Ngày hôm sau toàn dân Paris đổ xô tới khu ngoại ô Saint-Antoine, nơi đã được ấn định cho các sứ thần tiến vào theo cửa đó. Một hàng lính Thụy Sĩ vây lấy đám đông và nhiều binh đội kỵ binh bảo vệ cho các vương hầu và các mệnh phụ phu nhân lên đón đoàn sứ thần.
Chẳng bao lâu ở quãng tu viện Saint-Antoine thấy xuất hiện một toán kỵ mã ăn vận màu vàng lẫn màu đỏ, với mũ trùm và áo choàng có một lớp lông thú bên trong, tay cầm những thanh đao Thổ Nhĩ Kỳ.
Các sĩ quan đi hai bên đoàn người.
Đằng sau toán thứ nhất này là toán thứ hai được trang bị với một vẻ hào nhoáng hoàn toàn Đông phương. Toán này đi trước đoàn sứ thần gồm bốn người trang phục thật lộng lẫy tiêu biểu cho một trong những vương quốc hiệp sĩ đầy huyền thoại của thế kỷ XVI.
Một trong số các sứ thần là giám mục thành Cracovie. Ông bận bộ y phục nửa như giáo chủ nửa như chiến binh nhưng rực rỡ những vàng và đá quý. Con ngựa trắng của ông với bờm lông dài phấp phới, bước chân rất cao, mũi như phì ra lửa khói.Không ai nghĩ rằng từ cả tháng nay con vật cao quý đó phải chạy mười lăm dặm một ngày trên những đoạn đường mà thời tiết xấu đã khiến cho người ta gần như không thể đi lại được.
Bên giám mục là vương gia Lasco, một vương hầu đầy thế lực gần gũi với ngai vàng đến nỗi ông vừa giàu có vừa kiêu ngạo như vua chúa.
Sau hai vị sứ thần chính là hai vương gia thuộc dòng dõi cao sang, rồi đến một đoàn các lãnh chúa Ba Lan mà ngực được phủ đầy lụa là, vàng bạc, châu báu khiến đám thần dân trầm trồ ồn ào thán phục. Quả thực những kỵ sỹ Pháp dù phục sức đã rất sang trọng nhưng cũng hoàn toàn bị lu mờ trước những người mới tới mà họ dè bỉu chê bai là đám man di.
Cho tới phút cuối, Catherine vẫn còn mong mỏi buổi triều kiến sẽ lại được hoãn và quyết định của nhà vua sẽ phải nhường bước trước bệnh tình của ông vẫn đang tiếp diễn. Nhưng tới ngày đã định, khi bà thấy Charles mặt tái xanh như một hồn ma khoác chiếc hoàng bào lộng lẫy vào người thì bà hiểu rằng bề ngoài mình vẫn phải cúi đầu khuất phục trước ý chí sắt đá đó. Và bà bắt đầu tin rằng nơi đi đày lộng lẫy của Henri d Anjou là chỗ ẩn thân chắc chắn hơn cả cho ông.
Trừ vài lời đã nói khi ông vừa mở mắt lúc Thái hậu bước ra khỏi phòng làm việc, Charles không hề nói gì với Catherine kể từ hôm có vụ rắc rối khiến ông bị lên cơn đến suýt bỏ mạng.
Ai nấy ở Louvre đều biết giữa Thái hậu và nhà vua đã có chuyện đôi co khủng khiếp mà không biết rõ được nguyên nhân. Những kẻ táo gan nhất cũng run sợ trước sự lạnh lùng câm nín này như loài chim hoảng sợ trước sự bình lặng đầy đe doạ đi trước cơn giông.
Tuy nhiên ở Louvre, mọi thứ đều được chuẩn bị, dường như không phải cho một buổi hội hè mà là để cho một nghi thức tang lễ nào đó. Mọi người đều tuân lệnh với kẻ thụ động tẻ nhạt. Người ta biết rằng chính Catherine cũng gần như phải run sợ và ai nấy cũng đều run sợ theo.
