Tôi gặp lại hầu hết anh em bạn thời niên thiếu, những người bạn như tôi thuở đam mê văn nghệ. Một số khác đã có danh, công tác ở những tờ báo khác như Chu Tử, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn. Lê Xuyên. Các anh viết cho tờ báo trong đó có tôi hợp tác, vì tình cảm chứ không vì tiền nhuận bút. những người làm việc cật lực để hoàn tất số báo là vợ chồng TDTừ, Nhã Ca, Tú Kếu và tôi.
Tờ tuần báo Ngàn Khơi nghèo nàn đến thảm hại. Toàn là do sự góp công góp sức của các anh em văn nghệ sĩ nghèo. Riêng tôi chưa dám xài danh từ ấy, dẫu là có mơ ước. Tú Kếu và tôi được nôi cơm ngày hai bữa, buổi sáng có gói xôi đồng bạc, ly cà phê đen nhỏ, điếu thuốc. Nhưng chúng tôi làm việc từ A đến Z, không nề hà bất cứ một công việc gì. Tuy thiếu thốn, nhưng tôi lại có một thể hình trâu nước, không ốm đau bệnh tật, nên anh em goọi tôi là thằng trâu nước, những công việc náo nặng nhọc quá tôi gánh thay cho Tú Kếu. Như chạy lên chạy xống bộ thông tin, đi lấy bài vở anh em, có khi chở xe đạp theo Tú Kếu, để nâng cao uy tín lấy bài được chóng vánh, vì khi đó tôi chưa là gì cả, một anh loong toong, tuỳ phái, sai vặt...Đôi khi đi đường đánh lộn để bênh vực Tú Kếu vì hắn ta có tính láo ưa chửi bậy, cà khịa lung tung, bởi cái tính hắc xì xằng kiểu lý tưởng nhà quê. Phần phải về Tú Kếu đôi khi chỉ có 30%, nhưng không lẽ vì vậy mà bỏ bạn sao. Anh em vì vậy cũng gọi tôi là " nhà văn du đãng ". Cũng được, chẳng sao. Tú Kếu chỉ nặng hơn 30 ký lô, có phải chở đi từ đầu SG đến Vò Gấp nhà Đằng Giao để lấy hình vẽ đi làm cliché cũng chẳng nhằm nhò gì.
Công việc mà tôi coi là mệt nhọc nhất là đi xin bài cho báo, các ông nhà văn vốn tính lười biếng, hứa hẹn cho đã miệng rồi khi nước đến chân mới nhảy. Có hôm hai giờ sáng tôi còn phải ngồi chờ bài ở nhà người viết cuối thành phố. Cà phê thuốc lá cho đàn anh viết bài, ban cho những câu văn thơ quí như châu ngọc. Nhà văn đặt bút xuống bàn, ngáp dài, nói torng nụ cười mệt mỏi:
- Cậu thông cảm nhé, không phải vì viết không tiền tôi lười biếng đâu, có tiền cũng vậy thôi, tính tôi thế, anh em mình mà...Mà này, đừng coi này tầm thường, tác phẩm lớn đấy. Nếu thấy còn thiếu thì thêm cái " vi nhét " chậu bông chạu hoa gì vào cũng được.
Thuở đó in báo còn dùng kỹ thuât ti pô, chưa có vi tính như bây giờ nên cực vô cùng, mà tôi với những anh em đam mê. Làm thế nào cho có chữ nghĩa thì thôi.
Tôi giao bài cho Tú Kếu đưa sắp chữ, tôi lăn ra ngủ trên những ram giấy in. Tiếng máy in chạy không làm rộn giấc ngủ của tôi, nói thật tình tôi coi cái âm thanh đó êm ái như tiếng ru của mẹ thuở ấu thơ. Lại mơ mộng rồi thăng hoa tầm bậy. Thực tế không phải như thế, vì thói quen bạ đâu ngủ đó thôi.
Tôi bắt buộc phải thôi nghề cu li đổ bê tông, ống cống, cọc hàng rào ấp chiến lược. Vì chủ thầu lỗ lã quá nặng, nhà nước không thanh toán tiền bạc lấy cớ là thời cuộc đang rối ren. Chủ thầu và các cu li uống với nhau những chén rượu tạm chia tay, hẹn ngay tái ngộ rồi đường ai nấy đi.
