Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Cấu Trúc Thơ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11533 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cấu Trúc Thơ
Thụy Khuê

VIII. Nguyên lý song song

I. Từ láy trong tiếng Việt
     Tính chất song song hiện diện trong ngôn ngữ qua những từ kép, từ láy. Trong Khái Niệm Về Ngữ Pháp Việt Nam (Sài Gòn, 1963) Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình hợp láy với ghép vào một khái niệm chung, gọi là từ kép: "Tiếng đôi, tiếng ba, tiếng tư ta gọi là từ kép". Trong Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam (Sài Gòn, 1972), Lê Văn Lý gọi từ láy là "từ ngữ kép phản phúc! Ðó là những từ ngữ đơn được lắp đi lắp lại trong những yếu tố thành phần của chúng". Hoàng Văn Hành trong Từ Láy Trong Tiếng Việt (Hà Nội, 1985), đưa ra một nhận định hoàn chỉnh hơn: "Từ láy của tiếng Việt chịu sự chi phối của xu hướng hòa phối ngữ âm. Xu hướng này biểu hiện ở quy tắc điệp và quy tắc đối. Ðiệp và đối ở đây được hiểu với ngĩa rộng: Ðiệp là sự lặp lại, sự đồng nhất về âm, về nghĩa; còn đối là sự sai khác, sự dị biệt, cũng về âm, về nghĩa."
     Ðái Xuân Ninh, trong Hoạt Ðộng Của Từ Tiếng Việt (Hà Nội, 1978), nhắc lại lập thuyết của Haudricourt1: "Thanh điệu tiếng Việt hiện nay là do sự rơi rụng của những nhóm phụ âm đầu và cuối trong tiếng tiền Việt mà thành", ví dụ, chữ bả dùng hiện nay đã có một quá trình như sau:   
 











   Paspah (đầu Công nguyên, không có thanh điệu)

--->

pà (thế kỷ II, 3 thanh điệu)
--->pả (thế kỷ XII, 6 thanh điệu)--->bả (hiện tại, 6 thanh điệu)

     Dựa vào lập thuyết trên đây của Haudricourt, Ðái Xuân Ninh đưa ra nhận xét: "Trên cơ sở những từ hình vị2 đơn âm tiết này, ta sáng tạo ra những từ đa âm tiết (từ láy, từ ghép, từ nhánh) để đáp ứng nhu cầu diễn đạt ngày càng cao."   
 


























Láy đôi:
 
lạnh--->lạnh lẽo
Láy ba:mờ--->lờ mờ--->lờ tờ mờ
Láy tư:bềnh--->bập bềnh--->bập bà bập bềnh

    Qua ba ví dụ trên đây chúng ta có thể có những nhận xét sơ khởi sau đây:
 Từ đơn: âm không vang, nghĩa rõ, ít khả năng gợi hình, hình vị tự do(3)
 Từ láy: âm vang, nghĩa mờ, hoặc chuyển nghĩa, gợi ý, gợi hình, gợi chuyển động,  hình vị giới hạn(4).
     Theo Ðái Xuân Ninh thì từ láy có ba tác dụng chính: Làm giảm hoặc tăng ý nghĩa của từ chính,  láy để lặp đi lặp lại  và láy để biểu thị ý nghĩa xấu.  
1. Láy giảm nhẹ hoặc tăng cường nghĩa:
 a. Giảm nhẹ: Cường độ của một hành động hay mức độ của trạng thái giảm đi, so với từ gốc. Trong trường hợp này, trọng âm (hình vị cơ bản) rơi vào âm tiết thứ nhì:   
 














nhẹ--->nhè nhẹMưa rơi nhè nhẹ trong hồn (Huy Cận)
dịu--->dìu dịu Rơi rơi dìu dịu rơi rơi (Huy Cận)

 b. Tăng cường: Cường độ của một hành động hay mức độ của trạng thái tăng lên, so với từ gốc. Trong trường hợp này, trọng âm nằm trong âm tiết đầu:   
 






































