Bấy giờ là cuối mùa hè năm 1943. Mấy năm trước tôi đã có lần gặp Như Phong, nhưng chúng tôi chưa quen nhau. Tôi chỉ biết trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy tôi đã đọc những truyện ngắn Như Phong từ hồi tôi làm nhà Bata, mua báo Tiểu thuyết thứ bảy bán cân. Truyện có một không khí mới, đem đến những suy nghĩ man mác đẹp cho người đọc. Anh hoạt động phong trào Thanh niên Dân chủ.
Tôi đã có lần gặp anh ở toà báo Thế Giới, phố Phạm Phú Thứ gần chợ Hàng Da. Tôi đến đây vì thích nghe các anh ở toà soạn hay nói chuyện thế giới đại đồng và chủ nghĩa cộng sản.
Hồi ấy, tôi chưa vào nghề văn.
Một bạn ở toà báo đã trỏ Như Phong và Trần Mai Ninh cho tôi trông thấy. Tôi lại nghe đồn Như Phong, trong ngày cưới, không chịu lễ sống các bề trên nhà gái, vì vậy nhà gái không cho đón dâu. Tuy thế, chuyện bản lĩnh con nhà giàu ấy cũng thật xa xôi với tôi. Tôi yêu văn Như Phong và vì tôi biết anh tham gia cuộc đình bút của các nhà văn chống ông chủ xuất bản Tân Dân. Anh đã bị mật thám Pháp bắt, sau khi các tổ chức báo chí công khai của đoàn thể phải đóng cửa. Những diều đó đủ cho tôi thật bồng bột, khi gặp Như Phong.
Như Phong bảo tôi:
- Đoàn thể muốn gặp...
Tôi chỉ nhớ Như Phong cho một cái hẹn, đưa tôi quyển Tuyên ngôn, chương trình và điều lệ Việt Minh, một tờ báo Cứu Quốc. Sách báo bí mật của Tổng bộ Việt Minh hồi ấy in li-tô giấy xanh, gấp cả hai thứ lại chỉ báng bàn tay.
Tôi biết đây là sự tin cậy, mặc dù chúng tôi chưa thật biết nhau. Thời kỳ ấy, thanh niên khao khát lý tưởng, như người đi nắng khát nước, chỉ nghe đồn cũng đã tìm đến bày tỏ nỗi băn khoăn và đánh bạn với nhau. Những người yêu văn những người viết văn cùng một lứa, chỉ đọc một truyện ngắn một bài thơ với những lời xa xôi bằng những chữ Ngày Mai, Trời Hồng, Nhân Loại... viết hoa, thế là chúng tôi đi tìm gặp nhau. Chúng tôi hiểu đấy là người cùng chí hướng.
Đến ngày hẹn, tôi đi tàu điện xuống Quán Thánh, rồi rẽ về Hồ Tây, qua đường Cổ Ngư, lên phố "Lốc cốc No"(1).
Cũng con đường này, những năm trước, tôi đi học trường Yên Phụ.
Tìm đúng số nhà 126, tôi gõ cửa.
Cái cửa gỗ màu gụ, chạm trổ, có quả đấm sứ và rèm vải treo trong. Đấy là một nếp nhà và một căn phòng đẹp. Nhà lát đá hoa, ghế sa lông, lịch treo tường, thoáng và đơn giản, lịch sự.
Mở cửa mời tôi vào là một thanh niên. Anh mặc sơ mi trắng, đeo kính trắng và tự giới thiệu tên là Uy. Chỉ một cái bắt tay chặt và cách nhìn nhau, nói thế, cũng như với Như Phong hôm trước, chúng tôi nghiễm nhiên coi như đã biết và ngầm hiểu chúng tôi gặp nhau để làm gì.
