Hai chữ
tự do tiềm ẩn trong sáng tác. Nhưng
thơ và
tự do là hai người bạn đường không hoà thuận vì chính cấu trúc vần điệu và niêm luật của thi ca đã phần nào gò ép, cưỡng bức tự do.
Ý thức sáng tạo thúc con người tìm cái mới, và ý thức tự do dục nhà thơ đạp đổ những gò ép cưỡng bức của vần điệu, niêm luật để tìm đến một vùng đất mới mà thơ và tự do có thể sống chung hoà bình.
Khuynh hướng phá rào trở thành một phong cách sáng tạo nằm trong quy luật đổi thay của trời đất và thế hệ nào cũng có những nhà thơ bỏ rơi thời đại mình để làm
tiền trạm cho người tương lai (tiếng của Breton). Nguyễn Trãi, một tâm hồn avant-garde, cách đây năm thế kỷ đã viết:
Tuổi già, tóc bạc, cái râu bạc
Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh
hoặc:
Con cờ quẩy - rượu đầy bầu
Ðòi non nước - chơi quản dầu
Ðạp áng mây - ôm bó củi
Ngồi bên suối - gác cần câu.
Bất chấp trắc bằng, thơ Nguyễn Trãi sảng khoái, tự do, thoát tục, mang những hình ảnh mới lạ, ngang tàng, vừa không thể, vừa không tưởng lại mộng tưởng như
đạp áng mây, đòi non nước mà bốn thế kỷ sau, Breton định nghĩa đó là ngôn ngữ "siêu thực".
Những tâm hồn "nổi loạn" cá nhân như Nguyễn Trãi, Kim Thánh Thán, ... thường đơn độc, khó đem lại sự thay đổi toàn diện bộ mặt văn học. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dường như khát vọng đổi mới của con người đã chín muồi, nên khi Mallarmé ở Pháp vận động thay đổi ngôn ngữ (changer la langue), hô hào
"đụng đến câu thơ" (touché au vers), với hình ảnh
những hoàng hôn trắng (les crépuscules blancs) ... và Guillaume Apollinaire tiên phong làm thơ phá cách thì hầu như có một cố gắng tập thể xô đẩy bức thành kiên cố mà niêm luật đã áp đặt lên thi ca trong suốt 20 thế kỷ.
Tác nhân chính của những phá phách, đảo lộn trật tự là André Breton, người sáng lập trường phái siêu thực, năm 1920, năm Apollinaire qua đời.
Khởi điểm từ lý thuyết phân tâm của Freud về mơ (rêve), Breton định vị lại vai trò của mơ trong đời sống con người. Trong
Manifestes du Surréalisme (Tuyên ngôn siêu thực), Breton luận rằng: Ðối với con người, tổng số thời gian sống trong mơ (rêve), kể cả ngủ, không thua gì tổng số thời gian sống trong thực (tức là thức, réveil). Mơ và thực (hay thức) tương đương và đối chọi như đêm với ngày. Ðêm đôi khi còn "khôn" hơn ngày, đêm "khuyên" ngày (La nuit porte conseil). Breton phát hiện những nghiệm lý:
- Mơ là hiện tượng liên tục và có tổ chức.
- Sự mơ tưởng đến một hình bóng đã qua trong đời, chẳng qua chỉ là sự bắc cầu giữa quá khứ và hiện tại bằng hành lang mộng tưởng.
- Vấn đề "có thể" hoặc "không thể" không còn là nỗi ám ảnh của con người nữa. Tất cả đều có thể xẩy ra (tout est possible).
- Sự sống chung giữa mơ và thực trở nên một thực tế tuyệt đối. Thực tế ấy Breton gọi là siêu thực và đưa ra định nghĩa:
" Siêu thực là thao tác tự động thuần túy tâm linh, qua đó con người diễn tả bằng lời nói, bằng chữ viết hoặc bằng cách này hay cách khác; hoạt động thực của tư tưởng. Là bài chính tả mà tư tưởng đọc ra, vắng mọi kiểm soát của lý trí và ở ngoài vòng quan tâm thẩm mỹ hay đạo đức" (1).