đau--->đau đáu Nỗi nhớ nhung đau đáu nào xong (Chinh Phụ Ngâm)
phất--->phất phơ Hàng cờ bay trông bóng phất phơ (Chinh Phụ Ngâm)
lạnh--->lạnh lẽo  (láy âm)
trong--->trong veo (láy nghĩa)Ao thu lạnh lẽo nước trong veo (Nguyễn Khuyến)
vắt--->vắt vẻo (láy âm)Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi (Hàn Mặc Tử)
đỏ--->đỏ lòm (láy nghĩa)đỏ lòm lom (láy âm)  (5)

     Khác với hình thức giảm nhẹ, hình thức tăng cường có thể láy lại nhiều tầng, ý nghĩa lại càng nhấn mạnh thêm:
 
































 Khít Sát
 Giảm nhẹ: Khin khít San sát
Tăng cường 1:Khít khịtSát sạt
Tăng cường 2:Khít khìn khịtSát sàn sạt
Tăng cường 3:Khít khịt khìn khinSát sạt sàn san

    Hình thức điệp kép thuộc sở trường của Nguyễn Khuyến và Hồ Xuân Hương:
 Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom (Hồ Xuân Hương)
 Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom (Hồ Xuân Hương)
 Ðức thầy đã mỏng mòng mong (Nguyễn Khuyến)
 Quyên đã gọi hè quang quáng quác (Nguyễn Khuyến)
 Gà từng gáy sáng tẻ tè te (Nguyễn Khuyến)
2. Láy biểu thị ý nghĩa lặp đi lặp lại:
a. Lập lại, tăng cường ý nghĩa:
 






























































xanh--->xanh xanh Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu (Chinh Phụ Ngâm)
ngùi--->ngùi ngùi Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi (Chinh Phụ Ngâm)
dặc--->dặc dặcÐưa chàng lòng dặc dặc buồn (Chinh Phụ Ngâm)
ào--->ào àoThét roi cầu Vị ào ào gió thu (Chinh Phụ Ngâm)
lớp---> lớp lớpLớp lớp mây cao đùm núi bạc (Huy Cận)
quốc--->quốc quốcNhớ nước đau lòng con quốc quốc (Bà Huyện Thanh Quan)
thùngthùng thùngThùng thùng trống đánh ngũ liên (ca dao)
trùngtrùng trùngNguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng (Chinh Phụ Ngâm)
Trời biếc biếc nước xanh xanh một vẻ (Nguyễn Khuyến)
Non non nước nước không nguôi lời thề (Tản Ðà)


b. Lập lại, diễn tả ý nghĩa tiếp diễn trong thời gian:  
  Mưa mưa mãi ngày đêm rả rích (Tản Ðà)
  Ðêm đêm cưới vợ, lại làm quan (Tản Ðà)
  Bước đi một bước giây giây lại dừng (Chinh Phụ Ngâm)


3. Láy biểu thị ý nghĩa xấu:
    Lập lại phụ âm đầu, thêm iếc, các nhà ngữ học thường gọi là hiện tượng iếc hóa, hiện tượng này ít thấy trong thơ:
 
 











   hát

--->

hát hiếc

kịch

--->

 kịch kiếc
 

     Nếu vần láy có chữ eo, nét nghĩa của từ bị xấu đi, theo Nguyễn Ðức Dân, ví dụ lượn lẹo, vòng vèo, lỏng lẻo, xiên xẹo, nghĩa xấu hơn lượn, vòng, lỏng, xiên và bạc bẽo, đói meo, lạnh lẽo, nhạt nhẽo có nghĩa xấu hơn bạc, đói, lạnh và nhạt.
     Ngoài ba tác dụng trên, láy còn có khả năng tạo từ mới, làm giàu ngôn ngữ:
 







   rối

--->

bối rối, rối rem, rối rắm, ..