Mãi 20 năm sau, khi tôi ngã ngựa, phải buông cây bút, hết thời, tôi và một vài anh embạn đồng nghiệp trở lai làm nghề cu li nay không còn gọi là cu li nữa mà là công nhân. Danh từ nghe cũng hay hay, dân chủ lắm.
Sau bỏ nghề cu li, tôi đi một lèo sang Tú Kếu, TDTừ. Anh em đón tiếp tôi nói rõ điều kiện hợp tác và hoàn cảnh tờ báo hiện tại, kể cả sự nguy hiểm. Tôi chấp nhận. Nụ cười của Tú Kếu thoải mái dễ thương....
- vậy là thêm một thằng nhập bọn " vác ngà voi ".
Tú Kếu vẫn thường có giọng điệu khôi hài như vậy, từ khi anh chuyển sang làm thơ tráo phúng, thơ anh mang bút hiệu Tú Kếu, nghe tếu, châm chọc đủ thứ, đủ mọi loại người không ra gì trong xã hội, bất chấp quan quyền đương thời, bọn đạo đức giả.
Chúng tôi cần cù chăm lo tờ báo. Nhưng báo đã đuối sức quá rồ, bị ngăn chặn phát hành, bị bộ tông tin đục đẽo nham nhở, tờ báo có cơ chết non. Vợ chồng Bạch Ngọc chỉ có nhiệm vụ chạy giấy in và lo khất nợ tiền in với ông nguyễn Đình Vượng.
Thi sĩ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, một nhà thơ tài năng người miền Nam, dĩ nhiên thi sĩ thì nghèo rồi. Anh thỉnh thoảng đăng thơ trên báo Ngàn Khơi, anh em thấy không trả nhuận bút thì tội anh quá, bèn giao anh mỗi tuần mười số báo để anh tự bán lấy tiền tiêu, giúp đỡ cho vợ con anh phần nào. Nhà anh trong ngõ hẻm lấy lội đường Nguyễn Cư Trinh, cũng gần toà soạn.
Một hôm thấy anh chạy sang rủ tôi đi uống cà phê, tôi hỏi:
- Mày không bán báo à ?
- Bán rồi !
- Sao nhanh thế ?
- Tao bán mão !
- Bán mão là sao ?
- Bán lần một !
- Mày để lại cho người khác ?
- Bán cho con mẹ ve chai về làm bao gói đồ.
- Trời, còn độc giả thì sao đây !
- Độc giả cái con mẹ gì, còn chữ nghĩa đâu mà đọc. Bộ thông tin làm láng rồi......
- Theo đúng ra báo bán ve chai thì phải nhúng mực xanh mới bán vì đó là báo ế, báo tồn kho.
- Không sao, chẳng luật lệ mẹ gì hết, chuyện " chẳng đặng đừng " tao bán được tiền mua ký gạo cho mẹ con nó, còn tiền dư rủ máy đi uống cà phê đne nhỏ, hít điếu thuốc cho đời lên hương, mày lại viết văn còn tao thì mần thơ.....
Tiền bạc chẳng có bao nhiêu, nhưng Trần Tuấn Kiệt cũng đòi sang nhà in Nguyễn Đình Vượng rủ Tú Kếu đi uống cà phê. Nhà in NĐVượng là một nhà in nhỏ, nhưng tay nghề cao, ở đường Phạm Ngũ Lão chợ Thái Bình. Ông chủ nhà in là người yêu văn nghệ nên chịu đựng được bọn Ngàn Khơi. Con đường qui tụ nhiều tờ báo lớn nhỏ, cả những nhà xuất bản loại " bỏ túi " nhưng sẵn sàng " ăn to nói lớn ". Những anh nhà báo, nhà thơ, nhà văn qui tụ dài dài cả ở đấy, cả những tay đầu nậu xuất bản. Lần đầu tiên tôi đích thực tiếp xúc với các nhà văn, nhà báo, hoà nhập với họ. Biết cả những cái tốt và cái xấu mà nghề nghiệp mình theo đuổi hay đam mê, biết nổi giận khi nghề nghiệp của mình bị đàn áp, những bất công trong xã hội bị quyền lực giấu nhẹm hoặc bị bắt nói khác. Biết phẫn nộ khi quyền thứ tư bị chà đạp Giấy bút tôi ai lấy mất đi, tôi sẽ dùng dao khắc trên đá....Câu thơ ấy như châm ngôn dùng cho người viết văn làm báo thuở ấy. Ngược lại cũng có câu: Nhà báo nói láo ăn tiền. Cho những kẻ lợi dụng ngòi bút để làm mất phẩm chất cao quý của nghề nghiêp. Một chốn vàng thau lẫn lộn. Và biết thế vàng có đãi mới thấy, chất ngọc đích thực ở trong đá, phải tìm mới ra. Chuyện đó không phải không gian nan vất vả. Còn chuyênnọi thì dễ thôi, ai nói không được.
