Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 20353 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Sơn Nam

Chương 2 - 3

Rạch Giá là hậu bối khá rộng của bờ biển vịnh Xiêm La. Bờ biển từ Rạch Giá (vàm  sông Cái Lớn) ăn về phía Nam là khu rừng sác với cây mắm, cây giá, cây cóc, loại cây tạp  không đem huê lợi gì đáng kể, trừ huê lợi sáp và mật ong, hoặc cua, ba khía sống nhun nhúc  trong bãi bùn (khu vực của cây đước chỉ ở về phía cực Nam tận mũi Cà Mau). Hậu bối tức là sau lưng, giáp vào rừng sác. Có thể nói đất Rạch Giá là rừng tràm minh mông, nhiều phèn  và thấp; xa bờ biển hàng đôi chục cây số ngàn vẫn còn là rừng tràm cầm thủy (trầm thủy).  Nổi danh nhứt là U Minh Thượng và U Minh Hạ. U Minh Thượng là rừng chồi, có từng lõm  “đất cháy” (than bùn) nằm bên tả ngạn sông Cái Lớn. U Minh Hạ là rừng tràm tốt và mọc dày, dọc ven biển chạy dài tới Cà Mau. Đất Rạch Giá khi người Pháp đến hãy còn nhiều cọp,  khỉ, sấu, heo rừng, huê lợi chánh vẫn là mật và sáp (nhờ bông cây tràm, cây giá). Ngoài ra còn cây tràm (làm củi, cột nhà), lá dừa nước (để lợp nhà), cá đồng và cá biển. Đáng chú ý là voi thường tới lui cánh đồng nối liền với Cần Thơ mà ăn lau sậy.
Hai con sông đáng kể là Cái Bé và Cái Lớn từ đất thấp phía Đông chảy ra vịnh Xiêm  La, hiệp lại ở một vàm khá rộng. Hai con sông này chia ra nhiều nhánh nhóc. Ngọn sông  Cái Bé ăn qua rạch Cần Thơ, về bờ Hậu giang. Sông Cái Lớn ăn xuống Ba Xuyên, thuộc Sóc  Trăng hoặc xuống phía chợ Cà Mau nhưng là những đường liên lạc nhỏ bé, vào mùa nắng có  nhiều chặng cạn và hẹp, đầy cỏ. Dân ở vùng Rạch Giá, trước khi đào kinh xáng, phần lớn  sống nhờ nước mưa, trừ trường hợp chợ Rạch Giá hứng nước ngọt từ kinh Thoại Hà (đào từ cuối đời Gia Long) nối qua Hậu giang. Giếng có thể đào trên mấy giồng cao ráo, chắc thịt bên bờ sông. Vùng ven biển vịnh Xiêm La định cư được là nhờ nước suối chở từ Hòn Tre.  Bên bờ Cái Lớn, Cái Bé và các phụ lưu, rải rác nhiều giồng, nhiều gò, nơi người Miên đến  lập từng sốc : những ốc đảo hoang vắng, chung quanh là rừng che kín chân trời. Muỗi mòng,  rắn và vô số chim cò tha hồ nẩy nở.
Trước đời Gia Long, dân chúng đã chọn lựa vài gò cao lập được bảy xã theo sông Cái Bé  và chợ Rạch Giá (tổng Kiên Định), bốn xã theo sông Cái Lớn (tổng Thanh Giang). Nhưng  dân số người Miên và diện tích ruộng đất do họ canh tác từ xưa vẫn đáng kể tuy không có con số chánh thức. ít ra họ cũng dư khả năng tự túc về lúa gạo. ở Rạch Giá, người Miên  đứng vào hàng đầu (Rạch Giá : 80.000 người, Trà Vinh : 80.000, Sóc Trăng : 50.000, Châu Đốc : 30.000, Bạch Liêu : 23.000).
Vĩnh Long mất, Hà Tiên lại mất, thực dân chiếm huyện Kiên Giang không tốn một  phát đạn. Viên tham biện đầu tiên là Luro. Paulin Vial đến Rạch Giá thanh tra nhưng năm  sau Nguyễn Trung Trực đánh một trận thần tình, giết gần trọn người Pháp vừa lính vừa  viên chức ở tỉnh lỵ này (16/6/1868).
Dạo ấy, Rạch Giá là hải cảng tấp nập, tàu buồm Hải Nam tới mua bán luân lưu giữa  khu vực Cao Miên (thương cảng Kampot), Xiêm (Vọng Các), Tân Gia Ba và Nam Dương.  Nhà cửa san sát ở hai bờ rạch sát vàm biển. Thoạt tiên, hạt Rạch Giá bao gồm luôn trọn mũi Cà Mau, tức là huyện Kiên Giang và huyện Long Xuyên thời Tự Đức. Sông rạch nhỏ chằng chịt, tháng nắng dùng không được, chỉ thuận lợi cho ghe xuồng cỡ nhỏ. Nhiều con  đường mòn dành riêng cho dân địa phương sử dụng ở nơi đi bộ không được đi xuồng không  xong; đó là đường cộ, dùng cộ có trâu kéo (không bánh xe, kiểu cộ trượt tuyết ở Bắc Ñu). Mãi  đến năm 1879, vùng Rạch Giá còn trong vòng thám hiểm của thực dân, bản đồ chưa được  chính xác, nhiều con rạch dân chúng sử dụng được nhưng chưa ghi, lại còn vị trí nhiều xóm  nhỏ ẩn lánh ở ngọn rạch của bọn người đốn củi lậu thuế hoặc ăn ong (lấy sáp và mật). Bọn  thợ rừng sử dụng những con đường quanh co để chở củi lậu thuế. Việc cai trị ở thôn quê xa  tỉnh lỵ chưa thành nền nếp. Theo báo cáo của tham biện thì năm 1879, tỉnh này tuyệt nhiên  chưa có địa bộ, tất cả đất trong tỉnh đều được xem như là công điền. Hương chức làng kê khai diện tích tổng quát, chịu thuế rồi gán ép lại cho dân. Vài người tự nhận là chủ của phần đất đang canh tác, vì chính họ khai phá hoặc do cha mẹ để lại. Trường hợp làng Vĩnh  Lộc (vùng Ngan Dừa, còn gọi là Ngan Gừa) : hương chức làng chịu thuế điền là 406 quan để  rồi bắt buộc dân gồm đa số là Cao Miên phải đóng gấp đôi gấp ba. Hương chức cứ ở không  mà hưởng, đến độ dân địa phương phẫn nộ, đòi tản cư luôn qua Sóc Trăng nếu họ không  được phép lập một làng riêng.
Đầu năm 1880, tham biện chủ tỉnh làm tờ trình về tình hình thuế khóa và dự án thâu như sau (Rạch Giá và Cà Mau) :
— Thuế điền ănm 1879 : 11.068 quan, tính trên tổng số đất ruộng và rẫy là 2.847 mẫu.
Dân đinh gồm người Việt và Cao Miên : 2744 người (2.010 Việt và 734 Miên).
Mấy giồng chung quanh chợ Rạch Giá trồng xoài, vì lâu năm nên hóa xoài rừng. Người  Huê kiều và người Minh Hương làm rẫy rau cải, đất ngoại ô cũng như tại chợ đều không có  bộ sổ chi cả.
Thuế kiểm lâm thất thâu, dân chúng lén đốn cây tràm trong rừng rồi theo đường  quanh nẻo tắt mà chở qua Sóc Trăng thay vì đi ngang qua trạm kiểm soát.
Nguồn lợi lớn nhứt của ngân sách vẫn là thuế phong ngạn (đấu giá từng lô rừng cho  dân khai thác sáp, mật) : năm 1879 đã thâu : 29.546 quan (trong khi thuế điền chỉ có 11.068  quan).
Nguồn lợi thứ yếu là đấu thầu sân chim : năm 1879 đã thâu : 25.000 quan.
Tóm lại, năm 1880, Rạch Giá không được chánh phủ Nam kỳ chú ý nhiều. Riêng về  sân chim thì các viên tỉnh trưởng xem như là “kỳ quan”. Tuy nhiên, những nguồn lợi sáp  mập cùng là sân chim giảm bớt trong những năm sau, dân phá rừng lần hồi để bán cây. Cây  tràm tuy không là danh mộc nhưng làm cột nhà rất tốt, bán qua các tỉnh lân cận. Sân chim  mỗi lần khai thác là giết cả trăm ngàn con vừa lớn vừa nhỏ để lấy lông kết quạt.
Trong khi ấy ở một tỉnh xưa như tỉnh Sa Đéc (tức huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang đời  Tự Đức, thuộc trấn Vĩnh Thanh đời Gia Long) dân số và bộ điền đã khá rành mạch :
Chúng ta thử so sánh tạm.
Diện tích ruộng vườn và rẫy, trong bộ sổ của Pháp mới lập :
Rạch Giá 2.2847 mẫu
Sa Đéc 53.386
Dân đinh ở Rạch Giá, Cà Mau 2.744 người
Sa Đéc 128.902 người
Vì là tỉnh xưa, ở Sa Đéc nhiều vùng đông đúc, mật độ cao đến 241 người mỗi cây số  vuông, đất bị cắt manh mún theo chế độ tiểu điền chủ, những sở đất dưới 5 mẫu chiếm 4/10  của tổng số đất khai thác. Và 6/10 của đất khai thác là đất thổ cư và vườn tược.
Sáu năm sau, năm 1886, tình hình tỉnh Rạch Giá bắt đầu khả quan hơn. Báo cáo của  tham biện ngày 8/8/1886 nêu vài chi tiết :
— Trong 7 người dân, tỷ lệ là 4 người Cao Miên, 3 người Việt.
— Biến cố ở Kinh thành Huế (vụ Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi 1885) chẳng gây  xúc động gì rõ rệt trong dân gian;
— Đường bộ quá ít, dân chúng ao ước đường thủy phát triển thêm. Mọi việc xê dịch đều  dùng đường thủy.
— Dân ra chợ mua bán thường dùng đường biển cho nhanh hơn. ở vùng Cái Lớn (Mũi  Gảnh) nạn chìm ghe thường xảy ra.
— Năm 1883, đã bắt dân xâu đào con kinh, gọi là kinh Ông Hiển, để đi từ sông Cái Bé, từ rạch Tà Niên ra chợ mà khỏi vượt biển. Kinh này tiếp tục đào đến năm 1886. Đường liên lạc từ Rạch Giá đến Châu Đốc gần như không có, dân chúng dùng xuồng nhỏ, theo đường  quanh len lỏi giữa rừng tràm.
— Đào xong con kinh từ Cạnh Đền ăn xuống Cà Mau (kinh Bạch Ngưu), dùng dân xâu  làng Vĩnh Lộc.
— Con lộ chiến lược quan trọng nhứt trong tỉnh chạy từ chợ Rạch Giá vô Minh Lương  (khoảng 15 cây số). Minh Lương làm xóm sung túc từ lâu đời, gồm đa số người Miên. Lộ này  vạch sẵn hồi xưa, nay tu bổ lại để đem thơ từ, chạy ngựa.
— Trường học tại tỉnh lỵ lợp lá, ngưng dạy từ mấy năm qua đang bắt đầu hoạt động trở
— Năm 1885, trong toàn tỉnh có 6 trường tổng, trường ở Minh Lương không đem lại kết  quả vì thiếu giáo viên.
— Dân bộ chịu thuế năm 1883 là 8.000 người, năm 1886 là 10.000 người. Kết quả này  thâu được là nhờ lập bộ kỹ lưỡng hơn trước.
— Bộ điền năm 1883 : 8000 mẫu; năm 1886 : 10000 mẫu.
Đất ruộng khó kiểm soát vì dân làm ruộng không đều, hễ thất mùa thì họ dời chỗ.  Nhiều vùng đất 3 năm mới có làm một mùa ruộng.
Tại chợ, từ 4 năm qua đã lập một lò gạch nhưng xấu về phẩm chất. Vì chưa cấp bằng  khoán thổ cư nên chẳng ai dám xây nhà gói, sợ sau này bị đuổi.
— Việc mua bán xáo trộn vì giá tiền kẽm bị sụt. Tiền điếu (bằng đồng phiếu) lại khó  xài, nhà nước phát ra khi dân lãnh ngân phiếu, nhưng dân đem tiền điếu đóng trở lại cho  “công xi” khi mua á phiện và rượu.