vì thế từ láy giữ một địa vị quan trọng trong ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ văn chương.
    Ðái Xuân Ninh làm một thống kê về từ láy trong các tác phẩm của bốn thi sĩ: Chế Lan Viên, Tố Hữu, Ðoàn Thị Ðiểm(6), Nguyễn Du và nhận thấy hiện tượng sau đây:
- Thơ Chế Lan Viên, trong 1600 câu có 70 từ láy, tỷ lệ 22 câu có 1 từ láy.
- Thơ Tố Hữu, trong 3157 câu có 375 từ láy, tỷ lệ 8,5.
- Chinh phụ ngâm: 452 câu có 85 tỷ lệ 5.
- Kiều: 1000 câu đầu có 218 từ láy, tỷ lệ 4,5.
 Và đây là cách dùng từ láy trong Chinh Phụ Ngâm:
 Trĩ xập xòe mai cũng bẻ mai
 Khói mù nghi ngút ngàn khơi
 Con chim bạt gió lạc loài kêu thương
 .....
 Gà eo óc gáy sương năm trống
 Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên
 Khắc trời đằng đẵng mấy niên
 Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa
     Tóm lại Nguyễn Du và Phan Huy Ích dùng từ láy gấp năm lần Chế Lan Viên. Ðiều đó giải thích sự giàu có về âm nhạc và hình tượng trong thơ cổ điển.
     Từ láy có thể xem như đơn vị song song nhỏ nhất trong ngôn ngữ, là sự hòa phối âm thanh và ngữ nghĩa giữa hai yếu tố tương đương hoặc đối lập, tự bản chất đã  có khái niệm nhị nguyên của đời sống, mang sẵn hình ảnh âm dương, hai yếu tố tác thành mối sinh động của muôn loài. Cấu trúc này giải thích khả năng biểu cảm, biểu niệm, tượng thanh, tượng hình của từ láy, giúp người đọc, người nghe không những nhận diện được vật thể bằng tên gọi, mà còn hình dung ra dáng dấp, nghe được âm thanh và đôi khi cảm thấy cả chuyển động của vật thể. Do đó, từ láy có một địa vị quan trọng trong thi ca, mà cấu trúc cơ bản dựa vào hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc: Dòng nước là một vật thể, nhưng khi Nguyễn Du viết: Nao nao dòng nước thì chính nao nao đã trở nên tâm hồn của dòng nước, biến dòng nước thành một nhân cách. Nắm đất là một vật thể, nhưng sè sè nắm đất ngoài nghĩa thường là nắm đất thấp còn có nghĩa là nắm đất đang chuyển động, đang sè sè bắn ra những dấu hiệu muốn kể lể nỗi niềm với Kiều:
 Nao nao dòng nước uốn quanh
 Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
 Sè sè nắm đất bên đường
 Ràu ràu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh 

II. Tính chất song song trong thơ
     Theo Jakobson(7), tính chất song song trong thơ được khám phá qua nhiều giai đoạn:
     Từ ngữ "song song" xuất hiện lần đầu trong thi học năm 1778, khi Robert Lowth khảo sát về thơ cổ tiếng Hébreu của người Do Thái, tuyên bố: "Tôi gọi tính chất liên vận giữa hai câu thơ là tính song song." Hai từ, hai ngữ đoạn hoặc hai câu thơ cạnh nhau được gọi là song song khi chúng đáp ứng tính chất sau đây: Tương đương hoặc đối lập về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa. Lowth phân biệt ba loại song song:
Song song tương đồng: Hai câu thơ đi đôi, có quan hệ tương đồng trong âm và nghĩa.
 Chòng chành như nón không quai
 Như thuyền không lái, như ai không chồng.
 (Ca dao)
Song song đối ngẫu: Vế đối vế, từ đối từ.
 Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn,
 Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.
 (Cung Oán)
Song song tổng hợp: Hai câu thơ cạnh nhau có quan hệ tương liên, câu sau bổ nghĩa cho câu trước, cả hai hợp thành một toàn bộ hoàn chỉnh.
 Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
 Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
 (Chinh Phụ Ngâm)
 Trăm năm trong cõi người ta
 Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
 (Kiều)
(Song song tổng hợp giữ một địa vị quan trọng trong thơ cổ điển, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này).

