Một tác phẩm văn học có thể phản chiếu được thời đại hay không?
Tôi Không Còn Cô Ðộc của Thanh Tâm Tuyền có thể trả lời được câu hỏi đó.
Xuất hiện tháng 10/1956 cùng với tạp chí
Sáng Tạo, tác phẩm gây những phản ứng cực kỳ tương phản và nhiều năm sau, lời yêu, tiếng ghét vẫn chưa nguôi cường độ và nồng độ ban đầu.
Cùng thời Thanh Tâm Tuyền, thơ của Quách Thoại, Cung Trầm Tưởng, Ðoàn Thêm, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, ... dạng thức tự do, Tô Thùy Yên, Hoàng Trúc Ly, Nguyên Sa, ... vẫn còn lưu luyến thơ mới, Bùi Giáng, Nguyễn Ðức Sơn, ... hình ảnh mới nhưng hình thức cũ.
Tôi Không Còn Cô Ðộc đứng riêng một phía -cô độc- trong hành trình tự do của mình. Trước Thanh Tâm Tuyền cùng Thanh Tâm Tuyền và sau Thanh Tâm Tuyền, chưa có tác phẩm nào gây nhiều tương phản như thế, bởi chính nó là sự tương phản.
Thanh Tâm Tuyền nhà thơ tương phản Là một nhà lý luận, Thanh Tâm Tuyền lý giải hành trình thơ tự do của mình trong bài tiểu luận
Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay: Tại sao phải đổi mới? - Bởi vì thơ luật gò bó nhịp điệu trong tám câu. Thơ mới biến hóa hơn, nhưng rút gọn phạm vi trong bốn câu. Thơ phá thể là thơ mới trong ngõ cụt: Các câu dài ngắn khác nhau nhưng đầy vần điệu giả tạo, vì thế mà có thơ tự do. Nhịp điệu của thơ tự do
không gieo lối đồng âm, đồng thanh, mà là nhịp điệu của hình ảnh, nhịp điệu của ý thức. Dựa vào sự phân biệt của Nietzsche giữa hai quan niệm nghệ thuật đối chọi nhau: Nghệ thuật Apollon với cái đẹp toàn bộ, hoàn chỉnh và nghệ thuật Dyonysos phá vỡ những hình thức sẵn có, Thanh Tâm Tuyền chọn nghệ thuật thứ nhì:
"(Người làm thơ hôm nay) không mơ mộng, nghĩa là không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn, căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy."
(Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay, 1956, in lại trên VĂN số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền tháng 10/1972)
Ðồng ý với nghệ thuật Dionysos. Nhưng cũng trong tạp chí VĂN ấy, ở bài tiểu luận
Nhân Nghĩ Về Hội Họa, Thanh Tâm Tuyền viết:
"Nghệ thuật là cách xây dựng cụ thể của đời sống. Do đó trong danh từ nghệ thuật tự nó đã loại trừ danh từ trừu tượng [...]. Hội họa trừu tượng là một hủy thể thuần túy. Người xem không tìm thấy ý nghĩa nào ngoài sự đổ vỡ hoàn toàn của mọi hình thể, sự rối loạn vô định của đường nét." (Sách đã dẫn)
Nhà thơ trẻ tuổi quá lời chăng? (bài viết năm 1956, in lại năm 72, các tác phẩm chủ yếu của Thanh Tâm Tuyền xuất hiện lúc ông 19, 20 tuổi). Một dấu hỏi được đặt ra: Tại sao người làm thơ có quyền phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn của nó, mà người vẽ lại không được quyền hủy thể? Cho rằng hội họa trừu tượng là hủy thể thuần túy đi. Nếu đã quan niệm tự do tuyệt đối, tại sao không chấp nhận hủy thể thuần túy? Văn chương không chỉ có những tích cực. Ðối diện với Malraux còn có Céline, trước Céline có Sade. Không phải ngẫu nhiên mà Nietzsche ca tụng tính déclin nơi con người. Những hình ảnh mưa rơi sao, lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền thì dựa trên thực tế nào trong đời sống? Và xây dựng gì cho đời sống? Mà vẫn là nghệ thuật, nghệ thuật huyền ảo và quyến rũ.