Những việc làm quá quắc của nhà nước với báo chí gây thành phong trào chống đối mỡi lúc một rộng lớn, đánh thức lương tâm của mọi hạng người. Những bắt bớ, những đàn áp, những thiệt hại cho dân được nhà nước nhân danh thượng tôn pháp luật, chính trị bị dân coi thường và coi là những biện minh xảo quyệt.
Những bài thơ trào phúng của Tú Kếu bây giờ trở thành món ăn tinh thần của độc giả, cả ông chủ nhà in NĐVượng, ông thường đòi thợ in phải " vỗ phông " ra một bản riêng cho ông đọc, trước khi đem đi kiểm duyệt để chịu sự đục đẽo. Vì sự thông cảm đó mà ông Vượng cho thiếu tiền in chồng chất.
Ông còn đề nghị:
- kệ nó, cứ in nguyên bản một vài chục số, sau này còn phải giữ lấy nó làm tài liệu chứ.....
Với lòng háo thắng của đám anh em chúng tôi, những tờ báo nửa nọ nửa kia đó trở thành báo lậu. Tờ báo được sự bí mật trợ giúp của một số độc giả nên vẫn ngắc ngoải sống được. Mật vụ đánh hơi thấy, dĩ nhiên cũng cho người len lỏi vào để nhận diện, từng tên một, được đánh giá, rồi sẽ giăng môt mẻ lưới....Chúng tôi là một đám người điếc không sợ súng. Sợ đã sợ quá mất rồi nên không còn biết sợ là gì nữa. Và chẳng còn biết an phận là gì, dù thân phận thường xuyên đói rách. Những bài thơ củ Tú Kếu, nay gọi là thơ đen ngày càng kinh khủng hơn, như những phát đạn bắn vào thành trì độc tài, bất công. Nhã Ca làm một bài thơ tha thiết cho xứ Huế. Bài " tiếng chuông thiên mụ ". Đỗ Quý Toàn với bài thơ " Lửa ", bừng bừng khí thế đấu tranh, ngày ngọn lửa thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức ngút cao, đánh thức lương tâm loài ngưòi. Lilêm sĩ của con người được thể hiên trung thực qua ngòi bút, ngòi bút mảng mai và nền bỉ. Tất cả những xấu xa lừa gạt từ bất cứ đâu đến cũng sẽ được phơi bầy. Cái công tâm của người cầm cây bút có liêm sỉ phải đúng như vậy. Tôi mơ ước được mang nó đến trọn đời...Tôi yêu quí nghề ngiệp tôi đeo đuổi. Mộng thành văn sĩ đã đến chưa ? Với tôi là muộn màng rồi đấy.
Chúng tôoi sống với nhau thường xuyên đói rách, thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng vui. Lúc nào cũng vang tiếng cười, những chuyện vui dí dỏm thường xuyên giữa chúng tôi.
Chị vợ anh chủ nhiệm mặt méo sẹo, buổi sáng khi phải phát tiền ăn xôi, uống cà phê cho chúng tôi, mắt chị cận thị cứ nặng lên phải soi mãi đồng tiền nhôm lên xem có đưalộn đồng một đồng thành đồng hai đồng không. Có hôm tôi phải la lên:
- Đúng đồng một tì rồi, bà ơi, soi hoài thủng mẹ nó mất tôi làm sao mua sôi được nữa.