Trường tiểu học Yên Phụ ngày trước ở gần đây. Tôi ăn cơm đầu ghế buổi trưa chỗ hàng cơm bên cạnh nhà máy điện đầu lối vào Ngũ Xã. Hàng ngày trước kia, tôi vẫn đi qua cái nhà này. Đây là một dãy nhà sang, thường chủ Tây ở, hoặc nhà của những người đi làm có xe đạp, xe nhà. Nhà nào cũng nhiều buồng, bên cạnh có đường sỏi và dàn hoa, lối cho ôtô, xe nhà, đi cổng riêng. Tôi không thể tưởng rồi ra có ngày đi họp cách mạng, tôi lại vào cái nhà này.
Bấy giờ còn chạng vạng, chưa tối hẳn. Tôi ngồi trong phòng trông ra cửa nách. Qua bóng loáng thoáng xanh đen lá cây na thấp ven tường, thấy đằng cửa nhà máy diện Yên Phụ có một người xuống xe tay, đi lại phía này, lững thững như người đi bách bộ.
Tôi nhận ra đấy là Như Phong. Trước nhất ở dáng người bệ vệ, bộ quần áo tờ rô xám sáng, nách kẹp mấy quyển sách, đầu để trần, miệng ngậm cái tẩu gộc. Với tôi, đấy cũng là hình ảnh hấp dẫn của một kiểu nghệ sĩ.
Một lát, thấy Nguyên Hồng và Học Phi đến. Nguyên Hồng là nhà văn nổi tiếng, đặc biệt khác lạ với những nhà văn tôi đã đọc. Những truyện anh viết về đời anh và cảng Hải Phòng sôi nổi cảm động, thiết tha. Và gần gũi bao nhiêu, khi đọc thấy anh kể anh nghèo lắm, anh ngồi viết chuyện đời anh từ năm anh mười sáu tuổi như thế nào. Trong gian nhà lá, cái mái ọp ẹp tối, sát đầu, kê giấy lên mảnh ván mặt chiếc hòm phản, cạnh vại nước ăn. Cứ thế, viết suốt ngày đêm đến đau cả ngực... Những chi tiết ấy kích thích tôi. Thoạt trông vẻ tất tưởi mà lại như không cần gì ai, tôi đã có cảm tình, lại nghĩ đây là người nghệ sĩ, một nhà văn của giai cấp công nhân, như Mácxim Goócky.
Tôi vừa có mấy cái truyện ngắn in trên tuần báo Hà Nội Tân văn được toà soạn trả tiền nhuận bút. Thế là tôi quyết định vứt những công phu chờ đợi và chạy chọt tìm việc làm, bước vào nghề viết. Bởi vậy, cái gì của người viết văn, tôi đương mộ, tôi đều thấy hay, muốn học đòi. Dáng dấp đĩnh đạc, bề thế của Như Phong, cách người lam lũ với vẻ mặt cóc cần đời của Nguyên Hồng đều làm cho tôi yêu cả.
Học Phi là người tôi biết mặt từ hồi "Bình dân". Năm ấy, tôi hay viết tin chống thuế, tin thợ dệt tranh đấu, tin hoạt động Ái hữu thợ dệt ở vùng tôi. Có khi tôi làm thơ. Thơ tôi gửi nhiều nơi mà chưa báo nào đăng. Tôi quý báo Tin Tức, báo Đời Nay vì các toà báo này hay góp ý kiến cả về cách viết từng câu kỹ lưỡng, dẫu trả lại bài. Hồi ấy, các anh toà báo đã chỉ cho tôi trông thấy Học Phi. Học Phi ngồi trên giường có cái chăn dạ xám bên cạnh, chăm chú đọc bằng tiếng Pháp tiểu thuyết Người mẹ của Goócky. Truyện dài Xung đột của anh ký tên Tử Văn đương đăng từng kỳ trên báo Tin Tức. Tôi không thấy hay. Nhưng tôi phục truyện ấy vì truyện đã đăng trên báo công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Bấy giờ được gặp và quen ở đây, tôi cũng thật cảm động.
Tôi cũng đương thành người viết văn và hoạt động cách mạng. Tôi ngẫm nghĩ, đây là cuộc họp quan trọng.