Nghiệm cho cùng, nhìn một cách nào đó, hội họa trừu tượng có thể là người bạn đồng hành của thơ tự do. Kandinsky để cảm hứng tự do, tràn ra những thể (formes) vô hình thức, cực kỳ khác lạ, biểu dương thế giới nội tâm và khả năng tưởng tượng của tác giả. Ở bình diện đối lập, Malévitch và Mondian biểủ hiện vũ trụ một cách thuần lý và đơn giản nhất bằng những đoạn thẳng nói lên tính cách đứt đoạn của không gian và đời sống. Hội họa trừu tượng hòa hợp hai quan niệm tương phản trên, mở ra một ngã mới cho người nghệ sĩ. Nếu hội họa truyền thống tổng hợp những đường nét, hình thể, màu sắc để tạo nên những toàn bộ hoàn chỉnh thì hội họa trừu tượng phản ánh khả năng phân tích những toàn bộ hoàn chỉnh của người nghệ sĩ, cùng trong chức năng phục vụ nghệ thuật. Có thể nói đó cũng là hai khía cạnh của nghệ thuật: Apollon và Dionysos.
*
Những điều dông dài trên đây chỉ để chứng minh rằng Thanh Tâm Tuyền là một tác giả phức tạp và tương phản. Một đặc trưng hiếm hoi trong văn học Việt từ trước đến giờ.
Ðiểm tương phản thứ nhất mà người đọc có thể tìm thấy ở Thanh Tâm Tuyền, có lẽ là ông sống một lúc hai thực tại: Thực tại hiện sinh trong cái nghĩa đi đến tận cùng của nhận thức (perception), lý trí chủ động biện chứng. Và thực tại siêu thực, phủ nhận vai trò của lý trí, tìm đến phần vô thức trong sáng tạo. Tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền chao đảo giữa hai dòng nước ngược chiều: Tạo hình bằng những giấc mơ, qua mơ tìm đến một hiện thực chát chúa, bạo liệt. Không phải là hiện thực phê phán xã hội Bỉ Vỏ -Nguyên Hồng, Chí Phèo -Nam Cao nữa, mà là hiện thực cực thực, đớn đau, khốc liệt, buồn nôn của mình trực diện với chính mình: Roquentin trong Sartre, Tôi trong Phục Sinh của Thanh Tâm Tuyền.
Ðiểm thứ nhì: tư tưởng hoài nghi xuất hiện cùng với sứ mệnh anh hùng (Malraux, Eluard) tranh đấu cho tự do dân chủ, gây ra nghịch lý của tự do, đưa đến câu hỏi: Có thể có tự do? Ðó là vấn đề của Bếp Lửa (1957) được thể hiện ngay trong lời mời người đọc tự do bước vào tác phẩm Tôi Không Còn Cô Ðộc.
Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ
quyền uy. Bởi vì người vào
trong đất đai của tôi
người hoàn toàn tự do
để cai trị tôi có những luật lệ
tinh thần mà người phải thần
phục nếu người muốn nhập
lãnh thổ.
Người hoàn toàn tự do
và có thể ném cuốn sách qua cửa sổ.
(trang 10)
Hình ảnh này tương tự như hình ảnh "tôi khắc tự do vào mỗi tâm hồn" (trang 63), có thể là hình ảnh của người Việt, sau hiệp định Genève được đúng 300 ngày để tự do lựa chọn giới tuyến của mình. Sau khi đã lựa chọn rồi, người phải thần phục vì đã nhập lãnh thổ.
Vì vậy ở Thanh Tâm Tuyền, tôi yêu những cái tôi "vẽ chữ Tự Do mọi người cười ào ạt" (trang 62) hơn những cái tôi "khắc Tự Do vào mỗi tâm hồn" (trang 63). Nhưng nếu loại trừ những cái tôi "khắc Tự Do vào mỗi tâm hồn" , thì ngọn lửa đấu tranh tiêu tán và tác phẩm không có lý do tồn tại. Ðó là mâu thuẫn sâu xa giữa tác phẩm và biểu tượng, giữa đấu tranh và lý tưởng tranh đấu, giữa hai cực và con người (không thể lựa chọn, không biết lựa chọn). Con người ở vị trí trung gian, không đen, không trắng, con người chịu đựng và bắc cầu. Tác phẩm như cái cầu nổi bắc giữa hai cực mà con người tòng teng trên đó. Nó biểu thị những nhận thức nội tại của con người về mình, về thời đại mình đang sống, bao gồm những phi lý, bất lực của cuộc đời nhược tiểu, chia đôi đất nước, chiến tranh, tự do, cộng sản, bạo lực, đàn áp, rác rưởi, hận thù, với cái nhìn chủ quan của người nhập cuộc và tranh đấu. Nó phản ánh một giai đoạn chủ quan của lịch sử mà mọi người đều phải nhập cuộc và tranh đấu dù cảm thấy cái phi lý của đấu tranh: Tự do cũng như sự thật, hai sức mạnh tối thượng của con người, nhưng đều là những thực thể không nắm bắt, tranh đấu được: Con người không sở hữu tự do. Con người không sở hữu sự thật. Con ngưòi là tự do. Con người là sự thật. Khi cất tiếng tranh đấu cho tự do, cho sự thật, hắn đã loại trừ tự do và sự thật ra khỏi bản chất của mình, chúng trở thành đối tượng chiếm lĩnh và mặc nhiên hắn đã bước vào cương vị của kẻ xâm lấn: Tranh đấu cho hòa bình là hình thức khôi hài nhất của các hình thức đấu tranh.
Tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền thể hiện sự mâu thuẫn đó.
*
Về bí quyết sáng tạo, Thanh Tâm Tuyền thổ lộ:
Tôi sống thường trực bằng hình ảnh.
Bài thơ này tôi viết trong giấc mơ.
(Hình Ảnh - trang 40)
Mơ đây là mơ tỉnh trong vô thức, cái kho vô tận của con người, là tiềm lực của sáng tạo, cho nên thơ Thanh Tâm Tuyền tràn ngập hình ảnh:
Ðêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao.
Mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
(trang 46)
Ba câu thơ trên quy tụ tám hình ảnh độc đáo liên tiếp, loại hình chưa xuất hiện trên thơ Việt từ trước đến giờ: Ðêm giao thừa thế kỷ, mưa rơi sao, mái sáng, đường nằm chiêm bao, biển giận dỗi, bàn tay mây, mắt trăng, môi nhiệt đới. Biện pháp siêu thực tận dụng đến kiệt cùng. Thanh Tâm Tuyền là một trong những nhà thơ giầu hình ảnh nhất trong thơ Việt.
Cái mới đầu tiên mà Thanh Tâm Tuyền đem vào thơ Việt là dứt bỏ hình thức hoàn chỉnh và đóng của câu thơ truyền thống kiểu "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi", để đi đến hình thức mở, dang dở, có thể nối tiếp:
Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
Tính cách dang dở, dứt đoạn này không chỉ hiện diện trong thơ mà là tính cách chung của văn học nghệ thuật thế kỷ XX. Picasso "cắt" mặt của các cô gái Avignon (Mesdemoiselles d Avignon) ra làm nhiều mảnh, thể hiện khuôn mặt chuyển động, với nhiều khía cạnh, kể cả những khía cạnh nội tâm; thay thế chân dung cổ điển, hoàn mỹ (khuôn mặt im lìm - đối tượng chết) không có trong thực tế. Dos Passos ghép những "mảng chuyện", thỉnh thoảng đưa ống kính caméra quẹt sang phía khác - lại có thời sự lọt vào, để người đọc cảm nhận được môi trường sống sinh động trước mắt.
Tóm lại đời sống là những mảng đứt đoạn. Tư tưởng chúng ta cũng đứt khúc: đang nghĩ cái nọ, xọ sang cái kia. Văn chương cổ điển kể chuyện một mạch từ A đến Z: Anh A đang buồn, cô B, cô C đến an ủi, vỗ về, hết buồn. Sự thực cuộc đời không diễn biến theo tình tự thẳng tắp như thế. Mà khi tôi buồn khóc như buồn nôn, tôi nhìn ra ngoài phố thì nắng vẫn thủy tinh. Vậy tính cách đứt đoạn trong thơ mà Thanh Tâm Tuyền gọi là nhịp điệu của hình ảnh và nhịp điệu của ý thức chỉ là một lối diễn tả gần gụi với thực tại hơn: Thực tại là một chuỗi liên tục những đứt đoạn. Bài Phạm Văn Thông (1) của Quách Thoại là bài thơ hình thức tự do, có giá trị nhân bản cao, nhưng nội dung vẫn còn cấu trúc liên tục của chuyện kể. Bài Cánh Ðồng Con Ngựa Chuyến Tầu (2) của Tô Thùy Yên, có nhịp điệu, có chuyển động cuốn theo hình ảnh, nhưng vẫn sắp xếp các diễn biến theo tình tự liên tục. Tính cách đứt đoạn này cho tới nay chỉ có hai nhà thơ thực hiện trong hai chiều hướng khác nhau: Thanh Tâm Tuyền và Lê Ðạt. Thanh Tâm Tuyền cắt đứt mạch liên tục bằng hình ảnh. Lê Ðạt sử dụng những con chữ.