Chị Bạch Ngọc phì cười, chữa thẹn:
- Thì đây, các ông cầm lấy, nếu lộn thì trả lại cho tôi, tôi còn chia cho người khác, hai thằng con tôi còn chưa có kìa.....
Những ly cà phê đen nhỏ, điếu thuốc Bastos và nắm xôi làm chúng tôi tỉnh táo cả người sau những đêm thức trắng vàng cả mắt, nhìn gì cũng thấy màu vàng. Tú Kếu còn yếu hơn nữa, có những lúc anh gục đầu vì kiệt sức. Niềm đam mê làm việc bùng lên trong chúng tôi như những con bạc đến hồi khát nước. Làm việc và sáng tác như điên, bất kể thì giờ và sức khoẻ. Tay nghề viết của tôi cũng bắt đầu đi vào nhuần nhuyễn. Tôi không còn làm thơ được dù rất yêu thơ, tôi biết mình không có khiếu trong lãnh vực đó. Tôi thu gom một mớ truyện ngắn của mình cũng kha khá, những đề tài xã hội, đất nước, cuộc chiến....nhưng tôi vẫn chưa lấy làm hài lòng, vẫn còn những nét vụng về khi nhìn lại tác phẩm của mình. Như người hoạ sĩ nhìn lại những bức tranh mình sáng tác.....
Thời gian này tôi quen và thích đọc những truyện ngắn của Duyên Anh, nhất là những truyện viết về tuổi thơ, không biết có phải phản ảnh chính tuổi thơ của Duyên Anh hay không ? Sao nó bất hạnh và gian truân và mộng mơ đến thế: " Dưới giàn hoa thiên lý ; Con sáo của em tôi " Duyên Anh đã có vợ và con, vợ anh là con nhà đại dịa chủ ở Long Xuyên. Anh là Bắc Kỳ di cư, người xứ Thái Bình. Tô thấy trong truyện của anh nhắc đến cầu Bo ở Thái Bình hơi nhiều và trận chết đói năm Ất Dậu 1945, người xứ anh là nạn nhân chính trong vụ chết đói ấy. Anh tuổi hợi, nghĩa là hơn tôi ba tuổi, nhưng cũng dễ thông cảm nhau. Khi ấy Duyên Anh làm công chức, cán bộ gì đó ở Thanh Niên Cộng Hoà. Anh hay đến nhà in Nguuyễn Đình Vượngin sách báo gì đó trong bộ quần áo xanh cán bộ TNCH trên chiếc vespa Italic. Con người lúc náo cũng bảnh bao, mặt trắng và chải tóc mướt. Chúng tôi dễ thân nhau và cũng dễ mày tao chi tớ loan cào cào những lúc ngồi với nhau uống ly cà phê. Khi anh mua cho tôi khúc bánh mì thât dài thật to:
- Mày phải ăn thế này mới đủ được, cái thằng du đãng Trâu Nước.
- Nhưng....
- Không nhưng nhị gì hết, mày biết tao có vợ giầu mà, ở nhà vợ tao xào cho tao nguyên một chảo tim gan phèo phổi, ngày nào cũng vậy, tao ngán lên tận cổ, trong khi chúng mày lại thiếu thốn cả miếng ăn no bụng....
Con người Duyên Anh Vũ Mộng Long như vậy, pha chất kiêu, tếu khi nói chuyện, nên rất bị ngộ nhận. Điều đó tồn tại mãi trong anh cho đến khi anh qua đời. Cái tính huênh hoang không thay đổi và bất cần cải chính có lẽ vì thế đã hại anh. tìm môt con người đích thực ở Duuyên Anh là chuyện khó chứ không phải dễ. Nhưng mấy ai có thân tình và thì giờ để ngồi phân tích một con người. Tôi còn nhớ hai mươi mấy năm sau, sau khi đi học tập cải tạo về. Vợ con anh sau đó được bảo lãnh ra nước ngoài đi trước. Duyuên Anh gặp tôi ngồi ăn với nhau một bữa ban đêm ở chợ Thái Bình, trước nhà in Nguyễn Đình Vượng xưa. Anh đưa tôi xme moịo thứ giấy tờ ra đi theo diện ODP, nhưng rồi anh gấp lại:
- Tao đầy đủ giấy tờ ra đi hợp pháp, nhưng tao không làm chuyện này. tao vượt biên, đi vậy mới đáng mặt, tao lo chuyện này rồi, tao mới bán căn nhà ở Công Lý được mấy chục cây, tao sẵn sàng chi cho mày ba cây để ra đi....