Phòng khách lớn của lâu đài đã được chuẩn bị. Vì những nghi lễ kiểu này thường vẫn công khai nên vệ binh và lính gác được lệnh để cho các sứ thần và cả đám dân chúng được vào cho tới khi chật hết các phòng và sân cung thì thôi.
Về phần Paris, quang cảnh của nó vẫn là quang cảnh mà thành phố lớn này vẫn thường phô ra vào những dịp tương tự: nghĩa là rặt những hối hả với tò mò. Tuy vậy, kẻ nào để ý nhìn kỹ người dân thủ đô ngày hôm ấy thì có thể nhận thấy những gương mặt thị dân ngây thơ thộn ra, có không ít người quấn mình trong những chiếc áo choàng lớn, đưa mắt, vẫy tay ra hiệu cho nhau khi họ ở cách xa nhau hoặc thì thầm trao đổi vội vàng vài lời đầy ý nghĩa khi họ ở gần nhau. Vả lại, những kẻ này có vẻ rất bận tâm tới đám rước, là những người theo sát nó và dường như nhận mệnh lệnh từ một cụ già đáng kính mà đôi mắt đen nhánh tinh anh để lộ rõ vẻ nét lanh lợi trái hẳn với chòm râu bạc trắng và cặp lông mày ngả màu tiêu muối. Quả tình, hoặc do chính sức mình, hoặc được sự cố gắng của đồng đội giúp sức, ông cụ này là một trong những người đầu tiên lọt được vào Louvre.
Nhờ sự thông cảm của viên chỉ huy lính Thụy sĩ vốn là một tay Tân giáo dù đã cải đạo vẫn mang rất ít tính Gia tô giáo, cụ già đã xoay xở được một chỗ đằng sau các sứ thần, đứng trước mặt Marguerite và Henri de Navarre.
Được De Mole báo trước rằng de Mouy sẽ dự buổi lễ dưới một hình thức cải trang nào đó, Henri đưa mắt nhìn tứ phía. Cuối cùng ánh mắt ông gặp mắt cụ già và ông không rời ánh mắt ấy; de Mouy ra dấu làm tiêu tan mọi nghi ngờ của vua Navarre. Chàng cải trang khéo đến nỗi chính Henri cũng không ngờ được rằng ông cụ già với chòm râu bạc phơ này lại có thể là viên thủ lĩnh Tân giáo kiên cưởng đã tự vệ một cách can đảm đến thế năm sáu ngày trước đây. Henri ghé tai hoàng hậu nói nhỏ một lời khiến ánh mắt nàng cũng hướng về de Mouy. Rồi đôi mắt đẹp của nàng lướt qua tận những dãy cuối của sảnh đường: nàng tìm De Mole mà không thấy.
De Mole không có mặt ở đây.
Các bài diễn văn bắt đầu. Bài đầu tiên được dành cho đức vua, nhân danh Nghị viện, Lasco xin phép nhà vua chấp thuận cho việc ngai vàng xứ Ba Lan được dâng lên một ông hoàng của hoàng tộc Pháp.
Charles trả lời bằng một lời đồng ý ngắn gọn và chuẩn xác. Ông giới thiệu quận công d Anjou hoàng đệ, ngợi khen lòng dũng cảm của ông này với các sứ thần Ba Lan. Ông nói bằng tiếng Pháp, cứ mỗi một đoạn lại có người phiên dịch lời ông. Và mỗi khi đến lượt phiên dịch nói, người ta có thể thấy nhà vua đưa lên miệng một chiếc mùi soa và mỗi lần mùi soa rơi khỏi miệng ông lại là một lần thấm máu.
Khi câu trả lời của Charles đã dứt, Lasco quay sang quận công d Anjou nghiêng mình và bắt đầu một bài diễn văn tiếng latinh trong đó nhân danh dân tộc Ba Lan ông xin dâng ngai vàng cho quận công Quận công cũng trả lời bằng thứ tiếng đó. Với giọng nói mà ông hoài công kiềm chế nỗi xúc động, ông bày tỏ lòng biết ơn được chấp nhận niềm vinh dự dành cho ông. Suốt trong lúc quận công nói, Charles đứng mím môi, mắt nhìn chằm chằm, bất động và đầy đe doạ như ánh mắt một con chim ưng.