Về mặt triết học, siêu thực -cộng hưởng giữa mơ và thực- dựa trên sự tin tưởng vào một thực tế cao hơn một số hình thức liên tưởng khác đã không màng đến mãnh lực của mơ mộng - trò chơi vô vụ lợi của tư tưởng. Ðối với Breton, con người bị giam hãm trong sự kiểm duyệt của lý trí, ngụp lặn trong những lề thói rập khuôn của ngôn ngữ sáo mòn mà họ nặn ra. Tác hợp mộng và thực là đập vỡ bức tường ngăn đôi con người với phần vô thức, để tìm thấy toàn bộ quyền lực của tri năng trong sáng tạo.
Breton kể một giai thoại về mình: Một hôm, trước khi ngủ, tôi chợt nghĩ ra một câu, đại loại:
"Il y a un homme coupé en deux par la fenêtre" (có một người bị cửa sổ cắt làm hai). Tôi sững sờ vì thấy mình vừa tìm ra một hình ảnh lạ và hiếm, rất thơ, nếu xét kỹ thì đó chỉ là hình ảnh một người nghiêng mình qua cửa sổ.
Và Breton kết luận:
Chất thơ được hình thành qua những hình ảnh thoạt nhìn có tính cách phi lý cao độ, nhưng sau khi khảo sát kỹ càng, tính cách phi lý lui dần, nhường chỗ cho những gì có thể chấp nhận được. Siêu thực là một thể cách nhìn cuộc đời không giống những khuôn sáo cũ. Reverdy viết:
Dans le ruisseau il y a une chanson qui coule (trong suối có một bài hát chảy). Le jour s est déplié comme une nappe blanche (ngày mở ra như một tấm khăn trắng). Lautrémont viết:
Rubis de champagne (hồng ngọc champagne) .... Từ đó, siêu thực hình thành một phương pháp tạo hình mới, không giống với những phương cách tạo hình cổ điển.
Trong nghệ thuật cổ điển và lãng mạn, hình ảnh được cấu tạo bằng những phép tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, đề dụ (Synecdocque), châm biếm, nói quá, nói nhún, ... Trong siêu thực,
sự gần gụi của những thực thể vô cùng xa nhau nẩy ra ánh lửa, bùng lên hình ảnh. Sự kết hợp này thường không thuận lý và bị lý trí phản kích. Mặc kệ. Nhà thơ cứ tiến, cứ sáng tạo những hình ảnh độc đáo, không tưởng, trải rộng chất thơ trong lượng ảnh và chất ảnh, trong cõi mộng-thực, thực-mộng của mình(2).
Ðể tạo hình, nhà thơ có thể dùng mọi thủ pháp, kể cả lựa cắt những chữ tình cờ trên báo, đặt cạnh nhau, (nếu cần thì giữ đúng cú pháp). Với lối cắt dán như thế, Breton sáng chế ra những hình ảnh lạ lùng như:
Un éclat de rire de saphir dans l ỵle de Ceylan (một tiếng cười lam ngọc trên đảo Tích Lan)... Thủ pháp "cắt dán" này không chỉ giới hạn trong thơ mà còn lan sang các ngành nghệ thuật tạo hình khác, chủ yếu trong hội họa siêu thực của Picasso, Chagall, Matisse ...
Breton tuyên bố:
"Hình ảnh đã làm chủ lý trí", và tâm hồn siêu thực giúp con người trở về thời điểm tươi đẹp nhất của tuổi thơ với những sinh vật kỳ thú mà óc tưởng tượng có thể sáng tạo ra như:
éléphants à la tête de femme (voi đầu đàn bà), lions volants (sư tử bay) hay poisson soluble (cá tan). Những hình ảnh kỳ lạ này thoạt trông rất phi lý, nhưng phân tích kỹ, chúng phản ảnh thực tại trong chiều sâu: Con cá tan, poisson soluble của Breton, chẳng qua chỉ là hình ảnh của con người qua bóng hình thi sĩ, vừa cá biệt: Breton cầm tinh con cá, vừa phổ quát: con người nào chẳng tan trong dòng tư tưởng của chính mình.
Những "quái thai" đầu người mình thú trong tranh của Max Ernst, Picasso, Dali, ... phản ảnh toàn diện phần người và phần thú cộng sinh trong mỗi sinh vật.