Tôi chần chờ vì còn nhiều lý do. Duyuên Anh nói thẳng vào mặt tôi:
- Tao ít khi tốt với ai lắm, sau này mày đừng hối hận tao đã nói với mày như thế đêm nay.
Lần đó là lần cuối cùng tôi gặp Duuyên Anh, cho đến lúc anh qua đời, qua tin trên đài phát thanh ngoại quốc. Thế là tôi lại mất thêm một người bạn nữa ở nơi xa xôi...Tôi thắp cho anh một nén nhang sau khi nghe tin, hôm đó là một ngày giáp tết nguyên đán.
Không biết có phải là tình yêu ? Hình như là tình yêu, sau những ngáy tháng tôi có một đời sống dạc dài, trôi nổi. Con ngưòi tôi không còn gì là thơ mộng nữa và không thể có cái lãng mạn sướt mướt của một người viết văn tình cảm. Tuổi trẻ, tuổi yêu đương của tôi đã ném vào sọt rác rồi. Tôi làm sao có được các vuốt ve trữ tình, tôi ném vào tình yêu toàn chuyện kinh khủng, tàn bạo qua lối viết văn cộc cằn, đôi khi thô lỗ. Mà tôi cho đó là sự thât cần được nói lên. Có thể tôi đã sai, nhưng đó là lối của tôi. Tôi có thể cười hộc lên một cách bất lịch sự khi nghe lời tỏ tình êm dịu của một cặp tình nhân nào đó ở công viên hay một nơi phong cảnh hữu tình đẹp như thơ.....
Nói tóm lại tôi vụng về trong chuyện ấy. Nếu tôi không thể là một nhà văn có khiếu viết truyện tình yêu. Ngoài bìa sách không thể in được dòng chữ tâm lý ái tình tiểu thuyết. Chưa bao giờ tôi viết được một cuốn tiểu thuyết như thế suốt mấy chục năm cầm bút. Tôi không thể làm đệ tử hoặc theo bén gót được những bậc trưởng thượng Song An Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm, hoặc Tuyết Hồng Lệ Sử của Tầu.
Nhưng bây giờ viết ký ức, tôi nghĩ mình cũng có tí quyền viết về mình một chút chứ. Một chút hình như là tình yêu. nhưng mơ ước, những lãng mạn còm của tôi, một thời đã xa xôi. Xin ai đó thứ lỗi. Nàng, bà lão ở nơi xa xôi cách tôi nữa vòng trái đất...Chính vì đã đọc bài thơ Tình Già của Phan Khôi nên tôi cũng có chút ngậm ngùi và lòng cũng rung lên, không phải cơn sốt rét, mà thật đấy, văn nghệ đấy. 40 năm trước, một hôm tôi ngồi một mình ở toà soạn tuần báo Ngàn Khơi. Tôi cắm cúi viết truyện ngắn có tựa đề là Vác Ngà Voi. Trong khi phật Giáo đang đấu tranh tưng bừng. Chính chúng tôi cũng không biết bị vồ bắt lúc nào.
Tôi vừa viết, vừa gom góp một số truyện ngắn đã đăng báo để làm thành một tập. phải là một tuuyển tập truyện ngắn, như điều toôi mơ ước. những truyện này tôi chọn lựa và sẽ sửa chữa liên tục rồi gửi thằng em. Một ngày nào đó tôi sẽ mang ra trình làng những mẩu chuyện có đề tài quái gở. Không biết tôi có được chấp nhận hay không, chuyện ấy hạ hồi phân giải. Anh em thì nói tôi viết được, có những cái lạ mà nhà văn có đôi tay sạch sẽ không rớ tới. Vatồi cũng tin mình có chút tài năng để được làm nhà văn, điều mà tôi mơ ước từ tuổi hoa niên.
