền binh.
Về sự phân chia đất sai, đặc biệt là vùng Thốt Nốt, nhiều điền chủ khẩn đất rộng tới 26, 28 hoặc 60 mẫu, trong khi tính trung bình mỗi phần đất của dân khẩn hoang là 2 hoặc 3  mẫu. ở đất tốt mé sông Cái hoặc cù lao, việc phân khoảnh nhỏ bé hơn, trung bình từ 1 đến 2 mẫu.
Mãi đến năm Minh Mạng thứ 19 (1839) tỉnh An Giang vẫn còn được triều đình nâng  đỡ so với các tỉnh khác. Tỉnh thần dâng bộ sổ, ghi rõ số dân đinh, vì dân đinh có phần tăng,  nên xin tăng thêm ngạch lính giản. Vua xuống dụ rằng : Hạt ấy lâu nay mong được dìu dắt  dạy dỗ, hộ khẩu mỗi năm một tăng, nay lại nhân được thái bình nên cùng với dân nghỉ ngơi,  khiến cho cùng lo việc cày cấy, đào giếng mà an nghiệp, để dân chúng ngày càng thêm đông  đảo, thịnh vượng, hà tất phải xin thêm ngạch lính giản làm chi. ý vua muốn nói tới việc xâm  lăng của Xiêm mà vùng Châu Đốc hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, trong thời gian vừa  qua...
Vài vấn đề nội an : Loạn Lê Văn Khôi. Các vùng người Miên đông đảo
Tháng 7 năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành mất. Vì có thù hằn lâu đời với Tả quân, vua Minh Mạng thừa cơ hội này đưa toán vệ binh Minh Nghĩa về  Quảng Ngãi. Sau khi chôn cất Tả quân xong, vua Minh Mạng còn ra lịnh đưa cơ An Thuận  về Kinh. Tháng 10 năm ấy, Gia Định thành không còn là đơn vị quan trọng nữa. Vua bãi bỏ chế độ Tổng trấn, tất cả đổi là tỉnh, trực thuộc vào triều đình Huế. Tháng 11 năm ấy, vua  cho nguyên Tổng đốc tỉnh Sơn Tây là Lê Đại Cương làm Tổng đốc An Hà kiêm lãnh ấn Bảo  hộ Chân Lạp.
Việc thuyên chuyển một viên chức từ Sơn Tây vào Nam không là điều lạ nếu ta biết rõ chính sách của vua Minh Mạng là triệt hạ uy thế và nhân tâm mà Tả quân Lê Văn Duyệt  đã gây được ở kinh Vĩnh Tế do ngài đốc xuất đào ra trong hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh An  Giang chánh thức thành hình với hai phủ Tuy Biên và Tân Thành, năm 1835 lấy thêm đất  Ba Thắc lập thành phủ Ba Xuyên. An Giang chiếm trọn miền hữu ngạn của Hậu giang,  phía Bắc thì gồm luôn vùng Vĩnh an (Sa Đéc) cắt ra khỏi trấn Vĩnh Thanh lúc trước.
Lê Văn Khôi nổi loạn, thành công nhanh chóng trong đợt đầu, chiếm lần hồi 6 tỉnh,  nhưng giữ không được lâu. Dân chúng tuy mến một công đức Tả quân Lê Văn Duyệt, nhưng  cá nhân Lê Văn Khôi không đủ uy tín. Hơn nữa ngày qua tháng lại, dân chúng thấy Lê Văn  Khôi không tin vào dân trong nước, lại còn trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cõng rắn cắn gà nhà.
Lê Văn Khôi có chút ít tinh thần tiến bộ, chống lại chế độ tập quyền hà khắc của vua Minh Mạng ? Một tài liệu cho biết là khi được hỏi về ruộng nương và tình hình an ninh tại  các tỉnh, tỉnh thần Vĩnh Long tâu rằng : “Trước đây bọn giặc (Lê Văn Khôi) chiếm cứ tỉnh  thành, các thôn ấp đều bị chúng đốt phá rồi chúng còn chiếu theo nóc nhà dân, đem tiền  trong kho ra tán cấp đến hơn một ngàn quan, nay dân tình nguyện y số đem nạp lại”. Vua ra lịnh miễn cho. Việc lấy tiền trong kho chia đều cho dân, lúc đang xảy ra, chắc là được dân  hoan nghinh. Và dân đem nộp lại cho quan khi bọn phản loạn bị dẹp, chưa chắc vì tình  nguyện, vì sợ đúng hơn.