Trời đã tối, Uy đưa chúng tôi lên cái gác sân thượng sau nhà, tảng như ngồi chơi. Ở đấy đứng lên, thấy cái dốc vào Ngũ Xã trong hồ Trúc Bạch dưới chân tường. Uy nói: Chúng ta bắt đầu họp. Và lần lượt đọc tuyên ngôn chương trình, điều lệ Việt Minh. Lại nói từ nay chúng ta là một tiểu tổ, cùng chí hướng đánh Pháp đuổi Nhật, theo điều lệ, tôn chỉ mục đích Việt Minh, hàng tháng đóng tiền nguyệt liễm vào quỹ đoàn thể.
Trong bóng đêm hè bao phủ tối đen cái gác sân sau, trên đầu mảnh sân phơi cong queo những sợi dây thép làm cho tôi cảm tưởng như ngồi trong lưới. Nhưng ngoài cái lưới dây thép ấy bao la từng chùm sao nghiêng xuống và mặt nước sông Hồng đằng kia cuốn đi những ánh sao rơi. Ý nghĩ của tôi mênh mông xa và đầy tưởng tượng kỳ ảo lang thang ra ngoài cuộc họp trên cái sân gác chật chội này.
Ngoảnh lại mấy năm trước, tôi phải thôi học, vào đời, bó buộc vào đời, không biết đời đưa đẩy mình đến đâu. Chỉ mấy năm mà lúc nào cũng cảm thấy dài thế, ngổn ngang thế, những chua chát, những mỉa mai, những chờ đợi. Niềm mơ ước mờ mịt, chắp nối, lông bông và thật cũng không biết ước mơ gì.
Hôm nay cách mạng đến với tôi trên chặng đường mới.
Mỗi chặng đường sâu vào cuộc đời, những ước mơ lại như những đợt sóng dồn về một hướng nước. Từ đây, tôi là người viết văn có lý tưởng cộng sản. Trong bóng tối đêm ấy và trong cuộc sống của tôi lúc ấy, tôi thấm thía nhận ra đời mình đã ràng buộc thật sự với lý tưởng ấy không phải mới bây giờ mà từ khi hoạt động phong trào Ái hữu thợ dệt Hà Đông.
Ít lâu sau, Như Phong đến tìm tôi, lại hẹn xuống họp ở nhà Uy.
Lúc ấy gần tối, chỉ có Vũ Quốc Uy với Như Phong và tôi.
Đương ngồi nói chuyện, có một người bước vào ánh đèn. Anh bé choắt, lượt thượt cái vạt áo dài ma-ga tóc đen nhánh. Anh đội mũ “cát” vải màu đỏ kệch, đeo kính trắng cận thị, như cậu học trò trường huyện. Tôi tưởng ai hỏi gì, nhưng thấy Uy đã đứng dậy và bảo chúng tôi lên cái gác sân sau như lần trước.
Anh người bé nhỏ nọ cũng lên theo. Uy giới thiệu đây là đồng chí cán bộ về nói chuyện tình hình. Tên anh là Bé(2).
Anh Bé như đã biết tôi. Anh hỏi thăm tôi đương viết gì, khiến tôi lúng túng, ngượng nghịu. Anh lại hỏi cách sinh sống của tôi thế nào, có chắc chắn không, mỗi tháng viết được bao nhiêu tiền. Anh so sánh rồi nói thế thì người làm văn nước ta còn khổ, mỗi tháng kiếm mấy đồng bạc chưa được chắc lưng bằng người thợ có nghề. Anh cười, mặt tròn nét hẳn lại. Tôi thấy anh hồn nhiên như trẻ con và anh nói: "Nhưng mà viết văn là nghề tự do, khoái!"
Trong khi họp, anh Bé đặt ra những cách thức khiến tôi vừa lo vừa hào hứng. Tôi có cảm tưởng họp thế mới là họp bí mật.