Tú Kếu thì hăng hái hơn, hắn động viên tôi:
- Cứ sáng tác đi, chẳng có gì đáng nản, cả tao cũng vậy, thơ của tao đâu có giống thơ " Lỡ bước sang ngang " của Nguyễn Bính, mình sẽ lập nên một nhà xuất bản, nghề in ở tay mình. Mày biết không mình sẽ lập nhà xuất bản lấy tên là Tiếng Nói.
Thế là tôi quên béng đi mọi chuyện thực tế vây quanh. tôi say sưa với Tú Kếu về nhà xuất bản Tiếng Nói chưa thành hình. Cứ nói cho sướng miệng rồi hạ hồi phân giải. tôi hùng hục viết, sáng tác. Nhà thường cúp điện, tôi tìm được cây đèn dầu cũ, đốt lên vửa đập mũi vừa sáng tác suốt đêm. tôi trở thành anh cận thị hơi nặng.....
Lúc rảnh rang tôi lại lấy giấy bút ra, viết những điều mình từng suy nghhĩ...Không biết nên gọi là nguồn văn lai láng hay lênh láng đây. Tôi không nghiêm chỉnh ở được một việc gì. Tôi biết mình cà chớn trong đời sống, vì vậy tôi thưòng hay thất bại. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...như câu xưng tội.
Nàng hiện ra lúc đó, khi tôi không chờ không đợi. Mái tóc dài bỏ xoã, mặt hiền lành trắng hơi chút xanh xao, chiếc áo dài lụa nâu, quần đen và một đôi quốc sơn đen, quai nỉ lông trắng, một người con gái giản dị, không một chút xe xua kiểu cách ở tuổi mới lớn. Nàng như một nữ tu, có lẽ một ni cô là hợp thời nhất. Tiếng nói nàng thât nhỏ nhẹ:
- Xin cậu cho cháu hỏi cậu Nhiên.
Tôi ngẩng lên khỏi đống giấy tờ bừa bộn:
- Cậu Nhiên nào, ở đây không có ai là cậu Nhiên hết.
- Cậu Nhiên cháu làm thơ, viết báo ở tờ Ngàn Khơi này mà.
- Vậy thì càng không thể có được. Tôi biết tất cả mọi thằng nhà văn, nhà thơ, nhà báo ở đây., có nhiều nhặn gì đâu, đếm trên đầu ngón tay, chỉ có mấy mạng thôi. Tôi kể ra cho nghe này.....
Cô bé rối rít:
- Dạ đúng rồi, cậu Tú Kếu chính là cậu Nhiên, cậu của cháu. Ở nhà thường hay gọi tên ấy, từ khi ở nhà quê xứ Sơn Tây kia. Cậu cháu đi viết báo, làm cách mạng nên nhiêu tên lắm, ngoài tên nguyễn Huy Nhiên ra còn tên Hoàng Bình Sơn, Trần Đức Uyển và bây giờ thì Tú Kếu.....
Tôi cười thoải mái:
- À ra thế, tôi không biết cái tên cúng cơm của nó, chắc cái tên này hồi còn ở nàh quê Tây Sơn nó đã dùng mua chức lý trưởng để gọi là quan lý, nên nó giấu tôi.
Không chừng nó đã cưới vợ tảo hôn rồi, nên bây giờ nó mới biết làm thơ.
- Không phải đâu cậu ơi. Cậu Nhiên cháu chưa bao giờ lấy vợ và cũng chưa mua lý trưởng.
Tôi cười vui vẻ, ngay lần gặp đầu tiên, trêu chọc thêm:
- Hoặc là chức trương tuần, tôi gọi nó là thằng trương tuần Nhiên, tôi cho nó vào tiểu thuyết. Thôi được rồi, ngồi chờ cậu Nhiên đi, nó ở bên nhà in cũng sắp về bây giờ.
Trong khi chờ đợi Tú Kếu, tôi hỏi cô bé:
- Tôi quen Tú Kếu lâu rồi, từng ăn một mâm nằm một chiếu với nó. Sao không nghe nói đến cô và cũng không thấy cô đến thăm ?
Cô bé bẽn lẽn:
- Cậu ấy chỉ đến thăm ở nhà cháu thôi, cậu ấy hay thuê nhà ở những nơi ghê quá à, ai mà dám đến. Cả tháng nay không thấy cậu ấy đến, mẹ cháu sai cháu đi chợ, cháu tạt qua xme cậu ấy làm ăn làm sao mà biền biệt.....