Khi quận công d Anjou dứt lời, Lasco đỡ lấy chiếc vương miện của dòng họ Jagellons(1) đang được đặt trên một tấm đệm nhung đỏ, trao nó cho Charles trong khi hai vị vương hầu Ba Lan khoác chiếc áo hoàng bào lên mình quận công d Anjou.
Charles ra hiệu cho ông em. Quận công d Anjou tới quỳ trước mặt ông và Charles tự tay mình đặt vòng vương miện lên đầu d Anjou, rồi hai vị vua trao đổi với nhau một cái hôn thù hận nhất mà chưa bao giờ anh em ruột lại có thể làm như vậy.
Một viên truyền lệnh sứ tức thì hô lớn:
"Alexandre Edouard Henri nước Pháp, tước quận công d Anjou, vừa được tấn phong vua Ba Lan. Đức vua Ba Lan vạn tuế!"Toàn thể cứ toạ cũng đồng thanh hô lên:
"Đức vua Ba Lan vạn tuế!"Khi đó Lasco bắt đầu quay sang Marguerite. Bài diễn văn dành cho bà hoàng xinh đẹp được để đến cuối cùng. Và vì đây là một cử chỉ lịch thiệp để làm nổi bật tài năng của nàng nên ai nấy đều rất chú ý đến bài đáp từ của nàng soạn bằng tiếng Latinh. Chúng ta đã biết rằng chính Marguerite đã tự soạn lấy bài diễn văn này.
Diễn văn của Lasco cho thấy đó đúng ra là một lời ca ngợi thì hơn là một bài diễn văn. Dù là dân Sarmate thật đấy, nhưng ông vẫn bị bà hoàng xinh đẹp xứ Navarre chinh phục. Bằng ngôn ngữ của Ovide nhưng mượn giọng văn của Ronsard, ông nói rằng khi rời Varsovie ra đi vào giữa đêm tối mịt mùng, ông và các bạn đồng hành ắt đã không thể biết được đường đi nếu như không được hai ngôi sao sáng dẫn đường như các vua mages(2) thuở trước. Những ngôi sao đó ngày càng trở nên sáng chói khi họ tới gần nước Pháp và giờ đây họ nhận ra đó chẳng phải gì khác hơn ngoài đôi mắt đẹp của hoàng hậu Navarre. Rồi chuyển từ kinh Phúc âm sang kinh Coran, từ xứ Syrie tới xứ Arập Pétrée, từ Nazereth tới La Mesque ông kết thúc bài diễn văn của mình nói rằng giờ đây sẵn lòng làm điều mà các tín đồ nhiệt thành của Đấng Tiên tri(3) đã làm, một khi họ đã có diễm phúc được nhìn thấy mộ của Đấng Tiên tri, họ tự chọc thủng mắt mình vì xét rằng sau khi được nhìn thấy một điều tốt đẹp đến thế thì trên đời này chẳng còn gì đáng để chiêm ngưỡng nữa.
Bài diễn văn được nhiều nhiều biết tiếng Latinh nhiệt liệt vỗ tay vì họ cũng đồng ý với diễn giả và cả những người không biết tiếng cũng vỗ tay vì họ muốn tỏ ra là mình cũng biết.
Trước hết Marguerite duyên dáng cúi chào vị vương hầu Sarmate lịch thiệp, rồi vừa trả lời viên sứ thần, mắt đăm đăm nhìn vào de Mouy, nàng bắt đầu bằng những lời sau:
"Sự có mặt không ngờ của ngài tại triều đình này khiến chồng tôi và tôi vô cùng vui sướng nếu nó không đem lại một điều bất hạnh lớn; đó là việc mất đi không những một người anh, mà còn là một người bạn".
Những lời đó có hai nghĩa, vừa được dành cho de Mouy, cũng có thể là để nói với Henri d Anjou. Vì vậy nên ông này cúi chào tỏ ý biết ơn.