Cái tôi Thanh Tâm Tuyền
Bài thơ Phục Sinh có thể coi như một thông điệp tư tưởng và nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền, đặt ra nhiều nghi vấn tiếp nhận. Thoạt nhìn có vẻ dễ: Nhịp điệu hình ảnh gắn liền với nhịp điệu ý thức để trở thành nhịp điệu nhận thức về nội dung tư tưởng: Cần hủy để tái sinh trong đời sống, trong sáng tạo. Phương tiện thực hiện: Mình trực diện với chính mình, mình tự bóc vỏ mình, để lột xác, tái sống. Hai chữ buồn nôn ngay dòng đầu gọi người đọc đến một phương trời khác: một Roquetin - Sartre và một Tôi - Thanh Tâm Tuyền. Hai hữu thể cách nhau vạn dặm nhưng cùng chung một nỗi đau, cùng chịu khảo hạch của nhận thức, cả hai đều phải học lại cảm giác với tất cả giác quan của mình, và bỗng thấy vũ trụ xã hội, vũ trụ văn hóa, thẩy đều đổ vỡ, cần phải hủy diệt để tái sinh:
Phục sinh
Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều - sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng trên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật
Tự hủy để tái sinh, chưa giải quyết vấn đề. Bạn bèn thử cách tiếp nhận thứ nhì: Từ khoảng tối nội tại, phóng ra những hình ảnh hỗn loạn, ghê gớm mà con người dấu kỹ trong tiềm thức và quên đi trong vô thức: Những tội ác, giết người, lang sói, ... của cái tôi được phanh phui, trần trụi trước ánh nắng thủy tinh, tia mắt băng trinh của em bé quàng khăn đỏ.
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ: Có một cái tôi hiện hữu (tôi gọi tên tôi) và một tôi vắng mặt (cho đỡ nhớ). Sự phân thân và phân tâm này vừa chứng minh sự đổ vỡ không cứu vãn được trong con người, vừa là nhận thức sâu xa về những mất mát, tứ tán của chính mình.
Tôi hét tên tôi cho nguôi giận: Vẫn có hai tôi. Một tôi đang hét và một tôi đang làm bậy (cho nguôi giận). Cái tôi nhận thức chạy xông vào vùng tiềm thức để tìm kiếm lục lọi cái tôi tội lỗi, trốn vào bóng tối, vào chỗ quên đi của tâm hồn. Cái tôi "vô tội" bóp cổ cái tôi có tội và trở thành kẻ sát nhân. (Ðây không chỉ là một hình ảnh siêu thực, mà còn cực thực: hình ảnh của những người đòi kết án tử hình những kẻ sát nhân). Trong khi đó thì những hình ảnh tương phản của một thế giới khác: em bé quàng khăn đỏ cận kề, vô tư, trong sáng, chưa một lần ngờ vực đến cái mờ ám của con người chứa đựng trong các vùng sâu.
Và cuối cùng, cứu cánh, cứu rỗi, trên hết vẫn là tình yêu:
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật
Nhưng tình yêu chỉ là phương tiện hành động "thế giới tuyệt đối của Tình Ái bị phá vỡ, những thần tượng sụp đổ. Tình Ái cũng bị làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức".
(Tựa Liên Ðêm Mặt Trời Nhìn Thấy, sđd)
Không có cứu cánh, không còn cứu cánh, con người quay trở lại sự hủy diệt tròn (destruction circulaitre), vô tội - có tội cùng sát nhân như nhau, một vòng luân hồi trong hư vô, gặp lại Nietzsche. Tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền nằm trong qũy đạo nghi vấn liên tục, luôn luôn đặt lại vấn đề.
*
Thanh Tâm Tuyền và tình yêu
Rất may nhà thơ nói vậy nhưng không phải vậy. Dù tình yêu chỉ là phương tiện khai quật ý thức, nhưng ông cũng vẫn dành cho tình yêu những lời tha thiết nhất:
Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
và bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
Ðối chất với trữ tình lãng mạn: Tin tưởng và thần thánh hóa tình yêu, thì ở đây là một thái độ hoài nghi: đôi khi anh muốn tin. Nhưng hoài nghi trong xác quyết bằng những hình ảnh cực kỳ đớn đau: Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình, lệ là những viên đá xanh, tim rũ rượi mà thi ca cổ điển và lãng mạn chưa mạo hiểm để liên kết những chất vô cơ như đá, với hữu cơ như nước mắt, cùng sinh vật huyền nhiệm như trái tim con người.