Nghệ thuật tạo hình cổ điển (trong họa và thơ), dựa trên thiên nhiên và vật thể, như một toàn bộ hoàn chỉnh nhìn từ phiá ngoài. Nghệ thuật siêu thực mở cửa vào nội giới của vật thể và đề nghị: chữ nghĩa, mầu sắc, hình thái ... tác hợp với nhau theo một luật chơi mới ... mở đầu một phong cách mới trong sáng tác và ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật trong suốt thế kỷ XX.
Về mặt thực tế, nhóm siêu thực có những hành động "ngược đời": Saint Pol Roux trước khi đi ngủ, treo bảng trước cửa "Thi sĩ đang làm việc". Trong
thời kỳ ngủ (L époque des sommeils), Robert Desnos "ngủ", nhưng viết và nói (ảnh chụp trong cuốn Nadja của Breton). Những hình ảnh này có vẻ trái khoáy đối với chúng ta, nhưng thật ra không xa thực tế của giới cầm bút: Những lời hay, ý đẹp thường phát xuất về đêm. Nhất Linh chuyên viết từ nửa đêm đến sáng. Nguyễn Hiến Lê luôn có giấy bút túc trực bên giường. Hoàng Cầm kể rằng bài thơ Lá Diêu Bông được "một giọng đọc" cho ông nghe trong giấc ngủ. Và như Desnos, Kim Trọng cũng đã sống những phút giây "siêu thực" với Thúy Kiều qua ngọn bút Nguyễn Du:
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê
Tiếng sen khẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng!
Siêu thực vừa là một khám phá, vừa là một nhận thức về thực tại mộng ảo trong thơ và trong cuộc sống; và thi nhân, không nhiều thì ít, đa mang tính chất siêu thực trong người. Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
là những câu thơ siêu thực. Và Cung Oán Ngâm Khúc "siêu thực" hơn Chinh Phụ Ngâm. Nguyễn Gia Thiều vào mộng nhiều hơn Nguyễn Du và Ðặng Trần Côn; thơ Ôn Như Hầu óng ánh những hình ảnh huyền ảo và không tưởng:
Hơi thê lương lạnh ngắt song phi huỳnh(3)
Cầu Thệ thủy(4) ngồi trơ cổ độ
Quán Thu Phong(5) đứng rũ tà huy.
Ôn Như Hầu có những câu thơ siêu thực tuyệt bút:
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh
...
Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương?
Trong thi ca của chúng ta,
từ Nguyễn Du: Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
đến Hàn Mặc Tử: Có ai nuốt ánh trăng vàng?
rồi Xuân Diệu: Trăng đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí
tới Hoàng Cầm: Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông
từ Phạm Duy: Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
đến Trịnh Công Sơn: Tuổi buồn đi trong hư vô
người nghệ sĩ xưa và nay đã gặp nhau trong sáng tạo, trong những hình ảnh siêu thực, lung linh, ảo hoặc, chao đảo giữa mơ và thực, giữa có thể và không thể, giữa nghệ thuật và cuộc đời.
Nói như thế không có nghĩa phủ nhận những đóng góp của Breton và của nhóm siêu thực. Người xưa lọc chữ, đã hình, vô tình mà "siêu thực". Breton khám phá và hệ thống hóa hiện tượng giao lưu giữa mơ và thực để tìm ra phương pháp tạo hình mới dựa trên căn bản tự do tuyệt đối trong cách chắp nối và lựa chọn các yếu tố ghép hình. Ðó là một trong những khác biệt căn bản giữa thơ cổ điển và thơ hiện đại.
Paris, tháng 8/1995
Chú thích (1)Automatisme psychique pur par lequel on se propose d exprimer, soit verbalement, soit par écrit, soit de toute autre manière, le fonctionnement réel de la pensée. Dictée par la pensée, en l absence de tout contrôle exercé par la raison, en dehors de toute préoccupation esthétique ou morale. [Manifestes du surréalisme] André Breton.
(2) Reverdy cho rằng: Ðặc tính của một hình ảnh độc đáo phát xuất từ sự gần cận ngẫu nhiên của hai thực tế rất xa nhau. Và Breton cực đoan hơn: Ðối với tôi, hình ảnh mạnh nhất là khi nó trình bày cấp độ tự do (le degré d arbitraire) cao nhất. Reverdy và Breton đã phần nào nói lên bí quyết tạo hình của siêu thực.
(3) Phi huỳnh: đom đóm.
(4) Thệ thủy: nước chảy.
(5) Thu phing: gió thu.