Tóm lại, tỉnh Rạch Giá (gồm luôn Cà Mau) là miếng mồi khó nuốt so với các tỉnh miền  Tiền giang như Sa Đéc, Mỹ Tho, Vĩnh Long hoặc Long Xuyên. Huê lợi, thuế khóa quá thấp  kém. Các viên tham biện không rành về hành chánh, những bản phúc trình chánh thức gởi  về cho Giám đốc Nội vụ về hình thức cũng như nội dung gần như là thơ riêng gởi cho bạn,  viết tháu, báo cáo đại khái vài nét, nhận xét tùy hứng, không thứ tự.
Trong thực tế, muốn báo cáo kỹ lưỡng cũng không được vì tỉnh này vừa khi mới thành  lập đã thiếu người hợp tác; các tỉnh Tiền giang dầu sao đi nữa cũng thừa một số người lịch  lãm biết chữ nho hoặc chữ quốc ngữ, am hiểu địa phương. Sau cuộc đánh úp đồn chợ Rạch  Giá vào năm 1868, người Pháp nghi kỵ tất cả người Việt vì đa số lính mã tà, đến viên quản mã tà cũng đều làm nội ứng. Thực dân không muốn xài người Việt ở Rạch Giá và nhân dịp  tu chỉnh lại bộ máy cai trị, chúng cố ý dùng người Miên để trị người Việt, cổ xů chia rẽ. Vài  người hữu công được nâng lên làm huyện, bấy giờ đóng vai phụ tá của tham biện để cai trị, đi điều tra miền quê. Đây là những người kém văn hóa, háo sát, ham danh vọng. Những  người Miên hoặc Miên lai Tàu này đều lấy tên họ như người Việt :
— Phó quản mã tà người Miên tên là Cao Thiên gọi nôm na là phó quản Thiên làm phủ,  lập công sau cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực bằng cách điềm chỉ, bắt giết. Năm 1873,  nghỉ việc vì già (60 tuổi), Pháp cho chức phó quản là để tưởng lệ công lao, chẳng có năng lực  chuyên môn gì cả.
— Huyện Xiêu được làm huyện sau khi Nguyễn Trung Trực rút khỏi Rạch Giá, kiêu  hãnh tới mức dám tố cáo chuyện xấu của tham biện Rạch Giá lên quan trên. Tám tháng sau  khi nhận chức thì bị Pháp cách chức.
— Huyện Trần Lương Xuân, cũng người Miên được tin cậy cho trấn nhậm vùng Minh  Lương, khu vực đông dân và phì nhiêu. Tự xưng trong công văn “Kiên Giang huyện, Tri  huyện Trần Lương Xuân”, được giữ một khẩu súng lục, 2 khẩu súng hai lòng, 1 khẩu súng 1 lòng, 4 cây giáo, 1 khẩu súng Le Faucheux.
lại.
— Trịnh Lục Y, người Miên, từng được cựu trào phong chức cai tổng, cư ngụ vùng áp lục  (Rạch Tìa, Thủy Liễu) rồi theo Pháp. Sau thời gian làm cai tổng dài dẵng là 48 năm, thấm  mệt xin nghỉ, được huy chương bạc hạng nhứt.
— Cai tổng Hà Mỹ Phiến (tên ngoài là Phến) người Tàu lai Miên làm vua một cõi ở tổng  Kiên Hảo, chữ nghĩa kém, được sắm 4 cây mác thông cho bọn hộ vệ khi đi hầu quan vì đường sá còn rừng rậm (con và cháu đều làm cai tổng nối tiếp đến năm 1945).
— Cai tổng Trần Quang Huy (con của cai tổng Trần Quang Sô) cũng người Miên, làm  phó tổng Kiên Hảo. Cai tổng Sô tận tụy với thực dân từ buổi đầu, bị nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực giết. Sau đó, Pháp ban chức phó tổng cho Huy là nghĩ tới công lao của cha. Ngày trước, Pháp cho tổng Sô hai cây súng, súng này giao lại cho Huy.
Người Việt Nam duy nhứt được Pháp tin cậy ban chức cai tổng là Nguyễn Văn Nguơn,  coi tổng Kiên Định, ngụ ở Tân Hội, một làng đông dân khi Pháp đến và có công lớn là báo tin trước cho tên tham biện Rạch Giá về việc Nguyễn Trung Trực sắp tấn công nhưng tên  tham biện không tin lời (vì oán xã Nguơn nên nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã giết  lây một số người công giáo ở Tân Hội, xóm của Nguơn cư ngụ). Cai tổng Nguơn làm chúa một vùng, được cấp cho 6 khẩu súng, đặc biệt là 1 khẩu thần công mà quân sĩ của Nguyễn Trung Trực bỏ rơi lại.
Với bọn cộng sự viên như thế, các tham biện ở giai đoạn đầu tỏ ra chán nản. Chung  quanh chợ, ngoài vài xóm đông đúc là rừng rậm, họ không muốn đi thanh tra. Mãi đến năm  1901, viên bếp trạm (đi thơ từ công văn, ngạch bếp) còn kêu nài để xin được giữ cây súng vì vùng Ngan Dừa (làng Vĩnh Lộc) là nơi nguy hiểm, khó di chuyển, đi trát cho làng nọ làng kia thì đường đi rừng bụi vắng vẻ quá, “có nhiều lần tôi gặp cọp nó làm dữ với tôi, thì tôi  cũng nhờ có cây súng tôi bắn nó chết, có khi nó ra phá xóm làng thì người ta tới kêu tôi cùng  đi cứu giúp mà bắn cho đặng bình an trong xóm”.
Vì không thấy có huê lợi dồi dào về thuế má trong tương lai gần nên vào khoảng 1889,  hạt Rạch Giá bị sáp nhập vào hạt Long Xuyên cho đỡ tốn kém về mặt bố trí cơ sở hành  chánh cùng là lương bổng nhân viên. Rạch Giá lúc bấy giờ trên con dấu chánh thức là “Kiên  Giang huyện” của tỉnh Long Xuyên, còn con dấu của tham biện Long Xuyên ghi  “Arrondissement de Long Xuyên” chính giữa là “Long Xuyên, Rạch Giá”.
Nhưng đôi năm sau, Rạch Giá tách trở lại làm một tỉnh như trước, chánh phủ đang trù liệu kế hoạch khai thác quy mô vùng Hậu giang với ngân sách của chánh quốc cho mượn :  đào kinh nối liền từ vịnh Xiêm La lên Sài Gòn.
Chỉnh đốn tỉnh lỵ Rạch Giá và các vùng phụ cận
Chợ Rạch Giá là cơ sở tốt với giồng cao ráo sát bờ biển, lại còn nhiều giồng đất phì nhiêu vùng phụ cận. Quy chế khẩn đất đặt ra rành mạch, các tỉnh miền Tiền giang không  còn đất tốt vô chủ khiến nhiều người đổ xô về Rạch Giá là nơi dễ làm ăn, đặc biệt là dân từ Long Xuyên đến. Tháng 10/1895, chủ tỉnh báo cáo về Thống đốc Nam kỳ với ý kiến của Hội  đồng địa hạt đưa nhiều đề nghị :
— Từ vài năm qua dân số gia tăng gấp đôi.
— Diện tích canh tác tăng hơn 10 lần.
— Đề nghị vét kinh Rạch Giá, Long Xuyên (Thoại Hà) để tàu Lục tỉnh từ Sài Gòn đến  chợ Rạch Giá ít nhứt là 3 lần trong mỗi tuần như các tỉnh khác. Bấy lâu, Rạch Giá và Hà Tiên không có chuyến nào trong tuần (tức là khoảng 10 ngày mới có một chuyến).
— Bảo vệ bờ biển Rạch Giá đừng cho lở, bằng cách cẩn đá mà chận sóng biển. Đồng  thời, xây một con đê bằng đá chạy ra ngoài biển để vào mùa hạn tàu bè có thể cất hàng hóa (nhưng không thực hiện được).
Bấy lâu đường giao thông từ Rạch Giá lên Sài Gòn khó khăn vì kinh Thoại Hà quá  cạn, nhứt là vào mùa hạn. Hành khách từ Sài Gòn đến Rạch Giá dùng xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho, rồi đi tàu Lục tỉnh từ Mỹ Tho đến Long Xuyên. Từ Long Xuyên, dùng ghe mà chèo  chống qua Rạch Giá.
Để thiết kế tỉnh lỵ, năm 1896, 4 xã Vĩnh Lạc, Vĩnh Hòa (Huề), Vân Tập, Thanh Lương  nhập lại gọi là làng Vĩnh Thanh Vân. Đến năm 1908 mới đặt tên đường sá lại chợ và năm 1910, đưa dự án dùng đèn thắp bằng “ga” ở đường phố.
Tàu buồm Hải Nam ra vào cửa Rạch Giá tấp nập. Vào tháng gió chướng (gió mùa từ  Đông Bắc), nhiều khi 20 chiếc cặp bến một lượt. Ty Thương chánh hoạt động với quyền hạn  không phân định rõ rệt vì cho rằng chỉ chịu sự chỉ huy từ Sài Gòn mà thôi, không can hệ gì  đến nhà cầm quyền ở tỉnh. Năm 1887, viên chức Thương chánh xét bắt Hoa kiều ở chợ, tha  hồ làm tiền vì quả thật các tàu buôn Hải Nam vào bến chở theo á phiện lậu thuế để bán lén theo hệ thống riêng cho các tỉnh miền Tây là nơi tập trung người Huê kiều khá giả. Người  Huê kiều thì ăn chịu với viên chức địa phương. Ngoài ra, viên chức Thương chánh (bấy giờ  gọi là Công—xi) lại còn bắt buộc người làm nước mắm ở hòn Sơn Rái, thuộc tỉnh Rạch Giá phải đóng thuế nhập cảng, lấy cớ trong nước có mắm muối, xem mấy người làm nước mắm  như đã chở muối lậu thuế. Mấy bang Huê kiều yêu cầu đừng đánh thuế quá nặng những  hàng hóa chở từ bên Xiêm vào chợ Rạch Giá, nhưng không được chấp thuận. Bấy giờ, tàu  Hải Nam chở vào nhiều nhứt là vải, từ Xiêm hoặc từ Tân Gia Ba, đặc biệt có loại vải thông dụng (gọi là vải Xiêm, vải tám Hạ, tức là từ Hạ Châu đem đến). Mặc nhiên, hàng hóa xuất  xứ từ Anh quốc lại cạnh tranh với hàng hóa Pháp ! Mấy viên cai tổng đồng thanh phản đối  việc tra xét của mấy ông tây “Công—xi”, khi đồng bào đến chợ theo đường biển phải đi ngang qua Thương cảng. Năm 1886, hải quân Pháp ra tận hònCổ Tron (Poulo Dama) để thám  hiểm nhưng ngoài ấy chẳng có nguồn lợi gì về kinh tế.
Việc bán gạo từ hải cảng Rạch Giá đã có từ đời Mạc Cửu do người Huê kiều đảm trách độc quyền. Dịch vụ xay lúa tổ chức theo kỹ thuật cổ truyền, dùng loại cối to, mỗi cối có bốn  người cầm giàng xay, hai người sàng, một người quạt, một người giần tấm.
Năm 1884, chợ có 6 trại xay lúa, sử dụng gần 40 cối to. Khi tàu Hải Nam gần đến để  ăn gạo, trại hoạt động suốt ngày đêm, dùng toàn sức người. Dọc theo bờ rạch gần mé biển,  người Huê kiều cất khi dự trữ hàng hóa. Tàu Hải Nam đến mua nhiều nhứt là gạo, chiếu,  tiền kẽm, nước mắm, cá khô, mắm ruốc cà ròn (bao bằng vàng), mật, sáp. Họ chở đến tô  chén, bài tứ sắc, vải bô, giấy tiền vàng bạc, mền, thuốc Bắc, pháo, nhang, trái cây khô.
Lần hồi, thương cảng bớt hoạt động. Gạo xay máy từ Sài Gòn chở qua Hương Cảng  bằng tàu máy ít tốn sở phí hơn là gạo xay bằng sức người, chở bằng ghe buồm ở Rạch Giá.