- Đơn giản thế thôi hả ?
Cô bé gật đầu thật thà:
- Dạ thế thôi, và xem cậu ây thiếu thốn gì....
- Thiếu thốn thì nhiều lắm kể không ra hết. Nhưng Tú Kếu còn có người nghĩ đến, chứ tôi thì bạc phước.
- Cậu...cậu...?
- Chính vậy, tôi mồ côi, không nguyên vẹn hai đấng song thân, mẹ ở xa, không ngưòi thân thích, nói ra mủi lòng lắm.
- Thế hả, cậu nói thật đấy chứ...nàng nhìn vào mặt tôi:
- Ấy, cậu đừng thề, cháu tin rồi, coi như cháu của cậu, cháu là Mai Kha, còn cậu là cậu Long phải không. Nhìn người là biết ngay, cháu có đọc mà.
Tôi xuýt nữa thì phì cười vì sự ngây ngô vô tội của cô bé. Tú Kếu lửng thững đi về. Mặt hắn ta lạnh như băng khi nhìn thấy cô cháu ngồi đó:
- Sao cháu lại đến đây ?
- Cháu tới thăm cậu mà, sao lâu quá cậu không đến thăm nhà cháu, cháu nghe nói mật vụ nó bắt mấy nhà báo nên lo quá.
- À chuyện đó có, nhưng cậu thì chưa, cháu thấy đó, chẳng biết lúc nào đâu mà nói trước....
- Dạ không nên nói trước, nó vận vào người thì khổ. Cậu Thu ở tù lâu rồi mà vẫn chưa ra.
- Ông ấy ra sao được nếu chế độ này chưa sụp đổ. Nó dụ ông ấy vào đảng Cần Lao Nhân Vị thì nó thả liền, nhưng có đồi nào.....
Tôi biết hai cậu cháu nói chuyện đến ai. Cái mặt anh chàng Tú Kếu có vẻ cau có, không biết có phải cau có vì tôi có mặt hay không. Nhưng thây kệ hắn, việc tôi tôi cứ làm. Hai người nói một tí chuyện gia đình, họ hàng bà con, Tú Kếu nhắc nhở cô cháu:
- Này cậu bảo cho mà biết, mày không đi biểu tình xuống đường nghe chưa, bọn chúng dã man lắm, chúng đáng cho bỏ mẹ....Mày cũng về bảo mẹ mày như vậy, bà ấy là tín đồ Phật Giáo cũng hăng tiết vịt lắm. Bọn cảnh sát dẹp biểu tình không chừa một ai đâu, ni cô phật tử nó đánh ráo đấy, bất kể già nua hay còn trẻ.
- Còn cậu thì sao, chửi chúng nó vừa thôi, cạu chửi cả bà Trần Lệ Xuân nữa.
- Con mẹ, không bà nào ở đây cả, nó sang Tây giải độc mà nói ngu như bò.
- Cậu nên giữ gìn sức khoẻ.
- Có sức khoẻ chó đâu mà phải giữ gìn, đói rách thường xuyên, làm việc như trâu mà vẫn thiếu ăn. Ngoài việc hỏi thăm cậu thì đã xong rồi đấy, cậu cám ơn, cháu có thể về, ở khúc đường đằng kia nó mới dẹp xuống đường đấy......
- Cháu không sợ, cháu phải mời cậu đi ăn uống gì chứ.
- Việc đó tốt thôi.
- Tú Kếu nhìn tôi. Cả Mai Kha cũng nhìn tôi cười cười. Tú Kếu hỏi:
- Hai đứa mày quen nhau chưa ? Hay phải để tao giới thiệu ?
Tôi trả lời liền:
- Mới quen nhau tức thì.
Tú Kếu lẩm bẩm:
- Mẹ sao mà nhanh thế, trông mặt thằng này tao thấy gian gian. Thôi được dù sao nó cũng là bạn tao, chúng tao hạt gao cắn đôi, nếu mày mời tao cũng phải mời nó.