    Ba thể loại song song ấy tính chất khác nhau, hiệu quả khác nhau, hiện diện trong cấu trúc thi ca, tạo nên một toàn thể đa dạng và thẩm mỹ.
     Năm 1928, J. F. Davis trong khi khảo sát thơ Trung Quốc, đã tìm thấy tính chất song song tổng hợp mà Lowth còn gọi là Tổng hợp - Xây dựng, như một đặc tính cơ bản trong cấu trúc hình thức thơ Trung Quốc.
     François Cheng sau này (1977), khi khảo sát ngôn ngữ thơ Trung Quốc, coi nguyên lý song song như sự thể hiện tư tưởng triết học biện chứng Trung Quốc, xây dựng trên nguyên tắc tuần hoàn và đối cực giữa âm và dương, giữa không và có, đặc biệt trong thơ Ðường. 

*

     Sự khám phá toàn diện về tính chất song song trong thơ kim cổ thuộc về Gérard Manley Hopkins. Trong một bài báo, khi còn là sinh viên, thiên tài này đã khám phá ra nguyên lý: "Tất cả thủ pháp của thi ca dựa trên nguyên tắc song song" (Toute forme d artifice se réduit au principe du parallélisme). Thơ dựng trên cấu trúc song song liên tục, đối cực hay đồng chiều:
Song song trong nhịp điệu: Nhắc đi nhắc lại một số chu kỳ ngắt câu:
 2/2/2: Dưới dòng / nước chảy / trong veo
           Bên cầu / tơ liễu / bóng chiều / thướt tha
                                            (Kiều)
 2/2/3: Sóng gợn / tràng giang / buồn điệp điệp
           Con thuyền / xuôi mái / nước song song
                                           (Huy Cận)
 3/3: Mai cốt cách / tuyết tinh thần
                                           (Kiều)
 4/4: Mỗi người một vẻ / mười phân vẹn mười
                                             (Kiều)
 v.v...
Song song trong âm luật: Lập lại một số chu kỳ chữ: bốn chữ, ngũ ngôn, lục bát, song thất, song thất lục bát, ...
 Tám chữ: Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt
                Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi
                Du khách đi, du khách đã đi rồi.
                                                   (Xuân Diệu)

Song song trong niêm luật: (bằng trắc)
 Ngũ ngôn: Cử nhân cậu Ấm Kỷ
                  Tú tài con Ðô Mỹ
                  Thi thế cũng đòi thi
                  Ối khỉ ơi là khỉ
                             (Tú Xương)

Song song trong sự láy âm vị (phonème)
 Láy nguyên âm:
  Ðố ai biết lúa my cây
  Biết sông my khúc biết mây my tng
 (Ca dao)


 Láy phụ âm:
  Ðầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông  (Kiều)
  Những luồng run rẩy rung rinh lá  (Xuân Diệu)
 Láy âm tiết:
  Sương nương theo trăng ngừng lưng trời  (Xuân Diệu)
 Láy hình vị (morphème):
  Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình Cung Oán)
 Láy từ:
  Gió theo lối gió mây đường mây   (Hàn Mạc Tử)
 Láy đoản ngữ (cụm từ):
  Làm cho cho mệt cho mê
  Làm cho đau đớn ê chề cho coi   (Kiều)
 Láy câu:
  Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông  (Bích Khê)
  Người ơi! Người ở đừng về
  Người ơi! Người ở đừng về  (Quan họ Bắc Ninh)