Về đường sá trong tỉnh, mãi đến năm 1907 chỉ thấy vài khúc lộ dở dang. Theo sáng  kiến của tham biện, con lộ từ chợ Rạch Giá đến Hòn Đất thành hình, bắt dân làm xâu,  đường trải đá ong Biên Hòa và trải đất hầm (đất ruộng đốt cho chín rồi đập ra từng cục  nhỏ). Dụng ý của bọn Pháp ở địa phương là đắp đường theo mé biển ăn tới Hòn Đất nơi chúng chọn làm căn cứ nghỉ mát ; từ trên Hòn nhìn ra vịnh Xiêm La, khung cảnh khá thơ  mộng. Điều bất lợi là con lộ này chạy ngang vùng còn rừng tràm, người Miên sống rải rác. Trong tương lai, nhà nước hy vọng là nối lên Hòn Chông thuộc Hà Tiên. Nhưng công tác này  trở thành tốn kém vô ích, khí hậu Hòn Đất không tốt cho lắm, đất hai bên lộ quá xấu, mở  đường mà chẳng ích lợi gì cho việc canh tác ! Bọn Pháp ở địa phương cố duy trì kế hoạch, lấy  lý do là để tới lui giữ an ninh đồng thời làm bờ đê chận nước biển. Lộ bị dẹp bỏ vì rốt cuộc ai cũng nhìn nhận là lãng phí (lộ hãy còn di tích sát theo bờ biển, song song với con lộ Rạch  Giá, Hà Tiên đắp xa biển hơn lúc sau này).
Con lộ thứ nhì là nền móng của lộ Rạch Giá, Cần Thơ. Năm 1907, nối liền tới Minh Lương (khoảng 15 km), trải đá ong và đất hầm. Có kế hoạch nối luôn tới Gò Quao rồi Long Mỹ. Mãi đến năm 1914, lộ Rạch Giá qua Cần Thơ mới tiếp tục khởi công.
Việc chia ra quận (huyện) trở thành cấp bách, tham biện Rạch Giá nêu lý do là dân số  gia tăng, nhiều người từ tỉnh khác đến làm ăn nên khó kiểm soát, diện tích của tỉnh lại quá  rộng.
Vùng ở giáp ranh Cần Thơ và giáp ranh Bạc Liêu, Sóc Trăng cần mỗi nơi một ông phủ  hoặc ông huyện để coi sóc, ngoài ra, cần một quan huyện ở Châu Thành. Năm 1898, tham  biện Rạch Giá nhắc lại ý kiến nên lập một phân khu hành chánh ở ngọn Cái Lớn (nhằm đề  phòng trộm cướp) hoặc lập ở làng Long Mỹ một quận mới. Nhưng cấp trên bác bỏ cho là tốn  thêm tiền xây cất cơ sở hành chánh, mướn thơ ký, mã tà ; nếu tỉnh quá rộng, tham biện chủ tỉnh cứ đi thanh tra bằng tàu máy là đủ rồi. Bấy giờ, việc khẩn hoang chỉ mới xúc tiến, thuế má chưa thâu nhiều. Nhưng đến năm 1907, quận Long Mỹ thành lập ở ngọn sông Cái Lớn,  phía giáp ranh với Cần Thơ. Chủ quận đầu tiên là Maurel nắm nhiều quyền hạn quan trọng. Quận Gò Quao thành lập, trên con dấu ghi mấy chữ nho “Đại Hà huyện” (tức là huyện lập ở sông Cái Lớn), quận Giồng Riềng ghi là Tiểu Hà huyện (sông Cái Bé), quận  Châu Thành tại chợ thì thêm mấy chữ nho “Kiên Giang phủ”.
Việc phân chia ra tổng cũng chưa hợp lý và gây nhiều phiền phức : riêng tổng Thanh  Bình, năm 1907, rộng đến 250.000 mẫu tây (trong khi tỉnh Bến Tre chỉ có 164.000 mẫu,  tỉnh Gò Công 62.698 mẫu diện tích vào năm 1922), ăn từ vịnh Xiêm La đến ranh Sóc Trăng.  Riêng làng Đông Thái (thuộc về tổng này) dài cỡ 30 cây số từ rạch Thứ Năm đến rạch  Mương Đào, lý do chánh là đất quá rộng, dân ít, còn nhiều rừng, xóm này xa cách xóm kia. Bấy giờ, cai tổng tha hồ xử kiện theo ý thích, xã trưởng thì không thèm đi “hầu việc” quan trên, viện lý do là biển động, đi sợ ghe chìm hoặc nộp thuế thì sợ bị ăn cướp dọc đường.
Đại khái, Rạch Giá là tỉnh chậm phát triển về đường sá, dân trí kém mở mang, thua  xa các tỉnh miền Tiền giang hoặc gần Sài Gòn nơi mà nhà nước thực dân đã chú ý thiết kế từ trước năm 1900. Mãi đến 1910, 1911 hương chức làng ở Rạch Giá mới bắt đầu có con dấu  bằng đồng để đóng vào công văn.
Những rắc rối đầu tiên trong việc khẩn đất
Chủ tỉnh Rạch Giá báo cáo cho Thống đốc Nam kỳ ngày 17/3/1898 :
— Trên nguyên tắc, mỗi làng phải có địa bộ và điền bộ. Nhưng ở Rạch Giá trước năm  1891 không nơi nào có địa bộ. Một số hương chức làng tự ý lập địa bộ, vẽ bản đồ chia ra từng sở đất, ghi tên chủ đất nhưng thường là ghi tên “ma”, ai đến xin khẩn thì bảo là hết đất,  nếu muốn thì làng sẽ đứng làm trung gian mua lại giùm cho. Hương chức làng tự ý sửa chữa, sang tên các sở đất, hậu quả là địa bộ ở làng trên nguyên tắc là bản phụ, lại không giống với địa bộ (bản chánh) nạp ở tỉnh.
— Ai muốn sao lục địa bộ (có giá trị như bằng khoán đất) thì làng đòi ăn hối lộ rồi mới  chịu sao.
— Chủ tỉnh nhắc lại nguyên tắc : mọi sửa đổi về ranh giới hoặc tên người chủ sở đất đều  phải được phép của chủ tỉnh (theo nghị định 6/3/1891, chủ tỉnh là người quản thủ địa bộ).
— Để cứu vãn tình thế, chủ tỉnh Rạch Giá yêu cầu Thống đốc cho thành lập một ủy ban  gồm một chủ tỉnh từ tỉnh khác đến làm chủ tịch, một viên kinh lý (họa đồ) cũng là cai tổng  và hương chức sở tại để tu chỉnh, lập địa bộ mới cho tỉnh.
— Không làm được việc ấy thì dân ở tỉnh khác không xuống Rạch Giá đông đảo như trước nữa. Trong hiện tại, đa số người chiếm giữ đất để canh tác không có bằng khoán hợp  pháp, còn những người tranh chấp thì chẳng có giấy tờ gì để chứng minh.
— Không lập được địa bộ thì dân làng chỉ làm công cho thiểu số người có thế lực hưởng  huê lợi.
Nhiều vụ tranh chấp xảy ra.
Dân khẩn hoang thoạt tiên tin rằng nhà nước cho phép họ làm ruộng trước rồi sẽ khai  báo để hợp thức hóa về sau, với điều kiện khẩn không quá 10 mẫu (gọi là đất công nghiệp).  Làm sao người dân hiểu rành cách thức làm đơn và dám ra tỉnh lỵ để hầu quan chủ tỉnh ?  Đường xa, lắm khi hơn 70 cây số, ra chợ lại không biết thưa bẩm với ai. Vài người hiểu luật  lệ đã chịu khó chạy chọt, tìm cách giựt đất.
ở làng Vĩnh Hưng, năm 1904, một viên thông ngôn tòa án đang ăn lương lớn lại xin  nghỉ việc để tranh cử chức cai tổng, chưa đắc cử là cho vợ đứng đơn xin khẩn chồng lên mấy  sở đất mà người khác đã ruồng phá thành khoảnh từ trước. Vai trò của cai tổng khá quan trọng khi lập địa bộ cấp đất, vì là một ủy viên. Năm 1903 chủ tỉnh rất áy náy vì tình trạng  chiếm đất, do thiểu số nhiều uy thế và rành luật lệ. ở làng Lộc Ninh, nhiều sở đất có rừng tràm tốt hoặc có người đang canh tác lại bị kẻ lạ mặt làm đơn xin trưng khẩn. Chủ tỉnh ra lịnh cho cai tổng Thanh Bình cứ ghi tên những người thật sự đang canh tác và cho họ được  ưu tiên vào bộ.
Theo thủ tục bấy giờ, hễ vô đơn xin tạm khẩn thì mặc nhiên được cấp cho một biên lai. Với tấm biên lai có chữ ký của chủ tỉnh, bọn gian hùng cứ đến địa phương mà tranh cản, tự nhận là sở hữu chủ, với diện tích rộng hơn. Ai năn nỉ thì họ bán tấm biên lai với giá cao, bảo đó là tờ bằng khoán chánh thức.
Khi hay tin kinh xáng Xà No sắp đào nối liền qua Rạch Giá, nhiều ông hội đồng, cai  tổng, thân hào đã vội làm đơn xin khẩn, căn cứ vào bản đồ con kinh mà họ biết trước. Luôn  luôn họ dành phía mặt tiền, giáp với bờ kinh. Chủ tỉnh bác những đơn ấy không phải vì thương dân, chẳng qua là muốn dành cho bạn bè, hoặc cho kẻ nào dám dâng tiền bạc hối lộ.
Có người vội cho rằng Pháp bày ra việc cử Hội đồng quản hạt, địa hạt, cai tổng chỉ là để mua chuộc một số người Việt háo danh mà thôi. Thật ra, những chức vụ ấy đem lại nhiều  ưu thế trong việc khẩn đất. Nhờ chức vụ mà giao thiệp dễ dàng nên họ biết kế hoạch đào  kinh qua phần đất nào, khi cho trưng khẩn thì họ vô đơn trước. Lại còn trường hợp nếu cho  ai trưng khẩn với diện tích lớn thì họ được hỏi ý kiến. Chủ tỉnh sẵn sàng cho họ quyền ưu  tiên trưng khẩn để bù lại việc họ làm ngơ cho chủ tỉnh chi tiêu phí phạm ngân sách địa phương, hoặc tăng thuế, hoặc xuất công qű tu bổ công sở... Họ vận động với quan trên, lo  lót tiền bạc để xin phép sắm súng cho bằng được, nhằm mục đích uy hiếp tinh thần dân  chúng khi cần chiếm đất. Khẩn đất cũng là cơ hội cho vài tên đầu cơ, mị dân, gây uy tín cá nhân để ứng cử chức nghị viên Nam kỳ. Vào năm 1912, ký giả thực dân hạng nặng là J. Adrien Marx đến quận Gò Quao để hướng dẫn kẻ bị mất đất làm đơn tố cáo điền chủ và quan chủ quận về tội ăn hối lộ, lấn hiếp dân : 12 người Miên đã khẩn được 108 mẫu từ năm  1907—1908, vô bộ ở làng rồi, thế mà điền chủ lại mướn tay em chừng 70 người đến đánh đập, tịch thâu nông cụ lúc họ đang canh tác. Lại còn bọn kinh lý (họa đồ) Pháp thừa cơ hội và cậy  quyền thế để giựt đất một cách hợp pháp. Năm 1913, ấp Thành Lợi (sau này trở thành làng  Ninh Thạnh Lợi, phần đất cũ của làng Lộc Ninh) được thành lập do 3 người xin khẩn nhưng  ba năm sau, một viên kinh lý người Pháp đến trưng khẩn bao trùm lên và bắt buộc 3 người  nọ phải làm tờ mướn đất như là tá điền. Rốt cuộc theo sự phân xử của chủ tỉnh, 3 người này  thất kiện, mỗi người chỉ còn giữ được 10 mẫu đất công nghiệp, còn bao nhiêu đất dư ra đã  thành thuộc rồi thì phải giao cho viên kinh lý. ở tỉnh lỵ Rạch Giá, có người chuyên sống  bằng nghề trung gian để lo hối lộ. Năm 1916, người nọ xin khẩn 2.000 mẫu ở làng Vĩnh  Bình, nhờ kẻ trung gian đút lót trước 2000 đồng cho chủ tỉnh, xong việc sẽ đưa thêm tiền.  Chủ tỉnh trình việc ấy lên Thống đốc Nam kỳ và bảo rằng phần đất ấy chắc chắn có người  đang khai thác từ lâu. Chủ tỉnh tố cáo, vì số tiền lo hối lộ quá ít hay vì thanh liêm ?