Loạn Lê Văn Khôi chỉ là một trong những mối lo sợ của vua Minh Mạng, vì lúc bấy giờ  ở Bắc kỳ loạn lạc nổi lên với cường độ đáng kể, lý do chánh là nạn đói kém, là quan lại tham nhũng. Nhưng cuộc khởi loạn Lê Văn Khôi tạo cơ hội cho quân Xiêm đánh ta trong đó có  mặt trận Lào, riêng mặt trận An Giang là quan trọng hơn cả.
Từ lâu, vua chúa nhà Nguyễn lo lắng về các vùng người Miên định cư tập trung, nhiều  nhứt là ở địa phận trấn Vĩnh Thanh ngày xưa :
— Vùng Trà Ôn được yên ổn nhờ có Nguyễn Văn Tồn (một người Miên hữu công, trong  thời gian phục quốc, được mang họ Việt Nam) nắm được nhân tâm. Nguyễn Văn Tồn chết,  con là Nguyễn Văn Vị được trưng dụng và có ra tận Huế đô bái kiến vua.
— Vùng Lạc Hóa (Cầu Kè, Tiểu Cần). Năm 1835 đặt ra xã thôn, tùy theo sốc lớn nhỏ,  quan đến tận nơi khám xét, để định rõ thuế khóa.
— Vùng Ba Thắc (Sóc Trăng, Kế Sách). Vua Gia Long khi còn ở đất Gia Định thì cho  người Miên ở địa phương lập đồn điền mỗi năm nạp lúa sưu thuế. Năm 1792, Nặc ấn ở Xiêm  về, vua đem đất ấy cho lại ; năm 1835, các quan lại người Miên ở địa phương yêu cầu ta giúp đỡ, vua Minh Mạng cho người Miên hưởng chế độ tự trị rộng rãi với quan phủ coi việc  nội an, mãi đến khi người Pháp đánh nước ta, quan phủ vẫn là người Miên.
— Vùng Ô Môn (phía bắc Cần Thơ) là nơi người Miên tập trung đáng kể. Về sau, họ  phân tán, rút về phía hậu bối, xa bờ Hậu giang (Đại Nam Nhứt thống chí ghi là “thổ huyện  Ô Môn”).
— Vùng chợ Hà Tiên, rạch Gianh Thành, vùng Thất Sơn là những trung tâm gần biên  giới, nơi mà vấn đề an ninh không được toàn hảo, mặc dầu triều đình đã chú ý từ đời Gia  Long, Hà Tiên đất nhiều phèn, quá xấu, trừ vài lõm nhỏ ở sườn đồi mà người Trung Hoa đến làm rẫy, người Việt đến đánh cá ven biển. Vị trí chợ Hà Tiên tuy “tốt” về phong thủy,  trên lý thuyết, nhưng quân Xiêm đánh chiếm chớp nhoáng. Người Miên ở Thất Sơn và ở Hà  Tiên thường liên lạc với họ, hễ cơ hội đến là nổi loạn, vào cuối đời Minh Mạng. Năm 1835,  theo lịnh nhà vua, tuần phủ Trần Chấn lập đồn điền ở núi Đá Dựng (chữ gọi là Châu Nham) sát biên giới, binh sĩ vừa cày ruộng, vừa luyện tập.
Chánh sách của vua Minh Mạng đối với người Miên (luôn cả người Lào, người  Mường...) là “nhứt thị đồng nhân” (xem tất cả cùng là người), nghe qua thì như là dân chủ,  nhưng thực chất là muốn bắt buộc các sắc dân phải theo luân lý, theo cách tổ chức thôn  xóm, cúng tế của Việt Nam và Tàu, lại buộc lấy họ (như họ Sơn, Thạch, Kim, Kiên...)
Biến cố quân sự ở An Giang và ở Cao Miên
Tháng 6, Lê Văn Khôi nổi loạn thì tháng 11 quân Xiêm đem binh đánh nước ta (1833),  bề ngoài như để cứu Lê Văn Khôi nhưng bên trong là quân Xiêm chọn lựa đúng thời cơ để  thủ lợi. Quân sĩ ta lúc bấy giờ bị tiêu hao và bị cầm chân khá nhiều, một số vào trong thành  Phiên An theo Lê Văn Khôi, một số thì bao quanh chờ cơ hội tái chiếm.
Trong đợt tấn công đầu tiên, quân Xiêm làm chủ tình thế, tướng Xiêm chỉ huy cuộc  hành quân cấp tốc này là tay có tài, tên là Phi Nhã Chất Tri (sử gia Tây phương gọi là tướng Bodin, Phi Nhã chỉ là chức tước). Tháng 11 năm 1833, Hà Tiên mất, tháng 12 thành  Nam Vang rồi đến đồn Châu Đốc cũng mất theo.