- Phải giữ thật nghiêm các nguyên tắc để đối phó với tình hình xấu, nếu xảy ra. Khi biết có "chó"(3) đến, trong tay có tài liệu thì nhai nuốt chửng ngay. Ta phân công trước, lúc ấy ai chạy đằng nào cứ thế chạy, không bối rối. Chẳng may đồng chí nào bị "chó" bắt, nó đánh, cứ khai ngồi chơi. Đánh mãi cũng chỉ có thế, không để nó moi được gì.
Anh Bé bảo mọi ngời cần có bí danh. Hễ đi đến nơi hẹn đều đặt dấu hiệu để xem biết trước chỗ mình đến có động hay yên. Nghe dặn những chuyện ấy, tôi cứ dần dần không còn thấy ở anh Bé vẻ ngơ ngác học trò trường huyện đi giày vải Ba ta với cái áo dài ma-ga tóc nữa. Trong cái nhìn và ý nghĩ tôi, anh to lớn lên và hoá thành người cán bộ có những nét ngang tàng khác lạ. Hai bàn tay anh xù xì mốc ráp và gợn chai. Cổ anh ngấn nắng cháy đen. Tôi đoán anh vừa xông pha nắng gió từ nơi xa về đây.
Câu chuyện anh kể, càng tỏ rõ thế.
- Cả nước ta đương sôi nổi cách mạng rồi. Tôi đi công tác qua vùng đồng chiêm, các cụ đồng chiêm suốt đời trong bùn lầy nước đọng, không ra khỏi làng bao giờ, thế mà các cụ hỏi có phải Hồng quân Nga vừa tiêu diệt mấy chục vạn phát xít Đức ở Ucờren, Hồng quân đương phản công khắp các mặt trận không? Rồi các cụ bảo tôi kể tỉ mỉ về từng trận Hồng quân tiến công phát xít Đức ở Kuốc, ở sông Đơniép. Đấy, quần chúng nông dân theo cách mạng, đã học hỏi và tiến bộ như thế...
Anh Bé lại đọc tuyên ngôn, giảng điều lệ và chương trình Việt Minh. Từng đoạn, từng phần, sách lược đối với các giai cấp trong Mặt trận cùng với nhiệm vụ cách mạng của mỗi tầng lớp.
Đêm nay nữa, ở cái gác sân thượng nơi góc phố vắng ấy, bốn chúng tôi ngồi quây lại với nhau chưa kín một mảnh chiếu, trên đầu ngang dọc đan những sợi dây thép ban ngày phơi quần áo, nhưng ngoài kia, đêm thành phố đương dìu dịu vào thu. Trong mênh mông có những chùm sao lóng lánh kỳ lạ Tôi trông thấy trên khắp nước, từng lớp người đã đứng lên trong vị trí của mình, đâu đâu cũng đương sôi nổi phất cờ cứu nước xông ra đánh Pháp, đuổi Nhật. Nước Việt Nam độc lập đương từ từ mọc, như ông trăng đêm rằm tròn vành vạnh ló ra trên đầu ô Yên Phụ và trong bóng dừa, bóng tre làng tôi.
Từ đấy, thỉnh thoảng Như Phong và tôi lại đến nhà Uy họp. Ba chúng tôi thành một tổ bí mật. Tôi hiểu thế mà không hỏi thêm. Trong tình hình mà lúc nào mật thám cũng rình mò quanh mình, công tác ai làm người nấy biết, làm đến đâu biết đến đấy. Tôi không biết Uy làm nghề gì. Những lần sau không thấy Nguyên Hồng, Học Phi đến, tôi cũng không hỏi.
Tôi thường thấy Như Phong ngồi xe tay, xuống xe ở phố gần đấy rồi lững thững đi bộ lại nhà Uy. Như Phong bảo tôi "Như vậy tụi "chó" sẽ tưởng mình đi chơi láo thôi. Luôn luôn ta phải đề phòng "chó và A.B"(4). Như Phong cũng bí mật. Nhưng ít nhất, tôi đã biết nhà anh trước chợ Đồng Xuân có cửa hiệu bán chè và đường cát - nhà buôn lối cổ của những gia đình gốc gác ở Hà Nội.