Để làm điền chủ lớn, nhiều người dùng nhiều chiến thuật khác nhau :
— Họ làm đơn với chủ tỉnh, lo lót, ra mặt công khai chiếm đất. Rồi khi tới địa phương,  họ chịu bồi thường chút ít cho người đã khai khẩn từ trước ; hoặc mua lại với giả rẻ lúc  người dân cô thế đang tuyệt vọng thấy mình chẳng bao giờ đủ khôn lanh và đủ tiền bạc để  kêu nài hoặc lo hối lộ.
— Họ không bao giờ đứng tên khẩn đất trong đợt đầu, tránh mọi việc tranh chấp vụn  vặt có vẻ vũ phu và bất lương. Họ đem tiền tới nơi (tiền này thường là tiền vay) để mua đất  trong những năm ruộng thất mùa. Hoặc họ chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lời, hoặc chứa cờ bạc để lần hồi bắt con nợ phải bán đất cho họ mà trừ nợ. Họ công khai đưa con nợ ra tòa, với giấy tờ hợp pháp về hình thức : người dân quê dốt chữ khi túng thiếu vì đau ốm, vì  thua cờ bạc đã ký tên, điểm chỉ vào sau khi nghe đọc qua loa nội dung tờ giấy nợ chứa đựng  nhiều cạm bẩy ngặt nghèo.
Kẻ quyền thế thường vận động với các quan lại cao cấp, chịu tốn kém về tiệc tùng để  được khẩn không tiền theo quy chế mà nhà nước dành cho người hữu công : Tổng đốc  Phương hưởng theo quy chế này 2.223 mẫu ở các làng Hỏa Lựu, Hòa Hưng, Vĩnh Hòa Hưng ; Trần Chánh Chiến (sau này cổ húy cho phong trào Duy Tân ở Nam kỳ) khẩn hơn  1000 mẫu ; một nho sĩ họ Trần ở Rạch Giá cũng nhờ Tổng đốc Phương điền chủ ở Trà Vinh  khẩn trong địa phận Rạch Giá trên 1400 mẫu.
Những nguồn lợi thiên nhiên
Trước khi trở thành ruộng, rừng tràm là nguồn lợi thiên nhiên đáng kể. Vào đời Gia  Long, vùng Rạch Giá được chú ý nhờ sáp ong và cá tôm. Làng Vĩnh Hòa, làng Đông Yên ở  hữu ngạn sông Cái Lớn thành hình từ lâu nhờ nguồn lợi sân chim (sử chép là Điểu đình),  những khu rừng mà hằng năm loại chàng bè, lông ô (còn gọi già sói, marabout) tụ họp về  làm ổ, sanh sôi nẩy nở hàng chục vạn con, thợ rừng đến sân (nơi chim tụ họp) bao vây và giết sống để nhổ lông bó lại đem bán cho tàu buôn Hải Nam. Thuở ấy người Việt cũng như người Tàu đều ao ước có cây quạt kết bằng lông chim, với đứa tiểu đồng đứng hầu quạt phe  phẩy, tiêu biểu cho nếp sống phong lưu. Thuế điểu đình vẫn duy trì, nhà nước thực dân cho  đấu thầu nhưng giá thầu ngày càng thấp, dân giết quá nhiều không chừa chim con. Gặp khi  giông tố bất thường, chim kéo đến khu rừng khác, người thầu không được quyền truy nã theo để khai thác. Người trúng thầu thường là Huê kiều. Họ có hệ thống tiêu thụ ở nước  ngoài : giá thầu là 21.000 quan (1879), 20.000 quan (1880). Việc thầu sân chim có lúc bị bãi bỏ hoặc ngăn cấm. Năm 1908 cho khai thác trở lại. Những năm chót, nhà nước hương chức  làng thầu với giá tượng trưng. Năm 1912, một hội viên của Phòng Canh nông Nam kỳ (cũng  là tay khai thác đất đai nổi tiếng ở Hậu giang) lên tiếng xin nhà nước cấm khai thác sân  chim vì thuế thâu vào chẳng bao nhiêu mà gây tai hại lớn. Theo bài toán của ông ta, chim có đến hàng trăm ngàn con bị giết mỗi năm, mỗin gày một con chim già sói (marabout) ăn  đến 20 con chuột, mất chim thì hàng triệu chuột tha hồ sinh sôi nẩy nở. Đây chỉ là bài toán không tưởng mà thôi.
Mật, sáp ong, cá tôm là nguồn lợi lớn và lâu dài hơn. Khi mới chiếm vùng Hậu giang,  đặc biệt là vùng Rạch Giá, những huê lợi này đều do nhà nước giao lại với giá thầu tượng  trưng cho các ông cai tổng, xem như là hình thức mua chuộc rất có hiệu quả. Các ông cai  tổng cứ chia ra từng sở nhỏ, giao cho bọn tay sai thân tín thầu lại với giá cao. Kế đến là giai đoạn giao cho hương chức làng thầu với giá phỏng định. Năm 1895, hương chức làng thâu lợi quá nhiều đến mức dám hiến lại cho ngân sách tỉnh phân nửa số lời mà họ thu được  (2785 đồng).
Sáp là nguồn lợi làm cho xứ Rạch Giá nổi danh (người Miên gọi là vùng Kramuôn—Sor  tức là xứ sáp trắng) vì thời xưa ổ ong bám vào cây tràm, lâu ngày rụng xuống rồi trôi trên sông, không người vớt. Thời Tự Đức (và có lẽ trước hơn), quan lại địa phương chia rừng tràm ra từng “ngan” tức là từng lô nhỏ, lấy những con rạch thiên nhiên làm ranh giới. Nay hãy  còn dùng làm địa danh. Ngan Trâu, Ngan Dừa, Ngan Rít, Ngan Vọp. Nghề ăn ong gọi là “ăn  ngan”, lô rừng đem đấu thầu gọi là sở phong ngạn (phong là ong, ngạn là bờ ranh). Phong  ngạn tập trung ở những làng nhiều rừng tràm, năm 1905, làng Vĩnh Lộc có tới 19 sở, làng Sóc Sơn 13 sở. Làng Đông Thái có 4 sở to chạy theo địa phận làng, dài cỡ ba mươi cây số.
Chủ tỉnh Rạch Giá thảo ra điều kiện sách nhằm dành ưu tiên cho người khẩn đất làm  ruộng. Điều 2 ghi rõ : “Rừng thì lần lần có người khai phá làm ruộng vì việc canh nông có lợi  hơn, nên sự đấu giá này (đấu giá phong ngạn) không buộc 3 năm, buộc một năm mà thôi.  Nhưng mà chủ ngan phải thưa cho nhà nước biết trước ngày 15/1 kế đó”.
Nghề khai thác phong ngạn lần hồi trở nên khó khăn vì gặp sự tranh chấp của người  làm đơn khẩn ruộng. Thoạt tiên, chủ đất xem khu rừng tràm là của mình, tha hồ đốn cây để  lấy huê lợi đầu tiên. Hoặc dân làng cứ đốn cây, phá rừng. Báo cáo của làng Mỹ Lâm ngày  12/12/1911 cho biết : Năm nay bị thất mùa màng, dân nghèo nàn quá, không có phương thế chi mà làm ăn. Chúng nó cứ việc hạ tràm tươi mà cưa làm củi bán đổi gạo ăn (Hồ sơ Miel et  Cire). Diện tích rừng để khai thác ong mật bị thu hẹp vì thỉnh thoảng rừng cháy, ong bỏ ổ đi  nơi khác.
Nhưng lý do chánh khiến cho nghề phong ngạn suy đồi là trận bão lụt năm Thìn  (1904) khiến đa số rừng tràm bị ngã sập, rễ tràm vì ăn bám trên vùng đất sình lầy nên chịu  đựng không nổi. Tràm ngã xuống, sau này khi cày cấy hễ gặp là đào lên đem về chụm bếp, gọi là tràm lụt (bão lụt). Đối với ngân sách làng và ngân sách tỉnh, đây là sự hao hụt đáng  kể. Để bù vào số thuế phong ngạn, chủ tỉnh Rạch Giá giải quyết bằng cách bắt buộc dân  phải chịu thêm một thứ thuế phụ trội, cộng thêm với thuế thân mà dân phải đóng. ở làng  Mỹ Lâm, trước kia ngân sách dồi dào nhờ thuế phong ngạn, nhưng vì dân bộ quá ít nên khi  chia ra thì mỗi đầu người phải gánh đến bốn đồng.
Sáp là sản phẩm qů, theo lệ xưa và mãi đến khi người Pháp đến, đó là món dùng để lo  hối lộ thông dụng nhứt (gọi khôi hài là “đút sáp”).
Thủy lợi, theo nghĩa là huê lợi cá tôm ở sông rạch được chú ý từ thời xưa. Người Pháp  lúc ban đầu cũng dùng chánh sách mua chuộc cai tổng và hương chức làng bằng cách cho họ  mua lại (tức là thầu) với giả phỏng định.
Rừng tràm phát triển ở nơi đất thấp, vào mùa mưa thì nước ngập tràn. Rừng ở Rạch  Giá và luôn cả rừng tràm ở Hà Tiên, Châu Đốc, Cà Mau có thể so sánh với vùng Biển Hồ ở  Cao Miên về phương diện sinh hoạt của cá tôm. Nước mưa dâng lên, cá lên rừng mà sanh  đẻ, di chuyển. Rừng rậm với con lăng quăng do trứng muỗi nở ra là thức ăn lý tưởng của cá. Khi mùa nắng vừa bắt đầu, gió chướng thổi thì cá biết là nước sắp cạn, từng bầy tìm cách ra sông, xuống rạch để khỏi chết khô. Bởi vậy, rạch ở rừng tràm là nơi tập trung cá; loại cá đồng đắt giá như cá lóc, cá trê chở đem bán nơi xa được, không chết dọc đường.
Dân địa phương từ lâu đã biết các đào đìa. ở vùng cỏ hoang hoặc giữa rừng tràm, cá rút xuống đìa mà sống. Và khi đã quen thói, hằng năm cá lên rừng vào mùa mưa, trở về  rạch, về đìa khi mùa nắng bắt đầu. Nhiều đìa cá của dân làng đào sẵn trong rừng hoang lại  trở thành đìa của điền chủ vì phần đất ấy đã bị trưng khẩn. Đìa đào ở trong rừng thì nhiều  cá nhưng khó đem cá về, lắm khi phải gánh cá hàng năm bảy cây số, nếu đìa ít cá thì bỏ luôn chẳng ai thèm tát (đìa ở xa trong rừng gọi là đìa U Minh theo nghĩa là ở nơi u u minh  minh, tối tăm như địa ngục, mặc dầu không nằm trong vùng U Minh).
Nhà nước bày lệ đấu thầu để thâu thuế nhiều hơn, mỗi lần đấu cho phép khai thác  trong ba năm. Điều kiện sách ghi rõ là sự “ích lợi của nông nghiệp phải trọng hơn các điều  khác” nhưng trong thực tế, việc đấu thủy lợi làm giàu cho một số trung gian. Họ chia ra từng phần nhỏ rồi cho mướn lại với giá cao gấp đôi hoặc gấp ba. Để bắt hết cá, kỹ thuật hữu hiệu nhất là xây rọ với đăng sậy, tùy theo hình thể con rạch mà lựa chọn kiểu rọ thích hợp.  Nhiều cuộc tranh chấp xảy ra, người đấu thủy lợi nếu có thế lực thì cứ phá đập giữ nước  (của kẻ khác đang làm ruộng) để cá trên ruộng chạy xuống rạch, gây nạn lúa háp vì ruộng  bị cạn quá sớm. Hoặc người khai thác thủy lợi làm cản trở lưu thông, ngăn cản không cho  câu cá khiến người địa phương ăn uống khổ cực, thiếu cá làm mắm dự trữ để làm mùa.  Nhiều làng đã xin quan trên bỏ việc cho thầu thủy lợi để dân làng tự do bắt cá mà ăn.  Nhưng khoản dự thâu ngân sách về thủy lợi hằng năm không thể bỏ được, quan trên  thường giải quyết bằng cách bắt buộc mỗi đầu dân đóng thêm năm cắc hoặc một đồng để bù  trừ lại.