Nhưng vua Minh Mạng bình tĩnh đối phó, bố trí cẩn thận và giữ bí mật. Quân Xiêm  thừa thắng, từ Ba Nam cho chiến thuyền đổ xuống theo Tiền giang. Đây là con đường chiến  lược vô cùng quan trọng, nếu cứ tiến thêm thì đến Sa Đéc, rạch Gầm, Định Tường, thọc vào  trung tâm miền Nam, nơi nhà cửa đông đúc, nhiều tài nguyên.
Quân ta liền phản công. Tại Tiền giang, nơi Vàm Thuận (sử ghi là Thuận Cảng, Thuận  Phiếm cửa của Vàm Nao phía Tiền giang) ta chiến thắng. Giặc phải dừng lại rồi tạm rút lui về Ba Nam với dụng ý đánh theo đường bộ đến Tây Ninh, nhưng mặt trận này không mở ra được.
Vài mươi ngày sau, qua tháng giêng năm 1834, thủy quân Xiêm lại theo đường cũ, đến  vùng mà chúng đã thu hôm nọ để quyết chiếm yết hầu Tiền giang, đến Vàm Thuận không  thấy gì xảy ra, chúng thử tiến thêm đến rạch Củ Hủ (vùng chợ Thủ). Khi ấy, giặc nhân lúc  nước xuống, theo bờ sông phóng hỏa đốt bè, ngăn trở thủy quân ta rồi chúng lại sấn tới  đánh, Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng nhau, giặc liền lui. Đây là trận đánh kéo dài từ ba bốn giờ khuya đến chín mười  giờ trưa, giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Trận này khiến ta nhớ tới trận rạch Gầm ở  dưới Mỹ Tho vào năm 1784 Nguyễn Huệ đã thắng quân Xiêm. Từ Vàm Thuận đến chợ Thủ  thuộc huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang, bao nhiêu tàn phá diễn ra. Nhưng quân ta lại  thừa thắng thâu phục đồn Châu Đốc, thâu phục thành Hà Tiên rồi chiếm thành Nam Vang  từ tay quân Xiêm.
Giặc Xiêm đồng thời cũng đánh ta theo mặt Quảng Trị và Nghệ An trên đất Lào,  nhưng bị chặn lại.
Ta rượt theo đến vùng Biển Hồ (Tonlé Sap) tận căn cứ địa của quân Xiêm. Cũng năm  1834 này, vào tháng tư, Trương Minh Giảng (bấy giờ là Tổng đốc An Giang, Hà Tiên) từ  Nam Vang trở về ra lịnh tu bổ đồn Châu Đốc, rồi nghĩ đến việc dời tỉnh lỵ Hà Tiên qua phía Giang Thành (xa bờ biển, dễ phòng thủ hơn). Vừa lúc ấy, lại hay tin quân Xiêm cũng do Phi  Nhã Chất Tri cầm đầu đang kéo qua Cao Miên với lực lượng là 5000 quân. Quân ta đến nơi  trấn áp, đóng đồn tại Vũng Xà Năng (Kompong Chnang).
Năm thứ 16 (1835), vua Minh Mạng cho đổi đồn An Man ở Nam Vang làm thành Trấn  Tây, định chế độ cai trị, đứng đầu là một vị tướng quân, hai vị tham táng, quan lãnh binh, quan đồn điền. Việc này chỉ gây thêm mệt nhọc cho quân dân ta. Từ năm trước, nước Chân  Lạp bị đói kém đến đổi có người phải ăn các thứ tấm cám nên phải xuất ra từ các kho hai  tỉnh Định Tường và Vĩnh Long chở lên Cao Miên một vạn vuông gạo để phát chẩn cho dân  khỏi xiêu tán.
Chánh sách đồn điền được ban hành ở Trấn Tây, người đi đồn điền gồm tù phạm của  Nam kỳ lục tỉnh. Ai trốn về thì bị tập nã gắt gao. Theo lời Trương Minh Giảng năm 1839 thì ở Trấn Tây, dân tâu của Việt chiêu tập thành lập được 25 xã thôn, với 470 dân binh, 340  mẫu điều, theo quy chế thì ba năm sau mới đóng thuế. ở Trấn Tây, người Tàu cư ngụ khá đông, số người có sản nghiệp là 220, xin thành lập 5 bang.