Anh xin em ngọn tóc cỏ cái hôn tím
mắt chợt xẩm chiều
bởi trôi qua những miền tâm sự viếng thăm
có thể em chết trước khi anh kịp về
không ai khép cửa sổ
cúi xuống viền mi những bóng tối bên ngoài
có thể rồi anh sẽ yêu người đàn bà thứ hai
anh không chối
nhưng mãi mãi em còn là đất dĩ vãng
mã rễ tình cảm đòi bén gần
và những viên gạch những lối xưa
còn chiêm bao gót em mềm âu yếm
...
vậy sao em lại ngủ
ngủ trong lòng mộ trong nghĩa địa thân thể anh
với áo cỏ may châm da thịt
(Liên Những Bài Thơ Tình Thời Chia Cách)
Sự tiếp cận của nhà thơ với tình yêu ở đây dường như đã ra ngoài cõi sống, ngoài cõi biết: ngủ trong lòng mộ, trong nghĩa địa thân thể anh, với áo cỏ may châm da thịt, bất ngờ, không nằm trong tầm với của nhiều người, nó lớn lao trong tình yêu, trong sáng tạo. Maurice Blanchot đã từng liên kết tình yêu, sự sống với cái chết như một guồng máy sinh động của cuộc đời, hiển nhiên qua nhiều giai đoạn: Tình yêu là cơ nguyên của sự sống, trong một cuộc chiến cam go: Khi vượt tuyến vào vòng trứng, bao nhiêu tinh trùng đã bỏ mạng? Cuộc đời thoát thai từ chiến tranh, từ nhiều cái chết và tình yêu đưa đến sự hủy hoại trước khi tái tạo một tinh thể mới.
Trường ca Ðêm trong Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy trổi dậy những nét đớn đau ấy, có phần khốc liệt hơn: Tội ác dần dần tái chiếm lãnh địa, tình yêu mắc bạo bệnh, thổ huyết, chết quằn quại bên một nhân loại lầm lì, sa đọa và cô độc.
Ðêm
I ...
Ở cuối đêm
em rũ tóc nói những lời mê sảng
những ám hiệu
của mặt biển đen không
tình yêu tuyệt vọng
anh xé tóc em cùng những cánh lá chết
mùa thu
gây thương tích nơi cườm tay
khóa chặt
anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
khuôn mặt vỡ tan
như cẩm thạch
như nước mắt
như muôn đời
...
VII
Những bài thơ tình không viết được
những hồn ma hoang đầu ngọn cây
xác chết rữa nát
trong kẹt rừng khô
đêm thức dậy mở mắt
đã mù
hai con sâu nằm trên chân mày khoét lỗ
con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên
mỏ ngậm quả tim đựng đầy hình ảnh đời người
đời người thản nhiên như tên gọi
...
X [...]
Có ai gọi tên tôi tôi giữa phố, phố hoảng sợ cái tên lăn như một xác chết nhập hồn. [....] Anh không phải là một cái tên [...] Mỗi lần muốn gặp anh em chỉ việc chọc dao thẳng vào tim, máu sẽ chảy và anh tới theo con đường máu tinh khiết ấy. Anh sẽ uống những giọt máu thơm tho của tình yêu làm anh bất tử. [...]
Có ai gọi tên tôi giữa phố, ngay sau lưng phố cụt cái tên mọc hai cánh tay chới với. Tôi dừng lại rút khí giới, con dao của em, ...
Sao không ai gọi tôi nữa? Tôi đứng im đây, vực sâu trước mắt, cái tên sau lưng. [....] Cái tên chết điếng. [...] Hóa ra tôi đâm tôi chết tốt.
Cũng xong.
Con đường tìm bản thể (cái tôi) dẫn đến hủy thể. Hủy thể ở đây là tình yêu. Tình yêu vừa là cứu cánh, tình yêu còn đi đôi với tội ác, cái chết - Trong tình yêu có cái chết và tội ác, trong cái chết và tội ác có tình yêu. Khó có tác phẩm nào trình bầy được sự tương phản đến cực độ ấy trong con người. Người đọc loạn thần trước những hình ảnh cực kỳ đen và đẹp: Anh xé tóc em cùng những cánh lá chết, mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay khóa chặt, anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch như nước mắt như muôn đời., con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên, v.v... và sau cùng hình ảnh Orphée tìm người yêu qua nhiều miền địa ngục và giết người yêu bằng tình yêu của mình: Khi Orphée ngoái lại, bánh xe hủy diệt luân hồi giữa tình yêu, tội ác, sự sống và sự chết lại vận hành, vận hành cho tới khi nào còn con người trên nhân thế, ngoài nhân thế.