Quả thật chúng tôi có chỗ thân tình như thế thật, như sáng nay hai đứa chúng tôi phải ăn chung một gói xôi, chia ra mỗi thằng được một véo, chẳng thấm tháp vào đâu. Được mời như cởi tấm lòng, dĩ nhiên tôi bằng lòng ngay. Ba cậu cháu cùng đi sang chợ Thái Bình. Cô cháu Mai Kha:
- Được rồi hai cậu ngồi ăn gì, cháu ngồi coi không, cháu chỉ uống môt ly chanh nóng thôi vì cháu ăn sáng rồi, lát cháu còn đi chợ rồi mới về....
Tú Kếu hình như quen với chuyện này, anh ta vào ngay hàng hủ tíu, chắc ăn hỏi:
- Thoải mái chứ ?
- Dạ ăn thì phải thoải mái rồi.
Có lẽ cô cháu Mai Kha vì thực thà không hiểu nổi câu hỏi của ông cậu, nên mới trả lời như thế. Tú Kếu nói với tôi:
- Mày thấy không, gọi luôn cà phê đi cho tiện việc sổ sách, hôm nay mình uống cà phê sữa một phen, đừng có khách sáo mà làm mất tinh thần đi. Sao cái mặt mày coi khó ưa quá vậy, chẳng thấy mày phát ngôn được một câu nào.
- Tôi có tính xâu, chưa ăn thì chưa nói.
- Thì ăn đi, như tao, đừng khách sáo nữa coi rởm lắm, mất chỗ thân tình đi, cháu tao cũng như cháu mày. Cuộc ăn uống " bấu xấu " diễn ra ác liệt và rất tận tình. Mỗi thằng ăn tới ba tô hủ tíu vị chi là sáu tô, hai ly cà phê sữa, một ấm trà, hút hết một gói thuuốc lá Ruby. Cô cháu chỉ uống một ly trà chanh nóng mà còn bỏ giở. Cô bé khi trả tiền thì mặt biến sắc, nàng hết nhẵn cả tiền đi chợ. Đúng là gặp ngay hai thằng cậu " ma đói ". Chắc là cạch tới già...Tôi tự trách mình sao mà tôi vô tình đến vậy ? nàng có thể oà khóc như trẻ thơ khi bị ăn dỗ. Lại là tiền chợ mẹ giao cho mới mệt.
Tú Kếu vẫn vô tâm vô tính:
- Chợ đây, mày đi chợ đi, hai cậu xách giỏ cho.
Giọng Mai Kha hơi run:
- Thôi mà cậu, cháu hết cả tiền đi chợ rồi, để cháu về chợ Nancy gần nhà, có hàng quen.
- Mẹ mày thì đánh chết, mày cứ nói đi chợ bị móc túi hết tiền rồi.
Cô bé bây giờ mới rơm rớm nước mắt, có thể oà khóc:
- Không, cháu không nío dối, nói dối là có tội.
- Thôi thì kệ mày....
Tự nhiên tôi ân hận, thấy khó xử trong hoàn cảnh này và có ấn tuơng tốt về một cô bé, mặc cảm xấu xa về chính mình cũng dậy lên trong lòng tôi. Sao tôi lạ thế nhỉ, mới lần đầu tiên gặp cô bé, chẳng biết giới hạn mình. Nhiều năm trời trôi qua, Mai Kha có thể quên, nhưng tôi thì nhớ mãi....Khi nhìn cô cháu từ giã hai ông cậu ôn dịch, tôi đứng nhìn theo chiếc áo dài màu nâu non của nàng, tôi nói một mình, nhưng Tú Kếu cũng nghe thấy:
- Một nàng tiên nâu.
- Con bé đó là một nàng tiên nâu, mày nghiện thì bỏ mẹ.
Hai đứa đành cười xoà, vì biết làm gì hơn được. Tôi nói cho đỡ ngượng: " Lần sau thì cạch mặt hai ông cậu ! " Tú Kếu nói : " Không đâu, nó rất tốt và thông cảm, nó biết cậu nó là con ma đói thì bạn của nó cũng vậy, một tuồng như nhau ".
Hình như là tình yêu, tôi chỉ dám lãng mạn ngầm. Nói ra thằng bạn tôi cười chết. tô thầm mong Mai Kha không cạch mặt tôi. Tôi cứ dính lấy Tú Kếu thì có cớ ăn theo.
Nắng SG vẫn rực rỡ.