Năm 1837, Trương Minh Giảng mở rộng thêm ảnh hưởng, lấn sát vùng mà người Xiêm  chiếm đóng ở Biển Hồ. Biển Hồ (Tonlé Sap) được gọi là Hồ Hải (vì hình dáng có eo giống như cái bầu đựng rượu). Đây là khu vực nhiều huê lợi. Trương Minh Giảng xin lập ba phủ Hải Đông, Hải Tây và Sơn Định ở phía đông, phía tây Biển Hồ và ở núi Đậu Khấu (dãy Cardamomes), đồng thời lập đồn điền, tập lính, trử lương, cho người Việt và người Miên đến  khẩn hoang, tìm cách dạy tiếng Việt, dạy chữ cho người địa phương để việc cai trị được dễ  dàng.
Một ngàn người Xiêm trốn khỏi vùng quân Xiêm kiểm soát để theo ta năm 1837 ; năm  1839 dân Miên ở vùng Battambang do Xiêm kiểm soát cũng trốn về, tạo thêm nhiều gánh  nặng cho quan quân đến bảo hộ, như cấp phát gạo muốn cho họ. Nhưng một số người Miên  thích nếp sống lưu động. Vua Minh Mạng bắt buộc họ phải có gia cư để dễ lập số bộ. Lính  Miên thì chia nhau cày ruộng, phân nửa ở tại ngũ, phân nửa về quê, mỗi năm chỉ tập trung  đầy đủ vào tháng mười, mùa nắng. Lúa gạo sản xuất ở Cao Miên lúc bấy giờ không đủ cung  cấp cho việc binh, vua Minh Mạng hiểu thị cho dân sáu tỉnh Nam kỳ : Ai nạp lúa xay gạo để  làm quân nhu lên thành Trấn Tây thì được thưởng phẩm hàm, miễn thuế thân, miễn đi lính  và làm xâu, ai cấp 2500 hộc lúa thì được thưởng chánh cửu phẩm.
Cuối đời Minh Mạng (1840) xảy ra cuộc tranh tài giữa Phi Nhã Chất Tri và Trương  Minh Giảng. Nếu từ lâu Trương Minh Giảng thắng thì phen này lần hồi lâm vào thế yếu.  Nhân tâm ở Cao Miên lúc bấy giờ rất bất lợi, loạn lạc nổi lên đối phó không kịp, phần lớn do  các quan của ta cai trị không công bình lại thêm tham nhũng.
Việc đóng quân ở Cao Miên có thể tạm tổng kết như sau :
— Về chánh sách, vua chúa phong kiến Việt Nam cũng như Xiêm là cứ luôn luôn mở mang bờ cõi. Đất Cao Miên là nơi tranh chấp. Đánh qua Cao Miên, đưa các quan cai trị là phiêu lưu, nhưng thử hỏi nếu không làm việc ấy để cho Xiêm chiếm đóng ở Cao Miên sát  Châu Đốc, Hà Tiên, sát Tây Ninh, liệu lãnh thổ ta có được yên ổn, vẹn toàn ? Đây là cuộc tấn công để phòng ngự.
— Về quân sự, khi nào quân Xiêm tiến vào lãnh thổ của ta thì họ thua. Hễ nắm vững  đường thủy chiến lược từ Nam Vang đến Tân Châu là ta thắng. Cứ điểm quan trọng nhứt là Ba Nam (Ba Cầu Nam) trên sông Tiền giang. Ngược lại, khi nào quân ta phiêu lưu đến  vùng Biển Hồ, sát căn cứ của quân Xiêm La là ta bị khó khăn, nếu không nói là thua.  Nguyễn Công Trứ từng dẹp giặc Nồng Văn Vân ở Bắc kỳ đã dâng sớ và so sánh : So với sự thế đảng giặc Nồng Văn Vân thời việc dẹp yên giặc Thổ (Cao Miên) này hơi khó mà chậm...  Nay, giặc Thổ dậy khắp nơi, trong chỗ hoang mảng, trông bốn mặt đều là tre gai rậm rạp, nước sâu bùn lầy, không phải như cây lớn, núi cao có thể đốn phá tìm đường đi băng được...  Huống chi đường đem lương từ Trấn Tây (Nam Vang) đến chỗ quân thứ, một lần đi tám  ngày đường mà chỉ đủ ăn một tháng... Chúng tôi trộm nghĩ trước phải đánh được giặc Xiêm  rồi sau đó giặc Thổ mới dẹp yên được.
Tình hình năm 1840 thật bi đát. Cũng theo lời tâu trên của Nguyễn Công Trứ, thời bấy  giờ từ An Giang đến Trấn Tây, từ An Giang đến Hà Tiên, quân giặc đóng đồn cả.