Charles không nhớ là mình có được đọc câu này trong bài diễn văn trình qua vài ngày trước hay không, nhưng ông. không coi trọng lắm những lời như vậy của Marguerite vì cho rằng đó chỉ là một bài diễn văn xã giao bình thường. Vả lại ông hiểu tiếng Latinh rất kém.
Marguerite tiếp:
"Chúng tôi tuyệt vọng vì phải chia tay với anh trong khi chúng tôi những muốn được ra đi cùng anh. Nhưng cái số phận đã buợc anh phải rời ngay Paris, số phận ấy cũng ràng buộc chúng tôi ở lại thành phố này. Vậy hãy đi đi, người anh yêu quý hãy đi đi, người bạn thân yêu, hãy ra đi không có chúng tôi. Niềm hy vọng và mọi ước muốn của chúng tôi cũng đi theo anh".
Người ta dễ đoán được rằng de Mouy lắng nghe rất chăm chú những lời tuy là nói với các sứ thần, chính ra lại chỉ để cho chàng. Henri cũng hai ba lần lúc lắc đầu tỏ ý phủ nhận để chàng trai Tân giáo hiểu rằng d Alençon đã từ chối, nhưng cử chỉ này vốn có thể do ngẫu nhiên gây ra dễ bị de Mouy coi là chưa đủ nếu như không có những lời của Marguerite khẳng định thêm. Tuy nhiên, trong khi de Mouy chăm chú nhìn và lắng nghe Marguerite thì đôi mắt đen sáng long lanh, dưới cặp lông mày xám bạc của chàng khiến Catherine sửng sốt. Bà giật mình và không rời mắt khỏi phía này.
"Mặt mũi lạ nhỉ - Bà vừa lẩm bẩm vừa tiếp tục giữ vẻ mặt mình cho thích hợp với các quy tắc lễ nghi - Cái kẻ đang nhìn Marguerite chăm chú kia là ai nhỉ? Mà Marguerite và Henri cũng nhìn y ghê lắm".
Tuy vậy, hoàng hậu Navarre tiếp tục bài diễn văn mà từ đoạn đó trở đi là để đáp lại những lời lịch thiệp của sứ thần Ba Lan.
Trong khi Catherine cố moi óc đoán xem tên của ông già đẹp lão này thì viên chủ lễ tiến lại gần bà từ phía sau, trao cho bà một túi nhỏ bằng satanh thơm phức trong có một tờ giấy gấp tư.
Thái hậu mở túi, rút giấy ra và đọc:
"Nhờ một thứ thuốc tăng lực mà tôi vừa trao cho. Maurevel đã hơi khỏe và có thể biết được tên người đã có mặt trong phòng đức vua Navarre. Đó là ông de Mouy".
"De Mouy! - Thái hậu nghĩ - Thế đấy, ta đã linh cảm thấy mà. Nhưng cái lão già kia… Ô, quái nhỉ!… Lão già kia, là…"
Catherine mắt đờ ra miệng há hốc.
Rồi bà nghiêng người xuống bên tai viên chỉ huy vệ binh đứng cạnh bà:
- Nhìn kìa, ông de Nancey, nhưng đừng có lộ liễu quá, nhìn vương hầu Lasco đang nói kia kìa. Sau lưng ông ta… đúng rồi, ông có thấy một ông già râu bạc, mặc đồ nhung đen không?
- Thưa lệnh bà có - Viên chỉ huy trả lài.
- Được lắm, đừng có rời mắt khỏi y nhé.
- Cái người mà đức vua Navarre đang ra hiệu có phải không ạ?
- Đúng thế. Ông lấy mười người ra đứng ngoài cửa, và khi y đi ra hãy nhân danh đức vua mà mời y ở lại dự tiệc. Nếu y đi theo ông, thì hãy dẫn vào một phòng và giữ y ở đấy. Nếu y kháng cự lại thì sống hay chết cũng bắt cho bằng được. Thôi đi đi!