Chủ đất có thế lực thường ngang nhiên đắp đập ở ngọn rạch, không cho cá xuống khiến  người xây rọ chịu thất thâu.
Dân Châu Đốc xuống Rạch Giá dạy nghề xây rọ. Dân Gò Công tới vàm biển sông Cái  Lớn phổ biến việc đóng đáy (trước năm 1912).
Việc thành lập làng mới
Người nhiều vốn để mộ dân đi khẩn hoang mà dám bảo đảm sẽ đóng đầy đủ thuế thì được nhà nước chấp thuận cho lập làng mới. Đây là nguyên tắc từ thời vua chúa nhà Nguyễn mà thực dân cho áp dụng trở lại để thâu thêm thuế điền và thuế thân. Năm 1894,  việc thành lập làng Vĩnh Hưng cho thấy sự xuất hiện của bọn cường hào mới. Vùng đất này  ở phía nam tỉnh Rạch Giá, giáp ranh Sóc Trăng. Hai người giành nhau lập làng, cả hai đều  là bá hộ nổi danh thời bấy giờ, tuy là người Việt nhưng gốc Hoa kiều.
— Phan Hộ Biết (tục danh là bá hộ Bì) ở Bạc Liêu xin lập làng mới. Dân do ông ta quy tụ sẽ lần hồi đóng thuế cho nhà nước. Ông ta đã xuất tiền túi ra xây cất xong một nhà việc (công sở làng) trị giá 200 đồng.
— Bành Trấn thì đưa kế hoạch đào kinh do chính ông xuất vốn, mướn nhân công. Lại  cam kết rằng sau khi được chấp thuận lập làng thì sẽ có 150 dân công do ông quy tụ, đóng  thuế ngay (thuế này do chính ông xuất ra cho dân mượn trước). Và tuy đất chưa thâu hoạch  huê lợi, ông sẵn sàng chịu thuế điền 1500 mẫu, đóng ngay cho nhà nước. Nếu nhà nước chịu  cho đứng tên làm chủ 1000 mẫu đất thì ông ta hứa bảo đảm đóng thuế cho 300 người trong  những năm tới. Theo lời trong đơn, vùng này còn nhiều voi và trộm cướp, lập làng thì đất  trở thành tốt, thú rừng và bọn bất lương không còn lai vãng. Kế hoạch của Bành Trấn được  Thống đốc Nam kỳ chấp thuận vì Bành Trấn vào đơn trước hơn Phan Hộ Biết. Nhưng lý do  vẫn là vì Bành Trấn chịu đóng thuế ngay, làng Vĩnh Hưng trở thành một tiểu quốc của  Bành Trấn, ông ta bèn bắt buộc bọn tá điền trả lại tiền thuế thân đã ứng trước, rồi cho vay nặng lời. Rốt cuộc tất cả dân trong làng trở thành tá điền, chẳng ai làm chủ mảnh đất lớn  nhỏ nào cả. Đến năm 1911, nhà nước mới can thiệp vì lập làng như vậy là thất nhân tâm, có lợi cho cá nhân đứng lập làng nhưng hại cho nhà nước.
Bởi vậy, khi cho lập làng Ninh Quới vào năm 1913, viên phó tham biện đặc trách quận  Long Mỹ đã tổng kết kinh nghiệm và nhận định về việc bầu cự các hương chức hội tề :
— Trong ban hội tề, chức vụ xã trởng là quan trọng hơn hết, viên chức này giữ mộc ký (triện) của làng. Xã trưởng lựa người thân tín, cho làm chức hương xã, rồi đến chức hương  thân, hương hào. Những chức vụ còn lại thì do xã trưởng nêu điều kiện, ai muốn làm thì cứ thương thuyết, lo hối lộ cho ông ta. Đây là tình trạng lập làng mà không có bầu cử về hình  thức.
— Nếu bày ra hình thức bầu cử, chỉ một thiểu số điền chủ được ứng cử và có quyền bầu  mà thôi. Dân làng không được tham khảo ý kiến. Và dân chỉ muốn cuộc bầu cử diễn ra thật  nhanh, ai làm cũng được, để họ biết ai là người nhận tiền thuế mà họ phải đóng.
— Khi lập làng mới, công việc đầu tiên của hương chức là bắt buộc dân phải ký giấy nợ,  trả lại cho họ những sở phí lập làng (tiền mua bộ sổ, tiền mua tặng phẩm để hối lộ cho quan  trên). Dân không dám cãi lịnh vì họ được khai khẩn vài mảnh đất nhỏ.
Bởi vậy, theo ý kiến của Marcel Roché (phó tham biện đặc trách quận Long Mỹ) thì  nên lưu ý việc sắp đặt hương chức hội tề ở làng mới lập : nếu xã trưởng và hương cả thuộc  một phe với nhau thì nhà nước nên cho người thuộc về phe khác (lẽ dĩ nhiên hai phe này  đều tham nhũng) làm những chức vụ còn lại trong ban hội tề, để khi hai phe nói xấu, tố cáo  nhau thì nhà nước có lợi là biết được sự thật. Nếu chỉ một phe cường hào nắm trọn một ban  hội tề thì dân càng khổ. Cũng theo ý kiến viên phó tham biện này, những người đứng ra sáng lập làng thường đem lá đơn được chấp thuận ấy về địa phương mà dằn mặt dân, rồi bắt đầu lên “ngai vàng mà thống trị như vua chúa”.
Trường hợp một làng khác ở quận Long Mỹ, có viên chức cho 17 người Miên đến khẩn  đất. Họ lo bắt cá, đốn củi, sau bão lụt năm Thìn, cây rừng ngã xuống mới bắt đầu làm  ruộng. Khi đất dọn xong thì mới hay rằng viên chức nói trên đã làm đơn xin khẩn chồng lên  phần đất ấy từ trước, có biên lai. Cũng may là vụ này được giải quyết êm đẹp, dành ưu tiên  cho người Miên vì họ chịu cực khai phá từ trước.
Trường hợp làng quá rộng như làng Đông Thái dài 30 cây số, dân đến cư ngụ lần hồi,  khi đủ số thì những ấp ở xa trở thành làng mới, tách ra lập thêm ba làng là Đông Hưng,  Đông Hòa và Đông Thạnh từ năm 1914.
Lắm khi vì muốn kiểm soát an ninh ở mấy ấp hẻo lánh, nhà nước chấp thuận cho tạm  lập một làng mới. trong giai đoạn sơ khởi, lúc quan kinh lý chưa đến phân ranh thì hương  chức không được thâu thuế, chỉ được xử kiện những vụ nhỏ và sắp đặt dân canh phòng mà thôi : làng Thạnh Lợi tách ra khỏi làng Thạnh Hưng tháng 11/1912.
ở những làng quá đông người Miên, hương chức hội tề có thể ký tên bằng chữ Miên và điều kiện để làm hương chức không cần là phải biết chữ quốc ngữ. Quan trọng nhứt là chức  xã trưởng, chỉ dành cho người hằng sản để có thể bồi thường cho nhà nước trong trường hợp  làm sổ sách sai lạc hoặc gian lận thuế, lấy tiền công nho để cho vay nợ riêng, hoặc cờ bạc  thua. Người biện làng (thơ ký, nhân viên riêng của xã trưởng) lãnh trách nhiệm viết lách,  thảo đơn từ, phúc bẩm báo cáo.
Việc lựa chọn vài người háo danh và khờ khạo để làm hương chức lắm khi là dụng ỳ của những tay có thế lực để dễ dàng thao túng. Tệ đoan lớn ở mấy làng xa quận lỵ là nạn cờ  bạc, chứa chấp bọn trộm cướp do hương chức làng chủ mưu và chia phần. Nhiều ông điền  chủ không thèm vào ban hội tề, khi cần thế lực thì dựa vào quan trên hoặc đứng ngoài, sắp  xếp tay em của họ vào làm hội tề là đủ rồi.
Trong những làng mà đất đai đều do người Pháp làm chủ, về mặt hình thức thì người  Việt Nam vẫn cai trị lẫn nhau nhưng hương chức chỉ là tay sai. Khôi hài nhứt là những báo  cáo của làng gởi lên cấp trên : nếu là trên lãnh thổ của điền Tây thì phải có chữ ký của chủ  điền hoặc của người quản lý thì mới có giá trị. Người “chủ điền Tây” có quyền thị thực chữ ký hoặc xác nhận sự kiện trong công văn của làng. Trong điền của Pháp, việc cử hương chức  hội tề (chỉ định thì đúng hơn) không theo tiêu chuẩn là có hằng sản vì tìm đâu ra một người  có hằng sản ! Năm 1911, vào tháng 9, hương chức làng báo cáo khi chủ quận ra lịnh cử một  người thay thế cho vị hương chủ vừa chết : “Ông A. Isidore mới lập làng, dân làng là người  nghèo nàn và các nơi tới mướn đất làm ruộng cấy, lúa tốt thì nó ở, lúa xấu thì nó trốn đi, dân không có vườn đất tại làng. Xin đình lại tháng Décembre nhằm mùa lúa trổ, làng xét  lại lúa ai tốt là người khá trong làng và lựa người xứng đáng làng mới dám cử”.
Vài nét lớn về điền của Pháp
Cần nhớ là bấy giờ ở Nam kỳ, danh từ đồn điền không được xài tới vì gợi ý nghĩ không  tốt, trùng hợp với những đồn điền thời đàng cựu mà Pháp chánh thức giải tán (dân đồn điền  thường là dân làm loạn khi người Pháp mới đến). Gọi là điền, kèm theo tên của người chủ,  thí dụ như điền ông La—bách (Labaste) hoặc tên tục như điền ông Kho (Gressier), hoặc khôi  hài hơn : điền Tây Mập, điền Tây Tàu (tên này có tàu riêng để chở lúa) hoặc điền Tây Đầu  Đỏ (tóc đỏ). Nếu là của công ty thì gọi là điền hãng. Người làm chủ đất thì gọi là điền chủ  (gọi “địa chủ” nghe không thanh tao, theo lối nói lái của người miền Nam). Chủ ruộng là  người canh tác trên đất mướn của người khác. Tá điền là người mướn đất làm ruộng (không  gọi là dân cày, vì dân chúng bấy giờ cho là trâu mới cày, người đâu phải trâu mà cày).
Thoạt tiên, nhà nước định hễ người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp khai thác trên mười mẫu thì được hoàn toàn miễn thuế trong 5 năm liền; đến năm thứ 6 là bắt đầu  đóng 1/5 số thuế, cứ như vậy đến năm thứ 10 là đóng trọn. Nghị định ngày 4/1/1894 sửa đổi  lại không miễn thuế 5 năm đầu, ngay trong năm đầu đóng số 1/5 thuế, đến năm thứ 5 là đóng trọn. Nghị định 13/4/1909 cho phép những người Pháp có trên 80 tá điền và khai thác một diện tích ít nhứt là 400 mẫu được quyền lập riêng một làng mới, nếu chủ điền yêu cầu,  dân trong điền được hưởng quy chế “dân điền Tây”.
Với nhiều ưu đãi vừa kể, thực dân Pháp tha hồ làm mưa làm gió. Trước khi có nghị  định trên, từ năm 1906 ở Rạch Giá đã xảy ra một vụ lập làng mới lấy tên là Vĩnh Báu, trên  địa phận của làng Vĩnh Viễn. Chủ điền là trạng sư Doutre cho người quản lý (gọi nôm na là cặp—rằn) đem 70 dân đến lãnh thổ vừa được phép trưng khẩn để lập làng mới. Hương chức  hội tề địa phương can thiệp vì chưa có lịnh chánh thức của quan trên. Người quản lý này  (người Việt) cứ ra lịnh tiếp tục cất công sở mới và xúi dục tá điền cầm dao rượt chém hương  chức làng sở tại !