*
Thanh Tâm Tuyền và mầu da.
Trong những nỗi đau của Thanh Tâm Tuyền, có cái đau nhỏ: đau chia đôi đất nước (bài Vĩ Tuyến), có cái đau lớn: đau mầu da, đau thân phận nhược tiểu của con người (bài Ðen).
Ðen
Một người da đen một khúc hát đen
bầu trời đen sâu không cùng
những giòng nước mắt
xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
bằng giọng của máu của tủy của hờn bắt đầu ngày tháng
giữa rừng không lối rừng mãi trống không
ném mình ném đám đông và trần truồng tủi cực hơn xác thịt
tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai
tội rằng không quên chẳng thể được quên
vì blues không xanh vì điệu blues đen
trêm mầu da nức nở
trong hộp đêm
bắt đau chẩy máu những thầm kín khóc cổ họng mình
ngón tay cấu lấy ông kèn như một bùa thiêng
chọn ngoài thể xác ngoài thương yêu ngoài dữ tợn
chọn thế giới va chạm những loài kim réo gọi
thời gian mềm
không gặp thời gian
không gian quay thành những vật kỷ niệm
rồi một buổi nào blues hiện về xanh
Ðen đoạn tuyệt với lối phê phán xã hội để bước vào hiện thực hiện sinh: Nhà thơ không đứng ngoài để tả chân về một người nghệ sĩ da đen, ông nằm trong da, trong thịt, trong máu, trong nước mắt, trong tiếng kèn của người nghệ sĩ để phóng ra những âm thanh, những hình ảnh khốc liệt của một khúc hát đen, trong bầu trời đen, với những giòng nước mắt xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng, trên mầu da nức nở. Ở ngoài không thể làm được như thế, phải ở trong, ở sâu mới đi đến kiệt cùng, đến thế. Xác đáng ghê gớm về mặt hiện thực, nhưng cả bài thơ là một dòng tư tưởng trong trạng thái quặng mỏ, chưa đãi lọc, chưa có dấu vết kiểm duyệt của lý trí, những hình ảnh cứ mặc sức tuôn ra theo giòng máu, bắt người đọc phải nín thở trườn theo mạch thơ vì mỗi xuống hàng đều bắc cầu liên tục với câu trên, không ngừng đứt: Niềm đau hội tụ từ hồng tâm đen, tóe máu đen ra tứ phía, nhuộm đen vũ trụ, không gian, thời gian và âm nhạc. Ðồng thời cũng từ hồng tâm huyết cầu này toát ra những hủy thể trường kỳ của sự sống: Xé nát thân thể, giọng của máu của tủy của hờn, tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai... toát ra những bất công mãn kiếp của những số phận: trần truồng tủi cực hơn xác thịt, quên chẳng thể được quên, chọn ngoài thể xác ngoài thương yêu ngoài dữ tợn, chọn thế giới kim châm ... toát ra tính chất bất kỳ, phi lý của mầu da, của người dân nhược tiểu không có quyền lựa chọn, và cuối cùng pha trộn với sự trốn chạy của thời gian và không gian làm nên một thứ hủy diệt tròn: không gì có thể giải quyết nổi.
Nỗi đau đen không chỉ là nỗi đau của người nghệ sĩ kèn đồng đêm ấy, nó là nỗi đau của nhân loại, tiết ra từ xương, từ tủy, từ giòng máu đen khốn nạn trong mỗi chúng ta với những ác tâm, kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Chính dòng máu đen ghê gớm ấy đã xé nát thân thể, đã cào cấu huyết mạch những tâm hồn không được quyền chọn mầu da của mình. Dòng máu đen "vô tội" của mỗi người được dấu kín trong tiềm thức, giả đò quên đi trong vô thức, nhưng luôn luôn chẩy ngầm trong huyết quản mà chỉ những nghệ sĩ đích thực mới cả gan đào sâu, cắt mạch cho nó tóe ra trong địa ngục con người. Họ là tự do. Họ là sự thật.
Tháng 9/1995
Chú thích
(1) Trong tập Giữa Lòng Cuộc Ðời, Quách Thoại, tạp chí Văn Nghệ, Sài Gòn 1963.
(2) Trong tập Thơ Tuyển, Tô Thùy Yên, tác giả xuất bản, Hoa Kỳ, 1995.