Mỗi lần họp, tôi đóng một hào làm nguyệt liễm. Cũng đã quen giữ bí mật, đến đầu nhà Uy, tôi dừng lại, nhìn trước nhìn sau, xem có ai theo mình, có con "chó" nào đeo kính râm đứng đằng kia không, rồi tôi còn đi vòng vài lần, đến khi không thấy có người vơ vẩn, tôi mới bước tới cái cột đèn xi măng, nhìn lên. Không thấy có hòn đá đặt đấy. Thế là trong nhà yên, cứ vào.
Có lần, anh Bé trình bày bản Đề cương về văn hoá Việt Nam của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và chúng tôi thảo luận. Tôi không nhớ đã thảo luận những gì. Có thể vì trình độ kém hiểu biết lý luận của tôi. Bởi vì, cũng hồi đó, nghe cắt nghĩa quyển Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa, tôi lại nhớ rành rọt, cụ thể.
Quyển sách nhỏ Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa có những đoạn tôi chú ý đến thuộc lòng.
"Lấy gì để đánh quân thù? Một dân tộc bị áp bức cũng như một giai cấp bị bóc lột, muốn tự giải phóng phải cầm vũ khí thẳng tay mà chiến đấu. Không thể tay không mà đánh giặc. Dân ta muốn đánh đuổi Nhật Pháp cũng không thể không sắm sửa và tận dụng võ khí. Có hai cách kiếm võ khí là tự chế, mua và chiếm của giặc.
I. Dân ta phải tự chế một phần võ khí thì lúc nổi dậy mới có cái mà giết giặc. Bởi vậy, ngay từ nay, mỗi đội tự vệ hay tiểu tổ du kích phải sắm cho đủ những thứ này:
a) Võ khí để đánh: dao chiến đấu (mỗi đội viên 1 con) gậy tày (mỗi đội viên một cái), giáo hay đinh ba (ít nhất mỗi đội 2 cái) Ngoài ra, có võ khí gì hơn càng hay (ví dụ: súng, nỏ v. v...).
b) Khí cụ dùng để phá hoại (chung cho cả đội) một đôi lắc lê mở bù loong, một đôi cuốc chim, một đôi xẻng lục lộ, một cái kìm bấm để cắt dây thép. Ngoài ra, có mìn, thuốc nổ, cưa thép, búa tạ, càng hay.
Chú ý: muốn đánh những thứ trên đây, tất cả cái hội viên cứu quốc từ nay phải tìm kiếm, tích trữ những miếng sắt vụn hay những đồ dùng bằng sắt có thể dùng để đánh võ khí.
"Các đồng chí!
"Các chiến sĩ cứu quốc!
"Thời cuộc thế giới biến đổi rất nhanh. Phe Đồng minh (Anh, Mỹ, Nga, Tàu) càng đánh càng thắng. Phe phát xít xâm lược đã bắt đầu tan rã với việc phát xít ý thua bại và còn tan rã hơn? Quân Đức Hít-le đương bị Hồng Quân Nga đánh cho thua liểng xiểng. Mai đây, mặt trận thứ hai chính thức mở ở Tây Âu và Hồng quân tổng phản công một nhịp ở Đông Âu thì quân Đức sẽ bị kẹp nát giữa hai gọng kìm ghê gớm. Cách mạng sẽ bùng nổ tại Pháp, Bỉ, Hà, tại các thuộc địa khác của Đức và ngay tại Đức nữa.
"Bên Viễn Đông, cuộc phản công của Đồng minh lấy lại Diến Điện đã bắt đầu. Nếu phát xít Đức ngã quỵ ở châu Âu, thì phát xít Nhật sẽ mất hết vây cánh. Đi đôi với cuộc tổng phản công của Anh, Mỹ, Nga, cuộc kháng chiến của Tàu sẽ thắng lợi hoàn toàn. Phong trào phản chiến ở Nhật và các thuộc địa Nhật sẽ mỗi ngày một sôi nổi thêm.