Thực dân khuyến khích cho người ở xa cũng khẩn đất, trường hợp Nam tước Rothiacob  cư ngụ ở Ba Lê làm đơn xin khẩn ở Vị Thủy (Rạch Giá) phần đất 1357 mẫu, vào năm 1911  vì nghe tin sắp đào kinh ở vùng này, nhưng chỉ được cấp 642 mẫu để rồi không nhận lãnh.  Phần đất tốt này lại được dân địa phương canh tác mà không làm đơn trước vì họ tưởng là  vô chủ. Hai người Pháp là Duval và Guéry (đã có đất ở Cần Thơ) lấn qua đó 80 mẫu, đến  năm 1911, tên Labaste xin trưng khẩn (Labaste nổi tiếng là lãnh chúa với những phần đất  ở Sóc Trăng).
Vài người Pháp lanh lợi và thực tế đã khéo lợi dụng sự ưu đãi để giựt đất của dân hoặc giựt tiền trợ cấp của chánh phủ thuộc địa, điển hình là L. Bélugeaud, kinh lý hữu thệ. Năm  1911, ông ta trưng khẩn 500 mẫu đất ở làng Hưng Điền (Mộc Hòa), xin trợ cấp cho 500 đồng  để thí nghiệm cơ giới hóa nông nghiệp theo một kiểu máy do chính ông ta sáng chế và ráp tại chỗ. Đến nông trại, ông ta nhờ tham biện, nhờ hương chức làng giúp mướn cu—li, mướn  trâu và cất chòi. Khi lãnh tiền, ông ta cho bọn cu—li cày bừa rồi lại báo cáo từng đợt để  hưởng thêm trợ cấp, sau rốt, ông ta bỏ căn chòi xơ xác nọ, bỏ mấy bộ phận sắt vụn đầy sét,  giựt luôn tiền mướn trâu và mướn cu—li. Đến mùa, ông ta hưởng phần hoa lợi do bọn cu—li  canh tác theo lối cổ truyền chừng 30 mẫu. Năm 1913, Bélugeaud đến Rạch Giá mở văn  phòng lãnh đo đạc ruộng đất, bấy giờ muốn có bằng khoán thì phải có bản đồ do chuyên viên  được chánh phủ thừa nhận lập ra. Dịp tốt để Bélugeaud đòi tiền thêm, cao hơn giá mà nhà nước quy định. Và sau khi đo xong, chủ đất phải lo hối lộ thêm 500 đồng thì mới có bản sao  của bản đồ. Trước đó, năm 1909, ông ta tìm cách giao thiệp với các người giàu có ở Rạch Giá,  nhận tiền rồi bảo là để vận động giùm với quan trên, ai muốn khẩn đất to thì cứ đưa nhiều  tiền. Dân địa phương tin lời, vì ông ta là người Pháp. Năm 1913, thấy phần đất giữa làng Lộc Ninh và làng Vĩnh Bình đã có dân khai thác từ lâu nhưng chưa được cấp phát chính thức, ông ta làm đơn xin khẩn 1000 mẫu, với dụng ý bắt buộc dân đang canh tác phải nạp  địa tô cho ông ta.
Một tay khác là Beauville—Eynaud, làm chức còm—mi ở Rạch Giá đã quá chú trọng vào  việc khẩn đất. Khi thấy nhà nước soạn kế hoạch đào kinh xáng giữa Rạch Ngan Dừa và  Cạnh Đền, ông ta xin trưng khẩn 1300 mẫu, khẩn xong, lại khai là mất mùa và không thèm  đóng thuế !
Nhiều người Pháp nhờ bạn bè đứng tên giùm để khẩn thêm đất, hoặc có những viên  chức Pháp không thích canh tác nhưng cứ khẩn để bán lại cho người Việt. Lại còn trường  hợp tên Ernest Outrey (sau này là Thống đốc Nam kỳ) lợi dụng danh nghĩa là nghị viên của Nam kỳ can thiệp với chủ tỉnh để cho bạn bè ông ta được khẩn đất, nói đúng hơn là chiếm  phần đất mà dân quê đã khai phá từ buổi đầu.
Đời sống trong điền Tây
Điền của người Pháp là một tiểu quốc, người tá điền của điền Tây hưởng quy chế đặc biệt về thuế thân. Họ được chủ đất bảo lãnh, dùng “giấy đỏ” “(carte díengagé, in trên giấy  cứng màu đỏ), thuế thân đóng một đồng bạc thôi, trong khi dân ở thôn xóm làm lụng cho  chủ điền Việt Nam phải đóng cỡ 5 đồng. Họ chỉ đóng thuế chánh, khỏi những thuế phụ trội,  khỏi làm xâu, khỏi đóng tiền canh gác. Để đề phòng trường hợp họ trốn, loại giấy đỏ này  phải được chủ đất hoặc người thay mặt ký tên xác nhận, cứ 3 tháng gia hạn một lần, ai ra khỏi điền mà không có giấy phép đặc biệt của chủ thì bị bắt, xem như chưa đóng giấy thuế thân.
Kẻ ở điền Tây phải làm giấy giao kèo “ở mướn cố công với chủ”, tùy theo điền mà giá cả khác nhau ; mượn tiền, mượn lúa với số lời khá cao nhưng trong giao kèo thì ghi thấp. Người làm ruộng nhiều thì được vay nhiều, tùy theo sự tiến triển của mùa màng mà chủ đất  lần hồi cho họ vay thêm.
Điền tây là nơi chứa chấp đủ thứ tội ác : cờ bạc, hút á phiện lậu, đặt rượu lậu thuế.  Hương chức làng, lính mã tà, nhân viên thương chánh khó bề đột nhập để tra xét nếu không  được phép của người chủ điền Tây. Trong những điền lớn, chủ đất thường vắng mặt quanh  năm, việc quản lý giao cho hai ba người Pháp gọi là “surveillant agricole” được phép mang  súng, lắm khi họ là người Pháp dốt nát (lính sơn—đá nghỉ dài hạn hoặc đã giải ngũ). Lại còn  những cặp—rằn bổn xứ chuyên nghề tuần tra với cây cù ngoéo, có thể đánh đập dân chẳng  khác nào mấy ông hương quản, cai tổng. Điền Tây còn là nơi chứa chấp trộm cướp ; bọn này  hành nghề ở địa phương khác rồi trở về ẩn náu, làm ruộng cho có hình thức. Đôi khi, điền  Tây lại vô tình thâu nhận những chánh trị phạm, những tay phiến loạn bị tập nã từ các  tỉnh miền Tiền giang.
Mùa lúa chín thì chung quanh điền Tây việc canh phòng bố trí nghiêm nhặt như một  cơ sở quân sự. Bọn cặp—rằn đánh mỏ canh tuần ghe xuồng di chuyển gần điền phải bị tra  xét phiền phức. Mục đích là đề phòng bọn tá điền “lưu” lúa ra ngoài bán trước lấy tiền xài riêng, rồi khi chủ điền tới đong, tá điền nói gạt rằng ruộng thất mùa. Người trong điền  muốn chở lúa đem bán nơi khác hoặc cho bà con thì phải xin giấy chứng nhận là đã đóng đủ  địa tô rồi.
Nơi trạm kiểm soát, bọn cặp—rằn treo lá cờ to làm hiệu, tùy sở thích của chủ điền mà cờ này màu đỏ hay màu trắng (bởi vậy dân địa phương căn cứ vào màu cờ mà gọi là điền  Tây Cờ đỏ, điền Tây Cờ trắng...).
Về mặt trị dân, vài tên chủ điền Tây hoặc cặp—rằng tỏ ra đầy đủ bản lĩnh, thí dụ như họ dám hòa mình với dân Việt : ăn mắm, uống rượu đế, ăn thịt chó, cỡi trâu kình (trâu đua).  Có tay còn gian hùng hơn, rước thày về để làm lễ tống ôn, tống gió, ăn lễ hạ điền, tụng kinh  cầu cho quốc thái dân an với dụng ý cầm giữ dân và phát triển mê tín, óc xôi thịt. Hoặc là ông Tây chủ điền già nua lại mặc áo dài xanh, đội khăn đóng “cúc cung bái” khi cúng đình  thần, với chức vụ là đại hương cả.
Bọn chủ điền Pháp là thế lực khá mạnh, thường đưa ra nhiều yêu sách với chánh phủ  thuộc địa như đòi tham gia Hội đồng địa hạt để bàn bạc hằng năm về giá biểu thuế khóa  trong tỉnh. Trong một bài báo, J. Delpit đòi được miễn thuế “bách thân phụ trội” đánh vào  thuế điền vì thuế này do chủ tỉnh đặt ra, tham khảo với Hội đồng địa hạt An Nam chớ chủ  điền Pháp không được hỏi ý kiến. J. Delpit bảo rằng thuế ấy chỉ dành cho người Việt đóng  mà thôi. Nhà nước thực dân nhận định rằng nếu đưa người Pháp vào Hội đồng địa hạt thì quá đáng : đa số điền chủ Pháp không cư ngụ tại địa phương thì làm sao họ đại diện cho  dân trong hạt được ? Vả lại, đa số điền chủ Pháp đều là công chức hoặc chức sắc của công giáo.
Delphit khoe khoang rằng chủ điền Pháp đã góp công lớn vào việc xây dựng thuộc địa Nam kỳ : Trong vòng 40 năm, họ đã khai khẩn đến 247.417 mẫu (do 300 người chủ đất), cao  hơn diện tích mà suốt 15 thế kỷ qua người Miên và người Việt đã khai khẩn (215.578 mẫu,  năm 1868), chưa kể đến 85.000 mẫu đất trồng cao su. Bên cạnh người Pháp, dân Việt đã  khai khẩn từ 215.578 mẫu năm 1868 đến mức 1.291.358 mẫu vào khoảng năm 1912.
Vào năm 1912, cũng theo con số mà J. Delpit trưng dẫn, Rạch Giá là tỉnh mà người  Pháp có nhiều ruộng đất nhứt : 12.304 mẫu đã canh tác cộng với 26.121 mẫu đang trên đà  khai phá, sắp có huê lợi.
Đứng nhì là Sóc Trăng với 11.246 mẫu đã canh tác của người Pháp và 4.308 mẫu khác đang trên đà khai khẩn thêm. Hạng ba là Cần Thơ với 8.127 mẫu đã khai thác cộng thêm  với 21.931 mẫu đang trên đà khai thác của người Pháp. Tỉnh Rạch Giá cũng đứng đầu về số  người Pháp làm điền chủ : 23 người, (trong số này có 11 vị chức sắc công giáo).
Sống trong điền của Tây hay điền của người Việt sướng hơn ? Câu hỏi này là cái vòng lẩn quẩn : nếu gặp năm thất mùa thì đâu cũng là cực khổ. Chủ đất nào cũng đưa giá biểu địa tô tùy hứng, gom góp ít nhứt là 80 % tổng số lúa thâu hoạch vì ở đâu cũng cho vay nặng  lời, công khai hoặc trá hình.
Cuộc tranh đấu của giới đại điền chủ
Từng lớp đại điền chủ bổn xứ thành hình nhờ khẩn đất nhiều và đất tốt, nhứt là phần  đất có nước ngọt từ Hậu giang dẫn qua nhờ kinh đào. Đặc biệt ở phía sông Cái Bé, một mẫu  đất trị giá bằng năm, bảy hoặc mười mẫu ở phía Cái Lớn, nơi nước mặn. Kinh đào biến  nhiều vùng thành ra phì nhiêu, dễ sinh sống, nước ngọt mãn năm. Điền chủ vay nợ để khẩn  đất. Trong vài năm đầu, nếu gặp gió thuận mưa hòa thì lấy vốn được. Hễ thấy đất tốt, tá  điền ít chịu dời chỗ. Đất tốt dầu thất mùa vẫn thu hoạch tương đương hoặc cao hơn nơi đất  xấu vào những năm trung bình.
Trận bão lụt năm Thìn (1904) gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng ở Rạch Giá (bấy  lâu, ta chỉ biết rằng thiệt hại to lớn là ở Mỹ Tho, Gò Công mà thôi). Chủ điền lo ngại vì không kiếm ra tiền để đóng thuế điền. Mặt khác, số vốn khá to mà họ đưa cho tá điền vay  lại bị mất luôn. Một số tá điền ngang nhiên bỏ đất, dời qua vùng khác, trong trường hợp  chánh đáng mà điền chủ không có lý lẽ để truy tố được.