May thay Henri vốn chẳng quan tâm mấy đến bài diễn văn của Marguerite lắm mà đã để mắt đến Catherine và không để lọt qua một sự biến đổi nào trên gương mặt của Thái hậu. Khi thấy Thái hậu chăm chú nhìn de Mouy như thế, ông đã cảm thấy lo lắng, khi thấy Thái hậu ban lệnh cho viên chỉ huy vệ binh, ông lập tức hiểu ra hết.
Chính lúc đó ông đã ra hiệu cho de Mouy và bị ông de Nancey bắt gặp. Cử chỉ đó, trong ngôn ngữ tín hiệu có nghĩa là: "Anh bị lộ rồi, trốn đi ngay lập tức".
De Mouy kịp hiểu dấu hiệu đó, nó cũng rất khớp với đoạn diễn văn của Marguerite dành cho chàng. Không để nói nhiều lời, chàng lẩn vào đám đông và biến mất.
Nhưng Henri chỉ yên tâm khi thấy ông de Nancey quay lại chỗ Catherine và vẻ cau có trên gương mặt Thái hậu làm ông hiểu rằng ông này đang báo cho bà biết là ông ta đã bị chậm trễ. Buổi triều kiến chấm dứt. Marguerite còn trao đổi vài lời không chính thức với Lasco.
Nhà vua lảo đảo đứng dậy, cúi chào và dựa vào vai Ambroise Paré để đi ra. Từ khi có sự cố xảy ra, ông thầy thuốc không rời Charles một bước.
Catherine mặt nhợt nhạt vì tức giận, cùng Henri câm lặng trong đau buồn đi theo sau nhà vua.
Về phần quận công d Alençon, ông đóng một vai trò hoàn toàn mờ nhạt trong buổi lễ. Ánh mắt Charles vốn không rời quận công d Anjou lấy một phút, không lúc nào dừng lại ở ông.
Vị tân vương Ba Lan cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Bọn lũ người mọi rợ phương Bắc này bắt rời xa bà mẹ, ông ta cũng như Antée con trai nữ thần Đất bị mất sức mạnh của mình khi bị Hercule nhấc bổng lên trong tay. Một khi đã ra ngoài biên giới, quận công d Anjou tự coi như vĩnh viễn bị loại khỏi ngai vàng nước Pháp.
Vì vậy đáng lẽ đi theo nhà vua thì ông lại lui về cung Thái hậu. Ông ta thấy bà cũng đăm chiêu u ám như ông, vì bà đang nghĩ tới gương mặt thanh tú nhưng giễu cợt mà bà đã không rời mắt khỏi trong suốt buổt lễ, tới cái tay người Bearn mà dường như số phận đang dọn chỗ bằng mọi cách để quét sạch quanh y các vị vua và hoàng tử sát nhân, những kẻ thù và vật trở ngại đối với y Thấy mặt đứa con cưng tái nhợt dưới vòng vương miện, người như muốn khụyu xuống dưới chiếc hoàng bào, lặng lẽ chắp đôi bàn tay đẹp giống mẹ lại khẩn cầu bà, Catherine đứng dậy tới gần ông ta.
- Ôi mẹ ơi - Vua Ba Lan thốt lên - Bây giờ con đành phải chịu bỏ xác ở nơi lưu đày thôi!
- Con ạ, sao con nhanh quên lời tiên tri của René thế? Cứ yên tâm, con sẽ không ở đó lâu đâu.
- Mẹ ơi, con khẩn khoản xin mẹ hãy báo tin cho con biết ngay khi có chút lời đồn đại nào, chút dấu hiệu nào cho thấy ngai vàng Pháp có thể bị bỏ trống…
- Con hãy an tâm - Catherine đáp - Cho tới cái ngày mà chỉ hai mẹ con ta đều chờ đợi đó, lúc nào trong chuồng ngựa của ta cũng có một con ngựa yên cương sẵn sàng và trong tiền phòng của ta một người đưa tin lúc nào cũng có thể sẵn sàng lên đường tới Ba Lan.
Chú thích:(1) Trị vì Ba Lan từ 1386 đến 1572
(2) Các vua mages đã được sao dân đường tới chỗ Chúa Giêsu ra đời
(3) Prophète = Đấnbg tiên tri Chỉ giáo chủ Mohamet đạo Hồi.