"Ở Đông Dương, Nhật nghi kỵ Pháp và ghen ăn với Pháp. Pháp căm tức Nhật và chán cảnh làm đầy tớ cho Nhật. Nhật sửa soạn truất quyền Pháp và cho bọn Việt gian phản quốc lập chính phủ bù nhìn. Phần đông người Pháp chỉ đợi quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật là quay lại bắn Nhật.
Hai kẻ thù Nhật Pháp ngày càng xung đột nhau dữ dội và tự làm cho nhau yếu sức.
"Tất cả các lực lượng tự do và tiến bộ trên thế giới đang cùng chúng ta chiến đấu, tình thế Đông Dương ngày một có lợi cho cuộc vận động cách mạng dân tộc giải phóng của ta.
"Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội ngàn năm có một đặng giành quyền độc lập, đuổi kịp năm châu.
"Chúng ta phải hăng hái góp phần vào cuộc chiến đấu chung của thế giới chống lũ mọi phát xít, mưu hoà bình, hạnh phúc cho loài người.
"Những rên xiết, kêu than của dân tộc, làm cho máu ta sôi lên. Lịch sử hơn bốn nghìn năm chiến đấu của dân tộc ta tiến bước.
"Tình thế không cho phép chúng ta chậm chạp nữa. Hãy tích cực sửa soạn khởi nghĩa đặng bẻ xiềng, tháo ách cho dân tộc.
Các đồng chí cứu quốc! Toàn quốc đồng bào ta đang trông đợi nơi các đồng chí. Tất cả các tổ chức Việt Minh hãy ganh đua thực hành những chỉ thị trên đây. Các đồng chí kỳ bộ phải hết sức đôn đốc và kiểm soát việc thi hành chỉ thị và báo cáo lên thượng cấp những kết quả xác thực.
"Chúng ta phải thắng và chúng ta nhất định sẽ thắng!
"Ngày mai vẻ vang của dân ta không xa nữa.
"Đánh đuổi phát xít Nhật – Pháp!
"Tinh thần tích cực sửa soạn khởi nghĩa muôn năm!
"Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm?(5)
Cứ khi nào nghĩ đến những điều trên trong tôi lại dạt dào thấy khắp nước đương vào thời kỳ mới.
Ngoài đờng tối, từng đám công nhân nhà máy điện Yên Phụ, công nhân nhà in Iđeo(6) đương âm thầm đi men chân tưng đến xưởng làm tua đêm. ở chỗ bờ tường nhà in Iđeo xám dài dằng dặc, từ ngày còn đi học tới giờ, lúc nào tôi cũng thấy lom khom có mấy người phu xe cởi trần đương bán lại cho nhau giờ xe kéo. Lúc thi chửi, lúc thì cười, lúc đánh nhau, chốc chốc lại ồn ã lên. Xã hội cứ bối rối và buồn thảm như thế.
Nhưng biết đâu, thằng Tây biết đâu được bên trong người thợ hay ngời phu xe, Tây biết đâu được chúng tôi ngồi họp trên cái sân thượng bé tí tẹo này, trong người có truyền đơn, có báo cách mạng, có con mắt và tinh thần bao quát nhìn ra thế giới. Mỗi chúng tôi bấy giờ đều trữ lắc lê, kìm, búa, có người có cả súng - như những công việc sửa soạn khởi nghĩa yêu cầu phải sắp sẵn thế.
Có hôm, anh Bé đến nhà tôi trên Nghĩa Đô. Tôi hỏi:
- Khi khởi nghĩa thì Văn hoá Cứu quốc làm gì?
Anh đáp:
- Khi khởi nghĩa, Văn hoá Cứu quốc cầm vũ khí đứng lên xông ra giết giặc nh các giới cứu quốc khác của đồng bào.
Tôi cũng sắm được cái búa đanh, cái kìm và cái đèn Neông hai pin. Lần họp nào cũng kiểm điểm mấy thứ ấy. Chỉ là mấy vật nhỏ ấy làm cho tôi tưởng như đó là việc cuối cùng, việc to nhất góp phần làm nên cách mạng.