Tại Rạch Giá, năm Thìn (1904) xảy ra hai trận bão lớn : 1/5 và 3/11. Năm sau (1905) lại thêm lụt rồi nắng hạn bất ngờ.
Trong điền của Gilbert Trần Chánh Chiếu, mức tổn thất được kê khai như sau với nhà nước :
— Đất ruộng ở làng Thạnh Hòa (Tràm Chẹt nhỏ) 1000 mẫu bị ngập suốt hai tháng liên  tiếp, rồi trận giông ngày 2/11/1904 làm sập nhà cất cho tá điền ở, lẫm lúa bị tốc nóc. Đất khẩn ở phía Hòa Hưng gồm 200 mẫu, hư trọn. Trong hiện tại, cần cấp dưỡng cho 200 tá  điền sống lây lất.
— Từ bốn năm trước, lúa trong lẫm gom từ 20 tới 25 ngàn giạ lúa, năm 1904 chỉ còn  thâu được từ 1000 đến 1500 giạ. Sự lỗ lã ước lượng là 15000 đồng. Xin nhà nước cho vay trợ  cấp, để tiếp tục khai thác.
Đơn kêu nài gởi lên. Chủ tỉnh cho cai tổng tới điều tra, thấy phần đất ở Thạnh Hòa của  Trần Chánh Chiếu trước kia có 125 gia đình tá điền thì nay 42 gia đình đã đào tẩu, còn lại  83 gia đình. Nhà cất cho tá điền ở gồm 93 cái, cộng là 232 căn đã bị sập hết 72 cái, tức là 177 căn. Năm 1904, đất này canh tác 645 mẫu.
Riêng về phần đất ở Hòa Hưng gồm 14 người tá điền, còn lại 3, trốn hết 11. Nên nhớ là ở Rạch Giá chỉ làm ruộng mỗi năm một mùa, người cai quản ruộng đất của ông Chiếu trình  bày trong đơn : “Thiệt tội nghiệp, trong dân tá điền ai ai cũng đều nghèo khổ, đói khát, rách  rưới, ở ruộng thì nhờ ruộng, một năm làm ruộng có một lần, trông đợi có bấy nhiêu song  chẳng đặng, bây giờ phải đợi qua năm khác, lâu không biết bao xa mà nói cho cùng”. Và  hiện tại, dân chỉ biết hy vọng cấy lúa ván ăn đỡ, kiếm chút ít mạ hồi mùa rồi còn sót lại, chặt bớt rễ mạ mà cấy tạm khi nước giựt xuống.
Một linh mục ở họ đạo Trà Lồng gởi thơ lên chủ tỉnh xin miễn thuế, cho biết : vì đường  giao thông khó khăn nên trong điền lúa hạ giá quá thấp dân không bán được, trong khi  những sản phẩm cần thiết thì mua với giá gần gấp đôi ngày thường.
Phong trào tranh đấu chống thuế điền nổi lên, khi chủ tỉnh Rạch Giá hăm he truy tố  vài người chủ điền ra tòa và mặt khác, gởi trát đòi từng người để thúc hối, cảnh cáo. Nhưng  chủ tỉnh cho riêng Thống đốc Nam kỳ biết là không thể nào đòi được số thuế điền trong tỉnh  còn thiếu lại là trên 135.000 đồng. Lại báo tin rằng điền chủ lớn đang xúi giục điền chủ nhỏ đừng đóng thuế điền năm 1905 rồi theo đà ấy, không đóng thuế luôn qua năm 1906.
Tòa án Rạch Giá đã xử làm gương hai vị điền chủ thiếu thuế. Lúc đầu, hương chức  làng mời tới công sở, họ không thèm tới gặp. Ra trước tòa, họ tỏ thái độ ngạo mạn hơn. Khi  được hỏi tại sao mà không tới gặp hương chức làng, họ nói thẳng là “chỉ vì họ không muốn  đóng thuế, và chẳng có ai được quyền bắt buộc họ đóng”, nếu nhà nước đem phát mãi đất  của họ, nhứt định là chẳng ai dám mua (ngụ ý là nếu mua thì sẽ bị họ trả thù). Chủ tỉnh  Rạch Giá còn đưa ra đề nghị nên chia những tổng có diện tích quá rộng ra làm đôi, để có  thêm cai tổng đi thúc thuế. Đồng thời, cương quyết phạt tù kẻ thiếu thuế, đem đất họ ra phát mãi, dán yết thị ở những làng lân cận để người giàu ở tỉnh khác đến đấu giá.
Để đối phó lại, 81 người “điền chủ lớn” ở Rạch Giá đồng ký tên vào đơn, trình cho chủ  tỉnh để xin tha thuế năm 1905, đứng đầu là hai ông Trần Chánh và Huỳnh Thiện Kế (đơn  ngày 29/4/1906) với lập luận sắc bén :
— Muốn trở thành điền (tức là canh tác) một mẫu đất, phải nuôi tá điền 20 giạ lúa và vài ba đồng bạc là tối thiểu.
— Năm rồi (năm Thìn, 1904) chủ điền phải vay bạc của nhà băng Đông Dương mà nuôi  nhân điền (tá điền).
— Như hạt Sa Đéc là chỗ điền thổ đã khai mở lâu năm thành khoảnh mà nhà nước còn  chuẩn cho các chủ điền đóng thuế hạng nhứt sụt hạng nhì, hạng nhì sụt hạng ba, còn hạng  ba thì tha thuế trọn, huống chi là hạt Rạch Giá là hạt mới khai mở không đặng 10 năm, và  phần nhiều trong số điền thổ khai phá không đặng 4 năm nay.
— Nhà nước đã hứa miễn thuế cho điền chủ nghèo, còn với điền chủ lớn thì đợi lúa thóc  gặt rồi, cho đóng 1/3. Nay xin tha trọn thuế, vì đất ruộng ở phía sông Cái Bé thất bát 7/10,  nước vừa giựt xuống là bị nắng hạn.
— Yêu cầu nhà nước áp dụng luật Gia Long về tỷ lệ miễn thuế, luật này được nhà nước  Lang Sa phê ưng và cho thi hành từ năm 1871 : theo đó hễ ruộng thất mùa 1/10, không giảm thuế; ruộng thất 2/10, giảm 1/10; khi thất mùa đến mức 8/10 hoặc hơn nữa thì miễn  trọn thuế.
Kết quả là Thống đốc Nam kỳ chịu miễn thuế cho những ai chưa đóng thuế năm 1904  mà thôi (tức là cho mùa gặt cuối năm 1903). Còn về hậu quả của bão lụt năm Thìn thì đóng  y như cũ. Nhưng điền chủ ở Rạch Giá chưa chịu thua. Họ loan tin rằng nhà nước đã hoàn toàn miễn thuế, khiến cho một số điền chủ bấy lâu rụt rè lại hăng hái lên không thèm đóng.
Theo đề nghị của chủ tỉnh, Thống đốc Nam kỳ cách chức viên cai tổng và phó tổng tổng  Kiên Tường (cả hai đều là người Miên) về tội phao tin thất thiệt là hoàn toàn miễn thuế.  Thật ra, nhà nước chỉ chấp nhận miễn phần thuế quản hạt (budget local) mà thôi, chớ vẫn  thâu trọn phần địa hạt và bách phân phụ trội.
Thống đốc lại cho một viên chủ tỉnh nhiều năng lực là Albert Lorin nghiên cứu vấn đề.  Lorin phúc trình rằng Rạch Giá có 6 tổng, mỗi tổng đều quá rộng nên khó theo sát từng  điền chủ để làm áp lực. Trong vòng hai năm mà ở Rạch Giá lại thay đổi 4 lần chủ tỉnh nên  chánh sách không được liên tục. Theo ý kiến của Lorin, chỉ nên giảm thuế cho chủ điền nhỏ,  chớ chủ điền lớn thì vẫn còn dư tiền để mua đất, khẩn đất thêm : Hiện tại, ở tòa Bố Rạch  Giá còn đến 439 đơn xin khẩn một diện tích là 14.031 mẫu, chứng tỏ điền chủ bốn xứ hãy  còn hăng hái trong việc làm ăn.
Năm 1911, tỉnh Rạch Giá trải qua một cơn mất mùa trầm trọng, nhà nước đành cứu  xét miễn thuế, tuy miễn ít nhưng những ai lì lợm thì cũng bỏ luôn.
Cuộc tranh đấu trên đã bộc lộ một sự thật khách quan : vào năm 1905, giai từng điền  chủ đã thành hình, có tinh thần chống Pháp nhứt là vào những năm kế tiếp khi đa số điền  chủ lớn ở Nam kỳ đều hưởng ứng cuộc Minh Tân (phong trào Duy Tân) do Bùi Chi Nhuận  và Trần Chánh Chiếu điều khiển, ủng hộ ông Phan Bội Châu và ông Cường Để. Điền chủ  trong nước thấy rõ là thực dân pháp ngăn cản không cho họ tiến xa hơn để họ tự do kinh  doanh, trở thành những chủ xưởng, những thương gia như ở bên Nhựt. Thực dân Pháp, thương gia Huê kiều (nắm độc quyền về mua bán, thao túng giá lúa gạo). ấn kiều cho vay  đều là những chướng ngại mà họ muốn san bằng.
Còn vài chi tiết cần ghi nhớ về vai trò của giới điền chủ, không riêng gì cho tỉnh Rạch  Giá :
— Mua nhiều trâu bò từ Cao Miên đem về (từ tỉnh Tà—Keo) nhờ đó mà việc cày cấy  thêm phát triển. Mua sắm nhiều ghe độc mộc từ sông Lớn (Cao Miên, Lào) giúp phương tiện  vận tải.
— Thích sống xa hoa theo lối Pháp, tiêu thụ rất nhiều hàng hóa nhập cảng, nhất là rượu Tây.
— Vào những năm lúa có giá và giá lúa được vững (1928, 1929 luôn cả năm 1930), mức sống lên cao tột bực, điền chủ bực trung ở Hậu giang dư sức cho con qua Pháp du học, có gia đình đi cả hai ba người, học siêng năng thì thành bác sĩ; ăn chơi thì trở thành “công tử”.
— Một số không nhỏ điền chủ ở Rạch Giá là người Minh Hương hoặc Huê kiều. Người  Huê kiều nếu làm điền chủ thì bị đồng hóa, trở thành Việt Nam trong vài năm (khăn đóng  áo dài khi làm hương chức hội tề, cúng đình). Riêng người Huê kiều ở chợ chuyên nghề buôn  bán thì giữ nếp sống riêng.
Về đời sống của tá điền
Tá điền chẳng có quyền tham dự sinh hoạt chính trị nào cả. Hương ấp, phó quản (gọi  là hương chức nhỏ) do hương chức hội tề chỉ định. Hương chức làng thì do bọn hương chức  chọn lựa lẫn nhau, giới thiệu bà con vây cánh, sau đó được cai tổng và chủ quận chuẩn y.  Cai tổng và phó tổng, ban biện được cử do một số thừa sai (người thay mặt); tùy theo số dân  bộ mà mỗi làng được gởi nhiều hay ít, đổ đồng 50 dân bộ có một người. Các vị thừa sai thay mặt cho dân phải là hương chức làng (trừ xã trưởng, hương thân, hương hào), phó xã hoặc  điền chủ. Hội đồng canh nông, hội đồng địa hạt hoặc hội đồng quản hạt là chuyện riêng của một số hương chức làng và điền chủ đi bầu. Tóm lại, người dân nghèo chẳng bao giờ được đi  bầu cử ai cả.
Hai gánh nặng cho tá điền là thuế thân và xâu (sưu). Thuế thân thời Pháp thuộc được  quy định đồng đều (trừ những năm sau cùng của chế độ thực dân, chia ra người có hằng sản  và người không có hằng sản). Thuế chánh chỉ là mọt đồng bạc nhưng dân phải đóng thêm  một số tiền gọi là bách phân phụ trội cho ngân sách. Số bách phân này thay đổi tùy theo  năm để cho ngân sách được quân bình chi tiêu. Ngoài ra mỗi người phải chịu năm ngày làm  xâu, có thể chuộc bằng tiền, lại còn phụ thâu về thủy lợi, về rừng.