     Nguyên lý song song trong thơ phải chăng đi từ song song trong từ láy? Hay bắt nguồn từ tuổi thơ khi trẻ con ê a lập lại tiếng mẹ đẻ? Bập bẹ tập nói, con người đã ứng xử song song trước cuộc đời? Hay song song thể hiện cái lý nhị nguyên trong đời sống qua hai yếu tố âm dương kết hợp?
     Dù sao chăng nữa, song song không phải là sự lập lại tầm thường mà đó là một cấu trúc nghệ thuật có tổ chức, nằm trong một tổ chức rộng lớn hơn: hệ thống ngôn ngữ. Và François Cheng đã không lầm khi ông nói một cách rất hàm súc: nguyên lý song song là một toan tính tổ chức không gian trong diễn biến thời gian của ký hiệu ngôn ngữ (tentative d organisation spatiale des signes dans leur déroulement temporel)(8).
 A: Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
                         Thiên địa phong trần
 B: Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
                         Hồng nhan đa truân
     Hai câu thơ Chinh Phụ Ngâm nói về số kiếp gian truân của người phụ nữ trong cơn phong trần chung của cuộc đời. Câu A, tiền đề, bối cảnh vũ trụ (trời - đất) mênh mông, mịt mùng gió bụi. Câu B đến sau, đi vào thực tiễn số phận con người, người phụ nữ. Câu A mở rộng không gian vũ trụ. Câu B đi vào thế giới nhân sinh. Tính cách vừa độc lập, vừa chuyển tiếp, vừa bổ xung, đối xứng, hiện diện đầy đủ trong hình thức song song này. Ðộc lập: vì cả hai tách rời đã là một "thể" (forme) toàn bích. Ðối xứng: vì đối diện vũ trụ với con người. Nhưng khi để cạnh nhau thì lập tức phát sinh sự chuyển tiếp và một sức hút vô hình giữa A và B: Câu A đã làm xong chức năng nghệ thuật. Có thể đứng vững một mình. Câu B đến. Không phải để tiếp tục ý nghĩa và hình ảnh của câu A, mà để mở ra một bối  cảnh khác. Bối cảnh thứ hai này, vừa song song với bối cảnh thư nhất, vừa đối cực với bối cảnh thư nhất (vũ trụ trời đất - thế giới nhân sinh), vừa có tính cách xác định câu đầu (trời đất và nhân sinh cũng đảo điên giống nhau), vừa biện hộ cho sự hiện diện của chính mình (chẳng hạn như số phận của người đàn bà).
     Tính chất vừa đối đáp vừa bổ xung giữa hai yếu tố độc lập làm thành một toàn thể nhất quán và hoàn chỉnh khiến như cả hai tự cấu tạo một vũ trụ riêng, bền bỉ, trong không gian, thoát khỏi sự tàn phá, hủy hoại của thời gian để trở thành vĩnh cửu.
Paris 3/1995

 
 Chú thích:
(1) André Georges Haudricourt (1911) chứng minh rằng tiếng Việt không thuộc dòng Hán, mà thuộc họ Nam Á, và có liên lạc mật thiết với ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số trên đất Việt.
(2) Hình vị (morphème):  đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ, có ý nghĩa.
(3) Hình vị tự do: tự nó có thể làm thành một từ như: lạnh, mờ, ..
(4) Hình vị giới hạn: tự nó không làm thành một từ như lẽo trong lạnh lẽo, trẻo trong trong trẻo, v. v...
(5) Nguyễn Phan Cảnh trong Ngôn Ngữ Thơ cho rằng từ láy âm nhòe hơn láy nghĩa, vì ấn tượng âm thanh khó xác định hơn ấn tượng về ý nghĩa.
(6) từ năm 1952, trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh Phan Huy Ích là dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm hiện dùng.
(7) Questions de poétique (Những vấn đề thi học), Roman Jakobson, Editions du Seuil, 1973
(8) L écriture poétique chinoise - François Cheng, Editions du Seuil, Paris 1982.

<< VII. Cấu trúc hình thức thi ca | IX. Phân tích bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 714

Return to top