— Về chính trị, có sự kỳ thị rõ rệt, nhưng nặng nhứt là vì lý do văn hóa. Người Cao  Miên chịu ảnh hưởng văn hóa ấn độ với những tập tục địa phương, thích sống rày đây mai đó. Vì còn tàn tích mẫu hệ, việc cưới gã của người Miên hơi khó hiểu, không giống người  Việt theo phụ hệ, vì vậy bị hiểu là loạn luân. Cách mặc, cách ăn (ăn bốc, mặc sà rong) của người Miên không hợp với cảm quan của nho sĩ Việt, cùng là tục lệ hỏa thiêu. Ngay đến đạo  Phật, người Miên theo hình thức Tiểu Thừa, nghĩa là khác với cách tụng niệm, cách ăn uống của chùa theo Đại Thừa. Và quyền hạn của giai cấp tăng lữ ở Cao Miên cũng khá rộng. Quan lại Cao Miên, dưới thời đô hộ của vua Minh Mạng phải mặc áo, đội mão như quan lại Việt Nam. Từ việc tuyển chọn quan lại, cách thu thuế, nói chung công việc hành  chánh ở Cao Miên ngày xưa rất khác với Việt Nam. Doãn Uẩn viết trong Trấn Tây Kỷ Lược:  Họ cũng chưa biết đạo dựng nước, ta chỉ còn mong ở sau này ngày càng củng cố mở rộng thêm chánh thể duy tân dần, chắc sẽ không còn phác lậu như trước nữa vậy.
Trong khi ấy, giới bình dân Việt Nam và người Miên sống chung đụng nhau dễ dàng.  Lúc canh tác, bắt cá, chế biến thức ăn, ta cũng bắt chước vài kỹ thuật của người Miên; việc  người Việt cưới vợ Miên không phải là không có.
Lập địa bộ năm Minh Mạng thứ 17 (1836)
Đây là lần đầu tiên mà ở đất Gia Định lập địa bộ với quy mô lớn, lưu lại bằng chứng cụ  thể. Mỗi thôn vẽ bản đồ các sở đất, loại đất, diện tích, ranh giới bốn phía, ghi tên chủ điền. Lịnh vua ban ra vào tháng 2, phái đoàn này do Trương Đăng Quế cầm đầu, với Nguyễn Kim Bảng, cả hai đều sung chức Kinh lược đại sứ (nhưng Nguyễn Kim Bảng mang bịnh, Trấn  tây đại tướng là Trương Minh Giảng thay thế). Trương Đăng Quế là Binh bộ Thượng thư,  Nguyễn Kim Bảng là Lại bộ Thượng thư. Hai vị Phó sứ là Tôn Thất Bạch và Nguyễn Khắc  Trí. Tháng 7 năm ấy, phái đoàn trở về, công tác hoàn thành. Vua ban thưởng và xuống dụ cho nội các : Trương Đăng Quế là người công bằng vô tư nên việc làm đến chỗ thành tựu,  đúng như mệnh lệnh của trẫm, tuy không thể sánh với việc đi dẹp biên cương, mở rộng bờ cõi được phân minh, so với việc mở đất đai cho rộng biên giới có khác gì ?
Sử chép tiếp : Sau đó 6 tỉnh Nam kỳ không phải tăng thuế ruộng mà tiền tài vẫn bội  thu. Thuế điền thổ Nam kỳ được định lại, sau khi đạc điền. Kết quả là tăng thuế cho công quỹ, nhưng người khẩn đất chịu thiệt thòi nhiều là không được giữ ruộng đất ẩn lậu như trước.
Năm 1836 rồi 1839, vua Minh Mạng quy định về thể lệ thưởng phạt dành cho các viên  chức địa phương, đất khẩn thêm thì thưởng, bỏ hoang thì phạt. Hậu quả đi tới đâu ? Việc  đạc điền có lẽ đã làm cho dân khẩn hoang mất hào hứng phần nào, vì thuế vụ. Năm 1837,  liền sau khi đạc điền và ban hành lệ khen thưởng, theo báo cáo của “các tỉnh Hà Tiên, Vĩnh  Long, Định Tường thì con số khẩn thêm không được bao nhiêu, riêng tỉnh Biên Hòa lại càng thấy vắng vẻ. Đến như Gia Định An Giang tới nay vẫn còn chưa tâu báo... Làm việc không  đứng đắn như vậy thiệt nên trị tội xứng đáng... Hãy dặn Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, án sát mấy nơi ấy nhắc nhở các phủ huyện sở tại hãy hết lòng khuyến khích, làm cho nông dân  vui vẻ quay về việc nông, đem những ruộng đất hoang phế trong hạt mà khai khẩn cho hết”.

<< Chương 1 - 1 | Chương 1 - 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 723

Return to top