Nếu là dân ở xa tới, chưa vào bộ thì đóng thêm một số tiền gọi là thuế dân ngụ. Tính  trung bình vào những năm đầu thế kỷ, thuế thân cọng thêm các khoản linh tinh vừa kể là 5 đồng, làng này đóng nhẹ nhưng làng kia lại đóng nặng. Nên nhớ là lúc bấy giờ lúa bán vài cắc một giạ, một đứa trẻ chăn trâu suốt năm chỉ được khoảng 10 đồng thôi. Có làng lại đặt  ra thuế nóc gia hoặc quy định tiền chuộc công sưu (đóng tiền để khỏi đi làm sưu) với giá quá  cao, thí dụ trường hợp làng Vĩnh Hòa Hưng, tổng cộng là 8 đồng 3 xu về thuế thân, năm  1914.
Số đông tá điền không đóng nổi thuế thân hoặc không muốn đóng vì suốt năm họ  không có việc gì để đi ra khỏi làng. Thỉnh thoảng lính mã tà vào làng xét hỏi, dân lậu thuế (gọi là trốn xâu lậu thuế) chạy trốn ngoài ruộng hoặc vô rừng mà ẩn náu. Bị bắt về tội thiếu  thuế thân là 5 ngày tù với 15 quan phạt vạ. Khi mản tù phải đóng thuế, ai không tiền thì  làm cu—li cho nhà nước tại chợ lấy tiền mà bù vào.
Người nào trốn thuế quá lâu mà muốn vô bộ thì hương chức giải quyết bằng cách ăn hối lộ rồi cấp cho một giấy thuế thân mà làng đã xin cho người khác (nhưng người ấy đã  trốn, bỏ làng). Trường hợp thay đổi tên họ như thế thường xảy ra. Gặp năm mất mùa hễ  không đóng nổi thuế thân và không trả được địa tô cho chủ điền thì cứ trốn qua xứ khác mà  làm ruộng lưu động, để rồi tiếp tục dời chỗ (gọi nôm na là làm ruộng dạo, làm ruộng hàng  xáo).
Ngao ngán nhứt cho người dân là việc làm xâu. Trong những năm cần đào kinh hoặc đắp đường, nhà nước trưng dụng quá thời hạn 5 ngày mà luật đã định. Cai tổng và hương  chức lợi dụng để bắt nạt tống tiền, ai muốn ở nhà thì lo hối lộ. Mãn hạn thì người làm xâu  được về nhưng hương chức thường bắt buộc làm thêm vài ngày (trường hợp làm đường lộ  Rạch Giá, Hòn đất năm 1905). Năm 1911, khi bày việc đào kinh từ rạch Cái Su đến rạch  Thứ Nhứt, dân phải làm đến 20 ngày, tự túc đem theo ky, cuốc, xuổng, gạo, nhà nước không  cấp phát gì cả. Trong vài trường hợp nhà nước có cấp phát tượng trưng bằng tiền mặt.  Người ở gần sông, đặc biệt là ở phía sông Cái Lớn hoặc Cái Bé tiếp giáp qua Cần Thơ lại  phải làm xâu vớt lục bình, đề phòng sông rạch bị chận nghẹt, ghe thuyền khó qua lại. Thời  thực dân hễ gom dân làm xâu, trong văn kiện làng công khai gọi là “đuổi dân xâu ra nhà việc”. Khi phóng lộ hoặc tiếp tay với nhân viên Công chánh đắp lộ, dân phải làm cu—li với  giá rẻ, nhiều người bỏ trốn.
Người Miên khổ cực hơn người Việt. Trong những địa phương người Miên quá đông,  hương chức làng đa số là người Miên. Họ bị cai trị hteo lối phong kiến đặc sệt. Khi bị đòi tới  làng, tới quận là họ sợ bị tù. Khi cần hợp thức hóa đất ruộng mà họ dày công khai phá, họ  lại vắng mặt. Họ ít khi dám đòi hỏi quyền lợi chánh đáng, thà chịu thua thiệt mà được ở  nhà.
Thực dân Pháp khinh thường người Miên ra mặt. Trừ một số ít người mang họ (Sơn,  Thạch...) do ông bà truyền lại từ đời Tự Đức, hoặc lai Tàu (họ Trần, họ Lý nhưng không có chữ lót) thì tất cả đều không họ. Trong bộ sổ, cứ gọi tên này tên kia (Danh), đàn bà thì gọi là Thị.
Trong công tác khẩn hoang, người Miên góp công lao đáng kể. Họ làm công hoặc làm tá  điền cho người Việt, dầm mưa dãi nắng rất dẻo dai, sở trường của họ là chèo ghe, đốn tràm,  đào mương, tát đìa bắt cá. Đàn bà Miên giỏi về cấy và gặt lúa, gặt cấy rất kỹ lưỡng và vén  khéo tuy chậm chạp. Gia đình Miên nào nghèo thì khó tả : ngủ nóp, hoặc ngủ trần với bếp  un, ở nơi muỗi mòng mà nhiều đứa trẻ từ khi lọt lòng đến tuổi mười hai mười ba vẫn ở trần  ở truồng, không biết áo quần là gì, ăn uống quá đạm bạc. Vài người đã mất đất vì ham cờ bạc, quá cao hứng lúc uống rượu say nên sẵn sàng điềm chỉ vào bất cứ giấy nợ hoặc giấy bán đất. Về thuế thân thì mười người trốn hết bảy tám.
Đặc biệt là ở Rạch Giá, người Huê kiều lại tích cực khẩn hoang với sở trường là làm rẫy ở đất giồng ven sông Cái Lớn và Cái Bé (những giồng này gọi là thanh lang). Họ có mặt  tại xứ Rạch Giá từ đời Mạc Cửu nhưng con cháu số người cố cựu ấy đã trở thành Việt Nam  từ lâu đời rồi. Đợt người sang cư trú khi Pháp đến gồm đa số là người Triều Châu. Theo  bảng kê khai vào tháng giêng năm 1906, tỉnh Rạch Giá có :
Quảng Đông 266 người
Hẹ (Akas) 17 người
Hải Nam 331 người
Phước Kiến 108 người
Triều Châu 876 người
Người Triều Châu làm rẫy cư ngụ thành xóm đông đúc, siêng năng không ai bì kịp, ăn ít, làm việc thì nhiều, bất chấp giờ giấc. Khóm (thơm) ở Tắc Cậu, khoai lang ở Ngả Ba Đình,  khoai lang ở Trà Bang (Long Mỹ), ổi ở Bến Nhứt một dạo nổi danh toàn cõi Hậu giang. Đa  số nghèo khó, không được quyền làm thừa sai để bầu cử ông Bang vì muốn làm thừa sai thì  phải có hằng sản, đứng bộ điền hoặc đóng thuế môn bài. Họ cưới vợ Việt, gặp năm rẫy thất  mùa, đời sống nói chung là cơ cực vì còn phải trả tiền mướn đất rẫy.
Thuế thân của Hoa kiều cao gấp ba lần thuế của người Việt. Người nào làm ăn khá,  còn sức khoẻ thì Bang trưởng đứng ra bảo đảm đóng thuế giùm, sau này trả lại. Nhưng gặp  trường hợp quá nghèo, đau yếu thì chẳng ai dám bảo lãnh giùm cả. Thiếu thuế nhiều năm  liên tiếp, theo luật là bị trục xuất về Trung Hoa. Người thiếu thuế 4 năm nếu bị bắt thì phải đóng 62 đồng, cộng thêm 30 đồng tiền phạt. Một số làm ăn thất bại, trốn xuống tàu buồm  Hải Nam mà đến xứ khác như qua Xiêm, Mã Lai, rủi bị trục xuất về Tàu thì xảy ra cảnh  chồng Bắc vợ Nam. Huê lợi về rẫy không được bền, sau năm bảy năm, họ trồng các loại  khác, kém huê lợi hơn vì đất lần lần mất chất màu mỡ. Người quá nghèo không còn bà con  bên Tàu thì cố gắng ở lại xóm rẫy. Trong trường hợp thiếu thuế, họ đành tự giam hãm trong  làng, lo hối lộ từng chập cho hương chức hội tề để khỏi bị bắt. Hoặc dời chỗ, cải trang như trường hợp của người mang tên là Trần Văn Sơn, 60 tuổi, người Triều Châu để búi tó, mặc quần áo như người Việt Nam bị bắt vào tháng chạp 1914 ở Gò Quao vì bị tình nghi là theo  Thiên Địa Hội. Ông này khai thật rằng qua Việt Nam hồi năm 38 tuổi, ở Bạc Liêu làm ăn 3  năm, ở Cần Thơ 8 năm, ở Cà Mau 3 năm, ở Rạch Giá từ 3 năm qua nhưng rốt cuộc làm ăn không khá, đành mua tấm giấy lão của người Việt tên Phạm Văn Lê. Vì sợ tung tích bại lộ  nên ông ẩn lánh ở sốc người miên.
Về tình trạng của nông dân nghèo năm 1908, nhà cách mạng Trần Chánh Chiếu cũng  là điền chủ lớn ở Rạch Giá đã viết bài đăng trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn số 42, tháng 9/1908  (hai tháng sau là ông bị bắt vì việc vận động Đông Du). Bài lấy hai câu thơ “Nhị ngoạt mại  tân ti. Ngũ ngoạt khiếu tân cốc” làm nhan đề.
Người Nhiếp di Trung làm bài thơ Mảng Nông có câu thơ rằng : tháng hai bán tơ mới,  tháng năm bán lúa sớm, cắt thịt vá ghẻ nghĩa là đở ngặt vậy chớ khổ cũng hoàn khổ.
Thương hại cho dân nghèo ra thân đi làm tá điền, vì trong tay không có nghề sản nên  mới chui đụt đỡ giấc, nói tiếng làm ruộng chớ kỳ trung đi kiếm ăn cho qua ngày tháng. Làm ruộng gì mà mãn nhứt đại không có dư một hột lúa dính tay, lẽ thì ba năm làm mới có một  năm thiếu ăn, có đâu hụt trước thiếu sau, lúa gặt vừa rồi đã đi lãnh ruộng giao, lãnh công  cấy công phát.
Một năm 12 tháng, làm ruộng thật sự có bốn năm tháng còn bảy tám thán dư linh làm  nghề chi ? Vì không có nghề trong tay nên mới rủ nhau đánh cờ chó, hoặc đi coi đánh cờ bạc, chà lết mòn quần rách áo.
Thương ôi, dốt đặc hơn cá tôm, vụng về hơn trùng dế. Dân nước khác tiếc tới giờ tới phú  như tiền bạc, dân nước mình phí ngày tháng như nước trôi.
Uổng thay, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ đều luống những đêm ngày. Nghe ai cho vay thì  mừng hớn hở, hỏi rồi nào lo trông trả. Vì vô nghề nghiệp nên mới sanh tệ trong xứ như thế.  Làm người phải biết thương cái thể diện của mình.
Kẻ thương quê hương phải hết sức giúp cho nền công nghệ thì có ngày trừ đặng việc  tình tệ mới bày tỏ trước đó.
Hơn 20 năm sau, vài học giả Pháp nghiên cứu tình hình kinh tế, tình hình đất đai miền Nam, cách khẩn hoang ở Hậu giang, vấn đề cho vay, việc phân phối đất đai... rồi đưa  ra vài biện pháp “xây dựng”. Nhưng gẫm lại, việc nghiên cứu của họ chỉ là thương vay khóc mướn, không tiến bộ bằng bài báo trên. Vấn đề chánh là tá điền sống trong tình trạng bán thất nghiệp, ruộng một mùa, độc canh ; kỹ thuật thì không hơn thời vua Tự Đức, nếu không  nói là thời Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp.
Bi thảm nhứt là năm mất mùa, bao nhiêu lúa phải gom lại để trả địa tô để rồi xuất  cảng, trong khi “những người mạnh khỏe, nếu tìm được công việc làm (làm mướn trong xóm)  cũng khó đủ tiền để mua gạo ăn trong ngày, vì giá lúa cứ tăng lên tại địa phương”.

<< Chương 2 - 2 | Chương 2 - 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 913

Return to top